Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 34

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những bí mật về tình báo Trung Hoa (Kỳ 1)

(An ninh quốc tế) - Đối với nghề gián điệp thì các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các cơ quan tình báo Trung Quốc chẳng có gì mới mẻ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vận dụng các kiểu mẫu này một cách độc đáo. 
Để thu thập tin tức tình báo, Bộ An ninh Quốc gia tuyển dụng một số lượng các công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Các quan chức phản gián cao cấp Mỹ đã so sánh kỹ thuật tình báo kinh điển của Liên Xô thấy rằng nước này sử dụng rất ít người để thu thập tin tức, còn với Trung Quốc thì lại khác. Phương thức hoạt động của Trung Quốc đặt ra khá nhiều vấn đề cho các cơ quan hành pháp Mỹ.
Harry Godfey III, Giám đốc cơ quan phản gián FBI Mỹ nói: “Bạn thấy đấy, với các mục tiêu nhắm tới, họ đã kiếm chác thu lượm một cách riêng rẽ, gặm nhấm dần dần lúc này, lúc khác và bạn không có chứng cứ rõ ràng để nói rằng chúng ta phải tố cáo những vụ gián điệp này.”
Hầu hết các hoạt động thu thập tin tức của Trung Quốc không có gì tinh vi, phức tạp, nhưng những yếu điểm này đã được bù đắp bằng số lượng đông đảo của các điệp viên. Để tiến hành các hoạt động gián điệp tại Hoa Kỳ, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã ném vào chiến trường này:
– 1.500 các nhà ngoại giao và cán bộ thương vụ.
– 70 cơ sở văn phòng của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
– 15.000 sinh viên Trung Quốc tới Mỹ hàng năm.
– 10.000 khách du lịch trong 2.700 đoàn hàng năm.
– Một cộng đồng người Hoa đông đảo.

Trong những năm gần đây, các hoạt động thu thập tin tức bí mật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Hoa Kỳ đạt được một số cao điểm là khoảng 50% số vụ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ kiểm tra hàng năm ở bờ biển phía Tây có liên quan tới Trung Quốc. Con số này rất có ý nghĩa khi kiểm tra những sổ sách thống kê của đơn vị tăng cường kiểm tra xuất khẩu, thuộc Vụ Bảo vệ nội vụ, Bộ Tư pháp và được xuất bản trong cuốn “Những trường hợp kiểm tra xuất khẩu đáng lưu ý” từ 1-1981 đến 5-1992.
Những con số thống kê của cuốn sách này đã chỉ ra rằng chỉ 6% của 272 trường hợp đáng chú ý có liên quan tới Trung Quốc và 62,5% của các trường hợp này xảy ra ở bờ biển phía Tây. Hơn nữa, 13,4% những vụ đã xảy ra được liệt kê trong cuốn “Những trường hợp cưỡng chế xuất khẩu”, từ cuối tháng 1/1986 đến 31/3/1993 đều có liên quan đến Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Phần lớn những cố gắng của gián điệp Trung Quốc tại các nước công nghiệp phát triển là nhằm vào việc lấy trộm kỹ thuật loại trung bình mà các nước này chưa cho phép xuất khẩu. Song những thứ mà tình báo Trung Quốc tìm kiếm được một cách bất hợp pháp này đã ít được các cơ quan bảo vệ luật pháp và tòa án (như Cơ quan công tố cũng như Tòa án bang và liên bang) chú ý bằng các vụ mất cắp công nghệ quốc gia. Do đó các hoạt động thu thập tình báo công nghệ – kỹ thuật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã diễn ra tương đối suôn sẻ, ít gặp cản trở.
Qua việc phân tích trên máy điện toán các hoạt vụ đánh cắp công nghệ đã bị vạch trần trên đất Mỹ khiến ta nhận ra 3 kiểu hoạt động cơ bản của họ.
Thứ nhất: Người cộng tác được tuyển chọn ngay tại Trung Quốc yêu cầu người này giành lấy kỹ thuật công nghệ trong mục tiêu khi ra nước ngoài.
Thứ hai: Các công ty nhà nước Trung Quốc mua thẳng của các công ty Mỹ những loại kỹ thuật công nghệ mà Trung Quốc đang tìm kiếm. Trong làng tình báo người ta gọi kiểu này là hành động táo bạo và liều lĩnh.
Thứ ba: Đây là kiểu hoạt động phổ biến nhất. Trang thiết bị kỹ thuật cao cấp được các điệp viên mua thẳng ở Hongkong.
Phương pháp hữu hiệu nhất của Trung Quốc trong việc tìm kiếm công nghệ tiên tiến của nước ngoài là gửi các nhà khoa học đi ra nước ngoài theo các chương trình trao đổi kỹ thuật. Mỗi năm có hàng ngàn công dân Trung Quốc đến Mỹ để buôn bán, hợp tác khoa học và những chuyện tương tự. Thủ tục khai thác tình báo công khai là để những người đi về khai báo tình hình để xem liệu có tin tức gì hữu ích qua quá trình quan sát hay không.
Song Bộ An ninh quốc gia cũng như cơ quan tình báo quân sự đã khai thác mạnh hơn qua những cơ hội này bằng cách tuyển mộ một số trong những người ra đi để thực hiện những hoạt vụ đặc biệt cho họ. Thường thì những người ra đi được giao nhiệm vụ thư từ hoặc thu thập tin tức.
Phương pháp thu tin bí mật này trở nên công khai tại Hoa Kỳ vào ngày 29/9/1988 này Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho nổ quả bom hạt nhân đầu tiên của mình. Theo điều tra của FBI sau đó cho biết, công nghệ dùng để chế tạo thiết bị này không phải của Trung Quốc mà kiếm từ phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở Livemore, California.
Vào những năm giữa thập kỷ 80, việc bảo vệ phòng thí nghiệm này khá sao nhãng, lỏng lẻo khi mà có khá nhiều đoàn – trong đó có cả đoàn được gọi là các nhà khoa học Trung Quốc – tới thăm mà không có việc kiểm tra theo dõi thỏa đáng. Bản điều trần của FBI đã khẳng định có mấy nhà khoa học Trung Quốc hoặc có quan hệ chặt chẽ với Bộ An ninh quốc gia, hoặc chính họ là các sỹ quan tình báo. Bộ An ninh quốc gia rất dễ dàng tuyển dụng điệp viên tại Lawrence Livermore trong thời gian đến thăm nơi này.
Quá trình thu tin qua các chuyến đi của các nhà khoa học hoặc các nhà thương mại chính là phương thức gián điệp cấp thấp. Song qua vụ Lawrence Livermore cho thấy phương thức này cũng rất hữu hiệu nên làm kiểu khác khó lòng thắng lợi. Hơn nữa, sự hiện diện của các sỹ quan tình báo trong các chương trình trao đổi khoa học kỹ thuật còn có nhiều mục đích khác nữa.
1/ Thu thập xác minh tiểu sử một người nào đó được coi là cần cho thu tin tình báo và người này sẽ là mục tiêu tuyển chọn.
2/ Thu thập tin tức về chính phủ nước nhà, cũng như về kế hoạch trang thiết bị công nghiệp nước này.
3/ Kiểm tra, giám sát hoạt động của Hoa Kiều trong công tác đảm bảo an ninh, cũng như sự quan tâm, theo dõi của cơ quan phản gián.
Sự khác biệt giữa sỹ quan tình báo chuyên nghiệp và cộng tác viên thường dễ nhận ra. Những sỹ quan tình báo thường kém hiểu biết về kỹ thuật trong mục tiêu tìm kiếm, trong khi một cộng tác viên lại chẳng có mấy kỹ xảo thu thập tin tức bí mật.
Ví dụ, tại một hội chợ thương mại ở Paris, những tình báo viên quân sự đã theo dõi các đoàn viên của một phái đoàn các nhà khoa học Trung Quốc đang thận trọng nhúng những ca-vát của họ vào một bình dựng dung dịch rửa ảnh do hãng AGFA Đức sản xuất. Mục tiêu của hoạt động gián điệp vụng về này là sau đó các nhà phân tích tình báo nhận được mẫu vật về thuốc rửa ảnh.
Các hoạt động tình báo kỹ thuật bằng việc gửi các đoàn khoa học và thương mại ra ngoài là không hạn chế. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã tìm cách để mua kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến của các công ty Hoa Kỳ, trong khi những thứ này không được phép chuyển nhượng ra ngoài.
Tháng 2-1990, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia, Hoa Kỳ đã thông báo cho các công ty xuất nhập khẩu kỹ thuật hàng không Trung Hoa (CATIC) phải tách khỏi công ty cổ phần chế tạo máy Mamco, một công ty sản xuất linh kiện máy bay ở Seattle.
Chính quyền Bush đã giải thích công khai rằng CATIC đã có một “lịch sử hiềm nghi”, đã tìm kiếm công nghệ hàng không để cung cấp cho lực lượng không quân quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc những khả năng tiếp dầu trên không. Các nhà chức trách bị bối rối hơn khi nghĩ rằng công ty xuất nhập khẩu kỹ thuật hàng không Trung Hoa đã sử dụng Mamco như một đội xung kích để thâm nhập vào lĩnh vực công nghệ bảo mật nhiều triển vọng hơn.
Không thể gắn thẳng việc mua hàng của Mamco với Bộ An ninh quốc gia khi mà hoạt động của cơ quan này đặt trên cơ sở những nguồn tin đã được công bố. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Trung Quốc đã xác định rằng, những ưu tiên trên trong việc thu tin là nhằm đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của chính phủ và của giới quân sự. Để tránh phải có những cố gắng gấp bội, họ phải thường xuyên nắm vững những hoạt động thu thập tin tức đang diễn ra.
Vì vậy, sẽ là điều không thể hiểu được nếu có chuyện mua kỹ thuật – công nghệ cao của công ty nước ngoài với quy mô hoạt động rộng lớn, với những tiềm năng tình báo quan trọng mà lại không có sự hiểu biết và chấp thuận của Bộ An ninh quốc gia.
Điều cần thiết là phải tiến hành nghiên cứu lịch sử của công ty và những tiềm năng có thể cung cấp được những nguồn tin quý giá mà không thể kiếm được từ các nơi khác.
(Còn tiếp)
(Theo PetroTimes)



(PetroTimes) - Điệp viên được nhắc nhở rằng sau khi tới nhà trường bên Mỹ, sẽ gửi về trụ sở liên lạc ở tỉnh nhà một lá thư xác nhận đã đến nơi. Và từ đó về sau, cứ 3 tháng lại gửi về đây một lá thư. Trong lá thư đó phải giả vờ viết về tình hình sức khỏe và tài chính.
Lớp học đã bế giảng hai tháng, trước khi giáo sư lên đường đi Mỹ. Ông đã nghỉ lại trong nhà khách của Bộ An ninh quốc gia ở Bắc Kinh và trong một vài buổi tiếp xúc ban đầu, ông đã được mang cái tên gọn lỏn: "ngài Xu". Vì thời gian quá bức bách, ông chỉ được một tuần lên lớp. Cán bộ Bộ An ninh quốc gia rất hay co giãn về thời gian biểu và họ bảo cho ông biết các bài giảng chỉ có nghĩa là "giúp bạn hiểu được nước Mỹ".
Nội dung học tập là một bản tổng kết về cuộc sống tại Mỹ, những ưu việt của Trung cộng và công cuộc hợp tác giữa các bên và những quy tắc và kinh nghiệm về an toàn cá nhân khi ở nước ngoài.
Loạt bài giảng đầu tiên là về hệ thống thông tin đại chúng Mỹ. Các giảng viên đã giới thiệu cơ cấu tổ chức của các hệ thống báo và tạp chí, cũng như quan hệ giữa quyền sở hữu của các ấn phẩm này với ảnh hưởng, tác động của nó đối với các thế lực bảo thủ và tự do nước Mỹ. Những con người hoạt động trong giới truyền thông này cũng được chia thành hai hoặc ba loại tự do hoặc loại bảo thủ. Ông giáo sự cảm thấy những bài giảng này đã vẽ lên một bức chân dung khá chính xác về hệ thống truyền thông Hoa Kỳ.
Loạt bài giảng thứ hai là về các tổ chức sinh viên Trung Quốc ở Mỹ. Các nhóm chống đối, bất đồng chính kiến đều thuộc loại chống chính phủ. Các sinh viên nằm trong các tổ chức này là chống cộng sản và sẽ "không có tương lai". Ông giáo sư được giới thiệu sơ lược về tác động của các tổ chức đấu tranh đòi dân chủ, nhưng không đi sâu vào chi tiết.
Các cán bộ của Bộ An ninh quốc gia được gợi ý nên dùng các biện pháp khoan hồng, khuyến khích học tập tránh cho thanh niên, sinh viên sa vào các hoạt động chống đối. Ông cũng được cảnh cáo, nhắc nhở không được tham gia vào các tổ chức chống chính phủ.
Loạt bài giảng thứ ba là về nền chính trị Hoa Kỳ. Chủ đề này bao gồm những cơ sở của hệ thống đa đảng, những nguồn gốc của quyền lực chính trị và tệ nạn tham nhũng, hủ bại lan tràn ở nước này. Ông giáo sư thấy những bài giảng này có phần nào thành kiến hằn học, nhưng cũng thể hiện một cái nhìn chính xác về nền chính trị nước Mỹ.
Những bài giảng cuối cùng là về các mục tiêu tình báo ngắn hạn và dài hạn, cách xử sự trong quan hệ, các vấn đề về giao thông, liên lạc, về an ninh trong hoạt động và những điều chỉ dẫn về các cuộc gặp gỡ khẩn cấp. Và ngày cuối cùng của khóa học, người ta đã truyền đạt với ông về nghề nghiệp và chế độ nghỉ hưu của cán bộ Bộ An ninh quốc gia.
Một chút sự thật về tình báo Trung Hoa (Kỳ 2)
Cái phương pháp mà người ta dùng để tuyển mộ vị giáo sư này, cũng như lượng thông tin của các bài giảng rất đáng để chúng ta lưu ý. Các sĩ quan của Bộ An ninh quốc gia đã giới thiệu với người được tuyển mộ rằng ông ta được cơ quan lựa chọn, vì ông ta vừa có học vấn giỏi, lại vừa nhạy bén về các mặt xã hội. Họ đề cao phẩm chất của họ, trong khi lại coi học sinh, sinh viên "chỉ có kiến thức sách vở".
Điệp viên được khuyến khích cần nắm chắc mọi cơ hội để gặp gỡ, tiếp xúc với những nhân vật có (hoặc sẽ có) ảnh hưởng rộng lớn. Những điều được phô bày này đã chỉ ra rằng mục tiêu của cơ quan này của Trung Quốc là đào tạo những điệp viên hoạt động dài hạn. Những người này có khả năng thâm nhập sâu vào các mục tiêu đã định.
Mặc dù Bộ An ninh quốc gia đã động viên giáo sư tăng cường các cuộc tiếp xúc, song thành tích học tập, nghiên cứu cũng luôn được trọng thị như một ưu tiên ngang bằng. Ông đã được bảo cho biết rằng những kiến thức thu lượm được trong quá trình nghiên cứu và phát hiện ở nước ngoài là những thành tựu quan trọng, rất có ý nghĩa, sẽ được phục vụ cho Trung Quốc.
Các viên sĩ quan tình báo này đã cảnh cáo điệp viên rằng có một số học viên trước ông có những "hành vi kém cỏi". Họ đã phản bội Trung Quốc bằng cách trình báo quan hệ bí mật giữa họ và Bộ An ninh quốc gia, với chính phủ Mỹ. Giống như với những phần tử chống đối, bất đồng chính kiến, các viên sĩ quan này cũng nói họ sẽ không có tương lại tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Điệp viên được tuyển dụng lại được nhắc nhở thêm rằng điều quan tâm hàng đầu của họ là sự an toàn của cá nhân điệp viên và rằng không một nguồn tin nào có tầm quan trọng đủ để đem ra đánh đổi bằng an nguy của điệp viên. Việc không tiết lộ với bất kì ai về nhiệm vụ bí mật của mình sẽ đảm bảo an toàn cho các bên hữu quan.
Điệp viên được nhắc nhở rằng sau khi tới nhà trường bên Mỹ, sẽ gửi về trụ sở liên lạc ở tỉnh nhà một lá thư xác nhận đã đến nơi. Và từ đó về sau, cứ 3 tháng lại gửi về đây một lá thư. Trong lá thư đó phải giả vờ viết về tình hình sức khỏe và tài chính. Ngoài ra, phải báo tin ngay về nhà nếu có quyết định thay đổi chuyên đề nghiên cứu.
Trong trường hợp khẩn cấp, điệp viên sẽ được đảm bảo cho biết sẽ sử dụng một trong hai số điện thoại để gọi về tỉnh nhà. Những máy này được nối vào trợ sở của Ủy ban khoa học kĩ thuật và công nghiệp quốc phòng tỉnh. Các sĩ quan đã cảnh cáo rằng phải thận trọng nếu không người Mỹ có thể xác định được địa chỉ gặp gỡ tại Trung Quốc, cũng như nghe được các cuộc điện đàm. Chỉ trong trường hợp khẩn cấp duy nhất, uy hiếp đến tính mạng sống, thì điệp viên mới được tiếp xúc với sứ quán Trung Quốc ở Washington.
Các sĩ quan Bộ An ninh quốc gia đã thông báo với điệp viên rằng trong khi ông ta đi công tác, thì họ đã chăm sóc gia đình ông. Vào những ngày lễ, Tết, gia đình điệp viên đã nhận được thức ăn và tặng phẩm của cơ quan tình báo gửi cho. Điệp viên đã gọi loại tặng phẩm này là "mấy thứ mà tôi không muốn bạn bè tặng cho". Ông được hứa là trong thời gian phái khiển, cứ 2 năm một lần được về nước nghỉ phép. Nếu ông muốn, ông có thể gặp gia đình tại Hongkong hoặc Macao, phí tổn cho việc đi lại ăn ở do cơ quan tình báo thanh toán.
Sau nhiều tuần học tập, ông giáo sư được bảo cho biết ông đã được chọn làm một điệp viên dài hạn và sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu, ông có thể suy nghĩ tới việc xin cư trú lâu dài ở Mỹ và Bộ An ninh quốc gia sẽ giúp đỡ trong việc này. Nếu ông muốn lựa chọn nghề tình báo này, ông sẽ được trả lương và có thể tính thêm các khoản thù lao vào lương hưu và lĩnh ở Trung Quốc.
Sau khi kết thúc khóa huấn luyện, người ta đã dành cho người điệp viên mới này mấy ngày dạo chơi Bắc Kinh, nhưng ông đã khước từ vì thời gian eo hẹp. Ông trở về nhà và sau đó tham dự buổi gặp gỡ thứ năm (bữa tiệc chia tay) với các cán bộ tình báo tỉnh nhà và từ Trung ương xuống. Điệp vien nhận vé xe lửa đi Bắc Kinh và 2.500 đô la Mỹ sau khi kí vào một tờ biên lai.
Điều khá hấp dẫn là kế hoạch của Bộ An ninh quốc gia bố trí cho điệp viên xin nhập cư vào Mỹ. Đây cũng là biện pháp dành cho các điệp viên dài hạn. Nếu điều này xảy ra thì Trung Quốc sẽ có một mạng lưới điệp viên mang quốc tịch Mỹ ra đời ở nước này. Và một trong những mục tiêu của mạng lưới này là làm nhiệm vụ đỡ đầu, bảo trợ cho những người Trung Quốc khác nhập quốc tịch vào Mỹ.
Song điều này phải cần tối thiểu 5 năm, một người mới được được nhập thường trú. Trong khi sử dụng biện pháp tuyển dụng điệp viên ở trong nước rồi gửi đi nước ngoài như trình bay ở phần trên, Bộ An ninh quốc gia đã đưa được các điệp viên dài hạn vào Hoa Kỳ ít ra là từ năm 1986. Nếu Bộ An ninh quốc gia chỉ cần tuyển mộ 1% của 15.000 sinh viên Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm, thì đã có tối thiểu là mấy trăm điệp viên dài hạn hoạt động ở đây rồi.
Năm 1991, Hội sinh viên Trung Hoa học ở Havard là các đại diện của Ủy ban phối hợp quốc gia về công tác học tập và nghiên cứu của sinh viên và học giả Trung Quốc đã tiến hành một đợt điều tra, thẩm vấn 600 sinh viên và học giả, cho thấy 30% được hỏi ý kiến đã cho biết họ đều có kế hoạch định cư tại Hoa Kỳ.
Sẽ là điều hợp lý khi ta nghĩ rằng Bộ An ninh quốc gia sẽ tìm cách khai thác, lợi dụng những cơ hội này để tuyển mộ điệp viên trong số những người này. Bộ An ninh quốc gia sẽ dễ dàng sử dụng phương pháp tuyển mộ bằng gây sức ép đối với số sinh viên đang còn người thân ở đại lục.
Cung cách tuyển dụng điệp viên trong đám người đào thoát trên các vùng biên giới cũng diễn ra tương tự: đe dọa, uy hiếp và hành hạ về thể xác nếu không chịu hợp tác và ưng thuận thì sẽ có tiền thưởng, tiền thù lao. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã xây dựng nhiều trạm tình báo dọc theo đường biên giới với Việt Nam.
Theo báo chí Việt Nam thì có tới 24 trạm như vậy đã đồng thời hoạt động. Các tổ chức của người tị nạn Việt Nam và quốc tế đã mô tả ý đồ của Trung Quốc tiến hành tuyển mộ những điệp viên cấp thấp từ dòng người tị nạn đang rời bỏ Việt Nam ra đi này. Những trung tâm tái định cư tại Trung Quốc như các trại Đông Hưng và Phòng Thành đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tuyển mộ điệp viên của Trung Quốc.
Các nguồn tin công khai cho thấy việc tuyển dụng điệp viên trên đường biên giới là do các cán bộ của Bộ Công an và các sĩ quan quân đội Trung Quốc tiến hành. Công việc này diễn ra ở mức độ cấp huyện phản ánh tư tưởng "chiến tranh nhân dân" của Mao Trạch Đông, các hoạt động phần lớn diễn ra ở cơ sở.
Tại các vùng xa xôi hẻo lánh, dân cư địa phương thường bị các đường biên nhân tạo chia cắt, như dọc theo biên giới Việt - Trung và Miến - Trung. Kết quả là dân chúng địa phương ở bên này biên giới được tuyển mộ để thu thập tin tức từ những người thân thích, bạn bè của mình ở bên kia biên giới.
Quá trình tuyển dụng điệp viên trên biên giới tương đối giản đơn nhưng lại có hiệu quả. Báo chí Việt Nam năm 1980 đã đưa tin về số vụ cụ thể các gián điệp được phía Trung Quốc tuyển mộ hoặc sống gần cận đường biên giới hoặc chạy trốn từ Việt Nam sang. Hà Nội đã buộc tội Trung Quốc lợi dụng các chợ đường biên làm phương tiện để bẫy người Việt Nam sang để tuyển chọn, chiêu mộ. Việc huấn luyện điệp viên được biết là khá đa dạng trên cơ sở nhu cầu thu tin cụ thể.
Các cơ quan tình báo Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã tỏ ra có tính đa dạng và tính thích nghi cao trong các phương pháp tuyển mộ điệp viên. Nó luôn luôn thay đổi để thích ứng với từng cá nhân điệp viên cũng như những điều kiện hoạt động vào thời điểm đó. Tuy vậy, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc vẫn chưa quen với quá trình tuyển mộ các điệp viên là người phương Tây. Lý do chủ yếu là hai nền văn hóa Đông - Tây có những cách biệt ngày càng lớn.
Tóm lại, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc là một cơ quan tình báo năng nổ đang ở tuổi trưởng thành trên võ đài quốc tế. Việc kết hợp giữa một tốc độ phát triển kinh tế cao và sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt đã buộc Trung Quốc phải dựa nhiều vào việc tìm kiếm bất hợp pháp công nghệ cao của nước ngoài nhằm đáp ứng công cuộc hiện đại hóa của họ.
Việc lấy cắp kĩ thuật tiên tiến, việc tiến hành các hoạt động phong phú của Bộ An ninh quốc gia qua ngả Hongkong được coi là an toàn, hợp lý và hiệu quả. Nhà nước yêu cầu Bộ An ninh quốc gia đóng vai trò tíc cực trong việc tìm kiếm kĩ thuật, công nghệ cho công cuộc hiện đại hóa kinh tế và quân sự.
(Còn tiếp)
P.V (tổng hợp)
(PetroTimes) - Là một nhà phân tích tin đối ngoại của CIA và là một người nói thạo tiếng Trung Quốc, Chin có khả năng truyền đi những tin tức kể trên như là chuyển những bản tin tình báo về Trung Quốc và Đông Á, những bản tiểu sử và sự nhận định, đánh giá của những nhân viên CIA đồng sự và những tên gọi, cũng như đặc điểm nhận biết của một cơ quan, một sở, một hãng làm vỏ bọc cho điệp viên.

Chin cũng ở vào một vị trí thuận lợi để cung cấp những nguồn tin về các điệp viên được tuyển mộ ở Trung Quốc. Vì những nguyên tắc ngăn cách bảo mật của CIA khiến Chin không thể biết chắc tên gọi, đặc điểm của các cơ quan ngụy trang và điệp viên đó. Tuy nhiên, Chin có thể dựa vào những nguồn tin mà họ cũng cấp để suy ra địa chỉ, chủ nhân và mức độ đánh giá của sự kiện, sự vật này. Tiếp đó, cơ quan phản gián và bảo vệ nội bộ Trung Quốc sẽ xác minh lại bằng cách biệt phái người của họ tới Mỹ để khẳng định lại sự việc. Mỗi khi điệp viên bị phía Trung Quốc phát giác và thường là bị bắt hoặc mớm những tin giả để những người này chuyển về cho CIA.
Những giả thiết tương đối chắc chắn về các hoạt động tình báo của Mỹ có được xây dựng trên cơ sở những kết quả hoạt động của Chin, cộng với nguồn tin thu được và chuyển về Trung Quốc.
1- Bộ An ninh quốc gia có thể quyết định được những phân tích, đánh giá của tình báo Mỹ chính xác đến mức nào về hoạt động tình báo, về cơ sở của nền chính trị, kinh tế, quân sự của Trung Quốc.
2- Bắc Kinh rất quan tâm thu lượm các nguồn tin về hệ thống truyền thông an ninh của Hoa Kỳ. Điều này đã được chứng thực bằng một phản ứng thuận lợi rằng Chin đã xác nhận với Bộ An ninh quốc gia rằng ông ta có một hợp đồng làm việc tại Cơ quan an ninh quốc gia và đã viết một bản tóm tắt cho cuốn sách có tên là “Lâu đài hư ảo”.
Những bí mật về tình báo Trung Hoa (Kỳ 3)
3- Số lượng các hoạt vụ của hai cơ quan tình báo và phản gián Mỹ đã được dàn xếp thỏa thuận.
4- Những người làm thuê cho CIA luôn nằm trong mục tiêu tuyển dụng của các cơ quan tình báo Trung Quốc.
5- Trước năm 1981, những cố gắng của tình báo Mỹ và đồng minh của họ đã không mấy thành công trong các hoạt động thâm nhập vào cấp cao của Bộ Công an hoặc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc để có thể phát hiện ra những hoạt động của Chin.
Các hoạt động thâm nhập rất có hiệu quả của các cơ quan gián điệp Trung Quốc là điều rất khó hiểu đối với các tổ chức tình báo nước ngoài bao gồm cả cơ quan tình báo của Liên Xô trước đây. Từ thập niên 70 đến giữa thập niên 80, Ủy ban an ninh quốc gia Liên Xô (KGB) đã bị mất nhiều địa điểm hoạt động ở nước ngoài (những trạm cố định làm căn cứ hoạt động) để tuyển dụng một vài điệp viên ít ỏi nằm trong nội bộ các tổ chức tình báo và chính trị Trung Quốc. Những thất bại này thường được giải thích rằng các hoạt động phản gián và bảo vệ nội bộ của Trung Quốc rất có hiệu quả.
Vì chế độ cảnh sát tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quá ư hà khắc và vì hệ thống giám sát ngặt nghèo của những viên chức thuộc các cơ quan đặc biệt đối với dân chúng trong nước cũng như người sống và làm việc tại các cơ quan đặt ở nước ngoài làm cho hầu hết dân chúng Trung Quốc phải sống cuộc sống khổ hạnh để tránh bị trả thù và cũng không đi chệch khỏi những nguyên tắc hành vi đạo đức trước đồng bào của mình.
Những nhận định đánh giá của KGB về hành vi đạo đức của các viên chức Trung Quốc vẫn còn giá trị. Một quy tắc an ninh sơ đẳng mà Bộ An ninh quốc gia đặt cho tất cả các quan chức chính phủ đang làm việc ở nước ngoài là đi lại phải có từ hai người trở lên. Trước khi được cử ra nước ngoài công tác, tất cả mọi người đều phải thông báo về trách nhiệm của họ là phát hiện và khai báo những người không tuân thủ triệt để những quy định về an ninh. Mục đích của chính sách này là giám sát suốt ngày đêm mọi viên chức chính phủ và hạn chế các cơ hội tuyển dụng của tình báo nước ngoài.
Dựa trên những hiểu biết của chúng ta về những quy tắc bảo vệ nội bộ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là sự phân tích nhận định của chúng ta về trường hợp của Chin, chúng ta có thể suy luận ra rằng công tác an ninh đặc nhiệm của các cơ quan tình báo và chính trị của Trung Quốc là rất có hiệu quả. Công tác an ninh đặc nhiệm, giải thích một cách ngắn gọn là việc áp dụng các thủ tục cho mọi loại hoạt động. Các thủ tục này được đặt ra là nhằm ngăn chặn không để kẻ thù hiểu rõ các việc đang làm hoặc nắm được những tin tức tối mật.
Các nguồn tin công khai đã cho rằng các hoạt động gián điệp của Chin bị tiết lộ là do sự phản bội của Yu Zhensan, một trưởng phòng ngoại vụ Bộ An ninh quốc gia gây ra.Vì Chin đã nghỉ hưu và việc giải ngũ đúng hạn định theo các tiêu chuẩn an ninh sẽ không cần phải đưa ra ánh sáng các hoạt động trước đây của ông ta. Hơn nữa, trong một buổi phỏng vấn tháng 11/1995, Chin đã lưu ý Mark R.Johnson, một nhân viên của FBI rằng những tin tức chi tiết cụ thể mà FBI nắm được chỉ có thể đến từ một nguồn cao cấp trong chính phủ Trung Quốc mà thôi. Nhưng các biên bản tòa án đã chỉ ra rằng những cuộc điều tra của FBI và Bộ Tài chính đã được tiến hành vào năm 1982.
Trên thực tế, Cục thuế quan Hoa Kỳ đã ghi lại số khóa nhà của Chin nhân khi khám xét va ly lúc ông này từ Bắc Kinh trở về vào tháng 2 năm 1982. Các thủ tục quá ư tỉ mỉ này được coi như là “cuộc khám xét hải quan triệt để” sẽ không cần đến nếu như không có ai đó bị hiềm nghi và nằm trong danh sách điều tra hình sự được ghi trong máy điện toán tại sân bay của Cục hải quan. FBI đã tiến hành mấy lần kiểm tra nhận diện Chin tại hải quan năm 1981. Cho nên hoặc là Yu Zhensan được Mỹ tuyển mộ làm một điệp viên kiểm tra trước năm 1982 hoặc là Mỹ hay một chính phủ đồng minh nào đó của Mỹ đã có điệp viên cao cấp khác năm trong cơ quan tình báo Trung Quốc. Vì lý do an ninh nên chỉ có rất ít nhân viên tình báo cao cấp được biết về Chin không khác gì Yu được Mỹ tuyển mộ năm 1981 vậy.
(Còn tiếp)
P.V (tổng hợp)
(PetroTimes) - Khi phân tích kỹ hơn trường hợp của Chin, người ta thấy được những kỹ xảo thông dụng trong hoạt động gián điệp của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. 
Việc phân tích trường hợp của Chin, đã làm bộc lộ khá nhiều chuyện về nhu cầu tin tức của Trung Quốc về Hoa Kỳ. Dựa trên những tiêu chuẩn văn kiện, tư liệu thu thập được và chắc chắn hoặc có khả năng đã gửi về Bắc Kinh cho thấy những mục tiêu chủ yếu trong hoạt động này như sau:
1. Các nguồn tin về chính sách ngoại giao, chính trị và kinh tế đối với Trung Quốc.
2. Sự hiểu biết về các hoạt động tình báo ở nước ngoài được chỉ đạo tại Trung Quốc.
3. Những tin tức về nhu cầu nắm bắt tình hình Trung Quốc của Hoa Kỳ.
4. Tiểu sử của các viên sĩ quan tình báo Mỹ.
5. Những chi tiết về khả năng thông tin an toàn.
Khi phân tích kỹ hơn trường hợp của Chin, người ta thấy được những kỹ xảo thông dụng trong hoạt động gián điệp của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. Ví dụ, Chin đã gửi những tin tức, tài liệu mật về Trung Quốc khi ông ta qua Canada và Hongkong. Đây chính là phương pháp trong đó có một điệp viên hoặc một cán bộ hoạt động bất hợp pháp chuyển tin tức tình báo và nhận chỉ thị qua nước thứ 3, có nghĩa là một hoạt động đã diễn ra ở nước thứ 3 hoặc là một mạng lưới hoạt động gián điệp ở bên ngoài. Thực ra mạng lưới này thường hoạt động tại chính quốc gia mục tiêu. Song trường hợp này, viên sĩ quan tình báo đã chuyển chỗ tạm trú và các hoạt động của mình tới nước thứ 3 để có được mức độ an ninh cao cho mình. Thường thì điệp viên này chỉ lui tới nước thứ 3 trong một thời gian ngắn ngủi để che mắt cơ quan phản gián nước mục tiêu không phát hiện ra hoạt động gián điệp của mình. Chin thường chỉ gặp người hẹn - ngài Li - của mình trong cửa hàng ở Toronto bình quân 5 phút mỗi lần. Dấu vết công khai duy nhất của phương thức hoạt động tình báo qua nước thứ ba là các lần đi lại này thường được giải thích là đi nghỉ.
Việc chuyển tài liệu mật và nhận chỉ thị là các hoạt động nghiệp vụ hàng ngày của Chin lại thường diễn ra ở những nước khác hơn là tại Trung Quốc đại lục. Tối thiểu đã có 6 trường hợp chin đã chuyển những cuốn phim chưa tráng cho Bộ An ninh quốc gia của ông ta trong cùng một cửa hàng ở Toronto. Trong những lần khác, ông dựa vào các sĩ quan Trung Quốc tại Hongkong. Trong thông tin liên lạc bí mật, Bộ An ninh quốc gia thích dùng các cộng tác viên hơn là các hộp thư chết.
Khi có được cái gì đó cần gửi về, Chin trước hết phải gửi thư cho một hộp thư ở một trong ba nơi là Quảng Châu, Quảng Đông hoặc Hongkong. Lá thư bí mật báo trước ông ta sẽ tới một nước thứ ba khi nào và ở đâu. Phương thức hoạt động gián điệp kiểu này thường không cho phép chuyển tài liệu một cách nhanh chóng, nhưng lại an toàn hoàn thiện hơn so với chuyển thẳng mục tiêu từ trong nước đi. Tuy nhiên, trong trường hợp văn kiện phản ánh chính sách của Nixon thì Chin lại có cách chuyển nhanh tin tức trong trường hợp khẩn cấp. Hơn nữa, việc dùng kỹ thuật kiểm tra qua nước thứ ba gợi ý cho thấy các cơ quan tình báo Trung Quốc đã biết rõ khả năng nghề nghiệp của các lực lượng phản gián Mỹ.
Việc các hoạt động được kiểm tra từ nước thứ ba là một nhân tố cơ bản của phương thức hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Từ những năm 1950 cho tới nay, các cơ quan tình báo kế tiếp nhau của Trung Quốc đã chỉ đạo các hoạt động ngụy trang chống Hoa Kỳ từ các bàn đạp ở Anh và các nước châu Âu khác. Một phần của các kế hoạch hoạt động ngụy trang là công việc một số người Mỹ và châu Âu đã cộng tác với các cơ quan an ninh Trung Quốc để gây ảnh hưởng tới công luận Mỹ. Trong gần ba thập kỷ qua, nhiều tài liệu tuyên truyền đã từ nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh, Hiệu sách quốc tế, qua trạm bưu điện số 88 ở Bắc Kinh gửi sang Anh, Mỹ qua tay các điệp viên được tuyển mộ ở nhiều thành phố châu Âu.
Các hoạt động này đã diễn ra đặc biệt tích cực thời gian có cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong các chiến dịch tuyên truyền rộng lớn, nhiều người Mỹ đã hoạt động như những điệp viên Trung Quốc thực thụ trong việc tổ chức ra không biết bao nhiêu cuộc biểu tình rầm rộ, các cuộc học sinh, sinh viên ngồi lì trong các khuôn viên để chống chiến tranh trên khắp nước Mỹ. Theo yêu cầu của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, cơ quan tình báo Trung Quốc đã tuyển mộ được một số nhà bác học, các giáo sư và sinh viên trong các hoạt động nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ can thiệp vào Đông Nam Á. Nhiều lãnh tụ của các nhóm này đã thảo luận về các chiến lược hoạt động tại các cuộc họp thường kì ở Bắc Kinh.
Đã có những kiến nghị về việc ghi những tiết mục vào đĩa và gửi sang Bắc và Nam Việt Nam. Tại Nam Việt Nam, các đĩa này có thể đem phát thanh lại cho lính Mỹ nghe. Những đề nghị khác là việc viết thư, truyền đơn và gửi sang Mỹ qua nhiều con đường. Họ muốn thu hút ngày càng nhiều giáo sư và sinh viên vào những mắt xích này càng tốt. Người Trung Quốc đã hình dung ra rằng những gì đã xảy ra sẽ được tiếp tục trong các khuôn viên. Những người cộng sản Trung Quốc đang chứng kiến cuộc chiến đang trên đà tàn lụi vì có phong trào phản chiến như thế này đang đang cao ở Mỹ.
Những bí mật về tình báo Trung Hoa (Kỳ 4)
Hơn nữa, để kiến tạo các hoạt vụ ngụy trang, các cơ quan tình báo Trung Quốc rất tích cực thu thập các nguồn tin công khai từ Mỹ qua các cá nhân hoặc bưu phẩm tại châu Âu. Trước khi Trung Quốc kiến lập quan hệ ngoại giao với Mỹ và chính sách mở cửa đối với phương Tây, tình báo Trung Quốc đã tuyển mộ các điệp viên tại châu Âu để thu thập tài liệu về thương mại, công nghiệp, tình hình các trường đại học, các nhà xuất bản và các Hội khoa học kĩ thuật Mỹ.
Thông thường các nguồn tin này không phải là tin mật, nhưng vì các điều thảo luận ở trên nên các loại sách báo xuất bản từ nguồn công khai và các loại tài liệu về thương mại, về khoa học kĩ thuật đã được các cơ quan tình báo Trung Quốc tiến hành gạn lọc.
Nếu đem so sánh với kỉ nguyên Việt Nam thì các hoạt vụ ngụy trang và những cố gắng thu thập tin tức công khai trong vụ Chin cho thấy những khác biệt lớn lao trong các mục tiêu tình báo. Một mặt nó phơi bày rõ rệt những mưu đồ thâm nhập vào các cơ quan tình báo Hoa Kỳ của Bộ An ninh quốc gia. Mặt khác là những hoạt vụ gián điệp thuyết min cho những mưu đồ đó. Tháng 12 năm 1987, hai nhà ngoại giao Trung Quốc đã bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ vì các hoạt động không tương xứng với thân phận họ. hai người này, gồm có Hoa Desheng, một tùy viên quân sự ở Washington và Zhang Weichu, một nhân viên tòa lãnh sự Trung Quốc ở Chicago đã bị bắt tại một khách sạn ở Washington khi đang mua những tài liệu mật mà họ tin chắc đó là những văn kiện mật của cơ quan an ninh quốc gia, cơ quan này là cơ quan hàng đầu của Hoa Kỳ chuyên tổ chức việc nghe trộm tin tức trên hệ thống thông tin liên lạc của người nước ngoài và tiến hành bảo vệ mạng lưới thông tin về ngoại giao và quốc phòng Mỹ. Hai viên sĩ quan này đã tiếp xúc nhầm với một điệp viên hai mang FBI chứ không phải một nhân viên cơ quan an ninh quốc gia.
Một mưu đồ khác của Bộ An ninh quốc gia định thâm nhập vào cộng đồng tình báo Mỹ đã xảy ra vào tháng 11/1988. Một viên sĩ quan thông tin thuộc Bộ Ngoại giao đã bị thuyên chuyển khỏi nhiệm sở trong sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh sau lần tuyển mộ của Bộ An ninh quốc gia. Những cố gắng này của Bắc Kinh là rất đáng giá bởi vì nếu vụ này mà trót lọt thì đây là chiếc chìa khóa mở tung các cửa phòng thông tin liên lạc ở tất cả các sứ quán Mỹ.
Khái quát lại, qua những hoạt động tuyển dụng này cùng với những gì mà Larry Chin đã làm cho thấy các cơ quan tình báo Trung Quốc đang hoạt động điên cuồng nhằm thâm nhập vào các hệ thống thông tin liên lạc được bảo mật của Mỹ. Những điều này tiêu biểu cho một lĩnh vực nhạy bén nhất (và cũng là lĩnh vực được bảo vệ chặt chẽ nhất) trong các hoạt động ngoại giao, tình báo quân sự. Một điệp viên đơn lẻ ngồi đúng chỗ của mình trong cơ quan thông tin đối ngoại có thể cung cấp những nguồn tin cần thiết cho việc giải mã hàng triệu mật thư.
Những vụ này cũng chỉ ra xu thế hoạt động tình báo của Trung Quốc. Các viên chức làm luật và tình báo Mỹ thường được khuyến dụ rằng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chủ yếu tuyển dụng những người Mỹ gốc Hoa để thu thập tin tình báo và tiêu điểm của các hoạt động này là công nghệ cao.
Song những vụ kể trên đã chứng minh một cách đáng thuyết phục rằng không có quan điểm riêng biệt nào là hoàn toàn đúng. Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm mọi con đường để thâm nhập vào các cơ quan tình báo và hoạch định chính sách Mỹ. Hơn nữa, với số lượng các hoạt vụ tình báo mới được phơi bày gần đây cho thấy tại Hoa Kỳ, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ít ra cũng thu được một số thành tựu trong việc tuyển mộ điệp viên và kiểm soát mạng lưới điệp viên này trong lòng những cơ quan kể trên.
(Còn tiếp)
P.V (tổng hợp) 

Để tìm kiếm thị trường buôn bán vũ khí cho Trung Quốc, các sỹ quan Cục II đã tuyển mộ những người đại lý vũ khí.

Các hoạt vụ tình báo chiến lược
Không giống như các hoạt vụ tình báo chiến thuật, các hoạt vụ tình báo chiến lược thu tin bằng con người của Quân giải phóng nhằm thỏa mãn nhu cầu tin tức của các lực lượng cấp chiến thuật và của các khách hàng công nghiệp quân sự trên một phạm vi khá rộng lớn.
Tuy nhiên, các hoạt động tình báo ở cấp độ quốc gia này luôn bị giới hạn bởi đối tượng quân đội và các khách hàng liên quan, nên phạm vi hoạt động bí mật và ngụy trang của nó thường nhỏ hẹp hơn nhiều so với Bộ An ninh quốc gia. Cục II đã bỏ ra một số tiền tài vật chất lớn đầu tư trên cấp độ quốc gia để tiến hành 4 loại hoạt động tình báo chiến lược là:
Thu thập tin tức về các lực lượng quân sự nước ngoài.
Tìm kiếm công nghệ quân sự quốc phòng.
Tìm kiếm thị trường xuất khẩu vũ khí.
Triển khai các chiến dịch hành động ngụy trang.
Một trong những công cụ cơ bản mà Bắc Kinh dùng để thu thập tin tức quân sự cấp quốc gia là đội ngũ tùy viên quân sự. Như đã trình bày ở phần đầu, vai trò thông thường của các tùy viên quân sự trên thế giới đâu đâu cũng đều là thu thập tin tức công khai. Qua một số vụ gián điệp gần đây cho thấy các tùy viên quân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng có nhiệm vụ thu thập tin tình báo bí mật.
Có thể dẫn ra những ví dụ như vụ Hou Desheng sĩ quan tình báo Cục II, tùy viên quân sự ở Washington bị bắt. Vụ Zhang Weichu dưới vỏ bọc cán bộ lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago cũng thế. Cả hai người này đều bị bắt vào lúc đang tìm cách mua tài liệu mà họ tin là tuyệt mật về nguyên vật liệu về NSA.
Tầm quan trọng của vụ gián điệp này rơi đúng vào vùng nhạy cảm nhất của loại nguyên liệu sản xuất các thiết bị tình báo tín hiệu (thông tin liên lạc, điều khiển từ xa, phát xạ và phát sóng). Khi mật mã và tấn số thông tin rơi vào tay cơ quan tình báo đối phương thì chắc chắn cơ quan này sẽ tiến hành nghe trộm và giải mã. Nếu là thông tin quân sự thì những tài liệu thu được qua nghe trộm có thể bao gồm quân số, hoạt động, địa điểm đóng quân, chỉ huy, nhân sự và tín hiệu liên lạc.
Trường hợp John Walker bị buộc tội gián điệp đã bán mật mã thông tin của hải quân cho Liên Xô đã trở thành tiếng kèn báo động về thảm họa của loại gián điệp này gây ra. Nhờ mua được bí mật của Mỹ từ Walker mà Liên Xô đã “mở được hàng triệu mật điện của hải quân Mỹ”, biết được những xung đột có thể có trên đại dương.
Một chút sự thật về tình báo Trung Hoa (Kỳ 5)
Qua việc phân tích trường hợp của Hou Zheng cho thấy sự thiếu vắng các biện pháp an ninh tình báo trong suốt quá trình từ khi vạch kế hoạch cho đến các khâu thực hiện sau đó. Vụ Hou Zheng và vụ Zhang Weichu bị bại lộ làm cho một số người cho rằng đó là do việc tuyển mộ điệp viên đã tiến hành không thỏa đáng. Do sai lầm này mà cả hai viên sĩ quan đó đã bị FBI điều tra thẩm vấn. Hơn nữa, cả hai người này gặp gỡ điệp viên rất có thể là vờ vĩnh của họ tại một quán ăn Trung Hoa cho thấy họ đã không thấy được một thể thức, một thủ tục liên lạc bí mật được đảm bảo giữa điệp viên và sĩ quan chỉ huy.
Trên thực tế, FBI hoàn toàn có khả năng thâm nhập, phát giác và bắt giữ cả hai viên sĩ quan Trung Quốc có nghĩa là các điệp viên của cơ quan này đã chực sẵn trong quán và vồ họ đúng lúc. Hoặc là các sĩ quan Cục II hoặc là một người thứ ba đã bị theo dõi, bám sát ngay tại địa điểm hẹn và FBI đã có mặt và làm phá sản hoạt vụ này.
Chắc chắn Hon và Zhang đều đang thu thập tin tức trong mục do Cục III thuộc Bộ tổng tham mưu vạch ra, vì thu thập tình báo tín hiệu là nhiệm vụ của Cục này. Vào thời gian năm 1983 - 1984, Hon là Bí thư thứ ba đại diện thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc ở New York. Trên cương vị này, ông ta không được thừa nhận là một sĩ quan quân đội. Song vai bình phong trong năm đó của ông ta là một tùy viên quân sự ở Washington.
Có thể nghề gián điệp của ông ta không phải là bắt đầu từ khi ông được phân công làm cán bộ trong sứ quán Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Washington, chắc chắn hơn ông ta được tuyển mộ hoạt động tình báo bí mật khi còn đang công tác tại Liên Hợp Quốc.
Những vụ bị vỡ lở khác cũng hỗ trợ cho quan điểm cho rằng Cục II đã cử các sĩ quan hoạt động gián điệp dưới bình phong là đại diện ở Liên Hợp Quốc. Ít nhất có một vụ về việc Cục này định chiếm lĩnh những bí mật về sản xuất vũ khí cũng như công nghệ cao áp dụng cho sản xuất quốc phòng. Tháng 10 năm 1987, Chi Shangyao và Charles Chang đã bị bắt tại Newark, New Jersey về mưu đồ xuất khẩu bất hợp pháp cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 10 ống phóng, kính ngắm, bộ điều khiển của tên lửa rắn đuôi kêu và bản thiết kế máy bay chiến đấu F1 của Hải quân Mỹ.
Chi và Chang là cư dân của thành phố New York và đương nhiên là công dân Hoa Kỳ. Trong vụ này còn nêu ra ba tên tuổi là các sĩ quan quân đội Trung Quốc: Fan Lianfeng, tùy viên không quân; Zhang Naicheng, Trung tướng trưởng đoàn tùy viên quân sự và Fang Xianfan, cố vấn khoa học kĩ thuật.
Các cuộc tiếp xúc giữa phái đoàn Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc và Charles Chang là do Chi Shangyao đứng ra tổ chức. Chi vốn là người Đài Loan và đến Hoa Kỳ 30 năm trước. Chi và Chang đã gặp Fan mấy lần, họ đã thảo luận với nhau về giá tên lửa (250.000 đô la Mỹ) và chứng từ mua bán, vận chuyển hàng giả mạo. Theo kế hoạch thì những món hàng lấy cắp được sẽ được chở từ Seatle, Washington sang Trung Quốc qua ngả Hongkong. Theo chứng từ của nhân viên hải quan Frank Ventura thì Chi nói rằng ông ta trông chờ các quan chức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ yêu cầu ông bán hộ tên lửa con tằm do Trung Quốc chế tạo sang các nước Trung Đông nếu công việc đang diễn ra hiện nay trót lọt.
Qua việc phân tích vụ này đã minh họa phương pháp hoạt động của Cục II hoàn toàn ăn khớp với các mục tiêu thu tin của Quân giải phóng. Trong khi tùy viên không quân Quân giải phóng xuôi ngược hoạt động thì Zhang Naicheng giám sát kỹ tiến trình, còn Fang Xiaofan, trợ lý cố vấn khoa học kỹ thuật thì xác định đặc tính kỹ thuật của món hàng đang mặc cả. Trong khi các nhà chức trách bảo vệ pháp luật Mỹ gọi cả ba cá nhân này là những kẻ cộng mưu không bị buộc tội, chỉ có một mình Fang Lianfeng có thể bị buộc tội tiến hành các hoạt động công khai dính vào tội ác.
Kết quả ông ta đã phải rời khỏi Hoa Kỳ ngay tức khắc sau khi các nhân viên hải quan Mỹ bắt giữ Charles Chang và Chi Shangyao. Còn Zhang Naicheng tiếp tục là tùy viên quân sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại sứ quán Trung Quốc ở Washington từ 1988 đến 1990. Rồi ông ta lại trở lại chức vụ này vào năm 1992.
Cũng như vụ của Hou và Zhang, hoạt động của Fan Lianfeng cũng tỏ rõ các biện pháp an ninh tình báo khá vụng về, kém cỏi. Nhân viên hải quan Mỹ đã có thể thâm nhập vào nhóm Fan và ghi các cuộc đàm thoại. Chứng tỏ các điệp viên lẫn sỹ quan chỉ huy đều không sử dụng phương tiện thông tin liên lạc bí mật. Các điệp viên được giới thiệu với cả ba sỹ quan tình báo thay vì chỉ cần một người quán xuyến công việc nên đã đặt những người này trước những rủi ro nguy hại. Cuối cùng thì các điệp viên được tuyển mộ - Chi và Chang cũng như viên thanh tra Cục hải quan Mỹ được giao điều tra vụ này đều có thể xác định được ba hoạt vụ tình báo của Trung Quốc, địa vị của từng người trong họ cũng như mục tiêu thu tin tình báo của họ (tìm kiếm các nguyên vật liệu).
Một thảm bại hiếm thấy về công tác an ninh tình báo trong hoạt vụ của Fan Liangfeng biểu hiện thực chất của những tin tức tình báo mà các điệp viên có thể thu lượm được. Lời tuyên bố của Chi về khả năng bán tên lửa Con tằm do Trung Quốc sản xuất cho Trung Đông nếu là thật thì đã khẳng định được việc Cục II sử dụng các điệp viên ở nước thứ ba để tiến hành chuyển giao vũ khí. Thủ thuật họa động này xem ra khá giống với cung cách của Bộ An ninh quốc gia sử dụng các công ty nước ngoài để tìm kiếm kỹ thuật công nghệ.
Tuyên bố của Chi cũng ám chỉ rằng Bắc Kinh có ý định bán vũ khí theo kiểu này. Iran được biết đã nhận được tên lửa Con tằm của Trung Quốc. Ngoài ra mục tiêu tìm kiếm đã bị phơi bày công khai của Quân giải phóng là tên lửa TOW II và rắn đuôi kêu, thiết kế máy bay F-14. Qua đây xác định được những yếu điểm của tình báo quân đội, những ý đồ quân đội và những trọng điểm phát triển vũ khí của Trung Quốc.
Sự lựa chọn của Fan Lianfeng về vũ khí và kỹ thuật công nghệ cho thấy mức độ trách nhiệm của Cục II đối với quân nhu của Quân giải phóng. TOW II là loại tên lửa chống tăng cá nhân tiên tiến nhất của Mỹ. Giả dụ, Trung Quốc tìm cách kiếm được, tháo ra nghiên cứu và thiết kế lại, tiến hành sản xuất và triển khai chiến đấu thì khả năng phòng ngự biên giới sẽ nâng cao đáng kể.
Nhớ lại vào giữa thập kỷ 80 khi có vụ gián điệp nổ ra, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa phải đương đầu với các sư đoàn Hồng quân trên sông Amua mạnh hơn gấp 12 lần trên đường biên phía Bắc Trung Quốc (phương diện quân Viễn Đông và Mông Cổ). Hơn nữa,, việc nâng cao khả năng quân sự của Trung Quốc, sản xuất tại chỗ tên lửa TOW II theo lối nhại lại, Bắc Kinh sẽ thêm vào bảng danh mục vuc khí của mình mặt hàng mới để xuất khẩu kiếm ngoại tệ mạnh.
Giống như với TOW II, việc tìm kiếm tên lửa tầm ngắn không đối không Rắn đuôi kêu sẽ nâng cao khả năng không chiến và phòng không của Quân giải phóng. Chưa cần đề cập đến các lĩnh vực kỹ thuật trong những tính năng của tên lửa Rắn đuôi kêu mà chỉ với việc sản xuất nhại lại tên lửa này cũng đủ để nói rằng Quân giải phóng đã có thêm một nắm đấm khá mạnh trong một không lực ước khoảng sáu ngàn máy bay. Việc phân tích mổ xẻ mặt kỹ thuật công nghệ của tên lửa này sẽ tìm ra được những đặc tính và khả năng thao tác của chúng và từ đó sẽ dẫn tới việc Trung Quốc sẽ sản xuất được một loại vũ khí chống lại tên lửa này.
Việc tìm kiếm thiết kế máy bay F-14 cũng sẽ giúp cho Quân giải phóng tìm hiểu kỹ thuật thao tác của máy bay và trên cơ sở này sẽ tiến hành sản xuất các thiết bị phòng không chống lại. Máy bay F-14 được thiết kế để cất cánh và hạ cánh trên tàu sân bay. Hải quân Trung Quốc vẫn có hy vọng kiếm được loại công nghệ này nếu Bắc Kinh tích cực trước những mong muốn còn đang tranh cãi về việc chế tạo hay mua một tàu sân bay.
Việc giải thể của Liêng bang Xô Viết có thể đưa lại khả năng mua cái gì đó đại loại như một tàu sân bay vì các nước cộng hòa mới này đang tìm cách bán ra một số tàu thuyền của mình để kiếm ngoại tệ mạnh. Theo báo chí đưa tin gần đây thì Trung Quốc đang định mua tàu sân bay Varyag, 67500 tấn loại Đô đốc Kuznetsov của Ukraina. Giá tàu sân bay này là 200 triệu USD, có thể chở được 8 máy bay SU-27 hoặc 25 máy bay MIG. Trung Quốc đang tìm cách mua của Nga 24 máy bay SU-27.
Nhiệm vụ tình báo hàng đầu của Cục II là thu thập tin tức tình báo hoặc kỹ thuật công nghệ áp dụng cho quân sự và sản xuất quân sự. Nhưng việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu vũ khí cũng không kém phần quan trọng. Nhưng việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu vũ khí cũng không kém phần quan trọng. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã bán nhiều hệ thống vũ khí hiện đại hoặc kỹ thuật công nghệ sản xuất quân sự cho hàng loạt nước như Argentina, Pakistan, Brazil, Ấn Độ, Iran, Iraq, Bắc Triều Tiên, Ả rập Xê-út, Nam Phi, Siria… trong một số thương vụ bán ra, có thể được dùng để chế tạo thiết bị hạt nhân.
Để tìm kiếm thị trường buôn bán vũ khí cho Trung Quốc, các sỹ quan Cục II đã tuyển mộ những người đại lý vũ khí. Sau khi đã được tuyển dụng, những đại lý này đã tìm cách che dấu sự liên quan của chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào việc chuyển giao vũ khí bất hợp pháp - hoặc đưa vào Trung Quốc qua nước thứ ba hoặc đưa vào nước thứ ba là nước tiêu thụ.
Quá trình diễn ra và tiếp cận những đối tượng sẽ được chọn làm điệp viên là khá lý thú trước sự thận trọng đặc biệt của nó. Môi trường, hoàn cảnh của những đối tượng này được nghiên cứu kỹ càng, thận trọng trước lúc đưa ra quyết định tuyển chọn. Vượt lên sự lựa chọn theo ý thích là những người có quan hệ qua lại lâu dài với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Các sỹ quan phụ trách các đặc vụ này của Cục II luôn tìm cách tránh tiếp cận những đối tượng còn xa lạ.
Qua chủ trương này cho ta thấy tính hiện thực của phòng tùy viên biết trước được khả năng và giới hạn trong hoạt động của mình. Việc xác định và tuyển dụng một số đối tượng nào đó có quan hệ lâu dài với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ dễ dàng và an tòan gấp ngàn lần so với việc lựa chọn một người còn tương đối xa lạ.
Trong quá trình tuyển chọn các đại lý buôn bán vũ khí thì việc tiếp xúc thận trọng là hoàn toàn tương phản với những gì đang diễn ra trong hoạt động hiện nay, Báo chí nước Mỹ thường xuyên đưa tin về việc người này người nọ bị bắt khi đang chuyển chở vũ khí trên danh nghĩa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phải chăng đây là một bản chúc thư gửi cho các sĩ quan Cục II đã vận dụng các biện pháp an ninh tình báo hết sức hớ hênh và vụng về.
Có lẽ Trung Quốc hiện vẫn còn thiếu một khả năng hoạt động tình báo hữu hiệu và chưa nắm vững được khả năng và phương pháp hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật Hoa Kỳ. Trên thực tế, các hoạt động bí mật của Cục II còn xa mới có hiệu quả cao nếu như cán bộ của họ mới chỉ hiểu biết lơ mơ, hời hợt về những giới hạn về theo dõi giám sát, nghe trộm điện thoại và bắt giữ ở Hoa Kỳ.
Việc Trung Quốc bị phơi bày các hoạt vụ gián điệp, bán tên lửa và hạt nhân đã gây ra những phản ứng tiêu cực từ những người làm luật ở Mỹ và chính phủ các nước phương Tây khác. Vào đầu năm 1991, vấn đề chuyển giao vũ khí của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã hầu như làm nguy hại đến quan hệ Trung - Mỹ. Tháng 6 năm đó, Hoa Kỳ đã đe dọa trừng phạt Bắc Kinh về tội chuyển giao tên lửa cho Pakistan. Chỉ sau đó, các nhà đương cục Trung Quốc mới có phản ứng công khai trước sức ép của Mỹ là ngăn chặn một cách phiến diện, hình thức luồng trao đổi vũ khí và kỹ thuật. Tháng 11, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đồng ý tôn trọng Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và chế độ kiểm soát kỹ thuật tên lửa. Trung Quốc đã ký Hiệp ước này vào ngày 9/3/1992.
Tháng 8/1993, Hoa Kỳ lần nữa đặt ra những hạn chế về việc bán kỹ thuật công nghệ tiên tiến ứng dụng trong sản xuất vũ khí cho Trung Quốc. Việc Mỹ đưa ra sự trừng phạt này là do Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm chế độ kiểm soát kỹ thuật tên lửa, bán công nghệ sản xuất tên lửa M-9 và M-11 cho Pakistan. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chỉ có thể tránh được những hạn chế này bằng các nguồn cung cấp từ nước ngoài cũng như bằng các biện pháp bí mật.
Bất chấp những tuyên bố công khai của Bắc Kinh về thái độ trung thành với nguyên tắc quốc tế về phổ biến vũ khí hạt nhân và tên lửa, song sứ mệnh của các sĩ quan tình báo Cục II vẫn không thay đổi. Các cán bộ phụ trách các đặc vụ tình báo quân sự đã tỏ ra thận trọng hơn bao giờ hết và càng tích cực hơn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu vũ khí ở nước ngoài.
Thay vì bán trọn vẹn hệ thống vũ khí, Trung Quốc sẽ cung cấp công nghệ lưỡng dụng, tên lửa và nguyên vật liệu kèm theo, đồng thời các nhà khoa học Trung Quốc tham gia trợ giúp các chương trình tên lửa cho nước ngoài trong khi vẫn tuyên bố đeo đuổi chế độu kiểm soát kỹ thuật tên lửa. Mọi hành vi và việc làm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều tỏ ra bị thúc đẩy bởi những toan tính thương mại thuần túy: từ năm 1985 đến 1988, với số tên lửa CSS-II bán cho Ả rập Xê-út đã thu lợi khoảng 3,5 tỷ USD. Và ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt chính trị đối với quốc gia nhận vũ khí sẽ tăng lên.
(Còn tiếp)
Theo P.V (tổng hợp)
PetroTimes
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét