PHẦN III
Nguồn cội
“Đừng
chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp
Trần Hạnh Thu
CHƯƠNG V: XUÂN
LỬA ĐỐNG ĐA
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó
là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đên nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng,
thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn;
nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp
nước.
(Hồ Chí Minh)
(Tiếp)
Trước tình hình
biến loạn lớn lao ở Đàng Trong, chúa Trịnh Sâm nhận định: “Họ Nguyễn vốn có thế
thù với họ Trịnh. Sở dĩ bấy nay Trịnh phải làm thinh chẳng qua chỉ cốt đợi thời.
Bây giờ cơ hội đã đến, Trịnh sao lại chịu bó tay ngồi nhìn để cho họ Nguyễn
ngang nhiên tranh hùng mãi”, bèn sai lão tướng Hoàng Ngũ Phúc cùng những bộ tướng
giỏi là Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh, thống lĩnh quân đội tiến đánh Đàng
Trong với danh nghĩa khôi hài là giúp chúa Nguyễn dẹp loạn thần Trương Phúc
Loan và giặc Tây Sơn thôi chứ không có ý nào khác.
Tháng 5 năm 1774, chúa Trịnh Sâm, sau 100 năm giữ hòa bình với chúa Nguyễn, sai Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776), một viên tướng lão luyện, mang 4 vạn quân vào nam tấn công Phú Xuân (Huế), cũng lấy danh nghĩa trừng phạt Trương Phúc Loan.
Tháng 9 năm 1774, quân Trịnh đến Bắc Bố Chính. Chúa Nguyễn Phúc Thuần
triệu Tôn Thất Nghiêm về Phú Xuân, phong Nguyễn Cửu Dật làm Tả quân Đại
Đô đốc tước Du quận công chống quân Tây Sơn. Nguyễn Cửu Dật đánh 10
trận buộc Tây Sơn lui về Bến Ván. Trong lúc chiếm đóng Quảng Nam, quân Tây Sơn có đủ thì giờ vơ vét của cải, mang đi 45 con voi, khí giới trong đó có 82 khẩu đại bác mà người Anh và người Hòa (người Nhật) cho chúa Nguyễn để giữ thành.
Tháng 11-1774, quân Trịnh vượt
sông Gianh, chiếm một số đồn lũy và đưa thư khuyên chúa Nguyễn Phúc Thuần đầu hàng.
Ở thế “lưỡng đầu thọ địch”, không còn cách nào khác, chúa Nguyễn phải sai bắt
trói Trương Phúc Loan đem nộp cho Hoàng Ngũ Phúc, xin lệnh bãi binh, đồng thời
vẫn ngầm bố trí lực lượng kháng cự lại. Dù đã bắt được Loan, quân Trịnh vẫn tiến
vào Phú Xuân. Chúa Nguyễn phải bỏ Phú Xuân, đem gia quyến xuống thuyền, theo đường
biển chạy vào Quảng Nam,
sau đó tiếp tục vượt biển chạy vào Gia Định. Trong đoàn người này có Nguyễn Ánh,
sau này là vua Gia Long.
Trong khoảng thời
gian đó, quân Tây Sơn đánh bại quân Nguyễn do Nguyễn Cửu Dật chỉ huy.
Tháng 3-1775,
quân Trịnh đã vượt đèo Hải Vân, đụng độ với quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Quân Tây Sơn
bại trận, phải lui về Bến Ván, tổ chức phòng ngự bảo vệ căn cứ Qui Nhơn. Đến đây,
lực lượng nghĩa quân lại lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch”, phía bắc là quân Trịnh
uy hiếp đánh xuống, phía nam quân Nguyễn rục rịch đánh lên. Trong hoàn cảnh đó,
các lãnh tụ Tây Sơn, đứng đầu là Nguyễn Nhạc đã đề ra một sách lược hết sức hợp
thời: chủ trương hòa hoãn với Trịnh để dồn lực lượng đánh Nguyễn. Tháng 7-1775,
Nguyễn Nhạc sai người đem thư đến quân doanh của Hoàng Ngũ Phúc “xin hàng”, nộp
ba phủ Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên và xin làm tướng tiên phong của chúa Trịnh
đi đánh chúa Nguyễn. Phúc là một tướng giỏi, mẫn cán, trước đây đã từng đàn áp
hiệu quả phong trào khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài, không thể không hiểu động
thái ra hàng đó của Nguyễn Nhạc. Tuy nhiên, trước tình hình binh lực Trịnh đã có
phần suy giảm sau một thời gian tác chiến, nhất là đang giữa mùa hè, binh lính
mỏi mệt, chết dịch khá nhiều, cần phải có thời gian củng cố, đồng thời, quân Tây
Sơn vẫn còn đang mạnh (Phúc có nói với bộ hạ: “Tây Sơn bây giờ đang như ngọn lửa
bốc mạnh; tôi già mất rồi, e các tướng không phải là tay đối địch với họ được.”),
thì việc hòa hoãn tạm thời cũng có lợi cho quân Trịnh. Do đó Phúc đã chấp nhận đề
nghị của Nhạc, sai tướng Nguyễn Hữu Chỉnh đem ấn và cờ kiếm phong cho làm tướng
tiên phong đi đánh chúa Nguyễn Phúc Thuần.
Tạm yên mặt bắc,
quân Tây Sơn dồn sức xuống phía nam. Bắt đầu từ đây, trong hàng ngũ Tây Sơn nổi
lên một vị tướng cầm quân bách chiến bách thắng, sau này là một thiên tài quân
sự làm nên thiên anh hùng ca đặc sắc và bất hủ trong lịch sử đấu tranh chống thù
trong giặc ngoài của dân tộc Việt Nam. Đó chính là Nguyễn Huệ với phép
hành quân thần tốc, đánh chớp nhoáng, bất ngờ, hiểm, thường chỉ một trận là giải
quyết chiến trường.
Năm 1775, Nguyễn
Huệ dẫn quân vận động nhanh chóng đánh bại tướng Nguyễn là Tống Phúc Hiệp, giết
cai đội Nguyễn Văn Hiển, bắt sống cai cơ Nguyễn Khoa Kim, làm chủ đất Phú Yên. Đây
là trận thắng lớn đầu tiên trong chuỗi bách thắng ngày một rực rỡ của Nguyễn Huệ.
Năm đó ông mới 23 tuổi.
Tháng 7 năm 1775, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đánh Phú Yên, quân Nguyễn tan vỡ, Tống Phúc Hiệp phải rút về Hòn Khói. Bùi Công Kế ở Bình Khang và Tống Văn Khôi từ Khánh Hòa đem quân ra chiếm lại Phú Yên đều thất bại, Kế bị bắt sống còn Khôi tử trận. Tháng 8 năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc đành xin chúa Trịnh theo thỉnh cầu của Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Huệ là Tây Sơn trưởng Hiệu Tiên phong tướng quân, rồi dâng biểu về triều, xin quân Trịnh rút về Thuận Hóa và được chấp thuận. Tháng 10 năm 1775, quân Trịnh rút về Phú Xuân. Hoàng Ngũ Phúc bị bệnh, mất trên đường về Bắc.
Tháng 11 năm 1775, Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân dấy binh chiếm lại phủ Thăng Bình và phủ Điện Bàn,
Quảng Nam. Nguyễn Nhạc liền sai Đặng Xuân Phong đi đánh dẹp. Không phải
dùng nhiều công sức, Đặng Xuân Phong mới xáp chiến trận đầu là lấy ngay
được Thăng Bình rồi Điện Bàn. Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân đều tử
trận.
Năm 1776, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn
Lữ đem thủy binh tiến đánh Gia Định. Chúa Phúc Thuần phải chạy về Bà Rịa. Một địa
chủ Mỹ Tho là Đỗ Thành Nhơn đứng ra tụ tập được một đội quân khá đông chống lại
quân Tây Sơn trên danh nghĩa phù Nguyễn. Nguyễn Lữ nhắm địch không nổi, rút về
Qui Nhơn. Quân chúa Nguyễn chiếm lại Gia Định.
Năm 1777, Nguyễn
Huệ cùng với Nguyễn Lữ kéo quân thủy bộ vào Gia Định lần thứ hai. Trong một trận
đánh ở Long Xuyên, quân Tây Sơn bắt và giết được chúa Nguyễn Phúc Thuần và Đông
Cung Nguyễn Phúc Dương, chỉ còn một Hoàng tôn tên là Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh), con trai của Nguyễn Phúc Luân, cháu nguyễn Phúc Thuần lúc đó 15 tuổi, chạy thoát ra đảo Thổ Chu. Huệ, Lữ
cử các tướng ở lại trấn giữ rồi rút về Qui Nhơn. Cuối năm ấy, Nguyễn Ánh được tầng
lớp đại địa chủ ủng hộ, lại chiếm được Gia Định. Năm 1778, Nguyễn Ánh kéo quân
ra chiếm Bình Thuận, uy hiếp phủ Diên Khánh. Thế lực Nguyễn Ánh tạm thời phục hồi.
Năm sau, Ánh xưng vương, do Đỗ Thành Nhơn ỷ công, lộng quyền, bèn giết đi
(1782), binh lực họ Nguyễn vì thế mà tự suy yếu.
Nhân đó, Nguyễn
Huệ tiến vào Gia Định lần thứ ba (1782), đánh tan quân Nguyễn Ánh, buộc Ánh rút
chạy về căn cứ Ba Giồng rồi chạy tiếp ra đảo Phú Quý (ngoài khỏi tỉnh Bình Thuận).
Nguyễn Huệ cử các tướng ở lại giữ Gia Định rồi trở ra Qui Nhơn. Mấy tháng sau,
tướng của họ Nguyễn là Chu Văn Tiếp tập hợp được lực lượng đánh bại quân đồn trú
Tây Sơn, chiếm lại Gia Định. Năm 1783, Nguyễn Huệ đem quân đánh Gia Định lần thứ
tư. Quân Chu Văn Tiếp tan vỡ. Nguyễn Hoàng Đức đi hộ vệ cho Nguyễn Ánh, bị quân
Tây Sơn bắt sống. Nguyễn Ánh cưỡi thuyền chạy trốn ra đảo Côn Lôn, bị truy đuổi
ráo riết, tiếp tục chạy về phía đảo Phú Quốc. Lúc này tướng Tây Sơn là Phò mã
Trương Văn Ba đang dong thuyền đuổi theo, sắp bắt được Nguyễn Ánh thì biển bỗng
nổi giông tố, trời tối sầm lại. Trương Văn Ba đành cho quay thuyền về, Nguyễn Ánh
lên được đảo Phú Quốc thoát hiểm.
Trận giông tố nổi
lên đúng thời điểm thật kỳ lạ! Là ngẫu nhiên hay định mệnh? Phải chăng đó là điềm
báo về sự tồn tại ngắn ngủi của triều đại Tây Sơn, một triều đại có công thống
nhất nước nhà nhưng chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn cảnh nước nhà thực sự thống
nhất, một triều đại đã dẹp bỏ được một ông vua bù nhìn, cõng rắn cắn gà nhà (Lê
Chiêu Thống) nhưng lại bị một ông vua cõng rắn cắn gà nhà khác (Gia Long) dẹp bỏ?
Dù là lạ lùng và có vẻ khó hiểu, nhưng ở đây chúng ta có thể rút ra một nhận định
là: xu thế của quá trình vận động tự nhiên của xã hội con người là nằm trong Đạo
lý, chỉ có một, tuy nhiên con đường đi theo xu thế ấy lại có rất nhiều. Đi theo
con đường nào trong vô số những con đường còn ở dưới dạng khả năng ấy là phải lựa
chọn. Sự lựa chọn ấy hoàn toàn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh tiền đề về tự
nhiên - xã hội và cũng phụ thuộc vào cá nhân con người (hay một số ít người) với
trình độ nhận thức cụ thể, với quan niệm cụ thể về thế giới khách quan, hoặc đơn
giản hơn, về danh lợi.
Như vậy, vai trò của cá nhân trong việc lựa chọn con đường
vận động xã hội là rất to lớn, thậm chí, theo một góc độ quan sát nào đó, là có
tính quyết định. Về mối quan hệ biện chứng, giữa quần chúng và cá nhân, có thể
nói nôm na: quần chúng là nền tảng, mang tính lặn, còn cá nhân (khi đã xưng tên)
là sự biểu hiện, mang tính nổi trội (hiện hữu). Trong cái nền tảng quần chúng ấy,
một con người (hay vài người) chỉ là số 0 (vô cực) trong một đại dương số 0.
Khi con người đó được đặt tên, được “nổi lên”, được tôn vinh, thì sẽ là số 1
(thái cực), hoặc tùy thuộc vào mức độ tài năng mà cũng có thể được gọi là số 2,
số 3… Nếu không có số 1 (hay số khác 0) thì một lực lượng dù là với bao nhiêu số
0 đi chăng nữa, sẽ không thể hiện được (Tồn Tại nhưng không tồn tại) và như vậy
được coi là vô nghĩa. Trong khối vô nghĩa và hỗn độn khó mà thấy được số 1 (thậm
chí là không có!). Một khi thấy lấp ló ở đâu đó số 1 thì cũng có nghĩa là ở đó
sự hỗn độn bớt đi (xuất hiện sự hướng về một đích chung nào đó của một bộ phận
lòng người?) và một lực lượng hình thành. Đã là một lực lượng thì số khác 0 phải
đứng đầu và các số 0 được “sắp xếp thành đội ngũ” đứng phía sau. Số 1 (đại biểu
cho các số khác 0) đứng một mình thì thật là “đơn côi”, yếu đuối, chẳng làm nên
“trò trống gì” nên nó luôn tìm cách “hô hào” càng nhiều số 0 theo mình, đứng sắp
hàng sau mình để tạo nên sức mạnh cho mình. Ngược lại, các số 0 muốn hợp lại thành
một khối và tỏ rõ được cái sức mạnh lớn lao tiềm tàng trong khối ấy thì phải đi
theo số 1, tề tựu thành hàng ngũ sau số 1, làm theo mệnh lệnh của số 1.
Xen vào đôi lời
mộc mạc như thế cũng thấy được là xuất phát từ yêu cầu vận động của sự vật - hiện
tượng tự nhiên cũng như xã hội mà tất yếu xuất hiện ra cái gọi là lực lượng, đã
là một lực lượng thì bao giờ cũng có một bộ phận gọi là trung tâm duy trì tồn tại
và điều hành vận động của bản thân nó và cho nó, biểu hiện ra như là sự phân định
tương đối thành hai lực lượng tương phản nhau là lãnh đạo và quần chúng trong một
thực thể lực lượng thống nhất. Bộ phận lãnh đạo, tùy từng trường hợp cụ thể, tùy
vào loại sự vật - hiện tượng cụ thể mà có thể còn được gọi với nhiều cái tên khác
nhau như: đầu não, đầu đàn, thủ lĩnh, lãnh tụ, triều đình, nhà nước… Sự phân định
nội tại của một lực lượng, xét đến tận cùng sâu xa, là có nguồn gốc từ nguyên lý
Tự Nhiên, hay có thể nói là từ chính Tự Nhiên Tồn Tại (đã qua nhận thức!)…
Sau khi cử Trương
Văn Ba ở lại Gia Định, Nguyễn Huệ trở về Qui Nhơn.
Khi cơ bản chinh phục được họ Nguyễn, tăng cường sức mạnh và uy thế, năm 1778, sau khi giết được Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Nhạc tự xưng làm vua, lập triều đại Tây Sơn, đặt niên hiệu là Thái Đức, đóng đô tại thành Quy Nhơn (thành Đồ Bàn cũ của nước Chiêm Thành), đổi tên thành Hoàng đế thành, phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân, không ràng buộc với chúa Trịnh nữa.
Sử sách nhà Nguyễn và một số thư từ của các giáo sĩ ở Gia Định thời đó đều ghi lại việc tấn công người Hoa của Tây Sơn vào năm 1782, do những người Hoa
này đã hỗ trợ cho chúa Nguyễn chống lại Tây Sơn. Việc người Hoa trợ
giúp cho chúa Nguyễn khiến họ gây nên mối thù với Tây Sơn và Nguyễn Nhạc đã coi người Hoa là đối thủ chiến tranh cần phải diệt trừ. Quân Tây Sơn khi tấn công vào Cù lao Phố thì gặp phải sự chống đối mạnh của quân Hòa Nghĩa (người Hoa) ủng hộ Nguyễn Ánh tại đây khiến cho một thân tướng là Đô đốc Phạm Ngạn tử trận, binh lính thương vong nhiều, Nguyễn Nhạc nghe tin rất đau xót ("Đại Nam thực lục" viết: "...Nguyễn Nhạc nghe tin Ngạn chết, đau như mất hai tay"), ông cho rằng đạo quân Hòa Nghĩa toàn là quân Thanh trá hình, rồi nổi giận ra lệnh phá nát khu người Hoa ở Gia Định để trả thù.
Sách "Lịch sử Gia Định – Sài Gòn trước 1802" dẫn lại từ "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức, một viên quan người Hoa của nhà Nguyễn năm 1820, đã mô tả cuộc tấn công người Hoa ở Gia Định do Nguyễn Nhạc chỉ huy năm 1782:
- "Năm 1776 khi mới tiến vào Gia Định thì quân Tây Sơn đã tàn phá Cù lao Phố, một vùng thương mại sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong. Họ dỡ phòng ốc gạch, ngói đem hết về Quy Nhơn khiến dân cư bỏ chạy lưu tán khắp nơi. Năm 1778 khi chúa Nguyễn đã giành lại được Cù lao Phố thì kiểm điểm lại, dân cư còn chưa tới 1% lúc trước".
- "Từ Bến Nghé tới Sài Gòn xác chết ngổn ngang, vứt cả xuống sông, nước không chảy được, hai ba tháng sau dân cũng không dám ăn tôm, cá... mọi người đều khổ sở".
Sách "Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802" của Tạ Chí Đại Trường trích dẫn từ "Đại Nam thực lục", "Đại Nam liệt truyện" và thư của các linh mục có mặt ở Gia Định lúc đó miêu tả vụ phá hủy khu người Hoa ở Chợ Lớn năm 1782 của Nguyễn Nhạc:
- "Người Trung Hoa, bất luận binh lính hay dân buôn, mới đến
hay ở lâu, đều bị bắt giết, thây chất ngổn ngang vất đầy sông ngòi, đến
nỗi nước ấy không chảy, cả tháng hơn người ta không ai dám ăn tôm cá,
uống nước sông. (...) Những ai có hàng Trung Hoa trong nhà như vải, lụa, trà thuốc, hương giấy... đều vứt cả ra đường mà không người dám lượm. Andre Tôn (thư ngày 1/7/1784) nói có từ 10.000 đến 12.000 người chết.
Không còn lực lượng, tháng 2 năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Ánh từ Hà Tiên (Phú Quốc) sang Xiêm La hội kiến với vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) tại Vọng Các (Bangkok). Theo quan điểm của các tác giả Việt Nam hiện đại là Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng thì đây là lần "cõng rắn cắn gà nhà" đầu tiên của Nguyễn Ánh. Vua Xiêm liền sai Chất-xi-đa
đem thủy binh về Hà Tiên hộ tống Nguyễn Ánh đến Băng-cốc. Tháng 7 năm ấy,
50.000 quân Xiêm cùng 300 chiến thuyền do hai tướng Xiêm là Châu Tăng và Châu Xương
chỉ huy, Nguyễn Ánh và Châu Văn Tiếp dẫn đường, tiến sang xâm lược nước ta. Chúng
đánh chiếm được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Sa Đéc rồi tiến đến Mân Thít (Vĩnh
Long). Tại Mân Thít, quân Tây Sơn chống cự kịch liệt, giết chết Chu Văn Tiếp,
nhưng trước lực lượng áp đảo của giặc, đành phải rút lui. Chúng đánh tiếp Trà Tân
(Định Trường) và Ba Lai (Bến Tre). Quân Tây Sơn do tướng Trương Văn Ba chỉ huy,
vừa đánh cầm cự vừa rút lui, giữ vững được thành Gia Định và Mỹ Tho rồi sai người về Quy Nhơn báo. Vua Tây Sơn sai Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem quân vào đánh.
Đi đến đâu quân
Xiêm cũng thả sức đốt phá, cướp bóc và giết người hết sức tàn bạo đến đó. Chúng
cho thuyền chở đầy vàng bạc, của cải cướp được đem về nước. Chiến thắng bước đầu
cũng làm cho chúng trở nên kiêu ngạo và chủ quan khinh địch.
Trước tình hình
đó, khoảng đầu tháng giêng năm 1785, Nguyễn Huệ dẫn quân vào Gia Định, rồi xuống
Mỹ Tho lập đại bản doanh.
Chiêu Tăng, Chiêu
Xương và Nguyễn Ánh lên kế hoạch mở trận tấn công toàn diện đánh tiêu diệt quân
Tây Sơn vào đêm 9 tháng 12 năm Giáp Thìn (1785). Chúng cho rằng đó sẽ là một đòn
bất ngờ và chí tử đối với Nguyễn Huệ.
Nhưng Nguyễn Huệ
đã nắm chắc tình hình. Biết rằng quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh sẽ xuôi dòng sông
Tiền tiến đánh mình, ông đã chọn khúc sông từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (dài khoảng
6 km, lòng sông rộng, ở giữa có cù lao Thới Sơn) làm nơi quyết chiến chiến lược.
Sau khi đã bố
trí trận địa phục kích, đêm mồng 8 rạng ngày 9 tháng 12 năm Giáp Thìn (tức
19-1-1785), Nguyễn Huệ cho lực lượng thuyền nhẹ đến trước căn cứ Trà Tân đánh
khiêu chiến nhử địch. Chủ quan, cậy ưu thế về quân số, các tướng Xiêm và Nguyễn
Ánh huy động toàn lực lượng thủy bộ của mình đánh đuổi và lọt vào trận địa phục
kích. Nguyễn Huệ ra lệnh tổng phản công, quân Tây Sơn từ các phía cả trên bộ, dưới
thủy cùng dồn đánh mãnh liệt, đại phá tan tành đám quân cướp nước và bán nước.
Chỉ trong khoảng vài giờ sáng ngày hôm ấy, chừng hơn 40 ngàn quân Xiêm - Nguyễn
Ánh và hơn 300 thuyền chiến bị tiêu diệt hoàn toàn. Chỉ còn độ vài ngàn quân Xiêm
chạy thục mạng theo đường bộ qua Chân Lạp về nước. Nguyễn Ánh cùng một nhóm quân
sót lại, cũng theo gót quân xâm lược, chạy trốn sang sống lưu vong bên đất Xiêm.
Sử cũ chép: “Người Xiêm La sau trận thua năm Giáp Thìn, ngoài miệng tuy nói khoác
nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.
Trận Rạch Gầm -
Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch
sử chống xâm lược của dân tộc Việt. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự thì
xét các diễn biến của trận đánh này, người ta thấy trong tất cả các hoạt động
nhằm tiêu diệt địch, Nguyễn Huệ luôn tỏ ra thận trọng và khôn khéo: thu lượm
tin tình báo để nắm chắc địch tình, nắm rất vững địa hình địa vật và qui luật nước
triều lên xuống trong hai ngày 19 và 20-1-1785 ở khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút để
chọn đúng thời điểm nước rút mạnh cho địch mắc bẫy, huy động được lực lượng quần
chúng địa phương tham gia phục vụ chiến dịch… Trận thắng này cũng đã bộc lộ nét
đặc sắc hiếm có trong thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ, đó là: hành quân thần tốc,
đánh rất nhanh và thắng rất nhanh, giải quyết chiến trường chỉ bằng một trận đánh
quyết liệt, vũ bão trong khi lực lượng có trong tay ít hơn nhiều so với lực lượng
địch (trong trận này quân Tây Sơn chỉ có 2 vạn trong khi quân Xiêm có đến 5 vạn).
Đánh dẹp xong, Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn, để Đô đốc Đặng Văn Trấn ở lại giữ đất Gia Định.
Chiến thắng Rạch
Gầm - Xoài Mút đã giải quyết cơ bản tình hình Đàng Trong, mở ra điều kiện thuận
lợi cho quân khởi nghĩa Tây Sơn tiến đánh Đàng Ngoài lật đổ chế độ Lê - Trịnh,
thu giang sơn về một mối, tiến tới thống nhất nước nhà.
***
Bắc Hà ngày một suy yếu. Kinh thành Thăng Long
bị quân kiêu binh – những kẻ có công tôn lập chúa Trịnh – càn quấy, tàn
phá. Sau khi đánh bật được Nguyễn Ánh ra khỏi lãnh thổ, Nguyễn Nhạc
quyết định đánh chiếm Phú Xuân (đất cũ của chúa Nguyễn). Năm 1786, ông cử Nguyễn Huệ làm tổng chỉ huy đánh ra Bắc.
Sau khi đánh
tan quân Xiêm, đuổi Nguyễn Ánh chạy mất dạng ra khỏi bờ cõi, Nguyễn Huệ nhanh
chóng hành quân ra phía bắc nhằm đánh thành Phú Xuân.
Lúc này Hoàng
Ngũ Phúc đã chết (1775), Bùi Thế Đạt và kế tiếp là Phạm Ngô Cầu, Hoàng Đình Thể
thay thế trấn giữ Phú Xuân.
Chỉ vài ngày
trong tháng 6-1786, quân Tây Sơn đã đánh chiếm được Phú Xuân, giết chết ba cha
con Hoàng Đình Thể (Phạm Ngô Cầu giương cờ trắng đầu hàng), giải phóng một dải đất
từ Thuận Hóa đến nam sông Gianh.
Chiến thắng Phú
Xuân là một trong những chiến dịch qui mô lớn, có ý nghĩa chiến lược của quân Tây
Sơn. Về mặt nghệ thuật quân sự thì dù đã hơn 200 năm trôi qua, nó vẫn được lòng
người ngưỡng mộ, vẫn là bài học tác chiến có giá trị về nhiều mặt.
Ở chiến dịch Phú
Xuân, xét về tương quan lực lượng thì số quân Trịnh nhiều hơn số quân Tây Sơn từ
2 đến 3 lần. Trên cơ sở phân tích, phán đoán xuất sắc tình thế, Nguyễn Huệ đã
chọn hướng tiến công chủ yếu là hướng Hải Vân - Phú Xuân. Hơn 3 vạn quân Trịnh
bố trí phòng ngự trên tuyến địa hình rất có lợi. Muốn hạ được thành Phú Xuân,
quân Tây Sơn trước hết phải giải quyết được hệ thống phòng ngự có thành lũy kiên
cố của quân Trịnh trên đèo Hải Vân. Để kết hợp với hướng chủ yếu (bất ngờ tập kích,
đánh nhanh, diệt gọn để phát triển chiến dịch, tập trung binh lực vào mục tiêu
then chốt là thành Phú Xuân), tướng Nguyễn Lữ được giao trọng trách chỉ huy đội
thủy binh đánh vu hồi sâu vào dải phòng ngự - phòng tuyến sông Gianh. Hiểm hơn
nữa, Nguyễn Huệ còn cho một cánh án ngữ sông Gianh, một cánh đánh các đồn quân
Trịnh ở Bố Chính, Leo Heo, lũy Đồng Hới để rồi hợp với bộ binh từ Phú Xuân tiến
ra đánh Dinh Cát, tạo thế cô lập hoàn toàn 2 vạn quân Trịnh ở Phú Xuân phải bị động
chống đỡ, không thể rút chạy ra bắc và cũng không được chi viện từ phía bắc. Mũi
vu hồi sông Gianh không những có ý nghĩa về mặt quân sự mà còn là đòn tâm lý giáng
vào đạo quân Trịnh trấn thủ trong thành Phú Xuân.
Khi đánh thành
Phú Xuân, mặc dù lúc đầu một vài chiến thuyền của quân Tây Sơn bị thiệt hại vì
hỏa lực pháo binh Trịnh áp chế từ trên thành lũy kiên cố, nhưng khéo lợi dụng
thủy triều lên, mực nước sông lên cao, quân Tây Sơn đã tập kích bất ngờ vào ban
đêm, giáp chiến với quân Trịnh, đồng thời phát huy tối đa hỏa lực pháo binh của
mình, kiềm chế pháo binh địch ở hướng chính diện, pháo kích mãnh liệt, áp đảo ở
những hướng khác. Toàn bộ đội hình phòng ngự của quân Trịnh bị bất ngờ giáng đòn
mãnh liệt, phải căng lực lượng ra đối phó, bộc lộ sơ hở ở một hướng nhất định,
tạo điều kiện cho quân Tây Sơn chớp thời cơ tổ chức mũi đột kích mạnh, chọc thủng
dẫn đến sự sụp đổ dây chuyền của cả tuyến phòng ngự. Trận đánh nhanh chóng kết
thúc bằng sự đầu hàng của quân Trịnh.
Là người có hùng tâm, cũng có phần do sự thuyết phục của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ quyết định đem quân ra Bắc đánh Thăng Long để diệt họ Trịnh dù chưa được lệnh của Nguyễn Nhạc.
Chiến thắng Phú
Xuân đã tạo điều kiện cho quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy tài tình của vị anh hùng
áo vải cờ đào Nguyễn Huệ, tiếp tục mở những trận đánh gối đầu và thắng liên tiếp
trên đường ra Bắc. Quân thủy của Nguyễn Huệ, với mấy trăm thuyền chiến lướt sóng
như bay. Cảnh tượng đó khi xuất hiện ở vùng biển Nghệ An, được các phụ lão Nghệ
An, Thanh Hóa quan chiêm và tấm tắc với nhau: “Đây là một hành động ít có ở đời!”
Ra đất Bắc Hà,
chỉ một trận đánh, quân Tây Sơn đã chiếm được căn cứ Vị Hoàng (Nam Định), làm
chấn động Thăng Long, rồi cũng sau một trận đánh, ngày 21-7-1786, Nguyễn Huệ kéo
đại quân vào Thăng Long, lật đổ chính quyền từng tồn tại gần 2,5 thế kỷ của họ
Trịnh (1545-1786).
Giữ đúng sách lược
“Phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ quyết định trao trả quyền hành Đàng Ngoài cho
vua Lê. Vua Lê Cảnh Hưng phong cho Nguyễn Huệ tước Quốc Công, gả công chúa là
Ngọc Hân, và cắt đất Nghệ An cho Tây Sơn làm lễ khao quân. Ngày 4-8-1786, Thăng
Long được chứng kiến đám cưới tưng bừng gây nhiều hiếu kỳ của một anh hùng áo vải
lấy một cô công chúa cành vàng lá ngọc trẻ măng.
Có một sự kiện
kỳ quặc, phơi bày cái tâm địa thiển cận, hèn mọn của Nguyễn Nhạc mà lịch sử đã
không quên. Sau nhiều chiến thắng lẫy lừng, uy danh của Nguyễn Huệ ngày càng
vang dội. Tất cả các tên tuổi khác làm nên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lu mờ hẳn.
Nghe tin Nguyễn Huệ đã chinh phục được Bắc Hà, lấy được thành Thăng Long, Nguyễn
Nhạc vội vội vàng vàng dẫn 500 thân binh ra Phú Xuân chọn thêm quân tinh nhuệ đi
gấp ra Thăng Long với cương vị một Hoàng đế. Nguyễn Nhạc ra với mục đích thực
chất là gì? Chắc chắn là không phải vì quyền lợi của vua Lê rồi! Mà chắc chắn cũng
không phải vì quyền lợi của dân tộc Việt, vì sự thống nhất của đất nước Đại Việt.
Có lẽ, Nguyễn Nhạc ra chỉ vì mục đích ôm lấy phần công lao diệt Trịnh của em mình
trước vua Lê, sợ Nguyễn Huệ không tuân theo mình nữa, sợ Nguyễn Huệ hùng cứ một
phương, xưng đế, ngang hàng với mình, thậm chí là hơn mình trong thiên hạ. Một
mái đầu thấp tè, chứa một bộ não mù quáng trước danh lợi thường vẫn nghi kỵ như
thế! Nghi kỵ như thế rõ ràng là người tầm thường. Nguyễn Nhạc có tầm thường không?
Hoàn toàn tầm thường!
Nguyễn Nhạc,
khi cùng hai em nổi dậy ở Tây Sơn, chắc rằng chỉ có cái mộng không ra ngoài việc đánh đổ triều Nguyễn,
được làm đế vương Đàng Trong. Chính vì thế mà trong khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vẫn đang ở
thời kỳ “gian lao” của nó, trong khi Nguyễn Huệ (và Nguyễn Lữ) lặn lội để duy
trì cuộc kháng chiến, chinh nam, chinh bắc vì sự tồn vong của cuộc kháng chiến
thì Nguyễn Nhạc chỉ lo “chí thú” xây dựng triều chính cho cá nhân mình. Ngay từ
tháng 3-1776, Nguyễn Nhạc đã tự xưng là Tây Sơn Vương, xây lại thành Đồ Bàn, làm
nơi đóng đô, đúc ấn vàng, phong cho Nguyễn Huệ làm phụ chính, Nguyễn Lữ làm thiếu
phó, tổ chức ban thưởng cho người có công… Năm 1777, Nhạc lại sai người ra Bắc
xin Trịnh Sâm cho mình cai trị đất Quảng Nam. Bấy giờ họ Trịnh đã suy yếu lắm
rồi, đành phong cho Nhạc làm Quảng Nam trấn thủ tuyên úy Đại sứ cung
Quốc công. Năm 1778, sau khi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vào Gia Định lần thứ hai, đánh
tan quân Nguyễn và giết chết chúa Nguyễn Phúc Thuần và Đông cung Phúc Dương,
Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, thành lập vương triều mới, đặt niên hiệu là Thái
Đức, đổi tên thành Đồ Bàn là Hoàng Đế thành, phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhượng
tướng quân, Nguyễn Lữ làm tiết chế. Đến đây, đối với Nhạc, mộng ước đế vương đã
thành, danh lợi tột bậc đã đạt được. Và cũng từ đây Nhạc bắt đầu tự thấy mình được
quyền ung dung hưởng lạc trên giàu sang phú quí, không thèm bận lòng với thời
cuộc, không dại gì xông pha trước mũi tên hòn đạn nữa, vì mọi việc “ngoài biên ải”
đã có người em tài năng lỗi lạc, đầy nhiệt huyết, rong ruổi gánh vác.
Việc tiến ra đánh
chiếm Thăng Long, giải phóng Bắc Hà khỏi chế độ chúa Trịnh là bước đi sáng suốt,
là kết quả tất yếu trong quá trình phát huy thành quả của chiến dịch Phú Xuân,
tranh thủ và tận dụng triệt để thời cơ của Nguyễn Huệ, vượt ra ngoài sức tưởng
tượng của Nguyễn Nhạc. Chính vì vậy mà khi nghe tin Nguyễn Huệ đã giải phóng Bắc
Hà, Nguyễn Nhạc, với tầm nhìn thiển cận, đầy vụ lợi cá nhân đã vội vã đem tấm
thân “thiên tử” ra Thăng Long với mục tiêu danh lợi của riêng mình như đã nói.
Lúc đó, Nguyễn Huệ đã đem giao hết binh phù cho Nhạc và như vậy, Nhạc đã nắm lại
trọn binh quyền, tướng sĩ chỉ tuân theo mệnh lệnh của nhà vua.
Ngày 26-8-1786,
Nguyễn Nhạc ra Thăng Long thì 10 ngày sau, quân Tây Sơn lặng lẽ rút về Nam (bỏ
lại Nguyễn Hữu Chỉnh, kẻ “lá mặt là trái”, tự biết mình không thể ở lại Bắc Hà,
Chỉnh vội đáp thuyền đuổi theo, bắt kịp quân Tây Sơn ở Nghệ An. Nguyễn Huệ đành
lòng cho Chỉnh ở lại Nghệ An giúp trấn thủ Nguyễn Văn Duệ.
Tháng 7 năm 1786, vua Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Do ý kiến của công chúa Ngọc Hân thiên về lập hoàng thân Lê Duy Cận (anh của Ngọc Hân), Nguyễn Huệ
muốn hoãn lễ đăng quang của Lê Duy Kỳ. Nhưng do áp lực của tôn thất nhà
Lê đối với Ngọc Hân và cũng để phần nào làm yên lòng tầng lớp sĩ phu Bắc Hà, Nguyễn Huệ đành thu xếp cho Lê Duy Kỳ lên ngôi
vua, đó là vua Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau, Nguyễn Huệ đem công chúa Ngọc Hân cùng Nguyễn Nhạc rút quân về Nam.
Hành động buộc
Nguyễn Huệ rút quân quá sớm về Nam của Nguyễn Nhạc, giữa lúc tình hình Bắc Hà đang
diễn biến phức tạp: vua Lê Hiển Tông vừa mất, vua Lê Chiêu Thống mới lên, thế lực
chống đối họ Trịnh còn mạnh, lòng người đang nghiêng ngả, đã là một hành động vô
trách nhiệm, có lỗi lớn với nhân dân Đàng Ngoài.
Sau khi từ Thăng
Long trở về, tháng 4 năm Đinh Mùi (1787) Nguyễn Nhạc phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc
Bình Vương, cai quản phần đất từ Hải Vân trở ra; Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương
cai quản đất Gia Định, còn bản thân Nguyễn Nhạc đóng ở Qui Nhơn, tự xưng là
Trung ương Hoàng Đế. Hành động này cùng với việc hạn chế binh quyền đối với
Nguyễn Huệ đã gây ra mâu thuẫn sâu sắc giữa hai anh em nhà Tây Sơn. Cuộc khởi
nghĩa Tây Sơn với danh nghĩa lãnh tụ là Nguyễn Nhạc đến đây coi như kết thúc vì
nó đã mất đi tính chính nghĩa và có nguy cơ trở thành phản động, đi ngược lại ý
nguyện thống nhất nước nhà của toàn dân tộc. Tham vọng vị kỷ đến mù quáng của
Nguyễn Nhạc đã cản trở nghiêm trọng tới việc phát huy những thành quả quân sự của
Nguyễn Huệ nhằm đưa đất nước mau chóng đến ổn định, thái bình, hơn nữa còn tạo
ra khả năng dẫn đến tình trạng chia cắt, cát cứ mới. Nếu nói Nguyễn Nhạc có lỗi
với nhân dân Đàng Ngoài khi lệnh cho Nguyễn Huệ rút về Nam quá sớm, thì với việc
phân ba đất nước, và tự xưng là Trung ương Hoàng Đế, ông ta đã mang tội đối với
nhân dân cả nước. Nguyễn Nhạc tưởng rằng việc tự xưng là Trung ương Hoàng Đế với
hai vương ruột rà ở bên cạnh sẽ làm cho triều đại của ông vững chãi hơn bao giờ
hết, nhưng thực ra làm như thế cũng chính là đào mồ chôn cuộc khởi nghĩa Tây Sơn
cũng như chính triều đại Tây Sơn. Trận giông tố điềm báo ở vùng biển Phú Quốc năm
nào đã bắt đầu ứng nghiệm!
Tuy nhiên cái
triều đình tồn tại không còn một mục đích cao thượng nào ấy đã không dung nạp được
tâm hồn lồng lộng của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, một tâm hồn biết đặt
quyền lợi dân tộc lên trên hết, lấy việc qui giang sơn về một mối và phát triển
đến phồn thịnh làm mục đích cuộc đời và đang đau đáu trước vận nước.
Ngay từ lúc
trao binh phù cho Nguyễn Nhạc và theo Nguyễn Nhạc rút về Nam, chắc chắn rằng
trong Nguyễn Huệ đã có sự dằn vặt lớn lao trước một câu hỏi lớn, trước sự lựa
chọn giữa sự ràng buộc trung nghĩa theo lệ thường Nho giáo và khát vọng đấu
tranh vì nước vì dân đang cháy bỏng. Có một sự kiện thể hiện điều này rất rõ.
Trên đường về Phú Xuân, khi dừng chân ở đất Nghệ An, nghe tiếng La Sơn Phu Tử
Nguyễn Thiếp ở núi Thiên Nhẫn là bậc hiền tài, am hiểu việc đời, Nguyễn Huệ đã
cho vời đến và hỏi:
- Nay thiên hạ
bị chia cắt, đến bao giờ thì bình định được?
Nguyễn Thiếp trả
lời:
- Trong nước có
loạn lớn vì thiếu một bậc anh hùng. Người có thể bình định được thiên hạ, phi tướng
quân thì còn ai nữa?
Nguyễn Huệ nghe
xong, im lặng không hỏi gì thêm và sai người tiễn La Sơn Phu Tử trở về núi. Có
thể câu nói ấy của Nguyễn Thiếp đã nhắm trúng câu hỏi lớn trong tâm can Nguyễn
Huệ.
Sau này, khi lên
ngôi Hoàng Đế (cuối năm 1788), trước khi lên đường đánh quân xâm lược nhà
Thanh, trong chiếu tức vị của Nguyễn Huệ có đoạn nói về Nguyễn Nhạc: “Anh (tức
Nhạc) thì lãng nghĩa, chỉ mong giữ lấy một phủ Qui Nhơn, tự giáng mình làm Tây
chúa”. Hoặc trước khi lâm chung, Nguyễn Huệ trăn trối, dặn trấn thủ Nghệ An là
Trần Quang Diệu và các quần thần, có đoạn: “… Ngoài thì có quốc thù là quân Gia
Định (chỉ Nguyễn Ánh), mà Thái Đức (chỉ Nhạc) thì tuổi già, ham dật lạc, cầu yên
tạm bợ, không toan tính cái lo về sau…”
Những điều nói
trên chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự nổi loạn của Bắc Bình Vương chống lại
Trung ương Hoàng Đế.
Hai anh em Huệ,
Nhạc đem binh đánh lẫn nhau. Nhạc kém cỏi hơn, phải rút vào thành Qui Nhơn cố
thủ, Huệ kéo quân bao vây chặt hàng tháng trời, nã pháo tới tấp vào thành. Nhạc cầu cứu Đặng Văn Trấn từ
Gia Định về giải vây, đến Phú Yên thì Trấn bị quân của Huệ bắt được. Núng thế
quá, Nhạc xin được gặp Huệ. Nhạc bảo:
- Nồi da nấu thịt,
sao em lại nỡ hại anh?
Hai anh em đứng
trên mặt thành nhìn nhau khóc, giảng hòa, lấy Bến Ván làm giới hạn: từ Quảng Ngãi
trở vào Nam
do Nguyễn Nhạc làm chủ, từ phủ Thăng, phủ Điện trở ra Bắc do Nguyễn Huệ làm chủ. Tuy nhiên, theo một giáo sĩ phương Tây tại Việt Nam
lúc đó, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ tuy mâu thuẫn nhưng cho đến khi
Nguyễn Huệ bắt được Đặng Văn Trấn, quân đội hai bên vẫn chưa thực sự
đánh nhau thì Nguyễn Lữ đứng ra điều đình và hai bên vì tình cảm trong nhà đã đồng ý giảng hòa.
Nguyễn Huệ đã thoát được sự kiềm chế của Nguyễn Nhạc và trên thực tế đã hầu như
có đủ quyền năng để thực hiện sứ mạng lớn lao đối với cả nước mà mục tiêu hướng
tới đầu tiên của ông là dẹp yên Bắc Hà. Tiếc rằng cùng thời gian ấy phần đất nước
dưới sự quản lý của một Nguyễn Nhạc vô trách nhiệm và một Nguyễn Lữ bất tài vô
dụng đã không được quan tâm, đã không có những chuyển biến, phát triển nào đáng
kể gọi là tích cực, để cho Nguyễn Ánh có đủ thời gian và điều kiện phát triển lực
lượng chiếm giữ lại Gia Định và cả vùng đất đầy tiềm năng, đe dọa ngày một nghiêm
trọng đến tiền đồ tốt đẹp của đất nước mà Nguyễn Huệ hằng mong ước và đang cố công
theo đuổi, tạo dựng.
Cuộc nổi dậy của
Bắc Bình Vương, xét ra là phù hợp với yêu cầu của đất nước lúc bấy giờ, vì vậy
nó mang tính chính nghĩa và có thể nói rằng đó là một cuộc khởi nghĩa trong lòng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Cuộc khởi
nghĩa ấy chưa có tên gọi nên chúng ta tạm gọi nó là cuộc khởi nghĩa Cờ Đào và lãnh
tụ của nó là anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Khởi nghĩa Cờ Đào đã không giành được
thắng lợi triệt để vì chưa triệt tiêu được triều đình Nguyễn Nhạc. Đó cũng là một
điều đáng tiếc; nhưng có thể cảm thông được đối với con người nghĩa nhân của
Nguyễn Huệ khi không nỡ ra tay trước người anh ruột thịt hoàn toàn suy sụp và cầu
xin tha mạng. Âu đó cũng là sự đời thường thấy trong lịch sử và ở đây còn mang
tính định mệnh nữa. Phải chăng lịch sử bao giờ cũng bi tráng vì nó cũng chính là
kho tàng chứa đầy những chuyện trớ trêu?!
Việc bất hòa giữa anh em Tây Sơn để lại hậu quả nghiêm trọng và lập tức bị kẻ địch từ hai phía tận dụng.
Ở phía Nam, sau trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã chủ động
giao hảo với vua Xiêm để cởi bỏ thù hằn, do đó vua Xiêm không có ý giúp
Nguyễn Ánh trở về lần nữa. Tuy nhiên sau 3 năm lưu vong ở Xiêm, Nguyễn
Ánh nhận ra cơ hội này để về nước và đã tập hợp lực lượng, trở về vào tháng 8 năm 1787.
Nguyễn Lữ bất tài vô tướng nghe tin Nguyễn Ánh trở về vội vã tránh đi nơi khác để Gia Định cho Phạm Văn Tham giữ. Sau đó thế quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh khiến Nguyễn Lữ sợ hãi mang quân bản bộ rút chạy về Quy Nhơn. Quân Tây Sơn đã mỏng lại càng mỏng. Mặc dù sau đó Phạm Văn Tham đã nỗ lực chống trả nhưng vì không được viện binh trợ lực nên tháng 8 năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định. Phạm Văn Tham rút chạy ra ngoài vẫn cố đơn độc chiến đấu để chờ viện binh, nhưng lúc đó Nguyễn Nhạc chỉ lo phòng bị Nguyễn Huệ Bắc Bình vương ở phía Bắc mà không đoái hoài đến việc cứu phía Nam nữa. Thế cùng sức kiệt, đầu năm 1789, Phạm Văn Tham bị Nguyễn Ánh vây chặt, lại bịt đường ra biển về Quy Nhơn nên buộc phải đầu hàng. Tây Sơn lại mất Nam Bộ.
Sau một thời gian để mất Gia Định và trở về Quy Nhơn, Đông Định vương Nguyễn Lữ lâm bệnh qua đời.
Ở Bắc Hà
, Nguyễn
Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra sức xây dựng thế lực riêng, mưu phản, chờ thời. Trong
khi đó ở Thăng Long, Lê Chiêu Thống nhu nhược, hoàn toàn bất lực không kham nổi
việc nước. Tình hình Bắc Hà ngày càng hỗn loạn do phần lớn quan lại thuộc phe cánh
họ Trịnh nổi lên chống đối và sự tự đấu đá lẫn nhau. Các thế lực của chúa Trịnh từng bỏ trốn khi Tây Sơn kéo ra như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ trỗi dậy, lập Trịnh Bồng lên ngôi vương, tức là Án Đô vương, tái lập chính quyền chúa Trịnh.
Đám Trịnh Bồng dần thắng
thế, kéo về uy hiếp vua Lê, đòi lập lại phủ chúa. Lê Chiêu Thống cầu cứu Nguyễn
Hữu Chỉnh. Chỉnh kéo quân ra dẹp yên nhưng chớp cơ hội ấy, đóng luôn ở phủ chúa
cũ. Trịnh Bồng bỏ đi mất tích. Họ Trịnh mất hẳn, nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh lại lộng hành như
chúa Trịnh trước kia.
Không những thế Chỉnh còn định tranh thủ tình hình anh em Tây Sơn đang xung
đột nhau, chiếm lấy Nghệ An; cử Trần Công Sán là thầy dạy cũ vào Phú Xuân, mượn
lời Lê Chiêu Thống đòi lại đất Nghệ An. Được Võ Văn Nhậm báo về, Nguyễn Huệ cử
luôn Võ Văn Nhậm ra Bắc trị tội Chỉnh. Chỉnh chống cự quyết liệt, rồi cũng bị
quân Tây Sơn bắt, giải về Thăng Long xé xác.
Khi Võ Văn Nhậm
ra chiếm Thăng Long, Lê Chiêu Thống cùng ít trung thần trốn sang Kinh Bắc, sau đó
chạy vào Sơn Nam, Thanh Hóa, rồi lại trở ra Kinh Bắc. Bước cùng, Chiêu Thống
sai người sang cầu cứu nhà Thanh hòng giành lại quyền lợi của một vương triều
suốt mấy trăm năm tồn tại vật vờ, phi nghĩa và đang mục ruỗng đến tột độ.
Giết Chỉnh
xong, Võ Văn Nhậm lại dở trò phản nghịch, tự ý lập Lê Duy Cẩn (người mà trước đây
suýt nối ngôi Cảnh Hưng theo ý của công chúa Ngọc Hân nhưng bị các triều thần
nhà Lê phản đối gay gắt) làm Giám quốc (bù nhìn), mưu đồ gầy dựng một giang sơn
riêng. Nhận được tin báo của Ngô Văn Sở, Nguyễn Huệ vội đem quân đi gấp ngày đêm
ra Thăng Long (tháng 5-1788), giữa canh tư vào thẳng dinh của Nhậm, sai vũ sĩ
giết chết ngay tại chỗ. Trong khoảng một tháng lưu lại ở Thăng Long, Nguyễn Huệ
tổ chức lại bộ máy chính quyền, vẫn để Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn làm Giám quốc,
trọng dụng các sĩ phu Bắc Hà tên tuổi như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế
Lịch, Võ Huy Tấn… Trước khi trở về Nam, Nguyễn Huệ đã căn dặn cẩn thận
rằng:
- Đại Tư mã Ngô
Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân là nanh vuốt của ta; Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Hộ
bộ thị lang Trần Thuận Ngôn là tâm phúc của ta. Lại bộ thị lang Ngô Thì Nhậm
tuy là người mới, nhưng là bậc tân thần, ta coi như khách. Nay ta giao cho các
khanh hết thảy mọi việc quân quốc, coi quản 11 trấn trong toàn hạt. Hễ có điều
chi, ta cho cứ được tiện nghi làm việc. Song các khanh cần phải họp bàn với
nhau, chứ đừng phân bì kẻ mới người cũ, miễn sao làm cho được việc, ta mới yên
lòng…
Tình hình Bắc Hà
nói chung và Thăng Long nói riêng trở lại trật tự.
Nhưng Chiêu Thống qua cửa ải Thủy Khẩu chạy sang Long Châu nhà Thanh, gặp Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh cầu xin cứu viện. Sách "Cương mục" viết:
"Thái hậu đưa nguyên tử (con trai Chiêu Thống) đến yết kiến ở trong
sân, gào khóc xin cứu viện. Bọn Sĩ Nghị tâu với vua Thanh rằng tự hoàng
nhà Lê đương phải bôn ba, đối với đại nghĩa, ta nên cứu viện. Vả lại, An Nam
là đất cũ của Trung Quốc, sau khi khôi phục nhà Lê, ta nhân đó, đặt
lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm
lấy được An Nam, thật là làm một chuyến mà được hai lợi".
Khoảng 6 tháng sau, quân xâm lược nhà Thanh xâm lăng Đại Việt.
***
Lại kể, khi Lê Chiêu Thống
cầu cứu nhà Thanh, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị mừng rỡ nói với thuộc hạ.
- Nước Nam xưa
vốn thuộc Hán, Đường, mãi đến đời Tống họ Đinh mới dấy lên giữ lấy nước, từ đời
nọ đến đời kia gây thành một nước độc lập, nay cuộc thế đổi thay, họ không giữ
nổi, có lẽ trời muốn ban cho ta làm quận, huyện chăng?
Rồi sau khi nắm
rõ tình hình Đại Việt qua lời kể của bọn bán nước Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị dâng
biểu lên vua Càn Long: “An Nam là đất cũ của Trung Hoa, nếu phục hưng cho nhà Lê
rồi, ta sẽ đặt trú binh mà giữ lấy nước, thế là vừa phục tồn nhà Lê lại vừa được
đất An Nam, thật là được cả hai việc”. Càn Long tán thành ý ấy bèn hạ lệnh điều
động binh mã bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quí Châu, tất cả gồm 29
vạn quân lính và dân phu, chia làm bốn đạo do Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh, xâm lược Đại
Việt.
Tháng 11-1788,
quân Thanh ồ ạt tràn qua biên giới nước ta, đạo binh thứ nhất do Tôn Sĩ Nghị và
Hứa Thế Hanh chỉ huy tiến theo đường Lạng Sơn đến Thăng Long, đạo thứ hai do
tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy tiến theo đường Cao Bằng đến Thăng Long, đạo binh
thứ ba do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy tiến theo đường Tuyên Quang xuống Sơn Tây, đạo
binh thứ tư tiến qua đường Quảng Ninh xuống Hải Dương.
Các tướng Tây Sơn
đồn trú ở Lạng Sơn trước một lực lượng quân Thanh áp đảo vội lui về Kinh Bắc tổ
chức phòng ngự, đồng thời cáo cấp về Thăng Long. Trong khi đó, quân Thanh đã tiến
tới Bắc Giang ào ạt như nước vỡ bờ…
Chính quyền phụ
trách Bắc Hà khẩn trương bàn cách đối phó. Lúc bấy giờ tổng số quân Tây Sơn đồn
trú ở Thăng Long và các trấn Bắc Hà, dưới quyền chỉ huy của tướng Ngô Văn Sở,
chỉ có vào khoảng một vạn người. Với một đội quân ít ỏi như thế mà nghênh chiến
với quân Thanh đang hùng hổ, có ưu thế gấp bội thì thật là một điều quá nan giải.
Hơn nữa, một số cận thần còn trung thành với nhà Lê (theo kiểu “quân xử thần tử,
thần bất tử bất trung” - một quan niệm “quái ác” có xuất xứ từ Nho giáo!) ngầm
chiêu mộ quân “cần vương”, xúi giục nổi dậy ở một số nơi; một bộ phận nhân dân
chưa hiểu được Tây Sơn do còn bị mê hoặc bởi các cận thần ấy và cũng bởi sự tuyên
truyền mị dân của quân Thanh, vẫn chưa hướng về chính quyền Tây Sơn. Điều đó làm
cho việc chống cự lại quân Thanh ngay từ buổi đầu càng thêm nan giải và trở nên
không thể. Đánh không được, giữ cũng chưa chắc đã xong, vậy thì làm thế nào? Ngô
Thì Nhậm chủ trương: chưa đánh, cũng không giữ mà tạm thời rút đi để bảo toàn lực
lượng. Ông nói:
“- Tướng giỏi xưa,
lường thế giặc mới đánh, nắm phần thắng rồi mới hành động, tùy theo tình thế
thay đổi mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước thì chịu thua người một nước,
sau mới được người ta một nước, đừng có đem nước sau làm nước trước, đó mới là
tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không bỏ mất một mũi tên.
Cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi chúng đi, cũng như ngọc bích của nước Tần
đời xưa, vẫn nguyên lành chứ có mất gì”
Thật là sáng suốt!!!
Sau này chính Nguyễn Huệ khen là “kế rất hay”, “chịu nhịn để tránh sức mạnh ban
đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn quân ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì
khiến lòng quân kích thích, ngoài thì khiến lòng giặc kiêu căng…”. Ngô Văn Sở và
mọi người nhất trí chủ trương ấy, lập tức thu quân các nơi về Thăng Long, tổ chức
một cuộc duyệt binh lớn ở bãi sông Hồng (có lẽ ở Diễu vũ trường), thực hiện một
số biện pháp ngăn chặn, nghi binh rồi bí mật rút lui an toàn về vùng Tam Điệp -
Biện Sơn, đồng thời phi báo về Phú Xuân cho Nguyễn Huệ. Quân Tây Sơn do Ngô Văn
Sở chỉ huy hành quân tới nơi ngày 17-12-1788, liền chiếm lĩnh những địa hình hiểm
yếu, chia quân thủy bộ đóng giữ, nhanh chóng tạo thành một tuyến phòng ngự kiên
cố, vững chắc.
Tối ngày 19 tháng
11 năm Mậu Thân (16-12-1788), quân Thanh vượt sông Hồng. Ngày 17-12-1788, Tôn Sĩ
Nghị kéo vào chiếm đóng thành Thăng Long.
Dưới
ách chiếm đóng
của giặc, Thăng Long đã phải chịu biết bao nhiêu đau thương uất hận.
Được bọn
người Hoa đã trở nên phản động ở phường Hà Khẩu chỉ dẫn, quân Thanh hàng
ngày kéo
đi cướp phá, hãm hiếp, giết chóc, gây nhiều tội ác tày trời đối với nhân
dân
Kinh thành. Trong khi đó Lê Chiêu Thống lộ nguyên hình là vua bán nước,
đã cùng
bè lũ lo việc trả thù, báo oán tàn nhẫn, hèn hạ và ti tiện. Còn lưu lại
những câu chuyện về cuộc trả thù khủng khiếp như chặt chân tay những
công chúa đã lấy tướng Tây Sơn rồi ném họ xuống giếng hay mổ bụng những
"ngụy thai", giết chết cả mẹ lẫn con, không cho những thai nhi ấy được
sinh ra trên đất Bắc Hà! Bản thân các thái hoàng, thái hậu cũng phải
thốt lêm: chúng làm như thế thì đất nước này không thể giữ được Mặt khác
Lê Chiêu Thống hàng ngày phải đến chầu chực
tại dinh cuả Tôn Sĩ Nghị, vô cùng ươn hèn nhục nhã, đến độ nhân dân
Thăng Long đương
thời đã nói với nhau: “Nước Nam từ khi có đế, có vương đến nay, chưa bao
giờ có
ông vua luồn cúi đê hèn như thế”.
Chính những hành
động bạo ngược của quân, tướng nhà Thanh, cũng như những hành động phản bội dân
chúng, theo đóm ăn tàn của bè lũ Chiêu Thống đã làm cho lòng người tỉnh ngộ và
dân chúng dần một lòng hướng về ngọn Cờ Đào.
Ngày 24 tháng
11 năm Mậu Thân, (21-12-1788), đô đốc Tuyết mang thư cáo cấp của Đại tư mã Ngô
Văn Sở đến Phú Xuân, trình lên Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Xem thư xong, Bắc Bình
Vương ra lệnh khởi binh. Quần thần khuyên ông nên chính vị hiệu để ràng buộc lòng
người trong nước rồi hãy xuất quân. Ông nghe theo, sai đắp đàn tế trời đất, rồi
lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Quang Trung năm thứ nhất. Ngay ngày hôm
sau, tức ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra Bắc, đi
đánh quân xâm lược và bè lũ bán nước.
Ngày 29 tháng
11 năm Mậu Thân, vua Quang Trung đến Nghệ An, dừng lại khoảng 10 ngày để tuyển
thêm quân. Trong thời gian này nhà vua có vời La Sơn Phu Tử từ núi Thiên Nhẫn
xuống và hỏi:
- Quân Thanh lại
đây, ta đem quân đánh. Mẹo đánh hay giữ, được hay thua, tiên sinh nghĩ thế nào?
La Sơn Phu Tử đáp:
- Nay trong nước
trống không, nhân dân ly tán, quân Thanh từ xa đến không biết tình hình quân ta
mạnh yếu thế nào, không biết nên chiến thủ thế nào, và nó có bụng khinh địch,
tiến đánh gấp đi, thì không quá 10 ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì
khó lòng thắng chúng.
Vua Quang Trung
rất mừng, nói:
- Ý của tiên
sinh chính hợp với ý ta.
Sau khi tuyển
thêm tân binh, lực lượng của vua Quang Trung tổng cộng khoảng trên 10 vạn người.
Vào ngày 11 (hoặc 12) tháng 12 năm Mậu Thân, Quang Trung tổ chức duyệt binh ở
Nghệ An. Ngồi trên mình voi, nhà vua kêu gọi tướng sĩ:
“- Quân Thanh kéo
sang xâm lược, hiện nay đang chiếm Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong vòng
trời đất chia theo phận sao Đậu, sao Chẩn,
Nam Bắc vẫn riêng
một non sông. Người nước Bắc không phải nòi giống ta thì tất khác bụng khác dạ.
Từ nhà Hán về sau, họ cướp đất ta, áp bức nhân dân ta, vơ vét của cải của ta. Nông
nỗi ấy thật là khó chịu. Người trong nước ai cũng phải nghĩ đánh đuổi chúng đi.
Đời Hán có Trưng Vương, đời Tống có Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời
Minh có Lê Thái Tổ. Các ngài không chịu bó tay ngồi nhìn quân ngoài tàn bạo, nên
phải thuận lòng người, dấy quân nghĩa, đánh đuổi chúng đi. Trong những khi ấy,
Nam Bắc đâu lại phận đó, bờ cõi yên ổn, vận nước lâu dài. Từ nhà Đinh đến nay,
chúng ta không phải chịu cái khổ Bắc thuộc. Lợi hại được mất, chuyện cũ rành rành
ra thế. Nay người Thanh không noi gương Tống, Nguyên, Minh, lại sang mưu chiếm
nước ta, đặt làm quận huyện. Vậy ta phải vùng lên mà trừ đi…”
Từ Nghệ An, đại
binh Quang Trung tiếp tục gấp rút hành quân, đến ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân
(15-1-1789) thì đến phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, hội binh với Ngô Văn Sở. Tại
đây, sau khi nghiên cứu, nắm vững tình hình địch, Quang Trung hạ quyết tâm mở
trận quyết chiến chiến lược. Một mặt, ông đề ra phương án, lập thế trận, gấp rút
tổ chức, phân phối lực lượng tham gia chiến đấu, mặt khác truyền hịch kể tội quân
Thanh, động viên nhân dân Bắc Hà đoàn kết, đồng lòng đánh giặc cứu nước. Đồng
thời, nhằm kích thích thêm sự kiêu ngạo, chủ quan của các tướng nhà Thanh,
Quang Trung sai người đến Thăng Long dâng bẩm văn, xin Tôn Sĩ Nghị hãy đóng quân
ở trấn Nam Quan để tra xét nội tình nhà Lê và Tây Sơn, lại đem nộp cho Tôn Sĩ
Nghị 40 tuần lương binh do Ngô Hồng Phấn bắt được. Xem xong các bẩm văn, Tôn Sĩ
Nghị xé phăng ngay, tuyên bố sẽ đánh thẳng vào Quảng Nam bắt sống Quang Trung.
Trong thời gian
chuẩn bị này, lịch sử đã để lại nhiều câu nói của vua Quang Trung, chứng tỏ cái
tài tiên đoán, nhìn xa trông rộng của ông. Trước ba quân hay những dịp diện kiến
các tướng lĩnh, nhà vua đã từng nói:
“Nay ta tới đây
tự đốc việc quân, chiến thủ ra sao đã có phương lược định sẵn, chỉ trong vòng
10 ngày nữa thế nào ta cũng quét sạch giặc Thanh. Song, ta nghĩ: nước Thanh lớn
hơn nước ta gấp 10 lần, Thanh bị thua tất lấy làm hổ thẹn, chắc phải tìm cách rửa
hờn. Nếu cứ để binh lửa kéo dài mãi, thật không phải là phúc cho trăm họ, lòng
ta không nỡ! Nên chi, sau khi thắng, ta nên khéo đường từ lệnh thì mới dập tắt được
ngọn lửa binh tranh, việc từ lệnh đó, ta sẽ giao cho Ngô Thì Nhậm”
“Các người ai
muốn đánh giặc, hãy vì ta mà giết cho hết quân giặc. Ai không muốn đánh giặc, hãy
xem ta đánh một trận giết dăm vạn giặc. Đó không phải là chuyện hiếm lạ lắm đâu”
“Nay hãy tạm ăn
Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang xuân, ngày mồng 7, vào Thăng Long lại mở tiệc
ăn mừng. Các người ghi nhớ lấy lời ta xem có thực hay không”
Trước giờ xuất
quân, đã vang lên lời hịch sau đây của Hoàng đế Quang Trung mà cái sang sảng, hào
hùng của nó còn vọng đến ngày nay và chắc rằng đến mãi ngàn sau:
“Đánh cho để dài
tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp
bất hoàn, đánh cho sử tri Nam
quốc anh hùng chi hữu chủ”
Không phải đến
bây giờ, các nhà nghiên cứu quân sự mới trầm trồ và chưa hết ngạc nhiên về tài
hành quân thần tốc, đánh thần tốc và thắng cũng thần tốc của thiên tài nhiều mặt
Quang Trung - Nguyễn Huệ, mà ngay cả những người sống cùng thời bấy giờ, kể cả
những người bình thường nhất, ở những góc độ quan sát khác nhau cũng đã thấy điều
đó. Chỉ có tướng lĩnh quân Thanh là mù tịt. Sự phởn chí nhiều khi gây ra những
hiện tượng thật quái lạ, nực cười!
Lúc này, Tết
Nguyên Đán sắp đến, quân Thanh chỉ chăm chăm lo ăn chơi, phè phỡn. Tôn Sĩ Nghị
hết sức ngông nghênh, tự đắc, coi việc bắt sống Quang Trung chỉ là vấn đề thời
gian. Khi nghe các cựu thần nhà Lê lo lắng, xin Nghị cho sớm xuất quân, Nghị
xua tay nói:
- Hết năm đến nơi
rồi, việc gì phải vội thế. Không cần phải đánh vội, giặc đang gầy, ta hãy cứ nuôi
cho chúng béo để chúng tự đến dâng thịt.
Quân tướng xâm
lược nhà Thanh, được dung túng, càng tỏ ra coi trời bằng vung, thả sức cướp phá,
bắt dân nộp bò, lợn, gà, vịt, gạo… để chúng ăn tết, sa đà rượu thịt. Thấy cảnh ấy,
một cung nhân của Lê Chiêu Thống đã nói với bà Thái hậu, mẹ Chiêu Thống như
sau:
- Nguyễn Huệ là
một tay anh hùng lão luyện, giỏi việc dùng binh. Lúc ra Bắc khi vào Nam, hắn
thần xuất quỉ nhập, không ai có thể lường được. Hắn bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt
đứa trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn. Không ai dám nhìn thẳng vào mặt
hắn bao giờ. Hắn trỏ tay lườm mắt là làm cho người ta sợ quá sấm sét. Tôi trộm
e rằng không bao lâu nữa, hắn lại đến đây. Tôn Tổng đốc đem đạo quân như thế, địch
sao nổi?
Tuy nhiên, nói
như thế không có nghĩa Tôn Sĩ Nghị, một tướng lĩnh quân sự, lại ngu ngơ tới mức
sao nhãng việc tổ chức bố phòng. Đội hình bố phòng của quân Thanh lấy Thăng
Long làm trung tâm, có chiều sâu theo trục từ phía nam đến Thăng Long, có thể
chi viện, ứng cứu nhau giữa các căn cứ đồn trú khi có biến, cụ thể: đạo quân chủ
lực của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bãi cát hai bên bờ sông Hồng, qua lại nhau bằng cầu
phao; đạo quân Sầm Nghi Đống đóng tại Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), đạo quân
của Ô Đại Kinh (đến sau) đóng tại Sơn Tây. Trên trục đường phía nam Thăng Long,
Tôn Sĩ Nghị sai lập nhiều đồn lũy kiên cố ở Thanh Quyết, Hà Nội, Ngọc Hồi, Văn Điển…
Một bộ phận quân “cần vương” của Chiêu Thống trấn giữ ở đồn Gián Khẩu, làm vị
trí tiền tiêu án ngữ đường tiến ra Thăng Long.
Tin chắc vào lực
lượng đông, hệ thống đồn lũy kiên cố, sự bố phòng kín kẽ, vững chắc, Tôn Sĩ Nghị
chủ quan, thả lỏng cho quân lính nghỉ ngơi ăn Tết và quyết định đợi sang xuân,
mồng 6 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), mới xuất quân.
Nguyên nhân sâu
xa của mọi cuộc tổ chức xâm lược cũng là sự thèm khát danh lợi, biểu hiện ra là
hành động khuất phục cho được dân chúng bản xứ, chiếm đoạt cho được của cải, đất
đai… bằng công cụ bạo lực. Do đó mà bản chất của mọi cuộc chiến tranh xâm lược đều
là tàn bạo. Có mục đích và bản chất phi nhân phi nghĩa như thế nên khi phải đối
đầu với một cuộc khởi nghĩa chống xâm lược, bất cứ đội quân xâm lược nào cũng bị
áp lực của nhiều yếu tố về chính trị và quân sự hối thúc chọn phương án tiến hành
ưu tiên số 1 là đánh nhanh thắng nhanh bằng mọi giá. Tôn Sĩ Nghị đã không thấy được
điều đó nên đã phạm sai lầm, tự làm mất đi cả ba yếu tố tạm thời có được là thiên
thời, địa lợi, nhân hòa, và đứng trước một thiên tài quân sự Quang Trung, thì sự
đại bại là không tránh khỏi.
Kế hoạch tác
chiến của vua Quang Trung như sau:
- Đạo quân thứ
nhất (chủ lực), do chính nhà vua chỉ huy, có nhiệm vụ tiến công vào hệ thống phòng
ngự chính của địch trên đường từ phía nam đến Thăng Long.
- Đạo quân thứ
hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, có nhiệm vụ theo đường Sơn Minh (huyện Ứng Hòa) ra làng
Đại Áng, đánh vào sườn tây - nam đồn Ngọc Hồi, vị trí quan trọng nhất của địch,
phối hợp với quân chủ lực.
- Đạo quân thứ
ba do Đô đốc Long chỉ huy, theo đường huyện Chương Đức (Chương Mỹ ngày nay),
nhanh chóng đánh vu hồi sườn địch, tiến công vào quân Sầm Nghi Đống, sau đó phát
triển vào Thăng Long.
- Đạo quân thứ
tư đi đường thủy, do Đô đốc Tuyết chỉ huy tiến vào sông Lục Đầu, tiêu diệt quân
“cần vương” của Chiêu Thống ở Hải Dương, làm tiếp ứng cho các đạo quân khác tiến
công địch ở khu vực Thăng Long.
- Đạo quân thứ
năm do Đô đốc Lộc chỉ huy cũng tiến theo đường trên nhưng khi tới sông Lục Đầu
thì sẽ đi gấp lên phía Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế chặn đường rút chạy của
địch
Đêm 30 tháng 12
năm Mậu Thân (25-1-1789), chiến dịch mở màn. Quân chủ lực do Quang Trung chỉ
huy vượt sông Gián Thủy (cách Thăng Long 76km), hạ đồn Gián Khẩu rồi tiến lên hạ
tiếp một số vị trí khác. Quân ta đánh nhanh, tiêu diệt gọn đến nỗi quân Thanh ở
các đồn phía ngoài vẫn không hay biết gì.
Đêm mồng 3 Tết
Kỷ Dậu (28-1-1789), quân ta bí mật vây chặt đồn Hạ Hồi, rồi hò reo ầm ĩ, hư trương
thanh thế, bắc loa gọi hàng. Quân Thanh đang ăn Tết trong đồn hoàn toàn bị bất
ngờ, tưởng đâu như “tướng ở trên trời xuống, quân từ đất chui lên”, hoang mang
hoảng loạn, mất hết tinh thần chiến đấu, xin hàng. Quân ta hạ đồn Hạ Hồi không
tốn một viên đạn!
Mờ sáng mồng 5
Tết Kỷ Dậu, quân Quang Trung tiến công đồn Ngọc Hồi. Đồn Ngọc Hồi nằm trên quốc
lộ huyết mạch (quốc lộ 1), cách Thăng Long 14 km, là vị trí đồn lũy then chốt bảo
vệ mặt nam thành Thăng Long. Để mất Ngọc Hồi thì phòng tuyến phía nam bị chọc
thủng, hoàn toàn đổ vỡ. Ở đây có khoảng 3 vạn quân Thanh đóng giữ, đặt dưới quyền
chỉ huy của Đề đốc Hứa Thế Hanh (phó tướng của Tôn Sĩ Nghị), ngoài đồn về phía
nam, có bãi chướng ngại vật gồm chông sắt, cạm bẫy, địa lôi và chiến lũy phòng
vệ kiên cố, trên thành đặt nhiều đại bác. Hơn nữa việc đánh Ngọc Hồi đã không còn
yếu tố bất ngờ.
Biết rõ tầm
quan trọng của đồn Ngọc Hồi, Quang Trung hạ quyết tâm tiêu diệt. Ngay từ đầu,
trận đánh đã tỏ ra rất ác liệt. Quân ta vừa tiến đến trước đồn thì quân Thanh ở
bên trong đã bắn đại bác ra dữ dội, lại nhân có gió bấc, khói súng mù mịt bay tạt
phủ lên đội ngũ làm quân ta tiến lên rất khó khăn. Càng đến gần, tên đạn của địch
càng dày đặc khiến cuộc tiến công của quân ta có nguy cơ chững lại. Ngay tại thời
điểm quan trọng đó, Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ quàng khăn vàng vào cổ để tỏ
ra quyết tâm chiến đấu hy sinh, đồng thời thay đổi cách đánh: sai lấy 60 tấm ván,
cứ 3 tấm ghép làm một tạo thành 20 tấm chắn, mỗi tấm chắn được 10 người lính khỏe
mạnh dùng một tay khiêng, một tay cầm đoản đao tiến lên phía trước, che đỡ cho
20 quân sĩ khác cầm vũ khí nặng tiến theo phía sau, tạo thế cho toàn quân xông
lên. Quân Thanh bắn ra càng rát nhưng không hiệu quả, hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn.
Chúng giày xéo cả lên nhau, nhảy cả vào những chỗ chính chúng chôn địa lôi, bị
thương vong rất nhiều. Đồn lũy Ngọc Hồi hoàn toàn bị triệt hạ. Bộ phận quân
Thanh còn lại rút chạy trên đê Yên Ninh, bỗng gặp một toán quân ta làm kế nghi
binh, mở cờ gióng trống tiến ngược lại. Giặc mắc mưu, quay chạy về phía làng Đại
Ánh (Thanh Trì) thì bị cánh quân của Đô đốc Bảo bất thần từ trong làng kéo ra, dồn
chúng về Đầm Mực (làng Quỳnh Đô, Thanh Trì) rồi thúc voi dày xéo, tiêu diệt hàng
vạn tên.
Đồng thời với
thời gian đánh đồn Ngọc Hồi, cánh quân của Đô đốc Long thực hiện bao vây, đánh
mãnh liệt vào Khương Thượng (đồn Đống Đa). Quân Thanh không chống cự nổi và cũng
không có đường thoát, chết vô số kể. Tướng Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử tại chiến
trường.
Quân ta thừa thắng,
tiêu diệt nốt các đồn Văn Điển, Yên Quyết, thọc sâu vào Thăng Long, các mũi đột
kích đều nhằm vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Tây Long.
Chỉ khi đồn Hạ
Hồi thất thủ, Tôn Sĩ Nghị mới biết quân Quang Trung tiến đánh. Nghị hốt hoảng,
cuống cuồng tìm cách đối phó, nhưng chưa kịp trở tay, động thủ gì thì Ngọc Hồi,
Khương Thượng đều đã bị hạ, các tướng nhà Thanh là Hứa Thế Hanh, Trương Sĩ
Long, Thượng Duy Thăng, Sầm Nghi Đống đều đã tử trận, quân sĩ tan tác. Lại nghe
tin quân Quang Trung đang đằng đằng xông tới Tây Long, lúc này (sáng mồng 5 Tết
Kỷ Dậu), sự hoảng sợ của Tôn Tổng đốc đầy tham vọng và kiêu ngạo đã lên đến tột
độ. Mất hết hồn vía, Nghị vội vàng không kịp mặc áo giáp, không kịp thắng yên
ngựa, cùng một số kỵ binh ra bờ sông Hồng, qua cầu phao, “bỏ của chạy lấy người”.
Quân Thanh biết tin chủ soái đã tìm đường “thăng” cũng cuống cuồng nhốn nháo chạy
theo, “tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn ngả cả xuống sông chết vài vạn
người”.
Cánh quân từ Vân
Nam,
Quý Châu vừa kéo tới Sơn Tây, nghe tin Tôn Sĩ Nghị đã bỏ chạy, sợ quá, vội rút
chạy luôn. Bè lũ Lê Chiêu Thống càng kinh khiếp hơn, chèo thuyền qua sông, bám
theo Tôn Sĩ Nghị.
Nghị cùng tàn
binh chạy đến Phượng Nhãn (Hà Bắc) thì bị cánh quân Đô đốc Lộc đón đường đánh.
Nghị vội vứt cả sắc thư, ấn tín, cờ hiệu… cùng bộ hạ luồn rừng mà chạy. Viên thư
ký của Nghị là Trần Nguyên Nhiếp ghi lại: “Tôi và Chế Hiến (chức quan của Nghị)
đói cơm, khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi suốt 7 ngày 7 đêm
mới đến được trấn Nam Quan”.
Chiều mồng 5 Tết
Kỷ Dậu, vua Quang Trung ngồi trên mình voi chiến, khoác chiếc áo bào sạm đen khói
súng, dẫn đầu 80 thớt voi cùng đoàn đại binh rầm rộ tiến vào Thăng Long. Nhân dân
36 phố phường đổ ra chật đường, nghênh đón người anh hùng áo vải cờ đào vĩ đại
của dân tộc Việt.
Cảnh tượng ấy là
bất tử!
Ngày mổng 7 Tết
Kỷ Dậu (1-2-1789), Quang Trung làm lễ mừng chiến thắng giữa Kinh thành Thăng
Long, mở tiệc khao quân thực hiện lời hứa đã từng tuyên bố trước đây với ba quân
tướng sĩ.
Có thể cho rằng
chiến dịch đại phá ngót 29 vạn quân Thanh chỉ như một trận đánh lớn bởi tính tập
trung về không gian và thời gian của nó. Và chỉ với một trận đánh mà đánh tan được
đội quân xâm lược đông gấp bội phần, lại đang ở tư thế bố phòng liên hoàn, chặt
chẽ, có đồn lũy kiên cố bảo vệ, thì đó chính là chiến công bất tuyệt của Quang
Trung. Trong cùng một hoàn cảnh, điều kiện như thế, không phải vị tướng tài nào,
dù cho có thuộc làu binh pháp cũng có thể làm được như thế.
Không hiểu tại sao,
“nhìn” Quang Trung đánh trận, chúng ta có cảm giác như ông đã “đọc” được diễn
tiến của trận đánh trước khi nó xảy ra. Phải chăng vì thế mà ông luôn là tướng
bách thắng? Lối đánh của ông vừa chắc nịch, vừa uyển chuyển, giản dị mạch lạc
nhưng cũng biến hóa khó lường. Trong trận đánh, các cánh quân của ông hoạt động
có hiệu quả, hợp đồng tác chiến rất ăn ý, nhịp nhàng, nhanh chóng tạo ra thế trận
kết hợp nhuần nhuyễn giữa bao vây vu hồi và đột phá chia cắt cũng như sự chuyển
hóa phù hợp giữa hai hình thức ấy theo diễn tiến trận đánh. Có thể vì thế mà nếu
xét về tổng quan, số lượng quân của Quang Trung thường ít hơn rất nhiều so với đối
phương nhưng trong thời gian đã định và tại vị trí trọng yếu đã định lại trở nên
mạnh hơn so với đối phương, tạo bước ngoặt giải quyết chiến trường, giành thắng
lợi, và thường là những thắng lợi vang dội, rất hiển hách.
Quang Trung từng
nói: “Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo, chứ không phải lấy mạnh đè yếu,
lấy nhiều hiếp ít”. Đây là một câu nói mang “khẩu khí” quân sự, nó rất cô đọng
nhưng rất hay, rất đúng. “Mềm dẻo” cũng đồng nghĩa với “tùy cơ ứng biến” và có
thể còn mang ý nghĩa bao hàm hơn. Trần Hưng Đạo cũng nói: “Phải xem xét tình thế
biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà ứng biến cho đúng”. Ngô Thời
Nhiệm, đại thần của vua Quang Trung, cho rằng: là một tướng giỏi thì phải biết
“lường thế giặc rồi mới đánh, nắm phần thắng rồi mới ra tay hành động, tùy theo
tình thế thay đổi mà bày ra chước lạ”.
Nhưng
muốn thực
hành được sự “rất mềm dẻo” như Quang Trung nói, thật không dễ dàng chút
nào, thậm
chí là rất khó khăn. Muốn thế, một tướng cầm quân phải biết nhìn xa
trông rộng,
nhận thức được qui luật vận động của chiến tranh, nắm vững nghệ thuật
quân sự cũng
như am tường binh pháp. Đó là những tiền đề cần có (nhưng có thể là chưa
đủ) để
một người tướng được gọi là có tài điều binh khiển tướng, mới có thể lấy
yếu, ít
mà thắng được mạnh, nhiều. “Quân cốt tinh nhuệ không cốt đông”, “Lấy yếu
địch mạnh,
lấy ít thắng nhiều” chỉ là những cách nói, có tính đúc kết, cô đọng của
ông cha
ta về cách đánh đã thành truyền thống của một dân tộc không đông nhưng
anh dũng,
của một đất nước không rộng nhưng linh và hiểm. Ai hiểu nó hời hợt,
tuyệt đối
theo nghĩa đen, máy móc siêu hình sẽ phải chuốc lấy: … nếu có thắng thì
chỉ thắng
nhỏ bé cục bộ còn phần thua thì nhiều và thua chung cuộc. Có thể nào tài
năng quân sự thiên tài của Quang Trung - Nguyễn Huệ xuất phát từ việc
am hiểu võ thuật nước nhà và từng trải chiến trường của vị anh hùng áo
vải?
Mọi sự vật - hiện
tượng đều phải hiện hữu, vận động trong môi trường và chịu tác động qua lại với
môi trường. Suy ra, bất cứ cuộc đấu tranh vũ trang nào cũng đều vận động trong
môi trường thiên nhiên - xã hội và chịu sự ảnh hưởng tương hỗ của môi trường ấy,
một môi trường đa dạng, nhiều hình nhiều vẻ và luôn biến đổi giữa hai lực lượng
đối kháng nhau trong cuộc xung đột ấy, lực lượng nào biết hành động phù hợp hơn
với môi trường (lúc này lực lượng đối phương cũng là bộ phận của môi trường!),
biết tạo dựng tình thế có lợi hơn (như thu phục được lòng người (quần chúng
theo về, phân hóa nội bộ đối phương…), lợi dụng địa hình, địa vật, thời tiết khí
hậu, sử dụng có hiệu quả binh khí…), sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Cụ thể
là một lực lượng dù tương đối ít hơn, yếu hơn, nhưng biết vận động uyển chuyển
thích ứng với môi trường, biết tận dụng những yếu tố có lợi của môi trường và hơn
nữa là biết tác động vào môi trường, tạo ra tình thế có lợi cho mình, đề tùy lúc
tùy nơi trở thành mạnh hơn đối phương, đánh tan lần lượt từng bộ phận, tiến đến
toàn thắng. Quang Trung nói “rất mềm dẻo” phải chăng là như thế? Nếu thế thì
“người khéo thắng” chính là người năng động sáng tạo, đánh có phương pháp nhưng
không nô lệ vào sách vở binh pháp.
Nói tóm lại, mục
đích của đấu tranh vũ trang là giành thắng lợi, bên nào muốn giành thắng lợi thì
phải tiêu diệt lực lượng bên kia, muốn tiêu diệt thì phải có sức mạnh áp chế sức
mạnh đối phương. Do vậy yêu cầu cốt lõi, cơ bản nhất đối với mọi tướng cầm quân
(nhất là cầm quân ít và yếu) nếu muốn chiến đấu thắng lợi, là phải biết cách vận
động tạo thế mạnh hơn quân địch, trước và trong quá trình, xảy ra xung đột.
Câu nói của
Quang Trung mà chúng ta dẫn ra ở trên chính là tinh hoa quý báu nhất của sự
nghiệp đấu tranh chống xâm lược của dân tộc ta trước đó mà ông đã tiếp thụ được
và đã chiêm nghiệm trong cuộc đời bách chiến bách thắng của mình.
Sau này, tinh hoa
quý báu đó đã được các thế hệ người Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh kế thừa,
phát huy đến cao độ trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, “toàn dân, toàn diện”
đánh thắng Thực Dân Pháp, và đến tột độ trong cuộc kháng chiến 20 năm bền bỉ với
“ba mũi giáp công”, “cả nước lên đường” chống Đế Quốc Mỹ, giành thắng lợi, thống
nhất giang sơn.
Về mặt lý luận
thì nghệ thuật quân sự Việt Nam có tính độc đáo, đặc thù, tính riêng nhưng vì là
bộ phận của nghệ thuật quân sự thế giới nên nó cũng phải tuân thủ những quy luật
chung nhất về đấu tranh vũ trang. Chúng ta cho rằng câu nói đó của vua Quang
Trung là cái cốt lõi của nghệ thuật quân sự Việt Nam và đồng thời cũng hàm chứa cái
cốt lõi của nghệ thuật quân sự thế giới.
Nhắc đến nghệ
thuật quân sự thế giới, chúng ta lại nhớ đến câu chuyện về “Napôlêông - Bônapác”
(NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1982) mà xưa kia Ê. Táclê đã “kể đi kể lại” cho
chúng ta “nghe” biết bao nhiêu lần, và mỗi lần nghe kể vẫn lấy làm thích thú. Bây
giờ, chúng ta còn thuộc nhiều đoạn, có thể đọc vanh vách được!
Napôlêông là
thiên tài quân sự của thế giới, ông người Pháp (đảo Cooc), cùng thời nhưng sinh
sau Quang Trung một thời gian. Theo F.Angghen, Napôlêông đã vượt xa vô cùng các
vị tiền bối của ông và các tướng lĩnh cận đại đã học cách dùng binh của ông, đã
cố gắng bắt chước ông trong một nghệ thuật khó như vậy: “… công lao bất diệt của
Napôlêông chủ yếu là ở chỗ đã tìm ra được cách sử dụng - duy nhất đúng đắn về
chiến thuật và về chiến lược - những khối quần chúng vũ trang. Chiến lược và
chiến thuật ấy đã được Napôlêông làm cho hoàn thiện đến mức mà các tướng lĩnh đương
thời không một ai có thể vượt nổi ông và họ chỉ có thể cố gắng bắt chước ông
trong các cuộc hành binh rực rỡ nhất và may mắn nhất của họ mà thôi”
Ăngghen nhìn thấy
ở Napôlêông một người chỉ huy vĩ đại, ngay cả trong những chiến dịch mà ông bị
thất bại. “Trong số những cuộc hành binh phòng ngự và những trận tiến công trực
tiếp tiến hành trong những chiến dịch hoàn toàn nhằm mục đích phòng ngự, phải kể
đến hai bài học đặc sắc nhất trong hai chiến dịch kỳ lạ nhất của Napôlêông: chiến
dịch năm 1814, kết thúc bằng việc Napôlêông bị đày ra đảo Enbơ; chiến dịch năm
1815, chấm dứt bằng trận thất bại Oatéclô và Pari đầu hàng. Trong quá trình hai
chiến dịch đó, với những hành động nhằm mục đích hoàn toàn phòng ngự, viên tướng
tổng chỉ huy ấy đã tiến công kẻ địch trên khắp các vị trí mỗi khi gặp thời cơ
thuận lợi; tuy lực lượng luôn luôn ít hơn kẻ địch một cách rõ rệt nhưng mỗi lần
xuất hiện, Napôlêông đã biết cách làm cho mình mạnh hơn kẻ địch và thường thường
hễ ông đã tiến công là thắng lợi”. Cũng theo Ăngghen thì sự thất bại của Napôlêông
ở hai chiến dịch đó là do những nguyên nhân “hoàn toàn độc lập” với kế hoạch tác
chiến, với phương pháp thực hiện các kế hoạch đó, nhất là vì quân số các lực lượng
vũ trang của Châu Âu liên minh quá vượt trội hơn và vì “sự không thể chống lại được
cuộc tiến công của cả thế giới vũ trang đánh vào một quốc gia đã bị kiệt quệ bởi
những cuộc chiến tranh liên miên trong suốt một phần tư thế kỷ”
Cũng lời Ăngghen:
“Trận Auxteclit được coi là một trong những chiến thắng lớn nhất của Napôlêông
và là bằng chứng không thể bác bỏ được về thiên tài quân sự có một không hai của
Napôlêông”; bởi vì nếu như những sai lầm của quân Liên minh đã rõ ràng là nguyên
nhân chủ yếu làm họ thất bại thì “con mắt phát hiện ra được lầm lẫn đó, lòng kiên
nhẫn chờ đợi cho lầm lẫn đó chín muồi để quyết tâm giáng đòn quyết định, sự mau
lẹ cực kỳ chớp nhoáng để đánh tan kẻ địch, tất cả những cái đó của Napôlêông đáng
cho ta phải hoàn toàn khâm phục và không đủ lời khen ngợi. Trận Auxtéclit là một
sự kỳ diệu về chiến lược mà người ta sẽ không bao giờ quên được chừng nào còn
chiến tranh”
Để giải quyết
chiến trường thì mục tiêu cao nhất, cuối cùng là tiêu diệt lực lượng đối phương.
Chính vì vậy mà Napôlêông từng nói: “Ở Châu Âu có nhiều tướng giỏi, nhưng họ nhìn
một lúc nhiều cái quá. Còn tôi, tôi chỉ nhìn một cái, đó là những khối người, tôi
cố tiêu diệt chúng …”. Cũng không ai có thể bắt chước được Napôlêông trong việc
khuếch trương chiến quả, trong nghệ thuật dùng truy kích đề đánh tan đối phương.
Nhà sử học quân sự Phổ, bá tước Yócphôn Máctenbua, nói rằng mệnh lệnh của Napôlêông
gửi cho nguyên soái Sun ngày 3-12-1805 (hôm sau trận Auxtéclit) chứa đựng toàn
bộ “thuật truy kích do bộ chỉ huy trình bày trong một số ít chữ”. Trong thời đó,
không ai vượt được Napôlêông về nghệ thuật nắm và điều động những khối quân lớn
trong giai đoạn chuẩn bị cũng như khi ở chiến trường và tài chỉ huy thay đổi đội
hình tác chiến một cách đột ngột nhất. Dưới sự chỉ huy của Napôlêông, những đội
quân đông đặc của ông đã tỏ ra, theo lời ông, mạnh hơn đối phương “vào lúc đã định
và ở nơi đã định”
Napôlêông có tài
làm cho những câu nói trở thành độc đáo, để xác định toàn bộ những đức tính cần
thiết của một người tướng tài, Napôlêông nói rằng: “Bề cao và bề nằm phải bằng
nhau” : ông hiểu “bề nằm” là phẩm chất con người, là lòng dũng cảm, tính quả
quyết… và “bề cao” là tài trí, là tính sáng tạo… (như vậy, cũng tương tự với cách
nói Á Đông: trí dũng song toàn); nếu cốt cách mạnh hơn tài trí, người tướng sẽ
bị lôi cuốn ra ngoài mức cần thiết; nhưng nếu tài trí lớn hơn cốt cách thì người
tướng sẽ thiếu can đảm để quyết đoán thực hiện kế hoạch. Napôlêông coi sự thống
nhất chỉ huy là tuyệt đối cần thiết (điều này theo chúng ta là rất đúng, đúng cả
ở trong thời bình vì nó phù hợp với lẽ tự nhiên!), ông nói đại ý rằng: một viên
tổng tư lệnh tồi còn tốt hơn hai viên tổng tư lệnh giỏi và nếu trừ trận vây thành
Tulông năm 1793 ra (buổi đầu tìm, dựng sự nghiệp) thì chưa trận nào ông chịu
chia sẻ quyền chỉ huy cho bất cứ ai.
Nhiều người cho
rằng Napôlêông đã không coi trọng các công sự của đối phương. Điều đó không đúng.
Napôlêông chỉ yêu cầu các thống chế và tướng lĩnh của mình phải hiểu rằng vấn đề
quyết định chiến tranh không phải là việc đánh chiếm các công sự của kẻ địch mà
là việc tiêu diệt sinh lực địch ở trên chiến trường. Nhưng ngay cả trong vấn đề
ấy, Napôlêông cũng tỏ ra linh hoạt và thông minh kỳ diệu khi ông nhận định rằng
những tình huống không bao giờ lặp lại hoàn toàn đúng với nhau. Vào năm 1805,
khi thấy rằng chỉ có chiếm được thành Unmơ thì mới tiêu diệt được chủ lực của
quân Áo, ông đã tập trung cố gắng chủ yếu vào việc đánh chiếm nó. Sở dĩ Napôlêông
đặt việc đánh hạ thành quách, chiếm giữ công sự đối phương xuống hàng quan trọng
thứ yếu là vì ông quan niệm năng động, sáng tạo để giành quyền chủ động trên
chiến trường mới là điều quan trọng chủ yếu bởi có như thế mới tạo ra điều kiện
thuận lợi tiêu diệt sinh lực địch. Ông nói rằng: chỉ nên tiến hành một chiến dịch
sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng một khi đã bắt đầu thì phải chiến đấu đến cùng
để giữ lấy thế chủ động sáng tạo.
Quyền chủ động
trong sự chỉ đạo chung trong chiến tranh, trong việc lựa chọn địa hình và thời
cơ giao chiến, trong những hành động chiến thuật đầu tiên trước khi giao chiến
và khi bắt đầu giao chiến phải thuộc về người tổng chỉ huy. Trước trận đánh,
khi hạ mệnh lệnh cho các thống chế một cách cụ thể, ông không bao giờ chi tiết đến
vụn vặt. Khi chỉ huy cho tướng lĩnh của mình thừa hành một nhiệm vụ nào đó ở một
địa điểm nào đó, ông chỉ rõ mục tiêu chiến lược cuối cùng phải đạt được nhưng đạt
được cụ thể bằng cách nào là do các tướng lĩnh quyết định. Trong chiến đấu, Napôlêông
là trung tâm và đầu não của quân đội. Trong khi làm nhiệm vụ được giao, các thống
chế liên lạc thường xuyên với hoàng đế, báo cáo lên hoàng đế tình hình của các
cuộc hành binh, xin viện binh và báo cáo cho hoàng đế biết rõ những sự thay đổi
luôn luôn diễn ra các tình huống. Đến tận ngày nay, cách thức điều binh khiển tướng
của Napôlêông vẫn còn làm cho các nhà nghiên cứu quân sự phải khâm phục. Điều
khó khăn nhất cho những người sống vào thời ấy và cũng như đời sau là tìm hiểu
xem Napôlêông đã giữ vai trò chỉ huy đó như thế nào để đảm bảo được tính tập
trung cao độ mà không làm mất đi tính chủ động sáng tạo (dù là cục bộ) của cấp
dưới. Cách thức chỉ huy đó, theo quan niệm của chúng ta là tối ưu, nhưng dù sao
cũng có khiếm khuyết. Các tướng lĩnh của hoàng đế có thói quen không tự (hoặc dám)
quyết định được khi gặp tình thế nguy hiểm quá lớn, họ chủ yếu chỉ là những người
thực hiện xuất sắc, ưu tú trong phạm vi thừa hành. Số tướng lĩnh có năng lực độc
lập xử lý được trong những tình huống như thế có rất ít, như Đavu, Mátxênan, Ôgiơrô,
nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định. Napôlêông từng chua chát kêu lên rằng ông không
thể có mặt ở khắp mọi nơi trong cùng một lúc được. Tuy nhiên ông sẽ hết “chua
chát” nếu nhận thức ra điều này: ngay cả Tự Nhiên Tồn Tại cũng không hoàn hảo,
hay nói theo nguyên lý Tự Nhiên là mọi sự hoàn hảo đều có mặt trái không hoàn hảo!
Theo quan niệm
của Napôlêông thì nghệ thuật của người tổng tư lệnh trước hết là biết tập
trung, trang bị và huấn luyện nhanh chóng những tiểu đoàn lớn mạnh để thành lập
những khối quân lớn; kế đến là làm thế nào để khi đánh đòn quyết định thì tất cả
những đơn vị ấy đều đã ở vị trí đã định, thứ ba là khi đã khai chiến thì nếu cần
thiết để chiến thắng, phải biết hy sinh những tiểu đoàn lớn mạnh ấy, thứ tư là
khi đã tập trung được khối lớn ấy rồi thì không bao giờ được lẩn tránh hoặc trì
hoãn giao chiến mà phải tìm cách giao chiến sớm nhất, miễn là có cơ thắng lợi,
thứ năm, đây là điểm khó nhất, tìm thấy được trong trận thế của quân địch cái điểm
để giáng đòn quyết định. Napôlêông cho rằng: trong chiến tranh, những sự ngẫu
nhiên và may rủi giữ một vai trò đáng kể, nhưng dẫu sao thì những kế hoạch to tát bao giờ cũng tùy thuộc vào những đức tính cá
nhân của người chỉ huy: tài trí, kiến thức, phẩm cách trong hành động tác chiến,
tính linh hoạt và đầu óc phán đoán. “Không phải có một vị thần thánh nào mách
riêng cho tôi biết điều tôi phải nói hoặc phải làm trong một tình huống bất ngờ
đối với những người khác, mà đó chỉ là sự suy nghĩ của tôi, sự nghiên cứu, nghiền
ngẫm”, có lần Napôlêông đã nói như vậy. Vào những năm cuối cùng của
đời mình ông còn nói rằng: Alếchxan Maxêđoan, Xêda, Aniban… trở thành
vĩ đại không phải chỉ vì thời vận giúp họ, mà thời vận giúp họ
vì họ là những bậc vĩ nhân biết làm chủ thời vận.
Napôlêông đã
quả quyết rằng, mọi cuộc chiến tranh đều phải tiến hành “có phương
pháp”, nghĩa là phải được nghiên cứu sâu sắc, và chỉ như vậy mới có
cơ thắng lợi. Ông kiên quyết bác bỏ các thành kiến cho rằng các cuộc
xâm lược của Thành Cát Tư Hãn và của Taméclan chỉ là những hoạt
động tự phát, rối loạn. Ông nói với Môngtôlông: “Những cuộc chiến
tranh của Thành Cát Tư Hãn, của Taméclan là có tính phương pháp, vì
họ đã tiến hành đúng qui tắc và có lý luận, vì chiến dịch họ
tiến hành đã tương xứng với lực lượng quân đội của họ”. Về vấn đề
này, các nhà sử học cận đại nghiên cứu về Á Đông hoàn toàn xác
nhận quan điểm trên đối với các cuộc chinh phục của quân Mông Cổ.
Cần nhấn
mạnh là Napôlêông đã nói rất nhiều lần và trong nhiều trường hợp
khác nhau rằng nghệ thuật chiến tranh, chung qui lại chỉ là biết tập
trung vào nơi và lúc cần thiết một lực lượng lớn hơn lực lượng của
quân đội địch ở đó và lúc ấy. Khi nói về cuộc chiến tranh năm 1796 -
1797, viên đốc chính Gôhiê khen ngợi Napôlêông là thường thường đã đánh
bại kẻ địch mạnh hơn mình bằng những lực lượng ít hơn, thì Napôlêông
nói rằng thật ra không phải thế, mà chỉ là do ông đã cố gắng tiến
công chớp nhoáng vào những lực lượng phân tán của kẻ địch và lần
lượt tiêu diệt những lực lượng ấy của địch, cho nên sở dĩ ông thu
được thắng lợi thì đúng chỉ vì trong mỗi trận tiến công cục bộ ấy,
ông đều tạm thời mạnh hơn kẻ địch, mặc dầu tổng số lực lượng quân
đội bên địch đông hơn quân đội của ông.
Tất cả các nhà
bình luận quân sự đều thừa nhận Napôlêông không những là một nhà
chiến thuật đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật tác chiến, một nhà
chiến lược đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật chiến thắng, mà còn
là một nhà ngoại giao đại tài - nghĩa là trong nghệ thuật buộc kẻ bại trận phải hoàn toàn phục
tùng ý muốn của người thắng trận (hoặc đang trên đà thắng trận). Cả
ba tài năng đó hòa hợp làm một trong con người Napôlêông. Mỗi khi bắt
đầu một cuộc chiến tranh, Napôlêông luôn cố gắng đánh quị kẻ địch một
cách khẩn trương nhất bằng một hai đòn khủng khiếp và nhanh như chớp,
rồi bức kẻ địch phải cầu hòa, phải chấp nhận bồi thường chiến phí
(thường là nặng nề), chịu mất đất đai và những điều khoản thỏa ước
hoàn toàn bất lợi khác.
Theo nguyên lý
Tự Nhiên thì mục đích của Tồn Tại chính là Tồn Tại (nhưng nếu nói
Tồn Tại là không có mục đích, cũng đúng!). Không thể nằm ngoài cái
nguyên lý chung ấy nên dù có tính riêng, tính đặc thù thì mục đích
của cuộc sống chính là sống còn. Ở loài người hay con người có lý
trí cũng vậy và sự thể hiện còn rõ ràng hơn nữa (một người mà
than rằng chán sống thì hoặc người đó rất buồn bã nhưng vẫn muốn
sống hoặc tuyệt nhiên là chán sống thực sự, và… tự tử!). Nhưng muốn
sống còn thì phải có danh lợi (miếng ăn, địa vị để kiếm ăn, niềm
vui thú…). Vậy thì có thể nói tất cả mọi hoạt động sống bị thúc
đẩy bởi tâm - sinh lý cơ thể đến quan hệ về kinh tế - xã hội đều có
mục đích là danh lợi. Chiến tranh là hoạt động cực đoan nhất vì danh
lợi, là sự tranh quyền đoạt lợi của nhau giữa các bên tham chiến
bằng cách tiêu diệt nhằm khuất phục nhau, biểu hiện ra thành sự chết
chóc, tước đoạt mạng sống, quyền được sống của con người, của hàng
loạt, hàng khối người, thậm chí ở mức điên rồ nhất là toàn thể loài
người.
Mục đích của
Tồn Tại là Tồn Tại nên Tồn Tại cũng là động lực của Tồn Tại, và
nếu không đúng là như thế thì xin phép được nói lại: Tồn Tại… không
là gì hết! Cầu mong cho câu nói này không bị nguyền rủa đời đời!
Ngay bản thân chúng ta, những kẻ vừa thốt ra lời, cũng cho rằng đó
là câu nói mù mịt nhất, dở hơi nhất từ cổ chí kim, rất dễ chọc cho
các “người lớn” nổi điên. Nhưng biết làm sao được khi bộ não hoang
tưởng của chúng ta “nhìn đời” ra như thế và bóp bẻ miệng chúng ta
bắt phải nói như thế, không cưỡng được! Hỡi Hoàng Tử Bé, người bạn
vong niên tri kỷ của chúng ta, người mà chúng ta tin yêu, có ý kiến
gì?!. Nhưng câu nói sau đây hay hơn vì có vẻ đúng hơn: chiến tranh là
vì danh lợi nên danh lợi cũng là động lực của chiến tranh. Do đó một
chiến thắng trên chiến trường mà không có “hơi hám” danh lợi là gì,
không đạt được danh lợi nào thì chiến thắng đó là vô nghĩa, phi lý
và không được phép tồn tại thực, nghĩa là cuộc chiến tranh mà trong
đó xuất hiện chiến thắng ấy là không xảy ra! (Nhưng vì Tự Nhiên Tồn
Tại là đầy đủ nên sự kiện ấy vẫn có khả năng xảy ra, tuy nhiên chỉ là
trong ảo mộng!).
Cũng có
trường hợp chiến thắng trên chiến trường đang ở dạng ẩn (khả năng),
chưa thành hiện thực mà đã đạt được danh lợi (tạm thời hoặc cuối
cùng) rồi thì chiến tranh cũng kết thúc (tạm thời hoặc dứt hẳn).
Nhưng nếu chỉ “tạm” thôi thì đó là hòa ước (các bên đều cảm thấy
có lợi!), trá hàng (thực hiện quyền mưu để bảo toàn lực lượng, chờ
cơ hội đánh nữa). Nếu là “chấm dứt thật” thì đó là chiến thắng
ngoại giao (đỡ tốn thêm xương máu mà cũng có vẻ văn hóa, “lịch sự”
hơn!).
Có thể là
chưa nhận thức hết bản chất sâu xa của chiến tranh nên khi bàn về
chiến tranh và nói về cuộc chiến tranh của Napôlêông, nhà nghiên cứu
lịch sử quân sự Claudơvit đã làm cho Angghen thấy “tuy rằng có đôi
điểm đặc sắc, nhưng cái thiên tài tự nhiên ấy của Claudơvit vẫn không
làm tôi thỏa mãn chút nào”. Theo Claudơvit thì quan niệm chỉ đạo
chiến tranh của Napôlêông là một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ trong
lịch sử và đã đưa chiến tranh đến gần “mức hoàn chỉnh của nó”. Ông
viết: “… kể từ thời Bônapác thì chiến tranh, trước hết hãy đứng về
một phía mà xét - phía người Pháp trong quá trình chống ngoại xâm -
rồi đứng về phía khác - phía các dân tộc chống Napôlêông - đã trở
thành công việc của toàn dân. Nó đã mang một tính chất khác hẳn,
hoặc nói một cách chính xác hơn, chiến tranh đã tiến lại rất gần
thực chất của nó, sự hoàn chỉnh tuyệt đối của nó. Do sự phát
triển của các phương tiện chiến tranh, của những viễn cảnh rộng lớn
mở ra một khi chiến thắng và của sự thức tỉnh tinh thần mạnh mẽ
của con người, nên trí lực dành vào việc chỉ đạo chiến tranh đã
tiến triển đến cao độ. Tiêu diệt kẻ địch đã trở thành mục đích của
các cuộc hành binh; ngừng lại và đi vào đàm phán chỉ có thể tiến
hành được khi kẻ địch đã bị đánh bại và không còn đủ sức chiến
đấu”.
Khi nhận xét
cuốn sách của tướng Rônha, xuất bản năm 1816, Napôlêông đã viết: “Mọi
cuộc chiến tranh tiến công đều là chiến tranh xâm lược… Mọi cuộc
chiến tranh tiến hành theo đúng qui tắc của nghệ thuật đều là những
cuộc chiến tranh đúng phương pháp. Chiến tranh phòng ngự không loại
trừ tấn công, cũng như chiến tranh tiến công không loại trừ phòng ngự,
dẫu rằng mục đích của nó là nhằm chọc thủng biên giới để xâm lược
đất nước của kẻ địch”. Có thể là do dịch thuật mà câu nói có phần
tối nghĩa. Chúng ta quan niệm “xâm lược” khác với “xâm lấn”, “lấn
chiếm”, và nếu hiểu khái niệm “xâm lược” trong câu nói trên theo nghĩa
“xâm lấn”, trong phạm vi thuần túy quân sự thôi thì theo ý riêng của
chúng ta, quan niệm như vậy của Napôlêông về hình thức chiến tranh là
hợp lý.
Đánh nhau
giành ăn có nguồn gốc từ tự nhiên.. Chiến tranh cũng thế, nhưng vì là
“đặc sản” của loài người nên nó có cả gốc từ xã hội nữa (thực ra,
xã hội cũng là tự nhiên!). Tiến trình vận động của xã hội loài
người cho đến nay chỉ ra rằng chiến tranh là tất yếu (ít ra là trên
Trái Đất này!); và dù có khoác cho nó bộ cánh nào chăng nữa, dù
có gọi là chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, đế quốc, thần thánh, cách
mạng hay gì đi chăng nữa thì cốt lõi của chúng là một: giết chóc
vì danh lợi. Tuy nhiên vì các cuộc chiến tranh đều phải xảy ra trong
xã hội con người có lý trí, đại diện cho những quyền lợi khác nhau
trong xã hội, do đó chúng phải chịu sự “đánh giá”, qui ước dưới
những góc độ khác nhau của thị phi để mà được gọi là chính nghĩa
hay phi nghĩa. Thế thì những cuộc chiến tranh ở châu Âu khoảng thời
gian cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với nhân vật Napôlêông đóng vai
trò trung tâm, được gọi là chính nghĩa hay phi nghĩa? Câu hỏi này y
hệt như một đề toán đưa ra mà không có dữ kiện, giả thiết cho trước
nào cả, cho nên khó mà giải được!
Napôlêông quả
là con người kỳ lạ: tướng vóc ông nhỏ thó nhưng sức làm việc phi
phàm, dung mạo ông chẳng có gì ghê gớm nhưng người đương thời giáp
mặt ông đều nể, sợ. Sau đây là một đoạn trong bài tường thuật của
Đêni Đaviđốp, vị chỉ huy du kích nổi tiếng người Nga, chống lại quân
đội Pháp trong cuộc xâm lược nước Nga của Napôlêông năm 1812, viết trong
ngày ký hòa ươc Tindít (1807):
“Chúng ta sắp
được mắt thấy vị tướng vĩ đại, nhà chính trị vĩ đại, nhà làm
luật, nhà cai trị và người đi chinh phục, người mà sau khi đã đè bẹp
chúng ta, hiện giờ đang có mặt ở biên thùy nước Nga. Chúng ta sắp
được thấy con người có tài khuất phục tuyệt đối được tất cả những
ai mà người ấy cần gặp, và có trí thông minh kỳ lạ…
… Tới bờ
đông, chúng ta thấy Napôlêông cưỡi ngựa, tay cương thả lỏng, đi giữa hai
hàng rào cựu vệ binh của ông ta. Tiếng hoan hô, tiếng reo như sấm quanh
ông ta và inh ỏi vang vang cả bờ bên kia, quân hộ tống và tùy tùng Napôlêông
ít nhất cũng tới 400 kỵ binh… Trong giờ phút này, cảnh tượng vĩ đại
đã trùm lên mọi tình cảm khác… Mọi con mắt đều quay nhìn và đổ dồn
sang bờ bên kia, sang chiếc thuyền chở con người phi thường đó, người
tưởng mà chưa bao giờ người ta được trông thấy hoặc được nghe nói kể
từ thời Alếchxăng đại đế và Giuyn Xêda đến nay, con người đã trội hơn
Alếchxăng đại đế và Giuyn Xêda biết bao nhiêu về thiên tài nhiều mặt
và về vinh quang do tự mình tạo nên bằng cách khuất phục nhiều dân
tộc có trình độ văn minh và văn hóa cao nhất”
Trước khi kết
thúc câu chuyện kể về Napôlêông Bônapác của mình, Ê.Táclê nói rằng
hình ảnh Napôlêông mãi mãi in sâu trong tâm trí loài người, nó gợi cho
người này hình bóng của Áttila, Taméclan, Thành Cát Tư Hãn, người
khác thì lại là hình bóng của Alếchxăng Maxêđoan, Giuyn Xêda; nhưng
chung qui lại đó là hình ảnh mang nét độc đáo có một không hai trong
tính phức tạp kỳ lạ của cá nhân con người ấy.
Chúng ta cũng
có một chút “ý kiến ý cò” góp cho vui thế này: các cuộc chiến
tranh ở châu Âu thời Napôlêông cũng mang những ý nghĩa nào đó và ở
một góc độ quan điểm hạn hẹp nào đó thì chúng cũng có tính phi
nghĩa và chính nghĩa. Có thể cuộc chiến đấu của Napôlêông ở thời
kỳ đầu bảo vệ nước Pháp (chiến dịch nước Ý, năm 1796 - 1797) và
thời kỳ chống quân liên minh châu Âu xâm phạm nước Pháp (chiến dịch
nước Pháp, năm 1814) là mang tính chính nghĩa, có thể do Napôlêông quá
lộng hành, ngang ngược mà cả châu Âu nổi dậy liên minh và cuộc tấn
công của quân liên minh nhằm lật đổ Hoàng đế Napôlêông là có tính
chính nghĩa, nhưng tính chính nghĩa ấy… không nhiều hơn tính phi nghĩa
của chúng. Nếu đứng về phía quan niệm của Đức Huyền Diệu mà quan
sát thì các cuộc chiến tranh ấy là hoàn toàn phi nghĩa. Khối liên
minh châu Âu chiến đấu chẳng vì quyền lợi của nhân dân họ mà Napôlêông
chiến đấu cũng chẳng vì nhân dân Pháp. Napôlêông đã huy động cao độ
nhân tài vật lực của nhân dân Pháp vào chiến tranh và chiến tranh mà
ông tiến hành đã mang được gì về cho họ? Nhân dân Pháp đâu cần ông
phải đi đánh nước Nga xa xôi mà ông cứ cố đánh để rồi chuốc lấy đại
bại, tạo nguyên nhân cho nước Pháp bị xâm lăng? Tại sao ông lại dứt
khoát từ bỏ nước Pháp vì cho mình đã hết thời vận sau trận thua ở
Oatéclô để rồi chết buồn trên đảo Thánh bà Hêlen, trong khi nhân dân
Pháp yêu cầu ông ở lại tiếp tục chiến đấu chống xâm lược? Hay Napôlêông
chiến đấu vì tư tưởng cách mạng tư sản Pháp, một tư tưởng tiến bộ
bấy giờ? Càng không phải nốt. Một tuần lễ sau trận Oatéclô, Napôlêông
đã phát biểu: “Không phải các cường quốc đã chiến đấu chống lại tôi mà
là chống lại cách mạng. Lúc nào họ cũng coi tôi là đại biểu của
cách mạng, là người của cách mạng”
Phát biểu như
thế có nghĩa là ông trở về “100 ngày” để đòi ngôi báu từ dòng họ Buốcbông
chứ không phải vì nước Pháp cách mạng, và quân liên minh Châu Âu lại tiến đánh ông
là vì không hiểu ông? Có lẽ sự mù quáng về nhãn quan chính trị đã làm cho ông
nghĩ lầm, và ai mà không biết ông chả coi cách mạng ra cái quái gì dù cách mạng
đã mang đến cho ông cả một binh nghiệp; ai mà không biết ông bóp chết không thương
tiếc “Hội nghị quốc ước” dù ông phải hàm ơn nó. Trước con mắt của quân Liên
minh, ông là con người quá nguy hiểm cho an ninh Châu Âu quân chủ, nên phải cố
mà loại trừ đi, chỉ thế thôi! Nhận xét của Hécxen rất đáng để suy ngẫm: “Napôlêông
đã xô đẩy các dân tộc đến bước đường cùng, làm cho họ sôi sục căm thù, ăn miếng
trả miếng, và họ đã chiến đấu với một sự quyết liệt liều mạng cho kiếp nô lệ và
cho bọn chủ của họ. Nền chuyên chế quân phiệt lần này đã bị nền chuyên chế
phong kiến đánh bại… Tôi không thể dửng dưng trước bức tranh vẽ cuộc gặp gỡ giữa
Bluykhe (chỉ huy quân đội Phổ) với Oenlintơn (chỉ huy quân đội Anh) khi chiến
thắng ở Oatéclô. Tôi ngắm bức tranh đó rất lâu, và lần nào tôi cũng có cảm giác
rờn rợn. Oenlintơn và Bluykhe đã vui vẻ chào mừng nhau. Và làm sao mà những kẻ ấy
không hài lòng được? Họ vừa mới hất bánh xe lịch sử trật khỏi con đường của nó
và dìm lịch sử vào vũng lầy mà đến nửa thế kỷ nữa, người ta cũng chưa thể lôi lên
được… Trời đã hửng sáng rồi… Song Châu Âu vẫn đang ngủ mê mệt, không biết rằng
số phận của nó đã đổi thay”.
Vậy thì Napôlêông
chiến đấu vì cái gì, khi ông không phải là kẻ thèm khát vàng bạc, châu báu, khi
mà ông làm việc “quần quật” không mệt mỏi và rong ruổi khắp nơi, xông pha khắp
các chiến trường trong vai trò một người tướng quả cảm chứ không phải là một hoàng
đế thích an hưởng? Tất cả những biểu hiện phức tạp đến kỳ lạ từ con người của Napôlêông
có thể là vì điều này: Napôlêông đã quá đam mê “trò chơi” chiến tranh, thích thú
đánh trận và tìm thỏa mãn trong vinh quang có được từ chiến thắng. Phải chăng
trận Oatéclô với những biểu hiện “xui xẻo” của nó, và sự thiếu vắng những thống
chế ưu tú mà ông yêu mến, đã từng cùng ông gặt hái vinh quang khắp chiến trường
Châu Âu khi xưa, cũng như lực lượng đông đảo của quân liên minh đang dồn đến biên
giới nước Pháp, đã làm ông cụt hứng và đột nhiên cảm thấy chán nản tất cả, quyết
định rời bỏ “canh bạc” vĩnh viễn?... Tổ quốc, cách mạng, quần chúng, hoàng đế…
chỉ là những phương tiện ông cần để chơi “game” bạo lực và khi đã chán ngấy trò
chơi rồi thì ông giũ bỏ tất cả một cách vô tình?
Napôlêông đã đi
vào lịch sử với biết bao nhiêu điều kỳ lạ mà người ta đã gán cho ông, trong đó
có không ít những truyền thuyết, huyền thoại. Tuy nhiên có điều kỳ lạ nhất trong
mọi điều kỳ lạ về hiện tượng Napôlêông mà chưa thấy ai nêu ra, đó là: những sự
kiện như đặt bày một cách ăn khớp để viên trung úy pháo binh 23 tuổi nghèo nàn,
ăn mặc xoàng xĩnh, người đảo Coóc tên là Bônapác và nước Pháp cách mạng gặp
nhau vào đúng những thời điểm có lợi nhất cho cả hai, và rằng nhiều lần liều mạng
dẫn đầu quân xung phong dưới làn mưa đạn, nhiều lần đứng ở vị trí mà đạn đại bác
nổ văng tung tóe khắp nơi; người chết ngổn ngang, viên thống chế đứng cạnh cũng
chết vì mảnh đạn, rồi có khi ngồi trơ ra như chờ đạn bắn trúng, thậm chí là uống
thuốc độc, thần chết vẫn không hề để ý đến Napôlêông. Hình như Tạo Hóa đã nuông
chiều quá mức một đứa trẻ ham chơi trò chiến tranh!
Nhìn rộng vào lịch
sử, chúng ta còn thấy điều lạ lùng hơn nữa: tất cả những biến động xã hội lớn
lao từ cổ chí kim đều như xoay quanh một nhân vật trung tâm, thường gắn liền với
tên tuổi cá nhân của nhân vật ấy. Chẳng hạn người ta vẫn thường gọi những giai đoạn
lịch sử như: thời Napôlêông, thời Hitle, thời Lênin… Có vẻ như những sự kiện,
những biến cố, những hiện tượng, những vận động xã hội ở đâu đó, và cả bản thân
tiến trình của xã hội loài người như là đã có ai đó định sẵn, sắp đặt từ trước,
như là một định mệnh vậy. Nhưng ai đó là ai và tại sao lại phải sắp bày trước
như thế?
Dù là ai đi chăng
nữa thì chúng ta cũng biết chắc điều này: tiến trình vận động của xã hội loài
người nói chung và những quá trình, biến cố xảy ra trong lòng nó nói riêng phải
là do tạo dựng mới có được. Sự tạo dựng ấy là kết quả có nguyên nhân từ sự phụ
thuộc lẫn nhau của toàn thể: giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với bộ phận
xã hội, giữa các sự vật - hiện tượng thiên nhiên, giữa thiên nhiên và xã hội…,
theo những cách thức mà trình độ khoa học ngày nay có thể nhận thức được hoặc vẫn
chưa nhận thức được. (Chúng ta cho rằng trong hiện tại, có nhiều sự vật - hiện
tượng về con người vẫn đang tồn tại mà do chúng ta không quan sát được, đã liệt
vào số đã khuất, đã thuộc về quá khứ, và cũng có những sự vật - hiện tượng đã
thực sự lùi sâu trong quá khứ vẫn “dội” về tác động lên trí não người này, người
kia. Chúng ta gọi đó là những hiện tượng thuộc về tâm linh. Như vậy, hiện tại
không những là kết quả của quá khứ vừa trôi qua mà còn là kết quả của quá khứ đã
trôi xa, thậm chí dù có thể chỉ cá biệt, hiếm, là rất xa).
Câu hỏi cuối cùng
tự nhiên bật ra: vậy thì thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo ra thời thế? Chúng
ta trả lời: thời thế tạo anh hùng mà anh hùng cũng tạo thời thế, là cả hai và cũng
không phải cả hai!
Câu chuyện về Napôlêông
mà chúng ta muốn kể là như thế. Dù biết là lạc đề nhưng chúng ta vẫn cứ kể ra để
thấy rõ hơn thiên tài quân sự cũng như tài năng xuất chúng về nhiều mặt của người
đại anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung, vị tướng áo vải cờ đào bách thắng
và vị vua có lòng với dân với nước. Chúng ta rất đỗi tự hào và tự hào một cách
hoàn toàn chính đáng về tài và đức của ông trước thế giới. Điều chắc chắn: Nguyễn
Huệ chiến đấu vì dân tộc mình còn Napôlêông chiến đấu vì thèm khát thắng lợi. Đó
là hai mục đích khác nhau xa lắc!
***
Với trận đại thắng
ngót 29 vạn quân Thanh của Nguyễn Huệ - Quang Trung, đất Thăng Long có quyền
ghi thêm một chiến công chói lọi vào trang sử của mình. Cùng với nhân dân cả nước,
nhân dân Thăng Long cũng đã góp công sức, đã kề vai sát cánh với quân đội Quang
Trung trong cuộc chiến đấu long trời lở đất đó. Có sự kiện là dân 9 làng xã
quanh đồn Đống Đa đã bí mật dùng rơm bện thành những con rồng rồi tẩm dầu đốt,
tạo thành tường lửa bao quanh đồn giặc. Chính vì sự kiện này mà xuân Kỷ Dậu năm
1789 còn được gọi là Xuân Lửa Đống Đa.
Cho đến nay, trên
đất Hà Nội còn lưu lại một số dấu tích của Xuân Lửa Đống Đa. Đó là những tên đất:
“Cánh đồng Đồn”, “Nền Đồn”, “Cây đa Đồn”, “Vườn đẫm máu”… của cánh đồng Ngọc Hồi,
“Đầm Mực” tại Quỳnh Đô, những “gò Đống Đa” trên cánh đồng Khương Thượng - Thịnh
Quang, bia niên hiệu Quang Trung và bức tượng tương truyền là “tượng Quang
Trung tại chùa Bộc”, Gò Đống Đa, đền Thái Thú… Sau ngày chiến thắng, Quang
Trung cho thu nhặt xác quân Thanh, chôn thành gò đống (nên có tên gọi là Gò Đống
Đa; người ta cho rằng có 12 gò như vậy) và sai lập đàn cúng tế. Bài văn Tế do Vũ
Huy Tấn soạn, biểu hiện lòng nhân đạo, mã thượng của người chiến thắng.
Đền Thái Thú cũng
là do vua Quang Trung, vì sách lược giao hảo với nhà Thanh, cho lập nên để thờ
Sầm Nghi Đống. Trước khi xâm lược nước ta, Sầm Nghi Đống làm thái thú Điền Châu
ở Trung Quốc. Về sau nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, một lần đi qua Gò Đống Đa đã cảm
tác bài thơ có tựa đề “Qua đền thái thú”.
Ghé mắt trông
ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú
đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận
làm trai được
Sự nghiệp anh hùng
há bấy nhiêu!
Nghe bài thơ trên,
nên buồn hay nên vui đây?!
Quang Trung đóng
đô ở Phú Xuân (Huế) nên thời đó Thăng Long chỉ còn đóng vai trò Bắc Thành - Thủ
phủ của Bắc bộ ngày nay. Dù vị trí chính trị có hạ thấp nhưng Thăng Long vẫn là
một thành thị đô hội lớn của đất nước. Vua Quang Trung cho đắp lại đoạn Hoàng
Thành bị sụt đổ từ cửa Đông Hoa đến cửa Đại Hưng; cho tu bổ tôn tạo lại các di
tích văn hóa. Chùa Kim Liên (Nghi Tàm) và chùa Tây Phương (Thanh Thất) với tượng
Tuyết Sơn và 18 vị La Hán nổi tiếng cũng được trùng tu thời Quang Trung…
Bằng những chính
sách xây dựng kinh tế tích cực, thoáng ở trong nước và những hoạt động ngoại
giao sáng suốt và khôn khéo đối với nhà Thanh, vua Quang Trung đã mở ra một tiền
đồ sáng lạn cho đất nước.
Tuy nhiên, như đã
nói, trong khi Quang Trung tập trung vào cuộc đấu tranh quyết liệt chống thù
trong giặc ngoài ở Bắc Hà thì với một Nguyễn Lữ bất tài và một Nguyễn Nhạc thờ ơ,
tình hình vùng Gia Định trở xuống đã không bình ổn được mà ngày một xấu đi.
Nguyễn Ánh đã có đủ thời gian vận động, tuyên truyền, tập hợp lực lượng ngày một
mạnh, để rồi đến năm 1787 thì tái chiếm lại Gia Định (Nguyễn Lữ bỏ chạy về Qui
Nhơn rồi chết ở đó). Nguy cơ đã lộ diện ngày một rõ ràng ở chân trời phía Nam.
Ngày 27-8-1792,
Quang Trung gửi cho quân dân Quảng Ngãi, Qui Nhơn một bài hịch nói rõ sẽ tiêu
diệt Nguyễn Ánh “dễ như bẻ gãy cành khô củi mục” và dặn “không được quá nhẹ dạ
tin vào những lời đồn đại về bọn người châu Âu…”, rồi kêu gọi quân dân hai phủ
hãy ủng hộ đại quân khi tiến đánh Gia Định. Quang Trung đã dự định chia quân làm
hai đạo: bộ binh theo đường núi tiến xuống đánh tập hậu thành Gia Định, thủy
binh vượt biển tới đảo Côn Lôn, đổ bộ lên đất Hà Tiên rồi theo đường Long Xuyên,
Kiên Giang đánh lên, vào mặt trước Gia Định, đồng thời sẽ phối hợp với quân của
Nguyễn Nhạc đánh thẳng xuống Biên Hòa - Gia Định. Với một lực lượng ước chừng
30 vạn người, ý định của Quang Trung là tấn công mãnh liệt bao vây tiêu diệt
triệt để toàn bộ lực lượng Nguyễn Ánh ngay tại chỗ.
Tiếc rằng kế hoạch
lớn lao ấy chưa kịp thực hiện thì khoảng 11 giờ khuya ngày 16-9-1792, vua Quang
Trung mất. Sự đột ngột ra đi của ông trong khi sự nghiệp vì dân vì nước còn
dang dở đã để lại biết bao nhiêu buồn thương cho đương thời và bi phẫn cho hậu
thế. Cuộc đời của ông tuy ngắn ngủi nhưng thật vẻ vang, bởi đúng như câu thơ viếng
ông của Thái hậu Ngọc Hân, người vợ tài hoa mà ông hằng yêu quí:
“Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân, dựng nước,
xiết bao công trình…”
(Trong
bài thơ “Ai Từ Vân” của Ngọc Hân)
Quang Trung mất,
con trưởng là Quang Toản lên nối ngôi, mới 10 tuổi, đặt hiệu là Cảnh Thịnh. Cảnh
Thịnh còn quá nhỏ, mọi quyết định triều chính đều do một tay Bùi Đắc Tuyên (cậu
Quang Toản) định đoạt. Tuyên đã không thấy được nguy cơ lớn đang đe dọa đất nước,
chỉ lo chuyên quyền, làm cho trong ngoài đều oán. Như một căn bệnh mãn tính đối
với những vương triều thiếu mất vua hiền tôi giỏi, triều đình Cảnh Thịnh cũng dần
vướng vào nạn nghi kỵ, lục đục, bè phái. Chính điều đó đã làm cho triều đình Cảnh
Thịnh tự suy yếu, đánh mất dần vai trò tập trung lãnh đạo đất nước, làm cho đất
nước ngày một suy yếu thêm, bị động không có biện pháp nào tích cực đối phó với
Nguyễn Ánh.
Ngay từ tháng 5-1790,
Nguyễn Ánh đã mở cuộc tấn công đầu tiên vào đất của Trung ương Hoàng Đế, chiếm được
Phan Rí, Bình Thuận. Bị quân Nguyễn Nhạc đánh mạnh, quân Nguyễn Ánh buộc phải rút
về Bà Rịa đắp thành lũy phòng thủ. Tháng 6-1792, Nguyễn Ánh đem 126 chiến thuyền
đánh vào cửa bể Thị Nại (Quy Nhơn) rồi lại rút về. Bắt đầu kể từ sau khi vua
Quang Trung mất, lực lượng Nguyễn Ánh càng đánh càng lớn mạnh và dần dần chiếm ưu
thế.
Năm 1802, Nguyễn
Ánh tiến quân ra Bắc, khí thế rất mạnh, lần lượt đánh tan các căn cứ của quân Cảnh
Thịnh. Vua Cảnh Thịnh cùng quần thần từ Thăng Long, qua sông Hồng chạy về mạn Bắc
Giang, sau đều bị bắt, đóng cũi giải về Thăng Long. Mùa đông năm 1802, Nguyễn Ánh
về Phú Xuân cáo tế miếu, sau đó tiến hành trả thù nhà Tây Sơn cực kỳ tàn bạo và
vô cùng hèn hạ. Cảnh Thịnh, những người thân, nhiều tướng lĩnh của nhà Tây Sơn đều
bị hành hình hết sức dã man, rùng rợn. Sự trả thù có tính chất khủng bố mất nhân
tính còn kéo dài đến mãi về sau. Mọi dấu tích gợi nhớ về Tây Sơn (nếu phát hiện
được) đều bị xóa sạch.
Trong cuộc trả
thù nhầy nhụa xương máu đó, đã nổi bật lên một hình ảnh vô cùng lẫm liệt, đã tạc
rất sâu vào lịch sử như trước đây Hai Bà Trưng và Triệu Thị Trinh đã tạc, mà chúng
ta, lũ đàn ông hậu sinh không có quyền được lãng quên, đó là Đô đốc Bùi Thị Xuân.
Sự lẫm liệt của Bùi Thị Xuân trước cái chết đã làm cho con người Nguyễn Ánh vốn
đê hèn càng thêm đê hèn. Dưới đây là câu chuyện về Bà mà chúng ta chủ yếu sưu tầm
được từ tạp chí “Thế giới mới” số 797, 2008:
Ai
ra Bình Định mà coi
Con
gái cũng biết múa roi đi thuyền.
Câu ca dao ấy đã
nói lên truyền thống thượng võ của một miền đất; mà xuất phát điểm của truyền
thống ấy có lẽ là từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Bùi Thị Xuân người
làng Xuân Hòa, thuộc ấp Tây Sơn Hạ, huyện Thy Viễn (tức thôn Xuân Hòa, xã Bình
Phú, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định). Thuở nhỏ, bà học rất giỏi, chữ viết rất đẹp
và có chí khí như đấng nam nhi, thường thích mặc đồ con trai đi học. Thấy Bùi
Thị Xuân có chí khí như vậy nên có bà lão rất giỏi võ nghệ, không biết từ phương
nào tới, cứ ngày nào cũng vậy, khi hoàng hôn dần tắt nắng lại đến dạy võ cho bà
đến tận canh một. Ròng rã ba năm như vậy và nhờ ham mê, chuyên cần học hỏi mà đến
năm 15 tuổi võ nghệ của Bùi Thị Xuân đã khá cao cường. Lúc đó qua các bô lão
trong làng, Xuân mới biết bà lão nọ là tổ sư một môn phái võ nổi tiếng ở An Vinh.
(Ngày nay vẫn còn lưu truyền những câu như “roi Thuận Truyền, quyền An Thái”,
“trai An Thái, gái An Vinh” để nói về những vùng có những nổi trội, độc đáo về
võ thuật. Về sự kiện thầy dạy võ cho bà Bùi Thị Xuân là tổ sư một môn phái ở An
Vinh, có lẽ chưa đúng, nhưng không ảnh hưởng gì đến truyền thuyết Bùi Thị Xuân.
Về chuyện này, chúng ta cũng sẽ nói đến, nhưng ở phần tiếp sau!).
Trong truyện thơ
“Cân quắc anh hùng truyện” kể về cuộc đời của Bùi Thị Xuân thì thuở nhỏ, Xuân từng
được học võ của Đô thống Ngô Mãnh, một vị tướng giỏi dưới trướng của chúa Nguyễn
Phúc Khoát. Vì bị quyền thần Trương Thúc Loan ganh ghét, bày mưu hãm hại nên Ngô
tướng quân đã cùng người cháu là Ngô Văn Sở bỏ trốn. Nghe đồn Bùi Công, cha của
Bùi Thị Xuân, là một phú hào mến mộ anh tài nên hai người giả dạng hành khất tìm
đến xin tá túc. Sự hào hiệp cưu mang của Bùi Công đã làm cho Ngô Mãnh cảm phục,
chờ dịp báo ơn. Một lần, gia đình Ngô Mãnh bị cướp đến quấy nhiễu, ông cháu Ngô
tướng quân đã ra tay cứu giúp. Lúc này, biết không giấu được tung tích trước Bùi
Công nữa, hai ông cháu Ngô tướng quân đành nói thật và xin lên đường để tránh
liên lụy cho gia đình. Bùi Công là người trọng nghĩa, giữ lại, không cho đi. Từ
đó, Ngô tướng quân tận tâm chỉ dạy võ nghệ cho Bùi Thị Xuân. Ngô sư phụ dạy Xuân
được ba năm thì từ giã cõi đời.
Lúc bấy giờ, ba
anh em nhà Tây Sơn đã chiêu binh trên vùng Tây Sơn Thượng. Nguyễn Nhạc nghe tiếng
cha con họ Bùi nên phái Trần Quang Diệu xuôi về Xuân Hòa để kết giao tình hữu hảo.
Trên đường về xuôi, tráng sĩ họ Trần đã gặp hổ và được nữ kiệt họ Bùi ra tay tận
tình phụ trợ, từ đó mà nên duyên kỳ ngộ để họ nên vợ nên chồng.
Trong một lần lên
núi, Bùi Thị Xuân chợt nghe những tiếng rống vang vọng có phần thảm thiết, mặt đất
như rung chuyển, gió nổi ào ào. Bà lại gần thì thấy ở dưới một khe núi có con
voi trắng đang bị một con trăn khổng lồ quấn chặt. Động lòng trắc ẩn, bà múa thương
xông vào đâm chết con trăn. Voi trắng vùng ra được, thoát chết, mắt ứa lệ, phủ
phục dưới chân bà dập đầu tỏ vẻ cảm tạ người đã cứu mạng, sau đó đứng dậy ngước
mặt lên rống liên hồi. Từ trong rừng già xuất hiện một bầy voi rầm rập đến bên
con voi trắng nọ. Thì ra nữ kiệt họ Bùi đã cứu được một con voi chúa. Con voi
trắng dẫn cả đàn voi rừng theo về nhà Bùi Thị Xuân, từ đó được nuôi dưỡng, huấn
luyện thuần thục. Khi đến tựu nghĩa dưới cờ khởi nghĩa Tây Sơn, Bùi Thị Xuân
mang theo cả đàn voi chiến và được giữ trọng trách là người chỉ huy đội tượng
binh. Tượng binh là một lực lượng rất đáng gờm của phong trào Tây Sơn. Voi được
sử dụng vừa như phương tiện vận tải chở vũ khí, khí tài, pháo, đạn, vừa như lực
lượng tăng - thiết giáp ngày nay, trên lưng voi có thể đặt pháo dã chiến, vừa hành
tiến vừa bắn và đối đầu hiệu quả với kỵ binh đối phương. Đội tượng binh của
Quang Trung có lúc lên đến 500 thớt voi, đã bao phen làm bạt vía kinh hồn quân
Nguyễn, quân Trịnh và nhất là quân Mãn Thanh. Tên tuổi đô đốc Bùi Thị Xuân đã gắn
liền với những chiến công của đội tượng binh này. Trong dân gian xưa nay có lưu
truyền một bài thơ ru nói về Bà Triệu rất hay. Nếu đem nó gán cho bà Bùi thì cũng
chẳng sai tí nào:
“Ru con con ngủ
cho lành
Để
mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn
coi lên núi mà coi
Coi
bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”
Truyền thuyết
chẳng qua là sự lặp lại hình ảnh của thời xưa cũ trong thời đại mới. Nhưng ở đây,
sự lặp lại đến kỳ diệu!
Cuối năm 1809,
Cảnh Thịnh thu thập lực lượng còn lại được 3,5 vạn, trong đó có 5000 quân của Bùi
Thị Xuân, đánh bật quân Nguyễn Ánh lùi về Đồng Hới, nhưng đại quân Ánh ra tiếp ứng
kịp. Cảnh Thịnh liệu thế địch không nổi, liền bỏ chạy ra Thăng Long lập thế phòng
thủ. Còn Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng con cái đều bị bắt.
Đã từng nghe
danh tiếng của vị nữ tướng, Nguyễn Ánh truyền dẫn đến để xem mặt. Ánh vênh váo
nói:
- Ngươi đã từng
thờ Nguyễn Huệ và cũng từng nghe oai danh ta. Nguyễn Huệ từng sát hại cả dòng họ
ta. May mắn cho ta, khi ấy mới 15 tuổi, nhờ trời phù hộ mà Nguyễn Huệ không giết
nổi. Từ cô quân chống lại đại địch, ta đã dựng lại cơ đồ, giữ yên xã tắc, qui
giang sơn về một mối, giữ ngôi chúa tổ. Vậy giữa ta và Nguyễn Huệ, ai hơn ai kém?
Nữ tướng đáp
ngay:
- Nói về nhân cách
thì tiên đế ta là bậc anh hùng, còn ngươi là kẻ tiểu nhân, ngoài mặt thì hung bạo
mà trong lòng thì nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn thì
chỉ lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì quên mình mà không nghĩ đến ích nước. Nói
về tài ba thì tiên đế ta bách chiến bách thắng, từ hai tay trắng dựng nên cơ đồ,
đánh Nguyễn diệt Trịnh, chỉ một trận nước đổ non nghiêng mà Xiêm tan, chỉ một
trận trời long đất lở mà Thanh nát, đến nỗi đám giặc thoát chết, về đến nước rồi
mà còn hồn xiêu vách lạc. Còn ngươi bị tiên đế ta đuổi đánh, phải luồn lách trốn
chui trốn nhủi như lũ chuột ngày, phải cầu lụy hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ
ràng như ao trời nước vũng! Còn nói về đức độ thì tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối
xử với kẻ trung thần thất thế như đã đối xử với Nguyễn Huỳnh Đức là tôi nhà ngươi.
Còn ngươi lại dùng tâm địa của kẻ tiểu nhân mà đối xử với trung thần nghĩa liệt
hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ được rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của
người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình vậy. Chỗ hơn kém đã rõ ràng
như ban ngày và đêm tối. Nếu tiên đế ta không thừa long sớm thì ngươi dễ gì mà
trở lại nước này, nói gì đến việc nhà ngươi đắc chí hôm nay.
Ánh giận tím ruột,
cười gằn:
- Ta có thể
trong giây lát bóp chết nhà ngươi, kéo lưỡi ngươi ra khỏi mồm vì cái tội xúc phạm
đến đấng thiên tử. Hãy đợi đấy! Thật tiếc cho ngươi đã uổng công vào sinh ra tử
bao năm mà đi thờ Nguyễn Huệ. Cũng được gọi là kẻ có tài cầm quân, nhà ngươi
sao không giữ ngai vàng cho Cảnh Thịnh?
Bùi Thị Xuân nhếch
cười:
- Người xưa nói
chịu nghe thì sáng, cậy một mình thì tối. Ta tiếc rằng hoàng đế Cảnh Thịnh không
biết nghe lời khuyên của đấng trung thần, thì thế khác nào cầu người hiền mà không
biết đạo, muốn người ta vào nhà mình mà đi đóng cửa lại. Ta nói vua ta nối ngôi
cha mà không nối được chí cha là thế. Vì chỗ yếu đó của vua ta nên nhà ngươi mới
còn sống được đến hôm nay. Chứng cớ là ở trận Trấn Ninh, nếu vua ta nghe lời ta
đánh dấn, ta đã bắt được ngươi bỏ rọ đem về rồi. Đó là nói về thế cuộc. Còn giữa
ta và ngươi, chẳng phải chỉ chạm trán trận Trấn Ninh ấy. Ở Quảng Nam,
chắc ngươi còn nhớ, nếu ngươi không hèn nhát đi đoạn hậu, mạng ngươi đã chẳng còn.
Chỗ hơn kém giữa ta và ngươi đã rõ. Nếu triều đình Cảnh Thịnh có một nữ nhi như
ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh, nhà ngươi không thể đặt chân được lên đất
Bắc Hà…
Ý đồ lăng nhục
vị nữ tướng không thành mà còn bị bẽ bàng, Ánh giở trò hành hạ người phụ nữ Bùi
Thị Xuân một cách độc ác, đê hèn và man rợ nhất. Trước khi giết Xuân, Ánh đã
cho dẫn bà đến gần, ép bà phải tận mắt chứng kiến cảnh chồng, con bị hành hình.
Đầu tiên là
quan thiếu phó Trần Quang Diệu bị dẫn ra. Dù có bị tiều tụy do giam cầm đày đọa
nhưng ông vẫn bước đi hiên ngang đến cây cột chôn sẵn. Đao phủ định trói ông,
nhưng ông tỏ ý không cần và vươn cổ ra chờ chém. Đầu Trần Quang Diệu rơi xuống
thì cũng là lúc chí khí của người tôi trung vút lên đến trời xanh. Tiếp đến, bọn
đao phủ lôi cô con gái nhỏ của Bùi Thị Xuân ra, buộc treo lơ lửng vào sợi dây thòng
xuống từ đỉnh cao cây cột trồng cạnh một bức tường đá hộc. Hiệu lệnh vang lên,
một tên đao phủ cầm sợi dây buộc ngang người bé gái kéo ra xa rồi lẳng mạnh vào
bức tường đá hộc. Hành động đó được lặp đi lặp lại. Trước mắt Bùi Thị Xuân là đứa
con đã xương tan thịt nát, đẫm máu đỏ lòm. Đến lượt người con gái thứ hai của bà
bị dẫn ra cho voi giày chết. Cô bé thấy mẹ, hét lên: “Mẹ ơi, cứu con với!”. Lúc
này, chắc rằng sự đau đớn trong lòng người phụ nữ Bùi Thị Xuân đã đến mức tột cùng,
nhưng Bùi Thị Xuân còn là một vị tướng, một Đô đốc, bà quát lớn: “Con nhà tướng
không được khiếp nhược!”. Và người con gái đáng thương đó đã vâng lời bà, im lặng
chịu đựng đến chết. Cuối cùng, đến lượt Bùi Thị Xuân bị lôi ra cho voi giày. Đó
là con voi cực lớn và có vẻ hung hãn. Nó chạy xồng xộc đến, tung vòi lên. Nhưng
thật lạ lùng, con voi chạy đến trước Bùi Thị Xuân thì đột nhiên chững lại, ngẩng
lên rống một tiếng dài vang động cả pháp trường, rồi quì xuống phủ phục trước vị
nữ tướng. Viên quản tượng thúc mấy con voi vẫn không nhúc nhích, đâm hoảng, bỏ
chạy. Con voi to lớn và độc ngà đã nhận ra chủ cũ! Thấy không thể dùng voi giày
được, Ánh đã phải lệnh dùng kiểu hành hình “Điểm thiên đăng”, lấy vải nhúng sáp
nóng quấn quanh người Bùi Thị Xuân rồi châm lửa đốt. Từ ngọn đuốc sống cháy dữ
dội đó, linh hồn người nữ liệt đã thanh thản bay lên, đoàn tụ với chồng con và
trở thành bất tử trong sử xanh non sông nước Việt.
Hàng năm, cứ đến
ngày 6-11, họ Bùi ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (trước là
xã Tây Xuân) lại tổ chức ngày kị cho bà. Hiện nay, Bùi Thị Xuân được thờ tại từ
đường chính phái họ Bùi ở xóm Bắc, thôn Phú Xuân.
Nói
riêng, gốc dòng tộc chúng ta cũng ở Nghệ An, tổ
quán của chúng ta ở huyện An Nhơn (Bình Định). Ông cố nội chúng ta tên
là Nguyễn Văn Vinh, bà cố nội tên là Bùi Thị Định, từng cư ngụ
tại xóm Bàu Đá, xã Nhơn Lộc cách quê Nguyễn Huệ không xa, hiện mồ mả vẫn
còn ở
đó. Bà cố nội của chúng ta là cháu ruột, gọi bà Bùi Thị Xuân bằng cô. Kể ra như thế cho có chút ít tự hào chứ chẳng để làm gì!...
Câu chuyện về nữ
kiệt Bùi Thị Xuân đồng thời đã phô bày một Nguyễn Ánh vô sỉ như thế đấy! Sau này
khi đã lên ngôi, Ánh còn tái diễn câu chuyện Việt Vương - Phạm Lãi: sát hại hàng
loạt tướng lĩnh đã theo mình từ thời trứng nước, có công lao to lớn trong việc
dựng nên cơ nghiệp cho mình, trong đó có Trần Văn Thành, Đặng Trần Thường… Cuộc
đời Ánh cũng trở nên bất tử! Vâng, con cháu đời sau, khi học bài lịch sử nước
Việt sẽ thấy một Nguyễn Ánh thấp hèn và tội ác, là tựu trung của tất cả những gì
dơ dáy nhất, xấu xa nhất, bội bạc nhất, tàn bạo nhất mà mặt trái chế độ quân chủ
chuyên chế, mặt trái của Đức Huyền Diệu có thể nhào nặn ra được…
(Hết chương V)
Nhận xét
Đăng nhận xét