CHUYỆN TÌNH THẾ GIỚI 29

(ĐC sưu tầm trên NET)

 
Tình Ca - Trọng Tấn [Official Audio]

Chuyện tình thời chiến - Kỳ 1: Tình yêu dưới án tử hình

24/12/2011 00:01 GMT+7

Họ ra đi sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, xương máu vì một tình yêu Tổ quốc, nhưng sâu thẳm trong tim vẫn nồng nàn một tình yêu đôi lứa. Cuộc chiến tranh kéo dài, họ vẫn chờ đợi nhau cho đến ngày thống nhất. Có những mối tình mong ngóng người thương đã đi hết tuổi thanh xuân.

Họ ra đi sẵn sàng hy sinh hạnh phúc, xương máu vì một tình yêu Tổ quốc, nhưng sâu thẳm trong tim vẫn nồng nàn một tình yêu đôi lứa. Cuộc chiến tranh kéo dài, họ vẫn chờ đợi nhau cho đến ngày thống nhất. Có những mối tình mong ngóng người thương đã đi hết tuổi thanh xuân.

Khi tôi gặp ông để tìm tư liệu viết kịch bản cho loạt phim tài liệu Mãi mãi một tình yêu, ông trầm ngâm: “Tôi thật sự cũng không biết bắt đầu từ đâu, bởi hơn nửa thế kỷ qua tôi vẫn xem đó như một giấc mơ. Giấc mơ về một tình yêu mà chúng tôi đã viết nên ngay dưới bản án tử hình…”. Ông là người tử tù lừng danh Lê Hồng Tư.

Lời tỏ tình đầu tiên thất bại!

Năm 1956, vậy là không có hòa bình, không có thống nhất như người ta nghĩ sau Hiệp định Geneve 1954, sau hai năm chia cắt để chờ ngày tổng tuyển cử. Quân Mỹ bắt đầu hiện diện tại miền Nam với vai trò cố vấn, và người miền Nam đã thấy rõ một điều rằng hòa bình, thống nhất chỉ có thể đến khi quân Mỹ rút khỏi miền Nam. Một trong những lực lượng đứng lên ngay tại nội thành Sài Gòn chính là phong trào học sinh, sinh viên.

Ngày ấy, Lê Hồng Tư là một thiếu niên nghèo ở miệt Bình Chánh lên Sài Gòn làm đủ mọi nghề như thợ tiện, nhân viên điện tín… để có tiền tự lo ăn học. Với anh, ngày đầu tiên gặp người con gái ấy, người con gái mà anh đã đem lòng yêu thương trọn đời, đó là ngày anh không bao giờ quên.

 
Ông bà Lê Hồng Tư - Nguyễn Thị Châu

Lê Hồng Tư là người được tổ chức đưa vào trường học để gây dựng phong trào, lực lượng đấu tranh nội thành Sài Gòn. Còn Nguyễn Thị Châu là một cô gái nghèo ở Biên Hòa, nhưng vì đàn em mà chị phải mượn tiền lên Sài Gòn ăn học để tìm tương lai cho các em. Chị chính là người mà Lê Hồng Tư lựa chọn để giác ngộ cách mạng.

Ông Lê Hồng Tư kể lại: “Khi Châu đến Trường Văn Lang đăng ký học, tôi đã chú ý ngay đến Châu. May thay Châu đăng ký vào học lớp tôi đang làm lớp trưởng. Thanh niên mới lớn mà, ai lại không thích người con gái đẹp, nết na thùy mị như Châu. Để chứng tỏ mình là người ga lăng, tôi hết lo cho Châu từ việc đăng ký học, rồi lại đưa lên lớp và bố trí ngồi bàn đầu làm nhiều bạn cùng lớp dò xét tình ý của tôi, nhưng lúc đó tôi chỉ thấy thích chứ chưa yêu Châu”.

Từ tình bạn rồi dần dần Lê Hồng Tư cảm hóa Châu trở thành người đồng chí trong phong trào HS-SV Sài Gòn mà Châu hoạt động rất tích cực. Và rồi, nhịp đập của con tim đã hối thúc Lê Hồng Tư thổ lộ tình yêu với người bạn cùng lớp. Đó là một ngày cuối tuần năm 1958, khi biết bạn bè ở trọ cùng Châu đã về quê hết, Lê Hồng Tư tìm đến và nói bâng quơ về mối tình với một người con gái mà mình theo đuổi. Khi Châu hỏi đó là ai, Lê Hồng Tư ấp úng: “Đó chính là Châu. Tôi muốn thành hôn với em!”. Không ngờ Nguyễn Thị Châu trả lời: “Em chưa nghĩ đến chuyện đó đâu. Em còn phải lo chuyện học, chuyện nuôi các em”. Ông Lê Hồng Tư nhớ lại: “Lúc đó tim tôi thắt lại, ruột đau như cắt, lời tỏ tình đầu tiên đã thất bại. Tôi chỉ biết trèo lên gác nhìn Châu vẫn điềm tĩnh ngồi học bài, nhưng với lòng tự ái của chàng trai, tôi lại nhủ: Nếu Châu chưa quyết định thì cứ sáu tháng tôi lại hỏi Châu một lần về lời cầu hôn này…”.

“Dù có đi hết một vòng trái đất…”

Cho dù hẹn ước cứ sau sáu tháng anh lại một lần hỏi về lời cầu hôn với chị, nhưng mãi đến năm 1959, sau khi đi thoát ly, Lê Hồng Tư mới có dịp gặp lại người mình yêu và anh lại hỏi về lời cầu hôn, nhưng Châu vẫn không trả lời. Ông Lê Hồng Tư kể: “Tôi có linh tính lần gặp mặt đó là lần chia xa, nên có nói với Châu rằng: Nếu còn sống trên đời này tôi vẫn còn giữ ý định thành hôn với Châu, dù phải đi hết một vòng trái đất để đến với Châu tôi cũng sẵn lòng”. Bà Châu nhớ lại: “Thực sự tôi rất thương anh Tư, nhưng lúc đó nợ nước chưa đền, nợ nhà chưa dứt làm sao tôi có thể nghĩ đến tình riêng. Biết anh ấy sắp đi xa, nên tôi đã chuẩn bị cho anh ấy hai chiếc khăn, hai chiếc quần đùi và 200 đồng để tặng thay cho lời tôi muốn nói về lời tỏ tình của anh”.

Đó chính là lần gặp mặt định mệnh để rồi họ chia xa nhau 15 năm trong gông cùm, ngục tù và án tử hình.

Ngày 8.7.1961, cả Sài Gòn lẫn Washington đều rúng động với thông tin: biệt động Việt cộng đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Frederick Nolting. Báo chí Sài Gòn gọi đó là “Vụ án chấn động nhất đô thành Sài Gòn từ trước tới nay”. Đó chính là chiến công của “tiểu đội quyết tử quân” thuộc lực lượng biệt động Ban cán sự học sinh sinh viên Khu Sài Gòn - Gia Định mà Lê Hồng Tư, khi ấy mới 26 tuổi, phụ trách chỉ huy. Đây cũng là những trận đánh Mỹ đầu tiên giữa Sài Gòn, mở ra phong trào sinh viên học sinh đánh Mỹ khắp các đô thị miền Nam.

Gần như toàn bộ lực lượng cảnh sát, cảnh sát đặc biệt, an ninh quân đội, quân cảnh của Sài Gòn được tung ra để truy bắt lực lượng biệt động ám sát đại sứ Mỹ. Cả tiểu đội quyết tử Lê Hồng Tư đều bị bắt.

Ngày 23.5.1962, tiểu đội quyết tử bị tòa án quân sự Sài Gòn đưa ra xét xử và khí tiết người anh hùng vẫn hiên ngang trước quân thù. Rạng sáng 24.5.1962, tòa quân sự đặc biệt tuyên bốn án tử hình bao gồm: Lê Hồng Tư, 27 tuổi, sinh viên; Lê Quang Vịnh, 26 tuổi, giáo sư; Lê Văn Thành, 20 tuổi, học sinh; Huỳnh Văn Chính, 27 tuổi, quân nhân. (còn tiếp)

Binh Nguyên

Chuyện tình thời chiến - Kỳ 2: Em vẫn đợi anh về

25/12/2011 00:29 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Châu giờ vẫn còn giữ những bức ảnh chụp lại các bài báo của năm 1962 viết về vụ án “Vịnh - Tư - Thành - Chính”.

Bà Nguyễn Thị Châu giờ vẫn còn giữ những bức ảnh chụp lại các bài báo của năm 1962 viết về vụ án “Vịnh - Tư - Thành - Chính”.

Bà kể lại: “Tin bốn người bị kết án tử hình lan rất nhanh trong hệ thống lao tù, mà lúc ấy theo luật 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Tử hình đồng nghĩa với việc các anh ấy sẽ bị chặt đầu bằng máy chém. Tim tôi như có ai đó bóp nát, những hình ảnh ngày xưa của hai đứa ùa về, hình ảnh anh ngượng ngùng tỏ tình với tôi, lời anh nói dù có đi hết vòng trái đất anh ấy vẫn chờ tôi... Lúc đó tôi thương anh Tư vô cùng, lời anh nói chân tình “dù có đi hết vòng trái đất…” mà giờ lại xa hơn khi anh sắp bước lên máy chém đi vào cõi chết. Tôi quyết định tìm mọi cách bắn tin ra ngoài với tổ chức và báo rằng: Lê Hồng Tư chính là chồng chưa cưới của tôi. Tôi muốn anh ấy trước khi ra pháp trường cũng mãn nguyện vì lời cầu hôn của anh đã được tôi chấp nhận. Tôi đã xem anh Tư là chồng từ giờ phút này”. 

Và một bài thơ mộc mạc nhưng đầy tình yêu thương, chung thủy đã được nữ tù Nguyễn Thị Châu khắc lên tường xà lim bằng chiếc kẹp cài tóc sau khi nghe tin Lê Hồng Tư bị kết án tử hình:

“Áo trắng em chưa vướng bụi đời
Chưa từng mơ tưởng chuyện  xa xôi
Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót
Áo trắng em nguyện trắng mãi thôi”

Ông Lê Hồng Tư kể lại: “Lúc đó tôi không hề biết Châu đã chấp nhận lời cầu hôn của tôi. Sau này gặp anh Hai Tân trong chuồng cọp Côn Đảo, anh hỏi tôi: “Có phải anh quen Châu không?”, tôi rất ngạc nhiên và gật đầu. Thế là anh Hai Tân sáng tác một bài thơ tặng tôi, tôi rất xúc động khi biết Châu đã chấp nhận lời tỏ tình của tôi ngay sau khi nghe tin tôi bị kết án tử hình:

"Anh ngỏ ý lần đầu/Em ngập ngừng từ chối/Trong lòng nghe vời vợi/Biết nói sao cho cùng/Đời cách mạng lao lung/Miền Nam còn đau khổ/Hỏi nữa, em làm thinh/Giặc xử anh tử hình/Trong xà lim em khóc/Giận quân thù ác độc/Em nói: Em vợ anh/Anh ơi em vẫn tin/Anh sống hoài, sống mãi/Mặc cho án tử hình/Em vẫn đợi anh về”.

Để tìm câu trả lời vì sao ông Hai Tân lại biết về mối tình Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu để báo cho Lê Hồng Tư biết lời cầu hôn của mình đã được chấp thuận, chúng tôi đã tìm đến thăm nhà ông Trần Trọng Tân, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương để hỏi ông về nguyên cớ sáng tác bài thơ về tình yêu của “Tư - Châu” mà thời điểm ấy rất nổi tiếng ở nhà tù Côn Đảo. Ông Trần Trọng Tân kể: “Lúc đó tôi là phái viên Trung ương cử vào công tác tại Trung ương cục, sau khi cô Châu ra tù đã được tổ chức đưa vào căn cứ để chuẩn bị đưa ra Bắc và cùng với cô Quyên vợ anh Nguyễn Văn Trỗi đi báo cáo tại các nước XHCN, khi cô Châu khai lý lịch chồng chưa cưới là Lê Hồng Tư, tôi rất ngạc nhiên vì Lê Hồng Tư rất nổi tiếng thời ấy. Hỏi ra cô Châu mới kể hết sự tình từ lời tỏ tình đầu tiên, tôi rất xúc động. Sau này khi bị bắt và đưa ra Côn Đảo tôi may mắn được giam cùng khu chuồng cọp với Lê Hồng Tư nên tôi mới sáng tác bài thơ ấy tặng cho mối tình đẹp như cổ tích này và tin tưởng rằng rồi hai con người này sẽ trở thành vợ thành chồng…”.

 Khi biết người mình yêu đã chấp nhận lời cầu hôn, Lê Hồng Tư càng tin mãnh liệt vào ngày mai hai người sẽ được sống trọn vẹn bên nhau. Đã hai lần tử tù Lê Hồng Tư và các đồng chí của mình tổ chức vượt ngục với hy vọng được trở về với cách mạng, trở về với tình yêu, nhưng cả hai lần vượt ngục đều bất thành…


Nguyễn Thị Châu ở chiến khu sau khi ra tù - Ảnh: T.L

Vẫn một tình yêu tuổi trẻ

30.4.1975, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng, chỉ một ngày sau, ngày 1.5, hơn 4.300 tù chính trị ở Côn Đảo tự đứng lên và đứng ra thành lập Ủy ban Hòa hợp hòa giải dân tộc tỉnh Côn Sơn gồm 15 người, do chính những người tù Côn Đảo điều hành khi quân giải phóng từ đất liền chưa ra đảo. Ngày 7.5.1975, những người tử tù Côn Đảo đầu tiên đã được đưa trở về đất liền. Tử tù Lê Hồng Tư, trong 15 năm bị tù đày giam cầm thì có đến 13 năm sống trong xiềng xích địa ngục xà lim cấm cố, chuồng cọp, chuồng bò của địa ngục trần gian Côn Đảo.

Ngày trở về đất liền là ngày đón chào tự do, thống nhất và cũng chính là giây phút anh được gặp lại người con gái mà mình mong ước được sống trọn đời sau 15 năm chờ đợi… Đám cưới của một huyền thoại về tình yêu Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu được diễn ra ngay vào đêm trung thu năm 1975, ông Lê Hồng Tư nhớ lại: “Mới giải phóng ai cũng nghèo, hai đứa tôi góp lại được mấy chục đồng, bạn bè đồng chí góp lại mỗi người vài đồng tổ chức tiệc cưới chỉ với bánh ngọt, trà nước, vậy mà vui không kể xiết, bạn bè đến chung vui đông vô kể”.

Hơn ngàn ngày xa cách trong nhớ nhung, trong tuyệt vọng và vượt lên trên tất cả giông bão cuộc đời, họ đã đến với nhau như lời hẹn ước khi còn tuổi học trò cho đến khi thành hôn họ bước vào tuổi 40. Và càng kỳ diệu hơn khi hai năm sau hai người đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh, mà trước đó nhiều bác sĩ tiên định rằng họ sẽ rất khó có con bởi cả hai đều đã trải qua nhiều năm tháng tù đày khắc nghiệt với đủ đòn tra tấn dã man.

Lần nào đến nhà thăm ông bà chúng tôi đều thấy họ vẫn trìu mến gọi nhau bằng “anh và em” như những ngày đầu yêu nhau cho dù họ đã là ông bà nội. Trong những cuốn album tại nhà ông bà, tôi vẫn tìm thấy nhiều tấm ảnh tràn đầy hạnh phúc của ông bà mới chụp gần đây, ông Lê Hồng Tư nói: “Giờ có ai mời đi đâu mà không có Châu là tôi không đi, hình như chúng tôi sinh ra là để dành cho nhau vậy…”. Bà nhìn ông với ánh mắt đầy yêu thương…

(còn tiếp)

Binh Nguyên

Chuyện tình thời chiến - Kỳ 3: Tình yêu bất tử

26/12/2011 00:42 GMT+7

Họ chỉ sống với nhau 17 ngày đúng nghĩa vợ chồng để rồi xa nhau 21 năm, nhưng bà vẫn chung thủy chờ đợi ông, cho dù cái ngày đoàn tụ là ngày bà đầy cay đắng.

Họ chỉ sống với nhau 17 ngày đúng nghĩa vợ chồng để rồi xa nhau 21 năm, nhưng bà vẫn chung thủy chờ đợi ông, cho dù cái ngày đoàn tụ là ngày bà đầy cay đắng.

17 ngày chồng vợ, 21 năm chia xa

Năm 1954, khi ấy bà Nguyễn Thị Để là cán bộ phụ nữ, còn ông Phạm Hùng Vĩnh là sĩ quan quân báo của tỉnh Tiền Giang, hai người gặp nhau và đi đến hôn nhân ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, khôi phục hòa bình tại Việt Nam, vĩ tuyến 17 được lập ra, tạm chia hai miền Nam - Bắc. Hàng vạn chiến sĩ cách mạng chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp phải tạm xa gia đình, vợ con để tập kết ra Bắc với lời hẹn ước gặp lại sau hai năm cùng cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Bà Để nhớ lại: “Sau đám cưới, tụi tui sống với nhau đúng 17 ngày là ông ấy xuống bến tàu Cao Lãnh tập kết ra Bắc. Trước khi đi ông ấy tặng tôi đôi bông tai, tôi tặng ông ấy chiếc áo len và ông ấy nói: Tạm xa nhau thôi em, hai năm sau em lên Bến Thành - Sài Gòn đón anh về. Cho đến giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn giữ đôi bông tai này”.

Như hàng triệu gia đình phải chia xa trong giai đoạn tập kết năm 1954, ai cũng nghĩ đây là một chia ly cần thiết cho mục tiêu độc lập, thống nhất đất nước. Nhưng bao nhiêu trái tim, bao nhiêu gia đình đã phải chia xa và chờ đợi trong bom đạn mịt mù.

Bà Ba Để ở lại tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn, rất nhiều cán bộ ngày ấy thầm thương trộm nhớ cô cán bộ trẻ tuổi hay cười này, ít ai biết rằng Ba Để đã có chồng. Nhiều lúc tổ chức thấy thương cũng muốn giới thiệu người này người kia, nhưng Ba Để vẫn một lòng chung thủy. Trong mười năm xa cách từ 1954 đến 1964, bà chỉ nhận được bốn lá thư của ông, khi biết bà vẫn chung thủy chờ mình, trong một lá thư gửi cuối năm 1964 ông Vĩnh viết: “Anh không ngờ 10 năm dài đăng đẳng em vẫn còn chung thủy với anh. Anh còn so chuyện Vân Tiên - Nguyệt Nga ngày xưa, chuyện tụi mình có hơn?”.

Sang năm 1965, bà không còn nhận được thư của ông, nhiều người cho rằng ông đã hy sinh, nhưng với bà điều ấy là không thể, bởi bà vẫn tin vào lời hẹn ước “Hai năm sau em lên Bến Thành - Sài Gòn đón anh về”. Năm 1968, trong chiến dịch Mậu Thân, bà bị bắt do chỉ điểm. Qua bao nhiêu đòn tra tấn dã man không khai thác được gì, biết địch có ý định thủ tiêu, khi bị khiêng ngang qua phòng giam nữ tù binh, bà la thật to để mọi người biết: “Chị em ơi bọn nó đem tôi đi thủ tiêu, chị em ở lại mạnh khỏe chiến đấu!”. Trong phòng giam lúc ấy có bà Mười Hà (vợ Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang lúc bấy giờ). Khi được trả tự do, bà Mười Hà về kể cho chồng hay tin Ba Để đã bị địch thủ tiêu, nên sau này khi ra Bắc học tập, ông Mười Hà đã báo với ông Phạm Hùng Vĩnh rằng: “Vợ anh đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân rồi”.

 
Bức ảnh hiếm hoi của ông Vĩnh, bà Để gặp nhau sau ngày giải phóng 1975 - Ảnh: tư liệu

Ngày đoàn tụ đau xé tâm can

Nhưng ý đồ thủ tiêu bất thành, địch đưa bà qua khám Chí Hòa rồi đày ra Côn Đảo, đến năm 1973, bà Để được trao trả tù binh tại Lộc Ninh và tiếp tục công tác cho đến ngày thống nhất năm 1975 rồi trở về Sài Gòn tham gia tiếp quản thành phố. Đó là những phút giây hạnh phúc chung - riêng tràn ngập, nước nhà hòa bình, thống nhất, vợ chồng sẽ tìm nhau với lời hẹn ước năm xưa: Hẹn gặp nhau giữa Sài Gòn. Vậy mà đó lại là ngày đau xé tâm can người đàn bà chung thủy chờ chồng suốt 21 năm: Ông Phạm Hùng Vĩnh vẫn còn sống và có vợ con ngoài miền Bắc!

Có nỗi đau nào hơn là nỗi đau sau 20 năm chờ đợi ngày đoàn tụ, ngày sum họp lại là ngày lại phải đối diện với sự thật ngang trái: Người chồng mà mình chung thủy chờ đợi suốt hơn 20 năm đã có vợ con. Nhưng với bà, tình yêu luôn là sự hy sinh, tình yêu của bà đối với chồng là vô bờ bến. Trong những lá thư viết cho ông Phạm Hùng Vĩnh vào tháng 7.1975, bà vẫn luôn là một người vợ thủy chung đến tận cùng:

Anh Vĩnh thân mến, em vẫn còn nhớ ngày anh đi, anh dặn em hai năm sau tổng tuyển cử thống nhất nước nhà em sẽ ra Bến Thành - Sài Gòn đón anh. Nhưng chiến tranh kéo dài đến hơn 20 năm...

Em rất thông cảm với nỗi khổ đau của anh. Vì anh Mười Hà đã nói với anh là em bị giặc bắt và thủ tiêu rồi nên anh mới lập gia đình ngoài đó. Mình không hàn gắn được mối tình đầu do kẻ thù gây ra thôi. Nếu chúng ta không còn nghĩa vợ chồng thì coi như tình đồng chí chiến đấu với nhau vậy.

Anh nhận được thư này đừng cho chị ấy biết em còn sống. Em vẫn biết chị ấy cũng như em, em đã đau khổ hai mươi mấy năm rồi nên em không muốn cho ai đau khổ nữa anh ạ…” .

Và với ông Phạm Hùng Vĩnh, một sĩ quan quân báo từng vào sinh ra tử, trong nỗi đau khổ của người chồng mang tiếng phản bội lại tình yêu chung thủy, ông cũng có nỗi niềm riêng, nỗi đau riêng. Trong một lá thư viết cho bà ngay sau khi biết bà còn sống, ông đã tự dằn vặt mình:

“Em thân yêu, trước kia anh mong mỏi về miền Nam bao nhiêu sau những năm dài xa cách quê hương và em bao nhiêu thì bây giờ lại đau khổ bấy nhiêu. Hậu quả chiến tranh rơi đúng vào ba người chúng ta: Anh, em và má Tường Đồng. Má Tường Đồng là người ngay mắc nạn, bị hàm oan trong hoàn cảnh đáng thương hại nhất và cũng là ân nhân của anh. Nhưng với em, anh đã yêu và yêu tha thiết không bao giờ quên, anh đã nói với má Tường Đồng dù sau này có sống sót hay không, thế nào anh cũng phải về với em.

Em nói em là đảng viên phải hy sinh. Em đã hy sinh, đã đau khổ chịu đựng mọi đắng cay, đã làm dâu không chồng hơn 20 năm rồi, giờ bắt em hy sinh đau khổ nữa cho đến bao giờ?...”.

Bao lớp người tập kết trở về trong niềm vui đoàn tụ, vậy mà tim gan bà như bị xé nát, 21 năm chờ đợi trong tuyệt vọng và hy vọng, vậy mà giờ đây bà phải đứng trước sự chọn lựa chấp nhận hay không chấp nhận người chồng mà bà chung thủy trở về với người vợ và đàn con ngoài miền Bắc.

Bình Nguyên

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH