CHUYỆN NGÀY XƯA
CHUYỆN NGÀY XƯA
Ngày xửa ngày xưa có khoảng mênh mông Chẳng hiện thứ gì ngoài trống rỗng thinh không Và một màn đen thiêng liêng nghiêm nghị Tất cả chìm trong Hồng Thủy, vô chung
Rồi từ mông lung ý tình trỗi dậy Mặt trời đâu về tỏa nắng hào hùng Khơi dậy sinh linh ấm lòng trái đất Mặt trăng hiện ra se mối tơ hồng
Ngọn lửa bừng lên rực cháy bập bùng Nước ứa miên man vỗ về tươi mát Lửa, nước chung tình say xưa ca hát Cát bụi cựa mình, trái đất nên xanh
Xanh núi, xanh rừng, xanh biển, trời xanh Bát ngát đồng xanh, thảo nguyên xanh mướt Xanh suốt bốn mùa, sinh linh đông đúc Thành lứa, thành đôi, thành những tình xanh...
Thế rồi vang lên tiếng gọi em, anh Tiếng gọi ân tình, an lành trìu mến Tiếng anh, tiếng em, tiếng mình da diết Quấn quýt bên nhau như lá với cành
Trái đất mừng vui quay tít chạy quanh Đống lửa mặt trời sáng ngời ấm áp Mặt trăng a dua chạy theo trái đất Vạch vẽ ngày đêm và những tháng năm
Chuyện xửa chuyện xưa có Lạc Long Quân Lấy nàng Âu Cơ sinh ra trăm trứng Con cái lớn khôn hợp thành Bách Việt Con cả Hùng Vương xây đắp Văn Lang
Từ đó mà có tổ quốc Việt Nam Bốn ngàn năm trường tồn gan góc Đánh giặc khắp nơi, đuổi thù phương Bắc Độc lập, tự do là ước vọng ngàn vàng!
Dòng máu tiên rồng chảy trong chúng mình Em ơi cố giữ màu luôn đỏ thắm! Cố nuôi tình yêu đượm niềm say đắm Như tình ông bà sâu nặng với quê hương
Kể chuyện xưa để thấm thía
cương
thường
Đừng bao giờ than van tình yêu nhé!
Mọi trách móc đều chỉ là nhỏ
bé
Đều tầm thường khi soi trước yêu thương!
Trần Hạnh Thu
Nhớ ông già quê kể chuyện xưa
Ông già không biết chữ mà có tài kể chuyện phát mê. Hồi nhỏ tôi học văn, thích đọc truyện, cũng được vào đội tuyển giỏi văn cấp trường, cấp huyện; nhưng thời khó khăn, đâu có được sách, báo nhiều như bây giờ, vớ được quyển sách cũ mèm, sờn ráy là mân mê đọc ngấu nghiến. Kiến thức văn chương, chữ nghĩa của tôi có được phần lớn nhờ… nghe ông Tư kể chuyện đời xưa.
Ông Tư Hộ không kể chuyện ma (con nít thường sợ ma, nhưng rất thích nghe chuyện ma). Chuyện của ông từ Nhị thập tứ hiếu, tích Tàu thuần Việt đến chuyện kể bình dân không rõ tác giả... tất thảy đều rất hấp dẫn bọn trẻ con. Trong số đó có nhiều truyện của Hồ Biểu Chánh, các “phiên bản truyền miệng” như: Ngọn cỏ gió đùa, Chúa tàu Kim Quy, Lời thề trước miếu, Nhà giàu - nhà nghèo… có sức hấp dẫn lạ thường.
Sau này, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được tái bản như một hiện tượng sách; tôi được đọc nhiều hơn, càng thích, yêu tài sử dụng phương ngữ Nam Bộ, cảm cụ viết như dân lục tỉnh xưa nói chuyện mà càng phục ông Tư Hộ kể chuyện xưa.
Khác thời xưa xa vắng, con gái tôi bây giờ mới học lớp hai đã có “phây” để tâm tình, “chát, chít” với bạn bè. Rời bỏ những trang nhật ký trên giấy học trò ngày nào, các cô cậu ngày nay ở đâu cũng bấm điện thoại lên facebook.
Thay cho không gian truyện cổ tích, chuyện kể đời xưa là không gian ảo của thế giới mạng ngày nay. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, truyền thông, Internet,… là thành tựu chung của nhân loại, nhưng cũng có thể là con đường tội lỗi của nhiều người. Không ít trẻ con trầm cảm, tự kỷ hiện sống trong thế giới ảo giữa đời thực. Không ít những án mạng thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân từ việc sử dụng tràn lan, vượt quá sự kiểm soát cần thiết các phương tiện nghe, nhìn, bấm ngón tay của con trẻ ngày nay.
Giữa ồn ào phố chợ, giữa ngồn ngộn thông tin hàng ngày, tôi bỗng nhớ lại không gian ruộng đồng, làng quê miền Tây yên ả này xưa và văng vẳng tiếng kể chuyện đời xưa của ông già quê để còn có thể ngẫm chuyện nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét