Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

VIỆT NAM HIỀN HÒA 7/4

(ĐC sưu tầm trên NET)

Múa rối nước

30 / 05/ 2012, 02:05:17

Múa rối thì hầu như dân tộc nào cũng có, còn múa rối nước thì trên thế giới chỉ duy nhất Việt Nam có. Nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ đời Lý (1010 - 1225). Dấu vết rối nước còn ghi lại ở nhiều nơi...
Chứng cứ bằng văn tự đầu tiên ghi chép về múa rối nước Việt Nam mà chúng ta đọc được là bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, dựng năm 1121 trong đó có đoạn viết:
"Thả rùa vàng đội ba ngọn núi, trên mặt sóng dập dờn. Phơi mai vân để lộ bốn chân, dưới dòng sông lờ lững, liếc mắt nhìn lên bờ, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách dựng cheo leo, dạo nhạc thiều réo rắt. Cửa động mở ra thần tiên xuất hiện. Ðều là dáng điệu thiên cung, há phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăn mày thuý ngợi ca vận tốt. Chim quý từng đàn ca múa, thú lành từng đội xênh xang..."

Vùng đồng bằng Bắc bộ có nhiều ao hồ. Mặt nước những ao hồ đã trở thành sân khấu cho rối nước. Ghế ngồi của khán giả là thảm cỏ xung quanh hồ. Ở các làng quê, múa rối nước thường được diễn vào những dịp đón năm mới hoặc trong các lễ hội.

Mỗi con rối là một tác phẩm điêu khắc dân gian. Con rối tạo bằng gỗ, bên ngoài phủ một lớp sơn, ngâm nước không thấm. Nhân vật tiêu biểu nhất là chú Tễu, thân hình tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh lạc quan. Mở màn, chú Tễu xuất hiện vui vẻ, nghịch ngợm làm nhiệm vụ giáo đầu dẫn chuyện.

Trong kho tàng múa rối nước Việt Nam, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục mới xây dựng đã làm say lòng khán giả trong nước và quốc tế.

Hát Quan họ

30 / 05/ 2012, 02:05:43

Hát Quan họ (hay Quan họ Bắc Ninh) là "đặc sản" dân ca của người Việt ở tỉnh Bắc Ninh. Nó bắt nguồn từ những lối hát đối đáp nam nữ có từ rất lâu đời.
Hát Quan họ chủ yếu chỉ được tổ chức ở mỗi làng mỗi năm một lần vào dịp hội làng. Nó gắn với tục kết bạn nam nữ, kết nghĩa giữa hai làng khác nhau. Ngoài một bộ phận nhỏ mang nội dung chúc tụng, khẩn cầu, đại bộ phận các bài ca mà các anh Hai, chị Hai Quan họ (cách gọi nhau theo truyền thống) đối đáp với nhau đều mang nội dung giao duyên trữ tình rất thắm thiết. Tuy nhiên, theo tập tục cổ truyền trai gái trong các nhóm kết bạn hát với nhau lại không bao giờ lấy nhau.

Các cuộc Hát Quan họ có thể diễn ra ở trong nhà cũng như ngoài trời. Phương thức sinh hoạt ở các làng khá đa dạng, song nhìn chung, ngoài một số nét khác biệt, trong Hát Quan họ chứa đựng cả những nét có ở nhiều thể loại hát đối đáp nam nữ của các tộc trên đất nước.

Hát Quan họ bao giờ cũng hát đôi, trình tự hát vừa theo nội dung vừa theo làn điệu, đối lời kèm đối giọng.

Trải qua một quá trình phát triển lâu đời trên một vùng đất có sự giao lưu rộng và phát triển sớm, Hát Quan họđã trở thành một điểm sáng trong dân ca Việt Nam. Dân ca Quan họ có khoảng 180 bài khác nhau , không tính các dị bản - một trong những kỷ lục của các thể loại dân ca Việt Nam.

Lời hay ý đẹp, ngôn ngữ bình dân nhưng tinh tế, ý nhị, giàu hình tượng và cảm xúc; âm điệu phong phú, trữ tình; lối hát mượt mà với kỹ thuật nảy hạt độc đáo; phong cách lịch thiệp - tất cả làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, quan họ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ca trù

30 / 05/ 2012, 02:05:04

Hát ả đào (Ca trù) được định hình với tư cách là một thể loại ca nhạc có đặc trưng, phong cách riêng vào khoảng thế kỷ 15. Ban đầu nó là lối Hát cửa đình. Dần dần thể loại này tách ra để trở thành lối hát thính phòng rất được ưa thích của người Việt ở phía bắc.
Từ một thể loại có nguồn gốc dân gian, do được giới quan lại, nho sĩ và cả các vua chúa ưa thích, lại có những mối quan hệ mật thiết với dòng ca nhạc cung đình, Hát ả đào dần được bác học hoá. Kỹ thuật hát rất tinh tế, công phu như thể ca sĩ nắn nót, chau chuốt từng chữ. Nhạc cụ được tinh giản với sự tương phản âm sắc đã làm tôn vẻ đẹp của từng thành phần tham gia hoà tấu.

Hát ả đào là nghệ thuật hát thơ. Nó đã từng có một hệ bài bản phong phú quy định cho từng lối hát thờ, hát chơi và hát thi.

Có hiểu thấu nội dung và nghệ thuật ngôn từ trong các bài ca cùng sự biểu hiện tinh tế của các ca nữ trong sự phối hợp nhịp nhàng với ngón đàn, khổ phách... mới thấy hết vẻ đẹp và giá trị của loại hình nghệ thuật này.

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nhã nhạc

30 / 05/ 2012, 02:05:16

Mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã", Nhã nhạc đề cập đến âm nhạc cung đình Việt Nam được trình diễn tại các lễ thường niên, bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức.
Mặc dầu, nguồn gốc của Nhã Nhạc có từ thế kỷ thứ 13, nhưng nó chỉ đạt đến mức độ điêu luyện tại cung đình Huế dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Các vị vua đã dành sự ưu đãi khi ban cho Nhã nhạc một địa vị đặc biệt là âm nhạc chính thức của cung đình, bằng cách đó đã chính thức hóa nó như là biểu tượng về quyền uy và sự trường thọ của triều đại mình. Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của quá trình nghi lễ và mỗi năm nó được trình diễn trong toàn bộ thời gian của gần 100 buổi lễ khác nhau. Phong phú về nội dung tinh thần, Nhã Nhạc đã được xem như là một phương tiện liên lạc và bày tỏ tôn kính đến các vị thần linh và bậc đế vương.

Ngoài ra nó còn phục vụ như là một phương tiện cho việc truyền đạt những ý tưởng mang tính triết lý và những khía cạnh về vũ trụ của người Việt Nam.

Trong ý nghĩa bao quát nhất của nó, thuật ngữ Nhã Nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc cung đình dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả sự trình diễn thực tế, nó được đặc trưng bởi sự đa dạng của các loại nhạc cụ, và chỉ được biểu diễn vào những dịp nào đó, với các ca công và vũ công riêng. Trống đóng vai trò chủ đạo trong các dàn nhạc cung đình vốn bao gồm một số lượng lớn các nhạc công và mỗi người trong số họ yêu cầu phải có sự tập trung cao để theo được mạch tất cả giai đoạn lễ nghi kéo dài.

Những biến cố xảy ra ở Việt Nam trong thế kỷ 20 - đặc biệt là sự sụp đổ của nền quân chủ và những thập kỷ chiến tranh liên miên, đã đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của Nhã Nhạc. Bị mất đi ngữ cảnh cung đình, truyền thống âm nhạc này đã mất đi một phần chức năng xã hội nguyên thủy của nó. Với sự quan tâm và hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng địa phương, một vài nhạc công xưa của cung đình còn sống đang cố gắng làm sống lại truyền thống này và truyền đạt những kỹ năng của họ cho thế hệ trẻ. Một số hình thức Nhã Nhạc nào đó còn sót lại trong các tế lễ và lễ hội dân gian vẫn là một nguồn cảm hứng cho âm nhạc Việt Nam đương đại.

Ngày 07/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO, ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, UNESCO đã ghi tên 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có Nhã nhạc Huế. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này, ghi nhận thành quả của một hành trình 10 năm phấn đấu, chuẩn bị không mệt mỏi của chính quyền Trung ương, địa phương và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Múa hiện đại

30 / 05/ 2012, 02:05:34

Múa hiện đại Việt Nam xuất hiện chủ yếu từ sau năm 1945. Nó phát triển từ những hình tượng, động tác, tiết tấu trong cuộc sống mới được cách điệu và hoà quyện với nghệ thuật múa dân tộc - hiện đại. Đã có những tác phẩm múa hiện đại thành công.
Ngoài ra có rất nhiều điệu múa đẹp được nâng cao, phát triển từ chất liệu dân gian như: Múa ô, Khèn, Thiếu nữ Chăm, Chim công, Xoè công, Xoè nhạc, Cánh chim Mặt trời, Trống đồng Lạc Việt, Người đi săn trên đất Phong Châu...

Những năm gần đây, tinh hoa múa thế giới như tính cách và múa cổ điển châu Âu được ứng dụng khá nhiều trong các tác phẩm múa hiện đại, nhất là loại hát múa và múa minh họa trong thể loại nhạc nhẹ ở Việt Nam.

Múa tôn giáo

30 / 05/ 2012, 02:05:39

Múa tôn giáo là hình thái múa được nảy sinh trong quá trình phát triển và nhu cầu của tôn giáo.
Việt Nam đã từng tồn tại 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Ki Tô giáo và Bà La môn. Múa tôn giáo không nhiều nhưng nó cũng định hình một hình thái riêng như múa chạy đàn, lục cúng, dâng hương, dâng hoa của Phật giáo; múa chắc, trống của KiTô giáo; múa Xiva của Bà La Môn giáo.

Múa dân gian

30 / 05/ 2012, 02:05:02

Múa dân gian là hình thái múa phổ biến của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Múa dân gian là do dân chúng sáng tạo được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Múa dân gian được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Nó tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của từng cộng động và là cơ sở để phát triển các hình thái múa khác.
Mỗi tộc người đều có những điệu múa dân gian đặc trưng của mình. Người Việt có múa rồng, trống, sênh, mõ, sư tử...; người Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau...; người Tày có múa quạt, nhạc, giã gạo...; người Thái có múa xoè, nón, nhạc, khăn, xoè vòng...; người Khmer có múa Xayăm, mạt nạ, rồm vông...; người Chăm có múa quạt Pì diền, chà prông, đoa pụ...; người Ê Đê có múa khiên, trống...; người Ba Na có múa khiên, soang...

Múa cung đình

30 / 05/ 2012, 02:05:27

Múa cung đình ở Việt Nam chỉ có người Việt, người Chăm là được định hình rõ rệt. Nó tồn tại và phát triển trong quá trình kiến lập và ổn định vương triều.
Hình thái múa này chỉ phục vụ cho tầng lớp vua quan trong triều. Loại múa này có quy cách, kỹ thuật, kết cấu, môi trường trình diễn tương đối ổn định, có yếu tố chuyên nghiệp và tính chuyên nghiệp. Như múa vũ nữ (Trà Kiệu), cảnh múa hát cung đình (Chăm), múa tứ linh, lục cúng, tam tinh chúc thọ, bát dật, vũ phiên... (của người Việt).

Nhạc cung đình - theo dòng lịch sử

30 / 05/ 2012, 02:05:05

Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc (triều Nguyễn) vừa được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Để nhận thức rõ hơn về giá trị của Nhã nhạc, một phần bản tham luận của GS.TS Trần Văn Khê về vấn đề này như sau:
Nhạc cung đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Nhã Nhạc Huế đã có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian, nhờ có tay nghề cao mà được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.

Đây là một bộ môn âm nhạc vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của nó. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc cung đình là một bộ môn duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc.
Trong Khâm định Đại Thanh Hội điển sử lệ (quyển 538, tờ 3b) xuất bản năm 1908 (thư viện Hội châu Á: Socété Asiatique) có ghi rành rẽ chi tiết của dàn nhạc cung đình, có mặt cùng một lúc với phái đoàn hữu nghị do vua Quang Trung phái sang Trung Quốc, dưới thời vua Càn Long (1789), sử gia nhà Thanh đã gọi là An Nam Quốc nhạc.
Năm 1802, dàn nhạc đổi tên là Việt Nam Quốc nhạc, vì vị vua Gia Long lên ngôi năm 1802, đăt tên nước là Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, đã  có một dàn Đại nhạc cung đình đầu tiên xuất hiện trong sử sách, có lẽ là vào đời nhà Trần, trong quyển "An Nam chí lược" của Lê Tắc.

Đời Hậu Lê, có nhiều bộ sử ghi lại sự kiện năm Thiệu Bình thứ tư ( 1437) dưới thời vua Lê Thái Tông (1434-1442), nhà vua giao cho Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng có nhiệm vụ định ra Nhã nhạc cho triều đình.
Lương Đăng muốn sắp đặt dàn Đường thượng chi nhạc giống như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc của nhà Minh và Đường Hạ chi nhạc giống như các dàn Đơn bệ đại nhạc vần Giáo phường tỳ nữ nhạc của nhà Minh.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức trai thi tập thì Nguyễn Trãi đã dâng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ được giao phó vì không tán thành quan điểm của Lương Đăng. Bức thư của Nguyễn Trãi là bài học quý giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chính đối với nền âm nhạc dân tộc trong đó có những suy tư về âm nhạc rất sâu sắc như:
Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là căn của nhạc, hài hòa là tính chất của nhạc. Thần mong rằng Bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là Bệ hạ đã đánh mất một cái gốc của nhạc.

Ngoài ra còn nhiều quyển sử khác có ghi đôi nét về Nhã cung đình qua các thời, như Quốc triều thông lễ (triều vua Trần Thái Tông), Trần triều đại diễn (triều vua Trần Dụ Tông), Lê triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ...

Những bài thuộc loại Cửu tấu, ngoài âm nhạc còn có lời ca được ghi đầy đủ trong quyển Đại nam Hội điển sự lệ, như trong Miếu Triệu Tổ (miếu thờ Nguyễn Kim), tên các bài ca phải có chữ Hòa, chẳng hạn Hàm hòa (trong lúc nghinh thần), Gia hòa (lúc hiến lụa), Tương hòa (trong lúc sơ hiến, dâng rượu lần đầu), Dự hòa (trong lúc á hiến, dâng rượu lần thứ nhì), Ninh hòa (trong lúc chung hiến dâng rượu lần cuối cùng), Mỹ hòa (lúc dâng trà). Túc hòa (lúc triệt hạ các lễ vật), An hòa (lúc tiễn thần), ưng hòa (lúc mang đuốc đi, sau khi đốt sớ).

Trong Văn miếu thờ Đức Khổng tử thì tên những bài hát phải có chữ Văn, trong loại Yến nhạc tên bài hát phải có chữ Thành (dưới triều Gia Long), chữ Khánh (thời Minh Mạng thứ 18) hay chữ Phúc (thời Minh Mạng thứ 21) v.v...

So với các bộ môn khác, Nhạc cung đình có một giá trị nghệ thuật rất cao mà trước tiên là vì triều đình có đủ quyền lực chính trị và khả năng tài chính để quy tụ những nhạc sĩ cũng như nhạc công tài năng từ khắp nơi trong đất nước, rồi tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho họ luyện tập kỹ thuật, trau dồi nghệ thuật để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.

Các nhạc khí được dùng trong Nhạc cung đình cũng được chế tạo rất kỹ, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đàn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo.

Nhìn chung, dàn nhạc cũng đa dạng và quy mô hơn các dàn nhạc khác, chẳng những đa dạng và quy mô mà còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng, mà chú trọng đến chất lượng. Khi hòa dàn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng. Không có bộ môn nào huy động nhiều diễn viên và xiêm y phong phú như nhạc cung đình.

Nhạc cung đình còn đặc biệt ở điểm bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác từ lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu) cho đến nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn.

Theo dòng lịch sử, không đi vào chi tiết, chỉ ghi những nét đại cương trong việc tổ chức Nhạc cung đình qua các triều đại, thì Nhạc cung đình Việt Nam đã có một truyền thống rõ rệt.

Nhà Lý (thế kỷ thứ 11-13):


Tuy không có ghi lại trong sách sử, nhưng xem bức chạm trên các tảng đá ở chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chúng ta thấy có 10 nhạc công chia thành hai nhóm. Những nhạc khí họ sử dụng bao gồm: Phách (hai miếng tre gõ vào nhau), đàn gáo, ống sáo ngang, đàn tranh, ống sênh (loại khèn bè). Ngay chính giữa là một hoa sen cách điệu hóa, tiếp theo là ống sênh, đàn tỳ bà, ống tiêu (thổi dọc), nguyệt cầm, trống loại phong yêu cổ (một tay cầm dùi, một tay vỗ như loại trống ghi năng của Chăm mà hình thắt đáy lưng ong).

Nhà Trần (thế kỷ thứ 13-15):


Theo An nam chí lược của Lê Tắc thì Đại Nhạc dùng trong triều đình gồm kèn tất lật (cùng loại với Pili Trung Quốc, Pili Triều Tiên và Hichiriki Nhật Bản), tiểu quản (loại ống thổi dọc), tiểu bạt (chập chõa nhỏ) và phạn ổ (trống cơm, có chú thêm "gốc từ nhạc khí Chiêm Thành, người Chăm) và một nhạc khí gọi là "đại cấu". Về nhạc khí này, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi tra các Từ Nguyên, Từ Hải không thấy chữ "cấu" nên cũng không biết đó là loại gì, vì thế khi thấy trong chữ "cấu" có bộ "cung" nên Giáo sư cho rằng đó là một nhạc khí có cung kéo).

Tiểu nhạc dùng trong dân dã, gồm có cầm, tranh, thất huyền, song huyền và tiêu loại. Không rõ "cầm" có phải là gupin (có 7 dây tơ) của Trung Quốc truyền sang hay loại đàn nào khác. Thất huyền đàn 7 dây mà guqin của Trung Quốc cũng có 7 dây.

Nhà Lê (thế kỷ thứ 15 đến cuối thế kỷ 18):

Lương Đăng phỏng theo nhạc nhà Minh lập ra hai dàn nhạc Đường thượng chi nhạc, Đường hạ chi nhạc (mà chúng tôi đã nhắc đến trong đoạn đầu) nhưng không được dùng lâu. Do các quan trong triều như Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận phản đối nên về sau hai dàn nhạc ấy được thay thế bằng hai đôi Đồng Văn, Nhã nhạc và sau đó dần dần Giáo phường đã thay thế hai đội này.

Trong Lê triều hội điển và Lịch triều hiến chương loại chí đều có ghi về 8 thể loại nhạc (Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại Yến nhạc, Cung trung chi nhạc, Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc) cùng nhiều điệu múa liên quan.

Nhà Nguyễn (đầu thế kỷ 19 đến năm 1945):


Tổ chức rất chặt chẽ và được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản chữ Hán quyển 99, và trong bản dịch tiếng Nôm in tại Thừa Thiên do Nhà Xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1993, quyển 7, trang 68-118) đã ghi rõ về tổ chức các dàn nhạc, gồm: Đại nhạc, Nhã nhạc, Huyền nhạc... Tế giao, Miếu nhạc, Yến nhạc... Với những nhạc cụ khác nhau và cách thức ứng xử trình diễn khác nhau.

Tóm lại, chỉ mới nhìn qua, chưa đi vào bề sâu, mà giá trị của Nhạc cung đình đã quá hiển nhiên. Mới đi qua một phần chiều dài của lịch sử, chưa đi rộng trong không gian để đối chiếu nhạc cung đình Việt Nam với Yayue (Trung Quốc), Gagaku (Nhật Bản), Ah Ak, Tang Ak. Hyang Ak (Triều Tien), mà chúng ta cũng thấy lòng tràn đầy niềm hãnh diện.

Thời gian qua chúng ta đã tìm hiểu Nhạc cung đình qua lịch sử cũng như đánh giá Nhạc cung đình trong hiện tại. Nhưng quan trọng nhất là trước hết chúng ta nên dựng lại một cách trung thực các dàn Đại Nhạc, Nhã nhạc như ngày xưa, từ trang phục nhạc công đến phong cách biểu diễn, để giữ gìn một tư liệu về lịch sử cho người ngày nay và mai sau biết Nhạc cung đình của Việt Nam như thế nào, cũng giống như Nhật Bản ngày nay vẫn còn giữ lại dàn Gagaku (Nhã nhạc) hệt như dàn nhạc thành lập từ thế kỷ thứ 10.

Nhiệm vụ của chúng ta là một khi được thừa hưởng gia tài của ngàn xưa thì trước hết giữ gìn nguyên vẹn di sản văn hóa đó. Nếu có những cải biên đổi mới, cũng phải vô cùng thận trọng, vì nếu không hiểu thấu nhạc thời xưa mà đưa vào những yếu tố mới không phù hợp, có thể làm biến chất Nhạc cung đình.

Nếu phỏng theo tinh thần của Nhạc cung đình mà tạo dàn nhạc đặt bản mới thì không thể sử dụng những tên truyền thống như Đại nhạc hay Nhã nhạc phải đặt tên mới để khỏi lầm lẫn Nhạc cung đình truyền thống với nhạc cải biên.

Một bức tranh, một bức tượng có giá trị nghệ thuật tự ngàn xưa thì không ai được phép vì muốn canh tân mà tự tiện vẽ thêm màu hay ra tay đục đẽo để phá hỏng giá trị một nghệ phẩm xưa. Nhạc cung đình cũng vậy.

Và, mong sao những nhà văn hóa hết sức thận trọng trong việc "cải biên, đổi mới" Nhạc cung đình Việt Nam.

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét