Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

VIỆT NAM HIỀN HÒA 7/2

(ĐC sưu tầm trên NET)

Múa tín ngưỡng

30 / 05/ 2012, 03:05:46

Múa tín ngưỡng rất gần gũi, gắn bó với những nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán các tộc người ở Việt Nam. Các nhà chuyên môn còn gọi là múa tín ngưỡng dân gian, bởi nó phản ánh khía cạnh tâm linh trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của dân chúng.
Đó là các điệu múa hầu đồng của người Việt; Kim Pang Then của người Thái; Then của người Tày; Cúng trăng của người Khơme; Yang va - thần Lúa của người Chơro; cấp sắc của người Dao; đạp lửa, Vãi chài của người Chăm; Mo, Mỡi của người Mường...

Những điệu múa tín ngưỡng thường là do thày mo, thày chàng, ông bà đồng, ông bà then thực hiện, gọi chung là thầy cúng.

Sáo Mông

30 / 05/ 2012, 03:05:36

"Sáo" là danh từ tiếng Việt để chỉ loại nhạc cụ hơi một ống bằng tre hoặc trúc, có 6 lỗ bấm và thổi ngang. Tuy vậy, "sáo" cũng thường được dùng để chỉ nhiều loại nhạc khí hơi khác của các tộc ít người mà cấu trúc hết sức đa dạng: gồm 1 hoặc 2 ống không gắn cũng như có gắn lưỡi gà, không lỗ bấm cũng như có 1-2 cho tới 6-7 lỗ bấm, thổi dọc cũng như thổi ngang. Tên gọi "Sáo Mông" (hoặc "sáo Mèo") vì vậy mà xuất hiện.
Sáo Mông là dạng sáo đơn, có gắn lưỡi gà, tiếng dân tộc gọi là trà pùn tử. Âm thanh của Sáo Mông có màu sắc độc đáo. Có những tiếng thô đục và rè bên cạnh những tiếng trong trẻo êm ái như tiếng người thủ thỉ, thấm sâu vào lòng người. Bởi vậy từ khi được giới thiệu trên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp nó lập tức chiếm được trái tim thính giả khắp nơi và không ngừng được cải tiến để mở rộng khả năng diễn tấu và biểu hiện.

Trong dân gian Sáo Mông là nhạc cụ của các chàng trai. Họ thường mang theo người như một người bạn đường, bạn trong lao động và là người hỗ trợ đắc lực trong việc chinh phục trái tim các cô gái. Tiếng sáo say đắm gọi người yêu và thổ lộ tâm tình cùng nàng trong những đêm trăng sáng trên các triền núi cao...

Nhạc võ Tây Sơn

30 / 05/ 2012, 03:05:03

Nhạc võ Tây Sơn gắn với lò võ nổi tiếng của người Việt ở Bình Ðịnh. Tương truyền loại nhạc này do ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đặt ra cho quân khởi nghĩa luyện võ.
Với một bộ trống 17 chiếc, người tập võ sẽ dùng hai tay để đánh 12 chiếc, còn lại 5 chiếc đánh bằng đầu, 2 gót chân và 2 khuỷu tay. Người tập võ đánh được 17 trống được xem là "võ thuật như thần".

Sau khi ba Ngài mất, mỗi dịp tế lễ để tưởng niệm những vị anh hùng đã lãnh đạo quân sĩ quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhân dân ở quê các Ngài vẫn đánh trống võ. Nhạc võ Tây Sơn gồm 4 bài: Xuất quân, Hành quân, Hãm quân, Khải hoàn. Nó đã trở thành một loại nhạc lễ trong di sản nghệ thuật của người Việt Nam.

Nhạc hội Rija

30 / 05/ 2012, 03:05:15

Ðối với nhiều người, âm nhạc và khiêu vũ chỉ là thời gian rảnh rỗi. Nhưng đối với dân tộc Chăm, hoạt động văn hoá này đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người. Người Chăm đã dùng nghệ thuật, âm nhạc, ca hát và múa để phản ánh và biểu lộ cảm xúc, tầm nhìn và con mắt thẩm mỹ nhạy cảm của họ.
Từ khi còn nhỏ, người Chăm đã nghe và tham gia vào các bài hát nghi lễ, hát dân ca, hát ru và các bài hát kể về Aryja, âm thanh và giai điệu trở nên sâu lắng trong tâm trí họ. Tiếng hát và phong cách biểu diễn đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đem lại nguồn sinh khí mới cho cả cộng đồng. Một loại hình âm nhạc mang đậm tính nhân đạo gọi là Rija hay múa nghi lễ. Ngày nay, dân tộc Chăm đã có bốn buổi lễ Rija khác nhau trong năm là: Rija Nigar, Rija Prong, Rija Dayep và Rija Harei.

Nét đẹp của Rija là đã thể hiện rõ sự kết hợp hài hoà, nhịp nhàng của các sự kiện lịch sử với nghi lễ truyền thống, và sự kết hợp giữa ca hát với nhảy múa. Những nhân tố này phối hợp và hoà trộn với nhau đã đưa nghi lễ Rija trở thành một đặc trưng độc đáo. Ðối với người Chăm, Rija là biểu tượng không thể tách rời khỏi nghệ thuật trong đời sống văn hoá và tinh thần của họ.

Nhạc cụ để chơi trong lễ Rija bao gồm hai chiếc trống Ginăng, một chiếc trống Baranung, một chiếc kèn Saranai và một chiếc kèn Kanhi. Tất cả những người tham gia đều có nhiều nhiệm vụ khác nhau, đóng vai như một nhạc trưởng của buổi lễ hay một nhạc công. Trong số đó, người dẫn chương trình, được biết đến như On Mu Duon, và cũng là người chơi trống Baranung. Anh ta được trợ giúp bởi bốn người chơi khác.

Khi bắt đầu buổi lễ, On Mu Duon đánh nhịp trống Baranung và hát bài hát đậm chất sử thi, bắt nhịp theo là những âm thanh của các loại trống và kèn. Những bài hát và nhịp trống đệm hoà lẫn và không làm giảm đi nét đặc trưng riêng biệt của từng loại nhạc cụ. Ý tưởng đã tạo nên nhịp điệu nổi bật và hết sức độc đáo, mỗi bài hát là tên của mỗi vị thần khác nhau, và âm nhạc phải phù hợp với từng vị thần được đề cập đến, On Mu Duon "mời" tất cả các vị thần tham gia lễ hội Rija.

Có thể nói, âm nhạc trong Rija như tràn ngập, rộn ràng và nhiều lúc như sôi lên. Những bài hát tươi vui trong lễ Rija Nugar là Hwagaly, Cah Ya, Jawa và Kakaik, và điệu múa kiếm rất sôi nổi, tràn đầy sức sống.

Ðiệu múa On Kaing có tục dập tắt ngọn lửa, là biểu tượng của dịch bệnh và tai hoạ. Người dập tắt ngọn lửa cho rằng đó là hoá thân của vị thần che chở, giúp đỡ dân làng trong việc diệt trừ cái ác và chống lại thiên tai. Âm nhạc trong điệu múa On Kaing thường nhanh và nhịp điệu nhấn lệch trong nhịp trống Ginăng, sôi nổi và rộn rã trong nhịp trống Baranưng, âm thanh bay bổng và mạnh mẽ của tiếng kèn Saranai. Ðiệu Muk Rija thì nhẹ nhàng, mềm mại hơn. Những điệu múa có cá tính bao gồm Biyen, Marai, và Patra. Tất cả đều uyển chuyển, nhịp nhàng và thật sự sống động, duyên dáng. Khi xem trình diễn những điệu múa này, người xem như quên hết xung quanh, đắm chìm trong không khí vui nhộn, và kèm theo là những lời khen thưởng, cổ vũ nhiệt tình.

Lễ hội Rija một lần nữa đã khẳng định sự gắn bó mật thiết giữa lễ nghi thần bí với âm nhạc và múa của văn hoá Chăm. Biểu diễn và nghi lễ thường đan xen vào nhau, làm cho âm nhạc phong phú hơn và nghi lễ sôi nổi hơn. Âm nhạc và múa là phần thiết yếu của tất cả các ngày lễ Chăm, nói tóm lại chúng đứng ở vị trí trung tâm của nền văn hoá Chăm, nó là nguồn cảm hứng và niềm kiêu hãnh lớn của văn hoá Chăm.

Ngày nay, người Chăm vẫn còn giữ nguyên niềm tự hào về nền văn hoá đặc biệt của họ, thậm chí họ đã hoà nhập với nền văn hoá chung của dân tộc – thành tựu của sự cân bằng những nét tốt đẹp nhất của cả hai nền văn hoá Việt Nam.

Klông Pút

30 / 05/ 2012, 03:05:41

Một trong số không nhiều nhạc khí dành cho nữ giới. Tên gọi tiếng Xơ Đăng này đã trở nên phổ thông để chỉ loại nhạc khí hơi của một số tộc trên Tây Nguyên như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Hrê...
Klông pút là một dàn gồm 2 - 3 cho tới 5 - 12 ống nứa, lồ ô hoặc tre cỡ tương đối lớn. Đường kính các ống khoảng từ 5 đến 8cm, chiều dài từ 60 đến 120cm, có khi từ 20 đến 200cm. Có loại Klông pút kín một đầu và có loại rỗng hai đầu. Khi diễn tấu các ống được đặt nằm ngang vừa tầm tay người vỗ trong tư thế đứng lom khom hoặc quỳ. Dùng hai bàn tay khum vỗ vào nhau trước miệng ống, các cô gái tạo nên luồng hơi lùa vào ống làm vang lên âm thanh.

Klông pút được coi là nhạc cụ gắn với sản xuất nông nghiệp và là nơi trú ngụ của Mẹ Lúa. Vì vậy Klông pút là nhạc cụ của giới nữ và chỉ được chơi trên rẫy vào mùa tra lúa và trong buôn làng vào ngày lễ đóng cửa kho lúa hoặc vào dịp tết của tộc và lễ hội ăn lúa mới với số lượng bài hạn chế. Ngày nay Klông pút đã được đưa lên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp để diễn tấu nhiều loại bài bản khác nhau.

Khèn

30 / 05/ 2012, 03:05:29

Khèn là một loại nhạc khí bản địa rất cổ đã có mặt ở Việt Nam từ trước Công nguyên. Trên các di vật của nền văn hoá Đông Sơn cổ đại còn lưu lại hình ảnh những người thổi khèn trong nhiều tư thế và bối cảnh khác nhau. Ngày nay, nhiều tộc ở Việt Nam vẫn sử dụng phổ biến loại nhạc khí này.
Khèn ở Việt Nam có nhiều kiểu dạng với số lượng ống, hàng âm và kích thước khác nhau. Các ống được làm bằng các loại tre nứa nhỏ. Lưỡi gà bằng đồng hoặc bằng tre. Bầu khèn bằng loại gỗ dẻo hoặc vỏ quả bầu khô rỗng ruột. Số lượng ống thường chẵn, từ 6 tới 12, 14 ống, cá biệt là khèn của người Xá Phó - gọi là ma nhí, có 5 ống. Mỗi ống có 1 lỗ bấm để thổi ra một cao độ theo hàng âm của từng tộc.

Là nhạc cụ đa thanh, khèn có thể dùng để đệm hát, múa, hoà tấu cùng các nhạc cụ khác và độc tấu. Trong sinh hoạt dân gian nó được dùng vào nhiều trường hợp và địa điểm khác nhau, tuỳ theo phong tục của từng tộc.

Ở Tây Nguyên người Ê Đê chỉ được dùng khèn trong nhà để thổi những bài nhạc buồn và đệm cho trai gái hát ayray vào những ngày tang lễ. Ngoài nương rẫy khèn được dùng thoải mái đệm cho múa trong những ngày hội đông vui hoặc thổi những điệu trữ tình để giải trí và đuổi thú rừng.

Các tộc ở miền núi phía Bắc dùng khèn tự do hơn. Đặc biệt, với người Mông, kềnh (khèn) giống như cơm ăn nước uống. Nó theo họ khắp nơi: khi lên nương, lúc xuống chợ, vào ngày hội vui cũng như ngày buồn. Trong tay các chàng trai Mông, khèn đồng thời là nhạc cụ và đạo cụ để họ vừa thổi vừa múa trổ tài trước các cô gái trong những dịp đông người. Với họ, khèn có khả năng biểu cảm rất lớn: "Nghe khèn, biết khóc hay cười".

Nhạc cưới Khmer

30 / 05/ 2012, 03:05:49

Ca nhạc là một phần không thể thiếu trong đám cưới cổ truyền của người Khmer ở Nam bộ cũng như của nhiều tộc khác ở Việt Nam.
Ngày nay, lễ cưới của người Khmer ở Nam bộ đã có nhiều đổi thay, song những bài hát cưới cổ truyền vẫn còn được lưu giữ trong nhân dân.

Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được hàng chục bài hát lễ thức dành riêng cho đám cưới và những bài dân ca thông thường được sử dụng cho đám cưới thêm vui tươi. Tập hợp những bài đã sưu tầm được có thể dựng nên một liên ca khúc phản ánh mọi nghi thức của đám cưới cổ truyền Khmer từ lúc đưa chú rể sang nhà gái, xin mở rào để vào nhà gái, bắt đầu cuộc vui, các lễ thức cắt tóc, giã thuốc nhuộm răng, cắt hoa cau để làm lễ rắc hoa cau cho cô dâu chú rể, lễ rút gươm khỏi bao, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ lạy mặt trời, lễ nhập phòng, lễ quét chiếu, lễ chào cha mẹ họ hàng... cho tới khi tiễn khách ra về.

Đàn Tính

30 / 05/ 2012, 03:05:33

Là nhạc cụ của các dân tộc Tày, Nùng, Thái cư trú tại các tỉnh vùng núi phía bắc Việt Nam. Người Tày, Nùng gọi là Tính Then, người Thái gọi là Tính Tẩu (Tính là đàn, Tẩu gọi là quả bầu).
Đàn Tính thuộc họ dây, chi gẩy. Đàn gồm các bộ phận: Cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Cần đàn làm bằng gỗ nhẹ mềm, thớ quánh, thường là gỗ thừng mực hoặc gỗ dâu. Người ta đo chiều dài cần đàn khi chế tác là 9 nắm tay người chơi đàn (tương ứng với chiều dài 75 -90 cm). Kinh nghiệm dân gian cho thấy số đo này hợp với cỡ giọng người chơi đàn.

Thủ đàn cong hình lưỡi liềm hay hình con chim, gắn hai hoặc ba trục lên dây. Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm già, tròn và dày đều. Mặt đàn bằng mo bương hoặc gỗ quế bào mỏng chừng 3mm. Dây đàn se bằng tơ tằm vuốt sáp ong hay nhựa khoai lang (nay người ta làm bằng dây cước). Ngựa đàn là một mảnh tre hoặc miếng gỗ cắt nhỏ, hình thang. Phía dưới ngựa đàn khoét hình vòng tròn hoặc hình chữ M, đặt chính giữa áp sát vào mặt đàn.

Đàn Tính có 2 loại, loại mắc 2 dây và loại mắc 3 dây. Loại 2 dây, lên dây cách nhau quãng 4, 5. Loại 3 dây cũng lên dây như vậy nhưng có một dây cách dây cao 1 quãng 8.

Âm vực đàn Tính rộng hơn hai quãng 8, khoảng âm quãng 8 thứ nhất từ Đô1 đến Đô2, tiếng đàn vang thanh thoát giàu tình cảm, đây là khoảng âm được sử dụng nhiều thường đánh giai điệu. Khoảng âm quãng 8 thứ 2 từ Dô2 -Dô3, tiếng đàn hơi mờ, cộc ít khi sử dụng. Tính Tẩu có khả nǎng diễn tấu nǎng động, linh hoạt. Các ngón kỹ thuật thường tập trung ở tay trái : Trượt, vuốt, luyến, láy, rung và đặc biệt kỹ thuật búng, gẩy tại chính nốt bấm cho hiệu quả âm thanh mềm mại.

Đàn Tính được dùng đệm hát trong các nghi lễ Then của người Thái, Tày, Nùng. Các ông bà Then vừa hát vừa tự đệm cho mình. Riêng Tính Tẩu còn được dùng đánh đệm cho hát giao duyên và cho múa xòe Thái. Trong hai trường hợp này thì Tính Tẩu chỉ dùng cho nam giới còn trong Then của Tày chỉ dành cho nữ giới.

Đàn Tỳ Bà

30 / 05/ 2012, 03:05:03
Tỳ Bà tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Nhiều tài liệu đã cho biết, Tỳ Bà xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi BiWa
Người ta chế tác Tỳ Bà bằng gỗ Ngô Đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.

Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 - 100cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay, người ta thay dây tơ bằng dây nilon. Đàn có 4 dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đồ - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol -Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa.

Ở Việt Nam, đàn Tỳ Bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc, Thi nhạc của cung đình, Thiền nhạc của phật giáo, ban Nhạc tài tử, Phường bát âm, Dàn nhạc dân tộc tổng hợp.

Mặc dù đàn Tỳ Bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc.
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét