Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 9

(ĐC chép từ http://trianlietsi.vn)

Người giữ tuyến giao liên trên chiến trường miền Đông
Vũ Sáng



Anh hùng liệt sĩ Lê Văn Tách (1940-1973).
QĐND - Ở phường Linh Tây (quận Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh) và ở xã Tương Bình Hiệp (thị xã Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương) có hai con đường khá sầm uất, tấp nập cùng mang tên Lê Văn Tách, một trong những cán bộ giao liên tình báo quân sự chủ chốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người đã anh dũng hy sinh cùng vợ (cũng là cán bộ giao liên tình báo quân sự) ngày 27-3-1973 trên đường đi công tác.
Lê Văn Tách sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo giàu lòng yêu nước ở xã An Bình – huyện Dĩ An – tỉnh Bình Dương. Ngay từ lúc còn nhỏ, anh đã hăng hái tham gia làm liên lạc, theo dõi, nắm bắt tình hình địch, cảnh giới, giữ bí mật, bảo đảm an toàn cho cán bộ và cơ sở ở địa phương. Tháng 10-1961, anh tình nguyện nhập ngũ và cùng với 6 cán bộ, chiến sĩ khác được điều về xây dựng Đội giao liên vũ trang A12 vừa mới có quyết định thành lập thuộc Ban Quân báo – Phòng Tham mưu – Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam. Rất mưu trí, sáng tạo và xông xáo, kiên cường trong công việc nên Lê Văn Tách liên tục hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất của đơn vị, được đồng chí, đồng đội quý trọng, kính nể, tôn là “Triệu Tử Long của Việt Nam”, được cấp trên tín nhiệm đề bạt làm cán bộ tiểu đội, cán bộ trung đội, cán bộ đại đội rồi trở thành Trung úy, Chính trị viên Tiểu đoàn giao liên tình báo 89 thuộc Phòng Tình báo chiến lược Miền (bí số J22), một tiểu đoàn gồm nhiều đội, trạm, tổ, lúc cao điểm có tổng cộng gần 1000 cán bộ, chiến sĩ bố trí phân tán ở nhiều nơi.
Tận tụy với công việc, hết lòng vì đồng chí, đồng đội, Lê Văn Tách luôn gương mẫu đi đầu trong mọi việc. Anh thường tâm sự: “Cực cho bản thân mình còn chịu được thì cực mấy vì tập thể, vì cách mạng cũng chịu được”. Năm 1963, có lần anh một mình một súng băng rừng, vượt sông, lội suối, đi bộ suốt 4 ngày đêm qua khu vực địch đang hành quân, càn quét với quy mô lớn và mật độ dày đặc để chuyển một lá thư hỏa tốc. Lần khác, anh dẫn một đoàn cán bộ đi công tác, tới giữa đường thì mất lối vì cây rừng bị bom B52 phạt đổ hết, che lấp cả một khoảng lớn. Giữa đêm tối, anh một mình lặn lội lần tìm đường. Khi tìm ra, anh khẩn trương đưa đoàn cán bộ vượt qua bãi bom cày xới rồi đi lại nhiều lần để khuân vác hết hành lý và xe đạp cho đoàn. Các lần chuyển tới căn cứ mới, anh đều lo cất nhà cửa, đào hầm hào, công sự cho tập thể xong rồi mới tranh thủ cùng vợ cất nhà cửa, đào hầm hào cho gia đình nhỏ của mình vào giờ nghỉ trưa và ban đêm. Tài sản riêng của anh chỉ có vài bộ quần áo thường, vài thứ vật dụng đơn giản.
Đầu năm 1967, Lê Văn Tách được giao phụ trách một tổ giao liên đưa mệnh lệnh hỏa tốc tới một cụm điệp báo bám trụ ở vùng ven thành phố Sài Gòn. Đường xa tới cả trăm cây số, địa hình hết sức phức tạp, lại phải qua nhiều khu vực do địch kiểm soát, Tổ giao liên đi 2 ngày được khoảng một nửa đường thì gặp địch hành quân, càn quét ác liệt nên phải tránh né ở trong rừng 3 ngày liền. Khi dùng hết sạch thuốc men, lương thực, thực phẩm lẫn nước uống, anh em đều kiệt sức, không thể đi tiếp, Lê Văn Tách quyết định cho đồng đội quay trở về. Còn lại một mình, anh gắng sức soi đường, len lỏi tránh địch mà đi, đói thì ăn củ quả, lá cây rừng, khát thì uống nước tù đọng, thậm chí uống cả nước tiểu của chính mình. Cuối cùng, Lê Văn Tách đã vượt qua được vòng vây khép chặt của địch, đưa được mệnh lệnh tới địa điểm đúng thời gian quy định.
Các năm 1968-1970, địch ra sức sử dụng pháo binh, không quân, chất độc hóa học đánh phá các khu vực trú đóng, các tuyến giao thông liên lạc của ta, liên tục mở các cuộc hành quân càn quét, đồng thời tăng cường lực lượng phục kích, bố trí thêm nhiều trạm kiểm soát để ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ người của ta ra vào nội thành Sài Gòn, khiến nhiều đường dây giao liên tình báo bị cắt đứt hoặc bị ngừng trệ. Lê Văn Tách đã dũng cảm, mưu trí, cải trang che mắt địch, xông xáo trên nhiều địa bàn để tìm biện pháp khắc phục. Kết quả là chỉ sau một thời gian ngắn, anh chẳng những sớm nối thông được nhiều đường dây cũ mà còn mở thêm được một số đường dây mới.
Cuối năm 1969, đầu năm 1970, Lê Văn Tách được giao trực tiếp chỉ huy tổ giao liên đưa một đoàn gồm gần 100 cán bộ, chiến sĩ bám trụ ở Củ Chi lùi về khu vực hậu cứ ở vùng biên giới với Cam-pu-chia. Trong đoàn có một số người bị thương nặng, phải nằm trên võng cho đồng đội cáng đi. Thời gian này, địch bố trí rất nhiều đồn bốt, điểm phục kích, vùng tuần tra, đặc biệt là trên các tuyến suối ông Hùng, khu vực liên tỉnh lộ 13 và chiến khu Dương Minh Châu, các tổ lẻ vài ba người của ta nhiều khi đi cũng không lọt. Lê Văn Tách đã nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật hoạt động của địch trên từng khu vực dự kiến đoàn sẽ đi qua, tìm ra những điểm chúng còn sơ hở, xác định biện pháp tranh thủ, lợi dụng, trên cơ sở đó lên phương án hành quân hợp lý, tỉ mỉ, bố trí lực lượng giao liên dẫn đường, cảnh giới và tải thương phù hợp, đồng thời hướng dẫn anh chị em trong đoàn chuẩn bị thuốc men, lương thực, vũ khí đầy đủ, bao gói hành lý cẩn thận. Trải qua 3 ngày đêm luồn lách, nhiều lần gặp địch phải tránh né hoặc chống trả, anh đã dẫn được đoàn về đến nơi tập kết an toàn. Trong quá trình hành quân, tuy rất mệt mỏi, căng thẳng song anh vẫn luôn gắng sức mang thêm hành lý, đạn dược… hộ người khác. Khi đi qua những khoảng rừng ngổn ngang vì bị bom Mỹ tàn phá, việc tải thương không thể dùng cáng, anh đã tích cực cùng anh em cõng thương bệnh binh. Gặp một quãng đường rừng có nhiều đá sỏi, gai góc, người chỉ huy Tổ giao liên còn nhường cả đôi dép cao su của mình cho một chiến sĩ nữ. Tới nơi, vì xúc động trước những việc làm của anh, một cán bộ trong đoàn đã đề nghị được gặp thủ trưởng đơn vị giao liên để cảm ơn. Khi biết người chiến sĩ đã tận tình giúp đỡ đoàn trong quá trình hành quân cũng chính là vị chỉ huy của đơn vị giao liên, người cán bộ đó đã vô cùng ngỡ ngàng và càng thêm cảm phục.
Có lần, khoảng một đại đội biệt kích Mỹ trang bị hỏa lực mạnh bí mật đi cắt rừng, áp sát rồi bất ngờ đánh vào một căn cứ của tình báo ta. Đang làm việc tại căn cứ này, Lê Văn Tách đã bình tĩnh tổ chức anh chị em giao liên vũ trang bám trụ, chống trả, đánh bật địch ra ngoài, tạo điều kiện cho cả đơn vị (gồm nhiều cán bộ, nhân viên cùng hồ sơ, tài liệu, phương tiện, vật chất quan trọng của tình báo) rút lui an toàn. Lần khác, khi đang dẫn đoàn trên đường hành quân thì bất ngờ phát hiện một số dấu hiệu cho thấy đoàn đã lọt vào giữa trận địa phục kích của địch, Lê Văn Tách lập tức cho đoàn ẩn nấp, không để địch nhận ra, sau đó anh bình tĩnh phán đoán chính xác về địch rồi kịp thời tìm ra hướng rút lui, đưa được toàn bộ đoàn thoát khỏi vòng nguy hiểm đã cận kề.
Trong quá trình tham gia công tác cách mạng, Lê Văn Tách đã được tặng thưởng hai huân chương Chiến công giải phóng hạng 3, nhiều bằng khen, giấy khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng, Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 20-10-1976, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND với lời tuyên dương: “Đồng chí Lê Văn Tách trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ tiểu đoàn, ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trải qua 12 năm liên tục làm công tác giao liên tình báo, đồng chí luôn nêu cao tinh thần tận tuỵ, bền bỉ, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, bảo đảm đường dây liên tục thông suốt, an toàn. Nhiều lần gặp địch càn quét, đồng chí mưu trí chỉ huy đơn vị tìm mọi cách đưa cán bộ, tài liệu đến nơi quy định đúng thời gian”.
Lê Văn Tách hy sinh đã gần 40 năm, song hình ảnh giản dị và tấm gương hết mình vì cách mạng của anh vẫn khắc sâu trong tâm trí những người đồng đội cũ. Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (tức Sáu Trí, nguyên Cụm trưởng Cụm điệp báo A20, nguyên Trưởng phòng Tình báo chiến lược Miền) bồi hồi nhớ lại: “Đồng chí Lê Văn Tách làm công tác đường dây của tình báo trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Những việc khó khăn, phức tạp nhất, các anh chị em khác không làm được, giao cho đồng chí thì đồng chí đều hoàn thành xuất sắc... Ngay từ buổi đầu, đồng chí đã là một chiến sĩ nòng cốt của đơn vị giao liên vũ trang. Về sau, trong những năm chiến tranh ác liệt, đồng chí luôn luôn giữ vai trò một cán bộ trụ cột, có công lớn trong việc rèn luyện, xây dựng đơn vị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét