Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 2

(ĐC sưu tầm trên NET)

Trần Hiệu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 
Trần Hiệu
TranHieu.jpg
Chức vụ
Thông tin chung
Sinh 30 tháng 4, 1914
Mỹ Đức, Hà Đông
Trần Hiệu (1914-1997) là một nhà cách mạng và chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Giám đốc Nha Liên lạc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Cục trưởng Cục Tình báo đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông cũng là một sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam với quân hàm Đại tá.

Thân thế và sự nghiệp

Ông tên thật là Vũ Văn Địch (còn có tên là Vũ Văn Đích), sinh ngày 30 tháng 4 năm 1914 tại xóm Gianh, làng Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội) trong một gia đình trung nông lớp trên theo Nho học và có truyền thống yêu nước.
  • Năm 1926, mới 12 tuổi, ông đã tích cực tham gia Lễ Truy điệu Phan Chu Trinh tổ chức ở trường làng.
  • Tháng 6 năm 1929, khi là học sinh lớp nhì đệ nhất cấp ở Trường Bờ Sông - Hà Nội, ông được kết nạp vào tổ chức thanh niên cộng sản. Học hết đệ nhất cấp, ông đi học nghề thợ nguội ở xưởng Tân Thành tại phố Hàng Nón, Hà Nội.
  • Năm 1935, ông ra Hải Phòng học nghề sửa chữa xe ô-tô ở trường kỹ nghệ thực hành. Tại đây, tham gia làm báo bí mật với ông Nguyễn Quyết (về sau được phong hàm Đại tướng, từng là Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước).
  • Năm 1936, tham gia hoạt động trong Phong trào Mặt trận Dân chủ, Hội Ái hữu và Đoàn Thanh niên Dân chủ tại Hà Nội.
  • Năm 1937, ông được giao Phụ trách Phòng Quản trị Tờ báo Thế giới - Tiếng nói của Đoàn Thanh niên Dân chủ.
  • Năm 1938, ông được Trường Chinh, Đào Duy Kỳ giới thiệu vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sinh hoạt trong Chi bộ công khai ở Hà Nội.
  • Tháng 9 năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án tù và giam ở Nhà đày Sơn La.
  • Tháng 9 năm 1940, bị đưa về giam ở xà lim của Sở Mật thám Hà Nội.
  • Đầu năm 1941, thực dân Pháp đày ông lên Nhà lao Bắc Mê (Hà Giang). Tại đây, ông tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương gây ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở các địa bàn lân cận, góp phần biến một số làng bản trở thành cơ sở hoạt động của Đảng bộ địa phương trong những năm 1940 - 1945. Vì thế thực dân Pháp bèn đưa ông và một số người Cộng sản về Nhà lao Sơn La. Tại đây, ông đã tham gia tuyệt thực phản đối chế độ thực dân.
  • Giữa tháng 6 năm 1941, ông cùng 7 đảng viên cộng sản và 3 chính trị phạm khác bị đẩy lên tàu hỏa, đưa vào Sài Gòn rồi xuống tàu thủy, đem đi đày ở đảo Madagascar (Châu Phi).
  • Tháng 3 năm 1943, để tìm cách về nước hoạt động, ông cùng một số đồng chí của mình tình nguyện tham gia quân Đồng minh. Đầu năm 1944, ông cùng với Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng được quân Anh đưa tới đưa tới Kenya rồi sang Ấn Độ để huấn luyện hoạt động tình báo. Tháng 3 năm 1945, ông cùng Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng được người Anh cho máy bay bay từ Dakar qua vịnh Bengal, vịnh Thái Lan, biển Đông, vịnh Bắc Bộ vào châu thổ sông Hồng để thực hiện kế hoạch cho họ nhảy dù cùng điện đài xuống khu vực Miếu Môn ở giữa hai tỉnh Hà Đông, Hòa Bình. Do pháo phòng không Nhật bắn lên nhiều, sương mù lại dày đặc nên máy bay phải quay về. Tháng sau, hành trình cũ lặp lại. Lần này, ba người nhảy dù xuống làng Tiên Lữ - huyện Quốc Oai - tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Tuy vùng này có quân Nhật chiếm đóng nhưng nhờ được nhân dân che chở, giúp đỡ, họ đã tìm về được nhà Trần Hiệu ở làng Phúc Lâm - huyện Mỹ Đức và chỉ ít ngày sau đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ. Phó bí thư Xứ ủy Trần Quốc Hoàn dẫn Nguyễn Văn Phòng đi gặp Tổng bí thư Trường Chinh. Tổng bí thư khen ngợi: "Các đồng chí đã lợi dụng được bọn đế quốc để trở về hoạt động".
Trần Hiệu được giao ẩn náu trong một ngôi chùa ở xóm La Dương-xã La Phù-huyện Hoài Đức, với ba nhiệm vụ: giữ liên lạc bình thường với người Anh, thực hiện liên lạc bằng điện đài giữa Xứ ủy và Trung ương, chuẩn bị chương trình để mở lớp huấn luyện về trinh sát quân sự cho Xứ ủy.
  • Tháng 8 năm 1945, ông tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Đông và là người đại diện phía cách mạng tiếp nhận sự bàn giao chính quyền từ Tổng đốc Hà đông Hồ Đắc Điềm.
Sau đó ông được cử Phụ trách Phòng Án Chính trị rồi làm Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ. Ông đã tham gia chỉ đạo lực lượng công an trấn áp có hiệu quả Đại Việt và Quốc dân đảng trong vụ án Ôn Như Hầu.
  • Ngày 20 tháng 3 năm 1947, Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy được thành lập, ông được cử làm Cục trưởng.
  • Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông được Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử làm Cục trưởng Cục Tình báo thuộc Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam.
  • Tháng 4 tháng 1950, Cục Tình báo giải thể, ông được cử làm Phó Giám đốc Nha Công an Việt Nam kiêm Trưởng ty Tình báo, Nha Công an.
  • Ngày 15 tháng 7 năm 1951, Cơ quan Tình báo Chiến lược của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tên gọi Nha Liên lạc thuộc Thủ tướng Phủ được thành lập, ông được Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm Giám đốc.
  • Ngày 10 tháng 6 năm 1957, Nha Liên lạc hợp nhất với Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu thành Cục Tình báo - Cơ quan Tình báo Chiến lược toàn diện của Đảng và Quân đội, ông lại được bổ nhiệm Cục trưởng.
  • Năm 1958, ông được phong quân hàm Đại tá.
  • Năm 1960, sau Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, ông được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
  • Năm 1984, khi vừa tròn 70 tuổi, ông được nghỉ hưu.
  • Ông mất ngày 9 tháng 11 năm 1997 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 84 tuổi. Lễ Truy điệu ông được Nhà nước và Quân đội tổ chức trọng thể tại Nhà Lễ tang Bộ Quốc phòng (Thành phố Hồ Chí Minh), án táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu.

Hoạt động và cống hiến

  • Là cục trưởng đầu tiên (trước ông là Hoàng Minh Đạo phụ trách phòng tình báo) và trong 13 năm liên tục, ông đã có đóng góp lớn vào việc xây dựng tổ chức, lực lượng, phát triển hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành tình báo chiến lược. Đặc biệt, thông qua việc mở các hội nghị toàn quốc, hội nghị công tác, tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, ông đã góp phần đào tạo nên một lớp cán bộ tình báo chiến lược vừa hồng vừa chuyên, phát huy được tác dụng trong nhiều năm sau.
  • Tại trại tù Madagascar, Trần Hiệu và các đồng chí của ông, tiêu biểu là Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, sau là Thứ trưởng Bộ Nội vụ), Tô Gĩ (tức Lê Giản, sau là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao), Hoàng Đình Giong (tức Vũ Đức, sau là Khu trưởng Khu 9, Khu 6), Nguyễn Văn Ngọc (sau là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Văn Minh, sau là Chánh án Tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân Tối cao), Đoàn Ngọc Rê (tức Cao Dương Tiệp, Dương Công Hoạt, sau là Ủy viên Ban Dân tộc Trung ương kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) ra sức tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Năm 1942, sau khi quân Anh đánh chiếm Madagascar từ tay lực lượng của Chính phủ Vichy rồi giao lại cho lực lượng của De Gaulle kiểm soát, các tù nhân Việt Nam được trả tự do. Trong thời gian chưa tìm ra đường về nước, Trần Hiệu và các đồng chí của mình đã tận tình hướng dẫn dân bản địa cách trồng lúa nước, dệt vải bông, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ và làm nhiều việc hữu ích khác như giúp dân chế tác đồ trang sức, đan các loại giỏ xách, gò dụng cụ nhà bếp, sửa chữa đồng hồ, vì vậy mà được nhân dân và chính quyền bản địa rất quý mến.
  • Tháng 3 năm 1943 quân đồng minh Anh - Pháp gọi Hoàng Đình Giong và Đoàn Ngọc Rê nhập ngũ. Anh em cộng sản liền nhóm họp. Từ nhận định "Hổ có về rừng thì mới là hổ", họ quyết định lấy lý do muốn về nước chống phát-xít Nhật để tranh thủ con đường của bọn Anh-Pháp, người đi trước tìm cách kéo theo người còn ở lại. Kết quả là ngày 4 tháng 6 năm 1943, Phan Bôi, Tô Gĩ, Nguyễn Văn Phòng được gọi nhập ngũ, tới đầu tháng 9 thì đến Trần Hiệu và 12 người khác. Hầu hết được đưa tới Đại đội 1 thuộc cái gọi là "Quân chí nguyện Đông Dương" của lực lượng De Gaulle. Tại đây, Trần Hiệu và các đồng chí của ông đã vừa vận động binh lính người Việt, vừa tìm cách tranh thủ, thuyết phục lính Pháp để bảo toàn đội ngũ, sớm trở về nước.
  • Năm 1960, sau Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, ông được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Khi nhận nhiệm vụ, Ông đã trình bày rõ với cấp trên: "Công việc này mới quá, ngoài sức của tôi. Muốn làm được, phải có ít nhất hai bằng đại học chính trị và luật". Song ông cũng tự xác định: "Là đảng viên thì dù được giao nhiệm vụ khó khăn, mới mẻ tới đâu cũng phải đem hết sức mình ra tìm hiểu, nắm bắt và thực hiện cho có kết quả". Vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, chỉ sau một thời gian ngắn ông đã nắm vững công tác mới, được Viện trưởng Hoàng Quốc Việt tín nhiệm, cấp dưới nể phục. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy Dân - Chính - Đảng các cơ quan trực thuộc Trung ương, ông đã góp phần quan trọng giúp Ban Bí thư Trung ương làm tốt các mặt công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra... đối với các cơ quan trực thuộc Trung ương, nhất là trong thời kỳ thực hiện Nghị quyết 9 của Bộ Chính trị (khóa III).

Danh hiệu

  • Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.

Gia đình

  • Em ruột của Trần Hiệu là Vũ Song, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Tiệp Khắc đồng thời là Đại sứ tại Ác hen ti na.
  • Con trai cả của Trần Hiệu là Vũ Mạnh Kha, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội.
  • Con trai thứ nhì của Trần Hiệu là Vũ Khởi Nghĩa, từng được đào tạo ở Nga, trở thành phi công lái Mig 21 và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở vai trò nghiên cứu máy bay A37 của Mỹ trong đợt Nguyễn Thành Trung tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Sau này Vũ Khởi Nghĩa trở thành Đại tá, Tham mưu trưởng sư đoàn không quân - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân. Sau khi ngưng phục vụ quân ngũ, ông tham gia công tác đào tạo bay tại trường Hàng Không Việt Nam ở cương vị Phó hiệu trưởng.
  • Con gái út là Vũ Thị Đức, hiện nay là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Hoàng Minh Đạo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
 

Hoàng Minh Đạo năm 1968
Hoàng Minh Đạo, tên thật Đào Phúc Lộc, (1923-1969) là một trong những nhà tình báo nổi tiếng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời chiến tranh Việt Nam. Ông phụ trách phòng Tình báo Quân ủy của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ lúc mới thành lập .
Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với sự ra đời của ngành Tình báo quân sự Việt Nam. Ông được coi là người đầu tiên xây dựng nền móng cho sự thành lập của ngành tình báo Việt Nam ngay từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ông cũng là một trong những nhân vật quan trọng sáng lập ra Ban địch tình Xứ ủy Nam Kỳ và ngành Binh vận vào thời điểm 1954 – 1955) của Cách mạng miền Nam.

Tiểu sử

Hoàng Minh Đạo sinh ra trong một gia đình viên chức có truyền thống yêu nước ở Móng Cái (Quảng Ninh). Tên khai sinh của ông là Đào Phúc Lộc. Ông tham gia cách mạng khi còn ở tuổi thiếu niên và hi sinh khi còn khá trẻ.
Ông tham gia phong trào thanh niên, học sinh yêu nước ở Hải Phòng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939. Từ một liên lạc viên ông trở thành Trưởng phòng tình báo đầu tiên của Quân uỷ hội, ông lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Trưởng ban quân báo Nam Bộ, Phó Ban binh vận Trung ương cục Miền Nam, Uỷ viên thường vụ Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định, Bí thư Khu 5 - Bí thư phân khu I Sài Gòn - Gia Định, Chính uỷ lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ông còn có các bí danh khác như: Lê Minh Đạo, Năm Đời,...
Đêm ngày 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1969, đoàn công tác của ông trên đường về họp tại trung ương Cục đã sa vào ổ phục kích của đối phương, ông cùng đồng đội của mình đã hi sinh trên sông Vàm Cỏ Đông.
Hiện di hài của ông được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc đời hoạt động của ông đã được dựng thành phim vào năm 2006. Ông đã được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998 và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh năm 1999.

Gia đình

Ông lập gia đình hai lần, cả hai người vợ đều là đồng chí, đồng đội của ông. Người vợ đầu là bà Minh Phụng, một nữ chiến sĩ tình báo không may mất sớm, để lại một con gái mới tròn hai tuổi. Người vợ thứ hai sau này là bà Bùi Ngọc Hường, hay còn gọi là chị Sáu Dân, Năm ngọc, bà sinh cho ông ba người con.[3]
Chị Đào Minh Vân - con của ông Đào Phúc Lộc với người vợ quá cố Minh Phụng - hiện là tổng giám đốc một công ty liên doanh Sae Young. Anh Đào Minh Ngọc là tiến sĩ toán cơ, hiện là cộng tác viên của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Chị Đào Minh Thu hiện là Phó phòng Hợp tác đầu tư của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Chị Đào Minh Hồng, tiến sĩ sử học tốt nghiệp ở Nga, hiện là giảng viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn.

Nhận định

Ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã viết về ông: “Có nhiều thời gian công tác với đồng chí Đạo tại chiến khu miền Nam, Campuchia, khu ủy Sài Gòn – Gia Định, tôi thấy: đồng chí Hoàng Minh Đạo còn có nhiều bí danh khác như Năm Thu, Năm Đời, Năm Sài Gòn – là một đồng chí trung kiên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng phân công, tận tụy với Đảng cho tới ngày hi sinh”
Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ nói chuyện với Đào Thị Minh Vân, con gái Hoàng Minh Đạo: “Chú vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về ba cháu, một cán bộ gương mẫu và luôn hoàn thành nhiệm vụ được trao, một người đồng chí chân thành, cởi mở, lạc quan, trong gần mười năm cùng công tác ở Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Chú mong cháu luôn cố gắng, xứng đáng với ba cháu”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi rất cảm động hôm nay gặp mặt cháu Đào Thị Minh Vân, con gái đồng chí Hoàng Minh Đạo, đã được Quân ủy Trung ương cử đi làm Trưởng ban quân báo Nam Bộ từ năm 1948. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhớ tới anh Đạo, tôi mong rằng con và cháu của anh noi gương của ông, của cha, học tập tốt, lao động tốt, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, đáp ứng lòng mong mỏi của anh Đạo”.

ĐỌC THÊM:

Con gái vị anh hùng tình báo lặn lội tìm cha

31.07.2013 10:58
Mấy chục năm trôi qua, sự kiên trì và tình yêu bất tử của người con gái dành cho người cha anh hùng đã chiến thắng được sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Phải đến hơn 10 năm trở về trước, câu chuyện về cuộc đời ông, về chiến công và sự hy sinh của ông – người chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quân đội những ngày đầu lập nước - mới được nhiều người biết tới. Đó là nhờ ý chí và sự kiên trì của con gái ông, bằng tình yêu và bằng ký ức bất tử về người cha anh hùng của mình, trong suốt mấy chục năm trời đã làm một cuộc hành trình dài từ Bắc vào Nam, từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu, để tìm lại những tư liệu về cuộc đời cha mình – người chỉ huy tình báo Hoàng Minh Đạo.

Người chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quân đội

Xa cách cha từ khi mới 2 tuổi, nhưng bà Đào Thị Minh Vân vẫn trọn vẹn một tình yêu và lòng tự hào về người cha anh hùng của mình, liệt sĩ Hoàng Minh Đạo – vị chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quân đội Việt Nam, người đã hy sinh cả cuộc đời riêng, hạnh phúc riêng cho nhiệm vụ cách mạng.

Hoàng Minh Đạo tên thật là Đào Phúc Lộc, sinh năm 1923 ở Móng Cái, Quảng Ninh, 16 tuổi đã được chính Tô Hiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản. Nhờ sớm bộc lộ tư chất đặc biệt đối với hoạt động tình báo nên năm 22 tuổi, tuy còn rất trẻ, Hoàng Minh Đạo đã được Trường Chinh tin tưởng, giới thiệu sang quân đội và giữ chức Trưởng phòng tình báo quân ủy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vì thế, trong lịch sử ngành tình báo quân đội Việt Nam, Hoàng Minh Đạo vẫn được coi là vị chỉ huy đầu tiên, người đặt nền móng cho ngành tình báo non trẻ Việt Nam ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.

Cuộc đời của vị chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo quân đội Việt Nam là một cuộc đời hy sinh và nhiều nước mắt. Năm 1945, ông kết hôn với người vợ đầu tiên là bà Hoàng Minh Phụng. Kết quả của tình yêu đó là một cô con gái nhỏ bé, xinh đẹp, ra đời vào đúng ngày 19 tháng 12 năm 1946, ngày Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Bí danh Hoàng Minh Đạo của ông chính là đặt theo họ vợ, có nghĩa là “con đường sáng”, con đường cứu nước.


Anh hùng Hoàng Minh Đạo và vợ cùng con gái Minh Vân.

Là một chiến sĩ cách mạng, lại giữ trách nhiệm xây dựng và chỉ huy ngành tình báo quân đội non trẻ, nên suốt từ khi lập gia đình đến khi con gái chào đời, ông gần như không có cơ hội ở bên vợ con. Khi con gái mới 18 tháng tuổi, ông đã sớm rơi vào cảnh gà trống nuôi con khi người vợ yêu qua đời vì căn bệnh sốt rét ác tính ở chiến khu Việt Bắc. Đó cũng là lúc ông nhận nhiệm vụ mới của cấp trên, lên đường vào miền Nam để xây dựng lực lượng quân báo miền Nam.

Nhận nhiệm vụ vào đúng lúc đang phải đối diện với nỗi đau mất mát quá lớn, nhưng Hoàng Minh Đạo vẫn gạt nước mắt ra đi, để lại cô con gái nói chưa sõi cho một gia đình là cơ sở của cách mạng nuôi giúp. Ngày ra đi, khi nhìn mặt đứa con gái bé bỏng mồ côi mẹ ngay từ khi còn tấm bé, ông không ngờ rằng đó cũng chính là lần cuối cùng hai cha con ông gặp nhau, lần cuối cùng gặp mặt cho cuộc chia ly vĩnh viễn.

Những năm tháng hoạt động trong Sài Gòn, ông kết hôn với một người đồng đội là bà Bùi Ngọc Hường, nhưng vì nhiệm vụ chung nên cuộc hôn nhân của ông bà nhiều chia ly và hy sinh hơn là hạnh phúc. Bà Ngọc Hường từng kể rằng, ông bà có với nhau 3 người con, nhưng vì còn phải hoạt động, nên cả 3 người con của ông bà đều được gửi cho tổ chức nuôi. Năm 1964, bà bị địch bắt và bị đày ra chuồng cọp Côn Đảo. Cho đến ngày trở về, thì bà đã nhận được tin ông đã hy sinh trên sông Vàm Cỏ, trong một chuyến công tác không may lọt vào ổ phục kích của địch.

Những đồng đội ngày xưa của anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo kể rằng, vào đúng đêm noel năm 1969, trên đường đi họp ở Trung ương Cục, phải qua sông Vàm Cỏ, chiếc thuyền chở Hoàng Minh Đạo đã bị tàu và trực thăng địch phát hiện, toàn bộ đoàn cán bộ đã hy sinh ngay đêm hôm đó.

Trước khi mất, Hoàng Minh Đạo vẫn nói rằng, sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, ông nhất định sẽ phải đi tìm lại gia đình mình, tìm lại vợ và con mình, những người thân yêu nhất cuộc đời ông mà vì chiến tranh đã phải chịu cảnh biệt ly, tứ tán mỗi người mỗi ngả. Nhưng ông không ngờ rằng, đó là những giây phút cuối cùng của đời mình.

Khi hy sinh, trong người ông vẫn còn giữ những bức thư mà ông mới nhận được của cô con gái cả Minh Vân, nhưng do quá bận bịu nên chưa kịp đọc. Hơn 5 năm sau đó, cả dân tộc đã ca khúc khải hoàn, hạnh phúc chứng kiến ngày đất nước thống nhất, nhưng ông không còn trên cõi đời này, để tìm lại những người thân trong gia đình mình, để mơ về ngày sum họp và đoàn tụ.

Lá thư kỳ lạ của người cha

Bà Đào Thị Minh Vân kể rằng, xa cha từ khi còn quá bé, nên tất cả những gì bà biết về cha chỉ là qua những tấm ảnh, qua những tư liệu lịch sử hay qua những lời kể của những người cựu chiến binh già, những người đã từng là đồng đội của cha bà – anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo. Những năm tháng ấu thơ, bà chỉ nghĩ rằng cha mình là một người kinh doanh sống ở Nam Vang và ít có điều kiện về thăm nhà.

Bà sống trong gia đình một tư sản giàu có đất Hà thành và được họ nuôi nấng, chăm lo như con cái ruột thịt trong nhà. Ngày ấy, sợi dây gắn kết duy nhất giữa hai cha con bà là những lá thư hiếm hoi được đưa qua đưa lại giữa hai miền Nam – Bắc, nhờ những người đồng chí, đồng đội của cha bà. Trong những lá thư đó, ngoài những dòng ngắn ngủi gửi gắm yêu thương và thông báo về tình hình sức khỏe của mình, bà không nhận được bất cứ thông tin gì về cha mình ở miền Nam xa xôi.

Năm 1958, khi là một cô bé 12 tuổi, đang theo học tại trường Thiếu nhi Quốc tế Tiệp Khắc, bà đã nhận được những món quà bất ngờ và những kỉ niệm quý báu không bao giờ quên. Bà kể lại rằng, đúng vào hôm đó, những người học sinh trường Thiếu nhi Quốc tế trong đó có bà đang háo hức chờ đợi chào đớn Bác Hồ cúng với các vị lãnh đạo của hai nước Việt Nam – Tiệp Khắc đến thăm trường.

Trong đoàn người đến thăm trường hôm đó, có một người đã cất công tìm kiếm giữa nhóm học sinh Việt Nam đang háo hức để tìm cho bằng được cô bé có cái tên Minh Vân, để trao lại một món quà bất ngờ cho cô học sinh nhỏ tuổi. Đó là một chiếc bấm móng tay, một chiếc kéo thủ công, một chiếc bút máy pilot, vài con cá nhựa màu sắc rực rỡ và một lá thư nhỏ ký tên Ba Đạo. Đến tận lúc đó, bà vẫn không hay biết cha mình là một nhà tình báo, mà chỉ đinh ninh rằng, món quà này là ông mua khi làm việc ở Nam Vang.

Trong đoàn học sinh ở trường Thiếu nhi Quốc tế Tiệp Khắc ngày ấy, bà nhỏ tuổi và là cô học sinh thiệt thòi nhất, vì cha đang hoạt động cách mạng, còn mẹ đã sớm qua đời. Hôm đó, khi Bác Hồ sang thăm, như nhiều học sinh khác, bà cũng háo hức được đến gần để nhìn rõ Bác hơn. Nhưng vì nhỏ bé nhất, nên bà chẳng thể chen vào giữa những học sinh lớn hơn.

Trong lúc đang tấm tức khóc, thì chính chú cận vệ trong đoàn đã chuyển món quá của ba Đạo cho bà đã bế bổng bà lên, đưa bà đến ngồi cạnh Bác Hồ. Giây phút đó, Bác Hồ đã ôm bà, nở nụ cười trìu mến. Có hàng chục ống kính máy ảnh đã ghi lại khoảnh khắc đó mà bà không hề hay biết.

Bà Minh Vân không ngờ rằng, sau này, bức ảnh bà chụp cùng với Bác Hồ đã được vượt Trường Sơn, gửi vào miền Nam cho cha bà. Đó là cách mà các đồng chí lãnh đạo của Bộ Quốc phòng muốn động viên ông trong những năm tháng chiến đấu gian khổ ở miền Nam. Ông đã nâng niu nó như báu vật, hạnh phúc khi nhìn thấy con gái mình đã lớn phổng lên, xinh xắn, ngoan ngoãn và điều tuyệt với nhất là được vinh dự chụp ảnh với Bác Hồ.

Ít lâu sau đó, bà Minh Vân đã nhận được bức thư của cha gửi. Trong thư ông viết: “Ba rất hạnh phúc và phấn khởi khi nhận được tấm hình con gái ba chụp chung với ông nội”. Khi ấy, bà cứ thắc mắc không hiểu vì sao cha mình lại viết thế, vì ông nội bà đã mất trước khi khi cha mẹ bà lấy nhau.

Nhiều năm sau này, khi cha đã hy sinh, bà Minh Vân đã nhận được tấm ảnh bà chụp chung với Bác Hồ từ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người đã có thời gian hoạt động cùng với anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo. Khi đó bà mới biết giây phút bà được Bác Hồ ôm trong vòng tay đã được các ống kính máy ảnh ghi lại.

Trong suốt những năm chiến tranh, bức ảnh này đã được nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam chuyền tay nhau, nhất là những người có con cái đang học tập ngoài miền Bắc. Họ đã nhìn bức ảnh đó, để vững tin và yên tâm chiến đấu vì lý tưởng và vì dân tộc.

Khi trao bức ảnh đó cho bà Minh Vân, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã kể rằng, vì quá trân trọng bức ảnh này, và vì linh cảm được những hiểm nguy sẽ đến với mình trên đường công tác, nên anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo đã gửi gắm bức ảnh đó lại cho ông Nguyễn Văn Linh, với lời hứa hẹn một ngày nào đó sẽ quay trở lại nhận nó. Nhưng anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo đã không bao giờ thực hiện được điều đó.

Hành trình đi tìm lại cha và lời dặn dò của vị đại tướng


Phải đến tận khi học cấp 3, bà Minh Vân mới lờ mờ hiểu rằng cha minh đang làm một nhiệm vụ cách mạng bí mật nào đó, nên không được quyền tiết lộ với gia đình. Nhưng bà đã không có cơ hội gặp lại cha, dù chỉ một lần, cho thỏa những yêu thương và thắc mắc của mình trong suốt nhiều năm chờ đợi.

Năm 1969, khi bà Minh Vân 23 tuổi, cha bà  đã hy sinh trên sông Vàm Cỏ. Ngày ấy, bà không hề biết nguyên nhân cha mình hy sinh, cũng không hề biết phần mộ của ông ở đâu. Bởi ngay ngày hôm sau, khi đoàn công tác bị địch tấn công trên sông Vàm Cỏ, Trung ương Cục miền Nam đã tìm mọi cách tìm kiếm thi hài anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo nhưng vô vọng.

Cái chết của anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo được bí mật trong suốt một thời gian dài, nên nhiều năm sau này, gia đình bà Minh Vân vẫn gặp không ít những chuyện buồn vì câu chuyện đó. Bà kể, một lần họp đồng hương, có người dân ở quê Móng Cái đã nghi ngờ cha bà là một kẻ chiêu hồi.

Cũng có những lần, bà nhói lòng khi nghe con cái hỏi về ông ngoại. Khi đó, bà chỉ có thể kể cho các con nghe rằng: ông ngoại là một người lính cách mạng, đã tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hy sinh. Nhiều năm trôi qua, cái ý nghĩ rằng mình hoàn toàn không hay biết về một phần đời quan trọng của cha mình đã luôn khiến bà day dứt không nguôi. Nhất là trong những bữa tiệc liên hoan bạn bè, nhìn cảnh những người xung quanh hạnh phúc, đoàn tụ bên gia đình bà càng thêm chạnh lòng.

Mang trong mình nỗi ám ảnh và trăn trở đó, nên sau những giờ phút bươn chải để ổn định cuộc sống, tính toán với cơm áo gạo tiền nuôi những đứa con nhỏ của mình, bà đã kiên trì thực hiện cuộc hành trình dài trong suốt nhiều năm trời. Trong cuộc hành trình đó, bà đặt cho mình hai nhiệm vụ: nhiệm vụ thứ nhất là tìm hiểu về cuộc đời của cha, về những năm tháng hoạt động của cha và sự hy sinh của ông. Nhiệm vụ thứ hai là tìm bằng được nơi cha bà an nghỉ để đưa hài cốt của ông về an táng.

Mấy chục năm trôi qua, sự kiên trì và tình yêu bất tử của người con gái dành cho người cha anh hùng đã chiến thắng được sự khắc nghiệt của chiến tranh, chiến thắng được số phận, chiến thắng được sự hủy diệt của thời gian. Bà Minh Vân đã làm được tất cả những điều đó, bằng niềm tin mãnh liệt của mình vào cuộc đời.

Năm 1998, cùng với những người đồng đội cũ của cha mình, những nhân chứng đã chứng kiến cái chết của ông trên sông Vàm Cỏ trước đó gần 30 năm bà Minh Vân đã tìm về con sông đó, nơi cha bà đã hy sinh và chưa tìm thấy xác. Lần về thăm đó, ngoài về một nơi chứng kiến những giây phút cuối đời của cha mình, bà đã mang theo quyết tâm tìm bằng được di hài của cha.

Với sự  giúp đỡ của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, bà đã có trong tay sơ đồ khái quát nơi cha bà hy sinh, kèm theo một lời dặn dò rằng cha bà đã được chôn cất bởi một người nông dân ngoài 80 tuổi. Nhưng lênh đênh mấy ngày trên sông nước, bà không sao tìm được người đàn ông có cái tên đó. Cuối cùng, khi cả đoàn quyết định neo lại ở bờ sông, thử đào bới ở một vị trí đã được đánh dấu trong sơ dồ thì bỗng nhiên có một ông lão say mèm xuất hiện nói rằng: “Không phải chỗ này. Chỗ trên kia cơ. Chính tay tôi đã chôn ông ấy”.

Ngày hôm sau, khi tỉnh rượu, ông lão đã dẫn bà đến đúng nơi chôn cất cha bà. Khi những lớp đất được đào lên, nhìn thấy những chiếc răng bọc bạc, bà và những người đồng đội của cha bà đã bật khóc vì cuộc tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng cuối cùng đã có kết quả. Người đàn ông đã tìm thấy thi hài anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo và chôn cất ông chính là ông lão vạn chài có cái tên Hai Tờ.

Mấy ngày sau khi Hoàng Minh Đạo hy sinh, tình cờ phát hiện một xác chết trôi trên sông, đoán biết đây là một cán bộ cách mạng bị địch bắn chết, ông lão Hai Tờ đã cùng với người dân đưa lên bờ chôn cất và hương khói tử tế suốt nhiều năm trời, cho đến ngày con gái của anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo tìm về được nơi này trong một sự sắp đặt của số phận.

Ngay sau khi di hài của ông Hoàng Minh Đạo được đưa về án táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh, ông đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và sau đó là Huân chương Hồ Chí Minh.

Suốt mấy chục năm trời, bà Minh Vân đã bỏ thời gian lặn lội sang Mỹ, tìm những tư liệu về cuộc tấn công trên sông Vàm Cỏ đã gây ra cái chết của cha bà, rồi lại đi tìm bằng được những người đồng chí, đồng đội của ông, kiên nhẫn thuyết phục họ kể về con người của ông, về những năm thoát hoạt động của ông, và cả những giây phút cuối đời của ông. 400 người cựu chiến binh – 400 người đồng đội đã từng kề vai sát cánh  bên cha bà đã giúp bà hiểu hơn về người cha anh hùng của mình. Đó chính là những tư liệu quý giá mà bà chuẩn bị khi viết cuốn hồi ký về cha mình.

Trong những chuyến đi tìm những người đồng đội của cha bà, có không ít những câu chuyện khiến bà rơi nước mắt vì xúc động. Bà kể, khi bà gặp lại một người đồng đội của cha mình là cụ Sáu Ninh (nguyên Trưởng ban Quân báo Quân khu 8) thì mắt cụ đã lòa. Lúc bà nắm tay cụ, nói với cụ rằng: “Con là con gái của ông Hoàng Minh Đạo” thì giọng cụ nghẹn lại, nói: “Nếu con đúng là con gái của Hoàng Minh Đạo thì con hãy để ta sờ mặt con”.

Nói rồi cụ đặt hai bàn tay già nua của mình lên gương mặt bà Minh Vân, cẩn trọng sờ nắn từng nét mặt. Cho đến khi chạm vào phần xương quai hàm của bà thì cụ thốt lên: “Con đúng là con anh Đạo rồi”. Thế rồi cụ òa khóc và đòi bằng được bà đưa ra nghĩa trang để thắp cho Hoàng Minh Đạo một nén hương. Trước bia mộ cha bà, người cựu chiến binh mù lòa vừa ôm tấm bia vừa khóc: “Tôi đã được gặp anh rồi”.

Cụ Sáu Ninh kể rằng, trước khi anh hùng tình báo Hoàng Minh Đạo hy sinh, cụ Sáu Ninh chính là người chăm sóc ông mỗi khi ông bị sốt rét. Chính trong những lần lau mặt cho ông, cụ đã nhớ như in cái xương quai hàm của ông. Đó cũng là dấu hiệu giúp cụ nhận ra con gái của thủ trưởng mình, dù chưa một lần gặp mặt.

Bà Minh Vân tâm sự, trong những lần đi gặp những người đồng chí, đồng đội của cha bà, bà thêm yêu kính và cảm phục ông hơn, vì từ họ, bà đã biết thêm những điều cao đẹp về con người ông và nhân cách của ông. Như trong vụ “gián điệp miền Đông” năm 1950, có 34 người bị nghi là gián điệp và chuẩn bị đem ra xử bắn. Nhưng cảm thấy vụ án còn có điều gì lấn cấn, Hoàng Minh Đạo đã yêu cầu cho Sáu Ninh điều tra, xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án, tránh xử oan cho những người vô tội. Chính vì vậy mà những người này được minh oan. Với những người đó, anh hùng tình báo – liệt sĩ Hoàng Minh Đạo mãi mãi là ân nhân.

Dù là vị chỉ huy đầu tiên của ngành tình báo, nhưng Hoàng Minh Đạo không mang một cấp hàm nào. Trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi Đại tướng tròn 90 tuổi, Đại tướng đã dặn dò bà Minh Vân: “Cháu nhớ nhé. Cha cháu là do Tổng bí thư Trường Chinh giới thiệu sang tổ chức của quân đội trong những ngày đầu thành lập Bộ Tổng Tham mưu. Cha cháu là anh hùng thực sự. Bia đá sẽ mòn, còn đạo đức và danh dự của cha cháu sẽ lan truyền ngàn đời. Cháu nhớ nhé và hãy hãnh diện về điều đó”.

Những lời dặn của đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là những lời mà cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã dặn bà năm nào. Chính vì vậy, suốt cuộc đời mình, bà Minh Vân đã luôn cố gắng để sống cho xứng đáng với sự hy sinh và nhân cách cao đẹp của cha bà – anh hùng LLVTND Hoàng Minh Đạo, lãnh đạo đầu tiên của ngành tình báo Quân đội Việt Nam.
Theo Pháp Luật & Cuộc Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét