Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN KHẢO CỔ 15

(ĐC chép từ thanhnien.com.vn)

Chấy rận 'viết' lịch sử loài người

Lịch sử loài người được mã hóa trong bộ gien của loài chấy rận, giúp các nhà nghiên cứu thấy được những khía cạnh ẩn trong quá trình tiến hóa của nhân loại.

Chấy rận “viết” lịch sử loài người
Giới chuyên gia tìm được hướng nghiên cứu mới để tìm hiểu lịch sử loài người - Ảnh: Daviddarling.info
Những manh mối về quá trình tiến hóa của nhân loại thường đến từ các hóa thạch do tổ tiên để lại, cũng như dấu vết phân tử được mã hóa bên trong bộ gien loài người. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đang lần theo con đường khác: khai thác chứng cứ từ chấy rận hút máu, theo NBC News.
Chấy rận duy trì sự liên hệ gần gũi với loài người qua nhiều thiên niên kỷ. Bất chấp mọi nỗ lực xua đuổi của loài người, loài ký sinh này vẫn tồn tại sau bao nhiêu năm, trở thành kho tàng thông tin đầy hứa hẹn cho những ai muốn biết thêm về sự tiến hóa và lịch sử nhân loại. Đó là phát biểu của David Reed, phụ trách mảng động vật hữu nhũ tại Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Florida (Mỹ), tại hội nghị Science Writers 2013 vừa diễn ra. Chẳng hạn, các dấu vết thu thập được từ chấy rận cho thấy người hiện đại từng qua lại với người Neanderthals, và con người có thể đã làm ra trang phục trước khi rời khỏi châu Phi.
Loài ăn bám này trở thành công cụ theo dõi tuyệt hảo đối với quá trình tiến hóa của vật chủ. Chúng dành trọn đời đeo bám nạn nhân, dễ dàng bỏ mạng nếu rơi khỏi vật chủ và thường có thói quen sống ký sinh trên một loài duy nhất. Tuy nhiên, con người là vật chủ bất thường, có thể cung cấp môi trường cho hơn một loài chấy rận.
Thông qua phân tích gien, Reed và đồng sự xác định được rằng cách đây hơn 3 triệu năm, loài rận mu ở người có nguồn gốc từ rận trên khỉ đột. Phát hiện này cho thấy con người và khỉ đột lúc đó ắt hẳn đã chung sống trong môi trường gần gũi. Đây là thông tin rất quan trọng, do hóa thạch khỉ đột vào thời gian đó hầu như không tồn tại. Chuyên gia Reed và đồng sự cũng phân tích quá trình tách ra của chấy đầu và rận quần áo để xác định thời điểm con người bắt đầu biết mặc đồ giữ ấm cơ thể. Họ phát hiện rận quần áo đã rẽ nhánh khỏi chấy đầu vào khoảng 80.000 đến 170.000 năm trước đây. Điều này có nghĩa là con người đã sử dụng quần áo trước khi rời khỏi châu Phi.
Bộ gien của chấy rận còn có thể tiết lộ thông tin về những tương tác giữa các tổ tiên của người hiện đại với họ hàng đã tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu đã xác định 3 nhánh chính, gọi là nhánh A, B và C, dựa trên ADN của ty thể, tức trung tâm sản xuất năng lượng của tế bào trên loài chấy rận được thu thập khắp nơi. Sử dụng các biến thể ADN để nhìn ngược thời gian, các chuyên gia nhận thấy những nhóm này có chung một tổ tiên cách đây khoảng 2 triệu năm. Nhánh C lúc đó tách khỏi nhóm. Đến giai đoạn cách đây 700.000 đến 1 triệu năm, nhánh B lại tách khỏi A. Thời điểm của những lần tách nhóm, và sự phân bổ về địa lý của các nhóm này đã khiến các nhà nghiên cứu có cơ sở suy luận rằng nhánh C phát triển trên Người đứng thẳng (Homo erectus), còn B tiến hóa trên người Neanderthals.
Các chuyên gia đang tiếp tục nghiên cứu với hy vọng có thể hiểu thêm về lịch sử đã được mã hóa trong ADN chấy rận. Họ cũng áp dụng hướng tiếp cận này nhằm xác định cách con người đến được châu Mỹ.
Hạo Nhiên


Hóa thạch có hệ thần kinh cổ nhất

Hệ thần kinh hoàn chỉnh có niên đại xưa nhất trái đất đã được tìm thấy trong hóa thạch của một sinh vật 520 triệu năm tuổi chưa từng được phát hiện trước đây.

Theo báo cáo trên chuyên san Nature, các học giả của Đại học Arizona (Mỹ) và Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) cho hay hóa thạch trên, ở vùng Trừng Giang gần Côn Minh (Trung Quốc), thuộc về một sinh vật từng bò trườn hoặc bơi lội trong các đại dương cổ đại. Nó là tổ tiên của động vật chân kìm như nhện, bò cạp, đã tách khỏi cây phả hệ của các loài chân khớp khác (côn trùng, giáp xác và cuốn chiếu) cách đây hơn nửa tỉ năm trước.
Hóa thạch cho thấy đại diện của một nhóm chân khớp biển đã tuyệt chủng, gọi là vuốt lớn, và giúp hóa giải bí ẩn từ lâu về vị trí của nhóm này trên cây của sự sống. “Bây giờ chúng tôi biết được loài vuốt lớn có hệ thần kinh trung ương hết sức tương đồng với họ sam và bò cạp hiện nay”, theo trưởng nhóm Nicholas Strausfeld của Đại học Arizona. Điều này có nghĩa là tổ tiên của nhện đã sống cùng thời với tổ tiên của các loài giáp xác khác vào thời Hạ kỷ Cambri (bắt đầu 542 triệu năm trước và kết thúc khoảng 488,3 triệu năm). Như vậy, tổ tiên chung của 2 chi này phải xuất hiện trước đó nhiều năm.
Thụy Miên

Hóa thạch cực hiếm của loài vượn

Các nhà khảo cổ học cho biết đã khai quật hộp sọ một con vượn chưa trưởng thành có chừng 6 triệu năm tuổi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, qua đó có thể làm sáng tỏ thêm sự tiến hóa của con người.

 
Báo ChinaView dẫn lời nhà khoa học Ji Xueping, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết cũng đã phát hiện thêm hộp sọ thứ hai của con vượn chừng 5 triệu năm tuổi đã từng sống ở lục địa Á - Âu.
Theo ông Ji Xueping thì những hộp sọ này có ý nghĩa rất to lớn khi loài linh trưởng chuyển hóa thành người từ 5 - 7 triệu năm trước. ChinaView cũng dẫn lời Lu Qingwu (Viện Sinh học có xương sống và cổ nhân loại học) cho biết tại châu Phi đã từng phát hiện những hóa thạch linh trưởng cổ đại có niên đại cùng với phát hiện này, nhưng tại châu Á là rất hiếm.
Bản báo cáo chi tiết được công bố trên tạp chí khoa học Bulletin, sau gần 4 năm Giáo sư Ji và các nghiên cứu sinh của ông tìm thấy hóa thạch trong một cái hố ở nhà máy gạch tại Shuitangba, thành phố Zhaotong. Qua khảo nghiệm các nhà khoa học xác định tuổi của con vượn này là 6,1 - 6,2 triệu năm vào cuối kỷ Miocen và được coi là con vượn trẻ nhất trong số các loài linh trưởng cổ đại được phát hiện tại Vân Nam. Hộp sọ còn được bảo quản khá tốt, các xương trên khuôn mặt còn khá đầy đủ.
Giáo sư Lu Qingwu cho biết các động vật linh trưởng mang một số đặc điểm chung với con người. Một ví dụ cụ thể là độ rộng của hốc mắt dài hơn chiều cao của mắt. Theo Giáo sư Ji thì đã tìm thấy quan hệ giữa loài vượn với sự kết nối tiến hóa thành người về thời gian và hình thái học. Tuy nhiên, vẫn phải tìm kiếm thêm các bằng chứng hóa thạch khác. Quan điểm của Giáo sư Lu thì trước đây người ta cho rằng loài người có nguồn gốc ở châu Phi. Nhưng những phát hiện gần đây lại cho rằng cái nôi của loài người ở châu Á. Tất nhiên, phải tìm thêm nhiều bằng chứng về khảo cổ học.
Tại khu vực phát hiện hộp sọ hóa thạch của vượn, vào năm 2007 cũng đã khai quật được ba bộ xương không còn lành lặn của các con voi ước chừng 6 triệu năm tuổi.
Tạ Xuân Quan

Hóa thạch lâu đời nhất trên siêu lục địa Gondwana

Tiến sĩ Robert Gess của Viện Nghiên cứu tiến hóa Trường đại học Wits (Nam Phi) đã phát hiện mẫu hóa thạch 350 triệu năm tuổi của một con bọ cạp trong các tảng đá từ kỷ Devon ở Witteberg, gần khu vực Grahamstown của Nam Phi.

Hóa thạch lâu đời nhất trên siêu lục địa Gondwana 1 
Hóa thạch lâu đời nhất trên siêu lục địa Gondwana 2 
Loài bọ cạp hóa thạch này được xem là động vật trên cạn lâu đời nhất tại siêu lục địa Gondwana ở Nam bán cầu.
Gondwana là một lục địa cổ đại khổng lồ tạo thành từ các vùng đất mà ngày nay là Nam Mỹ, Úc, Nam cực, Madagascar và Ấn Độ.
Hóa thạch được xác định là của một loài bọ cạp mới có tên Gondwanascorpio emzantsiensis, nặng hơn 180 kg và có càng dài hơn 45 cm.
Trang Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Simon Braddy của bộ môn khoa học trái đất - Đại học Bristol: “Trước đây, ghi chép về các mẫu hóa thạch cho chúng ta biết các loài động vật thời kỳ đó như bọ cạp, gián và chuồn chuồn là các con vật khổng lồ. Nhưng đến bây giờ chúng tôi mới thực sự nhận ra chúng lớn đến mức nào”.
Tiến sĩ Gess cho rằng mẫu hóa thạch này sẽ cho phép các nhà khoa học xác nhận một số ý kiến bấy lâu nay về các loài sinh vật đầu tiên. Ông cho biết: “Đến nay, chỉ có những bằng chứng về lục địa Laurasia ở Bắc bán cầu (vùng đất rộng lớn bao gồm Bắc Mỹ và châu Á ngày nay) là khu vực sinh sống đầu tiên của động vật trên cạn, chưa có bằng chứng cho thấy Gondwana là nơi sinh sống của động vật không xương sống trên mặt đất tại thời điểm đó”.
Trong thời kỳ Silur thuộc kỷ Devon cách đây khoảng 420 triệu năm, những đợt sinh vật đầu tiên di chuyển khỏi mặt nước lên trên cạn gồm thực vật và động vật không xương sống ăn mảnh vụn như côn trùng. Đến cuối thời kỳ Silur (cách đây khoảng 416 triệu năm) mới có sự xuất hiện của các loài động vật không xương sống ăn thịt như bọ cạp và nhện. Vào cuối kỷ Devon, Gondwana và Laurasia đã có một hệ sinh thái trên cạn phức tạp, bao gồm các loài động vật và thực vật.
Phương Tú - Tạ Xuân Quan

Khai quật hóa thạch cá 429 triệu năm tuổi

(TNO) Hóa thạch cá niên đại 429 triệu năm tại Trung Quốc có thể là sinh vật sớm nhất với khuôn mặt nhận dạng được, nhờ vào khung hàm hiện đại.

Cá 429 triệu năm tuổi có hàm hiện đại
Cá 429 triệu năm tuổi có hàm như cá hiện đại - Ảnh: Nature
Hóa thạch được khai quật tại Trung Quốc thuộc lớp cá da phiến, thành viên của một nhóm đã tuyệt chủng, nhưng hàm của nó giống như cá xương ngày nay.
Việc phát hiện loài cá này có thể cung cấp một cái nhìn mới về sự tiến hóa ban đầu của tổ tiên chúng, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature.
Tiến hóa về hàm là một trong những thời kỳ quan trọng nhất của sự phát triển loài xương sống, nhưng khoảng cách giữa động vật xương sống có hàm và không hàm quá rộng, nên rất khó phân biệt các bước tiến hóa đơn lẻ trong giai đoạn chuyển tiếp của giống loài này.
Min Zhu của Viện Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh và đồng sự đã phát hiện một bước gần cuối trong quy trình chuyển tiếp này, khi các động vật có xương sống hàm hiện đại, như cá mập và cá xương, trỗi dậy từ một nhóm các loài cá da phiến.
Phát hiện mới đã cung cấp một chứng cứ quan trọng về mối nối tiến hóa giữa loài cá da phiến và cá xương, có thể tái lập trình tự và quy trình đã biết lâu nay về sự tiến hóa của loài cá.
Phi Yến

Hóa thạch cực hiếm của loài vượn

Các nhà khảo cổ học cho biết đã khai quật hộp sọ một con vượn chưa trưởng thành có chừng 6 triệu năm tuổi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, qua đó có thể làm sáng tỏ thêm sự tiến hóa của con người.

 
Báo ChinaView dẫn lời nhà khoa học Ji Xueping, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết cũng đã phát hiện thêm hộp sọ thứ hai của con vượn chừng 5 triệu năm tuổi đã từng sống ở lục địa Á - Âu.
Theo ông Ji Xueping thì những hộp sọ này có ý nghĩa rất to lớn khi loài linh trưởng chuyển hóa thành người từ 5 - 7 triệu năm trước. ChinaView cũng dẫn lời Lu Qingwu (Viện Sinh học có xương sống và cổ nhân loại học) cho biết tại châu Phi đã từng phát hiện những hóa thạch linh trưởng cổ đại có niên đại cùng với phát hiện này, nhưng tại châu Á là rất hiếm.
Bản báo cáo chi tiết được công bố trên tạp chí khoa học Bulletin, sau gần 4 năm Giáo sư Ji và các nghiên cứu sinh của ông tìm thấy hóa thạch trong một cái hố ở nhà máy gạch tại Shuitangba, thành phố Zhaotong. Qua khảo nghiệm các nhà khoa học xác định tuổi của con vượn này là 6,1 - 6,2 triệu năm vào cuối kỷ Miocen và được coi là con vượn trẻ nhất trong số các loài linh trưởng cổ đại được phát hiện tại Vân Nam. Hộp sọ còn được bảo quản khá tốt, các xương trên khuôn mặt còn khá đầy đủ.
Giáo sư Lu Qingwu cho biết các động vật linh trưởng mang một số đặc điểm chung với con người. Một ví dụ cụ thể là độ rộng của hốc mắt dài hơn chiều cao của mắt. Theo Giáo sư Ji thì đã tìm thấy quan hệ giữa loài vượn với sự kết nối tiến hóa thành người về thời gian và hình thái học. Tuy nhiên, vẫn phải tìm kiếm thêm các bằng chứng hóa thạch khác. Quan điểm của Giáo sư Lu thì trước đây người ta cho rằng loài người có nguồn gốc ở châu Phi. Nhưng những phát hiện gần đây lại cho rằng cái nôi của loài người ở châu Á. Tất nhiên, phải tìm thêm nhiều bằng chứng về khảo cổ học.
Tại khu vực phát hiện hộp sọ hóa thạch của vượn, vào năm 2007 cũng đã khai quật được ba bộ xương không còn lành lặn của các con voi ước chừng 6 triệu năm tuổi.
Tạ Xuân Quan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét