Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2017

KÝ ỨC CHÓI LỌI 77/2

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
40 năm đường 9 Nam Lào - 1 - Ký ức chiến trường xưa

 
40 năm đường 9 Nam Lào - 2 - Đường 9 vùng đất hào hùng



Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (Kỳ 1)

QĐND

QĐND - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong ký ức của những người tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 chắc chắn sẽ còn đọng mãi cảnh tượng về sự tháo chạy hoảng loạn của quân ngụy Sài Gòn trong cuộc hành quân với bí danh “Lam Sơn 719”. Thất bại thảm hại của cuộc hành quân này đã góp phần làm lung lay chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, mở ra thời cơ mới thuận lợi cho cách mạng 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia).

Kỳ 1: Tọa sơn nghênh mãnh quỷ Sau khi buộc phải chấm dứt ném bom miền Bắc, Mỹ đã nỗ lực tập trung lực lượng không quân chiến thuật của Hạm đội 7, không quân chiến lược B52, nhằm đánh phá đường hành lang, vận chuyển chiến lược của ta. Mặc dù đã làm cản trở trong việc tiếp tế và phá được một số kho tàng của ta, nhưng ý đồ của Mỹ vẫn không thực hiện một cách triệt để. Chính vì vậy, trong tư duy của giới quân sự Mỹ mà nòng cốt là hội đồng an ninh quốc gia đã cố vấn cho Tổng thống Mỹ Ních-xơn là phải đánh phá việc bảo đảm hậu cần của ta ngay từ gốc. Chính vì vậy, cuối năm 1970, Mỹ đã chủ trương tiến hành cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào Đường 9 - Nam Lào, cắt tuyến vận chuyển chiến lược của ta, làm cho lực lượng vũ trang ta ở miền Nam suy yếu, không thể đánh tập trung quy mô lớn trong mùa khô 1971, 1972 để Mỹ dễ dàng thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” giành lại thế chủ động trên chiến trường. Để thực hiện cuộc hành quân quy mô lớn này, Mỹ - ngụy đã tập trung một lực lượng lớn gồm nhiều đơn vị cơ động, chiến lược tinh nhuệ nhất của quân ngụy, có sự chi viện rất mạnh của không quân Mỹ, cụ thể bao gồm: 3 Sư đoàn (Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Bộ binh 1) liên đoàn 1 biệt động quân, Trung đoàn 4, 5 thuộc Sư đoàn bộ binh 2, 4 thiết đoàn thiết giáp (4, 7, 11, 17). Quân Mỹ hậu thuẫn phía sau và tham chiến cùng quân ngụy với 12 tiểu đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới bao gồm: 5 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 101 dù; 4 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1; Sư đoàn 5 bộ binh cơ giới và 3 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn A-mê-ri-cơn, 8 tiểu đoàn pháo binh (155 đến 175mm). Hơn 600 máy bay các loại, trong đó có 500 máy bay lên thẳng và lên thẳng vũ trang, đây là số lượng máy bay lên thẳng tham gia chiến đấu lớn nhất và duy nhất trong một chiến dịch kéo dài 3 tháng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngoài ra còn có 300 máy bay phản lực hầu hết là tiêm kích bom, 50 máy bay vận tải (C130, C123) và 50 máy bay chiến lược B52 sẵn sàng tham chiến. Kế hoạch tác chiến của địch là nhanh chóng đánh chiếm Sê Pôn, chiếm giữ đoạn đường Bản Đông - Sê Pôn đánh phá kho tàng, đường sá xung quanh Sê Pôn, phía bắc lên tới Kho Vinh, Na Thôn, phía tây nam đến Mường Phìn nhằm phối hợp với lực lượng ngụy Lào từ phía tây tiến sang. Tiếp đó cơ động lực lượng xuống đánh phá kho tàng khu vực từ Sa Đi, Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên. Thời gian địch dự định cuộc hành quân khoảng 90 ngày, kết thúc trước mùa mưa ở Nam Lào (tháng 5 năm 1971). Cụ thể gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ ngày 30-1 đến ngày 7-2-1971, thực hiện cơ động lực lượng, chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công. Giai đoạn 2, từ ngày 8 đến ngày 14-2-1971, tiến công chiếm các mục tiêu Bản Đông và Sê Pôn. Giai đoạn 3, từ ngày 15-2 đến ngày 12-3-1971, lùng sục, đánh phá kho tàng. Giai đoạn 4, từ ngày 13-3 đến đầu tháng 5-1971, chuyển xuống đánh phá các kho tàng phía nam từ Sa Đi, Mường Noọng, A Túc đến A Sầu, A Lưới. Để phục vụ cho kế hoạch hành quân chính thức, ngay từ tháng 11-1970, địch đã tiến hành một kế hoạch nghi binh lớn, tung tin chuẩn bị tiến công ra miền Bắc (Nam Quân khu 4) nhằm đánh lạc hướng, phân tán sự chuẩn bị và kế hoạch đối phó của ta trên hướng tấn công chính của chúng. Địch hy vọng, với kế hoạch tác chiến như trên, chúng sẽ đạt được mục đích cuộc hành quân, sẽ nhanh chóng chặn được tiếp tế, phá được kho tàng của ta, tránh được tác chiến lớn với chủ lực của ta, địch cho rằng đối tượng tác chiến chủ yếu của chúng ở đây là bộ đội bảo vệ hành lang và kho tàng, còn chủ lực của ta vừa bị phân tán không thể cơ động đến kịp. Để đối phó với địch, quyết tâm của ta là bằng mọi giá phải bảo vệ bằng được Đường mòn Hồ Chí Minh; bất luận hoàn cảnh nào cũng phải sẵn sàng để đánh địch trên các hướng, nếu địch đánh ra Đường 9 thì đó là cơ hội cho ta tiêu diệt chúng. Ở khu vực này địch và ta đều có thể tác chiến lớn hiệp đồng binh chủng. Tuy nhiên, địch ít có thuận lợi hơn ta vì tác chiến xa căn cứ hậu phương chiến lược. Với ta, đây là chiến trường nối liền với hậu phương, ta có nhiều điều kiện phát huy sức mạnh của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến, thuận lợi cho tập trung nhiều lực lượng, nhiều binh chủng đánh những trận hiệp đồng tiêu diệt lớn, hơn nữa lại là chiến trường hoạt động quen thuộc của nhiều sư đoàn chủ lực của ta đặc biệt là Sư đoàn 304 suốt từ năm 1968 đến 1971 liên tục hoạt động ở địa bàn Đường 9 - Nam Lào cùng với các đơn vị tại chỗ thuộc Đoàn 559. Các đơn vị tham gia chiến dịch như: Sư đoàn 304, Sư đoàn 308, Sư đoàn 320, Sư đoàn 324, Sư đoàn 2… tổ chức các đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường. Trong lúc công tác chuẩn bị chiến trường của ta đang diễn ra khẩn trương thì ngày 27-1-1971 địch tập trung các hoạt động nghi binh vào khu vực nam Quân khu 4. Trên hướng mặt trận Đường 9 Bắc Quảng Trị, địch tung nhiều toán biệt kích, thám báo ra khu vực ven Đường 9 thăm dò lực lượng ta, đồng thời cho quân nống ra 4 xã bờ nam sông Bến Hải dọc theo khu phi quân sự. Sau khi địch đánh phá ác liệt vào các mục tiêu ven Đường 9 và sâu vào các tuyến vận tải của ta ở phía tây bắc Đường 9 lên giáp biên giới Việt - Lào, ngày 30-1 một trung đoàn hỗn hợp của Sư đoàn bộ binh số 9 Mỹ mở trận càn “Đi-nê-cu-ni-on” dọc Đường 9 phía nam khu phi quân sự, chiếm lại khu vực Khe Sanh để làm bàn đạp cho cuộc tiến công sang Nam Lào và nghi binh cho quân ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh sang khu vực Đường 9 - Nam Lào. Ngay sau khi địch triển khai lực lượng, theo chỉ thị của Bộ, Bộ tư lệnh mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Anh Đệ làm tư lệnh đã khẩn trương cơ động lực lượng đánh địch nhằm tiêu hao một phần sinh lực, phương tiện, làm chậm bước tiến của địch tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực bộ triển khai lực lượng đánh địch trên các hướng. Do đó, khi cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch bắt đầu, cũng là lúc Bộ Chính trị chỉ thị cho Quân ủy Trung ương: “Nhất thiết phải đánh thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trận có ý nghĩa về chiến lược”. Để thực hiện tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Bộ Chính trị, ngày 6 tháng 2 năm 1971 Bộ quyết định thành lập Bộ tư lệnh mặt trận Đường 9 - Nam Lào (Bí danh Bộ tư lệnh 702). Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được cử làm Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch. Đại tá Cao Văn Khánh làm Phó tư lệnh, Đại tá Hoàng Phương làm Phó chính ủy. Đây là Bộ tư lệnh có đủ quyền hạn và khả năng chỉ huy, tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch và tổ chức hiệp đồng với các chiến trường có liên quan như: Bộ tư lệnh B70, Đoàn 559, Bộ tư lệnh Đường 9 Bắc Quảng Trị, B4, Quân khu 4, lực lượng vũ trang của bạn ở Nam Lào. Đồng thời Quân ủy Trung ương giao cho Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch nhiệm vụ cụ thể là: Tiêu diệt lớn và làm tan rã thật nhiều quân ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quân Mỹ, đánh cho địch một đòn chí mạng. Giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, bảo vệ tốt kho tàng của ta. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, một điểm đặc biệt của chiến dịch cần hết sức coi trọng và quán triệt đầy đủ trong thực hành. Phối hợp với các chiến trường, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công địch toàn diện, nhất là đánh phá “bình định” của địch. Bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hậu phương lớn luôn vững vàng trong mọi tình huống. Trận này nhất định phải đánh thắng vì là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược; phải nhân cơ hội này mà rèn luyện bộ đội chủ lực trưởng thành lên một bước mới trong tác chiến tập trung lớn có nhiều binh chủng hiệp đồng chiến đấu. Sau một thời gian chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu, tổ chức luyện tập theo phương án, lần lượt các đơn vị bí mật hành quân vào chiến trường, chiếm lĩnh các khu vực sẽ tác chiến, kiên trì chờ địch, giấu quân tránh thám báo và máy bay trinh sát địch lùng sục phát hiện lực lượng ta. Đồng thời tổ chức cho bộ đội ăn tết sớm để sẵn sàng bước vào những trận đánh lớn ác liệt dài ngày. Bộ đội ta lặng lẽ, háo hức chuẩn bị chờ quân địch tới, một không khí lạc quan, chủ động và tự tin hiện lên nét mặt của từng cán bộ, chiến sĩ. Từ khu vực Khe Sanh, nơi triển khai chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công, ngày 8 tháng 2 năm 1971, địch mở cuộc hành binh ào ạt tiến công vượt biên giới Việt - Lào với 6 trung, lữ đoàn quân ngụy, trên 3 hướng: Hướng chủ yếu do chiến đoàn đặc nhiệm gồm Lữ đoàn dù số 1, hai Thiết đoàn 11, 17 tiến công theo trục Đường 9 bằng cơ giới và thiết giáp; Tiểu đoàn 9 thuộc Lữ đoàn dù số 1 cơ động bằng máy bay lên thẳng, đổ bộ đánh chiếm Bản Đông. Hướng thứ yếu gồm Lữ đoàn dù số 3 ngụy và tiểu đoàn biệt động quân do Đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy cơ động bằng máy bay lên thẳng đổ quân đánh chiếm và thiết lập các căn cứ hỏa lực ở các điểm cao 500, 316, 655 (Phu A Rinh) 543, 532, 546, 570, 611. Hướng thứ yếu khác do Sư đoàn 1 bộ binh ngụy đảm nhiệm đánh chiếm đồi Cô Bốc các điểm cao 619, 537, 550, 532, 540. Phút chốc trên bầu trời và dưới mặt đất không còn yên tĩnh nữa bởi hàng trăm máy bay lên thẳng, máy bay phản lực, xe tăng cơ giới địch ầm ầm tiến quân làm rung chuyển bầu trời, mặt đất. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch bắt đầu.  
Thiếu tướng Lê Mã Lương
 
cuộc hành quân lam sơn 719- hạ lào 1971: Ngụy quân, thua là dích đáng, làm gì có chuyện hy sinh anh dũng ở đây.


Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào (Kỳ 2)

QĐND

Kỳ 2: Còn người còn chốt, bị thương không rời trận địa

QĐND - Thực hiện quyết tâm tác chiến của bộ chỉ huy Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, các lực lượng ém quân trên các hướng. Các chốt chặn của chiến dịch được lệnh nổ súng chia cắt, ngăn chặn làm giảm nhịp điệu tiến công của địch, tạo ra những yếu tố bất ngờ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ kho tàng giao thông vận chuyển. Các lực lượng cơ động, chủ lực phục kích, tập kích ngăn chặn địch ở Bản Đông. Ngày 8-2-1971 trên hướng tấn công chủ yếu của địch, bộ đội ta đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân ngụy Sài Gòn. Khi chúng vượt qua biên giới Việt Nam sang Lào, bộ đội ta vẫn giữ vững các điểm chốt. Đặc biệt, 16 giờ chiều ngày 8-2-1971 tại khu vực đường 16, Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 308, vừa cơ động tới A Lia thì gặp địch đổ quân xuống điểm cao 316, sát trận địa pháo của ta ở Làng Sen. Trung đoàn trưởng 88 ra lệnh cho Tiểu đoàn 6 vận động tấn công, bao vây đánh thiệt hại nặng Đại đội 3, Tiểu đoàn biệt động quân 21 diệt 80 tên, bảo vệ an toàn trận địa pháo. Chiều 10-2 quân địch chiếm được Bản Đông. Ta quyết tâm vây đánh không cho chúng tiến lên Sê Pôn. Đêm 11-2, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 88 và Đại đội 9 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 64 phối hợp tập kích Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn dù số 1 ở Bắc Sê Num. Tiếp đó, đến ngày 12-2 Tiểu đoàn 4 (thiếu Đại đội 2) được tăng cường Đại đội 9, Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn 88 tập kích Tiểu đoàn biệt động quân 39 vừa đáp máy bay trực thăng xuống điểm cao 500. Trong 2 trận đánh ở Sê Num và điểm cao 500 ta chỉ tiêu diệt được một số sinh lực địch, hiệu suất chiến đấu thấp. Dù vậy, quân địch sợ hãi phải co cụm lại không dám bung ra lùng sục ngoài căn cứ. 4 giờ sáng ngày 9-2-1971, từ Sở chỉ huy Trung đoàn 24 (Sư 304) - đây là lần đầu tiên Trung đoàn 24 vừa làm nhiệm vụ chốt chiến dịch vừa thực hiện chiến thuật bao vây công kích địch, Trung đoàn trưởng Lê Đắc Long nhận được điện của Tư lệnh trưởng Sư đoàn 308 Nguyễn Hữu An “địch đang tiến vào cầu Ka Ky và điểm cao 351, 311”. Ngay lập tức Trung đoàn trưởng điện qua bộ đàm 2 WPRC25 cho Chính trị viên phó Đại đội 7 Lê Mã Lương đang chỉ huy trung đội chốt chặn điểm cao 351. Vừa triển khai nhiệm vụ cho 3 tiểu đội bộ binh và tiểu đội hỏa lực theo chỉ thị của Trung đoàn trưởng, chưa kịp về vị trí chỉ huy thì cả trận địa chốt C7 của Lê Mã Lương ngập chìm trong khói lửa, tiếng nổ của pháo binh và trọng liên từ trên máy bay trực thăng vũ trang địch. Trong 2 giờ chiến đấu, cán bộ chiến sĩ Đại đội 7 đã đánh lui 5 đợt tiến công của địch, tiêu diệt gần 2 đại đội lính dù và biệt động quân, riêng Lê Mã Lương diệt 14 tên. Ngày 11 và 12-2 tại khu vực cầu KaKy, các đơn vị súng máy cao xạ của Trung đoàn 24, Trung đoàn 102 bắn rơi 30 máy bay lên thẳng của địch. Kẻ thù khiếp đảm khi phải qua “con đường máu lửa” mà chốt cầu Ka Ky 351 do đơn vị anh chốt giữ suốt thời gian chiến dịch mở ra và kết thúc là cửa tử đối với địch khi chúng hành quân lên Bản Đông và khi chúng rút chạy về Khe Sanh. Ngày 11-2-1971, Phùng Quang Thanh-Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Địch dùng 1 đại đội có máy bay yểm trợ, chia làm 2 mũi tấn công chốt. Phùng Quang Thanh chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng, diệt 38 tên, đẩy lùi địch ra xa, riêng Phùng Quang Thanh diệt 8 tên. Hai ngày sau địch lại tiến công lên chốt, Phùng Quang Thanh bị thương, cấp trên cho lui về tuyến sau nhưng anh xin ở lại chiến đấu. Phùng Quang Thanh nhờ đồng đội tháo nắp 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người nhờ y tá băng và treo cánh tay trái cho đỡ vướng rồi dẫn đầu tiểu đội xung phong đánh tạt sườn quân địch, phối hợp đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội địch. Riêng tiểu đội do anh chỉ huy diệt 37 tên, bắt 1 tên, thu 2 súng. Sau trận thắng ở đồi Không Tên, quân địch không dám ra lùng sục dọc đường 16A. Như vậy, sau 5 ngày quân địch liều mạng tiến công, từ ngày 8 đến 13-2-1971, chúng đã bị thiệt hại nặng, nhiều kế hoạch triển khai lực lượng, bị ta phá vỡ, buộc chúng phải hủy bỏ hoặc điều chỉnh, do đó tốc độ tiến quân và các mục tiêu đánh chiếm đạt được rất thấp. Trước tình hình đó, kế hoạch tác chiến của Bộ chỉ huy chiến dịch là kiềm chế địch trên các hướng, đồng thời thực hiện chia cắt đường 9, con đường độc đạo nối thông từ Quảng Trị Việt Nam qua tỉnh Sa-van-na khệt Lào bao vây, cô lập lực lượng tinh nhuệ ở Bản Đông. Chặn lực lượng địch tiến lên Sê Pôn. Nếu quân địch chọc thủng tuyến bao vây, chia cắt để lên được thì lập tức tập trung lực lượng đủ mạnh buộc địch sa lầy và bị tiêu diệt lớn ở đó. Từng bước điều chỉnh lực lượng nhằm triển khai thế trận phản công, toàn chiến dịch. Thực hiện đúng kế hoạch tác chiến ngày 15-2-1971 các đơn vị trên cả ba hướng chiến dịch bắt đầu mở đợt phản công, tiêu diệt địch. Trên hướng chủ yếu, sừng sững điểm cao 500 do Tiểu đoàn số 39 liên đoàn biệt động quân số 1 ngụy chiếm giữ được chọn là mục tiêu “đột phá khẩu”. Đây là điểm cao khống chế có ý nghĩa về chiến thuật nằm sát trục đường 16b, nối đường 16A với Bản Đông. Tiểu đoàn số 39 là tiểu đoàn thiện chiến với trang bị hỏa lực mạnh lại được hỏa lực pháo binh và Không quân Mỹ chi viện. Địch coi đây là một chốt chặn quan trọng trên hướng Bắc. Ý thức được trận đánh điểm cao 500 có ý nghĩa then chốt tác động đến sự phát triển của chiến dịch, vì vậy Bộ tư lệnh Sư đoàn 308 quyết định chọn trung đoàn chủ công 102 do Trung đoàn trưởng Hoàng Ngọc Tý và Chính ủy Nguyễn Hữu Ích chỉ huy thực hiện trận đánh quan trọng này. Từ ngày 16-2-1971 đến ngày 20-2-1971, ta dùng các thủ đoạn chiến thuật vây lấn hỏa lực chế áp, phá hoại các mục tiêu, không quân địch khó khăn trong việc tiếp ứng cho điểm cao 500, vì vậy quân địch chống trả ngày càng yếu ớt. Đến chiều ngày 20-2-1971, quân ta hoàn toàn làm chủ điểm cao 500, tiểu đoàn biệt động quân 39 bị xóa sổ. Thừa thắng, trưa ngày 25-2-1971 được hỏa lực pháo binh chi viện, bộ binh Trung đoàn 64 và xe tăng phối thuộc tấn công vào căn cứ 31. Mặc dù địch tập trung pháo binh và không quân bắn ngăn chặn quyết liệt nhằm chi viện cho lực lượng phản kích, nhưng chiều 25-2 chiến sĩ Trung đoàn 64 đã làm chủ căn cứ 31, tiêu diệt gọn Tiểu đoàn dù 3, Tiểu đoàn pháo binh và sở chỉ huy Lữ đoàn dù số 3, bắt sống viên Đại tá Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ cơ quan tham mưu lữ đoàn. Ngày 26-2-1971, sau khi Lữ đoàn dù số 3 bị tiêu diệt. Địch buộc phải tổ chức lại sư đoàn dù, tổ chức thành 2 lữ đoàn gồm 7 tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn dù có nhiệm vụ trấn giữ Bản Đông, và giải tỏa đường 9 giảm áp lực chia cắt của ta. Như vậy là ở cánh phía Bắc, sau khi đổ quân chiếm các điểm cao, địch đã bị ta vây hãm, ngăn chặn, bị diệt từng đơn vị, buộc địch ở Bản Đông phải cơ động lực lượng lên phản kích cứu nguy nhưng không cứu vãn được tình thế. Cho đến ngày 3-3-1971 ta đã chặn đứng được địch ở Bản Đông không cho địch phát triển lên Sê Pôn bằng lực lượng thê đội 1 chiến dịch, buộc địch phải sử dụng thê đội 2 chiến dịch tiếp tục kế hoạch tiến công lên Sê Pôn với mục tiêu hạn chế. Các lực lượng của ta giữ vững Sê Pôn bảo đảm an toàn tuyến vận chuyển chiến lược bao vây, chia cắt địch đồng thời điều động lực lượng chuẩn bị điều kiện để thực hành phản đột kích lớn tiêu diệt lực lượng chiến dịch của địch. Lực lượng thê đội 1 và cả thê đội 2 chiến dịch của địch đều tổn thất nặng nề. Trong thế quẫn bách, hoang mang, lúng túng, chúng vẫn tiếp tục liều lĩnh đổ quân lên Sê Pôn với mục đích phô trương vớt vát ảnh hưởng về chính trị và nghị binh để rút quân mau lẹ. Vì vậy, địch sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 1 bộ binh, đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống Đông Bắc Sê Pôn, cùng đi sẽ có cả phóng viên báo chí, thông qua đám phóng viên báo chí địch tổ chức một cuộc họp báo để tuyên bố là chiếm được Sê Pôn. Nhưng kế hoạch không thành, do quá khiếp sợ các phóng viên báo chí không dám liều mạng lên Sê Pôn và 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 2, Sư bộ binh 1 ngụy cũng không thể tới được Sê Pôn vì bị quân ta chặn đánh. Trong quá trình ngăn chặn và phá thế tiến công của địch, các lực lượng của ta, đặc biệt là các lực lượng tại chỗ, các chốt chiến dịch đã phát huy tốt tác dụng đánh ngăn chặn, hạ máy bay, diệt cơ giới, nhiều phân đội đánh có hiệu suất cao, các đơn vị B70 và Sư đoàn 324 đã tiêu diệt 1 bộ phận sinh lực địch, ngăn chặn từng bước và chặn đứng được địch ở Bản Đông. Không cho địch thực hiện kế hoạch tiến lên Sê Pôn bằng lực lượng thê đội 1 chiến dịch; phản đột kích mạnh mẽ, bẻ gãy hoàn toàn cánh Bắc của địch, đánh thiệt hại nặng cánh Nam, triển khai được đội hình chiến dịch để hình thành thế bao vây địch vững chắc. 
Thiếu tướng Lê Mã Lương
                                 Cơn uất Hạ Lào - Bùi Đức Lạc: thua ê chề mà cố cãi cùn hoài


Chiến dịch phản công đường 9 Nam Lào (Tiếp theo và hết)

QĐND

Kỳ cuối: Cơn ác mộng của ngụy quân
QĐND - Để chuẩn bị điều kiện đánh đòn tiêu diệt quyết định của chiến dịch, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: Tiêu diệt lực lượng của Sư đoàn bộ binh 1 ở nam đường 9 là nơi địch sơ hở, đồng thời giữ vững Sê Pôn, Na Bo, chia cắt, bao vây và diệt địch ở các điểm cao 550, 532, giữ vững Sa Đi - Mường Noọng. Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh chiến dịch điều Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 lên phía tây nhằm tăng cường giữ Sê Pôn, điều Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 cơ động về phía tây dự bị cho Sư đoàn 2 và dự bị cho hướng Bản Đông, sử dụng Sư đoàn 2 (thiếu Trung đoàn 31) để tiến công tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh địch, sử dụng Sư đoàn 324 (thiếu Trung đoàn 2) tiến công tiêu diệt Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến. Đồng thời, sử dụng 3 trung đoàn: Trung đoàn 2 của Sư đoàn 324, Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308 và Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 để cắt đường 9 đoạn từ Lao Bảo đến Bản Đông, đồng thời đánh địch từ Lao Bảo đến Khe Sanh; Sư đoàn 2 cùng với lực lượng phối thuộc, tăng cường bao vây, tiêu diệt Sư đoàn bộ binh số 1 ngụy; sử dụng Sư đoàn 308 để chuẩn bị tiêu diệt địch ở Bản Đông. Pháo binh chiến dịch được sử dụng tập trung để đánh Bản Đông, Lao Bảo, Khe Sanh. Sau khi điều chỉnh và cơ động lực lượng, ta đã hình thành thế bao vây, chia cắt cô lập địch trên từng khu vực, trong khi ta vẫn giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, sẵn sàng chuẩn bị chuyển sang thực hành tiến công lớn tiêu diệt lực lượng chiến dịch của địch. Ngày 12-3-1971 ta mở đợt 3 chiến dịch thực hiện đòn tiêu diệt lực lượng địch ở Bản Đông. Trung đoàn 102 thực hiện cắt đường 9, trong trận đánh ở điểm cao 311 trung đoàn đã đánh lui 20 đợt phản kích của Lữ dù số 2 diệt 450 tên địch, bắn cháy 65 xe tăng, xe thiết giáp, bắn rơi 3 máy bay. Tại khu vực điểm cao 351, các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 và Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 kiên trì giữ vững trận địa chốt. Như vậy, các điểm chốt chặn của ta tại các điểm cao 311, 334, 351 đã chặn đứng mọi hoạt động tiếp ứng của địch trên đường 9. Sáng ngày 16-3-1971, Sư đoàn 2 - Sư đoàn trưởng là đồng chí Nguyễn Chơn - được tăng cường Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh chiến dịch đánh địch, mục tiêu tiêu diệt là Trung đoàn 1 bộ binh thuộc Sư đoàn 1 ngụy khi chúng bỏ điểm cao 723 chạy về hướng Đông Bắc và lọt vào khu vực ta cài sẵn. Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 141 từ các sườn núi cao đánh dốc xuống kẹp chặt toàn bộ quân địch. Cùng lúc, Tiểu đoàn 40 của Trung đoàn Ba Gia vận động đánh cắt ngang sườn đội hình của quân ngụy đang tháo chạy. Các chiến sĩ ta từ 3 hướng dũng mãnh xung phong vào đội hình đang rối loạn của địch. Trung đội trưởng Lê Văn Phê của Tiểu đoàn 40 dẫn đầu 9 chiến sĩ dùng AK, lưỡi lê, lựu đạn đánh gần diệt 40 tên địch, riêng Phê diệt 26 tên; đến trưa ngày 16 tháng 3, toàn bộ Tiểu đoàn 1 của địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Lực lượng còn lại của Trung đoàn 1 bộ binh ngụy co cụm, phân tuyến để máy bay B52 ném bom vào đội hình quân ta. Sau hai ngày tiến công, Sư đoàn 2 đã tiêu diệt và bắt sống 1.750 địch, diệt gọn Trung đoàn 1 của Sư 1 ngụy; bắn rơi 50 máy bay các loại, thu hàng trăm súng, pháo, cối hạng nặng. Ngày 19-3-1971, sau 7 ngày vận chuyển gạo, đạn phục vụ chiến dịch, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và Chính trị viên tiểu đoàn Trần Xuân Gứng được lệnh cơ động diệt địch ở động Na, Kế Sách, Ba Lào. Đường xa, địa hình phức tạp, bộ đội thấm mệt nhưng với quyết tâm không để địch chạy thoát, toàn tiểu đoàn hành quân thâu đêm để kịp vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tấn công. Chờ xe tăng và thiết giáp địch lọt vào đội hình phục kích của tiểu đoàn trên đường số 9, Nguyễn Huy Hiệu dẫn mũi chủ yếu của tiểu đoàn đánh thẳng vào giữa đoàn xe. Sau 1 giờ chiến đấu, tiểu đoàn diệt gọn 28 xe tăng, thiết giáp, vận tải và tiêu diệt gần 100 tên Mỹ - ngụy. Trên hướng Bản Đông, các Trung đoàn bộ binh 66, 64, 36 có xe tăng, pháo binh, cao xạ phối hợp bao vây, chia cắt cụm cứ điểm Bản Đông. Trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, ngày 18-3-1971 địch bắt đầu rút khỏi Bản Đông trong hoảng hốt, lo sợ, ta lập tức công kích vào toàn bộ khu vực Bản Đông. Sáng ngày 20 tháng 3 ta làm chủ hoàn toàn Bản Đông, diệt 1.762 tên, bắt sống 107 tên, thu và phá hủy 113 xe, 24 khẩu pháo, bắn rơi 52 máy bay. Ở phía đông, ngày 23-3-1971, phối hợp với lực lượng đường 9 Nam Lào, Bộ đội Đặc công B5 đã tập kích địch ở Tà Cơn, tiêu diệt 100 tên giặc lái và nhân viên kỹ thuật, phá hủy 42 máy bay lên thẳng, 6 xe tăng. Một bộ phận lực lượng của ta phát triển đánh vào khu vực Hướng Hóa, Khe Sanh làm cho địch náo loạn, co cụm không dám phản kích. Trong những ngày từ 19 đến 23-3-1971, Bộ tư lệnh chiến dịch chuyển dịch đội hình về phía đông, kết hợp truy kích địch với tác chiến ngăn chặn, lần lượt tiêu diệt địch co cụm ở các khu vực Cha Ky, Huổi San, Lao Bảo, Làng Vây. 16 giờ chiều ngày 22 tháng 3, trong tình thế bị uy hiếp từ nhiều phía, đặc biệt là các điểm chốt dọc đường số 9 do Trung đoàn 24 và Trung đoàn 102 đảm nhiệm đánh địch ngày đêm và giữ vững trận địa không cho quân địch vượt qua; hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, xe vận tải quân sự bị cháy, hỏng dọc các điểm chốt cũng góp phần cản trở, ùn tắc làm cho quân địch không thể cơ động trên đường 9 để về Lao Bảo, Khe Sanh, địch buộc phải vứt bỏ lại toàn bộ xe tăng, pháo cơ giới còn đang nổ máy để vượt qua phía Nam sông Sê-pôn, sông Sê-băng Hiên chạy bộ vào rừng. Do tổ chức hiệp đồng vây chặn phía Nam không chặt, nên có một bộ phận lực lượng quân địch có cả sĩ quan chạy thoát. Ta tổ chức một số đơn vị vượt sông bắt sống được hàng trăm tàn binh. Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh ra đường 9 - Nam Lào của Mỹ - ngụy biến thành một cuộc tháo chạy hỗn loạn. Nhà lý luận quân sự Bri-ên Giên-Kin coi đây là “một thảm họa lớn nhất đã tiêu diệt số lớn sĩ quan trẻ của quân đội Sài Gòn”, rõ ràng là một cơn ác mộng của quân đội ngụy và chính quyền Sài Gòn. Sau 52 ngày diễn biến chiến dịch, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi, ta đã thu được kết quả chiến dịch hết sức to lớn: Loại khỏi vòng chiến đấu 19.960 tên, bắt làm tù binh 1.142 tên; tiêu diệt 3 lữ đoàn, trung đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn; đánh thiệt hại nặng sư đoàn dù, sư đoàn bộ binh 1, đánh thiệt hại sư đoàn thủy quân lục chiến; bắn rơi và phá hỏng 556 máy bay (trong đó 505 máy bay lên thẳng, phá hủy và đánh chìm 43 tàu, sà lan, phá hủy 1.138 xe cơ giới (trong đó có 528 xe tăng và bọc thép). Ta thu được một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh (máy bay, xe tăng, pháo, cối, xe vận tải, các loại đạn...). Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào 1971 đã giáng cho Mỹ - ngụy một đòn thất bại nặng nề về cả quân sự lẫn chính trị, cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, chiến dịch, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc chỉ đạo xây dựng huấn luyện và tác chiến cho lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với thắng lợi to lớn toàn diện, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Vinh quang thuộc về những người con đã xả thân vì Tổ quốc và chính sự hy sinh của những người con ưu tú ấy đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 
 Thiếu tướng Lê Mã Lương
 

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược
29/11/2011 14:44' Gửi bài này In bài này



Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; là thắng lợi của trí tuệ và tài thao lược của Bộ thống soái tối cao. Nói cách khác, đó là thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược sắc sảo, độc lập tự chủ và sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Chiến tranh là sự thử thách lớn nhất đối với một dân tộc, một quốc gia. Vì thế, cuộc đọ sức quyết liệt không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn diễn ra căng thẳng, gay gắt từng giờ, từng phút ở các cấp chỉ huy, trước hết là ở cấp chiến lược, bộ tham mưu đầu não của hai bên. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là một trong những minh chứng về tài thao lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, từ sự lường định tình hình, phán đoán đúng âm mưu và ý đồ hành động của địch, nắm bắt những động thái chiến lược của chúng, quyết tâm tổ chức chiến dịch phản công, đến việc kiên quyết tập trung lực lượng, phát huy sức mạnh vật chất, tinh thần của cả tiền tuyến và hậu phương, bảo đảm cho chiến trường đánh thắng.


1. Sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, vừa tiến hành các cuộc hành quân “bình định cấp tốc” ở miền Nam, vừa đánh phá ác liệt tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta, ngăn chặn nguồn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho các chiến trường. Trước sự phản công quyết liệt của địch, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của ta bị tổn thất nặng nề; các đơn vị vũ trang bị đánh bật khỏi đô thị, vùng ven, vùng đồng bằng; một số phải rút qua bên kia biên giới hoặc về đứng chân  ở Nam Quân khu 4. Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là giai đoạn cách mạng miền Nam đứng trước thử thách cực kỳ gay gắt. Song, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta đã bình tĩnh tìm hiểu, lợi dụng và khoét sâu những sai lầm của địch trong bước chuyển chiến lược, chỉ đạo các đảng bộ miền Nam, lực lượng vũ trang và nhân dân từng bước khôi phục lại thế và lực trên chiến trường, nắm lại quyền chủ động chiến lược; đồng thời, khẩn trương khôi phục kinh tế miền Bắc, tiếp tục chi viện sức người, sức của cho miền Nam, tập trung nâng cao một bước sức mạnh của lực lượng vũ trang, đặc biệt là nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực.


Tháng 1-1970, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 18 (khóa III) nhận định: tình hình sẽ diễn biến phức tạp ở Campuchia, đường hành lang vận chuyển chi viện cho Nam Bộ và một phần Khu 5 có thể bị cắt đứt, gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ quốc tế là tăng cường chi viện cho cách mạng Lào, góp phần cùng quân và dân Lào đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ ở Lào. Đặc biệt, sau khi quân Mỹ và quân đội Sài Gòn mở cuộc tiến công xâm lược Campuchia, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết nêu rõ: “Mỹ và tay sai sẽ tiếp tục việc chuyển hướng chiến lược trên chiến trường miền Nam nước ta, từng bước rút một lực lượng lớn quân Mỹ, đồng thời để một bộ phận  quân Mỹ, nhất là không quân và hậu cần làm chỗ dựa để thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”(2). Trên cơ sở đánh giá chính xác âm mưu, quy luật hoạt động của địch trong năm 1969 và đầu năm 1970 trên chiến trường, Bộ Chính trị nhận định: địch sẽ tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới trong thời gian tiếp theo, đồng thời dự đoán chính xác phương hướng tiến công chiến lược của chúng trong mùa khô 1970-1971 sẽ là tuyến vận tải chiến lược của ta ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, thực hiện biện pháp được gọi là “cuộc chiến tranh bóp nghẹt” nhằm ngăn chặn tận gốc con đường chi viện của ta cho chiến trường miền Nam. Về đối tượng tác chiến, Bộ Chính trị cũng cho rằng, trong khuôn khổ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” thì trong các cuộc hành quân có tính chất phản công chiến lược của địch, lực lượng nòng cốt chủ yếu là quân đội Sài Gòn có sự chi viện mạnh về hỏa lực, phương tiện cơ động và một bộ phận quân Mỹ bảo đảm phía sau.


Thực tế diễn biến tình hình trong năm 1970 chứng tỏ Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã bắt mạch đúng âm mưu và chủ trương chiến lược của địch. Đế quốc Mỹ đã bị thất bại nặng nề, buộc phải xuống thang từng bước, không thể duy trì cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô lớn trong một thời gian dài. Tuy nhiên, do bản chất ngoan cố, nên mỗi bước xuống thang chiến tranh, địch lại tăng cường nỗ lực chính trị, quân sự và ngoại giao hòng giành thế mạnh trên chiến trường để tạo điều kiện “xuống thang” chiến tranh trên thế mạnh, giúp Mỹ rút ra trong danh dự. Chính vì vậy, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị cho các lực lượng trên toàn tuyến vận chuyển chiến lược chuẩn bị tổ chức chiến trường, đặc biệt là hướng Đường số 9, sẵn sàng đánh bại quân địch khi chúng liều lĩnh đánh ra vòng ngoài. Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Binh đoàn 70, binh đoàn chiến lược đầu tiên của quân đội ta, có nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch khi chúng tiến công ra Nam Quân khu 4; đồng thời sẵn sàng phối hợp với các đơn vị tại chỗ thuộc B4, B5 và Đoàn vận tải chiến lược 559 đánh địch trên hướng Đường số 9.


Đúng như dự đoán của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1971, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh chương trình bình định ở miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tăng cường chuẩn bị và tiến hành các cuộc hành quân quy mô lớn sang Lào và Campuchia(3) bằng lực lượng quân đội tay sai mà nòng cốt là quân đội Sài Gòn có sự hỗ trợ của quân Mỹ, nhằm triệt phá tuyến hành lang vận chuyển và hậu phương chiến lược trực tiếp của ta. Mặc dù, trước khi tiến hành cuộc hành quân “Lam Sơn 719”, quân Mỹ và quân Sài Gòn đã tiến hành nghi binh trên cả ba hướng: Tây Nguyên, Đường số 9 và Nam Quân khu 4, nhưng do ta nắm chắc được ý đồ chiến lược thực sự của địch là đánh phá tận gốc tuyến vận tải chiến lược, nên đã sớm xác định hướng tiến công chủ yếu sẽ là Đường 9 - Nam Lào và khẩn trương chuẩn bị khá toàn diện cho chiến dịch phản công quan trọng này.


Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào khu vực Đường 9 - Nam Lào là một trong những cuộc hành quân có quy mô lớn nhất của địch và cũng là sai lầm chiến lược của chúng trong quá trình thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trên cơ sở phân tích tình hình chung trên toàn chiến trường cũng như trên từng khu vực, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cho rằng, sai lầm của địch bắt nguồn từ bản chất ngoan cố, phiêu lưu, mạo hiểm, là hậu quả một chuỗi sai lầm chiến lược từ trước của Mỹ và nằm trong sai lầm của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Những sai lầm đó là:


Thứ nhất, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã đánh giá sai khả năng của ta, cho rằng, sau Tết Mậu thân năm 1968, ở miền Nam, lực lượng ta đã suy yếu không đủ sức mở các cuộc tiến công lớn; mặt khác, đánh ra Đường 9, chủ lực ở miền Bắc khó có điều kiện tập trung và cơ động kịp thời đến khu vực tác chiến. Đặc biệt, địch đánh giá thấp sức chiến đấu của lực lượng tại chỗ, sức cơ động và khả năng đánh hiệp đồng binh chủng của lực lượng chủ lực ta.


Thứ hai, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đánh giá quá cao sức mạnh của lực lượng tổng dự bị của quân đội Sài Gòn như các đơn vị dù, thủy quân lục chiến với sự chi viện về hỏa lực của không quân, pháo binh của Mỹ.


Thứ ba, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc hành quân vào một chiến trường mà ta đã có tổ chức chuẩn bị, có điều kiện để tiếp thu sự chi viện của miền Bắc và sử dụng lực lượng chủ lực với quy mô lớn.


Thứ tư, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc tiến công sang Lào bằng lực lượng lớn, đòi hỏi phải có thời gian chuẩn bị cả về dư luận, về lực lượng, phương tiện nên mất yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện cho ta có thời gian chuẩn bị chiến dịch.


Từ nhận định đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đánh giá đúng tầm quan trọng  của chiến dịch phản công của ta và coi việc địch đưa lực lượng ra khu vực Đường 9 - Nam Lào là một cơ hội hết sức thuận lợi để ta tiêu diệt chúng. Do vậy, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thực sự “là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược, không những để giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược mà còn nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch trong lúc tinh thần của chúng đang suy sụp, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, đẩy mạnh cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ, giải phóng miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa yêu quý, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang”(4). Vì vậy, “Quyết tâm  của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào và Campuchia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai”(5).


2. Cuối tháng 1-1971, khi địch bắt đầu điều động và triển khai lực lượng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trên cơ sở theo dõi chặt chẽ mọi động thái của địch, diễn biến tình hình chiến trường, đã kịp thời hạ quyết tâm: nhất thiết phải đánh thắng trận này, dù phải động viên sức người, sức của như thế nào, dù phải hy sinh như thế nào cũng phải quyết tâm đánh thắng, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược.


Có thể nói, quyết tâm chiến lược được đề ra dựa trên cơ sở phán đoán đúng âm mưu của địch, thấy rõ sai lầm của chúng, đánh giá đúng tình hình tương quan lực lượng hai bên. Để thực hiện quyết tâm đó, ta đã kiên quyết tập trung một bộ phận quan trọng binh lực trên cả hai miền, đặc biệt sử dụng gần hết lực lượng chủ lực cơ động và một bộ phận chủ lực ở miền Nam, với nhiều binh chủng kỹ thuật tham gia chiến dịch. Đồng thời, Quân ủy Trung ương đã kịp thời thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường số 9, tăng cường cho Mặt trận nhiều cán bộ lãnh đạo và chỉ huy có kinh nghiệm và trong một thời gian ngắn đã huy động một khối lượng lớn vật chất bảo đảm cho chiến dịch. Ngày 9-2-1971, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị “Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho chiến dịch X”(6). Chỉ thị của Quân ủy Trung ương yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải “ra sức động viên chính trị, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên nhận rõ tình hình, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng, yêu cầu của chiến dịch, quyết thắng thật cao, động viên khí thế chiến đấu thật sôi sục, thật bền bỉ, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, khơi sâu lòng căm thù giặc, có quyết tâm hy sinh chiến đấu, cống hiến lớn nhất cho dân tộc. Bất kể tình huống nào chúng ta cũng phải đánh thắng”(7). 


Ngay từ khi quyết định mở chiến dịch, Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương đã đề ra chủ trương hết sức cụ thể: Về mục tiêu chiến dịch: tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, phá hủy, thu vũ khí trang bị, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược; Về hướng phản công chủ yếu: khu vực Đường số 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông; Về phương châm tác chiến: kết hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng chủ lực cơ động đánh bại tập đoàn tiến công của địch. Các vấn đề trên được thể hiện trong quyết tâm và kế hoạch thống nhất, nhằm mục tiêu chiến lược là đánh một đòn nặng vào lực lượng dự bị chiến lược tinh nhuệ của quân đội Sài Gòn - lực lượng nòng cốt trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.


Trong quá trình triển khai chiến dịch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo hết sức tập trung. Thường vụ Quân ủy Trung ương họp hằng ngày, Quân ủy họp mỗi khi có tình hình chuyển biến phức tạp và mọi quyết định đều được báo cáo với Bộ Chính trị. Trên thực tế, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo xử lý các tình huống nảy sinh trong chiến dịch. Chẳng hạn, sau những thắng lợi của ta trong giai đoạn đầu chiến dịch, Quân ủy Trung ương đã kịp thời ra chỉ thị, trong đó nêu rõ: “tuy địch đã thất bại bước đầu ngoài dự tính, nhưng với bản chất ngoan cố và còn lực lượng, nên qua mấy ngày lúng túng, chúng đang điều động thêm lực lượng với ý đồ củng cố trận địa Bản Đông thành một bàn đạp tương đối vững, đồng thời dùng lực lượng mới, thay đổi thủ đoạn tác chiến, cố gắng tiếp tục cuộc hành quân hòng vớt vát về chính trị... Tình huống cơ bản là cuộc chiến đấu có thể diễn ra quyết liệt trong một thời gian tương đối dài; chúng ta phải sẵn sàng đánh địch và thắng địch; đồng thời sẵn sàng tiêu diệt địch trong trường hợp chúng buộc phải rút sớm trước những thất bại mới”(8)... Được sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời điều động lực lượng, tổ chức sẵn sàng đánh địch theo hai phương án: địch ngoan cố kéo dài cuộc hành quân và rút sớm, tránh bị tiêu diệt hoàn toàn. Chính vì vậy, sau khi bị thất bại nặng nề trên các hướng, địch có biểu hiện rút chạy, các lực lượng ta đã nhanh chóng bao vây, ngăn chặn, tiêu diệt, làm tan rã tập đoàn tiến công chủ yếu của địch trên khu vực Bản Đông, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.


3. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào thắng lợi đã để những bài học kinh nghiệm sâu sắc về tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược.


Một là, trong chiến tranh, khi cục diện chiến trường ở vào thế giằng co, địch có những biểu hiện lúng túng về chiến lược, thì mặc dù lực lượng của ta còn hạn chế, để tạo ra bước ngoặt quyết định, cần kịp thời và kiên quyết tập trung nỗ lực cao độ cả về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; cả về sử dụng lực lượng cũng như vũ khí, phương tiện và bảo đảm hậu cần cho các hoạt động tác chiến có ý nghĩa chiến lược. Chỉ có như vậy mới tạo ra chuyển biến lớn về thế và lực, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một giai đoạn mới.


Hai là, chiến tranh là sự thử thách lớn, toàn diện và liên tục; là cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai bên tham chiến. Mỗi lần địch thay đổi chiến lược và biện pháp chiến tranh là một lần khó khăn, thử thách lớn đối với ta. Để vượt qua những thử thách trong chiến tranh, ta phải tập trung công sức, trí tuệ, lực lượng để giành và giữ vững quyền chủ động trong mọi tình huống. Trong thực tiễn chỉ đạo, ta đã tập trung lực lượng chủ lực lớn nhất có thể tập trung được và đã huy động đến mức cao nhất nhân lực, vật lực của cả tiền tuyến và hậu phương. Đặc biệt, để bảo đảm chắc thắng trong trận mở đầu và cho toàn chiến dịch, ta đã kịp thời và nhanh chóng cơ động lực lượng lớn chủ lực đến địa bàn chiến dịch, tạo so sánh lực lượng có lợi cho ta, bảo đảm thắng lợi cho chiến dịch.


Ba là, trong chiến tranh, chiến dịch chịu sự chỉ đạo của chiến lược, thực hiện nhiệm vụ của chiến lược. Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đúng sẽ tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch. Vấn đề đặt ra trước hết trong chỉ đạo chiến lược là phải trên cơ sở phân tích tình hình, nhận rõ những sai lầm, mạnh yếu của địch, khoét sâu những sai lầm chiến lược của chúng, quyết tâm mở chiến dịch quyết chiến chiến lược.


Thực tế lịch sử chiến tranh cho thấy, một nước nhỏ chống lại chiến tranh xâm lược của nước lớn, một quân đội ít hơn địch về số lượng, yếu hơn địch về vũ khí trang bị, để đánh thắng, phải có nghệ thuật chỉ đạo chiến lược cao hơn địch, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân đánh giặc, của nhân tố chính trị tinh thần và nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang; phải giữ vững và phát huy quyền chủ động trên chiến trường, điều được địch và buộc địch phải đánh theo cách của ta. Điều đó khẳng định, ta thắng Mỹ không phải chỉ bằng sự hy sinh, lòng dũng cảm mà trước hết là bằng bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.


Có thể nói, thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của chủ trương đúng đắn, nghệ thuật chỉ đạo sắc sảo, cách đánh thích hợp và có hiệu quả.   Thắng lợi to lớn và toàn diện của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào cho thấy mối quan hệ giữa cách đánh và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược có vị trí rất quan trọng. Cách đánh sáng tạo được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao có thể làm thay đổi nhanh chóng tình thế, thay đổi  cục diện chiến trường, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Những bài học về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong sự nghiệp xây dựng quân đội ta tiến lên chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. 
           




(1) Điện của Quân ủy Trung ương số 036 năm 1971, dẫn theo: Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1987, tr.4

(2) Dẫn theo tài liệu số 218/Tg, ngày 26-6-1971, lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng tham mưu
(3) Cuộc hành quân “Toàn thắng 1-71-NB” với quy mô trên 30 tiểu đoàn đánh từ Tây Ninh, Lộc Ninh (Việt Nam) sang Công Pông Chàm, Crachê (Đông Bắc Campuchia); Cuộc “Hành quân Lam Sơn 719”, với lực lượng 34 tiểu đoàn đánh vào khu vực Đường số 9 - Nam Lào; Cuộc hành quân từ bắc Công Tum (Việt Nam) ra hướng ngã ba Biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia
(4) Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Dẫn theo tài liệu: Một số nhận xét bước đầu về thắng lợi của ta trên mặt trận Đường 9, số 029/VP-QƯ, ngày 25-3-1971, Lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông QUTƯ, Hồ sơ số 725
(5) Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 9-2-1971. Dẫn theo tài liệu: Một số nhận xét bước đầu về thắng lợi của ta trên mặt trận Đường 9, số 029/VP-QƯ, ngày 25-3-1971, Lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông QUTƯ, Hồ sơ số 725
(6) Chỉ thị số 009 QU-TƯ/A, lưu K4 Bộ Quốc phòng, phông QUTƯ, hồ sơ số 713 (Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào mang mật danh “Chiến dịch X”)

(7) Tài liệu đã dẫn, hồ sơ số 713
(8) Chỉ thị số 012/QU-T Ư/A ngày 2-3- 1971, lưu K4 Bộ Quốc phòng phông QUTƯ,  hồ sơ số 174
Trung tướng Nguyễn Thành CungỦy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét