Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI /6 (Phạm Quỳnh)

(ĐC sưu tầm trên NET)
AI GIẾT HỌC GIẢ PHẠM QUỲNH ?
Phạm Tôn,  ngày 03 tháng 10, 2009


Phạm Quỳnh
Phamquynh.jpg
Chức vụ
Nhiệm kỳ 1932 – 1945
Tiền nhiệm Nguyễn Hữu Bài
Kế nhiệm Trần Trọng Kim
Thông tin chung
Sinh 17 tháng 12, 1892
Hà Nội, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất 6 tháng 9, 1945 (52 tuổi)
Thừa Thiên, Trung Bộ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trường Trường Bưởi
Dân tộc Kinh
Vợ Lê Thị Vân (1892-1953)
Con cái Phạm Giao
Phạm Thị Giá
Phạm Thị Thức
Phạm Bích
Phạm Thị Hảo
Phạm Thị Ngoạn
Phạm Khuê
Phạm Thị Hoàn
Phạm Tuyên
Phạm Thị Diễm (Giễm)
Phạm Thị Lệ
Phạm Tuân
Phạm Thị Viên.
---------------------------------------------------------------------

Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh



Hình ảnh của Chung quanh cái chết của Phạm Quỳnh

Sau khi gia đình Ngô Đình Diệm tìm được ngôi mộ chôn chung Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân và Phạm Quỳnh ở khu rừng Hắc Thú, gần Hiền Sĩ, thuộc tỉnh Quảng Trị (1956) thì báo chí Sài Gòn trước 1975, báo chí tiếng Việt ở hải ngoại thỉnh thoảng khơi lại cái chết của Phạm Quỳnh với những dụng ý khác nhau. Chẳng hạn, tháng 5/1999, bốn tờ báo Thế kỷ 21, Người Việt, Ngày nay, Xây dựng phối hợp tổ chức Ngày Phạm Quỳnh ở California.


Người tường thuật cho biết: "Giới truyền thông xoáy mạnh vào ký ức của gia đình trong thời điểm học giả Phạm Quỳnh bị Việt Minh bắt đi và sau đó thủ tiêu vào năm 1945, đã gợi lại mối xúc cảm thương tâm của những người con, nhiều câu trả lời đã nghẹn ngào cùng với tiếng khóc cố nén lại" (1).
Gần đây, báo chí trong nước cũng có một số bài khơi lại vấn đề này, có một vài bài đi theo “một hướng mới” hoặc cố phát hiện “những uẩn khúc” trong cuộc đời Phạm Quỳnh, hoặc ra sức “chiêu tuyết” cho Phạm Quỳnh là “người nặng lòng với nước”.
Trong bài này, chúng tôi xin góp một ít tư liệu liên quan đến cái chết của Phạm Quỳnh, mong làm rõ nguyên do, hoàn cảnh diễn ra sự việc đó, nhằm tạo cơ sở cho việc nhận định nhân cách chính trị và hoạt động học thuật của ông.
Tại sao năm 1945 Phạm Quỳnh lại bị bắt?
Trên tạp chí Xưa và Nay, số 267 (tháng 9/2006), Phạm Tôn viết: “Qua nửa năm làm Thượng thư kiêm Ngự tiền văn phòng, chín năm làm Thượng thư Bộ Học và gần ba năm làm Thượng thư Bộ Lại, sau đảo chính Nhật ngày 9/3/1945, Phạm Quỳnh thanh thản từ nhiệm, về sống ẩn dật tại biệt thự Hoa Đường bên bờ con sông nhỏ An Cựu... Ông lặng lẽ chuẩn bị trở lại với hoạt động Văn học (phần chữ in nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh - N.V.H), dịch và chú giải 51 bài thơ Đỗ Phủ, bắt đầu viết tập Kiến văn cảm tưởng: Hoa đường tuỳ bút" (2).
Phạm Trọng Nhân, trong lời tựa cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tậpDi cảo in ở Paris năm 1992, cũng đã viết: “Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Cuốn sử sang trang. Việt Nam tuyên bố độc lập. Phạm Quỳnh xin về hưu trí, sống đời ẩn dật nơi biệt thự Hoa đường bên bờ sông đào Phủ Cam hiền hậu, hài hoà. Ông ôm ấp hoài bão trở lại với sinh hoạt văn chương đã bị gián đoạn tạm thời vì số mạng. Ông khởi viết một số bài, gom dưới đề Kiến văn cảm tưởng, trong đó mặc nhiên và tế nhị ký thác cả một tâm sự phong phú và đa dạng của một nhà văn phong nhã hào hoa, lạc lõng nơi bể hoạn sinh bất phùng thời” (3).
Thanh Lãng trong bài Trường hợp Phạm Quỳnh, viết để phản bác lại những luận điểm của Nguyễn Văn Trung phê phán Phạm Quỳnh trong cuộc diễn thuyết Văn học và chính trị - Một quan điểm mới về cuộc tranh luận Phạm Quỳnh - Ngô Đức Kế qua Truyện Kiều tại trường Quốc gia Âm nhạc, Sài Gòn ngày 7/10/1962, đã viết: “Làm sao hiểu được tâm sự của Phạm Quỳnh. Thực là khó khăn! Tuy nhiên, thái độ có vẻ chán chính trị, được bộc lộ qua thái độ sống rút lui, ẩn dật trên bờ sông An Cựu hình như biện minh phần nào cho Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh lúc ấy không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, không chạy theo thực dân Pháp, không theo một phe phái cách mạng nào mà cũng chẳng gia nhập Mặt trận Việt Minh” (4).
Nhà báo Xuân Ba trong bài Những uẩn khúc trong cuộc đời ông Chủ bút Nam Phong, đăng liền trên ba số Tiền Phong Chủ Nhật (10/2005) cũng nhấn mạnh theo Phạm Trọng Nhân: Sau ngày 9/3/1945 Phạm Quỳnh “xin về hưu trí, sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam hiền hoà. Ông ôm hoài bão trở lại với văn chương!” (5).
Tóm lại, theo Phạm Tôn, Phạm Trọng Nhân, Thanh Lãng, Xuân Ba thì từ sau đảo chính Nhật ngày 9/3/1945, Phạm Quỳnh đã dứt khoát rời bỏ chính trường, an nhiên ngâm bài Quy khứ lai từ, trở lại vui thú bút nghiên!
Ngay bản thân Phạm Quỳnh cũng tuyên bố như thế. Sau ngày đảo chính Nhật, có một nhà báo lặn lội từ Hà Nội vào Huế, bằng đủ loại phương tiện giao thông: xe lửa, xe hơi, đi thuyền, xe kéo và cả đi bộ, để đến biệt thự Hoa Đường ở An Cựu, phỏng vấn Phạm Quỳnh.
Hỏi: Chúng tôi muốn biết rồi đây cụ có hoạt động về chính trị nữa không, hay trở về với văn học giới?
Đáp: Suốt một đời tôi đã phụng sự cho văn học thì ngày nay không vì lẽ gì tôi lại không muốn trở lại cái đời cầm bút đã bị một thời gian bỏ dở (6).
Hơn thế nữa, trong cuốn truyện có tính chất hồi ký nhan đề Những con đường phản kháng, con rể Phạm Quỳnh là Nguyễn Tiến Lãng đã báo cho vợ (bà Phạm Thị Ngoạn): “Sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945 cờ mới (tức cờ đỏ sao vàng - N.V.H. chú) đã được treo trước cửa nhà.
Khi thức dậy cha nói với người bồi phòng: Nếu trẻ con phải cầm cờ đi mít tinh, anh đi mua cho chúng. Sau bữa ăn, tất cả thanh niên con cháu bồi bếp đều đi mít tính, chỉ có cha và anh ở nhà với đàn bà con gái" (7).
Như vậy, vào sáng ngày 23/8/1945, ngày nhân dân thành phố Huế mít tinh, khởi nghĩa cướp chính quyền, gia đình Phạm Quỳnh cũng đã tỏ thái độ quy phục cách mạng, tại sao đến 14 giờ chiều hôm ấy Phạm Quỳnh lại bị bắt?
Trong bài báo mà chúng tôi đã trích dẫn ở đầu bài này, Phạm Tôn, để chứng minh Phạm Quỳnh là “người nặng lòng với nước” đã dùng lại tư liệu và lập luận của Nguyễn Phúc Bửu Tập trong Ngày Phạm Quỳnh ở California, Mỹ. Theo Nguyễn Phúc Bửu Tập thì Phạm Quỳnh, về văn hoá, có một địa vị siêu đẳng trong nền văn học nước ta; về chính trị, thật xứng đáng được xếp ngang hàng với các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh để gọi là Chí sĩ Phạm Quỳnh, Chiến sĩ ái quốc Phạm Quỳnh.
Cả hai người - Nguyễn Phúc Bửu Tập và Phạm Tôn - để chứng minh “tấm lòng son” của Phạm Quỳnh đều dẫn ra bản báo cáo mật của Haelewyn, Khâm sứ Trung Kỳ, gửi cho Toàn quyền Đông Dương Decoux, tố cáo Phạm Quỳnh đã trách cứ Pháp trưng dụng lúa gạo để cung ứng cho Nhật và vẫn kiên trì đòi Pháp trả quyền cai trị Bắc Kỳ cho Nam Triều, nhưng cả hai đều bỏ qua ý kiến này trong bản mật báo “Phạm Quỳnh sẽ có thể trở thành kẻ đối địch bất khả quy của chúng ta nếu như một khi ông ta bị lôi cuốn bởi lời hứa hẹn của Nhật Bản cho một chủ thuyết Đại Đông Á" (8).
Lời cảnh báo này chứng tỏ bộ máy mật thám Trung kỳ của Pháp rất thính, đã tiên đoán ra khả năng thay đổi thái độ chính trị của Phạm Quỳnh, một khi Nhật thắng thế và bây giờ - sau đảo chính Nhật ngày 9/3/1945 - khả năng đó đang trở thành hiện thực.
Trong cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tậpDi cảo do gia đình Phạm Quỳnh xuất bản ở Paris năm 1992, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Phạm Quỳnh (1892-1992). (Phạm Thị Hoàn, người con thứ tám của Phạm Quỳnh giữ bản quyền, người cháu là Phạm Trọng Nhân đề tựa), mở đầu phần Di cảo (tức Hoa Đường tuỳ bút) đã viết: “Chúng tôi cho in lại trọn vẹn phần Di cảo này, coi như một sử liệu tốt cho những ai muốn nghiên cứu về Phạm Quỳnh sau này” .
Nói như thế nhưng không làm đúng như thế!
Cuối năm 1982, trong một chuyến tôi sang Paris công tác, tại phòng làm việc của giáo sư Pierre - Bernard Lafont, Chủ nhiệm Trung tâm Lịch sử và Văn minh bán đảo Đông Dương của trường Cao học thực hành thuộc Đại học Sorbonne, đã giới thiệu tôi với bà Phạm Thị Ngoạn.
P.B. Lafont là giáo sư hướng dẫn bà Phạm Thị Ngoạn làm luận án Tìm hiểu Tạp chí Nam Phong (1917-1934) (9). Trong luận án này, bà Ngoạn đã giới thiệu lại đầy đủ danh mục các bài trong Di cảo: Bài thứ nhất, nhan đề Thế thái nhân tình; bài thứ 11, bài cuối cùng, nhan đề Cô Kiều với tôi;... nhưng bài thứ 6, nhan đề Chuyện một đêm một ngày (9-10 tháng 3 năm 1945) là bài cố ý bị bỏ quên, không được in lại trong cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tậpDi cảo.
Tuy nhiên, năm 1973 ở Sài Gòn Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã được bà Phạm Thị Hảo, người con thứ năm của Phạm Quỳnh, cho mượn và chụp lại một bản. Theo Nguyễn Văn Trung trong bài này “Phạm Quỳnh kể lại vụ đảo chính Nhật 9/3 ở Huế và người ta thấy Phạm Quỳnh là nhân vật chính mà Nhật tìm đến để liên lạc, đề nghị thương thảo để thuyết phục nhà vua cộng tác với Nhật" (10).
Về việc này còn có một nhân chứng khác. Trong hồi ký Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc, Phạm Khắc Hoè, nguyên Chánh văn phòng của Bảo Đại cho biết: “Sáng ngày 10/3/1945, tôi đi vào Đại Nội làm việc như thường lệ, đến cửa Thượng Tứ thì bị lính Nhật chặn lại và dẫn đến trước mặt một viên quan Nhật. Viên quan này thấy ông đeo bài ngà Ngự tiền văn phòng Tổng lý thì chào một cách kính cẩn và nói bằng tiếng Pháp: “Quân đội Thiên hoàng chỉ truất quyền của thực dân Pháp thôi, chứ không đụng chạm gì đến Nam Triều, còn lệnh thiết quân luật thì đến 6 giờ sáng mai mới hết.”, sau đó viên quan Nhật thân dẫn ông Hoè về đến tận nhà!
Sáng hôm sau, 7 giờ, ông Hoè vào điện Kiến Trung, nơi Bảo Đại ở và làm việc. Một lính thị vệ chạy lại: “Dạ bẩm, Hoàng đế chưa tánh (chưa dậy) còn các cụ Cơ mật đã vào chầu Đức Từ (mẹ Bảo Đại)”. Ông Hoè vào cung Diên Thọ, thấy sáu vị thượng thư đang đàm luận sôi nổi với bà Từ Cung về thú đánh mạt chược! Thấy ông Hoè, bà ấy nói mát:
- Hôm nay ông Tổng lý mới vào à!
Ông Hoè thanh minh: - Tâu, từ tờ mờ sáng hôm qua, chúng tôi đi đến cửa Thượng tứ thì bị lính Nhật chặn lại và cho biết đến sáng nay mới hết giờ thiết quân luật!
Bà Từ Cung bắt bẻ: - Quân luật là đối với người thường, chứ đâu đối với các ông. Chứng cớ là hôm qua ông Lại vẫn vào chầu được!
Ông Hoè hỏi nhỏ một anh thị vệ: - Hôm qua cụ Lại vào chầu lúc mấy giờ?
- Dạ bẩm, cụ Lại vào lúc hơn 10 giờ, đi cùng một ông Nhật chắc là quan to lắm!
Sau đó Hội đồng Cơ mật họp. Bảo Đại bảo: “Thầy Lại bắt đầu đi!”
Phạm Quỳnh nói: - Nhờ quân đội Thiên Hoàng, nước ta đã được độc lập. Hôm qua quan Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Yokohama đã vào chầu Hoàng đế, tâu bày nhã ý của Chính phủ Nhật, sẵn sàng công nhận nền độc lập của nước ta. Hôm nay, Hội đồng Cơ mật họp, thông qua bản “Tuyên bố độc lập”; để cho gọn việc, chúng tôi đã trộm phép dự thảo bản đó. Nói xong, Phạm Quỳnh trịnh trọng đọc bản tuyên bố bằng tiếng Việt và bản dịch chữ Hán (11).
Phạm Quỳnh bị bắt chiều ngày 23/8/1945 thì sáng 29/8/1945, một nhóm sáu sĩ quan Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, tự xưng là “Phái bộ Đồng minh”. Trong lúc Phan Tử Lăng, Chỉ huy trưởng còn đi thỉnh thị cấp trên thì nhóm Thanh niên tiền tuyến tức tối về thái độ láo xược của bọn Pháp, đã bất ngờ tấn công bắt gọn. Theo tài liệu thu được thì nhóm sĩ quan này có nhiệm vụ liên lạc với các quan lại bản xứ để lập lại chủ quyền của Pháp ở Đông Dương.
Gần một tuần sau, các báo ở Hà Nội đã đưa tin này để tố cáo âm mưu xâm lược của Pháp. Lê Thiệu Huy, con cụ Lê Thước, một đội viên Thanh niên tiền tuyến, hàng ngày học tiếng Anh qua đài BBC, cho biết: đài BBC cũng đưa tin này.
Mười ngày sau, một đơn vị lính Pháp khác lại tìm cách đổ bộ vào cửa biển Thuận An, để thực hiện nhiệm vụ giống như nhóm nhảy dù xuống Hiền Sĩ.
Tóm lại, việc quân Nhật và Phạm Quỳnh âm mưu liên lạc, cấu kết với nhau là nguyên do đầu tiên đưa đến việc Phạm Quỳnh bị bắt giữ. Sau đó, việc quân Pháp tìm cách trở lại Huế, thực hiện âm mưu tái chiếm Đông Dương của Chính phủ De Gaulle lại khẳng định sự đúng đắn và cần thiết của việc bắt giữ đó.
Diễn biến sự việc ở Hiền Sĩ
Đầu năm 1962, Viện Văn học trình lên cấp trên dự kiến kế hoạch kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du vào năm 1965. Cuối năm đó, Văn phòng ông Tố Hữu chuyển đến Viện một bản tiểu luận, 91 trang đánh máy, nhan đề Trách nhiệm và giá trị Nguyễn Du về Truyện Kiều.
Ban lãnh đạo Viện Văn học đã cử tôi đi gặp tác giả Tôn Quang Phiệt. Tôi biết ông Tôn Quang Phiệt trước Cách mạng là Hiệu trưởng Trường Thuận Hoá (Huế), hoạt động Việt Minh ở Huế, sau Cách mạng làm Chủ tịch uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên, nên tôi đã hỏi ông về vụ Phạm Quỳnh bị bắt ở Huế năm 1945.
Ông cho biết: Ngày 14 tháng 8 năm 1945 Nhật tuyên bố đầu hàng nhưng lúc đó ở Huế còn gần năm ngàn lính Nhật chưa bị tước vũ khí. Có tin báo: chúng đang liên lạc với Phạm Quỳnh... Nhằm mục đích ngăn chặn, trưa ngày 23/8/1945, Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Trung bộ Trần Hữu Dực ra lệnh bắt khẩn cấp Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi... đem về giam ở nhà lao Thừa Phủ. Một tên hiến binh Nhật đến đập cửa nhà lao đòi vào thăm “bạn”, ta từ chối, chúng lại tìm cách đột nhập nhà lao bằng cổng sau nhưng lại bị ngăn chặn. Chính phủ Trung ương chỉ thị đưa ngay nhóm bị bắt ra Hà Nội. Vì xe chật nên Nguyễn Tiến Lãng bị bỏ lại. Biết tin, hiến binh Nhật cho xe đuổi theo. Đến Hiền Sĩ chúng đuổi gần kịp. Tổ áp giải bất ngờ cho xe rẽ vào rừng. Bọn Nhật mất mục tiêu, rất tức tối, chúng bắn chết hai người ăn xin đang nấu cơm ở chợ rồi quay về Huế.
Gần đây, cuốn Trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945, đã cung cấp hồi ức của nhiều nhân chứng về các sự kiện xảy ra ở Huế, trước và sau Tổng khởi nghĩa, nhưng để hiểu cụ thể hơn, tôi đã tìm gặp ông Đặng Văn Việt, Trưởng Ban liên lạc cựu học sinh trường Thanh niên tiền tuyến Huế - 1945.
Ông giới thiệu với tôi về trường Thanh niên tiền tuyến. Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật không có bộ Quốc phòng mà chỉ có bộ Thanh niên. Bấy giờ Đại học Đông Dương ở Hà Nội đóng cửa, nhiều sinh viên miền Trung rủ nhau về Huế. Đặng Văn Việt, quê ở Nghệ An nhưng là cựu học sinh trường Khải Định nên cũng vui bầu vui bạn về Huế.
Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng bộ Thanh niên và Giáo sư Tạ Quang Bửu, lãnh đạo tổ chức Hướng đạo sinh, Đặc uỷ viên của Bộ Thanh niên, liền tổ chức Trường Thanh niên tiền tuyến, gồm 43 học viên. Ban đầu trong số này đã có 5 người gia nhập Việt Minh, dần dần tất cả đều “Việt Minh hoá” và trở thành một lực lượng tự vệ vũ trang của Uỷ ban Khởi nghĩa ở Huế . Đặng Văn Việt nói: “Thanh niên tiền tuyến như một con dao pha được huy động ở mọi nơi cần thiết”. Ngày 23/8/1945, Đặng Văn Việt và Cao Pha được phái đi bắt cha con Ngô Đình Khôi – Ngô Đình Huân. Phan Hàm và Võ Quang Hồ đi bắt Phạm Quỳnh và Nguyễn Tiến Lãng.
 
Trong hồi ức Những ngày giành chính quyền ở Huế, Phan Hàm, về sau là Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, mất năm 2004, đã kể lại việc đi bắt Phạm Quỳnh như sau: "Chúng tôi đi một chiếc Jeep, vào ngay giữa sân, gặp Nguyễn Tiến Lãng bước ra. Ông Lãng đoán biết, bỏ chạy. Tôi bắn theo một phát, súng không nổ, thật hú vía cho cả người bắn và người bị bắn. Chúng tôi đưa những người bị bắt về lao Thừa Phủ”.(12)
Bà Phạm Thị Hoàn, người chứng kiến, cũng đã kể lại vụ việc này. (13)
Gần đây, tôi đã hai lần đến gặp ông Hoàng Ngọc Diêu tại nhà riêng của ông ở Hà Nội. Năm nay, ông Diêu 83 tuổi. Năm 1986, ông được phong hàm trung tướng, làm Tổng cục trưởng Hàng không dân dụng Việt Nam, về hưu năm 1990. Năm 1945, khi xe của nhóm Phạm Quỳnh bị kẹt lại ở Hiền Sĩ thì ông đang công tác tại đây, làm Uỷ viên Chấp hành Việt Minh kiêm Bí thư Thanh niên cứu quốc huyện Phong Điền. Lúc đầu nhóm Phạm Quỳnh bị giam ở Lò Tràm đang bỏ hoang (tức một xưởng ép lá tràm lấy dầu) (14). Khi có toán sĩ quan Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ thì tỉnh chỉ thị “di chuyển ngay nhóm bị bắt”.
Sau đó, ông Diêu được điều về Huế làm Đội trưởng một đội cảm tử, nên không biết những việc cuối cùng xảy ra ở Hiền Sĩ với nhóm bị bắt trong bối cảnh tình hình giữa ta và Pháp ngày càng căng thẳng, nhưng ông có được xem phiên toà xử Nguyễn Tiến Lãng ở Đại Nội, Huế. Ông còn nhớ Nguyễn Tiến Lãng đã tự bào chữa, đại ý nói: nước mất tôi cũng đi tìm thuốc nhưng lại gặp phải liều thuốc độc!
Xin nói thêm về Nguyễn Tiến Lãng, bị kết án 8 năm tù, sau được giảm án và được Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Khu trưởng Khu IV bảo lãnh, đưa về làm công việc sửa bản in thử cho tờ báo địch vận bằng tiếng Pháp của Liên khu tại một xưởng in, đặt trong chiến khu Như Xuân (Thanh Hoá), về sau được điều về dạy tiếng Pháp, rồi làm Trưởng ban Giáo dục của trường Thiếu sinh quân Liên khu IV.
Cùng thời gian này, từ 1949 đến 1951, tôi học Trung học chuyên khoa rồi ở lại làm cán bộ của trường Thiếu sinh quân. Trong không khí đoàn kết, cởi mở của trường hồi đó Nguyễn Tiến Lãng không hề bị phân biệt đối xử. Về phần ông, tận tâm với học sinh, cố gắng chịu đựng gian khổ, luôn giữ quan hệ tốt với nhân dân nơi đóng quân. Học sinh Thiếu sinh quân có nhiều cảm tình với “Thầy Lãng”.
Trong thời gian này, tôi hay trò chuyện, trao đổi ý kiến với ông, từ vụ ông bị bắt ở Huế đến Tạp chí Nam Phong và Phạm Quỳnh. Có vài ý kiến ông nói hồi đó, tôi không hiểu rõ lắm nhưng cũng không tiện hỏi thêm, chẳng hạn, theo ông, Phạm Quỳnh là một người rất kín đáo và khó hiểu, ông thú nhận là không thể hiểu nổi Phạm Quỳnh; thứ hai trong chuyến xe đi Hà Nội, sở dĩ ông bị bỏ lại vì ông là người ít quan trọng nhất!
Hồi đó tôi đã nghĩ: So với Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi thì đúng là Nguyễn Tiến Lãng ít quan trọng hơn, nhưng so với Ngô Đình Huân thì tại sao một người đã kế tục Phạm Quỳnh làm Chủ bút Nam Phong, đã làm quan Thừa Thiên Phủ doãn như Nguyễn Tiến Lãng lại ít quan trọng hơn?
Về sau đọc các sách báo, chẳng hạn cuốn Con Rồng Việt Nam của Bảo Đại (16), tôi mới biết đích xác Ngô Đình Huân hồi đó là bí thư của Đại sứ Nhật bản Yokohama tại Đông Dương.
Trong thời gian ở trường Thiếu sinh quân, Nguyễn Tiến Lãng đã được về phép, thăm quê (Vân Đình, Hà Đông) hai lần. Lần thứ nhất vào hè 1950, ông đi đến nơi về đến chốn và còn mua làm quà tặng cho học sinh một bản nhạc trữ tình lành mạnh, mà đến nay một số Thiếu sinh quân đã lên tuổi 70 vẫn còn nhớ và hát lại được. Lần thứ hai về phép vào hè 1951, ông đã “dinh tê” vào Hà Nội, rồi sang Pháp và mất ở Paris năm 1976.
Xin có vài lời kết thúc: Tháng 7 năm 2008 tỉnh Hà Tĩnh tổ chức kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh nhà Chí Sĩ yêu nước Ngô Đức Kế. Tôi có bản tham luận Nhà Chí Sĩ Ngô Đức Kế, từ tù nhân Côn Đảo đến một nhà báo (17). Đề cập đến Ngô Đức Kế, Chủ bút Tạp chí Hữu Thanh, tôi không thể không nói đến Phạm Quỳnh, Chủ bút Tạp chí Nam Phong, trong “vụ đụng độ” về Truyện Kiều năm 1924, từ đó tôi không thể không khẳng định “ngòi bút Đổng Hồ” của Ngô Đức Kế là ở phía chính nghĩa dân tộc còn ngòi bút của Phạm Quỳnh là ở phía ngược lại. Một bạn đồng nghiệp, giáo sư Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi đọc bản tham luận của tôi, đã hỏi:
- Nếu như năm 1945, chiếc xe chở Phạm Quỳnh ra Hà Nội được trót lọt, rồi ông sẽ cộng tác với Chính phủ Cụ Hồ như cựu đồng liêu Bùi Bằng Đoàn của ông thì đến nay, chúng ta nói về ông có khác không?
Thảo luận lịch sử trên cơ sở chữ nếu thì thật là thiếu căn cứ, đối với lịch sử thì tốt hơn là hãy tìm hiểu xem tại sao một sự kiện đã xảy ra như thế! Cách mạng đã chìa tay ra với Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam, Ngô Đình Diệm... nhưng rút cục họ có đi với Cách mạng đâu! Dù sao câu hỏi trên vẫn làm tôi nhớ lại câu chuyện sau đây: Một hôm Hồ Chủ tịch đã hỏi một nhà báo: “- Này, sao cứ mỗi lần kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thì báo, đài lại đưa “Cụ Phan” ra mà réo?”. Nhà báo của chúng ta hơi ngớ ra, vì trong trí nhớ thường trực của ông thì chỉ có hai “Cụ Phan”, đó là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Nhưng Hồ Chủ tịch đã nói tiếp: “- Cụ Phan nay đã ở trong Chính phủ, trong Mặt trận Tổ quốc, có đóng góp rất quý. Các chú phải bảo nhau viết lách sao cho có lý, có tình!”.
Thì ra Hồ Chủ tịch nói về Phó Thủ tướng Phan Kế Toại. (18)
Tôi có đọc được ở đâu đó một câu cách ngôn - hình như của La mã - đại ý khuyên rằng: đối với người đã khuất thì tốt nhất là đừng đụng chạm đến, nếu bất đắc dĩ phải nói đến thì tốt nhất chỉ nên ca ngợi. Tinh thần câu cách ngôn này cũng gần gũi với câu tục ngữ quen thuộc của nhân dân ta: “Nghĩa tử là nghĩa tận". Tôi tiếp nhận hàm nghĩa của hai lời khuyên này - theo nghĩa rộng - là khi nói về người đã chết thì phải hết sức thận trọng, phải hết sức khách quan và trung thực, không được vì một động cơ cá nhân nào mà cố ý nói sai sự thật, dù theo hướng tô hồng hay bôi đen; hơn nữa, cần nhớ rằng: trong lĩnh vực lịch sử và khoa học xã hội nói chung, dù có thiện chí, cũng rất khó nắm bắt được chân lý chính xác trăm phần trăm. Trên tinh thần đó, tôi thành thật mong nhận được sự giám định và bổ sung tư liệu của đông đảo bạn đọc.

(1)
Cam Vũ, Ngày Phạm Quỳnh, Tạp chí Thế kỷ 21, California, số 122, tháng 6/1999.
(2)
Phạm Tôn, Người nặng lòng với nước, Tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội, số 267 tháng 2/2006.
(3)
Phạm Trọng Nhân, Tựa cuốn Phạm Quỳnh - Tuyển tập và Di cảo, Paris, An Tiêm, 1992, tr.13.
(4)
Thanh Lãng, Trường hợp Phạm Quỳnh, Tạp chí Văn học, Sài Gòn, số 3, 4, 5 , 6, tháng 1-4/1963.
(5)
Xuân Ba, Những uẩn khúc trong cuộc đời ông Chủ bút Nam Phong, Tiền Phong Chủ Nhật, Hà Nội, số 44, 45, 46, tháng 10-11/2005.
(6)
Nguyễn Văn An, báo Tin điện ngày 23/3/1952 in lại trong Phạm Quỳnh - Tuyển tập và Di cảo, đã dẫn, tr.400.
(7)
Nguyễn Tiến Lãng, Les chemins de la révolte, Nxb, Amiot - Dumont, Paris, 1953, tr.22.
(8)
Nguyễn Phúc Bửu Tập trong bài Tư tưởng chính trị của Phạm Quỳnh, Tạp chí Thế kỷ 21, California, số 122, tháng 6/1999.
(9)
Phạm Thị Ngoạn, Introduction au Nam Phong (1917-1934) đăng Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Sài Gòn, số 2 và 3 năm 1973.
(10)
Nguyễn Văn Trung, Trường hợp Phạm Quỳnh, Nam Sơn, Sài Gòn, 1975, tr.194.
(11)
Phạm Khắc Hoè, Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc. Nxb Hà Nội, 1983 (lược thuật các tr.10-15).
(12)
Phan Hàm, Những ngày giành chính quyền ở Huế trong cuốn Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945, Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2008, tr.124.
(13)
Phạm Thị Hoàn, Thầy tôi, Tạp chí Thế kỷ 21, California, số 122 tháng 6/1999.
(14)
Trong luận án, bà Phạm Thị Ngoạn viết: “Les deux Ngô Đình et Phạm Quỳnh furent gardés au secret dans un pressoir abandonné aux environs de Hiền Sĩ” là rất chính xác. Thái Vũ, trong bài Về cái chết của ông Chủ bút Tạp chí Nam Phong, (Tiền Phong số 51, 18/12/2005) nghi vấn về chữ “pressoir” là không đúng.
(15)
Nhật Hoa Khanh, Phạm Quỳnh và bản án tử hình đối với ông, Tạp chí Xưa và Nay, Hà Nội, số 269, 10/2006.
(16)
Bảo Đại “Con Rồng Việt Nam”, bản dịch của Nguyễn Phước Tộc, Paris, 1990 (đoạn nói về thời gian 1945-1946 Bảo Đại ở Hà Nội).
(17)
Nguyễn Văn Hoàn, Nhà Chí Sĩ Ngô Đức Kế, từ tù nhân Côn Đảo đến một nhà báo, đăng Tạp chí Văn hoá Nghệ An, Vinh, số 128-129, tháng 7/2008, và Tạp chí Nghiên cứu Văn học, Hà Nội, số 9 năm 2008.
(18)
Lê Việt Thảo, Một vài kỷ niệm trong những năm tháng làm phóng viên phục vụ Hồ Chủ tịch, Hồn Việt tập 6, Hà Nội, Nxb Văn học, 2007, tr. 220.

Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh

23 Tháng Tám 2012 10:11 SA
Đặng Minh Phương

Bookmark and Share

Hình ảnh của Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh
Thi sĩ Tản Đà: Không thương nước mà viết lời ái quốc thì không lừa gạt được ai


Ông Phạm Quỳnh biện luận nhiều về yêu nước, quốc hồn, quốc túy nhưng ông đã cúc cung phục vụ bọn thống trị Pháp, nhân cách của ông bị người cùng thời rất coi khinh. Năm 1927, thi sĩ Tản Đà viết trên Đông Pháp Thời Báo, số 641 bài Người làm văn, người đọc thấy rất tương đồng với con người ông Phạm Quỳnh:
"Về sự viết văn, chúng ta nên phải tế tâm, mà về cách lập thân chúng ta lại càng nên phải trì thủ. Vì cái tâm lý của các độc giả trong xã hội đối với một bài văn khinh trọng có ít mà đối với người viết bài thời khinh trọng nhiều hơn.
Nay ví như có một bài văn hay, đăng ở một tờ báo không biết là của ai, thời xã hội cứ biết ở văn mà không có thiên khinh thiên trọng, nếu như nghe biết bài văn ấy là của một bậc vĩ nhân, một nhà đạo đức như cụ Phan Sào Nam, cụ Phan Tây Hồ, thời bài ấy lại có giá trị thêm, lại nếu như nghe bài biết bài văn là của một người xưa nay vô phẩm hạnh, hoặc mại quốc bất lương, thời bao nhiêu cái hay trong bài văn còn chăng có ít vậy.
Trước mắt chúng ta đây, tưởng đã thấy có người, học vấn hơn chúng, tài năng hơn chúng, mà chỉ vì cách lập thân ám muội không minh bạch ra bao nhiêu những văn chương của người ấy viết ra đó, hay hay dở, chúng cũng coi bằng thừa. Đó tuy là cái bụng không công bằng của người xem văn mà cũng là cái luật tự nhiên của xã hội.
Và cứ chính lý mà nói, tự mình không thương nước mà viết ra những lời ái quốc, tự mình vô phẩm hạnh mà viết ra những giọng luân thường, vậy thời để lừa gạt ai. Dẫu có lừa gạt được ai chăng, ắt cũng có ngày bại lộ vậy. Nguy lắm thay mà sợ lắm thay. Cho nên các bạn làng văn trong báo giới đã không những phải tế tâm về sự viết văn mà lại còn phải trì thủ về bên hạnh kiểm".

Cụ Ngô Đức Kế, cụ Huỳnh Thúc Kháng vạch trần âm mưu của Phạm Quỳnh
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), thực hiện âm mưu của đế quốc Pháp, Phạm Quỳnh ra sức tán dương Truyện Kiều nhằm đánh lạc hướng đấu tranh cho độc lập dân tộc của thanh niên và trí thức Việt Nam, hòng đưa họ vào thưởng thức văn chương thuần túy. Nhận thấy nguy cơ, cụ Ngô Đức Kế viết bài Chánh học cùng tà thuyết đăng trên báo Hữu Thanh ngày 1/4/1924, vạch trần âm mưu của Phạm Quỳnh.
Bài của cụ Ngô được dư luận nhiệt liệt tán dương. Phạm Quỳnh không dám cãi lại mặc dù trong tay ông ta có tờ báo Nam Phong được thực dân Pháp đỡ đầu. Mãi đến năm 1930, nhân trả lời ông Phan Khôi về câu chuyện Học phiệt, ông Phạm Quỳnh mới nói đến bài báo của cụ Ngô Đức Kế và cho đó là “câu chuyện cá nhân, câu chuyện quyền lợi, không quan hệ đến học vấn, tư tưởng gì cả”.
pic
Ông Phạm Quỳnh
Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết bài Chánh học và tà thuyết có phải là quan hệ chung không, vạch trần Phạm Quỳnh đã “buông lời thô bỉ như là ‘hàng thịt nguýt hàng cá’, ‘thỏa lòng ác cảm’ v.v… bôi lọ đến danh dự một người chí sĩ đã qua đời. Những lời nói trên mà xuất phát từ một người văn sĩ xằng nào thì không đáng trách, song từ lỗ miệng và ngòi bút một người tân nhân vật, nghiễm nhiên tự nhận cái gánh gây dựng một nền văn hóa mới cho nước nhà, lại chủ trương một cái cơ quan ngôn luận mười mấy năm nay, mà có lời thô lỗ tỏ cái tâm sự hiềm riêng mà nói xấu cho một người thiên cổ thì không thể bỏ qua được…
Về cái sự bác Kiều mà ông Quỳnh không trả lời lâu nay, tấm lòng phục thiện của ông rõ là thái độ quân tử. Phải như ông Phan Khôi hỏi điều ấy mà ông Phạm Quỳnh cho là chuyện cũ, chỉ lược giải mấy câu, không nói phạm tới danh dự người chí sĩ đã qua đời thì cái lòng minh quang lỗi lạc của nhà học giả, người thức giả ai mà chẳng kính phục thêm.
Nay cứ như bức thư của ông trên thì rõ cái mối thù riêng hiềm vặt đối với chuyện công kích ấy chất chứa trong trái tim ông, đã bảy tám năm nay, nhân ông Phan Khôi khêu mối mà ông kéo rây ra, toàn bức thư ông không chỗ nào gãi ngứa vào bài Chánh học cùng tà thuyết kia mà chỉ những lời nhạo báng. Cái lối mặc oán ấy là tâm lý gì?
Độc giả thử xem bài Chánh học của ông Ngô cùng bức thư Học phiệt của ông Quỳnh mà so sánh thì đủ rõ ai là kẻ có lòng ác tâm riêng”…
Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã làm năm bài thơ liên hoàn dưới đầu đề Phong trào học Kiều nhằm chĩa vào Phạm Quỳnh và những người đua đèo theo mà quên nhiệm vụ cứu nước, nói đến Kiều nhưng thực chất là châm biếm hành động và tư cách xấu của Phạm Quỳnh:
Á cũ qua rồi mới chửa Âu?
Học Kiều xúm xít bọn mày râu
Đã mang thân thế nương nhà thổ
Còn trách cha ông vụng kiếp tu
Một khúc đoạn trường khêu lửa đục
Mấy dây bạc mệnh chác hơi sầu
Biết chăng hỏi cụ Tiên Điền vậy
Muôn ác tà dâm ấy sự đâu!
Muôn ác tà dâm ấy sự đâu!
Tình đâu đâu  mà hiếu đâu đâu?
Theo trai, gác xó lời cha mẹ
Làm đĩ, đành thân kiếp ngựa trâu.
Nghiêng nước trận cười gương mấy kiếp,
Đắm người bể sắc tội ngàn thu.
Tiên Điền cụ nghĩ mua vui vậy
Biết nỗi người sau dại thế ru?
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là tác giả bài Ông Táo mà người cho là làm để ám chỉ Phạm Quỳnh:
Cục đất ngày xưa có khác nào
Ngày nay ông Táo chức quyền cao
Khéo mang mặt nhọ vênh vang  thế
Chẳng hổ lưng cong khúm núm sao?(1)
Ba bữa giữ ngày cho địa chủ
Quanh năm kiếm chuyện mách thiên tào(2)
Một mai đất lại hoàn ra đất
Cái đẫy xôi chè giá đáng bao!
Khi Phạm Quỳnh từ Hà Nội vào Huế làm thượng thư Bộ Học, không còn dưới quyền cai trị trực tiếp của Thống sứ Bắc Kỳ, mà vòng tay phục Nam triều, có tác giả khuyết danh đã làm bài thơ Phạm Quỳnh (in trong Tập Thơ văn trào phúng Việt Nam do Vũ Ngọc Khánh sưu tầm) như sau:
Phạm Quỳnh Bộ Học phải không bay
Mả phát Nam Phong đã đến ngày
Mắc búa nhà Nho còn méo miệng(3)
Lọt vành chú Thống khéo khoanh tay.

Nhà văn Hoàng Đạo: “Đi về thôi, đi về, ông Phạm Quỳnh!”
Về việc ông Phạm Quỳnh định sang Pháp “đòi” hay “xin” thực dân Pháp thực hiện hòa ước 1884 (hòa ước mà triều đình Huế đã ký chịu đầu hàng Pháp), báo Ngày Nay (Hà Nội) ngày 26/8/1939 viết:
“Trong bảy năm ông làm một cột trụ của triều đình Huế, lương cao, bổng hậu, ông đã không làm được một mảy may cho dân, cho nước, và mới đây, công việc ông định làm là sang Pháp xin trở lại hiệp ước năm 1884 và sát nhập Bắc Kỳ dưới triều đình Huế - thật là một việc thất sách và vụng về hết chỗ nói…
Dân đất Bắc như ông Phạm Quỳnh nói cũng muốn lắm có một ‘tổ quốc để mà thờ’ nhưng tổ quốc ấy phải là tổ quốc hiện thực, chứ đòi về một thứ tổ quốc ‘bố vờ’ lại mất hết những thứ hiện có thì ôi thôi, chúng tôi xin bái ngoảnh ông Phạm Quỳnh lẫn công ty của ông và cả mũ cánh chuồn của ông nữa”.
Cũng trên báo Ngày Nay ấy, ông Hoàng Đạo với bài: Đi về thôi, đi về, ông Phạm Quỳnh! đã viết:
“…Tướng công ao ước một nước Nam tự trị, đặt dưới quyền thống trị của vua nhưng thực quyền là ở trong tay nghị viện do dân bầu lên. Nghĩa là tướng công hồi đó mến một chủ nghĩa dân chủ…, bỗng thanh vân gặp bước, phút chốc bỏ cán bút nhà ngôn luận, mặc áo trào, đội mũ cánh chuồn, nghiễm nhiên trở nên một trụ cột quan trọng nhất của Nam triều…
Thế rồi, bảy năm đã qua, bảy năm, một khoảng thời gian khá dài, đủ cho một nhà chính trị có tài như ông nêu lên cho bàn dân thiên hạ biết những kết quả tốt đẹp cuộc thí nghiệm to tát của tướng công… nhưng kết quả thế nào? Sự thật bắt chúng tôi buồn rầu trả lời rằng, kết quả cuộc thí nghiệm của tướng công là hư vô.
Trung Kỳ là nơi dân được hưởng ít tự do nhất, nơi dân thất học nhiều nhất, nơi dân được hưởng ít công lý nhất, cuộc thí nghiệm của tướng công đã hoàn toàn thất bại. Đâu là hiến pháp, đâu là dân quyền ở trong Trung? Vậy mà tướng công còn muốn lùi rộng biên giới phòng thí nghiệm của tướng công ra khắp Bắc Kỳ ư?...
Trong bảy năm, tướng công chỉ là một cái bù nhìn đáng thương. Cho nên, vì tướng công, ngu dân chúng tôi kêu lên: ‘Về đi thôi, từ chức đi thôi, ông Phạm Quỳnh!’. Nếu không, chúng tôi sẽ bắt buộc công nhận rằng những lời nói tốt đẹp xưa của tướng công về dân quyền, hiến pháp chỉ là lời nói phỉnh phờ một lát, nhà chính trị Phạm Quỳnh lúc lên được ngôi cao, vợ con sang, bổng lộc nhiều, cần phải quên đi như ta bỏ rơi chiếc áo tơi không dùng nữa”.
(Còn tiếp)

Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh (tt)

18 Tháng Chín 2012 10:55 SA
Đặng Minh Phương

Bookmark and Share


Hình ảnh của Người cùng thời với Phạm Quỳnh nói về Phạm Quỳnh (tt)




Bảo Đại: “Pháp đặt Phạm Quỳnh bên cạnh tôi là họ được bảo đảm rồi”
Sau thời gian học ở Pháp, trở về nước ngồi trên ngôi vua bù nhìn, theo sự sắp xếp của thực dân Pháp, ngày 2/5/1933, ông Bảo Đại ra chỉ dụ cải tổ bộ máy quan lại Nam triều, thay các ông thượng thư già bằng các ông trí thức Tây học trẻ.
Ông Bảo Đại viết trong hồi ký Con rồng An Nam (Nguyễn Phước tộc xuất bản, 1990) như sau: “Cụ Charles đã ở bên tôi hơn một năm. Cụ đã nhận được chỉ thị của chính phủ Pháp để hướng dẫn tôi... Chính cụ Charles gợi ý tôi nên thay cụ Bài [Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư Bộ Lại] bằng Phạm Quỳnh…
“Rất thành thực, ông ta [Phạm Quỳnh] trình bày lập trường của ông ta rất phù hợp với tôi. Tôi liền bổ ông ta vào chức Tổng lý Ngự tiền Văn  phòng, hàm Thượng thư”. [Sau Phạm Quỳnh leo lên chức Thượng thư Bộ Học, rồi Bộ Lại – đứng đầu các bộ].
Trong hồi ký của mình, ông Bảo Đại cũng thừa nhận mình không có quyền lực gì. Ông viết: “… Tôi đóng vai trò bình phong, làm phỗng đá, để cho các quan lại cai trị của họ [Pháp] tha hồ làm mưa làm gió. Họ cùng đặt ở các địa vị then chốt những bọn tay sai dễ bảo, bọn trung thành tuyệt đối. Họ đặt cạnh tôi Phạm Quỳnh, như vậy là họ được bảo đảm rồi”.
Về việc này, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện viết trong sách Việt Nam – một thiên lịch sử (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2007) như sau: “Vua Bảo Đại sống ở Pháp được đưa về Huế để cải cách nền quân chủ. Người ta [Pháp] bố trí cho ông ta một công chức trung thành với chính quyền thực dân là ông Phạm Quỳnh giữ chức Ngự tiền Văn phòng”.

Ngô Tất Tố: Không phải đánh bốc, đánh bài Tây đấy
Thời thuộc Pháp, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh bày trò tranh luận nhau về hai thuyết bảo hộ và trực trị để làm tiền. Nhà văn Ngô Tất Tố với bút danh Thục Điểu viết bài Không phải đánh bốc, đánh bài Tây đấy vạch trần thủ đoạn của Quỳnh-Vĩnh đăng trên báo Đông Phương số 391 ngày 26/3/1931 như sau:
“Chuyện này tuy cũ mà còn mới, cũng nên để độc giả ai chưa nghe thì nghe. Vẽ ra là tự báo Ami du Peuple(1) .
Một số báo vào khoảng cuối tháng hai Tây thì phải, báo Ami du Peuple có in cái hình hai nhà văn sĩ đánh bốc với nhau, trong cái hình này, một bên có chữ Phạm Quỳnh, một bên có chữ Nguyễn Văn Vĩnh. Lấy ý mà đoán, có lẽ cái hình ấy bạn đồng nghiệp Tây muốn mô tả việc bất bình ở giữa ông Vĩnh và ông Quỳnh.
Mà có thế thật, cứ bề ngoài mà xét, thì hai ông “nên dân” (dân biểu) này từ khi sắp bầu nghị trưởng mà đi, thường thường có sự xích mích với nhau; rồi đến khi bàn việc cải cách, mỗi ông lại giữ mỗi ý.
Bởi có bức vẽ đó mới rồi trên Thực Nghiệp Dân Báo… ông Hủ Tân bác cái ý của Ami du Peuple lấy cớ rằng, hai ông này là bạn nối khố với nhau, lẽ nào lại chống chọi nhau thế. Rồi đến ông Đồ Gàn lại phản đối cái thuyết của ông Hủ Tân, nói quyết là hai ông Quỳnh, Vĩnh có đánh bốc thật.
Đồ Gàn tiên sinh viện lẽ rằng đánh bốc không phải sự thù hằn, đánh nhau đấy nhưng xong cuộc lại bắt tay nhau, ông Quỳnh và ông Vĩnh tuy trước kia có phân rẽ nhau về hai thuyết bảo hộ và trực trị, chẳng qua để thử lòng người đó thôi, bây giờ đã thấy hai thuyết ấy gần nhau rồi. Như vậy thì mục đích của hai ông này cũng như mục đích của hai người đánh bốc. Mấy ông đoán đều sai tất cả.
Ông Hủ Tân bảo hai ông Quỳnh, Vĩnh không đánh bốc đành là không biết rõ hai ông ấy, nhưng ông Đồ Gàn bảo hai ông ấy đánh bốc thật cũng không phải! Bởi vì đánh bốc tuy không phải là sự thù hằn, không phải là sự chí định làm hại nhau nhưng cũng phải đánh thật; người thua bốc lắm khi nguy hiểm, ta chẳng thấy có người bị đấm mà nằm chết lặng cả đi đó sao?
Ông Vĩnh và ông Quỳnh là bực khôn trẻ nỏ ra khi nào lại chơi kiểu dại dột ấy. Cứ ý mình tưởng thì hai ông Vĩnh, Quỳnh hồi này cũng có đánh chác nhưng không phải đánh bốc, các ông ấy đánh bài Tây đấy!
Ai chưa biết đánh bài Tây thế nào cứ đi ra đầu Hàng Ngang hay là các nơi đình đám hội hè mà khảo cứu.
Một chị đàn bà ngồi trong làm “cái”, miệng hát tay “tráo” ba quân ít xỳ, để cho hàng xứ đến đánh, đánh trúng “bài người” thì được, đánh phải “bài hoa” thì thua. Nhưng cứ một mình chị này thì chẳng ma nào dám đánh với, vì người ta biết rằng đánh với chị ấy tất thua. Bởi vậy lại phải có một chị đàn bà khác ngồi ngoài làm “con”, cởi ruột tượng mà đánh, đánh một cách hăng hái sát phạt, thiên hạ thấy vậy ngõi mắt đánh theo, lắm người phải dốc túi với các chị. Tối đến, chị “cái” chị “con” đổ tiền làm một. Trừ vốn đi còn được bao nhiêu chia nhau.
Ấy cái lối đánh bài Tây nó thế”.

Tú Mỡ: Phong dao mới “Nam Hải dị nhân”
Ông Nguyễn Văn Vĩnh xướng lên thuyết Trực trị, ông Phạm Quỳnh xướng lên thuyết Lập hiến. Hai ông cãi nhau trên báo một dạo. Sau ông Quỳnh bỏ Hà Nội vô Kinh làm trong Bộ Giáo dục. Trên báo Phong Hóa, dưới đề mục “Dòng nước ngược”, nhà thơ Tú Mỡ đã viết bài thơ châm biếm Nam Hải dị nhân:
Nước Nam có hai người tài
Thứ nhất sừ Vĩnh, thứ hai sừ Quỳnh.
Một sừ béo núc rung rinh,
Một sừ lểu đểu như hình cò hương.
Không vốn liếng, chẳng ruộng nương,
Chỉ đem dư luận bán buôn làm giàu.
Bây giờ đang xỉa xói nhau
Người cầu Lập hiến, kẻ câu Trực quyền:
“Thưa các ngài, thực vi tiên
Muốn xem chúng đấu, quẳng tiền vào đây!”
*
Sừ Quỳnh xưa bụng còn vơi
Đăng đàn diễn thuyết những lời thiết tha
Núi Nùng, sông Nhị, tỉnh Hà
Như còn văng vẳng tiếng nhà nho Tây
Sừ Quỳnh nay bụng đã đầy,
Kể đã lâu ngày lặng tiếng im hơi.
Trí tri, Khai trí, đôi nơi
Vắng bóng con người tràng cảnh đại thanh.
*
Trong làng vận động thể thao
Có môn nhảy hố, nhảy cao, nhảy dài
Lắm anh nhảy cũng đã tài
Nhưng chẳng mấy người đáng mặt quán quân
Tỉnh Hà có một văn nhân
Người thời cà khẳng mà chân nhảy tài
Uốn mình, cất cánh, vươn vai
Nhảy một cái dài vô tới tận Kinh
Ấy nhà vận động trứ danh.

Phạm Quỳnh bị sinh viên Hà Nội tát tai
Giáo sư Đặng Thai Mai, trong hồi ký của ông (NXB Văn Học) đã viết về đám tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh như sau:
“Cụ Phan Châu Trinh về nước vào lúc cụ tuổi già, sức yếu, đau nặng, rồi mất. Từ Nam ra Bắc, ngày tạ thế của cụ Tây Hồ đã được đồng bào toàn quốc cảm thấy như là một ngày quốc tang, báo chí ba kỳ đăng tin, các cụ Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế ngỏ lời thương tiếc, lễ truy điệu đã được tiến hành ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế cũng như ở nhiều thành phố khác.
Lớp thanh niên trí thức trong khi tổ chức lễ truy điệu, cảm động suy nghĩ đến tấm gương trong sáng của một cuộc đời trung thành với Tổ quốc. Sinh viên các trường cao đẳng cũng như học sinh nhiều trường trung học đã tổ chức lễ truy điệu… Duy chỉ có Phạm Quỳnh thì vẫn cận thị.
Chủ bút Nam Phong mấy ngày hôm sau đã viết một bài trên tờ báo của người Pháp France – Indochine trong đó có câu thóa mạ bần tiện cho rằng đây chỉ là một nhóm người đang “khai thác một cái xác chết”. Vô phúc. Chiều hôm sau, hai cậu sinh viên đi qua phố Hàng Gai thì thấy Phạm Quỳnh từ nhà in Lê Văn Phúc bước ra, sắp ngồi lên chiếc xe nhà. Họ níu ngay xe lại và nói vào mặt: “Tiên sinh kính trắng”. Tác giả bài báo giục người kéo xe chạy. Một cái tát. Đôi cặp kính rơi xuống xe, nhưng tiên sinh đã nhặt lại đôi mục kỉnh, măn măn đôi gọng lắp lên đôi mắt mờ và tẩu thoát”.
Về việc Phạm Quỳnh bị thanh niên sinh viên Hà Nội khinh ghét, còn có một sự việc như sau:
Trong bài Báo Đông Tây tiến công vào báo Nam Phong, nhà báo Thép Mới dẫn lời Tế Xuyên, viết: “Hồi năm 1930 có ký giả Pháp nổi tiếng là Pierre Mille(2) ghé qua Hà Nội có phỏng vấn Phạm Quỳnh về thanh niên Việt Nam.
Phạm Quỳnh vốn có ác cảm với thanh niên mà ông coi là ngỗ ngược, Phạm Quỳnh đã từng viết ủng hộ công khai dùng vũ lực đàn áp cách mạng: “Thiểu số ngoan cố tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật; bạo lực không thuộc quyền chúng tôi nên chúng tôi tin cậy nhà cầm quyền [Pháp] biết sử dụng vì lợi ích chung, đàn áp thật mạnh nhưng cũng thật đúng”.
Căm ghét thanh niên nên ông Phạm Quỳnh đã trả lời Pierre Mille, chê đám thanh niên Việt Nam là những bộ óc trống rỗng, không cội rễ. Sau khi bài trả lời đăng lên báo Pháp, Hoàng Tích Chu trích đăng ngay vào báo Đông Tây, kêu gọi thanh niên bày tỏ ý kiến với lời mạt sát của chủ bút Nam Phong.
“Hoàng Tích Chu – Tế Xuyên viết tiếp – đã không tính đến khía cạnh chính trị của vấn đề. Anh đã động đến Louis Marty, người che chở cho Nam Phong. Hoàng Tích Chu chưa nhận được bài nào của độc giả gửi tới tham gia tranh luận thì đã nhận được giấy của Phủ Thống sứ đóng cửa báo Đông Tây”.
_____________
(1) Bạn dân
(2) Có tài liệu cho rằng ký giả phỏng vấn Phạm Quỳnh là Jean Dorsenne

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét