Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 124/1 (Phạm Quỳnh)

(ĐC sưu tầm trên NET)
AI GIẾT HỌC GIẢ PHẠM QUỲNH ?
Phạm Tôn,  ngày 03 tháng 10, 2009

Phạm Quỳnh
Phamquynh.jpg
Chức vụ
Nhiệm kỳ 1932 – 1945
Tiền nhiệm Nguyễn Hữu Bài
Kế nhiệm Trần Trọng Kim
Thông tin chung
Sinh 17 tháng 12, 1892
Hà Nội, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất 6 tháng 9, 1945 (52 tuổi)
Thừa Thiên, Trung Bộ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trường Trường Bưởi
Dân tộc Kinh
Vợ Lê Thị Vân (1892-1953)
Con cái Phạm Giao
Phạm Thị Giá
Phạm Thị Thức
Phạm Bích
Phạm Thị Hảo
Phạm Thị Ngoạn
Phạm Khuê
Phạm Thị Hoàn
Phạm Tuyên
Phạm Thị Diễm (Giễm)
Phạm Thị Lệ
Phạm Tuân
Phạm Thị Viên.
-----------------------------------------------------------------
Bài Thứ Nhất
Cụ Nguyễn văn Bồng ở nhà riêng, ấp Hà Đông, Đà Lạt 1993
Cụ Nguyễn Văn Bồng (kỹ sư, cựu cố vấn văn hoá Hội Chấn hưng Quốc gia Việt Nam dưới chế độ cũ)

KHÔNG PHẢI LÀ VIỆT MINH GIẾT CỤ PHẠM QUỲNH
Tháng 7-1993, con trai Phạm Quỳnh đến Đà Lạt, có ghé thăm cụ Nguyễn Văn Bồng là người thời trẻ từng nhiều năm giúp việc Phạm Quỳnh, suốt đời coi Phạm Quỳnh là “ông thầy”, là “ân nhân” của mình. Trong ngôi nhà số 2 đường Nguyễn Công Trứ, ấp Hà Đông, cụ Bồng đã chín mươi tuổi sôi nổi khẳng định:

Không phải là Việt Minh giết Cụ Phạm Quỳnh, mà chính con cháu cụ Nguyễn Hữu Bài đã tìm được cơ hội khử Phạm Quỳnh để trả thù cho cha, ông về vụ
'Năm cụ khi không rớt cái ình, /
Đất bằng sấm dậy giữa Thần Kinh /
Bài không đeo nữa xin dâng lại
'…
Nguyễn Hữu Bài cùng bốn thượng thư bị bãi chức sau khi Cụ nhà vào Triều nên họ cho là Cụ bợ tây về cưỡi cổ triều đình, đuổi mấy thượng thư già về như đuổi lợn. Sau con cháu cụ Bài tham gia Việt Minh, nhân có cơ hội, khử Cụ luôn.
Tôi biết là do nhà tôi có ơn với cụ Bài. Ông nội tôi là em ruột Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp, đã lấy Nguyễn Hữu Bài từ ký lục toà khâm về làm thông ngôn cho vua Thành Thái, từ đấy vào triều đình. Cho nên gia đình cụ Bài coi tôi như con cháu trong nhà. Vì thế, sau Cách mạng tháng 8, tôi từ Đà Lạt về Huế, gặp nhau, nhân nói chuyện về Cụ nhà, tôi mới nghe được con cháu cụ Bài khoe với nhau là chính họ đã nhân cơ hội lập kế giết chết Cụ nhà. Cụ Bồng chính là người đã đưa dân Bắc vào Đà Lạt trồng rau, lập nên ấp Hà Đông, là một nhân vật nổi tiếng ở Đà Lạt. Cụ từng tốt nghiệp ban canh nông đại học Paris và là cố vấn văn hoá Hội Chấn hưng Quốc gia Việt Nam hồi chế độ cũ."

Phạm Tôn: (Trích băng ghi âm lời cụ Nguyễn Văn Bồng nói với con trai Phạm Quỳnh tại Đà Lạt tháng 7-1993) .

Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh (giữa) và Nguyễn Văn Vĩnh ở Paris, 1922 
py Bài Thứ Nhì
VÀI Ý KIẾN CỦA NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI
VỀ PHẠM QUỲNH
Phan Thị Minh (tức Lê Thị Kinh, cháu ngoại Phan Chu Trinh, nguyên đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Luxembourg)
GHI LẠI TẶNG CHỊ NGOẠN VÀ CHỊ HOÀN
Tôi là Lê Thị Kinh tức là Phan Thị Minh, trước khi đi qua Paris tôi có gặp ông Sơn Tùng là một nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử đồng thời là thương binh loại nặng (co rút cả hai tay) đã vui lòng kể cho tôi một số chuyện ông được nghe qua cụ Đào Nhật Vinh (tức Bùi Di, tức Bùi Lâm) ngày xưa đã gần gũi cụ Hồ thời kỳ cụ Hồ còn tên là Tất Thành đi làm trên tàu thủy (cùng đi với nhau từ Argentine đến Terre de feu, được Tất Thành dạy học chữ quốc ngữ). Sau ông này về làm adjudant ở bệnh viện Val de Grâce, hay đến 6 Villa des Gobelins gặp Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường (hai ông nghè ta và tây) và Nguyễn Ái Quốc…
Ông Đào Nhật Vinh kể lại: lúc đó ông Chu Đình Xương và ông Lê Giản (bấy giờ là Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương – Phạm Tôn, PT ghi chú) đưa bản án đề nghị “xử tử Ngô Đình Diệm và Phạm Quỳnh” thì cụ Hồ đã bác (Chúng tôi nhấn mạnh – PT). Ông Vinh ỷ thế là chỗ thân tình đã chạy vào phản đối: “Anh nhân đạo kiểu gì vậy? Sao anh lại tha những tên có nợ máu với nhân dân và những tên đã chống phá cách mạng?
Cụ Hồ đã trả lời nghiêm nghị: “Đây là văn phòng Chủ tịch nước chớ không phải là sàn tàu đâu mà chú xồn xồn lên như vậy. Không thể đem chuyện cũ ra mà làm án mới, tôi quyết định như vậy là đúng…” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT)
Sau khi ông Tôn Quang Phiệt từ Huế ra, vào gặp cụ Hồ và báo “Phạm Quỳnh đã bị xử mất rồi” thì cụ Hồ ngồi lặng người một lúc lâu rồi nói: “Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi ích gì?…Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp… đó không phải là người xấu!” (Chúng tôi nhấn mạnh – PT)
Tôi đi nghiên cứu ở Archives d’Outre Mer ở Aix-en-Provence có thấy được một số báo cáo của agents của mật thám Pháp báo là đầu tháng 5-1922 có một cuộc gặp của cụ Phan Châu Trinh với cụ Phạm Quỳnh và ông Nguyễn Văn Vĩnh mà nó không ghi được nội dung, chỉ nghe được ông Vĩnh kể lại nhưng chúng không tin và có tin hai người này (Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh – PT ghi chú) có gặp ông Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc (Chúng tôi nhấn mạnh – PT) tại Paris hoặc ở Tours nhưng nó không ghi được nội dung. (Đó là năm 1922 khi hai người qua dự đấu xảo thuộc địa tại Marseille). Sau đó ông Nguyễn Văn Vĩnh ở lại mấy tháng, được ông Phan Văn Trường đưa đi Mayence, Berlin, Vienne rồi mới trở về Pháp và về Việt Nam.
Paris 20-1-1994
Phan Thị Minh
(Bản viết tay của bà Phan Thị Minh tại Paris 20-1-1994 gửi tặng các bà Phạm Thị Ngoạn và Phạm Thị Hoàn định cư tại Pháp.)

Bài Thứ Ba
VỀ “HỒI KÝ VIẾT TẠI PARIS NGÀY 28/10/1992” (sic)


Phạm Tôn
Năm 2007, ở Mỹ, một người Mỹ gốc Việt tên là Sơn Tùng viết bài Sau 62 năm, mở lại vụ án Phạm Quỳnh đưa lên mạng. Trong bài có viết: “Theo hồi ký của bà Phạm Thị Thức, người con gái của Phạm Quỳnh, viết năm 1992, sau khi Phạm Quỳnh bị giết, bà cùng người chị là Phạm Thị Giá đã ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh (…) Bà Thức cho biết Hồ Chí Minh chối, không nhận đã ra lệnh giết Phạm Quỳnh và đổ tội cho cán bộ địa phương. Họ Hồ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về…và trong thời kỳ khởi nghĩa quá độ và có thể có nhiều sai sót đáng tiếc.” (Chúng tôi nhấn mạnh – P.T.)
Chúng tôi đã hỏi tất cả những người con của bà Phạm Thị Thức còn sống, hiện đều ở Hà Nội, Việt Nam, và đều được trả lời là bà “không bao giờ viết hồi ký ở Paris cả, và cụ có bao giờ sang Pháp đâu mà viết ở đấy được. Chắc là có sự nhầm lẫn nào đấy” (email ngày 22/6/2009, từ Hà Nội). Tất cả các con bà Phạm Thị Giá, hiện đều sống ở Việt Nam, cũng đều khẳng định là gia đình Phạm Quỳnh chỉ được gặp Cụ Hồ có một lần, ngày thứ sáu, 30/8/1945, từ 11 giờ, sau khi biết tin thân phụ bị bắt. Không làm gì có chuyện gặp “sau khi Phạm Quỳnh bị giết” như Sơn Tùng viết.
Tìm hiểu qua tư liệu thì lại được biết là Sơn Tùng chỉ làm mới lại và thêm thắt đôi chút chứ không phải là người đầu tiên phát hiện ra “Hồi ký” này. Ông chỉ nói theo Trần Gia Phụng, khi vớ được “cái bọt” là cái chú thích số 57 trong một bài đại luận của Trần Gia Phụng viết nhiều năm trước dài đến 73 trang (theo bản in lại trong Giải oan lập một đàng tràng (Tâm Nguyện phát hành, in lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, năm 2001) nhan đề Trường hợp Phạm Quỳnh. Nguyên văn chú thích số 57 ấy như sau: “Sau khi Phạm Quỳnh bị giết, hai người con gái đầu của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức ra Hà Nội, gặp Hồ Chí Minh. Dưới đây là lời kể của bà Thức: “Tháng 8 năm 1945, Thầy tôi ra đi!…Sau đó, chị tôi (tên Giá) và tôi nhờ một anh bạn là Vũ Đình Huỳnh ngày ấy là garde-corps (cận vệ) cho Cụ Hồ giới thiệu đến thăm cụ và hỏi chuyện (tức chuyện ông Phạm). Cụ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về… Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá độ và (Nguyên văn là quá vội vã, Trần Gia Phụng chép sai, khiến Sơn Tùng nói theo cũng sai luôn – P.T. chú) có thể có nhiều sai sót đáng tiếc…” (Hồi ký viết tại Paris ngày 28/10/1992 của bà Phạm Thị Thức, nhân kỷ niệm 100 năm sinh Phạm Quỳnh, tài liệu gia đình (….) Những điều này cho thấy rõ tính ngụy biện của ông Hồ. Lúc Phạm Quỳnh bị giết ngày 6/9/1945, ông Hồ đã về Hà Nội lập chính phủ (2/9/1945)” (Chúng tôi nhấn mạnh-PT).
Như trên chúng tôi đã khẳng định, không có cuộc gặp nào giữa gia đình Phạm Quỳnh và cụ Hồ “sau khi Phạm Quỳnh bị giết” cả mà chỉ có duy nhất cuộc gặp vào ngày 30/8/1945, vào lúc 11 giờ, sau khi Cụ Hồ duyệt lại lần cuối bản Tuyên ngôn độc lập sẽ đọc hôm 2/9/1945. Hơn nữa, bấy giờ, cũng như từ khi sinh ra cho đến lúc ấy, hai bà đều sống ở Hà Nội, không việc gì phải ra Hà Nội như tác giả suy luận. Còn về lời kể của bà Phạm Thị Thức theo “hồi ký viết tại Paris ngày 28/10/1992” thì sao? Các con bà đều khẳng định không thể có hồi ký nào viết tại Paris cả vì bà chưa bao giờ sang Pháp trong suốt cuộc đời ngót trăm tuổi của mình. Vậy thì ở đâu ra “cái tư liệu quan trọng” ấy, đủ kết án Cụ Hồ là ngụy biện?
Chúng tôi kiên trì lần hỏi các em bà Thức ở nước ngoài, thì may mắn, mới đây có hồi âm. Tôi nhận được bản sao chụp lá thư bà gửi cho các em ở Pháp, do sinh sau đẻ muộn, ít được biết về cha, nay xin chị kể cho những kỷ niệm riêng về cha mà gia đình thường quen gọi là Thầy. Như bà chị là Phạm Thị Giá cũng đã viết một bức thư dài như vậy.
Tôi đọc đến đoạn cuối lá thư, thì giật mình, vì thấy một nhà nghiên cứu, một nhà sử học như Trần Gia Phụng, được gia đình Phạm Quỳnh tin cậy cho đọc thư riêng của bà chị, lại có thể trích dẫn thiếu hẳn một đoạn quan trọng như vậy.
Sau câu “… Tháng 8 năm 1945, Thầy tôi ra đi!” thật ra còn một đoạn nữa như sau: “Than ôi, cả Thầy Me tôi và các con đều không thể ngờ rằng Thầy tôi ra đi mãi mãi!!! Chúng tôi khóc tưởng có thể chết đi sống lại” Rồi mới đến câu “Sau đó, chị tôi và tôi (…)”.
Như bà Thức đã viết rất rõ “cả Thầy Me tôi và các con đều không thể ngờ rằng Thầy tôi ra đi mãi mãi!!!” Vì lần ra đi này là trưa ngày 23/8/1945, Phạm Quỳnh bị bắt tại biệt thự Hoa Đường, trước sự chứng kiến của các con gái Phạm Thị Ngoạn, Phạm Thị Hoàn, mấy em và cháu nội, ngoại nhỏ; còn các con trai ông như Phạm Khuê, Phạm Tuyên, … đều đi tham gia mít tinh ở sân vận động, không có nhà. Nhưng rồi, từ đấy, không bao giờ ông về Hoa Đường nữa, nên mới có câu bà Thức viết rất đau sót như trên. Cả chính Phạm Quỳnh cũng không ngờ là mình ra đi là ra đi mãi mãi. Tác giả đã suy luận ra đi tức là chết vì đã cắt bỏ đoạn bà Thức viết rất rõ trên đây; ông ra đi và cả nhà, không ai ngờ là ông không bao giờ trở về nữa.
Nghiên cứu văn bản như vậy kể cũng lạ. Lại từ đấy, suy ra những kết luận, qui kết này nọ càng lạ hơn. Thật may mà chúng tôi có được bản sao chụp này. Còn chính các con bà Thức cũng chỉ biết là bà không bao giờ sang Pháp nên không thể nào có hồi ký nào của bà viết tại Paris cả.
Chúng tôi chụp lại đây phần mở đầu và phần cuối có câu ông Trần Gia Phụng đã trích và cắt bỏ những câu không hợp ý mình.
Bà Phạm Thị Thức sinh năm 1915 và đã mất năm 2007.
Mong hương hồn bà được yên nghỉ, không bị xáo động bởi những bày đặt vô lối của những người đầy thành kiến, lợi dụng cả tên tuổi bà và tấm lòng thành của bà với người cha kính yêu và các em thân mến mà làm những việc bất chính, bóp méo lịch sử, bôi nhọ người khác.
Trong một dịp thích hợp, chúng tôi sẽ công bố toàn văn bức thư này, một bức thư đầy tình kính yêu người cha đã khuất của một người con gái… năm ấy đã ngót 80 tuổi rồi mà vẫn còn nhớ như in những ngày còn được sống bên người cha đức độ, tài hoa.
Sài Gòn ngày 25/9/2009.
P.T.




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét