Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 197

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên thế kỷ XX: Những nữ điệp viên khả ái

VietnamDefence - Janine Brookner là người đã khai mào cho một làn sóng các phiên toà. Sau 25 năm làm việc cho CIA, bà ta đã biết không ít về thế giới này: từ năm 1989 đến 1991, bà ta cầm đầu cơ quan đại diện CIA tại hòn đảo Jamaica ở Caribê. Những nhân viên thuộc cấp không coi bà ta là xếp.

Janine Brookner
Vị phó của bà ta, một tình báo viên lão làng không thể nào tìm được tiếng nói chung với phụ nữ. Bởi vậy chẳng có gì là ngạc nhiên khi bà ta báo cáo về Trung ương là người phó của bà ta nhiều lần đánh đập vợ mà thường là khi say xỉn.

Các nhân viên đã phẫn nộ nhưng không phải với kẻ hay gây gổ kia, mà là với vị nữ chỉ huy, người đã tố cáo vị phó của mình là một tên nát rượu và cuồng dâm. Kết quả là CIA đã huỷ bỏ việc thuyên chuyển đã dự kiến nữ nhân viên tình báo của mình sang Praha, đồng thời đã thăng cấp, cất nhắc vị phó của bà ta. Ông ta trở thành nhân vật số hai tại Panama, điểm trung chuyển đôla ma tuý và cocain.

Kết quả của phiên toà do Janine Brookner khởi xướng là việc CIA phải bồi thường cho bà ta 410.000 đô la để bù đắp cho tổn thất tinh thần. Khi đó, còn có 400 nữ nhân viên CIA cũng đưa yêu sách với lãnh đạo CIA, họ cũng cho mình là nạn nhân của tệ phân biệt đối xử. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã hứa thăng cấp cho chừng một tá trong số đó và trả cho những người khiếu nại tổng cộng 1 triệu đô la để bù đắp tổn thất tinh thần.

Hiện nay, trong cơ quan tình báo CHLB Đức BND thì các nữ nhân viên trẻ, trái lại, luôn được khuyến khích. Các chuyên gia về phương Đông, các nhà ngôn ngữ học và chuyên gia công nghệ máy tính có liên quan với BND thường giới thiệu sinh viên làm việc cho “Cục Tài sản liên bang”, cơ quan này trực tiếp làm việc cho BND.

Trong nhiều năm, một trong các nữ nhân viên của cơ quan này đã trở thành hình mẫu về công danh thành đạt: có bằng tiến sĩ về đề tài “Vai trò chính trị của phụ nữ ở CHDC Đức”, cộng tác với một tổ chức gần gũi với Liên minh Cơ đốc giáo CDU, gia nhập BND, giữ một chức vụ chỉ huy với mức lương thuộc nhóm A 15 với lương chính 7000 mác.

Nhiều lần, nữ nhân viên này đã được huy động tham gia công việc của phòng 6 thuộc văn phòng thủ tướng, phân tích các tài liệu mật của BND, của Cục Tình báo quân sự MAD và của Cơ quan Bảo vệ hiến pháp liên bang BfV (BND (Bundesnachrichtendienst) chịu trách nhiệm về tình báo đối ngoại. BfV (Bundesant fur Verfassungsschutz) và MAD (Amt fur den Militarischen Abschirmdienst) là hai trong số các cơ quan tình báo chịu trách nhiệm về an ninh nội địa của CHLB Đức - ND). Chuyên gia về phương Đông này được coi là người rất chăm chỉ và thận trọng trong công việc. Tuy nhiên, Gabriella Gast đã nhận huân chương của CHDC Đức, nước mà bà bí mật phục vụ. Điều đó dẫn đến việc bà bị kết án tù 6 năm 9 tháng.

Trong hàng ngàn trang sách John Le Carré, Ian Fleming và Graham Greene ((Henry) Graham Greene (1904-1991); John Le Carré, bút danh của David John Moore Cornwell (1931-); Ian Fleming (1908-1964) đều là những cựu nhân viên tình báo và các nhà văn Anh nổi tiếng về đề tài tình báo, trinh thám - ND) đã đặc tả những điều mà ai cũng biết: phụ nữ thoát y thì đàn ông khai khẩu. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, tại CHLB Đức, mọi chuyện lại hoàn toàn trái lại: các quý bà ngồi miệt mài trong các phòng khách để cung cấp các tài liệu phôtô cho các chàng Romeo giả dối để đổi lấy tình yêu.

Donald Maclean, nhà ngoại giao háo danh của Nữ hoàng Anh là một điệp viên siêu hạng. NKVD, cơ quan tiền thân của KGB, năm 1938 đã cử một nữ nhân viên đẹp nhất của mình là cô nàng tóc đen bí danh Norma tới bờ sông Xen để chỉ đạo Lyrist (bí danh của Maclean), người trẻ hơn cô ta 4 tuổi.

Aleksandr Orlov, một trong những đại gia trong làng tình báo Xôviết, đã kể trong cuốn sách “Bản hướng dẫn” của mình về việc các Thị Màu Xôviết quyến rũ  các chàng trai Anh như thế nào: “Những người đàn ông ban đầu được dạy dỗ bởi các cô gia sư, sau đó được gửi tới các trường chuyên tư thục giành cho nam sinh... đã bị điên đảo vì những cô gái amazonka trẻ bốc lửa và gan dạ và những quan hệ tinh thần của họ nhiều khi đã biến thành những thiên tiểu thuyết đầy lãng mạn”.

Đồng chí Orlov hiển nhiên là đúng. Norma và Lirist đã biến mình thành một đôi lý tưởng cho đến khi Maclean phải lòng một cô gái Mỹ trẻ trung, giàu có. Maclean đã kể với cô tình nhân mới về hoạt động tình báo của mình cho Ngai vàng Anh và cho Kremlin. Cô gái đang yêu đã trung thành với anh ta.

Cô nàng Norma bị hành hạ vì ghen tuông và thói hám danh đã báo cáo điều đó với chỉ huy của mình là một sĩ quan trong sứ quán Liên Xô. Moskva quyết định và ra lệnh: hãy lau nước mắt đi mà tiếp tục làm việc. Maclean cưới cô gái Mỹ, còn nữ tình báo viên Xôviết đã tiếp tục chỉ đạo người tình cũ của mình cho đến khi lính Đức Hitler đánh chiếm Paris. Khi đó, cô ta đã vội vã chạy sang Anh.

Trong thời gian bọn phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp, từ trong vòng bí mật, Matilda Carret duy trì liên lạc với lãnh đạo phong trào kháng chiến ở London. Gestapo đã bắt giữ cô. Một tên lính canh ngục đã mời chào cô vòng tay của hắn và hơn nữa. Sau này, trong hồi ký, cô viết: “Đó đơn thuần là sự sợ hãi của động vật, phản ứng của cơ thể đang nếm trải đêm đầu tiên trong tù, bị lạnh cóng và cảm nhận thấy bàn tay lạnh giá của thần chết. Thì bỗng cảm thấy sự ấm áp trong vòng tay của một người đàn ông... kể cả đó là vòng tay của kẻ thù”. Cô đã thoát khỏi cả vòng tay ấy, cả Gestapo và phải đứng trước cơ quan phản gián ở Anh. Người Pháp từ chối không hiểu được loại hợp tác kiểu đó và vào năm 1949 đã kết án tử hình Matilda Carret vì tội phản bội 35 chiến sĩ kháng chiến Pháp. Năm 1962, cô ta đã được ân xá và được trả lại tự do.

Trong đa số các vụ gián điệp thời chiến tranh lạnh, phụ nữ đã đóng hoặc vai trò chủ yếu hoặc là vai trò có tầm quan trọng thứ hai.

Chính một phụ nữ di cư từ áo sang Anh, một nữ tình báo viên Liên Xô đã dẫn dắt Kim Philby, người đang say mê chủ nghĩa Mác đến với đồng chí người áo Arnold Datch, người đã cùng với vợ mình lập ra một lưới tình báo tại đảo quốc này.
Và cũng chính phụ nữ đã vạch mặt được nhà tình báo bậc thầy Kim Philby. Cơ quan mật vụ Anh đã đánh Olga Grey vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Anh. Datch và Philby đã buộc phải trốn đến Moskva.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, theo ý kiến của nữ văn sĩ Mỹ Mary Lowell, đã phát hiện ra người đồng hương của bà Betty Pack (bí danh hoạt động tình báo là Synthia). “Cô ấy toát ra sức lôi cuốn, gần như ma quái”, một trong những đồng nghiệp trong cơ quan tình báo nhớ lại. “Cả con người cô ấy toả sáng, chứ không chỉ đôi mắt xanh và nụ cười hút hồn của cô ấy. Nhiều đàn ông đã tiếp nhận điều đó như một sự ấm áp, như một nỗi đam mê giành cho họ. Thủ đoạn của người phụ nữ này là làm cho người đàn ông tin rằng anh ta là số một trên thế giới này và mặc dù anh ta không còn trẻ nữa thì anh ta vẫn là hình mẫu hoàn mỹ lý tưởng đối với Synthia.

Mỹ nữ tóc vàng này đã trút bỏ quần áo trước những nhà hoạt động tiếng tăm của thế giới này. ở Varsava thì trước vị bộ trưởng ngoại giao khả kính Josef Beck, ở Washington là trước người nắm giữ những bí mật của hạm đội Italia, và sau đó khi ông này đã cung khai hết mọi bí mật, và cũng tại thành phố đó là trước tuỳ viên báo chí của sứ quán tên là Vici.
Synthia với tuổi đời mới ngoài 30 một chút đã tiếp cận được tới các loại mật mã bí mật, các mệnh lệnh chiến đấu và thư từ mật. Sau này, cô đã kể về những thành tích của mình: “Các chỉ huy của tôi đã nói với tôi rằng, bằng việc làm của mình, tôi đã cứu mạng hàng chục ngàn người Mỹ và người Anh”.

Ngày nay, các điệp viên không làm việc như thế nữa. Chẳng hạn như Mary En Baumgartner. Là người bảo thủ, thành viên của “Nhóm liên công đoàn” ở Paris, một câu lạc bộ dành riêng ở thị trấn Sain-Honore gần với sứ quán Mỹ và Anh và giáp với điện Elisée.

Cô gái Mỹ thể hiện với những người hàng xóm mình là một người môi giới đầu tư. Người đàn ông dễ thương mà cô ta cùng sống chung trong căn hộ sang trọng có vẻ là một hoạ sĩ Nam Mỹ. Anh ta “không hề biết một tý gì về công việc thực tế mà cô ta làm”. Cơ quan phản gián Pháp thì lại có ý kiến khác. Quý bà đó là nhân viên CIA, là “nguồn cung cấp thông tin”.

Cô ta đã hớp mất hồn một người Pháp trẻ trong nhóm cố vấn của thủ tưởng Pháp khi đó là Eduard Balladur. Quý bà này tự giới thiệu với anh ta mình là nhân viên của quỹ quan hệ Mỹ-Pháp. Cô ta quan tâm đến các cuộc đàm phán tại cơ quan Hiệp định Thuế quan và Mậu dịch GATT và giới thiệu cho anh bạn Pháp những người khả kính từ Minesota là các chuyên viên về cây ngũ cốc.

Đó là điều tối thiểu mà phản gián Pháp biết được từ tấm danh thiếp mà họ tìm thấy.

Chàng trai Pháp của nhóm dưới quyền Balladur đã mất việc. Người Pháp xác định được quý bà kia là chỉ huy phòng phân tích của CIA. Mary En Baumgartner cũng với 4 đồng nghiệp đã buộc phải rời khỏi Paris mùa Xuân năm 1995.
Gizeli, người đàn bà có tên thật là Gizela vẫn gọi món coctay yêu thích của mình tại quán Fuchet và chẳng có gì phải phiền não cả. Theo lời cô ta thì cô ta chỉ đang duy trì quan hệ chính thức với các đồng nghiệp ở các cơ quan tình báo Pháp để phục vụ cho cơ quan mình ở Pullah.

Thế còn việc gì đã xảy ra với nhà ngoại giao nước ngoài mà cô ta mới nói chuyện trong buổi tiếp ở chỗ ngài đại sứ? Một cuộc gặp bình thường sau bữa ăn chăng?

Điệp viên thế kỷ XX: Những bí mật bị đem bán

VietnamDefence - Trong quá trình chiến dịch Ill Wind, sĩ quan cao cấp Jack Sherman phụ trách hợp đồng mua sắm của quân chủng Thuỷ quân lục chiến Mỹ đã bị phát giác ăn hối lộ 43,5 ngàn đô la.

Ông này đã cung cấp các tài liệu về các kế hoạch mua sắm thiết bị điện tử cho 4 “chuyên gia tư vấn” của các hãng nhận thầu. Một trong các “chuyên gia tư vấn” đã tố cáo J. Sherman với FBI. Cảnh J. Sherman nhận hối lộ đã bị quay phim bằng camera bí mật do các nhân viên FBI bố trí. Tháng 1 năm 1989, toà án ở Alexandria (thị trấn ngoại ô Washington) đã tuyên bố ông này có tội. J. Sherman đã đồng ý trả lại cho chính phủ Mỹ 43,5 ngàn đô la. Công tố viên yêu cầu mức án án nghiêm khắc 20 năm tù và khoản tiền phạt 500.000 đô la.

J. Sherman và 4 sĩ quan khác đã bị bắt giữ vào tháng 6 năm 1988 khi người ta đã phát hiện các tài liệu mật của Lầu Năm góc trong quá trình khám nhà họ. Các nhân viên FBI đã lấy lời khai ở hệ thống kiểm soát của tập đoàn Whittaker  ở Los Angeles vì nghi ngờ tập đoàn này có liên hệ với J. Sherman.

Cuộc điều tra sau đó đã cho thấy sự cấu kết của công ty Whittaker  hoạt động khi đó dưới tên Lee Telecommunication (LTC) với các “chuyên gia tư vấn” đã bắt đầu vào năm 1981 khi công ty gặp phải những khó khăn tài chính. Cựu chủ tịch LTC Harvey Lee, phó chủ tịch Scott Lamberth và Thomas Ingram đã đồng ý trả cho J. Sherman những khoản tiền lớn cho sự giúp đỡ để giành được hợp đồng sản xuất hệ thống kiểm soát điện tử với Lầu Năm góc. Tiền được trả cho J. Sherman thông qua một “chuyên gia tư vấn” độc lập Muldoon. Tiếp sau lần hồi lộ đầu tiên 43,5 ngàn đô la là các lần hối lộ khác. Vào năm 1986, J. Sherman đã giúp tăng giá trị các hợp đồng của Lầu Năm góc ký với LTC từ 600 ngàn đô la lên tới 2,4 triệu đô la, và sau đó là tới 6 triệu đô la.

Toà án liên bang ở Alexandria tháng 9 năm 1989 đã tuyên bố hãng Whittaker  và “chuyên gia tư vấn” của hãng  phạm tội mua chuộc quan chức Lầu Năm góc và tuyên phạt công ty 3,5 triệu đô la (1,5 triệu vì tội hình sự; 1,5 triệu vì đơn kiện dân sự và 500 ngàn để bồi thường chi phí cho chính phủ).

Toà án liên bang ở Alexandria, trong khi tiếp tục vụ án trong khuôn khổ chiến dịch Ill Wind vào tháng 4 năm 1989, đã kết tội 3 phó chủ tịch của công ty Newbary Park ở California vì có ý đồ phạm tội đưa hối lộ cho chuyên gia tư vấn William Parkin trị giá 160.000 đô la để đổi lấy thông tin “nội bộ” của Lầu Năm góc nhằm giành được hợp đồng trị giá 24 triệu đô la cho hãng Teledyne Inc. sản xuất các thiết bị nhận dạng địch-ta đối với máy bay quân sự. Chuyên gia tư vấn W. Parkin đã nhận được thông tin mật, cũng thông qua hối lộ, từ viên kỹ sư Stewart Berlin của Hải quân Mỹ. Các luật sư bào chữa của công ty Teledyne, theo như họ nói, đoan chắc là W. Parkin đã nhận thông tin bằng con đường hợp pháp từ các nguồn chính thức. S. Berlin đã đồng ý với đề nghị của W. Parkin giúp đỡ cho công ty Teledyne nhận được hợp đồng để đối lấy khoản tiền thưởng cho hoạt động “tư vấn”.

Trong quá trình điều tra, đã xác định được nhân vật trung tâm trong vụ hối lộ liên quan đến công ty Teledyne là chuyên gia tư vấn thương mại Fred Lunker. Ông này đã bị kết án 27 tháng tù và bị phạt 25.000 đô la. Hai đồng phạm khác là chuyên gia tư vấn W. Parkin và nhân viên dân sự của Hải quân Mỹ S. Berlin thì bị kết án 26 tháng tù và phạt 25.000 đô la mỗi người.

F. Lunker và W. Parkin đồng thời còn đóng vai trò “nhà tư vấn” cả cho công ty Hazeltine. Thông qua nhân viên của Hải quân Mỹ S. Berlin, họ đã nắm được giá mua của Lầu Năm góc và giá chào hàng của các hãng cạnh tranh. Các nhà tư vấn đã chuyển thông tin “nội bộ” này cho phó chủ tịch tập đoàn Hazeltine là Charles Furcinity và ông này đã sử dụng nó khi ký hợp đồng với Hải quân Mỹ sản xuất thiết bị thử nghiệm radar máy bay tổng trị giá 150.000 đô la. Tháng 1 năm 1989, C. Furcinity đã bị kết án 3 tháng tù và phạt 20.000 đô la vì tội tham nhũng.

Toà án Alexandria vào tháng 8 năm 1990 đã tuyên bố cựu chuyên gia tư vấn về các vấn đề quốc phòng, thiếu tá không quân về hưu Bernie Zettl phạm tội chuyển giao báo cáo mật về ngân sách Hải quân Mỹ cho tập đoàn GTE và tuyên phạt 10.000 đô la. Những quan chức của các hãng Boeing, Grumman, Hughes Aircraft, General Motors, RAS Corp. và Raytheon có liên quan đến những áp phe của Zettl cũng bị trừng phạt. Họ đồng ý trả khoản bồi thường tổn hại 14,9 triệu đô la. Một vài bị can làm vẻ không biết tính chất phi pháp của việc buôn bán tài liệu chính phủ. Nhân viên của Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng Mỹ M. Valenski đã bác bỏ những khẳng định này và chứng minh rằng, tất cả họ đều biết rất rõ những áp phe của B. Zettl và GTE, còn các công ty thì cố tình không nhìn nhận nghiêm túc các hiện tượng lừa đảo và giả điếc trước lời cảnh tỉnh của lý trí.

Trong quá trình chiến dịch Ill Wind, đã phát giác không chỉ những vi phạm tài chính liên quan đến lạm dụng quyền hạn khi chuẩn bị và ký các hợp đồng với Lầu Năm góc, mà cả những gian lận chính trị. Toà án liên bang ở Alexandria vào tháng 1 năm 1989 đã kết tội vi phạm Luật về vận động bầu cử đối với cựu nhân viên tập đoàn Unisys là Robert Barrett và nhà tư vấn của hãng này là Josef Hill vì những khoản quyên góp bất hợp pháp trị giá ít nhất 27.000 đô la ủng hộ các nghị sĩ R. Dyson, W. Dickinson, R. Reja, J. Sasser và B. Chappell. R. Barrett và J. Hill có nguy cơ bị tù tới 5 năm và phạt đến 250.000 đô la. Tuy vậy, các nghị sĩ tuyên bố không biết về các khoản quyên góp này trong quá trình vận động trước bầu cử. Các đại diện Chính phủ Mỹ đưa ra ý kiến sẽ không có phiên toà chống các nghị sĩ đó.

Các nhà bình luận quân sự và chính trị ở Mỹ đã gọi những kết quả của chiến dịch Ill Wind là một vụ Irangate mới hay Pentagate và so sánh tác động của nó đối với hoạt động mua sắm vũ khí của Lầu Năm góc với những hậu quả của vụ nổ tàu con thoi vũ trụ Challenger đối với chương trình nghiên cứu vũ trụ Mỹ.

Trong quá trình tiến hành chiến dịch Ill Wind, đã thực hiện nghe lén nhiều ngàn cuộc nói chuyện điện thoại, gần 300 người bị tình nghi bị triệu tới toà, đã đưa ra trên 100 bản cáo trạng. Một trăm nhân viên của FBI và Cục điều tra Hải quân Mỹ đã tiến hành thanh tra hồ sơ tài chính của các nhà tư vấn và các công ty thầu khoán cung cấp hàng cho Lầu Năm góc. Đã phát hiện những vi phạm luật pháp từ phía các công ty sau:

- McDonell-Douglas Corp. chuyên sản xuất máy bay quân sự, các hệ thống tên lửa và tiến hành các hoạt động nghiên cứu (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc trị giá 7,7 tỷ đô la năm 1987);

- United Technologies Corp. chuyên sản xuất động cơ máy bay; trực thăng và bảo dưỡng tàu vũ trụ (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 3,6 tỷ đô la);

- Unisys Corp. chuyên sản xuất các hệ thống máy tính điện tử và đã ký hợp đồng với Lầu Năm góc trị năm 1987 giá 2,3 tỷ đô la);

- Northrop Corp. sản xuất máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay chiến thuật, tên lửa, khí cụ bay không người lái (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 1,1 tỷ đô la);

- Teledyne Inc. sản xuất động cơ máy bay, khí cụ bay không người lái, tàu vũ trụ (các hợp đồng của hãng với Lầu Năm góc năm 1987 trị giá 359 triệu đô la).

Điệp viên thế kỷ XX: “Những người chết sống lại”

VietnamDefence - Trong tình báo bất hợp pháp có nhiều điều rất trần trụi, gần như tất cả được chấp nhận một cách căng thẳng, đau đớn, nếu như bản thân anh không khép mình vào những nguyên tắc khốc liệt của ngành này.
Ngày 11 tháng 6 năm 1996, tại sân bay thủ đô Sheremetyevo-2, người ta đang bồn chồn chờ đợi chiếc máy bay từ Canada. Một đám đông những người đi đón - bạn bè, người thân, bạn làm ăn và các tài xế taxi vốn nhung nhúc khắp nơi nữa - đã vây kín phòng chờ.

Không ai thèm để ý đến những người bình thường mặc thường phục đang tách một cặp vợ chồng trẻ khỏi đám đông hành khách. Người ta tống người đàn ông và người phụ nữ ấy vào trong một xe ôtô và chiếc xe phanh rít lên rồi vọt ngay đi.

Đôi vợ chồng Ian và Lorie Lambert đưa mắt nhìn sân bay đang khuất dần với một nỗi buồn khó giấu. Họ thừa hiểu rằng, họ không bao giờ còn ra khỏi nước Nga được nữa...

Tình báo bất hợp pháp luôn có một vị trí đặc biệt. Và điều đó là hoàn toàn dễ hiểu. “Các hiệp sĩ của áo choàng và dao găm” đang làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao thì chả việc gì phải giấu nguồn gốc Nga của mình. Điều tồi tệ nhất chờ đợi họ một khi bại lộ chỉ là trục xuất về nước thôi. Người ta không thể bắt nhà ngoại giao được.

Tình báo viên bất hợp pháp lại là người sống dưới tên của người khác. Không một ai, kể cả những người bạn thân thiết nhất cũng không được biết Peter (hay Michael) trên thực tế lại là Pyotr (hay Mikhail) và anh ta đã sinh ra không phải ở Quebec hay Monte Carlo mà là ở tỉnh lẻ nào đó ở nước Nga xa xôi.

Bất kỳ một tình báo viên bất hợp pháp nào, loại người có thần kinh và tâm lý vững vàng như sắt thép, đều phải chấp hành nguyên tắc bí mật cực kỳ gắt gao và tính kỷ luật rất cao. Nhiều khi thậm chí cả trưởng trung tâm tình báo cũng không được biết về sự tồn tại của lưới tình báo bất hợp pháp trên địa bàn nước mình phụ trách.

Còn gì có thể giật gân hơn vụ xì căng đan bung ra giống như một quả bom vào giữa năm 1996. Đôi vợ chồng Lambert bám rễ ở đất nước của lá phong (biểu tượng quốc kỳ của Canada - ND) từ 5 năm trước. Là con cái của những người lưu vong Canada, họ ở tuổi chưa biết gì đã bị đưa khỏi đất nước và lớn lên ở châu Âu. Khi chẳng còn người họ hàng nào còn sống thì vợ chồng nhà Lambert bất ngờ nhận được một khoản thừa kế khá lớn. “Chúng ta hãy trở về mảnh đất tổ tiên thôi!” - họ quyết định.

Nhà Lambert định cư ở Toronto. Lối sống mà họ đã có không khác gì mấy lối sống chung ở đây. Đôi vợ chồng lui tới các nhà hát, nhà hàng. Họ còn mời khách khứa đến nhà. Họ mở mang kinh doanh của mình.

“Vợ chồng nhà Lambert mới dễ chịu làm sao, - các bạn hữu mới của họ trầm trồ. - Họ thật là một đôi vợ chồng hạnh phúc!”

Ôi thôi. Sự liên kết này hoá ra lại mỏng manh đến mức đáng kinh ngạc. Ba năm sau khi đã “xã hội hoá”, tổ ấm gia đình Lambert đã vỡ tan tành. Ian rời bỏ Lorie để đến với một người bạn đời khác, một phụ nữ Canada 100%.

Người đàn bà bị ruồng bỏ nhưng còn khá ưa nhìn này biết làm gì bây giờ? Chị ta cũng cặp với một anh chàng khác. Người đàn ông mà cô chọn là tiến sĩ Peter Miller.

Tuy nhiên, vợ chồng nhà Lambert không chính thức hoá việc ly dị của mình. Thật là kinh ngạc với bạn bè khi mà họ chọn cách tiếp tục sống trong khuôn khổ hôn nhân hợp pháp. Sau này mới biết họ đã phải làm điều đó một cách rất khó khăn.

Cái bí mật đáng sợ của vợ chồng Lambert chỉ bị khám phá vào ngày 22 tháng 5 năm 1996 khi cơ quan phản gián Canada CSIS (Canadian Security Intelligence Service - Cục Tình báo An ninh Canada - ND) đã bắt giữ họ vì tội làm gián điệp cho Moskva.

Những người bị bắt không chối cãi lâu. Sau khi ngồi trong nhà lao Toronto được chừng hơn tuần, họ đã thú nhận là họ có quan hệ với họ Lambert giống như Giáo hoàng La Mã với việc sản xuất xe đạp vậy. Không dừng ở đó, họ còn khai tên thật (?) của mình: Dmitri Vladimirovich Olshansky và Yelena Borisovna Olshanskaya.

Sự bộc tuệch đến thế của họ đã gây ra sự phẫn nộ dễ hiểu của Moskva. Vấn đề là ở chỗ, theo nguyên tắc, tình báo viên bất hợp pháp phải hết sức tránh né đến cùng những lời khai thật. Chỉ cần nhớ rằng, nhà tình báo Xôviết huyền thoại Rudolf Abel, người đã từng bị FBI bắt, đã hoà nhập vào câu chuyện nguỵ trang đến mức thậm chí được chôn cất cũng dưới cái tên Abel, trong khi trên thực tế tên ông là William Genrykhovich Fisher.

Hơn nữa, chúng tôi cũng không thể khẳng định 100% Olshansky không phải là bí danh. Thôi tốt hơn là chúng ta bỏ qua chuyện này.

Không xin phép Trung ương về việc ly dị, “vợ chồng Lambert” thực tế đã đặt mình ra ngoài vòng pháp luật, vi phạm nguyên tắc thiêng liêng của tình báo bất hợp pháp là cần phải cư xử với cấp trên như với cha cố nhận xưng tội.

- Trong tình báo bất hợp pháp có nhiều điều rất trần trụi, gần như tất cả được chấp nhận một cách căng thẳng, đau đớn, nếu như bản thân anh không khép mình vào những nguyên tắc khốc liệt của ngành này, - cựu chỉ huy tình báo bất hợp pháp của KGB, thiếu tướng Yuri Drozdov nhận xét. - Điều chính yếu nhất trong những nguyên tắc đó là sự công khai và trung thực tuyệt đối và báo cáo đầy đủ về tất cả những bước đi và hành động của anh ở nước ngoài cũng như trong nước.

Vợ chồng Olshansky còn phạm một tội nặng không kém nữa - đó là họ thú nhận làm việc cho một cơ quan tình báo cụ thể, cho Cục Tình báo Đối ngoại SVR của Nga. Các đại diện chính thức của SVR từ chối bình luận vấn đề này. Theo thông tin mà phản gián Canada công bố, vợ chồng Olshansky là cán bộ chính thức của SVR. Họ được tung sang Canada vào năm 1991 bằng giấy tờ giả. Lai lịch giả của họ được xây dựng dựa vào yếu tố tình cảm. Quả thực, vợ chồng Lambert thật đã rời Canada và sau này đã chết lặng lẽ ở ngoài Canada. Moskva liền lợi dụng điều đó không chậm trễ.

Theo giả thiết của CSIS, “những người chết sống lại” đã quan tâm đến chính nước Canada. Chỉ với tư cách một căn cứ để có thể từ đó tiến hành hoạt động chống các nước khác (nhân thể cũng phải nói rằng, các cơ quan tình báo Liên Xô/Nga đã thực hành thủ đoạn tương tự không phải là lần đầu tiên. Chẳng hạn như tình báo viên bất hợp pháp lừng danh của KGB Konon Molody bị bắt ở Anh dưới tên Gordon Longsdale, cũng có trong người hộ chiếu Canada).

Người Canada thừa hiểu cái giá của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Ottawa có thái độ mềm mỏng hơn đối với vấn đề gián điệp so với những người Mỹ láng giềng. Lần trục xuất cuối cùng các công dân Liên Xô diễn ra mãi năm 1988. Khi đó, đã có 8 nhà ngoại giao bị buộc tội hoạt động gián điệp bị lùa về nước.  Đáp lại, Moskva đã yêu cầu 2 nhà ngoại giao Canada cuốn xéo và cấm nhập cảnh 7 vị khác, trong đó có bà Ann Lichi, người mới đây được cử làm đại sứ Canada ở Liên bang Nga (?).

Bộ mặt mới của tính nhà nước Nga đã bắt buộc người ta phải có một sự kính nể thái quá trong thái độ đối với các cường quốc khác. Ta biết là khi Yevgeny Maksimovich Primakov còn làm giám đốc SVR, để đáp lại yêu cầu của Ottawa, ông ấy đã hạ lệnh triệu hồi một số thuộc cấp của mình. Người Canada nói họ biết rõ nhiệm vụ thật sự của những người này. Điều đó đã xảy ra hình như vào năm 1994. Sau đó, người ta thậm chí đã bổ nhiệm một người gọi là “trưởng trung tâm tình báo bất hợp pháp” tại Canada với trách nhiệm thường xuyên liên hệ với các cơ quan tình báo nước sở tại.

Vậy là nhân nào quả ấy. Vợ chồng Lambert - Olshansky vào tháng 6 đã phải ra đứng trước vành móng ngựa vì bị buộc tội... vi phạm luật di trú. Người ta không nói một câu về hoạt động gián điệp. Phiên toà kết thúc khá vui vẻ. Công tố viên trưởng Canada Herb Grey và bộ trưởng di trú Lucient Robiart chỉ ký kệnh trục xuất “các tình báo viên bất hợp pháp” này.

Điều thú vị là Lorie - Yelena nhất quyết không muốn về nước. Sau cô ta, đến lượt Ian - Dmitri cũng muốn ở lại nước ngoài. Cả hai hiểu rõ Moskva sẽ không đón họ bằng bánh mì muối. Ngày xưa thì những phốt kiểu này sẽ khiến cho cặp vợ chồng tình báo viên này phải trả giá đắt. Ngày nay thì trong không khí tổng tha thứ thì họ chỉ bị tước quân hàm, phần thưởng, đồng thời bị thải hồi khỏi cơ quan. Nhưng hiển nhiên là Cheka sẽ cố tìm hiểu ai là kẻ đã bán đứng các chiến sĩ trên trận tuyến thầm lặng của mình cho kẻ thù. Đến lúc này thì đang có một số phỏng đoán về điều này.

1. Lối sống mới ở phương Tây đã làm cho Olshansky mê muội. Tình yêu đối với người vợ hợp pháp đã lớn đến mức một lần anh ta đã quyết định dốc bầu tâm sự.

“Em yêu, - Ian nói, - anh hoàn toàn không phải là người em nghĩ đâu. Anh là tình báo viên của Nga!!” Người phụ nữ trẻ sửng sốt sau đó đã hé lộ cái tin khủng khiếp ấy cho cha mình. Và ông này, theo đúng nghĩa vụ của một người yêu nước chân chính đã đi theo con đường bấp bênh “vì nước, diệt thân” để đi báo cho cảnh sát.

Mấy ngày trước khi bị bắt, Ian Dmitri đã bảo người vợ Canada của mình là có công chuyện nên định bay sang một nước châu Âu (có lẽ là Thuỵ Sĩ). Phản gián Canada sợ rằng, anh chàng tình báo viên bất hợp pháp kia sẽ không quay trở lại nữa nên vội vã túm cổ anh ta. Hơn nữa, dù điều đó có không xảy ra thì việc rò rỉ thông tin đã vẫn cứ xảy ra. Bạn trai của Lorie - Yelena, chàng tiến sĩ Miller khi thăm cô ta trong buồng giam đã nói:

- Lorie đã thú nhận với tôi rằng, cô ấy là gián điệp Nga. Trước đây, cô ấy là người theo chủ nghĩa xã hội và chân thành tin tưởng là cô ấy đang hành động chỉ vì lợi ích tổ quốc. Khi Ian ruồng bỏ cô ấy và chỉ quan hệ với cô ấy thuần tuý vì công việc, điều này đã làm cho Lorie bị kích động mạnh. Nếu thêm ít lâu nữa, có lẽ tự cô ấy đã đến tự thú với chính quyền Canada. Cô ấy đã nói thẳng điều đó với tôi.

Vụ “Canada” cũng chẳng phải là trường hợp đầu tiên các gián điệp bị người thân thích của mình tố giác. Ví dụ như siêu điệp viên KGB Walker, cựu đại tá Cục An ninh Quốc gia Mỹ (National Security Agency, NSA) bị chính người vợ đau khổ vì ly dị của ông ta tố giác.

2. Nếu như “người đàn bà vô đạo đức trong sinh hoạt” dường như là lời giải thích hợp lý cho vụ xì căng đan thì chính quyền Canada, về phần mình, lại đề nghị người ta tin vào một giả thiết khác. Cơ quan phản gián Canada đã lần ra dấu vết của vợ chồng Lambert từ khá lâu mà không có sự giúp đỡ bên ngoài nào. Những người Canada tự xưng mới toanh này chẳng có ai thân thích ở đây đã lập tức gây ra sự nghi ngờ nào đó. Họ bắt đầu bị “theo” và cuối cùng người ta phát hiện ra họ là những tên gián điệp.

Bất cứ cơ quan tình báo nào cũng luôn tìm cách lợi dụng mọi tình huống cho lợi ích của mình. Cùng với người Canada, những người đã khẳng định lần ra vợ chồng Lambert bằng cách theo dõi và tính toán, có nghĩa là họ có thể được xem là những kẻ có nghề cao thì các nhân viên Cheka cũng đưa ra tiếng nói của mình.

Không lâu sau khi vợ chồng Olshansky bị trục xuất, trên một số phương tiện thông tin đại chúng của Nga rõ ràng là được các cơ quan tình báo “phím” cho, đã xuất hiện một số bài nói về “nạn săn tìm gián điệp với mục đích chống Nga của phương Tây”. Người ta khẳng định các tình báo viên bất hợp pháp đã bị bắt chỉ với mục đích - làm cân bằng danh tiếng chói sáng của FSB sau vụ bắt quả tang điệp viên của tình báo Anh, viên chức Bộ Ngoại giao Nga P.A. Obukhov. Lúc đó, đã có 4 nhân viên sứ quán Anh bị trục xuất khỏi Nga vì bị buộc tội hoạt động gián điệp.

Theo ý kiến của các tác giả những bài báo này, cơ quan phản gián Canada CSIS đã hành động có sự phối hợp chặt chẽ của người Anh. Họ thậm chí đã lên kế hoạch đánh đổi vợ chồng Olshansky lấy một điệp viên bị bắt. Nhưng đại diện chính thức của CSIS đã kiên quyết bác bỏ tin này.

Cuộc sống đã chứng minh rằng, ông ta đã không nói dối. Vợ chồng Olshansky - Lambert đã yên lành vượt đại dương bay về trong vòng tay “bạn bè” của các đồng nghiệp. Tên gián điệp Anh Obukhov (cũng giống như tên gián điệp Anh bị bắt hai năm trước là Vladimir Sintsov) cũng ngồi bóc lịch trong nhà tù Lefortovo, cái nhà tù mà như được biết, quyền quản lý nó đã được chuyển trở lại từ Bộ Nội vụ về cho FSB.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét