Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 205

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên thế kỷ XX: Cứu thoát điệp viên Sophocles

VietnamDefence - Tướng Samokhin, bí danh Sophocles, khi làm tuỳ viên quân sự tại Nam Tư đã có công lớn trong việc phát hiện ra các hoạt động chuẩn bị chiến tranh của Đức.

Tại Ban căng


Tháng 1 đến tháng 4 năm 1941.

Sau khi hiệp ước Xô-Đức về hữu nghị và biên giới, mà ta thường gọi là hiệp ước Molotov-Ribbentrop, được ký tại Moskva, các đoàn thương mại liên tục đến Moskva và Berlin - người Đức đang rất cần lúa mì, dầu mỏ, nikel của Liên Xô; còn các đại diện Liên Xô thì đã thoả thuận về việc cung cấp sản phẩm luyện kim Đức như ống thép, máy cái, tàu biển và máy bay. Hitler và Goebbels tuyên bố kẻ thù chủ yếu và duy nhất là nước Anh...

Tuy nhiên các chính trị gia, các nhà ngoại giao và các nhà quân sự đều hiểu rằng, hiệp ước này chỉ là sự tạm hoãn, thoả hiệp tạm thời và Hitler sớm hay muộn cũng sẽ thực hiện những kế hoạch chủ yếu của mình.

Sự tạm hoãn này cũng đã được tận dụng nhằm nâng cao sức chiến đấu của Hồng quân và khôi phục lưới tình báo Xôviết đã bị tổn hại đáng kể do hành động thanh trừng của Stalin. Đội ngũ các tuỳ viên quân sự - chính là các trưởng trung tâm tình báo bình phong công khai của tình báo quân sự Liên Xô - cũng được đổi mới.

Vào cuối năm 1940, thiếu tướng Aleksandr Georgievich Samokhin được cử làm tuỳ viên quân sự Liên Xô tại Belgrade và ông đã tích cực bắt tay vào khôi phục những quan hệ cũ, thu hút những nguồn cung cấp tin mới. Ban Căng nói chung và Nam Tư nói riêng chiếm một vị trí quan trong trong các kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân.

Từ những năm 1937-1938 và cho đến mùa xuân năm 1941, Bộ Tổng tham mưu Hồng quân đã rất coi trọng sự tham gia của NAm Tư, Hy Lạp và Bulgaria vào việc chống lại cuộc xâm lược có thể xảy ra của phát xít Đức chống Liên Xô.

Tướng Samokhin, người có bí danh Sophocles, khi được bổ nhiệm làm tuỳ viên quân sự tại Nam Tư đã có công lao lớn trong việc phát hiện ra các hoạt động chuẩn bị chiến tranh của nước Đức, trong đó có cả ở Ban căng.

Ngày 4 tháng 1 năm 1941, Cục trưởng Tình báo Hồng quân, tướng Golikov đã báo cáo với Stalin bản báo cáo tiếp theo của Sophocles, với các đoạn trích từ báo cáo của bộ tổng tham mưu Nam Tư: “... Nước Nga đang ở tình thế không thuận lợi do sự hiện diện của các sư đoàn Đức ở Rumani... Nước Nga, do tình thế, đang phải hợp tác với Đức mà vẫn biết rằng, việc đụng đầu với chủ nghĩa phát xít là không thể tránh khỏi, nhưng Moskva cho rằng, mỗi ngày chiến tranh sẽ làm suy yếu nước Đức và tăng cường sức mạnh cho Liên Xô... Nước Nga có kế hoạch tác chiến mới.... với trọng tâm sẽ là biên giới Xô-Hungari-Slovakia... Bộ Tổng tư lệnh tối cao Hồng quân cho rằng, điều đó sẽ làm chia cắt quân Đức khỏi căn cứ và tiêu diệt chúng...”.

Bộ tổng tham mưu Nam Tư nắm tình hình không tồi - Nguyên soái Shaposhnikov và sau này là các tướng Meretskov và Zhukov cũng đã theo đuổi chính các mục tiêu này: trong trường hợp Đức tấn công Liên Xô, phải chia cắt nước Đức khỏi nguồn dầu mỏ Rumani và loại trừ khả năng quân đội Rumani hỗ trợ cho quân đội Đức.

Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Sophocles đã gửi về một báo cáo giành cho một diện hẹp của đại sứ Đức: “Ban căng là một mắt xích quyết định đối với nước Đức... Nếu như Liên Xô không đồng ý với điều này thì chiến tranh với họ là điều không tránh khỏi”.

Vào giữa tháng 2, Trung ương đã nhận được báo cáo mới của Sophocles: ở phần đông châu Âu, người Đức duy trì 127 sư đoàn.

Còn ngày 10 tháng 3 - là thông tin đáng lo ngại hơn nữa: Hitler từ bỏ kế hoạch đánh chiếm nước Anh; nhiệm vụ trước mắt của hắn là đánh chiếm Ucraina và Baku; thời gian tiến hành: tháng 4-5 năm 1941; các nước đồng minh của hắn là Hungari, Rumani và Bulgaria; đang tiến hành mạnh mẽ việc chuyển quân Đức sang Rumani.

Ngày 4 tháng 4, báo cáo của Sophocles đã mang tính chắc chắn hơn: bọn Đức đang chuẩn bị tiến công trong tháng 5, đối đầu với Liên Xô là các cụm quân Đức Koenigsberg, Krakow và Varsava...

Sophocles đã cung cấp những thông tin quý giá cho bộ chỉ huy Xôviết cho đến tận tháng 4 năm 1941 khi quân Đức chiếm được Belgrade.

Sai lầm của viên phi công

Ngày 21 tháng 4 năm 1942.

Khi trở về Liên Xô, thiếu tướng Aleksandr Samokhin đã chỉ huy quân đoàn bộ binh số 29, sau đó công tác tại Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân, còn ngày 21 tháng 4 năm 1942, ông đã nhận chức vụ mới - tư lệnh tập đoàn quân số 48 hoạt động tại khu vực ga Kastornaya.

Trên đường đi, chiếc máy bay PR-5 phải hạ cánh ở Elze để vị tư lệnh tập đoàn quân mới trình diện với tư lệnh phương diện quân Bryansk, chuyển cho ông này túi tài liệu cực kỳ quan trọng của Đại bản doanh Tổng tư lệnh tối cao và nhận chỉ thị của tư lệnh phương diện quân.

“Khoảng ba giờ sau khi cất cánh từ Moskva, - Samokhin khai trong buổi thẩm vấn của SMERSH (SMERSH - viết tắt từ hai từ Smert shpionam, nghĩa là 'cái chết cho bọn gián điệp' là bí danh của cơ quan phản gián quân sự của quân đội Liên Xô thời kỳ 1941-1945 - ND) ngày 26 tháng 6 năm 1946, - tôi nhận thấy máy bay đã bay qua tiền duyên phòng ngự của ta. Tôi lệnh cho phi công quay lại, anh ta đã quay lại nhưng bọn Đức đã bắn chúng tôi làm máy bay rơi”.
Viên phi công Konstantin Konovalov của đội bay trực thuộc Bộ Tổng tham mưu đã rất khó khăn mới hạ cánh được chiếc máy bay đã bị bắn xuống một sườn đồi thoai thoải và trống trải từ mọi phía. Bọn lính Đức lao đến máy bay, đánh gục ông và lục soát. Trong số các chiến lợi phẩm, chúng thu được thẻ đảng của Samokhin, giấy công lệnh, thẻ nhân viên GRU và phiếu huân chương (năm 1940, ông đã được tặng thưởng Huân chương Cờ Đỏ vì công lao đào tạo cán bộ cho Hồng quân).

Ban đầu, chúng đưa tướng Samokhin đến bộ tham mưu tập đoàn quân xe tăng số 2 ở Oryol, sau đó đưa bằng máy bay sang Đông Phổ, đến pháo đài Letzen và bị giam một mình rất lâu ở đây. Bọn Đức liên tục hỏi cung vì chúng biết rõ ông là một cán bộ cao cấp của GRU, nguyên tuỳ viên quân sự Liên Xô tại Nam Tư. Nhưng Aleksandr Samokhin đã không chịu khai báo bất chấp mọi sự đe doạ.

... Sau khi cụm quân của Thống chế Paulus đầu hàng ở Stalingrad, phản gián quân sự Liên Xô đã hỏi cung các sĩ quan Đức bị bắt làm tù binh. Đại tá Bernd von Petzold dã khai rằng, hắn đã hỏi cung Samokhin tại pháo đài Bojen ở gần Letzen và với mọi câu hỏi ông đã trả lời: tôi không biết, không nhớ, đã quên hết vì bị sốc. Chúng không tìm thấy trong người Samokhin một tài liệu nghiệp vụ nào.

Tên đại tá Fridrich Schilkneht, tham mưu trưởng quân đoàn số 8 thuộc tập đoàn quân số 6 và tên trung uý Fridrich Mann, trưởng phòng quân báo sư đoàn cơ giới số 29 thuộc tập đoàn quân số 6 cũng xác nhận điều này: tình báo viên quân sự Samokhin đã giữ vững khí tiết khi bị hỏi cung.

Nhưng thủ đoạn tung tin giả của kẻ thù cũng là một vũ khí lợi hại không kém sức mạnh của cả một binh đoàn lớn hoặc sức mạnh tác chiến hiệp đồng của cả một tập đoàn quân trang bị mạnh. Ngay ngày 22 tháng 4, tư lệnh tập đoàn quân xe tăng số 2 của Đức, tướng Schmidt đã ra chỉ lệnh: “... Tôi cảm hơn các binh sĩ của tiểu đoàn đã bắn rơi máy và và bắt làm tù binh tướng Samokhin. Nhờ đó, bộ chỉ huy Đức đã nhận được những tin tức quý giá có thể ảnh hưởng thuận lợi đến việc tiến hành các chiến dịch quân sự tiếp theo”.

Trong cảnh tù binh

Năm 1942-1945.

Aleksandr Samokhin đã tin tưởng chắc chắn rằng, kẻ thù sẽ áp dụng mọi thủ đoạn kể cả tra tấn để moi ở ông các bí mật quốc gia mà ông nắm được theo cương vị công tác. Mà ông biết cũng không phải ít: tình hình bố trí lưới tình báo Liên Xô, cơ cấu và các phương thức hoạt động của tình báo quân sự, am hiểu “nền chính trị lớn” của Liên Xô và các ý đồ tác chiến của Tổng tư lệnh tối cao. Để kẻ thù không nắm được những thông tin này, mà bọn Gestapo lại khét tiếng là biết cách làm người ta khai khẩu, Samokhin đã quyết định tự nguyện đề nghị hợp tác với tình báo Đức để nhận nhiệm vụ và trở về tổ quốc. Ông tính là ít ra ông cũng tránh khỏi phải rơi vào tay Gestapo.
Một cơ hội thuận tiện đã xuất hiện. Tại pháo đài Letzen, một sĩ quan Đức đã tới thăm viên tướng tù binh. Hắn là người quen biết ông từ thời ở Nam Tư - tháng 4 năm 1941, hắn đã hộ tống Samokhin và đại sứ Liên Xô ra khỏi Nam Tư đã bị Đức chiếm đóng. Tận dụng cơ hội, Samokhin đã nói với hắn bằng tiếng Serbia: “Hãy báo với chỉ huy của anh là tôi có thể có lợi cho họ nếu được tung về Liên Xô”. Không trả lời gì, tên Đức ra về.

Người phiên dịch có mặt lúc đó đã tìm hiểu câu chuyện và nhận định tuyển mộ Samokhin là vô nghĩa vì ngay khi trở về Liên Xô, Samokhin sẽ bị xử bắn tức khắc, còn chúng, bọn Đức, sẽ bị coi là những thằng ngu. ý đồ trá hàng của Samokhin đã chấm dứt tại đây.

Sau đó, ông đã trải qua các trại giam ở Nikolaikin và Chensthow. Ngày 7 tháng 8 năm 1942, ông bị đưa tới trại Hammelburg - “trại VIII”. Vì từ chối tham gia các buổi sinh hoạt của “đảng nhân dân lao động Nga”, vị tướng này đã bị phạt cắt mất một nửa khẩu phần.

Nhưng điều đáng buồn nhất là những bạn bè trung kiên, không chịu khuất phục bọn phát xít đã ra đi khỏi Hammelburg. Tại Dahau, tướng Shepetov, anh hùng Liên Xô đã bị treo cổ. Các tướng Karbyshev, Presnyakov, Danilov, Zusmanovich, Nikitin bị đưa khỏi Hammelburg. Trong số họ chỉ có Pavlov... còn sống trở về tổ quốc. Chính từ đó, trong trại Hammelburg đã xuất hiện những nhà hoạt động nổi tiếng của cái gọi là “Uỷ ban giải phóng các dân tộc Nga” - Trukhin, Blagoveshchensky...

Tháng 4 năm 1943, “trại VIII” bị giải thể và các tướng tù binh Xôviết bị chuyển đi ban đầu là tới trại Nuremberg, sau đó là tới pháo đài Wulzburg. Hai năm sau, ngày 26 tháng 4 năm 1945, các vị tướng này bị áp tải đi bộ đến trại Magdeburg cách Munich 50 km và ngày 29 tháng 4, trại đã được lính Mỹ giải phóng. Ngay trong ngày đó, các vị tướng đã được chở đi Paris.

Thay mặt các tù binh được giải phóng, tướng Samokhin đã gửi về Moskva cho Stalin bức điện chào mừng: “Chúng tôi còn sống và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới”. Không lâu sau, một chiếc máy bay đặc biệt đã bay từ Moskva tới để chở họ về...

Cuộc thẩm tra của SMERSH

Ngày 1 tháng 5 đến 21 tháng 12 năm 1945.

Chiếc máy bay từ Paris hạ cánh xuống một sân bay quân sự ở ngoại ô Moskva. Cạnh cầu thang có một chiếc xe buýt sơn màu xanh. Không có người hộ tống mà chỉ có các sĩ quan SMERCH mang vũ khí cá nhân ra đón các vị tướng. Các vali với tặng phẩm của người Mỹ như quần áo dân sự, đồ vệ sinh... được chất lên xe tải.

Nơi ở mới của các vị tướng vừa thoát khỏi cảnh tù binh là trại tuyển chọn-thanh lọc đặc biệt của Tổng cục Phản gián SMERSH.

Sau khi tắm rửa và làm vệ sinh, họ được cấp quân phục sĩ quan - các áo varơi bằng len và quần bó ống - không có phù hiệu phân biệt và được đưa vào các căn nhà gỗ mới tinh, cứ hai người một phòng. Các tướng Pavel Artemenko, Yevgeny Yegorov, Ivan Krupennikov, Aleksandr Samokhin, Pyotr Privalov, Nikolai Kirillov, Mikhail Beleshev và những người khác bị canh giữ.

Ngày 21 tháng 12 năm 1945, Thứ trưởng quốc phòng Liên Xô Nikolai Bulganin, Tổng tham mưu trưởng Aleksei Antonov và Tổng cục trưởng SMERSH Viktor Abakumov báo cáo với Stalin:

“Theo chỉ thị của đồng chí, sau khi xem xét các tài liệu về 36 tướng được đưa đến Tổng cục SMERSH trong tháng 5-6 năm 1945, chúng tôi đã đi đến các kết luận sau đây:

1. Chuyển giao cho Tổng cục trại giam của Bộ Dân uỷ quốc phòng 25 tướng Hồng quân.

Khi đến Tổng cục trại giam của Bộ Dân uỷ quốc phòng, đồng chí Golikov sẽ nói chuyện với họ, còn các đồng chí Antonov và Bulganin sẽ nói chuyện với một vài người trong số đó.

Theo đường của Tổng cục trại giam của Bộ Dân uỷ quốc phòng, các tướng sẽ nhận được sự hỗ trợ điều trị và tiện nghi sinh hoạt. Với mỗi người, sẽ xem xét vấn đề đưa trở lại quân ngũ, còn một số người do bị thương nặng và tình trạng sức khoẻ kém có thể sẽ được cho về hưu.

Trong thời gian ở tại Moskva, các tướng được bố trí ăn ở trong khách sạn.

2. Bắt giữ và xét xử 11 viên tướng Hồng quân vì đã phản bội, khi bị bắt làm tù binh đã tham gia vào các tổ chức của kẻ thù do bọn Đức thành lập và tích cực hoạt động chống Liên Xô.

Gửi kèm danh sách kèm theo nội dung tóm tắt các tư liệu về những người phải bắt giữ.

Xin đồng chí cho ý kiến chỉ đạo”.

Ngày 27 tháng 12, Viktor Abakumov đã viết một câu nhận xét lên bản sao thông báo này như sau: “Đồng chí Stalin đã phê chuẩn đề nghị của chúng tôi. Đồng chí Antonov đã báo cáo với đồng chí ấy về vấn đề này qua điện thoại”.

Trong số 25 vị tướng trải qua kiểm trra, chỉ có nguyên tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 5, thiếu tướng Mikhail Potapov là trở lại quân đội. Trong số còn lại, những người vẫn còn khả năng phục vụ được điều tới các khoa quân sự của các trường đại học và đại học tổng hợp dân sự. Những người không còn khả năng phục vụ được chuyển sang ngạch dự bị hoặc về hưu. Toàn bộ 25 tướng đều bị đặt dưới sự theo dõi ngầm của SMERSH để đề phòng mọi bất trắc.

Liên quan đến thiếu tướng Aleksandr Samokhin, trong báo cáo trình Stalin có viết: “... Tại các cuộc thẩm vấn của Tổng cục SMERSH, Samokhin thú nhận đã khai với bọn Đức họ tên thật của một loạt cán bộ của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân như: thiếu tướng Panfilov, Tổng cục trưởng GRU; trung tướng Bodin, Tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến và một số chỉ huy khác. Ngoài ra, Samokhin cũng đã khai với bọn Đức cơ cấu tổ chức của GRU, nhưng như ông ta khai thì cơ cấu này không đúng sự thật. Samokhin cũng khai rằng, do sợ bị Gestapo hỏi cung nên ông ta đã định giả vờ cho tình báo Đức tuyển mộ để sau đó tung về Liên Xô, và khi về đến Liên Xô ông ta sẽ ra đầu thú, nhưng bọn Đức đã bác bỏ đề nghị của ông ta. Trong các buổi thẩm vấn, Samokhin tỏ ra không trung thực”.

Cái chết của Stalin cứu sống viên tướng GRU

Tháng 1 năm 9146 đến tháng 3 năm 1952.

Những lời cáo buộc về tội khai báo tên tuổi các sĩ quan chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu đã xuất hiện ngay trong những buổi thẩm vấn đầu tiên. Họ tên của chỉ huy GRU được ghi trên thẻ công vụ bị bọn Đức lấy được trong người Samokhin, còn tên những người còn lại hoá ra là do bọn Đức nêu lên đễ xác nhận những tin tức mà chúng đã có. ý đồ giả vờ để được tuyển mộ nhằm mục đích trở về nước đã được xem như là làm việc cho tình báo Đức. Aleksandr đã bị buộc tội phản bội tổ quốc theo điều 58-1 b Bộ luật hình sự CHLBXHCN Xôviết Nga mà mức hình phạt của tội này là tử hình.

Ban đầu, tướng Samokhin bị giam trong nhà tù nội bộ ở Lubyanka, sau đó chuyển tới nhà tù Lefortovo, sau đó được chuyển tới nhà tù khủng khiếp Sukhanovo của Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô MGB, rồi một lần nữa trở lại Lubyanka.

Tối nào, Samokhin cũng bị dẫn đi thẩm vấn ban đêm cho tới sáng. Và lần nào, điều tra viên cũng ghi vào biên bản hỏi cung câu: “Phủ nhận làm việc cho tình báo Đức”.

Ngày 1 tháng 6 năm 1946, Aleksandr Samokhin đã gửi một bức thư cho Stalin, “Sự kết thúc khủng khiếp còn hơn sự khủng khiếp không hồi kết”, - con người đã trải qua ba năm trong địa ngục của các trại giam phát xít và rơi vào địa ngục của các nhà giam thời Stalin, đã viết. Ngày 6 tháng 7 năm 1947, người con trai tướng Samokhin, trung uý Igor Samokhin, đã gửi thư cho Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô Nikolai Shvernik. Anh thông báo rằng mẹ anh, vợ của Aleksandr Georgievich Samokhin đã phải vào viện tâm thần, gia sản bị thất tán ở nhiều người khác nhau. Igor Samokhin yêu cầu cho anh ta biết về số phận của người cha và giúp đỡ cho người mẹ đau ốm.
Nhưng các lá thư đã chẳng đến được tay Stalin cũng như Shvernik, mà nếu như chúng có đến được tay họ thì số phận tướng Samokhin cũng chả có gì thay đổi. Việc báo tin về những người ấy, “những cựu quân nhân của Hồng quân”, kể cả cho cha mẹ, vợ con họ, đều bị tuyệt đối nghiêm cấm.

Ngày 14 tháng 11 năm 1948, Aleksandr Samokhin đã yêu cầu giúp đỡ tiền nong để mua vitamin và mỡ cá mà bộ phận y tế nhà tù chỉ định vì ông không liên lạc được với gia đình và không có ai giúp đỡ. Cả trong những năm sau đó, ông cũng viết những yêu cầu đó, nhưng kết quả vẫn là một - chúng được đính cẩn thận vào hồ sơ và thực chất là người ta không quyết định gì cả.

Mãi đến ngày 16 tháng 2 năm 1952, thứ trưởng an ninh quốc gia Liên Xô, đại tá Ryumin mới phê chuẩn kết luận buộc tội Aleksandr Samokhin vì đã “thể hiện mong muốn hợp tác với tình báo phát xít và khi bị thẩm vấn đã khai những thông tin cụ thể về các cán bộ chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu Hồng quân”. Vào ngày 25 tháng 3 năm đó, đã diễn ra phiên toà của Toà quân sự-Toà án Tối cao Liên Xô và Samokhin bị kết án 25 năm lao động cải tạo. Trước đó, bộ phận y tế của nhà tù đã báo cáo: “Có thể lao động chân tay cường độ trung bình” nghĩa là vị tướng 50 tuổi rất chật vật mới có thể nhúc nhắc được chân tay do những bệnh tật mắc phải khi bị bắt làm tù binh và ở tù.

Nhưng tại phiên toà, Aleksandr Georgievich Samokhin cư xử rất cứng cỏi khi tuyên bố: “Tôi đã làm một việc nông nổi và định giả bị tuyển mộ. Lỗi của tôi là như thế, nhưng tôi đã làm điều đó là nhằm thoát khỏi cảnh tù binh và tránh khai báo cho kẻ thù những tin tức nào đó. Tôi có tội, nhưng không phải là tội phản bội tổ quốc. Tôi không giao vào tay địch cái gì cả và lương tâm của tôi trong sạch...”.

Cái chết của Stalin đã cứu sống Samokhin. Ngày 28 tháng 7 năm 1953, bản án đã bị huỷ bỏ theo quyết định của Toà quân sự-Toà án Tối cao và vụ án bị đình chỉ. Nhưng thiếu tướng Samokhin đã không được tiếp tục phục vụ trong quân đội - ông đã phải về hưu do tình trạng sức khoẻ”.

Điệp viên thế kỷ XX: Cô nàng Dusya đa nghi

VietnamDefence - Mất đoàn kết và các bà vợ làm hỏng hoạt động tình báo như thế nào?

Evdokia Petrova, kẻ đào ngũ bất đắc dĩ
Cái đất nước ấy là thế nào mà các nghệ sĩ, vận động viên thể thao, quân nhân, nhà bác học, và thậm chí cả những người mà Đảng tín nhiệm nhất - các nhân viên KGB, cũng thường chạy trốn khỏi nó?

Và người ta đã phải cùm kẹp các công dân Xôviết như vậy để làm gì?

Người ta cho bảo vệ, theo dõi mỗi đoàn đi là một nhân viên Cheka đi theo, họ luôn để mắt theo dõi từng công dân làm việc ở nước ngoài. Ta vẫn nhớ là đâu đó vào năm 1979 trước khi nhạc trưởng Yevgeny Svetlanov đi Đan Mạch cùng với dàn nhạc, tôi đã nhận được từ Moskva một lá thư nói đùa là ông ấy chuẩn bị chạy trốn. Tôi thừa thông minh để không giật mình. Và không vặn tay cả dàn nhạc. Còn đây là trường hợp vợ chồng Petrov. Đây là những “con én đầu mùa” trong những năm sau chiến tranh.


***
Dusya Petrova đã đi vào lịch sử vào ngày 19 tháng 4 năm 1954. Cái cảnh hai nhân viên KGB kiêm giao thông viên ngoại giao mặt hằm hằm túm tóc lôi cô ta ra máy bay ở Canberra, Australia sau này đã trở thành hình tượng cho các diễn viên điện ảnh Hollywood vào vai các nhân viên của cơ quan tình báo Liên Xô.

Giày tuột khỏi chân phải, đôi tay run rẩy giữ chặt chiếc xắc đen, đôi mắt buồn rầu, gương mặt tuyệt vọng. Bức ảnh có một không hai này đã có mặt trên tất cả các tờ báo trên thế giới và đã tạo ra một ấn tượng mãnh liệt.

Thực ra, Evdokia Petrova không phải là người bình thường, mà là đại uý MVD (Bộ Nội vụ) và là vợ của một trung tá của cơ quan đáng sợ này mà thời đó đang làm chức năng của ChK - OGPU - KGB.

Chồng cô ta là Vladimir Shorokhov sinh năm 1907 ở làng Larikh ở miền trung Siberia, nơi ông cha anh ta đã sống và lao động nhiều năm. Dusya lớn lên ở làng Lipka thuộc tỉnh Ryazan và nhiều hơn chồng bảy tuổi. Cả hai đều xuất thân từ nông thôn.

Số phận của họ khá giống nhau: cả hai đều đi từ đoàn thanh niên, còn Vladimir do tình yêu đối với giai cấp tiền phong còn đổi cả họ thành Proletarsky (nghĩa là vô sản).

Vladimir và Dusya đã xao xuyến trước những cuộc trấn áp kulak (phú nông) và trung nông ở quê mình và sau đó là các phiên toà chính trị, nhưng họ tin đồng chí Stalin “còn hơn là tin vào chính bản thân mình”.

Sau khi phục vụ ở hạm đội với tư cách nhân viên cơ yếu, Vladimir vào công tác ở OGPU. Evdokia cũng vào cơ quan này làm việc vào năm 19 tuổi, một phần là nhờ cha cô là lái xe ở phòng vận chuyển của cơ quan. Ban dầu, chị ta làm việc ở bộ phận cơ yếu, sau đó chuyển sang phòng nước ngoài.

“Tôi đã làm cái mà thời đó có vẻ hoàn toàn rõ ràng và bình thường, - sau này cô ta đã viết. - Đối với tôi, OGPU là một tổ chức do Lenin sáng lập để bảo vệ cách mạng chống lại những kẻ thù chính trị của nó”.

Nữ nhân viên Cheka trẻ tuổi sống với nhân viên Cheka ngưòi gốc Serbia (khi đó đăng ký kết hôn được xem là tàn dư tư sản) và sinh cho anh ta một đứa con gái. Năm 1937, người chồng bị bắt và ông đã phải sống nhiều năm trong các trại giam.

Vào năm 1938, Volodya Proletarsky trở về sau chuyến công tác ở Trung Quốc, ở đó anh ta làm ở lãnh sự quán Liên Xô. Hồi ức rõ nét nhất của ông là việc thủ tiêu một tỉnh trưởng Trung Quốc - một điệp viên Xôviết rất giá trị. Mọi chuyện diễn ra rất dơn giản, nhưng lại đặc biệt: viên tỉnh trưởng được mời ăn tiệc tại lãnh sự quán, sau đó họ cho mở máy ôtô tải đậu trong sân nổ hết cỡ, dẫn ông ta xuống tầng hầm, cho một phát đạn vào gáy và chôn ngay theo đúng những nguyên tắc bảo mật chuẩn mực nhất.

Rồi thì Volodya Shorokhov - Proletarsky đã chết mê chết mệt Dusya, anh ta bám theo cô từng bước, quan tâm dịu dàng đến cô sau khi đứa con gái nhỏ của cô ta chết vì bệnh viêm màng não và năm 1940 thì anh được cô nhận lời yêu.

Năm 1942, đôi vợ chồng nhân viên Cheka này được cử đi Stockholm công tác tại sứ quán Liên Xô. Sau khi suy tính kỹ, cấp trên quyết định đổi họ Proletarsky (ai mà biết được bọn Thuỵ Điển tư sản thâm căn cố đế sẽ phản ứng thế nào với cái họ “vô sản” này) sang một họ khá bình thường là Petrov. Người ta định đưa họ sang thủ đô Thuỵ Điển qua Arkhangelsk nhờ các đoàn tàu Anh nhưng không được. Họ buộc phải đi vòng quanh thế giới để đến nơi công tác, bằng cả đường không và đường thuỷ: Teheran, Cairô, Durban (ở Hồng Hải, tàu của họ còn bị tàu ngầm Đức tấn công bằng ngư lôi), sau đó đi máy bay dến London, và từ dó đi máy bay qua Aberden đến Stockholm.

Tại thủ đô Thuỵ Điển, Petrov làm công tác cơ yếu và đảm nhiệm cả công tác bảo vệ cộng đồng Xô kiều, kể cả nhiệm vụ điều tra vị đại sứ bị trục xuất một cách danh dự sang Stockholm là Aleksandra Kollontai, người mà Stalin không còn tin tưởng nữa.

Dusya ban đầu làm thư ký tại trung tâm tình báo ở đây, còn sau đó được chuyển sang làm nghiệp vụ và chút nữa đã tuyển được một nữ nhân viên Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển.

Hai vợ chồng đã có 4 năm hạnh phúc ở Thuỵ Điển, tất cả những cám dỗ của cuộc sống tư sản đã không lung lạc được niềm tin của họ vào cuộc cách mạng vốn đã đưa họ từ bùn đen lên để được mở mặt với đời, họ trở về Moskva trót lọt và năm 1951 được cử sang Australia.

Tại sứ quán Liên Xô tại Canberra, Petrov lãnh đạo VOKS (Hội liên lạc văn hoá với nước ngoài toàn liên bang VOKS (1925-1958) - ND) mà cho tới gần đây là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị), nhưng công việc chính vẫn là công tác bảo vệ nội bộ cộng đồng Xô kiều, mà thường gồm cả đại sứ, đồng thời làm cả nhiệm vụ đánh người vào các tổ chức chống Liên Xô và dân tộc chủ nghĩa, cũng như xây dựng lưới điệp báo bất hợp pháp tại Australia. Năm 1952, ông ta được bổ nhiệm làm quyền trưởng trung tâm tình báo, mà thực chất là xếp của trung tâm, vì thực ra ngoài vợ ông ta cũng chả còn ai khác ở trung tâm.

Dusya được cử làm thư ký cho đại sứ và kế toán của sứ quán.

Đôi vợ chồng chẳng hề nghĩ đến chuyện phản bội tổ quốc, nhưng điều không may là họ đã lọt vào dòng thác những âm mưu và những trò chơi xỏ nhau trong nội bộ sứ quán, bản thân họ đã trở thành những người tích cực tham gia vào các cuộc xung đột mà điều tiếng về chúng đã lọt đến tai Trung ương đầy quyền lực.

Chỉ mấy tháng sau khi tới Australia, Petrov nhận được bức điện mật: “Theo thông tin của chúng tôi, đồng chí Petrova (tức Dusya - ND) đôi khi tỏ ra thiếu tế nhị trong quan hệ với các đồng sự, kể cả đại sứ và điều đó đã phản ánh một cách tiêu cực trong công việc của cô ấy. Vì việc này, chúng tôi yêu cầu anh uốn nắn cô ấy”.

Tâm điểm xung đột ẩn giấu, như thường gặp, trong thái độ đối với thời trang của hai đệ nhất phu nhân trong cộng đồng Xôkiều. Theo Dusya, người đã từng lăn lộn ở Stockholm, bà vợ ông đại sứ ăn mặc còn xấu hơn cả vợ một người quét rác, kể cả khi nóng chết mẹ cũng mặc đủ lệ bộ để cho to béo hơn (chồng bà ta tôn thờ các phụ nữ to béo), trong 9 năm ở Canberra chỉ dám mua một đôi tất nylon vì cho là chúng quá đắt và lại thường đi chân không tất.

Bản thân Dusya, theo lời cô ta, rất biết cách ăn mặc và thậm chí còn khiến những người sở tại thán phục. Điều đó đã làm “bà đại sứ” vốn thường nghĩ chồng mình luôn dán mắt vào cô thư ký kiêm kế toán phải nổi điên lên.
Nhưng bà đã nhầm: vị đại sứ đã thận trọng ngay sau khi nhân viên kế toán mới đề nghị thanh toán theo quy định hợp pháp chi phí thuê đồ gỗ hàng tháng của cơ quan cho toà nhà. Cô ta đã buộc phải vâng lời đi vào quy củ, nhưng mầm mống xung đột đã xuất hiện.

Dusya đã bị tấn công từ một hướng hoàn toàn không ngờ: dưới tấm kính trên bàn giấy, cô ta đã dại dột để ảnh một ngôi sao điện ảnh Hollywood và một con chó đang chơi đàn piano ngay cạnh chân dung của lãnh tụ Stalin vĩ đại. Điều đó bị coi là một tội lỗi rõ ràng. Tại cuộc họp chi bộ, hành động này được coi là tội nhạo báng “lãnh tụ của các dân tộc”. Cô ta đã phải viết tường trình và chứng minh tất cả là do vô tình.

Sau đó, lại có những chuyện rắc rối hơn. Petrov nuôi chó. Và lập tức toàn bộ nhân viên sứ quán đều gào lên về Moskva là con chó đó chạy suốt ngày khắp hành lang của toà nhà sứ quán. Khi vị đại sứ và vợ cuối cùng cũng về Liên Xô, vợ chồng Petrov đã tưởng là mọi sự sẽ yên. Nhưng cả đại sứ mới cũng bắt đầu với việc bảo trưởng trung tâm tình báo: “Vladimir Mikhailovich, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã thông qua quyết định để anh không được dẫn chó vào khu vực sứ quán”.

Vào tháng 3 năm 1953, Iosif Vissarionovich (Stalin) qua đời, sau đó Berya bị bắt và thế là tai hoạ lại đến: các nhân viên ngoại giao báo cáo về Moskva là trạm trưởng tình báo và vợ đã lập ra một phe thân Berya! Lời cáo buộc ấy lúc đó thực sự không phải chuyện đùa.

Bất ngờ, Petrov bị bệnh đau mắt, cần phải mổ. Nhờ một người bạn Ba Lan, ông ta gặp được một bác sĩ sở tại nhưng ông này lại có liên hệ với các cơ quan tình báo. Trong cuộc nói chuyện với các bạn Australia thường xuất hiện chủ đề: Tại sao anh không ở hẳn lại Canberra? Chưa chắc có chỗ nào khác mổ mắt giỏi hơn ở đây....

Trong thâm tâm thì Petrov từ lâu đã sẵn sàng cho điều đó, nhưng cô vợ Evdokia, người đã kịp mất chức vụ thư ký vì vụ xì căng đan mới (nguyên nhân là do Dusya ném một miếng bánh ngọt vào vợ ông đại sứ) không hề muốn chuyện tị nạn chính trị vì ở Moskva vẫn còn bà mẹ và em gái, họ có thể bị đàn áp.

Các sự kiện đã diễn tiến rất nhanh chóng. Ngày 27 tháng 2 năm 1954, Petrov lần đầu tiên liên hệ với phản gián Australia, họ đã hứa cho hắn quyền cư trú chính trị và một khoản tiền lớn để mua trang trại. Nhưng hắn chỉ quyết định chạy trốn sau khi mà hắn phát hiện ra trong két của mình ở sứ quán các tài liệu mật mà theo quy định phải được cất giữ ở chỗ khác. Điều này có nguy cơ gây ra những phiền toái lớn, kể cả bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đó chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly và Vladimir, thậm chí còn chẳng kịp nói gì với bà vợ yêu quý, liền lấy theo một số tài liệu mật, rồi biến khỏi sứ quán.

Tất cả các sự kiện đầy kịch tích liền diễn ra. Người ta bắt đầu tìm kiếm người đồng bào mất tích: anh ta có thể bị giết hoặc bị bắt cóc - điều đó đâu có hiếm ở nước ngoài! Evdokia bị chuyển từ căn hộ trong thành phố vào ở trong sứ quán, không còn điện thoại, đài, báo chí và bị kiểm soát. Ông chồng biến mất và tương lai vô định phía trước là điều không thể chịu đựng nổi và Dusya đáng thương đã định treo cổ bằng dây bàn là, nhưng sợi dây đã bị đứt.

Ngày 13 tháng 4, đài phát thanh Australia chính thức thông báo bí thư thứ ba sứ quán Liên Xô Petrov đã xin cư trú chính trị ở Australia. Nhưng Evdokia coi chuyện này là nói láo, là thủ đoạn quen thuộc của bọn đế quốc, bởi vì chị ta tin là chồng mình bị lôi đi ngoài ý muốn!

Hai giao thông viên ngoại giao Liên Xô có vũ trang đang dẫn Evdokia Petrova ra máy bay
Hai tuần sau khi Vladimir biến mất, hắn chuyển cho vợ một lá thư đề nghị gặp gỡ. Người ta đã đọc để cô viết thư trả lời: “Em ngại gặp anh, đó có thể là một cái bẫy” - và cô ta đã tràn đầy quyết tâm trở về Moskva.

Ngày 19 tháng 4, một đoàn hộ tống ngoạn mục dẫn Dusya ra máy bay trong tiếng réo gọi của bọn vô công rồi nghề và các phóng viên đang kêu gọi cô ta ở lại Australia. Để hăm doạ đám đông, đoàn hộ vệ ra lệnh chụp ảnh những người tụ tập và nghĩ là họ sẽ giải tán ngay.

Nhưng chẳng có ai chạy mà trái lại, các nhân viên phản gián lại đổ xô đến sân bay, tách đội hộ tống ra và đề nghị Dusya ở lại nhưng cô ta từ chối. Máy bay cất cánh. Trong khi bay, trưởng kíp bay và các nữ tiếp viên cũng trò chuyện với Dusya. Nữ nhân viên Cheka cứng cỏi này cũng từ chối ngay.
Sắp tới, máy bay phải hạ cánh ở Darwin, điểm cuối cùng trên lãnh thổ Australia.

Tại sân bay lại nổ ra một sự kiện kịch tính mới: đội hộ tống bị cảnh sát Australia bao vây và tước hết vũ khí mặc dù các giao thông viên được quyền mang vũ khí. Lập tức, người ta cho Dusya nói chuyện điện thoại với chồng. Hắn van lơn vợ đến với hắn vì hắn biết rõ điều gì đang chờ đợi cô ta ở Moskva.

Chỉ lúc đó cô ta mới vượt qua con sông Rubico (Rubiconis - tên cổ của một con sông chảy vào biển Adriatic mà vào năm 49 TCN, Gaius Julius Caesar (100-44 BC) (danh tướng, nhà hoạt động nhà nước La Mã, người đã thiết lập nền tảng cho hệ thống đế quốc La Mã), bất chấp lệnh cấm của nghị viện, đã vượt qua cùng các đạo quân lê dương của mình với tiếng kêu: "Alea jasta est!" (Việc đã nhất định rồi!) - điều đó báo hiệu sự bắt đầu của cuộc nội chiến. ở đây có nghĩa là thực hiện hành động cương quyết không thể đảo ngược - ND) và ở lại Australia.

Có lẽ Dusya đã đi vào lịch sử các vụ đào ngũ như một kẻ đào ngũ đa nghi nhất, và công chúng đã nhận được đúng cái mà nó có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét