Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 198

(ĐC sưu tầm trên NET)

Điệp viên thế kỷ XX: Thêm đôi điều về Blake

VietnamDefence - Con người này đã phá hoại hầu như tất cả những gì mà các cơ quan tình báo Anh tạo dựng được từ sau Thế chiến II, vị quan toà Anh buộc tội George Blake.

Cụ George Blake ở tuổi 90 tại nhà nghỉ của mình ở Kratovo, tháng 10.2012

“Con người này đã phá hoại hầu như tất cả những gì mà các cơ quan tình báo Anh tạo dựng được từ sau Thế chiến II”. Vị quan toà Anh trong vụ án George Blake, người bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô, đã kết luận như vậy. Riêng các biên bản của phiên toà chấn động này ở London cũng phải có đến mấy tập.

Theo dự đoán của một người am hiểu hoạt động của các cơ quan tình báo, nhà văn Philippe Nightley, tình báo viên Liên Xô George Blake đã lập được hai thành tích đặc biệt là kịp thời phát hiện đường hầm gián điệp ở Berlin và chiến dịch tung tin giả quy mô lớn với mật danh Boris.

Đến giờ thì người ta đã biết hầu như tất cả về việc khám phá ra đường hầm cho phép nghe lén lâu dài các đường liên lạc bí mật của Liên Xô và CHDC Đức. Nhưng về vụ Boris, G. Blake, trong cuốn sách “Không còn lựa chọn nào khác” đã có kể lại đôi chút, vụn vặt bởi vì lúc đó thì việc nêu tên thật của người mà ở khắp nơi người ta chỉ đề cập đến dưới bí danh được xem như là không thể được xét từ giác độ nghề nghiệp và đạo đức. Hơn nữa, theo P. Nightley, chỉ có bậc thầy về cờ của Nga mới có thể có thể nghĩ ra một kế hoạch phối hợp tuyệt hảo đến thế để Blake thực hiện với sự tham gia của Boris.

Bản chất của kế hoạch đó có vẻ là rất đơn giản: do việc liên lạc với tình báo biên được thực hiện theo phương thức truyền thống thông qua các cuộc gặp cực kỳ bí mật với các sĩ quan hoạt động của KGB, tại Moskva, ngay tại thượng đỉnh của kim tự tháp tình báo, nên người ta đã quyết định áp dụng chiến thuật mới và để cho G. Blake gặp gỡ một đối tác Xôviết mà ông có thể gặp công khai và tất nhiên đã được sự đồng ý của Secret Intelligence Service (SIS). Khó khăn lớn nhất của ý đồ khác thường này là ở chỗ làm sao để người thường xuyên liên lạc với Blake không phải là nhân viên tình báo chuyên nghiệp của KGB và có thể vượt qua được khâu kiểm tra để phát hiện mối liên hệ với cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô. Ngoài ra, phải chọn người đó trong số các chuyên gia ngoại giao trẻ, mưu trí, quảng giao, cực kỳ giỏi ngoại ngữ. Nội dung làm việc với Boris được tách riêng trong nhiệm vụ tình báo của G. Blake, không được dính với công việc được thực hiện thông qua những liên lạc viên bình thường khác và được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Việc tiến dẫn Boris tới G. Blake trong điều kiện biên giới mở và tự do đi lại khi đó giữa cư dân hai thế giới tại thành phố Berlin bị chia cắt không gặp khó khăn gì, mặc dù cũng phải huy động những người trung gian không cần thiết là thương gia Đức Micki và vợ ông ta. Sau này, cặp vợ chồng này còn liên hệ không chỉ với KGB mà cả với tình báo quân sự Liên Xô GRU và giúp tình báo Anh tố giác G. Blake.

Vậy là việc cài cắm đã thành công và kênh liên lạc thông qua Boris của G. Blake đã hoạt động thành công và hiệu quả trong 5 năm sau đó. Anh ấy phải hoạt động hai mặt. Anh ta thường xuyên cung cấp cho London những thông tin khá tốt. “Đây là một thành công lớn - G. Blake viết. - Tôi đã là nhân viên SIS duy nhất có trong tay một người Nga thực sự, bằng xương bằng thịt”. Còn những tin tức quý giá đi theo hướng ngược lại, trong đó có tin tức về tình trạng, tâm trạng, lĩnh vực quan tâm của chính G. Blake, thì lại có tác dụng yểm trợ, giúp đỡ anh ấy bằng cách thể hiện phô trương là “bàn tay của Moskva” đang hiện diện ở khắp nơi.

***

G. Blake (từ đây về sau, thông tin được trích từ cuốn sách “Không còn lựa chọn nào khác” - TG). Người Nga ấy nói rất thạo tiếng Đức và anh ta nói với chúng tôi rằng, anh ta tên là Boris, là nhà kinh tế học và làm việc tại cơ quan kinh tế Liên Xô tại Đông Berlin. Tôi đã vô tình buột miệng nói là tôi nói được tiếng Nga chút ít và chúng tôi lập tức chuyển sang nói bằng ngôn ngữ này. Trong buổi chiều ấy, tôi tự giới thiệu tên là de Wris, nhà báo Hà Lan, làm phóng viên cho một trong những tờ báo Berlin.

Vs. Sovva. Mùa hè năm 1956, chỉ huy tình báo của ta (Liên Xô) tại Đức bất ngờ mời tôi đến gặp, khi đó tôi tuy mới bắt đầu làm phiên dịch cho đại diện kinh tế Liên Xô ở Berlin nhưng tôi đã đảm nhiệm khá tốt nhiệm vụ này (tôi đã làm việc với A.N. Kosygin, A.I. Mikoyan, V.A. Malyshev).

Người chỉ huy đó là trung tướng KGB Aleksandr Mikhailovich Korotkov, chính là “vị tuỳ viên Sasha”, người mà sau khi chiến tranh bùng nổ vào những ngày tháng 6 năm 1941, đã vượt qua vòng vây phong toả sứ quán Liên Xô ở Unter-den-Linden và thiết lập được kênh liên lạc điện đài vốn cực kỳ cần thiết với Moskva.

Cuộc tiếp xúc với người sĩ quan Cheka không biết cười ấy rất ngắn gọn và cực kỳ rõ ràng. “Chúng tôi mong muốn - Aleksandr Mikhailovich Korotkov nói - làm thế nào để đưa được nhà báo Hà Lan Maks de Wris lọt được vào giới bạn bè nước ngoài của anh. Địa điểm liên lạc thường xuyên - Tây Berlin. Các cuộc nói chuyện là theo các chủ đề tự do bằng tiếng Đức, cũng như tiếng Nga. Nói thật đôi chút về công việc, khi đó hãy tạm quên nội dung thông tin mật mà anh có quyền tiếp cận đi”.

Khi chia tay, Korotkov dường như vô tình bổ sung thêm là trong mọi hoàn cảnh không được vào vai một nhân viên tình báo, nhưng tai thì lúc nào cũng phải dỏng lên.

Thực tế là chính từ đây bắt đầu việc tiếp cận của tôi với G. Blake.

... Trong một lần đến một quận nghèo ở Tây Berlin, nơi các công dân Liên Xô thường đến mua bán, đã diễn ra phiên liên lạc đầu tiên của chúng tôi. Quang cảnh khá phù hợp: một quán bia bình thường ồn ào đầy những giọng nói lè nhè và đặc sệt khói thuốc lá.

G. B. Boris nói thoải mái hơn về công việc của mình, anh ta kể anh ta đến Đức với tư cách phiên dịch viên chính theo đường khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế - ND) và có nhiệm vụ phục vụ các cuộc đàm phán ở cấp cao nhất giữa Liên Xô và CHDC Đức và tháp tùng các đoàn đại biểu Liên Xô.

V. S. George là con người tính tình cởi mở, hiền lành có giọng nói nhỏ nhẹ, thong thả, một chuyên gia tâm lý siêu hạng (một nét đặc điểm của tình báo viên đáng ngại đối với người đối thoại!). Câu chuyện của chúng tôi luôn thoải mái và tôi dần cảm thấy kính trọng và thiện cảm với anh ấy. Điểm cao trào trong quan hệ mới được thiết lập giữa chúng tôi là lúc chúng tôi đi trên chiếc Wolkswagen của anh ấy, chúng tôi đã vui vẻ cất tiếng gào hết cỡ bài “Chiều Moskva”, tuy không được đều cho lắm. Mà lại là giữa trung tâm Tây Berlin chứ! Nhưng dù sao thì vẫn trên phố thuộc khu kiểm soát của Anh. Tôi thiết tưởng chả ai ở Moskva lẫn London biết được giây phút vui vẻ bốc đồng này của chúng tôi.

Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc thì phải biết là Blake già hơn tôi cả chục tuổi, anh ấy khi đó đang ở đỉnh cao sung sức. Khi trò chuyện, anh ấy luôn thể hiện mối quan tâm mang tính “nhà báo” và tập trung chú ý vào những xu hướng chính và triển vọng tình hình quốc tế. Các ý kiến trao đổi thường xoay quanh vấn đề khối SEV, hợp tác kinh tế Liên Xô với CHDC Đức.

Bây giờ, khi phân tích lại tình hình và những sự kiện thời đó, tôi nghĩ là khi đó, phương Tây đang chịu một nạn đói thông tin thực sự. Phương Tây quan tâm chú ý tới bất kỳ chi tiết nào về tình hình của một xã hội xã hội chủ nghĩa khi đó còn đóng kín như bưng. Những cách triết giải của tôi, như bây giờ người ta thường nói, chính là một thứ tóm tin cho G. Blake và giúp cho anh ấy định hướng được trong bối cảnh khó khăn của vấn đề tìm hiểu Liên Xô thời đó. Tôi có thể cam đoan là nhiều cuộc nói chuyện của tôi với G. Blake đã bị ghi âm. Những tài liệu mà SIS thường xuyên nhận được không gợi lên ở họ mối nghi ngờ nào.

Còn ngày nay, trên báo chí phương Tây, tôi lại bắt gặp những lời khẳng định là Boris dường như đã chủ định đánh lừa London (nghĩa là lừa cả Washington) và điều đó đã làm cho giới lãnh đạo phương Tây đưa ra những nhận đấnh giá quá lạc quan, tức là những đánh giá sai, về tiềm lực kinh tế Liên Xô.

Tôi hoàn toàn chắc chắn khi nhấn mạnh: đã không có một nhiệm vụ như vậy, đơn thuần là không thể có vì bấy kỳ mưu toan nào như vậy đều khiến người ta nghi ngờ hiệu quả làm việc của G. Blake - người vốn là một trong những nhân viên chủ chốt của cơ quan tình báo Anh.

Tuy vậy, rõ ràng là có những dích dắc khó thể lường trước trong đường lối đối nội và đối ngoại của Liên Xô, nhất là dưới thời N.S. Khrushchev, và chính chúng cũng đã làm té ngửa nhiều nhà phân tích nước ngoài mà điều đó thì dĩ nhiên là cả G. Blake lẫn tôi đều không chịu trách nhiệm. Đây cũng chính là một ví dụ điển hình cho cái mà người ta nói - đó là hoàn cảnh mạnh hơn con người.

G. B. Tin tức tình báo do anh ấy thu được bằng cách đó chủ yếu mang tính kinh tế, mặc dù đôi khi cũng mang tính chính trị và đã được hồ hởi tiếp nhận ở London. Tổng cục rất hài lòng và cho là Boris hứa hẹn nhiều triển vọng, đáng để quan tâm đặc biệt. Mặc dù anh ấy vẫn còn chưa phải là “người của ta” trong Kremlin, nhưng mọi sự đã nói lên rằng anh ấy có thể trở thành như vậy. Không ai tỏ ra nghi ngờ về vai trò phiên dịch viên phục vụ các cuộc đàm phán thượng đỉnh của anh ta. Thi thoảng, London giao cho tôi những nhiệm vụ đặc biệt liên quan đến một số vấn đề thời sự thì hầu như lần nào Boris cũng trở về với tin tức cần có.

V. S. Các nguyên tắc làm việc mà Moskva đặt ra đã được tuân thủ một cách nghiêm túc: không thông tin mật nào bị rò rỉ ra nước ngoài. Điều đó không nói lên chất lượng tin tức được cung cấp vì G. Blake là một bậc thầy trong việc mông má đánh bóng bất kỳ một mẩu tin nào, dù là rất vụn vặt.

Nói chung thì tôi khá hài lòng với lời khen ngợi của đối phương vì dầu sao thì tôi đã cố gắng không phải vô ích. Chẳng hạn, cũng chính P. Nightley khẳng định rằng: chiến dịch “Boris” đã cho phép KGB “áp đặt cho tình báo phương Tây một lối tư duy mà nó (KGB) muốn và đã không bị khám phá trong một thời gian dài đến mức những thông tin mà SIS nhận được đã ăn sâu bám chắc vào hoạt động hàng ngày của cơ quan đặc vụ Anh, làm cho hoạt động ấy bị sai lệch và vô hiệu hoá.

Tại đại bản doanh của SIS ở London, người ta đã không nhầm khi đoán trước là tôi sẽ có quá trình công tác ổn định.

Trong những năm sau đó, tôi thăng tiến xuôn xẻ từ một phiên dịch viên tới đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô, có thêm bằng đại học về ngoại giao và kinh tế. Sau đó, tôi giữ những cương vị cao tại nhiều cơ quan trung ương, trong đó có Trung ương ĐCS Liên Xô và Bộ Ngoại giao Liên Xô. Phải sau tháng 8 năm 1991, tôi mới có dịp làm quen với các hành lang đầy quyền lực ở Kremlin, ở chính toà nhà và tầng nhà mà bây giờ là chỗ ở của của tổng thống Nga.
G.B. Mùa hè năm 1985, tôi cùng gia đình nghỉ phép ở CHDC Đức và chúng tôi đã ở Berlin mấy ngày. ở đó, người ta hỏi tôi liệu có muốn gặp lại người quen cũ không. Tất nhiên là tôi đồng ý và nghĩ mãi xem người đó là ai. Ngày hôm sau, điều thật sửng sốt với tôi là Boris đã xuất hiện trong ngôi nhà chúng tôi đang ở. Thời gian đã làm cả hai chúng tôi thay đổi nhưng chúng tôi vẫn nhận ra nhau ngay. Ông ấy đã lên đến cương vị cao trong Bộ Ngoại giao Liên Xô và đang có chuyến thăm chính thức tới Berlin.

V.S. Đây là trường hợp hiếm hoi khi trí nhớ đã phản lại George. Mùa hè năm 1975 (chứ không phải là năm 1985), khi Blake có mặt tại Berlin để gặp người mẹ, V.I. Sovva là đại biện lâm thời của Liên Xô tại CHDC Đức (thay cho vị đại sứ Liên Xô đi nghỉ phép) đã gọi điện cho người bạn tốt Misha, Markus Wolf - thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức để xin được ghé thăm biệt thự mật của Stasi.

Tiếp đó, mọi chuyện xảy ra cứ như trong phim về điệp viên 007 James Bond. Chiếc xe ZIL đen treo quốc kỳ Liên Xô đỏ chói lăn bánh tới ngôi biệt thự đơn độc, được canh giữ cẩn mật. Hai người không còn trẻ nữa, George và Volodya - anh ấy thường gọi tôi như thế - đã ôm chặt lấy nhau ngay bên cửa con của hàng rào.

Tôi tiếc là không có cơ hội chụp bức ảnh hy hữu này để tặng cho tình báo Anh làm kỷ niệm.

G.B. Bây giờ thì đã hoàn toàn rõ là chuyên gia phản gián Shergold vẫn tiếp tục công việc khi đã biết rõ Micky là điệp viên Xôviết, còn Boris - nhân viên người Nga ở khối SEV, cũng là “con vịt mồi thả thêm” nốt. Tôi biết giải thích thế nào nhỉ? Tôi đồng ý là xét một cách toàn diện thì Boris đã làm gián điệp ở sau lưng chúng tôi, chỉ có thể lý giải điều đó là người ta đã sử dụng Micky làm đối tượng thích hợp nhất.

V.S. Cho đến nay những bối cảnh dẫn đến sự bại lộ của George Blake vẫn chưa rõ ràng. Việc bắt giữ anh ấy không có cái vẻ kịch tính, mà giống như một sự thú nhận với một nhóm nhỏ các đồng sự. Người bạn tốt của anh ấy là Harry Shergold, chuyên viên chính của SIS về vấn đề Liên Xô, đã nói thẳng với G. Blake rằng, vụ bắt giữ thương gia Đức Micky (do bị người vợ ghen tuông tố giác) đã cho phép phán đoán Boris là người của Moskva.

George và tôi trong nhiều lần gặp nhau vào những năm sau này đã không bao giờ đi sâu vào chủ đề tế nhị này.

Nhưng dù cho không phải là người trong nghề, tôi vẫn hiểu rằng tình báo viên bị phát giác phải bằng mọi cách đánh lạc hướng chú ý của điều tra và toà khỏi hướng hoạt động bí mật chính của mình, thậm chí phải khai cho họ những người thứ yếu. Rõ ràng là chính điều đó đã xảy ra.

Tôi tuyệt đối không quan tâm là tôi đã đi vào những hồ sơ của vụ án xử Blake với vai trò gì. Mặc dù chính vì vậy mà chính tôi đã trở thành đối tượng điều tra của SIS.

Theo chuyên môn đào tạo chính, tôi là luật gia. Tôi không nghi ngờ cơ sở pháp lý của phán quyết quá nghiêm khắc của toà án Old Bailey (3 tội 14 năm, tổng hình phạt là 42 năm tù giam đối với G. Blake). Về mặt con người, tôi thực sự vui mừng khi biết rằng, Nữ thần Công lý Themis trong trường hợp khác thường này cuối cùng đã né sang một bên. Chính George đã tự xác định sẽ phải ngồi tù cho đến hết án (thực tế đã ngồi tù gần 6 năm), nên ngay khi có cơ hội đầu tiên, đã chạy trốn khỏi nước Anh cổ kính tốt bụng. Và là mãi mãi. Tôi coi kết cục đầy kịch tích của một sự kiện có một không hai này là thắng lợi của công lý tối cao (nhất là khi Blake là một con chiên vô cùng sùng tín).

Nhà tình báo lỗi lạc của thời đại đã đi vào cuộc đời tôi như một hình tượng mẫu mực cho sự kiên cường, bình tĩnh, tự tin và quang minh chính đại. Cũng chính ông chứ không phải ai khác trong số những người liên quan đến điệp vụ, đã nói với tôi là anh lo lắng, bất an vì biết rõ mức độ mạo hiểm cao khi dấn thân vào vụ Boris và nhẹ nhàng bổ sung là người ta có thể còn tranh cãi cả về tính hợp lý của việc tuyển mộ với toàn bộ những hậu quả không lường trước được.

Tôi cho rằng dù sao mình cũng may mắn khi trở thành người bạn tranh luận (tuy không như nhau, nhưng vững chắc trong suốt quãng thời gian dành cho chúng tôi) của G. Blake tại bước ngoặt đột biến trong cuộc đời anh ấy.
Tôi nói lên điều đó với lương tâm trong sạch vì Boris chẳng hề nhận được bất cứ sự ưu tiên, khen thưởng nào của nhà nước và cũng không muốn điều đó. Hơn nữa, các thủ trưởng khác nhau của tôi ở những bộ, ngành khác nhau sẽ chẳng vui vẻ gì nếu như khi đó họ biết là anh nhân viên nhanh nhẹn dưới quyền họ có dính dáng đến một trong những vụ án gián điệp ầm ĩ nhất.

Trong những lần công tác ở nước ngoài, tôi phải bỏ qua London. Mới đây SIS đã thể hiện khả năng nhớ và thù dai về những nhục nhã của mình bằng việc bắt giữ tuy ngắn, nhưng có tính miệt thị phẩm giá con người đối với tướng Oleg Kalugin.

Còn có một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên trong đường đời của tôi và G. Blake. Không lâu trước khi anh bị bắt, người ta chuyển tôi từ Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước (GNTK) sang cơ quan khác của chính phủ. Số phận đã đoái thương tôi nên chính bằng cách đó tôi đã thoát được việc gặp riêng với viên đại tá của đồng thời ba cơ quan tình báo - Tổng cục Tình báo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô GRU, cơ quan tình báo Anh, cơ quan tình báo Mỹ - là Oleg Penkovsky. Nếu như tôi còn ở GNTK, thì theo chức vụ, tôi sẽ trực tiếp thuộc quyền hắn ta.

Những hậu quả của việc cùng làm dù là không lâu với tên phản bội đối với những đồng nghiệp cũ của tôi thì thật là buồn, nhiều người đã vĩnh viễn phải chia tay với cơ quan nhà nước. Sau này, tôi rất hả dạ khi được biết Penkovsky bị phát giác chủ yếu là nhờ những tin tức do G. Blake, người bạn có tâm hồn cao thượng của tôi, cung cấp.

Cho đến nay, tôi vẫn nhớ việc vào vai Boris như một trong những đoạn đời rực rỡ nhất trong cuộc đời công tác của mình. Bây giờ, sau nhiều năm đã trôi qua, tôi mới hình dung được những nhà tình báo là những con người như anh, như tôi, nhưng chỉ với một điểm khác biệt: cho đến một lúc nào đó, họ buộc phải sống một cuộc đời hai mặt, cái cuộc đời mà lúc đã về già không phải ai cũng có thể một lần nữa nhập thành một chỉnh thể toàn vẹn.

***

Điệp viên thế kỷ XX: Liên lạc viên của Đại tá Abel

VietnamDefence - Đại tá Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR Yuri Sergeyevich Sokolov là liên lạc viên của nhà tình báo huyền thoại Abel.

Luôn luôn ở bên cạnh


Đại tá Vilyam Genrikhovich Fisher (Rudolf Ivanovich Abel) trên một con tem Liên Xô
Đại tá Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR Yuri Sergeyevich Sokolov là liên lạc viên của nhà tình báo huyền thoại Abel. Có lẽ ông là người cuối cùng trong số những người đã làm việc với con người là biểu tượng của tình báo Liên Xô không phải ở trong các phòng làm việc ở Yasenevo và Lubyanka, mà hoạt động trên địa bàn mạo hiểm của kẻ thù chủ yếu - Hoa Kỳ. Chỉ có rất ít đồng nghiệp là biết đến tên tuổi ông. Kể cả những phần thưởng cao quý cũng vòng quanh mà không tìm ra người nhận.

Sokolov hầu như biến mất, tan biến trong màn bí mật gắt gao, nơi mà người ta biết đến họ chỉ theo bí số. Vào thời Abel, ông được gọi là Claude. Tôi cực kỳ lúng túng và sau mấy năm cố lần mò tìm hiểu về những điều lắt léo không thể tưởng tượng được của vụ gián điệp hạt nhân Xôviết, tôi cũng chỉ đem vào câu chuyện được che phủ bởi màn bí mật này một phần đóng góp nhỏ nhoi đáng xấu hổ của mình. Trong cuốn sách “Sự thật về đại tá Abel”, đại tá Sokolov - Claude đã chính thức bị “mai táng”. Các nhân viên Cục S (tình báo bất hợp pháp) đã ám chỉ như vậy với tôi.

***

- Thưa Yuri Sergeyevich, ông đã làm việc tại Mỹ bao nhiêu năm?

- Từ năm 1947 đến hết năm 1952. Tôi có hàm ngoại giao là bí thư thứ ba. Ban đầu ở lãnh sự quán, sau đó được chuyển tới cơ quan đại diện ở Liên Hiệp Quốc. Gần 6 năm trời và không có lấy một lần nghỉ phép.

- Công việc có lẽ rất căng thẳng. Còn bây giờ, theo tôi, không phải như thế nên người ta vẫn cho phép nghỉ ngơi.

- Phải, bây giờ chắc không như thế. Nhưng tôi đã được làm việc với lưới điệp viên rất giá trị do đó không thể có sự thay ca. Hướng tình báo khoa học kỹ thuật là hướng tôi đã làm suốt đời.

- Ông đã có những ngồn tin quý giá?

- Cực kỳ quý giá. Có khá nhiều người cung cấp tin cho tôi về bí mật nguyên tử. Còn khi chúng ta cho nổ quả bom nguyên tử của mình, sự quan tâm của chúng ta không vì thế mà chấm dứt: việc nghiên cứu tiến triển, các nhà khoa học đã tiến tới bom khinh khí, rồi xuất hiện vấn đề phương tiện mang phóng.

- Thế ông lấy đâu ra các điệp viên? Ông tuyển mộ à? Họ làm gì? Bây giờ, họ ở đâu?

- Tôi tiếp nhận họ từ những người đi trước. Còn họ làm gì và hiện ở đâu thì tôi sẽ không nói đâu. Những cộng tác viên của chúng tôi là những người ít có nhu cầu nhất để được nổi danh trên mặt báo.

- Nhưng mà, Yuri Sergeyevich, đã từng ấy năm trôi qua rồi còn gì!

- Thôi được. Ví dụ, ở Mỹ, tôi làm việc với Morris và Lona Cohen. Đó là những tên tuổi nổi danh trong thế giới của chúng tôi.

- Không có gì là của bản thân ông ư? Dù sao, vợ chồng ông là một trong những cặp vợ chồng gián điệp lừng danh nhất.

- Ông dùng từ “gián điệp” ở đây là thô thiển và không thích hợp.

- Xin ông thứ lỗi. Morris và Lona lấy cắp cho Liên Xô các bản vẽ bom nguyên tử. Họ qua đời và được chôn tại Moskva. Vậy mà chỉ sau khi chết, họ mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga.

- Tôi được cử sang Mỹ chính là để nối lại liên lạc với họ. Chúng tôi đã gặp gỡ, làm quen và kết thân với nhau. Chúng tôi vẫn là bạn cho đến tận cuối cùng.

- Thế còn với Abel thì sao? Làm thế nào mà ông được làm việc cùng ông ấy? Ông dù sao cũng làm việc tại sứ quán cơ mà?

- Tại Liên Hiệp Quốc.

- Thì vẫn là làm việc công khai. Còn ông ấy thì là điệp báo bất hợp pháp. Tôi nghe nói rằng, người ta cấm việc liên lạc giữa người đang hoạt động dưới “vỏ bọc” công khai hợp pháp với các tình báo viên bất hợp pháp.

- Người ta nói đúng đấy. Nhưng việc liên lạc với Abel cũng mới chỉ được thu xếp thôi. Người ta đòi hỏi thông tin phải được chuyển thật nhanh. Cần tăng cường hỗ trợ cho Abel.

- Sự hỗ trợ nào?

- Tất cả. Chờ các liên lạc viên tới ư? Mất thời gian lắm. Và người ta đi đến nhận định là cũng không thể thiếu được phương thức liên lạc thông qua sứ quán. Tôi tình cờ nghe được câu chuyện của hai xếp của mình. Một người trong số đó là Vladimir Barkovsky, người hoạt động trên hướng tình báo khoa học kỹ thuật, đã đề xuất với trưởng trạm điệp báo của chúng tôi sử dụng Glebov vào nhiệm vụ khó khăn này.

- Glebov thì có liên quan gì ở đây?

- Glebov, cũng như Claude, cũng là tôi mà thôi.

- Khi đó ông bao nhiêu tuổi rồi?

- 27. Tôi mới được phong quân hàm trung uý. Vậy là tôi nghe được câu chuyện và sau đó người ta giải thích cho trôi: thiết lập liên lạc với một điệp viên bất hợp pháp, giúp anh ta thực hiện các nhiệm vụ nghiệp vụ và thật khẩn trương, khẩn trương...

- Thế ông có biết Abel thì làm gì không?

- Tôi được thông tin chung chung về ông ấy. Nhưng lập tức tôi phải vượt qua một trở ngại lớn. Từ Trung ương, người ta liên lạc với ông ấy...

- Từ Moskva?

- Phải, từ Trung ương, người ta quy định điểm liên lạc cách không xa nhà tôi. Đó là ngẫu nhiên thôi, nhưng rất nguy hiểm. Tôi phải thay đổi xe buýt mấy lần. Tôi phải đi đường vòng. Kiểm tra - không có gì đáng nghi, mọi chuyện đều êm. Tôi, tất nhiên là người đầu tiên, xuống xe buýt và khi đang lại gần, tôi đã nhận ra ông ấy.

- Ông có được cho xem ảnh ông ấy không?

- Chẳng có ảnh nào hết. Đó là con người có gương mặt góc cạnh. Tôi vẫn đi thản nhiên, khi đi ngang qua ông ấy, tôi cúi xuống, sửa lại dây giày và nói bằng tiếng Nga: đồng chí Mark, sau 5 phút nữa, trong rạp chiếu phim - ở bên dưới, trong toalet.

- Sao cơ?

- Mark. Đó là tên hoạt động của ông ấy. Trước tiên, tôi phải đi lẹ tới rạp chiếu phim, ghé vào quầy bar, nhấm nháp cái gì đó. Lại kiểm tra một lần nữa - mọi sự bình thường. Tôi xuống lầu và ông ấy đã chờ sẵn ở đó. Ông ấy lại gần tôi và chúng tôi ôm nhau. Ông nói: cả năm trời tôi không gặp được người bên mình. Đầu tiên, tôi đọc mật khẩu cho ông ấy. Chúng tôi trao đổi với nhau và sau đó là những cuộc gặp mới.

- Ông xưng hô “cậu tớ” ngay với ông ấy à?

- Đâu có. Đó chỉ là bây giờ, những người dẫn chương trình truyền hình mới hay “cậu tớ” với tất cả thôi. Còn chúng tôi thì phải sau này khi đã làm việc hợp ý nhau một thời gian.

- Các ông đã hoạt động thế nào?

- Đã có những buổi liên lạc rất thú vị. Kể cả liên lạc trực tiếp lẫn liên lạc hộp thư mật.

- Yuri Sergeyevich, những hộp thư mật được đặt ở đâu? Chúng được chuẩn bị ra sao? Những cái gì được bỏ vào đó?

- Chúng tôi bố trí hộp thư mật ở những địa điểm khác nhau - trong rừng, trong công viên - nơi có nhiều cây, chỉ không ở New York thôi và không được ở chỗ trống trải. Một lần đã xảy ra một chuyện rất ngớ ngẩn với hộp thư mật của chúng tôi. Anh có muốn nghe kể không?

- Tất nhiên là có.

- Đó là ở ven thành phố New York , trong công viên, trên một quả núi. Cảnh quan thiên nhiên rất đẹp - phía dưới người ta chơi bóng đá, bóng chày. Và tôi phải bỏ những tài liệu mã hoá vào hộp thư mật ở đó cho anh ấy - tài liệu viết trên giấy cực mỏng. Thế mà trước khi đó, một đồng nghiệp đến chỗ tôi mang theo một cái xương gà. Nó không nhỏ và không đập vào mắt, tôi cạo, rửa sạch - và quả thực là tôi có được cả một kho chứa tài liệu ngon lành dày cả ngón tay ở bên trong cái xương gà. Tôi lau bằng dầu tây để chó hay mèo đều không thể tha đi được. Và tôi nhét vào đó mấy tờ giấy - trông vẫn bình thường. Trước đó, tôi nhận từ Abel thông qua các hộp thư mật những hộp chứa thư kiểu bulông và êcu: ông ấy khoan rỗng chúng và nhét tài liệu vào đó. Tôi lấy chất dẻo bịt kín cẩn thận cái xương gà của mình và ném vào hộp thư mật. Ngày hôm sau, tôi quay lại và thấy Abel để lại tín hiệu không tìm thấy hộp đựng thư.

- Tín hiệu gì?

- Tín hiệu quy ước của chúng tôi. Chúng tôi thông báo tất cả bằng tín hiệu. Nguy rồi! Nếu kẻ nào đó đã thấy được thì chúng chắc phải chộp được quả tang cả tôi rồi. Tôi muốn đi đến đó kiểm tra, có thể cái xương gà của tôi đang rơi đâu đó gần đấy và đang cười cợt tôi và Abel. Nhưng tôi không thể làm thế, tôi không được quyền. Tôi báo cáo tất cả với trưởng trung tâm. Ông ấy cũng dự đoán chắc chỉ là Abel không nhận ra hộp thư thôi. Chúng tôi hỏi về Trung ương.

- Chả lẽ chỉ có thế mà đã hỏi ngay về Moskva ư?

- Với chúng tôi, tất cả đều phải là bằng linh giác, và lý do ở đây thì thật nghiêm trọng. Chúng tôi nhận được ngay câu trả lời. Người ta không huy động thêm một cán bộ tình báo khác mà cho phép tôi kiểm tra hộp thư mật. Và chưa đến hộp thư tôi đã trông thấy cái xương gà đáng thương của tôi đang nằm trơ trên đám cỏ cao gần gờ đá và chả ai thèm để ý đến nó cả. Tôi kiểm tra ngay: hộp chứa thư không bị mở.

- Tại sao ông lại tin chắc là như thế?

- Chúng tôi thường để lại dấu hiệu bảo hiểm. Nhưng tôi khi đó quá hồi hộp. Tôi quả thực đã phạm sai lầm.

- Thế lỗi là của ai? Chả lẽ không phải là lỗi của Abel? Rõ ràng là ông ấy có thể đoán biết rằng thư được để trong cái xương chứ.

- Tôi đã không báo trước cho ông ấy về kiểu hộp chứa thư mới. Sau này, ông ấy kể với tôi: “Quả thực tôi cũng cầm cái xương gà và giữ nó trong tay. Nó chả giống gì với một hộp chứa thư cả và thế là tôi lẳng luôn vào bụi rậm”. Abel là con người rất khéo, ông ấy chỉ nói: “Đúng là anh chơi khăm tôi”. Ông ấy luôn thừa cẩn thận và kiên nhẫn. Chỉ có một lần ông ấy không giữ được như thế.

- Khi nào cơ?

- Một lần, tôi gặp Abel ở một thành phố khác chứ không phải ở New York. Tôi đã kiểm tra rất kỹ, chúng tôi gặp nhau, trò chuyện và tôi chuyển cho ông ấy mấy lá thư của vợ và con gái Evelina. Ông đọc thư và tôi thấy mặt ông đỏ bừng, mấy giọt lệ rơi trên má. Sau này, tôi không bao giờ nhìn thấy ông ấy để cho tình cảm lấn át lý trí. Lúc đó, tôi vô duyên lại đi hỏi thăm ông ấy là có gì không hay xảy ra không. Còn ông ấy đáp: “Anh sao thế! Hoàn toàn trái lại. Nhưng tôi rất buồn. Tôi luôn nhớ vợ con và Tổ quốc.” Lúc đó, Abel đề nghị tôi thăm dò xem liệu có thể nhận vợ anh ấy vào làm việc ở cơ quan đại diện tại Liên Hiệp Quốc không. Tôi nghĩ bụng, anh chàng đáng thương ban đầu thì đứng xa nhìn vợ, sau đó chúng tôi sẽ phải tổ chức cho anh ấy cuộc gặp tại nhà mật, và có thể chúng có thể tóm được chúng tôi ở đâu đó - thế là đột nhiên có những rắc rối thì sao? Chắc chắn Abel cũng đã nghĩ về điều đó. Và anh chỉ khẽ nói: “Giá như tôi có thể nhìn thấy cô ấy dù là chỉ từ xa xa...”. Anh đề nghị mua cho vợ mình một chiếc đàn viôlôngxen, chị ấy là nhạc công chuyên nghiệp mà.

- Anh quá yêu chị ấy phải không?

- Cả yêu thương lẫn buồn nhớ - tất cả cùng lúc. Tôi không chắc lắm nhưng khi Yulian Semyonovich miêu tả trong phim “17 khoảnh khắc mùa xuân” cuộc gặp của Stierlitzvới vợ trong một nhà hàng nhỏ, có lẽ ông ấy đã ám chỉ đến chính cuộc gặp không thành mà tôi đã viết.

- Thế ông viết về điều này ở đâu? Trong cuốn sách nào chăng? Hay là trong hồi ký?

- Tôi miêu tả việc này trong các báo cáo của mình. Tôi không viết tiểu thuyết, còn thơ... thì cũng có vài bài cho Abel, Morris và Lona Cohen.

- Và dù chỉ là bài thư tứ tuyệt phải không?

- Chúng tôi đã gặp nhau trên bờ vắng lặng, tịch mịch. Abel leo lên một tảng đá và đứng đó rất lâu mắt nhìn đăm đắm vào lòng đại dương. Im lặng. Sau đó, anh ấy đến gần: “Anh biết không, ở đằng kia, bên kia đại dương là nhà tôi”. Đó chính là cảm xúc sâu lắng nhất mà mỗi tình báo viên đều trải nghiệm. Cả tôi cũng vậy:

Trước mắt ta là thay đổi triền miên
Từ đốm sáng thành sắc màu rực rỡ
Từ rì rầm thành ầm ào con sóng
Rồi lại đến một phút giây tĩnh lặng
Bỗng trào lên niềm ước ao da diết
Mong sao ta được một mình
Chỉ một phút không cần mang mặt nạ
Cái mặt nạ xa lạ, khó rời xa, quen thuộc.

Tôi rất không muốn những tình cảm của chúng tôi đối với anh lại là chuyện tầm thường giả tạo. Lo lắng, căng thẳng, xa nhà. Tình báo viên nào cũng luôn mạo hiểm gấp đôi - điều đó làm con người ta kiệt quệ, héo khô.

- Yuri Sergeyevich, ông cho rằng, Abel bị bắt chỉ vì liên lạc viên Häyhänen phản bội - anh ta cũng là tình báo viên bất hợp pháp mà?

- Vâng anh ấy rất mong liên lạc viên khác là Robert. Anh ta đáng lẽ phải tới nơi, còn tôi đã hàng mấy chục lần đi qua tuyến tàu điện ngầm trên mặt đất, mắt nhìn chăm chăm tưởng chừng như khoan thủng cả một cái bốt điện thoại tại một ga tàu điện ngầm. Chính trên bốt điện thoại đó, liên lạc viên phải đánh tín hiệu “đã đến”.

- Tín hiệu gì vậy?

- Hoặc là hình tam giác, hoặc là nét kẻ, giờ thì tôi không còn nhớ nữa. Hoặc tín hiệu phức tạp hơn: chúng ta gặp nhau vào ngày này và giờ này. Tôi đã đi tuyến đường này cả tháng trời mà vẫn vô vọng. Còn sau đó thì chiếc bốt điện thoại cũng biến mất. Người ta dỡ mất nó. Chúng tôi rất lo lắng và băn khoăn. Chẳng lẽ anh ấy bị sa bẫy, bị lộ rồi sao? Một thời gian sau, Trung ương thông báo rằng, Robert đã hy sinh trên đường đi.

- Anh ấy bị giết ư?

- Anh ấy hy sinh trên biển. Biển Baltic. Anh ấy phải đi qua vịnh và con tàu chở anh ấy đã bị đắm. Ngắn gọn mà nói thì đó là do những tình huống không may.

- Thế ông có biết người đó không?

- Tôi ư - không biết. Abel thì biết và rất đau xót.

- Nếu như Robert tới được Mỹ thì có lẽ Vilyam Genrikhovich đã chẳng phải ngồi 6 năm khốn khổ trong nhà tù Mỹ.

- Anh ấy có rất nhiều khả năng và những quan hệ rất rộng rãi. Con người quảng giao này có mối giao thiệp quen biết rộng.

- Vậy thì thực ra ông ấy đã thu được những thông tin gì vậy? Phải chăng là chỉ về bom nguyên tử? Giá trị thông tin ra sao? Về vấn đề này có nhiều ý kiến không giống nhau, đôi khi hoàn toàn trái ngược.

- Tôi chẳng bình luận làm gì. Chúng tôi có luật cư xử riêng của mình. Không được phép xía vô chuyện của người khác. Tôi sẽ không định và không thể nói chi tiết được. Thành phần lực lượng điệp viên chủ yếu mà chúng tôi đã thu hút hợp tác sẽ luôn là điều bí mật. Nhưng có thể nói rằng, có nhiều tin tức, rất nhiều, đã giúp đất nước ta rút ngắn 2-3 năm nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm bí mật và tiết kiệm được 18-20 triệu rúp theo thời giá bấy giờ.

- Thế sau đó, ở Moskva, ông đã gặp gỡ Abel, hai người vẫn chơi với nhau chứ?

- Phải, chúng tôi quan hệ tốt với nhau, ông ấy luôn vui khi gặp tôi. Nhưng kết bạn, qua lại gia đình nhau - cái đó thì không có. Ông ấy dù sao cũng lớn tuổi hơn tôi. Anh cũng phải hiểu cho là Abel làm việc ở cục điệp báo vốn hoạt động khá tách biệt. Có nhiều việc họ không được khuyến khích làm đâu.

- Yuri Sergeyevich, theo tôi hiểu thì chuyến công tác sang Mỹ ấy chưa phải là chuyến cuối cùng.

- Tôi làm việc cho tình báo khoa học kỹ thuật ở nước ngoài trong 25 năm. Sau Mỹ là Anh, Áo, Geneva...

- Xin ông bỏ quá cho câu hỏi này của tôi. Nhưng mà không hỏi thì không được. Ông biết đấy về cái cảm giác phần thưởng cứ chẳng đến lượt ông ấy.

- Biết giải thích cho anh thế nào bây giờ nhỉ... Với tôi, một đại tá đã có 50 năm phục vụ và một số huân chương. Không phải là ông tướng, cũng chẳng phải anh hùng - điều đó có sao đâu? Anh phải hiểu ai đã làm việc cho chúng tôi thì họ làm việc không phải vì quân hàm và tiền bạc. Tìm những người như thế có lẽ phải ở chỗ nào khác cơ. Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi có bổn phận phải làm. Và niềm vui của chúng tôi là ở đó. Còn sau quãng đời hoạt động, số phận đưa đẩy tôi tới trường đại học (tình báo) của chúng ta, nay đã là học viện, ở đó tôi giảng dạy, hướng dẫn các bài thực hành cho các tình báo viên tương lai. Trong năm nay tôi mới nghỉ. Vậy là tôi đã trải qua cả nửa thế kỷ trong cái nghề này rồi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét