Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 124/4 (Phạm Quỳnh)

-Từ ngày cách mạng vô sản nổ ra và "thành công vang dội", bao nhiêu chiến sĩ cộng sản ưu tú lâm vào cái chết oan ức, bi kịch vì bị đồng chí mình thanh trừng, mấy ai được sống trọn vẹn một cuộc đời trong an lành, hạnh phúc?
-Hết nạn đày đọa thanh trừng thì đến nạn thoái hóa, biến chất! Ngày nay, còn bao nhiêu người cộng sản vẫn hoạt động quên mình vì chủ nghĩa cộng sản, vì nhân dân phục vụ?
-Danh lợi, khi hết thơm rồi thì thối quá chừng!
-Ngày xưa hình tượng người đảng viên cộng sản đẹp bao nhiêu thì ngày nay hình tượng đó xấu xí, tầm thường, tha hóa bấy nhiêu. Tại sao?
-Ôi, khai quốc công thần! Ôi, đấu tranh giai cấp! Ôi, chuyên chính vô sản! Ôi, "định hướng XHCN"! 

-Bảo vệ chủ nghĩa Marx làm gì khi nó đã quá lạc hậu rồi và bộc lộ sai lầm? Chỉ riêng luận điểm đấu tranh giai cấp mang tính bạo lực và sắt máu, tiêu trừ một tầng lớp xuất sinh tự nhiên của xã hội (giai cấp tư sản) để xây dựng một xã hội phi giai cấp đầy lòng nhân ái, nghe đã phản khoa học và trái khoáy rồi.
-Im lặng trước tà ác, chính là ủng hộ cho nó. Có một câu danh ngôn của Napoleon: “Thế giới chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của kẻ xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt”!
-Bắt chước Putin: "Ai mãi đi theo CNCS, người đó không có trí não, ai khước từ lòng tốt của nó, người đó không có trái tim!".



--------------------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
AI GIẾT HỌC GIẢ PHẠM QUỲNH ?
Phạm Tôn,  ngày 03 tháng 10, 2009


Phạm Quỳnh
Phamquynh.jpg
Chức vụ
Nhiệm kỳ 1932 – 1945
Tiền nhiệm Nguyễn Hữu Bài
Kế nhiệm Trần Trọng Kim
Thông tin chung
Sinh 17 tháng 12, 1892
Hà Nội, Bắc Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất 6 tháng 9, 1945 (52 tuổi)
Thừa Thiên, Trung Bộ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Trường Trường Bưởi
Dân tộc Kinh
Vợ Lê Thị Vân (1892-1953)
Con cái Phạm Giao
Phạm Thị Giá
Phạm Thị Thức
Phạm Bích
Phạm Thị Hảo
Phạm Thị Ngoạn
Phạm Khuê
Phạm Thị Hoàn
Phạm Tuyên
Phạm Thị Diễm (Giễm)
Phạm Thị Lệ
Phạm Tuân
Phạm Thị Viên.
---------------------------------------------------------------------

Sau 66 Năm, Lịch Sử và Công Lý Nào Cho Vụ Án Phạm Quỳnh?

Sơn Tùng
 

Nhân dịp từ chối “tự ý làm đơn xin cứu xét được Giải thưởng Hồ Chí Minh” 2011 về âm nhạc (rồi lại làm đơn), Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người con trai thứ chín của cố Học giả Phạm Quỳnh, qua một bài phỏng vấn được phổ biến trên diễn đàn điện tử ngày 30 tháng 8 vừa qua dưới tựa đề “Cây cúc đắng trổ hoa vàng”, đã nói khá nhiều về con đường đi theo “cách mạng” và phục vụ Đảng Cộng sản VN của ông từ năm 15 tuổi, sau khi thân phụ ông bị “cách mạng” thủ tiêu vì bị kết tội tay sai thực dân Pháp và “bản án” ấy đã được duy trì cho đến ngày nay, sau 66 năm.
Ngày 6 tháng 9 năm 1945, Học giả Phạm Quỳnh, nguyên Chủ bút Tạp Chí Nam Phong, nguyên Thượng Thư Bộ Lại Triều Đình Bảo Đại, đã bị lực lượng vũ trang Việt Minh tại Huế thủ tiêu.

Theo các nguồn tin tổng hợp, nội vụ đã diễn ra như sau: Ngày 23.8.1945, lấy cớ tìm kiếm vũ khí, một toán Việt Minh đã tới lục soát Biệt thự Hoa Đường ở Huế, nơi cựu Thượng thư Phạm Quỳnh cư ngụ sau khi triều đình Bảo Đại giải thể. Dù không tìm thấy vũ khí, toán Việt Minh cũng “mời” Ông Phạm Quỳnh và người con rể là Nguyễn Tiến Lãng đi theo để tới “họp” với Ủy ban Cách mạng Trung Bộ đóng tại Tòa Khâm sứ Pháp cũ. Sau đó, thân nhân Ông Phạm Quỳnh không được tin tức gì cho đến đầu năm 1946, khi sửa soạn đem Nguyễn Tiến Lãng ra xử, báo chí Việt Minh mới công bố Ông Phạm Quỳnh đã bị “xử tử hình” cùng với Ông Ngô Đình Khôi và người con trai trưởng Ngô Đình Huân (lúc ấy làm thông ngôn cho người Nhật). Việt Minh không cho biết toà nào đã xử những người này, xử bao giờ, bị giết ngày nào và chôn cất tại đâu.

Mãi tới năm 1956, sau khi Ông Ngô Đình Diệm thành lập thể chế Cộng Hoà tại miền Nam VN, do sự chỉ dẫn của chính giới lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, qua trung gian của viên đại sứ Ấn Độ trong Ủy-hội Quốc-tế Kiểm-soát Đình-chiến theo Hiệp định Genève 1954, gia đình của các nạn nhân mới tìm được nơi chôn xác tại khu rừng Hắc Thú thuộc tỉnh Quảng Trị cách thành phố Huế khoảng 20 cây số về phía Bắc. Ba người (Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân) đã bị giết cùng một lúc (đập vỡ sọ bằng cuốc) và chôn chung một hố vào ngày 6.9.1945.

Thời điểm này rất quan trọng vì việc “xử tử” đã diễn ra sau khi phái đoàn trung ương Việt Minh do Trần Huy Liệu cầm đầu từ Hà-nội đến Huế chứng kiến lễ thoái vị và trao quốc ấn của Vua Bảo Đại ngày 30.8.1945 tại Cửa Ngọ Môn. Điều này cho thấy việc “xử tử” ba nhân vật quan trọng ở Huế không phải do quyết định của phong trào Việt Minh địa phương (lúc ấy do Tố Hữu cầm đầu) mà phải có lệnh từ Hà-nội do Trần Huy Liệu đem theo.

Nhưng lệnh ấy xuất phát từ đâu và do ai ban ra? Để trả lời câu hỏi này, cần biết mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh và Phạm Quỳnh cùng dòng họ Ngô Đình tại Huế. Với Học giả Phạm Quỳnh, Hồ Chí Minh đã biết tiếng từ lâu và đã gặp nhau mấy lần tại Paris năm 1922 khi ông Phạm Quỳnh tháp tùng phái đoàn Vua Khải Định sang Pháp dự “Hội chợ Marseille” (lúc ấy HCM còn mang tên Nguyễn Ái Quốc). Các cuộc tiếp xúc này đã được Ông Phạm Quỳnh ghi trong nhật ký vào ngày 13.7.1922 và 16.7.1922 (xem phóng ảnh nhật ký đính kèm), và kể lại rõ hơn trong thiên “Hành trình nhật ký”. Về dòng họ Ngô Đình tại Huế - Quảng Trị, Hồ Chí Minh càng biết rõ hơn và mang lòng kính nể mà nhiều người biết. Tố Hữu cũng là người biết rõ mối liên hệ giữa HCM và dòng họ Ngô Đình nên đã ra lệnh bắt giữ mà không dám thủ tiêu ngay.

Trong tình hình sôi bỏng buổi đầu khởi nghiã của Việt Minh vào tháng 8.1945, các “ủy ban cách mạng” địa phương đã tự ý giết nhiều người mà không cần lệnh của trung ương. Nhưng với Học giả Phạm Quỳnh và cha con Ông Ngô Đình Khôi, Tố Hữu không thể không báo cáo lên trung ương và xin lệnh. Trong trường hợp này, có thể nói chắc rằng người ra lệnh “giết” ở trung ương không ai khác hơn Hồ Chí Minh, vì không ai khác có quyền và dám nhận trách nhiệm ấy.

Nhưng, Hồ Chí Minh, chính phạm trong tội ác này, đã chối tội và đóng kịch tài tình. Một mặt đổ tội cho cán bộ địa phương, mặt khác thăng chức cho Tố Hữu (sau này lên tới phó thủ tướng) và ra lệnh mở chiến dịch kết tội “tay sai thực dân Pháp” cho Phạm Quỳnh cùng với việc bôi xoá tên ông trong văn học sử và thủ tiêu các tác phẩm của ông.

Theo hồi ký viết năm 1992, Bà Phạm Thị Thức, con gái của Học giả Phạm Quỳnh, kể rằng sau khi cha bị giết, bà đã cùng người chị là Phạm Thị Giá ra Hà-nội gặp Hồ Chí Minh qua sự giúp đỡ của Vũ Đình Huỳnh, bí thư thân cận của HCM. Trong cuộc tiếp xúc này, Hồ Chí Minh đã đổ tội cho Việt Minh ở Huế: “Hồi ấy tôi chưa về… Và trong thời kỳ khởi nghiã quá độ có thể có nhiều sai sót đáng tiếc.” Cả nước đều biết Hồ Chí Minh “đã về” Hà-nội từ tháng 8.1945 và đọc “tuyên ngôn độc lập” ngày 2.9, bốn ngày trước khi Học giả Phạm Quỳnh và cha con Ông Ngô Đình Khôi bị giết. Nếu sự thật việc giết Phạm Quỳnh là “sai sót đáng tiếc” sao không sửa sai trong suốt 66 năm?

Trong những năm gần đây, do việc đòi tự do ngày một lan rộng tại Việt Nam, một số người đã rụt rè nêu ra trường hợp Phạm Quỳnh và một số tác phẩm của ông đã được in lại. Trong chiều hướng ấy, Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã dè dặt nói lên sự oan ức của cha mình trong lúc vẫn bày tỏ lòng trung kiên với Đảng và tin tưởng ở sự công minh của các cấp lãnh đạo nhà nước CSVN.

 Năm 2004, trong bức thư gửi cho Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương Đảng CSVN, để than phiền về việc thân phụ ông đã bị “khắc họa” sai sự thật trong bộ phim “Ngọn Nến Hoàng Cung” (qua nhân vật Đặng Huỳnh với tư cách phản động để chứng minh cho kết cục bi thảm của người này), Phạm Tuyên đã cho thấy ông tin quyết định thủ tiêu thân phụ ông là do Tố Hữu chứ không phải là lệnh từ Hồ Chí Minh, và viết rằng: “Cũng vì vậy chúng tôi luôn mong mỏi có một ngày được thấy sự đánh giá công minh về cụ thân sinh của chúng tôi” (Trích thư ngày 24.10.2004). Trong thư trả lời viết tay ngày 28.11.2004 (đính kèm), Nguyễn Khoa Điềm cho biết đã “cắt bỏ những đoạn, những lời không cần thiết”. Nhưng bộ phim gồm 45 tập đã được chiếu từ tháng 8.2004 và được phát hành ra thị trường, kể cả hải ngoại.

Trong cuộc phỏng vấn do Nguyễn Hoàng Diệu Thúy thực hiện trên báo Tiền Phong cuối năm 2007, Ông Phạm Tuyên cũng lại nói lên lòng tin tưởng vào “sự công minh của lịch sử” sau khi bày tỏ sự cảm động và biết ơn những người đã góp phần vào việc xuất bản những tác phẩm cũ của thân phụ ông trong những năm gần đây.

Trở lại với bài phỏng vấn ngày 30.8.2011, Nhạc sĩ Phạm Tuyên một lần nữa khẳng định: “Tôi vẫn hằng mong mỏi sống đến ngày được chứng kiến thân phụ mình được giải toả, dù đã hơn 65 năm rồi, nhưng tôi vẫn tin vào sự công minh của lịch sử.”

Lịch sử nào và lịch sử do ai viết?

Đọc câu trên đây của Ông Phạm Tuyên, người ta phải hiểu ông ta muốn nói “bố tôi bị Đảng vu cáo và giết oan, dù đã hơn 65 năm rồi, nhưng tôi vẫn tin vào sự công minh của Đảng”.

Ai mà không biết tại Việt Nam ngày nay, “lịch sử” đã bị Đảng CSVN bóp méo vo tròn, đổi trắng thay đen theo “sử quan mác-xít” để phục vụ cho sự thống trị của “Đảng”. Phạm Quỳnh cũng chỉ là một trong hơn một triệu người Việt Nam vô tội đã bị tàn sát để dựng nên chế độ độc tài chuyên chế ngày nay, trong đó có sự góp công của Phạm Tuyên, con của “Việt gian” Phạm Quỳnh, được ví von là “cây cúc đắng trổ hoa vàng” - một lời khen con và lên án cha!

Khi cha bị xử tử, Phạm Tuyên mới 15 tuổi, đã bỏ nhà theo kháng chiến vì tin theo lời dạy của “Cụ Hồ”: “cứ vững tâm đi theo cách mạng”, khi ông theo hai bà chị tới gặp HCM tại Hà-nội để hỏi về cái chết oan khiên của cha mình. Năm 18 tuổi, Phạm Tuyên được kết nạp vào “Đảng” và hăng say phục vụ trong hơn nửa thế kỷ để được tuyên dương như sau: “với một tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, tình yêu sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn với Đảng, Bác Hồ kính yêu chính là nguồn cảm hứng sôi nổi, vô tận để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác những ca khúc cách mạng trữ tình. Đó là các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu (Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Bài ca người thợ rừng, Em được nghe chuyện Bác Hồ, Hành khúc người thợ mỏ, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Thành phố mười mùa hoa) và đặc biệt là một loạt bài hát ca ngợi Hồ Chủ Tịch: Em được nghe chuyện bác Hồ, Từ làng Sen, mà nổi tiếng nhất là bài ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng’ viết đúng khoảnh khắc Bắc Nam chuẩn bị giành được độc lập” (Lê Thị Thanh Bình).

Hơn 36 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, 20 năm sau khi các chế độ cộng sản đàn anh tại Nga và Đông Âu sụp đổ, với trào lưu dân chủ đang ào ạt tràn dâng trên toàn thế giới, với những tiếng nói bất khuất không ngừng cất lên và sự thật được phơi bày tại Việt Nam ngày nay, có thật Phạm Tuyên - con của nhà văn hoá ưu tú Phạm Quỳnh, một người vô tội đã bị Đảng CSVN giết hại và hạ nhục suốt 66 năm - vẫn còn tin tưởng ở sự “công minh” của “Đảng” sau cả đời phục vụ nó?

Ít ai nghĩ như vậy. Đây chính là bi kịch, hay hài kịch, của những người đã lỡ mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ bồng bột hiến dâng cho “Đảng”. Không mấy ai có can đảm đứng thẳng lưng để dõng dạc nói ra Sự Thật, tự phỉ nhổ vào “sự nghiệp lừa dối người khác và lừa dối chính mình”, như Nhạc sĩ Tô Hải đã làm.

Làm gì có sự “công minh của lịch sử” khi Đảng CSVN còn ngự trị trên tất cả mọi thứ, kể cả thứ gọi là “lịch sử”.

Tại Nga, cái nôi đã sinh ra Đảng CSVN, 20 năm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, các sử gia chân chính vẫn còn phải làm việc để soi sáng sự thật vào lịch sử, sửa chữa những sai lầm và gian trá đã được viết ra trong 70 năm. Tại Ba Lan, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, chính quyền mới đã phải lập ra Viện Quốc Gia Truy Hồi (Institute of National Remembrance) để truy tầm, nghiên cứu và đưa ra ánh sáng những tội ác của cộng sản tại nước này.

Tại Việt Nam, Lịch sử và Công Lý liên quan đến vụ án Phạm Quỳnh, cũng như hơn một triệu người vô tội khác, chưa có thể “công minh” bao lâu mà Đảng Cộng sản vẫn còn ngự trị trên đất nước Việt Nam.

Lịch sử và Công lý liên quan đến tội ác của Đảng CSVN hiện nằm trong các văn khố ở khắp nơi trên thế giới, do công trình của các sử gia người Việt ở hải ngoại và các sử gia quốc tế.

Trong khi những người con khác của Học giả Phạm Quỳnh, trong đó có Ông Phạm Tuân, hiện cư ngụ tại Vùng Hoa Thịnh Đốn, đã từ nhiều năm nay không ngừng đòi hỏi Công lý cho cha và vạch mặt chỉ tên thủ phạm thì ở bên kia chiến tuyến, “cây cúc đắng trổ hoa đỏ” Phạm Tuyên vẫn cúi đầu phục vụ bạo quyền và tin tưởng ở sự “công minh” của những kẻ tay vấy máu cha mình.

Đây là một bi kịch gia đình hay bi kịch của cả một dân tộc?

Sơn Tùng
25 Tháng 9, 2011
http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=10043
Chuyện về Phạm Quỳnh

Những chuyện ít biết về học giả Phạm Quỳnh


In bài viết
  Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố được người đời đương thời xếp vào “Tứ kiệt Hà thành” về những đóng góp văn hóa của họ. Cái thứ tự “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố”, bạn đọc đừng vội nghĩ là theo thứ bậc ảnh hưởng mà nhầm to. Ấy chẳng qua là cho thuận miệng mà thôi. Còn việc so sánh sự hơn kém, quả thật khó nói lắm.


Với học giả Phạm Quỳnh, hồi những năm đầu thế kỷ XX, dân Việt ba kỳ ai cũng nghe tên, biết tiếng. Ấy nhưng hỏi giới trẻ có học bây giờ biết gì về họ Phạm, hẳn ta thất vọng lắm lắm. Nói về học giả Phạm Quỳnh, hẳn ta biết nhiều về ông cùng Nam Phong tạp chí, về ông là cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên… Ở đây, xin giở vài trang nhỏ về đời ông, sự nghiệp văn hóa, chính trị của ông. Còn phẩm bình, xin để độc giả hậu xét vậy.
Tuổi thơ của học giả Phạm Quỳnh, ít người được tường tận, tài liệu xưa nay, chủ yếu khai thác cái nghiệp văn hóa, chính trị của học giả họ Phạm mà thôi. Nay, xin được từ nhật ký Chúng tôi đã sống như thế của con dâu ông, PGS, TS Nguyễn Ánh Tuyết (vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên), mà lược thuật cho độc giả hay về quãng thơ ấu của ông. Bạn đọc muốn kỹ càng, xin cứ tìm sách ấy xem qua.
Phạm Quỳnh (1893 - 1945) vốn quê gốc ở làng Lương Đường, đời Lê có tên Hoa Đường, thuộc phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, thế nên sau này Hoa Đường tùy bút ông viết mang tên quê là bởi thế. Phạm Quỳnh lọt lòng mẹ tại nhà số 1 phố Hàng Trống đầu năm Nhâm Thìn (1893). Cha Phạm Quỳnh là cụ Phạm Điển, vốn lập nghiệp bằng nghề dạy học.
Bấy giờ, vận nước đã bĩ, dân ta đang sống dưới chế độ thực dân Pháp. Nho học đang dần đi vào con đường mạt vẫn, và sẽ dứt bóng chính thức sự hiện diện của nó khi khoa cử Nho học cuối thập niên đầu của thế kỷ 20 bị bãi. Đất Hà Nội nơi gia đình Phạm Quỳnh lập nghiệp, tiếng là nơi phồn hoa đô hội, nhưng dân quê nghèo khổ phần nhiều, rên xiết trong những thuế khóa, áp chế chính trị của thực dân, phong kiến. Lo cái ăn đã vất vả, huống hồ lo cái chữ, nhất là khi thực dân thi hành chính sách văn hóa ngu dân nữa. Nhà Phạm Quỳnh có nếp nho gia, nhưng nếp nhà thanh đạm, chứ chẳng dư dả như người ta.
Tuổi thơ Phạm Quỳnh, không còn nhiều dấu ấn của người mẹ khi thân mẫu của ông mất lúc Phạm Quỳnh mới 9 tháng tuổi (Bố đi bước nữa và mẹ kế của Quỳnh sinh cho Quỳnh đứa em trai Phạm Bái, nhưng Bái mất khi còn bé).  Đến năm Quỳnh lên 9, thì cha lại mẹ rời bỏ chú bé sau cơn cảm lạnh. Mà sự ra đi của thân phụ chú bé Quỳnh, cũng xót xa lắm, bởi ông bố trẻ Phạm Điển mất khi vừa mới làm xong bài thi, cho bài vào ống quyển chưa kịp nộp. Trong hồi ký trên cho hay, bài thi sau được chấm đỗ tú tài, nhưng danh ông tú ấy ông Điển đâu có kịp được kịp nghe, kịp hưởng một ngày! Còn về Phạm Quỳnh thì từ đây, thân trẻ côi cút. Quỳnh chỉ còn bà nội là nơi bấu víu duy nhất cho cuộc đời sớm thiếu tình thương của hai đấng sinh thành. Mẹ kế thì sau đó tục huyền với người khác.
Thương đứa cháu bất hạnh, bà nội Quỳnh dành hết mọi tình thương và sức lực chăm bẵm cho cậu. Quỳnh được học tại trường Pháp Việt ở gần nhà. Quỳnh ham học, lại sáng dạ nên khi theo học tại trường Thông ngôn, sau là trường Thành chung Bảo hộ, hay trường Bưởi, Quỳnh không những không mất tiền học, lại còn được hưởng học bổng. Giữa lúc xã hội Việt Nam đến tận năm 1945 còn hơn 90% dân mù chữ, thì việc Quỳnh với xuất thân bần hàn mà học được, mà lại học cao nhờ công nhiều của bà nội Phạm Quỳnh với cái nhìn thức thời.
Trong Trường hợp Phạm Quỳnh của Nguyễn Văn Trung, ông Bùi Văn Cần, từng học chung với Quỳnh, kể rằng “Tôi rất phục ông Phạm Quỳnh về con người học nhiều biết rộng của ông ta. Tôi được biết gia đình Phạm Quỳnh hồi đó rất nghèo chứ không được khá giả lắm, nhưng được cái ông học giỏi”.
Năm 1908, Quỳnh đỗ thủ khoa khóa đầu tiên của trường (với bài thi tiếng Pháp đạt điểm tối đa, còn Hán văn thì điểm kém, nhưng giám khảo tiếc quá, chấm cho ¼ điểm Hán văn để đậu), người đỗ hạng nhì, chính là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả của Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyển sau này, quả là rạng danh cho họ Phạm buổi ấy. Ở tuổi 16, nếu là chúng ta bây giờ, còn đang ngồi vật lộn với mớ kiến thức ở lớp 11 trường THPT nếu học đúng tuổi, còn Phạm Quỳnh ở tuổi 16, đã trở thành chàng thông ngôn ăn cơm Tây tại Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), một môi trường học thuật hàn lâm bấy giờ. Từ thời điểm này bắt đầu đời công chức, gia cảnh Phạm Quỳnh đã bớt khó khăn. Nhìn một cách công tâm (chưa xét tới những vấn đề về văn hóa, chính trị ông tham dự sau này), thì rõ là một sự lột xác ngoạn mục cho sự cố gắng không ngừng của chú bé mồ côi họ Phạm mà lớp trẻ chúng ta ngày nay nhìn về tiền nhân, không khỏi đỏ mặt mà thẹn thùng nếu có lòng tự trọng.
Tuổi thơ bất hạnh là thế, nhưng cũng là động lực để Phạm Quỳnh có chí vươn lên, để sau này, đường đường bước chân vào lòng người trong mến mộ về  sự uyên bác trên bình diện văn hóa. Đó là một góc riêng của quãng đầu đời học giả họ Phạm, nhưng hẳn ít ai hay. 
(còn tiếp)
Trần Đình Ba

Phạm Quỳnh: Yêu nước trước hết là yêu tiếng mẹ đẻ

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Năm 1917, tạp chí Nam Phong đăng bài Văn Quốc ngữ và một số bài liên quan của nhà báo Phạm Quỳnh hai mươi nhăm tuổi. Một trăm năm sau, khi đọc lại mấy bài ấy người ta lại một lần nữa thấy tác giả thực là yêu nước và uyên bác.
Những người tinh hoa phát tiết sớm như Phạm Quỳnh rất hiếm.[1] Suốt 15 năm (1917-1932) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong, ông đã dùng tờ báo này trình bày quan điểm của mình trên lĩnh vực văn hóa-xã hội. Cho dù quan điểm chính trị của ông có thể không phù hợp với phong trào giải phóng dân tộc đương thời, nhưng rõ ràng ông là một nhà trí thức yêu nước đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cao quý Dùng tiếng Việt và chữ Quốc ngữ để xây dựng nền Quốc học của nước nhà.
Có điều Phạm Quỳnh chủ yếu thể hiện tình yêu nước theo cách lo gìn giữ, tôn vinh tiếng nói của dân tộc, lo gây dựng nền học thuật riêng cho nước nhà. Tiếc thay, vì người cùng thời không hiểu được ông nên rốt cuộc ông phải hứng chịu một kết cục cay đắng. Nhưng chắc chắn lịch sử cuối cùng sẽ đánh giá đúng về ông, và có lẽ đã đến lúc nên đánh giá lại nhân vật này.
Phát triển quốc ngữ, xây dựng nền quốc học Việt Nam
Quốc học là nền văn hóa và học thuật truyền thống của một quốc gia-dân tộc, được xây dựng trên nền tảng quốc văn, tức nền văn học của quốc gia. Một nước văn hiến mấy nghìn năm như Việt Nam đã có nền Quốc học của mình hay chưa?
Phạm Quỳnh là người đầu tiên nhận thấy nước ta cho tới đầu thế kỷ XX vẫn chưa có quốc văn, do đó chưa có nền Quốc học của mình, và vì thế đất nước chưa thể phát triển. Ông day dứt đặt câu hỏi: Một nước muốn mưu sự sinh tồn, tìm đường phát đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không?[2] Dù chưa nói thẳng ra nhưng hiển nhiên ông trả lời không, và vạch ra vì sao ta chưa có quốc văn, quốc học: Đó là do người Việt xưa nay đều học và dùng học thuật của người Hán cũng như viết bằng chữ mượn của họ.
Dân tộc ta thời xưa không có chữ viết nên phải dùng chữ Hán suốt hai nghìn năm, chữ Nôm chỉ dùng trong thời gian ngắn. Phạm Quỳnh nhận xét: Không một nước châu Âu nào trong hai nghìn năm chỉ chuyên học chữ Hy Lạp hay chữ La Mã như nước ta chuyên học chữ HánHán văn tự nhiên trở thành quốc văn của nước ta, còn “Nôm” là lời tục trong dân gian, của những kẻ không biết “chữ”. Tình trạng học mướn viết nhờ ấy đã kìm hãm bước tiến của dân tộc ta.
Học giả-chí sĩ cách mạng Ngô Đức Kế (1878-1929) cũng nói: Nước Việt Nam ta mấy nghìn năm nay học chữ Hán, theo đạo Khổng. Hán văn tức là quốc văn, Khổng học tức là Quốc học.[3] Nghĩa là nền học thuật của nước ta không có hệ tư tưởng, phải theo tư tưởng Nho học của Quốc học Trung Quốc (TQ). Toàn bộ thể chế chính trị, văn hóa-xã hội nước ta, nội dung học tập và quy chế thi cử của nền giáo dục nước ta đều bắt chước TQ.
Người TQ từng nói: vì chữ Hán khó học nên hầu hết dân TQ mù chữ, ngu dốt, đất nước lạc hậu hèn yếu. Ta dùng chữ Hán tất nhiên cũng phải hứng chịu các di hại ấy.  Đặc biệt mặt tiêu cực của Khổng học (tức Nho giáo) đã kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam. Năm 1908, nhà ngôn ngữ học TQ Tiền Huyền Đồng nói Muốn phế bỏ Khổng học, không thể không trước tiên phế bỏ chữ Hán. Ngay từ năm 1907, Phan Châu Trinh kêu gọi Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam! Năm 1936 Lỗ Tấn trăng trối Không diệt chữ Hán thì TQ sẽ mất nước!
Nền văn học Việt Nam viết bằng chữ Hán là Hán văn, không phải Việt văn, dập khuôn văn học Trung Hoa, không thể phản ảnh ngôn ngữ mẹ đẻ của dân ta, là thứ văn bác học của tầng lớp thượng lưu, người dân chỉ hiểu qua bản dịch. Cho nên nền văn học ấy tuy là một bộ phận của quốc văn nhưng không làm nên nền học thuật truyền thống của nước ta. Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trương Chính… không coi là văn học dân tộc ta.[4] Vì thế nền học thuật chữ Hán này tuy có góp phần xây dựng nền văn minh Việt nhưng không thể gọi là Quốc học của nước ta.
Tất cả là do chữ Hán không ghi âm được tiếng Việt, cho nên văn học chữ Hán bế tắc không phản ánh đời sống đông đảo dân ta! Song không phải ai cũng hiểu ra lẽ đơn giản ấy. Chữ Hán chủ yếu ghi ý, không ghi âm. Việt Nam, Nhật, bán đảo Triều Tiên đều mượn dùng chữ Hán, văn học chữ Hán của ba dân tộc này đều bế tắc, cuối cùng đều phải tìm lối thoát bằng việc sáng tạo ra loại chữ ghi âm tiếng mẹ đẻ của mình: chữ Nôm ở Việt Nam, chữ Kana ở Nhật, chữ Hangul ở Triều Tiên.
Chữ Nôm xuất hiện đã dẫn đến sự ra đời một nền văn học dân tộc rực rỡ với đại diện ưu tú là Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,… Nhưng do chữ Nôm chưa hoàn thiện và thời gian dùng làm chữ viết chính thức quá ngắn, lại quá ít người biết dùng, vì thế văn học chữ Nôm vẫn chưa trở thành quốc văn của nước ta.
Về sau, các nhà truyền giáo Ki Tô đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, món quà vô giá của văn minh phương Tây tặng dân tộc ta, hơn hẳn chữ Hán và chữ Nôm ở chỗ ghi được toàn bộ ngữ âm tiếng Việt, lại dễ học dễ viết, có thể phổ cập toàn dân. Phạm Quỳnh đánh giá rất đúng đây là công cụ kỳ diệu để giải phóng trí tuệ,[5] và ông dẫn đầu sự nghiệp dùng chữ Quốc ngữ để xây dựng nền Quốc học. Đúng là từ ngày có chữ Quốc ngữ, trí tuệ người Việt được giải phóng, mở mang, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… phát triển, chỉ sau khoảng trăm năm đã đạt được thành tựu hơn mấy nghìn năm trước.
Phạm Quỳnh nhận xét: Vấn đề quan trọng nhất ở ta ngày nay là vấn đề văn quốc ngữ. Vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này mới có thể mong mỏi được. Đến ngày chữ Quốc ngữ dùng làm quốc văn được thì người nước Nam mới có thể thâu thái các khoa học mới mà gây thành một nền học [tức Quốc học] thích hợp với trình độ, với tính cách dân ta…  Nói rút lại, văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy.Ta chẳng nên oán gì các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ Tàu nên lãng bỏ tiếng Nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe ngoài những câu nhật dụng thường đàm… Chữ Quốc ngữ chính là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy.
Ông kiến nghị:  Đời trước đã lầm, đời nay phải biết tránh vết xe cũ mà đừng đi… Các cụ đã sao lãng, bọn ta phải chăm chú… Trước ta không có ai làm văn bằng Nôm, ta không thể lấy người trước làm gương làm mẫu được…. Xin đồng bào ta chớ lãng bỏ, chớ khinh rẻ văn quốc ngữ. Tương lai nước nhà chính ở đó.
Người xưa sao lãng văn Nôm vì chữ Nôm chưa hoàn thiện lại khó học, phải biết chữ Hán mới học được chữ Nôm, trong khi tổ tiên ta giỏi Hán văn, như Khương Công Phụ đỗ Trạng nguyên ở cả Việt Nam và TQ, được phong làm Tể tướng nhà Đường TQ.
Trước Phạm Quỳnh, các sĩ phu phong trào Duy Tân (1904) và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) đã nhận thấy vai trò quan trọng của chữ Quốc ngữ. “Bài ca khuyên học chữ Quốc ngữ ” của ĐKNT có câu Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước/ Phải đem ra tính trước dân ta/ Sách các nước, sách Chi-na (TQ)/ Chữ nào chữ ấy dịch ra tỏ tường.  ĐKNT đả phá “cựu học”, tức nền học thuật Nho học, chủ trương xây dựng nền học thuật mới dùng chữ Quốc ngữ và tiếp thu các giá trị tiên tiến của văn minh phương Tây. Nhưng hai phong trào cách mạng nói trên đều sớm bị thực dân Pháp bóp chết.
Phạm Quỳnh không chỉ đề cao chữ Quốc ngữ mà còn đặt mục tiêu phát triển tiếng Việt: phải sáng tạo dựng đặt ra, từ chữ dùng cho đến phép đặt câu. Đó là vì vốn từ ngữ tiếng Việt thời ấy rất nghèo, phải dùng từ Hán-Việt du nhập từ Nhật và TQ khi họ chuyển thành chữ Hán các khái niệm của văn minh phương Tây. Chính ông cũng còn dùng kiểu hành văn cũ và nhiều từ cổ như bất nhược (chẳng như), mang nhiên (không biết gì)…
Ông kịch liệt phản đối việc dùng tiếng Pháp thay cho tiếng ta trong giảng dạy và trong đời sống và cho rằng sự “đổi não” [tư duy bằng ngoại ngữ] ấy theo lẽ tự nhiên là không thể nào thành công. Mà dù có làm được đi nữa cũng chẳng nên làm.
Khi diễn thuyết tại Viện Hàn lâm Pháp ở Paris (1922), ông đã phê bình việc chính quyền Pháp buộc các trường Pháp-Việt ở ta học tiếng Pháp từ bậc tiểu học mà không học tiếng Việt: Nếu dân Việt Nam là một dân tộc chưa có lịch sử thì quý quốc cứ việc dạy cho học chữ Tây hết cả… Nhưng dân Việt Nam không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì cũng được, mà là một tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi, nếu bây giờ viết đè một thứ chữ mới lên trên thì e thành giấy lộn mất… Bây giờ dạy khắp chữ Tây cho dân chúng tôi từ nhỏ đến lớn như ở các trường Pháp-Việt hiện nay, kết quả chỉ làm cho người Việt Nam mất giống Việt Nam
Đứng giữa thủ đô Paris tố cáo chính quyền Pháp mưu toan đồng hóa dân tộc ta cho tới mất giống Việt Nam – điều đó chứng tỏ Phạm Quỳnh là một nhà yêu nước ở tầm cao tri thức hiếm thấy. Không chỉ nói, mà sau khi nhậm chức Thượng thư Bộ Học ở triều đình Huế (1932), ông đã đòi được từ chính quyền Pháp quyền quản trị bậc tiểu học rồi chính ông ban hành lệnh dạy chữ Quốc ngữ ở bậc tiểu học trong cả nước.
Phạm Quỳnh cũng dẫn đầu phong trào viết văn Quốc ngữ, hồi đó còn rất ít người tham gia. GS Dương Quảng Hàm đánh giá các bài viết của ông đã luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới.[6] Như vậy ông đã đóng vai trò một nhà khai sáng của nước ta.
Yêu quý và độc tôn tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ của dân tộc ta
Phạm Quỳnh tự nhận Tôi đây chính là một người nhiệt thành thương tiếng nước nhà, lâu nay đã tự nguyện cúc cung tận tụy một đời để gây dựng cho tiếng ấy thành văn chương, cho nước ta có một nền quốc văn đứng riêng được một cõi, cho người mình khỏi phải cái cực chung thân cùng kiếp đi học mướn viết thuê.
Ngày nay được đọc được ngâm những mảnh thơ Nôm, văn Nôm của các bậc tiền bối còn sót lại đến giờ, trong lòng có cái cảm vô hạn. Tưởng như hồn xưa của đất Việt ta còn phảng phất đâu ở trong mảnh thơ tàn văn vụn ấy mà vẳng đưa đến tai ta những giọng vui sầu của người thủa trước. Cùng một tiếng khóc, cùng một giọng cười mà sao giọng cười tiếng khóc bằng cái lời họ Hàn [Hàn Thuyên, ông tổ chữ Nôm] kia, nó cảm ta như thế? Là bởi trời sanh ta để nói cái tiếng ấy, trời sanh ra cái tiếng để ta nói, ta có nói bằng tiếng ấy mới nói được lòng ta, nói bằng tiếng khác là nói những chuyện không đâu cả. Trong trời đất chỉ có tiếng nói ấy với ta, ta với tiếng nói ấy, là sẵn có duyên nợ với nhau vậy.
Đó là tiếng mẹ đẻ của người Việt, gắn chặt với vận mệnh dân tộc ta, được Phạm Quỳnh tôn vinh, coi là hồn của đất nước. Với suy nghĩ ấy, ông dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp gìn giữ và độc tôn tiếng Việt trong tình hình văn hóa phương Tây ồ ạt tràn vào, nền học thuật cũ dựa trên Hán học đang bị loại bỏ, chữ Quốc ngữ vẫn còn bị coi khinh.
Tuy rất giỏi chữ Hán và tiếng Pháp nhưng Phạm Quỳnh chủ trương Quốc văn một nước phải dùng tiếng gốc của dân nước ấy, không thể dùng chữ Hán hoặc tiếng Pháp làm văn nước Nam. Ông sáng suốt hiểu rằng Tiếng nói là phần cốt yếu làm thành ra một dân một nước. Cho nên xưa nay nước nào dân nào cũng có một thứ tiếng riêng ; có dân có nước bờ cõi đã mất, quốc thể không còn mà còn giữ được quốc âm cũng không đến nỗi tiêu diệt đi được.
Đúng vậy, ngôn ngữ quyết định sự hình thành và tồn tại của một dân tộc, là tiêu chí chủ yếu để phân biệt các dân tộc. Một dân tộc để mất tiếng mẹ đẻ thì có nguy cơ bị tiêu diệt theo nghĩa bị đồng hóa, tan biến vào một nền văn hóa khác. Nếu giữ được tiếng mẹ đẻ thì dù nước bị mất nhưng dân tộc vẫn không bị tiêu diệt. Người Do Thái mất nước, 2000 năm phiêu bạt khắp nơi nhưng nhờ giữ được tiếng Hebrew nên dân tộc này vẫn tồn tại, cuối cùng lập nên quốc gia Israel hùng mạnh.
Phạm Quỳnh rất quan tâm chữ Nho, tức chữ Hán đã Việt hóa thành từ Hán-Việt, và đưa ra quan điểm nên dùng từ Hán-Việt cho các từ ngữ có tính học thuật. Ông nêu ví dụ: Nếu nói “Nhà vua Việt Nam đi chơi Bắc Kỳ, nay đã về Kinh rồi ” thì nghe sống sượng quá, không trang trọng bằng nói “Hoàng thượng ngự giá Bắc Kỳ, nay đã hồi loan ”. Những từ Hán-Việt ngự giá, hồi loan này thời ấy quen dùng nhưng ngày nay hầu như đã biến mất.
Ông nói ta phải học và dùng chữ Nho, nhưng Xưa học chữ Nho là vì chữ Nho, nay học chữ Nho là vì quốc văn ; mục đích đã khác thì phương pháp cũng khác ; xưa học trăm phần nay chỉ học một phần thôi, nhưng là cái phần rất cần nhằm để đọc hiểu thơ văn người xưa, chứ không phải học để mà viết văn làm thơ bằng chữ Nho.
Dĩ nhiên quan điểm trên chỉ hợp với tình hình 100 năm trước, khi tiếng Việt còn quá thiếu từ ngữ. Ngày nay người Việt tự tạo ra nhiều từ ngữ mới, nhiều từ Hán-Việt nhập tịch biến thành từ Việt, tiếng Việt có thể diễn đạt mọi khái niệm mà không cần dùng chữ Hán (Nhật và Hàn Quốc vẫn cần). Bởi vậy ngày nay người Việt không cần học chữ Hán ở bậc phổ thông. Riêng sinh viên khoa học xã hội-nhân văn thì cần học chữ Nho để đọc hiểu thư tịch tổ tiên để lại.
Tình yêu tiếng Việt của Phạm Quỳnh thể hiện rõ khi ông ra sức đề cao giá trị văn chương của Truyện Kiều, bất chấp bị giới học giả yêu nước đả kích: Truyện Kiều quả là một nền văn chương tuyệt bút, có lẽ văn Tàu cũng không có gì bằng… có thể sánh với những sách thật hay trong văn chương các nước khác… Suốt truyện không một câu nào đặt non đặt ép… lời văn luyện cho đến nỗi tưởng không ai có tài nào đặt hơn được nữa… Nhiều câu trong truyện đã trở thành lời cách ngôn thiên cổ.
Thời ấy một số học giả yêu nước còn nặng tư tưởng lễ giáo cũ coi Truyện Kiều là “dâm thư ”, coi việc Phạm Quỳnh suy tôn Truyện Kiều là thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp nhằm làm thanh niên ta bị mê hoặc mà sao lãng nhiệm vụ cứu nước. Thực ra Phạm Quỳnh đã đi trước thời đại, đánh giá đúng tác phẩm này. Điều đó chứng tỏ ông rất mực uyên bác và yêu nước.
Trong lễ kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Du năm 1924, ông trịnh trọng thề: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn ; tiếng ta còn, nước ta còn! Nói cách khác, Phạm Quỳnh thề gìn giữ Tổ quốc ta trường tồn trên lĩnh vực ngôn ngữ.
Tiếng ta còn, nước ta còn! – chân lý bất hủ ấy đã được người Việt Nam chứng minh một cách hùng hồn nhất. Suốt nghìn năm Bắc thuộc, nước ta bị biến thành một quận của Trung Hoa, tổ tiên ta buộc phải dùng chữ Hán, nhưng nhờ giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ mà dân tộc ta không bị đồng hóa, tổ quốc ta vẫn tồn tại tới nay. Thượng Chi Phạm Quỳnh đi đầu thấu hiểu và suốt đời phấn đấu thực hiện chân lý nói trên. Ông thực sự là một học giả yêu nước và uyên bác hiếm có của dân tộc ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét