Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

NỖI NIỀM OAN KHUẤT

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Tiểu Sử LÊ MINH BẰNG || Sự Ra Đi Oan Khuất Của Nhạc Sĩ MINH KỲ Trong Trại An Dưỡng Của Lính VNCH
Trong nhóm Lê Minh Bằng có 1 người mang thân thế đặc biệt nhất nhưng cũng là người đoản mệnh vô cùng, đó là nhạc sĩ Minh Kỳ: Nhạc sĩ Minh Kỳ sinh năm 1930 tại Nha Trang nhưng nguồn gốc gia tộc thuộc đất Thần Kinh. Theo gia phả của dòng họ thuộc triều Nguyễn tại Huế, nhạc sĩ Minh Kỳ là cháu đời thứ 5 của Vua Minh Mạng. Ông là tác giả của một loạt bài hát nổi tiếng như: "Phận tơ tằm", "Năm ngọn núi Ngũ Hành", "Chuyện đêm mưa", "Chuyến tàu hoàng hôn"... Minh Kỳ có tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, có vai vế ngang hàng với vua Bảo Đại (Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy). Hiện nay, tại thôn Vĩ Dạ vẫn còn nơi ở, mộ phần và phủ thờ dòng họ bên ông. Tuy có gốc Huế nhưng nhạc sĩ Minh Kỳ là người con duy nhất trong một gia đình hoàng tộc khá giả tại thành phố Nha Trang. Ông sống ở đây cho đến khi lập gia đình vào năm 1952. Nha Trang cũng là nơi để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của nhạc sĩ Minh Kỳ… Năm 1949, ông bắt đầu viết nhạc, ca khúc đầu tay mang tên "Chị Hằng". Nhạc phẩm của nhạc sĩ Minh Kỳ có một số được sáng tác riêng, còn lại được sáng tác chung với nhóm Lê Minh Bằng và đồng sáng tác với một số nhạc sĩ khác như Thu Hồ, Huyền Sơn, Văn Ký... Sau năm 1975, ông gia nhập vào ngành Cảnh Sát. Mang chức vụ cuối cùng là Đại Úy Cảnh Sát, sau ngày Sài Gòn sụp đổ, ông đã bị bắt đi “học tập cải tạo” ở trại An Dưỡng, Biên Hòa nơi những người bạn tù cùng thời cho biết là ông đã chết oan khi đang ngồi ăn cơm cùng bạn tù trong sân, ngày 31 tháng 8 năm 1975. khi vừa bước sang tuổi 45, để lại 1 vợ và 9 người con.
 
Lệ Chi Viên - Án Oan Chấn Động Nhất Lịch Sử Phong Kiến Việt Nam 
Vụ án Lệ Chi Viên chính là vụ án oan nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Triều đình đã quy tội cho Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi giết vua và tru di tam tộc. Sau này, vua Lê Thánh Tông minh oan cho Ức Trai Nguyễn Trãi nhưng không đề cập tới việc điều tra cái chết và nguyên nhân tử vong của vua Lê Thái Tông. Đến nay, vụ án Lê Chi Viên nổi tiếng ấy còn nhiều bí ẩn, nhưng hầu hết các nhà sử học đều thống nhất rằng cả gia tộc của Nguyễn Trãi bị xử oan.

Ai là hung thủ khiến Nguyễn Trãi bị giết oan ba họ?

Vụ án “Lệ Chi viên” được xem là vụ án oan kinh hoàng nhất trong sử Việt, khiến cho vua Lê Thái Tông chết đột ngột ở tuổi 20, thậm chí người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng bị mang án “tru di tam tộc” vô cùng thảm khốc.
22 năm sau, vua Lê Thánh Tông lên ngôi mới giải oan cho gia đình Nguyễn Trãi nhưng cũng chỉ là gỡ bỏ đi cái nỗi oan giết vua, chứ không đi vào chi tiết sự thật. Trong suốt hàng trăm năm qua, nhiều nhà sử học đều nghiên cứu về vụ án “Lệ Chi viên” và nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi.


Ai là hung thủ khiến Nguyễn Trãi bị giết oan ba họ?
Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. (Ảnh minh họa qua kienthuc.net.vn)

Định mệnh

Cuốn “Đông A di sự” có ghi chép rằng ông ngoại của Nguyễn Trãi chính là quan tư đồ Trần Nguyên Đán, trụ cột của nhà Trần, rất giỏi về mệnh lý.
Về tài mệnh lý của Trần Nguyên Đán, “Đông A di sự” kể rằng ông từng xem lá số tử vi của thái thượng hoàng Nghệ Tôn, thấy có Vũ Phá thủ mệnh, coi người thân như cừu thù, coi kẻ ác như ruột gan, chắc chắn sẽ nghe Hồ Quý Ly; lại thấy Quý Ly có Tử Phá thủ mệnh, biết y sẽ cướp ngôi, và nhà Trần mất. Khuyên can thượng hoàng nhiều lần mà không được, cuối cùng Trần Nguyên Đán quyết định kết làm thông gia với Hồ Quý Ly.
Đúng như dự đoán của Trần Nguyên Đán, năm 1399, Hồ Quý Ly cho thanh trừng 370 tướng lĩnh tôn thất nhà Trần, dẹp tan thế lực nhà Trần, năm 1400 thì lên ngôi vua. Tuy nhiên gia đình Trần Nguyên Đán không hề bị Hồ Quý Ly đụng đến, nhờ thế cháu nội và cháu ngoại của ông là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi mới có điều kiện ăn học thành tài, sau này đều là anh hùng dân tộc.


Ai là hung thủ khiến Nguyễn Trãi bị giết oan ba họ?
Nguyễn Trãi. (Tranh qua unescovietnam.vn)

Trần Nguyên Đán khi xem lá số của Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi biết 2 cháu mình sau này sẽ thành nghiệp lớn. Với Trần Nguyên Hãn thì ông không lo lắng lắm, nhưng ông lại rất lo cho Nguyễn Trãi. Sau khi xem lá số tử vi của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán đoán biết rằng đây là lá số của anh hùng dân tộc, nhưng lại gặp phải họa đến ba họ, vì thế mà dặn Nguyễn Trãi cẩn thận rằng: “Chiếm thành thì lui binh”, dù Trần Nguyên Đán biết rằng số mệnh khó lòng thay đổi được.
Xem thêmCâu chuyện định mệnh của vị thư sinh thời Trần làm quan đầu triều khi chưa đến 20 tuổi

Thăng trầm chốn quan trường

Nguyễn Trãi là người có công lớn trong cuộc chiến chống lại quân Minh, ông là người cùng hoạch định các kế sách cho nghĩa quân Lam Sơn, và đã cùng quân Lam Sơn đi từ không có gì nổi bật trong số hàng chục cuộc khởi nghĩa lúc đó dần dần thành cuộc khởi nghĩa mạnh nhất cho đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn vào năm 1427.
Đầu năm 1428, dù chưa chính thức lên ngôi vua, Lê Lợi đã tổ chức đại hội để ban thưởng. Lúc đó, Nguyễn Trãi được ban tước Quan Phục hầu, chức danh đầy đủ của ông là “Tuyên phụng đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ Hữu gián nghị đại phu, Đồng Trung thư lệnh sự, tứ Kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc, Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi”.
Trong đó đáng chú ý có “Tứ Kim ngư đại” là được ban cái túi thêu con cá vàng, một đặc ân đối với đại thần từ quan tam phẩm trở lên. “Thượng hộ quốc” là một huân hàm dùng để tặng riêng cho người có công lao lớn. Quan phục hầu là phẩm tước gia ban mà cao nhất là Huyện Thượng hầu, cũng thời gian này được ban cho Lê Vấn, á Thượng hầu ban cho Lê Ngân, hai vị khai quốc công thần của nhà Lê. Tứ tính Lê Trãi là Nguyễn Trãi được đặc ân ban quốc tính, tức được đổi theo họ của nhà vua.
Với những chức tước nêu trên, ở thời điểm ngay sau chiến thắng, Nguyễn Trãi cũng có vị thế nhất định trong triều đình nhà Lê. Tuy nhiên sau đó không lâu, nhất là sau sự kiện tự trẫm của Trần Nguyên Hãn và cái chết của Phạm Văn Xảo, hai vị đại thần và là người thân thiết với Nguyễn Trãi, ông dần dần bị hạn chế quyền hành. Nguyễn Trãi chủ yếu chỉ được giao cho san định lễ nhạc, sử sách, ông từng hiệu đính nhã nhạc, định quy chế mũ áo…
Nguyễn Trãi vừa tài giỏi lại chính trực, mọi việc làm của ông đều là “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, vì thế khi chiến tranh nổ ra ông là lựa chọn số một của nghĩa quân; thế nhưng trong vương triều thì Nguyễn Trãi lại không hợp lòng nhiều người.


Ai là hung thủ khiến Nguyễn Trãi bị giết oan ba họ?
Nguyễn Trãi. (Tranh qua elib.vn)

Chẳng vậy mà trong lạc khoản bài văn bia soạn cho lăng mộ Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Nguyễn Trãi chỉ tự đề là: “Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển tri Tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn”. Tam quán bao gồm Chiêu văn quán, Tập hiền viện và Sử quán, coi việc sưu tập điển tịch, đồ thư và soạn sử. Rõ ràng là Nguyễn Trãi chỉ đảm nhận những chức vị hết sức khiêm tốn. Ngay cả đặc ân ban quốc tính, cũng không thấy nêu ở đây.
Nhưng rồi sau đó, Nguyễn Trãi được Lê Thái Tông khôi phục quyền chức và được trọng dụng mà trong biểu tạ ơn năm 1439 ghi là “Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ, tri Tam quán sự, đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi”. Như vậy, hầu như các chức tước cũ của Nguyễn Trãi đã được khôi phục.
Cũng chính vì sự trọng dụng của vua Lê Thái Tông đối với Nguyễn Trãi mà nhiều lộng thần muốn trừ ông.

Vụ án “Lệ Chi viên”

Cuối năm 1437, Nguyễn Trãi thực hiện lời căn dặn của ông ngoại Trần Nguyên Đán xưa kia – “chiếm thành thì lui binh”. Ông xin từ quan về quê nhà ở Côn Sơn.
Tuy nhiên vua Lê Thái Tông lúc bấy giờ tỏ ra rất xem trọng Nguyễn Trãi và cố mời ông lại ra làm quan cho triều đình. Năm 1439, Nguyễn Trãi được mời ra làm quan ban cho tước Vinh lộc Đại phu, Nhập nội Hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu Gián nghị Đại phu kiêm Hàn Lâm viện Học sĩ Tri Tam quán sự Đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự.
Ngày 27 tháng 7 âm lịch năm 1442 vua Thái Tông đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời vua ngự ở chùa Côn Sơn. Đến ngày 4 tháng 8 âm lịch vua đi chơi ở “Lệ Chi viên” (vườn Vải), xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức thì bất ngờ băng hà.
Nguyễn Trãi cùng vợ là Nguyễn Thị Lộ bị bắt vì nghi mưu sát vua. Ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1442 triều đình tôn thái tử Bang Cơ mới 2 tuổi lên ngôi vua.
Ngày 16 tháng 8 âm lịch triều đình khép Nguyễn Trãi vào tội giết vua và bị “tru di tam tam tộc”.


Ai là hung thủ khiến Nguyễn Trãi bị giết oan ba họ?
Tru di tam tộc. (Tranh: Trí Thức VN)

Nỗi oan khuất không chỉ của Nguyễn Trãi

Về vụ án “Lệ Chi viên”, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép:
Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Vải huyện Gia Định1688, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.
Trước đây, vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng, các quan bí mật đưa về.
Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát táng. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.
Ngày 16 tháng 8 (tức ngày 19 tháng 9 năm 1442), giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ lẽ là Nguyễn Thị Lộ, giết đến 3 đời.
Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.
Tuy nhiên, sau này rất nhiều nhà sử học đặt nghi vấn về việc này và cố công tim hiểu vụ án “Lệ Chi viên” để tìm ra thủ phạm thật của vụ án, cũng là để minh oan cho người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Các nhà nghiên cứu Phan Duy Kha, Đinh Công Vĩ, Lã Duy Lan đã trình bày lại kết quả nghiên cứu của mình trong cuốn sách “Nhìn lại lịch sử” xuất bản năm 2003.
Trước khi mất, vua Lê Thái Tông đã truất ngôi thái tử của Nghi Dân để phong cho Bang Cơ. Bang Cơ là con của bà phi Nguyễn Thị Anh. Thời điểm này một bà phi khác là Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông) mang thai, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại khiến bà Ngọc Dao bị giam ở lãnh cung. Tuy nhiên vợ chồng Nguyễn Trãi lại hết lòng bảo vệ, xin vua tha cho bà Ngô Thị Ngọc Dao.


Ai là hung thủ khiến Nguyễn Trãi bị giết oan ba họ?
Một cảnh trong vở “Mặt trời vườn Lệ Chi”. (Ảnh qua maivang.nld.com.vn)

Xin được rồi, vợ chồng Nguyễn Trãi lại tiếp tục đưa bà Ngọc Dao ra tá túc tại chùa Huy Văn (nay ở đường Chùa Bộc, Hà Nội) và đã sinh hoàng tử Tư Thành ở đấy vào ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (dương lịch 24-8-1442). Sau đó lại đưa mẹ con bà Ngọc Dao về tá túc tại một ngôi chùa ở Từ Liêm (hiện chùa mang tên Thánh Chúa, nằm trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tên chùa là do vua Lê Thánh Tông đặt khi mới lên ngôi, ý nói nơi đây vị chúa thánh minh đã từng tá túc; việc này văn bia ở hai ngôi chùa trên có ghi lại). Tiếp theo Nguyễn Trãi mới đưa mẹ con bà Ngọc Dao ra trú ở vùng An Bang (nay là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh), nơi ông trị nhậm với cương vị Ngự sử Đông Bắc đạo.
Việc làm của vợ chồng Nguyễn Trãi khiến họ trở thành cái đinh trong mắt hoàng hậu Nguyễn Thị Anh.
Hơn nữa lúc bấy giờ, có nhiều lời đồn đại rằng Bang Cơ không phải là con của vua Thái Tông, vì Nguyễn Thị Anh đã mang thai trước khi vào cung. Các nhà nghiên cứu nói trên đã tìm được cuốn gia phả họ Đinh là “Ngọc phả họ Đinh” của thái sư Đinh Liệt, trong có chép bài thơ nói về chuyện này:
茸新六个月開花,
不識何人寶種多.
主靠送胎為靈藥,
舊瓶新酒盛醫科.
Dịch nghĩa là:
Nhung tân lục cá nguyệt khai hoa,
Bất thức hà nhân chủng bảo đa.
Chủ kháo Tống khai vi linh dược,
Cựu binh tân tửu thịnh y khoa.
“Nhung tân” đọc lái là Nhân Tông, tức ý chỉ thái tử Bang Cơ, “Thịnh Y” tức là Thị Anh (tất nhiên đây chỉ là giải nghĩa phiên âm sang tiếng Việt, còn cách đọc chính xác phải là phát âm tiếng Hán). Bài thơ trên được dịch như sau:
Nhân Tông sáu tháng đã ra hoa
Dòng máu ai đây quý báu à?
Núp bóng Thái Tông làm linh dược
Thị Anh dùng ngón đổi dòng cha
Việc này ngoài vợ chồng Nguyễn Trãi, Đinh Phúc và Đinh Thắng, còn có vài đại thần khác có thể đã biết như Thái sư Đinh Liệt, Thái uý Trịnh (Lê) Khả và con là Trịnh (Lê) Quát (bởi được ban quốc tính), Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con là Phò mã Đô uý Trịnh Bá Nhai. Chính cái biết rõ này là mầm mống tai vạ về sau cho Nguyễn Trãi và tộc họ của ông cùng các vị trên.
Khi nhà vua đi tuần miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh, Nguyễn Trãi đón vua về ngự ở Côn Sơn. Lúc này, ở địa vị của mình, Nguyễn Thị Anh thực sự lo sợ rằng gốc gác của thái tử bị tiết lộ, khiến con mất ngôi báu, khiến bà ta và gia tộc bị tội đại hình. Đứng trước áp lực đó, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách giết vua Lê Thái Tông tại địa phận của Nguyễn Trãi để dễ dàng đổ oan cho ông, một mũi tên trúng nhiều mục đích: diệt trừ hậu hoạn, giành ngôi báu cho con, giành lấy quyền lực nhiếp chính do thái tử chưa đầy 2 tuổi.


Ai là hung thủ khiến Nguyễn Trãi bị giết oan ba họ?
Một cảnh trong vở “Mặt trời vườn Lệ Chi”. (Ảnh qua maivang.nld.com.vn)

Nhưng chỉ diệt Nguyễn Trãi thôi là chưa đủ với Nguyễn Thị Anh, “Đại Việt sử ký toàn thư” chép:
Tháng 9, ngày 9, [năm 1442] giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc.
Có lẽ hai hoạn quan Đinh Thắng và Đinh Phúc (là người ghi chép những chuyện cụ thể ở nội cung) đã khuyên Nguyễn Trãi sớm nói cho vua biết thái tử không phải con vua, nhưng Nguyễn Trãi đã chần chừ không thực hiện. Sau khi hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh giết Đinh Phúc, Đinh Thắng, lại tiếp tục bắt giam Thái sư Đinh Liệt (Đại Việt sử ký toàn thư không nêu lý do):
Mùa thu, tháng 7 [năm 1443] bắt giam Thái phó Lê Liệt (Đinh Liệt).
Mãi đến tận 5 năm sau là Mậu Thìn, Thái Hoà năm thứ 6 (1448), mới thả:
Mùa hạ, tháng 6 tha cho Lê Liệt ra khỏi lao hầm. Vì cớ bọn người là Lê (Trịnh) Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan, tám người làm trạng tâu khẩn khoản xin nới phép rộng ơn.
Tới đây có thể nói rằng, vụ án “Lệ Chi viên” chính là do bà Nguyễn Thị Anh dàn dựng. Sau này vua Lê Thánh Tông, người minh oan cho Nguyễn Trãi cũng có thể đã biết, nhưng nhà vua vì thể diện của triều đình, của nội bộ hoàng tộc mà không muốn làm to chuyện ra, đành phải giữ kín.
Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu chiêu tuyết cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước hiệu là Tán Trù bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan.
Nỗi oan của Nguyễn Trãi coi như đã được giải, nhưng nỗi oan của nữ danh nhân Nguyễn Thị Lộ thì vẫn còn đó. Vì vậy, nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho bà.
Dựa vào những kết quả thu lượm được, một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn thành cuốn “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” (xuất bản năm 2004). Sau hơn 560 năm, vụ án “Lệ Chi viên” mới chính thức khép lại với sự minh oan trọn vẹn nhất dành cho bà Nguyễn Thị Lộ.
Trần Hưng

Nỗi oan khuất trăm năm của Thoại Ngọc hầu


(Kiến Thức) - Là một trong những công thần khai quốc của nhà Nguyễn, Thoại Ngọc hầu chịu án oan ngay khi vừa nhắm mắt, khiến con cháu điêu linh, và đến đời vua “áp chót” của vương triều mới được minh oan.

    Người mà sông núi mượn tên

    Thoại Ngọc hầu (1761 – 1829) vừa có công với triều Nguyễn vì đã phù tá Gia Long giành ngôi báu, vừa có ơn với người dân, nhất là nhân dân miền Nam, nhờ việc mở mang bờ cõi, khai phá đất đai miền sông Hậu, bảo vệ biên cương ở Châu Đốc, Hà Tiên, xây dựng kênh Vĩnh Tế, một công trình thủy lợi – giao thông - quốc phòng lớn. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê ở vùng Sơn Trà, Đà Nẵng ngày nay, từ đời bố mẹ đã vào Vĩnh Long định cư.

    Từ năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Thoại đã theo phò Nguyễn Phúc Ánh, vị chúa tuổi thiếu niên đầy tham vọng và chí khí phục thù. Ngoài việc tham gia nhiều trận đánh chống Tây Sơn, ông thường xuyên được cử đi công cán các nước láng giềng như Lào, Xiêm, Chân Lạp và lập nhiều công lao. Vì thế, sau khi nhà Nguyễn thành lập, Nguyễn Văn Thoại có thời gian được bổ làm Bảo hộ Chân Lạp kiêm trấn thủ tỉnh Định Tường. Chính vì thế người dân sau này vẫn gọi ông là ông Bảo hộ, lăng Nguyễn Văn Thoại được gọi là lăng ông Bảo hộ.


    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông tại núi Sam
     Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông tại chân núi Sam. Ảnh: Wikipedia.org.

    Mùa xuân năm 1818, sau khi được đổi làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại chỉ huy việc đào kênh Đông Xuyên dài 31 km nối từ Long Xuyên xuống Rạch Giá, có vai trò rất lớn trong việc phục vụ nông nghiệp và giao thông ở vùng Kiên Giang. Hoàng đế Gia Long ghi nhận công lao đó, bèn cho lấy tên ông đặt tên cho con kênh mới đào và ngọn núi ở đó, gọi là kênh Thoại Hà và núi Thoại Sơn, người dân vẫn gọi là kênh Ông Thoại và núi Ông Thoại.

    Năng lực và tâm huyết của Nguyễn Văn Thoại không bị vua Nguyễn bỏ qua khi ngay năm 1819, ông được triều đình giao phụ trách việc đào con kênh lớn theo biên giới Tây Nam, nối từ sông Châu Đốc ra đến biển Hà Tiên, dài gấp 3 lần kênh Thoại Hà. Công trình vĩ đại này không chỉ là tâm huyết của Nguyễn Văn Thoại đối với sự hưng vượng của đất nước mà còn là mồ hôi, xương máu của 80.000 dân binh, mất 5 năm mới hoàn thành.

    Chính thất của Nguyễn Văn Thoại là bà Châu Thị Tế cũng dốc lòng cho việc đào kênh. Bà lo việc việc hậu cần, cung cấp lương thực, đồng thời động viên dân chúng tham gia phục vụ công trình. Để ghi nhận công lao của họ, con kênh đã được nhà vua cho đặt tên theo vợ ông, đó là kênh Vĩnh Tế.

    Đánh giá về vai trò của con kênh này, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Từ đó đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được thuận lợi vô cùng”. Hoàng đế Minh Mạng hoan hỷ và tự hào đến mức vào năm 1936, khi đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, vua cho chạm vào một chiếc đỉnh hình con kênh Vĩnh Tế.

    Vị công thần này cũng là người chỉ huy làm con đường Núi Sam – Châu Đốc, lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế. Chính ông cũng bỏ tiền túi ra trả bù cho dân số tiền mà nhà nước nợ mãi không trả, khi vận động họ đến vùng biên thùy ở để lập làng, giữ đất. Những công trình ông xây dựng được cho là có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì bền vững chủ quyền của người Việt tại những vùng đất mới.

    Vì nhiều công lao, Nguyễn Văn Thoại được vua nhà Nguyễn phong là Thoại Ngọc hầu, bố mẹ ông cũng được phong tước hầu.


    Liên tiếp hàm oan

    Năm 1829, Thoại Ngọc hầu mất trong sự thương tiếc của vua Minh Mạng. Ông không những được truy thăng chức vụ, thưởng thêm nhiều tiền và gấm lụa, mà con trai trưởng còn được tập ấm chức Ân kỵ úy.

    Tuy nhiên, ngay sau đó, bao nhiêu công lao của ông gần như bị “phủi” sạch khi vua Minh Mạng nhận được tờ biểu tâu rằng, trong thời gian làm Bảo hộ Chân Lạp, Thoại Ngọc hầu thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ táu đem nộp nhưng không cấp tiền gạo mà triều đình quy định phát cho họ, lại còn bắt dân Chân Lạp phục dịch các việc riêng của mình. Lập tức, Minh Mạng xuống lệnh tịch thu gia sản, rồi truy giáng ông từ hàm nhị phẩm xuống thất phẩm, tước quyền tập ấm của con trai, bao nhiêu gia sản đều sung công.

    Vụ việc này khiến Minh Mạng ghét Nguyễn Văn Thoại đến nỗi vào tháng 7 năm 1830, khi một vị quan ở Gia Định dâng sớ xin cấp phu trông coi mộ ông, nhà vua thẳng thừng từ chối.



    Phát hiện bất ngờ ở lăng Thoại Ngọc Hầu - ảnh 1
    Cổng vào lăng Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam, Châu Đốc (An Giang) - Ảnh: Hội đồng giám định cung cấp

    Năm 1832, không biết có phải vì thấy quá nặng tay với công thần không mà Minh Mạng xuống dụ rằng, tội của Thoại nếu còn sống thì phải chém đầu để bêu, nhưng đã chết rồi thì xét có công lao nên chỉ giáng xuống hàm ngũ phẩm, tước quyền tập ấm của con, tịch thu gia sản, còn sắc phong cho cha mẹ Thoại thì không bị thu hồi.

    Nhà vua chỉ biết Thoại Ngọc hầu bị oan sau khi đưa một sắc thư sang cho vua Chân Lạp, đại ý khuyên ông ta không nên vì một vị quan hư hỏng là Nguyễn Văn Thoại mà bận lòng, hãy cứ nên kính cẩn giữ lễ với hoàng đế nhà Nguyễn, vì ông quan Bảo hộ quấy nhiễu dân ấy đã bị trị tội, tiền còn thiếu của dân trong việc lấy gỗ thì sẽ ban đủ. Vua Chân Lạp liền dâng biểu tâu rõ là không cần cấp tiền gạo cho việc ấy nữa, vì quan bảo Bộ Nguyễn Văn Thoại đã cấp đủ cho dân rồi.

    Rõ chuyện, nhà vua trừng trị kẻ tấu sai, nhưng vẫn kết tội Nguyễn Văn Thoại là bắt dân Chân Lạp phục dịch việc riêng nên không giảm án cho ông.

    Năm 1835, cuộc tạo phản của Lê Văn Khôi được dẹp yên, người ta phát hiện có sự tham gia của con rể Thoại Ngọc hầu là Võ Vĩnh Lộc. Cái tên Nguyễn Văn Thoại một lần nữa lại bị nhà vua xuống lệnh tra xét về mối liên quan đến nghịch đảng. Thật may là Vĩnh Lộc chỉ cưới con gái nuôi chứ không phải cưới con đẻ của ông, nên vị công thần đã chết không bị khép thêm tội. Nhưng sự liên đới đó cũng đủ làm cái tên của ông bị bôi đen thêm lần nữa trước mắt triều đình. Nó làm cho cách nhìn của Minh Mạng với ông ngày càng thiên kiến, sai lệch, khiến bao nhiêu công lao trước đó bị quên lãng.

    Tội nghiệt vẫn chưa buông tha linh hồn Thoại Ngọc hầu. Vào tháng 3/1838, cháu họ ông là Nguyễn Văn Quang, đang là tù phạm ở Gia Định, đã tham gia vào âm mưu vượt ngục chiếm thành, phản lại triều đình. Quang bị xử lăng trì. Nguyễn Văn Thoại vì thế mà bị truy đoạt các văn bằng, sắc phong đã cấp, tước luôn cả hàm ngũ phẩm.

    Với những sấm sét liên tiếp giáng xuống từ cửu trùng, con cháu vị công thần mấy đời phải sống cảnh khổ cực. Con trai trưởng là Nguyễn Văn Tâm bỏ đi biệt tích, con thứ là Nguyễn Văn Minh sống cuộc đời nghèo khổ như mọi thứ dân.

    Đến đời Khải Định mới được minh oan

    Án oan của Thoại Ngọc hầu vẫn còn đó trải qua mấy triều vua. Đến năm 1880, dưới thời Tự Đức, đền Trung Nghĩa thờ những người có công với vương triều được khánh thành ở Huế. Bộ Lễ tâu lên vua đưa thêm 1.532 người vào thờ, trong đó có Nguyễn Văn Thoại. Vua Tự Đức chuẩn y. Nghĩa là công lao của Thoại Ngọc hầu đã được nhớ đến, tuy chưa được ghi nhận đúng mức, nhưng nỗi oan của ông vẫn chưa được cởi bỏ.

    Phải đến năm 1924, hai thập kỷ trước khi vương triều nhà Nguyễn kết thúc, danh dự của Thoại Ngọc hầu mới được phục hồi. Ông được phong thần, danh hiệu là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần.

    Năm 1943, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại lại sắc phong cho ông là Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần.

    Thế nhưng không chờ đến những đạo sắc của triều đình, lòng người dân vùng sông Hậu đã luôn coi Thoại Ngọc hầu là vị phúc thần ngay từ thời ông còn sống và cả những năm sau đó.

    “Truy” nguyên nhân cái chết oan nghiệt của “Thần tướng” VN


    (Kiến Thức) - Một cuộc đời oanh liệt, nhưng chỉ vì phản đối việc lập vua Trần Dụ Tông mà Nguyễn Chế Nghĩa đã bị sát hại. Với đức cao vọng trọng, ông vẫn được nhân dân lập đền thờ và các triều đại sau ghi nhận công đức.

    Từ quan về quê mở phường dạy võ

    Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần 2 và lần 3, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong chức đại tướng quân, được cử đi giữ các cửa ải ở Lạng Sơn 6 năm liền. Nguyễn Chế Nghĩa lập các đồn trại dọc biên giới, tiễu trừ giặc cướp, thổ phỉ. Ông còn thành lập các đội dân binh, giúp họ khai khẩn đất đai làm ruộng để tự túc lương thực, giao cho các thổ hào tin cậy quản lý trông coi. Các đội dân binh này đã cùng quân triều đình bảo vệ vững chắc vùng biên cương.

    Khi vùng biên ải được bình yên, ông được nhà vua triệu về triều ban tước Nghĩa Xuyên công và lần lượt tới các chức vụ Đô uý, Thái uý. Nguyễn Chế Nghĩa được cử đi sứ Nguyên ba lần vào các năm 1302, 1321, 1331. Ông được nhà vua và triều đình quý trọng. Vua Trần gả công chúa Nguyệt Hoa cho ông và phong chức Phò mã đô uý. Nguyễn Chế Nghĩa và Nguyệt Hoa sinh được một con trai là công tử Sùng Phúc.

    Nguyễn Chế Nghĩa làm quan trải bốn triều vua: Trần Nhân Tông (1279 - 1293), Trần Anh Tông (1293 - 1314), Trần Minh Tông (1314 - 1329) và Trần Hiến Tông (1329 - 1341). Ông lần lượt giữ chức Nhập nội thị thái uý, Thái tể Nguyễn Xuyên công, có thời gian đứng đầu ban võ, có lúc kiêm chức Lễ bộ Thượng thư.

    Đến cuối đời Trần Minh Tông, triều đình nhiễu nhương, vua ham chơi bời không lo đến quốc sự, bọn gian thần nhũng loạn. Nguyễn Chế Nghĩa khuyên can vua không được bèn từ quan về nghỉ ở đất Cối Xuyên quê hương ông và ở Kiêu Kỵ là đất vua ban cho ông làm thái ấp. Tại Cối Xuyên ông giúp dân mở mang nghề nông, mở chợ Cối Xuyên, mở phường dạy võ cho thanh niên.
    Tại Kiêu Kỵ, ông cũng khuyến khích nông dân mở mang đồng ruộng, phát triển nghề tằm tang, bảo vệ đê sông Hồng. Ông lập quán Ninh Kiều làm nơi nghỉ ngơi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, nơi xướng họa thơ văn, ngoài ra ông còn khuyến khích mọi người dân trong vùng giữ thuần phong mỹ tục.
    Khu lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa ở thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
    Khu lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa ở thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.



    Bị vua Trần Dụ Tông sai người phục kích chém chết

    Khi vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi (1341 - 1369) khi đã củng cố được địa vị. Dụ Tông liền trả thù ông vì ông là một trong ba người phản đối việc lên ngôi của Dụ Tông. Dụ Tông đã sai bọn võ sĩ phục kích chém chết ông ở quán Ninh Kiều, xã Kiêu Kỵ. Khi đó ông 76 tuổi. Mặc dù vậy nhưng với công lao hiển hách và đức cao vọng trọng của ông, triều đình vẫn cử Bộ Lễ về tổ chức tang lễ theo nghi thức vương giả và phong thần cho ông là An Nghĩa đại vương. Nhân dân làng Kiêu Kỵ lập đền thờ An Nghĩa Đại vương, công chúa Nguyệt Hoa và Công tử Sùng Phúc.

    Công tử Sùng Phúc và mẹ là công chúa Nguyệt Hoa còn dựng chùa thờ Phật ở cạnh đền An Nghĩa Đại Vương. Sau chùa này được mang tên Sùng Phúc tự. Khi công chúa Nguyệt Hoa và công tử Sùng Phúc mất cũng được nhân dân Kiêu Kỵ đưa vào thờ ở đền ở đình Kiêu Kỵ làm thành hoàng của làng.

    Đền An Nghĩa Đại vương và Nguyệt Hoa công chúa được các triều đại phong 87 đạo sắc (trong đó đời vua Lê Thần Tông 30 đạo sắc; đời vua Lê Huyền Tông 7 đạo sắc; đời vua Lê Gia Tông 8 đạo sắc; đời vua Lê Dụ Tông 9 đạo sắc; đời vua Lê Hiển Tông 10 đạo sắc; đời vua Quang Trung 11 đạo sắc và đời vua Cảnh Thịnh 12 đạo sắc).

    Cụm di tích trên đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử năm 1996.


    Dương Tuấn

    Nguyễn Chế Nghĩa và hai ngôi đền thờ ông

    Đăng lúc: Thứ hai - 10/04/2006 07:44 - Người đăng bài viết: Administrator

    Nguyễn Chế Nghĩa người xã Cối Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (nay thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Xã Cối Xuyên, đến đời Lê Gia Tông (1672-1675) vì kỵ huý vua là Lê Duy Cối nên đổi là Hội Xuyên. Ông sinh và mất vào năm nào đều chưa rõ. Căn cứ vào bản Thần tích chép về Nguyễn Chế Nghĩa, hiện lưu trữ tại Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì ông là người đời Trần và được vua Trần Anh Tông (1293-1314) gả công chúa Nguyệt Hoa cho.

    Có điều hơi lạ và khó hiểu: một người từng là Phò mã đời Trần Anh Tông, lại là một vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn như Nguyễn Chế Nghĩa mà không một bộ sử nào - kể cả chính sử và tư sử - của nước ta chép lấy vài dòng về ông. Từ triều Nguyễn, thế kỷ XIX trở lại đây, để nghiên cứu về tiểu sử và hành trạng của Nguyễn Chế Nghĩa, các tác giả đều phải dựa chủ yếu vào bản Hội Xuyên xã thần sự tích (từ đây gọi  Thần tích Hội Xuyên), hiện lưu giữ tại Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm.
    Bản Thần tích Hội Xuyên là thần tích của ngôi đền thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, từng hiện diện trước cách mạng tháng Tám 1945 tại xã Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chúng tôi có thể khẳng định như trên, bởi vì bản Thần tích này được Thư viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (EFEO) tại Hà Nội cho sưu tầm vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Hiện nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam còn lưu giữ được những bản thần tích của các xã trong huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương nói trên. Các xã thần tích là thần tích của 11 xã thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương do EFEO tại Hà Nội yêu cầu sao chép (1).
    Bản Thần tích Hội Xuyên được lưu giữ tại Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm là thần tích được vị Quản giám Bách thần, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn theo chỉ thị của bộ Lễ vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời vua Lê Anh Tông (1557-1573). Vào đầu thế kỷ XVIII, được Nguyễn Hiền sao lục vào năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông (1735-1740). Có thể khẳng định, với tình trạng tư liệu hiện nay, đây là văn bản thư tịch sớm nhất mà chúng ta có thể có được để nghiên cứu về tiểu sử, hành trạng của Nguyễn Chế Nghĩa.
    Thần tích Hội Xuyên cho ta biết mảnh đất và vị thần được thờ tại Hội Xuyên như sau: “Hải Dương tỉnh, Hồng Châu (Kim cải Ninh Giang phủ), Gia Phúc huyện (Kim cải vị Gia Lộc), Hội Xuyên xã, sơn Hội, Xuyên niêm, chiếm Nam phương chi chính khí vi Đông thổ chi danh khu, lai mạch liệt bình, quần sơn củng phục, vạn thuỷ lai hội, hình như bạch tượng quyển hổ. Bản xã tam thôn vu thử lập miếu an tam vị Đại vương, Vương tính Nguyễn, tự Chế Nghĩa, bản xã nhân…” (nghĩa là: Xã Hội Xuyên, huyện Gia Phúc – nay đổi là huyện Gia Lộc, Hồng Châu - nay đổi là phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, núi sông hội tụ, lại ở vùng chính khí của nước Nam, thực là khu vực danh tiếng của Xứ Đông, mạch đất giăng bày, quần sơn chầu về, muôn sông hội tụ, có hình thế như voi trắng hút nước hồ. Ba thôn của xã đã lập miếu ở đất này để thờ 3 vị Đại vương. Vương họ Nguyễn, tên Chế Nghĩa, người xã Hội Xuyên”) (2). Với đoạn văn trên, chúng ta thấy quan Quản giám Bách thần Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính đã cố ý “thích nghĩa” tên xã Hội Xuyên là “Sơn Hội, Xuyên niêm…” (quần sơn chầu về, muôn sông hội tụ).
    Từ văn bản Thần tích Hội Xuyên trên, nhiều tác giả đời sau đã căn cứ vào đấy để ghi chép về nhân vật Nguyễn Chế Nghĩa.
    Các sử thần của triều Nguyễn, cuối thế kỷ XIX, trong bộ địa lý học - lịch sử nổi tiếng: Đại Nam nhất thống chí, khi chép về chợ Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, có viết như sau: “… Có thuyết nói chợ này do Nguyễn Chế Nghĩa, người xã ấy là Phò mã Đô uý triều Trần lập ra, lại để 3 mẫu 5 sào ruộng lập chùa quán (TG - nhấn mạnh), sau khi Nghĩa chết, dân Hội Xuyên và Phương Trạm (tức Phương Điếm - TG) cùng thờ” (3). Mấy dòng chép trên đây là do các sử thần triều Nguyễn căn cứ vào đoạn văn ở Thần tích Hội Xuyên như sau: “Bản xã tam thôn viết: Đức Phong, viết: Mỹ Long, viết: Đại Liêu, cựu binh tại Mỹ Long thôn, tam mẫu ngũ sào. Kỳ trung hựu kiến vi phụng sự từ, tục viết: Đình Thó…” (nghĩa là: Ba thôn trong xã [Hội Xuyên] là: Đức Phong, Mỹ Long, Đại Liêu, trên dinh cũ của Vương ở thôn Mỹ Long, với diện tích gồm 3 mẫu 5 sào, lại xây dựng đền thờ [Vương], tục gọi là Đình Thó…)
    Theo các cố lão, thì cách đây trên 60 năm, tại Hội Xuyên vẫn tồn tại 2 ngôi đền thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa. Điều này trùng hợp với những gì được ghi chép trong bản Thần tích Hội Xuyên. Ngôi đền thờ ở thôn Mỹ Long được xây trên mảnh đất 3 mẫu 5 sào vốn là dinh cũ của Nguyễn Chế Nghĩa đã được chúng tôi nhắc đến ở trên. Còn ngôi đền ở thôn Đức Phong, được Hoàng tử Sùng Phúc - con trai Nguyễn Chế Nghĩa và Công chúa Nguyệt Hoa - xây dựng cùng năm với việc xây dựng hồ Nghiêm Quang. Thần tích Hội Xuyên chép rõ: “Nãi ư Đức Phong dinh sở sáng lập châu cung bảo điện cực kỳ luân hoán; hương nhân cạnh dĩ tư tắc trợ phúc quả, danh viết Nguyễn Quang Tự, hựu kiến miếu ư giá tự hữu biên dữ hậu phòng tương liên…” (nghĩa là: Thế rồi [hoàng tử] xây dựng chùa ở dinh Đức Phong, cung vàng điện ngọc cực kỳ diễm lễ; người trong làng tranh nhau đem của riêng để làm phúc, đặt tên là chùa Nghiêm Quang. Sau đó [hoàng tử] lại cho xây miếu [[thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa - TG thêm vào] ở bên phải của chùa liền với hậu phòng…).
    Cụ Nguyễn Văn Bách, năm nay 81 tuổi - là nhà thư pháp chữ Hán có tiếng ở thủ đô, người từng tham gia dịch thơ Đường, thơ Cao Bá Quát… hiện ở số nhà 51 Tràng Tiền, Hà Nội, quê gốc tại xã Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho chúng tôi biết vào khoảng các năm 1937-1938, vẫn thường sang chơi chùa Nghiêm Quang và miếu thờ Nguyễn Chế Nghĩa, còn được gọi là Đền Bung (Bung là tên Nôm của thôn Đức Phong), có hình chuôi vồ (hoặc chữ Đinh): hậu cung 1 gian thờ Nguyễn Chế Nghĩa, tiền tế 5 gian có thờ bài vị Đức Khổng Tử. Đền Bung được xây khá lớn, cột lim to, một người ôm chưa xuể. Hàng năm, Văn hội huyện Gia Lộc thường về tế Đức Khổng Tử tại đền.
    Đền Cuối (tên Nôm của thôn Mỹ Long), như trên, theo ghi chép của Thần tích Hội Xuyên, còn có tục danh là Đình Thó. Thực ra, trong các làng quê ở miền Bắc nước ta, việc “Đình từ hợp nhất” (Đình và Đền là một) là chuyện thường xảy ra. Ngay ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, ngôi đền thờ Cao sơn Đại Vương - một trong Thăng Long tứ trấn - trấn giữ phía Nam kinh thành, cũng được người dân ở đây gọi là: “Đình Kim Liên”. Theo tôi, nếu có tục danh là Đình Thó, thì không phải vì thế Đền Cuối ở thôn Mỹ Long, thị trấn Gia Lộc sẽ kém giá trị hơn. Đối với các nhà nghiên cứu sử học, trong làng xã Việt Nam, nếu so sánh về mặt chức năng thì Đình giữ vai trò quan trọng hơn Đền. Giáo sư Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học từng nhận định: “Có thể coi đình là một toà thị chính, một nhà thờ, và một nhà văn hoá cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hoá làng Việt Nam” (4).
    Tôi đã về khảo sát kỹ ngôi Đền Cuối ở thôn Mỹ Long, thì thấy kiến trúc của nó là phong cách kiến trúc của đền hơn là phong cách kiến trúc của đình. Tuy nhiên, gọi tục danh là Đình Thó, là bởi hai lý do: thứ nhất thôn Mỹ Long (và cả xã Hội Xuyên) thờ Nguyễn Chế Nghĩa làm thần thành Hoàng, mà thần Thành Hoàng thường được thờ ở đình làng; thứ hai, nơi đây trong các dịp lễ hội, diễn ra vào hai ngày 27 và 28 tháng 9 âm lịch; thường tổ chức “đánh thó”. Bên cạnh đình, xưa có Ao Cuối để nuôi cá, tới ngày lễ, dân làng đánh bắt các con cá chép to nhất để cúng thần Thành Hoàng. Người dân ở đây, kỵ húy của An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, đọc chệch ra là “Ngỡi”, còn tên Nguyệt Hoa công chúa cũng được đọc chệch ra là “Huế”.
    Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, người dân Hội Xuyên với tấm lòng ngưỡng mộ vị thần thành hoàng Nguyễn Chế Nghĩa, đồng tâm đoàn kết, góp công sức, tiền của đã xây lại hai ngôi đền: một ở thôn Mỹ Long, một ở thôn Đức Đại (tức Đức Phong là Đại Liêu sát nhập). Cả hai ngôi đền nói trên đều đẹp đẽ, tôn nghiêm, và có nhiều hoành phi, câu đối do các bậc khoa bảng địa phương cung tiến. Tôi đặc biệt chú ý tới đôi câu đối dưới đây của cụ Nguyễn Văn Trang đỗ Hoàng giáp khoa Nhã sĩ niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865) người thôn Mỹ Long (cả hai ngôi đền ở thôn Mỹ Long và thôn Đức Đại đều có đôi câu đối này):
    Phò mã đổng nhung uy tại Lê quan, công tại quốc
    Tiên phong Khống Bắc, hiển ư Cối địa, đức ư dân.
    (Lạc khoản ghi: Nguyễn triều Hoàng giáp Nguyễn Văn Trang cung đề).
    (Tạm dịch:
    Đã là Phò mã lại được kiêm chức Đổng nhung, uy danh trong trận Ải Lê Hoa, công lao còn thấy trong quốc sử.
    Vừa là Tiên phong lại là tướng quân Khống Bắc, hiển linh ở đất xã Cối Xuyên, đức độ bao trùm khắp dân thôn).
    (Hoàng giáp dưới triều Nguyễn là Nguyễn Văn Trang cung kính đề).
    Thế mới biết: Các cụ xưa với tấm lòng khoáng đạt, và lấy sự hoà mục trong hương thôn làm trọng, chẳng bao giờ phân biệt đền Mỹ Long, hay đền Đức Phong (Đức Đại), đền nào là chính, đền nào là phụ!
    Đền Mỹ Long đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng Công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá vào năm 1989, với danh xưng: “Đền Cuối và khu lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa”. Theo tôi đó là một danh xưng chính đáng, vì lẽ đơn giản: Cuối là tên Nôm của thôn Mỹ Long!
    Vì thế, trong tương lai gần, nếu Bộ Văn hoá - Thông tin có cấp bằng Công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cho Đền thờ Nguyễn Chế Nghĩa ở thôn Đức Phong, thì cũng theo tiền lệ, nên ghi là: “Đền Bung thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa”. Còn như ai đó, cứ muốn ghi là “Đền Hội Xuyên…” thì theo thiển ý của tôi, như vậy sao gọi là chính danh được?
    _______________________
    (1) Cùng với việc sao chép thần tích, EFEO còn cho dập hàng nghìn văn bia trên đá, trên gỗ v.v… cũng vào khoảng vài thập niên đầu thế kỷ XX. Thác bản văn bia này, hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội.
    (2) Ba vị đại vương là: An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, phu nhân của thần là Nguyệt Hoa công chúa, và Hoàng tử Sùng Phúc.
    (3) Đại Nam nhất thống chí. NXB KHXH, H. 1971, tập 3, tr. 394.
    (4) Hà Văn Tập - Nguyễn Văn Kự. Đình Việt Nam. NXB TP Hồ Chí Minh, 1988, tr. 1.
    Nguồn: Xưa và Nay, số 248, 11/2005, tr 31 – 33
    Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Tường

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét