Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 61 (Cầu Hiền Lương)

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Hồ sơ DMZ

Đôi bờ Hiền Lương và nỗi đau chia cắt

Vốn cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở miền Trung và mọi miền đất nước Việt Nam, song đến khi đế quốc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng thì dòng sông Bến Hải - Hiền Lương đã trở nên nổi tiếng, được cả thế giới biết đến.

Bất cứ ai trong hành trình xuôi Nam, ngược Bắc đều muốn thấy tận mắt "nhân chứng lịch sử” hơn hai mươi năm mang trong mình nỗi đau chia cắt của đất nước, từng chứng kiến một quá khứ bi thương mà hào hùng, oanh liệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Ngược trở về quá khứ, Hiệp định Geneva năm 1954 đã chia cắt đất nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17, nơi con sông Bến Hải thơ mộng ở tỉnh Quảng Trị chảy qua làm ranh giới. Cuộc phân ly tạm thời tưởng rằng chỉ kéo dài 2 năm và kết thúc sau khi tổng tuyển cử thống nhất, nhưng thực tế đã kéo dài tới 21 năm.

Cầu Hiền Lương. Ảnh tư liệu


Ghi dấu quá khứ hào hùng

Trong hơn 20 năm chia cắt, không mảnh đất nào chịu đựng nhiều đau thương như ở Bến Hải, Hiền Lương. Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, sự chia ly và nỗi đau mất mát…

“Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ,

Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa...”

Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử”, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến nhiều vô cùng cảnh tang tóc, đau thương. Thế nhưng, trước cảnh gông cùm xiềng xích và máu đổ thịt rơi, lòng người không hề nao núng. Đồn bốt được kẻ thù dựng lên bằng sắt thép, lưỡi lê, bằng xe tăng đại bác, nhưng không có sức mạnh nào khuất phục được lòng quả cảm, trí thông minh và niềm tin son sắt vào chân lý nhất định sẽ chiến thắng của nhân dân đôi bờ. Nhà điện ảnh Thụy Điển Giôrít Iven khi được chứng kiến đã phải thốt lên: “Vĩ tuyến 17 - nơi “trưng bày” sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”.

Hơn 20 năm sau ngày chia cắt, đại thắng mùa xuân năm 1975 đã nối hai bờ sông Bến Hải. Và đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành cụm di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.Ngày 17/9/2003, khu di tích được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo, để cho đến hôm nay, khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng và vô cùng sống động.


Đó là cây cầu Hiền Lương, nơiđã diễn ra nhiều cuộc tập kết lực lượng của ta và địch và cũng chính là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa hai miền Nam-Bắc.

Là Cột cờ Hiền Lương,biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất của đồng bào miền Nam ruột thịt đang ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Để lá cờ tung bay trên đỉnh cột, giữ vững biểu tượng sức mạnh chiến thắng của dân tộc, các chiến sĩ đồn Công an Hiền Lương đã chiến đấu anh dũng hơn 300 trận lớn nhỏ dưới mưa gió, bão đạn để bảo vệ lá cờ. Đã có nhiều tấm gương giữ cờ vô cùng cảm động, như tấm gương của mẹ Nguyễn Thị Diệm, mặc dù đã già yếu nhưng không đi sơ tán, kiên quyết ở lại vá cờ.

Là đồn công an Hiền Lương, nơi không chỉ để tố cáo sự vi phạm Hiệp định của Mỹ - ngụy với tổ chức quốc tế mà còn là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh gay gắt giữa ta và địch để bảo vệ quy chế khu phi quân sự.

Là hệ thống loa phát thanh tuyên truyền. Một vũ khí tâm lý hữu hiệu của quân đội nhân dân Việt Nam nhằm vạch trần âm mưu xâm lược đất nước ta của chính quyền Mỹ - ngụy và động viên, tiếp sức cho nhân dân miền Nam vững bước đấu tranh. Và đó còn là công trình mang tên "Cụm tượng đài khát vọng thống nhất" đặt ở bờ Nam sông Bến Hải.

Trên mạch nối giao thông giữa hai miền Nam - Bắc, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Di tích đặc biệt cấp quốc gia, vẫn luôn là điểm sáng trong hành trình của du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt. Để từ đó hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hòa bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do, để có một đất nước Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.

Đua thuyền trên sông Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông. Ảnh: Văn Sơn-TTXVN

Đổi thay trên “vùng đất lửa”

Nằm bên con sông lịch sử, toàn thể chính quyền cùng nhân dân hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đang nỗ lực phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội nhằm bù đắp những mất mát mà chiến tranh đã gây ra.

Vùng đất chết năm xưa loang lổ dấu vết bom cày đạn xới thì nay đã nhường chỗ cho những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn, những vùng nuôi tôm trù phú. Đi dọc bờ sông Bến Hải, qua các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Giang của huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) là vùng nuôi tôm trù phú. Ngược lên vùng gò đồi phía thượng nguồn Bến Hải là những nông trường cao su, hồ tiêu xanh mướt. Chỉ riêng cây cao su đóng góp một nửa tổng thu ngân sách toàn huyện Vĩnh Linh, góp phần quan trọng cho huyện nhà trở thành Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Còn ở bờ Nam sông Bến Hải giờ là vựa lúa của huyện Gio Linh. Với lợi thế có 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng, Gio Linh còn là trọng điểm về nghề khai thác đánh bắt thủy sản, chiếm 2/3 sản lượng khai thác của tỉnh Quảng Trị, góp phần không nhỏ vào việc ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

39 năm sau ngày đất nước thống nhất, đôi bờ Hiền Lương nay đã thay da đổi thịt, đi đến đâu cũng thấy khí thế hăng say sản xuất. Người dân nơi đây đang đồng lòng chung tay xây dựng quê hương đổi thay từng ngày.

 
Ru Lại Câu Hò - Cẩm Ly

Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

"Câu hò bên bờ Hiền Lương" và chuyện tình cảm động ở vĩ tuyến 17


Chủ nhật, 11/01/2015 | 19:36 GMT+7
(ĐSPL) - Ở đất lửa Vĩnh Linh, có rất nhiều gia đình đã đi vào huyền thoại. Thế nhưng, với riêng đại gia đình cụ Phan Đình Đồng thì đó là một câu chuyện rất khác. Huyền thoại ấy được khắc nên không chỉ bởi cụ Đồng là ngưới lính đầu tiên và duy nhất gác đèn biển ở vĩ tuyến 17, mà đó còn là nơi hội tụ tình yêu, máu xương, nước mắt và cả những sợi dây giao cảm tâm linh kỳ lạ.
Nhạc phẩm "Câu hò bên bờ Hiền Lương" và niềm cảm hứng bất tận
Nghe câu chuyện tình cảm động của người lính gác đền biển Cửa Tùng, được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc từ một cựu binh người Thái Bình trong dịp về thăm lại chiến trường xưa kể lại, đã thôi thúc chúng tôi về Vĩnh Linh tìm lại nhân vật chính.
Thế nhưng, tìm đỏ mắt quanh ngọn hải đăng ở bờ biển Cửa Tùng lẫn ngọn hải đăng Mũi Lài ở gần địa đạo Vịnh Mốc, chẳng ai hay biết thông tin về gia đình người gác đèn biển năm xưa. Đang lúc thất vọng, định bỏ cuộc, chúng tôi gặp ông Hoàng Đức Đàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

"Câu hò bên bờ Hiền Lương" và chuyện tình cảm động ở vĩ tuyến 17 - Ảnh 1

Ngọn hải đăng Cửa Tùng được xây dựng lại thay thế cho ngọn hải đăng cũ đã bị bom đánh sập.

Nhắc đến người lính gác đèn biển Cửa Tùng trước giải phóng, mắt ông Đàn chợt nhòa lệ, ông cho biết: "Bây giờ về Cửa Tùng, cô chú hỏi không ai biết cũng phải thôi, bởi cả hai ngọn Hải Đăng hiện tại đều mới được xây dựng gần đây. Còn ngọn hải đăng năm xưa đã bị bom Mỹ đánh sập từ thời chiến tranh rồi. Còn người gác đèn biển ngày ấy là cụ Phan Đình Đồng, nhưng cụ đã mất từ bốn năm trước. Ngày ấy, vợ và con trai đầu của cụ hy sinh, nay chỉ còn duy nhất cô con gái út, o du kích Phan Thị Hoa (60 tuổi), đang sống ở thị trấn Cửa Tùng...".

"Câu hò bên bờ Hiền Lương" và chuyện tình cảm động ở vĩ tuyến 17 - Ảnh 2

Người lính gác đèn biển đầu tiên và duy nhất ở Cửa Tùng.

Men theo những con ngõ quanh co ven biển Cửa Tùng, chúng tôi về thăm căn nhà nhỏ của bà Hoa tại khối phố Hòa Lý (thị trấn Cửa Tùng). Tiếp chúng tôi là một người phụ nữ phúc hậu, làn da bánh mật và đặc biệt là giọng nói "ngọt", đậm chất biển. Nhắc về cha của mình, giọng bà Hoa chợt trầm xuống, bà kể: "Ông cụ sinh năm 1915, quê gốc ở thôn 9, xã Gio Hải (nay là xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Hồi còn thanh niên, cụ lăn lộn ở Pháp 11 năm để học và nghiên cứu về ngành điện. Trở về Việt Nam, cụ tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên".
"Đến năm 1954, cụ Đồng nhận được lệnh tập kết ra Bắc, phụ trách trạm đèn biển Cửa Tùng. Lúc cụ lên đường, thì mẹ tôi (cụ bà Khổng Thị Nậy - PV) đang mang thai tháng thứ ba. Đứa trẻ đó chính là tôi bây giờ... Và như một sợi dây linh cảm kỳ lạ, năm 1955, đúng đêm mẹ tôi trở dạ thì cha tôi bí mật từ bờ Bắc sông Bến Hải trở lại bờ Nam. Chiến tranh ác liệt nên lúc đó, cụ chỉ kịp nhìn, đặt một nụ hôn lên má mẹ con tôi, rồi lại phải trở về bờ Bắc làm nhiệm vụ. Đó là một đêm rét bầm, trong căn hầm bí mật chỉ vừa đủ để mẹ con tôi nằm co ro...", bà Hoa cho biết thêm.
Lúc chia tay lên đường nhận nhiệm vụ, giữa cụ Đồng và cụ Nậy có một lời nguyện ước, rằng hai năm sau hiệp thương kết thúc, ông sẽ lại trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, chính cụ Đồng cũng không thể ngờ được cái lời hứa hai năm ấy, đến 20 năm sau mới có thể thực hiện được. Mỹ hất cẳng Pháp, biến cầu Hiền Lương thành giới tuyến phi quân sự, âm mưu chia cắt đất nước ta vĩnh viễn. Vậy là cứ đằng đẵng gần 20 năm trời, ngày nào cụ Đồng cũng lên đỉnh ngọn hải đăng Cửa Tùng, làm xong nhiệm vụ, cụ lại hướng ánh mắt về phương Nam. Mỗi lần nghe tiếng máy bay gầm rú, nhìn những cột khói đen ngòm bốc lên từ những mái nhà, cánh đồng bờ Nam là tim gan cụ cồn cào, đứng ngồi không yên.
Và tình cờ trong một lần về thực tế tại vĩ tuyến 17 cuối năm 1956, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã bắt gặp ánh mắt của người lính Phan Đình Đồng trên tháp canh Cửa Tùng. Cái nhìn xa xôi, như xoáy sâu vào từng nhành cây, ngọn cỏ ở bên kia giới tuyến, đã cuốn hút người nhạc sỹ đa cảm từ lần gặp gỡ đầu tiên. Lần gặp lại sau đó một năm, vẫn khuôn mặt ấy, ánh nhìn ấy và chính điều đó đã thôi thúc nhạc sỹ Hoàng Hiệp đi tìm nguyên nhân. Trước người nhạc sỹ từng trải, anh lính gác đèn thật thà thú thật: "Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhất đó. Ở đó còn có vợ và con của tôi. Vì vậy, hằng ngày tôi lên đây không chỉ để làm nhiệm vụ mà còn để nhìn về quê hương. Có vài lần tôi đã trông thấy ai như vợ con tôi, đang từ xóm ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán. Tôi muốn kêu to lên gọi tên vợ con cho đỡ nhớ...".
Ngay trong đêm hôm đó, những ý tứ của bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương", được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phôi thai. Sau đó, cùng với nhạc sỹ Đằng Giao cộng tác phần lời, bài hát ấy đã vang lên làm rung động hàng triệu trái tim yêu thương...
Nước mắt ngày đoàn viên
Cuối năm 1955, cụ bà Khổng Thị Nậy, khi ấy vừa sinh con, nhưng rất can trường giả vờ làm người buôn cá để vào lân la bán cho các đồn bốt địch. Ít ai biết rằng quang gánh nặng vai, nhưng cụ Nậy vẫn kiên nhẫn đếm nhẩm từng bước đi để về cộng lại rồi tính ra khoảng cách, cự ly từng đồn lính giúp bộ đội nã pháo trúng đích. Trong một trận kịch chiến với địch tại vĩ tuyến 17, cụ Nậy đã anh dũng hy sinh. Khi ấy cụ bà đang là Bí thư Đảng ủy xã Gio Hải - Huyện ủy viên. Con trai cả của vợ chồng cụ Nậy, ông Phan Đình An giữ chức Xã đội trưởng xã Gio Hải, khi đó cũng đã trở thành liệt sỹ. Không lâu sau, ông Phan Đình Trung, con trai thứ của hai cụ cũng qua đời.
Chiến tranh ác liệt, gia đình của ngôi làng cát trắng ven biển ấy, chỉ còn duy nhất bà Phan Thị Hoa, o du kích tả xung hữu đột trên sông Bến Hải. Sự rắn rỏi trên chiến trường đã ăn sâu vào huyết quản của người phụ nữ quả cảm. Cuối năm 1972, sau gần 20 năm bặt tin tức, cụ Đồng biết con gái mình đang có mặt ở xã Vĩnh Kim, bờ Bắc sông Bến Hải, làm nhiệm vụ nhận thêm quân về bờ Nam chiến đấu. Ông tìm đến để được gặp con. Như có linh tính mách bảo, lúc đó cả năm cô du kích trạc tuổi nhau, nhưng ngay ở giây phút chạm mặt đầu tiên, cụ đã giữ chặt vai bà Hoa gọi tên con.
"Câu hò bên bờ Hiền Lương" và chuyện tình cảm động ở vĩ tuyến 17 - Ảnh 3
Bà Phan Thị Hoa, cô du kích gan dạ năm nào giờ đã lên chức bà.
Cuộc trùng phùng trong nước mắt giữa hai cha con chỉ diễn ra trong một đêm, rồi bà Hoa tạm biệt cha trở về bờ Nam. Sau khi nước nhà thống nhất, bà Hoa lập gia đình. Chồng bà là người cùng quê ở bờ Nam. Nhưng biết hoàn cảnh cha vợ thui thủi một mình nơi đầu sóng ngọn gió, ông động viên bà sang bờ Bắc mua nhà định cư ở thị trấn Cửa Tùng để được gần cha.
"Sau giải phóng, trạm canh đèn biển đã bị bom san lấp hoàn toàn. Nhưng nó gần như đã trở thành một phần máu thịt của mình, nên ông cụ quyết định cất một căn nhà nhỏ cạnh bờ biển, ngay sát ngọn hải đăng lúc trước. Ngày ngày, dù mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng cụ vẫn chống gậy ra bờ biển dõi mắt về bờ Nam, để được sống mãi với phần ký ức về hình ảnh người vợ từng một thời son sắt chờ chồng, nơi các con của cụ đã hy sinh vì Tổ quốc", bà Hoa tâm sự.
Khúc tình ca được sống nhờ... Bác Hồ
Ít ai biết rằng, bản tình ca "Câu hò bên bờ Hiền Lương" đã suýt bị "tuyên án tử", nếu không có sự chỉ thị của Bác Hồ. Thời đó, nhiều người coi bài hát đó là nhạc vàng, ủy mị, không cho phổ biến. May mắn là Bác Hồ nghe được và thấu hiểu khúc tâm tình trong bài hát trên, Bác khen bài hát đó chứa chan tình cảm của những gia đình hai bên bờ giới tuyến, nên bài hát lại được vang lên, như bản tình ca bất diệt của tinh thần yêu nước và sống mãi đến ngày nay.

Những câu chuyện xúc động phía sau phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

Dân trí “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh sản xuất năm 1972 là một bộ phim tiêu biểu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Cho đến bây giờ, những câu chuyện hậu trường làm bộ phim này vẫn hết sức xúc động.
 >> NSND Trà Giang: Vẫn thương nhớ nghề diễn
 >> NSND Trà Giang nghẹn ngào kể lại kỷ niệm bộ áo dài đầu tiên trong đời

Làm phim từ câu chuyện có thật bên bờ Hiền Lương
“Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” hấp dẫn không chỉ ở câu chuyện về những đối đầu và những lựa chọn khắc nghiệt của người dân hai bờ sông Bến Hải khi đất nước bị chia cắt mà còn ở cách thức dàn dựng bộ phim với những cảnh được quay ngay tại vùng giới tuyến đầy nguy hiểm, nhưng đó lại chính là nơi các nghệ sĩ ở gần nhất với các “nguyên mẫu” trong phim.
Trong phim, Dịu (nghệ sỹ Trà Giang) có chồng đi tập kết ra Bắc. Ở nhà, chị vừa phải lo chăm sóc gia đình chuẩn bị cho ngày sinh con, vừa đảm nhiệm công tác bí mật lãnh đạo nhân dân trong vùng chống sự đàn áp khủng bố dã man của địch. Những bắt bớ, giam cầm, tra tấn của địch cùng những dụ dỗ ngon ngọt của tên ác ôn Trần Sùng (nghệ sỹ Lâm Tới) không khiến Dịu và bà con lùi bước.
Nghệ sỹ Trà Giang và Lâm Tới trong một cảnh của phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Ảnh: TL.
Nghệ sỹ Trà Giang và Lâm Tới trong một cảnh của phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm". Ảnh: TL.
Vì không chịu khuất phục trước quân giặc mà bác Thuận, Bí thư chi bộ bị địch giết hại. Chị Dịu thay bác làm Bí thư tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ từng kể rằng, năm 1960, ông cùng đạo diễn Hải Ninh lên đường đi thực tế ở “chảo lửa” Vĩnh Linh (Quảng Trị). Mục đích của chuyến đi này là thực hiện một bộ phim phản ánh được những đau thương mất mát của chiến tranh, vừa phải nói lên được sự tự hào của những người con mảnh đất này. Trong một đêm tối ở Cửa Tùng, hai người được công an giới tuyến giới thiệu với hai người phụ nữ ở bờ Nam sông Bến Hải mới sang.
Trong hai người, một người trắng trẻo, đẹp đẽ với vẻ no đủ... còn một người thì gầy đét, đen đúa. Đối diện với người phụ nữ này, hai nhà làm phim khá ngạc nhiên bởi người đó có dáng vóc khắc khổ nhưng lại ăn mặc áo cổ rộng, ngắn cũn cỡn, cứ rướn người lên là hở hết cả bụng. Chỉ đến khi được giải thích, người phụ nữ này là Diệu - cán bộ cốt cán của ta đang được cài ở bờ Nam để hoạt động nên phải ăn mặc theo "mốt Lệ Xuân" của chính quyền Ngô Đình Diệm để dễ bề hoạt động trong lòng địch, hai ông mới vỡ oà.
Các chị có chồng tập kết ra Bắc và bị chính quyền miền Nam bắt tập trung cùng những phụ nữ có chồng tập kết, ép làm giấy ly hôn và phải lấy người miền Nam. Khi họ phản đối đã bị nhốt vào “trại ly hôn” để “tuyên truyền, cải tạo”. Khi bị bắt vào tù, chị Diệu đang có thai. Chị đã bị bọn địch tìm mọi cách phá thai nhi hòng không cho "một thằng Việt cộng con ra đời" nhưng chị đã may mắn được các đồng chí của mình trong tù bảo vệ, bao bọc. Một tên cai ngục đã giúp chị đưa em bé chạy thoát.
Chị chỉ kịp chạy sang bờ bên kia, trao con cho chồng, chị Diệu lại vội vã trở về bên bờ Nam - huyện Gio Linh, nơi quê hương chị đang bị chìm trong đau thương để chiến đấu. Chị đã không thể sống một cuộc sống yên bình cùng chồng con bên này bởi chị đang gánh trên vai một nhiệm vụ lớn lao là Bí thư chi bộ Gio Linh, lãnh đạo các đồng chí của mình nhanh chóng giải phóng quê hương...
Từ câu chuyện cuộc đời của hai người phụ nữ này, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ viết thành kịch bản lấy tên “Bão tuyến”. Về sau, đạo diễn Hải Ninh tham gia và đổi thành “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Trong kịch bản phim, có một phần sự thật về cuộc đời một trong hai người phụ nữ này mà hai nhà làm phim không dám đưa lên phim đó là phần đời phía sau của chị buộc phải chung sống với một người đàn ông bị câm để khỏi phải lấy giặc làm chồng.
Chiến tranh kết thúc, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ có quay lại tìm người phụ nữ đó trong ba tháng nhưng không thấy. Trước đó, trong lần gặp ở Cửa Tùng, ông đã không kịp biết tên người phụ nữ này bởi chị nói: "Khi nào đất nước thống nhất sẽ cho biết tên".
Những phận đời trùng hợp đến lạ kỳ
Nghệ sỹ Trà Giang nhiều lần chia sẻ rằng, để đóng thành công nhân vật Dịu trong phim, bà đã nhiều lần gặp người phụ nữ nguyên mẫu ở ngoài đời tên Hoàng Thị Thảo. Bà đã được chính chị Thảo lúc đó là Bí thư chi bộ kiêm Xã đội trưởng xã Gio Hà - Gio Linh kể cho nghe hoàn cảnh gia đình đầy xót xa của mình. Theo đó, cha chị mất, mẹ bị giặc bắn, anh trai bị tù đày… Tuy vậy, chị Thảo vẫn đứng lên cầm súng gia nhập đội du kích để hoạt động cách mạng. Câu chuyện về cuộc đời của chị Thảo trùng hợp đến kỳ lạ với nhân vật Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” khiến cho nghệ sỹ Trà Giang nhập vai rất đạt.
Nghệ sỹ Trà Giang kể, khi nghe chị Thảo kể câu chuyện về cuộc đời mình bà đã ôm chị khóc nức nở. Và những năm tháng sau này, hình ảnh người phụ nữ kiên cường của vùng đất Gio Linh - Quảng Trị luôn sống mãi trong ký ức của bà.
Bức ảnh kỷ niệm của nghệ sỹ Trà Giang với O Thảo - nguyên mẫu đã giúp bà có được chất liệu thực tế hoá thân vào vai Dịu trong phim. Ảnh: TL.
Bức ảnh kỷ niệm của nghệ sỹ Trà Giang với O Thảo - nguyên mẫu đã giúp bà có được chất liệu thực tế hoá thân vào vai Dịu trong phim. Ảnh: TL.
“Từ nhỏ, tôi cũng đã chịu cảnh gia đình ly tán. Cha đi hoạt động cách mạng, mẹ vì thế bị giặc bắt. Mười hai tuổi tôi xa gia đình tập kết ra Bắc. Thời ấy tôi đã chứng kiến, cảm nhận những đau thương mất mát do chiến tranh đem lại. Niềm xúc cảm thực sự là từ chị Thảo và cuộc sống đau thương của nhân dân thời chiến cứ ám ảnh trong lòng tôi. Mặc dù khi phim chưa đóng xong, chị đã anh dũng hy sinh tại làng Cát, chúng tôi cũng không hay biết, sau này tôi có được tin, nhưng lòng tôi vẫn không tin, lẽ nào tôi không được gặp lại chị trong niềm vui chiến thắng.
Năm 1999, tôi trở lại Quảng Trị tìm về làng Cát, chị đã đi xa. Tôi lần tìm về quê chị, thắp lên mộ chị một nén hương, lòng tôi quặn thắt. Quảng Trị như là quê hương của tôi, tôi như người con Quảng Trị mới về hôm qua.”, nghệ sỹ Trà Giang tâm sự.
Theo lời kể của nghệ sỹ Trà Giang, khi đoàn làm phim từ Hà Nội lên đường vào Quảng Trị làm phim, chiến trang đang rất khốc liệt. Phải mất 5 năm, cả đoàn làm phim “đội” bom đạn, không sợ sống chết, lao động hết mình mới hoàn thành.
Khi phim hoàn thành, đoàn phim rút về Hà Nội để làm hậu kỳ thì lại đúng thời điểm giặc Mỹ leo tháng đánh phá miền Bắc. Ngày đó, cả Hãng phim truyện Việt Nam phải sơ tán, riêng đoàn làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ở lại, đào hầm ven Hồ Tây , khi có báo động thì xuống trú ẩn. Giai đoạn cuối cùng, những ngày hòa âm, bộ phim vẫn phải thực hiện trên một chiếc ô tô hòa âm của Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khê .
Tại LHP Quốc tế Moskva năm 1973, bộ phim đã giành được giải của Hội đồng Hòa bình Thế giới và giải Nữ diễn viên xuất sắc cho NSND Trà Giang.
Hà Tùng Long
 
ANH THƠ - Xa Khơi

Đấu trí tại Vĩ tuyến 17

0 Yên Hưng
(ANTĐ) - Chiến tranh đã đi qua 32 năm và vĩ tuyến 17 với những câu chuyện của người chiến sỹ gác giới tuyến càng là một quãng thời gian quá dài, hơn 50 năm. Nhưng câu chuyện về một địa danh với những người chiến đấu tại đó, đã trở thành câu chuyện đặc biệt. Bởi ở đó, giữa ta và địch không chiến đấu với nhau bằng vũ khí mà còn là những cuộc đấu trí...
Đấu trí tại Vĩ tuyến 17
(ANTĐ) - Chiến tranh đã đi qua 32 năm và vĩ tuyến 17 với những câu chuyện của người chiến sỹ gác giới tuyến càng là một quãng thời gian quá dài, hơn 50 năm. Nhưng câu chuyện về một địa danh với những người chiến đấu tại đó, đã trở thành câu chuyện đặc biệt. Bởi ở đó, giữa ta và địch không chiến đấu với nhau bằng vũ khí mà còn là những cuộc đấu trí...
Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải trên Vĩ tuyến 17

Vĩ tuyến 17 nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị chỉ là một đường quy ước địa lý bình thường song trở nên nổi tiếng, thu hút sự chú ý của toàn thế giới bởi nó đánh dấu thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, hoàn toàn giải phóng miền Bắc, gắn liền với điểm xuất phát của một cuộc chiến đấu gan góc, dữ dội của dân tộc ta - cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và có được nền hòa bình độc lập như hôm nay.
Theo Hiệp định Geneva, vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời cho đến khi tổng tuyển cử toàn quốc, thống nhất hai miền, nhưng dã tâm của nước Mỹ quyết kéo dài chiến tranh. Và trong suốt 11 năm, cho đến khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cuộc đấu tranh của quân và dân Vĩnh Linh để bảo vệ Hiệp nghị Geneva, bảo vệ quy chế phi quân sự, bảo vệ đầu cầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã diễn ra quyết liệt với khẩu hiệu “Hòa bình thắng chiến tranh, chí nhân thắng cường bạo” luôn được đặt ở đầu cầu Hiền Lương. Tiêu biểu cho các lực lượng trực tiếp tiến hành cuộc đấu tranh ấy là các chiến sỹ công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh  - những người được mệnh danh là “chiến sỹ giới tuyến”.
Từ chuyện cái cột cờ
Đầu cầu Hiền Lương phía bờ Bắc, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên mảnh đất thanh bình trở thành nơi hội tụ tình cảm sâu lắng, tha thiết của đồng bào hai miền Nam Bắc, hướng về Bác Hồ. Từ ngày có giới tuyến, chiều cao của cột cờ không ngừng tăng lên, bởi lý do là cờ của phía ta không thể thấp hơn cờ Ngụy. Ban đầu, cột cờ chỉ là một cây phi lao cao 12m. Bọn Pháp cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Đồng bào miền Nam liền yêu cầu sang bờ Bắc là treo cờ cao hơn cờ Ngụy. Chiến sỹ giới tuyến lặn lội lên miệt rừng miền Tây, kiếm được chiếc cột cờ cao 18m.
Chưa dừng ở đó, chính quyền Diệm dựng một trụ cờ cao 25m bằng xi măng cốt thép. Và cuộc đua lại tiếp tục, ngày 19-7-1957, bên ta xây xong trụ cờ bằng sắt cao 34m50, sơn màu trắng trên đỉnh có ngôi sao. Cờ ta bay cao hơn cờ Ngụy, chỉ một điều ấy cũng làm vui lòng đồng bào bờ Nam. Nhưng để thỏa mãn tình cảm, đồng bào nhắn sang yêu cầu chiến sỹ đồn Hiền Lương hàng ngày kéo cờ sớm hơn và hạ cờ muộn hơn để bà con đi làm có thể chào cờ mà không bị cảnh sát ngụy phát hiện. Chỉ ít lâu sau, bọn Ngụy nâng đỉnh trụ cờ của chúng lên 35m.
Và cũng như những lần trước, lần này Chính phủ điều hẳn một đơn vị xây dựng và cho chở vật liệu từ Hà Nội vào xây hẳn một trụ cờ mới cao 38m60. Lá cờ rộng 108m2 bay phấp phới trên cao, đồng bào miền Nam dù ở xa vẫn thấy búp lửa đỏ rực cháy sáng bầu trời giới tuyến. Những ngày lễ lớn, ban đêm lấp lánh ánh điện trên ngôi sao đỉnh cột và những hàng dây chằng tạo nên một chùm sáng lung linh hình tháp cao vời vợi.
Lá cờ giới tuyến mang trong từng nếp vải sức mạnh cổ vũ đồng bào miền Nam vững lòng đấu tranh để có một ngày thống nhất không giới tuyến. Việc phục vụ lá cờ của các chiến sỹ giới tuyến cũng hết sức vất vả. Lá cờ của ta đã lớn lại bay giữa một vùng mênh mông gió hút nên chỉ quật nhẹ vào dây chằng là rách. Thông thường mỗi tháng thay một lá, nhưng vá cờ thì phải dăm bảy lần. Sức nặng của lá cờ trên dưới 15 kg, với khối vải hàng trăm mét xếp lại rất cồng kềnh. Mỗi sáng kéo cờ phải huy động cả tiểu đội, nhất là khi chưa lên tới đỉnh đã bị cuộn vào dây chằng, đòi hỏi người trèo lên sửa phải rất khéo tay và dũng cảm vì khá nhiều lần gió bung đuôi cờ, suýt quật ngã người đang lên gỡ. Sau lần nâng cao cột cờ này của ta, đầu cầu phía Nam không nâng thêm nữa.
... Đến chuyện sơn cầu
Đón những người chiến thắng trở về tại sông Thanh Hải

Trụ cờ thấp thì có thể nâng cao nhưng chuyện sơn cầu ta đành phải chấp nhận sự ngoan cố một cách lỳ lợm của địch. Năm 1962, cầu Hiền Lương có từ thời Pháp đã quá cũ, đóng màu đen rỉ sét, loang lổ, ta gợi ý trên đài phát thanh cả hai bên cùng sơn lại một màu. Phía Ngụy quyền thông qua cảnh sát trả lời không đồng ý. Chiến sỹ ta bảo bọn cảnh sát: “Đất nước Việt Nam là một, lẽ nào sơn cầu hai màu?”. Có tên đồng tình nhưng cũng có tên trắng trợn nói: “Quốc gia không thể sống chung với cộng sản nên cầu này cũng không thể sơn cùng một màu”. Thoạt đầu, ta cạo rỉ nửa cầu phía Bắc và sơn màu đỏ.
 Phía ngụy quyền Sài Gòn lập tức đem thợ đến sơn nửa cầu kia màu xanh. Ta tiếp tục sơn lớp thứ hai màu xanh đồng màu với nửa cầu bên kia. Hai tháng sau, đối phương sơn lại màu vàng nửa chiếc cầu về phía chúng. Từ đó, cầu Hiền Lương có bảy nhịp mà phải mang trên mình hai màu sơn. Ta không đổi màu sơn nhưng hễ có đoàn khách quốc tế hoặc trong nước đến tham quan cầu Hiền Lương các chiến sỹ giới tuyến lại có dịp vạch trần âm mưu chia cắt đất nước của Mỹ - Diệm qua việc sơn cầu.
Và những cuộc đấu trí
Chính quyền Sài Gòn thường nghĩ rằng sở dĩ trong đấu tranh chính trị, sỹ quan và binh lính cảnh sát chịu thua kém lý lẽ vì trình độ văn hóa bọn này thấp hơn phía chiến sỹ công an. Vì vậy, có thời kỳ chúng chọn cảnh sát giới tuyến trong số học sinh, sinh viên đi quân dịch. Bọn này biết đàn hát chơi bóng bàn, thạo ngoại ngữ, tỏ ra “dám chơi” với “công an Bắc Việt”. Chúng cố chứng minh trình độ hơn hẳn cả trong những trò chơi giải trí, trong hoạt động thể thao.
Cuối năm 1962, đầu năm 1963, các chiến sỹ giới tuyến khá vất vả với những trò vặt chơi trội của bọn chúng. Những cây vợt bóng bàn khá của công an giới tuyến bị hạ một cách dễ dàng, trong khi bọn cảnh sát cũ trước đó còn phải nhờ chiến sỹ ta dạy cho cách đánh. Cùng trong một tuần lễ, ở Cửa Tùng, nhân dân địa phương ghi nhận lần đầu tiên sau tám năm có đồn liên hợp đội bóng chuyền công an giới tuyến thua đội bóng cảnh sát, mà thua với tỷ số rất đậm: 3-0.
Chuyện thua, được trong thi đấu thể thao là chuyện thường, nhưng ở giới tuyến không đơn giản như vậy, nó không hề mang tính chất giải trí mà nhằm mục đích chính trị là nhằm hạ uy tín chiến sỹ ta trước đông đảo quần chúng. Và một lời giao nhiệm vụ của đồng chí Chính ủy Công an vũ trang Vĩnh Linh “Vì danh dự của người chiến sỹ giới tuyến, vì danh dự của lực lượng công an nhân dân vũ trang, các đồng chí chỉ được thắng, tuyệt đối không được thua!” đã khiến các chiến sỹ giới tuyến quyết tâm tập luyện quên trưa, quên tối. Đến phiên đổi bờ tuần sau, bọn cảnh sát lại thách đấu và đương nhiên chúng thua 0-3 với tỷ số từng trận đậm tuyệt đối.
Chưa dừng lại ở những trận đấu bóng, Quang - đồn trưởng cảnh sát ngụy còn cậy mình có bằng tú tài, biết 2, 3 ngoại ngữ, ra mặt coi thường thiếu úy đồn trưởng công an giới tuyến Lê Thế Tri. Nhân Tết Nguyên đán, theo lệ thường đồn công an Hiền Lương mời đại biểu chỉ huy và binh sỹ cảnh sát đồn Xuân Hòa sang dự liên hoan chiều 30 Tết. Quang dẫn hai tên lính thân cận sang. Tiệc bày khá sang, nhưng khi đồn trưởng Tri mới rót chén trà mời khách, Quang xua tay đứng dậy nói ngay:
- Thưa ông đồn trưởng, người xưa có câu: “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà” (nửa đêm uống ba chén rượu, ban mai dùng một chén trà), sao ông lại đãi trà lúc này?
Thâm ý của Quang là dùng chữ Hán nói lý với Tri để dồn Tri vào thế bí. Không ngờ Tri cũng biết ít nhiều chữ Hán, nhanh trí đáp ngay:
- Thưa ông đồn trưởng, người xưa còn nói: “Khát thời nhất trích như cam lộ” (khi khát được một chén nước, khác nào được uống thuốc như cam lộ).
Tên Quang sững người không chỉ vì lời đối đáp của Tri mà còn vì ý ngầm Tri muốn dằn mặt hắn.
Những câu chuyện ghi lại vắn tắt trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong suốt những năm tháng đấu tranh ở giới tuyến. Chúng tôi, những phóng viên trẻ hôm nay có thể chỉ biết đến qua sách vở nhưng hơn hết chúng tôi hiểu và tôn trọng quá khứ, tôn trọng những gì mà cha anh đã làm được. Những cái tên như Hiền Lương, Bến Hải, Cửa Tùng với hôm nay sẽ chỉ là những tên xã, tên làng và có thể là điểm du lịch, nhưng quay ngược về ngày xưa ấy, đó là cả một quá khứ hào hùng đáng để cho chúng ta không thể lãng quên.
Yên Hưng
(Ghi theo lời kể của Đại tá, nhà văn Lương Sỹ Cầm, nguyên chiến sỹ công an giới tuyến)

Chuyện chưa kể bên cầu Hiền Lương

Suốt cuộc trò chuyện với người cựu chiến binh có 10 năm “tuổi” nghề - gác cầu ở vĩ tuyến 17 những năm đôi bờ Hiền Lương (Quảng Trị) chia cắt, chẳng mấy khi ông nhắc đến chuyện bom đạn ác liệt thời chiến. Ông say sưa kể về một người lính Cộng hòa cộc cằn, thô lỗ làm nhiệm vụ ở bờ Nam giới tuyến: Dù khởi đầu bằng những cuộc cãi vã, tưởng chừng không có hồi kết, nhưng rồi tiếng nói, màu da đã đưa những người lính ở hai bên bờ sông Bến Hải xích lại gần nhau...
Chuyện chưa kể bên cầu Hiền Lương - Ảnh 1
Cổng chào đầu cầu Bắc Hiền Lương năm 1963 với khẩu hiệu “Nam Bắc một nhà”. Ảnh: TƯ LIỆU
Nam - Bắc một nhà
75 tuổi, ông Nguyễn Xuân Lực (trú tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) nom như một cựu giáo viên, với gọng kính hơi trễ, tóc bạc trắng. Ông bảo, đang ấp ủ in cuốn sách về những câu chuyện thời trận mạc, quãng thời gian gắn với cây cầu Hiền Lương lịch sử.
Năm 1962, ông Lực được cử về phía Bắc cầu Hiền Lương làm công tác binh vận với tên gọi là Lương, cấp bậc chuẩn úy. Hằng ngày, ông và 16 đồng đội thay phiên nhau, thường đưa bưu thiếp từ miền Bắc gửi vào miền Nam. Ở cạnh đơn vị của ông Lực, còn có đơn vị nội địa với 25 người là công an vũ trang và một trung đội của Bộ Quốc phòng tăng cường. Tuy nhiên, theo quy định chỉ cho phép 17 người làm công tác binh vận được đi lại trên cầu Hiền Lương và tiếp xúc với công chức, quân nhân ở miền Nam.
Bờ Bắc và bờ Nam chỉ cách nhau đoạn sông ngắn, người bên này nhìn thấy người bên kia và họ vẫn qua lại, tiếp xúc với nhau khi có việc cần, nhưng hằng ngày tiếng loa ở bờ Nam liên tục dội sang với những lời lẽ khó nghe. Thậm chí, cứ giáp mặt ở trên cầu, là những người lính Cộng hòa lại chửi ra rả vào mặt ông Lực và những đồng đội. Trong số đó, “to mồm” và hung hăng nhất là một thượng sĩ cảnh sát có tên là Vĩnh. “Ông Vĩnh cứ gặp anh em là chửi rủa, không gặp thì tuyên truyền luận điệu chống phá qua loa. Nhưng ông này rất được lòng những người lính Cộng hòa, vì vậy chúng tôi quyết tâm phải cảm hóa bằng được” - ông Lực, kể.
Lần nào tiếp cận được Vĩnh , anh em đều hỏi han về gia đình, và nhận là đồng hương vì cùng là người Quảng Trị. Vĩnh cứng đầu, không trả lời mà gạt phắt đi, lúc nào cũng kiếm cớ, bắt bẻ để gây sự. Nhưng các anh em vẫn kiên trì, nhẹ nhàng, lịch sự. Có hôm, 3 người lính Cộng hòa trong đó có Vĩnh sang phòng khách ở bờ Bắc vĩ tuyến đưa bưu thiếp, ông Lực tiếp đón, ký nhận bưu thiếp xong, bày thuốc lá, trà bánh, mời ngồi lại trò chuyện. Nhưng ban đầu, câu chuyện vẫn là những lời đối đáp chát chúa.
Ông Lực lần lượt đặt câu hỏi, ai là người gây ra chiến tranh? Thiệt hại về cả vật chất lẫn tinh thần ai là người đang gánh chịu?; Âm mưu của kẻ thù là gì?. Không để cho ông Vĩnh kịp trả lời, ông Lực nói luôn đã là người Việt, chung dòng máu, chung màu da thì có quyền đánh giặc để giải phóng quê hương. Vì vậy không kể miền Bắc hay Nam, đâu cũng là người Việt Nam cả, nên ai cũng phải có trách nhiệm.
Ông Lực và đồng đội dồn dập chất vấn: “Các ông trả lời xem xác chết trên chiến trường là ai, có phải người Việt Nam không? Còn bom đạn của ai, có phải của người nước ngoài không? Và cố vấn dẫn đến những trận chiến gây thiệt hại cho người Việt Nam có phải là người nước ngoài không?”. Các câu hỏi không nhận được câu trả lời, nhưng cũng không còn sự đáp trả hằn học, rồi những người lính Cộng hòa lặng lẽ quay lưng trở về bờ Nam. “Nhưng khi đi qua cổng chào đầu cầu, ông Vĩnh bỗng nhiên đi chậm lại rồi ngước lên nhìn dòng chữ “Nam Bắc một nhà”, ông Lực nói.
Chuyện chưa kể bên cầu Hiền Lương - Ảnh 2
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Lực. Ảnh: HƯNG THƠ
Bước chân lững thững trên cầu
Sau “sự kiện” nói trên, đến tháng 9.1964, trong một lần đưa bưu thiếp sang bờ Nam, những câu hỏi của đội binh vận vẫn chưa được ông Vĩnh giải đáp, nhưng bước chân của người lính Cộng hòa vẫn chậm lại khi đi qua cổng bờ Bắc, những lần gặp gỡ sau đó cũng ít tiếng hằn học hơn. Đến 28 tháng Chạp năm 1964 - ngày áp Tết Nguyên đán, ông Lực cùng đồng đội lại tiếp 3 người lính Cộng hòa quen thuộc bằng những sản vật của miền Bắc để mừng năm mới. 17h chiều, 2 người lính kia đã đến mố cầu bờ Nam, nhưng ông Vĩnh vẫn còn lững thững ở trên cầu.
Cảm nhận có chuyển biến, một đồng chí ở đội binh vận lập tức theo kịp ông Vĩnh và mở lời. Ông Vĩnh bảo, các anh nói có lý. Tôi nghe theo nhưng không ra miền Bắc được vì gia đình ở hết bên kia. Bây giờ muốn giúp cách mạng thì làm cách nào. “Đồng chí binh vận nhờ ông Vĩnh tìm hiểu ai là người quan trọng nhất ở đồn bên kia giới tuyến. Và nói rằng lúc nào chính quyền bên kia thả biệt kích chống phá thì báo giúp. Ngoài ra, nếu biết những người tham gia hoạt động cách mạng ở miền Nam thì đừng ngăn cản họ.
Và đặc biệt, cần cảm hóa cho những người bên cạnh anh. Còn nếu không làm được những việc này thì lên rừng làm du kích” - ông Lực, thuật lại. Ít lâu sau đó, người lính Cộng hòa “hồi âm” cho ông Lực rằng, nếu bắt được du kích, sẽ không tra tấn và yêu cầu trả về với lý do họ chỉ là nông dân. Còn những việc kia lớn quá, không làm được vì địa vị không cho phép. “Còn làm du kích trên rừng, tôi chịu vì không quen khổ được”, ông Vĩnh nói.
Thời gian sau đó, cuộc gặp gỡ giữa người lính Cộng hòa với những người lính ở bờ Bắc bên ngoài vẫn tỏ ra căng thẳng, nhưng sau đó là những cái nhìn đầy chủ ý. Năm 1965, bộ đội ta 3 lần tổ chức tấn công qua bờ Nam và diệt được nhiều tên ác ôn. Đáng chú ý là trong một cuộc họp, đồng chí Phan Chung - Bí thư xã Trung Hải (huyện Gio Linh) tiết lộ: Cả 3 cuộc tấn công đều có sự giúp đỡ của một số anh em lính Cộng hòa giác ngộ.
Gặp gỡ sau chiến tranh
Tháng 3.1965, địch bắt đầu ném bom ác liệt ở giới tuyến cho đến tháng 7.1967 thì toàn bộ hệ thống quân sự rút hết vào Nam vì quân giải phóng của ta tiến vào Quảng Trị. Từ đó, đội binh vận không còn gặp ông Vĩnh nữa. Riêng ông Lực làm nhiệm vụ đến năm 1973 thì chuyển công tác sang làm cán bộ văn hóa vì bị thương. Mãi đến năm 1981, trong một chuyến công tác ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị), ông Lực ghé thăm chợ trung tâm ở thị trấn Khe Sanh, chợt có người vỗ vai: “Ê, có phải anh Lương”. Ông Lực giật mình, nhận ra người đàn ông đối diện mình là ông Vĩnh - người lính Cộng hòa năm nào. Hai người lính ôm chầm lấy nhau, rớt nước mắt.
Ông Vĩnh kéo ông Lực về nhà riêng ở bản Pa Nho (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa), dọn rượu hàn huyên. Ông Vĩnh kể từ lúc nhận ra vấn đề, đã ấp ủ nhiều kế hoạch nhưng không thực hiện được, sau đó giải ngũ và xin lên miền núi Hướng Hóa để làm kinh tế mới. Ông Vĩnh tâm sự: “Lúc đó cứ nghe “côi rừng” (du kích) là run, vì bao nhiêu nguy hiểm và khó khăn, riêng ăn lá tàu bay đã không chịu được. Nhưng nghĩ lại, cũng là người Việt Nam, không làm được việc gì lớn giúp quê hương thì cũng phải xây dựng quê hương chớ. Rứa là tôi mạnh dạn đưa vợ con lên đây khai hoang đất đai, nên mới có cơ ngơi ngày hôm nay”.
Câu chuyện hai cựu binh bên cầu Hiền Lương năm nào kéo dài cả ngày. Lời nói của những người lính làm công tác binh vận năm nào, rằng giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước làm hai, nhưng con người một khi cùng màu da, cùng giọng nói thì trước sau cũng hòa làm một, đã thành hiện thực.
LÂM HƯNG THƠ

Người mẹ vá cờ tổ quốc bên vĩ tuyến 17

Trong Khu nhà trưng bày kỷ vật vĩ tuyến 17 hòa bình và khát vọng thống nhất (Quảng Trị), có một bức ảnh chụp hai phụ nữ đang may vá cờ tổ quốc. Một người là mẹ Diệm đã qua đời, người phụ nữ còn lại vẫn còn sống.


Đó là mẹ Trần Thị Viễn ở thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Năm nay đã 94 tuổi, nhưng mẹ Viễn còn khá minh mẫn. Gặp khách, mẹ đon đả mời: "Các chú muốn tìm hiểu về việc vá cờ tổ quốc bên vĩ tuyến 17 thì cứ vào nhà uống ly nước, thong thả rồi mẹ kể cho, chuyện dài lắm”.
Mẹ Viễn sinh ra ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh). Những năm kháng chiến chống Pháp, mẹ cùng bà con hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng, đêm đêm cầm cuốc đi phá đường, ngăn không cho địch về làng lùng bắt bộ đội.
Sau Hiệp định Genève, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành ranh giới chia cắt hai miền đất nước. Theo hiệp định, tất cả đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hàng ngày. Mẹ bảo treo cờ là chuyện bình thường, song “đấu cờ” mới là chuyện quan trọng suốt 21 năm ròng, bởi “đấu cờ” là đấu tranh chính trị.
me vien
Mẹ Viễn kể lại những tháng ngày vá cờ bên bờ vĩ tuyến 17 giữa mưa bom bão đạn. Ảnh: Văn Nguyễn.
Lúc đầu, ở bờ Bắc, cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được treo trên một cây phi lao cao 12 m; ở bờ Nam, cờ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa được cắm lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15 m. Sau đó, bờ Bắc tăng chiều cao của cờ lên 18 m, cờ được làm bằng vải sa tanh rộng 24 m. Chính quyền Ngô Đình Diệm ngay sau đó đã cho dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30 m tại bờ Nam.
Tháng 7/1957, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gia công một cột cờ cao 34,5 m rồi vận chuyển từ Hà Nội vào và treo lá cờ rộng 108 m2. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau đó phải tôn cờ của mình lên 35 m, cao hơn phía bờ Bắc 0,5 m… Đến năm 1962, phía bờ Bắc lại gia công một cột cờ cao 38,6 m chuyển vào Hiền Lương, kéo lá cờ rộng 134 m2, tạo thành một chấm đỏ cao vút ở bờ Bắc.
Không thể dựng cờ cao hơn nên chính quyền Ngô Đình Diệm tìm cách phá cờ bằng việc huy động hàng trăm máy bay ném bom và hàng chục nghìn đạn pháo cỡ lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào…
Năm 1967, Mỹ ném bom đánh gãy cột cờ, lá cờ cũng bị phá hỏng. Để có cờ treo, bộ đội, công an cặm cụi vá cờ dựng lại. Bom đạn bắt đầu nổ nhiều hơn. Những lá cờ của hai bên bị đánh gãy, dựng lên không biết bao nhiêu lần.
“Thấy các anh vất vả chiến đấu, lại phải lo may vá cờ nên tôi và chị dâu Ngô Thị Diệm (người phụ nữ may cờ tổ quốc được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang) không di tản mà ở lại tình nguyện may cờ. Cờ luôn được treo lên, dù có nát thịt tan xương cũng phải lo giữ cho bằng được. Còn cờ, đất nước còn, mất cờ coi như mất nước”, mẹ Viễn kể. Huyền thoại về người vá cờ cũng được viết lên từ đó.
me vien
Bức ảnh chụp mẹ Viễn (bên phải) và mẹ Diệm vá cờ bên bờ Hiền Lương trong những năm chống Mỹ cứu nước (1967). Ảnh tư liệu.
Ban đầu mẹ Viễn và mẹ Diệm dựng nhà chung trên một mảnh vườn ở thôn Hiền Lương để thuận tiện cho việc may vá cờ nhưng sau căn nhà bị bom đánh sập, hai mẹ phải đào hầm. Những lúc rảnh rỗi, hai mẹ lại cùng dân quân tăng gia sản xuất, chăm sóc thương binh và cùng bộ đội đi chặt gỗ dự trữ cột cờ.
Do phía bờ Nam liên tục đánh phá, cờ may bao nhiêu cũng không lại. Nhiều khi gãy hết cột cờ, dân quân ở bờ Bắc phải trèo lên cây cao để treo cờ tượng trưng cho nhân dân miền Nam nhìn thấy mà yên tâm. Vì thế, lá cờ phía bờ Bắc luôn là nỗi ám ảnh của Việt Nam Cộng hòa.
Nhớ lại cảm giác may vá cờ trong khoảng 3 năm chiến tranh ác liệt ở hai bên bờ giới tuyến, mẹ Viễn kể: “Với các mẹ vá cờ không phải là khó bởi đã quen với việc thêu thùa, nhưng khi mới ở lại bên bờ giới tuyến, bom đạn cứ ầm ầm bên tai. Nhiều khi đang tỉ mẩn vá những lỗ thủng do đạn bắn xuyên qua, địch bất ngờ thả bom, giật mình nên đâm cả kim vào tay”.
Giọng mẹ chùng xuống: “Để lá cờ được treo lên, không biết bao nhiêu đồng chí đã ngã xuống”. Mẹ Viễn quay lưng giấu vội những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo.
Thời gian gấp rút nhưng mỗi lần vá cờ, các mẹ luôn phải chú trọng vào vị trí ngôi sao năm cánh để lá cờ, dù có nhiều vết vá, vẫn giữ được phần hồn. Bởi với mẹ Viễn, vá lành ngôi sao cũng là gắn lành lại năm châu, thế giới không còn chiến tranh, con người không còn đối xử với nhau bằng bom đạn và sự hủy diệt.
me vien
Lá cờ tổ quốc bên cầu Hiền Lương, nơi lưu dấu lịch sử của dân tộc. Ảnh: Văn Nguyễn.
Đất nước hòa bình, cả mẹ Viễn và mẹ Diệm đều đã mất đi người chồng hy sinh cho độc lập của dân tộc. Trong ký ức của hai mẹ là những tháng năm sống cùng ngọn cờ tổ quốc bên bờ vĩ tuyến. Mẹ Diệm sau khi chết đã dặn dò con cháu chôn cất mình bên dòng Hiền Lương để ngày đêm được nhìn ngắm ngọn cờ.
Còn mẹ Viễn, khi về ở với con trai cả ở thị trấn Hồ Xá này lại chọn cách gắn mình với ngọn cờ tổ quốc: kể lại cho con cháu những câu chuyện về lá cờ bên bờ Hiền Lương. Năm 1999, mẹ vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến. “Mẹ chỉ mong mình được sống lâu, có sức khỏe để còn kể lại những câu chuyện về lịch sử của dân tộc nơi vĩ tuyến 17”, mẹ tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Trá, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, cho biết, mẹ Trần Thị Viễn là một trong những nhân vật lịch sử của “chảo lửa” Quảng Trị trong những năm chiến tranh chống Mỹ. "Trên tinh thần tự nguyện, mẹ đã cùng bộ đội đào hầm, địa đạo và đặc biệt là có công lớn trong việc vá cờ bên bờ Hiền Lương, không chỉ vá một lần mà hàng trăm lần để lá cờ đỏ sao vàng luôn được giương cao bên bờ giới tuyến”, ông nói.
Văn Nguyễn
Cập nhật: 12:39 PM GMT+7, Thứ tư, 22/04/2015



Đất nước ta chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975-30/4/2015), lễ hội văn hóa với tên gọi “Lễ hội thống nhất non sông” sẽ được tổ chức trọng thể và được VTV truyền hình trực tiếp tại Khu di tích lịch sử cầu Hiền Lương. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu lịch sử cây cầu và những câu chuyện đấu tranh khốc liệt xung quanh cây cầu lịch sử đó.

Về lịch sử cầu Hiền Lương:
Quảng Trị nhìn trên bản đồ như vòng eo thắt của mảnh đất Việt Nam hình chữ S, có một vị trí chiến lược rất quan trọng trong lịch sử, nơi có cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương nối liền quốc lộ 1A, bắc qua sông Bến Hải tại km 735 thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra cửa biển Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200m, nơi hẹp nhất khoảng 20-30m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn thì sông Hiền Lương xưa mang tên Minh Lương, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, đổ ra cửa Tùng.  Sông có chiều dài khoảng 70km, nơi rộng nhất 200m. Dưới  thời vua Minh Mạng (1791-1841), do tên sông trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên vua, nên được đổi thành Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc lệch ra là Bến Hải. Dưới thời Pháp thuộc, sông có tên Bến Hải. Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương ngày nay thuộc thôn Xuân Hòa (xã Trung Hải, Huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và thôn Hiền Lương (xã Vĩnh Thành, Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).
Cầu Hiền Lương được xây dựng năm 1928 do Phủ Vĩnh Linh huy động nhân dân trong vùng đóng góp công sức. Hồi ấy, cầu được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2m, chỉ đủ cho người đi bộ. Năm 1931, cầu được người Pháp cho sửa chữa lại rộng hơn, nhưng xe cộ muốn qua sông vẫn phải đi bằng phà. Năm 1943, cầu được nâng cấp, lúc này xe cơ giới loại nhỏ có thể qua lại được. Năm 1950, Pháp cho xây cầu Hiền Lương bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Hai năm sau, cầu bị quân ta đánh sập để ngăn chặn sự đánh phá của địch ra miền Bắc.
Cầu Hiền Lương do người Pháp xây dựng năm 1952.
Tháng 5-1952, Pháp làm lại chiếc cầu mới nối liền hai bờ sông Bến Hải giữa huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Cầu có 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm bằng thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, tải trọng 18 tấn.
Năm 1954, sau khi thất bại tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Theo Hiệp định này, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 với sông Bến Hải làm giới tuyến tạm thời trong 2 năm 1954-1956, sau đó Việt Nam sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước. Theo Hiệp định Giơnevơ, chính giữa của cây cầu cũng là ranh giới tạm thời giữa 2 miền Bắc và Nam Việt Nam. Theo ghi chép của nhà văn Nguyễn Tuân trong bài ký “Cầu ma” thì: Cầu Hiền Lương khi đó chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, cầu bờ Nam có 444 tấm. Tại đây từ 7/1954- 10/1956 đã diễn ra nhiều cuộc tập kết của ta và địch; là nơi diễn ra nhiều câu chuyện cảm động giữa 2 miền Nam, Bắc.
Toàn cảnh Cầu Hiền Lương (ảnh chụp ngày 2-9-1959)
Năm 1956, Ngô Đình Diệm-Tổng thống của Việt Nam cộng hòa với sự hậu thuẫn của Mỹ đã không thực hiện tổng tuyển cử thống nhất đất nước như Hiệp định Giơnevơ quy định. Từ đây, cây cầu Hiền Lương đã trở thành chứng tích lịch sử trong 20 năm chia cắt hai miền Nam-Bắc. Cây cầu cũng chứng kiến nhiều sự kiện đấu tranh ngoan cường, anh dũng và trở thành một biểu tượng to lớn cho khát vọng thống nhất non sông, sum họp, đoàn tụ của biết bao gia đình và toàn dân Việt Nam.
Cầu Hiền Lương (1956-1964) phía bờ Bắc với những khẩu hiệu thể hiện khát vọng thống nhất Tổ quốc.
Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Phía bờ Bắc đạn bom mù trời, cột cờ Hiền Lương là mục tiêu đánh phá trước tiên của máy bay, tàu chiến Mỹ. Ngày 2/8/1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom một ngày liền, cầu Hiền Lương bị sập và cột cờ bị gãy. Cũng ngay trong đêm đó, các chiến sĩ đặc công thủy Đoàn 126A và dân quân vùng Bắc giới tuyến đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn sự hiện diện lá cờ ba que trên bầu trời giới tuyến.
 
Cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập năm 1967.
Đến năm 2001, cầu Hiền Lương được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ, dài 182,97m, gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim có đánh số thứ tự từng tấm ván.
Ngày 17/9/2003, khu di tích lịch sử cầu Hiền Lương được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo. Di tích cầu Hiền Lương được phục chế với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh... Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương được phục chế nguyên trạng 2 màu sơn xanh và vàng, như từng tồn tại trong lịch sử.
Trong hàng ngàn ký ức lịch sử về cây cầu Hiền Lương, nhất định phải kể đến những câu chuyện về "chọi cờ", "đấu loa", “đổi màu sơn cầu” giữa bờ Bắc (chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) với bờ Nam (chế độ Sài Gòn) và những tấm gương đấu tranh kiên cường sau đây:
Chuyện về những cuộc "đấu loa" ở cầu Hiền Lương từ 1954-1965:
 Cuộc đấu tranh chính trị, không tiếng súng diễn ra suốt từ năm 1954-1964 ở hai bên bờ sông Bến Hải. Theo hiệp định Gnevơ, mỗi bên có 2 đồn cảnh sát: đồn Hiền Lương, Cửa Tùng (bờ bắc), đồn Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ nam), thường gọi là Đồn Liên hợp. Số cảnh sát mỗi đồn quy định không quá 20 người. Cảnh sát có nhiệm vụ giữ gìn quy chế khu phi quân sự, kiểm tra người qua lại giới tuyến. Ai muốn qua phải có giấy thông hành do hai đồn hai bên cấp, chỉ được vào các chợ buôn bán, không được đi sâu vào các làng xóm. Riêng cầu Hiền Lương dân không được qua. Hàng tháng vào ngày chẵn, một tổ 3 cảnh sát của ta mang sổ trực qua cầu sang bờ Nam, và vào ngày lẻ, một tổ 3 cảnh sát ngụy sang bờ bắc trao đổi công tác. Ở đồn Cửa Tùng, mỗi tuần cảnh sát hai bên “đổi bờ” một lần với một tổ 6 người. Mỗi đồn thường xuyên có 2 người trực, một ta một địch . Đến cuối tuần, hai bên cùng ký biên bản đổi bờ. Cuốn “sổ trực ban” đồn Cửa Tùng hiện vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Vĩnh Linh.
Cụm loa phát thanh bên bờ Bắc.
Chính tại những đồn liên hợp này đã diễn ra những “cuộc chiến âm thanh” căng thẳng giữa cảnh sát Sài Gòn và công an ở bờ Bắc. Hai bên giới tuyến đều được trang bị các giàn loa công suất lớn, phát thanh hàng ngày. Bên bờ Nam liên tục phát đi những lời nói xuyên tạc chế độ miền Bắc, nhằm chia rẽ tình cảm hai miền, lung lạc ý chí của nhân dân các vùng lân cận.
Cụm loa phát thanh bên bờ Nam.
Lúc đầu, phía bờ Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) có hệ thống loa 5 cụm với chiều dài 1.500m, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W. Song hệ thống loa này không thể át được các loa do Tây Đức, Úc cung cấp cho chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng thêm 8 loa có công suất 50W và 1 loa có công suất 250W của Liên Xô (cũ). Ngược lại, phía miền Nam được Mỹ viện trợ cho những loại loa hiện đại, âm thanh vang xa hàng chục cây số.
Không chịu thua, bên ta đã lắp đặt chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1,7m được đặt trên xe lưu động tại đầu cầu Hiền Lương (hiện nay chiếc loa này được trưng bày phía trước Bảo tàng Vĩnh Linh). Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa hơn 10km. Mỗi ngày 24/24 giờ, hệ thống loa này phát đi chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh Vĩnh Linh, các chương trình ca nhạc, ngâm thơ, nói vè, kịch, dân ca, chương trình của Đội truyền thanh lưu động…. rất hấp dẫn, được bà con hai bên bờ sông Bến Hải ưa thích. Một số bài thơ, ca cổ do các nghệ sĩ nổi tiếng của miền Bắc thể hiện được nhiều binh sĩ địch "thuộc lòng"!.
O Nhạn- phát thanh viên chính của Đài Truyền thanh Vĩnh Linh
trong thời kỳ đấu loa ở cầu Hiền Lương
.
Để “đấu khẩu”, Mỹ - Diệm đã cho phát đi những điều xuyên tạc, sai lịch sử, tung hô chính quyền Ngụy Sài Gòn.... Mỗi ngày chúng nói từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ một, hai giờ sáng, mở hết công suất loa, gây khó chịu cho nhân dân quanh vùng. Qua thông tin tình báo, công an miền Bắc biết được tên của tên “tâm lý chiến” hàng đêm đó là Phương. Vào một đêm năm 1963, 4 chiến sĩ công an ta đã bí mật vượt sông, giết tên Phương ngay lúc hắn đang xuyên tạc qua loa phát thanh, nhân dân biết tin vậy vô cùng mừng rỡ. Đến năm 1965, khi Mỹ ném bom miền Bắc, hệ thống loa phóng thanh của cả hai bờ mới hoàn toàn ngưng hoạt động…
Câu chuyện “chọi cờ” ở 2 đầu cầu Hiền Lương:
Đây là một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt xảy ra tại hai đầu cầu Hiền Lương từ những năm 50 đến những năm 60 của thế kỷ XX. Ban đầu từ năm 1954 đến 1956, bên ta làm một cột cờ bằng cây phi lao cao 12 m, treo lá cờ rộng 3,2x4,8m.
Cầu Hiền Lương nhìn từ phía Nam, năm 1964.
Ở bờ Nam, Pháp cho cắm cờ tam tài trên nóc lô cốt Xuân Hòa, cột cờ cao 15 m. Theo đề nghị của nhân dân, cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cao hơn cờ kẻ thù. Quân ta đã làm một cột cờ bằng gỗ cao 18 m, treo lá cờ rộng hơn của địch là 24 m bằng vải sa tanh. Ngay sau đó, quân Việt Nam Cộng hòa không chịu kém. Một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m  được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm cho dựng ở bờ Nam. Trên đỉnh, chúng treo một lá cờ vàng ba sọc đỏ lớn, có hệ thống đèn nhấp nháy nhiều màu. Tháng 7-1957, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam đã gia công cột cờ bằng thép ống cao 34,5m chuyển vào giới tuyến. Trên đỉnh cột cờ gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, 5 đỉnh ngôi sao gắn chùm bóng điện loại 500W, lá cờ rộng 108m2. Chính quyền miền Nam bị "dội" trước sự kiện bất ngờ này nên gấp rút đôn cột cờ của họ lên 35m và lên giọng: "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn chọi cờ nhưng chọi sao nổi với Quốc gia".
Năm 1962, nhân dịp sửa lại cổng chào và Đồn Công an Hiền Lương bị hư hoại do bão, Trung ương điều hẳn một đơn vị công binh và đưa vật liệu từ Hà Nội vào Vĩnh Linh xây dựng một trụ cờ mới bằng thép ống cao 38,6m, lá cờ rộng 134m2, nặng 15 kg. Với chiều cao của cột cờ và độ rộng của lá cờ, đồng bào bờ  Nam ở tận Dốc Miếu hay trên Kinh Môn cách xa 6 – 8km đều có thể nhìn thấy. Hàng ngày, lá cờ của ta được kéo lên từ 6h30 đến 18h30. Vào dịp lễ tết hay quốc khánh, cờ được duy trì 24/24 giờ. Cột cờ này được xem là cột cờ cao nhất ở vĩ tuyến 17 (Theo Hồ sơ di tích đôi bờ Hiền Lương của Bảo tàng Quảng Trị).
Cột cờ tại cầu Hiền Lương ngày nay.
Ngày 2-8-1967, địch tập trung nhiều đợt máy bay dội bom liên tục suốt ngày đêm. Cột cờ bờ Bắc trúng bom bị gãy và cầu Hiền Lương bị đánh sập. Tối hôm ấy, loa của bờ Nam huyênh hoang: "Cột cờ của Bắc Việt trên đầu cầu Hiền Lương đã bị không lực Hoa Kỳ đánh tan thành tro bụi". Nhưng ngay đêm hôm đó, một cột cờ mới được dựng lên. Sáng hôm sau, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện tung bay trong gió. Tiếp sau đó, quân ta đã ôm bộc phá sang đánh gãy cột cờ ở bờ Nam. Kể từ đó, lá cờ của chính quyền Sài Gòn không còn hiện hữu trên bầu trời của sông Bến Hải nữa. Cầu Hiền Lương chỉ có duy nhất lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tung bay phấp phới, uy nghi, hùng tráng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, và bị bom đạn đánh phá làm rách cờ; tính từ 19/5/1956 đến 8/10/1967, ta đã treo tổng cộng 267 lá cờ các loại.
Minh Vượng  

Cập nhật: 8:31 AM GMT+7, Thứ hai, 27/04/2015


Chuyện bảo vệ cờ, may cờ và vá cờ ở cầu Hiền Lương

Tại cầu Hiền Lương, đã có một cuộc chiến vô cùng khốc liệt giữa đạn bom, pháo của quân thù với chiến sĩ và nhân dân ta. Theo sách Lịch sử Bộ đội biên phòng Quảng Trị (1959 - 1999) cho biết: Chỉ tính từ cuối 1965 đến 1967, địch đã 192 lần ném bom (trong đó có 6 lần dùng B.52) với hơn 7.000 tấn bom đạn các loại, hơn 2.000 quả đại bác trên diện tích chưa đến 1ha của khu vực cầu và cột cờ Hiền Lương.  Để bảo vệ cầu và cột cờ, nhân dân Vĩnh Linh đào quanh đó 18 cây số hào, xây 48 ụ súng phòng không. Bộ đội, công an, nhân dân Hiền Lương đã đánh 300 trận lớn nhỏ, ba lần bắt biệt kích, thám báo địch vượt sông định đặt mìn phá cột cờ. 2 chiến sỹ công an vũ trang hy sinh, 8 bị thương, 11 dân quân Hiền Lương ngã xuống để lá cờ Tổ quốc luôn tồn tại trên bầu trời giới tuyến. Thời kỳ đầu, Nguyễn Đức Lãng, chiến sĩ phòng hậu cần công an Vĩnh Linh được giao nhiệm vụ đặc trách trông coi lá cờ. Hàng tháng, anh Nguyễn Đức Lãng ra Hà Nội, đến kho 101 Cục tham mưu Bộ tư lệnh nhận cờ, mang về. Khi bom đạn ác liệt, đường giao thông bị hư hại nặng, Nguyễn Đức Lãng phải gùi cờ trên lưng đưa về Hiền Lương. Đi lại ngày càng khó khăn, trước khi đi bộ đội, Nguyễn Đức Lãng vốn là thợ may, anh đề xuất với đơn vị cho được tự may cờ tại chỗ. Đơn vị cấp cho Nguyễn Đức Lãng một máy may của Liên Xô hiệu UNIONG để may cờ. Hai ngày rưỡi anh may xong một lá cờ 96m2. Mỗi đường may phải đi ba bốn đường chỉ cờ mới chịu được gió. Không những may cờ cho Hiền Lương, Nguyễn Đức Lãng còn may cờ nhỏ hơn, cỡ 4m x 6m cung cấp cho đồn Mũi Si, Cửa Tùng, Huỳnh Thượng, Phát Lát, Cù Bai…Bàn may của Nguyễn Đức Lãng đặt ở Hồ Xá. Hồ Xá bị bom. Anh chuyển máy lên Vĩnh Nam. Cả làng xóm bị bom. Anh đưa máy xuống may dưới hầm. Đã đến lúc cả vải diềm bâu cũng không cung cấp kịp để may cờ, Nguyễn Đức Lãng chọn trong những lá cờ cũ, lọc ra những vuông vải còn tốt, ghép lại, may thành những lá cờ mới, và vá những lá cờ còn dùng được. Cờ may liên tục vẫn không kịp yêu cầu của cột cờ sông Hiền Lương.
Mẹ Diệm (phải), mẹ Sang (trái) cùng các chiến sĩ  vá cờ tại cầu Hiền Lương năm 1967 (ảnh tư liệu)
Sau năm 1967, chiến sự ngày các ác liệt, việc vá cờ lại do một tổ đảm nhiệm trong đó vai trò chính là mẹ Diệm. Mẹ Nguyễn Thị Diệm khi đó 47 tuổi người làng Hiền Lương. Mẹ là một trong số ít phụ nữ Hiền Lương còn bám trụ lại làng không tản cư ra Tân Kỳ, Nghệ An. Được phân công làm cấp dưỡng, nấu cơm cho bộ đội, công an, dân quân giới tuyến, chăm sóc thương binh và cả giặt giũ, khâu vá áo quần cho các chiến sĩ, mẹ Diệm được phong là thủ trưởng đội vá cờ, bởi mẹ không những là người vá nhanh nhất, khéo léo về đường kim mũi chỉ mà lúc vá còn biết chỗ quan trọng nhất trên cờ, đó là ngôi sao vàng năm cánh. Với mẹ thì “vá lành ngôi sao cũng là gắn lành lại năm châu, thế giới không còn chiến tranh, con người không còn đối xử với nhau bằng bom đạn và sự hủy diệt”. Mẹ qua đời năm 1992 vì bạo bệnh. Trước khi mất, mẹ trăn trối lại: “Mạ muốn khi nằm xuống, mạ sẽ được về nằm lại bên cột cờ, để ngày ngày mạ vẫn được nhìn thấy cờ bay...”. ''Bà mẹ vá cờ'' trở thành một huyền thoại của cây cầu lịch sử có một không hai trên thế giới này và được tôn vinh như một người anh hùng. Không ai nhắc tới Vĩnh Linh mà lại không nhắc tới người mẹ vá cờ. Mẹ Diệm đã ở lại vá cờ đúng tọa độ bom hủy diệt suốt hai năm, để bờ Bc không lúc nào vắng bóng lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh.
Năm 2008, Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cho mẹ Nguyễn Thị Diệm.
Tượng mẹ Diệm ngồi vá cờ đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử cách mạng cầu Hiền Lương.
Câu chuyện đổi màu sơn cầu Hiền Lương
Ở đoạn giữa cây cầu Hiền Lương có một vạch trắng kẻ ngang rộng 1cm được dùng làm ranh giới chia đôi cây cầu. Thoạt đầu phía bờ Nam địch sơn cây cầu màu xanh; bên ta cũng sơn tiếp màu xanh một nửa cây cầu còn lại với ngụ ý luôn là một cây cầu thống nhất nối liền Nam- Bắc. Sau đó, phía Việt Nam Cộng hòa sơn lại màu nâu, phía bên này cây cầu, ta cũng  sơn lại màu nâu. Cứ liên tục như thế trong suốt 21 năm, cây cầu Hiền Lương  phía bờ Nam đã được Việt Nam Cộng hòa thay đổi nhiều màu sơn như: xám, trắng, nâu, vàng, ghi v.v... Khi bờ Nam quân Việt Nam Cộng hòa thay đổi màu sơn để đối lập lại màu sơn của ta; thì ngày hôm sau, phía bắc bên này cầu, ta cũng sơn lại màu sơn giống y hệt màu bên đó, để nói lên quyết tâm đấu tranh thống nhất non sông của ta. Đây là một hành động có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện khát vọng và quyết tâm thống nhất non sông của ta.
Cầu Hiền Lương được phục chế với 2 màu sơn xanh – vàng.
Theo ông Lê Công Cầu (88 tuổi), nhà ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, nguyên là Bí thư Đảng bộ của xã Vĩnh Thành thời kỳ 1966 – 1973 cho biết:  “Ngay cả việc sơn cầu, phía bên kia cũng luôn gây hấn. Với mong muốn thống nhất nước nhà, chúng ta luôn muốn giữ một màu sơn trên cầu Hiền Lương, nhưng phía họ thì không. Họ luôn dùng màu khác để phân biệt giữa hai miền. Cứ mỗi lần bên kia thay màu sơn, đêm đến đội sơn cầu của ta lại lặng lẽ sơn theo màu đó. Khi sơn gần đến vạch sơn trắng (giới tuyến) kiểu gì lính Sài Gòn cũng chửi bới, dọa dẫm, thậm chí có lúc chúng còn hung hăng đá cả thùng sơn của ta rơi xuống nước”  (Theo Báo Tiền Phong ngày 16-10-2014). Ông Cầu còn cho biết: “Bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhc sĩ Hoàng Hiệp ra đời từ năm 1956, thời đó ai nghe mà không khóc, tui đây còn nhòa lệ. Hồi đó, cụm loa bên bờ Bắc của ta ngoài phát lời tuyên truyền chính nghĩa, mỗi chiều đều phát bài hát này. Nao lòng lắm” (Báo Sài Gòn Giải phóng 8-2-1015). Cuối cùng sau 30-4-1975, màu sơn chính của cây cầu Hiền Lương là màu xanh; tượng trưng cho màu xanh hòa bình, non sông đã được thống nhất.
Ngoài những chuyện đấu loa, chọi cờ, đổi màu sơn và những cuộc chiến tranh tâm lý chiến hết sức căng thẳng ở hai đầu cầu Hiền Lương, còn có cả những câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn vô cùng cảm động của những người cộng sản phía bờ Bắc cây cầu. Dọc đôi bờ Hiền Lương khi đó có các đồn cảnh sát vũ trang Hiền Lương, Cửa Tùng (bờ Bắc, thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đồn cảnh sát Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam, thuộc Việt Nam Cộng hòa) làm nhiệm vụ. Đó là những lần “đổi bờ” của đồn Cửa Tùng và đồn Cát Sơn, hằng tuần lực lượng công an mỗi bên lại sang bờ bên kia, cùng nhau kiểm soát ngư dân ra khơi đánh bắt, kiểm soát an ninh trên biển. Hay vào những dịp lễ Quốc Khánh, tết dương lịch và nguyên đán, đoàn văn công trung ương từ miền Bắc vào thường ghép thuyền, dựng sân khấu bên mép sông để biểu diễn cho nhân dân xem, nhưng về sau cứ mỗi lần vậy không chỉ có người dân mà cả lính miền Nam cũng đổ ra bờ sông để ngóng vọng sang thưởng thức. “Mặc dù là thù địch nhưng nếu anh qua tôi hoặc tôi qua anh, đều được đón tiếp đàng hoàng”. Ông Nguyễn Minh Châu (71 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Gio Linh) - một nhân chứng lịch sử sống với cây cầu Hiền Lương thời đó đã kể lại như vậy. (Theo Báo Thanh niên)
Về ý nghĩa lịch sử của cây cầu Hiền Lương: thật khó diễn tả cho hết ý nghĩa lịch sử đặc biệt của cây cầu này. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành "nhân chứng lịch sử" trong suốt 21 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt, nơi đã chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam - Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Tại xã Trung Hải, có 420 người thuộc diện có công với cách mạng, được Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Còn ở xã Trung Giang, nơi cuối nguồn của dòng Hiền Lương, thống kê sau những tháng năm mưa bom bão đạn cho thấy đã có hơn 900 người ngã xuống, trong đó có 553 liệt sĩ.
Trang bìa cuốn sách viết về lịch sử cầu Hiền Lương.
Ông Nguyễn Minh Châu (71 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Gio Linh), người từng vượt sông Bến Hải để sang miền Bắc, từng là cán bộ tuyên huấn của lực lượng Công an vũ trang đặc khu Vĩnh Linh từ năm 1963 đến năm 1975, có cả một kho tàng về quá khứ để kể về những năm tháng lịch sử đó, đặc biệt là những câu chuyện dọc hai bờ giới tuyến. Ông Châu nhớ lại: “Đó là những năm tháng của cuộc chiến không tiếng súng. Nhưng ngay trong khu vực phi quân sự, phía ta và phía Việt Nam Cộng hòa đã có những cuộc đấu căng thẳng, không khoan nhượng, không kém gì đấu súng. Chúng tôi luôn xác định và luôn được chỉ đạo là không được thua, dù rằng có những trận tâm lý chiến diễn ra một cách bất ngờ”. Ông rất nhớ từ những “cuộc chiến màu sơn cầu Hiền Lương” rằng nên sơn 1 màu hay 2 màu, “cuộc chiến âm thanh” xem loa tuyên truyền ai vang xa hơn, “cuộc chiến cột cờ, lá cờ” xem ai cao hơn, to hơn... đến những trận thi vật, đấu bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng rồi những “trận chiến” khó gọi tên như đánh đố nhau bằng những câu hỏi về nội dung một cuốn tiểu thuyết hoặc bất kỳ điều gì. “Hồi đó, hình như chuyện chi cũng mang ra đấu được. Nghe vậy thôi chứ rất khó, để thắng vừa phải có trí tuệ, sức mạnh và lòng dũng cảm”. (Báo Tuổi trẻ)
21 năm bên bờ Hiền Lương gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ của quân và dân ta. Đất nước thống nhất hòa bình, người mất, người còn nhưng công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được lịch sử khắc ghi. Di tích đôi bờ Hiền Lương mãi trường tồn với những giá trị cao đẹp. Tháng 12 năm 1986, khu di tích đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng cấp Quốc gia. Cột cờ Hiền Lương, trong suốt 21 năm đất nước bị chia cắt đôi miền đã trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí thống nhất của đồng bào miền Nam ruột thịt đang ngày đêm hướng về miền Bắc, hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Tượng đài Khát vọng thống nhất tại Khu di tích lịch sử cầu Hiền Lương.
Hình ảnh các chiến sĩ Công an vũ trang của miền Bắc ngày đêm đối mặt căng thẳng với Cảnh sát Quốc gia của chế độ Sài Gòn ngày nay vẫn còn lưu giữ ở Bảo tàng di tích lịch sử cầu Hiền Lương. Trụ cờ bờ Bắc (phục chế) với lá cờ to lớn, phấp phới tung bay gợi nhớ một thời hào hùng, oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phía bờ Nam có tháp canh chơ vơ, xưa là nơi đặt loa, ngày nay im ắng đứng soi mình lặng lẽ bên sông. Cuối cầu là con đường đất đỏ dẫn đến khu tượng đài "Khát vọng thống nhất" rất gần Quốc lộ 1A. Tượng đài thể hiện hình tượng người phụ nữ miền Nam và bé gái đứng ngóng về bờ Bắc trông chồng, trông cha. Hình tượng nhân vật được thể hiện gắn liền với cụm dừa nước - giống cây đặc trưng của sông nước miền Nam. Bệ tượng đài là dải phù điêu mô tả hành trình 21 năm quân dân hai miền Nam, Bắc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Cầu Hiền Lương ngày nay đã nối thông đôi bờ vĩ tuyến 17. Khát vọng thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đã thành hiện thực. Một thời quá khứ hào hùng, oanh liệt như vẫn còn hiển hiện bên dòng sông Bến Hải. Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cầu Hiền Lương trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong hành trình của du khách trong và ngoài nước tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.
Minh Vượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét