Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 218

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những điệp viên hai mang nổi tiếng thế giới

VietnamDefence - Lịch sử tình báo thế giới đã biết đến nhiều điệp viên hai mang lừng danh như: Mata Hari, Oleg Penkovsky, Kim Philby, Robert Hanssen, Aldrick Ames...

1. Humam Khalil Abu Mulal al-Balawi
Vị bác sĩ làm việc cho tình báo Jordan vừa thực hiện vụ đánh bom tự sát khiến 7 điệp viên CIA thiệt mạng là người mới nhất trong số các điệp viên hai mang nổi tiếng thế giới.
Humam Khalil Abu Mulal al-Balawi. Ảnh: ABC News
Tình báo Jordan thuê bác sĩ al-Balawi, 36 tuổi, làm việc và cử anh ta đi tìm Ayman al-Zawahiri, phó tướng của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Ngày 30/12/2009, al-Malawi được mời tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Afghanistan để thuyết trình cho các điệp viên cục tình báo Mỹ (CIA) về mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Giữa cuộc họp, al-Malawi kích hoạt khối thuốc nổ giấu trong áo vest khiến 7 nhân viên CIA cùng người họ hàng của quốc vương Jordan Abdullah II thiệt mạng.

Đây là vụ đánh bom tự sát gây thiệt hại về người nhiều nhất đối với CIA kể từ cuộc chiến chống khủng bố phát động sau sự kiện ngày 11/9/2001. 

2. Benedict Arnold

Benedict Arnold. Ảnh: Corbis

Arnold từng là một người hùng trong Cách mạng Mỹ. Ông từng giúp quân đội nước này đánh thắng quân Anh trong trận chiến Saratoga (1777).

Tuy nhiên, cái tôi và tính hám lợi đã khiến Arnold phản bội lại lợi ích của dân tộc. Ông ta chiếm lấy West Point, New York, định bán nó cho người Anh với giá 6.000 bảng, 300 bảng mỗi năm tiền lương hưu và quyền chỉ huy trong quân đội Anh.

3. Mata Hari hay Margaretha Geetruida Zelle


Mata Hari. Ảnh: Corbis

Hari nổi danh là một vũ nữ đầy khêu gợi những năm 1900. Cô đi khắp châu Âu và cặp kè với một loạt những quý ông quyền lực.

Trong suốt Thế chiến I, cô làm việc và ăn tiền của cả người Đức lẫn người Pháp. Vụ việc bại lộ, Hari bị Pháp truy tố và xử bắn năm 1917 khi 41 tuổi.  

4. Eddie Chapman
Eddie Chapman. Ảnh: Time

Chuyên gia mở két trộm và tống tiền Chapman đang ngồi tù khi người Đức xâm chiếm quần đảo Channel thuộc Anh trong Thế chiến II. Đức quốc xã thuê Chapman làm tình báo viên và moi thông tin từ chính quê nhà. Chúng đưa ông trở về Anh song ông ngay lập tức trình báo nhà chức trách.

Sau một cuộc trò chuyện, cơ quan tình báo MI5 tuyển Chapman làm điệp viên với biệt danh Zigzag. Họ còn thực hiện một vụ tấn công giả mạo nhằm vào nhà máy sản xuất máy bay Havilland để hoàn tất nhiệm vụ vủa Chapman với người Đức.

Sau khi trở lại Đức, Chapman được trao thưởng huy chương, tặng du thuyền và 100.000 mark. Ông tiếp tục cung cấp thông tin sai lệch cho Đức quốc xã trong khi thực hiện các sứ mệnh ở Oslo và London.

5. Dusko Popov

Dusko Popov. Ảnh: Time

Tiểu thuyết gia Ian Fleming từng thổ lộ trong hồi ký rằng Popov chính là cảm hứng khiến ông xây dựng nhân vật điệp viên 007.

Trong thời kỳ đầu của Thế chiến II, Popov được Mật vụ Đức tuyển mộ. Ông nhận lời song ngay lập tức gia nhập quân Anh để chống Đức quốc xã.

Popov lấy thông tin tình báo giả mạo cung cấp cho người Đức trong khi đi khắp châu Âu và Mỹ trong vai một chàng hào hoa.

Năm 1974, ông xuất bản cuốn sách kể lại những trải nghiệm trong thời chiến với tên Spy/Counterspy: The Autobiography of Dusko Popov.

6. Oleg Penkovsky
Penkovsky tại phiên tòa. Ảnh: Time

Vốn là sĩ quan tình báo (đại tá) của Liên Xô, Penkovsky đã tìm cách bán thông tin cho Anh và Mỹ vào năm 1962.

Được đặt mật danh Agent Hero, Penkovsky thông báo chi tiết kho hạt nhân của Liên Xô cho Mỹ và kế hoạch triển khai tên lửa đường đạn của Liên Xô ở Cuba trước cuộc khủng hoảng tên lửa.

Một điệp viên hai mang khác ở Mỹ đã tố cáo Penkovsky và ông ta bị truy tố và bị xử tội phản quốc năm 1963.

7. Kim Philby

 

Kim Philby (ngoài cùng, bên phải). Ảnh: Corbis

Năm 1941, gia nhập lực lượng tình báo Anh dù đã làm việc cho tình báo Liên Xô kể từ năm 1933.

Trong vòng 20 năm, Philby thăng tiến trong tình báo Anh và chỉ bị lộ vào năm 1963. Philby trốn tới Moskva và được coi là người hùng của Liên Xô. Ông qua đời năm 1988.

8. Ashraf Marwan


Ashraf Marwan (phải). Ảnh: AP

Marwan là con rể của Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser và làm việc cho Israel. Hồi thập niên 60, Israel thuê Marwan cung cấp những thông tin cho họ trước cuộc chiến Yom Kippur.

Mặc cho vụ này bị bại lộ, Ai Cập vẫn coi Marwan là nhà yêu nước và tổ chức tang lễ cho ông như một người hùng sau một cái chết bí ẩn năm 2007 ở London.

9. Denis Donaldson


Denis Donaldson (trái). Ảnh: EPA

Donaldson là thành viên của đảng Sinn Fein được lực lượng tình báo Anh MI5 và cảnh sát Bắc Ireland mua chuộc.

Hiện chưa rõ tại sao Donaldson lại phản bội đảng của mình song vào năm 2006, anh ta bị bắn chết trong một căn nhà gỗ.

Ba năm sau, phong trào ly khai The Real IRA tuyên bố họ đứng đằng sau cái chết này. .

10. Aldrick Ames

Aldrich Ames. Ảnh: Wikipedia

Cựu điệp viên CIA Mỹ này kiếm được khoảng 4,6 triệu USD nhờ bán thông tin cho Liên Xô.

Khi còn ở trung học, Ames làm việc vặt cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ và bắt đầu làm chính thức cho cơ quan này sau khi tốt nghiệp đại học.

Ames rơi vào cảnh túng thiếu và buộc phải làm cho Liên Xô sau một cuộc ly dị tốn kém với người vợ đầu tiên. Ames bị lộ năm 1994 và hiện chịu án tù chung thân.  

11. Robert Hanssen
Robert Hanssen. Ảnh: Corbis

Chỉ 3 năm sau khi làm cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Hanssen bắt tay với Liên Xô năm 1979. Hanssen tiếp tục bán bí mật của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Năm 2001, Hanssen bị bắt quả tang bán thông tin tình báo của Mỹ.

Hiện Hanssen chịu án tù chung thân ở Mỹ.

Markus Wolf: Nhà tình báo cộng sản huyền thoại

VietnamDefence - Đêm 8, rạng sáng ngày 9/11/2006, Markus Wolf, nhà tình báo huyền thoại với biệt hiệu “Con sói trong bóng tối”, “Người không mặt”, đã qua đời ở Berlin ở tuổi 83. Ông là một trong những nhà lãnh đạo cơ quan tình báo thành công nhất trong lịch sử thế giới, người đã xây dựng và lãnh đạo cơ quan tình báo CHDC Đức trong suốt 34 năm. Bậc thầy tình báo này đã tổ chức xâm nhập điệp báo thành công vào quân đội, các cơ quan tình báo và các đảng phái CHLB Đức.


Markus Johannes Wolf (1923-2006), Thượng tướng an ninh quốc gia CHDC Đức, sinh ngày 19/1/1923 ở Hehingen, Wutemberg. Cha ông, Friedrich Wolf, đảng viên Đảng Cộng sản Đức, là một người đa tài: nhà soạn kịch nổi tiếng người Do Thái, nhà thơ và nhà văn, bác sĩ và người biện giải cho lối sống lành mạnh, nhà cách mạng và chiến sĩ cộng sản. Ông có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến các con và là tấm gương để các con noi theo. Friedrich Wolf đã dùng nghệ thuật, những vở kịch của mình để đấu tranh chống nhà nước chuyên chế vì quyền lợi ích của người dân bình thường. Chính vì thế, không lâu sau khi Hitler lên nắm quyền, ông cùng với gia đình đã buộc phải chạy khỏi nước Đức. Konrad Wolf, em trai ông, sau này là một đạo diễn của hãng phim DEFA và Chủ tịch Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức, còn ông - Markus Wolf chưa đầy 30 tuổi đã trở thành chỉ huy tình báo và cuối đời lại là một nhà văn.

Từ năm 1934-1945, Markus Wolf sống cùng cha mẹ ở Liên Xô. Sau khi Đức tấn công Liên Xô, Markus Wolf cùng với một số bạn đồng lứa trong số các nhà hoạt động chống phát xít đã vào học tại trường tình báo của Quốc tế Cộng sản (QTCS), nơi đào tạo điệp viên để hoạt động trong hậu phương địch. Sau một số nỗ lực bất thành nhằm đánh điệp viên vào lãnh thổ nước Đức phát xít, số học viên tình báo còn lại, trong đó có Wolf, được giữ lại và đào tạo để hoạt động ở nước Đức hậu chiến. Sau khi tốt nghiệp trường tình báo của QTCS, Markus Wolf đã vào học Đại học Hàng không Moskva (MAI) với hy vọng trở thành một kỹ sư hàng không vì ông cũng không thật máu me làm tình báo. Nhưng theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Đức, tháng 5/1945, Wolf trở về Đức và làm việc một thời gian ở đài phát thanh. Với tư cách phóng viên thường trú của Đài phát thanh Berlin và tờ báo Berliner Zeitung, ông làm việc tại phiên toà Nuremberg xét xử tội phạm chiến tranh Đức quốc xã.
Sau khi nước CHDC Đức ra đời, năm 1949, ông đổi nghề và ở tuổi 26, Markus Wolf được bổ nhiệm làm Phó Đại sứ CHDC Đức tại Moskva. Nhà tình báo-phóng viên làm nhà ngoại giao không được bao lâu. Mùa hè năm 1951, Wolf được triệu hồi về Đức và trở thành nhân viên của “Viện Nghiên cứu Khoa học kinh tế”. Đây là bình phong dân sự  bí mật cho cơ quan tình báo Đông Đức mới được thành lập. Wolf bắt đầu sự nghiệp trong cơ quan tình báo CHDC Đức từ cương vị Phó Trưởng Phòng Thông tin, sau đó, được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Phòng Phản gián.
Tháng 12/1952, theo đề cử của Anton Ackermann, thứ trưởng ngoại giao, nguyên thủ trưởng của Wolf thời ông làm việc ở Đài phát thanh Berlin và cũng là người chỉ huy đầu tiên của tình báo đối ngoại CHDC Đức, lúc này đã nghỉ công tác do sức khoẻ, cũng như được sự đồng tình của các chuyên gia tình báo Liên Xô, ở tuổi 29 Wolf được cử làm chỉ huy cơ quan tình báo đối ngoại đang được thành lập trong cơ cấu của Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức Stasi.
Tháng 3/1953, trong cơ quan ông xuất hiện tên đào ngũ đầu tiên chạy sang phương Tây nên ông đã buộc phải khởi đầu từ con số 0, buộc phải xây dựng lại  từ đầu cơ quan tình báo CHDC Đức còn rất nhỏ bé. Ngay từ đầu, HVA đã phải dựa chủ yếu vào các hình thức hoạt động bất hợp pháp vì trong một thời gian dài CHDC Đức không được phương Tây thừa nhận nên không có các sứ quán ở nước ngoài để làm bình phong cho các tình báo viên bình phong hợp pháp hoạt động.
Cuối năm 1953, Wolf có 12 điệp viên hoạt động ở nước ngoài và 30-40 người nữa đang được chuẩn bị đánh sang phương Tây, chủ yếu là dưới dạng dân di cư. Năm 1986, khi Wolf về hưu, số lượng điệp viên ở nước ngoài của Tổng cục Tình báo HVA (Hauptverwaltung Aufklärung) thuộc Stasi đã là 1.500 người, chưa tính số nhân viên tình báo hoạt động dưới bình phong hợp pháp và nhiều điệp viên bảo đảm khác.
Giống như các cơ quan tình báo khác của khối Hiệp ước Varsava và trước hết là của Liên Xô, HVA đã tích cực sử dụng yếu tố “ý thức hệ” nên đã tuyển được nhiều công dân CHLB Đức và các nước phương Tây đã làm việc cho tình báo Đông Đức với động cơ hợp tác với “những người cộng sản” trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Nhiều người trong số họ đã không từ bỏ lập trường, quan điểm của mình kể cả sau khi CHDC Đức không còn tồn tại. Trong số những cán bộ tình báo tự nguyện cộng tác của Stasi hiện đã được biết đến có các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng CHLB Đức Adolf Kantor và Wilhelm Borm, nhà triệu phú Heinz Porst và những người khác.
Các tình báo viên bất hợp pháp CHDC Đức đã khéo léo cài được điệp viên vào giới thân cận của các thủ lĩnh chính trị Tây Đức, điển hình là cán bộ tình báo Stasi Günter Guillaume đã trở thành trợ lý Thủ tướng CHLB Đức Willy Brandt. Hậu quả của điệp vụ này là vị Thủ tướng nổi tiếng của nước Đức phải từ chức. Dưới sự lãnh đạo của Markus Wolf, cơ quan tình báo đối ngoại CHDC Đức đã trở thành một trong những cơ quan tình báo hiệu quả nhất thời chiến tranh lạnh.
Tình báo phương Tây đã nhanh chóng biết đến ông, nhưng trong suốt hơn 20 năm, họ không thể có được ảnh của ông. Chính vì vậy, ông có biệt hiệu “Con sói trong bóng tối” và “Người không mặt”. Mãi đến năm 1978, trong một phiên liên lạc tại Thuỵ Điển, tình báo Tây Đức phối hợp với phản gián Thuỵ Điển mới lần đầu tiên chụp được ảnh Markus Wolf và nhờ một nhân viên HVA đào ngũ họ mới biết được đó là ông. Đây là một một sự kiện chấn động trên báo chí phương Tây thời bấy giờ.
Năm 1986, Wolf rời khỏi cương vị chỉ huy cơ quan tình báo. Những năm sau đó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong đời ông. Bức tường Berlin sụp đổ, một bộ phận đáng kế kho lưu trữ của Stasi bị chiếm giữ và sự thống nhất của nước Đức đã đặt dấu chấm hết cho cơ quan mà ông đã thành lập và lãnh đạo trong suốt 34 năm. Hàng ngàn nhân viên Stasi ở CHDC Đức và ở nước ngoài đã bị truy tố hình sự. Bản thân Wolf cũng không tránh khỏi nhà tù. Ông đã rời đi Liên Xô trước khi nước Đức thống nhất, nhưng sau đó vẫn quyết định quay về vì không muốn kết thúc cuộc đời trong cảnh lưu vong.
Wolf đã cố gắng hết sức để cứu các đồng chí, đồng nghiệp của mình, thậm chí đã viết thư cho Mikhail Gorbachev đề nghị tác động với lãnh đạo Tây Đức nhằm giải thoát các cán bộ các cơ quan tình báo CHDC Đức khỏi bị truy tố nhưng vô hiệu. Cay cú bởi những đòn đau mà tình báo và an ninh Đông Đức gây ra cho họ, giới lãnh đạo CHLB Đức đã trả thù - tất cả các điệp viên lừng danh của Stasi đều nhận án tù dài ngắn khác nhau.
Ngày 24/9/1991, khi đi qua biên giới CHLB Đức, Markus Wolf đã bị bắt vì tội phản bội tổ quốc và hoạt động gián điệp chống nước Đức. Tháng 12/1993, ông bị kết án 6,5 năm tù giam. Tuy nhiên, “con sói trong bóng tối” đã không phải ngồi tù lâu. Năm 1997, bản án tù được đổi thành án treo. Wolfа cũng bị toà quyết định phải thanh toán 50.000 Mark cho một nhà trẻ và án phí.

Markus Johannes Wolf (1923-2006)

Sau khi ra tù, Tướng Wolf sống ở Berlin với vợ và con gái nuôi. Sau “cuộc maratông toà án” (Năm 1998, Toà án Tối cao Đức đã bác bỏ hẳn khả năng bắt giữ ông), ông đã muốn cống hiến hết mình cho hoạt động sáng tác, viết sách. Ông khởi đầu sự nghiệp văn chương muộn màng của mình từ cuốn sách “Bộ ba” - một dự án mà Konrad, em trai ông qua đời vào năm 1982, đã không kịp hoàn thành. Cuốn sách ra đời vào tháng 3/1989 và làm tất cả kinh ngạc vì tính phê bình thẳng thắn của nó. Bằng cách đó, Markus Wolf “đã trả nợ” cho người em, người đã rất trân trọng câu chuyện tình bạn nhiều năm của những đứa con trai của 3 gia đình lưu vong.

Sau khi nước Đức thống nhất, ông đã xuất bản 5 cuốn sách như “Bạn bè không chết”, “Bộ ba”, “Theo nhiệm vụ của chính mình”,... trong đó có hồi ký gây tranh cãi “Người không lộ diện” (hồi ký được dịch sang tiếng Nga có tên là “Trận đấu trên sân khách”) đã được Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản và cả cuốn “Bí mật nghệ thuật nấu ăn Nga”. Markus Wolf rất tự hào với sự nghiệp văn chương muộn màng của mình và đã một số lần đến Nga để giới thiệu những cuốn sách của ông - Wolf vẫn duy trì những mối quan hệ trong các cơ quan tình báo, an ninh Nga và luôn được họ chào đón như một người bạn thân gần gũi.
Nhà tình báo huyền thoại thời chiến tranh lạnh đã rời khỏi cuộc đời chứa đựng cả một kỷ nguyên ở tuổi 83. Cuộc đời Markus Wolf là cuộc đời một con người đã cống hiến trọn đời cho niềm tin cộng sản, cho Nhà nước XHCN CHDC Đức. Ông đã chứng kiến và trải qua những vinh quang và cay đắng khi lý tưởng của ông bị phản bội và Nhà nước của ông bị tan vỡ. Tuy lo lắng cho tiền đồ của lý tưởng và đau lòng về những sai lầm, đổ vỡ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, trên hết ông vẫn trung thành với con đường mà ông đã chọn, vẫn thuỷ chung, che chở cho những đồng chí, những cán bộ điệp báo đã từng làm việc dưới quyền ông, những điệp viên đã cộng tác với ông bất chấp những khoản đô la kếch xù, hăm doạ, dụ dỗ mà CIA của Mỹ, BfV của Đức hay Mossad của Israel đưa ra để ông tiết lộ danh tính của họ, bất kể kẻ khác chỉ trích, phê phán ông là mù quáng và xa rời thực tế. Nhớ tới Markus Wolf, chúng ta nhớ tới một nhà tình báo có đạo đức nghề nghiệp chân chính, một chiến sĩ cộng sản đã biết sống cho lý tưởng.
Markus Wolf và điệp viên lỗi lạc George Blake

Để hiểu thêm về tâm tư, trăn trở và con người Markus Wolf, xin trích vài dòng từ hồi ký “Người không lộ diện” của ông: “Vậy điều gì còn lại từ những lý tưởng của chúng tôi, từ những nỗ lực của chúng tôi nhằm biến CNXH thành hiện thực? Chúng tôi tin là mình đang đi theo những ý tưởng mà Marx và Engels đã nêu trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản... Chúng tôi đã thất bại, nhưng không phải vì chúng tôi đã áp dụng vào thực tiễn quá nhiều CNXH, mà bởi vì quá ít. Đó là niềm tin sắt đá của tôi... Chiến tranh lạnh đã kết thúc, một mô hình CNXH mà sự bắt đầu của nó gắn với những hy vọng lớn lao đã sụp đổ, nhưng tôi không đánh mất những lý tưởng của mình”.
Bia mộ anh em Konrad và Markus Wolf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét