Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

DƯ LUẬN XÃ HỘI 36

(ĐC sưu tầm trên NET)

Thợ lặn của Formosa Hà Tĩnh phát hiện cá chết hàng loạt tại miệng ống xả thải

LĐO QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN
Thợ lặn Chu Văn Đại

Là thợ lặn chuyên nghiệp của Cty Formosa Hà Tĩnh, ông Chu Văn Đại (thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phát hiện cá chết rất nhiều vào trưa 6.4, sức khỏe bị ảnh hưởng nên ông cùng 14 thợ lặn làm đơn xin nghỉ. Vị trí lặn tại điểm cuối của Cty Formosa, sát vị trí xả thải.

Phóng viên Lao Động liên hệ để trao đổi về việc ông phát hiện cá chết trong quá trình lặn tại Cty Formosa, ông Đại đồng ý và hẹn gặp vào 17h30, sau khi đi làm về.
Đúng 17h30 ngày 7.5, PV có mặt tại thôn Hải Phong 2, Kỳ Lợi. Ông Chu Văn Đại năm nay 52 tuổi, người rắn chắc, là thợ lặn chuyên nghiệp có thâm niên vài chục năm, đã từng lặn ở đảo Trường Sa. Ông Đại chính thức vào làm cho nhà thầu phụ của Cty Formosa đã được 4 năm. Trong thôn Hải Phong 2 có 5 thợ lặn, toàn đội lặn là 15 người.
Công việc của các thợ lặn là san đá, ghép bê tông, trải vải chống lún, vải chống thấm, ngày lặn một buổi, làm trên bờ một buổi. Vị trí lặn ngay điểm cuối của Cty Formosa, phía đông, ngay sát vị trí xả thải của Cty Formosa. 

Cty Fomosa Hà Tĩnh nhìn từ âu thuyền Kỳ Phương. 
Về thời điểm phát hiện cá chết, ông kể: “Lúc đó, tôi lặn lên vào khoảng 9 giờ ngày 6.4, thì phát hiện cá chết rất nhiều. Ông bảo vệ cũng đã bắt được vài cân cá. Mùi nước thì không cảm nhận được do mũ lặn bịt kín, còn nước biển có màu hơi vàng.
Đây là hiện tượng mà từ mấy chục năm nay, ông và các bạn lặn chưa hề gặp. Mọi người đều nhận định, xưa nay chỉ có con cá đồng chết giá (rét), chứ chưa bao giờ có chuyện cá biển chết nhiều như thế này. “Chúng tôi cảm thấy nước độc”, ông Đại nói.
Ông Đại tiếp tục lặn thêm vài ngày nữa, khi lên bờ cảm thấy đắng trong miệng, về nhà cảm thấy mệt hơn những lần trước.
“Trước đây nước chỉ có vị mặn chứ không thấy khác lạ như lúc đó”, ông nói.
Cả 15 người đều thấy đi lặn về người mệt mỏi, khó chịu.
Lo lắng cho sức khỏe, sau đó, ông và mấy anh em trong tốp thợ lặn bàn nhau xin nghỉ một thời gian. Mọi người viết đơn và được Cty phê duyệt đồng ý. “Bọn anh được nghỉ từ 14.4 đến ngày 3.5, đúng 20 ngày”, ông Đại cho biết.
Đến ngày 3.5, ông Đại và tốp thợ lặn được Cty Formosa gọi đi làm lại. Về lý do đồng ý đi làm trở lại, ông Đại bộc bạch: “Anh em cũng bàn nhau chắc nước đã nhạt rồi, không độc nữa. Mặt khác, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không có việc gì khác, con cái đi học, chi tiêu trong gia đình trông chờ vào bố cả, bố không có việc làm thì chết đói”. Mức tiền công của ông là 400 nghìn đồng/ngày, được đóng bảo hiểm đầy đủ.
PV hỏi sau khi đi làm lại có hiện tượng gì khác thường không, ông Đại cho hay: “Ngày đầu thì chát, còn ngày qua (6.5) thì thấy đắng đắng trong miệng”. Tốp thợ lặn được đưa đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Kỳ Anh, nhưng không phát hiện điều gì bất thường. 
Tốp thợ lặn báo cáo với Cty, thì được trả lời nguyên nhân là “tảo nở hoa và thủy triều đỏ”.
Về nguyện vọng, ông Đại mong muốn các cơ quan ban ngành xử lý làm sao để ngư dân ra khơi đánh bắt, ổn định cuộc sống.
Phân tích nguyên nhân hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh duyên hải miền Trung
GS. Phạm Hùng Việt*

Các nhà khoa học khảo sát hiện trường, lấy mẫu
phân tích nguyên nhân cá chết
hàng loạt ở miền Trung

Tại cuộc họp báo ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 2 nhóm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt:
- Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.
- Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên.
Trên cơ sở khoa học chung, chúng tôi đồng tình với hai nguyên nhân này. Ở đây, xin có một số nhận định về nguyên nhân có khả năng xảy ra cao hơn.



Trước tiên, xin được nêu vắn tắt tiến trình xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Ngày 4/4/2016, phát hiện cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, mà khởi đầu là khu vực cảng Vũng Áng, Kỳ Anh. Tới ngày 14/4, cá chết lan sang các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; ngày 15/4, tới Thừa Thiên - Huế. Hiện tượng này kéo dài hơn 200 km bờ biển, làm chết gần 100 tấn cá tự nhiên, gần 70 tấn thủy sản nuôi của người dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế [1].


Như vậy, hiện tượng cá chết có xu hướng lan xuống phía Nam của Hà Tĩnh, trong khi khu vực phía Bắc như Nghệ An lại chưa được ghi nhận. Điều này phải có sự liên quan tới đặc điểm của bờ biển duyên hải miền Trung. Quan sát lược đồ dòng hải lưu tại Biển Đông [2], có thể thấy rằng, vào mùa đông, dòng hải lưu ven biển di chuyển theo hướng từ Bắc vào Nam, trùng với hướng lan của hiện tượng cá chết. Để thấy rõ hơn vai trò của dòng hải lưu, ta hãy thử làm một phép tính đơn giản. Giả sử như, nguyên nhân làm chết cá là tác nhân gây độc, chẳng hạn thủy ngân (một trong những kim loại nặng độc nhất), với nồng độ tối đa cho phép là 1 ppb (1 phần tỉ, tức là 0,001 mg/L). Nếu tính trung bình trên 200 km bờ biển, khoảng cách bờ chỉ là 1 km và độ sâu 20 m thì thể tích nước biển vào khoảng 4 tỉ m3. Như vậy khối lượng thủy ngân cần để đạt đến ngưỡng gây độc trên là 4 tấn! Đây là con số rất lớn, có phần không thực tế. Điều này chỉ có thể giải thích rằng, do tác động của dòng hải lưu Bắc – Nam đưa tác nhân gây độc đi từ Hà Tĩnh qua Quảng Bình, Quãng Ngãi vào Thừa Thiên – Huế. Do đó, lượng chất độc có thể nhỏ hơn rất nhiều trong khi vẫn gây ra thảm họa như đã thấy. Từ suy luận này, chúng tôi đồng tình với nhận định trước đó của một số nhà khoa học khác khi cho rằng, nguyên nhân của hiện tượng này cũng chính là điểm khởi đầu, tức cảng Vũng Áng!



Hình 1. Sơ đồ hướng di chuyển của các dòng hải lưu tại biển Đông

Tại cuộc họp báo ngày 27/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố 2 nhóm nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt:


- Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.

- Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
Trên cơ sở khoa học chung, chúng tôi đồng tình với hai nguyên nhân này. Ở đây, xin có một số nhận định về nguyên nhân có khả năng xảy ra cao hơn.

Nhận định về nguyên nhân

1. Câu hỏi đặt ra là, vậy tảo nở hoa có phải là thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung không? Theo quan điểm cá nhân, chúng tôi thấy nguyên nhân này là có thể nhưng ít khả năng xảy ra. Điều kiện để tảo nở hoa là vùng nước vận động chậm, điều này không thật sự phù hợp với điều kiện duyên hải miền trung nước ta. Tảo nở hoa thường làm chết các loài thủy sinh ở tầng mặt, trong khi các loài cá chết ở miền Trung đa phần là loài sống tại tầng đáy [1]. Ngoài ra, tảo nở hoa xảy ra trong môi trường nước ấm, thường vào mùa hè (ở Bình Thuận là vào tháng 7). Mặt khác, sự bùng nổ của tảo sẽ làm cạn kiệt oxi trong nước nhưng chỉ số oxi hòa tan (DO) đo được tại các địa phương có cá chết hàng loạt hiện nay vẫn ở mức bình thường. Hiện tượng này cũng rất dễ nhận ra, có thể quan sát bằng mắt thường hoặc ảnh vệ tinh, trong khi tới nay chưa có hình ảnh nào về việc nước biển đổi màu. Tảo sau khi chết sẽ gây ra mùi hôi thối, điều này cũng chưa được ghi nhận.

Hình 2. Các loại cá chết và tầng sinh sống

 Để kiểm chứng giả thiết trên, ta cần tập trung thực hiện song song hai công việc sau:
-  Lấy mẫu, phân lập và định danh xem có loài tảo nào trong nước biển tại khu vực cá chết.

-  Từ kết quả trên, ta sẽ tập trung vào phân tích các độc tố sinh ra từ các loài tảo trên.

2. Nguyên nhân thứ hai được đưa ra là do các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Các độc tố mà chúng tôi khoanh vùng bao gồm: kim loại nặng, xyanua (cyanide, CN-) và độc tố hữu cơ.

a. Kim loại nặng

Sau khi xem xét, chúng tôi nhận định khả năng này rất có thể xảy ra, nhất là khu vực Vũng Áng được định hướng phát triển gắn liền với khai khoáng và công nghiệp luyện kim. Kết quả quan trắc tại Huế cho thấy, nồng độ Cr cao gấp 9 lần quy chuẩn cho phép, ngoài ra Mn cũng rất cao. Điều này khẳng định rằng nguồn nước ở bị ô nhiễm bởi kim loại nặng, đặc biệt Huế là vùng cuối của thảm họa này, nồng độ các chất phải nhỏ hơn so với đầu nguồn là Hà Tĩnh. Tuy vậy, cần có các nghiên cứu thêm, đặc biệt là hàm lượng của các kim loại nặng  tại Hà Tĩnh, nhất là khu vực Vũng Áng. Cũng cần lưu ý thêm rằng, các kim loại nặng thường là chất độc mãn tính, trong khi cá chết hàng loạt rất nhiều và rất nhanh.

Để xác định nguyên nhân do kim loại nặng, cần phân tích mẫu nước, mẫu cá và đặc biệt là mẫu trầm tích, do khả năng tan trong nước của các hợp chất chứa kim loại nặng không cao.

b. Xianua

Độc chất xianua (CN-) thường được sử dụng trong khai thác vàng. Nhiễm độc xianua gây hiện tượng cá chết hàng loạt đã từng bị nghi ngờ ở khu vực sông Bồng Miêu, Quảng Nam vào năm 2008 khi các công ty khai thác vàng xả nước thải chưa qua xử lí (có hàm lượng xianua tới 67,8 mg/L) trực tiếp ra môi trường [3].

Mặc dù xianua là chất độc cấp tính, tuy nhiên, theo đánh giá của chúng tôi, khả năng xảy ra nguyên nhân này không cao.

c. Độc tố hữu cơ

Từ thực tế việc cá chết chủ yếu sống ở tầng đáy, quá trình diễn biến lan xuống phía nam trong một thời gian dài khá dài, chúng tôi nhận định rằng chất độc này phải tương đối ít tan và bền vững. Như vậy, chất độc có nguồn gốc hữu cơ có khả năng cao hơn là các hợp chất vô cơ như kim loại nặng hay xianua. Sự có mặt của các độc tố hữu cơ này có thể đến từ hai nguồn:

- Nước thải chưa qua xử lí sau khi sử dụng các hóa chất tẩy rửa công nghiệp.

Trong ngành luyện kim, các thiết bị vận hành cần được làm mát. Tuy vậy, để bảo vệ thiết bị, cần có các hóa chất hoạt động bề mặt nhằm chống rỉ, chống cặn. Các hóa chất này có thể chứa các chất độc như PCBs, PAHs, nonylphenol,… và còn có thể có các độc chất khác nữa.

 - Nước thải chưa qua xử lí từ lò luyện cốc.

Than cốc chứa chủ yếu là cacbon (%C > 80%), có thể dùng làm nhiên liệu hoặc chất khử trong ngành luyện kim. Luyện thép thường đi kèm với luyện cốc. Nước thải lò cốc có chứa nhiều chất độc như phenol, xianua hay amoniac. Ngoài ra còn có thể có nhiều chất hữu cơ khác như fluorene, pyrene, acenaphthalen,…là nhóm các hợp chất hữu cơ đa vòng ngưng tụ có độc tính rất cao [4].

Về cơ chế gây độc, chúng tôi giả thiết có hai cơ chế sau:

- Cạnh tranh tạo phức với oxi trong hồng cầu, làm hồng cầu mất chức năng vận chuyển oxi, tương tự như ngộ độc CO.

- Tạo lớp màng bao phủ gây tắc mang cá. Theo cơ chế này, các chất hữu cơ phải là các chất hoạt động bề mặt với một đầu ưa nước và một đầu kị nước, có khả năng tạo huyền phù hoặc nhũ tương.

Để xác định giả thiết này, cần phân tích mẫu cá, đặc biệt là mang, cùng với mẫu nước và mẫu trầm tích.

3. Kiến nghị

Xây dựng các trạm quan trắc tự động, liên tục tại các nhà máy, khu công nghiệp để quản lí nguồn phát thải. Trạm quan trắc này phải hoạt động on-line, tức là có khả năng truyền số liệu về các trung tâm quan trắc, các cơ quan quản lí qua đường vô tuyến (qua mạng internet). Ngoài các chỉ tiêu phân tích cơ bản như pH, DO, hàm lượng các ion vô cơ cơ bản (NH4+, NO2-, NO3-,…), trạm quan trắc này còn phải có khả năng phân tích các độc chất như các kim loại nặng hay xianua, phenol,… Việc này có thể được thực hiện bằng cách ứng dụng các phương pháp phân tích mới như sensor điện hóa [5], thiết bị điện di mao quản [6],… Công việc này cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, không chỉ về Hóa học phân tích, Hóa học môi trường mà còn cả về Độc chất học sinh thái và Độc chất học môi trường. Một trong những cơ quan nước ngoài mà theo ý kiến riêng của chúng tôi là có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này là Trung tâm nghiên cứu môi trường biển (CMES), thuộc Đại học Ehime, Nhật Bản do GS. Shinsuke Tanabe điều hành. Trung tâm này được chính phủ Nhật Bản đầu tư và phong là một trong những trung tâm nghiên cứu xuất sắc (Centre of Excellence, COE) của Nhật Bản về nghiên cứu môi trường biển, có nhiều thành tựu khoa học và là cơ quan tư vấn quan trọng trên lĩnh vực môi trường biển và đại dương có uy tín rất cao trong giới khoa học và cộng đồng quốc tế.

Trích bài viết: Hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh duyên hải miền Trung và những hệ luỵ tới môi trường và sinh thái biển.

* PTN trọng điểm ĐHQGHN về Công nghệ phân tích phục vụ cho kiểm định Môi trường và An toàn thực phẩm

Tài liệu tham khảo
[1] Nhóm phóng viên báo VnExpress, 26/4/2016, Cá chết lan rộng ở miền Trung như thế nào, http://vnexpress.net/infographics/thoi-su/ca-chet-lan-rong-o-mien-trung-nhu-the-nao-3393340.html.
[2] Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, http://www.vawr.org.vn/images/Image/IMAGE575.jpg.
[3] Nhóm phóng viên báo Người lao động, 16/12/2008, Cá chết do cyanua trong khai thác vàng?,http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ca-chet-do-cyanua-trong-khai-thac-vang-249348.htm.
[4] Byung-ran Lim, Hong-ying Hu, Koichi Fujie (2003), Biological degradation and chemical oxidation characteristics of coke-oven wastewater, Water, Air, and Soil Pollution, 146, pp.23–33.
[5] Đỗ Phúc Quân, Trịnh Hải Thái (2016), Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống quan trắc ô nhiễm nước tự động, Kỷ yếu hội nghị Tổng kết giai đoạn 2010 – 2015 Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, Bộ Công thương.
[6] Phạm Hùng Việt, Dương Hồng Anh, Mai Thanh Đức, Nguyễn Thanh Đàm, Lê Minh Đức, Nguyễn Duy Chiến, Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Mạnh Huy (2016), Hệ thiết bị diện di mao quản hai kênh loại xách tay và ứng dụng trong kiểm soát chất lượng môi trường nước, Kỷ yếu hội nghị Tổng kết giai đoạn 2010 – 2015 Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, Bộ Công thương.

Giả thiết về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung

Nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, làm cạn kiệt ôxy trong tầng nước sâu; chất độc xyanua sử dụng trong đánh bắt... có thể là những nguyên nhân khiến cá biển dọc 4 tỉnh miền Trung chết hàng loạt. TS Vũ Thành Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và hải đảo) cho biết, thống kê chưa đầy đủ từ đầu năm đến nay có hơn 30 vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới, chủ yếu liên quan đến môi trường biển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, như: sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, rò rỉ chất ô nhiễm, bùng phát của tảo độc do phú dưỡng, cạn kiệt ôxy do phân hủy chất hữu cơ trong tầng nước sâu, dịch bệnh do vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng...
Đối với khu vực biển không sâu, chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ sẽ không được pha loãng nhanh. Nếu nhiệt độ nước biển tăng mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ diễn ra nhanh, lượng tiêu thụ ôxy sẽ lớn. Sự đốt nóng bề mặt sẽ tạo ra sự phân tầng mật độ nước biển rất mạnh, nếu gió không mạnh, sóng mặt không đủ để tạo ra sự xáo trộn nước, sẽ khiến nước ở các tầng dưới mặt bị cạn kiệt ôxy, làm chết cá.
Cá biển khu vực gần bờ Bắc Trung Bộ chết vào ngày từ 14 đến 18/4 là những ngày nắng nóng và biển khá lặng nên gió từ bờ thổi ra biển không đủ tạo ra sự xáo trộn mạnh mẽ của nước biển. "Vì vậy, lý do khiến cá biển chết hàng loạt có thể là do nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, gây nên cạn kiệt ôxy trong các tầng nước dưới mặt", ông Ca nói.
Cùng quan điểm trên, nhưng tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm việc ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ rõ hơn nguồn chất thải khiến môi trường biển bị biến động đột ngột khả năng cao có nguồn gốc từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). "Chất độc theo dòng nước tràn ra biển, sau đó theo dòng hải lưu lan sang vùng biển khác", ông Dũng nói và cho biết đây lần đầu Việt Nam ghi nhận trường hợp cá lớn ở tầng sâu chết nhiều như vậy.
gia-thiet-ve-nguyen-nhan-khien-ca-chet-hang-loat-o-mien-trung
Cá chết nhiều khiến nhiều người miền Trung hoang mang. Ảnh: Đức Hùng.
Theo chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề, thông thường môi trường biển ô nhiễm khiến tảo "nở hoa", lấy hết ôxy khiến cá chết. Nhưng ở vùng biển miền Trung tảo thậm chí không thể phát triển thì chứng tỏ mức độ ô nhiễm quá trầm trọng. Năm 2001-2002 ở vùng biển Ninh Thuận và Bình Thuận từng có hiện tượng thủy triều đỏ, còn gọi là tảo "nở hoa" do ô nhiễm trong phạm vi dài 25 km và rộng 5 km khiến cá, tôm nuôi lồng bè chết hàng loạt. Sau đó hàng loạt vùng biển khác cũng có hiện tượng này.
Trong khi đó, một chuyên gia về tài nguyên biển khuyến cáo đơn vị chức năng cần xem trong cá có xyanua không. Đây là chất chất độc được sử dụng làm phương tiện đánh bắt bằng cách tác động lên hệ thần kinh của cá và như liều thuốc an thần khiến việc đánh bắt dễ dàng hơn. Trước đây Philippines từng yêu cầu Trung Quốc không được đánh bắt cá bằng việc sử dụng chất này.
"Với kinh nghiệm của tôi, cá ở rặng đá, san hô rất khỏe và tôi nghĩ chất độc như xyanua đã khiến chúng chết", ông nói.
Một vài nguyên nhân khác được các nhà khoa học đưa ra như chất thải từ giàn khoan mà trước đây Trung Quốc từng đặt ở cửa vịnh.
Dù đưa ra nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết, nhưng các chuyên gia thủy sản, môi trường biển vẫn cho rằng để vụ việc được làm rõ, giới chức cần lấy mẫu nước ở các tầng tại nhiều địa điểm và phân tích, xác định mức độ, thành phần chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, lực lượng chức năng phải kiểm tra cơ sở sản xuất, trung tâm dân sinh trên bờ có khả năng xả thải, gây ô nhiễm nước biển.
Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50 kg.
Không ăn cá chết
Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân làm hải sản chết bất thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân miền Trung không được sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Bộ cũng yêu cầu địa phương khẩn trương thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; tổ chức tuyên truyền người dân không hoang mang, hướng dẫn phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương phối hợp các cơ quan chuyên môn lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất giải pháp khắc phục.
Phạm Hương

Ống xả ngầm và những chuyện lạ thành…quen!

Cá chết thì không thể sống lại. Nhưng môi trường biển chết và DN “chết” vẫn có cơ cải tử hoàn sinh, tùy thuộc vào sự đổi mới tư duy và hành động của nước Việt.
Có thể hay… không thể?
Sau những chấn động về các đợt cá chết ở các tỉnh miền Trung, biển dường như đã xanh trong trở lại. Đây là lúc các cơ quan chức năng xung quanh vụ “biển bị bức tử” tiếp tục rốt ráo vào cuộc.
Bởi sự an lành của sự sống con người. Của sự phát triển kinh tế biển, và kinh tế du lịch. Quan trọng hơn là tâm lý XH. Con người bình an hay bất an, XH sẽ bình an và ngược lại…
Điều bí ẩn cần sự minh bạch
“Không ai được bao che!”- là chỉ đạo nghiêm khắc của người đứng đầu CP trong cuộc họp với lãnh đạo các địa phương ở Hà Tĩnh, sau cơn sốc dữ dội của cả nước về vụ cá chết.
Phải thẳng thắn mà nói, các cơ quan chức năng đã khá lúng túng, chậm vào cuộc trước sự khẩn thiết của vụ việc, cùng nỗi đau xót của XH,không chỉ ngư dân ven biển, những người mà biển là “nồi cơm” của họ.
cá chết
Tại cuộc họp, ông yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương phải điều tra làm rõ nguyên nhân gây sự cố này. Dù bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở khoa học, không ai được bao che, không để sự cố môi trường tương tự xảy ra (VietNamNet, ngày 01/5).
Đây cũng chính là đòi hỏi của người dân cả nước, trước vụ việc quá nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 30/4, trả lời báo Tuổi trẻ, sau khi kiểm tra trực tiếp Formosa, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng TN&MT khẳng định pháp luật VN không cho phép (việc đặt ống thái ngầm, xả thải ngầm) vì Điều 101 Luật Bảo vệ MT có hiệu lực từ năm 2015 đã quy định, bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng.
Người viết bài đã trực tiếp hỏi chuyện TS TôVăn Trường, ông cho biết, quan trọng hơn là cáchkiểm soát khối lượng, chất lượng nước thải thông qua các biện pháp quan trắc môi trường. Vì trên thế giới, nhiều nước vẫn cho đặt đường ống ngầm xả thải ra biển nhưng có quy định kiểm soát chặt chẽ giám sát chất lượng nước xả,kể cả trạm giám sát tự động và kiểm tra thường xuyên.
Vấn đề ở đây là cần làm rõ tất cả hệ thống xả thải không phải là ngầm. Trên bề mặt nổi, dễ kiểm soát là ngay ở bể xử lý nước thải, sau khi đạt tiêu chuẩn mới đưa vào đường ống ngầm.Cơ quan quản lý phải vừa có biện pháp chủ động giám sát vừa bắt buộc chủ DN lắp thiết bị quan trắc/giám sát truyền số liệu trực tiếp đến cơ quan quản lý, chứ đừng trông mong vào sự tự giác của chủ DN.
Như vậy, ống xả ngầm không phải là… thủ phạm, mà thủ phạm là chất lượng nước thải trước khi đưa vào ống xả, có được xử lý và xử lý ra sao?
Đây cũng chính là điều bí ẩn, rất cần sự minh bạch.
Ngoài việc gấp rút mời các chuyên gia Đức, Mỹ, Israel, và các nhà khoa học trong nước (đã có hơn 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường ĐH trong nước liên quan) vào cuộc, mới đây bộ này còn thành lập một đoàn kiểm tra Formosa việc “chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường” tại đây theo chỉ đạo của TTCP.
Tuy nhiên, dư luận XH vừa quan tâm chú ý vừa hoài nghi việc kiểm tra này.
Hoài nghi, vì về căn cứ thực tiễn, việc kiểm tra được báo trước, rất có thể thực tế của việc xả thải, xử lý ở Formosa đã không còn như trước.
Sự hoài nghi này không phải không có lý, bởi kết quả kiểm tra của ngành chức năng, cơ quan chức năng về một số nghi vấn của XH ở hiện tượng mang tính chất tiêu cực, cuối cùng hóa ra đều rất “đúng quy trình”
Cái khái niệm đúng quy trình giờ đây trở nên… tiêu cực với niềm tin của XH.
Người ta chưa quên, vụ Thanh tra Vinashin tới 11 lần, nhưng kết luận cuối cùng, đều không phát hiện được sai phạm nào. Đó là niềm tủi hổ cay đắng..
Trả “học phí” đến bao giờ?
Mọi việc “hậu cá chết” dẫu sao cũng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực của các cơ quan chức năng. Nhưng nỗi đau và vị đắng tình yêu với biển, với cá tôm chưa tan. Một câu hỏi cần đặt ra với các bộ, ngành xung quanh vấn đề này.
Ai cũng biết, nước Việt đi sau nhiều quốc gia tiên tiến, văn minh đã có kinh tế thị trường hàng trăm năm. Về mặt vị thế, đó là sự hạn chế, non kém. Nhưng về mặt phát triển, ở góc độ nào đó, mặt hậu đôi khi cũng có lợi hơn mặt tiền. Đó là bởi có nhiều bài học nhãn tiền của các quốc gia đi trước cho nước Việt tránh dẫm phải vết xe đổ.Nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sinh thái gắn với sự tăng trưởng.
Chỉ tiếc thay, “học phí” của rất nhiều dự án nước Việt vẫn tiếp tục phải trả, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường. Mà nguyên nhân căn cốt nhất- cũng là gót chân Asin của các bộ, ngành- là sự lỏng lẻo những quy địnhpháp lý, lỏng lẻo cung cách quản lý, và bất cập trong năng lực chuyên môn. Khiến cho có khi ngay trong một ngành chức năng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Quản lý- theo định nghĩa của một cựu quan chức- là quản một cách hợp lý. Nhưng xem chừng, cái cách quản của nhiều bộ, ngành chức năng nước Việt chưa đạt trình… hợp lý.




ô nhiễm môi trường
Tỷ như, sự tiền hậu bất nhất của chính ngành, về ống xả ngầm. Lúc thì vị quan chức này nói không cho phép, lúc thì vị quan chức kia nói đã được cấp phép, khiến dư luận XH cứ mắt chữ O mồm chữ A. Ai đúng, ai sai? Tỷ như, Bộ TN&MT đồng ý cho Formosa xả thải thì Tổng cục Môi trường lại khăng khăng, đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển”. Khiến dư luận XH lại mắt tròn, mắt dẹt. Tỷ như, ông Phạm Chí Cường (Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc- luyện kim), khi trả lời báo chí cho rằng, ở nhiều quốc gia, bao giờ người ta cũng có một tỷ lệ nhất định % vốn trong nước tham gia các tập đoàn vốn FDI. Và vì thế, cần phải thay đổi luật, để dù có là DN 100% vốn nước ngoài khi đã đóng trên đất VN, thì không có vùng nào là vùng cấm.
Chợt nhớ đến vị quan chức của Bộ NN&PTNT từng than thở, về cái sự không có thẩm quyềncủa bộ này khi muốn vào kiểm tra Formosa, khiến cả XH, đỏ con mắt bên trái, nóng con mắt bên phải.
Nhất là nước Việt hiện nay đã và đang phát triển 08 khu kinh tế ven biển, gần 300 khu công nghiệp, cùng với hàng chục trung tâm nhiệt điện có “yếu tố nước ngoài” trải dài ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (TBKTSG, ngày 29/4).
Nếu “yếu tố nước ngoài” nào cũng đầy đặc quyền kiểu như Formosa, và xả trộm kiểu như Vedan trước đây từng làm với sông Thị Vải (Đồng Nai), khiến cả XH lúc đó bất bình, phẫn nộ thì môi trường sông, hồ, biển của VN sẽ chỉ còn như ca khúc buồn… có những dòng sông đã qua đời.
 
ống xả thải
Tỷ như, Ts Nguyễn Thành Sơn sau khi nghiên cứu báo cáo đầu tư của Formosa Hà Tĩnh đã trình từ 2008, nhận xét: Nội dung được lập hoàn toàn đối phó, không theo các quy định hiện hành của Luật Đầu tư. Trong đó, đặc biệt phần liên quan đến bảo vệ môi trường rất sơ sài. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục, chủ đầu tư đã được cấp đất và triển khai dự án.Vì sao tỉnh HT lại bất chấp cả các quy địnhpháp luật bảo vệ môi trường, say sưa biển một bên và dự án một bên đến vậy?
Suy ngẫm kỹ, tất cả những cách quản lý lẫn tư duy và năng lực chuyên môn đó tưởng lạ, mà …rất quen.
Nhưng nếu cứ cung cách quản lý đó, năng lực chuyên môn đó, nước Việt sẽ đi về đâu? Chả lẽ, văn minh nhân loại phải hát bài Đợi: Đợi một ngày hóa lạ thành quen/ Đợi một đời hóa quen thành lạ?
Chợt nhớ câu mới đây của ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư khi tiếp xúc với cử tri Đà Nẵng: Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế thuần túy (VietNamNet, ngày 05/5)
Xin chào và Xin- cho
Không chỉ chuyện môi trường biển, mà môi trường kinh doanh trong đất liền cũng luôn có những cái rất lạ thành… quen.
Tại cuộc gặp mặt “Doanh nghiệp VN - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” diễn ra tại t/p HCM ngày 29/4 mới đây, theo Infonet (ngày 30/4), ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN cho biết bức tranh kinh tế năm 2015 không mấy sáng sủa. Tính đến 31/12/2015 cả nước có 513.000 DN còn hoạt động, 428.000 DN ngừng hoạt động, hoặc giải thể.
Mặc dù đã kinh doanh thì chuyện lỗ lãi, thậm chí phá sản, giải thể là chuyện bình thường, nhưng hiện tượng buôn có bạn giải thể có phường ở đây có phần bất thường. Đó là có tới ½ số DN giải thể chỉ diễn ra trong vòng 03 năm trở lại. Con số này có xu hướng gia tăng. Riêng quý I/2016, đã có gần 23.000 DN giải thể. Số các DN ăn nên làm ra chỉ có 42%, còn lại 58% hòa vốn hoặc lỗ.
Những con số tưởng như vô hồn đó, liệu có thể … nói gì về môi trường kinh doanh thuận lợi, hay rủi ro không? Cho dù nghiệp kinh doanh vốn không xuôi chèo mát mái với bất cứ quốc gia nào, DN nào?
Trước đó hai ngày, trả lời VietNamNet, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt giữa các DN, ôngTrần Khắc Tâm- ĐBQH khóa 13, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng chỉ mong, người đứng đầu CP kiên quyết chỉ đạo dọn dẹp "rừng đinh" 7.000 điều kiện kinh doanh.
7000 điều kiện kinh doanh đó là các loại “giấy phép cha”, “giấy phép con”, “giấy phép cháu”(con số này do ông Vũ Tiến Lộc đưa ra) mà theo ông, rất kinh khủng, không thể tưởng tượng nổi. Chính vì thế mà ĐBQH Lê Như Tiến từng ví von con đường của kinh tế tư nhân- “trên rải thảm, dưới rải đinh”
Chả trách các DN tư nhân cứ… khập khiễng trên hành trình hội nhập.
Dư luận XH hẳn chưa quên cách đây ít lâu vụ quán café Xin chào (huyện Bình Chánh, t/p HCM). Một vụ việc tưởng rất nhỏ, nhỏ “như cái móng tay” theo lời tướng CA Phan Anh Minh hóa ra trở thành một vụ việc rất to. To đến nỗi người đứng đầu CP, trước áp lực dư luận XH bức xúc về việc hành xử của các cơ quan chức năng, đã phải vào cuộc chỉ đạo “xem xét lại vụ cafe Xin chào”. Nếu không, chắc chắn ông Nguyễn Văn Tấn- chủ quán Xin chào cũng có cơ… xin chào luôn cái quán café bắt mắt của ông.
Chỉ vì chậm đăng ký kinh doanh 05 ngày chủ quán café Xin chào bị khởi tố hình sự.
Một vụ việc nhỏ nhưng rất điển hình trong một thời cuộc đất nước cần phát triển, tuy nhiên, nền quản trị quốc gia chứa đựng không ít khiếm khuyết về cả tư duy lẫn cung cách quản lý:
Đó là một nhà hàng kinh doanh có lỗi (vi phạm hành chính) bị chuyển sang thành có tội (vi phạm hình sự).
Đó là, các cơ quan chức năng đã quá lạm quyền khi sử dụng luật pháp, biến nó thành công cụ trong tay mình, thực chất là coi thường pháp luật.
Đó là môi trường kinh doanh phản chiếu chứa đựng đầy sự rủi ro, bất trắc, bất bình đẳng.
Tại cuộc họp báo trước khi diễn ra cuộc gặp của người đứng đầu CP với các DN, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng CP đã phải nói thẳng, nếu chủ quan Xin chào “thua”, có nghĩa mọi DN đều có thể đi tù.
Các DN nước ngoài muốn đầu tư vào VN sẽ nhìn vào vụ việc này ra sao? Các DN tư nhân trong nước sẽ lo lắng thân phận kinh doanh của mình thế nào, nếu nhìn vào vụ Xin chào, giữa chữ lỗi và chữ tội chỉ cách nhau có … 05 ngày chậm đăng ký kinh doanh?
Trong khi, khối DNNN với cơ chế Xin- cho, chiếm tới 60% nguồn lực, nhưng chỉ đóng góp 40% GDP?
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN”, theo GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới- với kết cấu hiện tại nền kinh tế VN không thể cạnh tranh, phát triển, bởi không một quốc gia nào trên thế giới đi lên bằng DN nhà nước và các DN FDI mà phải là DN tư nhân. Nếu DN tư nhân èo uột thì không thể phát triển được. Thể chế của ta phải là thể chế hỗ trợ, phát triển DN tư nhân!(Dân trí, ngày 28/3)
Chính vì thế, tại cuộc họp Thường trực CP ngày 25/4, người đứng đầu CP chỉ đạo, cần xóa bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Các bộ ngành không thể vì quyền hạn của mình mà làm trái, làm mất hiệu lực của 02 đạo luật- Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Nhưng người dân, các DN cũng đang chờ đợi, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng sẽ “hóa giải” ra sao cái “rừng đinh” 7000 điều kiện kinh doanh?
Cá chết thì không thể sống lại. Nhưng môi trường biển chết và DN “chết” vẫn có cơ cải tử hoàn sinh, tùy thuộc vào sự đổi mới tư duy và hành động của nước Việt.
Có thể hay… không thể?

Lại xuất hiện hiện tượng cá nuôi chết bất thường ở Tĩnh Gia


Ngày 8/5, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) xác nhận có hiện tượng cá nuôi lồng trên địa bàn huyện bị chết bất thường.

lai xuat hien hien tuong ca nuoi chet bat thuong o tinh gia hinh 0
Một số hình ảnh lực lượng chức năng kiểm tra hiện tượng cá nuôi chết tại huyện Tĩnh Gia trưa ngày 8/5. Ảnh: Phạm Nhài
Hiện nay, ngành chức năng của huyện đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, xác định số lượng cá chết, nguyên nhân khiến cá chết bất thường để có hướng xử lý.
Ghi nhận tại gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Ngân (ở xã Hải Bình) thì gia đình bà Ngân nuôi cá từ năm 2009 đến nay chưa từng thấy hiện tượng cá chết. Từ ngày 5/5, sau khi cho cá ăn lúc 8h sáng thì xuất hiện hiện tượng cá ngáp rồi nổi lên mặt nước. Theo thống kê số lượng cá chết của gia đình bà Ngân gồm 2 tấn cá bớp, 500 con giống cá bớp, 1 vạn cá vược giống… Ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Theo ông Lê Văn Tặng - Trạm trưởng Trạm thú ý của huyện Tĩnh Gia cho biết: Hiện tượng cá chết xuất hiện ở các hộ nuôi cá lồng ở cửa sông Lạch Bạng tại xã Hải Thanh, Hải Bình từ ngày 5/5. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã đến lấy mẫu nước, mẫu cá chết để đưa đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân. Đồng thời, phân công một bộ phận theo dõi hàng ngày tại các khu vực có cá chết (bao gồm 12 hộ dân nuôi cá lồng ở xã Hải Bình, Hải Thanh). Trước đó lực lượng công an cũng như ngành chức năng cũng đã lấy mẫu nước, mẫu cá chết để tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân.
Đến sáng 8/5, tình trạng cá chết chỉ còn lác đác vài con ở một số hộ gia đình.
Trước đó, tại một số xã ven sông Bưởi của huyện Thạch Thành cũng xuất hiện hiện tượng cá sông, cá nuôi lồng chết hàng loạt. Bước đầu phía Công ty CP mía đường Hòa Bình, đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) thừa nhận đã xả thải chưa qua xử lý ra sông Bưởi.
Hiện nay, hiện tượng cá chết vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, đã có gần 20 tấn cá nuôi của các hộ dân bị chết, nước sông Bưởi ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nhiều xã của huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc. Ngành chức năng ngay lập tức cũng đã có thông báo cho người dân không sử dụng nước sinh hoạt sông Bưởi, không sử dụng cá chết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe…
Theo Tiền Phong

“Không có chuyện cá chết xếp lớp ở biển Quảng Bình”


Sự kiện: Tin tức trong ngày

Cảnh quay dưới đáy biển không phát hiện “cá chết xếp lớp” nhưng rạn san hô đã bị “suy thoái”.

Những ngày qua, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về phản ánh của ngư dân xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Theo đó, khi ngư dân lặn xuống biển cách bờ 2-3 hải lý phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển. Nước dưới đáy biển có màu vàng đục, các rạn san hô có một lớp cặn màu trắng đục, mùi hắc như chất tẩy rửa. Ngư dân thả lưới xuống biển thì trắng tinh như vừa mới giặt.
Sáng 9.5, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Bình cho hay, ngày 7.5, Sở đã phối hợp với đoàn công tác Tổng cục Môi trường, thuê thợ lặn quay video, lấy mẫu nước ở vùng biển xã Nhân Trạch.

 “khong co chuyen ca chet xep lop o bien quang binh” - 1

Ngư dân xã Nhân Trạch khi bủa lưới xuống biển thì lưới trắng tinh như mới giặt (Ảnh: Người lao động)
“Qua những hình ảnh quay bằng máy quay chuyên dụng, chúng tôi không thấy hiện tượng cá chết xếp lớp ở vùng biển xã Nhân Trạch. Rạn san hô đang có dấu hiệu suy thoái nhưng chưa rõ suy thoái trong quãng thời gian nào. Nước biển vẫn trong xanh, không có màu bất thường”, ông Hào nói.
Ông Hào cho biết, các mẫu bùn đất, xác thủy hải sản, san hô đã được đoàn gửi về Trung tâm Quan trắc, Tổng cục Môi trường để phân tích chuyên sâu.
Trước thông tin, khu vực biển Nhân Trạch “cá chết không thấy, cá sống cũng không còn nhiều”, ông Hào từ chối bình luận.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát cẩn trọng. Tôi không trực tiếp lặn xuống biển và chưa có kết quả phân tích nên không thể nhận định được”, ông Hào nói.
Trước đó, ngày 6.5, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Bình đã có công văn gửi Tổng cục Môi trường - Bộ TN-MT đề nghị xác minh hiện tượng cá chết xếp lớp dưới đáy ven biển xã Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
Ngày 4.5, ngư dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) phát hiện nước biển có màu đỏ khác thường dài khoảng 1,5km.
Trong khi đó, sau mấy ngày trực tiếp lấy mẫu nước biển ở Quảng Bình và thu thập thông tin từ ngư dân, ngày 6.5, GS-TS Nguyễn Ngọc Lâm và nhóm chuyên gia Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam bước đầu nhận định vệt nước đỏ dài 1,5 km vừa qua không phải là thủy triều đỏ. Theo GS Lâm, khu vực quanh nơi xuất hiện dải nước này có nhiều đất đỏ. Do đó, không loại trừ khả năng đất bị sóng đánh ra biển tạo vệt nước dài có màu đỏ.
Ngày mới - Các thợ lặn bắt đầu lặn xuống biển làm rõ cá chết xếp lớpCác thợ lặn bắt đầu lặn xuống biển làm rõ cá chết xếp lớpQuảng Bình đã thuê thợ lặn để lặn xuống vùng biển có cá chết xếp lớp dưới đáy mà nhiều ngư dân phản ánh, nhằm làm rõ vụ việc, tìm...
Tin tức - Cá chết nhiều chưa từng thấy vì thủy triều đỏ ở ChileCá chết nhiều chưa từng thấy vì thủy triều đỏ ở ChileHàng đống cá voi, cá hồi, cá mòi và ngao chết trong những tháng gần đây ở Chile là do hiện tượng thời tiết bất thường El Nino gây...
Tin tức - Ảnh: Hơn 20 tấn cá chết trắng hồ ở Trung QuốcẢnh: Hơn 20 tấn cá chết trắng hồ ở Trung QuốcKhoảng 20 tấn cá chết nổi trắng mặt hồ ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hôm 4/5.
Theo Tất Định (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét