Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

AN CHI GIẢI ĐÁP 33

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Ngựa Hồ - Chim Việt

Bạn đọc: Có lẽ nhiều người vẫn biết hai câu “Ngựa Hồ hí gió Bắc - Chim Việt đậu cành Nam” xuất xứ từ đôi câu đối tiếng Hán “Hồ mã tê Bắc phong - Việt điểu sào Nam chi” của tiếng Hán. Nhưng trong tiếng Hán thì hai câu này xuất xứ từ đâu? Xin ông vui lòng cho biết. Cảm ơn ông. Trần Đông Ngạc (Cầu Giấy, Hà Nội) 

Học giả An Chi: Sài Môn thi đàn có bài "Ngựa Hồ Chim Việt" của Võ Doãn Nhẫn, mở đầu như sau:
"Ngựa Hồ, chim Việt "do chữ Hồ mã, Việt điểu. Trong Ðường thi có câu "Hồ mã tế (sic [gõ nhầm chăng?]) bắc phong, Việt điểu sào nam chi", nghĩa là "ngựa Hồ hí gió bấc, chim Việt đậu cành nam", do điển rợ Hồ ở phía bắc Trung Hoa đem dâng Hán Vũ Ðế một con ngựa hay; nhưng từ khi sang Trung Hoa được nuôi ở vườn Thượng lâm thì bỏ ăn trông rất buồn và mỗi khi có gió bấc thổi thì hí lên. Lại tích chim Việt thì đời Hùng Vương có đem dâng cho vua Châu Thành Vương một con chim bạch trĩ, chim này chỉ chọn cành nào hướng về phương Nam thì đậu".
Võ Doãn Nhẫn khẳng định như trên, nhưng tiếc rằng thơ Đường thì lại không bài nào có hai câu "Hồ mã tê (không phải "tế") bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Thực ra thì hai câu này đã có từ đời nhà Hán ở bên Tàu. Đây là hai câu nằm trong bài đầu tiên của Cổ thi thập cửu thủ (Mười chín bài thơ cổ) mà tác giả không được biết tên (Vô danh thị). Mười chín bài này được sưu tập sớm nhất là trong "Chiêu Minh văn tuyển" của Chiêu Minh Thái tử Tiêu Thống 
[蕭統], con trai trưởng của Lương Vũ Đế. Những bài thơ này không có tên nên được lấy câu đầu làm nhan đề. Hai câu đang xét nằm trong bài đầu tiên là "Hành hành trùng hành hành" [行行重行行], gồm 16 câu thơ ngũ ngôn, nguyên văn chữ Hán như sau: 
行行重行行, 與君生別離。
相去萬餘里, 各在天一涯;
道路阻且長, 會面安可知?
胡馬依北風, 越鳥巢南枝。
相去日已遠, 衣帶日已緩;
浮云蔽白日, 游子不顧返。
思君令人老, 歲月忽已晚。
棄捐勿復道, 努力加餐飯。
Phiên âm:
Hành hành trùng hành hành - Dữ quân sinh biệt ly
Tương khứ vạn dư lý - Các tại thiên nhất nhai
Đạo lộ trở thả trường - Hội diện an hà tri
Hồ mã y Bắc phong - Việt điểu sào Nam chi
Tương khứ nhật dĩ viễn - Y đái nhật dĩ hoãn
Phù vân tế bạch nhật - Du tử bất cố phản
Tư quân lệnh nhân lão - Tuế nguyệt hốt dĩ vãn
Khí quyên vật phục đạo - Nỗ lực gia xán phạn.
Dịch ý:
Chàng cứ đi, đi mãi - Thiếp với chàng sinh ly
Xa nhau hơn muôn dặm - Mỗi người một phương trời
Đường gian truân xa thẳm - Tái ngộ biết chừng nao
Ngựa Hồ trông gió Bắc - Chim Việt đậu cành Nam
Xa nhau ngày càng dài - Áo mặc ngày một rộng
Mây trôi che khuất nắng - Chàng nào nhớ ngày về
Tiều tụy vì nhớ chàng - Năm tháng càng trôi nhanh
Tâm tư không nói hết - Chỉ mong chàng yên thân.
Cứ như trên thì hai câu "Ngựa Hồ hí gió Bắc - Chim Việt đậu cành Nam" không xuất xứ từ thơ Đường, mà từ một bài thơ trong "Cổ thi thập cửu thủ", được giới nghiên cứu cho là đã ra đời vào khoảng từ 140 đến 190, tức khoảng cuối đời Thuận Đế đến trước đời Hiến Đế nhà Đông Hán. Bài thơ đã phản ánh một cách sinh động tâm tư của người thiếu phụ xa chồng trong cảnh xã hội loạn ly, làm cho người đọc không kìm được sự xúc động, được Thi phả của Trần Dịch [陳繹] ghi nhận là "tình chân, cảnh chân, sự chân, ý chân" (tình thật, cảnh thật, chuyện thật, ý thật). Ý kiến vô căn cứ của Võ Doãn Nhẫn đã làm giảm tuổi thọ của bài thơ từ 400 năm trở lên.
Ngay trước đời Đường thì khai quốc công thần nhà Tùy là Dương Tố cũng đã dụng điển mà viết trong bài "Xuất tái" (Ra biên ải) thứ nhất (vì có hai bài) hai câu "Bắc phong tê sóc mã - Hồ sương thiết tái hồng" [北風嘶朔馬,胡霜切塞鸿]. "Sóc" chỉ hướng Bắc, "sóc mã" chẳng qua là "Hồ mã" và "Bắc phong tê sóc mã" chẳng qua là "Hồ mã tê Bắc phong", có tu từ bằng hình thức đảo ngữ mà thôi. 
Đến đời Đường, Lưu Trường Khanh cũng dụng điển mà viết trong bài "Tòng quân" thứ sáu (vì có sáu bài) hai câu "Hồ mã tê nhất thanh - Hán binh lệ song lạc" (Ngựa Hồ hí một tiếng - Lính Hán lệ [chảy] hai hàng). 
Đến đời Tống, nhiều nhà thơ đã dụng điển "Hồ mã". Dương Ức có bài thơ ngũ ngôn 12 câu nhan đề "Hồ mã tê Bắc phong" nhưng chỉ dụng điển làm nhan đề cho bài thơ mang tính phúng dụ chứ trong 60 chữ của ông không có một chữ "mã" nào cả. Còn trong bài "Đại Trần Vô Kỷ thuật hoài", Ngô Cảnh (có thể đọc Kỉnh) [吳儆] đã mượn gần như "nguyên xi" hai câu cổ thi mà viết "Hồ mã tê Bắc phong - Việt điểu y Nam chi" [胡馬嘶北風 - 越鳥依南枝] làm hai câu đầu cho bài thơ ngũ ngôn 12 câu của mình. Trong bài "Phát Lăng Châu", Văn Thiên Tường viết "Kiện mã tê Bắc phong - Tiềm ngư lạc thâm uyên" [健馬嘶北風 - 潜魚樂深淵]. Lưu Xưởng viết trong bài "Phụ huyên" thứ tư (vì có bốn bài) hai câu "Hồ sô đề triêu sương - Biên mã tê sóc phong" [胡雛啼朝霜 - 邊馬嘶朔風]. Trong bài "Đông mộ" (Chiều đông), Triều Công Tố viết: "Biên mã tê Bắc phong - Tái hoàn thảo diệc suy" [邊馬嘶北風 - 塞垣草亦衰]. Tào Huân viết trong bài "Thu tứ": "Hải thảo vị điêu lục - Hồ mã tê Hàm Tần" [海草未凋綠 - 胡馬嘶咸秦]. V.v... và v.v...
Xin chú ý là vì lý do dị bản nên có một vài nguồn ghi chữ "y" [依] thay cho chữ "tê" (trong câu trước) hoặc chữ "sào" (trong câu sau), khi chép lại bài "Hành hành trùng hành hành". Cuối cùng, xin nói rằng "Hồ mã y Bắc phong - Việt điểu sào Nam chi" cũng chỉ là hai câu thơ đối ý chứ không phải là hai câu đối chính danh vì, chiếu theo luật đối, thì nó đã hỏng ngay từ đầu vì chữ cuối của hai câu đều thuộc vần bằng (nên sai hẳn luật).
Nguồn:

Điệp thức của chữ GIÁC [角]

Bạn đọc: Xin ông cho biết xuất xứ của từ “giác” trong “ống giác”, “giác hơi”. Nó có liên quan gì đến chữ “giác” trong “tê giác” mà ông đã có lần nói đến? Xin cám ơn ông! Trương Thế Mỹ (TP Vũng Tàu)
 

Học giả An Chi: Liên quan đến ý bạn hỏi, Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng: "giác" là một động từ có nghĩa là "làm cho máu tụ lại một chỗ cho đỡ đau, bằng cách úp sát vào đó một dụng cụ hình chén thắt miệng [bầu giác] hoặc hình ống [ống giác] đã được đốt lửa hoặc nén hơi bên trong [một phương pháp chữa bệnh dân gian]". Cái mà từ điển Vietlex gọi là "phương pháp chữa bệnh dân gian" này, tiếng Anh gọi là "cupping therapy" (hoặc "cupping glass treatment"), tiếng Pháp là "traitement par ventouses", còn tiếng Tàu hiện đại là "[bạt] hỏa quán liệu pháp" [(拔)火罐療法].
Trong tiếng Việt, từ, ngữ của phương pháp chữa bệnh dân gian nói trên đã là cơ sở cho việc tạo ra thuật ngữ thực vật học "giác mút", dùng để chỉ dạng rễ của cây ký sinh đâm sâu vào cây chủ để hút chất dinh dưỡng từ cây này. Giác mút, tiếng Anh và tiếng Pháp là "haustorium" (tiếng Pháp cũng dùng "haustorie"), còn Tàu thì gọi là "hấp khí" [吸器]. Danh ngữ "giác mút" đã được dùng để đối dịch "haustorium/haustorie" trong Từ điển thực vật học Pháp Việt do Lê Khả Kế chủ biên (Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1978) hoặc Dictionnaire français-vietnamien, cũng do Lê Khả Kế chủ biên (Agence de Coopération Culturelle et Technique, 1981).
Nếu chỉ bằng vào những cứ liệu trên đây thì ta sẽ không thấy "giác" trong "ống giác", "giác hơi" có liên quan gì đến chữ "giác", có nghĩa là sừng, trong "tê giác" cả. Nhưng nếu tìm cho kỹ thì ta sẽ thấy là có đấy. Trong báo cáo khoa học "De l'utilisation des ventouses [Về việc sử dụng ống giác]" (Formation TUINA EMTC-2006-2008, déposé le 30-05-08), Dominique Schueller cho biết:
"Ống giác đã được dùng từ thời xa xăm, hầu như khắp nơi trên thế giới. Những chiếc (ống giác) đầu tiên có vẻ như đã được chế tác từ sừng của thú vật được khoét rỗng, bên trong người ta đốt lửa để có thể tạo ra chân không và từ đó gây ra một sức hút". (tr.7).
Bà cho biết phương pháp trị liệu đó không những đã được thực hiện ở những nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Hy Lạp, Tàu, Ấn Độ, mà còn tại nhiều nơi khác ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh từ thời xa xưa. Cá nhân chúng tôi đã từng thấy người Trại, tức người Sán Dìu, ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), dùng sừng trâu, nói cho thật chính xác là dùng cái chót sừng, khoét rỗng để làm ống giác. Tới đây thì ta đã thấy sự có mặt của cái vật gọi là sừng trong thao tác "giác". Sừng, tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) là "giác", mà mặt chữ là [角]. "Bắt rễ" từ đây, ta sẽ gặp danh ngữ "hấp giác" [吸角], có nghĩa là "ống giác", là một lối nói trong y học cổ truyền của Tàu như đã được khẳng định tại http://bulo.hujiang.com/question/380483/: "Trung y lý đích bạt hỏa quán" [中医里的拔火罐], nghĩa là "ống giác trong [lối nói của] Trung y".
Ngày nay, Tàu chỉ chơi lối nói mô-đẹc (nói trên) nên đã xếp xó hai chữ/tiếng "hấp giác" [吸角], chứ Nhật thì vẫn còn giữ và đọc theo Kan-on là "kyukaku", mà chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm trên mạng thì ta đã có thể thấy ngay ở trang http://www.shutterstock.com/s/kyukaku/search.html hơn 50 bức ảnh về thao tác giác hơi. Thế là Tàu thì đã xếp xó cái chữ [角] mà âm Bắc Kinh là "jiǎo" (theo pinyin) với cái nghĩa là một thứ y cụ chứ ta và Nhật thì vẫn còn xài: Nhật với âm "kaku" (trong "kyukaku") còn ta thì với âm "giác". Có điều là ta đã chuyển từ loại của "giác" từ danh từ thành động từ (như từ điển Vietlex đã giảng), rồi lại dùng động từ này làm định ngữ hạn định cho "bầu" và "ống" trong hai danh ngữ "bầu giác" và "ống giác". Nhưng dù có chuyển từ loại hay không thì "giác" trong "ống giác", "giác hơi" cũng cứ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [角], mà âm Hán Việt hiện hành chính là … "giác" trong "hấp giác" [吸角].
Thế là cái sừng, nói cho chính xác là cái chót sừng, của một số loài động vật, đã từng được dùng làm ống giác. Nhưng nó còn có một công dụng thú vị khác nữa là làm vật đựng thức uống, dĩ nhiên là cũng từ thời xa xưa. Chẳng thế mà tiếng Việt lai có từ "cốc", được từ điển Vietlex giảng là "đồ dùng để uống nước, uống rượu, v.v... thường làm bằng thủy tinh hoặc nhựa, có thành cao, lòng sâu và không có quai". "Cốc" là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [角], mà âm Hán Việt hiện hành là "giác". Với âm Bắc Kinh "jué" (theo pinyin), nghĩa thứ 7 của chữ "giác" [角] trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) là "cổ đại tửu khí […]", tức "đồ đựng rượu thời xưa […]". Tại nghĩa này, quyển từ điển đã dẫn "Bộ [角]" trong Thuyết văn thông huấn định thanh của Chu Tuấn Thanh đời Thanh như sau: "Nghi cổ tửu khí chi thủy, dĩ giác vi chi, cố [觚], [觶], [觴], [觥], đẳng tự đa tùng [角]", nghĩa là "ngờ [rằng] đồ đựng rượu sơ khai thời xưa làm bằng sừng, do đó [mà] các chữ "cô", "chi", "thương", "quanh", v.v., thường thuộc bộ "giác" [角]". Chí lý! Ở đây cần phải nói rõ rằng với nghĩa đang bàn thì âm Bắc Kinh của chữ [角] là "jué" còn với nghĩa "sừng" thì âm Bắc Kinh của nó lại là "jiǎo" nhưng âm Hán Việt của nó thì lại không phân hóa thành hai. Đó vẫn chỉ là "cổ nhạc thiết" [古岳切], tức là "các" (rồi về sau mới bị đọc thành "giác"). Vậy "các" thì liên quan gì về ngữ âm với "cốc" trong '"cốc nước", "cốc bia", v.v...? Xin thưa là có vì hai vận AC và ÔC có một mối quan hệ lịch sử lâu đời: các chữ "ác"
[握], [渥], chẳng hạn, cũng có âm "ốc" và hài thanh bằng chữ "ốc" [屋]; đặc biệt, chữ "giốc" trong danh ngữ "thế ỷ giốc" chính là chữ "giác" [角] mà ta đang nói đến. Vậy thì chẳng có gì lạ nếu việc dùng sừng (giác < các) làm đồ đựng thức uống đã gián tiếp sản sinh ra từ "cốc" trong tiếng Việt.
Rồi việc trâu, bò dùng sừng để húc đã đem đến cho chữ "giác" [角] cái nghĩa "húc", rồi nghĩa rộng là đánh nhau, tranh nhau. Nghĩa này đã đưa đến cho tiếng Việt động từ "cốc" mà từ điển Vietlex giảng là "gõ vào đầu bằng một đầu ngón tay gập lại".
Cái nghĩa "sừng" của chữ 'giác"
[角] còn đem đến cho tiếng Việt một danh từ là "gạc" mà từ điển của Vietlex giảng là "sừng già phân nhánh của hươu, nai". Mối quan hệ ngữ âm "GI ↔ G[H]" giữa "giác" và "gạc" thì không còn là chuyện lạ trong lĩnh vực từ nguyên học về các từ Việt gốc Hán: - "giá" [嫁] là gả chồng ↔ "gả" trong "cưới gả";
- cũng chữ"giá" [嫁] này nhưng với nghĩa "trút, trao cho người khác" ↔ "gá" trong "gá nợ", "gá nghĩa";
- "giải" [蟹] là cua ↔ "ghẹ" là một giống cua;
- "giam" [監] là nhốt kẻ có tội ↔ "găm" là "giữ lại không chịu đưa ra vì một mục đích nhất định (như trong "găm giữ");
- "giám" [監] là trông coi, xem xét ↔ "gắm" trong "gửi gắm", mà về từ nguyên, cũng là điệp thức của "ký giám" [寄監], có nghĩa gốc là "
[bắt rồi] giao cho nhà ngục tạm giam";
- "giáp" [夾] là kép, trái với "đơn" ↔ "ghép" trong "gán ghép";
- "giới" [疥] là ghẻ ↔ "ghẻ" trong "ghẻ chốc"; v.v...
Còn với nghĩa hình học của nó trong "đa giác", "tam giác", "tứ giác", v.v... thì "giác" [角] có một điệp thức là "góc" trong "góc cạnh". Rồi với cái nghĩa là một phần mười của một đồng, tức một hào, thì chữ "giác" còn đem đến cho tiếng Việt danh từ "cắc", một thời rất thông dụng trong Nam. "Nam cắc, Bắc hào". Biết rằng "giác" vốn là "các", ta sẽ dễ dàng thấy rằng từ "các" đến "cắc", chỉ có một bước nhỏ từ "a dài" sang "a ngắn" mà thôi.
Nguồn:

Nói rõ thêm về NƯỚC

Bạn đọc: Trong bài “Lạ nước lạ cái” (Năng lượng Mới số 486), ông An Chi đã giải thích rằng, “nước” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [略] mà âm Hán Việt là “lược”. Ông còn nói thêm “lược” có 1 nghĩa là: cõi, vùng. Đây là một cách giải thích nghe rất hợp lý. 

Nhưng tôi có một cách giải thích khác cho từ này: “nước” là một từ thuần Việt chứ không phải gốc Hán. Chữ ghi âm “nước” thường gặp trong văn bản Hán Nôm là chữ Nôm [洛], theo ý tôi người ta mượn chữ Hán [洛] có âm Hán Việt đọc là “lạc” để ghi một điệp thức cổ của từ “nước” là “nác”. Điệp thức này vẫn tồn tại trong tiếng Mường và phương ngữ Thanh Nghệ, ví dụ sử thi của người Mường là “Đẻ đất đẻ nác”. Ngoài ra còn thấy trong từ điển chữ Nôm từ “nước” được ghi bằng [渃], một chữ Hán có âm đọc Hán Việt là “nhược”. Xin ông cho thêm ý kiến.
Học giả An Chi: Chúng tôi rất hoan nghênh bạn đã đặt lại vấn đề để cùng góp phần làm cho mọi việc thêm sáng tỏ và xin trả lời bạn như sau.
Từ "nước" mà chúng tôi nói đến trong bài "Lạ nước lạ cái" (Năng lượng Mới số 486) dùng để chỉ một khái niệm địa lý mà chính chúng tôi đã nói rõ:
" […] "nước" (trở xuống sẽ ghi là "nước1") là một từ chỉ một vùng đất nhất định. Đây là nghĩa gốc xa xưa còn nghĩa của nó trong tiếng Việt hiện đại thì được từ điển Vietlex giảng là "vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị - xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định". Chúng tôi bàn về từ "nước" này còn "nước" trong sử thi Đẻ đất đẻ nước (trở xuống sẽ ghi là "nước2") của người Mường thì lại là chất lỏng không màu, không mùi mà công thức hoá học là H2O. Để chứng minh, chúng tôi xin dẫn phần "Đẻ nước" (của Đẻ đất đẻ nước) trong "Sưu tập ca dao tục ngữ - Văn hóa Việt" của mạng e-cadao.com để bạn tham khảo:
"1. Xuất xứ.
"Đoạn thơ này trích gần trọn chương "Đẻ nước" trong sử thi Đẻ đất đẻ nước; từ câu 268-334 theo sưu tầm của Hoàng Anh Nhân (Thanh Hóa).
"2. Ý chủ đạo.
"Đoạn thơ nói về trận đại hồng thủy thời tiền sử - buổi đầu khai thiên lập địa theo cách cảm nhận riêng của người Mường xa xưa.
"3. Ông Pồng Pêu.
"Là Thần Mưa theo cách gọi của ngưòi Mường.
"Thiên tai kéo dài "Hạn chín tháng biền biệt - nắng mười hai năm xác đất" làm cho muôn loài đau khổ: "cây cau úa cả tàu - rừng vàu không mọc măng", làm cho "chó mực, chó ngao lè lưỡi, rái cá phải chạy lên đồi"...
"Ông Pồng Pêu lúc đó đang ngồi đan chài và đan lưới trong nhà, bình dị như con người lao động. Ông ngước nhìn khắp trời đất, rồi gọi gió, gọi "mưa cho mát lòng các loài thú hiền thú dữ, cây lau cây bái". Tức thì trời mưa to. Pồng Pêu là biểu tượng cho ý nguyện của muôn loài muôn vật và con người vì sự sống bất diệt trên trái đất.
"4. Cảnh trời mưa.
"Mưa miêu tả dữ dội chẳng khác nào trận đại hồng thuỷ trong Kinh thánh nói đến. Mây vàng mây đen đùn lên che kín cả bầu trời, gió ùn ùn thổi điên cuồng. Cun Sấm nàng Sét cùng ra oai:
Lanh lảnh cun sấm xuống thét
Lăm lăm nàng sét xuống đánh.
"Mưa kéo dài "mưa 9 đêm, mưa liền 9 ngày". Hạt mưa "to bằng hột cà" về sau "to bằng quả bưởi". Nước ngập mênh mông. Mưa để "rước nàng ngâu về trời" để "đưa chàng ngâu qua sông Ngân". Mưa "ngập cây", "ngập bụi", mãi "bốn tháng nước rút - bảy tháng nước xuôi". Mưa đem đến sự sống cho đàn cua đá, đàn cá, đàn ba ba, đàn cá chuối, đàn nòng nọc, đàn cá cơm. Sau khi "đẻ nước", trời "đẻ đất".
Có đất, đất đang xơ xác,
Có nước, nước ùn đục ngầu
Đó vẫn là cảnh thiên địa sơ khai.
"Biện pháp lặp và liệt kê được nhà thơ dân gian xưa của tộc Mường, vận dụng tạo nên ấn tượng "đẻ nước". Thần mưa, thần sấm, thần sét, Chức nữ, Ngưu lang... được nói đến hồn nhiên, đầy ý vị. Đoạn sử thi đã giải thích hiện tượng mưa gió, lũ lụt qua cảm quan nghệ thuật "vạn vật hữu linh" của người Mường thời viễn cổ". "Nước" trong Đẻ đất đẻ nước là như thế, tức là "nước2". Tuy có nhiều dị bản nhưng "đẻ nước" trong thiên sử thi này thì luôn luôn là tạo ra "nước2", tức H2O. Người Mường không có từ dùng để chỉ khái niệm "nước1", tức khái niệm "quốc gia". Họ chỉ có từ "mường", dùng để chỉ một phạm vi đất đai nhất định. Đây là một từ Mường gốc Thái, có nhiều phần chắc chắn là Thái Tây Bắc Việt Nam. Nhưng ngoài cái nghĩa thông thường này (như trong Mường La, Mường Lự, Mường Thanh, Mường Tè, v.v...), người Thái Tây Bắc Việt Nam (do ảnh hưởng từ tiếng Lào) còn dùng từ "mường" (họ đọc thành mưỡng) để chỉ khái niệm "quốc gia", "tổ quốc".
"Nước Việt Nam" trong ngôn ngữ của họ là "Mưỡng Việt Nạ", như đã ghi nhận trong Từ điển Thái - Việt do Hoàng Trần Nghịch - Tòng Kim Ân biên soạn (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990). Cái nghĩa này là hệ quả của sự tiến hóa lịch sử - xã hội mà người Thái Lan và người Lào đã trải qua, rồi về sau đã nhập vào tiếng Thái Tây Bắc Việt Nam. Nhưng trong tiếng Mường thì không; trong thứ tiếng này thì "mường" lại chỉ một khái niệm hẹp hơn, thấp hơn. Đó chỉ là một phạm vi đất đai tương đương với làng, xã hay huyện, xưa thuộc quyền cai quản của một chúa đất.
Tuy Từ điển Mường - Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nguyễn Văn Khang chủ biên (NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002) có ghi nhận danh ngữ đẳng lập tất đác và đối dịch là "đất nước" nhưng đây chẳng qua là một lối nói tân tạo (neologism) trong tiếng Mường, do ảnh hưởng của tiếng Kinh (Việt) mà ra. Mà sự tân tạo này cũng không thích đáng vì nước trong "đất nước" của tiếng Kinh là "nước1" chứ không phải "nước2" nên cũng không thể dịch thành "đác" (là chất lỏng, là H2O). Sở dĩ người ta phải sản sinh ra cái danh ngữ kỳ dị này thì chỉ đơn giản là vì tiếng Mường không có từ dùng để chỉ khái niệm "quốc gia", tức "nước1", như đã nói. "Nước" trong "đất nước" cũng chính là "nước" trong "nước nhà", "nhà nước" và chỉ là một từ đồng âm với "nước" trong "sông nước", "nước non", "non nước". Đây là một hiện tượng rất tế nhị nên dễ làm cho người ta nhầm lẫn nhưng người làm từ nguyên thì không thể nhầm lẫn. Quyển từ điển trên đây cũng có ghi nhận những mục từ như "nước nước, đất nước, tổ quốc" và "nước nhà nước nhà, quốc gia" nhưng đây hiển nhiên là những từ, ngữ mà tiếng Mường đã mượn thẳng của tiếng Việt ngay ở thời hiện đại.
Còn "nác" của phương ngữ Bắc Trung Bộ mà bạn đã nêu thì chỉ là một từ tương ứng với "nước2", chỉ chất lỏng. Bắc Trung Bộ không hề có "nác" mà lại tương ứng với "nước 1". Từ điển tiếng địa phương Nghệ-Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999) có đến 26 mục liên quan đến từ "nác" (như: nác bạc, nác cắn, nác chát, nác chảy lộ trụng, nác cốt, v.v...) nhưng đây chỉ là điệp thức mang tính địa phương của "nước2". Người miền Bắc Trung Bộ không nói *nác Mỹ, *nác Nga, *nác Tàu, v.v... để chỉ nước Mỹ, nước Nga, nước Tàu, v.v...
Chữ "nác" mà bạn nói là Nôm ghi bằng chữ "lạc" [洛] thì cũng chỉ là "nước2", tức chất lỏng. Chỉ có chữ [渃] mới được dùng để ghi cả "nước1" lẫn "nước2" mà thôi. Nhưng xét theo việc tạo tự, đây không phải là chữ Hán (như bạn nói), mà là một chữ Nôm thuộc loại hình thanh, nên đã được xếp vào loại F2 trong Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng (Tập 1, NXB KHXH - Hội Bảo tồn DSCN, 2014).
Cuối cùng, bạn khẳng định rằng "nước" (ở đây là "nước1") là một từ thuần Việt chứ không phải gốc Hán. Đây là một điều mà khẳng định thì dễ nhưng chứng minh lại rất khó vì, như chúng tôi từng nói, từ thuần Việt chỉ là từ mà ta không biết được nguồn gốc. Bạn căn cứ vào ngữ liệu cụ thể nào để khẳng định rằng nó là "thuần Việt"? Không có.
Nguồn:

'Lạ nước lạ cái'

Bạn đọc: Xin ông cho biết, “lạ nước lạ cái” có nghĩa là gì và đâu là từ nguyên của “nước” và “cái” trong câu này? Có người đã gắn nó với thức ăn; lại có người gắn nó vào cuộc đỏ đen nên tôi phân vân? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Hồng Phúc (TP Vũng Tàu)
 

Học giả An Chi: Có ý kiến cho rằng, "lạ nước lạ cái" là một thành ngữ dùng để chỉ phản ứng của cá nhân trước một món ăn lạ mắt, lạ miệng. "Nước" thì đương nhiên là phần chất lỏng của canh còn "cái" là phần nguyên liệu dùng để nấu canh mà tinh chất đã được "chiết xuất" khi đun nấu, nên thường được quan niệm là không còn nguyên chất bổ, chất béo vì những chất này đã được hòa tan vào nước canh. Vì thế mà có câu thành ngữ dùng để nói đùa là "Khôn ăn cái, dại ăn nước". Nhưng câu tục ngữ "ngược" này thì nói về chuyện ăn uống chứ câu "lạ nước lạ cái" lại không nói về chuyện ăn uống.
Cách hiểu thứ hai có thể có thì lại gắn câu "lạ nước lạ cái" vào trò đỏ đen. "Nước" là cách đoán bài, đi bài, nói tóm lại là cách chơi nơi đổ trường còn "cái" là "sếp sòng" dĩ nhiên là sòng bài, mà dân gian thường gọi là "nhà cái". Vậy theo cách hiểu thứ hai thì câu thành ngữ đang xét dùng để nói lên sự dè dặt, sự thận trọng của con bạc mới, và vì "chưa quen với môi trường" nên chưa tính được đường đi, nước bước ra sao. Thì cũng chỉ là suy luận cho có vẻ cầu kỳ chứ theo cách hiểu quen thuộc - mà hoàn toàn chính xác - thì "lạ nước lạ cái" chẳng qua là "lạ nơi, lạ chốn". Hầu như tất cả các quyển từ điển quen thuộc đều giảng như thế. Xin dẫn một đại diện đáng tin cậy là Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên: "Bỡ ngỡ, chưa quen trước cảnh lạ, người lạ, vì vừa mới đến".
Cứ như trên thì "nước" là một từ chỉ một vùng đất nhất định. Đây là nghĩa gốc xa xưa còn nghĩa của nó trong tiếng Việt hiện đại thì được từ điển Vietlex giảng là "vùng đất trong đó những người thuộc một hay nhiều dân tộc cùng sống chung dưới một chế độ chính trị - xã hội và cùng thuộc về một nhà nước nhất định". Dĩ nhiên là ở đây, ta không thể câu nệ được. Chữ "bang" [邦], chẳng hạn, thường được dịch là "nước"; nhưng "nước" Mỹ có đến 50 bang thì sao? Đây là nói về nghĩa. Còn về từ nguyên thì "nước" là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [略] mà âm Hán Việt hiện hành là "lược".
Về mối quan hệ "L ↔ N" giữa "lược" và "nước" thì ta còn có thể dẫn chứng bằng nhiều trường hợp tương tự:
- "lãm" [攬] là nắm ↔ "nắm" trong "nắm bắt";
- "loại" [類] là giống, loài ↔ "nòi" trong "nòi giống";
- "loan" [巒] là núi nhỏ mà nhọn ↔ "non" trong "núi non";
- "lôi < lồi" [畾] là vùng đất ruộng ↔ "nội" trong "đồng nội";
- "lỗn" ("noãn" [卵] trên, "tâm" [心] dưới) là mập, bự ↔ "nộn" trong "phì nộn";
- "long" (trái "hoả" [火], phải "long" [龍]) là đốt ↔ "nung" trong "nung nấu";
"lũng" [壟] là gò đất cao ↔ "nỗng" trong "gò nỗng"; v.v.. Trở lên là nói về mặt ngữ âm. Về nghĩa thì chữ "lược" [略] có một cái nghĩa quan trọng mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho súc tích như sau: "cương giới" [彊界], nghĩa là bờ cõi đất đai. Còn Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì đối dịch chỉ bằng một chữ là "cõi". Xét về từ nguyên thì cái nghĩa này hoàn toàn ăn khớp với nghĩa xa xưa của từ "nước" mà chúng tôi đã nêu ở trên. Nhân tiện cũng xin nói thêm rằng chữ "nước" của giới đỏ đen cũng do chữ "lược" [略] này mà ra. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng là "Mưu kế. Trí". Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp giảng là "Mẹo". Còn Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng thì giảng là "sự tính toán sắp đặt". Với những cái nghĩa trên đây thì, về mặt từ nguyên, ta thật khó lòng phủ nhận sự liên quan ngữ nghĩa giữa "lược" và "nước" trong "nước bài", "nước cờ", v.v… Thế là ta có hai đẳng thức:
- "lược" [= cõi, bờ cõi đất đai] ↔ "nước" [= một vùng đất nhất định] (1);
- "lược" [= mưu kế; mẹo; sự tính toán sắp đặt] ↔ "nước" [trong "nước bài", "nước cờ", v.v…] (2).
Hai đẳng thức này là hai trường hợp đồng dạng từ nguyên học (khác nghĩa nhưng tương quan ngữ âm như nhau) - mà thỉnh thoảng chúng tôi có nói đến - và với hai trường hợp đồng dạng như thế này thì mối liên quan từ nguyên giữa hai vế trong mỗi đẳng thức là điều chắc chắn.
Tóm lại, trong "lạ nước lạ cái" thì "nước" không phải là H2O, mà cũng chẳng phải là sự lựa chọn cách đi cờ, đánh bài, v.v... trong trò đỏ đen. Ở đây, nước là "một vùng đất nhất định. Nhưng còn "cái" thì sao?
Xin thưa rằng "cái" là một từ cổ và là âm xưa của chữ [界] mà âm Hán Việt hiện hành là "giới". Thiết âm của nó trong Quảng vận (đầu thế kỷ XI) là "cổ bái thiết" [古拜切]; vậy lẽ ra nó phải được đọc là "C[ổ] + [b]ÁI" = CÁI. Ta còn có những chữ "cái" khác - những trường hợp đồng dạng từ nguyên học - cũng trải qua một sự chuyển biến ngữ âm tương tự":
- "giới1" [介] là một đơn vị từ, đồng nguyên với "cá"
[个], có nghĩa là "cái", vốn đọc là (vđl) CÁI. Trong Kinh nghĩa thuật văn [經義述闻], Vương Dẫn Chi đã chỉ ra rằng cả hai chữ vốn chỉ là một nhưng về sau người ta dành âm CÁ cho chữ [个] và âm CÁI > GIỚI cho chữ [介] (Theo Vương Lực, Đồng nguyên tự điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr. 431). Với nghĩa này thì, khi vào đến tiếng Việt, "cái" là một danh từ đơn vị (trước đây bị gọi là "loại từ"), như trong "cái bàn", cái ghế", cái mâm", v.v…
- "giới 2" [介] là to lớn, vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), mà "cái" thì hiện nay lại vinh dự được nhiều người xem là "thuần Việt",như có thể thấy trong (ncttt) "cột cái", "đường cái", "sông cái [sông con]", v.v...
- "giới 3" [戒] là phòng ngừa, thận trọng, giữ gìn, chay tịnh, v.v..., vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), nay chuyển sang thanh điệu 1 thành "cai" ncttt "cai nghiện", "cai sữa", v.v…
"giới 4" [芥] là [rau] cải, vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), nay đã chuyển sang thanh điệu 4 thành CẢI, ncttt "cải bẹ xanh", "củ cải", "cải xà-lách", v.v...
"giới 5" [疥] là ghẻ, vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), ncttt "cái ghẻ" ( = động vật chân đốt rất nhỏ, sống kí sinh ở da, gây ra bệnh ghẻ [Từ điển Vietlex]). Cuối cùng, ta có:
- "giới 6" [界], vđl CÁI (Quảng vận: "cổ bái thiết"), có nghĩa là cái ranh giữa hai vùng đất, rồi vùng đất hạn chế trong những lằn ranh, rồi vùng đất, và xa hơn nữa là bờ cõi.
Với âm và nghĩa của "giới 6" [界], như đã thấy trên đây, ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng CÁI là âm xưa của "giới6" [界], đồng thời là một từ cổ, có nghĩa là một vùng đất nhất định. Đây chính là nghĩa của "cái" trong thành ngữ "lạ nước lạ cái".
Nguồn:

Tác dụng của thanh phù

Bạn đọc: Tôi đã nghe lỏm ông An Chi có nói rằng thanh phù của các chữ Hán thuộc loại hình thanh rất có ích cho việc truy tầm từ nguyên của nhiều từ Việt gốc Hán. Xin ông cho một vài thí dụ. Cảm ơn ông.
Trần Bá Đào (Yên Phụ, Hà Nội)
 

Học giả An Chi: "Thanh phù" là một khái niệm liên quan đến một khái niệm khác là "hình thanh tự", tức chữ hình thanh. Hình thanh là một trong sáu phép đặt chữ của Tàu, cùng với 5 phép khác là: tượng hình, chỉ sự, hội ý, chuyển chú và giả tá.
Chữ hình thanh gồm hai thành phần là nghĩa phù và thanh phù. Nghĩa phù, cũng gọi hình phù [形符], là yếu tố chỉ phạm trù ngữ nghĩa của chữ, nằm trong 214 bộ quen thuộc thường thấy trong nhiều quyển từ điển. Còn thanh phù là yếu tố dùng để chỉ âm (cách đọc) của nó, có khi là chữ đồng âm tuyệt đối, có khi chỉ là chữ cận âm mà thôi. Chữ "trượng"
[杖], chẳng hạn, là một chữ hình thanh mà nghĩa phù là "mộc" [木] ( = cây) còn thanh phù là "trượng" [丈] (= đơn vị đo lường bằng 10 thước). Nhưng trên đây chỉ là nói về nguyên tắc và điểm xuất phát chứ do quá trình biến chuyển theo thời gian thì hiện nay âm của thanh phù và âm của chữ mà nó hài thanh có khi khác nhau rất xa, thí dụ như "địa" [地] (= đất) là một chữ hình thanh mà thanh phù lại là "dã" [也] (= cũng). Khác nhau rất xa! Rồi chữ "dã" [也] này lại hài thanh cho chữ "trì" [池] là ao, cũng khác nhau rất xa. Nhưng với tư cách là thanh phù của cả "địa" [地] lẫn "trì" [池], chính chữ "dã" lại là một chỗ dựa chắc chắn để ta kết luận rằng "đìa" là điệp thức của "trì". Dưới đây, xin giới thiệu về một thanh phù đặc biệt là chữ "quê" [圭], thường đọc là "khuê" (trong "sao Khuê").
1.- Nó là thanh phù trong chữ "quái" [卦] mà nghĩa phù (bộ thủ) là "bốc" [卜], có nghĩa là "quẻ" (trong "quẻ bói"). Về mối quan hệ AI ↔ UE/OE, ta còn có: – "quái" [獪] (= gian trá) ↔ "qué" trong "mách qué"; ↔ "khoái" [快] (= mau lẹ, nhanh chóng; thích chí; nhọn sắc, sắc sảo; v.v...] ↔ "khỏe" trong "khỏe khoắn"; chữ "hòe" trong "hoa hòe hoa sói" theo đúng phiên thiết phải đọc là "hoài" [槐].
2.- Nó là thanh phù trong chữ "oa" [蛙] (= chẫu chuộc) mà "nhái" (trong "ếch nhái") là một điệp thức, tuy rất xa về ngữ âm nhưng lại rất thuyết phục vì một lý do rất đơn giản và hiển nhiên là chử "oa" [蛙] hài thanh bằng chữ "quê" [圭] mà chữ "quê" [圭] cũng hài thanh cho chữ "nhai" [街] (= đường đi). "Nhái" (thanh điệu 5) chỉ khác "nhai" (thanh điệu 1) có một cái dấu "sắc" (').
3.- Nó là thanh phù trong chữ "giai" [佳] (= tốt, đẹp) mà "hay" là một điệp thức không thể phủ nhận được vì hai lý do. Một là về mối quan hệ AI ↔ AY, ta còn có: "bài" [排] (= sắp xếp) ↔ "bày" trong "phô bày"; "khái" [愾] (= giận, ghét) ↔ "kháy" trong "nói kháy"; "đại" [袋] (= túi, tay nải) ↔ "đãy" (= túi to); v,v... Còn về mối quan hệ GI ↔ H thì chính chữ "giai" [佳] hài thanh bằng chữ "quê" [圭] mà chữ "quê" [圭] còn hài thanh cho chữ "hài" [鞋] là "giày".
4.- Nó là thanh phù trong chữ "hài" [鞋] là "giày" mà chính "giày" là một điệp thức của nó, như đã có thể thấy tại mục 3 trên đây.
5.- Chữ "nhai1" [厓] và chữ "nhai2" [睚] là hai đồng nguyên tự (chữ cùng gốc), vì cả hai đều cùng một nghĩa gốc là "bên, cạnh": "nhai1" [厓] là "bờ nước" còn "nhai2" [睚] thuộc bộ "mục" [目] (= mắt) là "bờ mắt", như Lưu Quân Kiệt [劉鈞杰] đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển tái bổ (Ngữ văn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1999, tr.10). "Nhai2" [睚] hài thanh bằng "nhai1" [厓] còn "nhai1" [厓] thì lại hài thanh bằng "quê" [圭], thường đọc thành "khuê". Đây chính là căn cứ đầy đủ sức thuyết phục cho phép kết luận rằng "khóe" trong "khóe mắt" chính là điệp thức của "nhai2" [睚].
Tóm lại, với 5 trường hợp trên đây liên quan đến thanh phù "quê/khuê" [圭], chúng tôi đã chỉ ra được từ nguyên của 5 từ "quẻ", "nhái", "hay", "giày" và "khóe" mà chắc chắn có nhiều người, kể cả nhiều nhà, sẽ cho là những từ "thuần Việt". Cả 5 từ này đều là những từ Việt gốc Hán.
Nguồn:

Súng ống - Đạn dược

Bạn đọc: “Súng ống, đạn dược”: Tại sao “ống” lại đi với “súng”, rồi “dược” lại đi với “đạn”? Xin ông giải thích giúp và xin cảm ơn ông.  Nguyễn Hữu Bài (Hà Nội)
 

Học giả An Chi: Trước nhất, xin nói rằng "súng ống" là một danh ngữ được tạo ra trong nội bộ của tiếng Việt còn "đạn dược" lại là một danh ngữ mượn "nguyên xi" từ tiếng Hán (dĩ nhiên là đọc theo âm Hán Việt).
Trong tiếng Việt hiện đai thì "đạn dược" là một danh ngữ được quan niệm là dùng để chỉ tất cả các loại đạn, lựu đạn, bom, mìn, tên lửa, nói chung là các vật nổ gây sát thương, tiêu diệt hay phá hoại. Đây là một danh ngữ mượn thẳng từ tiếng Hán và trong tiếng Hán thì nó là một danh ngữ đẳng lập gồm có "đạn" và "dược". Trong tiếng Hán thì "đạn" [彈] gồm có phi đạn, pháo đạn, lựu đạn, tạc đạn, v.v...; còn "dược" là "trá dược" [炸藥] (thuốc nổ), "hỏa dược" [火藥] (thuốc súng). Chính là với cái nghĩa này mà "dược" mới được ghép vào "đạn" thành danh ngữ đẳng lập "đạn dược", dùng để chỉ khái niệm tổng hợp mà tiếng Anh gọi là "ammunition", thường gọi tắt là "ammo", tức là dùng để chỉ đạn, lựu đạn, bom, mìn, tên lửa, v.v... Danh từ chỉ thuốc nhồi bên trong đạn ("dược") mà đi chung với danh từ chỉ "đạn" thì âu cũng là chuyện bình thường và càng là chuyện thú vị nếu ta biết thêm rằng "thuốc" và "dược" lại là hai từ cùng gốc, như chúng tôi đã từng chứng minh. Nhưng đối với nhiều người Việt thì "dược" thường được biết đến nhiều hơn thông qua các danh ngữ như: dược khoa, dược liệu, được phẩm, dược sĩ, dược thảo, y dược, nghĩa là biết đến với nghĩa gốc là "thuốc để trị bệnh". Có lẽ vì thế nên mới sinh ra điều thắc mắc mà bạn đã nêu chăng?
Còn "ống" mà đi chung với "súng" thì cũng là chuyện bình thường vì đây là hai khái niệm gắn bó với nhau như môi với răng. Chẳng thế mà "súng" đã được giảng là "vũ khí gồm chủ yếu một ống kim loại (thường bằng thép) gọi là nòng súng, dùng để phóng một viên đạn do sức đẩy của một liều thuốc cháy ở đằng sau tống mạnh ra", như có thể thấy trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên. Còn quyển từ điển cùng tên của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên thì giảng ngắn gọn là "tên gọi chung các loại vũ khí có nòng hình ống". Cứ theo hai lời giảng trên đây thì hiển nhiên là hai khái niệm "súng" và "ống" gắn bó với nhau như hình với bóng. Vậy chẳng có gì lạ nếu hai thứ này "cặp kè" với nhau để tạo thành danh ngữ đẳng lập "súng ống". Nhưng những lời giảng trên đây xuất phát từ thực tế của thời hiện đại, khi mà giới quân sự đã có nhiều loại súng tối tân khác nhau chứ, theo chúng tôi, thì danh ngữ "súng ống" lại có tuổi "xưa" hơn nhiều. Tuy vốn là chuyện xảy ra ở bên Tàu trước nhưng vì là "đồng văn" nên thường cũng được bên ta biết đến. Mục "Thuốc nổ" thuộc Chương 9 (do Kim Thu Bằng viết), Phần bốn của quyển "Lịch sử văn hóa Trung Quốc" do Đàm Gia Kiện chủ biên (nhóm Trương Chính dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993) có đoạn:
"Hỏa khí hình ống thì Trần Quy đời Tống phát minh năm 1132, lấy tên là "hỏa thương". Hỏa thương làm bằng ống tre to hai người vác, lúc dùng, nạp hỏa dược vào, lâm chiến thì đốt ngòi, ngọn lửa phun ra thiêu cháy địch. Thứ hỏa khí ấy, mặc dù còn giản lậu, nhưng nó mở đường cho loại hỏa khí hình ống. Đến giữa thế kỷ XII, lại có người phát minh "đột hỏa thương", làm bằng "ống tre to, trong nạp những ổ lửa nhỏ", châm ngòi thì ổ lửa bắn ra. Đó là hỏa khí hình ống bắn đạn xưa nhất.
Hỏa khí hình ống bằng kim loại xuất hiện vào thời gian nào, còn chưa xác định được. Nhưng chậm nhất cũng vào đầu thế kỷ XIV, đời Nguyên, đã có "đồng hỏa súng" (súng bằng đồng). Súng này bắn đạn đá, nạp hỏa dược vào thân súng, cuối súng có ngòi, châm ngòi thì bắn đạn đá ra". (Sđd, tr.793). Sang đời Minh, súng hình ống họng to dần dần được gọi là "pháo" [砲,礮] còn loại có nòng nhỏ thì gọi là "súng" [銃]. Chữ [礮] chính âm là "pháo" nhưng bị đọc sai thành "bác" (do suy luận theo chữ "bác" [駮] bên phải?) nên tiếng Việt hiện đại mới có danh ngữ "đại bác" chứ ngày xưa thì ta gọi pháo là "súng thần công". Súng thần công của ta, cũng như của Tàu, đều là súng có thân hình ống, mà Tàu gọi là "quản hình" [管型]. Cứ như trên thì, một lần nữa, "ống" mà cặp kè với "súng" chỉ là chuyện bình thường mà thôi, nếu không nói là tất yếu.

Nguồn:

Dậy non là gì?

Bạn đọc: Xin ông cho biết nghĩa của hai tiếng “dậy non” trong câu “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Xin cảm ơn ông. Trần Quang Long (TP Vũng Tàu)

Học giả An Chi: "Dậy" là một vị từ động (thường gọi là động từ) mà Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là: 
1.- chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái thức […]. 
2.- chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi, hay từ tư thế nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng. 
3.- chuyển từ trạng thái không có những biểu hiện rõ rệt của sự tồn tại sang trạng thái có những biểu hiện rõ rệt [nói về cái gì nổi lên, rực lên, bốc lên, v.v…].
Còn quyển từ điển cùng tên do Văn Tân chủ biên thì giảng là:
1.- cất mình lên.
2.- thức, không ngủ nữa.
3.- nở ra.
4.- nổi lên.
Với những nghĩa đã cho trên đây, ta có thể thấy rằng "dậy" là một điệp thức của "dấy", mà từ điển Hoàng Phê giảng là: 
1.- nổi dậy hoặc làm cho nổi dậy. 
2.- [trạng thái, cảm xúc] nổi lên và biểu hiện mạnh mẽ."
Còn từ điển Văn Tân thì giảng "dấy" là "nổi lên, vùng lên", với một số mục liên quan: "dấy binh", "dấy loạn", "dấy nghĩa", "dấy nghiệp", "dấy quân". 
Cứ như trên, ta có thể kết luận rằng "dấy" và "dậy" đều vốn có một nghĩa chung là "gây ra", "tạo nên", v.v…, đặc biệt là với hai ngữ vị từ "dấy giặc" và "dậy giặc" mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị:
"Dậy giặc: Nổi giặc, làm giặc".
"Dấy giặc: Làm cho sinh giặc, gây cho có giặc, nổi giặc".
Với hai ngữ vị từ này thì "dấy" và "dậy" hiển nhiên là hai từ đồng nghĩa với nhau và đều cùng diễn đạt cái hành động gây ra, tạo ra một vật hoặc một hiện tượng nào đó do danh từ đi liền sau nó thể hiện. Chẳng qua là, với "dậy" thì đây là một nghĩa cổ nên, nói chung, nó không còn được biết đến nữa. Và với cái nghĩa cổ này thì "dậy non" chẳng qua là một ngữ vị từ cổ xưa, có nghĩa là "dựng núi", "tạo ra núi". Ngày nay, danh từ "non" (= núi) hầu như không còn được dùng độc lập nhưng xưa kia thì nó thông dụng hơn nhiều, như vẫn còn có thể thấy trong "đầu non gốc núi", "hòn non bộ", "lên non", "một cây làm chẳng nên non", "non xanh nước biếc", v.v… Với phép thần thông được truyền tụng của hắn ta thì "Cao Biền dậy non" có nghĩa là "Cao Biền tạo núi" chứ không có nghĩa gì khác. Tại mục "Thực hư về mả Cao Biền", một thành viên trên Diễn đàn của http://thegioivohinh.com đã viết: "Ở Phú Yên, hiện nay vẫn có người kể chuyện Cao Biền gánh núi, Cao Biền đào sông […]. Trong dân chúng đã có hiện tượng lẫn lộn, đồng nhất nhân vật truyền thuyết Cao Biền với những vị thần núi, thần rừng, thần sông, thần biển... mà chính mình đã tạo ra trên mảnh đất này". Chính là với tinh thần đó mà câu "Cao Biền dậy non" đã ra đời. Chẳng qua vì không còn hiểu được nghĩa gốc của ngữ vị từ đang xét nên người ta mới tạo ra cách hiểu theo từ nguyên dân gian mà "giảng" rằng "dậy non" là "nổi lên trong điều kiện chửa chín muồi", như có thể thấy trong từ điển Văn Tân. Rồi từ đó người ta mới bịa ra câu chuyện phi lý về việc Cao Biền luyện âm binh. 
Chuyện kể rằng Cao Biền có phép thần thông "tản đậu thành binh". Mỗi khi cần có quân lính đi đánh dẹp, hắn chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, ủ kín, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu sẽ hóa thành một tên lính. Có lần Cao Biền đọc thần chú còn thiếu nên khi mở ra thì tuy hạt đậu đã thành lính nhưng đều còn non chưa đủ sức, đứng lên không vững. Đó là trạng thái mà dân gian, và cả nhà nghiên cứu, đều cho là "Cao Biền dậy non". Thay vào những hạt đậu, có dị bản kể rằng hắn ta luyện những âm binh bằng giấy.
Lại có dị bản kể rằng khi sang nước Nam Cao Biền đã yểm bùa nhằm triệt hạ long mạch của ta. Hắn nuôi 100 âm binh để phục vụ cho việc này. Cao Biền nhờ một bà lão hàng nước thắp mỗi ngày một nén hương để gọi dậy một âm binh. Khi thắp đủ 100 nén hương thì sẽ gọi dậy được đủ 100 tên. Nhưng bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền bằng cách thắp cả 100 nén hương trong vòng 1 ngày. Kết quả là âm binh của Cao Biền đã dậy đủ 100. Nhưng vì không đủ ngày, nghĩa là vì "dậy non" nên lính tráng của Cao Biền đã không làm được gì nên hồn. Phi lý! Cao tay ấn và đầy mưu mẹo như Cao Biền mà lại phó mặc cho một bà lão hàng nước "trông coi" âm binh của mình. Chi tiết quá ngây ngô. Đã thế nhưng đại đa số tác giả còn đi xa hơn mà nói rằng mỗi khi thấy người nào sức yếu, tay chân cử động run rẩy, người ta hay so sánh bằng câu thành ngữ: "Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non". Tác giả trên Diễn đàn của http://thegioivohinh.com còn dẫn cả ca dao: Con nhạn chắp cánh bay chuyền
Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.
Thực ra, "lẩy bẩy" ở đây đâu có chỉ sự lập cập của người ốm yếu mà chỉ cái trạng thái bề ngoài lơ mơ, bất định, đầu thì lắc lư, toàn thân run rẩy, thuộc phần "diễn xuất" mở đầu của các pháp sư để tạo cho "hiện trường" thêm vẻ linh thiêng. Tiếc rằng người đời lại không đặt hai tiếng "lẩy bẩy" vào cái không khí "hành nghề" đó mà lại gắn nó vào đầu, mình và tứ chi của người ốm yếu nên hành động "tạo sơn" đã bị biến thành hiện tượng "nổi lên trong điều kiện chửa chín muồi", như đã giảng trong từ điển do Văn Tân chủ biên. Chị vợ đã than phiền chông mình "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non" chỉ nên dùng hai tiếng "lẩy bẩy" mà bỏ cái vế so sánh "như Cao Biền dậy non" đi chứ nếu quả đúng anh ta thực sự "lẩy bẩy như Cao Biền" thì cái nội lực "dậy non" của đức lang quân sẽ đưa chị ta lên chín tầng mây (nên chẳng có gì phải than phiền).
A.C 
Nguồn:

Cầu thủ ra ràng là cầu thủ mới mọc… lông tơ

Bạn đọc: Xin ông cho biết, “cầu thủ ra ràng” là cầu thủ như thế nào? Gần đây, đã có một số nhà báo dùng từ như thế. Xin cảm ơn ông. Khoái Bóng Đá (Thị Nghè, TP HCM)
 

Học giả An Chi: "Cầu thủ ra ràng" là cầu thủ mới mọc lông tơ. Nhưng muốn biết thực ra các tác giả đó muốn nói gì thì có lẽ ta cũng nên dẫn những câu cụ thể của họ để suy luận.
- "Hiện tại, lứa cầu thủ đầu tiên của PVF đã 18 tuổi và sắp "ra ràng", nhưng PVF đã có sự chuẩn bị nào để tung ra sản phẩm đầu tiên do họ đào tạo?" (Đỗ Tuấn, "PVF - thế lực mới của bóng đá trẻ", Bóngđá+, 23-3-2015).
- "Lứa U17 của PVF nay chỉ còn 1 năm nữa là "ra ràng" []" (Nhật Thành, "Tiêu cực ảnh hưởng tới bóng đá trẻ: Nỗi lo "đầu ra" của các trung tâm đào tạo", laodong.com.vn, 29-7-2014).
- "Lò PVF cho "ra ràng" lứa cầu thủ đầu tiên" (tuoitreonline, 11-9-2015).
- "Và ngày lứa cầu thủ đầu tiên của học viện này ra ràng, ai cũng phấn khởi […..]" (Nhất Huy, "Xem Hoàng Anh Gia Lai, nhớ Cảng Sài Gòn", Công an TP HCM, ngày 23-11-2015).
V.v… và v.v…
Với bốn câu trích dẫn trên đây thì hiển nhiên là các tác giả của nó chỉ đơn giản muốn nói rằng các cầu thủ kia sắp "rời khỏi trung tâm đào tạo", nhưng vì khoái "sáng tạo" nên mới dùng hai chữ chuyên chỉ một đặc điểm của chim. "Ra ràng" là một ngữ đoạn vị từ thường đi chung với hai tiếng "bồ câu" thành "bồ câu ra ràng", mà ta có thể đọc thấy trên mạng một cách dễ dàng. Nhưng hiểu nó cho đúng thì hãy còn là một vấn đề mà chúng tôi muốn đặt lại, thay vì cứ để cho nó trôi qua một cách tự nhiên nhi nhiên. Ta hiện đang có ba cách hiểu.
1. Thô thiển nhất là ý kiến mặc nhiên cho rằng, "ràng" là "chuồng [bồ câu]", như có thể thấy trong hai dẫn chứng hoàn toàn trùng hợp về ngôn từ sau đây:
1a. "Bồ câu ra ràng là chỉ chim bồ câu đã được 10-15 ngày tuổi, thường vươn cổ thập thò ở tổ và ra ràng để đón ăn mồi (Lai Minh, "Bồ câu ra ràng", Tổ quốc, 22-1-2013).
1b. "Bồ câu ra ràng là chỉ chim bồ câu đã được 10-15 ngày tuổi, thường vươn cổ thập thò ở tổ và ra ràng để đón ăn mồi" (Chim bồ câu gốc quê đại bổ dưỡng cho sức khỏe, nongsanyenthe.com).
2. Cũng có cách hiểu mơ hồ, thiên về thời gian sinh trưởng như:
2a. "Trong thuật ngữ ẩm thực, chim ra ràng là thịt bồ câu khoảng một tháng tuổi; nó đã đạt tới kích cỡ gần trưởng thành nhưng chưa đầy đặn" ("Tình hình sử dụng thịt chim bồ câu", naihuou.com, 25-1-2014).
2b. "Chim bồ câu ra ràng là loại chim vừa mới sinh sản khoảng 15 ngày tuổi" ("Bồ câu ra ràng là gì", Trang trại chim bồ câu Pháp Quảng Ngãi).
2c. "Bồ câu ra ràng là loại chim vừa mới nở khoảng 10 ngày tuổi, thuộc món đại bổ chính hiệu..." ("Hấp dẫn bồ câu ra ràng", SAIGONamthuc.vn, 7-10-2013).
2d. "Chim non... sau khi nở được 3 tuần tuổi là ra ràng và chim mẹ lại chuẩn bị đẻ lứa tiếp theo, như vậy một cặp bồ câu cứ sau 40-45 ngày là cho ra một thế hệ mới" (hieumap, "Bồ câu đẻ?", Diễn đàn sinh vật cảnh Việt Nam).
3. Gần với sự thật nhất, nhưng lại không hoàn toàn hiển ngôn, là những ý kiến sau đây:
3a. "Chim ra ràng là chim mà lông dưới cổ và cánh rất ngắn và thưa, chúng chưa bay được" ("Bồ câu ra ràng ngon, bổ , rẻ - giao tận nơi", Vatgia.com).
3b. "[…] chim bồ câu dùng để hầm phải là chim mới ra ràng, chưa đủ lông […]" (DS Mỹ Nữ, "Bồ câu ra ràng hấp hạt sen", Đà Nẵng điện tử, 5-4-2010).
3c. "Chúng to chừng nắm tay và mọc lông măng thưa thớt, chỉ có phần cánh và phần lưng là mọc dày hơn chút đỉnh" (Chim bồ câu gốc quê đại bổ dưỡng cho sức khỏe, nongsanyenthe.com).
3d. "Bồ câu phải là bồ câu "mới ra ràng", vừa mới mọc đầy đủ lông con chứ bồ câu già quá thì không còn ngọt, thịt bị dai" ("Thưởng thức món bồ cầu tiềm thuốc bắc ở Quy Nhơn", KinhteSaigonOnline, 19-4-2012).
3e. "Bồ câu ra ràng (mới bắt đầu đủ lông) là béo và mềm ngọt nhất" (Cách nấu cháo chim bồ câu bổ dưỡng cho bà bầu và trẻ em, vaobepnauan.com).
Cách hiểu thứ 3 là cách hiểu xác đáng hơn vì rất gần với nội dung ngữ nghĩa của hai tiếng "ra ràng" mà Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) giảng là "nói chim con, thường là chim bồ câu, mọc đủ lông" còn từ điển cùng tên của Vietlex do Hoàng Phê chủ biên thì giảng là "[chim non] mới mọc đủ lông, đủ cánh, bắt đầu có thể bay ra khỏi tổ". Thực ra thì lời giảng của cả hai quyển từ điển trên đây đều cần được chỉnh lý. Từ điển Văn tân đã đưa vào lời giảng nét nghĩa "mọc đủ lông" thì không chính xác còn từ điển Hoàng Phê lại chế tạo thêm cái nét nghĩa "bắt đầu có thể bay ra khỏi tổ" thì càng bay xa sự thật. "Ràng" là lông tơ của loài chim cho nên "ra ràng" có nghĩa là "đang mọc lông tơ" và ngữ đoạn này cùng nằm trên một trục đối vị (paradigmatic axis) với "ra hoa", "ra lá", "ra nhánh", "ra nụ", "ra rễ", v.v... Vậy "bồ câu ra ràng" là "bồ câu con đang mọc lông tơ" (Xin xem ảnh) nên chẳng làm sao "có thể bắt đầu bay ra khỏi tổ". Hai quyển từ điển mang đặc trưng của phương ngữ Nam Bộ là Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của và Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đều nhầm lẫn vì đã đánh đồng hai chữ đồng âm (theo ngữ âm Nam Bộ) khác nghĩa là "ràn" và "ràng". "Ràn" là "chuồng gia súc, gia cầm" còn "ràng" là "lông tơ của loài chim". Đại Nam quấc âm tự vị không có "ràng" mà chỉ có "ràn" nhưng lại ghi nhận hai mục: - "Ra ràn. Chim con mới nở, mới ra khỏi ổ, mới biết chuyền".
- "Cu con ra ràn. Chim cu mới nở, hiểu là một vật ăn rất ngon".
Giảng như vậy thì mâu thuẫn vì mới nở thì không thể ra khỏi ổ (tổ) và càng không thể biết chuyền. Và cu con mới nở thì cũng chẳng ai ăn vì chỉ có "cu con ra ràng" (chứ không phải "ràn") mới được "hiểu là một vật ăn rất ngon" mà thôi. Việt Nam tự điển cũng không có "ràng" còn mục "ra ràn" thì được giảng là "tơ, nói về loài chim vừa mọc lông, to con, thịt mềm, chưa rỏ ( = chưa săn chắc - AC). Ở đây, lời giảng thì có thể xem là đúng nhưng chính tả thì sai vì chữ "ràng" lại bị ghi thành "ràn". Phải là "ràng" thì mới vần một cách ngon lành với "nàng" trong câu "Nhất chim ra ràng, nhì nàng bỏ guốc" hoặc với "tang" trong câu "Cau phơi tái, gái mãn tang, bồ câu ra ràng, gà mái ghẹ".
Tóm lại, "ra ràng" là "mọc lông tơ"; bởi vậy ta không nên vì sính chữ mà biến cầu thủ mới "rời khỏi trung tâm đào tạo" thành "cầu thủ mới… mọc lông tơ".
Nguồn:
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét