Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

CÂU CHUYÊN TÌNH BÁO 52

(ĐC sưu tầm tên NET)

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Bức điện mã của Zimmermann (7)

VietnamDefence -
Như đã nói ở trên, ngay từ đầu chiến tranh, Đức đã bị cách ly với thế giới bên ngoài: trong tay nước Đức chỉ còn lại hai kênh liên lạc bằng cáp xuyên Đại Tây Dương - từ Stockholm đến Buenos Aires thuộc về Thuỵ Điển và từ Copenhagen đến Washington là tài sản của Mỹ.
Cả hai kênh đều không tin cậy vì phải thông qua một đài tiếp phát do người Anh kiểm soát. Và các chuyên gia mã thám Anh đã không bỏ qua cơ hội tận dụng điều đó.

Thông tin mà Anh thu được rất có giá. Giá trị nhất là bức điện mật mã được giải mã một phần ngày 17 tháng 1 năm 1917 do ngoại trưởng Đức Zimmermann gửi cho phái viên Đức ở Mêhicô. Trong phần bức điện mà các chuyên gia mã thám Anh đọc được nói rằng, từ ngày 1 tháng 2 sẽ bắt đầu cuộc chiến không hạn chế trên biển có sử dụng hạm đội tàu ngầm Đức. Người Anh đã giữ kín nội dung bức điện mật của Zimmermann vì sợ làm lộ nguồn tin. Lúc đó, Đức đã kịp thực hiện thành công một số bước thực tiễn nhằm hiện thực hoá các kế hoạch mở màn cuộc chiến tàu ngầm của mình.

Một trong các bước đó là việc trao công hàm ngày 31 tháng 1 năm 1917 tuyên bố bắt đầu cuộc chiến tàu ngầm tàn bạo vào ngày 1 tháng 2 cho đại sứ Mỹ ở Berlin. Cuộc chiến tàu ngầm đã trực tiếp động chạm đến quyền lợi và thể diện của Mỹ, bởi vậy ngày 3 tháng 2, Tổng thống Mỹ Wilson đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Dù sao thì sau khi quan hệ Đức-Mỹ bị cắt đứt, cùng với phong trào ủng hộ chiến tranh với Đức mạnh lên ở Mỹ, còn có ý kiến khá vững chắc cho rằng, tiếp tục duy trì lập trường trung lập cũng có những cái lợi. Tuy vậy, sai lầm chết người đối với nước Đức của ngành ngoại giao Đức trong những ngày này đã giáng đòn quyết định cuối cùng vào tất cả những người Mỹ ủng hộ trung lập và tạo điều kiện khá dễ dàng cho trò chơi của những kẻ chủ chiến.

Đến giữa tháng 2 năm 1917, người Anh đã đọc được bức điện mật mã của Zimmermann và phát hiện ra là trong đó, ngoài những thứ khác, Đức còn đề nghị Mêhicô tham chiến chống Mỹ nhằm lấy lại những lãnh thổ đã mất vào tay Mỹ. Khó mà tưởng tượng một đề nghị nào từ phía Đức với một ai khác lại có thể làm người Mỹ tức giận đến thế. Ngày 20 tháng 2, nội dung bức điện mật mã này đã được thông báo cho đại sứ Mỹ ở London Page.

Người ta đã kể một "chuyện cổ tích" rằng, họ lấy được bản sao bức điện mật mã của Zimmermann ở Mêhicô và chuyển đến London để giải mã nên bản rõ của nó được chuyển cho đại sứ Mỹ hơi chậm - phải đến ngày 20 tháng 2. Page đã tin điều đó và người Anh rất lấy làm hài lòng khi biết thế sau khi giải mã được bức điện của ông ta gửi Tổng thống Wilson. Và ngày 1 tháng 3 năm 1917, bản rõ bức điện mật mã của Zimmermann đã được đăng toàn văn trên báo chí Anh.

Tuy nhiên, đa số phe cánh hữu ở Mỹ ban đầu tỏ ra rất nghi ngờ về tính chân thực của thông tin này. Một là Wilson không nói rõ làm thế nào bản rõ bức điện mật mã của Zimmermann lại lọt vào tay ông, - có nghĩa là có thể phỏng đoán rằng tổng thống là nạn nhân của một trò bịp bợm nào đó. Hai là nội dung của tài liệu có vẻ quá vô lý. Đề nghị Mêhicô, nước có số dân ít hơn 8 lần dân số Mỹ, lại yếu và nghèo hơn Mỹ cả trăm lần, tấn công nước láng giềng hùng mạnh để lấy lại phần lãnh thổ bằng cả nước Mêhicô nghe ra thật vô lý.

Việc bản sao bức điện mật mã của Zimmermann được gửi qua Washington và bản sao của nó vẫn được lưu ở đây đã góp phần xoá tan nghi ngờ. Bản sao này đã được chuyển từ thủ đô Mỹ đến London để các chuyên gia mã thám Anh, với sự hiện diện của Page, thể hiện tài nghệ của mình. Thêm vào đó, họ đã nhanh chóng giải mã một loạt các chỉ dẫn từ Berlin làm rõ nội dung bức điện hoả tốc của vị ngoại trưởng Đức và chuyển chúng cho chính phủ Mỹ. Và điều đáng ngạc nhiên là Zimmermann, thay vì phủ nhận tính chân thực của văn bản bức điện của mình mà báo chí Anh đăng tải, lại đi thừa nhận nó.

Chuyện bức điện mật mã của Zimmermann đã khiến một tờ báo Đức đưa ra nhận xét rất sắc sảo rằng "mọi người chúng ta đều nói ngành ngoại giao của chúng ta đang bị lèn cứng bởi các nhà quý tộc bất tài và đã đến lúc nhường đường cho những tài năng từ giai cấp tư sản", thế mà đại diện đầu tiên của giai cấp tư sản đã làm những điều mà hàng chục nhà quý tộc bất tài nhất không hề nghĩ.

Tất nhiên là bức điện rủi ro của Zimmermann đã định đoạt quyết định của Wilson tuyên chiến với Đức. Chủ nghĩa đế quốc Mỹ bị lôi cuốn tham gia chiến tranh thế giới thứ I bởi chính những lợi ích vụ lợi của nó. Tuy nhiên, để biện minh cho quyết định của Mỹ đứng về phía phe đồng minh trong con mắt công luận, bức điện mật mã của Zimmermann đã đóng vai trò quyết định. Điều đáng lưu ý là người Đức nhất quyết từ chối thừa nhận sự kém cỏi về mật mã của họ mà lại đoán rằng các gián điệp của kẻ thù đã tiếp cận được bản rõ bức mật điện của Zimmermann.

Sau chiến tranh, đã xuất hiện nhiều phương án về việc bằng cách nào người Anh đã láy được loại mật mã ngoại giao của Đức cho phép họ đọc bức điện của Zimmermann. Chính người Đức khẳng định mật mã này là do kỹ sư vô tuyến điện trẻ người áo Alexander Czeck cung cấp. Anh ta được quyền đến đài vô tuyến điện ở Brusells, nơi thường gửi đi các bức điện vô tuyến của chính phủ cho các nhà ngoại giao Đức ở nước ngoài. Mẹ của Czeck là người Anh.

Chính thông qua bà ta, Czeck đã được hứa một khoản tiền lớn nếu như anh ta kiếm được mật mã bí mật của Đức. Theo giả thiết của Đức, Czeck chạy sang Anh với mật mã mà người Anh khao khát trong tay. Sau đó, người ta đã mất dấu vết anh ta. Khi chiến tranh kết thúc, cha của Czeck đã cố tìm kiếm con trai, nhưng chính phủ Anh đã kiên quyết chối từ yêu cầu cung cấp tin tức có thể soi sáng số phận Czeck.

Theo Churchill, đóng vai trò quyết định trong việc đọc được bức điện của Zimmermann là các quyển mã lấy được từ tuần dương hạm Đức Magdeburg. Chính nhờ chúng mà các chuyên gia mã thám Anh đã tìm được cách giải phá các mật mã của chính phủ Đức.

Giả thiết thứ ba có liên quan đến tên tuổi của vị lãnh sự Đức ở Iran Karl Wasmus, người đã tiến hành hoạt động phá hoại tích cực chống quân Anh. Chẳng hạn như ông ta đã định cho nổ đường ống dẫn dầu. Tuy nhiên, người Anh đã đánh đòn phủ đầu vào đơn vị phá hoại đang nghỉ ngơi của Wasmus. Vị lãnh sự thức dậy trong bộ pijama đã kịp nhảy lên ngựa và phi đi mất, nhưng ông ta không kịp mang theo hành lý. Đồ đạc của Wasmus đã được đưa về London và được cất giữ ở tầng hầm một toà nhà hành chính ở thủ đô. Sau này, khi tình cờ nói chuyện với một sĩ quan đến từ Iran, Hall được biết về số đồ đạc của Wasmus và đã hạ lệnh lập tức mang đến cho mình.

Trong số hành lý có một quyển mã mà sau đó đã đi vào lịch sử tình báo vô tuyến điện tử với tên gọi "mật mã 13040". Sau đó đã xảy ra việc kỹ sư trưởng đài vô tuyến điện Đức ở Constantinople mời chiêu đãi sau kỳ nghỉ phép ở nước Đức trở về. Sau bữa ăn, ông ta vui mừng gửi 6 bức điện giống nhau cho các đồng nghiệp ở các đài vô tuyến điện của các lãnh sự quán Đức trên khắp thế giới, mỗi thư đều dùng loại mã thích hợp với lãnh sự quán đó. Sau khi biết được "mật mã 13040", người Anh đã chả khó khăn lắm để phá giải mật mã của 5 lãnh sự quán khác của Đức trên thế giới. Điều đó cũng đã giúp họ nắm được nội dung bức điện mật mã của Zimmermann.

Cuối cùng, theo một giả thiết nữa, mật mã ngoại giao Đức mà nhờ nó có thể đọc được bức điện này là do gián điệp nào đó của phe đồng minh có biệt danh Smith lấy được. Anh ta được phái tới Brusells với nhiệm vụ đánh cắp các mật mã của Đức. Tại thủ đô Bỉ, Smith đã tìm ra một nữ trợ thủ giá trị có vỏ bọc là một nữ hầu bàn quán cà phê Ivonna mà một sĩ quan Đức làm việc tại đài vô tuyến điện đang yêu mê mệt. Với cớ học vô tuyến điện, Smith đã moi được từ anh ta tin tức về các yếu tố chủ yếu của mật mã ngoại giao Đức và đã vượt thoát qua giới tuyến theo hướng ngược lại. Lập tức sau khi Smith thoát đi, quân Đức đã bắt giữ Ivonna vì họ đã theo dõi từ lâu các chuyến viếng thăm đáng ngờ của một báo vụ viên Đức trẻ, nhưng họ đã không thể lần ra ý nghĩa thực sự của các "bài học vô tuyến điện".

Những giả thiết nêu ra ở trên không nhất thiết mâu thuẫn với nhau bởi vì người ta có thể lấy được cùng loại mật mã bí mật bằng những cách thức khác nhau, còn bản rõ của bức điện của Zimmermann lấy được là nhờ nỗ lực phối hợp của các chuyên gia mã thám và các điệp viên. Tuy nhiên, màn bí mật che phủ việc này đã nhiều năm đang buộc người ta phỏng đoán rằng, chân lý vẫn còn chưa được khám phá.

Để tổng kết những điều đã nêu về vai trò của tình báo vô tuyến điện tử Anh trong chiến tranh thế giới thứ I, cần nhận xét rằng trước khi tham chiến, quân đội Anh đã tính đến việc tiến hành chiến tranh bằng các phương tiện thông thường. Theo người Anh, sử dụng kỵ binh sẽ làm cho liên lạc vô tuyến điện trở nên thừa. Tuy nhiên, những trông đợi đã không được thoả mãn: thay vì các hoạt động tác chiến linh hoạt, chiến tranh để sống còn đã diễn ra. ỷ vào hạm đội mạnh nhất thế giới, nước Anh coi mình là bất khả xâm phạm và coi thường việc Đức sử dụng các thành tựu kỹ thuật mới là tàu ngầm và khinh khí cầu. Những khó khăn xuất hiện đã được người Anh khắc phục phần lớn nhờ tình báo vô tuyến điện tử

Tình báo điện tử Anh: Nguồn gốc lịch sử - Xảo thuật đặc chất Anh (6)

VietnamDefence - Năm 1917, bộ chỉ huy quân đội Anh quyết định sử dụng các phương pháp tình báo vô tuyến điện tử đã được kiểm nghiệm trong cuộc chiến chống nước Đức ở Cận Đông, nơi quân Thổ Nhĩ Kỳ do các sĩ quan Đức chỉ huy đã kiên cường kháng cự các mưu toan của quân đội Anh từ Ai Cập xâm nhập vào Palestine.
Để giành thắng lợi, người Anh phải tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ nếu không thì quân Thổ với hệ thống đường sá tốt ở phía sau các trận địa của mình, sẽ có thể đưa nhanh quân tăng viện đến để chặn đứng cuộc tấn công. Nhưng làm thế nào để giữ bí mật cho sự di chuyển của mấy chục ngàn lạc đà thồ tạo ra những đám mây cát bụi?

Người Anh đã vận dụng khéo léo thủ đoạn tung tin giả. Bằng các thủ đoạn khác nhau, người Anh đã để quân Thổ biết được mật mã của Anh và họ dùng mã này để gửi đi các bức điện giả. Cùng với thông tin công vụ, các báo vụ viên Anh còn gửi lên làn sóng cả những tin tức mang tính cá nhân.

Các đơn vị quân Anh hoạt động dường như dựa vào những mệnh lệnh chuyển cho họ qua vô tuyến điện và được mã hoá bằng loại mật mã đã được cố ý để lộ kia. Còn để làm cho bộ chỉ huy Đức-Thổ tin chắc rằng thông tin họ nhận được là đúng, quân Anh quyết định "thảy" cho quân Anh một chiếc xà cột sĩ quan.

Trước hết, người ta bỏ vào đó 200 bảng Anh. Tính toán này dựa trên suy tính cho rằng các sĩ quan Thổ tham nhũng sẽ nghĩ là không có ai lại tình nguyện vứt bỏ một khoản tiền lớn đến thế. Tiền được kẹp trong cuốn sổ ghi chép quân đội, trong đó ngoài thông tin giả còn có một loạt những ghi chép thật. Cuối cùng, trong xà cột còn có một số bản chép nháp - chúng không chứa tin "rởm" mà là để giúp quân Thổ đọc được các tài liệu mã hoá giả khác.

Không lâu sau, khi chạm phải một toán tuần tiễu Thổ, một sĩ quan Anh  đã bắn vào họ. Để thoát khỏi sự truy đuổi, anh ta đã tháo bỏ chiếc đai yên ngựa buộc chiếc xà cột, ống nhòm và một của quý trên sa mạc là bầu đựng nước. Sau khi giàn cảnh bỏ chạy vội vàng, anh ta vứt bỏ khẩu súng trường được bôi đẫm máu ngựa và lảo đảo trên yên cứ như đã bị trúng đạn và trốn khỏi sự truy đuổi.

Sau khi anh ta trở về doanh trại, quân Anh vội vã phát đi khắp nơi các bức điện vô tuyến thông báo mất các tài liệu quan trọng và phái đi các đội kỵ binh tuần tiễu đông đảo để tìm kiếm.

Kết quả của chiến dịch được thực hiện là đã làm cho kẻ thù hoàn toàn bị đánh lừa. Khi khai thác thông tin từ các bức điện của Anh được giải mã và hoàn toàn tin vào chúng, kẻ thù đã không hề ngờ rằng, quân Anh đang ráo riết chuẩn bị tấn công. Sau một thời gian, mặt trận Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chọc thủng. Thắng lợi này có ý nghĩa lớn đối với Londonn không chỉ về mặt quân sự mà cả về mặt chính trị trong bối cảnh khối đồng minh Anh-Pháp-Nga chịu những thất bại trên mặt trận phía Tây.

Còn bây giờ, chúng ta chuyển từ Cận Đông sang Đông Phi, nơi quân Anh tuy có ưu thế lớn đối với quân địch, nhưng trong mấy năm không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến chống đội quân của viên trung tá Đức Paul von Lettow-Vorbeck (1870-1964). Quân Anh thường xuyên chặn thu và giải mã các bức điện mà Lettow-Vorbeck và cấp trên của ông ta ở Berlin trao đổi với nhau.

Tháng 11 năm 1917, Lettow-Vorbeck đã xin tiếp tế vũ khí trang bị để tiếp tục cuộc chiến bán du kích của mình đang cầm chân gần 300 ngàn quân đồng minh ở Đông Phi. Thông qua điệp viên ở Bulgaria, người Anh đã biết người Đức đưa đến từng bộ phận và lắp ráp tại đó một khinh khí cầu định dùng để chở đạn được và thuốc men sang Đông Phi.

Ngày 16 tháng 11, chiếc khinh khí cầu đã cất cánh từ Bulgaria về hướng châu Phi. Nhưng khi đến biên giới thuộc địa Đức ở Đông Phi, nó đã quần đảo vô vọng để chờ đợi tín hiệu quy ước từ mặt đất để hạ cánh: viên trung tá Đức lúc đó đang tiến hành một cuộc tập kích chống quân Anh.

Cũng trong lúc đó, từ Berlin gửi đến một bức điện nói rằng, Lettow-Vorbeck đang bị bao vây và chiếc khinh khí cầu phải quay về nhà. Sau khi khinh khí cầu quay về, người ta mới phát hiện ra bức điện gửi từ Berlin mà thuyền trưởng chiếc khinh khí cầu nhận được là do có bức điện hoả tốc của trung tá Lettow-Vorbeck gửi bằng vô tuyến điện.

Trên thực tế, bức điện này không phải do Lettow-Vorbeck gửi mà là do quân Anh vì họ đã biết cả vị trí của Lettow-Vorbeck và loại mật mã mà ông ta sử dụng để liên lạc với bộ chỉ huy ở thủ đô nước Đức.

Tuy vậy, những thắng lợi này của người Anh bị lu mờ so với đại thắng của họ trong lĩnh vực đọc điện tín ngoại giao mã hoá của Đức.


Tình báo điện tử Anh: "Người Nga" - Fetterlein (1)

VietnamDefence - Ngày 1 tháng 11 năm 1919, Anh đã thành lập cơ quan tình báo vô tuyến điện tử có tên gọi là Trường Mật mã và Cơ yếu Chính phủ (Goverment Code and Cypher School - GCCS) trong cục tình báo hải quân của Bộ Hải quân Anh và đặt dưới quyền chỉ huy của cục trưởng cục này.
Tại sao một người nước ngoài không cố sống
ở nước ta như chúng ta cố sống ở nước họ?
Bởi vì chẳng cần làm thế, họ cũng đã sống ở nước ngoài

K. Prutkov. "Những trước tác"


"Người Nga"

Fetterlein

Trong cục tình báo hải quân của Bộ Hải quân Anh và dưới sự lãnh đạo của cục trưởng cục này, ngày 1 tháng 11 năm 1919, Anh đã thành lập cơ quan tình báo vô tuyến điện tử có tên gọi là Trường Mật mã và Cơ yếu Chính phủ (Goverment Code and Cypher School - GCCS). Trường này chịu trách nhiệm lập ra các hệ mã cho các bộ ngành của Anh, cũng như đào tạo và cung cấp việc làm cho những nhân viên có trình độ có thể sử dụng tốt trên thực tế các hệ mã của mình và giải phá các hệ mã của nước ngoài. Dưới cái tên này, cơ quan tình báo vô tuyến điện tử Anh đã tồn tại cho đến năm 1939, ngay đầu chiến tranh thế giới thứ II, nó đã được đổi biển hiệu và được gọi là Trung tâm Thông tin Liên lạc chính phủ GCHQ (Goverment Communications Headquarters).

Người được cử làm trưởng phòng Nga của GCCS là Ernest Fetterlein, có biệt danh là Fetty, một người Nga lưu vong. Náu mình trên boong một chiếc tàu Thuỵ Điển và thoát trót lọt khỏi sự lục soát, ông ta đã chạy trốn được cùng vợ sang Anh. Theo lời Fetterlein, ông ta là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mật mã ở nước Nga sa hoàng và có cấp hàm đô đốc. Đồng nghiệp của ông ta ở GCCS thừa nhận Fatty là người xuất sắc nhất trong giải phá các mật mã công việc đòi hỏi kiến thức rất rộng.

Trên ngón trỏ tay trái của Fetterlein có đeo chiếc nhẫn gắn viên đá rubi lớn. Với những người tò mò đối với viên đá quý khác thường, ông ta sẵn lòng và tự hào kể rằng, chiếc nhẫn này đã được ban tặng cho ông ta theo thánh chỉ để khen thưởng công lao, thành tích phục vụ sa hoàng Nga cuối cùng Nikolai Aleksandrovich. Fatty nói tiếng Anh với giọng Nga đặc sệt. Ông ta học tiếng Anh chủ yếu bằng cách đọc những cuốn sách trinh thám rẻ tiền. Đôi khi Fetterlein làm vui đồng nghiệp của mình ở GCCS bằng những lời nói lạ tai với một người Anh có giáo dục như "Ai đã quét chiếc bút chì của tôi rồi?" hay "Đúng, anh ta đơn thuần đúng là một tên chỉ điểm!".

Fetterlein ít khi nhớ lại nước Nga trước cách mạng. Nhưng đôi khi đồng nghiệp cũng làm ông ta cởi mở khi nói cái gì đó để được nghe ông ta phản đối. Chẳng hạn, đáp lại câu hỏi: "Thực tế là, thưa ngài Fetterlein, sa hoàng Nga là người có thể chất rất khoẻ phải không hạ?" - họ nghe thấy câu trả lời phẫn nộ: "Sa hoàng là thứ giẻ rách, không có lấy một ý tưởng trong đầu, còm cõi và bị tất cả khinh bỉ". Điều đó không hề cản trở Fetterlein tự hào trưng ra cho mọi người xem phần thưởng của sa hoàng.
Chính phủ nước Nga Xô-viết không chịu sử dụng phần lớn các mật mã của "chế độ cũ" do chúng phức tạp và cồng kềnh. Có lẽ để phòng bất trắc vì người ta đoán Fetterlein là tác giả một số loại mã đó. Để thay thế các hệ mã được kế thừa từ chế độ sa hoàng đáng "nguyền rủa", chính phủ Xô-viết bắt đầu sử dụng các loại mật mã mới yếu kém để bảo mật điện tín ngoại giao của mình. Chúng đã dễ dàng bị Fetterlein giải phá.

Điều người Anh rất quan tâm là điện tín ngoại giao của chính phủ Bôn-sê-vich ở Moskva với vùng Cận Đông chặn thu và giải mã được, qua đó, theo người Anh, cho thấy chính phủ Nga Xô-viết đang tài trợ cho phong trào đối lập ở thuộc địa ấn Độ. Những tuyên bố chính thức của chính quyền Xô-viết khác xa nội dung bức điện mật mã này đến mức chính phủ Lloyd George đã quyết định công bố nó trên báo chí với tính toán là bằng cách đó sẽ buộc Moskva không bao giờ còn can thiệp vào công việc nội bộ của Anh nữa.

Đại diện duy nhất của nước Nga Xô-viết ở Anh khi đó là phái bộ thương mại Xô-viết. Điện tín mật mã giữa Moskva và phái bộ thương mại ở London mà người Anh đọc được cho thấy phong trào công nhân Anh, nhất là các phần tử cực đoan của phong trào này, được tài trợ thông qua phái bộ thương mại ở London.

Đóng vai trò quan trọng trong quyết định công bố nội dung điện tín ngoại giao của Liên Xô trong thời gian các cuộc đàm phán thương mại Anh-Xô là ý muốn của Lloyd George đẩy chính phủ Bôn-sê-vich lâm vào tình thế khó khăn khi chính phủ Xô-viết không hề e ngại về từ ngữ để chỉ đạo các thành viên của phái đoàn thương mại. Chẳng hạn, ngay vào đầu các cuộc đàm phán vào tháng 6 năm 1920, Lenin đã viết cho phó trưởng đoàn Krasin: "Con lợn Lloyd George này sẽ sẵn sàng lừa đảo mà không hề xấu hổ hay ngờ vực. Đừng tin lấy một lời của gã và hãy đánh lừa y ba lần hơn nữa". Lloyd George rõ ràng muốn trả thù vì sự sỉ nhục này.

Ngày 17 tháng 8 năm 1921, tờ báo London Times đã đăng một bài báo tố cáo tờ báo Anh khác là Daily Herald đã nhận tiền của chính phủ Liên Xô. Tờ Times đã trích đăng bản rõ của 8 bức điện mật mã của Liên Xô mà chính phủ Anh đã chặn thu được. Bằng cách đó, tờ Times đã vi phạm cam kết của mình: chính phủ Anh chuyển tài liệu này cho Times với điều kiện tờ báo sẽ nói là đã nhận được nó từ một nước trung lập. Khi cho phép đăng tài liệu này, nội các Anh toan tính rằng, chính phủ Liên Xô sẽ nghĩ tin tức bị rò rỉ sau khi các bức điện đã được giải mã.
N.K. Klyshko, tổ trưởng tình báo VChK (tiền thân của KGB) của Liên Xô, hoạt động trong thành phần phái bộ thương mại ở London, là người chẳng mấy hiểu dù là những điều sơ đẳng về mật mã. Hoặc ông đã lơ đễnh khi đọc tờ Times ngày 17 tháng 8, hoặc ông đã nghĩ loại mã duy nhất dùng để giải mã các bức điện mà bản rõ đã được tờ Times đăng tải đã bị giải phá, nhưng dù sao chăng nữa, Klyshko vẫn tiếp tục nhận định sai lầm rằng, các mật mã của Liên Xô vẫn vững chắc. Ông ta không lên tiếng báo động và tiếp sau ông ta, chính phủ Xô-viết cũng làm ra vẻ chẳng có gì xảy ra cả. Sự ầm ĩ trên báo chí tiếp diễn cho đến tháng 9 khi có những phát giác mới về việc Nhà nước Xô-viết bí mật tài trợ phong trào công nhân Anh "lọt" lên mặt báo.

Không thể nói rằng, các nhà lãnh đạo cơ quan đối ngoại của Liên Xô - Bộ Dân uỷ Ngoại giao đã không báo cáo cho chính phủ về tình trạng kém cỏi của cơ quan cơ yếu của bộ mình. Ngày 20 tháng 8 năm 1920, Uỷ viên Dân uỷ ngoại giao Chicherin đã viết báo cáo gửi Lenin: "Các chính phủ nước ngoài có những loại mật mã phức tạp hơn các mật mã chúng ta đang dùng. Do đó, tôi nghĩ việc các bức điện mật mã của chúng ta bị giải mã là hoàn toàn có thể". Tuy nhiên, không phải ai cũng tán đồng ý kiến của Chicherin, người đã coi nguyên nhân rò rỉ thông tin là vì một số mật mã đang dùng không vững chắc, trong khi các chuyên gia thiết kế các mật mã khác thì sau cách mạng lại chạy ra nước ngoài. Còn đây là bức thư của Krasin gửi Lenin: "Ngay từ tháng 5, khi tôi ở Copenhagen, theo một số dấu hiệu, tôi bắt đầu ngờ rằng, không phải mọi chuyện đều ổn với liên lạc cơ yếu của Bộ Dân uỷ Ngoại giao. Tại Anh, những ngờ vực của tôi đã được củng cố và trong lần về Moskva sau đó, tôi đã lưu ý đồng chí Chicherin cần thanh lọc tận gốc ở bộ phận liên quan... Vấn đề không phải là mật mã hoặc khoá mã bị bẻ mà là ở chỗ sự bất hạnh ở Bộ Dân uỷ Ngoại giao có thể nói là tuyệt đối và cần phải điều trị nó một cách triệt để". Lenin đã chú ý tới những thông báo này. Ngày 25 tháng 11 năm 1920, ông viết: "Đồng chí Chiecherin! Không được thờ ơ với việc kiểm soát nghiêm ngặt (cả bên ngoài lẫn bên trong) đối với các loại mật mã. Nhất định đồng chí phải viết cho tôi khi mọi biện pháp được áp dụng. Một việc cần làm nữa: phải quy định cho mỗi đại sứ một loại mật mã đặc biệt nghiêm ngặt để mã điện tín cá nhân, tức là ở đây người mã sẽ là một đồng chí cực kỳ tin tưởng, một đảng viên cộng sản (có thể tốt nhất là thuộc Uỷ ban Trung ương), còn ở đầu kia đích thân đại sứ (hoặc "điệp viên") phải mã hoặc giải mã chứ không được phép giao cho các thư ký hay nhân viên cơ yếu".

Người đầu tiên nhận thức đầy đủ mức độ lộ bí mật của các hệ mã Liên Xô là Mikhail Vasilevich Frunze, Tổng tư lệnh Cụm quân phía nam của Hồng Quân. Ngày 19 tháng 12 năm 1921, Frunze đã báo cáo về Moskva: "Qua báo cáo của cựu đài trưởng đài vô tuyến điện của bọn Vrangel là Yamchenko trình cho tôi ngày hôm nay, đã xác định được rằng, tất cả các mật mã của ta do quá thô sơ đang bị kẻ thù của chúng ta giải phá. Toàn bộ nội dung liên lạc vô tuyến điện của chúng ta đang là phương tiện định hướng tuyệt vời cho địch. Nhờ quan hệ gắn bó với phòng cơ yếu hạm đội của Vrangel, Yamchenko đã có điều kiện đích thân đọc một loạt các bức điện mật mã tác chiến và ngoại giao bí mật nhất của ta, trong đó điện tín tuyệt mật liên lạc giữa Bộ Dân uỷ Ngoại giao với các cơ quan đại diện của mình ở châu Âu và ở Tashkent đã bị người Anh biết đến từng từ, họ đã tổ chức riêng cả một mạng lưới đài vô tuyến điện đặc biệt để chặn thu vô tuyến điện đối với Liên Xô. Với những mật mã không thể giải phá ngay thì người ta gửi khoá mã từ London đến, nơi mà trưởng phòng cơ yếu là một người Nga tên là Fetterlein, người trước đây từng làm công việc này ở Nga. Tóm lại, tất cả các kẻ thù của ta, trong đó có nước Anh, đã thường xuyên nắm được hoạt động tác chiến và ngoại giao của chúng ta".

Thông báo của một vị chỉ huy quân sự đầy uy tín đã thu hút được sự chú ý. Cuối tháng 12 năm 1921, toàn bộ liên lạc điện tín ngoại giao giữa London và Moskva bằng vô tuyến điện bất ngờ bị ngừng lại và được thay bằng giao thông viên ngoại giao. Còn tháng 4 năm 1923, phái bộ thương mại Xô-viết lại được trang bị hệ mã mới, vững chắc hơn hệ trước. Lúc đó, Lloyd George đã ký hiệp ước thương mại Xô-Anh, theo đó, lần đầu tiên ở phương Tây, chính phủ Xô-viết đã được thừa nhận là hợp pháp và cả hai nước cam kết từ bỏ các hành động thù địch đối với nhau. Ngoài ra, mỗi bên của hiệp ước cam kết không tiến hành ở bên ngoài nước mình hoạt động tuyên truyền chính thức trực tiếp hay gián tiếp nhằm chống lại các cơ quan chính phủ của nước kia.

Mấy tuần sau khi ký hiệp ước, Fetterlein đã giải phá được mật mã mới dùng cho kênh Moskva-London và người Anh biết rằng, nhà nước Xô-viết không định tuân thủ hiệp ước này - Liên Xô vẫn tiếp tục tài trợ cho các phần tử dân tộc chủ nghĩa ấn Độ và Đảng Cộng sản Anh. Sau các cuộc tranh luận ở nội các Anh tháng 5 năm 1923, ngoại trưởng Anh Lord George Nathaniel Curzon (1859-1925) đã gửi tối hậu thư cho Uỷ viên Dân uỷ ngoại giao Liên Xô Chicherin. Trong tối hậu thư này, những người Bôn-sê-vic đã bị buộc tội hoạt động lật đổ và người ta không chỉ trích dẫn từng từ trong bản rõ các bức điện mật mã của Liên Xô, mà còn đưa ra những lời châm chích ngoại giao về việc người Anh đọc được điện tín cơ yếu của những người Bôn-sê-vic: "Trong Bộ Dân uỷ Ngoại giao của Nga có lẽ người ta biết bức điện sau đây đề ngày 21 tháng 2 năm 1923 mà họ nhận được từ tay F. Raskolnikov"; "Trong Bộ Dân uỷ Ngoại giao cũng cần phải nhớ cả bức điện vô tuyến mà họ nhận được từ Kabul đề ngày 8 tháng 12 năm 1922"; "Rõ ràng là họ biết cả bức điện ngày 16 tháng 3 năm 1923 được trợ lý Uỷ viên Dân uỷ Ngoại giao L. Karakhan gửi cho Raskolnikov".

Đáp lại, chính phủ Xô-viết tuyên bố rằng, tối hậu thư của Curzon được viết từ bản rõ của các các bức điện mật mã bị chặn thu, hơn nữa điều đó được làm một cách có dụng ý và bất nhã". Có nghĩa là người ta để cho hiểu rằng, các bản rõ là thật, nhưng nội dung của chúng bị diễn giải xuyên tạc và tuỳ tiện. Uỷ viên Dân uỷ Ngoại giao Chicherin bị bất ngờ hoàn toàn. Biện pháp đối phó duy nhất là hạ lệnh ngừng tạm thời tất cả các cuộc tiếp xúc của công dân Liên Xô với công dân Anh để ngăn ngừa khả năng rò rỉ thông tin. Đối với người Anh, đây là sự bù đắp nào đó cho việc cơ quan ngoại giao Liên Xô nhất định sẽ thay đổi các hệ mã đang sử dụng. Việc thay đổi diễn ra vào cuối năm 1923. Rõ ràng là cho đến lúc đó, Liên Xô không hề còn phân vân gì về nguồn tin của người Anh nữa. Bản thân Curzon công khai thừa nhận không một bức điện nào mà ông ta trích dẫn được gửi ở dạng không được mã hoá.

Đồng thời, trong khi sử dụng một cách không suy nghĩ những đổ vỡ liên tục trong hệ thống bảo mật thông tin của Liên Xô, chính phủ Anh đôi khi tự lâm vào thế khó xử khi chặn thu những điện tín giả. Bọn bạch vệ ở Berlin, Revel (Tallin) và Varsava thường làm giả giấy tờ của Liên Xô. Với chất lượng làm giả khác nhau, những giấy tờ giả này đã trở thành phương tiện sinh nhai cho những kẻ làm ra chúng cũng như là cách để bôi nhọ những người Bôn-sê-vic. Wind Charles, từ năm 1921-1928 giữ cương vị trợ lý của đặc phái viên cơ quan tình báo Anh đã gọi những giấy tờ giả này là "điều bậy bạ không thể chấp nhận" bởi vì theo ông ta, "chúng cho phép người Nga hét toáng lên rằng đó là "đồ rởm" mỗi khi họ được trình cho xem các giấy tờ thật". Người Anh thậm chí còn phải tiến hành xếp loại dữ liệu tình báo theo độ tin cậy. Điều đó xảy ra vì một nguyên nhân nhục nhã đối với người Anh.

Các nhân viên tình báo Anh đã móc nối với điệp viên có bí danh BP-11 ở Revel, tên này nói rằng hắn có cách tiếp cận Bộ Dân uỷ Ngoại giao và có thể cung cấp cho London tóm tắt nội dung của hơn 200 bức điện mật mã của bộ này. Đối với người Anh, đáng quan tâm nhất là những thông tin về sự tài trợ của những người Bôn-sê-vic cho phong trào dân tộc chủ nghĩa Ireland. Ngoài ra, việc biết từng từ trong bản rõ các bức điện mật mã Xô-viết có thể hỗ trợ rất nhiều cho các chuyên gia mã thám của GCCS trong công tác giải mã.

Tuy nhiên, không lâu sau, những tin tức thu được từ BP-11 đã bị bác bỏ, chủ yếu bởi chỉ huy cảnh sát Anh, người đã không thể xác nhận các dữ liệu này và tuyên bố rằng, trái lại, các phần tử dân tộc chủ nghĩa Ireland đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Khi người ta đòi BP-11 cung cấp các bản rõ gốc của các bức điện mật mã theo yêu cầu của lãnh đạo GCCS và để so sánh với bản tóm tắt đã nhận được trước đó, BP-11 liền dùng mưu mẹo né tránh và vì thế đã mất hoàn toàn tín nhiệm. Việc kiểm tra cho thấy đại đa số tin tức của BP-11 là đáng ngờ, nhưng lại trùng khớp với các thông tin thu được từ các nguồn khả nghi.

Một lần nữa, Fetterlein mãi đến năm 1925 mới giải phá được mật mã của Liên Xô, và hai năm sau, một cơ hội tuyệt vời, hiếm có đã xuất hiện. Ngày 12 tháng 5 năm 1927, trụ sở công ty thương mại Xô-Anh Arcos đã bất ngờ bị cảnh sát chiếm giữ. Theo tuyên bố chính thức của chính phủ Anh, hành động này được tiến hành nhằm đoạt lấy những thông tin tuyệt mật mà tình báo Liên Xô đã thu được.

Tình báo điện tử Anh: "Người Nga" - Miller (2)

VietnamDefence - Arcos được thành lập và được phái bộ thương mại Liên Xô đăng ký vào năm 1920 ở London với tư cách công ty cổ phần tư nhân trách nhiệm hữu hạn. Năm 1923, chính phủ Xô-viết đã cho phép Arcos tiến hành các giao dịch thương mại trên lãnh thổ nước mình. Đến đầu năm 1927, Arcos đã trở thành tập đoàn xuất nhập khẩu lớn nhất ở Anh.
Người Anh cho rằng, toà nhà của Arcos là bình phong lớn của tình báo Liên Xô. Và cuối cùng, sau cuộc đột kích của cảnh sát, cơ quan phản gián Anh đã có được khả năng tiếp cận đầy mong đợi đến hàng ngàn tài liệu của Liên Xô lấy từ các két sắt trong tầng hầm toà nhà này. Cuộc đột kích này tiếp diễn trong mấy ngày. Người ta đã tiến hành lục soát tầng hầm, chiếm giữ bộ phận bưu điện và các mật mã. Một số nhân viên Liên Xô của Arcos đã cố ngăn cản việc lục soát trái phép nhưng họ đã bị trấn áp bằng bạo lực.

Các cảnh sát đột kích đã bắt gặp nhân viên cơ yếu Liên Xô Anton Miller đang đốt tài liệu. Miller đã nổi lửa đốt một trong những chiếc két ở tầng hầm toà nhà và cố ném vào đó càng nhiều giấy tờ mật càng tốt. Những sự kiện tiếp theo bị che phủ bởi tấm màn bí mật, cũng giống như số phận của Miller.

Chín ngày sau, khi đa số các nhân viên Xô-viết đã được triệu hồi về Liên Xô, chủ báo tờ báo cánh tả Daily Herald đã chất vấn ở nghị viện đối với bộ trưởng nội vụ về số phận của Miller. Câu trả lời mà ông ta nhận được nói rằng, đề cập đến vấn đề này là trái với quyền lợi quốc gia của Anh.

Sau đột kích xấu xa vào Arcos, việc chặn thu và đọc điện tín mã hoá của các cán bộ cơ quan ngoại giao Liên Xô ở London chỉ tiếp tục cho đến cuối tháng 5 năm 1927. Lý do là thế này. Trong các bài phát biểu trước nghị viện Anh, thủ tướng, ngoại trưởng và bộ trưởng nội vụ Anh đã trích dẫn rất nhiều các bức điện mật mã ngoại giao của Liên Xô mà GCCS đọc được.

Hơn nữa, từ giữa tháng 5 năm 1927, bất chấp sự phản đối của chỉ huy GCCS, nội các Anh đã thông qua quyết định công bố những đoạn trích lựa chọn trong các điện tín mật của Liên Xô để thanh minh cho việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Tham gia vào thảo luận quyết định này có cả Churchill, khi đó đang là một bộ trưởng.

Kết quả là vào cuối tháng 5 năm 1927, Kremlin hạ lệnh tiến hành áp dụng một loại mật mã phức tạp, nhưng nếu sử dụng đúng sẽ tuyệt đối an toàn.

Những sự kiện này không hề được các nhân viên GCCS thông cảm. Niềm tin của họ đối với chính quyền đã bị phá vỡ trong một thời gian dài. Và mặc dù trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, GCCS đã lại đạt được những thành tựu nhất định (họ đã giúp đánh giá chính xác tiềm lực quân sự của Đức và Italia), nhưng lãnh đạo GCCS đã quyết chọn phương án giữ kín kết quả ở chỗ mình. Hậu quả là trong thập niên 1930, khi mà hai cường quốc đáng quan tâm nhất đối với Anh là Đức và Liên Xô, GCCS đã không hề cung cấp thông tin tình báo vô tuyến điện tử đáng kể nào về hai nước này.

Mặc dù, trong suốt thời kỳ trước chiến tranh, các công ty thông tin liên lạc của Anh với cớ tình hình thế giới bất ổn đã nhất loạt buộc phải hợp tác với GCCS, cơ quan đã giải phá thành công mật mã của các kẻ thù tiềm tàng như Nhật Bản và của cả các đồng minh như Mỹ, nhưng với Đức và Liên Xô thì GCCS đành bó tay thất bại.

Thất bại này đã buộc người lãnh đạo các cơ quan tình báo Anh vào năm 1938 lưu ý trong một biên bản rằng, GCCS "đã hoàn toàn không thích hợp cho những mục đích mà vì chúng, nó đã được thành lập".

Tất cả những bài học của tháng 5 năm 1927 đã không vô ích. Sự thận trọng đặc biệt mà Churchull, người đến lúc đó đã là thủ tướng, trong thập niên 1940 thể hiện khi sử dụng những tin tức do cơ quan mã thám Anh thu được, là hậu quả của nhận thức của ông về tổn hại mà GCCS phải gánh chịu trong thập niên 1920.

Xem tiếp...

Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

BÍ ẨN KHẢO CỔ 30 (Bí Mật Của Kim Tự Tháp Ai Cập)

(ĐC sưu tầm trên NET)



Xem tiếp...

BÀI THƠ "LẦU HOÀNG HẠC

(ĐC sưu tầm trên NET)

 


 THÔI HIỆU (崔 顥)
                                  (704? -  754)

     Thôi Hiệu hay còn đọc là Thôi Hạo, quê ở Biện Châu ( nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), đổ Tiến sĩ vào năm Khai Nguyên thứ 11 (723), đời vua Đường Huyền Tông (Lý Long Cơ). Làm đến chức Tư Huân viên ngoại lang
    Đương thời, Thôi Hiệu rất nổi tiếng, nay thơ của ông chỉ còn lại hơn 40 bài, trong đó có bài Hoàng Hạc lâu được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường.

          黃 鶴 樓
          Hoàng Hạc lâu                          
                     崔 顥 (Thôi Hiệu)
昔 人 已 乘 黃 鶴 去
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
此 地 空 餘 黃 鶴 樓。
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu     (1)
黃  鶴 一 去  不 復 返
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
白 雲 千 載 空 悠 悠。
Bạch vân thiên tải không du du
晴 川 歷  歷 漢  陽 樹,
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ  (2)
芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu     (3)
日 暮 鄉 關 何 處 是?
Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
煙 波 江 上 使 人 愁。
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

+Dịch nghĩa:
            Lầu Hoàng Hạc

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi mất,
Trên đất này chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc     (1)
Hạc vàng một đi không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn bay nhở nhơ trên trời
Dòng sông quang tạnh hiện rõ ràng cây cối bên bờ Hán Dương.  (2)
Cỏ thơm mọc xanh um tùm trên bãi cồn  Anh Vũ.   (3)
Trời chiều tối, không biết quê hương ở nơi nào?
Khói sóng trên sông khiến cho lòng người buồn bã!

                              HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG  dịch

+Chú thích:
- Hoàng Hạc lâu (鹤楼): Là lầu Hạc Vàng ở đầu cầu Vũ Xương, phía Tây bắc phủ Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, bên sông Trường giang  (còn gọi là sông Dương Tử).
            Sở dĩ có tên này là do bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian mang tính chất huyền thoại. Chuyện kể rằng: Phí Văn Vi là một người tu đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng dạo chơi khắp nơi. Một hôm tiên bay qua vùng trời Vũ Hán , tiên đã dừng chân trên “đồi Rắn” (Xà sơn) hoặc còn gọi là Hoàng Hạc sơn để nhìn cảnh đẹp của sông Dương Tử và phong cảnh Ngũ hồ.(Còn nhiều truyền thuyết khác nói về sự tích này ). Người đời sau đã xây lầu tại đây để tưởng nhớ nơi tiên đã cưỡi hạc bay lên.
       
Đó là truyền thuyết, thực ra nguồn gốc của lầu này vốn là một đài quan sát quân sự của Đông Ngô thời Tam quốc, nó liên quan đến trận Xích Bích và truyền thuyết cầu gió đông của Khổng Minh.. Sau khi nước Ngô bị diệt, đài không còn phục vụ cho nhu cầu quân sự mà được tái tạo lại để làm nơi ngoạn cảnh. Lần đầu tiên, lầu Hoàng Hạc được xây vào năm 223 Tây lịch thời Tam quốc. Lầu được xếp hạng là một trong tứ đại danh tháp của Trung Quốc, được xem là "Đệ nhất danh thắng"(The First Scenery under Heaven).             
        .Qua các thời  đại, các mặc khách tao nhân thường đến đây để dạo xem phong cảnh hữu tình,uống rượu làm thơ. Bởi vậy trong thời nhà Đường (618 – 907), Thôi Hiệu cũng đã tới đây để ngoạn cảnh đề thơ.
        Theo chiều dài lịch sử, ngôi lầu này đã có 12 lần bị phá hủy vì chiến tranh và đã được xây cất lại bằng nhiều vật liệu khác nhau . Lần tái thiết sau cùng được khánh thành vào tháng 6 năm 1985 nhưng ở cách vị trí cũ 1 km, vì vị trí cũ đã được sử dụng để làm cây cầu bắc qua sông Dương Tử. Hiện nay lầu Hoàng Hạc nằm ở trong công viên Hoàng Hạc, thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc..
Hán Dương: là một quận của thành phố Vũ Hán ( Vũ Hán là thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, vùng đô thị này gồm có 3 quận: Vũ Xương, Hán Khẩu và Hán Dương ),. Hán Dương nằm ở phía tây nam của Vũ Hán, và ở phía nam sông Hán Thủy (Một sông nhánh đổ vào sông Dương Tử).
- Anh Vũ châu: cồn Anh Vũ ở giữa sông Trường Giang, phía bắc lầu Hoàng Hạc, phía Tây Nam thành phố Vũ Hán. Cồn này còn gọi là Cồn Vẹt.

+ Đôi lời về bài thơ:
      -.Bài thơ Hoàng Hạc lâu là một trong những bài thơ kiệt tác của thơ Đường và trở thành khá phổ biến đối với người yêu văn học. Chuyện kể rằng khi thi tiên Lý Bạch (713-846) đến lầu Hoàng Hạc, cảm xúc vì cảnh đẹp, muốn phóng bút đề thơ nhưng sau khi đọc qua bài thơ củaThôi Hiệu đề ở nơi đây, Lý Bạch đành phải gác bút ngửa mặt than rằng: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu...( Trước mắt thấy cảnh không tả được / Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu). Theo "Thương lang thi thoại", Nghiêm Vũ đời Nam Tống đã nói rằng " Đường nhân thất ngôn luật thi, đương dĩ Thôi Hiệu Hoàng Hạc Lâu đệ nhất" (Thơ niêm luật đời Đường bảy chữ, phải xếp bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vào hạng nhất). Xem vậy bài thơ này từ lâu đã được người Trung Quốc đánh giá cao. Nhờ bài thơ  mà địa danh quận Vũ Xương, Hán Dương và thành phố Vũ Hán đã nổi tiếng khắp Trung Quốc kể từ khi bài thơ ra đời từ thế kỷ thứ 8, đã lôi kéo hàng triệu triệu du khách đến thăm.ngôi lầu và các địa danh này.
       Đề vịnh về Hoàng Hạc lâu của các thi nhân  rất nhiều. Trải qua các thời đại,  hầu hết các thi nhân đến đây đều xúc cảnh sinh tình, đã có trên 400 bài còn lưu giữ ở lầu Hoàng Hạc, tuy nhiên chỉ có bài của Thôi Hiệu là hay hơn cả.
         Bài thơ của Thôi Hiệu được tuyển chọn vào sách Ngữ văn lớp 10 của Việt Nam (Nxb Giáo dục, 2008 ), hiện còn đang dạy cho học sinh. Ngay cả ở thế hệ chúng tôi cũng đã từng được học bài này khi còn ngồi ở ghế nhà trường.    
       Bài Hoàng Hạc lâu đã được nhiều người dịch sang Việt ngữ, có người tổng hợp được hàng trăm  bản dịch. Tuy nhiên qua thời gian dài, mọi người đều công nhận rằng chỉ có bản dịch của Tản Đà theo thể lục bát là thành công hơn hết, nhất là ở hai câu cuối.
          Phải nói đây là bài thơ hay nhưng dịch ra thơ Việt khó có thể thành công, nhất là dịch theo thể thất ngôn. Tuy nhiên với tấm lòng yêu thơ,chúng tôi cũng mạo muội dịch thử để đóng góp vào phong trào chung. Nếu có gì không vừa ý mong các bạn yêu thơ lượng thứ.

 
+ Dịch thơ:
·        Bản 1:

LẦU HOÀNG HẠC
          Người xưa cưỡi hạc xa chơi.
Để lầu Hoàng Hạc riêng trời còn đây.
          Hạc không trở lại nơi này.
Nghìn năm mây trắng còn bay lững lờ.
          Hán Dương, sông rạng cây bờ.
Cồn xa Anh Vũ, cỏ tơ rợp màu.            
          Chiều trông cố quận về  đâu?            (*)
Trên sông khói sóng để sầu lòng ai!

                   HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

(* )Câu này cũng có thể thay bằng câu sát nghĩa:“Chiều hôm, làng cũ nơi đâu ?”

 ·        Bản 2:

            LẦU HOÀNG HẠC
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất.
Bỏ lầu Hoàng Hạc đứng chơ vơ.
Hạc vàng một thuở xa biền biệt
Mây trắng ngàn năm trôi nhởn nhơ.
Sông tạnh Hán Dương cây hửng bóng.
Cồn xa Anh Vũ cỏ xanh bờ.
Chiều trông cố quận tìm đâu thấy
Khói sóng khơi buồn dạt ngẩn ngơ!

                  HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG dịch

                                  Hoàng Hạc lâu 2006
+ Giới thiệu một số bản dịch khác:

1) Bản dịch của Tản Đà:
             Lầu Hoàng Hạc

         Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
         Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
          Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
          Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

2)Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Người xưa cưỡi hạc đã cao bay
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Nghìn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bến Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngát châu Anh, lớp cỏ dầy
Hoàng hôn về đó quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người


3)Bản dịch của Vũ Hoàng Chương:

Xưa Hạc Vàng bay vút bóng người,
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi,
Trắng một màu mây vạn vạn đời.
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu,
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi.
Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!

4)Bản dịch của Trần Trọng San:
 
Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,
Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.
Hạc đã một đi không trở lại,
Man mác muôn đời mây trắng bay.
Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,
Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.
Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy
Trên sông khói sóng gợi buồn ai.

5) Bản dịch của Khương Hữu Dụng:


Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút, 
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi đi biệt,
Mây trắng ngàn nãm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.

                         ***

Xem tiếp...

BÍ ẨN KHOA HỌC 48

(ĐC sưu tầm trên NET)

Khối cầu titan kỳ lạ: Phải chăng sự sống trên Trái Đất đã được gieo mầm?

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định.

Khi một hành tinh có sự sống va phải một vật thể chuyến động cỡ nhỏ như một tiểu hành tinh hay sao chổi, thì một số dạng thức sự sống vi mô của hành tinh có thể bị kẹt bên trong các mảnh vụn bắn ra. Trong trạng thái ngủ đông, trên lý thuyết chúng có thể tồn tại sau một quãng đường dài lưu lạc trong không gian vũ trụ. Nếu những mảnh vụn này đụng phải một hành tinh có điều kiện thích hợp cho sự sống, những dạng sống vi mô này có thể hoạt động trở lại. Như vậy, một hành tinh cằn cỗi sẽ được ươm mầm sự sống.
Nghe có vẻ bất ngờ, nhưng giả thuyết này không phải quá xa vời. Chỉ vừa năm ngoái, người ta đã phát hiện thấy các sinh vật phù du dưới biển trôi nổi bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế, và không ai biết được tại sao chúng lại có thể đến đó được.
Trái đất của chúng ta tồn tại một số vi sinh vật có sức sống kiên cường, gọi là extremophile. Như tên gọi của chúng: extremus-extreme: cực hạn, các vi sinh vật này có thể sinh trưởng trong một số điều kiện khắc nghiệt: gần những miệng phun thủy nhiệt dưới đáy đại dương, hay trong những môi trường có tính axit cực mạnh. Theo các thí nghiệm của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, một số loài sinh vật không chỉ tồn tại được trong điều kiện trọng lực cực đại, mà còn có thể sinh trưởng ở đó. Có một loài sinh vật đã phải chịu trọng lực lên đến 400.000 lần so với trên Trái đất nhưng vẫn có thể tồn tại.
Một số loài extremophile có thể tồn tại ở nhiệt độ âm lạnh giá, và trong môi trường có nồng độ phóng xạ cao. Nhưng khía cạnh quan trọng nhất là các nhà khoa học đã tìm thấy những bào tử 40 triệu năm tuổi vẫn có khả năng tồn tại và phát triển độc lập. Nói chung, chúng có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu trong khoảng thời gian cực kỳ lâu dài.
Do đó, có thể giả định rằng chúng sẽ sống sót sau một vụ va chạm tiêu hủy cả hành tinh gốc của chúng, trải qua một cuộc du hành vũ trụ và sống sót sau một chấn động khác để đáp xuống một hành tinh khác. Sự sống trên Trái đất hoàn toàn có thể đã bắt nguồn từ đâu đó trong vũ trụ.
Và bây giờ đến phần chính.
Trong tháng 1/2015, một đội ngũ các nhà khoa học từ trường Đại học Buckingham và trường Đại học Sheffield đã phát hiện được một vật thể tuy nhỏ nhưng rất thú vị. Họ đã thả các khinh khí cầu lên độ cao 27 km nhằm thu thập các mẫu bụi và các hạt chất. Họ đã thu được một thứ khá bất ngờ.
qua cau kim loai vi moChính là vật thể này. (Ảnh: Journal of Cosmology)
Một khối cầu kim loại nhỏ có chiều ngang bằng một sợi tóc người đã va đập với bề mặt của dụng cụ lấy mẫu trên khinh khí cầu, để lại một hố nứt nhỏ xíu. Điều này cho thấy khối cầu này đã di chuyển với vận tốc lớn. Giáo sư Wainwright giải thích:
“Khi va phải dụng cụ lấy mẫu ở tầng bình lưu, khối cầu đã tạo nên một hố va chạm. Đây là một phiên bản mini của hố va chạm lớn trên Trái đất do một tiểu hành tinh gây ra, có giả thuyết cho rằng điều này đã dẫn tới sự tuyệt chủng của khủng long. Hố va chạm mini này chứng minh rằng khối cầu đến từ không gian vũ trụ, bởi lẽ một sinh vật từ Trái đất sẽ không thể bay đủ nhanh để tạo một lực va đập như vậy khi nó rơi trở lại Trái đất”.
Phân tích bằng tia X-quang cho thấy khối cầu này được tạo thành từ titanium với chút dấu vết của vanadium. Titanium là một trong những kim loại cứng nhất từng được con người biết đến, đồng thời cũng có nhiệt độ nóng chảy cao. Điều này đã khiến GS. Wainwright và nhóm nghiên cứu của ông tin rằng khối cầu này đã được chế tạo và có lẽ có nguồn gốc từ ngoài Trái đất. Chà, tới đây thì việc này còn kỳ quái hơn nữa.
Bề mặt của khối cầu được phủ trong một lớp “giống như thảm đan dạng nấm” và một chất lỏng sinh học đang “rỉ ra từ trung tâm khối cầu”. Chính hợp chất hữu cơ này đã làm các nhà khoa học chấn động. Mặc dù thấy rất hứng thú, nhưng phát hiện của họ đã bị những đồng nghiệp đặt câu hỏi, có người cho rằng khối cầu đã bị ô nhiễm bởi các phần tử có nguồn gốc trên địa cầu.
Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị tiến hành thêm các phân tích trên các mẫu vật thu thập được. Ho cũng hy vọng rằng phát hiện của họ sẽ được củng cố bởi dự án thả khinh khí cầu lên tầng bình lưu của NASA trong tương lai gần. Nếu NASA cũng tìm thấy các phần tử tương tự và tuyên bố rằng chúng có nguồn gốc từ ngoài Trái đất, giới khoa học sẽ phải nghiêm túc xem xét tính khả thi của giả thuyết gieo mầm sự sống (panspermia) . [1]
Xem thêm: Video: Sẽ ra sao nếu một tiểu hành tinh đường kính 500km đâm vào Trái đất?
Một đồng nghiệp của GS. Wainwright – GS. Chandra Wickramasinghe, giám đốc Trung tâm Sinh vật học vũ trụ Buckingham, là người ủng hộ giả thuyết này trong một thời gian dài.
Giới khoa học chủ lưu và các học viện đã phản đối những lý thuyết dạng này nhưng hiện nay bằng chứng từ thiên thạch, từ các mẫu vi khuẩn trong không gian vũ trụ và các quan sát không gian đã khiến việc phản bác trở nên khó khăn hơn.
Ông trao đổi với tờ Daily Express rằng nếu chứng minh được rằng Trái đất đang trong trạng thái không ngừng trao đổi vật chất với các thiên thể lớn hơn, chúng ta sẽ biết rõ hơn mình là ai. Ngoài ra, chúng ta sẽ có thêm hiểu biết sâu sắc về các vi-rút ngoại lai đóng vai trò quan trọng trong việc nhận dạng danh tính nhóm, quá trình tiến hóa và sinh tồn của chính chúng ta”.
“Đây có lẽ là thứ chưa từng được phát hiện trên Trái Đất”
- Giáo sư Milton Wainwright, trường Đại học Sheffield, nhận định.
GS. Wainwright ngờ rằng khối cầu này có thể là bằng chứng của việc gieo mầm trực tiếp, hay việc lan truyền sự sống có chủ đích trong khắp vũ trụ. Trước khi dán nhãn cho ông là “suy nghĩ thái quá”, chúng ta nên nhớ đến Francis Crick, người đoạt giải Nobel vì đã đồng phát hiện ra cấu trúc của nguyên tử ADN, và ông cũng có quan điểm tương tự.
Nhân loại nên bắt đầu gửi con nhộng chứa sự sống đến các thế giới thích hợp trong tương lai gần để bảo tồn và mở rộng sự sống trong không gian. Ngay cả nếu hiện tại đây chỉ khoa học viễn tưởng, thì trong chưa đầy một thế kỉ nữa, chúng ta có thể gửi đi những vi khuẩn có sức sống mạnh mẽ gắn vào một cánh buồm năng lượng mặt trời. Nhưng chúng ta có thể đã vô tình gửi đi các vi sinh vật ra ngoài không gian rồi. Không thể biết chắc rằng những vi sinh vật này không bám vào các tàu thám hiểm trên sao Hỏa. Có lẽ chúng đã nhân rộng số lượng và thiết lập các cộng đồng ở đó – nhưng, dù sao đây cũng chỉ là sự phỏng đoán.
Giải thuyết gieo mầm sự sống trực tiếp (directed panspermia) nêu lên một số câu hỏi mang tính logic. Phải chăng sự sống đã được gieo mầm một cách có chủ đích trên Trái đất? Phải chăng sự sống đã được một nền văn minh đủ tiên tiến gửi đến cách đây hơn 3,5 tỷ năm trước, khi mà Trái đất của chúng ta vẫn còn trẻ và cằn cỗi? Chúng ta trả lời những câu hỏi này như thế nào?
Từ đầu những năm 1980, trong một số tư liệu xuất bản, người ta đã gợi ý rằng có thể chứng minh việc gieo mầm sự sống có chủ đích nếu mã gien của những vi sinh vật đầu tiên trên Trái đất chứa một “thông điệp chữ ký đặc biệt”, như một loại dấu hiệu của kĩ sư. Vào năm 2013, một nhóm các nhà vật lý tuyên bố rằng họ đã tìm ra đúng cái đó và bạn có thể đọc về nó ở đây: Có một thông điệp của người ngoài hành tinh giấu trong ADN người?
Cho tới khi có thêm nhiều bằng chứng xuất hiện, chúng sẽ chỉ phải đợi và xem xem cái khối cầu nhỏ xíu có lẽ của người ngoài hành tinh này sẽ cho chúng ta biết thêm điều gì.
Đăng tải với sự cho phép từ Locklip. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
Chú thích của người dịch:
[1] Panspermia là giả thuyết về sự sống tồn tại trên khắp vũ trụ dưới dạng thức của các vi sinh vật, được tồn trữ trong các tiểu hành tinh, thiên thạch, sao chổi. Lý thuyết này giả định rằng các dạng thức vi mô của sự sống có thể tồn tại qua các ảnh hưởng của không gian vũ trụ, lưu tồn trong các mảnh vụn và phóng vào không gian sau vụ va chạm giữa các hành tinh và vật thể trong vũ trụ. Trong trạng thái ngủ động, các vi sinh vật này có thể sống sót qua những chuyến du hành vũ trụ rất dài, và khi gặp các điều kiện sinh tồn thích hợp, chúng sẽ trở nên hoạt động và lại bắt đầu sinh sôi.
Theo Vietdaikynguyen

Giải mã bí mật bê tông siêu chắc thời La Mã cổ đại

Công thức chế tạo bê tông của La Mã cổ đại là một kỳ công ấn tượng trong lịch sử kiến trúc. Một số công trình La Mã được xây dựng ngoạn mục với vẻ đẹp hoành tráng, mà những người xây dựng hiện đại chưa bao giờ dám thử sức, ngay cả với công nghệ hiện nay.
Hiện nay các kỹ sư đang bắt đầu tìm hiểu tại sao bê tông của người La Mã cổ đại lại mang những đặc tính độc đáo đến vậy.
Bê tông để xây dựng nhiều tòa nhà và tượng đài trong thành Rome được tạo từ hỗn hợp đá vôi, cát và đá núi lửa. Các tòa nhà và công trình kiến trúc của La Mã cổ đại, một trong những công trình ngoạn mục nhất trên thế giới, vẫn có thể đứng vững sau khi phải chịu không biết bao nhiêu tác động hóa học và vật lý trong suốt 2.000 năm qua.
Đấu trường Colosseum là một trong những công trình ấn tượng của người La Mã cổ đại còn tồn tại đến ngày nay. (Ảnh: BigStockPhoto)
Nghiên cứu trước đây đã phát hiện được rằng bê tông của người La Ma bền vững hơn nhiều so với bê tông hiện đại vốn chỉ có thể tồn tại trong khoảng 120 năm.
Người ta đã biết rằng cát núi lửa sử dụng trong bê tông và vữa vôi La Mã đã giúp những tòa nhà của họ tồn tại lâu đến vậy. Giờ đây, nghiên cứu mới đây của một nhóm các kỹ sư và nhà nghiên cứu đã tìm ra công thức chính xác giúp bê tông La Mã có khả năng tồn tại lâu dài hơn bê tông ngày nay.
Sử dụng công thức cổ xưa của kiến trúc sư người La Mã Vitruvius, các nhà nghiên cứu đã tạo nên một hỗn hợp vữa và để nó đông chắc lại trong vòng 6 tháng. Khi quan sát bằng kính hiển vi, họ phát hiện những đám khoáng chất dày đặc đang hình thành trong quá trình trộn vữa của người La Mã. Những tinh thể strätlingite (xi măng), hình thành bởi cát núi lửa khi nó hòa trộn với đá vôi, đã giúp ngăn chặn các vết nứt phát triển rộng hơn bằng cách gia cố thêm cho vùng tiếp giáp giữa các bề mặt, vốn là những liên kết yếu bên trong khối bê tông.
be tong la ma 1Hình ảnh phóng đại của một mảnh bê tông La Mã gồm đá vôi, cát núi lửa và đá. ( Wikimedia Commons)
Phương pháp này không chỉ giúp bê tông tồn tại lâu hơn mà còn không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình sản xuất, bởi hỗn hợp chỉ cần nung đến 900 độ C (thay vì 1.450 độ C như bê tông hiện đại).
“Bền chắc hơn, tuổi thọ cao hơn, sử dụng ít nhiên liêu và thải ít khí cacbon vào khí quyển, đây có thể là di sản về cách thức chế tạo loại xi măng độc nhất vô nhị của người La Mã”, trang Ancient Origins nhận xét. Theo nghiên cứu mới đây, việc nung nóng đá vôi để sản xuất 19 tỷ tấn xi măng Portland hằng năm chiếm 7% lượng khí cacbon con người thải vào bầu khí quyển.
den pathenonTrần nhà bên trong đền Pantheon, làm hoàn toàn từ bê tông La Mã. (Ảnh: Giulio Menna / flickr)
Rome nằm giữa 2 vùng núi lửa, Monti Sabatini ở phía Bắc và Alban Hills ở phía Nam. Khi trở thành Hoàng đế đầu tiên của La Mã vào năm 27, Vua Augustus đã khởi xướng một chiến dịch xây dựng. Sau khi những người thợ tạo nên hỗn hợp vữa bằng cách dùng tro Pozzolonic từ dòng chảy tro Pozzolane Rosse của Alban Hills, Vua Augustus đã ra sắc lệnh tuyên bố vữa Pozzolonic trở thành vật liệu tiêu chuẩn để xây dựng các công trình của La Mã. Kiến trúc sư La Mã phát hiện, loại vữa này cải tiến đáng kể biên độ an toàn cho các công trình, ngày càng được họ thiết kế táo bạo hơn.
Ứng dụng đầu tiên có thể kể đến là đền Pantheon, một công trình kiến trúc mái vòm cao hơn 42 m bằng bê tông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 2 SCN.
den pathenon 2Đền Pantheon là một công trình bê tông lớn đã tồn tại qua gần 2.000 năm. (Ảnh: BigStockPhoto)
“Cấu tạo toàn bộ bằng bê tông mà không được gia cố bằng khung thép, không có bất kỳ kỹ sư nào hiện nay dám xây dựng một công trình như vậy”, David Moore, tác giả của cuốn The Roman Pantheon: The Triumph of Concrete (tạm dịch: Đền Pantheon La Mã: Thành tựu của bê tông) nói. ‘Các kỹ thuật hiện đại không cho phép một trò đùa tai hại như vậy,’” trang Smithsonian.com nói.
Tác giả: Mark Miller, Ancient Origins, Theo Daikynguyenvn
Đăng tải với sự cho phép từ Ancient Origins. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch, có tham khảo bản dịch từ tinhhoa.net
Xem tiếp...

CÂU CHUYỆN VŨ TRỤ 21(Khoa học Trái Đất)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Xem tiếp...

CÂU CHUYÊN TÌNH BÁO 51

(ĐC sưu tầm tên NET)

Tình báo điện tử Anh: Bí mật - Trân Châu Cảng (10)

VietnamDefence - Cuộc tấn công của Nhật vào căn cứ hải quân Mỹ ở đảo Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) ngày 7 tháng 12 năm 1941 là một đòn bất ngờ, chí mạng.
Trong vài phút, gần 4.500 quân nhân Mỹ chết và bị thương, một phần đáng kể Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ bị tiêu diệt.

Ngày hôm sau, Mỹ tham gia chiến tranh thế giới thứ II. Tuy nhiên, toàn bộ tiến trình chiến sự ở Thái Bình Dương trong thập niên 1940 đáng lẽ đã có thể diễn ra hoàn toàn khác.

Năm 1939, Nhật đưa vào sử dụng mật mã hải quân mới, nó đã đi vào lịch sử tình báo vô tuyến điện tử với ký hiệu JaW-25. Nó không thật phức tạp và đến đầu năm 1940, GCHQ đã dễ dàng đọc được nhiều bức điện mật mã của Hải quân Nhật.

Qua các bức điện mật mã đọc được, người Anh biết rằng, 6 chiếc tàu sân bay Nhật và 14 chiến hạm các loại khác đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch rất quan trọng. Ngày 20 tháng 1 năm 1941, bộ phận ở Viễn Đông của GCHQ chặn thu được một bức điện mật mã của Đô đốc Yamamoto, trong đó nói rằng: "Vào nửa đêm ngày 21 tháng 11, bắt đầu bước vào giai đoạn chiến sự thứ hai". Còn 5 ngày sau, binh đoàn tàu Nhật đã nhận được lệnh rời căn cứ của mình ở quần đảo Kuril ra khơi và ngày 4 tháng 12, tiến hành tiếp liệu.

Toàn bộ chiến dịch diễn ra ở chế độ tuyệt đối bí mật và im lặng vô tuyến  hoàn toàn. Trái lại, các trạm trên bờ đã gia tăng đáng kể liên lạc vô tuyến. Hơn nữa, Nhật đã thay đổi toàn bộ các báo vụ viên trên các tàu tham gia chiến dịch và đưa họ lên các máy phát vô tuyến trên bờ để các cơ quan chặn thu vô tuyến Mỹ khi chặn thu và dựa vào đặc điểm của các báo vụ viên để nhận ra các tàu Nhật sẽ nghĩ  binh đoàn tàu Nhật vẫn đang ở trong cảng.

Trong một bức điện mật mã khác của Yamamoto mà người Anh chặn thu được có nói rằng: "Các anh phải hoàn thành việc trèo lên núi Natakayama ngày 8 tháng 12 theo giờ Tokyo", tương ứng ngày 7 tháng 12 theo giờ châu Âu. Nakatayama là ngọn núi cao nhất của đế quốc Nhật Bản và việc leo lên nó khi đó được người Nhật coi là tột đỉnh dũng cảm. Đó là hình thức khác để Yamamoto hạ lệnh cho binh đoàn tàu của mình bắt đầu một chiến dịch quân sự lớn.

Một công việc đơn giản với các bản đồ cho phép xác định vị trí của binh đoàn tàu Nhật ngày 7 tháng 12 - đó là gần quần đảo Hawaii. Mục đích có thể khác của chiến dịch mà quân Nhật trù định chỉ có thể là Philippines mà vào năm 1941 vẫn là thuộc địa của Mỹ.

Tuy vậy, khi đã có trong tay thông tin cặn kẽ và chính xác này về các kế hoạch quân sự của Nhật, Churchill đã không hạ cố chia xẻ nó với người bạn lớn và đồng minh Roosevelt. ở đây, đóng vai trò chính chính là dụng ý của Churchill bằng mọi giá lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến nên ông ta cố ý che giấu tổng thống Mỹ tin tức về cuộc xuất sư của binh đoàn chiến hạm Nhật và ngày tháng cuộc tấn công dự kiến của nó.

Tình báo điện tử Anh: Bí mật - Những quả trứng vàng (4)

VietnamDefence - Tại Anh, trung tâm của các hoạt động mã thám Enigma là lãnh địa thời Victoria Bletchley Park cách London 100 km. Cho đến đầu thập niên 1990, nó chẳng thay đổi mấy so với thập niên 1940 khi nó trở thành nơi trú ngụ của những bộ não xuất chúng nhất Anh quốc.
Tại đây, họ làm việc với một mục đích là giải phá bí mật của Enigma đang che giấu các bí mật của Đức. Dần dần, số nhân viên ở đây tăng lên đến 9 nghìn nam nhân viên và 1 nghìn nữ nhân viên. Ngôi nhà cổ đã không còn đủ chỗ cho tất cả và bên cạnh nó đã mọc lên những công trình tạm thời xây lên vội vàng. Các trại lính còn nguyên vẹn, không bị huỷ hoại vẫn đứng đó sau nửa thế kỷ như những chứng nhân câm lặng của kỹ thuật thần kỳ ẩn giấu sau các bức tường của chúng thời đó, khi mà những bước đầu tiên tiến vào kỷ nguyên máy tính được thực hiện.

Bletchley Park trở thành một thứ thành phố đại học giành cho các nhà toán học Anh đặc biệt tài năng. Đó là một công ty nhiều vẻ của những nhà bác học chói sáng, lập dị, đa số đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Cambridge. Những trò đùa muôn thuở của họ, cho đến tận những trò nhại âm nhạc, đang tạo ra ở Bletchley Park một không khí đặc thù có một không hai.

Người đầu tiên trong số đó là nhà toán học có phép lạ trẻ Alan Turing (1912-1954), người đã gia nhập GCHQ khi mới tròn 27 tuổi. Ông đã đi vào lịch sử như người sáng lập bộ môn khoa học máy tính. Ngay từ trước chiến tranh, ông đã viết nhiều công trình về lý thuyết máy tự động (tất cả những người có liên hệ ít nhiều đến lĩnh vực toán học này đều biết đến "chiếc máy Turing" (Turing machine). Theo ông, nước Anh trông cậy chính vào những chiếc máy này để giải phá các hệ mã của Đức và đã không chọn nhầm.

Với kinh nghiệm thành công đầu tiên trong việc đọc điện tín mật mã liên lạc của Đức vào đầu thập niên 1940, một vấn đề đặt ra trước người Anh là một mặt không được để lộ; mặt khác phải tận dụng tối đa nguồn tin. Bởi vậy, người ta đã quyết định giả đò như dữ liệu là do một điệp viên cao cấp ở Berlin có bí danh Boniface cung cấp. Tuy nhiên, trong số những người được nhận thông tin này, có người không thật tin vào Boniface: GCHQ rất cần những quân nhân bởi họ là những người có thể nhận thức được giá trị của các dữ liệu tình báo vô tuyến điện tử và chuyển nó theo cách phù hợp cho ban lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Các sự kiện năm 1940 đã làm thay đổi tận gốc tình hình.

Mùa xuân năm 1940, Hitler đã bắt tay vào chinh phục Tây Âu. Theo nguyên tắc domino, các nước Đan Mạch, Nauy và Bỉ lần lượt thất trận. Đầu tháng 5 năm đó, Đức tiến hành cuộc tấn công ồ ạt chống quân Anh, Pháp. Dấu hiệu đầu tiên của cuộc tấn công này là hoạt động gia tăng của các đài vô tuyến điện của Đức. Sau 20 ngày chiến sự, GCHQ đã đọc được điện tín mật mã của Luftwaffe ngày 20 tháng 5 năm 1940. Sau đó, việc đọc được điện mã trở nên thường xuyên hơn với khoảng 1 nghìn bức điện mã một ngày. Mặc dù thông tin thu được chỉ liên quan đến Luftwaffe, nhưng nó đã cho phép hình dung bức tranh chiến sự một cách đầy đủ bởi vì Không quân Đức hoạt động có hiệp đồng chặt chẽ với Wehrmacht. Tuy vậy, quân Anh, Pháp đã rút chạy hỗn loạn đến mức họ không thể lợi dụng được thông tin này.

Trong lúc đó, giai đoạn mới của cuộc chiến đã bắt đầu với GCHQ. Cho đến mùa hè năm 1940, Anh chỉ còn một mình đối chọi với Đức. Các đơn vị của GCHQ làm nhiệm vụ đọc điện mã của Nhật đã chặn thu và giải mã được bức điện do đại sứ Nhật gửi từ Hungary về Tokyo nói rằng, khi thảo luận với thủ tướng Hungary Horti, ông ta đã nhận được tin quân Đức chuẩn bị đổ bộ lên nước Anh.

Vũ khí khủng khiếp của người Anh trong cuộc đấu quyết tử để sống còn này là những thiên tài trẻ tuổi tập trung tại Bletchley Park. Chính họ sẽ tìm ra con đường đúng đắn trong mê cung bằng điện rắc rối của Enigma. Tháng 5 năm 1940, nhiệm vụ của họ thêm khó khăn hơn" vì Đức áp dụng những thay đổi trong công tác liên lạc  điện cơ yếu và đã gây ra những hậu quả rất tiêu cực. Những thay đổi này có liên quan đến đoạn mở đầu bức điện và có ý nghĩa như sau.

Trước ngày 1 tháng 5, quy trình là khá đơn giản. Người gửi điện mã kiểm tra xem khoá có được đặt đúng không: 3 rotor nào được chọn, chúng được đặt theo trình tự nào, việc đảo mạch trên bảng phích cắm có được đặt đúng không. Tiếp đó, anh ta gửi điện viết rõ để yêu cầu người nhận điện mã thiết lập liên lạc. Sau khi được xác nhận sẵn sàng thiết lập liên lạc, người gửi đặt các rotor vào vị trí cần cần thiết được quy định bằng 3 chữ cái Latinh (ví dụ như HTC) tuỳ theo ý mình. Ba chữ cái này tạo thành phần đầu bức điện mã. Để truyền 3 chữ cái này, nhân viên cơ yếu còn phải chọn hú hoạ thêm 3 chữ cái nữa, chẳng hạn như BLG. Sử dụng BLG để đặt vị trí ban đầu cho các rotor, nhân viên cơ yếu gõ phím máy Enigma hai lần các chữ cái HTC và nhận được chuỗi chữ RWSANW. Người nhận lấy các chữ cái BLG từ đoạn mở đầu bức điện và tiến hành đặt các rotor trên máy Enigma của mình ở vị trí cần thiết. Tiếp đó phần văn bản RWSANW được giải mã và nhận được khoá mã để giải mã toàn bộ bức điện mã nhận được.

Từ ngày 1 tháng 5 năm 1940, HTC chỉ được mã hoá một lần và thay cho hai tập hợp 5 chữ cái BLGRW SANW... trong bức điện chặn thu được chỉ hiện lên các chữ cái BLGRW S... Trưức khi áp dụng yếu tố mới này thì trước khi xác định vị trí của các rotor, các chuyên gia mã thám  của GCHQ phải xác định các yếu tố còn lại của hệ khoá, việc này được tiến hành dựa vào đoạn mở đầu bức điện chỉ gồm 9 chữ cái bằng cách sử dụng máy Bombes. Việc bỏ đi 3 chữ cái trong đoạn mở đầu bức điện có ý nghĩa quyết định. Dần dần, do người Đức mở rộng áp dụng thủ pháp mới nên Enigma không còn giải phá được nữa.

Nhóm chuyên gia ở Bletchley Park chỉ còn lại vài tháng để vượt qua vật cản xuất hiện bất ngờ này.  Sự vội vàng đó còn là do chính vào mùa hè năm 1940, Không quân Đức tràn đầy quyết tâm đánh gục nước Anh ngay trước khi đổ bộ quân Đức lên quần đảo này. Thống chế không quân phát xít Goering đã sử dụng rộng rãi Enigma trong các chiến dịch tiến công của mình bởi gã tin chắc rằng, đối phương không thể đọc được các bức điện mã của y. Nhưng hắn đã lầm: ngay trước khi chiến dịch quy mô lớn của Luftwaffe bắt đầu, nhóm chuyên gia ở Bletchley Park đã dùng kỹ thuật tính toán đơn giản, phương pháp phân tích thông tin chặn thu và cả các báo cáo của các cơ quan điệp báo Anh để giải phá bí mật thay đổi đoạn mở đầu bức điện và lại bắt tay vào giải phá cách đặt khoá cho máy Enigma của Không quân Đức. Họ đã thành công rất đúng lúc.

Tháng 7 năm 1940, cuộc chiến nhằm chinh phục nước Anh bắt đầu. Goering đã hứa với Hitler rằng, các phi công của hắn sẽ bắt nước Anh quỳ gối trong vòng một tháng. Nhưng hắn đã xem thường sức mạnh của Không quân Anh và cũng giống như các tên đầu sỏ lãnh đạo Đức quốc xã khác, hắn đã phóng đại độ vững chắc của Enigma. Tin chắc rằng đối phương không thể đọc được các bức điện mã của mình, bộ chỉ huy Luftwaffe đã sử dụng khắp nơi máy Engima để bảo mật nội dung nhiệm vụ tác chiến của mình. Thông tin cực kỳ quan trọng này lập tức được chuyển từ Bletchley Park cho tư lệnh Không quân Anh Hughes Downing. Các bức điện được giải mã này được đặt mật danh là "Ultra". Trong boongke của mình, cả Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng bắt tay vào nghiên cứu Ultra. Các hồ sơ tin Ultra đã được ông gọi đặt tên là "những quả trứng vàng", còn nhóm chuyên gia của Bletchley Park được ông gọi là những con ngỗng thần âm thầm đẻ ra những quả trứng đó.

Không quân Anh liên tục đối phó thành công các cuộc không kích của Luftwaffe: nhờ có Ultra, Downing đã "đọc được ý đồ" của Goering. Với độ chính xác tuyệt đối, ông đã biết sử dụng hợp lý hơn lực lượng của mình, tấn công vào đâu, còn ở đâu thì nên thoái lui. Ngày 13 tháng 8 năm 1940, trong một nỗ lực tuyệt vọng để giữ lời hứa với Hitler, Goering đã có ý đồ tiến hành một cuộc tấn công tổng lực từ trên không để đánh tan hẳn Không quân Anh. Chiến dịch này có mật danh "Ngày Đại bàng". Sử dụng Enigma, Goering đã sớm phát lệnh được mã hoá tổ chức các cuộc tấn công vào các mục triêu trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Kế hoạch của hắn là lôi cuốn vào cuộc không chiến càng nhiều càng tốt máy bay của kẻ địch và tiêu diệt chúng. Bức điện mã này đã bị người Anh chặn thu và giải mã và nội dung củaa nó đã được chuyển kịp thời đến cho Downing.

Khi chiến dịch của Đức mở màn, bộ chỉ huy Không quân Anh đã sẵn sàng ứng phó và khôn khéo tổ chức phòng ngự bằng cách sử dụng thông tin trong các hồ sơ tin Ultra. Mỗi thê đội máy bay địch đều bị một toán nhỏ máy bay tiêm kích Anh đón đánh để gây hỗn loạn đội hình tấn công của các máy bay Đức tấn công với tổn thất tối thiểu. Trong trận đánh này, lực lượng phối hợp của các phi công Anh và các chuyên gia mã thám đã chiếm ưu thế. Nhưng cuộc chiến trên không vì nước Anh vẫn chưa hề kết thúc.

Ngày 15 tháng 9 năm 1940, Goering đã hạ lệnh giáng đòn quyết định cuối cùng vào nước Anh. Các cuộc tiến công liên tục diễn ra liên tiếp. Và một lần nữa các chuyên gia mã thám Anh đã lại làm cho kế hoạch của Goering mất đi tính bất ngờ. Qua các tài liệu Ultra, Downing biết tinh thần chiến đấu của các phi công Luftwaffe đang giảm sút mạnh. Ông còn biết rằng chúng thiếu sự yểm trợ của các máy bay tiêm kích. Mà điều chủ yếu là Anh có số lượng máy bay chiến đấu nhiều hơn hai lần so với dự kiến của Đức. Lực lượng dự bị của Không quân Anh được tung vào trận đã mang lại chiến thắng cho nước Anh: tổn thất của Anh là hơn 900 máy bay một chút so với 2000 máy bay của Đức.

5 nhân viên CIA bị giết vì Ukraine?

VietnamDefence - Ngày 30/3/2015 xảy ra một sự kiện chấn động cộng đồng tình báo Mỹ: 3 cán bộ cao cấp của Phòng Ukraine tại Trung ương tình báo CIA đã tự sát.
Tại Langley, bang Virginia, có dư luận về việc điều tra nghi vấn Phòng Ukraine của CA nhận phần lớn lương bổng không phải ở CIA. Người ta khẳng định rừng, họ nhân được những khoản tiền lớn hơn nhiều theo thông báo trả tiền của “một trong những công ty đầu tư lớn”.

Liệu có phải vì vụ điều tra này mà nhà tài phiệt Igor Kolomoisky của Ukraine cư xử khiêm nhường thế hay không?

Tại trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia, có sự di chuyển náo động khác thường của xe ô tô tư nhân của nhân viên ra cổng cơ quan.

Lãnh đạo CIA đã quyết định cho tất cả nhân viên không quá bận việc ra về để giảm số người có thể tò mò đối với việc điều tra các nghi vấn về tham nhũng đang tiến hành ở Phòng Ukraine.

Trong vòng 2 giờ qua, có thêm 2 nhân viên chính thức của Phòng Ukraine/CIA tự sát. Như vậy, tổng số nhân viên của đơn vị không may mắn này của CIA ra đi về bên kia thế giới trong ngày 30.3.2015 đã lên tới 5 người.

Nửa giờ trước, hơn 20 nhân viên của Phòng Ukraine/CIA, tức là gần như toàn bộ quân số của phòng này công tác tại bộ máy trung ương, đã tập hợp tại một gian sánh ở Langley để nghe người ta kiên trì trấn an tất cả những người muốn và không muốn nghe rằng, họ không có ý định tự sát và họ thậm chí không hề nghĩ về chuyện này.

Hơn nữa, không ai trong số những người này muốn mất việc nên không ai có ý kiến gì về nguyên nhân tử vong của 5 đồng sự.

Đã có những thông tin soi sáng những sự kiện bi thảm hôm 30.3 ở Langley. Các chính trị Tây Âu đòi chấm dứt chiến tranh ở Ukraine khi đàm phán với phía Mỹ đã dùng một lý do không thận trọng: những phần tử nổi dậy ở đông nam Ukraine không phải là khủng bố mà là những người dân đấu tranh chống lại việc xâm hại các quyền dân sự hợp pháp của họ. Những điều đó không được phát biểu công khai, mà trong các cuộc đàm phán kín, người châu Âu đã quyết định thể hiện rằng, người Mỹ không thể đánh lừa được họ .
Đáp lại, người ta đã xây dựng một loạt chiến dịch với nhiệm vụ là cho châu Âu thấy gương mặt tàn ác đích thực của lực lượng ly khai thân Nga.

Đáp lại, người ta đã xây dựng một loạt chiến dịch với nhiệm vụ là cho châu Âu thấy gương mặt tàn ác đích thực của lực lượng ly khai thân Nga. Trong kế hoạch có cả các vụ gây nổ các nhà trẻ và cơ sở y tế ở miền trung và miền tây Ukraine, ở xa khu vực tiến hành “chiến dịch chống khủng bố” (chiến dịch chống quân ly khai ở đông nam Ukraine). Nhiệm vụ đặt ra là gây ra số lượng thương vong tối đa.

Việc thực hiện nhiệm vụ đã được giao cho các phần tử phá hoại đánh thuê từ một công ty quân sự tư nhân Mỹ, còn Phòng Ukraine của CIA có nhiệm vụ bảo đảm hậu cần và yểm trợ.

Trưởng Ban quân sự của Phòng Ukraine/CIA cảm thấy kế hoạch này là quá mạo hiểm nên đã nêu ý kiến với cấp trên và được cấp trên trả lời:
“Anh hãy làm đi. Anh không thể tưởng tượng cái gì được đưa ra đặt cược đâu”.

Câu trả lời của cấp trên không thỏa mãn vị Trưởng ban quân sự. Trong Phòng Ukraine, ngoài Ban quân sự, còn có mấy ban khác như Ban chính trị.... Viên sĩ quan CIA đầy trách nhiệm này vì lo lắng đã vi phạm nguyên tắc khi chia xẻ những quan ngại của mình với các đồng nghiệp ngang cấp là hai trưởng ban khác và cùng với họ quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc thực hiện mệnh lệnh bê bối kia, thậm chí thông báo cho Thượng viện Mỹ.

Chính 3 vị trưởng ban này đã trở thành “những người tự sát” đầu tiên, nhưng hóa ra thông tin đã bị rò rỉ. Thêm 2 người nữa bị thủ tiêu.

Đúng vào lúc cao trào của ngày làm việc thì các nhân viên được lệnh giải tán về nhà, nhưng gần như toàn bộ nhân sự của Phòng Ukraine vì lo sợ cho mạng sống của mình đã tập hợp tại gian sảnh với số lượng khoảng 25 người. Họ đã kêu gọi các đồng nghiệp đi ngang qua là đừng có tin nếu như có ai nói họ sẽ tự sát.

Trong suốt cả ngày, người viết bài này đã trao đổi với những người nắm giữ “phông thông tin” cần thiết về những nguyên nhân của cuộc nổi loạn ở Phòng Ukraine tại Trung tâm Tình báo mang tên George Bush, Langley, Virginia.

Trong khuôn khổ cuộc cải cách CIA, một số kẻ cứng đầu đã bị loại khỏi một số vị trí then chốt, nhưng chưa phải tất cả.

Công ty Vanguard có ý đồ bằng mọi giá tiếp tục leo thang xung đột ở Ukraine. Những thông tin vạch mặt mà các nhà lãnh đạo châu Âu nắm giữ cũng như áp lực mà họ gây ra hiệu quả đối với chính quyền Obama chỉ kích động thêm ý đồ của công ty này dàn cảnh dùng danh nghĩa giả để gây ra những tội ác chưa từng có của “các phần tử khủng bố” thân Nga.

Bằng cách đó, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ bị dồn vào thế bí, kể cả khi các vị không tin những thủ phạm tàn ác đến từ Donbass mà tin đó là việc làm của người Mỹ, vì hình ảnh rành rành trên truyền hình, còn công luận đòi hỏi chấm dứt sự hỗn loạn này. Việc cung cấp vũ khí chỉ sẽ đẩy xa nó, nhưng trong chính sách công thì logic không có tác dụng.

Sáng 31/3/2015 (giờ địa phương) 12 trong số các nhân viên còn sống của Phòng Ukraine đã bị bắt. Không ai ở CIA từng thấy chuyện tương tự xảy ra trong lịch sử CIA.

Xét về phương pháp dùng để trấn áp các vi phạm kỷ luật và về việc giết hại 5 cán bộ, trong đó có ít nhất 3 người giữ chức vụ cao trong bộ máy trung ương CIA mà xét theo mọi dấu hiệu là sẽ không ai bị trừng phạt, có thể phỏng đoán rằng, tân lãnh đạo của Cục Hoạt động mật quốc gia của CIA, người được Tổng thống Obama trông cậy để mắt trông chừng vị Giám đốc ngang ngạnh John Brennan, hiện chưa làm được trọng trách này.

Những nỗ lực vận động đã thành công: Vanguard đã dùng cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ chống lại Obama. Kết quả là vị thế của người của họ ở Langley, Giám đốc CIA Brennan không hề bị suy yếu như người ta tưởng.

Vậy thì cái gì hay ai đứng sau việc trấn áp cuộc nổi loạn trong CIA, những lợi ích của ai? Chẳng của ai. Một mặt, các nhân viên CIA lão luyện thì lo sợ cho danh dự cơ quan vì có quá nhiều thất bại và rò rỉ liên quan đến chiến dịch Ukraine, và nguy cơ vạch trần là quá lớn. Họ sợ rằng, một khi đổ vỡ, chính họ cũng sẽ bị biến thành những con dê tế thần.

Những các yếu tố con người khác cũng có tác động. Kẻ thù, những phần tử ly khai thân Nga, kể cả gia đình và láng giềng của họ là một chuyện. Các nhân viên CIA không quen gây ra “tổn thất phụ”. Còn con cái các đồng minh Ukraine và các bệnh nhân các bệnh viện Ukraine lại là chuyện khác.

Vấn đề không chỉ ở trách nhiệm mà bản thân các nhân viên CIA phải chịu một khi bị phát giác. Thậm chí con cái họ cũng sẽ bị truy bức tinh thần vì cha họ đã giết hại con cái của những người Thiên Chúa giáo khác.

Cuối cùng là vấn đề giáo dục. Không phải tất cả những người vào CIA làm việc đều mong muốn phục vụ cho các công ty công nghiệp quốc phòng trong việc chia chác ngân sách bằng mọi giá. Nhiều người tin rằng, veritas vos liberabit (Sự thật sẽ làm cho bạn tự do). Trên tòa nhà cũ của khu nhà tại Langley có khắc trên đá “And Ye Shall Know the Truth and the Truth Shall Make You Free” (Hãy tìm hiểu sự thật và sự thật sẽ làm bạn tự do).

Họ đã không thể chịu được sự thật đó. Kinh Thánh dạy không được giết hại trẻ em Thiên Chúa giáo và đồng bào. Họ chẳng là gì, nhưng là tín đồ Thiên Chúa giáo, nên không sống sót được ở Langley trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nguồn: pravosudija, 30, 31.3.2015.

Xem tiếp...

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 77

(ĐC sưu tầm trên NET)

Phan Dinh Phung.jpg
Phan Đình Phùng (chữ Hán: 潘廷逢, 1847 - 1895) hiệu: Châu Phong (珠峰), là nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

Thân thế

Phan Đình Phùng sinh ra và lớn lên tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nho học. Cha ông là Phó bảng Phan Đình Tuyến, các bác ông là chí sĩ Phan Đình Thông và Cử nhân Phan Đình Thuật; chú ông là Phó bảng Phan Đình Vận.

Nơi quan trường

Năm 1876, Phan Đình Phùng đỗ cử nhân. Năm sau (1877), ông thi đậu Đình nguyên, được bổ làm tri huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình). Do ông đánh đòn cố đạo Trần Lục (tục gọi là cụ Sáu), vì ông này hay ỷ thế để ức hiếp dân, nên ông bị triều đình bắt tội, triệu hồi về kinh đô Huế, sung chức Ngự sử đô sát viện.
Tại triều, ông tố cáo nhiều vụ khuất tất, nên có lần được vua Tự Đức khen là "thử sự cửu bất phát, phùng Phùng nải phát" (việc này đã lâu không ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát hiện được), nên càng nổi tiếng về tính cương trực.
Năm 1882, ông dâng sớ đàn hặc Thiếu bảo Nguyễn Chánh về việc "ứng binh bất viện" (cầm quân mà ngồi yên, không đi tiếp viện) khi quân Pháp tấn công thành Nam Định và về việc "chẳng quan tâm đến dân tình ở Bắc Kỳ".
Năm 1883, do bất đồng quan điểm với Phụ chánh Tôn Thất Thuyết về việc phế vua Dục Đức, lập vua Hiệp Hòa, ông bị vị đại thần này cách chức đuổi về quê nhà.
Năm 1884, Phan Đình Phùng được phục chức, rồi được bổ làm tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh.

Hưởng ứng dụ Cần vương


Tượng đài Phan Đình Phùng tại vòng xoay trước Bưu điện Chợ Lớn, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 1885, vua Hàm Nghi mưu việc kháng Pháp không thành phải chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) lẩn tránh. Phan Đình Phùng đã quên nỗi hiềm khích riêng, để cùng với Tôn Thất Thuyết chống Pháp. Hưởng ứng dụ Cần Vương của vua, dù đang cư tang mẹ, Phan Đình Phùng vẫn đứng ra chiêu tập lực lượng từ khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, để chống ngoại xâm.
Phan Đình Phùng được nhà vua phong chức tán lý quân vụ, lãnh đạo nghĩa quân xây dựng căn cứ tại hai huyện Hương Sơn (đồn Hà Tân), Hương Khê (đồn Quy Hợp (Phú Gia)[4]), thuộc Hà Tĩnh. Theo giúp sức ông có các trí thức như Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, Cử nhân Phan Quảng...và nhiều võ tướng xuất thân từ nông dân và nhiều thành phần khác như Cao Thắng, Cao Nữu, Lê Ninh, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Can...
Suốt mười năm (1885-1896), bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ, cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo đã giao chiến với Pháp nhiều trận, và đã gây cho đối phương nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu nhất là trận Vụ Quang vào năm 1894.
Thấy không thể dùng sức mạnh quân sự để tiêu diệt được cuộc khởi nghĩa, người Pháp dùng mọi cách dụ dỗ, mua chuộc Phan Đình Phùng. Người Pháp còn lợi dụng các cộng sự như Lê Kinh Hạp, Phan Trọng Mưu, Võ Khoa, Hoàng Cao Khải viết thư lấy "tình xưa nghĩa cũ" để khuyên hàng, nhưng trước sau ông vẫn một lòng cự tuyệt. Người Pháp lại dùng Nguyễn Thân và những cộng sự khác ra sức đàn áp, bắt thân nhân và khai quật mồ mả tồ tiên ông, vẫn không làm ông sờn lòng.
Năm 1893, Cao Thắng tử trận khiến Phan Đình Phùng bị mất đi một cộng sự đắc lực. Năm 1895, Pháp điều Nguyễn Thân đến phối hợp với công sứ Nghệ An là Duvillier đem 3.000 lính đi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Quân chủ lực của Phan Đình Phùng bị đối phương bít đường tiếp vận, nên vũ khí, lương thực, quân số thảy đều thiếu thốn, khó bù đấp. Mỗi lần đối phương tấn công, nghĩa quân chỉ có thể chạy quanh từ núi Quạt rồi trở về núi Vụ Quang, và không thể ở đâu lâu quá 3 ngày.
Ngày 17 tháng 10 năm 1894, Phan Đình Phùng đã tập hợp lực lượng, đánh thắng một trận lớn, đối phương mất nhiều vũ khí và bị giết chết rất nhiều. Ban đầu, ông cho quân lên tận nguồn sông chặt cây đóng kè chặn nước lại, đồng thời chuẩn bị sẵn nhiều khúc gỗ lớn. Khi quân Pháp và quân triều thân Pháp đến giữa dòng sông, thì ông cho phá kè trên nguồn, và tuôn cây xuống. Đối phương phần bị nước cuốn, phần bị cây lao vào người, lại bị nghĩa quân ở hai bên bờ xông ra đánh nên bị thương vong rất nhiều. Theo Phạm Văn Sơn thì sau trận này, phía Pháp ngoài số quân trang và đạn dược bị mất mát, còn có ba sĩ quan và trên trăm lính bị tiêu diệt
Đây là trận thắng cuối cùng, vì gần 3.000 quân do Nguyễn Thân cầm đầu ngày càng xiết chặt vòng vây. Trong một trận giao tranh ác liệt, Phan Đình Phùng bị thương nặng, rồi hy sinh vào ngày 28 tháng 12 năm 1895
Mười hai ngày sau khi thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, Nguyễn Thân mới tới được núi Vụ Quang và núi Quạt. Sau đó, Nguyễn Thân cho quật mồ Phan Đình Phùng ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La.
Sang đầu năm 1896, một số chỉ huy lần lượt mất vì ở lâu nơi rừng sâu nước độc, một số bị tử trận hoặc bị bắt, một số khác thì rút qua Xiêm La hoặc ra hàng...Cuộc khởi nghĩa Hương Khê mà Phan Đình Phùng cùng các cộng sự đã dày công xây dựng đến đây là kết thúc.

Tác phẩm


Bút tích Phan Đình Phùng lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Hiện nay thơ văn của Phan Đình Phùng chỉ mới sưu tầm được một số bài.
  • Câu đối: Điếu Lê Ninh, Khóc Cao Thắng
  • Thơ: Đáp hữu nhân ký thi, Thắng trận hậu cảm tác, Kiến nguy binh thi cảm tác, Phúc đáp Hoàng Cao Khải, Lâm chung thời tác...
  • Thư: kính ký Hoàng Cao Khải thư
  • Sử địa: Việt sử địa dư (越史地輿): Sách viết bằng Hán văn, hoàn thành năm Kiến Phúc thứ nhất (Tây lịch năm 1883), hiện chỉ còn một bản viết tay. Sách được dịch sang tiếng Việt và xuất bản lần đầu tiên năm 2008. Nguyễn Hữu Mùi dịch và chú giải, Chương Thâu viết lời dẫn. 

Giai thoại

Năm 1886, anh của Phan Đình Phùng là Phan Đình Thông đang giữ cánh quân ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), bị thủ hạ làm phản nên bị Pháp bắt. Lê Kinh Hạp vốn là bạn thân Phan Đình Phùng, nên viết thư khuyên bạn về hàng để cứu lấy anh, để mồ mả cha ông khỏi bị khai quật.
Phan Đình Phùng cười lạt, nói với người đưa thư:
Tôi có một ngôi mộ rất to nên giữ là đất nước Việt Nam, có một ngôi mộ rất to là mấy mươi triệu đồng bào. Nếu về hàng, để sửa sang phần mộ của cha ông mình, thì ngôi mả cả nước kia ai giữ? Về để cứu vớt ông anh mình, thì anh em trong nước ai cứu?
Sau khi cho khai quật mồ mả tổ tiên của Phan Đình Phùng ở làng Đông Thái vào năm 1894, Pháp cho bắt giam luôn những người thân tộc của ông.
Hoàng Cao Khải lúc đó đang là kinh lược sứ Bắc Kỳ, vốn là người đồng hương và là thông gia với Phan Đình Phùng, liền gửi cho ông một bức thư chiêu hàng bằng những lời lẽ hết sức thân mật, để khuyên bạn đừng chống đối tân triểu (sau vua Hàm Nghi là Đồng Khánh) và Pháp nữa. Sau khi xem xong, Phan Đình Phùng thở dài nói:
Tôi đã quyết làm cái công việc của vua (Hàm Nghi) ủy thác, dân trông mong tới cùng, thì dầu cho sấm sét búa rìu, quyết cũng không lay chuyển và thay đổi chí hướng được.
Phan Đình Phùng viết thư phúc đáp, rồi ân cần dặn Phan Văn Mân, người anh nhà bác và là người mang thư, đừng trở lên núi Vụ Quang nữa.

Bài thơ tuyệt mạng

臨終時作
戎場奉命十更冬,
武略依然未奏功。
窮戶嗷天難宅雁,
匪徒遍地尚屯蜂。
九重車駕關山外,
四海人民水火中。
責望愈隆憂愈重,
將門深自愧英雄。
Lâm chung thời tác
Nhung trường phụng mệnh thập canh đông,
Võ lược y nhiên vị tấu công.
Cùng hộ ngao thiên nan trạch nhạn,
Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong.
Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại,
Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung.
Trách vọng dũ long ưu dũ đại,
Tướng môn thâm tự quý anh hùng.
Dịch nghĩa:
Làm trong khi sắp mất
Vâng mệnh ở chốn binh nhung đã mười năm,
Mưu lược đánh giặc vẫn chưa nên được việc gì.
Dân chúng cùng đường đói khổ kêu trời như đàn nhạn không có chỗ ở,
Bọn xâm lược còn đóng đồn như ong khắp mọi nơi.
Xa giá của vua (Hàm Nghi) đang ở ngoài quan san,
Nhân dân bốn bể như sống trong nước sôi lửa bỏng.
Trách nhiệm càng cao thì mối lo càng lớn,
Nghĩ mình cũng trong cửa tướng, mà riêng thẹn với tiếng anh hùng.
Dịch thơ:
Làm lúc sắp mất
Việc quân vâng mệnh trải mười đông,
Chiến sự nay còn tính chửa xong.
Dân đói kêu trời tan ổ nhạn,
Quân thù chật đất dậy đàn ong.
Chín trùng thánh chúa nơi quê lạ,
Bốn bể nhân dân chốn lửa nồng.
Trách vọng càng cao, lo lại lặng,
Tướng môn những thẹn với anh hùng.

Đánh giá

Về võ công

Khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19. Cuộc khởi nghĩa đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân ở miền xuôi lẫn miền ngược, cả về sức lực lẫn của cải vật chất.
Về quân sự, nghĩa quân được tổ chức theo lối chính qui, có kỷ luật nghiêm minh và cùng kiểu trang phục; biết sử dụng các phương thức tác chiến linh hoạt, phong phú, biết phát huy tính chủ động, sáng tạo khi giáp trận với đối phương. Trong đội ngũ đã có sự tổ chức, sự huấn luyện đầy đủ và được trang bị khá đàng hoàng, khiến đối phương cũng phải hết sức khâm phục.
Phan Đình Phùng mất, cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng tan rã. Song, công cuộc vì đại nghĩa này rất xứng đáng là đỉnh cao của phong trào Cần Vương. Đây cũng là thời điểm kết thúc sứ mạng lãnh đạo của tầng lớp sĩ phu phong kiến Việt Nam chống Pháp.

Về văn nghiệp

Qua số tác phẩm, tuy ít ỏi của ông, người ta dễ nhận thấy con người của Phan Đình Phùng luôn vì dân, biết dựa vào dân, luôn kiên quyết chiến đấu chống Pháp đến cùng, không hề mắc phải bả cám dỗ của đối phương.
Và cũng qua Lâm chung thời tác, mà lời lẽ hết sức bi thiết, Phan Đình Phùng đã bộc lộ mình là một nhà nho trung nghĩa sáng suốt, bởi ông hiểu rõ sự thất bại không thể tránh khỏi của cuộc diện đất nước lúc bấy giờ…

Tưởng nhớ

Khốc Phan Đình Nguyên
(Khóc Phan Đình Nguyên)
Dịch nghĩa:
Thế mạnh như chẻ tre, thật có thể khôi phục kinh đô,
Đau xót vì công mười năm, sắp thành thì thất bại.
Chỉ buồn triều đình dùng vàng lụa củng cố việc hòa,
Đau xót thấy dân chúng đốt lò hương đầy tiếng khóc.
Tay kéo lại núi sông, lòng chưa chết
Thân cưỡi sao Cơ, sao Vỉ như khi còn sống
Ai qua nơi thắng trận ngày xưa,
Ngàn năm còn khiến cho người ta đầy lệ.
Đào Tấn
Hiện nay, tên Phan Đình Phùng được dùng để đặt tên cho trường học, đường phố tại nhiều tỉnh thành trên khắp nước Việt Nam.
Xem tiếp...