Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

TIẾU LÂM KIM CỔ 44

(ĐC sưu tầm trên NET)

 

 

                      

Chiêm ngưỡng biếm họa độc về các lãnh đạo Trung Quốc

Phương Đăng (theo Straits Times) 15:18 - 02 tháng 5, 2014

Những bức biếm họa hiếm hoi đặc tả chân dung các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang được trưng bày công khai tại một triển lãm ở Hàng Châu tuần này.
Chân dung biếm họa Chủ tịch Tập Cận Bình đang cầm một lồng chim nhưng bên trong là một con dấu tượng trưng cho những nỗ lực chống tham nhũng của ông kể từ khi nhậm chức. Những bức ảnh chân dung biếm họa các lãnh đạo Trung Quốc của họa sĩ truyện tranh Zhu Zizun được trưng bày tại Liên hoan phim hoạt hình và tranh ảnh biếm họa quốc tế lần thứ 10 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc kể từ ngày 29.4.
Chân dung biếm họa Chủ tịch Tập Cận Bình đang cầm một lồng chim nhưng bên trong là một con dấu tượng trưng cho những nỗ lực chống tham nhũng của ông kể từ khi nhậm chức. Những bức ảnh chân dung biếm họa các lãnh đạo Trung Quốc của họa sĩ truyện tranh Zhu Zizun được trưng bày tại Liên hoan phim hoạt hình và tranh ảnh biếm họa quốc tế lần thứ 10 tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc kể từ ngày 29.4.
Chân dung biếm họa mô tả cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chơi bóng bàn. Ông Hồ Cẩm Đào từng vài lần thể hiện tài chơi bóng bàn ở nước ngoài như một phương pháp ngoại giao.
Chân dung biếm họa mô tả cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chơi bóng bàn. Ông Hồ Cẩm Đào từng vài lần thể hiện tài chơi bóng bàn ở nước ngoài như một phương pháp ngoại giao.
Chân dung biếm họa cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Chân dung biếm họa cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo.
Chân dung biếm họa cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Chân dung biếm họa cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
 Chân dung biếm họa nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình ôm một con mèo đen và một con mèo trắng tượng trưng cho câu nói nổi tiếng của ông: Không quan trọng mèo đen hay mèo trắng, miễn là nó bắt được chuột.
Chân dung biếm họa nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình ôm một con mèo đen và một con mèo trắng tượng trưng cho câu nói nổi tiếng của ông: Không quan trọng mèo đen hay mèo trắng, miễn là nó bắt được chuột.
Chân dung biếm họa nhà lãnh đạo quá cố Mao Trạch Đông.
Chân dung biếm họa nhà lãnh đạo quá cố Mao Trạch Đông.




   

 
Xem tiếp...

DƯ LUẬN XÃ HỘI 17

(ĐC sưu tầm trên NET)


Thứ Bẩy, 21/06/2014 - 06:36

Trung Quốc đi những bước hiếu chiến và nguy hiểm hơn

(Dân trí) - Cục Hải sự Trung Quốc cho biết nước này sẽ kéo giàn khoan Nam Hải 9 vào biển Đông và hạ đặt trong vùng thềm lục địa của Trung Quốc.
 >> Đại biểu đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông
(Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
đã “xin lỗi Quốc hội” để phát biểu về Biển Đông)
(Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã “xin lỗi Quốc hội” để phát biểu về Biển Đông) Trong khi cộng đồng quốc tế đang chờ đợi một thái độ tích cực từ Trung Quốc mà cụ thể là rút giàn khoan Hải Dương 981 và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, thì Trung Quốc lại đưa thêm một giàn khoan nữa vào biển Đông. Mối đe dọa bất ổn, nguy cơ về xung đột và mất an toàn, an ninh hàng hải trên biển Đông ngày càng nặng nề hơn.
Trung Quốc coi thường những tiếng nói thiện chí đến từ Việt Nam cùng nhiều tổ chức và quốc gia khác. Họ bất chấp tất cả để thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông và chiếc giàn khoan thứ hai này là một bằng chứng chứng minh điều đó.
Trung Quốc nói họ sẽ hạ đặt giàn khoan Nam Hải 9 trong vùng thềm lục địa của họ. Nhưng liệu có tin được không lời họ nói. Thềm lục địa của họ không phải căn cứ trên thực tế, theo pháp luật mà căn cứ vào lòng tham của họ. Nếu như theo đường lưỡi bò mà họ vẽ ra, thì họ sẽ lấy thềm lục địa của các quốc gia trong khu vực làm thềm nhà họ, biển Đông là ao nhà họ.
Cụ thể nhất là giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng họ vẫn khăng khăng là vùng biển của họ. Vậy thì, giàn khoan Nam Hải 9, có thể sẽ có bước đi tương tự, cho dù ban đầu họ tuyên bố vị trí hạ đặt nằm sâu trong thềm lục địa của họ tới 50 – 60 hải lý.
Khi vụ giàn khoan Hải Dương 981 nổ ra, tướng Trung Quốc La Viện đã tuyên bố sẽ tiếp tục đưa nhiều giàn khoan vào biển Đông. Đối với họ, chuyện không chỉ là dầu, mà muốn chứng tỏ cho cả thế giới biết họ là ông chủ của biển Đông, là bá chủ thế giới cho dù là bá đạo. Những ai còn “viển vông” và “mơ hồ” về tình hữu nghị của Trung Quốc thì hãy phản tỉnh ngay, đừng mê lú nữa.
Ngày 19.6 tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã “xin lỗi Quốc hội” để phát biểu một điều mà ông nghĩ rằng nhân dân đang trông đợi: “Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố hay nghị quyết chính thức gì cả về biển Đông, tôi tin rằng nhân dân ta sẽ rất thất vọng, thậm chí hoang mang. Đại biểu Quốc hội chắc sẽ nghẹn lời trước những ý kiến chất vấn của cử tri. Còn phía dư luận thế giới sẽ bình luận rằng: Một hành vi xâm phạm và đe dọa chủ quyền của Việt Nam trắng trợn đến thế mà Quốc hội nước này không có phản ứng chính thức thì việc gì mà nghị sĩ và nhân dân các nước khác phải lên tiếng. Và đây có thể là một cái cớ để phía Trung Quốc tiến hành những việc làm hiếu chiến và nguy hiểm hơn nữa”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã quá sốt ruột vì sơn hà nguy biến. Ông đã nói đúng bụng dân và trúng tim đen của giặc.
Trung Quốc đang tiến hành những bước hiếu chiến và nguy hiểm hơn rồi đó.
Lê Chân Nhân

(ĐC chép từ http://dantri.com.vn)

 

Dù thế nào cũng phải kiện Trung Quốc

21/06/2014 07:38 (GMT + 7)
TT - Đó là ý kiến của nhiều học giả quốc tế được trình bày trong hội thảo “Hoàng Sa - Trường Sa: sự thật lịch sử” và triển lãm “Hoàng Sa - Trường Sa: phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 20-6.
 
 
Ông Renato DeCastro và ông Daniel Schaeffer trả lời phỏng vấn của báo chí liên quan đến những tuyên bố sai trái của Trung Quốc tại biển Đông vào sáng 20-6 - Ảnh: Đoàn Cường
 
Tham gia hội thảo có 100 học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam.
Phải chơi bằng luật quốc tế
Mở đầu hội thảo, giáo sư Carlyle A. Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - nói tranh chấp hiện nay về quyền và chủ quyền trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có thể giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cần tranh thủ mạnh mẽ điểm này trong các trao đổi cấp chính phủ với Trung Quốc.
Cùng quan điểm, giáo sư Jerome A. Cohen, giám đốc Viện luật Mỹ - Á tại Trường đại học Luật New York, cho rằng giờ đây Trung Quốc đang lớn mạnh hơn nhiều về quân sự và đang ngày càng quyết đoán với những yêu sách ở biển Đông, không những chống lại Việt Nam mà cả các nước khác trong khu vực. Philippines, trong hoàn cảnh giống như Việt Nam hiện nay, đã quyết định đề xuất cơ chế trọng tài để chống lại Trung Quốc trên cơ sở giải quyết tranh chấp theo UNCLOS mà Trung Quốc, Philippines cũng như Việt Nam cam kết tuân thủ. Giáo sư Jerome A. Cohen nhấn mạnh: “Luật quốc tế luôn là thứ vũ khí phòng vệ có giá trị đối với nước yếu”. Theo giáo sư Jerome A. Cohen, chắc chắn giải pháp hòa bình sẽ phụ thuộc vào ngoại giao nhưng cũng không nên bỏ qua sự trợ giúp mà các thể chế pháp lý quốc tế có thể cung cấp.
Áp lực dư luận quốc tế
Trao đổi bên lề hội thảo về những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp phải khi kiện Trung Quốc ra tòa, giáo sư Erik Franckx - ĐH Tự do Brussels, Bỉ, thành viên tòa trọng tài thường trực - cho biết khi khởi kiện ra tòa án công lý quốc tế (ICJ) bắt buộc phải có hai bên chấp nhận. Trong tình hình hiện nay, khả năng kiện ra tòa này rất khó vì Trung Quốc có thể từ chối. Ví dụ như Nhật Bản, họ chủ động đưa những vụ việc tranh chấp đảo Senkaku ra tòa công lý nhưng phía Trung Quốc không có phản hồi. Tuy nhiên, giáo sư Erik Franckx cũng nói những cơ chế giải quyết tranh chấp bằng UNCLOS. Trung Quốc cũng tham gia ký UNCLOS nên phải có trách nhiệm thực hiện.
Giáo sư Erik Franckx nhìn nhận Việt Nam và Philippines có thể cùng chọn một vấn đề cần tập trung yêu cầu Trung Quốc định nghĩa, giải thích, chứng minh về đường chín đoạn. Nhưng Việt Nam cần lưu ý là Trung Quốc có những tuyên bố để loại bỏ mình ra khỏi những ràng buộc với các nước, các tổ chức quốc tế. “Kết quả xấu nhất có thể là tòa nói không đủ thẩm quyền xử lý vấn đề của Việt Nam và Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc. Nhưng ít nhất Việt Nam cũng sẵn sàng chứng minh điều này” - giáo sư Erik Franckx nói.
Đề cập việc Trung Quốc một mặt đưa các vấn đề tranh chấp biển Đông ra Liên Hiệp Quốc nhưng mặt khác họ lại phủ nhận vai trò của trọng tài quốc tế, giáo sư Erik bình luận: Trung Quốc muốn thể hiện lòng tin với cộng đồng quốc tế nên đưa vấn đề này ra. Nhưng Trung Quốc lại không muốn có sự can thiệp của bên thứ ba. “Điều đó cho thấy Trung Quốc phải có những phản hồi trước lập luận của Việt Nam và buộc phải biện hộ cho hành động của mình, phải lên tiếng trước áp lực của dư luận quốc tế” - giáo sư Erik nêu rõ.
Theo ông Jerome A. Cohen, Việt Nam vẫn nên đưa ra tòa án quốc tế, coi đây là sự thể hiện cho thế giới thấy mong muốn chân thành về một giải pháp hòa bình, công bằng.
HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG
Cảnh giác với trò “vỏ bọc ngư dân”
Học giả Lưu Anh Rô, tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, đưa ra cảnh báo: nhìn lại lịch sử về quá trình cướp đoạt Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 cho thấy Trung Quốc âm thầm trong một thời gian dài về việc sử dụng “vỏ bọc ngư dân” hiện diện tại Hoàng Sa. Đây là động thái nhằm tạo ra sự hiện hữu trong hoạt động kinh tế trên thực địa, sau đó là thu thập tin tức tình báo, tiếp đến là lén đổ bộ lên đảo cắm cờ, rồi khi có cơ hội thì huy động một lực lượng quân sự lớn, giả dạng ngư dân để đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Theo ông Rô, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, ngày 30-5-1956 Trung Quốc đưa lực lượng quân sự giả dạng ngư dân bất ngờ đổ bộ lên chiếm đóng đảo Phú Lâm - đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Để che mắt dư luận thế giới, Trung Quốc lén lút huy động các “tàu cá” chở ximăng, sắt, cát... ra đảo Phú Lâm. Trung Quốc còn sử dụng “tàu cá” ngụy trang chở đến hàng trăm “ngư dân” (thực chất là quân đội chính quy Trung Quốc) cùng vũ khí, đạn dược áp sát quần đảo Hoàng Sa chờ... ngày khai hỏa. “Theo chúng tôi, có một bài học lớn là cần hết sức cảnh giác sự thỏa hiệp ngấm ngầm giữa các cường quốc cũng như quái chiêu “ngư dân, cờ lạ” nhằm liên tục tạo ra sự tranh chấp giả hiệu, để khi có điều kiện thì thực hiện một cuộc tiểu chiến tranh xâm lăng chớp nhoáng, đặt dư luận quốc tế trước một việc đã rồi như Trung Quốc từng làm đối với Hoàng Sa của chúng ta” - ông Rô nói.
Góc bình luận
* Ông LÊ CÔNG PHỤNG (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao):
Có thể Nam Hải 9 sẽ thay thế Hải Dương 981
Việc Trung Quốc tiếp tục đưa các giàn khoan vào biển Đông, trong đó có giàn khoan Nam Hải 9 đến cửa vịnh Bắc bộ, theo tôi là hành động không thiện chí giữa lúc hai bên đang có những tiếp xúc và Việt Nam kiên trì giải quyết vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 bằng các biện pháp hòa bình. Hành động tiếp tục đưa giàn khoan là vi phạm thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước.
Cụ thể, khu vực giàn khoan Nam Hải 9 dự kiến được đưa đến là gần khu vực cửa vịnh Bắc bộ. Thực chất đây là khu vực Việt Nam và Trung Quốc đã đàm phán để phân định nhiều lần nhưng chưa đạt được kết quả và thực tế cũng khó đạt được kết quả. Lý do, việc phân định này lại liên quan trực tiếp đến các đảo ở Hoàng Sa mà các đảo đó Trung Quốc vẫn luôn nói là không có tranh chấp, trong khi đây là các đảo của Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm. Theo tôi nhớ, khu vực Trung Quốc dự kiến đưa giàn khoan Nam Hải 9 đến thì trước đây họ từng cho tàu và giàn khoan vào khu vực đó, Việt Nam đã phản đối.
Tại tọa độ mà giàn khoan Nam Hải 9 dự kiến đặt có ý kiến nói nằm ở phía đông đường phân định (về phía Trung Quốc), thật ra nó khá gần khu vực đảo Tri Tôn. Do đó, Việt Nam vẫn cần cảnh giác trước những hành vi mới của Trung Quốc. Rất có khả năng Trung Quốc kéo giàn khoan Nam Hải 9 ra, sau đó dần đưa đến thay thế giàn khoan Hải Dương 981. Giàn khoan Nam Hải 9 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, được mua từ nước ngoài, trong khi giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan nổi, Trung Quốc tự đóng. Nam Hải 9 có sức chịu sóng biển, chống chịu các yếu tố thời tiết trong mùa mưa bão... tốt hơn. Không loại trừ khả năng họ đưa Nam Hải 9 ra để chuẩn bị duy trì giàn khoan trong mùa biển động. Đây sẽ là hành động làm phức tạp thêm tình hình và Việt Nam cần tiếp tục phản đối hành động này của Trung Quốc.
C.V.KÌNH ghi
* Chuẩn đô đốc LÊ KẾ LÂM:
Tiếp tục “trở mặt”
Hôm nay tôi chú ý đến chi tiết Trung Quốc cho trực thăng bay sáu vòng phía trên các tàu thực thi pháp luật Việt Nam, chụp ảnh, quay phim. Tôi cho rằng họ muốn quan sát thật kỹ các tàu của ta, tìm bằng chứng chứng minh đây là tàu hải quân trá hình (như Trung Quốc đang cải trang cho các tàu của họ), đồng thời tìm điểm yếu của các tàu để dễ bề gây tổn thất nhiều hơn trong đụng độ, va chạm.
Việc tàu cảnh sát biển 8003 nhận ra “bạn” từng tuần tra chung với mình cách đó hai tháng, là tàu hải cảnh 3210 quyết liệt truy cản tàu của ta cũng là một điểm bất ngờ, dù vẫn nằm trong bản chất chung của toàn bộ sự việc. Điều này cũng chứng minh rằng sự trở mặt như trở bàn tay của Trung Quốc được thể hiện xuyên suốt từ cấp chiến lược tới chiến thuật.
Cục Hải sự Trung Quốc lại mới thông báo về ba giàn khoan nữa sắp vào hoạt động tại biển Đông, tập trung sát vùng thềm lục địa Việt Nam. Rõ ràng Trung Quốc muốn gia tăng uy hiếp trong khu vực, đồng thời phân tán sự chú ý, đấu tranh của Việt Nam và nhiều nước khác ra nhiều hướng. Không loại trừ các hành động điên cuồng hơn như: sử dụng lực lượng vũ trang, đe dọa đưa hàng ngàn tàu cá ra tranh chấp ngư trường, bắt tàu bắt người, đóng thêm những bãi đá ngầm, tiếp tục xây dựng ở Chữ Thập, Châu Viên...
P.VŨ ghi
 
 
 (ĐC chép từ http://tuoitre.vn)
Xem tiếp...

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 2 (Học giả An Chi)

(ĐC sưu tầm trên NET)


ANH HÙNG & YÊNG HÙNG (Năng Lượng Mới số 332 ,20-6-2014).

June 20, 2014 at 1:14am
Bạn đọc : Xin ông cho biết “anh hùng” và “yêng hùng” giống và khác nhau như thế nào và liệu còn có những trường hợp khác mà những từ có vần ANH và vần IÊNG là điệp thức của nhau, giống như những trường hợp giữa ÊT và IÊT, hoặc giữa IÊC và ICH mà ông đã nêu trên Năng lượng mới các số 324 & 326? Xin cám ơn ông.
                                                                            TV, GV Trường Múa TPHCM.
An Chi : Có chứ bạn. Sau đây là một số dẫn chứng:
“Yếng” là điệp thức của “ánh” trong “ánh sáng”.
Ở Nam Bộ, nhất là trước kia, người ta thường nói “bộ hiềng”, thay vì “bộ hành” để chỉ khách đi đường, như đã được ghi nhận trong Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín và Từ điển phương ngữ Nam Bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên.
        “Kiểng” trong “cá kiểng”, “cây kiểng”, “chim kiểng”, v.v., là điệp thức của “cảnh” trong “sinh vật cảnh”.
                Chữ “thiềng” trong “kiền thiềng (tửu châm sơ tuần, nhị tuần, v.v.)” chính là “thành” [] trong “thành tâm”, “thành ý”, v.v..
        Chữ “thành” [城] trong “thành thị” xưa cũng đọc là “thiềng”, như đã ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị Annam Latinh, 1772-73) của Pierre Pigneaux de Béhaine, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức.
        “Miểng” trong “miểng chai” chính là điệp thức của “mảnh” trong “mảnh bom”, “mảnh giấy”, v.v., rồi của cả “manh” trong “(buồn ngủ gặp) chiếu manh”, đặc biệt là của “miếng” trong “miếng cơm”, miếng nước”, “miếng thịt”, v.v., cuối cùng là của “mánh” trong “mánh khóe”, “mánh lới”, “mánh mung”, v.v.. Xin nói rõ về chữ “mánh” này. Một chuyên gia được đào tạo bài bản đã cất công lặn lội sang tận một phương ngữ Hoa Nam là tiếng Quảng Đông ở Chợ Lớn để nhặt về cho từ “mánh” này cái nguyên từ (etymon) “mắn” (đọc theo giọng Bắc) hoặc “mánh” (đọc theo giọng Nam)”, mà chữ Hán là [文] “văn”, có nghĩa là “đồng”, đơn vị tiền tệ bằng 10 hào hoặc 100 xu. Nhưng xin khẳng định rằng người Việt không bao giờ mượn từ “mắn/mánh” của tiếng Quảng Đông để chỉ đơn vị “đồng” trong tiền tệ Việt Nam nên họ tuyệt đối không có cơ sở ngữ nghĩa làm ẩn dụ để lấy nó mà chỉ “mánh” trong “mánh khóe”, “mánh lới”. Nếu nói rằng đó là mượn thẳng từ ẩn dụ có sẳn trong tiếng Quảng Đông thì càng cực kỳ phi lý vì người Quảng Đông không bao giờ dùng chữ/từ [文] của họ theo nghĩa đó. “Mánh” chính cống là một từ của tiếng Việt và vì là điệp thức của “miếng” nên đương nhiên vốn cũng có nghĩa là … “miếng”. Ta nên biết rằng vùng Nghệ Tĩnh là cái nôi của tiếng Việt cổ, tại đây, “mạnh” là “miệng”; còn “mánh” là “miếng”, như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng địa phương Nghệ-Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (Nxb Văn hóa Thông tin,, Hà Nội, 1999) và Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung – Thái Kim Đỉnh (Nxb Nghệ An, 1997). “Miếng” có một nghĩa bóng là “thế” trong “thế võ”, là “kế” trong “mưu kế”,, là “nước” trong “nước cờ”, v.v., như có thể thấy trong câu “Ăn miếng trả miếng”, mà Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương giảng là: “Phải ăn miếng đòn gì thì nhớ giáng trả lại miếng đòn tương tự”. Đây cũng chính là cái nghĩa của “mánh” trong “mánh khóe”, “mánh lới”, “trúng mánh”, “vô mánh”, “bể mánh”, v.v.. Nội bộ của tiếng Việt đã sẵn dữ kiện cho ta như thế rồi thì còn lặn lội sang tận tiếng Quảng Đông làm gì!
Vậy, với những dẫn chứng trên, ta có thể tin rằng “yêng” là điệp thức của “anh” trong “anh hùng”. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng “yêng hùng” là “ [khẩu ngữ, ít dùng] anh hùng [nói trại với dụng ý châm biếm, giễu cợt]”. Thực ra, đây không phải là vì dụng ý châm biếm, giễu cợt mà nói trại đi, vì trong lịch sử của nó, chữ “anh” trong “anh hùng” đã từng có thời mang vần IÊNG (YÊNG) và có giá trị trung hòa như “yếng”, “hiềng”, “kiểng”, “thiềng”, “miểng” trong các thí dụ trên đây. Huống chi, riêng nó còn có thể là do tệ kiêng húy mà phải biến đổi từ “anh” thành “yêng” và trong thời gian mà việc kiêng húy còn có hiệu lực đối với nó thì chẳng làm gì có chuyện châm biếm, giễu cợt trong đó.
Về sau, khi việc kiêng húy đối với “yêng” không còn hiệu lực nữa và hai tiếng “anh hùng” đã trở nên thông dụng trong toàn xã hội mà “yêng hùng” vẫn chưa “chết” đi, thì mới xảy ra một sự phân công: “anh hùng” thì có sắc thái trung hòa còn “yêng hùng” thì mới mang hàm ý châm biếm, giễu cợt.
Xem tiếp...

BÀI VIẾT HAY 77

(ĐC chép từ.thanhnien.com.vn )

CHXHCN Việt Nam có bị ràng buộc bởi công thư 1958?

(TNO) Những ngày vừa qua, trên báo chí nổi lên cuộc tranh luận về Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng cũng như về một vài tư liệu khác (bản đồ, sách giáo khoa…) mà ngày 9.6.2014 Trung Quốc đề nghị cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc.

>> Công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa
 Các tàu hộ tống giàn khoan tăng cường co cụm quanh giàn khoan
Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam bị cộng đồng quốc tế lên án - Ảnh: Độc Lập
Sau khi đọc những tài liệu trên và một số bài của các học giả Trung Quốc, tôi thấy cần phải trao đổi đôi điều về vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam - một trong những luận cứ chính mà phía Trung Quốc muốn dùng để bào chữa cho hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Một số khái niệm cơ bản về thừa kế quốc gia
1. Thừa kế quốc gia là một chế định luật pháp quốc tế khá phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn. Cho đến khi ra đời 2 Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ): Công ước về thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế năm 1978; Công ước về thừa kế quốc gia đối với tài sản, lưu trữ và nợ quốc gia năm 1983, các luật gia trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này.
Căn cứ vào hai Công ước nói trên, có 3 trường hơp làm phát sinh thừa kế quốc gia, đó là: Thừa kế khi thuộc địa trở thành quốc gia mới độc lập; Thừa kế khi có sự sáp nhập hoặc tách rời quốc gia; Thừa kế khi chuyển giao một bộ phận lãnh thổ từ quốc gia này sang quốc gia khác. 
Nhiều luật gia còn nêu ra trường hợp thừa kế quốc gia sau cách mạng xã hội, nhưng hai Công ước 1978 và 1983 đã không coi cách mạng xã hội là một trường hợp dẫn đến thừa kế quốc gia. Như vậy, luật pháp quốc tế coi cách mạng xã hội chỉ làm thay đổi chế độ chính trị (chính phủ) trong một quốc gia chứ không hình thành nên một quốc gia - chủ thể mới của luật pháp quốc tế. Trong 3 trường hợp trên, về khách quan chúng ta đều thấy có sự hiện diện của hai quốc gia là quốc gia tiền bối (predecessor state) và quốc gia thừa kế (successor state) khác nhau (với đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia theo Công ước Montevideo, bao gồm: dân cư, lãnh thổ và một chính quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại), còn trong trường hợp cách mạng xã hội thì tương đối khó chứng minh điều này.
2. Hai Công ước của LHQ đều định nghĩa: “Thừa kế quốc gia” là sự thay đổi đối với trách nhiệm về quan hệ quốc tế của lãnh thổ từ một quốc gia này sang một quốc gia khác. (Succession of states” means the replacement of one state by another in the responsibility for the international relations of territory).
Đồng thời với việc xác định ba trường hợp thừa kế quốc gia, hai Công ước cũng quy định những nguyên tắc pháp lý áp dụng cho từng trường hợp thừa kế nói trên. Khác với nguyên tắc “thừa kế đương nhiên và toàn bộ” trong trường hợp sáp nhập hoặc tách rời quốc gia, trường hợp các quốc gia mới độc lập, nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với điều ước quốc tế cũng như nợ quốc gia được áp dụng trong hai Công ước về cơ bản là nguyên tắc “xóa sạch” (tabula rasa) hay còn gọi là thừa kế có chọn lọc.
Việt Nam là quốc gia mới độc lập đã áp dụng nguyên tắc này trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945: “Chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn khỏi quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những Hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Quốc hội yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981
Tàu Cảnh sát biển VN đang thực thi pháp luật tại khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Trung Quốc) hạ đặt trái phép - Ảnh: M.T.Hải
3. Mặc dù vậy, vẫn có một nguyên tắc được áp dụng chung cho tất cả mọi trường hợp thừa kế quốc gia - đó là khi thừa kế quốc gia liên quan đến biên giới và lãnh thổ. Đ.11 và 12 của Công ước 1978 về thừa kế quốc gia quy định: thừa kế quốc gia không làm ảnh hưởng đến đường biên giới, chế độ biên giới hoặc quy chế các vùng lãnh thổ được quy đinh trong các điều ước quốc tế. Nói cách khác tức là các quốc gia thừa kế (ngay cả trường hợp quốc gia mới độc lập), đều không thể đơn phương hủy bỏ, thay đổi các điều ước về biên giới, về chế độ biên giới hoặc về quy chế một vùng lãnh thổ nào đó. Nếu điều ước đó là bất hợp lý thì quốc gia mới được thành lập (quốc gia thừa kế), trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phải đàm phán với các quốc gia liên quan để sửa đổi.
Đ.11 và 12 làm rõ thêm quy định của luật pháp quốc tế: tranh chấp về biên giới lãnh thổ không thể giải quyết bằng các hành động đơn phương, đặc biệt là bằng vũ lực. Điều này vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: nguyên tắc cấm sử dụng vũ lưc và đe dọa sử dụng vũ lưc, nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình…
Thừa kế quốc gia của Nhà nước Việt Nam
1. Trước khi bị Pháp xâm lược, nước Việt Nam, mà người đại diện là Triều đình của các Hoàng đế nhà Nguyễn, đã là một quốc gia - chủ thể của luật pháp quốc tế. Các vua chúa nhà Nguyễn là người đã xác lập và thực thi chủ quyền của quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông qua việc ký Hiệp ước 1884 với Triều đình Huế, về phương diện pháp lý quốc tế, Pháp đã hoàn tất quá trình biến Việt Nam thành thuộc địa của mình. Từ thời điểm này, Việt Nam mất độc lập chủ quyền, không có quan hệ đối ngoại, không phải là chủ thể luật pháp quốc tế.
Theo luật pháp quốc tế thời bấy giờ thì Pháp là quốc gia thừa kế của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Với tư cách đó, Pháp đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới trên bộ với Triều đình nhà Thanh và khi phân chia các đơn vị hành chính Việt Nam, Pháp đã đưa Hoàng Sa vào quản lý hành chính của tỉnh Quảng Nam, Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Cũng với tư cách là quốc gia thừa kế của Việt Nam, chính phủ Pháp đã cho xây dựng trạm khí tượng trên Hoàng Sa và cấp phép cho các công ty khai thác phân dơi trên quần đảo này…
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm độc quyền cai trị Việt Nam dẫn đến sự kiện Hoàng đế Bảo Đại tuyên bố xóa bỏ các điều ước bất bình đẳng 1862, 1874, 1884 giữa Việt Nam và Pháp, xóa bỏ quy chế thuộc địa và việc chia cắt Việt Nam thành ba Kỳ. Nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng với sự kiện này Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Tuyên cáo của Bảo Đại ngày 11.3.1945 nói “nước Việt Nam khôi phục quyền độc lập” không thể coi là văn kiện làm phát sinh thừa kế quốc gia, nếu có chăng chỉ là việc Nhật thừa kế các quyền lợi của Pháp tại Việt Nam. Nhật đã thay thế Pháp quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
2. Với Cách mạng tháng Tám 1945, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền, chủ thể của luật pháp quốc tế. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Tuyên ngôn Độc lập: “Pháp chạy, Nhật hàng, Vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để xây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ để lập nên chế độ dân chủ công hòa… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.
Câu nói trên đã khái quát một cách hết sức cô đọng vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) xuất hiện như một quốc gia mới độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế, nhưng không phải tách ra từ thuộc địa của Pháp, vì “Pháp đã chạy”, những điều ước của Pháp đã bị xóa bỏ. Nước Việt Nam cũng không phải là quốc gia thừa kế trực tiếp của Nhật, vì lúc đó Nhật đã đầu hàng Đồng minh. VNDCCH lại càng không phải là quốc gia thừa kế của Triều đình Huế, bởi vì không thể có thừa kế quốc gia đối với triều đình bù nhìn.
Việc ngày 23.9.1945, Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và trong thời gian đầu chiếm được phần lớn lãnh thổ Việt Nam không đem lại địa vị pháp lý quốc tế mà Pháp đã có ở Việt Nam trước năm 1945. Đó chỉ là hành động xâm lược đối với một quốc gia đã có độc lập chủ quyền là VNDCCH. Với sách lược hòa hoãn, VNDCCH đã ký Hiệp định sơ bộ 6.3.1946 cho nên, về khách quan, giữa VNDCCH và Pháp chưa thể diễn ra việc chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế cụ thể theo thừa kế quốc gia.
3. Để đối phó với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ngày 8.3.1949 Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Élysée, công nhận “nền độc lập của Việt Nam”, trên cơ sở đó Bảo Đại về nước thành lập Quốc gia Việt Nam (từ 1956 đổi thành Việt Nam Cộng hòa - dưới dây gọi chung là VNCH). Hiệp định Élysée 1949 cùng với Hiệp ước trao trao trả độc lập cho Việt Nam ngày 4.6.1954 được nhiều luật gia miền Nam trước đây coi là hai văn kiện pháp lý quốc tế đánh dấu sự ra đời của môt quốc gia Việt Nam độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế và là văn kiện quy định về thừa kế quốc gia của Việt Nam sau khi chấm dứt ách thống trị thực dân của Pháp. Về khoa học pháp lý quốc tế, những khẳng định này là không đúng.
Từ thời điểm này trên lãnh thổ Việt Nam song song tồn tại hai chính phủ là VNDCCH và VNCH, cả hai chính phủ này đều coi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau thuộc quyền quản lý của mình và chỉ có mình là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của Việt Nam.
Trên thực tế, Pháp đã sử dụng khá thành công hai văn kiện 1949 và 1954 nói trên để từ chối quan hệ với VNDCCH và chuyển giao những quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cho VNCH với tư cách là quốc gia thừa kế của Pháp. Với sự vận động của Pháp, VNCH đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế thuộc hệ thống của LHQ như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO - tháng 6.1950), Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO - tháng 11.1950), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO - tháng 6.1951), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA - tháng 9.1961)… Phần lớn các nước phương Tây, trong khi không công nhận VNDCCH, đã thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi Đại sứ với VNCH. Họ coi VNCH như là người đại diện cho quốc gia Việt Nam.
VNCH tham dự Hội nghi San Francisco 1951, tại đây đã chính thức khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa  và sau đó đã tiếp quản và quản lý hai quần đảo này từ tay Pháp với tư cách quốc gia thừa kế.
Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ VNDCCH, bắt đầu từ tháng 1.1950 Trung Quốc, Liên Xô rồi sau đó là một loạt các nước Xã hội chủ nghĩa (XHCN) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Các nước XHCN công nhận VNDCCH như là người đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất của Việt Nam, từ chối quan hệ chính thức với VNCH.
4. Hiệp định Genève 1954 là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương quan trọng đầu tiên công nhận “chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam. Bên cạnh Pháp và VNDCCH, tham dự Hội nghị Genève cùng với các cường quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh và Campuchia, Lào còn có đại diện của Quốc gia Việt Nam. Đại diện của Chính phủ Bảo Đại đã từ chối ký Hiệp định Genève với lý do chính đưa ra là phản đối việc Hiệp định này chia cắt Việt Nam thành hai miền.
Theo Hiệp định Genève, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết (chính quyền và quân đội VNDCCH tập trung về miền Bắc; chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam). Mặc dù “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ”. (Đ.6 Tuyên bố chung), nhưng Đ.14 (k.a) lại quy định "Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy (TG nhấn mạnh)". 
5. Sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng đưa đến việc thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) vào ngày 8 tháng 6 năm 1969. Từ tháng 6.1969 đến cuối năm 1975, CHMNVN đã được hơn 50 nước trên thế giới công nhận và lập quan hệ ngoại giao. 
Trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện thêm một chính phủ, nhưng khác với VNDCCH và VNCH, CHMNVN chỉ khẳng định chủ quyền của mình đối với lãnh thổ miền Nam Việt Nam (tức là từ phía Nam vĩ tuyến 17) và coi mình là “đại diện hợp pháp và chân chính duy nhất cho nhân dân miền Nam Việt Nam”. CHMNVN được VNDCCH công nhận là chính quyền hợp pháp ở miền Nam Việt Nam và thiết lập Văn phòng Đại diện có quy chế ngoại giao tại Hà Nội.
Cho đến ngày 30.4.1975, bên cạnh việc tham dự Hội nghi Paris bốn bên về Việt Nam, CHMNVN vận động để được tham gia các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Đầu tiên là việc gia nhập Phong trào Không Liên kết tại Hội nghị cấp cao Alger 1973; sau đó là cuộc vận động để tham dự Hội nghị Ngoại giao về Luật quốc tế Nhân đạo tai Genève năm 1974; CHMNVN đã gửi Công thư cho Tổng thư ký LHQ yêu cầu được hưởng quy chế Quan sát viên tại tổ chức này (sau ngày 30.4.1975 CHMNVN tiếp quản quy chế Quan sát viên của VNCH tại LHQ)…
Đầu năm 1974, khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, CHMNVN đã có Tuyên bố chính thức phản đối hành động này vì coi mình là người quản lý lãnh thổ miền Nam Việt Nam.
6. Ngay sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam 30.4.1975, CHMNVN đã có một loạt Tuyên bố khẳng định quyền thừa kế đối với tài sản quốc gia của miền Nam Việt Nam ở nước ngoài. Ví du như:  Tuyên bố ngày 1.5.1975 của Bộ Ngoại giao CHMNVN khẳng định mọi tài sản, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ lưu trữ, tài khoản ngân hàng, trụ sở, phương tiện giao thông và tất cả những tài sản khác của các cơ quan đại diện của VNCH ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cơ quan đại diện bên cạnh các tổ chức quốc tế…) là tài sản của nhân dân miền Nam Việt Nam và phải do CHMNVN quản lý…
Cũng với cách tiếp cận tương tự, CHMNVN đã đòi quyền đại diện tại hầu như tất cả các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống LHQ mà trước đó VNCH đã tham gia (WHO, ILO, UNESCO, ICAO,  IAEA, IMF, WB…).
Việc CHMNVN tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính phủ VNCH cũng như quy chế hội viên tại các TCQT diễn ra thuận lợi, không gặp một trở ngại nào về pháp lý vì các quốc gia và tổ chức quốc tế đều quan niệm rằng đây chỉ là sự thay đổi chính quyền trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không làm phát sinh chủ thể mới luật pháp quốc tế. Theo họ đây là thừa kế chính phủ chứ không phải thừa kế quốc gia. Việc tuyệt đại đa số thành viên Hội đồng Bảo an và Đại Hội đồng LHQ khóa XXX (1975) biểu quyết ủng hộ kết nạp CHMNVN cùng với VNDCCH làm thành viên LHQ càng chứng minh rõ việc này (năm 1975 không được kết nạp là do phiếu phủ quyết của Mỹ).
Về đối nội, các văn kiện Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất tổ quốc diễn ra tại TP.HCM ngày 21.11.1975 đã khẳng định CHMNVN thi hành quyền lực pháp lý ở miền Nam, còn VNDCCH thi hành quyền lực ở miền Bắc. Chính quyền CHMNVN đã tổ chức các cuộc bầu cử ở cấp địa phương, và ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền.
Trên biển, quân giải phóng MNVN đã tiếp thu tất cả các đảo trên biển Đông phía Nam vĩ tuyến 17 do quân đội VNCH đồn trú mà không gặp phải sự phản đối của bất kỳ quốc gia nào trong cũng như ngoài khu vực.
7. Tổng tuyển cử bầu quốc hội của nước Việt Nam thống nhất diễn ra trên toàn lãnh thổ VNDCCH và CHMNVN vào ngày 25.4.1976. Ngày 24.6.1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên quyết định đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) với Thủ đô là Hà Nội.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao CHXHCNVN có Công thư gửi cho các quốc gia và tổ chức quốc tế thông báo về những quyết định của Quốc hôi nước Việt Nam thống nhất và về việc hợp nhất cơ quan đại diện đối ngoại của VNDCCH và CHMNVN ở nước ngoài thành cơ quan đại diện của CHXHCNVN.
Tuy vậy, vấn đề thừa kế quốc gia của Việt Nam lúc này diễn ra không hoàn toàn thuận lợi như trước đây. Quan điểm của CHXHCNVN không công nhận sự ràng buộc đối với những Hiệp định vay nợ mà VNCH đã ký trước ngày 30.4.1975 đã không được các quốc gia và tổ chức quốc tế chấp nhận. Quan điểm của các luật gia Việt Nam đấu tranh đòi áp dụng nguyên tắc thừa kế quốc gia đối với quốc gia mới độc lập cũng không thuyết phục được đối tác trong các cuộc đàm phán. Các quốc gia và tổ chức quốc tế nhất quán quan điểm coi CHXHCNVN là chủ thể mới của luật pháp quốc tế, hình thành trên cơ sở sát nhập VNDCCH và CHMNVN. Ba trường hợp sau sẽ cho thấy thực tiễn giải quyết vấn đề thừa kế quốc gia của CHXHCNVN.
- VNCH là hội viện sáng lập của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) từ 1966. Trong gần 10 năm, ADB đã dành cho VNCH 11 khoản vay để thực hiện 9 dự án phát triển. Cho đến 30.4.1975, VNCH còn nợ ADB 5.580.000 USD (gần như tương đương với 5.360.000 USD là khoản đóng góp mà VNCH đang có tại ADB). Sau khi giải phóng miền Nam, ADB đương nhiên coi CHMNVN là hội viên thay thế cho VNCH. Nhưng sau khi thống nhất đất nước, để có thể thừa kế quyền hội viên của CHMNVN thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải có Công thư ngày 30.8.1976 gửi cho Chủ tịch ADB tuyên bố thay mặt Chính phủ CHXHCNVN nhận tất cả những nghĩa vụ đối với các khoản tín dụng mà ADB dành cho miền Nam Việt Nam trước ngày 24.6.1976.
- Đối với các Hiệp định tín dụng mà Chính phủ Nhật cho VNCH vay trước 1975, cách giải quyết có khác hơn, nhưng về nguyên tắc vẫn không thay đổi. Sau những cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài, đầu năm 1978 hai bên đã đi đến thỏa thuận: CHXHCNVN đồng ý trả khoản nợ của VNCH trong thời hạn 25 năm, để đổi lại, trong vòng 3 năm Nhật viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam một khoản tiền tương đương với khoản nợ của VNCH, đồng thời trong 2 năm tài khóa 1978 - 1979 Nhật sẽ cung cấp cho CHXHCNVN một khoản tín dụng 20 tỉ Yên với lãi xuất ưu đãi là 2,78% và thời gian trả nợ là 30 năm.
- Cuộc đàm phán đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào những năm 90 của thế kỷ trước cũng không phải là ngọai lệ, cuối cùng CHXHCNVN cũng đồng ý trả, tuy không phải là tất cả, những khoản tín dụng hợp lý mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết với VNCH.
Công thư 1958 có ràng buộc CHXHCNVN hay không ?
1. Từ những dẫn chứng trên có thể kết luận: VNCH là một quốc gia chủ thể của luật pháp quốc tế và những hành động với tư cách quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế của VNCH cần phải được tôn trọng. Thực tế lịch sử cho thấy, tất cả những quốc gia bị chia cắt sau Chiến tranh Thế giới II, đều trở thành các quốc gia độc lập - chủ thể luật pháp quốc tế (CHLB Đức, CHDC Đức, Triều Tiên, Hàn Quốc…). Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chẳng phải trước kia nhiều quốc gia cũng đã từng không công nhận Hàn Quốc hoặc Triều Tiên nhưng nay đã có quan hệ ngoại giao với hai quốc gia này. Thực tế này không cản trở việc thống nhất Hàn Quốc và Triều Tiên trong tương lai (như trường hợp Việt Nam và Đức).
Trung Quốc điều tàu hộ vệ tên lửa đến khu vực đặt giàn khoan trái phép Haiyang Shiyou-981
Tàu Trung Quốc nhiều lần hung hăng áp sát, đâm va tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật tại Hoàng Sa - Ảnh: M.T.Hải
Chính phủ và các học giả Trung Quốc đang tìm cách không công nhận thực tế này với ý đồ tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa liệu có thể chối cãi được việc họ đã công nhận trên lãnh thổ Việt Nam giai đoạn 1954 - 6.1976 tồn tại hai quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế thông qua việc bỏ phiếu ủng hộ VNDCCH và CHMNVN cùng gia nhập LHQ với tư cách là quốc gia hội viên? Và còn nhiều bằng chứng không thể bác bỏ khác.
2. Với tư cách là quốc gia chủ thể luật pháp quốc tế, VNCH đã tiếp quản và quản lý Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặc dù năm 1974 Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa, nhưng luật pháp quốc tế đã khẳng định rõ ràng, xâm chiếm bằng vũ lực vĩnh viễn không đem lai danh nghĩa chủ quyền cho quốc gia đã tiến hành những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
3. Công thư năm 1958 của Thủ tướng VNDCCH  Phạm Văn Đồng không nói đến hai quần đảo, không thể dùng Công thư này để khẳng định VNDCCH công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy vậy, nếu không có Công thư này thì sẽ tránh được những sự lợi dụng ác ý.
Cho dù những suy diễn về ý nghĩa của Công thư 1958 có đi xa như thế nào, cũng như phía Trung Quốc có đưa thêm bất kỳ bằng chứng gì để vu cáo Việt Nam, thì những gì liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa xảy ra ngoài lãnh thổ miền Nam Việt Nam trước 24.6.1976 không hề ràng buộc CHXHCNVN. Với tư cách là quốc gia thừa kế của VNDCCH và CHMNVN, những gì liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa nếu có sự mâu thuẩn giữa hai quốc gia tiền bối thì những hành động (hơn nữa, đó là những hành động rõ ràng, kiên quyết và phù hợp với luật pháp quốc tế) của CHMNVN và Chính phủ tiền nhiệm của nó là VNCH, người thực sự quản lý hai quần đảo này một cách hợp pháp, sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với CHXHCNVN. Điều này được luật pháp quốc tế quy định rõ ràng. Xương máu bao đời của cả dân tộc Việt nam đã đổ ra để bảo vệ chủ quyền hai quần đảo sẽ không bao giờ trở thành vô ích.
4. Nếu có ai còn có những định kiến về học thuật (và cả chính trị, nếu có) thì cũng cần phải nhìn nhận thực tế khách quan được cả thế giới công nhận trên để đi đến những kết luận đúng đắn về thừa kế quốc gia của Việt Nam. Như G.V.Goethe, thi hào vĩ đại và là nhà tư tưởng của nước Đức đã từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Quốc Pháp
Xem tiếp...

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

BÀI VIẾT HAY 76

(ĐC chép từ http://sachhiem.net)

Trần Trọng Kim và “Việt Nam Sử Lược”
An Chi/ Petrotimes
17-Jun-2014
Trong hơn 20 vạn chữ của cả quyển sách, Trần Trọng Kim đã đền ơn Nhà nước Bảo hộ chỉ bằng vài chục chữ len lỏi ở mấy chỗ thực sự đắc địa trong cái rừng chữ rậm rịt đó. Đây mới là điều thực sự nguy hiểm và vô cùng tai hại. Nó như một kẻ bắn tỉa, nấp ở một chỗ tuyệt đối an toàn để bắn cho đúng vào não của người đọc làm cho anh ta hoàn toàn không kịp phản ứng về nhận thức. (Học giả An Chi)
Nguồn: http://petrotimes.vn/news/vn/hoc-gia-an-chi-giai-dap/tran-trong-kim-va-viet-nam-su-luoc.html
(Petrotimes) - Bạn đọc: Tạp chí Xưa & Nay số 346 (12/2009) có đăng bài “Trần Trọng Kim với Việt Nam sử lược” của  Mai Khắc Ứng, hết lời ca ngợi Trần Trọng Kim và quyển sử của ông ta. Xin ông An Chi vui lòng cho biết, ông có đồng tình với sự đánh giá của tác giả Mai Khắc Ứng hay không? Xin cảm ơn. Nguyễn Hữu Vinh (Q.1, TP HCM)
Học giả An Chi: Trong cái bài đầy dụng ý bào chữa và đề cao này, sau phần mào đầu, tác giả Mai Khắc Ứng đã ca ngợi Trần Trọng Kim:
Viết như vậy mới đích thực là nhà sử học. Có nói có. Không nói không. Sai nói sai. Đúng nói đúng”.
Và cuối cùng, Mai Khắc Ứng kết luận:
Với tôi, Trần Trọng Kim qua Việt Nam sử lược là một người yêu nước thành tâm, một nhà sử học chân chính, trung thực, một người cầm bút có nhân cách, một học giả xuất sắc đã cống hiến phần trí tuệ, chí ít cho các thế hệ nửa đầu thế kỷ XX (…)”.
Vậy ta hãy thử đi vào tận “gan ruột” cuốn Việt Nam sử lược và tận “tim” của Trần Trọng Kim xem có thật đúng như Mai Khắc Ứng đã khẳng định hay không.
Trong cuốn sách dày 588 trang của mình (chúng tôi dùng bản của NXB Tân Việt - Hà Nội, in và phát hành tại Sài Gòn, 1949), Trần Trọng Kim đã dành 470 trang cho thời gian từ khởi thủy đến trước khi Pháp cướp nước ta. Số trang còn lại viết về lịch sử nước ta từ khi “Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ” (quyển V, chương VII) đến “Công việc của Bảo hộ” (cùng quyển, chương XVI). Trong gần 100 trang này, hai trang 487-488(*) đã nói lên tận đáy lòng của Trần Trọng Kim, sự trung thành của ông ta đối với nhà nước Đại Pháp mà ông ta không thể không mang ơn khi chính bản thân mình lại là sản phẩm do chế độ cai trị và chính sách giáo dục của nó đào tạo ra.
Ảnh Cửa Bắc của Thành Hà Nội, bác sĩ Hocquard chụp khoảng 1884 -1885
Trần Trọng Kim thi đỗ vào Trường Thông ngôn năm 1900, rồi đến 1903 thì tốt nghiệp. Năm 1904, ông ta làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, sang Pháp học Trường Thương mại ở Lyon, rồi được học bổng vào Trường Thuộc địa Pháp. Năm 1909, vào Trường Sư phạm Melun rồi về nước sau khi tốt nghiệp và dạy Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Từng là Thanh tra Tiểu học (1921), Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành (1931), Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939). Ông ta còn là Phó trưởng ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức và đặc biệt còn là Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ nữa. Bảo Trần Trọng Kim đừng biết ơn nhà nước Đại Pháp sao được?
Trong hơn 20 vạn chữ của cả quyển sách, Trần Trọng Kim đã đền ơn Nhà nước Bảo hộ chỉ bằng vài chục chữ len lỏi ở mấy chỗ thực sự đắc địa trong cái rừng chữ rậm rịt đó. Đây mới là điều thực sự nguy hiểm và vô cùng tai hại. Nó như một kẻ bắn tỉa, nấp ở một chỗ tuyệt đối an toàn để bắn cho đúng vào não của người đọc làm cho anh ta hoàn toàn không kịp phản ứng về nhận thức. Đây chính là cái điểm son, không phải chói lọi, mà tiềm ẩn, giúp cho Trần Trọng Kim trả được cái ơn đối với công lao đào tạo của nhà nước Đại Pháp. Có lẽ vì quá mê mẩn tâm thần với “dòng sữa ngọt rót vào tâm hồn tôi” (chữ của Mai Khắc Ứng chỉ Việt Nam sử lược) nên tác giả Mai Khắc Ứng đã không thấy, hoặc lờ đi vì đồng tình, cái chỗ rất tệ hại này của Trần Trọng Kim khi nhà làm sử này viết:
“Trong thời đại khó khăn như đời vua Dực Tôn, mà vua quan cứ khư khư giữ lấy thói cũ, không biết theo thời mà mở nước cho người ta vào buôn bán, không biết nhân dịp mà khai hóa dân trí, lại vì sự sùng tín mà đem giết hại người trong nước, và đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi những sự lầm lỗi ấy, cho nên nước Pháp mới dùng binh lực để báo thù cho những người bị giết hại” (Xin theo chính tả hiện hành cho tiện - Sđd, tr.487).
Cái câu “Bởi những sự lầm lỗi ấy, cho nên nước Pháp mới dùng binh lực để báo thù cho những người bị giết hại” của Trần Trọng Kim là một câu “xanh rờn” mà bất cứ người Việt Nam nào thông thạo tiếng mẹ đẻ và có tinh thần dân tộc cũng có thể nghĩ là do một “ông Tây mũi lõ” viết ra để bào chữa cho âm mưu của giặc Pháp nhằm cướp nước Đại Nam chứ không phải do một anh an-na-mít mũi tẹt viết ra trong quyển sách có nhan đề là Việt Nam sử lược. Anh mũi tẹt này lẽ ra phải biết rằng, dù dân tình của nó ra sao, dù vua quan của nó thế nào thì Đại Nam vẫn là một quốc gia có chủ quyền.
Bọn Tây mũi lõ nếu không muốn bị giết hại thì đừng có xâm phạm lãnh thổ của người ta mà làm chuyện bất hợp pháp. Chúng phải biết rằng - và Trần Trọng Kim càng biết rõ hơn chúng! - Đại Nam là một nước theo tam giáo từ lâu đời nên đối với thứ đạo mà mấy ông Tây râu xồm đem vào thì người ta dễ xem là tà đạo nên kỳ thị là chuyện dễ hiểu. Chẳng phải chính Công giáo cũng từng kỳ thị việc thờ cúng ông bà của lương dân Việt Nam và từng bắt ép người lấy vợ hoặc chồng Công giáo cũng phải theo đạo của họ hay sao? Chẳng phải cố đạo Alexandre de Rhodes từng phỉ báng Đức Thích Ca là “thằng hay dối” trong Phép giảng tám ngày đó sao?
Vậy thì trong cái thế “đối đầu tôn giáo” đó, chủ trương cấm đạo của nhà Nguyễn là một việc làm mà hậu thế phải thông cảm vì thực ra đằng sau việc truyền đạo còn là chuyện gì nữa thì có lẽ các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã tiên cảm đúng hơn là Trần Trọng Kim, mặc dù tác giả này có điều kiện để biết rõ ràng và dễ dàng hơn.
-- o0o --
Ta cũng nên biết rằng, trước đó hơn ba thế kỷ, việc truyền đạo (Công giáo) đã đi đầu trong công cuộc thuộc địa hóa châu Mỹ Latinh của bọn thực dân da trắng; điều này đã buộc Giáo hoàng John-Paul II phải xin lỗi các dân tộc bản địa châu Mỹ Latinh trong cuộc họp của Hội đồng Giám mục Mỹ La Tinh năm 1992.
Sau chuyến viếng thăm 5 ngày gây bất bình của Giáo hoàng Benot XVI tại Brazil hồi trung tuần tháng 5/2007, nhà nữ thần học Cecilia Domevi, chịu trách nhiệm về những vấn đề của người bản địa châu Mỹ trong Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh, đã nói với phóng viên AFP rằng, việc truyền đạo đã diễn ra như là một sự xung đột giữa các nền văn hóa và gây phương hại toàn diện cho người bản địa.
Trong một quyển sách về lịch sử nước mình, nhà sử học và cựu Tổng thống Bolivia là Carlos Mesa đã chỉ ra rằng, bọn xâm lược và các giáo sĩ đã triệt diệt không phân biệt tất cả các thần linh của người bản địa và áp đặt việc lập bàn thờ với cây thánh giá và hình của Đức Mẹ.
Còn Mauricio Arias, nhà lãnh đạo tối cao của Hội đồng Quốc gia người bản địa Aymara thì khẳng định rằng, (đạo) Công giáo đã được áp đặt bằng vũ lực.
Luis Evelis Andrade, Giám đốc Tổ chức Quốc gia người bản địa ở Colombia nói: “Với tư cách là những dân tộc bản địa, nếu chúng tôi là tín đồ thì chúng tôi không thể chấp nhận việc Giáo hội chối bỏ trách nhiệm của họ trong việc triệt tiêu bản sắc và văn hóa của chúng tôi”.
Trong bài viết ngày 19/5/2007 về tội diệt chủng đối với người bản địa châu Mỹ, Jacques Serieys đã khẳng định rằng, Giáo hội Công giáo đã đóng một vai trò trung tâm trong cuộc chinh phục rồi thuộc địa hóa châu Mỹ Latinh của Tây Ban Nha và đã gây ra cái chết cho từ 80 đến 93% dân số của lục địa này, ước tính đã có từ 80 đến 100 triệu người vào năm 1492.
-- o0o --
Chúng tôi phải dài dòng như trên để chứng minh rằng việc cấm đạo của ba vị vua triều Nguyễn là có lý chứ không phải là việc đáng phê phán, thậm chí đáng lên án, như có những người đã từng phát biểu. Sự thể là như vậy nhưng ngay ở một đoạn dưới, Trần Trọng Kim còn “điều trần” như sau:
Nguyên từ năm Tân Hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4 về sau, nghĩa là từ khi có tờ dụ cấm đạo lần thứ hai, ở Bắc Kỳ có mấy người giáo sĩ là ông Bonnard, ông Charbonnier, ông Matheron và ông giám mục I-pha-nho tên là Diaz bị giết. Còn những giáo sĩ khác thì phải đào hầm, đào hố mà ở, hoặc phải trốn tránh ở trong rừng, trong núi để giảng đạo. Những tin ấy về đến bên Tây, báo chí ngày ngày kể những thảm trạng của các giáo sĩ đi truyền đạo ở nước ta, lòng người náo động cả lên”.
Đọc những dòng này, chúng tôi cứ tưởng như đây là lời của một đặc phái viên nước Pháp được gửi sang Đại Nam để điều tra rồi về báo cáo lên chính phủ. Giọng văn mới thiểu não làm sao. Không ngờ rằng đây là những lời ai oán của một anh an-na-mít than vãn cho những kẻ phải ngủ bờ ngủ bụi vì xâm phạm lãnh thổ của nước khác để tuyên truyền bất hợp pháp. Nhưng câu sau đây của Trần Trọng Kim mới làm cho người ta thấy kinh hoàng hơn khi ông nói đến việc “Pháp hoàng sai quan đem binh thuyền sang đánh nước ta”:
“Ấy cũng tại vua quan mình làm điều trái đạo, giết hại những người theo đạo Gia Tô cho nên mới có tai biến như vậy” (tr.488)(*) .
Với câu này thì Trần Trọng Kim rõ ràng rất xứng đáng được thực dân Pháp đúc tượng với dòng chữ ghi công “Trạng sư thượng thặng của hành động cướp nước”. Đấy, người yêu nước thành tâm, nhà sử học chân chính, trung thực, người cầm bút có nhân cách, học giả xuất sắc của tác giả Mai Khắc Ứng là như thế đấy.

Rigault De Genouilly
Thực ra, theo chúng tôi, tự Trần Trọng Kim cũng có thể giải thích tại sao vua quan mình phải “làm điều trái đạo” mà “giết hại những người theo đạo Gia Tô” vì chính ông ta cũng đã ghi nhận như sau khi nói về dự định đánh Đà Nẵng rồi tiến vào lấy Huế của Rigault de Genouilly:
“Nhân vì khi trước các giáo sĩ đều nói rằng, hễ quân Pháp sang đánh, thì dân bên đạo (Công giáo - AC) khắc nổi lên đánh giúp, đến nay không thấy tin tức gì, mà quân lính của trung tướng (Rigault de Genouilly - AC) thì tiến lên không được (…)” (tr.489).(*)
Dĩ nhiên là khi viết những dòng trên đây thì Trần Trọng Kim không phải không biết rằng, các cố đạo đi tiền trạm cho binh lính đến sau và trong hàng ngũ giáo dân thì cũng không thiếu những kẻ vì “nước Chúa” mà sẵn sàng phản bội tổ quốc. Còn việc “đến nay không thấy tin tức gì” thì đó chẳng qua là vì chúng nó chuẩn bị chưa đến nơi đến chốn hoặc phối hợp với nhau chưa chặt chẽ mà thôi. Nguy cơ mất nước và nguyên nhân của nó hiển nhiên như vậy mà các vua nhà Nguyễn không cấm đạo mới là chuyện lạ. Một nhà viết sử như thế mà lại được tác giả Mai Khắc Ứng ca ngợi là “một ngôi sao trong đêm tối tỏa sáng đến vậy là đủ dẫn dắt rồi”. Nhưng dẫn dắt như thế là dẫn dắt trở lại kiếp nô lệ chứ tỏa sáng như thế nào, thưa ông Mai Khắc Ứng? Đã thế, ông lại còn dạy: “Để cùng lớn lên xin đừng sợ sự thật”. Để kết luận, xin mạn phép sửa thành: “Để cùng lớn lên, xin phát hiện cho đúng “boong” sự thật”
A.C
An Chi / Petrotimes
Tags: Học giả An Chi,  Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Mai Khắc Ứng
_________________ (*) trang sách có thể khác, tùy theo nhà xuất bản và năm xuất bản. Nếu không có bản của NXB Tân Việt - Hà Nội, in và phát hành tại Sài Gòn, 1949, chỉ cần tìm theo tựa chương “Nước Pháp lấy đất Nam Kỳ” hoặc “Công việc của Bảo hộ” để tìm những câu tương ứng.
Nguồn http://petrotimes.vn/news/vn/hoc-gia-an-chi-giai-dap/tran-trong-kim-va-viet-nam-su-luoc.html ngày 23/10/2012
Xem tiếp...

BÀI VIẾT HAY 75

(ĐC chép từ http://dantri.com.vn)

Trung Quốc đang chuyển từ “phản ứng quyết liệt” sang “đối đầu chủ động”

Trong bối cảnh căng thẳng lãnh thổ trên Biển Đông leo thang bởi một loạt các hành động khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc, chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang thay đổi phương pháp tiếp cận tranh chấp trên biển từ “phản ứng quyết đoán” sang “đối đầu chủ động, tích cực”.

Trong một bài phân tích đăng trên tạp chí The Diplomat của Nhật Bản ngày 17/6, chuyên gia Jin Kai ở Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (CIS) thuộc Đại học Yonsei (Hàn Quốc) đưa ra nhận định rằng, kể từ khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku năm 2012, Trung Quốc bắt đầu thực thi chiến lược “phản ứng quyết đoán” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, không chỉ trên biển Hoa Đông mà còn Biển Đông với các nước láng giềng. Những hành động quyết đoán của Trung Quốc bị nhiều nước láng giềng lên án, phản đối và cáo buộc là nhằm mục đích đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển.

Khi căng thẳng trên biển leo thang mạnh mẽ gần đây, Trung Quốc tỏ ra đối đầu quyết liệt hơn. Bắc Kinh tin rằng, chiến thuật và chiến lược phản ứng thụ động phải được thay đổi bằng cách tiếp cận tích cực, toàn diện và chủ động hơn. Dấu hiệu mới nhất, rõ ràng nhất chứng minh Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược, áp dụng phương pháp tiếp cận chủ động, tích cực hơn trong các tranh chấp trên biển với nhiều nước láng giềng chính là việc phái đoàn Trung Quốc trình “Tuyên cáo lập trường” về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 của nước này trong vùng biển Việt Nam lên Liên Hợp Quốc (LHQ). Phía đoàn Trung Quốc còn yêu cầu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon công bố “Tuyên cáo lập trường” với tiêu đề “Các hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 - Sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc” tới tất cả các thành viên trong Đại Hội đồng LHQ.

Ngoài ra, khi Trung, Nhật “khẩu chiến” gay gắt, tố cáo lẫn nhau về việc các máy bay chiến đấu của cả hai bên cố tình bay sát nhau “ở khoảng cách nguy hiểm” trên Biển Hoa Đông, Bắc Kinh ngay lập tức tung video trong đó ghi lại cảnh chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản áp sát máy bay quân sự Tu-154 Trung Quốc, làm bằng chứng cho những cáo buộc của họ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Jin Kai, chủ động và tích cực hơn trong việc “công khai” các tranh chấp trên biển trước cộng đồng quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế lớn hơn, Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ lớn với phương pháp tiếp cận mới. Ông nhận định, một động thái như vậy của Trung Quốc sẽ gián tiếp tăng cường “đa phương hóa, quốc tế hóa” tranh chấp - điều mà trước đây Bắc Kinh luôn né tránh. Bắc Kinh vốn theo đuổi giải quyết tranh chấp song phương nhằm “tối đa hóa” lợi ích của họ trên bàn đàm phán với các bên liên quan. Thậm chí, Bắc Kinh còn nhiều lần lên án, chỉ trích mạnh mẽ các bên liên quan nỗ lực “quốc tế hóa” tranh chấp. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẽ phải đối mặt với sự nghi ngờ lớn hơn của cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc dường như đang lợi dụng tranh chấp với các nước láng giềng nhỏ hơn để bành trướng quyền lực ra toàn cầu.

Trước đó, trong số ra ngày 16/6, The Diplomat đã cho đăng bài "Chiến dịch chiến tranh thông tin của Trung Quốc và Biển Đông - Xuất đầu lộ diện" của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia. Nội dung bài viết có một số điểm đáng chú ý sau:

Khi mà những tranh chấp lãnh thổ còn tiếp diễn sau vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã có bước đi kiểu “nước đôi” ở LHQ. Hôm 9/6, Trung Quốc bất ngờ mở một mặt trận mới, khi Phó Đại sứ nước này tại LHQ, ông Vương Minh, đệ trình Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tài liệu nêu quan điểm chính thức của Bắc Kinh về tranh chấp ở Biển Đông, cùng lời đề nghị chuyển văn bản này đến 193 nước thành viên.

Hành động quốc tế hóa trên đây không phải cho thấy sự thay đổi trong chính sách bất biến lâu nay của Trung Quốc - chỉ xử lý các mâu thuẫn, bất đồng tranh chấp lãnh thổ thông qua tham vấn và đàm phán song phương giữa các bên liên quan. Đơn giản là ngay sau khi đệ trình lên LHQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng khẳng định: Bắc Kinh không chấp nhận cơ chế trọng tài phân xử tại LHQ.
Theo Nguyễn Chiến
Chinhphu.vn
Xem tiếp...

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 17 (về Stanett)

(ĐC sưu tầm trên NET)


Xem tiếp...

CHUYỆN HỢP TAN




NHAN SẮC NGÀY XƯA

 

Ngày xửa ngày xưa...
Em là cô gái
Quê miệt Gò Công
Có lần anh qua xứ ấy
Quen nàng tiên giữa dòng.

Khuôn mặt sáng hồng
Thơ trong ánh mắt
Mái chèo em khua nắng hòa sông nước
Lóng lánh con đò, óng ánh lưng ong...

Em là cô gái
Quê miệt Gò Công
Hôm nay,
Giữa Đô Thành tình cờ gặp lại
Anh chào mà em dửng dưng
Ngạo nghễ bước đi về phía vũ trường
Đôi chân trần đẹp lắm!
Trắng nõn, mịn màng, thon dài tăm tắp
Làm khao khát đàn ông
Dán mắt dõi theo, chiêm ngưỡng, mơ mòng!

Ôi bông hoa rạng ngời tươi thắm
Thân thương biết bao, giờ sao lạ lẫm?
Có phải em không
Hỡi nàng tiên của một thuở xa xăm
Mà sực nức dầu thơm nước Pháp
Tóc uốn lượn lờ theo mốt Hồng Công?

Thôi rồi...

Anh đã lầm!
Em hôm nay là diễn viên Hàn Quốc
Môi em là son, má em là phấn
Mắt em xanh nhờ gắn mưới hàng mi
Em được tụng ca trong vai quí phi
Ở cung vàng điện ngọc
Rực rỡ giữa vòng vây quí tộc
Diệu huyền theo ánh nến hoàng cung...

Không!
Em của anh là nàng tiên
Duyên dáng chèo thuyền trên sông Vàm Cỏ
Cây trái bốn mùa xum xuê xứ sở
Bầu má mượt mà, mắt sáng long lanh
Nụ cười ý tứ lúng liêng
Khẽ dấu khẽ khoe lúm đồng tiền lơi lả
Mái chèo em khua hắt nắng lên mát lạ
Chếch choáng đôi bờ, trong vắt tình quê!

Đúng!
Em mãi là nàng tiên
Chèo nhớ nhung trên dòng thương ký ức
Cho thuở ban sơ biếc hoài tiềm thức
Theo suốt đời anh nỗi khắc khoải niềm em
Ngọt ngào nước dừa xiêm
Thơm dịu hương sen Đồng Tháp
Mê ly câu hò điệu hát
Trắc ẩn cung đàn "Dạ cổ hoài lang"!*

 Anh xin lỗi vì lỡ lầm

Chứ lòng anh không thể nào quên 
Dù đất trời đảo điên thay đổi
Dù khắp không gian có hóa cứng bê tông
Và dòng thời gian hóa đục ngầu khói bụi
Ơi, nhan sắc ngày xưa!...

Trần Hạnh Thu

                                   
Xem tiếp...

THÀNH TỰU VÀ TỘI LỖI 15

(ĐC sưu tầm trên NET)


Xem tiếp...

LÒNG DÂN - TIẾNG HỒN SÔNG NÚI !

(ĐC sưu tầm trên NET)

"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
                                                                                                                            Hồ Chí Minh

                                            Không thờ tượng Hùng Vương một cách tuỳ tiện

Sáu mươi năm trước đây, ngày 19-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng, gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".


Xem tiếp...