Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Câu chuyện lịch sử 16

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Lầm tưởng hoang đường về thời Trung cổ ở châu Âu

(Dân trí)- Chết đói, án tử hình thông dụng, phụ nữ bị đàn áp, con người rất ít... tắm, hay bạo lực khắp nơi- là những tưởng tượng thường thấy về thời Trung cổ. Thực tế thời Trung cổ có hẳn như thế?

1. Án tử hình rất thông dụng vào thời đó
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổHình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Nhiều người không biết rằng hệ thống hành pháp xuất hiện từ thời Trung Cổ và các phiên xử án đều rất công bằng. Án tử hình được coi là án nghiêm trọng và chỉ được áp dụng cho các tội trạng như giết người, phản quốc và cố ý gây hỏa hoạn. Những vụ xử tử nơi công cộng không giống những gì diễn ra trong các bộ phim – nó chỉ được áp dụng cho những người giàu, và thường không diễn ra ở nơi đông người. Phương pháp hành hình thông dụng là treo cổ, trong khi đó hình thức hỏa thiêu cực kì hiếm và thường chỉ được sử dung sau khi tên tội phạm đã bị treo cổ chết trước đó.
2. Kinh thánh bị khóa kín để người dân không được biết nội dung thực bên trong
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Vào thời Trung Cổ, tất cả các cuốn sách đều phải chép tay. Đây là công việc tốn rất nhiều công sức và thời gian, thường là trong nhiều tháng trời với những cuốn sách lớn như Kinh thánh. Công việc này được giao cho các tu sĩ tiến hành. Những cuốn Kinh thánh quý giá được cha xứ cất giữ cẩn thận tại nhà thờ và họ cũng là người đọc các bài giảng cho dân chúng nghe hàng ngày vì thời đó rất ít người biết đọc. Và đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lầm tưởng Kinh thánh bị khóa kín, không được công khai với người dân.
3. Rất nhiều người chết vì đói
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Đây hoàn toàn là một sai lầm. Nông dân thời đó có khẩu phần cháo và bánh mì tươi hàng ngày cùng với bia để uống. Thêm vào đó, mỗi ngày họ sẽ có thêm một vài loại thịt , pho mát cùng với rau và hoa quả tươi được nuôi trồng trong khu vực. Gia cầm như gà, vịt, chim bồ câu và ngỗng cũng thường xuất hiện trên bàn ăn của những người nông dân. Về cơ bản, khẩu phần ăn hàng ngày của họ là tương đối ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.
4. Người dân thời đó không tắm, và họ rất bốc mùi
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Đây là một hiểu lầm tai hại và được nhiều người tin tới mức làm xuất hiện nhiều hiểu lầm khác, như việc người dân thời đó thường làm đám cưới vào tháng 5 hoặc 6 vì đó là lần duy nhất họ tắm trong năm… Sự thật là vào thời Trung Cổ, hầu hết các thị trấn đều có nhà tắm công cộng. Sự sạch sẽ và vệ sinh được đánh giá rất cao, tới mức mà việc tắm rửa được lồng ghép vào nhiều nghi lễ thời đó. Một số người tắm hàng ngày, những người khác thì ít hơn, nhưng hầu hết tất cả đều rất ý thức được việc vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, họ còn sử dụng cả nước nóng vào việc tắm rửa. Người Pháp đã đúc kết ra một câu nói bằng tiếng Latinh như sau: “Venari, ludere, lavari, bibere; Hoc est vivere!”, có nghĩa là “Đi săn, chơi bời, tắm rửa, uống rượu, như vậy mới là sống!”
5. Người nông dân có cuộc sống cực nhọc và nhàm chán
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Thực tế là nông dân thời Trung cổ làm việc rất vất vả. Nhưng họ cũng thường xuyên có các lễ hội (cả truyền thống và tôn giáo), trong đó bao gồm cả những hoạt động như nhảy múa, vui chơi giải trí và các giải thi đấu. Rất nhiều trò chơi thời đó vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay như đánh cờ, chơi xí ngầu và rất nhiều trò chơi khác. Dù chúng có vẻ kém thu hút so với những trò chơi ngày nay nhưng đó vẫn là dịp để người dân thời đó giải trí và nghỉ ngơi.
6. Thời Trung cổ bạo lực xuất hiện ở khắp nơi
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Dù thời Trung cổ cũng có các hành động bạo lực giết chóc như mọi thời khác, chúng không thể so sánh với những gì xảy ra ở thời hiện đại. Hầu hết mọi người thời đó đều sống yên binh suốt đời và hầu như không gặp những cảnh bạo lực. Tòa án dị giáo cũng không phải nơi tắm máu người dân như những gì mà các bộ phim và sách miêu tả, và các nhà sử học hiện đại cũng đã công nhận điều này. Nghiên cứu sử học đã chứng minh chỉ có khoảng 826 vụ hành hình (tối đa) được ghi nhận trong quãng thời gian 160 năm, trong tổng số 45 nghìn phiên tòa. Vào thời đó những vấn đề như diệt chủng hay giết người hàng loạt hầu như không được biết đến.
7. Phụ nữ bị đàn áp vào thời Trung cổ
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Vào những năm 1960 và 1970, ý tưởng về việc phụ nữ bị đàn áp dưới thời Trung Cổ bắt đầu nở rộ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần nghĩ đến một vài hình tượng phụ nữ nổi bật thời đó để thấy rằng điều này hoàn toàn không chính xác. Ví dụ như thánh Joan of Arc là một phụ nữ trẻ nắm toàn quyền chỉ huy quân đội Pháp. Sự sụp đổ của bà là do chính trị và điều đó vẫn sẽ xảy ra không liên quan gì đến sự phân biệt nam nữ. Hay như Hildegard von Bingen – nữ bác học luôn nhận được sự kính trọng từ các vị vua, giáo hoàng và các vị lãnh chúa. Dù rằng phụ nữ không có chỗ đứng trong Giáo hội nhưng họ chắc chắn có quyền lực ở những nơi khác. Ngoài ra, luật của các hiệp sĩ yêu cầu phụ nữ phải được đối xử một cách trang trọng nhất.
8. Hầu hết mọi người tin rằng Trái đất phẳng
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Quan điểm trên là không chuẩn xác bởi thậm chí người dân thời đó còn không tin rằng Trái đất là trung tâm vũ trụ. Nhà thiên văn học Nicolaus Copernicus (1473-1543) đã chứng minh lý thuyết hệ nhật tâm mà không hề bị trừng phạt, rất lâu trước khi Galileo Galilei (1564-1642) bị kết tội dị giáo do tuyên bố như vậy. Hai nhà sử học hiện đại vừa công bố một cuốn sách, trong đó họ cho biết: “Rất hiếm có một học giả nào thời Trung cổ không công nhận việc Trái đất tròn và họ thậm chí còn tính được chu vi của nó.”
9. Người dân thời Trung cổ rất thô lỗ và ngu dốt
Hình vẽ minh họa cảnh hành hình thời Trung cổ
Nhờ vào các bộ phim của Hollywood mà rất nhiều người tin rằng thời Trung cổ chỉ toàn những con người mộ đạo và dốt nát. Nhưng thực tế, các nhà sử học hàng đầu đã bác bỏ sự hiểm lầm này. Khoa học và triết học thời đó rất phát triển, một phần nhờ việc các trường đại học xuất hiện ở khắp châu Âu. Ngoài ra, thời Trung cổ cũng cho ra đời những tác phẩm vĩ đại nhất trong các lĩnh vực như nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Dược phẩm thời đó vẫn còn sơ khai, nhưng nó đã có nền tảng và luôn đón nhận những ý tưởng mới, nhờ đó chúng ta mới có những phương thuốc hiện đại ngày nay.
Phan Hạnh
Tổng hợp
(Dân Trí)
Xem tiếp...

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

Câu chuyện lịch sử 15

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)


SÔNG BẾN HẢI - CẦU HIỀN LƯƠNG

Con sông là một hình ảnh đẹp về quê hương, về sự bình yên. Thế nhưng lại có một con sông phải mang trong mình nỗi uất hận, oằn mình chịu cảnh chia cắt quê hương chia cắt đất nước, một con sông bị xẻ làm đôi 2 bờ giới tuyến.


Đó là con Sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị, con sông từng phải chịu nỗi chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam hơn 20 năm ròng rã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quảng Trị nhìn trên bản đồ như vòng eo thắt của mảnh đất hình chữ S, có một vị trí chiến lược rất quan trọng trong lịch sử, nơi có Cầu Hiền Lương mà sông Bến Hải chảy qua.
Cầu Hiền Lương nối liền quốc lộ 1A, bắc qua sông Bến Hải tại km 735 thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông rồi đổ ra cửa Biển Cửa Tùng. Sông Bến Hải có tổng chiều dài gần 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200m, nơi hẹp nhất khoảng 20 -30m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị.
Sông Bến Hải lúc đầu có tên Minh Lương. Vào thời vua Minh Mạng do trùng với chữ “Minh” phạm phải kiêng húy tên của Vua (chữ “Húy” đồng ngĩa với “Kỵ” tức là kiêng kỵ , theo luật phong kiến trong phạm vi quốc gia mọi thần dân kiêng kị tên huý của vua không được phép dùng để đặt tên cho con cái trong gia đình… cũng như không được phép dùng trong văn tự hay trong lời nói hàng ngày). Do vậy tên làng, tên sông đều đổi thành Hiền Lương. Sông Bến Hải cũng còn được gọi là sông “Bến Hói”, tiếng địa phương “hói” có nghĩa là dòng sông nhỏ, từ Bến Hói đọc lệch ra là Bến Hải.
Cho đến nay Cầu Hiền Lương đã qua nhiều lần thay đổi cấu trúc, nhưng chiếc cầu lịch sử vẫn là chiếc cầu từ 1952 đên 1967 thì bị máy bay Mỹ ném bom phá sập. Cầu bắt đầu xây dựng bằng gỗ thô sơ năm 1922 dành cho người đi bộ, thay đổi nhiều lần đến khi xây lại năm 2003 tất cả là 8 lần.
Năm 1954 Hiệp định Genève ký kết quy định lấy vĩ tuyến 17 sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời; sau hai năm sẽ thực hiện cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Việt Nam (quy định vào tháng 7/1956). Trong tuyên bố chung của Hội nghị Giơnevơ 1954 ghi rõ: "Đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như là một biên giới chính trị hoặc lãnh thổ".
Đế quốc Mỹ với âm mưu từ trước đã ra sức thực hiện ý đồ độc chiếm miền Nam Việt Nam, nhằm tiến tới độc chiếm toàn Đông Dương. Mỹ đã hất cẳng pháp khỏi miền nam Việt Nam, ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn miền Nam Việt Nam. Cả dân tộc ta phải thực hiện một cuộc trường chinh kéo dài hơn 20 năm chia cắt.
“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”
Một dòng sông rộng không quá 100 mét, một chiếc cầu dài 178 mét, với 894 tấm ván bắc qua mà dân tộc Việt Nam phải đi suốt 21 năm ròng, đổi không biết bao xương máu (Ba nghĩa trang liệt sĩ quốc gia và hàng ngàn nghĩa trang trong khắp cả nước với hàng vạn cán bộ chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống). Có những trận chiến ác liệt với bom đạn, và cũng có những trận chiến ác liệt nhưng không một tiếng súng. Những cuộc đấu trí, đấu lý rất gay gắt và quyết liệt giữ ta và Địch bên lề giới tuyến 17.
Chuyện bắt đầu từ chiếc cột cờ
Trong các cuộc chiến diễn ra tại Hiền Lương có lẽ “Chọi Cờ” là cuộc chiến gay gắt và quyết liệt nhất diễn ra trong suốt 14 năm ròng. Từ khi giới tuyến được phân định, chiều cao của cột cờ không ngừng được nâng lên, bởi cờ của ta không thể thấp hơn cờ của ngụy.
Bắt đầu ngày 10/8/1954, phía ta xây dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12 mét, với lá cờ 15,36 m2. Ở bờ nam quân Pháp liền cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt Xuân Hòa phía Nam cầu , cao 15 mét. Đồng bào hai bờ giới tuyến yêu cầu : Cờ ta nhất định phải cao hơn cờ địch. Thế là các chiến sĩ ta lại lặn lội lên rừng tìm được cây gỗ cao 18 mét về làm cột cờ,trên đỉnh cột treo lá cờ 24 m2.
Từ 30/6/1955, Pháp chuyển giao các đồn cảnh sát cho chính quyền Ngô Đình Diệm.Từ đây, cuộc đấu tranh nâng cao cột cờ giữa ta và địch mới thực sự diễn ra gay gắt hơn .
Để thể hiện “chánh nghĩa quốc gia”, tháng 2/1956 Ngô Đình Diệm cho xây dựng cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30 mét với lá cờ 3 sọc lớn, có đèn nê ông nhấp nháy đủ màu như thách đố. Sau khi dựng cờ, loa phóng thanh địch rêu rao: "Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cho dựng cột cờ cao 30 mét ở Vĩ tuyến 17 để dân chúng Bắc Việt thấy rõ chánh nghĩa quốc gia".
Trước sự khiêu khích thách thô của địch, tháng 7- 1957 , quân ta phía Vĩnh Linh đã dựng một cột cờ bằng thép ống cao 34,5 mét với lá cờ rộng 108 m2. Trên đỉnh cột cờ có gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2 mét. 5 đỉnh ngôi sao gắn một chùm 15 bóng điện loại 500 W.
Khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao vút, đồng bào hai bờ Bắc Nam vui sướng reo mừng. Mỹ- Ngụy hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này. Chúng vội vàng tăng cao cột cờ của chúng lên thành 35 mét, và lên giọng mỉa mai: “Bắc Việt muốn chọi cờ, nhưng sao chọi nổi quốc gia”.
Không để cột cờ ta thấp hơn cờ địch, năm 1962 chính phủ điều Tổng Công ty lắp máy Việt Nam gia công một cột cờ rồi chuyển vào dựng ở Hiền Lương, cột cờ cao 38,6 mét, kéo lên lá cờ 134 m2, nặng 15 kg. Cách đỉnh cột cờ 10 mét có một ca-bin để chiến sĩ ta đứng thu và treo cờ. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Lá cờ đỏ sao vàng bay cao là niềm tin, là ngôi sao Bắc Đẩu của đồng bào bờ Nam, là niềm kiêu hãnh và biểu tượng sức mạnh của đồng bào bờ Bắc. Nhân dân tận vùng Của Việt, Chợ Cầu, Gio An… ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy rõ lá cờ Tổ Quốc đang vẫy gọi. Hiểu tấm lòng bà con hai bờ, các chiến sĩ công an đồn Hiền Lương hàng ngày kéo cờ lên sớm hơn và hạ cờ muộn hơn (6h30 đến 18h30) để bà con thêm thời gian ngắm cờ. Ngày lễ, Tết, cờ ta bay trên đỉnh cột suốt ngày đêm.
Đến năm 1965, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Từ đây, quân và dân Bắc giới tuyến bước vào một cuộc chiến đấu mới. Cột cờ Hiền Lương là mục tiêu đánh phá trước tiên của máy bay, tàu chiến Mỹ.
Ngày 8-2-1965, Nguyễn Cao Kỳ lái chiếc may bay AD6 bắn phá cột cờ, nhưng bị pháo cao xạ Vĩnh Linh bắn bị thương suýt mất mạng.
Ngày 17/9/1965, một đội máy bay Mỹ lao xuống ném bom cột cờ. Mảnh bom bắn vào cột cờ chan chát, khói bụi mù mịt. Nhưng cột cờ vẫn đứng vững. Tức tối , máy bay Mỹ lại nhào xuống thấp hơn, nhưng bị các chiến sĩ bảo vệ cờ bắn trả quyết liệt. Bọn giặc lái hốt hoảng vãi bom trúng đồn cảnh sát bờ Nam làm 87 người chết và bị thương, trong đó có đồn trưởng. Tờ trình Nguyệt để tháng 9/1965 của Tỉnh trưởng Quảng Trị thừa nhận: “Sau vụ phi cơ Việt – Mỹ ném bom lầm đồn cảnh sát Hiền Lương ngày 17/9/1965 gây thiệt hại đáng kể về nhân mạng và tài sản của cảnh sát Bến Hải và đồng bào khiến dư luận hoang mang” [1].
Cho đến ngày 2/8/1967, địch tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau ném bom một ngày liền, làm cho Cầu Hiền Lương bị sập và cột cờ ta bị gãy. Ngay đêm đó, bằng một cột điện nối thêm cây gỗ, một cột cờ mới lại được dựng lên. Cũng ngay trong đêm đó, các chiến sĩ đặc công thủy Đoàn 126A và dân quân vùng Bắc giới tuyến đã dùng bộc phá đánh sập cột cờ bờ Nam, chấm dứt vĩnh viễn lá cờ ba que của chế độ Sài Gòn trên bầu trời giới tuyến.
Liên tục trong nhiều năm, sau mỗi trận đánh, cột cờ gãy đổ, lá cờ bị mảnh bom, đạn pháo xé rách, lập tức một cột cờ mới, một lá cờ mới được thay thế.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ Quốc ở đầu cầu giới tuyến. Ta đã đánh trên 300 trận lớn nhỏ, 3 lần bắt biệt kích địch vượt sông đặt mìn phá hoại cột cờ, 2 chiến sỹ công an vũ trang hy sinh, 8 bị thương, 11 dân quân Hiền Lương ngã xuống để lá cờ Tổ quốc luôn tồn tại trên bầu trời giới tuyến [2].
Không thể không kể đến mẹ Nguyễn Thị Diệm, bác Nguyễn Đức Lãng… những người may cờ, vá cờ trong bom đạn.
Bác Nguyễn Đức Lãng, người chiến sĩ quân đội trong nhiều năm liên tục đã ra Hà Nội nhận cờ. Từ khi Mỹ ném bom miền Bắc việc đi lại khó khăn, Bộ tư lệnh cấp cho Vĩnh Linh tiền tự mua vải may cờ .Thế là bác Lãng thành thợ may cờ. Mỗi năm bác may từ 14 - 16 lá cờ, rộng hàng trăm mét vuông, nặng 15 kg. Mỗi lá cờ may hết 122 mét vải đỏ, 12 mét vải vàng. Mỗi đường may phải may ba bốn đường chỉ cờ mới chịu được sức gió. Khi máy bay địch đánh phá ác liệt, cờ bị rách, mẹ Nguyễn Thị Diệm trong mấy năm trời, với cây kim, sợi chỉ đã bao lần giữa mưa bom bão đạn, sau mỗi trận đánh, mẹ Diệm đến ngay chân cột cờ để vá lành lá cờ Tổ Quốc. Nhiều lúc bom đánh dữ quá, vá không kịp, Mẹ lại chong đèn thức thâu đêm trong hầm để vá cờ.
Tính “từ 19/5/1956 đến 8/10/1967, ta đã treo hết 267 lá cờ các loại”[3]. Những năm tiếp theo, các chiến sĩ công an đã thêm 11 lần dựng lại cột cờ bằng gỗ cao từ 12 đến 18 mét, 42 lần thay lá cờ…
Chiếc cầu hai màu sơn
Âm mưu chia cắt đất nước ta của Mỹ ngụy còn thể hiện qua việc sơn cầu. Cầu Hiền Lương do Pháp xây dựng lại 5- 1952, dài 178 mét, 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, mặt cầu lát gỗ thông, rộng 4 mét. Từ khi sông Bến Hải thành giới tuyến, “Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm” ( theo nhà văn Nguyễn Tuân). Đường ranh phân chia Nam - Bắc là một vạch sơn trắng rộng 1cm làm ranh giới hai miền. Hàng ngày công an và cảnh sát hai miền gác, đổi phiên qua về theo chế độ liên hợp.
Để tạo nên hình ảnh chia cắt đất nước ta, Mỹ- Chính quyền Sài Gòn chủ động sơn màu xanh nửa cầu phía Nam. Nhưng với ý nguyện “thống nhất non sông”, chúng vừa sơn xong đầu hôm, thì trong đêm, công an ta sơn nửa phần cầu bờ Bắc bằng màu xanh cho hòa một màu. Thời gian sau chúng lại cho người ra sơn lại phần cầu phía Nam bằng màu nâu. Cứ thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc. Hễ địch sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập, thì lập tức ta sơn lại thành một màu chung.
“Cuộc chiến sơn màu cầu” kéo dài gần 5 năm trời, cuối cùng chính quyền Sài Gòn phải chịu thua để cho chiếc cầu chung một màu sơn thống nhất. Hành động sơn màu cầu là một cách đấu tranh chính trị nhằm nói lên khát vọng thống nhất đất nước của quân dân chúng ta.
Cuộc chiến không tiếng súng giữa công an giới tuyến và cảnh sát Sài Gòn
Cuộc đấu trí và đấu lý của công an giới tuyến nhằm bảo vệ hoà bình và cảnh sát nguỵ Sài Gòn cũng rất phức tạp và căng thẳng. Theo Hiệp định Genève, mỗi bên có 2 đồn cảnh sát : đồn Hiền Lương , Cửa Tùng ( bờ Bắc) , đồn Xuân Hòa và Cát Sơn (bờ Nam) thường gọi là Đồn Liên hợp. Mỗi đồn có 16 cảnh sát làm nhiệm vụ canh giữ và kiểm soát.Công an và cảnh sát hai bờ có nhiệm vụ giữ gìn quy chế khu phi quân sự, kiểm tra người qua lại giới tuyến.
Ai muốn qua phải có giấy thông hành do hai đồn hai bên cấp, chỉ được vào các chợ buôn bán, không được đi sâu vào các làng xóm. Hàng tháng vào ngày chẵn, một tổ 3 cảnh sát của ta mang sổ trực qua cầu sang bờ Nam, và vào ngày lẻ, một tổ 3 cảnh sát ngụy sang bờ bắc trao đổi công tác. Ở đồn Cửa Tùng, mỗi tuần cảnh sát hai bên “đổi bờ” một lần với một tổ 6 người. Mỗi đồn thường xuyên có 2 người trực, một ta một địch . Đến cuối tuần, hai bên cùng ký biên bản đổi bờ. Cuốn “sổ trực ban” đồn Cửa Tùng hiện vẫn còn được lưu giữ tại Nhà bảo tàng ở di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải. Tại đồn liên hợp đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh căng thẳng.
Tháng 4-1960, một tổ cảnh sát Sài Gòn sang bờ Bắc làm việc; chúng lân la đến tổ dệt xăm (lưới) của phụ nữ Vinh Quang , nói xấu miền Bắc, lập tức bị các chị đáp lại thẳng thừng : “Các anh có mắt như mù, Mỹ- Diệm không độc ác sao có Luật 10-59” [4] làm cho chúng không nói thêm gì được. Điều trớ trêu là chiến sĩ công an ta phải cùng đi với kẻ thù trên một con đò, ngồi cùng một bàn làm việc. Có những lúc địch dùng vũ lực thô bạo, khiêu khích đe dọa đến tính mạng, nhưng các chiến sĩ vẫn bình tĩnh, dũng cảm đấu trí, đấu lý vạch mặt kẻ thù.
Ngày 24/4/1962, đối phương xúi linh mục và 150 giáo dân di cư ở bờ Nam tổ chức mít tinh phản đối chế độ miền Bắc, lập tức bị các chiến sĩ ta vạch mặt bằng những lời rất thuyết phục, buộc đám biểu tình phải giải tán. Lối sống văn hóa và lòng nhân ái của chiến sĩ ta đã thức tỉnh nhiều sĩ quan và binh lính Sài Gòn. Điển hình vào tháng 7-1959, hai cảnh sát đồn Cát Sơn qua đò đổi gác, thuyền bị gió lật chìm; cảnh sát bờ Nam đứng nhìn đồng đội mình bị nạn mà không cứu, công an đồn Cửa Tùng ở bờ Bắc đã nhanh chóng lao xuống sông cứu sống hai cảnh sát ngụy. Hành động đó đã cảm hóa một số cảnh sát bờ Nam, làm phân hóa đội ngũ của chúng. Nhờ đó, các chiến sĩ công an ta xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong lòng địch.
Cuộc chiến âm thanh
Sau Hiệp đinh Genève, nhằm giáo dục, động viên nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, ta đã cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh, phân bố thành 5 cụm suốt chiều dài 1.500 mét ở bờ bắc. Mỗi cụm 24 loa loại 25 W hướng về bờ nam.
Mỗi ngày 24/24 giờ, hệ thống loa này phát đi chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh Vĩnh Linh, chương trình ca nhạc, ngâm thơ, nói vè, kịch, dân ca, chương trình của Đội truyền thanh lưu động… rất hấp dẫn . Ai đã từng sống ở đôi bờ Bến Hải những năm 1954- 1964 hẳn còn vang vọng trong ký ức giọng ca Huế và dân ca Trị Thiên, giọng ngâm thơ ngọt ngào của nghệ sĩ Châu Loan.
"Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội / Thiếp xa chàng ngày đợi đêm trông / Trong đồn chàng có nhớ thiếp không? / Ngoài này thiếp vẫn chờ mong chàng về"
Tức tối, mấy tuần sau, Mỹ- Diệm liền gắn ở bờ Nam những cụm loa do Tây Đức, Úc sản xuất có công suất lớn, phát inh ỏi, lấn át cả loa phát của ta.
Hệ thống loa phóng thanh của ta công suất nhỏ, không phát đến được Cửa Việt, Chợ Cầu…Thế là Trung ương cấp thêm 8 loa công suất gấp đôi (50W) và một loa công suất 250W để tăng giọng phát âm. Nhờ đó, mỗi lần địch lên giọng tâm lý chiến, hệ thống loa bờ Bắc phát lên át hẳn tiếng nói của chúng. Địch tức tối, đầu năm 1960, một giàn loa Mỹ với công suất lớn được đưa đến bờ Nam. Chúng huênh hoang: "Hệ thống loa ‘nói vỡ kính’ này sẽ vang xa tận Quảng Bình, dân bờ Bắc được nghe rõ tiếng nói của chính nghĩa quốc gia…”.
Không chịu thua. Ta đã tăng thêm hệ thống loa gồm một chiếc loa có đường kính vành loa 1,7 mét, công suất 500W, 20 loa loại 50W, 4 loa loại 250 W. Để cung cấp điện cho hệ thống loa có tổng công suất 7.000W này, ta đã dựng một đường dây cao thế 6 KVA dài 10 km kéo từ thôn Tiên An (Vĩnh Sơn) về đến Tùng Luật (Vĩnh Giang) và một trạm cao tần đặt cách cầu Hiền Lương 2,5 km về phía Bắc để tăng âm cho hệ thống loa. Các cụm loa được đặt trên trụ bê tông cốt thép kiên cố. Riêng chiếc “loa đại” 500W đặt trên xe lưu động. Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa 10 km, đến tận Chợ Cầu, Cửa Việt, Gio An. Đồng bào các làng xã bờ Nam vô cùng sung sướng vì hàng ngày họ được nghe rất rõ tiếng nói thân thuộc của miền Bắc ruột thịt.
Để “đấu khẩu”, Mỹ- Diệm đã tung ra Bến Hải những nhân viên tâm lý chiến nguy hiểm. Mỗi ngày chúng nói từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ, một hai giờ sáng đã mở hết công suất loa. Toàn nói những điều xuyên tạc lịch sử, ca ngợi “ Ngô tổng thống là người thương dân, yêu nước…”. Trong khi trên các cánh đồng Vĩnh Linh máy cày, máy bơm đang hoạt động thì chúng lại lu loa : "Việt Cộng bắt người kéo cày thay trâu…”. Tên “tâm lý chiến” lè nhè hàng đêm tên là Phương. Vào một đêm năm 1963, 4 chiến sĩ công an ta đã bí mật vượt sông, được bà con bờ Nam chỉ đường, tiêu diệt Phương ngay lúc hắn đang gào trên loa phát thanh. Bà con hai bờ hả lòng, hả dạ bởi họ từ nay không bị đánh thức lúc nửa đêm, không phải nghe những lời bỉ ổi, dối trá nữa.Đến năm 1965, khi Mỹ mén bom miền Bắc, hệ thống loa phóng thanh của cả hai bờ hoàn toàn ngưng hoạt động.
Cuộc kháng chiến 21 năm bên bờ Hiền Lương là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh gian khổ của quân và dân ta. Vĩ tuyến 17 một vĩ tuyến bình thường như những vĩ tuyến khác nhưng được cả thế giới biết đến và quan tâm, Vĩ tuyến 17 là dấu mốc chia cắt đất nước ta 21 năm. Đất nước thống nhất hòa bình, người mất, người còn; Nhưng công lao của quân và dân khu vực giới tuyến được sử sách khắc ghi. Di tích đôi bờ Hiền Lương mãi trường tồn với những giá trị cao đẹp. Tháng 12 năm 1986, khu di tích đôi bờ Hiền Lương được xếp hạng cấp Quốc gia. Đây là điểm sáng trong hành trình của du khách trong và ngoài nước tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay.
Mỗi di tích trên mảnh đất Quảng Trị là một thiên anh hùng ca bất tử về tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm mưu trí, sáng tạo quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của quân và dân ta. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng là tài sản tinh thần vô giá, có ý nghĩa to lớn không những đối với trong nước mà còn đối với Quốc tế hết sức sâu sắc, chúng ta phải ra sức gìn giữ và tôn tạo.
--------------------------------------------------
Chú thích
[1]. Tòa Hành chánh Quảng Trị, Tờ trình Nguyệt để tháng 9/1965. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu PTT 151.
[2]. Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị (2005), Đôi bờ Hiền Lương, tr. 135
[3]. Bảo tàng Quảng Trị, Hồ sơ di tích đôi bờ Hiền Lương, tài liệu đánh máy, tr. 6.
[4].Luật 10 – 59 : là một đạo luật do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa(Ngô Đình Diệm) ban hành ngày 6 tháng 5 năm 1959, quy định việc tổ chức các Tòa án quân sự đặc biệt nhằm xét xử trong 3 ngày các tội ác chiến tranh chống lại chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Máy chém từng được sử dụng làm công cụ hành quyết phạm nhân bị kết án theo luật này. Việc hành quyết những người bị kết tội ban đầu được thực hiện bằng máy chém với mục đích răn đe, gây khiếp sợ cho lực lượng cộng sản. Cũng với mục đích này, chính quyền đặt máy chém giữa các chợ Trung Hòa, Tân An Hội (Củ Chi), kèm theo lời đe dọa : "Ai liên quan đến cộng sản sẽ mất đầu". Chính quyền tổ chức những đội vũ trang có nhiệm vụ chống cộng đưa về các địa phương. Các đội này hoạt động rất tích cực và dùng nhiều biện pháp giết người bị lên án. Cho đến năm 1959, ở Củ Chi đã có 500 người bị moi gan mổ bụng, 600 người bị dồn vào bao bố cột đá dìm xuống sông, 150 người bị buộc vào sau xe ôtô kéo trên đường đá.... Toàn bộ số cán bộ ở Củ Chi bị bắt, bị giết lên đến 75%.
Theo QUANGTRI360.COM
Xem tiếp...

CÕI MUÔN NĂM

 

Mắc võng đòng đưa giữa thinh không
Nghe du dương thổi, Gió Khôn Cùng
Mình tự ru mình vào ảo mộng
Chốc đà đã lạc chốn Thiên Cung

Ê hề ngũ quả, rượu ngàn chung
Mê hồn tiên nữ múa đèn lồng
Ngọc Hoàng say khướt, cười nghiêng ngả
Từ thuở Tề Thiên tiệc vẫn nồng...

Bềnh bồng mây trắng, ghé Chị Hằng
Hỏi Miền Cực Lạc phải đây chăng?
Ủ dột hồng nhan, vầng trăng khuyết:
"Ước gì có được chút tình lang...!"

                      ***

Ta liệng vòng bay khắp muôn trùng
Tới miền hương tỏa ngát mênh mông
Hào quang rực rỡ, trong lành quá!
Ha, ha, là thế: Cõi Muôn Năm!

Ala, Phật, Chúa, các Thánh Hiền
Mỗi người mỗi vẻ, mắt lim dim
Đã tròn bổn phận, về đây cả
Mãn nguyện chưa mà mặt thản nhiên?

Và kìa, lũ lượt những linh hồn
Thẫn thờ, lặng lẽ bước hành hương
Nườm nượp về bên Dòng Vĩnh Cửu
Tắm gột cho lòng hết vấn vương...

Đã thỏa an lành Cõi Muôn Năm
Vẫn lưu luyến mãi ánh trăng ngăm
Những sáng bình minh mờ sương lạnh
Rũ vàng héo úa những hoàng hôn?

                         ***

Ôi! Cuộc vô thường, loáng trăm năm
Nức nở ngay tự lúc lọt lòng
Dò kim hạnh phúc trong bể khổ
Canh cánh chực chờ khúc lâm chung...

Sao còn tiếc nuối những đau thương
Những hờn những nhớ thuở yêu đương 
Những giọt lệ òa ngày ly biệt
Những gian lao, cay đắng, đoạn trường?...

                            ***

Giật mình, choàng dậy giữa thinh không
Nghe lòng tê buốt Gió Khôn Cùng
Ngơ ngác nhìn kiếp đời hữu hạn
Xót xa thay bong bóng xà phòng...

Thì ra cuộc sướng khổ trăm năm
Là để ngàn thu đỡ lạnh lùng
Linh hồn lưu lạc hoài thổn thức
Ra Dòng Vĩnh Cửu ngóng trùng phùng... 

 Một mai phải rời Cõi Trăm Năm
Cùng rời theo nhé chút Núi Sông
Về Cõi Muôn Năm gieo mưa gió
Cho đỡ nhớ nhung Thú Thăng Trầm!...


                                     Trần Hạnh Thu
























Xem tiếp...

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Tư liệu về tâm linh 20

(Đại Chúng sưu tầm trên NET)

Lời nguyền khủng khiếp của hang Nủa ở Thanh Hóa

    Kể từ khi tìm thấy những cổ vật trong hang, cũng là lúc xuất hiện rất nhiều tin đồn khủng khiếp về những lời nguyền. Không chỉ với mỗi dân bản mà còn cả với những người ở xa chưa biết đã có hành động xâm phạm đến hang Nủa. Người thì đang đêm bị ma dựng cả giường, người thì chết bất đắc kỳ tử, người thì trở nên lẩn thẩn, nhất là những kẻ đào trộm cổ vật đi bán kiếm lời (!?). Có một điểm chung nhất, nếu như còn sống sót thì cũng phải mang hương hoa đến trước hang cầu khấn tạ tội với thần linh và không một ai dám quay lại cái hang huyền bí đó lần thứ hai.


    Phát điên vì sợ

    Hoàng và mấy anh thanh niên đang chờ sẵn trên miệng hang, thấy mọi người ngoi lên, anh ta hỏi: "Nhà báo thu hoạch được nhiều không? Tôi đang chờ để đưa nhà báo tới một nhân chứng sống đây". Sau đó Hoàng dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà sàn khuất phía sau bản. Đó là nhà của một người đàn ông tên Khánh. Quây quần bên bữa cơm trưa với những mòn ăn quen thuộc của người Thái, khi nhắc đến câu chuyện trong hang Nủa, ông Khánh vẫn nhớ rõ từng chi tiết.

    Trước đây, ông Khánh là một người "vô thần vô thánh", không tin vào những chuyện tâm linh. Hồi trước ông sinh sống bằng nghề buôn bán cổ vật, "đến mộ cổ còn dám giữa đêm lén lút đào phá tìm kiếm cổ vật". Thế nhưng, khi ngồi với chúng tôi kể về những chuyện ở hang Nủa, trên mặt ông còn thể hiện nét kinh hãi. Trước khi kể chuyện, ông Khánh vạch cho chúng tôi xem một vết cháy sém to tướng trên đùi -dấu tích khiến ông kinh hoàng sau lần "dại dội" vào hang Nủa tìm cổ vật. (?!)
    Lời nguyền khủng khiếp của hang Nủa ở Thanh Hóa
    Ông Khánh đang kể lại chuyện lần vào hang Nủa. 

    Rồi ông Khánh kể: Mấy năm trước, khi biết tin đã có người phát hiện có dấu tích người cổ thời trước sinh sống trong hang Nủa và đào được một ít tiền vàng, ông cũng chuẩn bị cơm nắm quyết tâm săn lùng cổ vật. Lặn lội mấy ngày trong hang, lần mò đến những bãi đất trống bên dòng sông ngầm, hì hục mãi ông Khánh cũng đào được một cái bình sứ nhỏ có hoa văn rất lạ, cộng với mấy cái đĩa bát cổ. Hơi thất vọng vì không đào được vàng, nhưng nghĩ mấy thứ này bán cho dân buôn đồ cổ cũng được khối tiền nên ông hí hửng ra về.

    "Đến ngay chỗ cây cột đá và bệ rồng, bỗng dưng tôi nghe một tiếng gầm, không rõ là của con vật gì, nháo nhác nhìn xung quanh, tôi thấy ngay trên bãi cát chỗ hồ nước xuất hiện một vết chân trâu cực lớn, rồi một luồng gió cực mạnh ào ào thổi đến. Ngay lúc ấy, cây đèn măng - xông tôi mang theo bỗng phát nổ, cháy sém hết quần áo, tôi đau quá nằm ngất không biết gì nữa" -ông Khánh nhớ như in phút giây hãi hùng.

    Không biết bao lâu mới tỉnh lại, thần hồn nát thần tính, ông Khánh vội tìm vào chỗ đào đất cũ trả lại những cổ vật ấy, rồi nhanh chóng tìm đường thoát ra ngoài. Sau lần ấy, không biết sợ quá hay bị điều gì mà một thời gian sau ông trở nên điên điên khùng khùng, lơ nga lơ ngơ, không biết gì suốt mấy tháng trời. Gia đình hoảng hồn nhờ thầy mo cúng bái trong hang suốt cả tuần, cộng với điều trị trên bệnh viện, mãi về sau mới trở lại bình thường. Tuy nhiên, thi thoảng nổi bệnh, ông lại kêu rú ầm ĩ, bỏ đi khắp nơi báo hại gia đình đi tìm nháo nhác.

    Những chuyện khó tin

    Bản thân Hoàng cũng như nhiều người dân trong bản kể lại, họ đã chứng kiến rất nhiều trường hợp thanh niên trai tráng hay những người vô thần mò vào trong hang đào bới hoặc chơi bời phá phách. Nhưng sau đó có nhiều người gặp phải vận hạn. Người thì chết bất đắc kỳ tử, người thì tâm thần bấn loạn (?!)

    Hoàng và một số người dân ở bản kể câu chuyện "dựng tóc gáy" mới xảy ra cách đây 2 năm. Có một ông ở ngoài thị trấn Cành Nàng cách đó 40km vào hang Nủa chơi, thấy có 2 hòn đá tròn trịa rất đẹp, trông giống 2 đồng tiền xu, thích quá liền vác về nhà trưng bày, ai mua cũng không bán. Sau đấy gia đình liên tiếp làm ăn thất bại. Chợt nhớ về những lời can ngăn của dân bản hồi trước, ông nghĩ là do 2 hòn đá ở hang Nủa bèn đem trả lại chỗ cũ. Thế nhưng được một năm sau thì ông bị một tảng đá lăn xuống đè chết khi đang ngủ ở công trường dưới chân núi, trong khi những người khác đều bình yên vô sự.

    Hay là câu chuyện về một thanh niên ở bản Hin gần đó mò vào trong hang, phát hiện thấy có một thanh thạch nhũ mọc phía trên cây cột đá đẹp quá, anh bẻ về làm đồ trang trí trong nhà. Hôm sau đi qua bãi nổ mìn khai thác đá, không hiểu sao anh ta bị một viên đá bay đập vào mặt, máu chảy lênh láng, một thời gian lành sẹo, ai nhìn thấy cũng bảo vết sẹo sao mà giống cái hình cột đá trong hang Nủa đến thế!? Về sau vợ con gia đình ly tán, anh ta cứ dở dở hâm hâm, bỏ đi theo đám làm than thổ phỉ, ít khi thấy về nhà.

    Lời nguyền khủng khiếp của hang Nủa ở Thanh Hóa
    Lối vào cửa hang Nủa. 

    Khi tôi hỏi những câu chuyện này đã có cơ quan hay tổ chức nào biết và đến tìm hiểu cái hang chưa? Hoàng trầm ngâm: "Cũng chưa nhà báo à, một phần vì dân có niềm tin vào thần thánh nên không dám xâm phạm, một phần vì nơi đây hoang vu hẻo lánh cũng ít người đến, chỉ may ra dạo này có một số ít dân đi du lịch bụi ưa mạo hiểm, không tin lắm nên mới mò vào hang, nhưng đi sâu vào được tý lại mò ra, đến giờ cũng chưa thấy có ai lên tiếng".

    Trao đổi với chúng tôi, một số người dân ở bản xác nhận một thông tin: Năm 2004 cũng đã từng có một đoàn không biết của cơ quan nào trên Hà Nội về đây khảo sát địa chất. Có anh kỹ sư trẻ đánh cược với cả đoàn rằng nước trong cái hang ngầm và nước bên ngoài con lạch chảy qua trước bản Nủa là cùng một dòng. Họ làm phép thử, thế là 3 người khệ nệ vác một bao tải muối chui vào trong hang đổ xuống, mấy người còn lại chuẩn bị dụng cụ chực chờ ngay con lạch để đo nồng độ. Nhưng vừa đổ muối xong, thì cảm giác như có động đất rung chuyển, bầu trời xám xịt, rồi mưa lớn đổ xuống ầm ầm, nước lũ trên rừng kéo về. Cả đoàn sợ quá lên xe chạy thẳng một mạch, cho đến bây giờ không thấy ai quay lại bản Nủa nữa.

    Cần lời giải đáp

    Còn có rất nhiều câu chuyện đồn đại xung quanh về những lời nguyền hang NủaC, nhưng thời gian không còn cho phép, chúng tôi đành phải quay trở về Hà Nội. Tạm biệt mọi người hẹn ngày gặp lại, Hoàng nắm chặt lấy tay tôi: "Nhà báo nhớ có dịp nào rỗi rãi về chơi và tìm hiểu tiếp nhé và cũng lên tiếng để mọi người biết và tìm hiểu về vùng đất này, sự tích, truyền thuyết, cũng như các cơ quan ban ngành sẽ có được câu trả lời chính xác nhất cho những gì đang xảy ra bên trong hang Nủa".

    Rời Pù Luông với những cánh đồng lúa bất tận, những điều kỳ lạ mà tôi đã được nghe và chứng kiến một phần. Là người say mê với những điều bí ẩn nhưng với những thông tin thu thập được tôi cũng khó tin những lời nguyền ở hang Nủa là xác thực. Tuy nhiên, những thông tin đồn đại lan truyền trong người dân về những lời nguyền khủng khiếp của hang Nủa là có thật. Rất có thể đây là những câu chuyện được người dân thêu dệt nên để bảo vệ một địa chỉ mà đối với họ là linh thiêng cần gìn giữ trước sự nhòm ngó của những kẻ hám tiền. Hay cũng có thể được thêu dệt nên từ một vài trường hợp do sự trùng hợp ngẫu nhiên... Câu chuyện trên vẫn chỉ là những lời kể của một số người dân quanh vùng. Đến nay vẫn chưa có cơ quan khoa học, cơ quan chức năng nào kiểm chứng. Có lẽ chuyện trên chẳng qua do "thần hồn nát thần tính" dẫn đến ma làm mà ra. Tuy nhiên, tất cả những điều trên vẫn chỉ là giả thiết. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở đây nên điều tra, xem xét để tránh những đồn đại không đáng có với người quanh vùng.

    Pù Luông có phong cảnh thật đẹp, đẹp hoang sơ đến nao lòng. Tôi chợt nghĩ một ngày nào đó, hang Nủa sẽ được khai mở dưới cách nhìn khoa học. Như vậy, dân bản Nủa sẽ không còn phải hoang mang, lo sợ nữa, những lời nguyền khủng khiếp sẽ dần mất đi. Hy vọng, trong một tương lai không xa, bản Nủa với những câu chuyện thần bí sẽ là một điểm đến hấp dẫn, ưa thích của dân du lịch ưa khám phá, cuộc sống nơi đây sẽ thay đổi từng ngày.

    Theo Nguyễn Hải - ĐS&PL

    Truyền thuyết thanh kiếm xanh và lời nguyền hang Nủa

      Đó là một cái hang thần bí, từ khi phát hiện ra chưa một ai đi hết được chiều dài của nó. Đời ông, đời cha truyền lại rằng ở trong đấy đã từng có nhiều người sinh sống, họ lập mộ, giấu vàng, rồi yểm bùa, nên hễ ai xâm phạm vào cái hang đó, đào bới lấy đi những đồ vật bên trong như chén, bát, tiền xu lập tức gặp tai họa (?!). Những câu chuyện nửa thực nửa hư cứ âm ỉ nhiều đời của những cư dân ở huyện Bá Thước, Thanh Hoá.

      Truyền thuyết về thanh kiếm xanh

      Mấy ngày lang thang ở xã Lũng Cao, tôi được nghe người dân kể về một hệ thống hang động tuyệt đẹp được đồng bào Thái phát hiện ở bản Nủa, là bản nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, Thanh Hoá). Tôi loay hoay cả ngày mà chưa tìm được người dẫn đường đi tìm hệ thống hang động này. Lý do họ đưa ra là cái hang đó rất thiêng và dạo này ít người dám mò vào trong đấy thám hiểm, sau khi có những chuyện không hay đã xảy ra. Tôi không tin lắm vào những sự việc huyền bí như thế. Mặc cho cơn mưa chiều tầm tã khiến con đường lầy lội bùn đất, tôi và cô bạn đồng nghiệp vẫn lần mò vào trong bản Nủa, tìm đến một nhà người quen theo lời giời thiệu của anh bạn thân.

      Truyền thuyết thanh kiếm xanh và lời nguyền hang Nủa
      Những mảnh gốm vỡ trong lòng hang Nủa. 

      Đón chúng tôi tại ngôi nhà sàn mới dựng ngay mặt tiền con đường vào bản, anh Hoàng chủ nhà khẳng định những câu chuyện về cái hang huyền bí là có thật. Anh chỉ về một ngọn núi nhỏ phía cuối bản, không cao lắm, đứng từ xa nhìn lại như nấm đất mọc sau làng. Theo lời Hoàng, hang động nằm trong lòng quả núi này. Từ khi phát hiện ra chưa một ai đi hết được chiều dài của nó. Đời ông, đời cha truyền lại rằng ở trong đấy đã từng có nhiều người sinh sống, họ lập mộ, giấu vàng, rồi yểm bùa, nên hễ ai xâm phạm vào cái hang đó, đào bới lấy đi những đồ vật ở trong như chén, bát, tiền xu lập tức gặp thảm họa.

      Hỏi về sự tích hang Nủa, Hoàng vỗ vai tôi cười bảo: ông cố nội tôi là người lưu giữ rất nhiều câu chuyện xa xưa của người Thái ở đây, để tôi tìm lại những cuốn sách mà cụ đã dày công ghi chép. Theo như các ghi chép của cuốn sách này thì hang Nủa rất thiêng, vì nó gắn với truyền thuyết "xanh kiếm" (Theo cách nói của người Thái) về một thanh kiếm xanh bí ẩn.

      Truyền thuyết thanh kiếm xanh và lời nguyền hang Nủa
      Cửa hang Nủa cây cối um tùm do từ lâu không ai dám vào. 

      Chuyện kể rằng, cái thời điểm người Thái chuyển về Pù Luông sinh sống, lập bản đã lâu lắm rồi, cũng không ai nhớ nổi nữa. Lúc ấy, rừng thiêng nước độc, cuộc sống của họ còn cực kỳ khó khăn, nhiều người còn phải trốn vào trong hang núi tránh thú dữ. Có hai anh em mồ côi nọ, gia cảnh cực kỳ khó khăn, người anh quanh năm đi làm thuê vẫn không đủ nuôi em.

      Trong một lần buồn chán người anh bỏ vào trong hang, ngồi khóc cho thân phận mình. Bỗng anh nhặt được một khối sắt xanh biếc, dài, không rõ hình thù gì. Anh lẩm bẩm: Nếu là linh vật thì hãy giúp tôi xây dựng cuộc sống cho gia đình, cho bản làng, tôi nguyện sẽ không làm bất cứ một điều gì xấu xa. Lạ thay, khối sắt bỗng vụt sáng và hóa thành một thanh kiếm xanh biếc, chém sắt như chém bùn, bay xuống rơi vào lòng bàn tay.

      Từ đó, người anh dùng thanh kiếm đó trừ gian diệt ác, trừ thú giữ, làm cho cuộc sống của người Thái ở bản Nủa ổn định, người dân yên tâm lao động sản xuất. Người em cũng muốn được như thế, nằng nặc đòi mượn anh thanh kiếm. Nhưng người em có tâm địa đen tối, lại có kẻ xấu xúi giục nên đã giết nhiều người vô tội.

      Chuyện đến tai anh, người anh đau khổ tìm đến hang Nủa cầu nguyện: Xin linh vật hãy trở về, và hãy diệt trừ những kẻ tàn ác gây họa cho bản làng. Lời cầu xin chưa dứt, thanh kiếm bỗng vọt lên không trung, bay lượn chém chết người em bất nghĩa, rồi như một cơn gió cuốn trở về hang Nủa. Cùng lúc ấy là một trận động đất xảy ra, trời đất rung chuyển và bao nhiêu đất đá đổ xuống chôn vùi cửa hang cùng người anh tội nghiệp bên trong. Phải rất lâu sau nữa, người ta mới tìm được lối đi khác xuống hang, và cây kiếm chỉ còn dấu tích là một cột đá xanh biếc trong hang.

      Cho đến bây giờ, hàng năm, dân bản vẫn tổ chức cúng tế, ngay cạnh chiếc cột đá kia, cầu cho mùa mang tươi tốt, cuộc sống ổn định.

      Khám phá động thiêng

      Sáng hôm sau, Hoàng dẫn tôi xuống một ngôi nhà sàn nằm ngay dưới chân núi, gặp một anh người Thái đang ngồi đốt đá vôi tên là Tuyển. Sau một hồi nói chuyện bằng ngôn ngữ dân tộc, Tuyển đồng ý dẫn chúng tôi vào trong hang Nủa. Tuyển không quên dặn trước chúng tôi đừng gây ồn ào khi vào trong hang. Sau một hồi len lỏi lên lưng chừng núi, anh ta dừng chân trước một bụi cây rậm rạp, rút con dao đi rừng ra chặt một hồi. Cửa hang dần dần lộ ra. Đó là một lối đi rất nhỏ đã bị bụi cây che khuất, phải nhẹ nhàng lắm mới lọt vào được mà không bị xây xát.

      Truyền thuyết thanh kiếm xanh và lời nguyền hang Nủa
      Lòng hang khá rộng rãi nhưng ghồ ghề. 

      Chúng tôi tụt từng người xuống một. Bên trong tối om, nhưng càng vào sâu thì cái hang càng rộng ra, kéo dài. Với 2 cái đèn pin và mấy cây nến mang theo, chúng tôi mò mẫm đặt chân lên từng phiến đá để chui xuống bên dưới. Không thể diễn tả nổi cảm giác lúc đó đối với một người ưa khám phá, một chút rờn rợn, một chút phấn khích, nhất là khi Tuyển nói rằng từng có rất nhiều người thấy một con rắn cực to xuất hiện trong hang.

      Sau một lúc vất vả, mò mẫm đi ước chừng cũng được vài trăm mét, một hồ nước ngầm xuất hiện loang loáng dưới ánh đèn pin. Trên đỉnh hang, nước róc rách chảy, giọt từng giọt xuống các phiến đá và hồ nước. Tuyển bảo rằng bây giờ nước đang lên, không thể đi tiếp được. Trước cũng đã từng có người mang theo cơm nắm, lội nước quyết tâm đi đến tận cùng của hang, nhưng đi mãi mấy ngày không hết đành quay trở ra. Đợt ấy dân bản tưởng anh ta đã bỏ xác trong hang thiêng, đã chuẩn bị hậu sự và cho thanh niên đi tìm. Sau nghe kể lại cái hang ngầm dài lắm, dễ mà kéo đến tận trong bản Kịt, bản Bá, cách Nủa 10km, kéo sát tới Mường Khến, Hòa Bình.

      Tuyển rọi đèn pin vào một cái hốc lớn bên phải hang, hiện lên một cột đá sừng sững, cạnh đó có một khối đá phẳng lỳ, trông giống như một chiếc bàn thiên nhiên tạo ra. Tuyển bảo rằng đó là thanh kiếm báu trong truyền thuyết mà chúng tôi đã được nghe, và bên cạnh là chiếc bệ rồng. Mỗi dịp năm mới, các bô lão trong bản bao giờ cũng tổ chức cúng bái thần linh ngay trên cái bệ rồng ấy.

      Anh ta lần mò từng khối đá, rồi cúi xuống đào bới và kêu chúng tôi lại xem. Lần mò mãi dưới lớp đất cát, Tuyển đào lên những mảnh gốm vỡ không còn nguyên vẹn. Nhìn kỹ, vẫn thấy hoa văn được chạm khắc một cách tinh xảo, giống như là trên những chiếc bình gốm cách đây mấy trăm năm mà tôi đã được xem trong một buổi trưng bày cổ vật.

      Trước đây dân bản đã tìm thấy nhiều dấu tích chứng tỏ rằng trước đó đã từng có người sinh sống trong hang đá. Những hiện vật được tìm thấy thường là chén, bát, đồ sành sứ cổ, cả những đồng tiền xu đã rỉ nát mà chưa xác định được niên đại, một số kẻ hám tiền lén lút mang ra ngoài bán lập tức mang họa (?!). Nhìn xem đồng hồ thấy đã quá trưa, không thể đi tiếp được nữa, chúng tôi quyết định quay trở ra, Tuyển hẹn tháng 2, tháng 3 nước rút xuống thấp nhất, nếu mọi người về Pù Luông và chuẩn bị vật dụng đầy đủ, sẽ làm một chuyến thám hiểm tìm điểm cuối của cái hang thần bí này.

      Theo NGUYỄN HẢI - ĐS&PL
      Xem tiếp...

      DÒNG SÔNG NĂM THÁNG



      (Nhân ngày Valentine)

      Lâu lắm rồi,
      Mặt trời
      Là chốn âm dương đua tranh quyền lực
      Không gian nhiệt cuồng vần vũ
      Năng lượng bừng tỏa tràn trề
      Động địa,kinh thiên chớp điện bão từ
      Tuôn xối khôn nguôi ào ào bức xạ



      Giữa rát rạt, mịt mùng, hoang dã
      Trái đất khôn ngoan chắt lọc, guồng quay
      Mở nguồn tuần hoàn ăm ắp đêm ngày
      Khơi chảy dòng sông năm tháng
      Cần mẫn tưới tiêu, vỗ về tươi mát
      Cát bụi trở mình, ca hát nên xanh...



      Lấp lánh thời gian
      Là dòng sông năm tháng
      Thầm lặng lở bồi, miên man, tít tắp
      Ngày đêm lũ lượt luân hồi
      Hiện tại, tương lai cuồn cuộn trôi xuôi
      Hối hả hòa vào đại dương dĩ vãng
      Mà dòng chảy chẳng hề vơi cạn
      Từ ngàn xửa, ngàn xưa...



      Cần mẫn, vô tư
      Là dòng sông năm tháng
      Mòn xói thanh xuân, bồi mãi bùn tuổi tác
      Kiếp kiếp luống dần với hạ nắng, phù hoa
      Ngoi ngóp trong héo úa thu già
      Ngập ngụa tuyết tan, đông tàn khỏa lấp
      Mục rữa phôi pha, hòa về mạch đất
      Màu mỡ bờ xuân lại nhú nở những mầm xinh



      Mãi mãi hữu tình là sự sống trung trinh
      Óng ánh soi mình lên dòng sông năm tháng
      Như mắt Người Yêu mơ màng xanh biếc
      Tìm, đợi Người Yêu trong triệu tỷ thiên hà!...


                                                       Trần Hạnh Thu

       
      Xem tiếp...

      Tin buồn 4

      (ĐC chép lại từ VnExpress)

      Lá thư cuối của tử tù đầu tiên bị tiêm thuốc

      "Con là con mà mãi chưa báo hiếu được ngày nào, đấy là điều mà con day dứt nhất, mong bố mẹ hiểu cho. Thôi, bố mẹ và em ở lại đừng phải buồn thương quá nhé. Vĩnh biệt mọi người", tử tù Nguyễn Anh Tuấn viết trong dòng thư cuối.

      Theo cán bộ trại giam, sáng sớm 6/8, khi được trích xuất ra khỏi buồng biệt giam, tử tù Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã ôm chầm người bạn cùng phòng, nghẹn ngào nói lời từ biệt. Tuấn lập cập theo chân cảnh sát đi làm các thủ tục. Bàn tay Tuấn run rẩy, phải rất lâu, mới viết được những dòng thư cuối.
      "Hôm nay con phải đi đền tội mà những gì con gây ra. Giờ phút cuối cùng con muốn gửi đến bố mẹ là lời chúc bố mẹ được mạnh khỏe, con cũng không muốn bố mẹ vì thương nhớ con quá mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc gì đến nó cũng phải đến thôi", Tuấn viết.
      Rồi anh ta dặn dò, mong muốn bố mẹ lo cho đứa em trai có được một cuộc sống đàng hoàng, mong bố mẹ ở nhà đừng đau buồn thì mình ra đi mới được thanh thản.
      "Dù con phải đi đền tội nhưng mãi mãi con vẫn là con của bố mẹ. Dù phải chết nhưng con vẫn mãi khắc ghi những gì bố mẹ dành cho con", Tuấn viết trên giấy A4 những nét chữ nghuệch ngoạc.
      Tuấn dặn người cha hãy yêu thương mẹ nhiều hơn bởi cuộc đời bà đã cơ cực; dặn đứa em trai chăm sóc bố mẹ, và "hãy nhìn vào gương của anh mà tu dưỡng, tránh những điều tội lỗi".
      Cuối lá thư dài kín tờ A4 Tuấn viết: "Con là con mà mãi chưa báo hiếu được ngày nào, đấy là điều mà con day dứt nhất, mong bố mẹ hiểu cho con. Thôi, bố mẹ và em ở lại đừng phải buồn thương quá nhé. Vĩnh biệt mọi người".
      Sau khi Tuấn viết xong lá thư và làm các thủ tục như lăn tay, ký vào bản giao nhận quyết định thi hành án xong, anh ta được ăn bữa ăn cuối cùng gồm, một bát phở, cốc nước và điếu thuốc lá. Nhưng Tuấn chỉ uống cốc cà phê và hút điếu thuốc rồi theo cảnh sát vào nhà thi hành án.
      Một cán bộ Trại tạm giam số 1 cho hay, giây phút cuối trước khi nằm lên ghế tiêm thuốc độc, tử tù Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã bật khóc.
      Sau chừng một tiếng rưỡi chuẩn bị các thủ tục và bị tiêm 3 loại thuốc vào người tử tù, đến 10h, việc thi hành án kết thúc. Thi thể Tuấn được giao cho gia đình đưa về quê an táng.
      Theo bản án ngày 20/1/2010 của TAND Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn tham gia tích cực trong vụ giết người, cướp tài sản. Đồng phạm với Tuấn là Nguyễn Hải Hoàn nhưng người này đã chết trong quá trình tạm giam.
      Tuấn và Hoàn quen chị Hảo (27 tuổi, nhân viên bán xăng dầu ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Phát hiện cô gái có nhiều tiền, thường để trong cốp xe, hai người bàn nhau cướp tài sản. Theo kế hoạch, Tuấn chuẩn bị dao và dây thừng làm công cụ gây án, còn Hoàn đi bộ vào chỗ trọ vờ rủ chị Hảo đi sinh nhật.
      Khi ba người gặp nhau, tới nghĩa trang thôn Bảo Tháp (xã Kim Hoa) Hoàn gí dao vào cổ cô gái đe dọa, dùng dây thừng trói tay, lục lấy điện thoại cùng 400.000 đồng trong ví.
      Khi Hảo xin cởi trói để đi vệ sinh, Hoàn từ phía sau dùng dao đâm liên tiếp vào lưng nạn nhân. Tuấn giúp sức bằng cách lao vào bịt miệng Hảo... và cùng tham gia vứt xác nạn nhân xuống ao bèo gần đó.
      Hơn hai tháng sau, xác nạn nhân được phát hiện nhưng phải gần một tháng truy tìm, cảnh sát mới bắt được Tuấn và Hoàn. Nhận định, hành vi của Tuấn dã man, cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn, tòa tuyên phạt bị cáo án tử hình.
      Nam Anh
      Ý kiến bạn đọc (16)
      Lúc chết đến nơi rồi thì tử tù mới bộc lộ bản năng là con người có cảm xúc, có hiếu với gia đình. Mọi chuyện đều đã quá muộn, đây là tấm gương cho kẻ ác thủ nào đọc được Bài viết này mà hãy làm người sống có ích cho đời
      Tâm - 8 giờ trước
       
      dẫu biết là luật pháp phải nghiêm minh nhưng nghĩ đến gia đình của Tuấn, mình cũng cảm thấy nao lòng! các bạn trẻ trước khi làm gì hãy nghĩ đến cha mẹ mình nhé! nỗi đau mất con lớn lắm đó các bạn!
       
      Thôi thì một kiếp người cũng đã xong. Dù tội lỗi có tày đình đến đâu thì em cũng là một con người. Tất cả đã được gột rửa trong sáng nay rồi. Những gì vay, em đã trả. Về vui một miền khác...
       
      Biết là gây tội rồi sẽ phải đền tội. Nhưng rơi vào hoàn cảnh này...Cầu chúc cho bạn ra đi đc Thanh thản!
       
      "Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!". Câu này ngẩm nghĩ củng hay.
      thanh tan - 8 giờ trước
       
      Hành động quá man rợ thì cái chết này cũng tương xứng .Nếu có kiếp sau xin hãy sống tốt hơn kiếp này em nhé !
       
      giết người tàn bạo thì phải đền mạng , đó là cái giá phải trả cho sự công bằng , là tấm gương cho những kẻ tàn ác trong xã hội
       
      Nen cho tu chung than vinh vien khong giam an. Ca mot to chuc co biet bao nguoi du minh man quyet dinh giet mot nguoi ...
      Hoang Hai - 8 giờ trước
       
      tử hình kiểu này thì chẳng ai sợ
       
      Có lẽ cách thi hành án như thế này sẽ nhẹ nhàng hơn cho phạm nhân.
      Ri - 8 giờ trước
       
      Hối hận đã quá muộn màng..Hy vọng đây sẽ là bài học và tấm gương cho những kẻ phạm tội
      le duc anh - 8 giờ trước
       
      Thay buon,thay toi nghiep...that su ko muon xu tu hinh cho nhung nguoi nvay.uoc gi the gioi ko co hinh phat nay du biet giet nguoi den toi
      Xem tiếp...

      Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

      THÀNH PHỐ TRONG ĐÊM



      Chuyện kể rằng có thành phố trong đêm
      Sặc sỡ hoa đèn
      Ảo mờ huyễn hoặc
      Phè phỡn khoe khoang, phấn son thác loạn
      Nài nỉ ỉ ôi, ngã giá bèo nhèo

       tamtay.vn - photo - [HOT] Ăn chơi cuồng loạn tại đất Thái - Ảnh nóng


      Thành phố ấy trong đêm loang lổ sắc màu
      Nồng nặc rú gào, phều phào rũ rượi
      Trên nền đen bóng tối
      U ám mênh mông...

      Sang lam sinh vien toi lam tiep thi o vu truong



      Chuyện kể rằng thành phố ấy trong đêm
      Như mồm quái vật
      Tham lam nhồm nhoàm nhai nuốt
      Những ước mơ lạc lõng, những hy vọng dại khờ
      Hóa kiếp những mực thước, ngây thơ
      Thành nhầy nhụa, nhỏ nhen, ươn hèn, quỷ quyệt
      Dị hợm nụ cười méo theo vai kịch
      Cợt nhả, bi hài, cắn nát hàm răng



      Đêm thành phố ấy chẳng còn thấy ánh trăng
      Nghe sáo véo von, tiếng hò sâu lắng
      Yên ả thanh bình, gió vờn man mác
      Thơm thảo hương thơ, bát ngát tình đời

      Lễ hội kỳ thú về đêm - Pháo hoa

      Thành phố ấy?...Điên rồi!
      Ngột ngạt đêm đêm tự nhồi phẫn nộ
      Bộc phát có ngày trời long đất lở
      Tan tành nhịp thở suy đồi... 

                                        Trần hạnh Thu

      tamtay.vn - photo - [HOT] Ăn chơi cuồng loạn tại đất Thái - Ảnh nóng 
      Xem tiếp...

      Nuy 5

      (Đại Chúng sưu tầm trên NET)



      Xem tiếp...

      HIỆN THỰC KỲ ẢO 4

      (Đại Chúng sưu tầm trên NET)



      Xem tiếp...