Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

TRƯỜNG SƠN

(ĐC sưu tầm trên NET)
Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình
                                                                        Tố Hữu

 

Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam- VACNE
( Tham luận tại Hội Thảo Bảo vệ Đa dạng sinh học Trường Sơn lần thứ 2-2009)
******


1.    
Tên Trường Sơn có từ khi nào?
Thời Bắc thuộc, nhà Đường ở Trung Quốc đã đặt Việt Nam (tương ứng với khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay) là An Nam đô hộ phủ (679-757 và 766-866). Sau khi giành được độc lập, các triều vua Việt Nam thường phải nhận thụ phong của Trung Quốc, được gọi là An Nam quốc vương (kể từ năm 1164 trở đi).Từ đó người Trung Quốc thường gọi nước Việt Nam là An Nam, bất kể quốc hiệu là gì. Sau đó xuất hiện các cách gọi "người An Nam", "tiếng An Nam" dần dần được người châu Âu gọi theo [8].
Dải Trường Sơn – xương sống của bán đảo Đông dương vì thế được các văn liệu nước ngoài (Âu Mỹ) gọi theo tên nước ta trước đây là dãy núi An Nam (Annamese Range, Annamese Mountains, Annamese Cordillera, Annamite Mountains, Annamite Cordillera, Chaine Annamitique). Bên Lào, dãy Trường Sơn được gọi là Phou Loang (Phu Luông) [9,10,11,12].
Do thời kỳ Pháp thuộc bị coi là một giai đoạn ô nhục của dân tộc, nên người dân Việt Nam thường hiểu từ "Annam" theo một nghĩa tiêu cực, mang hàm ý miệt thị dân tộc và vì vậy không  sử dụng tên này kể từ khi giành độc lập năm 1945 [8].Có lẽ cũng bắt đầu từ năm này mà cái tên Trường Sơn xuất hiện để thay tên “Dãy núi An Nam” và vẫn chưa rõ ai là người đầu tiên sử dụng địa danh Trường Sơn. Năm 1953 Nhạc sỹ Phạm Duy viết ca khúc về Trường Sơn có lẽ là nhạc phẩm đầu tiên mang tên mới của dãy núi này. Trong thời kỳ chống Mỹ (1954-1975), tên Trường Sơn trở nên phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng một phần cũng nhờ những ca khúc kháng chiến bất diệt, đi sâu vào lòng người. Năm 1975, Địa danh dãy Trường Sơn xuất hiện trong một ấn phẩm khoa học của Giáo sư Lê Bá Thảo (Thiên nhiên Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 1975) [6], tuy nhiên trong ấn phẩm sau này của ông (Việt Nam- lãnh thổ và các vùng địa lý, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2002) [7], tuy vẫn nói về dãy Trường Sơn nhưng ông lại dùng một phạm vi khác sẽ bàn trong mục 2 dưới đây.

2. Ranh giới phía bắc của dãy Trường Sơn
Là xương sống của bán đảo Đông Dương, dãy Trường Sơn quyết định hình dạng chữ S của bán đảo này, tạo thành đường chia nước giữa một bên là các sông nhỏ đổ về sông Mekong (phía tây) và một bên là các sông nhỏ đổ vào biến Đông (phía đông), vì vậy không khó để nhận diện hai phần Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Ở phần phía bắc, sống núi Trường Sơn gần trùng với biên giới Lào-Việt, ở phần phía nam, sống núi Trường Sơn uốn cong vế phía biển Đông và chạy sát biển tạo thành các dải núi Nam Trung bộ, nên có một phần khá rộng của sườn Tây Trường Sơn nằm trên lãnh thổ Việt Nam (Tây Nguyên). Tuy nhiên ranh giới phía bắc còn nhiều điểm bất nhất trong giới khoa học lẫn trên thông tin đại chúng.
Vườn Quốc GIa Pù Mát, Trường Sơn Bắc
Quan điểm cực đoan nhất ghép cả Tây Bắc Việt Nam vào Trường Sơn, nên Trường Sơn theo khái niệm này xuất phát từ tận cao nguyên Tây Tạng- Vân nam (Trung Quốc) [14, 15].Cách hiểu cực đoan này không được chấp nhận rộng rãi, không có cơ sở cả về lịch sử địa chất lẫn địa sinh thái, và không tôn trọng khái niệm “dãy Trường Sơn là đường chia nước giữa sông Mekong và biển Đông”
Lùi xa hơn về phía Nam chút ít, Lê Bá Thảo (2002) [7] coi ranh giới phia bắc của Trường Sơn là hữu ngạn sông Chu (Thanh Hóa) mà không đưa ra lời giải thích nào. Có lẽ do nhận thấy cấu trúc địa chất của “khối nâng Quỳ Châu” (Nam Thanh Hóa- Bắc Nghệ An) không giống cấu trúc địa chất Tây Bắc Việt nam nên ông đã ghép vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ này vào Trường Sơn chăng?. Quan niệm này chỉ có duy nhất Lê Bá Thảo (2002) sử dụng.
Tất cả các văn liệu khác được thu thập, kể cả Lê Bá Thảo (1975)[2,3,5,6,8,10,11,12,15,16] đều coi Trường Sơn Bắc bắt đầu từ vùng sinh thủy của sông Cả trên cao nguyên Trấn Ninh (Lào) (xem bản đồ ). Do đó sông Cả (Nghệ An) được coi là ranh giới phía bắc của dãy Trường Sơn. Quan niệm này có lẽ hợp lý hơn cả về nhiều phương diện, mà quan trọng hơn cả là địa lý và sinh khí hậu. Dải núi khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả kéo về phía đông nam chính là đường chia nước (phân thủy) giữa sông Mekong và biển Đông và đồng thời tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương.. Phần bắc của dãy núi này (từ sông Cả đến Đèo Hải Vân) cũng tạo ra hiệu ứng phơn với hiện tượng gió Lào điển hình, và khác hẳn phần phía Nam bởi mùa đông lạnh, từ đó quyết định đến hệ động thực vật đặc thù của Bắc Trường Sơn.
2.     Ranh giới phía nam của dãy Trường Sơn
Rừng khộp,  Trường Sơn Nam
Về phía nam, dãy Trường Sơn kết thúc khi tiếp xúc với miền Đông Nam Bộ. Quan điểm này là thống nhất ở hầu hết các nhà nghiên cứu, kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây của các nhà địa chất Pháp nghiên cứu về Địa chất Đông Dương như Saurin, E (1935) (Etude sur l'Indochine du Sud-Est. Bulletin du. Service Géologique de l'Indochine, v. 22) [16], hay Fromaget,J.(1941) (L’Indochine francaise, sa structure géologique, ses roches, ses mines et leur relation possible avec la tectonique. Bull. SGI, Hanoi) [13]. Tuy nhiên cũng cần nói rõ là vẫn có một số nhà nghiên cứu coi Trường Sơn nam chỉ là sườn Đông của Trường Sơn Nam, còn Tây Nguyên vốn là sườn tây của Trường Sơn Nam thì lại coi như một cấu trúc độc lập, không thuộc Trường Sơn Nam. Quan niệm này phổ biến trong giới địa chất, xuất phát từ cấu trúc Địa kiến tạo (Saurin,E. 1935,) [16].
3.     Ranh giới giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam
Có 2 quan điểm về ranh giới giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam: 1/ Các nhà địa chất Pháp như Saurin, E. hay Fromaget,J. như đã nói ở trên, cho rằng Trường Sơn Bắc kéo dài đến hết tỉnh Quảng Nam (dãy núi Ngọc Linh), và 2/ Trường Sơn Bắc và Nam được phân chia theo dải núi Bạch Mã, ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Quan điểm thứ 2 được Lê Bá Thảo (1975, 2002) [6] đề xuất và phân tích rất cặn kẽ, sau đó được nhiều nghiên cứu khác sử dụng.
Thực ra về mặt địa lý và địa sinh thái thì vùng Quảng Nam-Đà Nẵng (nằm giữa hai ranh giới nói trên) có nhiều nét trung gian giữa hai phần Bắc và Nam của dải Trường Sơn. Khó có thể vạch ra một ranh giới rach ròi giữa 2 khu vực của một dải núi đồ sộ dài hàng ngàn kilomet chỉ bằng một vách núi của dãy Bạch Mã hay Ngọc Linh. Có lẽ cần coi Quảng Nam-Đà Nẵng là vùng đệm hay vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam thì hợp lý hơn: Quảng Nam-Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, giống Trường Sơn Nam ở chỗ chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 20oC. Độ ẩm trung bình trong khí đạt 84%. Lượng mưa trung bình cao đến 2000-2500mm, nhưng phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào miền Trung thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông.
Hệ thực vật Quảng Nam-Đà nẵng cũng mang tính chuyển tiếp giữa 2 phần Trường Sơn. Nghiên cứu trường hợp Bà Nà (Đà Nẵng) cho thấy:
Bà Nà nằm phía nam sông Cu Đê tách bạch hẳn ra khỏi khối núi Bạch Mã-Hải Vân. Nhiệt độ trên đỉnh ban ngày mát lạnh, thường 17 đến 22oC. Đặc biệt mây chỉ u ám vần vũ ở lân cận độ cao 1000 m nên đỉnh núi luôn quang đãng. Những cơn gió lạnh và khô, giống như gió heo may cuối thu ở xứ Bắc, luôn luôn ào ạt trên đỉnh núi làm cho mây mù ít khi tụ lại được. Về đêm, gió lạnh có thể làm nhiệt độ hạ xuống rất thấp.
Hệ động thực vật tự nhiên của Bà Nà được bảo tồn khá tốt từ độ cao khoảng 800 mét trở lên. Các nhà khoa học đã kiểm kê được ở Bà Nà 136 họ thực vật gồm 543 loài, trong đó một nửa là loài thảo dược và 256 loài động vật có cả các loài quý hiếm. Có thể coi Bà Nà là vườn cây thuốc hoặc thảo cầm viên tự nhiên. Rất nhiều loài thực vật cận nhiệt đới, thậm chí ôn đới đã được phát hiện, trong đó có thông 3 lá, dẻ gai, sồi ... Các loài thực vật khác nhau mọc chen chúc trong một khoảng không gian hẹp, hiếm thấy có bụi cây nào lại chỉ có 1 loài.
4.     Có Trung Trường Sơn không?
Cây bòn bon,  Quảng Nam -
Đà Nẵng
Khái niệm Trung Trường Sơn lần đầu và duy nhất được Bộ NN và PTNT nêu ra năm 2004 trong Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Trường Sơn nhằm đến việc tạo dựng nền móng cho bảo tồn lâu dài và loại bỏ những hiểm hoạ trước mắt đối với các sinh cảnh, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao tại vùng này. Cục kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo “Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn” tại Hội An (Quảng Nam) năm 2004. Theo khái niệm đưa ra trong hội thảo này, vùng sinh thái Trung Trường Sơn bao gồm các khối núi trung tâm dãy Trường Sơn thuộc 4 tỉnh Nam Lào và 7 tỉnh trung trung bộ: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình ĐỊnh, Gia Lai, Kon Tum có tổng diện tích 3,7 triệu ha với trên 2,38 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm tới gần 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng, độ che phủ bình quân của vùng đạt 42,75%, 3.000 loài thực vật trong đó có 46 loài được ghi trong sách đỏ, 28 loài thú đặc hữu, gần 400 loài chim, 11 loài lưỡng cư bò sát...Mục tiêu đặt ra trong vòng 50 năm tới, đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn sẽ được quản lý, bảo vệ và phục hồi bền vững. Theo đó 17 khu bảo tồn sẽ được thiết lập. Với 12 dự án bảo tồn ưu tiên cho toàn vùng sinh thái [1,4].
         Việc lấy 7 tỉnh từ Quảng Trị đến Kon Tum làm vùng Trung Trường Sơn có lẽ chỉ phản ánh mối quan tâm của Bộ NN và PTNT, mà không dựa trên bất cứ cơ sở địa lý hay địa sinh thái nào. Nếu thực sự có Trung Trường Sơn thì đó chỉ có thể là Quảng Nam-Đà Nẵng, vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Nam mà thôi.

      Kết luận:
-          Dãy Trường Sơn kéo dài 1100 km từ thượng nguồn sông Cả, trong phạm vi cao nguyên Trấn Ninh (Lào) đến giáp miền Đông Nam Bộ, là đường chia nước giữa sông Mekong và Biển Đông, tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương.
-          Dãy Trường Sơn có thể được chia ra 2 vùng: Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, được phân chia bằng vùng chuyển tiếp Quảng Nam-Đà Nẵng. Một vách núi (Bạch Mã phía bắc hay Ngọc Linh phía nam) không đủ lớn để tách biệt 2 vùng Nam Bắc Trường Sơn.
-          Trên lãnh thổ Việt nam, Trường Sơn Bắc chủ yếu chỉ có sườn Đông vì sống núi Trường Sơn Bắc trùng hầu hết với biên giới Việt Lào, sống núi này uốn cong về phía biển ở Trường Sơn Nam nên tại đây có cả sườn Đông và sườn Tây. Sườn Đông rất dốc và hẹp trong khi sườn Tây thoải và rộng. Tây Nguyên chính là sườn Tây của Trường Sơn Nam. Tách Tây Nguyên khỏi Trường Sơn Nam là không hợp lý.
-          2 vùng Trường Sơn Bắc và Nam có đặc điểm địa sinh thái rất khác biệt, vì vậy Đa dạng sinh học và phương cách bảo tồn cũng khác biệt.
(ĐC trích lược)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét