TIN MỪNG 10
(ĐC sưu tầm trên NET)
Thứ tư, 20/11/13, 10:15 GMT+7
Địa đạo Củ Chi vào top công trình ngầm bậc nhất thế giới
Trang CNN vừa công bố danh
sách những công trình dưới lòng đất bậc nhất thế giới, trong đó có mỏ
muối ở Ba Lan, hầm mộ Paris (Pháp) và địa đạo Củ Chi (Việt Nam).
Dưới đây là 12 công trình hầm ngầm nổi tiếng, theo CNN.
1. Coober Pedy, Nam Australia
Du khách muốn đến thăm những cư dân sống trong lòng đất chắc chắn sẽ
phải ghé qua Coober Pedy. Thành phố phía nam Australia này chỉ có khoảng
3.000 cư dân và hầu hết đều sống dưới lòng đất, nơi họ xây dựng những
nhà thờ, nhà hàng, khách sạn...
Hầu hết người dân tại thành phố này sống dưới mặt đất để tránh sức nóng khủng khiếp của mặt trời. Ảnh: CNN.com
|
Thị trấn này là nơi cung cấp 70% lượng
đá opal của cả thế giới. Khí hậu sa mạc khắc nghiệt với ánh nắng mặt
trời chói chang, người dân ở đây thường sinh sống và làm việc dưới lòng
đất.
Tên của vùng đất Coober Pedy xuất phát từ thuật ngữ của thổ dân địa
phương "kupa piti", có nghĩa là "white man’s hole on the ground" (tạm
dịch: Nơi cư trú của người da trắng dưới lòng đất).
2. Mỏ muối Wieliczka, Krakow, Ba Lan
Mỏ muối Wieliczka phía nam Ba Lan hoạt động tới năm 2007. Hiện nay một
phần của khu mỏ dài 2 dặm (ước tính khoảng 2% tổng chiều dài của cả khu
mỏ này) được mở cửa cho du khách tham quan.
Một nhà nguyện và nhà thờ do các thợ mỏ chạm khắc, trang trí là điểm nổi bật tại mỏ muối. Ảnh: CNN.com
|
Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng những bức tượng, một nhà nguyện và
một nhà thờ được chạm khắc bởi các thợ mỏ. Tất cả được trưng bày dưới
ánh sáng của những chiếc đèn chùm làm từ muối mỏ.
3. Hầm mộ Paris, Pháp
Hầm mộ Paris là địa điểm tham quan rất lý tưởng cho những khách du lịch yêu thích sự bí ẩn. Đây là nơi chứa hài cốt của hơn 6 triệu người được chôn cất từ năm 1785 đến 1860, khi nghĩa trang của thành phố hết chỗ.
Hầm mộ này giữ hài cốt của rất nhiều người bị chém đầu trong cuộc cách mạng Pháp. Ảnh: CNN.com
|
Tour du lịch đưa du khách đi tham quan một dặm trong mê cung dài 180 dặm của khu đường hầm, nằm dưới độ sâu 20 m. Những bộ xương được xếp ngay ngắn tại đây bao gồm cả những người đã bị chém đầu trong cuộc cách mạng Pháp.
4. Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ
200 hang động được coi là thành phố dưới mặt đất của Cappadocia có khả
năng chứa được hàng chục nghìn người. Mạng lưới các công trình kiến trúc
dày đặc này được tạo nên bởi đá mềm. Các công trình đã được sử dụng từ
rất lâu đời, từ khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên.
Thành phố khổng lồ dưới lòng đất này đã có lịch sử hàng triệu năm. Ảnh: CNN.com
|
Chưa biết người bắt đầu xây dựng, nhưng giới nghiên cứu xác định những
công trình này được sử dụng và phát triển bởi người Phrygia (một bộ lạc
Ấn - Âu cổ) và sau này được mở rộng bởi người Ba Tư.
Derinkuyu, nằm dưới độ sâu 60 mét, là hang động lớn nhất, có thể chứa tới 20 nghìn người cùng gia súc của họ. Gần
một nửa diện tích của hang Derinkuyu được mở cửa cho du khách tham
quan. Hang này còn nối với Kaymaklli, một khu nhà ở mà khách du lịch
cũng có thể tự mình khám phá, thông qua một đường hầm dài 8 cây số.
5. Khu phố Mary King’s, Edinburgh, Scotland
Mary King’s ban đầu không nằm dưới lòng đất, nó được coi là khu phố
nhộn nhịp nhất tại Edinburgh cho đến khi dịch bệnh dịch hạch xảy ra năm
1645.
Toàn bộ người dân trong khu phố này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bệnh dịch hạch. Ảnh: CNN.com
|
Khu dân cư đông đúc này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bệnh dịch
hạch. Lệnh kiểm dịch được ban hành đối với khoảng 500 người sống ở đây
để nhằm kiểm soát dịch bệnh. Một số người dân bị bỏ mặc đến chết, đó chính là nguyên nhân của những câu chuyện ma được lan truyền tại khu vực này.
Khu phố được mở cửa và cho phép tái định cư vào năm 1753, khi những căn
nhà cũ bị phá dỡ để nhường chỗ cho những công trình mới được xây dựng
trên nền khu phố cũ. Mary King’s đã bị
đóng cửa và niêm phong trong vòng 250 năm trước khi mở cửa trở lại cho
khách tham quan. Hiện nay, khu phố này tái hiện một cách sinh động cuộc
sống nhộn nhịp tại đây vào thế kỷ 18.
6. Seattle dưới lòng đất, Washington, Mỹ
Khi đại hỏa hoạn Seattle năm 1889 phá hủy toàn bộ thành phố, một số ông
chủ lớn đã quyết định xây dựng lại thành phố. Được xây dựng trên bãi
bùn, những khu dân cư ban đầu của thành phố đã bị lũ lụt tàn phá. Với
rất nhiều tấm bê tông được bồi đắp thêm, thành phố mới được dựng lên cao
hơn 3-10 m so với trước đây.
Thành phố mới được xây dựng ngay trên nền thành phố cũ ở bên dưới. Ảnh: CNN.
|
Các tour du lịch tạo cơ hội cho du khách có thể tham quan thành phố
Seattle ban đầu. Thật thú vị khi đi dưới những đường hầm và tưởng tượng
những đám đông hối hả mua sắm tại những khu phố tấp nập ngay trên đầu
mình.
7. Địa đạo Củ Chi, Việt Nam
Địa đạo Củ Chi được người Việt Nam xây dựng và sử dụng trong chiến
tranh. Đây được coi là nhà ở, bệnh viện, đường tiếp tế và nhà kho, thậm
chí người ta còn tìm thấy cả một chiếc xe tăng tại một trong những đường
hầm.
Địa đạo Củ Chi. Ảnh: CNN.com
|
Hệ thống địa đạo phức tạp kéo dài 120 km, là một phần của mạng lưới
đường hầm lớn hơn nhiều trong cả khu vực, hiện nay được coi là một đài
tưởng niệm và mở cửa cho du khách tham quan.
8. Đường hầm G-Can, Tokyo, Nhật Bản
Bắt đầu xây dựng vào năm 1922, những đường hầm sâu 50 m và dài 6 cây số
này chứa máy bơm và bể chứa chuyên dụng để dẫn thoát nước giúp thành
phố Tokyo luôn khô ráo vào mùa mưa.
Hệ thống đường hầm đặc biệt giúp cho thành phố Tokyo luôn khô ráo vào mùa mưa. Ảnh: CNN.com
|
Điểm nổi bật của hệ thống này là bể
chứa khổng lồ có cấu trúc giống như một ngôi chùa, nơi chứa những chiếc
máy bơm 78 mã lực và được trụ vững bởi 59 cột trụ khổng lồ.
Trừ những người mắc chứng sợ không gian hẹp, mọi người đều sẽ thấy ngôi chùa rộng lớn dưới lòng đất này vô cùng ấn tượng. Khách du lịch có thể tham quan đường hầm đặc biệt này vào các ngày trong tuần, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.
9. Địa đạo Thượng Hải, Portland, Oregon, Mỹ
Đường hầm Thượng Hải là một loạt những con đường ngầm kết nối các tầng
hầm của quán bar và khách sạn ở trung tâm Portland với bờ sông
Willamette.
Đường hầm kết nối các quán bar, khách sạn với bờ sông. Ảnh: CNN.
|
Hệ thống này được sử dụng từ những năm 1800 để vận chuyển hàng hóa từ
các tàu cập cảng ở đây. Tên của đường hầm này được đặt từ niềm tin rằng
nó liên quan đến "shanghaiing’, một tập quán bắt cóc người dân để làm
thủy thủ.
10. Hầm trú ẩn Greenbrier, Tây Virginia, Mỹ
Vào cuối những năm 1950, chính phủ Mỹ yêu cầu chủ sở hữu của khách sạn
700 phòng - Greenbrier cho phép xây dựng một trung tâm di dời khẩn cấp
(một hầm trú ẩn) phía dưới tòa nhà, để di dời Quốc hội trong trường hợp
có chiến tranh hạt nhân.
Hầm trú ẩn kiên cố của Quốc hội Mỹ trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân. Ảnh: CNN.com
|
Với tầm nhìn xa trông rộng, chủ của khách sạn đã đồng ý và hiện nay đây
là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Tây Virginia. Hầm
trú ẩn vẫn được bảo trì thường xuyên và duy trì trong vòng 30 năm trước
khi ngừng hoạt động vào đầu những năm 90.
Các tour du lịch hàng ngày sẽ đưa du khách khám phá bí ẩn của cánh cửa
chống bom nặng 25 tấn, một vài phòng ở, một bệnh viện và các phòng khử
nhiễm.
11. Moose Jaw, Saskatchewan, Canada
Các đường hầm được xây dựng bên dưới thành phố Moose Jaw vào đầu những
năm 1990 với mục đích bảo vệ những công nhân đường sắt Trung Quốc trong
cuộc khủng bố mang tên "Họa da vàng", cuộc khủng bố phân biệt chủng tộc
chống lại hàng nghìn người nhập cư châu Á tới đây để kiếm việc.
Đường hầm được cho là sử dụng để buôn lậu. Ảnh: CNN.com
|
Tất cả gia đình nhập cư sống trong những đường hầm và làm việc trên mặt
đất nhưng trong một số giai đoạn đường hầm này còn được sử dụng để buôn
lậu.
12. Thành phố hang động, Nottingham, Vương quốc Anh
Lối vào hệ thống hang động ở Nottingham nằm trong khu mua sắm
Broadmarsh, tuy nhiên con đường này mới được xây dựng gần đây. Những
hang động này được sử dụng làm nhà ở từ thế kỷ 11 cho đến năm 1845, một
đạo luật được ban hành đã cấm cho thuê hầm và hang động để làm nhà cho
người nghèo.
Cửa vào của thành phố hang động lại nằm trong một trung tâm mua sắm (Ảnh: CNN.com)
|
Tại đây, du khách tham quan có thể trực tiếp quan sát một số giếng và
kênh đời từ thời trung cổ. Hiện nay, các nhà khảo cổ học vẫn đang nghiên
cứu xem những hang động này có thể mở rộng đến đâu.
Như Bình
(vnexpress.net)
Nhận xét
Đăng nhận xét