CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ 27

 (ĐC sưu tầm trên NET)

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường  
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:  
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân!
                                                                                                    Lê Anh Xuân



50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển
Chân dung Chính trị viên của Đoàn tàu không số  
QĐND - Thứ Sáu, 23/09/2011, 12:52 (GMT+7)
Kỳ 1: Anh hùng Bông Văn Dĩa - cá kình Biển Đông
QĐND - Nói đến Đoàn tàu không số huyền thoại, bên cạnh những thuyền trưởng anh hùng, không thể không nhắc đến đội ngũ chính trị viên, những đại biểu của Đảng trên những chuyến tàu "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Báo Quân đội nhân dân trân trọng gửi đến bạn đọc chân dung một số chính trị viên tiêu biểu qua những hồ sơ, tư liệu, ghi chép mà chúng tôi vừa có được.
Người “anh cả” của các thủy thủ
Đến nay, đã 50 năm trôi qua kể từ ngày chuyến tàu đầu tiên của Đoàn tàu không số khởi hành, nhưng sự kính trọng của các thủy thủ dành cho ông – Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa, vẫn vẹn nguyên. Ai cũng xem ông là người “anh cả” của Đoàn tàu không số. Ông Trần Văn Hữu, Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển nói rằng: Trong lịch sử của Đoàn tàu không số, nhiều con tàu được tôn vinh là “cá kình Biển Đông” thì Bông Văn Dĩa chính là “anh cả” của những con cá kình, người trực tiếp khai mở ra con đường huyền thoại.
Đồng chí Bông Văn Dĩa (người ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội. Ảnh tư liệu.
Đó không chỉ là sự tôn vinh của đồng đội, lịch sử Lữ đoàn 125 đã dành cho ông những trang viết trân trọng nhất: “Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, sau khi rút kinh nghiệm các chuyến vận chuyển đường biển từ Bắc vào Nam chưa thành công, Đoàn 759 quyết định để thuyền “Bạc Liêu” đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam. Thuyền gồm 6 người do đồng chí Bông Văn Dĩa là Bí thư chi bộ phụ trách. Đêm 10-4-1962, thuyền rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam. Ngày 14-4-1962, khi thuyền đến vùng biển Nha Trang thì gặp tàu Mỹ, chúng nghi ngờ và cho tàu chạy vòng quanh, quần đảo từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều; anh em trên thuyền phải bỏ hết hải đồ, la bàn xuống biển, đóng vai dân chài ra khơi đánh cá bị gió đẩy xa bờ, địch bị ta nghi binh không đeo bám nữa; thuyền tiếp tục hành trình về hướng Nam. Ngày 18-4-1962, thuyền tới cửa Bồ Đề (thuộc Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau); thuyền đi vào cửa Rạch Ráng, 10 giờ đêm hôm đó cập vào Vàm Lũng; sau thời gian nghiên cứu, khảo sát bến, thuyền "Bạc Liêu" tiếp tục quay trở ra miền Bắc. Chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam đã thành công. Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới”.
Bà Bông Thị Ưa, con gái Anh hùng LLVT nhân dân Bông Văn Dĩa cho chúng tôi xem những trang nhật ký, hồi ký của ông, với tư cách Chính trị viên của tàu gỗ Phương Đông 1, cùng Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy, chở 35 tấn vũ khí từ miền Bắc vượt biển vào rạch Chùm Gộng an toàn, đánh dấu Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông. Ông viết: “Đêm 12-10-1962, chúng tôi chở hàng và võ khí xuống tàu tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng). Đêm 13 lại xuống tiếp, cộng chung là 35 tấn. 8 giờ đêm (20 giờ) ngày 14-10-1962, chúng tôi rời bến Đồ Sơn đi theo đường kẻ (đường vạch sẵn trên bản đồ). Đến đảo Hải Nam thì gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh nên phải đi theo đường kẻ số hai. Đến Cù Lao Thu thì máy trục trặc, chúng tôi phải thả trôi một đêm để sửa máy nhưng vẫn không thể chạy mau được như cũ. 6 giờ sáng ngày 20-10-1962, tàu chúng tôi vào Cửa Lũng, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân gặp đoàn xuồng của đồng chí Nguyễn Văn Phan (Tư Đức) trong vàm Cửa. Gặp nhau rất mừng rỡ. Khi tàu lọt vô tới Cửa Lũng thì tôi lập tức báo tin vui cho Đoàn 125 và Trung ương biết là chúng tôi đã tới nơi an toàn. Đưa tàu vô tới nơi quy định là rạch Chùm Gộng. Đậu xong lập tức cho các ghe xuồng bốc sang hàng…”.
Thầm lặng làm cách mạng
Năm 1967, với những chiến công xuất sắc lập được cùng Đoàn tàu không số, tên tuổi của Bông Văn Dĩa trở nên nổi tiếng khắp hai miền Nam - Bắc nhưng ít người biết, ông đã có một cuộc đời hoạt động cách mạng rất sôi nổi trên “mặt trận thầm lặng” từ năm 1934, khi mới 19 tuổi. Với bí danh Hai Địa, chàng trai quê ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau sinh ra trong gia đình dân nghèo vùng biển. Được thầy giáo là nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển giúp đỡ, ông sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1940. Từ khi vào Đảng, ông hoạt động rất tích cực ở vùng Rạch Gốc. Ngày 12-12-1940, từ xã Tân Dân, ông được cấp trên giao nhiệm vụ đến Hòn Khoai trao Nghị quyết khởi nghĩa của Tỉnh ủy Cà Mau cho đồng chí Phan Ngọc Hiển và cùng tham gia tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai. Cuộc khởi nghĩa bị khủng bố, ông bị thực dân Pháp kết án khổ sai đày đi Côn Đảo. Suốt những năm lưu đày chịu nhiều cực hình tra tấn, ông vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, cùng với chi bộ nhà tù đấu tranh và tổ chức nhiều cuộc vượt ngục đưa các chiến sĩ của ta về đất liền hoạt động. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông cùng các chiến sĩ tù Côn Đảo trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Sinh thời, ông Hai Địa là người lầm lì, ít nói. Vốn là một ngư dân, rất rành về biển, Hai Địa có thể đi biển mà không cần sơ đồ, la bàn, chỉ cần nhắm hướng hay nhìn sao trời… mà đi. Vì thế, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hai Địa được Xứ ủy phân công xuyên biển sang Thái Lan mua vũ khí và đưa bộ đội hải ngoại về nước. Chuyến đi đầu, với sự trợ giúp của vợ là bà Nguyễn Thị Hoài, nên công việc của ông được cải trang bí mật. Đến Thái Lan, mặc dù bị nhà cầm quyền bắt giam 4 tháng nhưng khi vừa ra tù ông chở ngay chuyến vũ khí từ Thái Lan về Năm Căn. Lần thứ hai, do vận chuyển bằng đường biển khó khăn nên cấp trên quyết định tổ chức bằng đường bộ từ Thái Lan qua Cam-pu-chia về Việt Nam. Trên đường vận chuyển, ông cùng đơn vị chiến đấu 10 trận để bảo toàn vũ khí. Sau đó, ông được điều động tham gia nhiều trận đánh Pháp.
Chính những ngày tháng làm công tác mua sắm, vận chuyển vũ khí từ Thái Lan về Nam Bộ đã đưa Bông Văn Dĩa đến một sự gặp gỡ kỳ ngộ với Thuyền trưởng Lê Văn Một sau này. Trong đường dây chuyển vũ khí từ Thái Lan về, khi Lê Văn Một phụ trách trạm bên đất Thái Lan thì trạm thứ hai trên đất Cam-pu-chia do Bông Văn Dĩa làm trạm trưởng. Sau đó, hai người lại cùng cộng tác vận tải vũ khí từ Thái Lan về Nam Bộ qua đường biển. Năm 1948, chính Bông Văn Dĩa đã tổ chức kết nạp Lê Văn Một vào Đảng. Và 15 năm sau, khi Lê Văn Một tập kết ra Bắc đang làm Cảng trưởng ở Cẩm Phả, được Trung ương chọn làm thuyền trưởng tàu không số đầu tiên chở vũ khí vào Nam thì ông lại cùng thuyền với Bí thư chi bộ, Chính trị viên Bông Văn Dĩa.
“Điểm tựa” của mọi người
Các thủy thủ tàu không số dành cho Bông Văn Dĩa những lời đánh giá cao cả về tài năng và đức độ. Tuy nhiên, tính cách nổi trội nhất trong ông là bản lĩnh vững vàng trước mọi phong ba, bão táp như “pho đồng, tượng đá”. Năm 1961, Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ trên giao là tổ chức thăm dò tuyến đường biển từ Cà Mau ra miền Bắc để chở vũ khí vào miền Nam. Trong chuyến đầu tiên, nhiều tỉnh phía Nam cùng gửi tàu ra Bắc nhưng tàu thì bị giặc chặn bắt, tàu bị giông bão làm trôi dạt. Riêng thuyền của Bông Văn Dĩa là đến được bờ biển Quảng Bình nhưng ngay lập tức, ông bị dân quân bắt vì tưởng đó là biệt kích ngụy.
Ông bị giam. Mọi cuộc hỏi cung của ta đối với “tên biệt kích” này đều không thu được kết quả. Hai Địa nhất định không tiết lộ nhiệm vụ, chỉ một mực yêu cầu giải về Trung ương, hoặc cho gặp Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Ông còn “dọa”: “Các đồng chí không đưa tôi đi gặp đồng chí Lê Duẩn ngay, sau này lỡ việc lớn, phải chịu trách nhiệm”. Vừa may, lúc đó đồng chí Lê Duẩn đến Quảng Bình công tác. Nghe báo cáo: “Có người trong Nam, tự xưng tên là Hai Địa, đòi gặp trực tiếp đồng chí, không chịu khai báo gì nữa”. Nghe tên ông, đồng chí Lê Duẩn lập tức đến gặp. Vậy là hai người bạn tù Côn Đảo mấy mươi năm trước gặp mặt, họ ôm chầm lấy nhau...
Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đơn vị vận tải trên biển mang tên Đoàn 759. Đoàn 759 tin tưởng giao Bông Văn Dĩa chỉ huy thuyền Bạc Liêu, đi chuyến trinh sát mở đường. Ông đã cùng đồng đội trở về báo cáo cấp trên tình hình thăm dò và xây dựng bến bãi tiếp nhận vũ khí với Trung ương và Bác Hồ. Đoàn thủy thủ của ông được lệnh ở Đồ Sơn để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Tại bến Đồ Sơn, đầu tháng 10-1962, chiếc tàu gỗ gắn máy mang tên Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, lên đường vào Nam. Trước khi xuất phát, đích thân các đồng chí: Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đến động viên cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Đây là chuyến đi đánh dấu “đường mòn trên Biển Đông” chính thức ra đời.
Bông Văn Dĩa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành người chiến sĩ tiên phong mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đó trở đi, vũ khí liên tiếp được đưa từ miền Bắc vào cập bến khu vực mũi Cà Mau. Với những thành tích và công lao cống hiến đặc biệt, năm 1967, ông được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đại tá Bông Văn Dĩa là tấm gương trong sáng, cả cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng, luôn thể hiện đức tính cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì đồng chí, đồng đội. Chuyện kể rằng, sau khi Mỹ-ngụy phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, địch đánh phá ác liệt, cả vùng U Minh hầu như không còn chỗ an toàn. Các cán bộ bảo vệ đang băn khoăn chưa biết rút về đâu thì đồng chí Lê Duẩn nói: “Còn một chỗ. Còn một người có thể tin cậy: Anh Hai Địa ở Rạch Gốc. Rạch Gốc là đất có thể nương náu. Hai Địa là cơ sở của đồng chí Phan Ngọc Hiển, từng bị tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo, mỗi lần chúng tôi bị địch đánh thì Hai Địa xông ra chịu đòn thay. Phải đi tìm Hai Địa. Đó là con người có thể tin cậy trong lúc khó khăn cùng cực của cách mạng”.
Hồng Hải – Trịnh Dũng 

50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển
QĐND - Thứ Sáu, 23/09/2011, 14:31 (GMT+7)
Kỳ 2: Bản lĩnh Anh hùng Đặng Văn Thanh
QĐND - Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, 8 tuổi đã làm nghề lặn biển, bắt cá ở vùng Cà Ná (Ninh Thuận), Đặng Văn Thanh tham gia cách mạng rồi trở thành chính trị viên của Đoàn tàu không số như một lẽ tự nhiên. Ông là một trong hai người đầu tiên của Đoàn tàu không số được phong danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân. Ông còn để lại cho đời sau những câu chuyện huyền thoại về một tấm gương mưu lược, quả cảm trong chiến đấu mà cũng rất bình dị, chân thành  lúc đời thường.
Địch vây bốn bề… không ngại!
Anh hùng Đặng Văn Thanh. Ảnh tư liệu.
Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm truyền thống Đoàn tàu không số, chúng tôi gặp lại các cựu chiến binh đang sinh hoạt tại Ban liên lạc của nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Yên... Ở đâu, đồng đội cũng kể rằng, được công tác, chiến đấu cùng Chính trị viên Đặng Văn Thanh là một niềm tự hào. Cuộc đời ông có nhiều sự kiện hoàn toàn sự thật mà nghe như huyền thoại. Và sự kiện được kể nhiều nhất, cũng là “nguồn cơn” trong việc ông trở thành Anh hùng LLVT nhân dân đầu tiên của Đoàn 759 (sau này là Lữ đoàn 125) chính là lần ông cùng tàu gỗ 41 mở đường mới vào Bà Rịa, chi viện vũ khí cho đồng bào miền Nam.
Đầu tháng 9-1963, sau những chuyến tàu thành công đi vào Khu 8, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Khu 7 mở bến đón tàu vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào thẳng chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đoàn 759 được lệnh chuẩn bị một tàu chở vũ khí đột phá mở đường mới vào bến Bà Rịa. Đêm 26-9-1963, chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 do Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, Đặng Văn Thanh làm Chính trị viên cùng 11 thủy thủ, chở 18 tấn vũ khí xuất phát tại cảng Bính Động (Hải Phòng). Để giữ bí mật, tàu phải đi trong mưa bão để tránh tàu tuần tra của địch. Khi tới khu vực đảo Phú Quý thì tàu mới bất ngờ chuyển hướng vào bến. Khó khăn lúc này là tàu chưa bắt được liên lạc với ban phụ trách bến theo kế hoạch. Trời sắp sáng, thủy triều bắt đầu xuống, trên đường vào bến, tàu lại bị mắc cạn gần Đồn Biên phòng Phước Hải của ngụy và đúng lúc chúng đang càn quét ở vùng này. Để giữ bí mật lâu dài, chỉ huy bến nhận hàng lúc bấy giờ là ông Ba Nam đề xuất cho đánh bộc phá hủy tàu càng sớm càng tốt.
Bí mật cho bến và tàu là nguyên tắc cao nhất, nhưng công sức của cả tàu cộng với biết bao tình cảm, ý chí của hậu phương lớn miền Bắc gửi vào tiền tuyến lớn miền Nam lẽ nào phút chốc trở thành tiếng nổ. Chính trị viên Thanh hội ý nhanh với Thuyền trưởng Một: "Mặc dù bị mắc cạn trước mũi địch nhưng tàu chưa lộ. Hơn nữa, tàu 41 lại cùng hình dáng với tàu đánh cá địa phương. Nếu huỷ tàu lúc này nghĩa là đánh động cho địch biết và chắc chắn rằng con đường vào bến mới Bà Rịa sẽ khó có thời cơ thực hiện". Lời đề nghị lực lượng ở bến cùng với cán bộ, chiến sĩ trên tàu nhanh chóng bốc dỡ vũ khí đưa vào bờ được thực hiện. Nhưng vũ khí chưa lấy hết thì trời đã sáng nên đành dừng lại. Thuyền trưởng Lê Văn Một dẫn thủy thủ lên bờ phòng trường hợp xấu cùng với địa phương chiến đấu bảo vệ vũ khí. Còn Chính trị viên Đặng Văn Thanh cùng với thợ máy Huỳnh Văn Sao tình nguyện ở lại, sẵn sàng phá hủy tàu khi cần thiết. Đến 11 giờ trưa, có tiếng động cơ máy bay. Hai người ngẩng lên thấy máy bay trinh sát từ phía bờ bay ra. Đến chỗ con tàu mắc cạn, nó chao lượn một vòng thăm dò. Trong bờ, tín hiệu khẩn cầu hai người hủy tàu lại xuất hiện, nhưng Đặng Văn Thanh lờ đi. Bằng cảm nhận của mình, anh cho rằng địch còn ngó nghiêng nghĩa là chúng chỉ mới nghi ngờ nên vẫn nghi binh bằng cách ra hiệu cho Huỳnh Văn Sao lấy lưới ra vá. Ở bên cạnh người chính trị viên đầy bản lĩnh như vậy, Huỳnh Văn Sao cũng trở nên mạnh dạn. Anh rót chén rượu, đưa cho Chính trị viên Thanh và nói: "Ta thi gan với chúng nghe!". Đến 14 giờ cùng ngày, con tàu nổi dần. Hai người cho nổ máy rời khỏi bãi cạn. Đến 17 giờ, Tàu 41 lẫn vào tàu đánh cá của ngư dân vào bến. Số hàng còn lại đã được bốc hết lên bờ. Đêm đó, Tàu 41 ra khơi trở lại miền Bắc... Với lòng dũng cảm, trí thông minh, Chính trị viên Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao đã nêu tấm gương ngời sáng về sự bình tĩnh, mưu trí, gan dạ và linh hoạt trong xử lý tình huống trước kẻ thù. Với sự mưu trí đó, Đặng Văn Thanh và Huỳnh Văn Sao đã giữ được bí mật tuyệt đối của chuyến đi quan trọng này và chuyến đi mở đường, mở bến chi viện vũ khí cho Khu 7 vào Bà Rịa thành công tốt đẹp.
Người anh hùng bắt đầu từ… không biết chữ
Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Văn Thanh nay đã trở thành người thiên cổ, nhưng chúng tôi vẫn tìm về Quán Toan (Hải Phòng) để gặp vợ con ông. Câu chuyện đời của người anh hùng qua  lời những người thân yêu nhất của ông dù rất ngắn gọn nhưng càng khiến chúng tôi xúc động.
Cậu bé Đặng Văn Thanh sinh ra ở vùng biển Cà Ná (Ninh Thuận) sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cách mạng Tháng Tám thành công đã thay đổi cuộc đời ông, đưa ông trở thành người chiến sĩ cách mạng, tích cực và đầy hăng say trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở vùng Nam Trung Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông không đi tập kết mà được lệnh ở lại nằm vùng hoạt động. Rồi ông được giao nhiệm vụ giả đi đánh cá, điều tra kỹ vùng Mũi Đèn. Điều tra xong, về cứ báo cáo, cấp trên giao cho ông nhiệm vụ ngắn gọn: “Mấy năm nay đồng chí vất vả, sức yếu lắm rồi, mắt mờ, tóc rụng hết. Nay Khu ủy quyết định đồng chí phải ra Bắc nghỉ một thời gian, chữa bệnh, học hành, rồi sẽ trở về phục vụ. Đồng chí cứ đi, cách mạng miền Nam còn dài. Cứ đi, rồi sẽ trở về... Khu ủy giao cho đồng chí cái phong bì này, phải giữ thật kỹ, trường hợp bất trắc nhất thiết không để rơi vào tay giặc, dù hy sinh cũng phải bảo đảm thủ tiêu trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội chỉ được giao tận tay một người là đồng chí Võ Nguyên Giáp”.
Vậy là ông đi theo đường Trường Sơn gần 8 tháng mới ra tới miền Bắc, tới Quảng Bình thì có xe con đón thẳng về Hà Nội. Đó là khoảng cuối năm 1961... Thời gian sau, ông được tổ chức cho gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tại đó, câu chuyện ông kể đến nay, đã hàng chục năm qua đi, người con trai của ông vẫn không thể nào quên được. Sau khi gửi Đại tướng lá thư mà cấp trên đã giao, ông được Đại tướng đưa cho cây bút, tấm bản đồ và yêu cầu: “Bây giờ đồng chí kể chuyện cho chúng tôi nghe tình hình trong ấy thế nào? Bà con ta sống thế nào? Địch hoạt động thế nào? Nhất là nói kỹ tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào tới Mũi Đèn. Nói thật cụ thể nhé”.
Thanh cầm cây bút, đứng bỡ ngỡ trước tấm bản đồ rất lâu. Ông không dám nhìn Đại tướng, mắt quay đi nhìn chỗ khác… Mãi về sau, ông mới thú thật: “Báo cáo Đại tướng... Tôi không biết chữ”.
Đại tướng lặng đi hồi lâu. Rồi ông cầm lấy cây bút chì, kéo Thanh lại gần và nói: “Bây giờ, tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ và đồng chí sẽ kể cho tôi biết rõ tình hình từng nơi. Đây là đường số 1. Đây là Phan Rang. Đây là Phan Thiết. Còn cái mũi nhọn này là Mũi Đèn. Còn đây là Vũng Găng. Đây là Cà Ná...”.
Đêm ấy, Đặng Văn Thanh được trò chuyện cùng Đại tướng đến khuya. Thanh đã kể với Đại tướng tình hình các vùng mình biết, từng sống, từng hoạt động. Anh còn kể với Đại tướng ký ức tuổi thơ. Từ ngày còn là chú bé mồ côi cha mẹ, làm nghề lặn biển Cà Ná... Đại tướng ngồi nghe, cuối buổi, ông ôm Thanh rất chặt và giao cho hai nhiệm vụ: Một là chữa bệnh, bồi dưỡng cho thật khỏe. Hai là phải đi học.
Vậy là Đặng Văn Thanh đi học. Sau ba tháng, ông biết đọc, biết viết thì được chuyển sang học hàng hải. Cuộc đời làm Chính trị viên Tàu không số của ông bắt đầu từ đó. Sau bao năm ngang dọc Biển Đông, lập nên nhiều thành tích cùng Đoàn tàu không số huyền thoại, khi nước nhà thống nhất, Đặng Văn Thanh không trở về vùng quê Cà Ná mà quyết định ở lại Hải Phòng. Ông kết duyên với một phụ nữ địa phương, cùng nhau vun đắp hạnh phúc nhỏ nhoi với niềm vui ruộng đồng của một “lão nông tri điền” thực thụ. Hàng xóm dường như không nhiều người biết ông là người anh hùng huyền thoại. Trong câu chuyện kể về ông, họ chỉ nhắc đến ông già Thanh quê ở miền trong, đi bộ đội rồi về đây dừng chân lập nghiệp. Ông hiền lành, bình thản hưởng cuộc sống vừa đủ và coi đó như một niềm hạnh phúc bất tận của người lính trở về sau chiến tranh, an nhiên và tự tại.
-----------------
Chuyện người trong cuộc
QĐND - Thứ Sáu, 23/09/2011, 19:38 (GMT+7)
Kỳ 3: Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu - sự “trở về” kỳ diệu
QĐND - Ông đã trở về với quê hương, đồng đội sau gần 40 năm diễn ra trận đánh bi tráng, quyết tử của Tàu 645 trên vùng biển Phú Quốc ngày 24-4-1972. Hôm đó, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã giành sự hy sinh về mình để bảo vệ đồng đội trước vòng vây siết chặt của quân thù giữa Biển Đông dậy sóng. Ai cũng nghĩ thân thể ông đã tan hòa vào đại dương mênh mông. Nhưng ông đã trở về bằng “con đường huyền thoại” như lúc ra đi.
13 chuyến xuất quân thắng lợi
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ số 9/299, phố Ngô Gia Tự (Hải An, Hải Phòng) tấp nập khách ra vào; mà hầu hết đều là phóng viên các cơ quan báo chí. Hết báo nọ đến báo kia, truyền hình phỏng vấn rồi phát thanh thu âm… nhưng người chủ của ngôi nhà, cựu chiến binh Thẩm Hồng Lăng vẫn nở nụ cười, tay đưa lên gạt những giọt nước mắt xúc động. Suốt 40 năm qua, ký ức về trận đánh quyết tử và những hình ảnh cuối cùng của Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu luôn sống cùng ông. Nhiều đêm, ông mơ gặp lại chính trị viên, được chính trị viên nhắc nhở nhiều điều để giữ gìn phẩm chất của người đảng viên cộng sản. Để rồi khi thức giấc, cả một miền kỷ niệm về Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu lại bừng thức trong ông.
Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh tư liệu.
“... Đó là chuyến đi thứ 14 của Tàu 645 chúng tôi” - ông Thẩm Hồng Lăng kể. “13 chuyến đi trước đó, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách; nào địch tuần tra, tuần tiễu gắt gao; nào máy bay, hạm đội của Mỹ bám riết, rình rập; rồi bão tố, phong ba của biển cả… nhưng tàu chúng tôi đều hoàn thành nhiệm vụ trở về”.
Tàu 645 là niềm tự hào của cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số. Nếu như toàn Lữ đoàn tự hào về Tàu 645 thì toàn tàu lại tự hào về cặp thuyền trưởng - chính trị viên dày dạn kinh nghiệm biển cả và trận mạc của mình. Đặc biệt, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu lúc ấy 40 tuổi, người con của quê hương giàu truyền thống cách mạng Thăng Bình (Quảng Nam) là anh cả của tàu. Anh dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn, tính tình hòa đồng, được mọi người rất quý mến. Các thủy thủ trên tàu phần đông đều mới ngoài đôi mươi. Vì vậy, không ít lần, chiến sĩ trẻ Thẩm Hồng Lăng lại thấy Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu giấu đi nỗi thương thầm những đứa em trai trẻ, vô tư của mình sau mỗi lần anh nói chuyện về tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
“Về báo cáo với Đoàn, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”
Chuyến xuất quân lần thứ 14 chở hơn 70 tấn vũ khí vào chi viện cho Khu 9 ấy gặp trục trặc ngay từ đầu. Hai lần xuất bến, tàu đều bị địch bám riết, theo dõi, đành phải quay lại. Lần thứ ba, xuất hành ngày 12-4-1972 lúc đầu trót lọt, tàu đã vờ vòng lên đảo Hải Nam (Trung Quốc), đi trên các vùng biển quốc tế, xuôi xuống phía biển Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a. Ngày 23-4-1972, tàu tới vùng biển Phú Quốc, sau đó lại chuyển hướng về phía đảo Cô Công (Cam-pu-chia), cách Phú Quốc chừng 60 hải lý với ý định chờ tối sẽ vào. Đầu giờ chiều, tàu nhận được điện của Sở chỉ huy báo cho biết: Đêm nay sẽ có thuyền đón ở mũi Cà Mau. Nhưng sẩm tối lại có điện khẩn: "Bến động". Thế là thuyền trưởng lại lệnh quay ra hải phận quốc tế. Đêm 23-4, một chiếc tàu lớn của địch đi tuần từ hướng Vịnh Thái Lan phát hiện ra Tàu 645. Chúng đánh tín hiệu hỏi tàu từ đâu đến và đi đâu. Tàu 645 bình tĩnh trả lời: "Từ Trung Quốc xuống, bị lạc". Địch phát tín hiệu dừng tàu. Tàu 645 lập tức tăng tốc nhằm chạy thoát khỏi tầm truy đuổi của địch. Lập tức địch gọi máy bay bắn pháo sáng. Trong ánh pháo sáng chói lòa, Tàu 645 đã nhìn rõ phía trước còn có 3 tàu địch. Như vậy, tàu đã bị vây kín tứ phía.
Cuộc lẩn tránh của Tàu 645 kéo dài trong đêm cho đến sáng 24-4. Khi trời sáng rõ, địch xác định đây là tàu "Cộng sản Bắc Việt", chúng lập tức dùng loa dụ hàng và nổ súng uy hiếp. Một số thủy thủ hy sinh, tàu bị trúng đạn, sàn thủng lỗ chỗ. Đến gần trưa, địch bắn một quả đạn lớn trúng vào xích lái khiến Tàu 645 quay tròn, không điều khiển được nữa. Trước tình thế khẩn cấp, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu hội ý và thống nhất để Thuyền trưởng Lê Hà chỉ huy các thủy thủ còn sống nhảy xuống biển bơi vào bờ nhằm bảo toàn lực lượng, còn anh ở lại chiến đấu cầm chân và phân tán sự chú ý của địch, sau đó sẽ điểm hỏa bộc phá hủy tàu, phi tang vũ khí, hàng hóa. Thủy thủ Thẩm Hồng Lăng có ý muốn nán lại cùng Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu rời tàu cuối cùng. Anh giúp chính trị viên thu thập tài liệu để hủy. Hiểu ý Lăng, anh Hiệu nói như ra lệnh nhưng ánh mắt anh nhìn Lăng trìu mến, thiết tha: “Lăng, nhảy xuống biển bơi cùng anh em đi. Em còn trẻ, còn cống hiến cho cách mạng nhiều hơn. Đi đi, anh cũng sẽ an toàn".
Thời gian không cho phép chậm trễ, Lăng đành nghe lời chính trị viên, mặc áo phao nhảy xuống biển. Anh bơi ra thì gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, phần lớn anh em bị thương nên phải cụm nhau lại thành một khối, vừa bơi vừa dìu nhau. Anh Hiệu cũng nhìn thấy cảnh đó nên đã cố lùi thời gian điểm hỏa. Nhìn về phía con tàu, Lăng hiểu: Chậm điểm hỏa thêm phút nào thì tính mạng của chính trị viên bị đe dọa thêm phút ấy. Anh em dưới biển thì cũng cố nán lại đợi chính trị viên. Trước tình thế lừng chừng đó, anh Hiệu quát to: "Các đồng chí khẩn trương rời xa tàu. Về báo cáo với Đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Xin gửi tới anh em lời chào chiến thắng". Khi Lăng đã nhập được vào tốp anh em bơi trên biển và ở một khoảng cách đáng kể, Nguyễn Văn Hiệu mới bình tĩnh nổ tàu.
Một ánh chớp lóe lên, kế đó là tiếng nổ cực mạnh, cột lửa đỏ bùng lên cùng với cột sóng cao hàng chục mét gầm lên giữa biển xanh. Tàu 645 chìm dần và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã ra đi như thế.
Lúc đó là trưa 24-4-1972. Thuyền trưởng Lê Hà cùng 15 thủy thủ còn lại của Tàu 645 sau đó đều bị địch dùng trực thăng và tàu quây bắt trên biển, rồi đưa vào giam ngay tại nhà tù Phú Quốc. Tháng 3-1973, sau Hiệp định Pa-ri, các anh được địch trao trả, trở về với đồng đội.
Sự trở về kỳ diệu
Sau ngày 30-4-1975, đất nước thống nhất, Thuyền trưởng Lê Hà trở về quê hương Bà Rịa-Vũng Tàu lập nghiệp. Thủy thủ Thẩm Hồng Lăng không về quê mà ở lại Hải Phòng xây dựng gia đình. Nhà anh ở khá gần với nhà Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu. Nơi anh có thể thi thoảng ghé sang kể cho 4 đứa con nhỏ của Chính trị viên về hành động anh hùng của người cha. Năm 1978, Nhà nước truy tặng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Gia đình Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu năm 1971. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Hằng năm đến ngày 24-4, ngày Tàu 645 chìm, cũng là ngày giỗ của ông, đông đảo đồng đội của Đoàn tàu không số đều hẹn đến nhà Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu để thắp nén hương tưởng nhớ ông. Một điều may mắn, hạnh phúc là cả 4 người con của người chính trị viên anh hùng ấy đều học hành tiến bộ, trưởng thành. Trong thâm tâm, mọi người đều nghĩ, cũng như 96 liệt sĩ khác của Đoàn tàu không số, thân thể liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu có lẽ đã hòa tan trong lòng đại dương mênh mông. Chỉ có con cháu ông, đặc biệt là người con trưởng Nguyễn Đình Phương mong mỏi vào điều kỳ diệu là biết đâu thân thể của cha mình dạt vào đâu đó trong mênh mông đất trời Tổ quốc và sẽ có ngày ông hiển linh báo cho con cháu biết đến tìm.
Không ngờ, điều mong ước tưởng như viển vông đó của con cháu Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu lại trở thành hiện thực. 37 năm sau ngày ông mất, một người cháu ngoại của ông đã nhờ các nhà ngoại cảm thuộc Liên hiệp Khoa học-Công nghệ tin học ứng dụng (UIA) giúp đỡ. Theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, con cháu ông và cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân đã tìm kiếm suốt một tuần trên bãi cát ven đảo Phú Quốc. Họ đã tìm thấy phần hài cốt còn lại của ông, theo gió mùa Tây Nam năm ấy trôi dạt vào bờ đảo Phú Quốc, tấp vào một gốc cây dương, vùi sâu trong lớp cát vàng gần 6m ven bờ biển. Dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng một phần hài cốt sau đó được Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) giám định, khẳng định chính xác đó là hài cốt người Anh hùng Nguyễn Văn Hiệu đã làm con cháu ông và biết bao đồng đội được an ủi phần nào. Ông đã được con cháu và đơn vị "đưa về" thăm quê hương Thăng Bình (Quảng Nam); và cũng theo hành trình con đường tham gia hoạt động cách mạng, từ Thăng Bình trở ra yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hải Phòng. Ông đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp, hy sinh như một huyền thoại và “trở về” cũng như một huyền thoại.
                                     

 BÌNH DỊ - BẤT KHUẤT - XẢ THÂN - VÔ CẦU
+ Cha anh chúng ta (không gồm lũ già suy đồi, mất gốc đang ở thượng lẫn hạ hôm nay) là thế đó!
+ Còn chúng ta (không gồm đám vong thân phản quốc, vô ơn bội nghĩa), phải chăng là đang DỊ - KHUẤT -THÂN- CẦU hơi bị nhiều?

+Người nào cũng hiểu và thuộc vanh vách thuật ngữ "ôn cố tri tân" nhưng rất ít người hiểu rằng tri thức của bất kỳ ai cũng đều phải nhờ sự dạy dỗ của quá khứ và chỉ từ quá khứ mới có được!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH