VÌ SAO?


Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 96 CÁCH MẠNG THÁNG 10 NGA!
 
                           

 Không có cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga và sự hiện diện của Liên Xô trong thế kỷ XX thì có lẽ đến ngày hôm nay, nhân loại cần lao vẫn đang rên xiết dưới sự dày xéo của thực dân - đế quốc!

1- Trích từ N-L 3/b:
-Như đã nói, triết học duy tâm khách quan của Hêghen đã là một bước dài đưa loài người đến gần hơn trong việc nhận chân thực tại khách quan. Trên cơ sở kế thừa có phê phán và sáng tạo triết học cổ điển Đức mà nòng cốt là triết học Hêghen, Mác đã xây dựng nên triết học duy vật biện chứng và qua đó lại giúp loài người nhận thức xác đáng hơn nữa về tự nhiên (tuy vậy, theo tôi, tương tự như cơ học Niutơn trong vật lý học, triết học Mác phải cần đến một bước tiến có tính đột phá, cải cách triệt để mới đến được với chân dung đích thực của thực tại khách quan!). Trên cơ sở triết thuyết về tự nhiên của mình cũng như kế thừa được tinh hoa của các học thuyết xã hội trước đó và đương thời, cùng với khả năng quan sát, phân tích xuất sắc, Mác đã chỉ ra tương đối chính xác bản chất của hiện thực thời đại mình và trong bối cảnh đó, đề xướng ra học thuyết xã hội mang tên "chủ nghĩa cộng sản". Dù ngày nay thời thế đã đổi thay, có thể phải xem xét và nhận thức lại không ít luận điểm của chủ nghĩa cộng sản, thì cũng không thể nói khác được rằng, học thuyết này đã hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh ra đời của nó, không những đã phản ánh đúng cái hiện thực bi thương của "những người khốn khổ" có nguyên nhân từ sự thống trị vô lương tâm của nhà nước tư sản đã bị thao túng bởi thế lực đồng tiền, mà còn chỉ ra con đường duy nhất đúng cho quần chúng cần lao đi đòi lại quyền sống cơ bản và thích đáng cho mình. Hơn nữa, học thuyết ấy, về mặt lý thuyết, đã phác thảo ra một cách có lý luận hình mẫu một xã hội (gọi là xã hội "xã hội chủ nghĩa") tương phản với xã hội tư bản đầy rẫy bất công thời bấy giờ. Trong xã hội ấy, nhà nước tư sản được thay thế bằng nhà nước chuyên chính vô sản (đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), một nhà nước (được coi là) đại diện cho quyền lợi của dân chúng trong xã hội, đứng về phía nhân dân lao động nghèo khổ, chống áp bức, bóc lột, bạo quyền.
             -Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã là do, không thể nói khác được, đại chúng ở những nước đó đã không còn thiết tha với nhà nước theo thể chế cộng sản nữa. Điều đó có nghĩa nền kinh tế tập trung, bao cấp, thực hiện kế hoạch theo mệnh lệnh (bất chấp qui luật cung-cầu, qui luật cơ bản của nền kinh tế hàng hóa (tạm gọi là) phi kế hoạch) cùng với chế độ công hữu về tư liệu sản xuất của các nhà lý luận mác-xít, đã không phù hợp với đời sống thực tế xã hội đương đại. Như thế, tất nhiên phải dẫn đến nghi vấn rằng nhiều khả năng học thuyết Mác-Lê (gồm triết học Mác và những phát triển làm sâu rộng thêm của Lê-nin) có ẩn chứa "vướng mắc" trong hệ thống lý luận của nó. Có lẽ vì thế mà ngày nay học thuyết Mác-Lê đã và đang phải chịu nhiều phản biện triết học dù chưa hẳn xác đáng về mặt nhận thức nhưng cũng không hẳn là vô lý, thậm chí rất cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc, chuyên sâu. Nhưng nếu phản biện học thuyết đó một cách khích bác, phủ nhận sạch trơn tính chân lý của nó, thậm chí còn buộc tội nó chống nhân loại thì thật là đáng lên án, bởi vì như thế không những sai hoàn toàn mà còn rất bạc bẽo nữa. Không thể phủ nhận được công lao của Mác (và Ănghen) đối với nhân loại! Nhờ sự xuất hiện của triết học Mác mà phong trào đấu tranh đòi quyền sống cơ bản và thích đáng của quần chúng cần lao trở nên sâu rộng hơn, tập trung hơn, mạnh mẽ hơn trong lòng xã hội tư bản. Qua đó, làm cho xã hội tư bản phải tích cực chuyển biến nhanh hơn từ nhẫn tâm hơn, bạo ngược hơn sang "biết điều" hơn, ôn hòa hơn. Nếu không có Liên bang Xô-viết đóng vai trò tiên phong và quyết định đánh tan bè lũ phát-xít cường bạo thì không biết thế giới  có thoát khỏi vòng nô dịch của "phe Trục" không, có được chất lượng cuộc sống như ngày nay không? Nếu không có hệ thống xã hội chủ nghĩa tồn tại ngót 50 năm như một thế lực phản diện đáng gờm thì liệu xã hội tư bản có nhanh chóng chuyển biến để đạt mức độ tương đối hòa dịu như đang thấy không? Cần phải khẳng định rằng học thuyết Mác-Lê đã đóng trọn vai trò cứu cánh một thời của quần chúng cần lao và đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng cao đẹp của nó đối với nhân loại.  
             -Do bị khống chế bởi trình độ nhận thức khoa học nói chung của thời đại về tự nhiên mà dù mang danh là "biện chứng" thì triết học Mác ít nhiều vẫn còn hàm chứa tính bao biện, hình thức,siêu hình (chưa thực sự khách quan). Sinh ra và tồn tại trên nền tảng triết học đó nên tất nhiên hình mẫu xã hội và nhà nước do Mác phác thảo cũng hàm chứa không nhiều thì ít sự khiên cưỡng, chủ quan duy ý chí (dù cũng bởi hạn chế nhận thức thời đại mà rất khó phân tích để thấu tỏ được đích xác vấn đề!). Tuy nhiên, dù có thế thì về mặt lý thuyết, hình mẫu xã hội của Mác đã trưng ra một hoạt cảnh xã hội đầy nhân ái mà cũng đậm nét hiện thực nhất từ xưa đến nay. Tính nhân ái và hiện thực của hình mẫu xã hội ấy "mạnh" đến nỗi làm cho nó trong suốt một thời gian dài kể từ lúc xuất hiện, trở thành niềm khát vọng của quần chúng cần lao, đồng thời cũng là một chân lý bất di bất dịch, là mục tiêu cần phấn đấu đạt tới của phong trào cách mạng vô sản toàn thế giới.  (Tôi cho rằng dù hiện nay hình mẫu xã hội xã hội chủ nghĩa đã bộc lộ không ít khuất tất cả về mặt thực tiễn lẫn lý luận nhưng không phải là hoàn toàn phi lý. Hơn nữa những khuất tất ấy rất có thể là do những hạn chế nhận thức có tính thời đại gây ra. Đến một thời đại nào đó trong tương lai, khi trình độ nhận thức tự nhiên cũng như trình độ sản xuất xã hội của loài người đạt đến trạng thái thích hợp gọi là chín muồi, thì hình mẫu xã hội của Mác, sau khi đã được điều chỉnh, sẽ trở thành một hiện thực hiển nhiên. Trong thời đại ngày nay, dù hình thái xã hội mà Mác mơ ước chưa thực sự xuất hiện, thì do cái tinh thần thấm đẫm tình yêu thương đồng loại của nó, nó vẫn đóng vai trò là một xã hội lý tưởng tuyệt đẹp của con người. Tôi tin chắc rằng nếu các nhà chính trị, tư tưởng, kinh tế trên thế giới có lòng hướng tới lý tưởng ấy một cách sáng suốt, thành tâm và thiết thực trong hoạt động thực tiễn của mình, họ sẽ góp phần đích đáng làm giảm thiểu đến mức tối đa những bất công, những nhẫn tâm đang hàng ngày hàng giờ gây ra biết bao nhiêu khốn khổ, đau thương trong xã hội).     
             -Độc quyền lãnh đạo là một đòi hỏi hợp lý, có tính tự nhiên. Dù ý chí con người có muốn hay không muốn,tự giác hay không tự giác, dù cơ cấu nhà nước có hình thức như thế nào đi nữa thì cũng phải tuân theo nguyên tắc ấy, nếu  muốn hoạt động nhà nước không bị rối loạn và có hiệu quả. (Điều đó đã từng thể hiện rất rõ trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, xảy ra vào khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ XX: nếu không tất cả thì cũng hầu hết nguyên thủ các quốc gia tham chiến đồng thời cũng là tổng tư lệnh quân đội, có quyền uy tối hậu duy nhất). Chính cái nguyên tắc độc quyền lãnh đạo có tính tự nhiên nêu trên đã chỉ ra rằng, nhà nước nói chung mang bản chất độc tài toàn trị. Một nhà nước, dù là theo thể chế nào, trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động của nó, đều thể hiện ra cái bản chất ấy dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Có hai hình thức độc tài toàn trị là độc tài toàn trị có tính cá nhân và độc tài toàn trị có tính tập thể. Về mặt triết học, đó là hai hình thức có mối quan hệ biện chứng, có thể chuyển biến từ cái này sang cái kia và ngược lại, nghĩa là trong chúng đều hàm chứa "hình bóng" của nhau với những "mức độ đậm nhạt" khác nhau tùy thuộc vào thực trạng cụ thể xã hội và cả nhận thức chủ quan của con người. Trong thực tế hoạt động chính trị, trên phương diện lý thuyết, có thể phân biệt tương đối được hai hình thức đó theo loại hình thể chế nhà nước. Như vậy, nếu nhà nước quân chủ thống trị xã hội theo cách thức độc tài toàn trị cá nhân thì nhà nước tư sản thống trị xã hội theo cách thức độc tài toàn trị tập thể. Cái cấu trúc "tam quyền phân lập" xuất hiện là do ý chí chủ quan tạo ra với mong muốn đảm bảo cho bộ máy độc tài toàn trị tập thể hoạt động một cách "đứng đắn" nhất có thể  mà thôi chứ thực ra chả "đả động" gì tới tính thiện-ác của bộ máy ấy. Trong thực tế, cái cấu trúc ấy cũng gây ra không ít nhiêu khê!
              -Sẽ rất khiên cưỡng nếu so sánh sự xấu hơn hay tốt hơn giữa hai kiểu nhà nước ấy, vì đơn giản, sự xuất hiện hay tiêu vong của chúng là có tính tự nhiên, do đòi hỏi khách quan của tiến trình vận động xã hội và sự tồn tại của chúng chỉ phụ thuộc vào điều kiện phù hợp hay không phù hợp với trình độ hoạt động của cuộc sống xã hội mà thôi. Mặt khác, nếu xét về phương diện đạo đức, tức là về thái độ và hành động đối với quần chúng nhân dân (đối tượng thống trị của nhà nước), thì mức độ tốt-xấu hay hiền-ác của một nhà nước không phải do thiết chế của nhà nước đó qui định, thậm chí không có liên quan gì tới thiết chế nhà nước. Lịch sử vẫn còn tươi rói: nhà nước tư sản thời kỳ đầu (tạm qui ước là từ cuộc Cách mạng tư sản Anh đến cuộc Cách mạng Tháng Tám giành độc lập ở Việt Nam-đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân) và nhà nước tư sản thời kỳ sau (tính cho đến nay), xét ra là cùng một thiết chế, thế nhưng nhà nước tư sản hiện nay đã tốt và hiền hơn nhiều (dù không phải không còn xấu và ác, nhất là tính vụ lợi một cách vô cảm và hiếu chiến thì hình như giảm chưa được bao nhiêu) so với nhà nước tư sản "hồi đó". Tại sao vậy? Phải chăng sự chuyển biến đó là kết quả hợp thành từ những nguyên nhân: phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của quần chúng cần lao, cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt đến một mất một còn mà chủ nghĩa Mác đã đóng vai phản biện đầy sức thuyết phục, sự hiện diện "sừng sững" Liên bang Xô-viết (nước có thiết chế nhà nước tương phản với thiết chế của nhà nước tư sản và được đông đảo quần chúng đương thời trên thế giới ngưỡng mộ), khủng hoảng kinh tế xảy ra có tính định kỳ, trình độ sản xuất của nhân loại ngày một nâng cao, quá trình tự nhận thức lại bản thân của nhà nước tư sản...?
             -Trên thế giới hiện nay chỉ còn "lèo tèo" vài ba nước tự nhận là xã hội chủ nghĩa và vẫn duy trì thiết chế nhà nước với đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo. Nếu cho rằng hiện nay, nhà nước cộng sản tiêu biểu là nhà nước Trung Quốc và nhà nước tư sản tiêu biểu là nhà nước Mỹ thì hai nhà nước ấy giống và khác nhau ở chỗ nào? Dễ thấy rằng hai nhà nước ấy đều thuộc loại độc quyền toàn trị tập thể và nếu nhìn vào thực trạng kinh tế- xã hội của hai nước ấy thì rất khó phân biệt sự khác nhau giữa chúng, thậm chí là không thể phân biệt được. Nói cách khác, hai nhà nước ấy trong thực tế đã không còn khác nhau về bản chất mà chỉ khác nhau một cách hình thức ở khâu cơ cấu tổ chức. Cũng có thể nhận xét theo một góc độ khác. Đó là hai nhà nước cùng thuộc loại độc quyền toàn trị tập thể, đều bảo hộ quyền bình đẳng trong kinh doanh mà thực chất  vẫn là ưu tiên cho các thế lực giàu có, có tư bản mạnh. Sự khác nhau giữa hai nhà nước ấy mang  tính lịch sử, có nguyên nhân từ tình thế ra đời của chúng, đó là: nếu nhà nước Mỹ giương cao ngọn cờ tự do thì nhà nước Trung Quốc giương cao ngọn cờ dân chủ. Tuy nhiên, sự khác nhau ấy giờ đây chỉ còn là hình thức thuần túy. Sự hạn chế nhận thức có tính thời đại đã dẫn đến cách hiểu siêu hình (nên cũng chưa xác đáng) về hai khái niệm "tự do" và "dân chủ", để rồi cũng xuất hiện quan niệm: thực thi tự do trước hết và trên hết là ưu tiên đảm bảo nhân quyền (có tính cá nhân), còn thực thi dân chủ thì trước hết và trên hết là ưu tiên đảm bảo dân quyền(có tính cộng đồng xã hội). Nếu sự tàn bạo của chế độ tư bản thời kỳ đầu làm cho nó bị lên án và khơi dậy phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột của quần chúng cần lao, thì sự bảo thủ chuyên quyền, sẵn sàng đàn áp không thương tiếc bằng bạo lực của chế độ tư bản chính là nguyên nhân sâu xa đưa phong trào đấu tranh ấy hướng đến mục tiêu quyết liệt hơn: thủ tiêu nhà nước chuyên chính tư sản, thiết lập nên nhà nước chuyên chính vô sản với khẩu hiệu "vì dân". Thuở ban đầu, về mặt lý thuyết và theo quan niệm của triết học Mác-Lê, đó là hai nhà nước đối lập nhau về bản chất, đối kháng nhau về mục đích hoạt động. Ngày nay đã có đủ điều kiện để bình tâm nhìn lại và thấy rằng, thực ra hai "loại" nhà nước ấy chính là hai thể hiện mặt còn khiếm khuyết của nhau.  Sự xuất hiện của nhà nước vô sản, với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (dù còn nhiều khiên cưỡng duy ý chí nên cũng chưa phù hợp với tâm lý sống đời thường (nói chung) của con người cũng như với trình độ sản xuất của thời đại) đã tạo ra hai "lực lượng nhà nước" tương phản nhau ở mức đối kháng trên thế giới, tác động nhau quyết liệt đến một mất một còn và nếu muốn sống còn thì đồng thời cũng phải tự chuyển hóa theo hướng duy nhất là tiếp cận lẫn nhau (cũng có nghĩa là theo hướng hợp lòng đại chúng hơn!). Các nước trong phe tư bản chủ nghĩa, có sự vận động xã hội thoát thai ra từ yêu cầu tự nhiên hơn nên uyển chuyển hơn và do đó cũng dễ dàng chuyển hóa hơn. (Chính điều đó đã giải thích vì sao mà các đảng cộng sản ở các nước đó nói chung là đều mất dần "sức chiến đấu". Điều đặc biệt thú vị ở đây là chính các nhà nước tư sản trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, dù có thể không tự giác hoặc không nói ra, thì cũng là những thể chế đầu tiên, ở mức độ đáng kể, đã có những bước hoạch định phát triển kinh tế-xã hội "theo định hướng xã hội chủ nghĩa"- một thuật ngữ mà mãi sau này nhà nước cộng sản Việt Nam mới nêu ra nhưng hình như cho đến nay vẫn chưa giải nghĩa rõ ràng được nó!!!). Sự cực đoan duy ý chí bởi hạn chế nhận thức của thời đại đã làm cho hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trở nên "cứng dòn", không chuyển hóa kịp thời và hợp lý được, đành sụp đổ, dẫn đến đại đa số nhà nước cộng sản biến thái thành nhà nước tư sản, và trong số còn lại thì một vài nhà nước,tiêu biểu là nhà nước Trung Quốc, dù vẫn mang danh cộng sản thì chỉ là hình thức, là sự gắn nhãn mác chứ thực chất cũng có "phong thái" tư sản nốt.
             -Nói thêm,cần nhận thức rằng thực hiện đảm bảo về nhân quyền thì cũng đồng thời đảm bảo ở mức độ nào đó về dân quyền, và thực hiện đảm bảo về dân quyền thì đồng thời cũng đảm bảo ở mức độ nào đó về nhân quyền, vì thực ra nhân quyền và dân quyền chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề thống nhất hữu cơ.  Một nhà nước chuẩn mực là nhà nước trước tiên phải hiểu cho đúng vấn đề để "biết cách" đảm bảo được thỏa đáng đồng thời hai quyền ấy trong thực tế, và khi "làm được" như thế thì nhà nước sẽ được toàn thể quần chúng (cả người giàu lẫn người nghèo) ủng hộ và tôn vinh, vì nó đã mang bản chất thực sự do dân và vì dân. Và như thế, có lẽ trong một tương lai không xa, vấn đề xét một nhà nước là tư sản hay cộng sản sẽ không còn cần thiết phải đặt ra nữa, mà chỉ là vấn đề nhà nước đó thiện hay ác đối với quần chúng của nó-cái lực lượng tiềm ẩn sức mạnh vô địch nhưng lành tính, cưu mang nó và tin tưởng ủy thác sinh mạng của mình cho nó- ở mức độ nào mà thôi.
             -Tiến trình vận động của xã hội loài người, do có sự lũng đoạn bởi hành động chủ quan, duy ý chí của chính con người mà thấy có lúc nhanh lúc trì trệ, đầy quanh co khúc khuỷu, nhưng thực ra vẫn luôn theo đúng chiều của nó. Nếu sự xuất hiện chủ nghĩa tư bản là tất yếu thì sự xuất hiện phong trào đấu tranh giành quyền sống cơ bản của quần chúng cần lao thế giới mà phong trào đấu tranh giải phóng đòi độc lập dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa là bộ phận hợp thành của nó, cũng là một tất yếu. Để có thể đối đầu được trước một binh lực tập trung và cường bạo của nền thống trị chuyên chính tư sản, thì yêu cầu bức bách tự nhiên nảy sinh ra đối với phong trào đấu tranh đó là phải có một sự lãnh đạo tập trung , nhất quán về cương lĩnh nhằm thống nhất hành động. Học thuyết Mác ra đời trong bối cảnh đó và các đảng cộng sản được thành lập để đóng vai trò tiên phong lãnh đạo phong trào cũng là vì lẽ đó...Cuộc sống của con người hiện nay trên thế giới, nói chung, "dễ thở" hơn nhiều về mặt tinh thần so với cách đây hơn một thế kỷ, không phải là sự "tình nguyện hiến dâng" của chủ nghĩa tư bản. Hãy nhận thức cho công tâm để biết nhớ ơn sự xả thân của lực lượng cần lao, trong đó có hàng triệu triệu con người cộng sản mà điển hình là nhân vật chính trong "Thép đã tôi thế đấy" thuộc một thời đoạn lịch sử đã qua!


2- Trích từ N-L 3/d:
+Nhớ lại, Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết đang là một quốc gia hùng cường (thực sự) nhất nhì thế giới thì bỗng "đùng một cái" tan rã nhanh chóng và dễ dàng đến nỗi không một ai, kể cả những nhà phân tích tình hình sắc sảo nhất của đương thời đó có thể ngờ được. Nhưng rõ ràng đó không thể là biến cố thuần túy ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình tích tụ ngày càng lớn những mâu thuẫn không dung hòa được và cũng không khắc phục được giữa ý chí tạo dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trong hiện thực và những vấn nạn nảy sinh, phát tác dai dẳng trong thực tại đời sống xã hội như một căn bệnh không có thuốc đặc trị. Từ ngày Nhà nước (cộng sản) Liên Xô tiêu vong cho tới nay, đã có nhiều công trình lý luận nghiệm túc mổ xẻ, nghiên cứu tỉ mỉ nhằm tìm ra câu trả lời xác đáng nhất vì sao sự sụp đổ đó lại có thể xảy ra và xảy ra theo cái cách "oái oăm" như thế. Trên báo Nhân Dân (điện tử) có bài viết mang tựa đề: "Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng cộng sản Liên Xô". Có lẽ đó là "bản tổng kết" có hệ thống, đầy đủ và súc tích nhất của các nhà mácxít Việt Nam về những nguyên nhân dẫn đến sự tiêu vong nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. Cụ thể, bài viết đó chỉ ra 4 nguyên nhân cơ bản (tôi tóm lược lại) sau đây:
               *Vi phạm nguyên tắc cơ bản là "Tập trung dân chủ" trong xây dựng đảng và hoạt động của đảng.
               *Phạm sai lầm trong nhận định chính trị-kinh tế dẫn đến sai lầm trong hoạch định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở từng thời kỳ nhất định theo như học thuyết Mác-Lê chỉ ra.
               *Sự tồn tại tầng lớp cộng sản chóp bu được hưởng đặc quyền đặc lợi, nạn tham nhũng, tha hóa đạo đức trong nội bộ đảng, trong bộ máy công quyền làm giảm mạnh lòng tin của nhân dân vào chế độ. 
               *Sự công phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài bằng con đường gọi là "diễn biến hòa bình".
          +Quan sát từ góc độ khác, bốn cái gọi là nguyên nhân nói trên cũng chính là những tồn tại có tác động trực tiếp làm lung lạc tinh thần của đại chúng Liên-Xô, làm cho đại chúng Liên-Xô dần trở nên ngày càng chán nản, bất mãn, mất niềm tin vào chế độ trước một thực trạng xã hội đầy ảm đạm đồng thời chứa chấp nhiều khiên cưỡng, khắc kỷ, trái khoáy, bộc lộ ra những hiện tượng phi lý, bất công đến mức độ thành vấn nạn xã hội. Từ đó tất yếu phải nảy sinh trong lòng xã hội Liên-Xô mà chủ yếu là trong tầng lớp nhân sĩ, trí thức, kể cả trong guồng máy lãnh đạo cấp cao, sự nung nấu chín muồi dần về một cuộc cải cách toàn diện xã hội. Mầm mống tạo nên tiền đề của sự nung nấu ấy nếu không xuất hiện từ thời Lênin thì cũng vào thời Xtalin, trong giai đoạn trước chiến tranh thế giới thứ 2. (Cuộc chiến tranh vệ quốc đã xóa nhòa tất cả những mầm mống đã bắt đầu phát lộ ấy!...). Nhưng câu hỏi đặt ra là cải cách toàn diện xã hội theo hướng nào và như thế nào? Quá trình mấy chục năm xây dựng một xã hội theo hình mẫu của chủ nghĩa cộng sản và thực trạng đời sống vật chất- tinh thần xã hội mà công cuộc xây dựng đó đạt được, đã phô bày ra mâu thuẫn lớn, vô hình dung, làm cho lý tưởng cộng sản dần trở thành như một thứ giáo điều mà bộ phận lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản Liên-Xô hơp thành như một giáo hội độc đoán, chuyên quyền, được điều hành bởi những kẻ đạo đức giả, luôn hô hào, rao giảng những tín điều của thứ giáo điều ấy cho đại chúng sống đạm bạc,  trong khi vẫn giành cho mình những đặc quyền, đặc lợi, cuộc sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quí. Chính điều đó đã làm cho đại chúng Liên-Xô không những chán ghét Đảng cộng sản Liên-Xô mà còn mất hết niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, đồng thời lại thấy ở xã hội tư bản phương Tây những điều mà họ mơ ước. Trong bài viết trên báo Nhân Dân (điện tử) đã nêu ở trên, có đề cập đến một sự kiện, đó là trước khi Đảng cộng sản Liên-Xô (chính thức!) tan rã, đã có một cuộc điều tra dân ý với câu hỏi: "Đảng cộng sản Liên-Xô đại diện cho ai?", và kết quả tổng hợp câu trả lời là:
                                       -Đại diện cho công nhân : 4%
                                       -Đại diện cho nhân dân Liên-Xô : 7%
                                       -Đại diện cho toàn thể đảng viên : 14%
                                       -Đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước : 75%
      Như vậy, có thể thấy chính quá trình vận động trong thực tế mấy chục năm của xã hội Liên-Xô đã làm hình thành nên trong tinh thần của đại chúng Liên-Xô nỗi bức xúc ngày càng gay gắt đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ xã hội (hoặc có thể dùng thuật ngữ "đổi mới") sâu rộng có tính căn cơ và tất nhiên là theo xu hướng khắc phục tình trạng bao biện, chủ quan duy ý chí, độc đoán, lộng quyền trong sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên-Xô, cũng như tình trạng quan liêu, giáo điều, khiên cưỡng, bảo thủ, cửa quyền trong sự điều hành của Nhà nước Liên-Xô. Đến đây, có thể rút ra nhận định rằng, sự xuất hiện M. Goorbachốp và B. Enxin, hai cá nhân chủ yếu và nổi bật trong việc trực tiếp làm tan rã Đảng cộng sản Liên-Xô cũng như làm sụp đổ nhanh chóng nhà nước Liên-Xô, vừa là một ngẫu nhiên "xui xẻo", vừa là một tất nhiên về mặt tư tưởng, được hun đúc nên từ chính những suy tư, trăn trở trong suốt gần nửa thế kỷ  thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (không thành công) của Đảng cộng sản và Nhà nước Liên-Xô. Nói cách khác, cải cách theo hướng "cởi mở" là yêu cầu bức thiết và cũng (sẽ) là "bước đi" mang tính tất yếu trong sự vận động của xã hội Liên-Xô (và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung!). M. Goorbachép là người thức thời nhận biết được yêu cầu đó và cũng là người được đại chúng Liên-Xô kỳ vọng, giao cho trọng trách trực tiếp thực hiện yêu cầu đó trong thực tiễn. Tuy nhiên, do bị hạn chế bởi nhận thức có tính thời đại và có thể là cả sự lũng đoạn của bầu không khí chính trị đã bị "ngộ độc" ở Liên-Xô, mà Goorbachốp đã không có đủ lý trí để thấu tỏ được bài học quí báu của lịch sử, đã không tỉnh táo để cảm nhận được cái đẹp bản chất của chủ nghĩa xã hội và cái xấu bản chất của chủ nghĩa tư bản, đã không hiểu rằng những hiện tượng tiêu cực, suy đồi đạo đức là có tính phổ biến của xã hội loài người chứ không phải là riêng có của xã hội theo thiết chế nhà nước cộng sản, do đó đã "buông lơi" chuyên chính (thứ mà nhà nước theo thiết chế nào cũng phải chú trọng duy trì để bảo vệ chế độ), "thả rông" tự do, dân chủ quá trớn (những thứ mà nhà nước theo thiết chế nào cũng phải khống chế chúng trong một phạm vi, mức độ hạn định bằng chuyên chính, nếu muốn xã hội ổn định, không xảy ra hỗn loạn, và hơn nữa, có được tự do, dân chủ đúng nghĩa, đích thực!), cho nên đã thực thi "cởi mở" một cách vô lối, "tuốt tuồn tuột" đến độ...vô chính phủ, làm tan rã nhanh chóng Liên-Xô, tạo điều kiện thuận lợi có một không hai cho toàn xã hội Liên-Xô trở lại sống dưới chế độ tư bản chủ nghĩa - cái chế độ (cho đến nay về cơ bản vẫn vậy)  mặc nhiên ưu tiên đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho cá nhân (nhân quyền), nhất là đối với những chủ tư bản mạnh, hơn hẳn sự đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng (dân quyền), nhất là đối với những kẻ nghèo hèn, nghĩa là "hô hào" bình đẳng, bác ái nhưng trong thực thi vẫn dựa trên cơ sở...thiếu bình đẳng, thiếu bác ái (nên cũng tạo ra tâm lý xã hội tôn thờ đồng tiền thái quá, coi đồng tiền là chìa khóa vạn năng (mà cũng đúng thật!) giải quyết mọi mưu cầu, mọi vấn đề mắc mứu trong xã hội, từ đó kích thích lòng tham-sân-si của con người lên cao độ (nhiều khi đến mù quáng) và như thế, cũng coi như dung túng tiềm tàng nhiều mầm mống bất công, nhẫn tâm luôn "nảy lộc vươn chồi " ra mọi lúc, mọi nơi), đó là cái chế độ mà nhân dân Liên-Xô đã từng trải nghiệm nên đã tin theo Đảng cộng sản Liên-Xô, tốn biết bao công sức, máu xương chối bỏ nó và xây dựng xã hội theo chế độ cộng sản (có bản chất hoạt động lý thuyết là chủ đích và trực tiếp vì quyền lợi của toàn dân (dân quyền) rồi thông qua đó mà (gián tiếp) cũng vì nhân quyền). Qua đó mà thấy, Goorbachốp đã không những không thỏa mãn được kỳ vọng của đại chúng Liên-Xô để có cơ may là "nhà cải tổ vĩ đại" như ông ta từng "tự sướng", mà còn trở thành tội đồ phá tan mọi thành quả tốt đẹp đã đạt được trong thực tế (dù còn nhiều hạn chế phải khắc phục!) của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (dù chưa thành). Nếu giả sử rằng, Goorbachốp là Lênin, hoặc thấu tỏ được cái ẩn chứa sâu xa có ý nghĩa như một nguyên tắc cơ bản (có tên gọi là "Chủ nghĩa tư bản nhà nước") trong chủ trương "Chính sách kinh tế mới" (gọi tắt là "NEP") của Lênin kiệt xuất (vì chỉ có kiệt xuất mới đủ trí lực hiểu được ý kiến còn khái lược trước đó của thiên tài (của Mác) và đưa ra chủ trương ấy, trong thời buổi bấy giờ!) để lấy đó làm cơ sở vận dụng, đề ra nội dung cải tổ trong tình hình mới, thì sự thể chắc là sẽ rất khác hiện nay, theo hướng tốt đẹp hơn rất nhiều. Nhưng...than ôi!
            +Sau đây là nhận định trong "Lịch sử thế giới hiện đại" (NXB Giáo Dục-2006, Nguyễn An Thái chủ biên):
     "Với những biện pháp của Chính sách kinh tế mới, Lênin đã chỉ ra sự cần thiết phải thay đổi về căn bản các nhận thức, quan niệm trước đây về chủ nghĩa xã hội. Đó là sự chuyển hướng chiến lược từ quá độ trực tiếp sang quá độ gián tiếp, từ từ, từng bước một, kiên trì tìm tòi những bước đi thích hợp, vừa tầm đi tới chủ nghĩa xã hội. Lênin đòi hỏi phải áp dụng những biện pháp cần thiết là thỏa hiệp với nông dân, tự do buôn bán, mở rộng thị trường, sử dụng quan hệ hàng hóa-tiền tệ...vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Phát triển sức sản xuất, chuyển từ ảo tưởng "kế hoạch hóa tập trung, phân phối trực tiếp bằng hiện vật" sang thực thi kinh tế hàng hóa-thị trường, phát triển dân chủ và củng cố vai trò chính trị của Đảng...". (Những chữ in nghiêng, đỏ là tôi nhấn mạnh-nv). Ngày nay nhìn lại, chính Lênin là người đầu tiên nêu lên một cách cụ thể ý tưởng "xây dựng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Tiếc rằng Lênin mất quá sớm, và Xtalin đã không thấm nhuần được tư tưởng đúng đắn đó của ông.
            +Như đã nói, bốn nguyên nhân cơ bản nêu trên (có lẽ gọi là bốn duyên cớ trực tiếp nghe hợp lý hơn?) cũng là bốn tồn tại hủy hoại tinh thần xã hội dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Liên-Xô. Theo nguyên lý nhân quả thì bốn tồn tại đó phải có nguyên nhân tạo ra chúng. Trong bốn tồn tại đó, tồn tại thứ tư (tác động "diễn biến hòa bình") có nguyên nhân ngoại lai và thứ yếu (vì đối với một "cơ thể xã hội" lành mạnh thì tác động đó không thể gây nguy hại gì), nên không cần chú ý đến. Ba tồn tại còn lại rõ ràng có nguyên nhân phát sinh ngay trong nội tại xã hội mà chủ yếu là trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Liên-Xô, Dễ thấy ngay, tồn tại thứ nhất do ý chí cá nhân độc chiếm độc tôn quyền lực lãnh đạo gây ra. Tồn tại thứ hai một phần do tồn tại thứ nhất, phần lớn hơn do chưa nhận thức được luận điểm đóng vai trò là một nguyên lý cơ bản về xây dựng chủ nghĩa xã hội nêu trên của Lênin. Tồn tại thứ ba do ý chí củng cố, tự vệ quyền lực cá nhân, đồng thời với nạn tham quyền cố vị, thèm khát danh lợi gây ra. Như vậy, chung qui lại, cả ba tồn tại, xét cho cùng, đều do ý chí chủ quan của con người, hay nói chính xác hơn, do lý trí bị đầu độc đến mê quáng bởi bản tính tham-sân-si (có nguồn gốc từ tự nhiên, "thường trú" một cách (gần như!) cố hữu trong tâm hồn con người) gây ra.
            +Theo truyền thuyết, có lần một người hỏi Đức Phật Thích Ca về nguồn gốc của vô minh, ngài đã im lặng, không trả lời. Lúc đó ngài biết nhưng không muốn trả lời hay thực ra là ngài cũng không biết? Nghi vấn đó còn tồn tại đến ngày nay. Không nên hiểu khái niệm vô minh của Đức Phật chỉ theo nghĩa hẹp như là sự ngu dốt, thiển cận thông thường mà phải hiểu như là sự hạn chế về khả năng nhận thức nói chung, có tính phổ biến của con người về tự nhiên-xã hội-nhân sinh, và khả năng nhận thức này là có tính thời đại, tùy thuộc vào mức độ tri thức của xã hội ở từng thời đại. Phải chăng vì chưa thấu tỏ được nguồn gốc của sự vô minh về cõi nhân sinh, về bản chất chung của con người cho nên lý tưởng của Phật Giáo về một xã hội không còn tham- sân- si, nghĩa là mọi khổ đau cũng không còn, dù có vẻ rất đẹp đẽ và giàu tình nhân ái, vẫn chỉ là ảo tưởng hão huyền? Và tương tự, cũng vì lý do đó mà dù vạch ra con đường chủ động hơn, sát thực hơn thì lý tưởng cộng sản cùng với hình mẫu xã hội xã hội chủ nghĩa của nó cũng chưa thể thành hiện thực được trong thời đại ngày nay, thậm chí là trong một tương lai không gần (không có nghĩa là xa!)? Nhưng không phải vì thế mà chối bỏ lý tưởng cộng sản trong việc định hướng xây dựng và phát triển xã hội! Chỉ có điều phải tích cực nhận thức lại!!!

                                                                                                                                                ĐC 

Rồi đây, dù có thể còn xa lắm, và có thể còn phải trải qua nhiều khốn khổ, gian lao và thậm chí là đau thương nữa, thì lịch sử phát triển loài người cũng sẽ đạt đến cái đích thế giới đại đồng, trở thành một xã hội cộng sản thống nhất trong đa dạng! Vì đó không những chỉ là khát vọng cháy bỏng của lý trí con người, mà còn là kết quả tất yếu của một quá trình tự nhiên!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH