Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

MUÔN NẺO MƯU SINH 22

(ĐC sưu tầm trên NET)

Gian nguy đời thợ đá

10/10/2010 00:48

Chỉ với đôi tay trần cùng cây búa, cây đục, hàng trăm thợ đá ngày ngày quần quật mưu sinh. Luôn đối mặt với hiểm nguy, chết chóc nhưng cuộc sống của họ ngày càng khốn khó

Vừa rẽ vào con đường nhựa dẫn từ trung tâm huyện Hòn Đất – Kiên Giang đến mỏ đá Hòn Sóc, chúng tôi đã nghe những âm thanh đục đẽo chát chúa vang dội từ các bãi đá.
Hai bên đường, những bãi đá tư nhân chạy dài đến 4-5 km nằm la liệt, mỗi bãi có khoảng 10 thợ đá đang miệt mài lao động. Trời miền Tây lúc này chợt nắng, chợt mưa. Mưa thì tầm tã như trút nước, nắng lại hầm hập tựa lửa thiêu. Vậy mà hàng trăm thợ đá vẫn tay búa, tay đục thoăn thoắt làm việc.
Đá ghim, hoa mắt, ù tai
Từ năm 1975, mỏ đá Hòn Sóc đã trở thành nơi dân nghèo tứ xứ đến tạm cư, mưu sinh bằng nghề đập, chẻ đá.
Ông Hồ Văn Thanh, thợ đá lớn tuổi nhất tại mỏ đá Hòn Sóc, ngồi nghỉ ngơi dưới tấm bạt rách nát không đủ che mát tấm lưng sau một buổi quần quật đục đẽo.
Ông Thanh cho biết trước đây, vì nhà quá nghèo nên cha mẹ ông từ quê nhà An Giang đã kéo con cái đến bãi đá Núi Sập ở huyện Thoại Sơn làm ít việc lặt vặt kiếm chút đỉnh tiền. Từ đó, cuộc đời ông gắn chặt với các bãi đá, suốt ngày lam lũ.
“Ban đầu, tôi chỉ đủ sức đập được đá 3 x 4 cm, 4 x 6 cm. Lớn hơn một chút, tôi tập chẻ đá. Nghề thợ đá rất cực nhọc nhưng vì quá nghèo lại không có nghề gì khác nên chúng tôi đành đem sức lực, mồ hôi đổi lấy miếng ăn” - ông Thanh tâm sự.


Nam, thợ đá 17 tuổi (trái), luôn ôm ấp ước vọng một ngày sẽ được đổi nghề, đổi đời
Tôi đến bên Nam, một thợ đá trẻ tuổi quê An Giang. Đã 17 tuổi, vào nghề chỉ vài năm nhưng gương mặt Nam hốc hác, sạm đen. Nam bảo tôi đeo khẩu trang để tránh bụi và dăm đá văng tung tóe nhưng cậu ta lại chẳng có gì che chắn, thậm chí còn cởi trần.
Nam bổ từng nhát búa lên đầu cây đục sắt cắm vào khối đá nghe chát chúa đến đinh tai. Bỗng Nam hét lên đau đớn, bóp chặt đầu ngón tay rướm máu. Một mảnh dăm sắt tét ra từ đầu cây đục đã văng ra, ghim sâu vào tay Nam. “Quen rồi anh à. Dăm đá, mảnh sắt ghim vào người là chuyện bình thường, hầu như thợ đá nào cũng bị” - Nam cho biết.
Như để minh chứng lời Nam, ông Thanh giơ đôi bàn tay sần sùi vì hàng chục năm cầm búa, khuân đá vén bộ đồ đầy những mảnh vá để lộ ra những dấu đen bằng đầu đũa chi chít khắp ngực và hai bên mắt cá chân.
“Ai làm nghề thợ đá cũng bị dính mẻ sắt, dăm đá trong người. Chỗ hứng chịu nhiều nhất là hai bên mắt cá chân và tay. Lúc mới bị ghim vào thì đau xé da, xé thịt, máu tuôn xối xả. Vài ngày sau, vết thương êm dần, mảnh sắt, dăm đá nằm gọn trong lớp mỡ dưới da và không gây đau đớn nữa. Hồi đầu tôi cũng lo, định đi mổ lấy ra nhưng khắp người đều bị ghim đầy mảnh, sao lấy hết! Vả lại, tôi thấy cũng không có gì nguy hiểm nên thôi” – ông Thanh thản nhiên.
Trong lúc trò chuyện, ông Thanh cứ liên tục đưa tay che vành tai, đầu cứ nghiêng nghiêng nghe ngóng. Hóa ra, ông bị nặng tai do âm thanh đục đẽo chát chúa dội vào lâu ngày. Ông Thanh phân trần: “Nghề thợ đá gian nguy lắm. Người nào làm lâu năm đều bị hoa mắt, ù tai”.
Tính mạng mong manh
Từ dưới chân núi Hòn Sóc nhìn lên đỉnh, tôi thấy chóng mặt vì những hầm mỏ, các khu vực khai thác cao chót vót. Các loại xe cẩu, máy đào cũng được đem lên tận khu vực khai thác để làm các công việc nặng nhọc mà sức người không kham nổi.
Tôi chợt lạnh người khi nhìn nhiều thợ đá và các loại máy móc, phương tiện làm việc bên những vách đá, bờ vực cheo leo. Con người bỗng trở nên nhỏ bé, tính mạng thợ đá cũng thật mong manh khi treo mình giữa lưng trời, bên dưới là hố sâu với toàn đá với đá.
Chỉ các tảng đá to nằm cheo leo bên vách núi, một thợ đá tên Lên bảo đó là mối nguy hiểm khôn lường cho tính mạng của hàng trăm phu đá ở đây. Núi đá ở Hòn Sóc có lẫn đất nên chỉ cần một cơn mưa lớn là các tảng đá khổng lồ nằm bên bờ vực có thể lao xuống bất cứ lúc nào. “Thợ làm việc bên dưới hầm đá ngay khu vực có khối đá lớn bên trên luôn bị đe dọa. Có khi mưa lớn, đá không rớt liền mà chỉ cần chấn động là nó sẽ rơi xuống ngay” - Lên giải thích.
Bà Xiêng bên mộ con trai gặp nạn vì đá đè ở mỏ đá Hòn Sóc
Tôi giật thót người vì có tiếng kẻng đột ngột gióng lên liên tục. Lên hối hả kéo tay tôi tìm chỗ nấp. “Người ta sắp cho mìn nổ đá đó. Ở mỏ đá Hòn Sóc vẫn còn một số doanh nghiệp khai thác đá bằng mìn và thuốc nổ.
Đá khai thác kiểu này sẽ vỡ vụn, chủ yếu là làm đá san lấp, tôn nền. Nghe tiếng kẻng báo hiệu, tất cả thợ đá phải nhanh chóng tìm chỗ nấp” - Lên nói. Vừa tìm được chỗ nấp chưa được bao lâu, tôi đã nghe một tiếng nổ dữ dội. Đá, bụi tung tóe mịt mù từ đỉnh núi. Khi đám bụi tan dần, những thợ đá tiếp tục xắn tay vào công việc bên vách đá cheo leo hiểm trở.
Ước vọng đổi nghề, đổi đời
Mười tuổi, ông Thanh đã đến mỏ đá “kiếm cơm”. Khi lớn lên, cưới vợ, ông cũng vẫn sống bằng cái nghề nhọc nhằn này. Hàng chục năm vất vả mưu sinh nhưng ông Thanh không có nổi miếng đất cắm dùi, còn căn nhà cũng chỉ liêu xiêu, tạm bợ.
Mười năm trước, khi bãi đá Núi Sập ngừng hoạt động, ông Thanh dắt díu vợ con tìm đến mỏ đá Hòn Sóc tiếp tục hành nghề. Ông bộc bạch: “Vì gánh nặng mưu sinh nên những thợ đá chúng tôi chẳng mấy thiết tha cho con cái ăn học. Lũ trẻ lớn lên trong đói khổ, suốt ngày lẽo đẽo theo cha anh ra bãi đá. Đến một ngày nào đó, chúng cũng trở thành thợ đá và lại tiếp tục sống khốn khó”.
Chỉ cậu con trai Hồ Thanh Điền đang ngồi chẻ đá, ông Thanh bảo rồi con của Điền, cháu của ông, cũng sẽ khổ như ông nếu cha chúng không đổi nghề. “Ráng làm thêm vài năm, dành dụm ít tiền, đợi tụi nhỏ lớn, em sẽ đưa chúng về lại quê nhà An Giang để lo ăn học. Phần em cũng đang tính chuyện đổi nghề để thay đổi cuộc sống, đổi đời, chứ không thể gắn mãi với nghề gian nguy này nữa” - Điền bộc bạch.
Nam cũng không che giấu ước vọng đổi nghề, đổi đời trong tương lai. Giọng Nam buồn buồn: “Em định làm 1-2 năm nữa, gom góp chút tiền đi học nghề khác để rồi còn tính chuyện lấy vợ. Cứ làm cái nghề nặng nhọc này, con gái thấy là đã tránh xa. Bao nhiêu người làm thợ đá đến già mà nhà cửa vẫn tuềnh toàng, lại rày đây mai đó, khổ lắm”.
Anh em Huỳnh Văn Nhở - Huỳnh Văn Có tuổi xấp xỉ đôi mươi nhưng cũng ấp ủ ước mơ đổi đời cháy bỏng. “Tụi em được cha mẹ nuôi lớn bằng chính cái nghề cơ cực này. Ba em thường bảo mình nghèo, không nghề ngỗng gì nên phải chịu lao động nặng nhọc. Ba dặn dò tụi em phải tính chuyện đổi nghề mới mong đời sau khá nổi” - Có tâm sự.
Mặt trời khuất dần sau đỉnh núi Hòn Sóc. Hàng trăm thợ đá cũng ngưng tay chuẩn bị ra về sau một ngày miệt mài đục đẽo, khuân vác đá.
Nơm nớp lo gặp nạn
Cái hầm sâu hoắm lổn ngổn đá ở Hòn Sóc là nơi một thợ đá tên Danh Dũng gặp nạn tử vong 10 năm trước. Nhiều thợ đá đến giờ vẫn còn nhớ như in ngày anh Dũng gặp nạn và họ luôn bị ám ảnh, lo lắng bởi hiểm nguy cứ rình rập, chực chờ.
Bà Xiêng, mẹ anh Dũng, không kìm được nước mắt mỗi lần nhắc lại vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng người con trai 26 tuổi của bà.
“Hôm đó, sau khi nổ mìn, các thợ xeo đá cho rớt xuống hầm dưới vực sâu. Bất ngờ, một khối đá khổng lồ ập xuống đè lên con tôi” - bà Xiêng nghẹn ngào.
Kinh hoàng hơn, vụ sập đá xảy ra giữa năm 2008 đã làm 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 thợ đá và cha con ông chủ bãi. Anh T., người may mắn thoát chết trong vụ tai nạn này, rùng mình kể lại: “Tôi và 2 thợ đá gặp nạn làm việc chung một chỗ. Chúng tôi cùng cha con ông chủ bãi đứng trên một tảng đá lớn để xeo tảng đá khác nằm bên vách cho rớt xuống hầm. Khi tảng đá này rơi xuống thì tảng nơi chúng tôi đứng cũng bị chấn động rơi theo, đè lên cả 5 người. Tôi tỉnh lại trong bệnh viện, đến giờ cũng không rõ sao mình thoát nạn”.
Vụ sập đá này đã làm rúng động cả Hòn Sóc nhưng vì miếng cơm, manh áo, hàng trăm thợ đá vẫn phải ngày ngày ra bãi quần quật mưu sinh. “Tuy vậy, bất cứ người thợ đá nào cũng nơm nớp lo gặp nạn” - anh T. khẳng định.
Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Nghề xưa còn lại chút này…

Một trong những nghề hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn là nghề ép giấy, bọc vở thủ công. Trên một góc vỉa hè đường Tú Xương - Nguyễn Thông, ông Nguyễn Vòng (77 tuổi) vẫn lặng lẽ làm công việc của mình. Với ông, đó không chỉ là một nghề để mưu sinh mà còn là ký ức, là cuộc đời…
Dấu xưa giữa Sài Gòn
Khi máy móc hiện đại ra đời, nghề ép giấy thủ công bớt thịnh, những người làm nghề ngày nào cũng trôi dạt tứ xứ hoặc kiếm nghề khác để mưu sinh. Riêng ông Nguyễn Vòng vẫn bám trụ với nghề. “Nghề xưa còn đó, có muốn truyền chắc cũng không ai muốn học đâu”. Nói rồi ông Vòng nhìn chúng tôi, cười bảo: “Cảm ơn con đã quan tâm đến những người già. Bố già rồi, chuyện của bố cũng như câu chuyện của bao người dân lao động ở mảnh đất này thôi”. (Bố là cách xưng hô của ông với những người trẻ tuổi). Dưới cái nắng chói chang của Sài Gòn cuối hè, giọt giọt mồ hôi lấm tấm trên làn da đã nổi đầy đồi mồi, tóc bạc trắng, quên quên nhớ nhớ xuôi về trong ông…
Không đòi hỏi nhiều dụng cụ phức tạp, dụng cụ hành nghề ép giấy của ông Nguyễn Vòng rất đơn giản: Một chiếc xe đẩy, một cái bàn con, một chiếc bàn ủi than, giấy ép, mấy cuộn nhựa dẻo… 4 tuổi, mẹ mất, gia đình ông từ Hà Đông (Hà Tây ngày nay) chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Để mưu sinh, ông đã làm rất nhiều nghề và cuối cùng ông quyết định gắn bó với nghề ép giấy. Hơn 40 năm qua, không ngại trời mưa hay nắng, người ta vẫn thấy ông lặng lẽ làm việc ở một góc nhỏ trên vỉa hè đường Tú Xương - Nguyễn Thông. Nghề này đã giúp ông nuôi 6 người con khôn lớn. “Mỗi nghề có cái khó riêng. Nghề này có nhiều hôm phải ngồi phơi nắng đến rát mặt, thu nhập cũng không ổn định lắm nhưng được cái là có nhiều khách quen. Có người đem giấy tờ đến chỗ tôi làm cũng hơn 20 năm rồi”, ông Vòng chậm rãi kể.

Ông Vòng cần mẫn với công việc của mình
5 giờ sáng, ông bắt đầu một ngày làm việc của mình khi chạy xe đạp từ nhà ở quận 4 sang chỗ làm quen thuộc. Ở tuổi 77, ông nói cứ nhắc đến chuyện nghề, người bỗng nhiên vui lắm, mát rượi, mặc cho cái nắng ngoài kia oi ả, chỉ còn đây người làm nghề ép giấy tận tâm, tận tụy với nghề. Nhìn đôi bàn tay rám nắng của ông chuẩn xác trong từng đường là thẳng tắp khiến người xem không khỏi ngạc nhiên. Chiếc bàn ủi với than ủ nóng mà ông đang dùng có từ thời Pháp, được ông nâng niu như báu vật. Đó cũng là một trong những dụng cụ làm nghề lâu đời nhất trong “gia tài” đồ nghề của ông. “Nghề nào cũng cần phải dồn cái tâm của mình vào trong đó, nếu không sẽ thất bại hoàn toàn”, nói rồi ông cẩn thận lấy tấm nilon để ép vừa đủ hai mặt cuốn sổ hồng của một người khách vừa đem tới. Bàn tay ông tỉ mỉ cắt bớt những phần thừa và bắt đầu tạo đường viền bằng một thanh lò xo cũ kỹ. Những đốt ngón tay nổi cục u, chai sần là dấu tích của những lần sơ ý bị phỏng bàn ủi than. Ông cười lớn: “Công việc này ngó qua tưởng đơn giản nhưng chỉ cần cẩu thả chút xíu là mệt rồi. Làm không vừa ý khách hàng là coi như mất khách luôn đó”.
Khát khao giữ nghề
Khách hàng của ông Vòng có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Nhiều người vẫn thích đến chỗ ông làm bởi sự gần gũi, thoải mái. Đôi khi rảnh rỗi, ông và khách hàng có thể ngồi hàn huyên tâm sự. “Những người quen biết cũ lần lượt vắng xa. Có ông bạn già vẫn thường đến đây ép giấy tờ. Một thời gian không thấy ông đến nữa. Hỏi chuyện những người hay đi tập thể dục với ông thì tôi mới hay ông đã mất. Còn rất nhiều người tôi chưa kịp biết tên nhưng chính họ đã níu giữ tôi ở lại với nghề này. Chẳng còn bao lâu nữa, tôi cũng sẽ chia tay nghề này để đến một nơi nào đó. Khi ấy, không biết có còn ai nhớ đến nghề này nữa không…”, ông Vòng trầm ngâm.
Thông thường, ông Vòng chỉ làm việc từ 6 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Ông bảo ông thích khoảnh khắc khởi đầu của một ngày mới. Những sáng tinh mơ, đạp xe đến góc phố nhỏ ông thường làm việc, nhìn những người dân lao động cũng đang hòa mình vào một ngày mưu sinh, ông thấy mình may mắn vì có được một cái nghề để nuôi sống gia đình. Tấm bảng hiệu nhuốm màu thời gian đã góp phần làm nên “thương hiệu” rất riêng của ông Vòng trên góc phố nhỏ ấy. Có lẽ vì vậy, khi kể về những đồ nghề của mình, đôi mắt ông luôn ánh lên niềm vui, tự hào. Ông say sưa kể như sợ bỏ quên một chi tiết nào đó. Ngay cả chiếc xe đẩy cũ kỹ mà ông gọi là “cửa hàng” cũng đã gắn bó với ông hơn 40 năm được ông kể với nhiều tình cảm tha thiết như đang kể về một người ruột thịt của mình. “Có lần, một nhóm du khách Tây đi ngang qua đây, thấy tôi đang cặm cụi dùng chiếc bàn ủi than để làm việc, họ ngạc nhiên lắm nên lại xin chụp hình với tôi. Một thời gian sau, họ quay lại gửi tặng tôi những hình ảnh họ đã chụp hôm đó. Tôi không biết tiếng Anh, chỉ nghe người thông dịch viên nói lại rằng họ cảm ơn tôi vì đã cho họ những khoảnh khắc tuyệt vời khi đến khám phá Việt Nam. Nghe vậy thôi mà vui đến mấy ngày trời đó”, ông Vòng hào hứng kể lại.
Ngày nay, những chiếc máy ép lụa, ép plastic đã trở nên phổ biến nhưng không ít người vẫn tìm đến với ông Vòng để được ông tỉ mỉ bọc giấy tờ hay cuốn sách… Những buổi sớm mai, khi dòng người đang ngược xuôi để bắt đầu một ngày mới, ở góc phố nhỏ này, ông Vòng say sưa làm việc. Thỉnh thoảng, ông lại trò chuyện với khách hàng đôi câu. Tiếng cười, tiếng nói của ông như xua tan sự xô bồ, hối hả của phố thị ngoài kia…
Bên vỉa hè đầy nắng sớm mai, ông Vòng vẫn mải mê làm việc để kịp giao số giấy tờ cho khách mà ông vừa nhận ép. Chốc chốc, ông lại trầm tư nhìn về phía ngã tư đông đúc.  Ông nói, những nghề thủ công như thế này không biết sẽ tồn tại được đến khi nào. Chúng tôi hiểu, ông còn nhiều trăn trở với nghề…
Yên Hà

Lao động trẻ em mưu sinh giữa Thủ đô (1): Những độc chiêu của “cái bang”

GiadinhNet - Đang độ tuổi đến trường các em phải bỏ học, bị đẩy ra đường kiếm tiền. Cuộc sống mưu sinh không chỉ cơ cực, đọa đày, nhiều em đã sớm bị đẩy vào tình cảnh đi lừa gạt để có tiền. Lần theo một “cái bang” trẻ tuổi, chúng tôi ngỡ ngàng khi biết được cả một “thế giới ngầm” trẻ mưu sinh ngay giữa Thủ đô Hà Nội.

Tuấn lê lết trên đường Phan Đình Phùng. Ảnh: T.G
Tuấn lê lết trên đường Phan Đình Phùng. Ảnh: T.G
Giả người khuyết tật lê la giữa phố xin tiền
Từ lâu, người dân sống ở phố Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, đoạn đối diện với Trường đại học Xây dựng Hà Nội quen nhìn thấy hình ảnh một cậu bé mù khoảng 15- 17 tuổi ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu đi xin ăn. Những gì người đi đường nhìn thấy thì đó là một cậu bé mù, đôi chân có tật, di chuyển rất khó khăn nên cậu lúc thì nằm sóng xoài, lúc thì ngồi bệt giữa dòng người qua lại, miệng há hốc, mắt trợn ngược quờ quạng. Khác với những người ăn xin khác, em không mở lời xin, không níu kéo, cứ ngồi vất vưởng đó, mặc nắng hay mưa, ai cho thì nhận.
Hình ảnh đứa bé mù lòa, khốn khổ ấy đã lay động lòng trắc ẩn của nhiều người đối với một cảnh đời không may mắn. Thế nhưng sự thật, rất nhiều người qua đường đã bị em nhỏ này lừa. Nếu không có sự bật mí của những gia đình sống cạnh ngã ba này, chúng tôi không thể tìm ra bí mật. Đối với những người dân ở đây, đề tài “đóng kịch” của cậu bé này đã trở nên nhàm chán. “Ối giời! Nó nằm đấy mấy năm rồi. Thằng đó “diễn” chuyên nghiệp lắm”, chị Phạm Thị Hương, nhà đối diện Bệnh viện Lão khoa Trung ương, đường Phương Mai, nói.
Để chứng thực lời nói của chị Hương, chúng tôi đã có mặt ở con phố này từ sáng sớm. Quả không sai, bắt đầu một ngày mới, “cái bang nhí mù lòa” thường nằm ở ngoài đường kia bước ra từ một quán phở ngay cạnh đó. Đôi mắt lanh lợi nhìn ngó xung quanh, nói chuyện với đám bạn một cách tự nhiên thoải mái, vẫn cái trang phục bẩn thỉu và khuôn mặt lấm lem ấy. Nửa giờ sau khi trở lại “nơi làm ăn” đôi mắt cậu bé trở nên đờ đẫn, quờ quạng, mặt méo xệch...
Hỏi thăm thì chẳng ai biết đứa bé đó ở đâu cả, chỉ nghe nằng nặng giọng miền Trung. Có điều chắc chắn đó là đứa trẻ bình thường, lành lặn chứ không có “vấn đề” như nó đang diễn trò ở ngoài kia.
Mặc cho cái nắng tháng 6 oi nồng, cậu bé vẫn nằm lì ở đó. Mỗi giờ cao điểm như đầu buổi sáng, cuối buổi chiều ít ra thiếu niên này cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Trời chập choạng tối, chúng tôi theo chân “cái bang nhí” và đám bạn về khu vực Cầu Mới ( Ngã Tư Sở). Ở khu vực này có một xóm trọ tập trung hơn 30 người, hầu hết đều trong độ tuổi đi học cấp I, cấp II, kẻ đi ăn xin, đứa đánh giầy, đứa bán hàng rong. Lịch làm việc" hàng ngày của đám trẻ chia 3 ca theo giờ hành chính. Một ngày mới bắt đầu từ 6, 7 giờ sáng cho đến chiều tối. Ai chịu khó làm thêm ca đêm nữa thì tranh thủ ở các ngã tư đèn đỏ, quán cà phê, thậm chí đến các nơi nhiều bóng tối có các đôi yêu nhau đang tâm sự càng có tiền.
Trước đây, có hiện tượng chăn dắt trẻ em đánh giầy và ăn xin, nhưng bọn trẻ ở khu vực Cầu Mới xin được tiền không phải đóng bất cứ một thứ “thuế” nào cho bảo kê khu vực, ngoại trừ phải bỏ tiền ăn và tiền trú ngụ.
Em Hòa, 14 tuổi, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa cho biết, mới ra Hà Nội từ cuối tháng 4, theo lời “rủ rê” của mấy chị trong xóm. “Ở nhà khổ, không có ăn, nhiều bạn em cũng đi ra Hà Nội. Thấy bọn bạn đi làm có tiền, bố đi làm trong Nam, mẹ cũng ra Hà Nội làm “ô sin” ở phố Chùa Láng, em mới quyết định ra. Nhưng từ hôm ra em vẫn chưa gặp mẹ. Gặp em chắc mẹ bất ngờ lắm”, Hòa trả lời. Cùng trang lứa với Hòa còn có Long và Minh, tất cả đều mới hơn 10 tuổi, những “ma mới” này nhanh chóng có việc để làm theo sự dẫn lối của đàn anh, đàn chị có “thâm niên” kiếm tiền ở Hà Nội.
Kiếm tiền bằng sự...thương cảm
Kịch sĩ trẻ tuổi “diễn” ở ngã 3 Giải Phóng - Phương Mai.
Kịch sĩ trẻ tuổi “diễn” ở ngã 3 Giải Phóng - Phương Mai.
Cứ 3 giờ chiều, Tuấn lại xuất phát từ khu vực vườn hoa Hàng Đậu đi kiếm ăn. Hôm thì Tuấn ngược đường Phan Đình Phùng lên hướng hồ Tây, hôm lại xuôi về phía hồ Hoàn Kiếm. Điều đáng nói là Tuấn bò lê lết dọc đường, hai tay bấu vào lòng đường và vỉa hè, lê cả thân người một cách nặng nhọc.
Tuấn bảo mình bị tai nạn liệt hai chân, mới vài năm nay bỗng thêm chứng quáng gà khiến thị lực rất kém, học hành bỏ dở. Theo lời kể của Tuấn, em quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, thấy hoàn cảnh khó khăn được người cùng quê “bày mưu” xuống Hà Nội xin tiền.
Mỗi buổi chiều, Tuấn bò lê lết ở các điểm dừng đèn đỏ, với vẻ ngoài rách rưới, miệng ngậm túi nilon Tuấn kiếm được ít nhất vài trăm nghìn đồng/ngày. Chẳng phải mở lời cầu xin, nhưng Tuấn nhận được sự thương cảm của rất nhiều người qua đường. Người cho Tuấn 50.000 dòng kẻ 20.000 đồng, người ít cũng mở ví cho Tuấn 2.000 - 5.000 đồng.
Cách đây chừng 1 tháng, sau khi chúng tôi tỏ ý muốn biết rõ hơn về chấn thương của Tuấn, Tuấn vội nói: “Em đi xin một buổi này nữa thôi. Tối về 277 Phúc Tân nơi em ở trọ để dọn đồ, mai về quê. Đi thế này nguy hiểm và mệt lắm”. Tuy nhiên, cuối tuần vừa rồi, chúng tôi khá bất ngờ khi lại gặp Tuấn vẫn đang lê lết dọc đường Phan Đình Phùng. Hỏi Tuấn vì sao chưa về quê nhưng trong khi câu chuyện đang dở dang thì cậu ta biến mất trong đám đông chờ đèn đỏ.
Chúng tôi quyết định đến ngõ 277 đường Phúc Tân để tìm hiểu về Tuấn thì bà Oanh, chủ nhà cho thuê phòng trọ cho biết: “Ở khu này có một cháu tên Tuấn người Vĩnh Phúc nhưng không phải bị liệt. Nó hàng ngày đi đánh giầy, không phải ăn xin”. Người dân ở 277 đường Phúc Tân khẳng định không có em Tuấn nào vừa bại liệt, vừa bị quáng gà. Bà Oanh là chủ 4 phòng trọ cho dân lao động ngoại tỉnh thuê. Giá trọ mỗi tháng 450.000 đồng/người. Trong số những người thuê ở đây có những bà mẹ trẻ chỉ tối về ngả lưng, ngày đưa đứa con 4 tuổi bị thần kinh cùng đi bán hàng dạo. Nghe xong câu chuyện của Tuấn, bà Oanh bảo: “Dễ bị lừa rồi. Nói về khổ, khu này còn nhiều trẻ khổ hơn”.
Đến khu vực đường Phúc Tân, con đường chỉ cách mép nước sông Hồng vài chục mét, chúng tôi nhận ra những lời không thật thà của Tuấn. Nhưng bất ngờ hơn, địa phận mạn phải phía giáp sông Hồng của con đường Phúc Tân là một xóm trọ khổng lồ của những người ngụ cư từ tứ xứ đổ về. Trong đó, có rất nhiều trẻ em, đứa theo bạn bè rủ rê, đứa vì hoàn cảnh bố mẹ bỏ nhau, đứa bị bệnh… đã phải lìa bỏ gia đình, quê hương lao vào cuộc kiếm tiền quá sớm.
Hà Phương/Báo Gia đình & Xã hội

Lao động trẻ em giữa thủ đô (3): Trẻ bán kẹo rong cũng có “bảo kê"

GiadinhNet - Nhá nhem tối, những đứa trẻ từ 8 - 10 tuổi được người lớn chở ra các địa điểm bán kẹo cao su. Đó là những điểm tụ tập đông người ăn uống, vui chơi. Mỗi “ca” làm việc của những em này kéo dài tới tận đêm khuya.


Trẻ em bán kẹo đêm. Ảnh: Chiến Công
Trẻ em bán kẹo đêm. Ảnh: Chiến Công
Bán đến đâu thu tiền đến đấy
18h30 một ngày giữa tháng 6, một chiếc xe máy chở 2 em bé từ đâu chạy đến đỗ sát lề đường Trần Huy Liệu đoạn đầu hồ Giảng Võ, gần khách sạn Hà Nội. Người đàn ông thả 2 em bé với hai kệ hàng trước ngực đi bộ vào khu giải khát cà phê, ăn uống cách đó khoảng 500m để bán kẹo cao su. Sau khi dặn dò bọn trẻ, anh ta ra phía mép hồ Giảng Võ uống trà đá và dõi theo công việc mưu sinh của 2 đứa trẻ, khoảng 30 phút sau thì biến mất.
Chị H., người chuyên đánh giày ở địa bàn này cho biết: “Trẻ bán kẹo có sự giám sát của người lớn đã có ở đây mấy năm rồi. Các em thường bán vào cuối buổi chiều và ban đêm. Không chỉ có 2 trẻ mà nhiều trẻ. Nhưng địa bàn hoạt động của các em không chỉ riêng khu vực các quán ăn, giải khát ở Giảng Võ mà còn ở Kim Mã, hồ Thành Công, các công viên, quán nhậu ở địa bàn khác…”.

Mẹ con chị H. đánh giày kiếm sống. Ảnh: H.Phương
Mẹ con chị H. đánh giày kiếm sống. Ảnh: H.Phương
Hỏi về người đàn ông thường chở bọn trẻ ra hồ Giảng Võ bán kẹo, chị H. nói chỉ biết mặt, không biết tên. “Đội quân bán kẹo này trọ ở khu vực Văn Miếu hoặc dốc Hoàng Cầu (đều thuộc quận Đống Đa)”, chị H. cho biết. Theo chị H. khi mới tiếp cận địa bàn phía Bắc hồ Giảng Võ, chính người thường chở các em nhỏ đi bán kẹo cao su đã cùng với vài chục thanh niên khác từng đuổi đánh chồng chị H. “Chồng em bị đánh sứt đầu, chúng bảo “biến đi chỗ khác làm ăn”. Nhưng vì chúng em ở đây nhiều năm nên khách chỉ để chúng em đánh giày. Sau đó, họ (đám thanh niên - PV) mới chịu trả địa bàn đánh giày cho vợ chồng em. Riêng bán kẹo cao su thì họ “bảo kê” luôn”.
20h, chúng tôi ngồi uống cà phê tại một quán nhìn ra hồ Giảng Võ, một cậu bé khoảng 8, 9 tuổi chân đi dép tổ ong, tay cầm giỏ kẹo, tiến sát đến mời mọc: “Các chú mua kẹo cho cháu đi”. Khách không phản úng gì, cậu bé tiếp tục mời đi, mời lại mấy lần. Sau khi mua kẹo tôi hỏi cậu bé: - “Em tên gì”? Cậu lắc đầu. “Quê ở đâu”? “Thanh Hóa”. “Ở xã nào”? Cậu lắc đầu. “Bây giờ em trọ ở đâu”? “Ở gần đây ạ”. “Ai đưa em ra Hà Nội”? Em đi theo mẹ, mẹ làm ở quán cơm trên đường Nguyễn Khoái. Em ở đây với bạn”. Cậu bé cho biết đang ở khu trọ có 5 phòng, 3 phòng thì đi bán kẹo cao su. Phòng cậu có 4 đứa sàn sàn tuổi nhau và 2 bà già, ngày nào cũng phải đi bán kẹo. Người đưa đi bán, đón về là con của bà chủ nhà.
8 tuổi đời, 2 tuổi nghề
Có mặt tại phố Tống Duy Tân, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, chúng tôi cũng được chứng kiến 4 em nhỏ tiếp cận khách để bán kẹo cao su. Ca làm việc ở khu vực phố cổ bắt đầu muộn hơn, kết thúc khuya hơn ở những nơi khác, có hôm các em phải thức đến 1 - 2h sáng tùy theo khách. Người bán nước ngay cổng số 9 Tống Duy Tân cho biết: “Đêm nào cũng có, không chỉ em nhỏ, mà tôi còn thấy người già bán kẹo cao su. Là người tỉnh lẻ, trẻ con khó nghe giọng, nhưng người già nói ra biết ngay giọng nằng nặng Thanh Hóa”.
Các em nhỏ bán hàng rong được theo dõi sát sao. Khoảng 23h có một người quen đến hỏi han, nếu thiếu sẽ được tiếp thêm kẹo và đương nhiên các em bị thu số tiền vừa mới kiếm được. Qua nhiều lần tiếp cận, chúng tôi được biết các em nhỏ bán kẹo cao su đều phải bỏ học từ cấp 1 để theo bố mẹ, họ hàng lên Hà Nội kiếm sống. Đi bán kẹo, mỗi em ở một địa chỉ khác nhau, người đưa đón cũng khác nhau. Một cô bé giới thiệu tên Hà, cho biết tới tháng 7 này em tròn 8 tuổi, đã ra Hà Nội bán kẹo 2 năm. Hà mách, anh “bảo kê” dặn khi bán kẹo thấy công an thì phải lảng đi chỗ khác. Một số em trai khác không được nhã nhặn như Hà, nếu hỏi thêm về đời tư, các em đáp: Không mua thì thôi!
Khu trọ dốc Hoàng Cầu, nơi trú ngụ của không ít trẻ em ngoại tỉnh. Ảnh: H.Phương
Khu trọ dốc Hoàng Cầu, nơi trú ngụ của không ít trẻ em ngoại tỉnh. Ảnh: H.Phương
Lần theo chút thông tin từ các em, chúng tôi tìm đến các khu trọ lao động ngoại tỉnh trú ngụ. Khu trọ mà người ta vẫn giới thiệu là dốc Hoàng Cầu, nằm giữa con đường nối từ phố Hoàng Cầu và Nguyễn Phúc Lai. Những năm trước, đây là khu trọ khổng lồ có thể chứa đến hàng trăm lao động mỗi đêm. Tuy nhiên, do những nhà cao tầng mọc lên, dồn khu trọ này nhỏ lại. Bên trong khu trọ ẩm thấp, được dựng bằng ván gỗ tạm bợ chia làm 2 tầng. Tầng 1 là bãi tập kết đồ phế thải, tầng 2 là chỗ ngủ. Tuy những người trọ ở đây một mực khẳng định không có trẻ em sinh sống, nhưng chúng tôi vẫn bắt gặp một nhóm 4 đến 5 em trai tranh thủ tắm trước khi đi làm.
Cách đó không xa, địa bàn tập trung người lao động ngoại tỉnh ở phố Ngô Sĩ Liên, Trần Quý Cáp (quận Đống Đa). Theo anh Hải, bán đồ gia dụng cũ tại chợ Trần Quý Cáp tiết lộ, khu vực này có nhiều nhà trọ dành cho các người già, cặp vợ chồng, trẻ con thuê, họ là người tỉnh ngoài thuê trọ làm nghề đánh giày, bán hàng rong, buôn ve chai...
Những đứa trẻ tuổi đời mới chỉ lên 9, lên 10 vì hoàn cảnh, tác động từ gia đình, bỏ học, đã phải bươn chải, tiếp xúc với môi trường đầy rẫy những cám dỗ đã làm cho các em không còn hồn nhiên như những đứa trẻ cùng trang lứa. Tương lai các em sẽ về đâu khi cuộc sống qua ngày chỉ biết ngủ dậy và ra đường kiếm sống?.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những đứa trẻ tuổi từ 8 đến 10 được người lớn chăn dắt bán kẹo ở khu vực này hoặc trú ngụ ở dốc Hoàng Cầu, khu vực đường Nguyễn Phúc Lai hoặc khu vực Văn Miếu, Ngô Sĩ Liên. Những em bé này đã bỏ học, theo cha, mẹ hoặc người thân trong đại gia đình ra Hà Nội lao động kiếm tiền. Số tiền các em kiếm được sẽ phải nộp lại cho người đưa đi, đón về.
Hà Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét