Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

BÍ ẨN ĐƯỜNG ĐỜI 84 (Bùi Ngọc Tấn)

(ĐC sưu tầm trên NET)

Bùi Ngọc Tấn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bùi Ngọc Tấn
Sinh năm 1934
Hợp Thành, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Mất 18 tháng 12, 2014 (80 tuổi)
Công việc nhà văn
Tác phẩm nổi bật Những người rách việc
Chuyện kể năm 2000
Rừng xưa xanh lá
Biển và chim bói cá
Giải thưởng nổi bật Giải B văn xuôi (không có giải A) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004
Giải Henri Queffenlec (Pháp) năm 2012
Bùi Ngọc Tấn (1934 - 18 tháng 12 năm 2014) là một nhà văn Việt Nam, nổi tiếng với cuốn sách Chuyện kể năm 2000. Ông cũng được Giải B văn xuôi (không có giải A) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2004 cho tập ký chân dung Rừng xưa xanh lá , và Giải Henri Queffenlec (Pháp) năm 2012 cho tác phẩm Biển và chim bói cá.

Tiểu sử

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ông bắt đầu viết văn, viết báo từ 1954. Bùi Ngọc Tấn có sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông… khi mới ngoài hai mươi tuổi
Trước khi viết văn, ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội, viết với bút danh Tân Sắc.
Sau đó, năm 1959, ông trở về quê và thành biên tập viên báo Hải Phòng Kiến thiết. Để có thể nuôi gia đình 6 người, ông tập trung vào viết báo. Ông có mối quan hệ thân thiết với nhà văn Nguyên Hồng và Bí thư Thành ủy Hoàng Hữu Nhân, người quan tâm đến giới văn nghệ sĩ và đã giúp đỡ ông lúc khó khăn sau này.
Bùi Ngọc Tấn từng bị tập trung cải tạo 5 năm (1968-1973) theo đài RFA về tội "Xét lại, chống Đảng", mà không được xét xử . Theo ông thì người hạ lệnh bắt ông, cũng như đuổi vợ ông khỏi trường Đại học trong thời gian ông bị cải tạo, ngăn chặn ông đi làm sau khi ra tù là giám đốc công an thành phố Hải Phòng Trần Đông  Khi bị bắt giữ, ông cũng bị tịch thu hơn nghìn trang bản thảo và sau này không được trả lại . Theo nhà văn Vũ Thư Hiên viết tưởng niệm ông Tấn, thì ông ta không dính líu gì đến chính trị, nhưng bị bắt chỉ vì chơi với ông Hồng Sĩ[ . Từ khi được xóa án, sau hai năm thất nghiệp, Bùi Ngọc Tấn được tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Hoàng Hữu Nhân xếp vào làm nhân viên theo dõi thi đua khen thưởng ở Liên hiệp Xí nghiệp Đánh cá Hạ Long . Trong khoảng thời gian làm công việc này từ 1974 đến 1994, ông trở thành một "người ẩn dật" với văn chương  ngừng viết trong khoảng thời gian 20 năm này  Theo đài RFA, trong thời gian đó "ông không được phép viết lách gì, ngay cả nhật ký cũng thường xuyên bị công an văn hóa xét nhà, lục lọi tịch thu..."
Ông trở lại với bạn đọc qua bài "Nguyên Hồng, thời đã mất" đăng trên tạp chí Cửa biển tại Hải Phòng năm 1993.
Ngày 18/12/2014 ông mất tại nhà con trai mình (anh Bùi Ngọc Hiến) ở Hải Phòng sau một thời gian bị bệnh phổi nặng
Theo con trai ông, tang lễ sẽ được tổ chức vào ngày 20 tháng 12 năm 2014.

Chuyện kể năm 2000

Một quyển sách nổi tiếng của ông và được sự chú ý của quốc tế, đã được dịch ra tiếng Anh, Đức và Pháp (Conte pour les siècles à venir) . Theo tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF), câu chuyện 600 trang về người tù mang tên Tuấn mô tả lại cách “chính quyền Việt Nam trấn áp trí thức”. Chính vì vậy mà "Chuyện kể năm 2000" vừa in tháng Hai năm 2000 thì ngày 16 tháng Ba bộ Văn hóa-Thông tin đã ký quyết định số 395, đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy cuốn này do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành

Tác phẩm

  • Mùa cưới
  • Ngày và đêm trên Vịnh Bái Tử Long, phóng sự
  • Đêm tháng 10
  • Người gác đèn cửa Nam Triệu, truyện ký
  • Nhật ký xi măng
  • Nhằm thẳng quân thù mà bắn
  • Thuyền trưởng, truyện vừa, cuối thập niên 1970 (ký tên Châu Hà)
  • Nguyên Hồng, thời đã mất, 1993

  • Một thời để mất, hồi ký, 1995
  • Một ngày dài đằng đẵng, tập truyện ngắn
  • Những người rách việc, tập truyện ngắn, 1996
  • Chuyện kể năm 2000, tiểu thuyết, 2000
  • Rừng xưa xanh lá, ký chân dung, 2004
  • Kiếp chó, tập truyện ngắn, 2007
  • Biển và chim bói cá, tiểu thuyết, 2008
  • Viết về bè bạn, ký, 2012 (in gộp Rừng xưa xanh lá, Một thời để mất và phụ lục)


Giải thưởng văn chương

Nhận xét

  • Nhà văn Nguyên Ngọc

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và cuốn sách cuối cùng


Cứ về Hải Phòng, dù vội mấy, tôi cũng đến thăm vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Ông bà ở gác 2 ngôi nhà Pháp cổ trong ngõ 10 Điện Biên Phủ. Tôi không quên được cầu thang gỗ đen sờn mà giờ đây, nhà văn chỉ biết tựa vào thành tiễn khách, ngóng ra đường phố cách 40m qua mấy lần tường.

1. Cuộc đời nhọc nhằn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (1934) và vợ Nguyễn Thị Ngọc Bích (1939) đủ để viết vài tiểu thuyết, không phải là tiểu thuyết tự truyện của ông mà là chất liệu cho các nhà văn khác, thậm chí đưa lên màn ảnh bằng phim dài tập. Sau vẻ “nhát”, cả tin, nhạy cảm của họ, là tấm tình đôn hậu với mọi người. Mua thêm được căn phòng 20m2 kế bên của vị hàng xóm cựu công an, ông Tấn mừng vì có 2 ban công trồng cây, hoa cảnh: sim, ngâu, mai chiếu thuỷ, thiết mộc lan, xương rồng,  hồng tú cầu, ngũ gia bì, vạn niên thanh. “Vui lắm, chim về hót, ong rủ nhau hút mật. Hương toả cả vào nhà” - nhà văn hồ hởi.

Ngoài niềm vui giản dị này, thì từng ngày của ông đang chật vật. Tôi đến khi nhà văn vừa khám bệnh về, bất giác, tôi xin phép vợ chồng nhà văn làm cuộc “kiểm kê tài sản”. Ông bà vui vẻ chấp thuận. Căn phòng cũ của ông có  TV Samsung 15 inch cũ, máy tính LG Flaton màn hình phẳng 14 inch kê bên chiếc giường đôi. Phía trên là gác xép, trên nữa là trần nhà tróc vôi. Phòng khách có kê tủ lạnh Panasonic mới. Bà Bích khoe: “Vợ chồng Hải Yến con gái thứ ba, sống ở Sài Gòn từ 1990, vừa ra ăn Tết. Yến chỉ có một con trai 10 tuổi, thỉnh thoảng chúng tôi lại vào thăm con cháu. Yến sắm tủ lạnh cho bố mẹ. Tủ lạnh Toshiba nhỏ, chúng tôi trả lại con cả”. Ông Tấn nói thêm: “Với lại nó cũng biết bố chẳng còn ăn được mấy cái Tết đâu”.
Vội xua tan vẻ bi quan của ông, tôi tiếp tục kiểm kê: Phòng khách có bộ bàn ghế cũ và 5 cái ghế nhựa, tủ gương, tủ sách có cửa kính, ấm chén và phích. Nhà văn chỉ có 1 đôi giày da duy nhất, màu đen, hiệu Freelife. Ông muốn có thêm đôi giày “lười” đi lại đỡ đau chân và được thay đổi, “chỉ cốt thế, chứ cả đời có ăn diện lần nào đâu”.
2. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn công tác tại báo Tiền phong từ tháng 5/1954 tới khi tiếp quản Thủ đô, ông chính thức là phóng viên báo này từ tháng 12/1959 đến tháng 1/1960, sống tại Hà Nội. Sau đó, ông chuyển về báo Hải Phòng, làm việc từ 1960 - 1968. Giai đoạn từ tháng 11/1968 đến tháng 3/1973, gần 4 năm rưỡi ông vướng vào lao lý, chuyện này không “bí mật” gì vì đã gần 30 năm. Khi ra tù hơn 2 năm sau ông mới xin được về Liên hiệp Thuỷ sản Hải Phòng làm chân cán bộ thi đua cho văn phòng, tới lúc về hưu tháng 5/1995. Chỉ có điều, lương hưu của ông chỉ được tính năm từ 5/1975, không tính 14 năm công tác trước khi hoạn nạn, thời điểm về hưu là 160.000 đồng, nay là  1,4 triệu đồng. 
Bà Bích là kế toán Xí nghiệp may xuất khẩu Hải Phòng, từng được cử lên Hà Nội học ĐH Ngoại thương, đang năm thứ hai thì bị gọi về, liên lụy vì chồng mà không được học tiếp. Lương hưu bà Bích hiện lĩnh 1,7 triệu đồng/tháng.
Vẻn vẹn 3,1 triệu đồng cho hai ông bà đau ốm, sao đủ. Nhà tài trợ duy nhất của họ là con gái Hải Yến (nhân viên kế toán), mỗi tháng gửi cho bố mẹ 3 triệu. “Tháng nào phải mua nhiều thuốc men, tôi xin thêm con gái 2 triệu nữa”.
Ông còn hai con trai sống ở Hải Phòng, con cả Ngọc Hiến là kỹ sư công trình, con út Quang Dũng là kỹ sư máy cầu. Họ làm chỉ đủ ăn không đỡ đần được bố mẹ. Vợ chồng nhà văn cứ ấm ức lương hưu bị… tính sai, trong nhiều thua thiệt lưu niên. Rồi ông tự an ủi:  “Bạn bè, kể cả bạn vong niên chết nhiều. Còn sống đến giờ này là lãi rồi”.
3. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn xuất ngoại muộn. Năm 2001, ông xuất ngoại lần đầu, tới Trung Quốc. Năm 2004, đi 5 nước châu Âu, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo trong 2 tháng. Năm 2005, ông được mời sang Mỹ, Nga. Các chuyến bay đều được đài thọ. “May hồi ấy có sức mà đi, giờ thì chịu rồi. Đi xa là lao động cực nhọc, phải xoá các thói quen, thích ứng mọi điều kiện, lúc này tôi không kham nổi” - nhà văn buồn rầu. Bạn bè qua đời vãn cả, còn ông bạn thân - dịch giả Dương Tường mà ông Tấn cũng chẳng mấy khi lên thủ đô thăm được. Ông Tường tuổi 80, gày gò, chịu khó đáp xe khách về thăm, đợt gần nhất là 14 tháng Giêng ÂL, sáng đi chiều về.
Thỉnh thoảng có khách các nơi hay từ nước ngoài về Hải Phòng tới chơi, ông bà mới có dịp hàn huyên. Thành ra hay nhớ kỷ niệm “Mùng 2 Tết năm ngoái, các em tôi yêu quý: nhà báo Ngô Hà Thái, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, ông bạn  nhà văn Châu Diên… cùng xuống nhà tôi. Vui lắm. Lại có thêm vợ chồng nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Thuý Nga ở TP.HCM chơi Hạ Long về ghé thăm”. Ông bà sống tình cảm  và cũng được nhận nhiều tình cảm trìu mến. 
Nếu không quá mệt, nhà văn ngồi máy tính đọc và viết E-mail, xem báo. Sau tập truyện ngắn Người chăn kiến(NXB Hội Nhà văn 2010), ông chưa in gì thêm. Nản vì nhuận bút rẻ mạt lại bị tính gian số lượng, ông chua chát: “Nhà văn vắt tim óc ra, viết thành sách, rồi lại chìa cổ cho đầu nậu cắt tiết”.
Ông khoe với tôi mấy cuốn sách được dịch và in ở Pháp bởi NXB L’ Aube Une vie chien (Cuộc sống của con chó, tập truyện ngắn, 1993) tái bản, được dịch bởi Nguyễn Ngọc Giao, Đặng Trần Phương, Vũ Văn Luân, do Janine Gillon hiệu đính. La mer et lamartin - pêcheur (Biển và chim bói cá, tiểu thuyết 518 trang),10/2011.
Nhà văn đang chỉnh sửa tập hồi ký 600 trang, rút lại thành 400 trang đánh máy: “Cuộc sống của con chó là cuốn sách tập hợp 8 truyện ngắn của tôi ấn hành 3/1990, đánh dấu thời điểm cầm bút viết văn trở lại và sau cuốn hồi ký chủ yếu viết về bè bạn này, tôi sẽ gác bút. Đây là cuốn sách cuối cùng của tôi. Nhưng sẽ khó in vì tôi toàn viết sự thật. Tôi chỉ được bạn bè thương chứ thực tình, tôi nhận mình là nhà văn bị ruồng bỏ”. Ông đưa chiếc điện thoại Nokia đen, loại “cục gạch” nhờ tôi đọc hộ các tin nhắn. Ông chỉ biết nghe và gọi, có tin nhắn phải nhờ con cháu.
Nhìn hai ông bà tóc bơ phờ bạc, khuôn mặt nhàu âu lo, lòng tôi trào niềm thương cảm. Bác Bích muốn tiễn, nhưng trời đã tối, tôi ngăn lại. Chẳng khi nào tôi để bác tiễn mình. Tôi bước chậm bên vỉa hè số chẵn đường Điện Biên Phủ, Hải Phòng, suy nghĩ về vợ chồng nhà văn nghèo hiếu khách lúc nào cũng quý mến giữ người. Chỉ còn lại đôi già tự chăm lo cho nhau trên căn gác ấy. Niềm tự hào cũng là tài sản lớn nhất của họ: Người bạn, sách và tranh. 
Đáng giá nhất trong gia sản của Bùi Ngọc Tấn là tranh chân dung ông, do các HS Lê Đại Chúc, Đỗ Phấn, Đặng Xuân Hoà, Đinh Quân, Tô Chiêm tặng. Cầu cho ông đủ sức khoẻ để hoàn thành tác phẩm đang thành hình, cho đến khi công chúng đón đọc. Thời gian ngặt nghèo, cuộc sống lắm éo le. Ông Tấn sợ không kịp thời gian nên chỉ định làm nốt cuốn này. Trên bệ lò sưởi (không bao giờ sử dụng), bên TV LG 21 inch, tôi thấy chiếc đồng hồ Citizen của ông xước mặt chằng chịt...
Khánh Vi 
Nguồn: TT&VH

Kỷ niệm về chuyến đi cuối cùng với nhà văn Bùi Ngọc Tấn

authorVũ Thị Hải Thứ Năm, ngày 18/12/2014 17:17 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Sau câu nói của tôi, ông bắt tay tôi rất chặt: "Đúng. Anh sẽ lập di chúc. Hôm nay nói chuyện này xong anh như người đã trút được gánh nặng". Tưởng rằng câu chuyện chỉ là nói để đấy. Không ngờ, 10 ngày sau, chúng tôi nhận tin ông vừa đi khám bệnh, phát hiện có khối u ở phổi...


   
Một buổi chiều giữa tháng 5.2014. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn gọi điện: "Hải có rảnh không, anh chị muốn đi Đồ Sơn, thời tiết hôm nay nóng bức, ngột ngạt quá". "Vâng, em qua ngay". Tôi quay xe qua đón hai vợ chồng nhà văn ngay đầu ngõ số 10 Điện Biên Phủ. Vừa ngồi vào xe, ông đã "mặc cả": hôm nay để anh chi đấy nhé. Anh có tiền nhuận bút tái bản 3 tập sách đây rồi.
Tôi ngoan ngoãn vâng dạ để ông yên lòng. Trên đường đi tôi tranh thủ gọi điện cho nhà thơ Vũ Thị Huyền: "Mụ chuẩn bị đi, 10 phút nữa tôi qua đón. Hôm nay bọn mình được anh chị Tấn chiêu đãi. Vui lắm đấy".
 ky niem ve chuyen di cuoi cung voi nha van bui ngoc tan hinh anh 1
Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Đón Huyền lên xe xong, chúng tôi vọt ra Đồ Sơn. Thấy vẫn còn sớm, Đồ Sơn vẫn nắng rực rỡ, tôi cho xe chạy vào tận khu 3, dừng trước cửa khách sạn Vạn Hoa, nơi có thể nhìn sang đảo Dấu với khoảng cách gần nhất. Tất cả xuống xe chụp ảnh. Ảnh rất đẹp vì có ánh nắng chiều tỏa sáng. Trên đường quay ra khu 2, tôi cho xe men theo đường núi, kéo cửa kính để gió biển ùa vào trong xe. Tiếng nhà văn không ngớt xuýt xoa, hít thở luồng gió mát.
Đến nhà hàng quen thuộc, chúng tôi chọn chiếc bàn được kê sát bờ biển, hưởng thụ những cơn gió thổi mạnh từ ngoài khơi. Tôi và Vũ Thị Huyền vô tư cười, nói, trò chuyện cùng vợ chồng ông như nhiều lần đã từng như vậy. Câu chuyện đưa đẩy thế nào tự dưng lại quay sang chủ đề lập di chúc khi còn sống. Tôi có lẽ đã mắc căn bệnh nghề nghiệp rất nặng khi "khuyên" ông một cách rất thành thật: "Anh nên lập di chúc đi. Việc đấy cần phải làm thì làm luôn. Anh có nhiều tài sản vô giá, nhất là liên quan tới việc tái bản các tác phẩm. Nếu anh không làm, sau này xảy ra chuyện, khổ con khổ cháu, thiệt nhất là những đứa ngoan hiền.
Em làm nghề này em biết, nhiều vụ kiện tụng nhau, mất cả tình anh em chú cháu. Em nghĩ cứ lập di chúc trước là văn minh... ". Sau câu nói của tôi, ông bắt tay tôi rất chặt: "Đúng. Anh sẽ lập di chúc. Hôm nay nói chuyện này xong anh như người đã trút được gánh nặng". Tưởng rằng câu chuyện chỉ là nói để đấy. Không ngờ, 10 ngày sau, chúng tôi nhận tin ông vừa đi khám bệnh, phát hiện có khối u ở phổi. Sau này, trong một lần đến thăm ông, trên giường bệnh, ông nói, "Hôm đi Đồ Sơn, anh đã có cảm giác không bình thường".
Hóa ra, cái không bình thường ấy bắt nguồn từ việc năm nay ông "bỗng dưng gặp may" khi cùng lúc  Nhà xuất bản Trẻ tái bản ba tập Biển và Chim bói ca, Viết về bè bạn, Người chăn kiến. Mừng xong, ông lại phấp phỏng lo với suy nghĩ "Sao lại có thể may mắn đến thế. Bỗng nhiên được thế này hẳn phải là điềm gì xấu lắm đây". Nhiều ngày trời, ông đã tự nhát mình với suy nghĩ lo âu, cho đến ngày cảm giác về một cái gì đó rất xấu đang đến khiến ông như ngộp thở và ông đã gọi cho tôi buổi chiều hôm đó.
Chiều 6.12, khi hai đứa em gái là tôi và nhà thơ Vũ Thị Huyền đến thăm, ngay khi mở cửa, người con dâu cả của ông cho biết, hôm nay ông đã yếu lắm, nguy kịch lắm. Ông gần như mê sảng, chỉ nói những câu nói vu vơ về một chốn nào đó từ rất xa xưa trong ký ức. Chúng tôi vội bước lên cầu thang, bước vào gian phòng ông vẫn nằm dưỡng bệnh. Chợt nhìn thấy tôi và Huyền, ông như nhận ra.
 ky niem ve chuyen di cuoi cung voi nha van bui ngoc tan hinh anh 2
Vợ chồng nhà văn Bùi Ngọc Tấn (ngồi), nhà thơ Vũ Thị Huyền
đứng (trái) và tác giả bài viết.
Chúng tôi thấy mừng. Ông vẫn tỉnh táo. Nhưng chỉ vài giây sau, ông đã nói với chúng tôi như những người nào đó trong ký ức của ông. Tinh thần của ông đã phiêu dạt tận đẩu tận đâu. Và ông nhoẻn miệng cười. Cười rất tươi. Khuôn mặt rạng rỡ. Nhưng không phải cười với chúng tôi. Cũng không giống như cười với ai đó, cười vì một điều gì đó.
Tôi mới chỉ bắt gặp những nụ cười như thế ở những đứa trẻ ở những tháng đầu đời mới sinh, nụ cười vô định, mà dân gian thường gọi đó là đang được "mụ dạy".  Huyền cứ lẩm bẩm, "Thua rồi, không thắng được rồi". Tôi lên dây cót cho Huyền, "Ông chịu đựng được đến giờ cũng đã là kiên cường lắm rồi". Bấm đốt ngón tay, kể từ ngày phát hiện khối u quái ác, đến nay đã nửa năm. Thời gian đầu, khi ông và gia đình có ý định đưa ông đi Hà Nội để làm xét nghiệm sinh thiết, tôi đã ngăn cản.
Tôi nói với ông, hãy coi nó là một cái u lành và quên "nó" đi để sống cho thoải mái. Thỉnh thoảng cơ thể mình lại mọc một cái mụn nào đó, khi thì ở chân, ở tay, bây giờ thì ở phổi, có gì mà quan trọng. Ông đã ngoài 80, nếu là lành thì nó sẽ tự khỏi, chẳng phẫu thuật làm gì cho yếu sức, nếu là ác, biết được thì chỉ làm mình "bực mình" thôi. (trong thâm tâm, tôi nghĩ, ông tuổi đã cao, đến bệnh viện phải làm nhiều xét nghiệm như thế, chỉ vượt qua giai đoạn chẩn đoán đã mệt rã rời. Hãy cứ coi đó là một cái u lành.
Đỡ nghĩ ngợi. Nếu là u ác, có xạ trị, có phẫu thuật cũng chẳng đi đến đâu, lại khổ tấm thân già). Thấy tôi phân tích, cười nói rổn rảng, ông cũng phấn chấn lên và từ bỏ ý định đi Hà Nội. Rồi ông vào TP Hồ Chí Minh. Tôi động viên, ông bà cứ đi đây đi đó cho khuây khỏa. Một bạn đọc giới thiệu và mời người chữa khối u cho ông bằng liệu pháp truyền năng lượng. Tôi động viên, "Tốt anh ạ. Nếu không làm nhỏ được khối u, thì nó cũng làm tăng sức khỏe, tăng sức đề kháng cho anh". "Đúng là khỏe hơn hẳn"- ông nói.
Ông tin tưởng và tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của "nhà năng lượng", ở rịt trong đó mấy tháng trời để nhận năng lượng. Thỉnh thoảng lại có người tư vấn đến bệnh viện khám xét, cho đến lần cuối cùng, ông chuẩn bị làm các thủ tục để truyền hóa chất nhưng rồi lại thôi. Rồi ông trở ra Hải Phòng. Tôi lên thăm ông thấy không có điều gì bất thường.
Chỉ hai chân bị đau. Ông vẫn đau như vậy từ nhiều năm nay. Chuyện trò cả buổi, cả chủ lẫn khách đều cười nói vui vẻ. Bẵng đi mươi ngày không đến, hôm đó tới nhà Huyền, Huyền bảo ông Tấn "không ổn" rồi. Tôi vội lấy máy gọi điện cho ông. Giọng ông ở đầu dây rất mệt mỏi, "Anh đau lắm, mệt lắm". Tôi vội vã chạy đến. "Anh đau ở đâu?" "Xương. Nó di căn vào xương rồi.". "Anh đừng nghĩ thế. Anh đau xương hàng chục năm nay chứ có phải bây giờ mới đau đâu." "Nhưng lần này đau khác lắm".
Tôi chẳng biết nói sao, chỉ khuyên ông, nếu đau quá thì đến bác sỹ xin mua mooc-phin để tiêm. Không nên chịu đựng làm gì. Nếu cứ cố, cơn đau hành hạ, không ăn không ngủ được, sức khỏe sẽ suy sụp nhanh lắm. Tôi động viên ông "Anh cứ tiêm đi, không sợ nghiện đâu. Anh có nghiện năm vài năm nữa cũng được. Miễn là không phải chịu đau đớn.
Có khi lại biết cảm giác thế nào là nghiện, lại viết được một cái gì đó cho người nghiện...". Ông cũng gật gù, "Ừ nhỉ, phải tiêm thôi, chẳng tội gì mà phải chịu đau đớn. Nhưng rồi ông vẫn chưa chịu tiêm ngay. Hơn tuần sau, qua thăm, thấy ông suy sụp hẳn và rất đau đớn, ông bảo vẫn chưa tiêm mooc- phin mặc dù đã mua được cả túi thuốc, vì sợ tiêm rồi thì không còn tiêm được gì nữa. Tôi chực ứa nước mắt. Sợ gì chứ, chịu đựng đau đớn chừng ấy ngày, không ăn không ngủ, mất hết cả sinh lực rồi, còn sức đâu mà chống chọi với bệnh tật.
Tiêm đi cho cơ thể đỡ bị đau đớn hành hạ, sống ngày nào khỏe mạnh ngày ấy chứ. Hôm đó, cả nhà thống nhất sẽ tiêm moocphin để giúp ông thoát khỏi đau đớn. Hôm sau tới thăm, ông vừa được tiêm thuốc, đang thiu thiu ngủ. Chúng tôi định lùi ra thì ông gọi. Hôm đó, ông ăn hết được một cái bánh giò Huyền mang tới. Rồi chuyện trò rổn rảng.
Tôi động viên ông cố gắng ăn uống đủ chất, khỏe lên rồi còn thực hiện lời hứa với tôi và Huyền là cho chúng tôi về thăm nhà ông ở quê Câu Tử Ngoại, Hợp Thành, Thủy Nguyên, được thưởng thức gà luộc chấm muối lá chanh- cây chanh ở vườn nhà ông. Ông còn nợ chúng tôi lời hứa đó từ mấy tháng trước. Chúng tôi đúng là luôn muốn được tới nơi đó một lần, nơi ông đã sinh ra, sống những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp như trong những câu chuyện mà ông đã kể qua những trang sách...
Đúng là có những việc tưởng như đơn giản, có thể làm được bất cứ lúc nào, nhưng hóa ra không phải vậy. Lần thăm đó, chúng tôi ngồi chơi lâu, không nỡ rời xa, ông nắm tay tôi rất chặt. Tôi cũng có cảm giác đó là lần cuối cùng ông có thể làm như vậy đối với tôi.
Hôm nay thì ông đã ra đi. Giống như nhà thơ Lê Đại Thanh của Hải Phòng- một nhân vật trong tập hồi ký "Viết về bè bạn", nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã bình thản Trở về với tinh thể sao trời(*), ông đã Xuống ga đời, trả lại vé quê hương (*)
(*) Lời thơ của nhà thơ Lê Đại Thanh.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét