Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

MUÔN NẺO MƯU SINH 23

(ĐC sưu tầm trên NET)
 

'Xóm bụi' giữa lòng thủ đô và những đứa trẻ nghèo


Trẻ em "xóm bụi" lam lũ mưu sinh dưới những đống rác đang cháy dở nhưng không phải vì thế mà ước mơ của chúng cũng lịm dần.

'Xóm bụi' giữa lòng thủ đô và những đứa trẻ nghèo

Trẻ em "xóm bụi" lam lũ mưu sinh dưới những đống rác đang cháy dở nhưng không phải vì thế mà ước mơ của chúng cũng lịm dần.

"Xóm bụi" thuộc tổ 7, phường Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là những chiếc thuyền nằm thu mình dưới chân cầu Long Biên, ven con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Sở dĩ được gọi là "xóm bụi" vì nơi đây tập trung những gia đình tứ xứ, từ khắp nơi đến như Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa... Họ dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, sống tạm bợ qua ngày. Mỗi nhà một hoàn cảnh nhưng họ có điểm chung là nghèo, phải vật vã từng ngày kiếm lối mưu sinh.
'Xom bui' giua long thu do va nhung dua tre ngheo hinh anh 1
Đối với những đứa trẻ này, tết Trung thu là một điều ước xa xỉ
Vật vã mưu sinh ở tuổi đến trường
Gọi là xóm nhưng thực ra chỉ là mấy chiếc thuyền quanh năm suốt tháng lênh đênh trên mặt nước. Nghề nghiệp chính của những người dân "xóm bụi" là nhặt rác ở chợ Long Biên và chài lưới. Những ngày nước lớn, họ lên bờ làm cửu vạn, đứng ở chợ lao động. "Ngày nắng cũng như ngày mưa, những cư dân "xóm bụi" đều phải quần tảo ở chợ Long Biên nhặt nhạnh những thứ mà người khác vứt đi mới mong đủ ăn. Cuộc sống của người dân nơi đây khổ cực trăm bề" - ông Minh, trưởng "xóm bụi" cho biết.
Cả xóm có tất cả 14 gia đình, trong đó có 16 trẻ em đang ở độ tuổi đến trường. Những đứa trẻ nơi đây ngay từ khi vừa tròn 6 tháng tuổi đã được đi theo đến khắp các ngõ ngách, triền sông, bến bãi để "học nghề". Khi lớn lên, khác với những đứa trẻ bình thường, thứ "vắc-xin" mà chúng được "tiêm" vào người là nắng, gió và mùi ngai ngái của rác thải. Và, hành trang vào đời của chúng là những ngày tháng lang thang cùng bố mẹ kiếm sống. Chính vì thế mà những đứa trẻ nơi đây thường lớn hơn so với số tuổi thực của mình. Trẻ con "xóm bụi", 9 đến 10 tuổi đã trở thành lao động trong gia đình. Hàng ngày, chúng tranh thủ dậy sớm để ra chợ đầu mối Long Biên nhặt nhạnh những thứ mà người ta bỏ đi để bán kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Hôm nay, em Hiền, 9 tuổi (con chị Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi, một cư dân "xóm bụi") phải nghỉ làm vì bị đau chân. Nói chuyện với chúng tôi, Hiền kể: "Có những hôm em theo mẹ ra chợ Long Biên từ 2h sáng để nhặt nhạnh những con tôm, con tép rơi vãi từ kho hàng của những người buôn bán thuỷ sản. Đến 6h, em về trước đi học. Mỗi buổi sáng, em và mẹ kiếm được 20.000 đồng". Những ngày đầu đi làm, sáng sớm, thấy hai bóng người lù lù đi vào, bảo vệ chợ Long Biên tưởng trộm đuổi đánh. Lúc biết hai mẹ con Hiền vào nhặt đồ rơi vãi, họ cũng thông cảm và nhắm mắt làm ngơ.
Cô Lĩnh, một người dân thuộc "xóm bụi" nói với giọng buồn tủi: "Nhiều đứa trẻ trong xóm vì bận kiếm miếng cơm manh áo mà không được đi học. Thời gian của chúng dành hết cho việc phụ bố mẹ mưu sinh. Hơn nữa, đối với người dân nơi đây, tiền ăn còn không có nói gì đến tiền đóng học phí. Nhiều đứa đang ở tuổi ăn, tuổi học mà phải lăn lộn trên các ngả đường để làm đánh giầy, bán dép, bán kem, ăn xin...".
Có lẽ thế mà bài học "vỡ lòng" gắn liền với chúng không phải là các bảng chữ cái hay những con số thông thường mà là những buổi tập bơi, tập lặn, tập quăng chài, thả lưới hay học xem nơi nào kiếm được nhiều ve chai… "Lớp học" này dạy chúng cách tồn tại, cách mưu sinh qua ngày. Theo lời chỉ dẫn của chị Lĩnh, tôi đến gặp gia đình anh Tú, quê Vĩnh Phúc. Anh Tú đến "xóm bụi" từ năm 1998. Theo những cư dân trong xóm, đây là gia đình có hoàn cảnh éo le và cũng là "thổ công" của xóm.
Chúng tôi gặp anh Tú trong căn lều méo mó được dựng lên bằng những cây luồng ọp ẹp và những tấm bờ-rô xi măng chắp vá lởm chởm. Trong nhà anh chỉ có mỗi cái giường là có giá nhất. Nó vừa là nơi cho vợ chồng và các con nghỉ ngơi cũng vừa là phòng khách.
Anh Tú cho biết: "Gia đình tôi đến "xóm bụi" từ năm 1998. Tôi vốn bị bệnh phổi nên sức khoẻ yếu, chỉ làm được những việc nhẹ. Đã từ lâu, những việc nặng vợ tôi và ba đứa con gánh vác. Đứa lớn nhất là cháu Mai năm nay mới 12 tuổi". Được biết, năm 2008, gia đình anh Tú đón thêm hai đứa cháu xuống ở cùng vì "bố mẹ chúng đã mất".
Anh Tú tâm sự: "Ăn còn không đủ thì lấy đâu ra tiền cho các cháu đi học. Mỗi sáng ra ngoài đường thấy họ chở con đi học, nghĩ đến con mình đang phải ở nhà nhịn đói, lặn hụp mò cua bắt cá mà ruột gan như thắt lại…".
'Xom bui' giua long thu do va nhung dua tre ngheo hinh anh 2
Những đứa trẻ đang phải đánh vật với cuộc sống mưu sinh
"Trung thu là gì hả mẹ?..."
Cách phố Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân khoảng chừng mấy trăm mét, trái ngược với không khí ồn ào náo nhiệt khi Tết Trung Thu, người dân nơi "xóm bụi" lại rôm rả bởi họ hỏi nhau xem hôm nay nhặt được nhiều rác, đứa trẻ nào trong xóm bắt được nhiều cá nhất. Khi tôi đang trò chuyện với chị Lĩnh hỏi xem nơi đây chuẩn bị Tết Trung thu cho các cháu như thế nào thì cậu bé Việt Anh (8 tuổi) con chị Lĩnh ngơ ngác không hiểu hỏi: "Trung Thu là cái gì hả mẹ?". Chị Lĩnh vội chữa ngượng "Trung Thu là ngày chú Cuội lên cung trăng gặp chị Hằng". Rồi chị quay sang nhìn tôi trả lời: "Trung thu, ai chẳng muốn sắm cho con cái lồng đèn, mua cho chúng quà bánh phá cỗ. Nhưng gia đình tôi nghèo quá. Tiền mua gạo nhiều khi còn không có nói gì đến bánh trung thu. Đi dọc đường, nhìn thấy những ông bố bà mẹ mua quà bánh cho con mà lòng tôi đau nhói".
Ông Bình, tổ trưởng tổ 7 phường Phúc Xá bảo rằng, đời sống của các hộ dân thuộc "xóm bụi" còn nghèo khó lắm. Họ ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì làm sao tổ chức trung thu cho các con em được. Năm nào phường cũng cử người đại diện xuống để thăm nom, tặng quà cho các cháu ở đó khi mỗi dịp trung thu về. Một mâm cỗ trông trăng với bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả và các loại đồ chơi Trung Thu tưởng chừng là niềm hạnh phúc giản đơn và tất yếu với mọi em nhỏ vào dịp rằm tháng 8. Thế nhưng, với những đứa trẻ ở "xóm bụi" thì đây thực sự là một điều khát khao và nó chỉ đến trong mơ ước của các em.
Cuộc sống lam lũ vất vả nơi đây đã cuốn bọn trẻ vào vòng xoáy mưu sinh. Chúng có rất ít thời gian để chơi, để nô đùa, để nghĩ tới Trung thu. Đang ở tuổi ăn, tuổi chơi nhưng chúng lại phải lăn lộn lo toan miếng cơm manh áo. Nhiều khi đi nhặt rác ngang qua phố, bọn chúng đứng hàng giờ đồng hồ ngắm nghía đồ chơi, những chiếc bánh trung thu và cười một mình. Phải chẳng chúng đang ước mơ được cầm những chiếc lồng đèn chạy dưới ánh trăng và được còng bố mẹ phá cỗ trung thu.
Những ước mơ còn dang dở
Trẻ em "xóm bụi" lam lũ mưu sinh dưới những đống rác đang cháy dở nhưng không phải vì thế mà ước mơ của chúng cũng lịm dần như ánh lửa tàn kia. Trong lòng bọn trẻ nơi đây, đứa nào cũng có những điều ước cho riêng mình nhân ngày Trung thu. Đó là những giấc mơ bình dị làm lay động lòng người.
Anh Tú chia sẻ: "Được cái, hiểu hoàn cảnh gia đình nên cũng không đứa nào vòi vĩnh, kêu ca. Chúng không đòi bố mẹ mua đồ chơi". Thấy bố nói thế, bé Mai rụt rè kể về những ngày trung thu mọi năm trước: "Mấy đứa bọn em thường la cà ở phố Hàng Mã xem họ có đánh rơi hay ném đi thứ đồ chơi gì thì nhặt về chơi". Mặc dù mới lên bảy tuổi nhưng Mai không chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Em mong  bố mau chóng khỏi bệnh để có sức khoẻ giúp mẹ bớt đi phần khó nhọc.
Về phần mình, Mai ước được "cắp sách đến trường như cái Lan Anh, cái Huyền, thằng Huỳnh sống ở trên bờ… "Sau này em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo không có tiền đi bệnh viện như nhà chú Học, bác Tâm, bác Lĩnh ở xóm em", Mai nói với chúng tôi trong sự háo hức đến lạ thường. 
Những đứa trẻ "thi gan" với "thuỷ thần"
Rời khỏi "xóm bụi", chúng tôi bị ám ảnh bởi những đứa trẻ mặt đầy bùn đất đang ngụp lặn dưới sông để mò cua bắt ốc. Trên bờ, những cậu bé đen nhẻm đang chờ anh chị mình đánh vật với "thuỷ thần" kiếm đường mưu sinh. Không ai biết được, tương lai của chúng sẽ như thế nào. Liệu chúng đi có theo vết xe của cha, mẹ mình, ngày ngày phải lặn lội ở những bãi rác, hay trên những con thuyền nan phó mặc cuộc đời cho số phận đẩy đưa… 
Theo Người Đưa Tin

Lao động nữ di cư: Gian nan hành trình mưu sinh

19/07/2016 14:19

Cùng với tốc độ phát triển của các đô thị lớn thì dòng người di cư đổ về những nơi này ngày càng tăng, trong đó số đông là lao động nữ. Cuộc sống mưu sinh nơi phố thị đã đem lại cho họ nguồn thu nhập khá hơn, nhưng họ lại phải gồng mình gánh chịu những công việc nặng nhọc, bấp bênh và việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội cũng gặp nhiều khó khăn...

    Nhọc nhằn mưu sinh nơi phố thị
    Hà Nội hiện có khoảng 1 triệu lao động di cư khu vực phi chính thức. Đa số lao động di cư có độ tuổi từ 19 - 30, sống độc thân, chiếm tới 70% là nữ giới. Lang bạt giữa lòng Hà Nội, nơi đất chật người đông, không nhà, không người thân, họ thuê ở trong các  khu nhà trọ nổi tiếng về sự nhếch nhác, tạm bợ, bẩn thỉu như xóm đồng nát trong ngõ 34 Hoàng Cầu (quận Đống Đa); xóm Đồng Bát sau bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); xóm chợ Đồng Xa thuộc phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), hay “xóm tạm” phía sau chợ Long Biên, thuộc Khu dân cư số 2, phường Phúc Xá (quận Ba Đình)…
    Lên Hà Nội kiếm sống đã gần 5 năm, chị Trần Thị Hoà quê ở Bắc Giang cho biết, cuộc sống ở quê khó khăn nên tôi ra Hà Nội làm nghề bán hoa dạo. Nhà có 3 con, làm ruộng không đủ ăn nên tôi phải ra đây kiếm thêm. Buổi sáng, tôi dậy từ 4 giờ lên chợ đầu mối lấy hoa, sau đó về cắt tỉa lại rồi đem đi bán rong tại các tuyến phố. Vào những ngày lễ, hàng bán chạy, cũng kiếm được khoảng 200 nghìn đồng/ngày công. Còn ngày thường, ít khách, chỉ được khoảng hơn 100 nghìn đồng. “Ngày nào cũng như ngày nào, kể cả nắng, mưa cũng phải đi. Ngày thì rong rẻo khắp các phố phường Hà Nội bán hàng đến tối mịt mới về đến nhà trọ. Về đến nơi là tắm rửa và lên giường đi ngủ để còn kịp thức dậy sớm vào ngày hôm sau, chẳng có lúc nào mà xem ti vi.Vì vậy mặc dù sống giữa Thủ đô nhưng tôi chẳng biết thông tin gì hết” - chị Hoà nói.
    Cùng hoàn cảnh với chị Hoà, chị Thanh (Hải Dương) làm cửu vạn ở chợ Long Biên chia sẻ: “Quê tôi vốn thuần nông nhưng do khu công nghiệp lấy đất ruộng sản xuất nên tôi phải lên Hà Nội kiếm việc làm. Đã gần 3 năm nay, tôi làm ở chợ Long Biên, bất kể ngày đêm cứ có ai thuê bốc vác tôi lại làm. Công việc tuy vất vả nhưng nếu làm đều đặn trừ tất mọi chi phí mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm gửi về quê được 6 triệu đồng. Số tiền ấy cũng đủ đóng tiền học cho 3 đứa con. Nếu như ở nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng thì không thể lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học” - chị Thanh tâm tư.
    Chị Nguyễn Thị Minh quê ở Lý Nhân (Hà Nam), thuê trọ ở ven hồ Linh Quang (phường Văn Chương) cho hay: “Dù ở đây đã 7 năm nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc khai báo tạm trú, tạm vắng, cũng như không bao giờ nghĩ đến việc mua BHYT. Mỗi khi thấy trong người mệt thì chỉ nghỉ ngơi vài ngày, uống mấy viên thuốc là xong, tôi cũng chưa bao giờ đến bệnh viện khám. Điều kiện ăn, ở khổ hơn ở nhà nhưng dễ kiếm tiền hơn nên chúng tôi vẫn phải chấp nhận”.
    Lao động nữ di cư: Gian nan hành trình mưu sinh - Ảnh 1Lao động nữ di cư dễ bị tổn thương do khó khăn tiếp cận hệ thống an sinh xã hội.
    Dễ bị tổn thương
    Phụ nữ di cư mang theo những kỳ vọng cải thiện thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng hành trình tìm kiếm cơ hội là một hành trình gian nan. Lao động nữ di cư là đối tượng dễ bị tổn thương tại nơi đến. Lý do là các quyền của họ không được đảm bảo.
    Theo báo cáo nghiên cứu việc tiếp cận chính sách ASXH của người lao động nhập cư  của Tổ chức  ActionAid cho thấy,  lao động nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ lao động di cư có độ tuổi từ 15 đến 29; và 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15 - 19. Mặc dù vậy, hơn một nửa phụ nữ lao động di cư đã có gia đình, chủ yếu là tại nơi xuất cư. Chính vì vậy, có đến 62% phụ nữ lao động di cư đã có con cái và khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến.
    Với đặc thù lao động phổ thông, lao động nữ di cư chủ yếu làm các công việc chân tay, không yêu cầu tay nghề cao hay chuyên môn nghiệp vụ gì đáng kể. Một số lao động nữ di cư được đào tạo tay nghề ngắn hạn tại nơi làm việc nhưng cũng là những hình thức đào tạo rất đơn giản (chỉ dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông).
    Hợp đồng lao động mới được đảm bảo cho dưới 2/3 lao động nữ, số còn lại hoặc không có hợp đồng, hoặc là hợp đồng ngắn hạn. Trong khi đó, công việc của lao động nữ di cư có cường độ cao, và thường thiếu ổn định. Thời gian làm việc trung bình là 9,6 tiếng/ngày, và hầu như không có ngày nghỉ. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập. Tình trạng chậm trả lương, giữ lại lương, phạt tiền lương khá phổ biến. Đáng lo ngại là gần 1/2 số lao động nữ di cư bị mắng chửi tại nơi làm việc, gần 38% bị buộc làm thêm ngoài giờ.
    Gần 80% phụ nữ lao động di cư thuê nhà ở trọ trong nhà tạm, nhà cấp 4 có điều kiện sinh hoạt, vệ sinh tồi tàn. Gần 2/3 số phụ nữ lao động di cư ở trọ nhưng hoàn toàn không có hợp đồng thuê trọ mà chỉ có thỏa thuận miệng. Các chi phí cho sử dụng nước, sử dụng điện đều cao hơn so với mức thông thường. Chất lượng nước sinh hoạt là vấn đề đáng lo ngại. Có đến 90% người lao động nhập cư ở khu vực không chính thức không tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội như y tế (ngoại trừ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi), giáo dục, thông tin, và các hỗ trợ khác...
    Việc chuyển đến một nơi ở mới tạo ra những thách thức cho những người phụ nữ nhập cư trong việc hòa nhập vào môi trường xã hội và cộng đồng xa lạ đối với họ. Nhưng mức độ hòa nhập của phụ nữ với cộng đồng tại nơi cư trú là rất hạn chế. Nữ lao động di cư hầu như không tham gia vào sinh hoạt tổ dân phố, hội phụ nữ, đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn.
    CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

    Mùa biển chết, ngư dân sang Lào vất vả mưu sinh

    Anh Vũ, thông tín viên RFA
    2016-08-28
    Do biển bị nhiễm độc, ngư dân phủ bạt ghe thuyền, nằm bờ không ra khơi. Hình chụp hôm 21/08/2016 tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
    Do biển bị nhiễm độc, ngư dân phủ bạt ghe thuyền, nằm bờ không ra khơi. Hình chụp hôm 21/08/2016 tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
    RFA photo
    Tình trạng biển nhiễm độc ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, đã khiến cho những người sống bám biển ở khu vực trên lâm vào cảnh lao đao vì không có việc làm. Rất nhiều người đã phải tìm đường sang Lào để kiếm kế mưu sinh.
    Cuộc sống hiện tại của họ ra sao, gặp những khó khăn nào và họ có mong ước gì?

    Nguyên nhân

    Hậu quả của việc Formosa Hà Tĩnh xả chất độc gây ô nhiễm vùng biển thuộc 4 tỉnh miền Trung đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những người dân vốn sống bám vào biển. Do tàu thuyền đánh cá phải nằm trên bờ trong nhiều tháng qua, đã khiến hầu hết những người dân ở khu vực này đã lâm vào cảnh không nghề và phải đi làm thuê để kiếm sống.
    Theo báo chí trong nước cho biết, hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên - Huế, có đến 60-70% ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ. Do ảnh hưởng của biển bị nhiễm độc, nên hầu hết ngư dân phải ngừng đánh bắt và phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống.
    Giờ người ở quê đi hết vì quê hương không có việc gì làm hết. Tiền không có, ở quê không có việc làm, biển thì chết, cá bán không có ai mua. Như tôi thì đi Lào tìm việc làm.
    - Anh Thành
    Anh Thành, một người từng làm nghề đi biển ở Huế cho biết, biển độc và cá chết là một thảm họa đã ập xuống đầu các gia đình đang sống bám vào biển như gia đình anh. Theo anh, hiện tại người dân ở 4 tỉnh miền Trung hầu hết đã phải bỏ quê quán để đi làm thuê ở mọi nơi. Từ thủ đô Viêng Chăn, nước Lào anh nói với chúng tôi:
    “Từ ngày biển chết đến giờ, có nhiều người phải qua đây, có nhiều người vào Sài Gòn, qua Mã Lai… Giờ người ở quê đi hết vì quê hương không có việc gì làm hết. Tiền không có, ở quê không có việc làm, biển thì chết, cá bán không có ai mua. Như tôi thì đi Lào tìm việc làm.”
    Ông Sang, một người dân sống bằng nghề đi biển ở Hà Tĩnh cho biết, gia đình ông chỉ biết dựa vào nghề đi biển để kiếm sống. Từ khi biển chết ông và các con không dám đi biển nữa, vì đánh cá về cũng không có ai mua, bởi người dân bây giờ không dám ăn cá biển nữa. Do vậy, mấy đứa con  của ông cũng phải đi xa làm thuê để kiếm sống. Ông tiếp lời:
    “Bây giờ biển chết thì cũng phải kiếm chỗ làm thuê làm mướn gì đấy để người ta kiếm sống qua ngày, chứ bây giờ biết chờ làm sao? Sang Lào cũng để kiếm kế sinh nhai thôi mà.”
    Theo anh Thành, những người dân ở quê anh ngoài nghề đi biển và làm muối thì không còn nghề nghiệp gì khác, vì kế sinh nhai nên đã phải sang đất Lào để kiếm ăn. Ở đây anh và bạn bè phải làm bất kể nghề gì, kể cả lao động nặng nhọc để có tiền nuôi sống bản thân và gửi về giúp đỡ gia đình. Anh bày tỏ:
    “Qua đây thì phải làm tất cả các kiểu, người thì làm phu hồ, thợ mộc, thợ xây, làm phụ… miễn là có tiền để ăn. Bình quân thợ phụ thì 80.000 kip/ngày, còn thợ thì 100.000 kip/ngày.”

    Khó khăn

    Anh Thành cho biết, cuộc sống trên đất khách quê người của những người dân miền biển mới đến Lào cũng hết sức khó khăn, do hoàn cảnh mới lạ, tiếng Lào chưa biết, người quen biết thì không. Nhưng sợ hơn cả là nỗi lo bị cảnh sát bắt, vì không có thẻ lao động nước ngoài. Anh nói:
    ngu-dan-dong-hoi-622.jpg
    Thuyền của ngư dân Đồng Hới RFA
    “Sang Lào có cái khó là tiền đâu để làm thẻ lao động, mới qua chân ướt chân ráo thì phải lo kiếm tiền đã. Cũng có đôi số bị bắt, làm ăn không yên ả lắm đâu. Những người có người quen biết thì dễ dàng, còn một số người khác thì đành phải quay về vì không có chỗ cho họ nương tựa.”
    Chị Phương, một người buôn bán ở khu chợ Sáng, thủ đô Viêng Chăn cho biết, chính sách quản lý lao động Việt Nam đang được chính quyền Lào siết chặt, với mục đích buộc lao động người Việt Nam phải quay về nước. Theo chị Phương, đây là những khó khăn nhất đối với những lao động từ 4 tỉnh miền Trung mới sang. Chị giải thích:
    “Bên Lào bây giờ mới có một quy định mới ra là người lao động Việt sang đây phải làm thẻ lao động, một tháng 300.000 kip. Những người mới sang sẽ gặp khó khăn hơn vì công an thắt chặt hơn, họ kiểm tra, bắt nộp phạt. Còn chuyện lục soát thì không có đâu, vì họ muốn đưa người Việt mình về nước, nếu như không có thẻ lao động ấy họ trục xuất về nước. Khó khăn bên Lào hiện giờ là như vậy đấy.”
    Chị Phương cũng cho biết thêm về nguyên nhân chính sách nói trên của chính quyền Lào, theo chị hiện nay người VN và người Trung Quốc đến Lào làm ăn buôn bán quá đông, khiến cuộc sống của người dân Lào bị đảo lộn. Chị Phương giải thích:
    “Phương châm của Chính phủ Lào bây giờ là đẩy bớt người Việt mình về, vì thế tình hình nói chung ngày càng khó hơn, vì môi trường bên này bây giờ người Tàu họ cũng đã vào rất nhiều.”
    Chúng tôi đã liên lạc tới Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, để tìm hiểu về việc quan tâm và giúp đỡ của nhà nước VN, đối với các đối tượng là người dân thuộc 4 tỉnh miền Trung, sang lao động tại đây. Bà Nguyễn Thị Hà, Tham tán Công sứ, Trưởng phòng Chính trị cho biết:
    Bây giờ chỉ có một mong muốn duy nhất, là làm sao cho biển sạch trở lại để được làm ăn như trước. Biển hết độc để người dân có thể nuôi tôm, nuôi cá.
    - Anh Thành
    “Thực ra mà nói, không chỉ ở thời điểm biển bị nhiễm độc này, bình thường thì bà con VN thường có nhu cầu làm ăn ở các nước láng giềng. Giữa VN và Lào đã có quy định về công dân VN tại Lào, bay giờ cứ tuân thủ theo pháp luật, có đủ giấy tờ, hộ chiếu, giấy phép lao động. Nếu ở lại lao động thì phải tham gia vào công ty sở tại và tuân thủ luật pháp nước sở tại.”
    Khi được hỏi về mong muốn của mình, anh Thành cho biết, gia đình anh nhiều thế hệ đã sống bám biển từ lâu đời nay, vì thế nguyện vọng duy nhất của anh là chính quyền bằng mọi cách phải nhanh chóng trả lại biển sạch cho người dân. Anh bày tỏ:
    “Bây giờ chỉ có một mong muốn duy nhất, là làm sao cho biển sạch trở lại để được làm ăn như trước. Biển hết độc để người dân có thể nuôi tôm, nuôi cá.”
    Tình trạng sang Lào kiếm sống sau mùa biển chết, không chỉ dành riêng cho người lớn. Theo báo Người Việt online cho biết, sau vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung và do thiếu thốn, nghèo đói, nhiều trẻ em ở Thừa Thiên - Huế đã bỏ học, theo người lớn sang Lào để làm thuê. Nguyên nhân để dẫn đến tình trạng các em bé bỏ học theo người thân sang Lào làm ăn, đều là do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, mùa màng thất bát và nhiều em trong số này có cha mẹ làm nghề đánh cá gần bờ trên biển Thuận An, phá Tam Giang.

    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô

    Trong dòng người hối hả về nhà "trốn" rét, vẫn còn đó rất nhiều trẻ em nghèo vẫn phải vật lộn mưu sinh.
    Hà Nội đang hứng chịu đợt rét đậm kéo dài. Cái lạnh dưới 10 độ C khiến người người rét run.
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Với cái lạnh "cắt da cắt thịt", hầu hết các em nhỏ đều được bố mẹ "ủ ấm" kỹ càng
    Nhưng vẫn còn rất nhiều trẻ em lao động nghèo vẫn đang phải vật lộn mưu sinh trong chiếc áo mỏng manh và đôi chân trần.
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Bỏ học giữa chừng, bé Đức 10 tuổi (quê Thanh Hóa) lên Hà Nội bán kẹo cao su dạo giúp đỡ gia đình
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Giữa cái lạnh thấu xương, chỉ với một chiếc áo khoác mỏng, Đức đi khắp các con phố như Hàng Bông, Hàng Điếu, phố Nhà Chung… để bán hàng
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Mới 10 tuổi nhưng bé Quân đã rất thạo nghề rửa xe. Quân cho biết trung bình một ngày em rửa từ 10 – 15 xe máy (ảnh chụp tại Ô chợ Dừa – Đống Đa).
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Bé Nguyễn Thị Định 6 tuổi (quê Thanh Hóa) đi bán kẹo cao su dạo với mẹ
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Không giày, không dép, chỉ với hai chiếc tất cọc cạch, em bước theo mẹ đi qua các con phố dưới cái lạnh cắt da cắt thịt
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Một người mẹ địu đứa con nhỏ đi bán hàng trong cái rét thấu xương
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Giữa đêm đông rét buốt, em Lê Văn Hùng, 16 tuổi (quê Phú Thọ) đang trông xe cho một quán bia trên phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Co ro trông xe cho khách giữa trời đông giá rét
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Nhóm một đống lửa nhỏ sưởi ấm để tiếp tục làm việc
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Trẻ em vật lộn mưu sinh trong giá rét Thủ đô
    Đa số các em đều mặc những chiếc áo khoác rất mỏng, không giày, không tất…
    Theo 24h

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét