Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

MUÔN NẺO MƯU SINH 18

(ĐC sưu tầm trên NET)

Mưu sinh trong đêm mưa Sài Gòn liệu có đáng thương?


Sài Gòn luôn được xem là mảnh đất hứa cho người tứ xứ tới lập nghiệp, nhưng không vì thế mà việc mưu sinh ở đây trở nên nhẹ nhàng, chỉ đơn giản là bớt nhọc nhằn đôi chút bởi dân xứ này thân thiện dễ sống, người xa quê nhiều nên tự nhiên biết yêu thương, đùm bọc nhau mà sống và hơn nữa đất trời quanh năm ôn hòa ít thiên tai.
Sài Gòn đã vào tháng 9 cái nắng đã bớt oi bức hơn, những cơn mưa lớn vào mỗi chiều xua đi cái nóng hầm hập, nước lênh láng mặt đường và hàng người kẹt xe nối dài hàng km như vô tận. Có khi nào giữa những tiếng nổ máy ì è, tiếng còi xe chí chóe hay hàng trăm ánh mắt nhìn thẳng cố gắng nhích lên trước từng chút một mong nhanh chóng về nhà, bạn thử lặng quay người lại phía sau, nhìn qua trái, qua phải để thấy những người bán hàng rong lấy góc đường làm nơi mưu sinh, những người lao động dãi nắng dầm mưa giữa trời kiếm đồng tiền, bát gạo: đâu đó nơi góc đường Điện Biên Phủ bà cụ mù vẫn ngồi dưới cây dù bé tí được bọc bằng vải nylon làm từ áo mưa cũ bán nhưng cây nhang, chị bán sen kiên nhẫn đứng dưới chân cầu Sài Gòn mặc mưa gió mong sao bán được nốt mấy bó sen cuối ngày, bó rau trên xe đẩy của cô bán hàng bị mưa dập nát ấy vậy mà cô chẳng về nhà vẫn ngồi đó như chờ đợi điều gì, gánh xôi chiều nay coi như ế vì ngoài đường ồn ã ai cũng muốn về nhà hơi đâu dừng lại ăn, người công nhân vẫn đội mưa làm việc trên tòa nhà cao tầng đang xây dở…
Giữa những ồn ào của phố thị, giữa bữa cơm nhà và những giấc ngủ say trong chăn ấm là biết bao mảnh đời mà mỗi khoảnh khắc chúng ta bắt gặp đều ẩn chứa một câu chuyện dài…
Cụ bà ngoài 70 tuổi, mắt đã mờ hẳn nhưng vẫn đều đặn ngồi ở ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ (quận 5) bán bông tăm. Trời mưa, người qua đường ngại ngần dừng chân mua hàng. Có người nhìn thấy chép miệng thương cảm: "Bán một gói tăm lời lãi vài trăm đồng, không hiểu cả ngày đêm cụ kiếm được bao nhiêu". Ảnh: Nguyễn Quang
Cụ bà ngoài 70 tuổi, mắt đã mờ hẳn nhưng vẫn đều đặn ngồi ở ngã tư Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Cừ (quận 5) bán bông tăm. Trời mưa, người qua đường ngại ngần dừng chân mua hàng. Có người nhìn thấy chép miệng thương cảm: “Bán một gói tăm lời lãi vài trăm đồng, không hiểu cả ngày đêm cụ kiếm được bao nhiêu”. Ảnh: Nguyễn Quang
Chị bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) ẩn mình dưới tấm nilon nơi phố xá vắng bóng người qua lại. Trời mưa, việc buôn bán trở nên ế ẩm, nỗi lo về cuộc sống mưu sinh của người lao động nghèo thêm nặng nề.  Ảnh: Nguyễn Quang
Chị bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) ẩn mình dưới tấm nilon nơi phố xá vắng bóng người qua lại. Trời mưa, việc buôn bán trở nên ế ẩm, nỗi lo về cuộc sống mưu sinh của người lao động nghèo thêm nặng nề. Ảnh: Nguyễn Quang
Người phụ nữ buôn thúng, bán gánh với tấm áo mưa chỉ đến thắt lưng đi như chạy trong cơn mưa bất chợt.
Hai người bán vé số tàn tật trú mưa dưới hiên cơ quan thuế quận 6 trên đường Hồng Bàng. Không có khách, họ tranh thủ trò chuyện về cuộc sống thường nhật. Người phụ nữ ngậm ngùi, vì tin người mà bà mất nhà cửa, trắng tay ra đường kiếm sống. Ảnh: Nguyễn Quang
Cuối ngày, gia tài của người lượm ve chai ở đường Võ Văn Kiệt (quận 6) chất xiêu vẹo trên chiếc xe đạp cũ.
Cuối ngày, gia tài của người lượm ve chai ở đường Võ Văn Kiệt (quận 6) chất xiêu vẹo trên chiếc xe đạp cũ. Ảnh: Nguyễn Quang
Chị bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) ẩn mình dưới tấm nilon nơi phố xá vắng bóng người qua lại. Trời mưa, việc buôn bán trở nên ế ẩm, nỗi lo về cuộc sống mưu sinh của người lao động nghèo thêm nặng nề.
Chị bán hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) ẩn mình dưới tấm nilon nơi phố xá vắng bóng người qua lại. Trời mưa, việc buôn bán trở nên ế ẩm, nỗi lo về cuộc sống mưu sinh của người lao động nghèo thêm nặng nề. Ảnh: Nguyễn Quang
Dù vô tình hay cố ý ít nhất một lần trong đời ta từng bắt gặp họ đâu đó, họ cũng có thể là cha mẹ người thân của ta. Vậy bạn nghĩ thế nào về họ, không quan tâm, hay đồng cảm, thương hại, thấy họ thật đáng thương và bất hạnh, cuộc sống thật quá đỗi bất công rồi bạn dừng lại chụp một bức hình post lên facebook kèm một vài chia sẻ “Ngày nào cũng thấy bà… tội nghiệp bà quá mà không biết phải làm saohay chẹp miệng “tội thì cũng tội mà thôi cũng kệ rồi đi tiếp”.
Đã là lao động tay chân ắt hẳn sẽ khổ, chỉ có điều vào những ngày mưa khi người ta nghĩ về mái nhà về sự ấm áp, hình ảnh khốn khó của những người mưu sinh giữa đêm mưa mới dễ khiến người ta chạnh lòng hơn tất thảy. Thật ra, mỗi người trên thế giới này đều có những công việc và bổn phận của riêng mình, nhờ cô bán gánh xôi bên đường mà những ngày mưa chẳng may đói lòng chỉ cần ghé qua là có ngay chút ấm áp, người bán vé số, cô bán hàng rong tất cả họ đều là những con người làm ăn chân chính và sống lương thiện và cũng không cầu xin sự thương hại. Vậy phải chăng trong một chiều mưa muộn bắt gặp họ nơi góc đường, ta đừng nhìn họ bằng ánh chua xót, hãy dừng xe một chút mua giúp nắm xôi, mớ hàng bán chưa hết, nói vài câu động viên, nở một nụ cười với chú xe ôm đang nép mình bên hiên hay ít nhất chỉ cần bạn thành tâm cầu mong cho trời ngừng mưa, cho họ bán hết hàng về nhà ăn một bữa cơm dù nguội nhưng ấm áp vì hôm nay đã kiếm. Nhiêu đó là đủ ấm lòng…
Thay vì cảm thấy họ đáng thương hãy thấy họ thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng, những con người ấy không chỉ mang trong mình gắng nặng cơm áo gạo tiền và sự nghèo khó, họ thực sự là biểu hiện cao quý của sự kiên trì và nghị lực bởi mấy ai muốn ra ngoài khi trời mưa hơn nữa còn là làm việc, họ dạy cho bạn tình cha mẹ cao quý hơn hết thảy bởi những người lao động ngoài kia kiếm tiền vì họ một đồng mà vì con mười đồng, họ giúp bạn hiểu thế nào là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”, giúp bạn bớt than vãn và hoài nghi về cuộc sống của mình.
Giờ bạn còn nghĩ những người mưu sinh trong đêm mưa Sài Gòn đáng thương?
Min

Lập nghiệp trên quê mới - Kỳ 1: Mưu sinh cuộc sống

Thứ ba, 22/07/2014 06:10
(AGO) - Rời bỏ nơi sinh ra và lớn lên để lao vào cuộc mưu sinh khắp nơi, An Giang  trở thành mảnh “đất lành” dừng chân của nhiều người ngay từ những ngày đầu khai hoang, mở đất. Vậy là “an cư” rồi “lạc nghiệp”, họ trở thành người địa phương, chí thú làm ăn và góp phần đáng kể cho sự phát triển trên quê hương thứ hai của mình.
90t6PS-1.jpg
Ông Nguyễn Duy Mẫn bên cánh rừng được phủ xanh từ những ngày đầu khởi nghiệp trên đất Bảy Núi.
Dẫn chúng tôi đi gặp các hộ từng là dân tứ xứ về đây sinh sống, ông Trần Thanh Hồng, Phó ban ấp Long Phú (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú) cho biết, từ khi vùng Ô Long Vĩ còn hoang sơ, nước nhiễm phèn, nhiều người từ Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… đã đến đây sinh sống. Sau thời gian lập nghiệp, họ được chính quyền địa phương các cấp công nhận là “công dân” bản địa và an cư cho đến ngày nay. Tùy vào ý chí từng người mà có gia đình khá lên, cất nhà cửa đàng hoàng và nuôi con ăn học tử tế, chỉ số ít còn khó khăn. Sống bằng nghề ruộng là chính nhưng nhờ làm lụng chăm chỉ nên nhiều hộ có kinh tế khá, xuất hiện những nông dân đạt danh hiệu “sản xuất – kinh doanh giỏi” các cấp từ 3 đến 5 năm liền. Tiêu biểu như các ông: Trần Văn Út, Võ Văn Hòa, Phan Văn Vĩnh… ở tận Sóc Trăng đến lập nghiệp. Song song đó, những hộ này cũng đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, chấp hành chủ trương và hưởng ứng các phong trào được phát động.
Chân ướt chân ráo từ Cao Lãnh (Đồng Tháp), vậy mà ngót đã được 22 năm ông Nguyễn Hữu Truyền (78 tuổi) định cư ở quê mới. Ông nói, ở quê nhà làm ăn khó khăn nên gia đình phải di cư qua Kiên Giang “thử vận đổi đời”. Thấy đời sống chưa cải thiện mấy, ảnh hưởng đến chuyện học hành của con cái, ông bàn với vợ dẫn 2 đứa con nhỏ sang Châu Phú mướn đất làm ruộng, sẵn đà kiếm trường lớp cho con theo học. Hồi đó, nước tràn đồng, năm nào cũng dậy phèn, làm lúa “5 ăn, 5 thua” nên cha con ông phải đi giăng câu, giăng lưới để đắp đổi qua ngày. Nhưng, được một điều là đồng Láng Linh trù phú, cá tôm dồi dào, mỗi ngày chịu khó bơi xuồng ra đồng cũng kiếm được cỡ trăm ngàn đồng, hôm nào “trúng” thì kiếm tới vài trăm. “Đất muốn thử lòng người nên cho kế sinh nhai, nhưng mùa nước về nơi đây cũng bị vùi dập trong mưa lũ dữ dội, phải đối mặt với sóng gió, năm nào cũng dời nhà để tránh nước ngập” - ông kể.
Năm 1993, gia đình gồm 8 người của ông Trần Văn Thum từ tỉnh Kiên Giang sang định cư tại ấp Long Thành. Mấy năm đầu từ làm ruộng đến kinh doanh xăng dầu đều bị lỗ lã, phải bán sạch đất, lây lất đến khi có chủ trương làm lúa 2 vụ, ông mới hùn cùng người anh ở xã Đào Hữu Cảnh để kiếm lại vốn. Quyết chí làm ăn, chỉ có nghề làm ruộng nhưng gia đình ông đã vươn lên hộ khá trong ấp, hiện nay có 35.000m2 đất, vừa làm ruộng, vừa cho mướn kiếm thu nhập cuộc sống. Cùng dòng người từ miền Bắc, miền Trung vào Nam theo chủ trương đến vùng kinh tế mới, từ những năm 1979, ông Nguyễn Duy Mẫn (quê Thừa Thiên Huế) bạo dạn lên lập nghiệp trên vùng Bảy Núi (ấp An Hòa, xã An Hảo, Tịnh Biên). Ông không thể nhớ hết những người cùng quê lên đây, chỉ đếm trên đầu ngón tay: Người làm nông, kẻ buôn bán, dạy học, chăn nuôi… Ở dưới đồng bằng đã khó khăn, huống hồ gì dân trên miền núi chỉ sống lác đác vài người, nhưng nghĩ lại hoàn cảnh lúc bấy giờ đi đến đâu cũng khổ cực, mọi người động viên nhau siêng năng sản xuất, chia sẻ ngọt bùi để vượt qua khó khăn.
Nhìn những ngôi nhà khang trang mọc lên điểm tô cho những cánh rừng xanh tươi ở vùng núi, ít ai tưởng tượng nổi thời xưa nơi này chỉ là vùng hoang vu, dân cư thưa thớt, đối diện với thiên nhiên còn thấy sợ, nói chi chuyện làm ăn hay gắn bó lâu dài. Người dân sống chủ yếu dựa vào việc trồng khoai mì, khoai lang và lúa mùa trên đất núi, hơn nữa muốn đi Long Xuyên phải mất một ngày đường nên ai có bệnh nặng coi như “thua”! Ông Nguyễn Duy Mẫn nhớ lại: “Không ít người về đây thời gian ngắn đã vội vàng bỏ đi nơi khác. Số ở lại, dần dần cải tạo đất hoang, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chăn nuôi gia súc gia cầm để cuộc sống vươn lên. Từ ngày vùng này được “đánh thức”, đầu tư phát triển du lịch, khai thác đá xây dựng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và những ngành nghề “ăn theo”, vùng Bảy Núi thay da đổi thịt không ngừng, nhà cửa cất khang trang, ai nấy mới vững bụng về sự lựa chọn của mình. Dân tứ xứ lại tiếp tục đổ về ồ ạt”.
(Còn tiếp)
 Bài, ảnh: MỸ HẠNH

Lập nghiệp trên quê mới - Kỳ 2: Khi đất đáp lại lòng người

Thứ tư, 23/07/2014 06:02
(AGO) - Quyết chí bám trụ ở vùng đất mới, những người đi khai hoang đã biến đổi những điểm họ đặt chân đến thành nơi sinh sôi của sự sống và viết nên những câu chuyện từ "không thành có".
Mướn 4 héc-ta đất để làm lúa, ông Nguyễn Hữu Truyền (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú) dành trọn lo cho 2 con ăn học, còn vài vuông tôm ở Kiên Giang mới là kinh tế chính của gia đình, với tổng thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Sự học cũng lắm gian nan khi trong xã chỉ có vài phòng, dạy từ lớp 1 đến lớp 4, muốn học cao hơn phải qua tận Chi Lăng hay Thạnh Mỹ Tây. Thương đứa con trai học giỏi, lại ý thức tự lập từ sớm nên ông quyết cho con theo trường lớp đến cùng. Đáp lại mong mỏi đó, người con trai của ông đã tốt nghiệp đại học, là thiếu úy làm việc tại Công an tỉnh An Giang; còn cô con út đang là sinh viên Trường trung cấp Y tế An Giang. Năm tháng gắn bó với vùng đất này, cảm mến cái tình, cái nghĩa của người địa phương, ông Truyền lại có thêm mong muốn được đón vợ con về đoàn tụ một nhà. Ông nhớ thuở có tháng chỉ toàn ăn khoai mì, sống ở vùng sâu hẻo lánh dựa vào mấy bài thuốc nam học được để tự đối chọi với điều kiện khó khăn mà giờ đi tới đâu cũng có đường lộ thông thoáng, bà con mần ăn, mua bán dễ dàng, không phải chèo xuồng, ngại sóng gió… Quả là sự chuyển mình rất lớn!
91t6PS.jpg
Trẻ em đi học ở Ô Long Vĩ.
Vào tận "điểm ngọn" của xã Ô Long Vĩ (Châu Phú), dọc theo kinh Cần Thảo, nhà cửa vẫn còn thưa thớt nhưng con đường đã được trải nhựa, cầu sắt, cầu bê tông nối liền các bờ kênh, hai bên ruộng còn trơ gốc rạ mới gặt xong. Hơn 10 năm nay, các hộ sinh sống đã được tập trung vào khu dân cư, có điện, nước đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Bà con nơi đây cho biết, tuy nằm trong vùng sâu, song nhờ đường sá thuận tiện, máy gặt đập liên hợp đã vào được đồng ruộng thay cho lao động chân tay, có cả thương lái đến tận nơi mua lúa. Từ kinh 10 đến kinh 17 được đê bao, không còn ai sống dựa vào nghề đánh bắt cá như trước, bù lại nhiều tiểu vùng sản xuất lúa 2 - 3 vụ/năm, tăng thêm sản lượng và thu nhập cho các hộ. Được chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới, nông dân "vùng trũng" nắm kỹ thuật trồng lúa và các mô hình làm ăn mới không thua bất cứ nơi nào.
Rời quê Cai Lậy (Tiền Giang), tần tảo hơn 20 năm ở ấp Long Thành, xã Ô Long Vĩ, cuối cùng bà Nguyễn Thị Thành (sinh năm 1960) cũng yên lòng khi thấy con cái đều yên bề gia thất, có đất đai sản xuất, việc làm ở thành phố lớn. Nhớ lúc mới về định cư giữa nơi đồng vắng, người thưa, làm lúa 6 tháng chỉ đủ ăn qua mùa nước lên, mỗi bận mưa gió bà chỉ biết ngồi buồn, không dám nghĩ đến ngày mai sẽ ra sao. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, cư dân xa xứ cũng được cấp hộ khẩu, chứng minh Nhân dân, có chỗ ở ổn định nên chỉ lo sản xuất vươn lên, so lại điều kiện mọi mặt đã thay đổi hơn trước 70-80%. Từ khi bao đê làm lúa 3 vụ, kênh rạch mở rộng rửa phèn, đất đai được bồi đắp phù sa, ngoài lúa, nhiều gia đình trồng thêm bắp, ớt, đậu, cà, dưa…, mỗi vụ tăng thêm 8-9 triệu đồng cho gia đình.
Sau thời gian trồng lúa và khoai mì, ông Nguyễn Duy Mẫn (xã An Hảo, Tịnh Biên) khai hoang thêm đất trên núi trồng rừng. Theo chân những người đầu tiên đi mở đất, đồng hương từ các tỉnh Hà Nam Ninh (một tỉnh cũ nằm phía Nam miền Bắc), Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Nội, Huế cũng đổ xô về, phong trào trồng rừng và cây ăn trái phát triển từ năm 1991, phủ kín các ngọn núi. Một số hộ nghĩ đến việc chăn nuôi để tăng gia sản xuất, đồng thời hạn chế việc khai thác rừng, ông Mẫn cũng tham gia cất chuồng nuôi nai, nuôi bò, trồng rẫy và xoài dưới tán rừng, trở thành một trong những trang trại nông - lâm đầu tiên trong xã. Nhiều gia đình nay đã có 3 - 4 thế hệ sinh sống ở Bảy Núi, phát triển nghề kinh doanh, vận tải, cơ khí, nông - lâm - súc sản,… kinh tế khá giả nhất nhì trong vùng. Đáng quý là ngay từ những buổi đầu còn nghèo khó, họ đã ý thức chuyện học nên con cháu sau này đều được học đến đại học, có công ăn việc làm như gia đình ông Lê Văn Khanh, ông Lê Văn Sáu, ông Nguyễn Văn Trọng…
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: MỸ HẠNH

Lập nghiệp trên quê mới - Kỳ cuối: Đất lạ hóa quê hương

Thứ năm, 24/07/2014 05:50
(AGO) - Lúc đầu, họ quan niệm xa quê trước hết vì nhu cầu mưu sinh, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho thế hệ con cái sau này. Khi đời sống đã ổn định, nhiều người không chỉ bén rễ, mà còn bén duyên với miền đất mới, họ lại muốn tiếp tục gắn bó trên mảnh “đất lạ” ngày nào để nuôi thêm nhiều hy vọng tươi đẹp.

92-t5-An-Khang-copy.jpg
Định bụng lo làm ăn cho con cái học hành đến nơi đến chốn sẽ quay về quê sinh sống, nhưng một năm, hai năm, ba năm và cho đến bây giờ thì ông Nguyễn Hữu Truyền (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú) đã nghĩ khác. Ông cảm kích trước tình nghĩa giữa những con người với nhau, tình chòm xóm, láng giềng giúp những người xa xứ như ông cảm thấy ấm lòng, hội đủ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà phát triển. Cùng xuất phát điểm như nhau và có cùng hoàn cảnh nghèo khó nên dân tứ xứ tụ về một nơi để khai hoang, lập nghiệp luôn có tinh thần san sẻ, giúp đỡ qua lại hết mình. Tuy nhiên, lý do để ông Truyền quyết định “cắm sào” ở đây mãi mãi chính là tình nghĩa của những người bản địa. “Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới đây sống, tôi đã cảm nhận được tính cách chung của người An Giang là có rất nhiều người theo đạo Phật, sống tốt bụng, chan hòa và đặc biệt trọng tình nghĩa” - ông Truyền tâm sự. Trước sự đối đãi của những người mến khách, ông Truyền tham gia làm các công việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo, hưởng ứng các chủ trương, phong trào địa phương phát động. Quan niệm ở đâu thích nghi được thì ở đó là quê hương, ông Truyền đã định đến ngày nhắm mắt xuôi tay cũng nguyện ở lại “chốn quê” này.
92-t5-thanh-nhat-copy.jpg
Gia đình ông Nguyễn Hữu Truyền đã tìm được hạnh phúc trên quê hương mới.
Như một nghĩa cử đền đáp cho mảnh đất đã “nở hoa” giúp gia đình mình cũng như vô số người xa xứ khác vượt qua khó khăn, bao năm qua, ông Nguyễn Duy Mẫn (xã An Hảo, Tịnh Biên) đã thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Ông thành lập hẳn một tổ từ thiện mang tên xã, vận động tiền của, vật chất từ khắp các nguồn trong và ngoài tỉnh để giúp đỡ người dân, như: Tặng học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo, sửa chữa trường học, nhà ăn cho trường mẫu giáo, cho đến cất nhà, cấp gạo cho người nghèo, tổ chức các buổi khám bệnh và phát thuốc miễn phí, hỗ trợ các trường hợp khó khăn hoặc bệnh nặng… Gắn bó với rừng xanh, ông còn thường xuyên cùng nhân công đi tuần tra, phát hoang cây rậm, nhắc nhở người dân đi núi để phòng cháy rừng. Sở hữu diện tích rừng khá rộng và nhiều loại cây nhưng ông Mẫn luôn tính toán để chỉ khai thác lợi ích kinh tế từ 20 đến 30%, còn lại dựa vào chăn nuôi, làm rẫy, làm ruộng. Gia đình ông đã có 4 thế hệ sống ở vùng Bảy Núi, mỗi năm ông đưa con cháu trở về Huế để biết về gốc gác của ông bà, song khi đã lập nghiệp thì ai cũng muốn định cư mãi nơi đây.
Thế hệ con, cháu của những người đi mở đất gọi An Giang là quê hương thực sự của mình, bởi họ đã gắn bó suốt thời tuổi thơ, lớn lên cho đến lúc dựng vợ gả chồng. Xóm giềng như người thân, mảnh đất như một phần máu thịt nên nhiều người đi học xa, có được cái nghề vẫn quay về làm ăn ở địa phương hoặc nối nghiệp cha mẹ. Hầu hết người xa xứ đi lập nghiệp đều thuộc diện hộ nghèo, nhờ làm lụng chăm chỉ mới cải thiện được đời sống như hôm nay. Song, họ cũng ý thức rằng, khi con người “nảy nở” mà đất không nở ra thêm thì những đời sau sẽ không còn nối tiếp chuyện khi khai hoang để làm giàu nữa. Điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn trước, trẻ em hiện nay được chú trọng chuyện học hành, đến trường lớp học chữ. “Học cao thì làm được nhiều việc, thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, học ít thì cũng biết tính toán mần ăn với người ta, tìm tòi kỹ thuật mới để làm nông hiệu quả hơn. Giá nào cũng phải học!” - bà Nguyễn Thị Thành ở xã Ô Long Vĩ khẳng định như vậy. Lớp trẻ sau này biết đâu sẽ lại tiếp tục lập nghiệp trên những vùng quê mới khác, tuy không như cách làm của cha ông nhưng chắc chắn sẽ làm giàu, làm đẹp cho mỗi nơi mà họ đặt chân đến.
Bài, ảnh: MỸ HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét