Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Ngày giỗ Tổ


Ngày 6-12-2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lần đầu tiên, một tín ngưỡng thờ Tổ của một dân tộc, một quốc gia được vinh danh. Đây có thể coi là niềm vinh dự, tự hào của con cháu Lạc Hồng. Đứng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng, niềm vinh dự ấy càng trở nên ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn. Trong dòng chảy của thời gian và không gian, hơn bốn nghìn năm đã qua đi, nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Với nhân dân, Hùng Vương vừa là Quốc Tổ, vừa là Thánh Vương, vừa là người lập nước, vừa chăm lo đời sống cho dân. Quốc Tổ Hùng Vương vừa thiêng liêng, lại vừa gần gũi trong lòng các dân tộc Việt Nam. Vua tôi cùng cày cấy để tạo nên nền văn minh lúa nước như hôm nay, luôn cảnh giác chống ngoại xâm để gìn giữ đất nước được yên bình. Đó là ý nghĩa sâu xa để người dân Việt cùng thờ kính chung một Quốc Tổ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vì thế không chỉ bó hẹp trong một địa bàn mà trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của nhân dân khắp từ Bắc chí Nam, của 54 dân tộc anh em, của bà con kiều bào đang sinh sống trên khắp thế giới.

Dân tộc Việt từ thuở lập nước trải qua bao bước thăng trầm, nhưng núi cao, khí phách quật cường, anh em cùng một bọc sinh ra không quản gian lao, cùng đổ mồ hôi xây dựng cơ đồ, chẳng nề hy sinh, góp máu xương giữ bình yên đất nước.

Thành kính tôn thờ công ơn của cha ông đời trước, nhất tâm ứng cầu hòa bình, hạnh phúc tương lai, đồng bào khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, để hào khí Hùng Vương mãi rực sáng.

Tại buổi lễ nhận bằng , Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa, nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn”.

Hằng năm, đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc lại tụ hội lại trên núi Nghĩa Lĩnh tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Hai tiếng “Đồng bào” thiêng liêng và cao quý, nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam đoàn kết một lòng, bước tiếp con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà các Vua Hùng đã có công lập ra, như lời Bác Hồ từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hào khí Hùng Vương nơi đất Tổ thiêng liêng cũng sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để nhân dân Việt Nam bảo tồn, phát huy những giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tương lai.

Với phần lễ nghiêm trang, phần hội hoành tráng, Lễ tôn vinh, đón nhận Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013 đã thể hiện được không gian trang nghiêm của đền Hùng, nơi hội tụ tâm linh của người Việt, thể hiện được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một lòng đồng tâm hiệp sức xây dựng đất nước tươi đẹp mãi ngàn đời sau.
                                                                                                                                                                                                          (Đại chúng sưu tầm trên g+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét