Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

BÍ ẨN LỊCH SỬ 116



(ĐC sưu tầm trên NET)
                                    
       Hé Lộ Sự Thật Về BAO THANH THIÊN Trong Lịch Sử Trung Hoa Khác Xa Phim Ảnh

Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án?

Chủ Nhật, ngày 08/12/2019 19:15 PM (GMT+7)

Bao Công nổi tiếng trên phim ảnh là vị quan thanh liêm, chính trực, đặc biệt đã nhiều lần phá giải được những vụ án ly kỳ, hấp dẫn. Tuy nhiên, sự thật về vị quan này trong lịch sử lại không được như vậy.

Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án? - 1
Bao Công – vị quan nổi tiếng tham liêm, chính trực trong lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Theo Bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, Bao Công (999-1062), tên thật là Bao Chửng. Ông là người ở Hợp Phì, Lư Châu (nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc).
Bao Công sinh trưởng trong một gia đình có dòng dõi quan lại. Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức quan đại phu trong triều. Khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, sống mực thước.
Năm 1027, Bao Công thi đỗ tiến sĩ. Ông được cử đến nhậm chức tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc). Tuy nhiên, do cha mẹ già yếu, Bao Công xin hoãn làm quan để ở nhà chăm sóc.
Sau khi cha mẹ qua đời, ông quay lại làm quan. Bao Công đã trải qua nhiều chức vụ, từ tri huyện Thiên Trường, tri phủ Đoan Châu đến chức Ngự sử…Chức vụ cao nhất mà Bao Công đảm nhận gần cuối đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức phó Tể tướng.
Trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, cũng như điện ảnh, Bao Công được biết đến rộng rãi khi đảm nhận chức vụ Phủ doãn phủ Khai Phong. Phủ Khai Phong hay còn có tên gọi khác là Biện Lương, là kinh đô của nhà Bắc Tống. Tuy nhiên, trên thực tế, Bao Công chỉ giữ chức vụ này trong một năm ngắn ngủi.

Trong thời gian Bao Công giữ vị trí phủ doãn, tình hình an ninh của phủ Khai Phong được cải thiện rất nhiều. Cũng vì vậy mà không có bất kỳ vụ án lớn nào được ông phá giải trong suốt một năm này.
Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án? - 2
Bao Công chỉ giữ chức Phủ doãn phủ Khai Phong trong vỏn vẹn một năm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Về khả năng phá án của Bao Công, theo cuốn “Lịch sử Trung Quốc 5000 năm”, khi còn giữ chức tri huyện Thiên Trường, Bao Công từng xử lý một vụ án khá thú vị:
Một người nông dân ban đêm nhốt bò trong chuồng, đến sáng sớm đã thấy bò nằm dưới đất, trong miệng đầy máu vì lưỡi bị cắt đứt. Người này lập tức đến báo án. Bao Công nghe rõ sự tình, nhưng không phái người tới điều tra, chỉ nói: “Ngươi hãy khoan làm ầm ĩ việc này. Hãy trở về làm thịt con bò đó rồi nói sau”.
Người nông ban đầu còn e ngại, vì bấy giờ luật pháp nhà Tống có quy định, không được giết trâu, bò cày, để đảm bảo sức kéo nông nghiệp. Suy đi tính lại, con bò đã bị cắt lưỡi thì chẳng thể sống nữa, mà quan đã cho phép thì cũng không sợ bị phạt, người nông dân trở về giết bò, đem thịt ra chợ bán.
Quả nhiên ngay ngày hôm sau, có người hàng xóm đến nha huyện tố cáo tội tự ý giết bò cày. Bao Công gọi kẻ tố cáo vào, đập bàn quát lớn: “Tên này thật to gan, ngươi cắt lưỡi bò của người ta rồi còn dám tới đây tố giác sao?”
Kẻ tố giác sợ hãi, ngây người ra không cãi được, vội dập dầu nhận tội. Từ đó, Bao Công nổi tiếng về tài xử án. Tuy nhiên, những vụ án ông điều tra, xét xử khi còn là tri huyện, chỉ là những vụ nhỏ lẻ, trộm gà bắt chó.
Vụ án lớn nhất mà Bao Công từng trực tiếp xử lý, là vụ Lãnh Thanh giả mạo hoàng tử. Theo Tống sử, vào năm Hoàng Hựu thứ hai (năm 1050), tại kinh thành xuất hiện một kẻ có tên là Lãnh Thanh, cùng với một đạo sĩ, tên Cao Kế An, đi đến đâu cũng tự rêu rao mình là con trai thất lạc của hoàng đế Tống Nhân Tông.
Theo lời Lãnh Thanh, hắn là con trai của một cung nữ trong cung, tên Vương Thị. Vương Thị đã từng được hầu hạ hoàng đế, nhưng vì sau đó trong cung xảy ra hỏa hoạn nên nhiều cung nữ bị đuổi. Bà phải về quê và lúc này mới phát hiện mình đã mang thai.
Đến khi Lãnh Thanh trưởng thành, được mẹ nói rõ thân phận, lại đưa ra một dải lụa do vua ban, gọi là “Long Phụng tú” để chứng minh.
Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án? - 3
Vụ án lớn duy nhất Bao Công từng điều tra là vụ giả mạo làm hoàng tử (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Phủ doãn phủ Khai Phong khi đó là Tiền Minh Dật, cho gọi Lãnh Thanh đến tra hỏi, nhưng không cách nào làm rõ được chân tướng. Thậm chí, còn bị Lãnh Thanh dọa cho sợ mất vía, phải cúi mình thi lễ với hắn.
Tống Nhân Tông vốn là một ông vua hiếm muộn, nghe được tin này cũng trở nên mất bình tĩnh, muốn triệu ngay Lãnh Thanh vào cung gặp mặt. Quần thần khuyên can mãi, ông ta mới cho gọi Bao Công, lúc này đang giữ chức Trưởng quản Tri gián viện, đến điều tra vụ việc.
Bao Công trước hết cho thuộc hạ giả làm kẻ ăn chơi du đãng, kết bạn với Lãnh Thanh, ngày đêm ca hát chè chén để thăm dò tin tức. Ông cũng cho triệu Vương Thị đến kinh thành, tra rõ đầu đuôi, biết được Lãnh Thanh từ nhỏ vốn là kẻ ăn chơi, lêu lổng.
Ngoài Lãnh Thanh, Vương Thị còn sinh được một cô con gái. Bà ta đúng từng là cung nữ trong cung, còn tấm lụa “Long Phụng tú”, là do Lãnh Thanh tự ý lấy đi.
Bao Công nắm rõ sự tình, mới cho gọi Lãnh Thanh đến tra hỏi cặn kẽ: “Mẹ ngươi đúng là từng ở trong cung, nhưng ngươi rõ ràng là có một chị gái, sao chị ngươi không xưng là công chúa, mà ngươi lại dám nhận là hoàng tử?”.
Lãnh Thanh cứng họng, đành phải nhận tội. Hắn khai tên đạo sĩ Cao Kế An thấy mình khôi ngô, tuấn tú, cử chỉ khoáng đạt, trong nhà lại có tấm lụa vua ban nên lập kế bày ra một trò đại bịp. Nếu trót lọt, Lãnh Thanh sẽ lên làm hoàng đế, còn Cao Kế An dĩ nhiên nhận chức Quốc sư. Hai kẻ này về sau đều bị xử chém.
Có thể thấy, những vụ án mà Bao Công xử lý không nhiều và cũng không nằm trong thời gian làm việc tại phủ Khai Phong. Ông nổi tiếng trong sử sách là một vị quan thanh liêm, chính trực, hơn là một kỳ tài phá án.
Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án? - 4
Phủ Khai Phong nơi Bao Công làm việc (ảnh minh họa)
Khi Bao Công giữ chức tri phủ Đoan Châu (nay là thành phố Triệu Khánh, Trung Quốc), nơi đây vốn nổi tiếng với nghề làm nghiên mực. Hằng năm, quan địa phương phải nộp một số nghiên mực loại tốt nhất cho triều đình sử dụng.
Các quan tri phủ trước đó, thường nâng khống số nghiên mực phải nộp lên hàng chục lần, sau đó bớt xén để lấy tiền chi tiêu hoặc lấy nghiên mực thượng hạng lên biếu quan trên. Bao Công làm tri phủ Đoan Châu gần 5 năm, chỉ thu đủ số, không hề lấy riêng một nghiên mực nào.
Bao Công đến nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong, quyết tâm chỉnh đốn trị an kinh thành. Theo quy định của nhà Tống, người dân muốn đến cáo giác ở nha môn thì không được tố cáo miệng.
Trước tiên, họ phải thuê người viết đơn, sau đó, lại nhờ đám thư lại chuyển đơn lên tri phủ. Bọn thư lại vì vậy tha hồ hạch sách, đòi tiền, nhũng nhiễu người dân.
Bao Công kiên quyết bài trừ tệ nạn này. Ông cho đặt một cái trống lớn ở cổng phủ, ai muốn tố cáo thì trực tiếp đến đánh trống là được xét xử, không cần thu đơn từ. Các vụ kiện liên quan đến những kẻ quan lại, quyền quý, vì vậy dồn đến nhiều như mây nước.
Bao Công cũng là người có công lớn trong việc trị thủy ở Khai Phong. Năm Diên Hựu nhứ nhất (năm 1056), thành Khai Phong có lũ lớn.
Nước từ con sông Huệ Dân chảy giữa Khai Phong đột nhiên dâng ngập một nửa kinh thành. Nguyên nhân là do đám quan lại lợi dụng chức quyền, lấn chiếm đất hai bên bờ để xây cất nhà cửa, vườn tược, làm cho diện tích lòng sông bị thu hẹp, nước không thoát nhanh được.
Bao Công cho rà soát lại toàn bộ những giấy tờ đất đai của bọn quan lại hai bên bờ sông, phát hiện toàn bộ đều là giả mạo. Ông lập tức tâu lên hoàng đế, cho phá hết nhà cửa, hoa viên lấn chiếm và bắt bọn quan lại phải bỏ tiền ra khơi thông dòng sông rộng như cũ. Nhân dân khắp kinh thành vì vậy đều ca ngợi, gọi Bao Công là Bao Thanh Thiên.
Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án? - 5
Bộ ba đao trảm đầu của Bao Công (ảnh minh họa)
Tống sử chép, Bao Công khi giữ chức Ngự sử - chức quan có nhiệm vụ can gián, giám sát quan lại trong triều, cũng nổi tiếng là người cương trực. Trước sự tố cáo của ông, đã có hơn 30 quan lại bị bãi chức, đặc biệt là vụ việc của Trương Nghiêu Tá. Hắn ta là bác ruột của Trương Quý Phi, người được hoàng đế vô cùng sủng ái.
Trương Nghiêu Tá vốn không có tài cán gì, nhưng lại được giữ những chức quan rất quan trọng trong triều. Khi Tống Nhân Tông muốn phong cho hắn làm chức Tuyên huy Sứ (chức quan lớn cai quản một lúc nhiều đơn vị hành chính cấp phủ), Bao Công đã bền bỉ dâng tấu phản đối 3 ngày liền.
Tống Nhân Tông vô cùng bực tức, tiếp tục phong Trương Nghiêu Tá lên làm Tuyên huy sứ. Bao Công cũng không nhượng bộ, trực tiếp lý luận với hoàng đế ngay trong triều. Bao Công tranh cãi quyết liệt, nước miếng bắn cả vào người vua.
Về đến hậu cung, Tống Nhân Tông tức giận mắng Trương Quý Phi: “Bao Chửng tranh luận, nhổ thẳng nước bọt vào mặt ta, nàng chỉ lo đến cái chức tuyên huy sứ, lẽ nào không biết đến Ngự sử Bao Chửng?”
Trước sự can ngăn quyết liệt của Bao Công, Trương Nghiêu Tá không được thăng chức. Tống Nhân Tông về sau cũng không nghe lời Trương Quý Phi mà phong thưởng quá cao cho người nhà nữa. Tuy vậy, Bao Công cũng bị giáng chức, đi Hà Bắc làm quan vận chuyển vật liệu cho triều đình.
Sự thật lịch sử: Bao Công có phải là kỳ tài phá án? - 6
Bao Công được người đời sau vô cùng kính phục bởi sự thanh liêm, chính trực  (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Theo Tống sử, phần “Bao Chửng truyện” viết: “Chửng tính không a dua bè phái, chưa từng sửa nét mặt để làm vừa lòng người khác. Bình sinh không chút riêng tư, dù bà con thân thuộc cũng không gặp mặt. Y phục, đồ dùng, ăn uống lúc hiển quý vẫn như lúc áo vải”.
Trước khi qua đời, Bao Công đã để lại di huấn cho con cháu rằng: “Con cháu đời sau làm quan lại, ai phạm phải tội tham ô hối lộ thì không được về đất tổ. Sau khi kẻ đó chết, cũng không được chôn trong khu mộ dòng tộc. Nếu không làm theo tâm ý của ta, thì không phải con cháu hậu duệ của ta”.
Bao Công còn sai con trai khắc lời răn này lên bia đá dựng trong nhà, để cho con cháu các đời sau noi theo.
Nguồn: http://danviet.vn/the-gioi/su-that-lich-su-bao-cong-co-phai-la-ky-tai-pha-an-1039508.html
Sang tận Đức tìm Hitler nói chuyện phải quấy, Winston Churchill gặp hậu quả thế nào?
Vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh đã có lần tức tốc sang nước Đức, đòi “phân phải trái” với Hitler, nhưng cái...

Theo Vương Nam (Dân Việt)


Phong cách ăn chơi, vung tiền bạt mạng của vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh

Thứ Hai, ngày 09/12/2019 01:00 AM (GMT+7)

Churchill được người Anh kính trọng và nể phục bởi tinh thần không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ địch và dường như ông cũng áp dụng nguyên tắc tương tự trong vấn đề tiền bạc, khi không bao giờ… chịu trả nợ.

Phong cách ăn chơi, vung tiền bạt mạng của vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh - 1
Winston Churchill – vị Thủ tướng vĩ đại nước Anh, nợ như "chúa chổm" (ảnh minh họa)
Churchill là một con nợ siêu lớn, với lối tiêu xài phung phí, nghiện chơi cờ bạc và chứng khoán. Không ít lần, gia đình, bạn bè và những nhà tài trợ phải xuất hầu bao trả nợ giúp ông.
David Lough, là người thường xuyên tư vấn tài chính cho những gia đình khá giả tại Anh vào những năm 1930. Ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Không còn sâm panh, Churchill và tiền bạc”. Trong tác phẩm của mình, David Lough viết:
“Sau khi xem các bản sao kê ngân hàng, hóa đơn thuế và các khoản đầu tư của Churchill, tôi chưa từng thấy ai nợ nần vì đánh bạc nhiều như ông ta.”
Năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, Churchill mất chức Bộ trưởng Tài chính. Ông dành nhiều thời gian để viết sách, làm báo và kiếm được khá nhiều tiền.
Churchill đã thực hiện một chuyến đi đến Bắc Mỹ để quảng bá cho cuốn sách mới mang tên “Khủng hoảng thế giới”. Tại đây, ông bị cuốn hút bởi cách làm giàu nhanh chóng bằng việc đầu tư vào chứng khoán, mặc dù chẳng hiểu biết mấy về lĩnh vực này.

Churchill đã vung hàng chục nghìn đô la mua cổ phiếu của các công ty dầu mỏ, khí đốt tại Mỹ và Canada. Ông thậm chí còn ba hoa với vợ rằng, mình có thể kiếm được 50.000 bảng chỉ trong một tuần.
“Ở khách sạn nào cũng có sàn giao dịch cổ phiếu. Người ta đi, ngồi và xem các con số thay đổi từng phút”, Churchill viết cho vợ.
Phong cách ăn chơi, vung tiền bạt mạng của vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh - 2
Churchill là một con nghiện cổ phiếu, dù chẳng hiểu biết về lĩnh vực này (ảnh minh họa)
Churchill bị ám ảnh bởi cổ phiếu đến nỗi, những người môi giới còn phải tỏ ra lo ngại và cảnh báo ông: “Thị trường đang rất khó khăn. Cần thanh lý cổ phiếu gấp. Sẽ chờ điện của ông.”
Tuy nhiên, Churchill đã say mê cổ phiếu tới mức mất kiểm soát và phớt lờ mọi lời cảnh báo. Ông cố ôm cổ phiếu trong suốt thời gian dài và thua lỗ nặng.
Tổng cộng, Churchill đã ném vào thị trường chứng khoán 4 triệu bảng Anh, theo thời giá hiện nay. Đến tháng 10.1929, ông mất trắng và ôm về khoản nợ một triệu bảng Anh.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán là không thể tránh khỏi, nhưng có lẽ, chỉ mình “con nghiện cổ phiếu” Churchill là không đủ lý trí để nhận ra vấn đề này.
Năm 1930, tổng các khoản nợ của Churchill đã lên tới 2,5 triệu bảng Anh, theo thời giá hiện nay. Nỗ lực thanh toán nợ nần của Churchill gần như rơi vào tuyệt vọng.
Ông vay tiền từ mọi chỗ có thể, ngân hàng, gia đình, bạn bè, chủ tòa soạn… Churchill thậm chí còn cố gắng chuyển những tài sản còn lại của mình sang cho các con để tránh bị tịch thu và đóng thuế.
Năm 1931, Churchill còn cố tình chơi xấu, khi mua bảo hiểm cho một chuyến đi quảng bá sách ở Mỹ. Sau đó, ông lấy cớ sắp diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Anh để hủy chuyến đi và đòi về khoản bồi thường 5.000 bảng Anh.
Đến khi cuộc bầu cử sắp diễn ra, Churchill lại sang Mỹ và bị xe tông.
Phong cách ăn chơi, vung tiền bạt mạng của vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh - 3
Ngập trong nợ nần, Churchill kiếm tiền bất chấp (ảnh minh họa)
Ngay cả vụ tai nạn này cũng được ông tận dụng để kiếm tiền. Churchill viết bài về vụ tai nạn, gửi cho các báo và đút túi 600 bảng. Sau đó, ông giả mạo rằng mình hoàn toàn bị tàn tật, không thể lao động và đòi bảo hiểm y tế bồi thường một khoản lớn.
Khi trở về Anh, Churchill được 14 người bạn của mình góp tiền mua tặng một chiếc xe hơi.
Tuy nhiên, kể cả khi đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất như vậy, Churchill vẫn không chịu từ bỏ lối sống xa hoa. Ông nổi tiếng là người thích uống các loại rượu thượng hạng.
Rothermere – ông trùm báo chí Anh và cũng là người bạn thân của Churchill, vì muốn cai rượu cho bạn, đã cược 600 bảng Anh nếu Churchill không uống rượu Brandy hoặc rượu mạnh nguyên chất, trong một năm. Churchill nhận lời cá cược và khoe với vợ rằng, tiền thắng cược thì không phải đóng thuế.
Rothermere tiếp tục đưa ra một lời cá cược khác, 2.000 bảng cho việc Churchill sẽ không đụng tới một giọt rượu nào trong vòng một năm. Churchill đã từ chối lời đề nghị hấp dẫn này và giải thích: “Vì cuộc sống như vậy thật không đáng sống”.
Năm 1936, khi bị công ty bán rượu Randolph Payne & Sons đòi 900 bảng tiền mua rượu chịu, Churchill đã kiểm tra lại hóa đơn và hài lòng khi thấy số nợ thậm chí còn cao hơn, 920 bảng.
Phong cách ăn chơi, vung tiền bạt mạng của vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh - 4
Vị thủ tướng Anh mê nhất là uống rượu thượng hạng và hút xì gà (ảnh minh họa)
Tháng 2.1949, Churchill mời các vị khách đến thăm tư dinh của mình tại Chartwell (Anh), họ đã uống hết tổng cộng 454 chai sâm panh, 311 chai rượu vang, 69 chai rượu Port, 58 chai rượu mạnh, 58 chai rượu vàng, 56 chai Whisky Black Label.
Khi Churchill qua đời, nhà sản xuất rượu Odette Pol-Roger nổi tiếng ở Pháp, đã quấn băng đen lên tất cả các chai rượu sâm panh của hãng này để tưởng niệm. Tên của ông còn được đặt cho nhiều quán rượu tại Anh. Thậm chí, có cả một loại rượu vang mang tên Churchill.
Churchill nghiện xì gà nặng. Mỗi ngày ông hút cả chục điếu xì gà, nhiều đến nỗi, cơ quan tình báo Anh còn từng phải mở chiến dịch “An ninh cho những điếu xì gà cho Thủ tướng”.
Thói quen vung tay quá trán của Churchill đã có từ khi còn nhỏ. Năm 1894, trong bức thư gửi cho con trai mình, mẹ của Churchill - bà Jennie Jerome viết:
“Sáng nay mẹ đến ngân hàng Cox và thấy rằng con không chỉ lấy trước toàn bộ số tiền trợ cấp cho ba tháng còn cộng thêm 45 bảng. Viên giám đốc đã cảnh báo con rằng họ sẽ không cho phép con rút quá số tiền gửi.
Thật đáng xấu hổ khi biết rằng con đang phụ thuộc vào mẹ và mẹ đã cho con khoản trợ cấp lớn nhất mà mình có thể cho, hơn cả khả năng xoay xở của mẹ.”
Đáp lại, Churchill viết:
“Nói một cách thẳng thắn về chủ đề này, chắc chắn cả con và mẹ đều thiếu suy nghĩ, hoang phí và xa hoa như nhau. Con thông cảm với lối tiêu xài phung phí của mẹ (thậm chí còn nhiều hơn con)… Và dù sao, con cũng cảm thấy mẹ phải có cái váy dạ hội và con cần có con ngựa để chơi Polo.”
Phong cách ăn chơi, vung tiền bạt mạng của vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh - 5
Trong cơn túng quẫn, Churchill may mắn được nhà tài trợ Henry cứu giúp (ảnh minh họa)
Churchil là một con nghiện cờ bạc. Trong 12 lần đi nghỉ ở Pháp trong suốt cuộc đời, ông đánh bạc đủ 12 lần và chỉ thắng một lần. Đỉnh điểm là trong một kỳ nghỉ ngắn ở sòng bạc tại thành phố Cannes (Pháp) năm 1936, Churchil đã thua tới 50.000 bảng Anh.
Trong cơn túng quẫn, Churchill phải nhờ người bạn là Bracken, chủ tòa soạn The Economist, cứu giúp.
Bracken đã liên hệ với đối tác làm ăn của mình là nhà tài phiệt Henry, cực kỳ giàu có, can thiệp. Henry là người rất ngưỡng mộ Churchill. Ông cho rằng, Churchill là chính trị gia có tầm nhìn, có đủ năng lực và dũng cảm để chống lại mối đe dọa của Đức Quốc xã.
Nếu Churchill là vị cứu tinh của châu Âu thì Henry chính là vị cứu tinh về tiền bạc cho Churchill. Ông đã không ngần ngại trả 12.000 bảng tiền nợ bạc cho Churchill.
Tháng 6.1940, Thủ tướng Churchill lại bị ngân hàng Lloyd gửi tối hậu thư, yêu cầu trả 5.602 bảng, lãi của khoản tiền đã rút quá, Henry lại xuất hiện với tấm séc 5.000 bảng. Henry mất năm 1943, để lại cho Churchill 20.000 bảng và bản di chúc xóa nợ cho vị Thủ tướng Anh.
Không rõ liệu cuối cùng Churchill có trả được hết tất cả các khoản nợ hay không. Tuy nhiên, về những năm gần cuối đời, nhờ vào những khoản thu nhập từ việc viết sách, các giải thưởng, đặc biệt là giải Nobel văn học, lương của Thủ tướng và tiền từ các nhà tài trợ… cuộc sống của Churchill đã ổn định hơn phần nào.
Nguồn: http://danviet.vn/the-gioi/phong-cach-an-choi-vung-tien-bat-mang-cua-vi-thu-tuong-vi-dai-nhat-nu...

Theo Vương Nam (Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét