Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

TRÀ DƯ TỬU HẬU 16/a1


Khoa học vũ trụ, con người và các hành tinh được hình thành từ hạt bụi vũ trụ

-Khi chân lý còn mang giày, lời nói hoang đường đã chạy tới hơn nửa phần của thế giới.
Mark Twain 
-Giá trị của con người hoàn toàn không quyết định bởi việc có nắm được chân lý hay không hoặc tự cho là chân lý ở trong lòng bàn tay, mà điều quyết định giá trị của con người là tinh thần hăng say mưu cầu chân lý không mệt mỏi. 
 Lessing 
-Có những chân lý tầm thường và có những chân lý lớn lao. Đối lập với chân lý tầm thường là hoàn toàn sai lầm. Đối lập với chân lý lớn lao cũng là chân lý.
Niels Bohr 
   
-Mỗi thành công vĩ đại trong khoa học đều bắt nguồn từ trí tưởng tượng hết sức táo bạo.
 G.Duy

-Trải nghiệm tươi đẹp nhất mà chúng ta có chính là những điều huyền bí. Nó là cảm xúc cơ bản đứng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Những ai không biết nó và cũng chẳng còn tự hỏi, chẳng còn lấy làm ngạc nhiên, thì cũng bằng như đã chết, và mắt họ đã bị mờ đi.
Albert Einstein  

-Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức. Kiến thức thì hạn chế. Trí tưởng tượng lại bao quanh cả thế giới. 
Albert Einstein 

-Người lớn bình thường không bao giờ nghĩ về các vấn đề thời gian-không gian… Tôi, trái lại, phát triển quá chậm đến mức tôi không hề thắc mắc về thời gian và không gian cho đến khi đã trưởng thành. Nên sau này tôi đào sâu nghiên cứu vào vấn đề này nhiều hơn bất kỳ một người lớn hay đứa trẻ nào  
Albert Einstein 

-Có một điều mà tôi đã học được trong cả cuộc đời: Rằng khoa học của chúng ta, khi đem đo lường với thực tại, là rất thô sơ và ngô nghê – nhưng nó lại là điều quý giá nhất mà chúng ta có
Albert Einstein 

- Nếu bạn là một người thực sự theo đuổi tìm kiếm chân lý, thì ít nhất có một lần trong đời bạn phải nghi ngờ mọi thứ, hết mức có thể   
René Descartes

-Tri thức của chúng ta là ảnh ảo lùi dần trong sa mạc của sự ngu dốt đương mở rộng.
Will Durant
 
-Chúng ta đang ở đây, lúc này. Xa hơn thế, tất cả tri thức của con người đều chỉ là ảo mộng.
Henry Louis Mencken 

-Con người không thể tưởng tượng ra được Hư Vô.
NTT

 
Chuyện 16: SỰ THỰC KHÁCH QUAN
1/chọn đề tài


Vợ tôi, không khuyến khích nhưng cũng chẳng cản tôi nhậu. Thậm chí, đôi khi còn làm đồ nhậu úy lạo cho tôi nữa.
Hôm nay thứ bảy, được nghỉ làm, con gái và vợ tôi tổ chức làm bữa bún thịt nướng đãi cả gia đình. Bún thịt nướng, và cả chả giò nữa, là món ăn tôi rất thích. Sực nhớ chiều có độ nhậu bên nhà ông A, tôi xin vợ: "Cho tôi mấy cái chả giò với thịt nướng chiều nhậu coi!". Vợ nhìn tôi cười cười: "Biết ngay mà! Làm sao cho thoát khỏi ông!".
Chiều, tưởng ít, hóa ra vợ tôi để cho tôi một đĩa to vừa thịt nướng, vừa chả giò đầy ú ụ, một chén nước chấm và một thố rau sống. Tôi liền mang sang nhà ông A.

                                              ***
Ông A đã bày sẵn bàn nhậu. Ông B và ông C cũng đã đến. Giữa bàn nhậu là một bếp ga mini, bên trên là một cái nồi khá to đậy vung kín. Bên cạnh là rổ rau sống và một tô gì đó cũng được đậy kín cùng chồng bát đũa.
Thấy tôi mang mồi sang, ông B nói: "Thu mang mồi gì sang nữa đấy à? A, thịt nướng và chả giò? Chà nhiều mồi quá! Hôm nay lại xỉn quắc nữa thôi!".
"Đâu có gì đâu mà nhiều. Chỉ có vài cái chả giò và mấy miếng thịt nướng..." - Tôi nói. 
Ông B cướp lời: "Thằng Thu không nhìn trên bàn à? Cả một nồi lẩu Thái to tổ chảng của anh A nữa kia kìa!"
Ông C cười mỉm, nói vui, có vẻ hơi kháy: "Càng nhiều mồi, càng thích chứ có sao đâu? Càng nhiều mồi, anh A càng "hùng biện" hay. Thằng Thu chắc sẽ mê lắm.".
"Thôi, vào bàn nhậu đi anh em! Hôm nay không nhậu rượu "tua" nữa, hao lắm!" - Ông A hô hào.
Ông B thấm ý, cười phà phà.

                                              *** 
Lẩu Thái ông A làm thật ngon, mà cay quá. Tuy nhiên nhậu với rượu "Bàu Đá" ông C mang từ Bình Định vô rất "bắt". Cả "bọn" không nói không rằng, xì xụp một hồi, mồ hôi người nào người nấy túa ra nhễ nhại.
Nửa tiếng sau, xem chừng đã khá "đã". Mọi người mới ăn nhậu từ tốn trở lại. Ông A và ông B bỏ đũa, châm lửa hút thuốc.Khói thuốc theo gió quạt máy tỏa ra khắp nhà. Ngày xưa, khi chưa bị tai biến, tôi hút 3 gói thuốc/1 ngày. Bây giờ thì bỏ rồi, dù ngồi nhậu ngửi mùi thuốc đôi khi vẫn còn thèm.
Ông C che miệng xỉa răng: "Hôm nay anh A nấu lẩu Thái ngon hết ý! Mà nhiều quá! Nhậu thêm tăng hai, tăng ba cũng chưa chắc hết".
"Đã nói mà! Đồ thằng Thu mang sang không đúng thời, chắc ế rồi! Lát nữa mang về đi Thu!" - Ông B cười nói.
Ông A sợ tôi buồn, nói như an ủi: "Anh B nói thế. Cứ để đó! Trông vậy chứ chút xíu nữa là hết. Chả giò vợ thằng Thu làm ngon lắm! Tôi ăn thử rồi!".
"Anh A làm như là người "phá mồi" dữ lắm vậy đó. Tôi thấy trong các buổi nhậu, anh A thường nói nhiều chứ ăn ít lắm. Nói đây cho vui vậy thôi, phải không anh A?" - Ông C cười, nêu nhận xét.
"Gần đúng!" - Ông A gật đầu - "Nhưng rượu vào mà lời không ra thì nhậu làm gì? Như xem đá banh mà không được bình luận. Chán chết!".
Nghe đến đá banh, tôi sực nhớ, tối nay đúng 8 giờ có trận đấu bóng đá vòng loại World Cup 2022 bảng G giữa Việt Nam và Thái Lan nên vội nói: "Nhậu vừa thôi để tối còn xem bóng đá!".
"Ừ nhỉ! Thằng Thu nói mới nhớ. Trận này hay lắm! Lát tối phải xem mới được!" - Ông B nói.
Ông C cười, xen vào: "Nhậu với mồi "hoành tráng" thế này mà nói chờ tối coi. Xin lỗi, chờ coi được có mà thánh!"
Ông B bật cười hề hề: "Lộng ngôn một tý cho xướng mồm!...Vô nào anh em!".
...
Trong mọi cuộc nhậu, bao giờ cũng có những câu chuyện không đầu, không đuôi và những câu kết không đâu vào đâu nhưng hào hùng, mang đậm tính chí lý.
                                                 
                                              ***
Được một lúc, cả bàn nhậu đã ngà ngà, ngật ngưỡng cho dù mồi và rượu vẫn còn ê hề. Buổi nhậu nào ông A cũng là "cây nói". Nhưng hôm nay, đến giờ này, dù "rượu vào" đã nhiều, ông A vẫn thật kiệm lời. Tôi là người chúa thích nghe ông A nói, nhất là về các vấn đề khoa học. Phải nói không ngoa, khi đã thấm rượu, ông A lý giải về thế giới tự nhiên thu hút như một nhà hùng biện mà có lẽ, đến các nhà bác học cũng phải nể về tài huyên thuyên, bất chấp logic!
"Anh A hôm nay có chuyện gì không mà "tâm trạng" thế? Nói chuyện gì cho vui đi, anh A!" - Tôi nói.
"Có tâm trạng gì đâu! Chả giò vợ mày làm ngon thật đấy, Thu ạ!" - Ông A đáp trả. - "Nói chuyện gì bây giờ?".
"Ừ, ừ...Thì nói những chuyện khoa học!" - Tôi nhấn thêm - "Như hôm bữa nói chuyện năng lượng ấy!".
Ông C nghe thế, trề môi cười không thành tiếng rồi lẩm bẩm: "Chuyện khoa học gì! Toàn chuyện tào lao. Nói cho ngay, đó là những chuyện pha trộn "hổ lốn" kiến thức vật lý cổ điển với sự hoang tưởng vượt ngưỡng giới hạn. Khoa học đâu phải muốn mà được! Thu ơi, thì nghe cho vui thôi chứ đừng vội tin những điều anh A nói là chân lý!"
"Em đâu nói lời anh A nói là chắc đúng đâu? Em chỉ nói là "hay" thôi, là em thích thôi. Mà "hay" và "đúng" là hai khái niệm khác nhau chứ?!" - Tôi cãi lại và thấy "nản" ông C ghê.
Ông B lúc này mới lên tiếng: "Thế nào là sai và đúng? Biết đâu những nhận định của anh A là chân lý đích thực? Anh C có giám đảm bảo rằng vật lý học ngày nay là chân lý, là nhận thức chính xác, là nhận thức khoa học cuối cùng của loài người?".
Ông A xuê xoa: "Thôi! Chuyện trà dư tửu hậu, nói cho vui ấy mà. Cần gì đúng sai đâu! Mà nói thật, nếu chân lý là sự thực khách quan thì nó không phải là thước đo đúng - sai. Tri thức khoa học, vì còn nặng thực chứng, nặng tính cảm nhận đúng - sai chủ quan của con người, nên không bao giờ là chân lý khách quan. Chân lý trong khoa học là chân lý hạng hai, chân lý nửa vời. Vì vậy, trong khoa học, không có chân lý khách quan!"
Ông C nghe vậy, nổi xung thiên: "Nói thế có nghĩa anh A cho rằng kiến thức khoa học từ trước đến nay của loài người đều là thứ vứt đi chứ gì?".
Ông A vẫn giọng xuê xoa: "Tôi không nói thế!...Anh C làm gì mà "căng"! Chân lý hạng hai vẫn là chân lý. Chỉ có điều, đó là chân lý gần đúng. Cần phải thừa nhận, kiến thức khoa học từ trước đến nay mà loài người gặt hái được từ tự nhiên là những thành quả vô cùng rực rỡ. Nếu không có những thành quả ấy, loài người dứt khoát không đạt được văn minh như ngày nay. Nhưng thử hỏi, cơ học cổ điển của Niutơn, lý thuyết nền tảng then chốt xác lập nền văn minh ấy đã là chân lý đích thực chưa? Rõ ràng là chưa! Vì dựa vào nó, người ta không thể giải thích được những hiện tượng cơ học của thế giới vi mô mà phải dựa vào  môn "cơ học lượng tử". Thuyết "Big -  bang" hiện nay mà đa số các nhà vật lý đặt nhiều tin tưởng vào việc giải thích nguồn gốc Vũ Trụ cũng chưa phải là chân lý khách quan. May ra nó chỉ là chân lý hạng hai mà thôi...Nếu anh C không thích nghe nói chuyện về "hoang tưởng khoa học" (tôi tự đặt như thế) thì thôi. Chúng mình nói chuyện khác cho vui. Trên đời này thiếu gì chuyện!".
Nghe ông A nói vậy, tôi dãy nảy như đỉa phải vôi: "Chuyện nào cũng chán! Em chỉ thích nghe chuyện "hoang tưởng khoa học" của anh A thôi.Chuyện của anh A có thể là mạo danh khoa học nhưng vẫn hấp dẫn và gợi cho người nghe những ý tưởng lạ lẫm, những tò mò không phải là không có lý.".
Ông B thêm vào: "Cứ nói tào lao như anh A mà hay, kích hoạt lại trí tưởng tượng ngỡ đã tắt trong chúng ta. Tưởng tượng kiểu con nít làm cho bộ não của lũ già nua chúng ta trẻ lại, yêu đời hơn, kể cũng tốt!".
"Ý tôi là anh A bớt những ý tưởng hoang dại đi, chứ anh A thích thì cứ nói! Có ai cấm đâu?" - Ông C bào chữa.
Được thể, tôi dục: "Nói chuyện "hoang tưởng khoa học" đi anh A, cho vui đời!".
Ông B hùa vào: "Ừ, nói đi! Anh A nói cho đến khi có đá banh. Chờ từ đây đến đó còn lâu lắm!".
Nói cho ngay, ông A cũng thích được dãi bày ý tưởng của mình lắm! Cũng phải thôi! Chứ hoang tưởng mà phải nín nhịn thì thật khó chịu.
"Rồi, tôi nói nhé? Mà không biết bắt đầu bằng đề tài gì bây giờ nhỉ?" - Ông A nhìn tôi - "Thu, mày nói xem: thích  nghe đề tài gì?".
Tôi chưa kịp trả lời thì ông B đã lên tiếng: "Đề tài gì mà chẳng được! Tri thức khoa học ngày nay được xây dựng trông đồ sộ thế nhưng có vẻ không vững chắc, chông chênh toàn nghịch lý. Tôi có cảm giác khoa học của loài người như mới ở buổi bình minh ấy!".
"Tôi cũng có cảm giác ấy." - Ông A gật gù - "Thế thì chúng mình nói về thuyết Big Bang đi! Được không?".
Ông C bây giờ mới lên tiếng, vẻ ngao ngán: "Xin bái phục các thánh!".

                                                   ***
(còn nữa)

Vũ trụ quan Phật giáo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét