Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Tích xưa 18

 
Anh Chàng Nghèo Tốt Bụng Và Chiếc Áo Thần Kỳ - Phim Cổ Tích Việt Nam Ngày Xửa, Chuyện Cổ Tích

 

CỔ HỌC TINH HOA (St)
66. Cách Dùng Pháp Luật
Quí Cao làm quan sĩ sư nước Vệ có làm án chặt chân một người.
Sau nước Vệ loạn, Quí Cao chạy trốn. Ra đến cửa thành, gặp người giữ cửa thành lại chính là người mình chặt chân ngày trước.
- Người ấy bảo: Kia có chỗ tường đổ.
- Quí Cao nói: Người quân tử không trèo tường.
- Lại bảo: kia có lỗ hổng.
- Người quân tử không chui lỗ hổng.
- Lại bảo: ở đây có cái nhà.
Quí Cao mới chạy vào nhà ẩn. Bởi vậy mà quân đuổi theo không thể bắt được.
Lúc Quí Cao sắp đi, bảo người giữ thành rằng:
"Trước ta theo phép nước mà chặt chân ngươi, nay ta gặp nạn, chính là cái dịp để ngươi báo thù, mà ngươi ba lần chỉ lối cho ta trốn, là nghĩa làm sao?
Người giữ thành nói: "Tội tôi đáng chặt chân, tránh sao cho khỏi. Lúc ông luận tội, xoay sở pháp luật, ý muốn nới tay, tôi cũng biết. Lúc án đã định, đem ra hành hình, nét mặt ông buồn rầu, tôi lại biết lắm. Ông làm như thế, há có vị riêng gì tôi, đó là tâm địa bực quân tử tự nhiên như vậy... Thế cho nên tôi muốn cứu ông".
Đức Khổng Tử nghe chuyện này, nói rằng: "Cũng là một cách dùng pháp luật, dùng mà có lòng nhân từ, thì gây nên ơn, dùng mà ra dáng tàn bạo thì gây nên oán. Như Quí Cao thật là người làm quan biết dùng pháp luật vậy".
GIA NGỮ
Lời Bàn
- Người ta gia hình đến chặt chân mình, mình thấy người ta gặp cơn nguy cấp, chẳng những không báo thù, lại còn tìm cách cứu người ta, thế chẳng là biết trọng phẩm giá mình, đáng gọi là quân tử ru!
- Mình đang lúc nguy cấp, chết đến nơi mà còn không chịu trèo tường, chui lỗ, thế cũng chẳng là biết trọng phẩm giá mình đáng gọi là quân tử ru!
Người canh cửa thành sở dĩ phục Quí Cao, là vì Quí Cao biết dùng pháp luật. Đã đành rằng Pháp luật đặt ra là để trừng trị kẻ có tội, nhưng nếu cho như bất đẳc dĩ mới phải khép vào án, lúc hành hình lại có chút bụng nhân từ ở trong, thì kẻ chịu tội mới thực là tâm phục được. Người cầm luật pháp, tuy giữ lẽ công bình khép vào lý, nhưng ở trong còn có chút tình, thương kẻ mắc tội, thì mới là biết dùng pháp luật vậy.
Chú thích
- Sĩ sư: tên một chức quan đời nhà Chu, coi xét việc hình luật.
- Vệ: xem bài số 55.
- Luận tội: cân tội nặng nhẹ để khép vào án.
- Hành hình: trị vào tội thực sự.
- Tâm địa: tấm lòng.
- Pháp luật: pháp: những cách nhất định đặt ra, ai nấy cùng phải theo; luật: phép thường dùng để định phân, để khỏi tranh nhau và phòng người làm sằng.
- Nhân từ: lòng thương người, lòng muốn làm lành.
- Tàn bạo: ác hại.
67. Thật Giả Khó Phân
Ở gò Lê Khưu có giống quỉ lạ. Nó bắt chước làm con cháu, anh em người ta thật là giống.
Có một ông trưởng giả gần vùng ấy, một hôm ở chợ về chén say khướt. Lúc đi qua gò Lê Khưu, con quỉ hiện hình lên làm con ông ta, tay ôm đỡ dìu dặt, nhưng miệng cứ lẩm bẩm nhiếc móc, kêu say sưa là xấu.
Trưởng giả về nhà, lúc tỉnh rượu, gọi con ra mắng: "Tao là cha mày, tao có điều gì là ác nghiệt mà lúc tao say, mày lại nỡ mỉa mai tao như vậy!"
Người con khóc, lạy cha và thưa rằng: "Oan quá! Thật con không dám như thế bao giờ. Con nghe đâu ở gò Lê Khưu có giống qui khéo bắt chước hiện lên làm người, có lẽ đấy chăng".
Trưởng giả đi hỏi dò, thì quả nhiên ai cũng bảo có như thế thật. Ông mới định bụng hễ gặp giống quỉ ấy là đâm chết.
Hôm sau, ông lại đi chợ, lại chén say khướt mới về. Người con sợ cha lại gặp quỉ nó quấy nhiễu, bèn xăm xăm đi đón. Trưởng giả trông rõ con mình, nhưng cho là quỉ, liền rút gươm ra đâm chết.
LÃ TỬ
Lời Bàn
Khó thật! Làm thế nào cho rõ giả thực mà phân biệt được. Cái trò đời, đã gian, thì lại ngoan, kẻ gian phi, đã rắp tâm lừa ai, thì dùng thiên phương, bách kế, làm cho phải mắc lừa mà vẫn có bụng tin. Cho nên khi ta ngờ vực điều gì, ta phải để cái trí sáng suốt mà dò xét cho đến nơi. Chớ có vội hành động, lấy giả làm thực, cho thực là giả, nhận quỉ làm con, giết con tưởng quỉ, như Trưởng giả nói trong truyện này mà sau có hối lại thì không kịp.
Chú thích
- Lê Khưu: tên một cái gò cao, ở về địa phận huyện Ngu Thành tỉnh Hà Nam bây giờ.
- Trưởng giả: người đứng tuổi, thường chỉ những bực có trí, có tài, có oai, có chức, có của.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét