CHUYỆN TÌNH THẾ GIỚI 26
(ĐC sưu tầm trên NET)
Chuyện người chồng gìn giữ thư tình của vợ và người yêu cũ
Hiếm có người nào may mắn được bạn gái, người yêu trân trọng, gìn giữ di vật như liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Tại sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh” (diễn ra ngày 22/7 tại Hà Nội), câu lạc bộ “Trái tim Người lính” đã trao tặng một số sách mới xuất bản cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là hoạt động hướng tới Ngày thương binh liệt sĩ (27/7).
Đáng chú ý trong số này có cuốn Những lá thư tình đi qua chiến tranh (tập thư thời chiến của liệt sĩ Trần Minh Tiến, 1945 - 1968; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2021).
Theo đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập câu lạc bộ “Trái tim Người lính”, Những lá thư tình đi qua chiến tranh và tác phẩm Trái tim Người lính Miền Trung - Tây Nguyên (tập ký và tư liệu của nhiều tác giả, NXB Thanh niên, năm 2022) là kết quả bước đầu của Cuộc vận động Viết và Sưu tầm kỷ vật mang tên “Tình yêu đi qua chiến tranh”.
Tình yêu và triết lý sống của thế hệ thanh niên thời chống Mỹ
Những lá thư tình đi qua chiến tranh tập hợp 109 lá thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến, được ông viết trong thời gian từ năm 1965 đến 1968, gửi cho người yêu mình là Vũ Lưu Liên (Vũ Thị Lui). Trong đó, thống kê năm 1965: 12 lá; năm 1966; 27 lá; năm 1967: 51 lá và năm 1968: 19 lá. Ngoài ra, còn có thêm 5 lá thư của bà Vũ Lưu Liên gửi cho liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Bà Vũ Lưu Liên và ông Trần Minh Tiến có một tình yêu phát triển từ tình bạn học cùng trường phổ thông. Bị gia đình ngăn cản vì không "môn đăng hộ đối” nhưng họ vẫn vượt qua và chính thức yêu nhau từ năm 1963, khi Minh Tiến lên đường nhập ngũ.
Chia sẻ về tình yêu của mình với liệt sĩ Trần Minh Tiến, bà Vũ Lưu Liên cho biết: “Chúng tôi yêu nhau không được gia đình đồng ý. Gần 5 năm, từ lúc nhận lời yêu đến khi anh hy sinh, chúng tôi chỉ gặp nhau không quá 20 lần. Tình yêu của chúng tôi có nhiều cung bậc cảm xúc, có cả lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại”.
“Chúng tôi thi đua giữa hậu phương và tiền tuyến, người ở nhà làm tròn bổn phận để an lòng người ra trận… Chúng tôi cũng có ước mơ về tình yêu, hạnh phúc của riêng mình. Có cả lời ước hẹn và mật ước. Anh tặng tôi chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, tôi tặng anh chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Chúng tôi đã mật ước với nhau rằng nếu tôi nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là anh đã hy sinh và bà đi lấy chồng”.
Theo nhà văn Đặng Vương Hưng, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam, Biên giới phía Bắc và Biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đã có hàng triệu chàng trai ưu tú của Mẹ Việt Nam ngã xuống. Nhưng rất hiếm có người nào may mắn được bạn gái, người yêu trân trọng, gìn giữ di vật như liệt sĩ Trần Minh Tiến.
Hơn thế nữa sau nhiều năm, những trang nhật ký, những lá thư, với những dòng chữ mờ nhòe theo năm tháng của liệt sĩ còn được bà Vũ Lưu Liên làm cho sống lại, trở thành di sản và tài sản cho thế hệ mai sau.
Cũng theo nhà văn Đặng Vương Hưng để có tập sách này, ông và các cộng sự của mình đã nhiều lần đến vận động thuyết phục bà Vũ Lưu Liên - người luôn nâng niu những lá thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến như báu vật, không hề rời xa hơn nửa thế kỷ qua.
Bà Vũ Lưu Liên sau đó đã vào nghĩa trang Đường 9 để thắp hương và xin phép liệt sĩ Trần Minh Tiến trước khi trao di vật cho ông Hưng. Dĩ nhiên, trước khi làm việc này, bà cũng được chồng là cựu chiến binh Nguyễn Doãn Hùng, từng là sĩ quan điều khiển tên lửa phòng không, khuyến khích động viên rất nhiều.
Nguồn cảm hứng tổ chức cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật thời chiến
Ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ trước, sau ngày ông Trần Minh Tiến hy sinh tại mặt trận Khe Sanh (31/5/1968), nhận được tin buồn và giấy báo tử người yêu, bà Liên đã khủng hoảng tinh thần như phát điên.
Ông Nguyễn Doãn Hùng đã đến với bà Liên, vì đồng cảm với một tình yêu chân thành, muốn bù đắp cho bà, nhưng bà Liên từ chối. Một đêm nọ, ông Tiến về báo mộng, khuyên bà Liên hãy lấy ông Hùng làm chồng, thì ông mới yên tâm ra đi. Bà Liên miễn cưỡng đồng ý.
Đám cưới của họ được tổ chức cuối năm 1969, nhưng bà Liên không giấu giếm tình cảm mình đã dành cho liệt sĩ Trần Minh Tiến hết rồi. Bà chỉ xin hứa với chồng mới cưới sẽ làm người vợ tốt và người mẹ tốt còn tình yêu thì để thời gian trả lời.
Đầu thập niên 1970, trận lụt khủng khiếp ở miền Bắc diễn ra tưởng chừng sẽ nhấn chìm những di vật, nhật ký, thư từ của liệt sĩ Trần Minh Tiến. Thế nhưng, trong lúc chạy lụt, ông Nguyễn Doãn Hùng đã bỏ lại quân tư trang và nhiều tài sản đắt tiền, mà chỉ lo thu vén, mang bằng được chiếc vali đựng kỷ vật, thư, nhật ký, ảnh của liệt sĩ Trần Minh Tiến về cho bà Liên, vì lo nếu làm thất lạc vợ mình sẽ buồn.
Thấy vậy, bà Liên ngạc nhiên hỏi: “Sao anh không mang đài và quạt là tài sản đắt tiền hơn và cả quần áo của anh nữa”? Thì ông Hùng bảo ngay: “Những thứ đó trôi mất còn mua được, còn cái vali kỷ vật này mà lỡ mất, thì em sẽ giận anh suốt đời”. Thế là bà Liên và ông Hùng bật khóc. Họ đã thực sự trở thành vợ chồng thương yêu nhau cùng ngày đó.
Cũng tại sự kiện trao tặng sách, nhà văn Đặng Vương Hưng còn tiết lộ một chi tiết khó tin, nhưng có thật trong đời sống văn hóa tâm linh của gia đình bà Vũ Lưu Liên. Có lẽ ở Việt Nam, liệt sĩ Trần Minh Tiến là trường hợp duy nhất, dù đã hy sinh hơn nửa thế kỷ trước, nhưng vẫn đang “sống” như một thành viên chính thức trong gia đình người yêu của mình.
Tất cả công việc “đại sự” trong nhà; cưới hỏi, làm nhà, khai trương công việc mới, thay đổi chỗ ở… nhất nhất các thành viên trong gia đình đều xin ý kiến của liệt sĩ… Điều này chứng minh rằng, chuyện tình của bà Vũ Lưu Liên và ông Trần Minh Tiến đã thật sự vượt qua chiến tranh và cái chết.
“Đó cũng chính là khởi đầu, là cảm hứng cho chúng tôi xây dựng ý tưởng tổ chức cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật với chủ đề 'Tình yêu đi qua chiến tranh' do câu lạc bộ “Trái tim Người lính” và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức”, nhà văn Đặng Vương Hưng nói.
Liệt sĩ Trần Minh Tiến (1945 – 1968) và bà Vũ Thị Lui (thời trẻ)
Bức ảnh chân dung và bút tích của bà Vũ Thị Lui thời trẻ.
Nhận xét
Đăng nhận xét