THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 31/c

 THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG (III)
 
                                                                                                 
ĐẠI CHÚNG   
                                                            ----------------------------------------

                                                               PHẦN III

Nguồn cội 

“Đừng chê cõi trần nhơ
  Đừng khen cõi trần đẹp
  Cõi trần là thản nhiên
  Chỉ có đời nhơ, đẹp

                                  Trần Hạnh Thu



CHƯƠNG IX: THỜI CUỘC

“Nếu như sau cái đêm tối tăm của thời trung cổ, các ngành khoa học đột nhiên sống lại với một sức mạnh không ngờ và bắt đầu phát triển nhanh chóng một cách kỳ diệu, thì sự kỳ diệu ấy cũng chính là nhờ sản xuất mà có.”
Ph. Ăngghen

                                                                                    
(tiếp theo) 
 
 
                                                                          ***
 
Khi quân Đức đang sa lầy ở Mátxcơva, Phôn Ribentrốp, ngoại trưởng Đức đã hối thúc Nhật mở mặt trận phía Đông đánh Liên Xô để phối hợp. Nhật trả lời chưa sẵn sàng vì gặp nhiều khó khăn.
Đúng thật là Nhật đang thiếu trầm trọng nhiên liệu, nhất là khí đốt. Nhưng đó không phải là nguyên nhân sâu xa. Dù đã hợp thành phe Trục nhưng cả ba nước phát xít đầu sỏ Đức, Ý, Nhật, do bản chất ích kỷ, vụ lợi sẵn có nên luôn muốn lợi dụng nhau để mưu hưởng lợi riêng.
Chính phủ Nhật tính rằng gây chiến ngay với Liên Xô là không có lợi; cứ để “ông bạn” Hítle đấm đá với “gã khổng lồ”. Nếu Đức chiếm được Mátxcơva, đánh quị Liên Xô thì lúc đó mới xông vào từ phía Đông để vừa được tiếng là giúp đỡ bạn bè, vừa dính máu ăn phần, kiếm chác chút cháo mà cũng đỡ tốn máu xương.
Nguyên nhân sâu xa hơn là Nhật đang “bận rộn” với kế hoạch bàng trướng xuống Nam - Thái Bình Dương, vùng thuộc địa của các nước tư bản Châu Âu thua trận và lực lượng của Anh, Mỹ ở đó không mạnh lắm. Chiếm được vùng này, nước Nhật phát xít sẽ mở được cánh cửa đi vào Ấn Độ Dương, nhưng trước hết sẽ giải quyết được vấn đề nhiên liệu từ nguồn dầu lửa ở Inxulin, Xinhgapo và Indonêxia. Phương án “Nam tiến” của Nhật được phác thảo từ năm 1938.
Nhưng muốn thế, phải làm chủ được Thái Bình Dương. Muốn làm chủ được Thái Bình Dương thì phải áp chế được lực lượng hải quân của Anh và Mỹ. Áp chế bằng cách nào nếu không tranh quyền đoạt lợi bằng bạo lực? Cuộc chiến tranh Châu Á - Thái bình Dương (gọi tắt: cuộc chiến Thái Bình Dương, một bộ phận của chiến tranh thế giới thứ hai) là điều không thể tránh khỏi đối với thế giới mà nước Nhật phát xít là kẻ khởi xướng. Cuối năm 1940, Tổng tư lệnh hải quân Nhật, Thủy sư đô đốc Isôrôku Yamamôtô đã đề xuất mục tiêu cụ thể đối với trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh này là quân cảng Trân Châu ở quần đảo Haoai nước Mỹ.
Trong thế kỷ 19, các quốc gia công nghiệp lớn mạnh như Anh, Pháp, Đức... đi theo chủ nghĩa đế quốc và thường xuyên xâm lược các xã hội phong kiến ở châu Á. Vào năm 1853, tàu chiến Mỹ đe dọa chiến tranh để ép Nhật phải chấm dứt bế quan tỏa cảng, tương tự như Ấn Độ và Trung Quốc trước đó. Nhật phản ứng bằng cách nhanh chóng công nghiệp hóa và xây dựng một nhà nước hiện đại. Nhưng khi sức mạnh quốc gia tăng lên thì Nhật Bản cũng lại đi theo chủ nghĩa đế quốc, họ chủ trương bành trướng lãnh thổ, giành giật châu Á với các cường quốc phương Tây. Vào năm 1919, tại hội nghị hòa bình Paris, Nhật đã đưa ra một đề nghị để bảo đảm bình đẳng chủng tộc tại Hội Quốc Liên, nhưng Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ngăn cản đề nghị này. Cùng năm đó, hoàng thân Konoe Fumimaro, người trở thành thủ tướng vào năm 1937, đến thăm Mỹ, và nạn phân biệt chủng tộc mà ông chứng kiến khiến ông tin rằng Anh - Mỹ sẽ không bao giờ coi nước Nhật ngang hàng với họ. Ông viết “Người da trắng, đặc biệt là người Anglo-Saxon, căm ghét người da màu là một sự thật hiển nhiên, điều này rất rõ ràng ở Mỹ thông qua cách người Mỹ đối xử với người da đen”.
Khi Thế chiến thứ nhất kết thúc thì tâm lý chủ nghĩa đế quốc "mạnh được yếu thua" vẫn rất phổ biến. Trừ Liên Xô và một số đảng cánh tả ở châu Âu, không một cường quốc nào nhắc đến các khái niệm như là "quyền tự quyết của các thuộc địa", "bình đẳng giữa các dân tộc"... Tuy vậy, 3 nước Nhật, Đức và Ý thì ngày càng củng cố khuynh hướng chủ nghĩa đế quốc và nuôi mộng xâm chiếm thuộc địa với lập luận: Anh, Pháp đã có được thuộc địa rộng còn họ thì chưa, vậy họ cũng có quyền đi chiếm thuộc địa, và nếu cần thì phải buộc Anh, Pháp nhường bớt cho họ. Tuy vậy, các nước đế quốc đã chiếm nhiều thuộc địa với lãnh thổ rộng lớn như Anh, Pháp, Mỹ lại không muốn nhường bớt các thuộc địa nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế của riêng mình. Do đó, các thế lực đế quốc mới nổi và chậm chân trong cuộc chia chác thuộc địa thế giới, nghĩa là Đức, Ý và Nhật, muốn phát động chiến tranh để chiếm lấy thuộc địa của Anh - Pháp - Mỹ.
Việc Nhật chiếm Mãn Châu năm 1931 đã vấp phải sự phản đối mạnh từ các nước Âu Mỹ, nhưng Nhật Bản xem đó chỉ là những khẩu hiệu đạo đức giả của các nước đế quốc phương Tây, vốn đã xâm chiếm thuộc địa khắp thế giới. Anh quốc có một đế quốc thực dân rộng 34 triệu km2 trải khắp thế giới, Mỹ thì đã xâm lược Mexico và Diệt chủng người da đỏ để chiếm 7 triệu km2 lãnh thổ, đã chia đôi nước Colombia để kiểm soát kênh đào Panama. Vào năm 1933, tại hội nghị của Hội Quốc Liên ở Geneva, đại sứ Nhật đã nhắc lại việc Mỹ chiếm Panama, Anh chiếm Ai Cập để bác bỏ ý kiến phản đối từ các nước này.
Trong 40 năm, từ năm 1900 tới 1940, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng khá nhanh. Tính theo thời giá năm 1990, năm 1900 GDP của Nhật Bản là 52 tỷ USD, năm 1940 đã tăng lên 210 tỷ USD (302 tỷ nếu tính thêm cả thuộc địa Triều Tiên, Mãn Châu), để so sánh GDP của Mỹ trong năm 1940 là 931 tỷ USD Quy mô kinh tế Nhật Bản đã vượt qua Pháp và Ý, đứng thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Liên Xô, Đức và Anh).
Tuy nhiên, càng phát triển kinh tế thì Nhật càng bị thiếu tài nguyên, thế là nước này càng muốn chiếm thêm thuộc địa. Sự bùng nổ dân số đồng hành với tiến trình công nghiệp hóa của Nhật càng làm tăng thêm sự thèm muốn thuộc địa. Dân số Nhật Bản khi đó đã bùng nổ với 80 triệu người, nếu không chiếm thêm thuộc địa thì kinh tế Nhật Bản không thể cung ứng cho số dân gia tăng gần 1 triệu người mỗi năm. 
Khi Thế chiến thứ nhất kết thúc thì tâm lý chủ nghĩa đế quốc "mạnh được yếu thua" vẫn rất phổ biến. Trừ Liên Xô và một số đảng cánh tả ở châu Âu, không một cường quốc nào nhắc đến các khái niệm như là "quyền tự quyết của các thuộc địa", "bình đẳng giữa các dân tộc"... Tuy vậy, 3 nước Nhật, Đức và Ý thì ngày càng củng cố khuynh hướng chủ nghĩa đế quốc và nuôi mộng xâm chiếm thuộc địa với lập luận: Anh, Pháp đã có được thuộc địa rộng bao la còn họ thì chưa, vậy thì họ cũng có quyền đi chiếm thuộc địa, và nếu cần thì phải buộc Anh, Pháp nhường bớt cho họ. Tuy vậy, các nước đã chiếm nhiều thuộc địa với lãnh thổ rộng lớn như Anh, Pháp, Mỹ lại không muốn nhường bớt các thuộc địa nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế của riêng mình. Do đó, các thế lực mới nổi và chậm chân trong cuộc chia chác thuộc địa thế giới, nghĩa là Đức, Ý và Nhật, muốn phát động chiến tranh để chiếm lấy thuộc địa của Anh - Pháp - Mỹ.
Cuộc Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đã khoét sâu mâu thuẫn này. Các nông dân Nhật Bản vốn đã nghèo khổ, nay lại càng khốn khó sau sự lao dốc của giá nông sản vào năm 1929, đã bắt đầu tổ chức những cuộc chống đối lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản; hàng trăm ngàn công nhân thành phố thì bị đuổi việc do nhà máy bị phá sản. Tại Nhật Bản, các tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan nở rộ, mà nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất là Ikki Kita, người đã đưa ra "Phác thảo Đại cương các Biện pháp cho cuộc Tái thiết Nhật Bản", trong đó chủ trương chống chủ nghĩa cộng sản, giải phóng châu Á khỏi sự thống trị của thực dân phương Tây và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia thống trị tại châu Á (và thậm chí là thế giới). Nhân dân Nhật Bản được tuyên truyền tâm lý cho cuộc viễn chinh ở Đông Á với hai khẩu hiệu từ quá khứ. Một là "kokutai" - quốc túy, và cái kia là "Kodo" - Vương Đạo, được dẫn giải rằng "trật tự và hòa bình thế giới phải được hoàn thành qua việc Nhật Bản kiểm soát Đông Á". 
Khu vực Đông Nam Á với trữ lượng 95% cao su thiên nhiên, 90% lúa gạo, 66% thiếc, 90% đay gai và 90% cây ký ninh (thuốc trị sốt rét) toàn thế giới là mục tiêu mà Nhật muốn chiếm nhất. Khu vực Mãn Châu (thuộc Trung Quốc) rất giàu than đá thì đã bị Nhật chiếm từ năm 1931. Nguyên nhân khiến chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ giống như nguyên nhân gây ra Thế chiến thứ nhất, đó là sự tranh giành thuộc địa.
Từ sự mâu thuẫn của Nhật với Anh, Pháp, Mỹ trong việc phân chia thuộc địa ở châu Á, nước Nhật đã tích cực chạy đua vũ trang, chuẩn bị cho cuộc chiến để giành thêm thuộc địa ở châu Á, trong đó mục tiêu quan trọng là đánh chiếm Trung Quốc, sau đó đánh chiếm tiếp khu vực Đông Nam Á và châu Úc từ tay các nước thực dân Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan.
Trong thời gian này, chính sách ám sát của các tổ chức bí mật và ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 đã làm cho chính phủ dân sự Nhật sụp đổ. Đứng trước cuộc khủng hoảng đó, những nhóm Gunbatsu (quân phiệt Nhật) đã chủ trương giải quyết các vấn đề quốc gia bằng chính phủ độc tài và chính sách xâm lược. Liên minh với các Gunbatsu là các nhà tài phiệt Zaibatsu gồm 4 tập đoàn tài chính lớn Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Yasuda kiểm soát nền công nghiệp Nhật và chiếm 3/4 số cổ phần cả nước.
Chính phủ quân phiệt Nhật được thành lập từ đầu thập niên 1930, mặc dù việc nắm quyền của quân đội sẽ gây một số hạn chế nhưng họ đảm bảo thực hiện các mong ước của Nhật hoàng Hirohito. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật đã chuẩn bị một kế hoạch chiến tranh quy mô lớn nhằm đánh bại thế lực cường quốc phương Tây, độc chiếm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1927, thủ tướng Nhật Tanaka Giichi đã trình lên Nhật hoàng Hirohito kế hoạch chiến tranh bành trướng của Nhật Bản gồm 4 bước: đánh chiếm Mãn Châu, độc chiếm Trung Quốc, làm chủ châu Á và sau cùng là bá chủ toàn cầu.
Trong thập niên 1930, sản xuất công nghiệp ở Nhật Bản tăng với tốc độ rất nhanh. Trong năm đầu tiên của thập kỷ 1930, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trị giá 6 tỷ Yên (theo thời giá lúc bấy giờ) và tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ; đến năm 1941, sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 5 lần và ngành công nghiệp nặng chiếm 72,7% trong tổng số.
Sự gia tăng trong sản xuất công nghiệp Nhật là do việc gia tăng rất lớn ngân sách quân sự, tập trung vào các ngành công nghiệp nặng, cơ sở để sản xuất bất kỳ máy móc quân sự hiện đại nào. Sản lượng thép hàng năm tăng từ 1,8 lên đến 6,8 triệu tấn. Năm 1930, Nhật Bản chỉ sản xuất được 500 xe vận tải và 400 máy bay. Mười năm sau, sản lượng xe vận tải hàng năm là 48.000 chiếc, và Nhật Bản đã sản xuất hơn 5.000 chiếc máy bay mỗi năm. Đóng tàu tại Nhật Bản cho thấy mức tăng tương tự trong những năm này. Việc đóng tàu cho hải quân trong giai đoạn này tổng cộng là 476.000 tấn, việc đóng mới các tàu buôn tăng từ 92.093 tấn trong năm 1931 lên 405.195 tấn vào năm 1937.
Chi tiêu quân sự của Nhật tăng mạnh sau năm 1936 do sự gia tăng quy mô của quân đội và cuộc xâm chiếm Trung Quốc. Chi tiêu quân sự sau năm 1936 phản ánh sự thống trị của quân sự lên đời sống chính trị. Toàn bộ nền kinh tế của nước Nhật đã được kiểm soát chặt chẽ và hướng tới chiến tranh.
Sự thiếu hụt sản xuất dầu mỏ là điểm yếu nhất của Nhật Bản. Đối với Hải quân, tình trạng thiếu dầu là rất quan trọng vì tàu bè không thể chạy mà thiếu dầu; trong khi với lục quân thì nó hạn chế khả năng trang bị xe cơ giới. Để đảm bảo trữ lượng tài nguyên quý giá này, Nhật Bản đã nhập khẩu rất nhiều trong thập niên 1930, số lượng đạt 37.160.000 thùng vào năm 1940. Trong năm đó, Nhật Bản chỉ sản xuất được 3.163.000 thùng dầu, ít hơn 12% nhu cầu trong thời bình của quốc gia.

Vào cuối năm 1937, Nhật Bản có 24 sư đoàn, 16 trong số đó được đóng tại Trung Quốc; ba năm sau, tổng số đã tăng lên 50: 27 ở Trung Quốc, 12 ở Mãn Châu và phần còn lại ở Triều Tiên và chính quốc. Lực lượng Không quân lục quân tăng từ 54 phi đội năm 1937 lên 150 vào năm 1941. Phi công được huấn luyện tốt và khoảng một nửa trong số họ có kinh nghiệm chiến đấu thực tế ở Trung Quốc hoặc trong chiến tranh biên giới với Liên Xô.

Lực lượng hải quân của Nhật Bản, bị giới hạn bởi Hiệp ước Hải quân Washington (1921) và sau đó là Hiệp ước Hải quân London (1930), tăng nhanh sau năm 1936 khi Nhật Bản rút khỏi các hiệp ước hải quân năm đó. Năm 1937, 20 tàu chiến mới với tổng trọng tải 55.360 tấn được hoàn thành; năm sau con số này tăng lên 63.589 tấn, và đến năm 1941 đã đạt đến đỉnh cao nhất là 225.159 tấn (bao gồm một thiết giáp hạm lớp Yamato, 2 tàu sân bay cỡ lớn và 2 tàu sân bay cỡ nhỏ, 7 tàu tuần dương và 37 tàu khu trục).

Tháng 12/1941, quân đội Nhật Bản có trong tay 51 sư đoàn bộ binh. Không quân lục quân có 660 máy bay ném bom, 550 tiêm kích và 290 máy bay trinh sát. Không quân hải quân có 684 máy bay cho các tàu sân bay, 443 máy bay ném bom, 252 tiêm kích, 92 máy bay ném ngư lôi và 198 máy bay các loại khác. Năm 1941, trọng tải tàu chiến của Nhật Bản đã tăng lên 1.059.000 tấn, gấp hơn hai lần năm 1922. Trong đó bao gồm 10 thiết giáp hạm, 6 tàu sân bay cỡ lớn và 4 tàu sân bay cỡ nhỏ, 18 tàu tuần dương hạng nặng, 18 tàu tuần dương hạng nhẹ, 113 khu trục hạm và 63 tàu ngầm. Hạm đội Nhật có tổng tải trọng đứng thứ 3 thế giới (sau Anh và Mỹ), nhưng xét ở riêng khu vực Thái Bình Dương thì đội tàu của Nhật mạnh hơn lực lượng hải quân Hoa Kỳ và Anh đóng ở đây cộng lại. Ở thời điểm 1941, hải quân của Nhật có 2 lĩnh vực được coi là tiên tiến nhất thế giới là ngư lôi và tiêm kích trên tàu sân bay.

Tuy nhiên, bộ chỉ huy Nhật thiếu một chiến lược chiến tranh tổng thể bởi họ không thể xác định trước những đối thủ phải đối mặt. Nhật Bản chỉ tìm cách tránh đối đầu với cả Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết, nhấn mạnh rằng trong mọi trường hợp, Nhật Bản không nên đấu với nhiều hơn một trong 2 nước này cùng một lúc. Bộ chỉ huy Nhật không thể thiết lập các ưu tiên cho riêng 1 quân chủng, vì một cuộc chiến chống Liên Xô yêu cầu tăng cường lục quân, trong khi một cuộc chiến chống lại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu tập trung cho hải quân. Hải quân Nhật chưa sẵn sàng đi vào một cuộc chiến lâu dài. Vào tháng 1/1940, hải quân Nhật chỉ có 3.500 phi công. Một sĩ quan hải quân đề nghị huấn luyện thêm 15.000 phi công nữa cho hải quân, nhưng ý kiến này bị coi là điên rồ và bị bác bỏ, do các tướng lĩnh Nhật không cho rằng chiến tranh sẽ kéo dài và gây nhiều thiệt hại đến vậy (về sau thì quả nhiên Nhật Bản bị mất phần lớn phi công giàu kinh nghiệm chỉ sau 18 tháng chiến tranh, trong khi lớp phi công thay thế chưa kịp được đào tạo). 

Do thiếu tài nguyên, Nhật Bản không thể sản xuất vũ khí nhanh bằng Mỹ, Liên Xô và Anh, chiến tranh càng kéo dài thì Nhật càng bất lợi. Theo đánh giá vào tháng 8/1941, so sánh giữa tiềm năng sản xuất của Mỹ so với Nhật, về thép tỉ lệ là 20 so với 1; dầu là hơn 100 so với 1; than đá 10 so với 1; máy bay là 5 so với 1; tàu chiến là 2 so với 1; lực lượng lao động là 2 với 1. Tiềm năng tổng quát là 10 so với 1. Với những thua sút như thế, Nhật Bản khó mà đánh thắng, cho dù họ có Yamato damashii – tinh thần Nhật Bản. Đô đốc Yamamoto từng nói "Tôi có thể gây tàn phá cho hải quân Anh Mỹ trong một năm hoặc nhiều lắm là 18 tháng. Sau đó tôi không có một bảo đảm nào hết". Thủ tướng Konoye cũng công nhận lời tuyên bố của Yamamoto rất có lý và ông cố gắng duy trì hòa bình với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phía lục quân và Tướng Hideki Tojo, bộ trưởng chiến tranh, công kích thủ tướng Konoye có một chính sách ngoại giao mềm yếu. Ít lâu sau, Konoye phải từ chức và Hideki Tojo lên thay.

Chiến lược làm thế nào để đánh bại nước Mỹ chưa bao giờ được lãnh đạo Nhật Bản xem xét kỹ lưỡng. Kế hoạch năm 1940 của Hải quân Nhật Bản cho một cuộc chiến với Hoa Kỳ, chỉ đơn giản là tuyên bố Hải quân Hoàng gia, hợp tác với Lục quân, sẽ phá hủy sức mạnh của Mỹ ở Viễn Đông và duy trì kiểm soát vùng biển Viễn Đông "bằng cách ngăn chặn và nghiền nát hạm đội Mỹ".

Phản ứng trước sự gia tăng vũ trang của Nhật và Đức, Mỹ cũng đã đề ra Đạo luật Hải quân hai đại dương, còn được gọi là Đạo luật Vinson-Walsh, ban hành vào ngày 19 tháng 7 năm 1940, được đặt tên theo Carl Vinson và David I. Walsh, 2 chủ tịch Ủy ban Hải quân tại Hạ viện và Thượng viện. Đây là kế hoạch chạy đua vũ trang hải quân lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cho tới thời điểm đó, nó dự tính tăng quy mô của Hải quân Hoa Kỳ thêm 70%, trị giá 8,55 tỷ đôla (tương đương 130 tỷ USD theo thời giá 2018). Kế hoạch bao gồm việc mua thêm 1.325.000 tấn tàu chiến, bao gồm 11 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm lớp Iowa, 5 thiết giáp hạm lớp Montana, 6 tàu tuần dương lớp Alaska, 27 tàu tuần dương, 115 tàu khu trục, 43 tàu ngầm, 15.000 máy bay, 50 triệu đôla cho tàu tuần tra, hộ tống và các tàu khác, 150 triệu đôla cho các thiết bị và phương tiện thiết yếu, 65 triệu đôla cho việc sản xuất nguyên liệu và đạn dược, 35 triệu đôla cho việc mở rộng cơ sở vật chất. Kế hoạch dự tính tiến hành trong 5-6 năm.

Vào đầu tháng 12 năm 1941, hải quân Mỹ có 17 thiết giáp hạm (đã có kế hoạch đóng thêm 15 chiếc nữa), 7 tàu sân bay cỡ lớn (đã có kế hoạch đóng thêm 11 chiếc nữa) và 1 tàu sân bay cỡ nhỏ chở thủy phi cơ, 18 tàu tuần dương hạng nặng (8 chiếc nữa đang được đóng mới), 19 tàu tuần dương hạng nhẹ (32 chiếc nữa đang được đóng mới), 6 tàu tuần dương phòng không, 171 khu trục hạm (188 chiếc nữa đang được đóng mới) và 114 tàu ngầm (79 chiếc nữa đang được đóng mới). Trong đó có 9 thiết giáp hạm, 3 tàu sân bay, 13 tàu tuần dương hạng nặng, 11 tàu tuần dương hạng nhẹ, 80 khu trục hạm và 56 tàu ngầm được bố trí ở Thái Bình Dương. Hải quân Anh đang phải tập trung đối phó với Đức nên chỉ có ở Thái Bình Dương lực lượng nhỏ gồm 2 thiết giáp hạm, 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương hạng nặng, 7 tàu tuần dương hạng nhẹ và 13 khu trục hạm.

Trong chiến lược của quân đội Nhật Bản có sự mâu thuẫn về quan điểm giữa Lục quân và Hải quân: trong khi phái Lục quân chủ trương "Bắc tiến" (Hokushin) nhằm tấn công Liên Xô thì ngược lại phái Hải quân chủ trương "Nam tiến" (Nanshin) với mục tiêu là vùng Đông Nam Á giàu tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ, cao su, quặng sắt, lúa gạo,...) đang là những thuộc địa của Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Hà Lan.

Tháng 11 năm 1936, Nhật Bản đã ký với Đức "Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản" (tức Liên Xô). Với hiệp ước này, Nhật Bản muốn khống chế ảnh hưởng của Liên Xô ở Viễn Đông đồng thời ngăn chặn khả năng chính phủ Tưởng Giới Thạch nhờ Liên Xô giúp đỡ để chống Nhật. Tuy nhiên, trên thực tế, khi hiệp ước này được ký kết, không những Liên Xô mà cả các cường quốc phương Tây khác như Anh hay Hoa Kỳ bắt đầu có lập trường cứng rắn hơn đối với Nhật. Ngày 6 tháng 11, đến lượt Ý cũng gia nhập vào hiệp ước này. 

Từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 6 năm 1940, tại Châu Âu, Đức Quốc xã liên tục giành chiến thắng, lần lượt chiếm được Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Pháp. Trước sự kiện Pháp đầu hàng Đức, tháng 9 năm 1940, Nhật bắt đầu cho tiến quân vào miền Bắc Đông Dương. Ngoài ra, ngày 1 tháng 3 năm 1941, họ cho quân đổ bộ lên đảo Java của Indonesia. Ngày 27 tháng 9, Đức-Ý-Nhật đã cùng nhau ký kết "Hiệp ước Tam cường" công nhận địa vị lãnh đạo của Nhật ở Châu Á và cũng để bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một trong ba nước bị tấn công.

Giữa năm 1939, sau khi dựng nên nhà nước bù nhìn Mãn Châu quốc cộng thêm việc Liên Xô đang bận đối phó với tình hình chiến tranh ở châu Âu, quân đội Nhật xâm chiếm vào lãnh thổ Mông Cổ. Trước đó quân đội Nhật từng tấn công vào lãnh Liên Xô tại khu vực hồ Khasan vào tháng 7-1938. Nhưng Hồng quân Liên Xô đã tham chiến, đánh bại quân Nhật tại Chiến tranh biên giới Xô-Nhật. Kế hoạch "Bắc tiến" của Nhật gần như phá sản, họ quyết định chuyển hướng xâm chiếm xuống phía Nam, tức là chiếm lấy các thuộc địa của Anh, Pháp, Mỹ ở Đông Nam Á. 

Nhật Bản bành trướng xâm lược ở châu Á đã làm cho mối quan hệ giữa họ với Anh và Hoa Kỳ ngày càng trở nên gay gắt. Tháng 9 năm 1940, đại sứ Hoa Kỳ ở Nhật đã nhấn mạnh: "Quyền lợi của Hoa Kỳ bị chính sách "Nam tiến" của Nhật đe dọa trầm trọng... chúng ta phải cố gắng bằng mọi cách duy trì nguyên trạng ở Thái Bình Dương, ít ra cho đến khi chiến tranh ở châu Âu ngã ngũ". Tháng 7 năm 1940, Hoa Kỳ tuyên bố hủy bỏ điều ước thông thương Nhật-Mỹ, hạn chế xuất khẩu nhiên liệu, xăng máy bay và sắt phế thải cho Nhật. Đến tháng 10, Hoa Kỳ lại tuyên bố cấm toàn diện về sắt phế thải đối với Nhật. Từ tháng 3 năm 1941, tại Washington D.C, đại sứ Nhật Kichisaburō Nomura đã đàm phán với ngoại trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull nhưng vì lập trường hai bên quá khác biệt nên cuộc đàm phán đi vào bế tắc.

Sau khi ký hiệp ước đồng minh với Ý-Nhật, tháng 3 năm 1941, Bộ trưởng ngoại giao Yōsuke Matsuoka đã ký "Hiệp ước trung lập Nhật-Xô" với Liên Xô ở Moskva. Trong khi đó, về vấn đề Đông Dương, Nhật tiếp tục ép Pháp nhượng bộ, ký kết các hiệp ước có lợi cho Nhật. Tất cả các động thái trên đều nhằm phục vụ cho chủ trương "Nam tiến". Tuy nhiên, ngày 22 tháng 6 năm 1941, Đức Quốc xã bất ngờ tấn công Liên Xô mà không thông báo cho Nhật biết trước. Không những thế, Đức còn đề nghị Nhật tấn công Liên Xô từ phía đông. Trước tình hình đó, Nhật không biết nên tôn trọng Hiệp ước Tam cường với Đức hay Hiệp ước trung lập Nhật-Xô. Ngày 2 tháng 7, trong "Hội nghị ngự tiền" (Gozen kaigi) có sự hiện diện của Thiên Hoàng, sau một cuộc thảo luận dữ dội giữa các cấp lãnh đạo quân đội Nhật, chủ trương "Nam tiến" đã được tiếp tục thực hiện, theo đó người Nhật sẽ bỏ qua yêu cầu của Đức, tôn trọng Hiệp ước trung lập Nhật-Xô và tiến quân xuống miền Nam Đông Dương. Mặt khác, hội nghị cũng đặt vấn đề tiếp tục bí mật chuẩn bị cho cuộc tấn công lên phía bắc chống Liên Xô, nếu Liên Xô bị Đức đánh bại. Biên bản của hội nghị ghi rõ: "Nếu cuộc chiến tranh Xô-Đức phát triển theo hướng thuận lợi cho đế quốc thì Nhật sẽ dùng lực lượng vũ trang để giải quyết vấn đề phương Bắc".

Cuối tháng 7 năm 1941, ngay sau khi quân đội Nhật tiến xuống miền Nam Đông Dương và chiếm đóng những căn cứ quân sự tại đây, Hoa Kỳ đã ngay lập tức có sự phản ứng. Ngày 26 tháng 7, Hoa Kỳ tuyên bố phong tỏa tài sản của Nhật tại nước này, cấm xuất khẩu dầu mỏ sang Nhật. Tiếp theo đó, Anh hủy bỏ hiệp định thông thương giữa Nhật với Ấn Độ và Miến Điện, Hà Lan cấm xuất khẩu dầu hỏa và bauxite sang Nhật. Quyết định đình chỉ xuất khẩu dầu hỏa sang Nhật của Hoa Kỳ đã có ảnh hưởng quyết định đối với bộ máy chiến tranh Nhật Bản. Theo tính toán của Bộ tư lệnh Hải quân, lượng dầu mỏ dự trữ của Nhật chỉ dùng đủ trong hai năm và nếu không có cách giải quyết vấn đề này thì hải quân Nhật chẳng sớm hay muộn sẽ bị tê liệt. Do đó, từ khuynh hướng ôn hòa, hải quân Nhật lại trở thành phe chủ chiến. 

Trong tình thế bị bao vây bởi thế bao vây ABCD - American (Hoa Kỳ), Britain (Anh), China (Trung Hoa), Dutch (Hà Lan) - Nhật muốn tiếp tục thương lượng với Hoa Kỳ bằng cách đề nghị một tạm ước là Hoa Kỳ và Nhật sẽ không sử dụng vũ lực ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương; hai bên sẽ cùng khai thác các dự trữ tự nhiên ở Indonesia; quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật sẽ được khôi phục, trong đó Hoa Kỳ phải tiếp tục xuất khẩu dầu hỏa sang Nhật, hủy bỏ phong tỏa tài sản của Nhật và không can thiệp vào việc Trung Quốc. Phía Nhật còn bổ sung thêm rằng, sau khi ký hiệp ước hòa bình Trung-Nhật, quân đội Nhật sẽ rút khỏi Đông Dương. Tổng thống Franklin D. Roosevelt tỏ ra có thiện cảm với đề nghị này nhưng ngoại trưởng Hull lại cực lực phản đối vì sợ các đồng minh của Hoa Kỳ sẽ hoang mang. Hull nhất quyết giữ lập trường ban đầu của Hoa Kỳ, đòi Nhật rút khỏi phe Trục, ký hiệp ước bất tương xâm với Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Hà Lan đồng thời rút hết quân ra khỏi Đông Dương và toàn lãnh thổ Trung Quốc-kể cả Mãn Châu. Trước khi trao cho người Nhật công hàm nói trên, Hull đã thông báo cho chính phủ Anh: "Các cuộc đàm phán ngoại giao của chúng ta với Nhật Bản thực tế đã chấm dứt, và từ đây công việc sẽ được chuyển giao vào tay Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang". Yêu sách này của Hull làm cho đàm phán Mỹ-Nhật đổ vỡ do lập trường hai bên quá khác biệt. Ngày 16 tháng 10, Konoye từ chức thủ tướng và bộ trưởng lục quân Hideki Tojo lên thay.

Mục tiêu của hải quân Nhật là chiếm đóng Indonesia, khu vực nhiều dầu hỏa nhất Đông Nam Á. Nhưng trước khi chiếm Indonesia, Nhật phải chiếm được Singapore và Philippines. Tuy nhận thức được về tiềm lực yếu kém của mình không thể chiến thắng Hoa Kỳ, nhưng người Nhật hi vọng rằng một cuộc chiến lâu dài và nhiều tổn thất sẽ làm suy yếu ý chí chiến đấu của dân Mỹ và sau đó giúp Nhật thỏa thuận một hòa ước. Trong hội nghị ngự tiền ngày 1 tháng 12, Nhật quyết định chính thức tuyên chiến với Hoa Kỳ và ngày khai chiến được ấn định là ngày 8 tháng 12. Trong khi đó, tại Washington D.C, cuộc đàm phán giữa ngoại trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull với đại sứ Nhật Nomura vẫn tiếp tục kéo dài, khiến người Mỹ lơ là cảnh giác và không tin rằng Nhật Bản dám tấn công Hoa Kỳ lúc hai bên còn đang trong quá trình đàm phán. 

Đô đốc Yamamôtô đã có công lớn trong việc xây dựng hải quân Nhật thành một lực lượng hùng mạnh. Lịch sử quân sự thế giới đã ghi nhận ông là một tư lệnh lỗi lạc về mặt chiến lược, chiến thuật trên biển; là một vị chỉ huy có biệt tài nhìn xa, phán đoán đúng, xông xáo, táo bạo và cực kỳ linh hoạt, bất ngờ trong khi đặt kế hoạch tác chiến. Chính Yamamôtô là một trong số ít tướng lĩnh Nhật tỏ ý không tán thành việc Nhật liên minh với Đức quốc xã và Ý phát xít cũng như gây chiến với Mỹ. Năm 1940, ông có nói: “Nếu không còn cách nào khác nữa mà tôi phải chiến đấu thì cần kết thúc chiến tranh trong 6 tháng hay một năm… Tôi cho rằng chính phủ nên tránh một cuộc chiến tranh với Mỹ”. Kể ra như thế để thấy rằng trong hàng ngũ quân đội phe phát xít không thiếu gì những tướng lĩnh đầy năng lực, tài giỏi. Nhưng kết cuộc phe phát xít vẫn là kẻ bại trận. Điều đó cho thấy sự không thể chống lại ý chí của Đức Huyền Diệu; không thể một mình chống lại cả thế giới đã đứng dậy vũ trang.
Trận tấn công Trân Châu Cảng (hay Chiến dịch Hawaii và Chiến dịch AI của Hawaii, và Chiến dịch Z theo cách gọi của Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản) là một cuộc tấn công quân sự bất ngờ được Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản thực hiện nhắm vào căn cứ hải quân của Hoa Kỳ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii vào sáng Chủ Nhật, ngày 7 tháng 12 năm 1941, dẫn đến việc Hoa Kỳ sau đó quyết định tham gia vào hoạt động quân sự trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trận đánh này được trù tính sẽ ngăn ngừa và giữ chân Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ không can thiệp đến cuộc chiến mà Nhật Bản đang hoạch định nhằm xâm chiếm Đông Nam Á, chống lại Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ. Cuộc tấn công bao gồm hai đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất phát từ 6 tàu sân bay Nhật Bản.
Nhật Bản đã không đưa ra một lời tuyên chiến chính thức nào trước khi thình lình tấn công Trân Châu Cảng, trong khi hai quốc gia Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn còn đang trong giai đoạn đàm phán hoà bình, vì thế cuộc tấn công bất ngờ này bị dư luận quốc tế xem là đánh lén, và Tổng thống Franklin D. Roosevelt tuyên bố rằng ngày 7 tháng 12 năm 1941 "sẽ sống mãi trong sự ô nhục". 
Ngày 6-9-1941, cuộc họp tuyệt mật của Hội đồng quốc phòng do Nhật hoàng Hirô Hitô chủ trì, đã phê duyệt cái gọi là “Khối thịnh vượng chung Đông Nam Á” với nội dung:
- Đánh đòn bất ngờ, giành thắng lợi ở cảng Trân Châu, rồi tiến sâu vào Philippin, Luxông, Guam, Boócnêô, Malaixia sau khi chủ lực Anh, Mỹ ở đây đã quị.
- Phát triển về hướng Manila, Xingapo, Thái Lan, Inđônêxia, Miến Điện, Ấn Độ, phối hợp với Đức tiến vào khu dầu lửa Trung Cận Đông…
Trận tập kích cảng Trân Châu là trận đánh hiệu quả nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai: chỉ trong 3 giờ tiến công, quân Nhật đã loại khỏi vòng chiến đấu 75% lực lượng nòng cốt của hải quân và không quân Mỹ ở Thái Bình Dương trong khi chỉ chịu những tổn thất không đáng kể. Chiến thắng vang dội đó của quân Nhật như sau này các nhà lý luận quân sự phương Tây nhất trí nhận định là: “Nó tỏ rõ sự thành công tuyệt đỉnh về phạm vi chiến lược, chiến dịch và thực hành chiến đấu, từ cả ý đồ, quá trình tổ chức và thực hiện cụ thể. Nhưng kết quả đó đã vượt xa hơn nhiều, ngoài dự tính của những người lạc quan nhất”. Quân Nhật có được chiến thắng đó, trước hết và trên hết, là nhờ vào việc đảm bảo gần như tuyệt đối yếu tố bất ngờ.
Đành rằng để đảm bảo yếu tố quyết định đó, quân Nhật đã thực hiện công tác bảo mật hết sức nghiêm ngặt, đã khôn khéo nghi binh, đánh lạc hướng trên nhiều phương diện, kể cả về mặt ngoại giao, nhưng khó mà hình dung được việc xây dựng một hạm đội cỡ lớn, việc tổ chức diễn tập, rồi đưa cả hạm đội ấy vượt qua khoảng cách đến 3500 hải lý (1 hải lý = 1,852 km) đường biển, rồi làm cho xuất hiện đột ngột trước cảng Trân Châu, đánh một trận tiêu diệt kinh hoàng, rồi rút lui an toàn, mà chẳng có “tai, mắt” nào của Mỹ phát hiện ra, thậm chí là không có một sự đánh trả đáng kể nào từ lực lượng hùng hậu tại quân cảng. Lý giải điều này chỉ có thể là: phía Mỹ đã chủ quan khinh địch đến tê liệt cả cảnh giác và sự mất cảnh giác đó thể hiện ra cứ như là định mệnh.
Trong việc thành lập hạm đội đánh cảng Trân Châu, quân Nhật đã sắp xếp tổ chức, tuyển chọn có cân nhắc kỹ càng các kíp thủy thủ, các kíp bay; huy động từ nhiều nơi, riêng lẻ từ nhiều căn cứ, tập trung đến trong những thời điểm khác nhau. Vị trí tập kết của hạm đội tham chiến là vịnh Tankan (có tên là Hito kappu), ở đảo Etorophu, thuộc quần đảo Curin, nằm ở cực Bắc - Nhật Bản. Đó là nơi hoang vắng, dân cư thưa thớt, xa đường hàng hải quốc tế, trong một khu vực khí hậu ẩm ướt, có nhiều mây mù thấp, dày đặc, lại thường xuyên có bão và gió xoáy bất ngờ.
Đoàn tàu chiến của hạm đội lúc đầu đóng ở vịnh Curê. Khi hạm đội rời đi và đã tập trung đầy đủ ở Tankan thì việc liên lạc vô tuyến vẫn được duy trì theo đúng chế độ, giờ giấc phát sóng tại căn cứ cũ. Trò đó đã đánh lừa được tình báo Mỹ. Ngay cả các sĩ quan và đô đốc Nhật không tham gia cũng bị bất ngờ. Trên đường di chuyển, đoàn tàu chiến vẫn chạy với tốc độ tàu buôn thường. Việc dùng cờ, đèn, pháo hiệu bị cấm ngặt. Các thức ăn thừa, vỏ đồ hộp, thư từ, giấy tờ và mọi thứ rác thải đều phải thu gom hết và lưu giữ trên tàu, không được ném xuống biển…
Đúng 15 giờ ngày 26-11-1941, hạm đội đi đánh cảng Trân Châu, gồm 31 tàu chiến, do Nagumô chỉ huy, tuần tự nhổ neo với đội hình như sau:
- Đi trước là 6 tàu sân bay (hàng không mẫu hạm) của 3 sư đoàn không quân.
- Tiếp theo là các thiết giáp hạm cũ nhưng tốc độ nhanh và các tàu tuần dương kiểu mới.
- Bảo vệ hai bên sườn là nhiều tàu tuần dương loại nhẹ, tàu phóng ngư lôi và tàu khu trục trang bị mạnh.
- Cuối đội hình là 8 tàu chở dầu.
- Phía dưới là 3 tàu ngầm mẹ chứa các tàu ngầm mini.
Để đánh lạc hướng, hạm đội tiến theo hướng bắc rồi đi theo đường vòng dài gấp đôi, tránh xa đường hàng hải quốc tế, chọn những đoạn đường sóng to, hay có bão để đi, hết sức né tránh các tàu lạ dọc đường. Theo chỉ thị của Yamamôtô: trong trường hợp gặp lực lượng hải quân của bất cứ nước nào, nếu trước ngày J (ngày tiến công) 2 ngày thì hạm đội nhất thiết phải quay về Nhật, còn trước 1 ngày thì quyền quyết định được trao cho tư lệnh Nagumo; trường hợp gặp tàu buôn lẻ thì phải thủ tiêu cho được để bịt đầu mối.
Sau 7 ngày vật lộn với sóng gió, hạm đội đã đi qua đảo Mítxây và ngày 2-12-1941, Nagumô nhận được một mật lệnh từ Tôkiô: “Niitakayama - nobore” (mang ý nghĩa: vượt qua đỉnh núi Niita Kayama - Oasintơn chưa biết gì, cứ đúng ngày J hành động).
Trước đó, lãnh sự quán Nhật ở Hônôlulu, thừa lệnh chính phủ Nhật, lấy cớ giảm bớt căng thẳng trong đàm phán Mỹ - Nhật, đề nghị Mỹ cho quan hệ buôn bán bình thường. Hai bên đồng thuận: trong 3 tháng cuối năm 1941 sẽ có 3 chuyến tàu Nhật được đến Hônôlulu vào 3 thời điểm khác nhau.
Ngày 23-10, tàu Tatu Tamaru cặp bến cảng Trân Châu. Khi viên lãnh sự Nhật lên tàu, thuyền trưởng tàu này đã trao cho một phong bì dán kín: “Đây là những chỉ thị tối mật khẩn cấp, phải điều tra và báo cáo về nước”.
Ngày 1-11, tàu Tayoman đến, lưu lại 5 ngày ở Hônôlulu. Có hai chuyên viên quân sự trên tàu, không lên bờ, dùng kính tiềm vọng và ống nhòm quan sát mọi chi tiết trong vịnh. Viên lãnh sự Nhật đã chuyển tài liệu trinh sát được ở đảo cho viên thuyền trưởng. Hải quan Mỹ đã khám xét kỹ nhưng không phát hiện thấy điều gì bất thường.
Ngày 5-11-1941, tàu này nhổ neo.
Ngày 20-11, đàm phán Mỹ - Nhật đi vào ngõ cụt. Ngày 27-11, Tôkiô tuyên bố bỏ họp. Ngày 29-11, nội các Nhật, do Tojo mới thành lập, quyết định dùng vũ lực. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ là Rudơven vẫn gửi công hàm cho Nhật hoàng Hirô Hitô yêu cầu giữ nguyên tình trạng hòa hoãn.
Được Mỹ cho phép, tàu Tatu Tamaru sẽ quá cảnh Hônôlulu (chuyến tàu thứ ba theo thỏa thuận trước đây) để giàn xếp việc hồi hương kiều dân hai nước. Báo chí Mỹ và Nhật rùm beng về chuyện này. Tờ “Nữu Ước thời báo” bình luận: “Trong tương lai gần, vẫn còn dấu hiệu hòa hoãn, chưa thể nổ ra chiến tranh…”. Thực tế, đó chỉ là đòn nghi binh đánh lạc hướng bằng ngoại giao của Nhật, vì sau khi tàu Tatu Tamaru khởi hành rời cảng Yokoyama không lâu đã nhận được điện quay trở lại.
Ở Hônôlulu và trên khu vực đảo Oahu (thuộc quần đảo Haoai), 6 tháng cuối năm đã rộ lên tin đồn: chiến tranh sẽ nổ ra ở Thái Bình Dương. Nhưng binh lính, các sĩ quan và cả đô đốc ở đây chẳng mấy ai tưởng tượng được chiến tranh lại có thể xảy ra trước tiên tại chốn này. Đối với họ, không thể tin được chuyện từ nước Nhật xa lắc xa lơ, một lực lượng đồ sộ đến được đây mà không phát lộ trong suốt chặng quá dài hành quân trên biển. Vả lại phong cảnh nơi đây thật thanh bình, yên ả: bãi biển trong xanh, rặng dừa thơ mộng, quán rượu vũ trường nhộn nhịp nhạc Jazz và nổi tiếng nhiều gái đẹp. Tất cả đều làm quên lãng chiến tranh…
Tổng chỉ huy lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, tướng Mác Áctơ đã từng gửi điện nhắc nhở tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là Hơxbơn Kimen, nhưng các sĩ quan cao cấp ở đây vẫn thấy chẳng có gì cấp thiết. Hơn nữa, họ cũng đã tiến hành tăng cường lực lượng cho một số đảo phía bắc. Ngày 8-11, tàu sân bay Lexintơn, 3 tàu tuần dương loại nặng, 5 tàu khu trục cùng một số quân và 12 máy bay chiến đấu tăng cường cho đảo Mítuây. Ngày 5-12, tàu sân bay Intơprai với 3 tàu tuần dương, 9 tàu khu trục bảo vệ cũng đang trên đường đến tăng cường cho đảo Uâyk (tuy nhiên do bị hỏng máy dọc đường, phải sửa chữa suốt 15 tiếng đồng hồ nên tàu Intơprai đã không đến được căn cứ trước trận đánh và đó là điều may cho nó).
Thực ra tin tức về một trận tập kích của Nhật vào cảng Trân Châu đã được nhiều quan chức Mỹ biết và cũng đã có những cảnh báo từ rất sớm. Nhưng tất cả đều bị “bỏ xó” cứ như chuyện đùa. Câu chuyện tiếp theo cho thấy sự chủ quan, lơ là cảnh giác của quân đội Mỹ đến cỡ không thể nói khác hai từ: định mệnh.
Vào tháng 5-1940, tại vùng biển Bêrinh, gần Alaska một tàu đánh cá Nhật bị bão đánh chìm. Người ta vớt được xác chết của viên thuyền trưởng tàu đó và trao cho đội tuần tra Mỹ. Trong túi của tử thi có một quyển sách có bìa là hai tấm chì. Sau khi tìm hiểu, xác định, Mỹ biết người chết là một đại úy tình báo Nhật và quyển sổ đó chính là quyển ghi chép mật mã cơ yếu dùng thông tin vô tuyến điện của hải quân Nhật (Thật ra đây là bản mật mã cơ yếu dùng chung cho cả hải quân, không quân và Bộ ngoại giao Nhật. Điều ngạc nhiên là nó đã không được Nhật thay đổi trong suốt cuộc chiến tranh. Lục quân Nhật dùng mật mã riêng. Mật mã này khó tới mức tất cả các chuyên gia hàng đầu của Mỹ đều chịu thua, không giải được).
Sau một thời gian ngắn, Mỹ đã mở được khóa mật mã này. Mỹ cố giữ kín và ra sức tận dụng sự phát hiện tình cờ nhưng vô giá này. Nhờ thế, tình báo Mỹ đã biết được nhiều nội dung thông tin tình báo từ Tôkiô đi các nơi và từ các nơi gửi về.
Nhật đã không mảy may hay biết gì và đó chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của thủy sư đô đốc Yamamôtô sau này trên chiến trường ở quần đảo Salômôn, nơi ông đang điều binh khiển tướng, phát huy đến cao độ lối đánh gần, đánh tiêu hao đầy hiệu quả của mình. Sáng sớm ngày 17-4-1943, trung tâm do thám vô tuyến điện của Mỹ đặt tại vùng Alaska bắt được một bức điện mật phát đi từ thiết giáp hạm Yamatô, mang cờ hiệu của đô đốc Yamamôtô. Lập tức bức điện được giải mã và có nội dung: Đô đốc Yamamôtô đi thị sát các căn cứ hải quân trên đảo Buganhvin, Salômôn; cùng đi có tổng tham mưu trưởng và 7 sĩ quan cao cấp hải quân hoàng gia; Đoàn khởi hành từ Truk, vào 8 giờ sáng nay, theo 2 máy bay Sally (loại 2 động cơ ném bom), có 6 máy bay khu trục hộ tống; từ đảo Buganhvinh sẽ có các máy bay khu vực của phi trường Kahili bảo vệ, hành trình dự kiến: Rêban, Búcka 16 giờ 30, nghỉ đêm ở Búcka và sáng sớm hôm sau đi Kahili, tới nơi 9 giờ 45. Mỹ đã lên kế hoạch chớp nhoáng: dùng máy bay P38 ở sân bay Hendécxơn Phin trên đảo Goađêcanên để đón đánh Yamamôtô ngay trên sân bay Kahili vào ngày hôm sau. Sáng chủ nhật, ngày 18-4-1941, một phi đội gồm 16 chiếc P38 của Mỹ cất cánh, bay thấp, giữ im lặng, vòng ra xa các hòn đảo có quân Nhật chiếm giữ để tránh bị phát hiện, hướng tới mục tiêu là đảo Bunganhvin. Khi phát hiện ra máy bay Mỹ, 6 chiến khu trục hộ tống của Nhật tổ chức đánh chặn, 2 chiếc Sally vội vàng đâm thẳng về phía đảo. Nhưng đã không còn kịp. Chiếc chở Yamamôtô bị một chiếc P38 lách được đến gần bắn trúng một loạt đạn 20 mm từ 4 trọng liên. Động cơ bên phải bốc cháy, máy bay này sà xuống, vướng vào các ngọn cây, gãy thêm cánh bên phải, bốc cháy và đâm xuống khu rừng. Chiếc Sally thứ hai chở ban tham mưu cao cấp bị một chiếc P38 khác đuổi kịp, bắn trúng. Nó đâm đầu xuống một bãi san hô rồi nổ tung. Các đội tìm kiếm thấy đô đốc Yamamôtô bị chết thiêu, nhưng vẫn trong tư thế ngồi thẳng, hai bàn tay chống trên đốc chiếc kiếm của võ sĩ Samurai. Sau này nhận định về sự kiện Yamamôtô, bộ trưởng hải quân Mỹ là Phren Xnốc viết rằng: việc chiếm dụng bản mật mã của hải quân Nhật có giá trị tương đương với việc hải quân Mỹ được trang bị thêm một hạm đội.
Quay lại chuyện chính. Nhờ có bản mật mã, Mỹ đã có thể nắm bắt nội dung của nhiều bức điện của một tình báo Nhật lợi hại nằm vùng ở Hônôlulu, tên là Yo Slu Kava Takeo. Mỹ cũng khám phá được một số tin mật từ sứ quán Nhật ở Oasintơn gửi về Tôkiô. Ấy vậy mà nhiều tin tức quan trọng đó đã bị chôn vùi trong đống hồ sơ lưu của Bộ tổng tham mưu Mỹ, trong đó có nhiều bản tin đã giải mã xong nhưng chưa dịch ra tiếng Anh.
Ngay từ ngày 24-7-1941, Xnốc đã báo cáo với bộ trưởng Bộ chiến tranh Mỹ là Henri Xtimsơn như sau: “Nếu xảy ra chiến tranh với Nhật, thì đòn bất ngờ đầu tiên sẽ là cảng Trân Châu”.
Ngày 27-7-1941, Đại sứ Mỹ ở Nhật gửi thông báo về Oasintơn, có đoạn: “Do nhiều nguồn tin, trong đó có cả từ phía Nhật, ông Pớcgu bạn tôi ở đây cho biết là khi xảy ra rắc rối giữa Mỹ và Nhật thì trận đụng độ đầu tiên là ở cảng Trân Châu - Hônôlulu”. Thông tin này phải qua nhiều khâu chậm trễ mới đến được Cục tình báo hải quân. Cục này không tin đó là việc có thật, chỉ thêm phần bình luận rồi gửi cho đô đốc Kimen ở Hônôlulu. Ông này bỏ qua mà không có ý kiến gì.
Ngày 20-8-1941, Henri Xtimxơn nhận được một báo cáo chi tiết của đại tá không quân Pátrinh về cuộc diễn tập của các tàu sân bay Nhật, chuẩn bị cho trận tiến công cảng Trân Châu. Trong đó cũng dự kiến thời điểm tiến công là lúc mờ sáng vào những ngày cuối năm, hướng xuất phát không bình thường, có thể là hướng bắc. Không hiểu sao bộ hồ sơ này nằm chết dí luôn ở văn phòng bộ trưởng Xtimxơn.
Đến tận những ngày cuối cùng trước trận đánh, Oasintơn mới thấy cần báo động khẩn cấp cho Haoai. Tướng Gioóc Mácsan, tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, gửi cho đô đốc Kimen một công văn khẩn “Nhật đang chuẩn bị gửi tối hậu thư cho Mỹ ngày 7-12-1941. Toàn căn cứ phải ở trong tình trạng báo động khẩn cấp”. Công văn gọi là “khẩn” mà lại đi gửi theo đường hàng hải thương mại thông thường , nên khi đến nơi thì chiến sự đã nổ ra và đô đốc Kimen nhận được nó cùng với lệnh triệu hồi.
Thật là chủ quan, lơ là đến ngỡ ngàng!
Chưa hết! Đêm 6-12-1941, lợi dụng tối thứ bảy (ngày cuối tuần), người Mỹ thường nghỉ việc, tàu lặn mini I.16 của Nhật đã xâm nhập đến gần đảo để trinh sát. I.16 là loại tàu ngầm chỉ dài 13m, có một máy nổ nhỏ, 2 người điều khiển và trang bị 2 thủy lôi 450mm. Chúng thường được tàu ngầm mẹ mang đến gần căn cứ đối phương thả ra và hoạt động độc lập. Nhờ hệ thống giảm âm, tốc độ chậm, lướt rất nhẹ, ít để lại gợn sóng trên mặt nước nên khó bị phát hiện. Nó hoạt động có tính cảm tử, khi cần phải tự hủy để khỏi lộ tung tích. Do vậy nó ra đi ít có khả năng quay về.
Đêm đó các tàu I.16 xâm nhập đến cách đảo 8 dặm, nhô kính tiềm vọng để quan sát rồi sau đó nổi hẳn lên mặt nước. Dưới ánh đèn bảo vệ sáng rực, ánh đèn pha cực mạnh và quét thấp theo chu kỳ, toàn bộ quang cảnh căn cứ, các vị trí tàu đậu… hiện lên rõ ràng trong tầm ngắm quan sát của các thủy thủ Nhật.
Từ 2 giờ đến gần sáng ngày 7-12, hai tàu tuần tiễu loại nhỏ của Mỹ đi tuần ngoài khơi. Trên đường về căn cứ, một tàu phát hiện cách xa khoảng 1000m loáng có vết di động, sóng bị dạt và chao đảo, vạch một đường trên mặt nước hướng vào căn cứ. Thuyền trưởng cho tàu bám sát, nghi là một kính tiềm vọng. Tàu này liên lạc với hai tàu tuần tiễu lớn hơn là tàu Scot và Oát trao đổi thông tin về mục tiêu lạ. Sau đó 15 phút, tàu Oát báo động toàn tàu, tăng tốc độ bám sát vệt nước đang vào. Để khỏi chạm mìn và thủy lôi rào quanh căn cứ, tàu Oát phải giảm tốc độ, quay vòng thì mục tiêu cũng mất hút. Bấy giờ là khoảng 4 giờ 30. Sau đó cửa khẩu ngầm mở rộng để các tàu tuần tra hết phiên trực trở vào căn cứ. Chớp thời cơ, các tàu I.16 của Nhật lẻn vào trót lọt.
Trời mờ sáng, tàu công trình Andares dắt tàu bia (tập xạ kích) trở về. Cửa ngầm lại mở. Hai tàu I.16 tiếp tục lọt được vào.
Đến 6 giờ 30, một thủy phi cơ trinh sát Mỹ cất cánh tuần tiễu. Nhờ biển lặng, phi công nhìn thấy từ trên cao một vệt di động, bèn cho máy bay lượn nhiều vòng, sà thấp, quan sát kỹ hơn rồi liên lạc với đội tàu tuần tra của căn cứ. Mục tiêu lộ rõ. Sợ nhầm phải tàu ngầm Mỹ đi lạc, họ cho báo động và sau khi chờ trả lời không kết quả, thuyền trưởng tàu Oát ra lệnh nổ súng. Một chiếc I.16 bị diệt.
Ở Sở chỉ huy, sau khi nhận được báo cáo từ tàu Óat, phó đô đốc Blốc cũng chỉ báo động cho riêng tàu khu vực Monaghon, các chiến hạm khác vẫn không hay biết gì.
Không quân Mỹ phát hiện thêm 2 tàu I.16 nữa trong tuyến hàng rào thủy lôi. Ba tàu Mỹ dùng pháo và lựu đạn chống tàu ngầm bắn chế áp mãnh liệt. Hai tàu I.16 buộc phải nổi lên để rồi bị bắn chìm. Hai tài I.16 còn lại, sau khi đã báo về chỉ huy đầy đủ thông tin quan sát được, lúc quay ra bị lạc hướng, vướng mìn, thủy lôi, và bị tàu khu vực Hâym bắn chìm nốt.
Trạm rađa trên đồi Opana (bắc đảo Oahu) vào phiên trực từ 4 giờ đến 7 giờ. Tốp trực là các trắc thủ giỏi và có tinh thần trách nhiệm. Hồi 6 giờ 15, họ bỗng phát hiện có những chấm sáng rung động, nháy mạnh, từ ít đến nhiều ở mép cuối màn rađa. Sau 8 -9 phút, những vết sáng càng lúc càng đậm nét, di động xuyên tâm màn hình rađa (nghĩa là đang bay đến căn cứ). Tín hiệu chỉ ra rằng đó là một lực lượng lớn máy bay. Kíp trắc thủ bàng hoàng, vừa ghi tọa độ vừa quay chuông điện thoại báo khẩn cấp về Sở chỉ huy. Liên lạc thời đó rất tệ, mãi 6 - 7 phút sau mới gọi được sĩ quan trực chiến. Còn ngái ngủ, nghe báo cáo xong bèn quát: “Đồ điên!” rồi cúp máy.
Các trắc thủ rađa đứng ngồi không yên, cố tìm cách liên lạc đến mãi 7 giờ 02 phút mới gọi lại được: “Báo cáo có mục tiêu trên không, biên độ lớn, cự ly 113 dặm…”
Lần này, tiếng viên sĩ quan trực chiến trả lời vừa bực dọc vừa châm biếm vài ba câu rồi kết: “Đừng có mà báo cáo gì thêm nữa!”. Vậy là lần thứ hai, tinh thần trách nhiệm cao của các trắc thủ vẫn không được tôn trọng. Họ cứ tiếp tục ghi chép nhưng không biết thông báo đi đâu. Cơ hội cuối cùng và duy nhất cứu vãn sự sống của toàn căn cứ đã bị bỏ lỡ một cách đau xót…
Sau đây là diễn biến trận tập kích:
Đúng 3 giờ ngày 7-12-1941, các tàu dầu được lệnh tiếp đầy dầu cho toàn hạm đội rồi quay về Nhật. Các tàu tiến công tăng tốc nhằm rút ngắn thời gian bay cho không quân đến mục tiêu. Trong lễ chào cờ truyền thống chữ Z của hải quân Nhật được tiến hành trang nghiêm, đô đốc Nagumô đọc thư động viên của Thủy sư đô đốc Yamamôtô. Lễ tuyên thệ được tiến hành trong từng chiến hạm trước bàn thờ nhỏ. Toàn thể các phi công tham chiến đều làm lễ Seppeiku (quỳ và chắp tay hướng về phía mặt trời mọc - tỏ lòng trung thành với Thiên hoàng, Hirô Hirô). Trước khi ngồi vào khoang lái để chuẩn bị cất cánh, họ còn hô vang “Temo benzai!” (Thiên hoàng vạn tuế!).
Lúc 6 giờ, lực lượng máy bay tham gia đợt không kích đầu tiên xuất phát. Từ hạm chỉ huy Agaki, cờ lệnh được kéo lên, 183 máy bay lần lượt rời đường băng. Hạm đội còn cách Oahu 230 dặm, thời gian máy bay đến được mục tiêu không kích là 1 giờ 30 phút. Chỉ huy đợt này là đại tá không quân Mitsuô Fuchiđa. Fuchiđa chủ trương tiến công cả hai hướng đông và tây, tránh hướng bắc vì có dãy núi trên đảo Oahu.
Trong vịnh Trân Châu có 96 tàu các loại, nhưng không có quả khinh khí cầu nào được thả ở lưng chừng trời để chống máy bay bay thấp.
Đô đốc Kimen, chiều thứ bảy ăn cơm và chơi khuya tại nhà tướng Sót. Sáng sớm, ông ta chuẩn bị đi chơi gôn ở ngoài thị trấn, vừa lên xe con thì máy bay Nhật ập tới trên đầu.
Trong căn cứ, mọi người đang chuẩn bị cho buổi chào cờ thường lệ vào 8 giờ sáng. Trên chiến hạm Ôridôna, đội kèn đồng đã chờ sẵn. Lá cờ Mỹ đang được kéo lên ở cột cờ cao của tàu công trình. Đúng lúc đó (7 giờ 55 phút, giờ Haoai), máy bay Achi 99 của Nhật lần lượt bổ nhào xuống đảo Pho. Trên tàu phóng lôi, phó đô đốc Uyliam Phơlơn, người đầu tiên nhận ra có máy bay Nhật xuất hiện ở hai phía. Ông ta ra lệnh bắn nhưng chẳng có thứ gì trong tay để chỉ huy.
Tham mưu trưởng không quân tại căn cứ, đại tá Morixơn, báo cáo cho đại tá Philíp, sĩ quan giúp việc cho tướng Sót: máy bay Nhật đang khống chế sân bay. Philíp trả lời: “Này anh bạn, anh điên à!”. Khi bom đã rơi nổ và lửa bốc cháy dữ dội thì nhiều sĩ quan và quân lính Mỹ hãy còn ngáy ngủ. Còi báo động rúc lên nhưng đã muộn.
Khu tập trung các thủy phi cơ bị tấn công đầu tiên, tiếp đó là các sân bay, kho tàng, bến cảng và suốt dãy hành lang neo đậu của các tàu thiết giáp, tàu tuần dương loại nặng và vừa. Các máy bay Nhật sà thấp, thả bom, thả thủy lôi thia lia, xả súng liên thanh quét dọc các hạm. Tàu Ralâu trúng bom vào ống khói, tàu Uta trúng giữa thân gần như bị đứt đôi, tàu Ôridôna và những chiếc khác cũng trúng bom, thủy lôi xuyên từ chiếc này sang chiếc kia, có chiếc bị trúng bồi nhiều lần trước khi chìm hẳn. Đội danh dự, thủy thủ và sĩ quan ở tư thế chào cờ trên boong, bị súng liên thanh quét dữ dội, thương vong nặng nề, một số bị hất xuống biển. Lẫn trong tiếng còi báo động, tiếng gầm rú của máy bay, tiếng đạn bom ầm ĩ là tiếng gào thét điên loạn. Lửa bốc càng lúc càng mạnh ở khu vực tàu chủ lực.
Các máy bay đậu trên sân bay Hicơn Phin, một số bốc cháy và nổ tung, vài chiếc phát động được máy, sắp rời đường băng cũng bị bắn hạ. Sân bay Uynlơ Phin bị tổn thất nặng nề, riêng máy bay đã bị hủy diệt 33 chiếc trên tổng số 49 chiếc ngay trong đợt không kích đầu tiên. Sau đợt này, hàng loạt sân bay của lục quân và hải quân Mỹ ở căn cứ đã bị oanh tạc và đều không sử dụng được.
Chỉ huy đợt không kích thứ hai là đại tá Shigekaku Shimazaki. Đợt này với 170 máy bay các loại, đã cất cánh lúc 8 giờ 30. Thời gian bay tới mục tiêu đã được rút ngắn nhờ tư lệnh Nagumô cho hạm đội tiến gần hơn.
Tại sân bay Belao, một số máy bay Mỹ chuẩn bị xuất kích, nhưng do tổ chức bị động, rời rạc, chỉ huy rối loạn nên bị triệt ngay trên đường băng, vài chiếc kịp cất cánh được thì ngay lập tức cũng bị bắn rơi.
Hỏa lực phòng không đã bắt đầu hoạt động nhưng lẻ tẻ, rời rạc, kém chính xác nên đến 9 giờ 6 phút, tàu thiết giáp chỉ huy dự bị Penxivơniơ, các tàu khu trục Koxin và Đaox cũng phải chịu những tổn thất…
Đến 9 giờ 45, toàn bộ trận đánh lớn của quân Nhật vào cảng Trân Châu kết thúc. Vào lúc 13 giờ ngày 7-12, chiếc máy bay cuối cùng tham gia cuộc tập kích hạ cánh an toàn xuống tàu sân bay Agaki.
Toàn hạm đội do đô đốc Nagumô chỉ huy cặp quân cảng Nahinajima ngày 23-12-1941.
Kết quả trận đánh:
- Thiệt hại về phía Mỹ: Đắm và trọng thương 19 tàu chiến lớn cùng một số lớn tàu chiến nhỏ; 188 máy bay bị tiêu diệt, 159 chiếc bị phá hỏng; chết và mất tích 2.403 người, bị thương 1.188 người.
Tuy nhiên, ba chiếc hàng không mẫu hạm của hạm đội Thái Bình Dương ngày hôm ấy không có mặt ở Trân Châu cảng nên đã không bị người Nhật tiêu diệt. Ngoài ra, các máy bay Nhật Bản cũng không tiến hành oanh tạc các công xưởng đóng tàu, kho đạn dược và nhất là kho xăng to lớn quanh cảng. Nếu làm được điều đó, hẳn người Nhật đã buộc hải quân Hoa Kỳ phải rút khỏi Trân Châu Cảng và đưa tàu về San Diego trong một năm rưỡi sau đó. 
- Thiệt hại về phía Nhật: 29 máy bay bị rơi do tai nạn, do hết xăng không hạ cánh được; 5 tàu mini I.16 bị tiêu diệt; chết và mất tích 64 người, 1 người bị bắt làm tù binh.
Trận cảng Trân Châu đã kích hoạt làm bùng nổ chiến tranh Thái Bình Dương. 
Khi bắt đầu chiến tranh, các lực lượng vũ trang của Mỹ, Anh, Hà Lan… ở Thái Bình Dương có 22 sư đoàn (420 ngàn người), 237 tàu chiến (trong đó chỉ có 3 tàu sân bay), 88 tàu ngầm và 1.290 máy bay. Nhưng các lực lượng đó bị dàn mỏng ra nhiều căn cứ, hơn nữa lại ít hơn Nhật hai lần về tàu sân bay và số máy bay đậu trên tàu sân bay. Ngoài ra, tại khu vực này chưa thành lập được một bộ chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang Đồng Minh.
12 giờ 30 phút ngày 8 tháng 12, tổng thống Roosevelt đã đọc Tuyên cáo chiến tranh của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản. Ông mở đầu bài diễn văn như sau: "Hôm qua, ngày 7-12, một ngày của sự nhục nhã – Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị các lực lượng hải quân và không quân của đế quốc Nhật tấn công bất ngờ và không tuyên chiến….". Trong ngày 7 tháng 12, Úc cũng tuyên chiến với Nhật Bản và một ngày sau đến lượt Hà Lan. Tiếp đó, nước Pháp Tự do, New Zealand, Canada,… tất cả hơn 20 nước cũng lần lượt tuyên chiến với Nhật. 
Liền đó, cũng trong ngày 8 tháng 12, Quốc trưởng Adolf Hitler đã nhận được thông điệp của chính phủ Nhật, yêu cầu Đức và Ý tuyên chiến với Hoa Kỳ theo như cam kết trong Hiệp ước Tam cường. Đêm ngày 9 tháng 12, cả Hitler lẫn Mussolini đã điện trả lời chính phủ Nhật rằng cam đoan cả ba nước sẽ chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng, không giảng hòa riêng rẽ nhưng vẫn né tránh việc tuyên chiến với Mỹ. Trưa ngày 10 tháng 12, đại sứ Nhật Oshima đã trình lên Quốc trưởng một thông điệp mới của chính phủ Nhật trả lời điện văn nói trên của Đức và Ý. Thông điệp này bày tỏ hi vọng quân đội Đức sẽ tiến ngay vào Trung Cận Đông với ngụ ý Đức nên tuyên chiến. Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop cố gắng thuyết phục Hitler không nên tuyên chiến với Hoa Kỳ vì theo Hiệp ước Tam Cường, Đức sẽ chiến đấu bên cạnh Nhật chỉ khi Nhật bị một nước khác tấn công. Tuy nhiên, vào lúc ấy, bộ ngoại giao Đức lại nhận được điện của tham tán ngoại vụ Hans Thompson ở Washington D.C rằng 24 giờ nữa Mỹ sẽ tuyên chiến hoặc cắt quan hệ ngoại giao với Đức. Chụp lấy cơ hội này, Hitler vội vã triệu tập Quốc hội vào ngày 11 tháng 12 và chính thức tuyên chiến với Hoa Kỳ. Cùng trong ngày hôm ấy, Ý cũng tuyên chiến với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức. Phạm vi của Chiến tranh thế giới thứ hai đã mở rộng và tạo nên một cuộc chiến tranh quy mô toàn thế giới.
Từ ngày 24 tháng 11, nguyên soái Terauchi Hisaichi chỉ huy Nam Phương quân đã nhận được chỉ thị từ Tokyo chuẩn bị sẵn sáng gây sức ép với Thái Lan để tiến vào lãnh thổ nước này. Sáng ngày 8 tháng 12, sư đoàn cận vệ đi đầu vượt biên tiến vào Thái Lan trước sự ngỡ ngàng và bất lực của lực lượng biên phòng Thái. Rạng sang ngày 9 tháng 12, sư đoàn này đã tiến vào Bangkok. Một cánh quân khác từ đảo Phú Quốc đã đổ bộ lên vùng bờ biển Thái Lan, tiếp theo sau đó là một hạm đội nhỏ từ Vũng Tàu cũng kéo đến trợ lực. Ngày 11 tháng 12, quân đội Nhật Bản tiến sát biên giới Thái Lan-Miến Điện. Ngày 14 tháng 12, các điểm trọng yếu của Thái Lan đều bị quân Nhật chiếm lĩnh. Ngày 21 tháng 12 năm 1941, chính phủ Thái Lan trước sự đe dọa của Nhật Bản đã phải ra tuyên bố liên minh với Đại Nhật Bản và tuyên chiến với Anh-Hoa Kỳ.
Đầu tháng 12 năm 1941, kế hoạch tiến đánh Hồng Kông, lãnh địa của Anh tại Trung Quốc đã được phê chuẩn. Ngày 8 tháng 12, 38 sư đoàn Nhật Bản bắt đầu tấn công dọc theo sông Thâm Quyến. 18 ngày sau, ngày 25 tháng 12, Toàn quyền Hồng Kông Mark Young đã đầu hàng tướng Nhật Takaishi Sakai.
Việc chiếm đóng miền Nam Đông Dương và Thái Lan được là bước đầu để Nhật tạo bàn đạp cho cuộc tấn công Mã Lai. Trận chiến tại Mã Lai chính thức bắt đầu từ lúc 1 giờ 30 phút ngày 8 tháng 12 khi quân Nhật đổ bộ lên Khota Baru. Tiếng súng đã bắt đầu sớm hơn ở Hawaii gần hai tiếng đồng hồ. 4:00 giờ sáng ngày hôm đó, 17 máy bay ném bom của Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã oanh tạc Singapore làm 133 người chết. Cũng cùng thời gian đó, người Nhật đã chiếm xong sân bay đầu tiên của Anh ở Mã Lai.
Ngày 10-12-1941, xảy ra trận thủy chiến Kwantan (Xingapo). Ngay trong 15 phút đầu tiên giao chiến, 2 chiến hạm chủ lực nổi tiếng thời đó của hải quân Anh là Prinxơn Uâyx và Ripơn bị không quân của Nhật đánh chìm. Hạm đội Anh do thủy sư đô đốc Tôm Philip chỉ huy nhanh chóng tan tác. Tư lệnh Philíp tuẫn tiết theo kỳ hạm (tàu chỉ huy), giữ truyền thống của hải quân Anh. Trong phiên họp khẩn của Quốc hội Anh đêm 10-12, thủ tướng Uyntơn Sơcxin chua chát nói: “Gần cả đời tôi, trải qua nhiều kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh, chưa lần nào tôi nghĩ đến một tổn thất to lớn như vậy; nó thật kinh hoàng và chua xót…”
Cách thủy chiến bằng hải quân kết hợp với không quân chiến đấu của Nhật đã chỉ ra: từ đây, một hạm đội, dù hỏa lực có mạnh đến mức nào, cũng không thể trụ nổi trước đối phương, nếu không có máy bay chiến đấu yểm trợ. Trong chiến tranh Thái Bình Dương, xuất phát từ đặc tính môi trường tác chiến là biển cả, việc loại khỏi vòng chiến đấu các căn cứ hải quân và không quân của đối phương là một yếu tố rất quan trọng để giành thế chủ động chiến lược. Không quân của lực lượng hải quân trên các tàu sân bay đã trở nên giữ vai trò chính yếu trong việc giải quyết nhiệm vụ đó…
Bị đánh chìm 2 chiến hạm chủ lực, hải quân Anh không còn đủ khả năng tấn công các tàu chở quân và vũ khí của Nhật. Với binh lính, vũ khí và quân nhu tiếp viện, người Nhật tiến công về phía nam. Xe đạp và xe tăng hạng nhẹ giúp quân Nhật vượt qua các khu rừng già một cách hữu hiệu và tiến nhanh như vào chỗ không người. Ngày 7 tháng 1 năm 1942, người Nhật đã chiếm được Kuala Lumpur và đến ngày 31 tháng 1, các lực lượng quân Úc và Ấn Độ không còn giữ nổi phòng tuyến đã phải rút về pháo đài Singapore. Khi lực lượng Đồng Minh cuối cùng đã rời Malaya, các kĩ sư đã cho đánh sập con đường nổi bắc ngang eo biển nối Johore và Singapore. Sau gần 2 tháng giao tranh, trận Mã Lai đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của Nhật Bản và giờ đây mục tiêu tiếp theo là Singapore.
Singapore với diện tích chỉ hơn 600 km² nhưng lại là một pháo đài vững chắc của người Anh tại Đông Nam Á. Tại đây quân Anh có tới 85.000 quân, 54 đại pháo hải quân gắn trong pháo đài, 300 khẩu pháo, 200 xe tăng - xe bọc thép. Sau khi chiếm được Mã Lai, người Nhật đã cho ngừng tiến quân một thời gian để củng cố lại lực lượng và nghiên cứu cách đánh. Đến tối ngày 7 tháng 2, quân Nhật mới bắt đầu tấn công. Quân Nhật chơi đòn tâm lý chiến khi cho máy bay thả xuống khu vực quân Anh cố thủ một bức thư gọi hàng. Cuối cùng, vào chiều ngày 15 tháng 2, trung tướng Arthur Percival, tổng chỉ huy quân Anh tại Singapore đã mang cờ trắng đến gặp người Nhật và đồng ý ký vào văn kiện đầu hàng. Quyết định đầu hàng của tướng Arthur Percival đã đưa đến cuộc đầu hàng lớn nhất trong lịch sử của quân đội Anh và nó đã làm cho địa vị của nước Anh tại vùng Viễn Đông không còn như xưa.
Trong toàn chiến dịch Mã Lai, quân Nhật chịu thiệt hại 9.824 người chết, bị thương hoặc bị bệnh (bao gồm 1.714 chết). Quân Anh có khoảng 5.000 chết hoặc bị thương, và hơn 80.000 quân đã bị bắt làm tù binh, toàn bộ trang bị vũ khí của quân Anh bị phá hủy hoặc thu giữ. Tại Luân Đôn, sáng ngày 17 tháng 2, thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói trước Quốc hội: "Hôm nay tôi nói chuyện với quý đại biểu trong một tình huống vô cùng đau đớn. Singapore đã thất thủ. Đây là một thảm bại của quân đội và đế quốc Anh. Một thảm bại lớn nhất trong lịch sử chúng ta".
Philippines khi đó là thuộc địa của Mỹ, là nơi đặt Bộ tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Viễn Đông dưới quyền đại tướng Douglas MacArthur. Tại đây, còn có nhiều căn cứ quân sự của người Mỹ như sân bay Clark, Iba, các căn cứ hải quân Cavite, Subic… Về phương diện chiến lược, Philippines là vòng cung phòng ngự từ xa của bờ phía tây lục địa Mỹ. Tại đây, quân Mỹ - Philippines có lực lượng khá mạnh: hơn 151.000 quân, 108 xe tăng và 277 máy bay (bao gồm 34 chiếc máy bay ném bom hạng nặng B-17) Kế hoạch đánh chiếm Philippines được giao cho trung tướng Masaharu Homma, một người đã từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất trên đất Pháp.  
Ngày 1 tháng 12, tư lệnh chiến dịch đặt sở chỉ huy tại Đài Bắc đã nhận được bản kế hoạch tấn công của Tổng tư lệnh Đạo quân Phương Nam - thống chế Terauchi Hisaichi. Trưa ngày 8 tháng 12, người Nhật sử dụng 108 oanh tạc cơ và 75 máy bay A6M Zero tấn công sân bay Clark và một số sân bay khác. Không quân biển Đông Hoa Kỳ bị xóa sổ 70% lực lượng chỉ sau 45 phút không kích, số máy bay còn lại cũng bị tiêu diệt hết trong vài ngày sau đó (chỉ còn sót lại 14 chiếc B-17 đã bay thoát sang Úc). Không quân Mỹ bị tiêu diệt là tiền đề cho việc mất Philippines. Tiếp sau đó, quân Nhật đổ bộ lên Davao. 

Ngày 10 tháng 12, quân Nhật đổ bộ lên chiếm một số bàn đạp ở Appari, Vigan, Laoar, Legapi đúng như kế hoạch. Tuy nhiên, khi tiến sâu vào Lingayen, quân Nhật bị chặn đánh dữ dội. Nhiều tàu chiến và tàu đổ bộ bị đánh chìm ở vịnh Lingayen. Cuộc tiến quân của người Nhật gặp nhiều khó khăn vì phải liên tục đổ bộ trên các đảo mà người Mỹ phòng thủ chặt chẽ. Đến ngày 22 tháng 12, quân Nhật chọc thủng được tuyến phòng ngự, tiến về Manila. Ngày 1 tháng 1 năm 1942, quân Nhật từ hai hướng Nam Bắc tiến về Manila. Đại tướng MacArthur lệnh cho các chỉ huy Bắc và Nam Luzon lui về cố thủ Bataan và bản thân ông cũng lui về pháo đài Corregidor.

Tại Bataan, tướng Homma mất 7.000 quân tử trận và 10.000 người khác chết vì bệnh tật. Hai lần xin thêm quân không được, trái lại thủ tướng Tojo còn tỏ vẻ bất bình. Ngày 10 tháng 3, tướng MacArthur được lệnh của Tổng thống Roosevelt rời Philippines sang Melbourne, Úc sau khi Tổng thống Philippines Manuel L. Quezon cũng đã rời nơi này. Tại Úc, ông đã có lời ước hẹn nổi tiếng: "I shall return" (Tôi sẽ trở lại). Ngày 2 tháng 4, hơn 65.000 quân Nhật với 100 đại bác bước vào chiến dịch cuối. Liên quân Mỹ-Philippines lúc này còn 78.000 người, nhưng chỉ có 27.000 là còn khả năng chiến đấu. Pháo binh và máy bay Nhật đã thiêu cháy tuyến phòng ngự cuối cùng. 9 giờ sáng ngày 9 tháng 4, 76.000 quân Mỹ-Philippines đầu hàng.

Quân Mỹ - Philipines tổn thất nặng trong chiến dịch này: 25.000 chết, 21.000 bị thương và khoảng 100.000 bị bắt. Chỉ còn sót lại mấy ngàn quân rút vào rừng tiếp tục đánh du kích. Philippines chính thức rơi vào tay Nhật. 

Cũng như các chiến trường khác, từ đầu tháng 12, Tư lệnh hạm đội Phương Nam của Nhật Bản đã nhận được chị thỉ kèm theo kế hoạch tấn công đánh chiếm các đảo đang nằm dưới quyền của các nước phương Tây tại Trung và Nam Thái Bình Dương. Guam thuộc miền Trung Thái Bình Dương, cách Tokyo 1400 hải lý, trên đảo có một sân bay lớn. Cuộc tiến công đánh chiếm Guam được tiến hành vào sáng ngày 10 tháng 12 không hề gặp khó khăn gì vì lính Mỹ trên đảo nhanh chóng đầu hàng trước sự áp đảo về quân số của người Nhật. Cũng trong ngày 10 tháng 12, Nhật Bản tiến công đảo Wake. Tuy nhiên, không như ở Guam, cuộc đổ bộ ở đây gặp khó khăn hơn rất nhiều khi bị hải pháo và máy bay Mỹ bắn phá dữ dội. Sau nhiều đợt tấn công, phải đến tận ngày 22 tháng 12, quân Nhật mới chiếm được đảo với tổn thất hơn 800 người và 2 khu trục hạm bị đánh chìm.

Rabaul là một hòn đảo lớn trên tuyến phòng ngự của Úc ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Tuyến phòng ngự này gồm một chuỗi quần đảo chạy dài từ New Guinea qua quần đảo Bismarck đến quần đảo Solomon. Từ ngày 4 tháng 1 năm 1942, các máy bay Nhật Bản xuất phát từ hàng không mẫu hạm đã ném bom đánh phá Rabaul. Ngày 23 tháng 1, quân Nhật đổ bộ lên đảo và khoảng 1 tuần sau thì hoàn toàn chiếm được. Rabaul sau đó đã trở thành căn cứ lớn nhất của quân Nhật tại New Guinea.

Indonesia (trong Chiến tranh thế giới thứ hai được các nước phương Tây gọi là Đông Ấn thuộc Hà Lan) được xem là mục tiêu chính trong chính sách Đại Đông Á của Nhật Bản vì đây là phần đất có rất nhiều tài nguyên chiến lược, từ dầu mỏ, thiếc, bauxite, nikel,... đến mía đường, cao su, lúa gạo. Trước khi Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, lực lượng bảo vệ Indonesia hoàn toàn do người Hà Lan đảm nhiệm. Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản đánh chiếm Mã Lai và Philippines, nhiều đơn vị quân đội Anh, Mỹ bị Nhật Bản đánh đuổi đã kéo về Indonesia cùng với quân Úc đến tăng viện đã tạo thành "lực lượng ABDA" (American, British, Dutch, Australian) dưới quyền đại tướng Archibald Wavell người Anh. Còn về phía Nhật Bản, họ đã huy động lực lượng hải, lục, không quân lớn nhất lớn nhất so với tất cả các chiến dịch khác ở Đông Nam Á và do đích thân thống chế tư lệnh Đạo quân Phương Nam Hisaichi Terauchi chỉ huy.

Từ đầu năm 1942, đảo Java đã bị cô lập khi quân nhảy dù Nhật đã đổ bộ lên đảo Sumatra (phía tây) và thủy quân lục chiến Nhật chiếm đảo Bali (phía đông). Lúc ấy, lại nổ ra cuộc tranh cãi về sách lược phòng thủ: đô đốc Mỹ Thomas C. Hart chủ trương phòng thủ ở bờ biển, đợi quân Nhật đổ bộ thì đánh. Còn tư lệnh phó, Conrad Helfrich người Hà Lan thỉ chủ trương dùng lực lượng hải quân phục kích tiêu diệt đoàn tàu Nhật trên đường đổ bộ. Sau đó, lần lượt đô đốc Hart, tư lệnh lực lượng hải quân rời Indonesia về Úc và đại tướng Wavell, tư lệnh lục quân thì đến Ấn Độ.

Ngày 18 tháng 2, một đoàn tàu gồm 56 tàu vận tải của Nhật xuất phát từ Cam Ranh tiến về phía nam. Ngoài khơi biển Đông, đoàn tàu này đã gặp đoàn chiếm hạm hộ tống khởi hành từ Cao Hùng (Đài Loan) gồm 1 tàu sân bay, 7 tàu tuần dương và 12 khu trục hạm. Cùng lúc đó, một hạm đội khác gồm 40 tàu vận tải do chuẩn đô đốc Tanaka được 18 chiến hạm dưới quyền phó đô đốc Takeo Takagi yểm trợ xuất phát từ cảng Davao (Philippines) cũng tiến về vùng biển Java tạo thành 2 gọng kìm tiến đánh Java từ hai phía đông bắc và tây bắc. Đây là cuộc chuyển quân lớn nhất trên biển kể từ khi Nhật Bản phát động cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.

        Ngày 27 tháng 2, đã xảy ra trận hải chiến giữa hải quân Nhật Bản và hạm đội liên hợp 4 nước Đồng Minh Hà Lan, Hoa Kỳ, Anh và Úc tại vùng biển Java. Kết quả là Đồng Minh bị mất 2 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm cùng tư lệnh hạm đội Karel Doorman, phía Nhật chỉ có 1 khu trục hạm bị thương. Đêm 28 tháng 2, rạng ngày 1 tháng 3, bắt đầu cuộc di tản của bộ máy chính quyền Hà Lan và Bộ tư lệnh Đồng Minh. Các chiến hạm cũng được lệnh di tản nhưng hầu hết đã bị hải quân và không quân Nhật đánh chìm, chỉ có 4 chiến hạm của Mỹ chạy thoát. Ngày 6 tháng 3, Batavia thất thủ. Ngày 9 tháng 3, Bộ tư lệnh quân đội Hà Lan tại Indonesia ra lệnh cho các lực lượng của mình hạ vũ khí đầu hàng và quân Nhật cũng hoàn tất việc chiếm đảo Java trong ngày này (trước đó Nhật đã chiếm đảo Timor ngày 20 tháng 2)

Miến Điện đối với Nhật Bản có một ý nghĩa quan trọng cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Chiếm được Miến Điện, không chỉ cắt đứt con đường phương Tây vận chuyển cho Tưởng Giới Thạch mà còn mở ra con đường cắt đứt Ấn Độ với Anh. Ngày 15 tháng 1 năm 1942, sư đoàn bộ binh số 55 của Nhật vượt biên giới Thái-Miến. Người Anh đã cho một sư đoàn quân Ấn sang tăng viện Miến Điện còn Trung Quốc cũng đưa một đội viễn chinh hơn 100.000 người vào miền Bắc nước này. Tuy nhiên, đến ngày 8 tháng 3, quân Nhật đã chiếm được Rangoon, xem như đã chiếm đóng toàn bộ miền nam Miến Điện. Sau hơn 5 tháng, toàn bộ Miến Điện và một phần tỉnh Vân Nam đã lọt vào tay người Nhật. Phía Đồng Minh có thương vong 13.000 người trong tổng số 70.000 ban đầu. Phía Nhật trong số 70.000 quân của tập đoàn quân 15, tổn thất khoảng 4.500 người.

Ngày 1 tháng 1 năm 1942, tại Washington D.C, 26 quốc gia đã ký Tuyên ngôn Liên Hiệp các quốc gia, đánh dấu việc hình thành mặt trận Đồng Minh chống phát xít trên toàn thế giới. Ngay sau đó, đại tướng Anh Archibald Wavell đã được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh liên quân Hoa Kỳ-Anh-Hà Lan-Úc (ABDACOM) cho toàn vùng Đông Nam Á. Ngày 15 tháng 1, Wavell đã đến Bandung tại Java để chính thức chỉ huy ABDACOM. 

Sau khi Mã Lai và Singapore thất thủ, sự kháng cự của quân Đồng Minh đã tan rã nhanh chóng và "khu vực ABDA " đã phải chia làm 2. Sau đó, các lực lượng khối ABDA đã rút về phòng thủ Indonesia dưới quyền chỉ huy chung của tướng Wavell. Tư lệnh lục quân là Toàn quyền Hà Lan ở Indonesia, tư lệnh không quân là người Mỹ. Tuy nhiên, vào ngày 14 tháng 2, đô đốc Hart rời chỉ huy sở ở Bandung và giao quyền lại cho tư lệnh phó. Wavell từ chức tổng tư lệnh ABDACOM vào ngày 25 tháng 2, chuyển giao quyền chỉ huy Khu vực ABDA lại cho các tư lệnh địa phương rồi trở về Ấn Độ làm tổng tư lệnh các lực lượng quân Anh tại đây. Chức vụ tổng tư lệnh được giao lại cho viên Toàn quyền người Hà Lan. 

Ngày 27 tháng 2, trong trận hải chiến biển Java, hạm đội hỗn hợp của 4 nước Đồng Minh đã bị hạm đội Nhật đánh bại. Một trong những nguyên nhân thất bại có thể kể đến là 15 chiến hạm của hạm đội ABDA thuộc 4 quốc tịch khác nhau, được huấn luyện theo 4 nguyên tắc kĩ thuật và chiến thuật khác nhau, đồng thời còn không có ký hiệu mật mã chung nên đã không có sự phối hợp tốt với nhau. Sau thất bại này, ABDA xem như tan rã.

Để thay thế cho ABDA, ngày 17 tháng 3, Hoa Kỳ đã cho thành lập Bộ tổng tư lệnh Tây Thái Bình Dương với phạm vi hoạt động bao gồm Úc và New Guinea và người chỉ huy là tướng Douglas MacArthur. Sau đó Bộ tổng tư lệnh Trung tâm Thái Bình Dương cũng ra đời và chỉ huy trưởng là đô đốc Chester Nimitz. Ngày 1 tháng 4, Hội đồng Chiến tranh Thái Bình Dương đã được thành lập tại Washington do tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đứng đầu, cố vấn Harry Hopkins và đại diện của các nước Anh, Trung Quốc, Úc, Hà Lan, New Zealand và Canada. Đại diện của Ấn Độ và Philippines được thêm vào sau đó.  

Sau khi thất trận ở Mã Lai, hải quân Anh rút về vịnh Trincomalee ở Ceylon. Đô đốc James Somerville được cử làm tư lệnh hải quân bảo vệ Ấn Độ Dương với lực lượng 3 hàng không mẫu hạm, 5 thiết giáp hạm, khoảng 8 tuần dương hạm và 15 khu trục hạm. 

Đầu tháng 4 năm 1942, hạm đội hùng hậu của hải quân Nhật mà chủ lực là 6 hàng không mẫu hạm do phó đô đốc Chuichi Nagumo đã rời Singapore tiến về Ấn Độ với nhiệm vụ tiêu diệt Hạm đội Phương Đông và căn cứ Trincomalee của Anh. Đô đốc Somerville quyết định rút chạy về Đông Phi, không giao chiến, bất chấp sự dè bỉu của các sĩ quan dưới quyền. Đây là lần đầu tiên trong 100 năm qua, hải quân Anh từ chối giao chiến. Sở dĩ Somerville phải lựa chọn giải pháp này vì nếu hạm đội Phương Đông của Anh bị phá hủy, Nhật Bản bất cứ lúc nào cũng có thể đổ bộ lên Ấn Độ, phong tỏa Úc và đe dọa tuyến hàng hải Keptown-Suez. Còn nếu rút lui sẽ bảo toàn được lực lượng, đợi ngày phản công.

Trong suốt hơn một tuần đầu của tháng 4, hạm đội Nhật đã càn quét khắp Ấn Độ Dương, đánh chìm nhiều chiến hạm Anh, trong đó có tàu sân bay hạng nhẹ HMS Hermes, 2 tuần dương hạm hạng nặng, 2 khu trục hạm, 1 tàu vận tải có vũ trang và 23 tàu vận tải chở khoảng 112.000 tấn hàng hóa của người Anh đang trên đường đến tiếp tế cho Miến Điện, Quân Nhật chỉ tổn thất khoảng 20 máy bay. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu đã không đạt được: tiêu diệt toàn bộ hạm đội Phương Đông của Anh. Đây cũng là trận đánh thành công cuối cùng của hạm đội Nagumo.

Trước thắng lợi thần tốc của Nhật Bản tại Đông Nam Á, nước Úc giờ đây đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Ngày 19 tháng 2, không quân Nhật đã cho oanh tạc thành phố Darwin, giết chết ít nhất 243 người. Ngày 12 tháng 3, thủ tướng Nhật Hideki Tojo phát biểu trước Quốc hội: "Australia và New Zealand hiện đang nằm trong tầm tay của quân đội đế quốc Nhật. Nếu chính phủ Australia vẫn không thay đổi chính sách đối ngoại thì họ sẽ phải chịu chung số phận với Indonesia".

Trước tình hình đó, ngày 15 tháng 3, thủ tướng Úc John Curtin đã phải kêu gọi Hoa Kỳ "nên giúp Úc phòng thủ trước khi quá muộn"." Để đối phó với đà tiến của người Nhật, các nước Đồng Minh đã quyết định thiết lập một vành đai phòng thủ kéo dài từ quần đảo Aleutian (Bắc Thái Bình Dương) đến tận châu Úc, đi qua Hawaii, đảo Midway. Bộ tư lệnh Tây Thái Bình Dương được đặt ở Melbourne do đại tướng Douglas MacArthur chỉ huy. Hải quân Hoa Kỳ cũng gửi sang đây 3 tàu sân bay và hải quân hai nước Mỹ - Úc quyết tâm không cho người Nhật tiến vào lãnh hải Úc. 

Trong vòng 5 tháng sau trận tập kích thắng lợi, gây thiệt hại nặng không kịp phục hồi cho hải quân Mỹ ở cảng Trân Châu, phát xít Nhật, với tương quan lực lượng vượt trội, đã giành tiếp hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh bật Anh, Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương, đã đánh chiếm được tất cả các thuộc địa của Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan ở vùng Đông Nam Á và một số hòn đảo quan trọng trên Thái Bình Dương mà không vấp phải sự kháng cự đáng kể nào. Toàn bộ vùng Nhật Bản chiếm được rộng 3,8 triệu km² với 150 triệu dân. Còn nếu tính cả các vùng chiếm được ở Trung Quốc thì diện tích lên đến 7 triệu km² với số dân khoảng 500 triệu người. Nhật Bản giờ đây đã nắm trong tay những nguyên liệu chiến lược mà họ rất cần - dầu hỏa, cao su, thiếc, tungsten, crôm, mangan và lúa gạo - ngoại trừ sắt. 
Quân đội Nhật thu được hàng loạt chiến thắng lớn. Trên biển, họ đã tiêu diệt tổng cộng 7 thiết giáp hạm hoặc tàu chiến - tuần dương, 2 tàu sân bay, vài tàu tuần dương, nhiều tàu khu trục, tàu ngầm và hàng chục tàu vận tải. Trên bộ, họ đã tiêu diệt hoặc bắt làm tù binh gần 400.000 binh sỹ Mỹ - Anh - Hà Lan, phá hủy hoặc thu giữ vài trăm máy bay, khoảng 1.000 xe tăng - thiết giáp và hàng ngàn xe cơ giới các loại. Quân đội Thiên Hoàng để có được thành quả trên chỉ bị mất 15.000 người tử trận, 400 máy bay, 5 khu trục hạm và 12 tàu ngầm, trong khi phương án tác chiến ban đầu của Nhật Bản dự trù phải hi sinh 1/3 lực lượng hải quân. Thắng lợi của Nhật Bản trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh phần lớn là do không quân và hải quân, bởi vì Nhật chỉ điều động khoảng 11 sư đoàn lục quân (khoảng 200.000 người) để tấn công Philippines, Mã Lai, Miến Điện và Nam Dương, trong khi 70% lục quân Nhật (khoảng 37 sư đoàn) còn đang ở Trung Hoa đại lục. Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho quân Nhật thắng lớn trong giai đoạn đầu là do sự mất cảnh giác, không chuẩn bị đầy đủ và thiếu kiên quyết của phía Mỹ, Anh chống lại cuộc tấn công của quân Nhật. Sự thất bại của những người da trắng ở châu Á còn làm tổn hại uy thế của họ một cách trầm trọng.
Tuy nhiên, năng lực quân sự của Nhật không phải là vô hạn. Đến thời gian này, những mâu thuẫn giữa khả năng và mục đích của phát xít Nhật đã được bộc lộ. Hàng loạt khó khăn xuất hiện đã buộc các mũi tiến công chiến lược của quân Nhật phải dừng lại. Lúc đó nảy sinh hai quan điểm chiến lược giữa Lục quân và Hải quân Nhật. Tổng tham mưu trưởng lục quân Hajime Sugiyama đề nghị củng cố vững chắc các vùng lãnh thổ đã chiếm được, buộc Anh-Mỹ phải đưa ra các điều kiện hòa bình hoặc giành thế chủ động cho người Nhật nếu chiến tranh tiếp diễn. Trong khi đó, tổng tham mưu trưởng hải quân Nagano Osami lại cho rằng cần phải liên tục tấn công để giữ kẻ địch luôn ở tư thế phòng thủ, tiến hành các chiến dịch đánh chiếm Úc, Ấn Độ, Hawaii hoặc các căn cứ quan trọng khác trên Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương. Đó sẽ là vành đai phòng thủ từ xa của Nhật Bản.
Ngày 25 tháng 3, đô đốc Yammamoto đưa ra kế hoạch đánh chiếm đảo Midway ở trung tâm Thái Bình Dương và quần đảo Aleutian ở phía bắc Thái Bình Dương. Theo ông, đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa một cuộc tấn công bất ngờ của hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vào chính quốc Nhật Bản nhưng kế hoạch này của ông đã không được tán thành trong bộ tổng tham mưu.
Mỹ cấp tốc đề ra các biện pháp tăng cường sức mạnh cho không quân và hải quân. Lực lượng vũ trang Nhật dàn mỏng trong không gian rộng lớn Thái Bình Dương đã bắt đầu cảm thấy sức chống cự của đối phương ngày một tăng.
Mặc dù yếu đi một cách đáng kể do trận Trân Châu cảng, hải quân Hoa Kỳ chỉ mất 2 tháng để phản công khi lần lượt ném bom quần đảo Gilbert và Marshall, đảo Wake (ngày 24 tháng 2) và quần đảo Marcus cách Tokyo 1.500 km (ngày 4 tháng 3). Ngày 10 tháng 3, các máy bay Mỹ lại ném bom các căn cứ Nhật ở Lae, Salamoa và New Guinea, đánh chìm 1 tuần dương hạm hạng nhẹ, một tàu vớt mìn và một tàu chở hàng. 
Sau đó, vì những thất bại liên tiếp trên chiến trường, chính phủ Hoa Kỳ muốn có một đòn phản kích đánh vào lãnh thổ Nhật Bản nhằm trấn an dư luận và gây tiếng vang khích lệ tinh thần. Nhiệm vụ được đặt ra là một cuộc ném bom bất ngờ và mạo hiểm vào thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Phi đoàn được giao nhiệm vụ là phi đoàn của đại tá James H. Doolittle bao gồm 16 máy bay ném bom hạng trung B-25 Mitchell.
Hàng không mẫu hạm USS Hornet chở theo phi đoàn Doolittle đã bí mật tiến sát vào lãnh hải Nhật Bản. Giữa trưa ngày 18 tháng 4, phi đoàn này đã xuất hiện trên bầu trời Tokyo và thực hiện cuộc oanh tạc mà không một máy bay nào bị hỏa lực phòng không bắn hạ. Cuộc ném bom không gây thiệt hại nhiều về vật chất nhưng đã làm chấn động tâm lý giới lãnh đạo quân sự Nhật và góp phần giúp quan điểm chiến lược của hải quân thắng thế. Giờ đây, kế hoạch đánh chiếm đảo Midway và quần đảo Aleut của Yamamoto đã được bộ thống soái tối cao phê chuẩn. Thêm vào đó, một kế hoạch khác mang mật danh "Chiến dịch MO" nhằm đánh chiếm cảng Moresby tại New Guinea sẽ được thực hiện tại vùng biển Coral ở phía nam Thái Bình Dương.
Tại Madagascar, thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ Dương, vào ngày 5 tháng 5, quân Anh tiến hành đổ bộ lên Diego-Suarez, căn cứ hải quân phía bắc đảo này. Chiến sự tại đây kết thúc vào đầu tháng 11 với thắng lợi thuộc về Đồng Minh. Trong khi đó, một số lực lượng Úc và Hà Lan khác đã cùng dân thường thực hiện cuộc chiến tranh du kích chống quân Nhật tại vùng Timor từ ngày 19 tháng 2 năm 1942 và kéo dài khoảng một năm sau đó. 
Đầu tháng 5 năm 1942, "Chiến dịch MO" do phó đô đốc Shigeyoshi Inoue chỉ huy bắt đầu được thực hiện nhằm đánh chiếm cảng Moresby tại New Guinea. Nếu chiếm được cảng này, Nhật Bản sẽ kiểm soát được vùng biển phía bắc nước Úc và đặt nước này vào tình thế nguy hiểm. Cuộc đổ bộ ở Tulagi của quân Nhật không gặp sự đối kháng vào ngày 3 tháng 5.
Tháng 5-1942, hải quân Nhật mở cuộc tiến công nhằm chiếm một cảng quan trọng trong vùng biển San hô (Corail), giữa Úc và quần đảo Salômôn - cảng Môtơsơbi. Trong cuộc giao chiến ngày 7 và 8-5, quân Nhật đã buộc phải rút lui sau khi mất 1 tàu sân bay, 1 khu trục hạm và trên 80 máy bay. Đây là thắng lợi đầu tiên của Mỹ và cũng là thất bại đầu tiên của Nhật trên chiến trường Thái Bình Dương.
Do tổn thất quá nhiều máy bay, lực lượng đánh chiếm Moresby không còn được yểm trợ về không lực đã phải rút về Rabaul. Kết thúc trận hải chiến này, Nhật Bản giành thắng lợi về chiến thuật nhưng về mặt chiến lược, họ đã thất bại trong nỗ lực đổ bộ lên phía nam New Guinea. Lần đầu tiên kể từ trận Trân Châu cảng, một cuộc tấn công của Nhật Bản đã bị đánh bại. Với kết quả đó, Đồng Minh đã phần nào lấy lại thế chủ động và tình hình chiến lược Thái Bình Dương bắt đầu có sự đổi chiều bất lợi cho người Nhật. 
Sau thất bại đó, bộ chỉ huy Nhật chọn quần đảo Mituây (Midway) làm mục tiêu tấn công. 
Đảo Midway là một đảo san hô nằm ở phía bắc Thái Bình Dương và có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng vì nằm giữa con đường hàng hải Thái Bình Dương từ Hoa Kỳ sang Châu Á. Theo kế hoạch của đô đốc Yamamoto Isoroku, cuộc tấn công của người Nhật vào Midway, kết hợp với một cuộc tấn công khác tại quần đảo Aleutian ở Alaska, nhằm mở rộng quyền kiểm soát của Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông còn muốn tiêu diệt Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ mà quan trọng nhất là các hàng không mẫu hạm đang ngày càng trở thành mối đe dọa với Nhật.
 Toàn bộ lực lượng hải quân Nhật được huy động vào việc đánh chiếm Aleutian và Midway có đến 8 hàng không mẫu hạm, 11 thiết giáp hạm, 23 tuần dương hạm, 65 khu trục hạm, 21 tàu ngầm và 83 tàu phục vụ chiến đấu. Tổng số máy bay tham gia trong Lực lượng đột kích của Nagumo là 261 chiếc bao gồm 84 máy bay ném bom bổ nhào, 93 máy bay phóng ngư lôi và 84 chiến đấu cơ Zero. Đây là đợt ra quân lớn nhất của hải quân đế quốc Nhật Bản trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương.
Trong khi đó, nhờ tiếp tục giải mã được công điện của hải quân Nhật, đô đốc Nimitz và bộ tham mưu của ông đã đoán định chính xác toàn bộ kế hoạch đánh chiếm Midway của người Nhật. Ngày 20 tháng 5, ông đã đến Midway để xem xét việc bố phòng và tăng cường thêm máy bay cho đảo. Tại Trân Châu cảng, Lực lượng đặc nhiệm 16 của chuẩn đô đốc Raymond A.Spruance chỉ huy gồm 2 hàng không mẫu hạm Enterprise và Hornet, 6 tuần dương hạm và 11 khu trục hạm bắt đầu rời căn cứ ngày 29 tháng 5 hướng về Midway. Sau đó, Nimitz còn cho gọi thêm Lực lượng đặc nhiệm 17 của chuẩn đô đốc Fletcher gồm hàng không mẫu hạm USS Yorktown, 2 tuần dương hạm và 6 khu trục hạm từ vùng biển Coral trở về nhận nhiệm vụ mới.

6 giờ sáng ngày 3 tháng 6, máy bay trinh sát PBY Catalina đã phát hiện ra hạm đội Nhật đang trên đường đến Midway. Sáng ngày 4 tháng 6, phó đô đốc Chuichi Nagumo cho 108 máy bay xuất kích tấn công Midway. Nhưng do đã chuẩn bị trước, các máy bay Mỹ đều kịp thời cất cánh để chống trả khiến quân Nhật không đạt được kết quả như mong muốn. Sau đó, các máy bay Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm bắt đầu tấn công hạm đội Nhật nhưng cả ba đợt tấn công bằng máy bay ném ngư lôi đều bị đập tan, 35 trong tổng số 41 máy bay phóng ngư lôi và 6 chiến đấu cơ đã bị các chiến đấu cơ Zero của Nhật bắn hạ. Phía Nhật vì thế dự đoán phía Mỹ sẽ không thể tấn công nữa mà còn phải củng cố lực lượng.

Vào lúc 10 giờ, Nagumo hạ lệnh chuẩn bị tấn công. Các máy bay phóng ngư lôi được đưa lên sàn tàu trước, các chiến đấu cơ xếp phía sau và được khẩn trương tiếp thêm xăng dầu. Bất ngờ vào lúc ấy, một phi đội gồm 37 máy bay ném bom bổ nhào SBD Dauntless xuất phát từ hàng không mẫu hạm Enterprise tình cờ phát hiện 4 hàng không mẫu hạm Nhật đã lao xuống tấn công. Các máy bay tiêm kích Nhật khi đó đang bận đánh chặn tốp máy bay ném ngư lôi nên không kịp ngăn chặn. Kết quả là sau 20 phút, Nagumo đã mất 3 trên 4 hàng không mẫu hạm của mình là Sōryū, Kaga và Akagi.

Là hàng không mẫu hạm duy nhất của Nhật còn sót lại, chiếc Hiryū do chuẩn đô đốc Tamon Yamaguchi chỉ huy đã nhanh chóng mở cuộc tấn công vào hàng không mẫu hạm Yorktown của Mỹ và gây hư hại nặng cho nó. Tuy nhiên đến chiều ngày hôm đó, Hiryū đã bị tấn công và đánh chìm bởi máy bay từ hàng không mẫu hạm Enterprise. Ngày 6 tháng 6, một chiếc tàu ngầm Nhật Bản phát hiện thấy Yorktown và khu trục hạm USS Hammann đã phóng ngư lôi đánh chìm cả hai. Trong ngày này, hải quân Nhật còn tiếp tục mất thêm một tuần dương hạm hạng nặng. 
Sau khi nghe tin 4 hàng không mẫu hạm bị đánh chìm, ngày 5 tháng 6, Yammamoto hạ lệnh bỏ kế hoạch đánh chiếm Midway. Quân Nhật thảm bại nặng nề: 4 hàng không mẫu hạm, 1 tuần dương hạm bị đánh chìm, cộng thêm 248 máy bay. Phía Mỹ chỉ mất 1 hàng không mẫu hạm, 1 khu trục hạm và 147 máy bay. Qua trận đánh này, không chỉ mất đi sức mạnh không hạm đội, người Nhật còn mất cả những phi công hải quân được huấn luyện tốt nhất. Đây cũng là trận đánh đánh dấu lần thất bại đầu tiên của hải quân Nhật trong lịch sử cận đại, tin thất trận nặng nề này bị bộ chỉ huy tối cao Nhật giấu nhẹm, không cho dân chúng biết. Trận Midway là cuộc chiến lớn trên biển giữa hải quân Nhật và hải quân Mỹ - Anh đã xảy ra từ ngày 4 đến ngày 6-6-1942phần thua thuộc về quân Nhật dẫn đến quân Nhật mất ưu thế trước đây về tàu sân bay so với Mỹ - Anh, một phần do đó được xem là bước ngoặt của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.
Trong 6 tháng cuối năm 1942 và trong năm 1943, nhờ có tiềm lực lớn lao về kinh tế và quân sự, lực lượng Mỹ - Anh đã dần dần lấy lại được quyền chủ động chiến lược, hoạt động có phần tích cực hơn. Đến cuối năm 1943, Mỹ - Anh đã đuổi sạch quân Nhật khỏi các đảo Ghinbéctơ, Alêuchiên, phần lớn các đảo trên biển San hô và phần phía đông - nam đảo Tân Ghinê.
Sự gây chiến qui mô lớn của ba nước phát xít Đức, Ý, Nhật đã gây ra khói lửa, chết chóc trên hầu khắp các châu lục Á - Âu - Phi, chà đạp thô bạo lên quyền sống cơ bản của các dân tộc ở đó và do đó mà cũng thổi bùng lên phong trào chống phát xít trên khắp thế giới. Việc thành lập một liên minh quốc tế nhằm chống lại sự đe dọa hủy diệt của lực lượng phát xít, giành lại hòa bình cho thế giới đã trở thành nguyện vọng và đòi hỏi bức thiết của Đại chúng nhân loại.
Ngày 15-8-1941, tổng thống Mỹ và thủ tướng Anh đã gửi bức thông điệp chung cho chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, trong đó đề nghị tổ chức tại Mátxcơva một hội nghị để bàn về việc cung cấp cho nhau những nguyên liệu và vật tư chiến tranh. Chính phủ Liên Xô  đã chấp thuận và Hội nghị đã được tiến hành từ ngày 29-9 đến ngày 1-10 và văn kiện Hội nghị được ký kết vào ngày 1-10.
Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, Anh và nhất là Mỹ dù vẫn muốn hòa hoãn với Nhật thì cũng đã bị lôi tuột vào vòng chiến. Giờ đây, trực tiếp hay gián tiếp thì không những toàn thể loài người mà núi rừng, sông hồ, biển cả đều tham gia cuộc chiến; hay có thể nói Trái Đất đã lâm chiến tự hủy diệt mình do đứa con hư của nó gây ra. Và thuận theo lẽ tự nhiên, sự tích cực thích nghi để sống còn đòi hỏi phải có một lực lượng thống nhất của loài người, dùng chiến tranh để cứu vãn hòa bình, lấy tiêu diệt để loại trừ sự tiêu diệt; phải có một trận tuyến mà một bên là đa số không phân biệt đảng phái, tôn giáo, chế độ, tư tưởng, miễn là biết chính nghĩa và một bên là thiểu số phát xít tham tàn, bạo ngược, ích kỷ. 
Hồng quân Liên Xô đã là người lính đầu tiên trên tuyến đầu, phản kích lại quyết liệt cuộc thập tự chinh nô dịch thế giới của chủ nghĩa phát xít và với trận đánh phòng thủ thắng lợi trước cửa ngõ Mátxcơva, họ đã đem lại niềm tin lớn lao cho lực lượng cần lao và yêu chuộng hòa bình thế giới. Nhân dân Liên Xô trong khi chiến đấu bất khuất tự cứu mình thì cũng đồng thời trở thành những người phất cao ngọn cờ khởi nghĩa cho bốn phương hướng về.
Đến cuối năm 1941, điều kiện và hoàn cảnh đã chín muồi để làm xuất hiện một mặt trận liên minh trên phạm vi toàn thế giới chống chủ nghĩa phát xít.
Ngày 1-1-1942, tại Oasintơn đã ký kết bản “Tuyên bố Liên Hợp Quốc” của 26 nước, trong đó có Liên Xô, Mỹ, Anh. Bản tuyên bố qui định:
“- Các chính phủ cam kết dốc toàn bộ sức mạnh quân sự và kinh tế của đất nước vào cuộc chiến tranh chống lực lượng phát xít và chư hầu của chúng.
- Mỗi chính phủ cam kết hợp tác với các chính phủ tham gia bản tuyên bố chung, không được ký hiệp định đình chiến hay hòa ước riêng với các nước thù địch.
- Bất cứ nước nào có đóng góp vào cuộc đấu tranh chiến thắng chủ nghĩa phát xít đều có thể tham gia bản tuyên bố trên”.
Ngày 26-5-1942, tại Luân Đôn đã ký kết hiệp ước giữa Anh và Liên Xô về việc liên minh chống nước Đức phát xít cùng các nước chư hầu của nó ở Châu Âu và việc tương trợ lẫn nhau sau chiến tranh.
Ngày 11-7-1942, tại Oasintơn đã ký kết hiệp ước Xô - Mỹ về những nguyên tắc tương trợ trong quá trình đấu tranh chống phát xít xâm lược.
Như vậy, Mặt trận Đồng Minh chống phát xít toàn thế giới, mà nòng cốt là sự liên minh Xô - Mỹ - Anh đã được thành lập. Mặt trận này đã có tác dụng tích cực và to lớn đối với việc tạo nên sự đoàn kết, phối hợp, hỗ trợ giữa các lực lượng chính nghĩa trong chiến tranh thế giới thứ hai.
***
 
  Sau thất bại tại đảo Midway, mùa thu năm 1942, quân Nhật có ý định tiến xa hơn nữa về phía nam Thái Bình Dương, nhằm mưu toan cô lập Úc với Hoa Kỳ. Nằm về phía bắc và đông bắc Úc là đảo New Guinea và quần đảo Solomon. New Guinea từ đầu chiến tranh đã bị quân Nhật chiếm được 2/3. Các sân bay tại đây cho phép máy bay Nhật vừa phong tỏa một phần lãnh hải Úc vừa cho phép họ thực hiện những cuộc oanh tạc vào cảng Darwin, miền bắc Úc.
Sau đó, quân Nhật chọn đảo Guadalcanal, nằm ở đông nam Solomon làm căn cứ tiền phương và xây dựng sân bay ở phía bắc đảo. Vì chủ quan, người Nhật tỏ ra không vội vàng trong việc hoàn thành xây dựng. Trong khi đó, tại Melbourne, bộ tư lệnh của tướng Douglas MacArthur chịu trách nhiệm khu vực tây nam Thái Bình Dương đã soạn thảo xong kế hoạch phản công theo đó dự tính sẽ phản công quân Nhật theo ba bước gọi là Chiến dịch Guadalcanal.
Ngày 7 tháng 8, chiến dịch phản công trên bộ đầu tiên của quân Đồng Minh ở vùng biển Tây Nam Thái Bình Dương bắt đầu khi Hoa Kỳ tung Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến của họ với quân số khoảng 17.000 quân vào cuộc chiến ở quần đảo Solomon gồm 11.000 quân đổ bộ lên đảo Guadalcanal và 6.000 quân lên đảo Tulagi. Nhưng đêm hôm đó, phó đô đốc Gunichi Mikawa đã đem một hạm đội đánh chìm 4 tuần dương hạm Hoa Kỳ trong trận chiến đảo Savo khiến cho hạm đội Hoa Kỳ bỏ chạy mang theo cả số lương thực và quân trang chưa đổ bộ. Bộ tổng tham mưu Nhật Bản gửi đến Rabaul lực lượng phản kích gồm 6.000 quân. Lục quân Đế quốc Nhật Bản sẽ được yểm trợ bằng các đơn vị hải quân của Hạm đội Liên hợp, dưới quyền đô đốc Isoroku Yamamoto, với tổng hành dinh đặt tại Truk. Đến tháng 10, lực lượng quân Nhật trên đảo đã lên đến 36.000 người nhưng do quan điểm chiến thuật tấn công sai lầm của các sĩ quan Nhật làm quân Nhật tổn thất nặng nề trước hỏa lực dữ dội đáp trả từ Thủy Quân Lục Chiến, khiến cho họ không đủ sức áp đảo quân Mỹ và giành lại sân bay. Từ tháng 8 đến tháng 11, quân Nhật đã mở 3 trận chiến lớn trên bộ nhằm chiếm sân bay Henderson nhưng đều bị Thủy Quân Lục Chiến đánh bại.
Trong khi đó, để tăng viện cho lực lượng bộ binh đang giao tranh, quân Nhật đã tổ chức các đoàn chuyển vận mà quân Đồng Minh gọi là "Tokyo Express", dẫn đến những cuộc hải chiến vào ban đêm với hải quân Đồng Minh. Tổng cộng đã có 6 trận hải chiến lớn diễn ra và kết thúc vào tháng 12 khi hải quân Nhật thất bại trong trận hải chiến Guadalcanal, đồng nghĩa với nỗ lực chuyển quân cuối cùng của người Nhật cũng tan tành. Kể từ đó, quân Nhật tại Guadalcanal do việc tiếp tế khó khăn đã luôn ở trong tình trạng đói khát, lại thêm bệnh sốt rét hoành hành nên mất hết sức chiến đấu.
Cùng thời gian đó, Hải quân Mỹ không ngừng đổ bộ thêm quân tăng viện lên đảo và đến tháng 1 năm 1943, số quân Mỹ có mặt trên đảo đã lên đến hơn 50.000 người gồm Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến 1 và 2 cùng với Sư đoàn 23 và 25 Lục quân. Ngày 31 tháng 12, trong Hội nghị ngự tiền, Bộ tư lệnh Nhật Bản đã quyết định lệnh rút lui khỏi Guadalcanal. Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1943, 10.630 lính Nhật đã thực hiện cuộc rút lui khỏi đảo. Ngày 9 tháng 2, Hoa Kỳ tuyên bố kết thúc chiến sự tại đây. 
Như vậy, chiến cuộc giành giật đảo Guadalcanal đã chấm dứt với thảm bại của quân đội Nhật. 24.000 lính Nhật chết từ đầu chiến dịch cho đến lúc rút quân, trong khi Hoa Kỳ có 1.600 người chết, 4.200 người bị thương, cùng hàng ngàn người chết do bệnh sốt rét và các hiểm họa khác trong rừng nhiệt đới. Về hải quân, cả hai đều tổn thất ngang nhau: hải quân Nhật mất 2 thiết giáp hạm, 3 tuần dương hạm, 1 hàng không mẫu hạm hạng nhẹ, 11 khu trục hạm và 6 tàu ngầm, trong khi hải quân Hoa Kỳ mất 8 tuần dương hạm, 2 hàng không mẫu hạm và 14 khu trục hạm. Ngoài ra, hải quân Nhật Bản còn tổn thất 893 máy bay và 2.362 phi công tài ba, những người đã được tôi rèn trong các chiến thắng từ Trân Châu Cảng đến Ấn Độ Dương. Sau trận đánh này, gió hoàn toàn đã xoay chiều, Đồng Minh bước vào giai đoạn phản công ồ ạt.
Trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, kể từ đầu năm 1944, phát xít Nhật đã phải tính tới việc phòng ngự chiến lược, cố thủ trên các đảo đã chiếm được, đồng thời triển khai một cuộc tiến công lớn ở Trung Quốc nhằm đánh chiếm các căn cứ không quân Mỹ ở Hoa Trung và Hoa Nam, thiết lập các đường giao thông trên bộ với các nước Đông Nam Á để qua đó cố gắng ổn định chiến trường, tiếp tục chiến tranh.
Tuy nhiên đã tập trung các lực lượng chính của lục quân và không quân ở Trung Quốc, Mãn Châu, Triều Tiên và ở ngay trên đất Nhật, phát xít Nhật không thể thực hiện được trọn vẹn kế hoạch xâm chiếm Hoa Trung, Hoa Nam. Và chính việc tập trung đó lại làm cho lực lượng tổ chức phòng ngự trong không gian rộng lớn ở Thái Bình Dương trở nên quá ít. Lúc này ở Thái Bình Dương, quân Đồng Minh đã có ưu thế lực lượng hơn nhiều, nhất là về không quân và hải quân so với Nhật. Cụ thể, quân Nhật có: 3 thiết giáp hạm, 4 tàu sân bay, 16 tàu tuần dương, 2 liên đội tàu ngầm và một số khu trục hạm, 13 sư đoàn, khoảng 600 máy bay. Trong khi đó, quân Đồng Minh có: 16 thiết giáp hạm, 33 tuần dương hạm, 35 tàu sân bay, 220 khu trục hạm, khoảng 24 sư đoàn và 4.150 máy bay. Ở trung tâm Thái Bình Dương, quân Đồng Minh có cụm chiến dịch do đô đốc Nimít chỉ huy và ở tây - nam Thái Bình Dương có cụm chiến dịch do tướng Mác Áctua chỉ huy đang hoạt động.
Các hoạt động quân sự của quân Đồng Minh ở trung tâm Thái Bình Dương lại trở nên tích cực từ ngày 1-2-1944. Quân Đồng Minh đã đánh chiếm các đảo MácXam trong tháng 2, đến ngày 10-8 thì chiếm hoàn toàn các đảo Marian và trong tháng 9 đã chiếm được các đảo Palau và Uluchi rồi bao vây quân Nhật ở các đảo Carôli. Bom napan (bom cháy) lần đầu tiên được không quân Mỹ sử dụng vào ngày 15-6-1944 ở vùng này.
Tại vùng tây - nam Thái Bình Dương, trong suốt hạ tuần tháng 2 và tháng 3-1944, quân Đồng Minh đã chiếm được các đảo Átmiran. Sau khi tiến vào bờ biển phía tây Tân - Ghinê, ngày 15-9 quân Đồng Minh đã đánh chiếm đảo Môrơtai, chuẩn bị điều kiện cho việc đánh chiếm quần đảo Philippin, bức tường ngăn cuối cùng bảo vệ cửa ngõ đi vào lục địa châu Á.
Hải chiến vịnh Lâytơ (Leyte), được xem là trận hải chiến lớn nhất của Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như là một trong những trận hải chiến lớn nhất lịch sử. Trận hải chiến này là một chuỗi 4 trận hải chiến nhỏ diễn ra quanh đảo Leyte từ ngày 23 đến ngày 26 tháng 10 năm 1944. Trận chiến này cũng ghi nhận lần đầu tiên mà máy bay Nhật thực hiện các cuộc tấn công tự sát kiểu Kamikaze.
Kết thúc trận đánh tại vịnh Leyte, hải quân Nhật bị tổn thất nặng: 4 hàng không mẫu hạm, 3 thiết giáp hạm, 9 tuần dương hạm và 10 khu trục hạm bị đánh chìm, nhiều chiến hạm khác bị hư hỏng. Còn hải quân Mỹ chỉ thiệt hại nhẹ: 1 hàng không mẫu hạm nhẹ, 2 hàng không mẫu hạm hộ tống và 3 khu trục hạm bị đánh chìm. Sau 4 ngày chiến đấu, hải quân Nhật mất 300.000 tấn trọng tải tàu, bằng 1/4 tổng khối lượng tàu Nhật chìm kể từ đầu chiến tranh. Tổn thất không thể bù đắp này khiến hải quân Nhật chỉ còn đóng vai trò thứ yếu trong giai đoạn còn lại của cuộc chiến. Kèm theo đó, lục quân Nhật phòng thủ Philippines hết hi vọng ở sự trợ giúp của hải quân. 
Ngày 20-10-1944, quân đội Đồng Minh tiến công đảo Lâytơ để lấy đó làm bàn đạp đánh chiếm các đảo còn lại. Cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh được thực hiện dưới sự yểm trợ của pháo binh trên các tàu chiến và các cuộc tập kích bắn phá của không quân. Trong một nỗ lực khôi phục lại tình hình, quân Nhật đã quyết định dùng các lực lượng chính của hạm đội (gồm 9 thiết giáp hạm, 4 tàu sân bay, 19 tuần dương hạm và 33 khu trục hạm) bí mật tiến vào khu vực Philippin và bất ngờ tập kích vào hạm đội Đồng Minh. Nhưng tình báo Mỹ đã phát hiện được kế hoạch này.
Thất bại ở Leyte đưa đến sự mất uy tín của thủ tướng Kuniaki Koiso khi trước đó ông đã tuyên bố là Nhật sẽ thắng ở đây. Lục quân Nhật mất 1 quân đoàn tinh nhuệ. Nghĩa là 3.500 lính với sĩ quan Hoa Kỳ và hơn 12.000 người khác bị thương trong khi chỉ có 5.000 lính Nhật sống sót trong số 70.000 quân ban đầu.
Từ ngày 23 đến ngày 25-11-1944, trận đánh lớn của hai hạm đội diễn ra ở phía đông mũi Enganô, gần đảo Xamarơ và trong vịnh Xungao. Đó là trận thủy chiến lớn nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai. Kém hơn quân Đồng Minh rất nhiều về tàu sân bay, quân Nhật dự tính sử dụng tối đa hỏa lực của các thiết giáp hạm và tuần dương hạm. Muốn thế quân Nhật phải tiến áp sát được hạm đội Đồng Minh trong khu vực đổ bộ. Nhưng do tính bất ngờ của chiến dịch không còn và trước một hạm đội Đồng Minh quá áp đảo, hạm đội Nhật đã bị đánh tan. Sau ba ngày tác chiến, Nhật mất 4 tàu sân bay, 3 thiết giáp hạm, 10 tuần dương hạm và 11 khu trục hạm. Ngày 22-10, quân Nhật trên đảo Lâytơ đầu hàng. Mãi đến ngày 5-7-1945, quân Đồng Minh mới quét sạch được quân Nhật khỏi quần đảo Philippin.
Theo phương án tác chiến của hội đồng tham mưu Hoa Kỳ, sau khi giành được Philippines và Indonesia sẽ đổ bộ đánh chiếm Đài Loan. Tuy nhiên, sau những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường Thái Bình Dương, họ quyết định thay đổi kế hoạch tấn công: bỏ qua Đài Loan và tiến đánh Iwo Jima là lãnh thổ cực nam Nhật Bản có tác động tâm lý lớn hơn.
Lực lượng Nhật phòng thủ tại Iwo Jima khoảng 22.000 quân do trung tướng Tadamichi Kuribayashi chỉ huy. Còn bên phía Hoa Kỳ, để tiến đánh Iwo Jima, họ đã huy động 3 sư đoàn thủy quân lục chiến và 192 xe tăng lội nước Trung tướng Holland Smith được chọn làm tư lệnh hành quân các lực lượng thủy quân lục chiến. Toàn bộ lực lượng bộ binh, thủy quân lục chiến là 110.000 người được yểm trợ bởi 700 chiến hạm của hải quân Hoa Kỳ, trong đó có 28 hàng không mẫu hạm mang 1.172 máy bay.

Sau một loạt đợt oanh kích dọn đường bằng hải pháo và máy bay trong ba ngày 16, 17 và 18 tháng 2, sáng ngày 19 tháng 2, lính Mỹ đổ bộ lên Iwo Jima và nhanh chóng gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân trú phòng Nhật. Núi Suribachi, điểm cao nhất trên hòn đảo và cũng là một vị trí phòng thủ quan trọng, bị lính thủy đánh bộ Mỹ đánh chiếm vào ngày 23 tháng 2. Tuy nhiên, địa hình hiểm trợ cộng với sức chống trả ngoan cường của người Nhật khiến lính Mỹ tiến quân rất chậm. Phải đến ngày 16 tháng 3, hòn đảo mới chính thức được Hoa Kỳ tuyên bố an toàn và chiến sự chính thức chấm dứt vào ngày 26 tháng 3.

Trong số khoảng 22.000 quân trú phòng Nhật, chỉ còn khoảng 3.000 người sống sót và 216 người bị bắt làm tù binh. Một số còn lại ẩn náu trong các hang động, tiếp tục chiến đấu cho đến nhiều năm sau chiến tranh. Quân Mỹ cũng tổn thất nặng với 6.821 lính thủy đánh bộ chết và gần 20.000 người bị thương. Iwo Jima là nơi đổ bộ duy nhất tại Thái Bình Dương mà thương vong của phía Mỹ vượt hơn cả Nhật. Với giá đó, người Mỹ đã tiến bước đầu tiên tới ngưỡng cửa Nhật Bản.

Ivôgima và Ôkinaoa là hai đảo án ngữ cửa ngõ đi vào Nhật Bản. Sau khi đánh chiếm được Ivôgima trong tháng 3-1945, quân Mỹ với sự phối hợp của một lực lượng đặc nhiệm của hải quân Anh, mở chiến dịch tiến công Ôkinaoa. Đây là chiến dịch lớn, mang ý nghĩa thuần túy quân sự cuối cùng của Đồng Minh và - theo nhận định thống nhất của các nhà viết sử Mỹ - là chiến dịch kéo dài nhất, đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh Thái Bình Dương.
Ôkinaoa nằm trấn thủ ở phía tây - nam và chỉ cách bờ biển Nhật Bản 300 hải lý. Chiếm được nó, quân Mỹ sẽ có được bàn đạp lý tưởng đánh thẳng vào nội địa nước Nhật. Tầm quan trọng chiến lược của nó đòi hỏi quân Nhật phải cố thủ ở đó đến cùng một khi xảy ra chiến sự. Từ cuối năm 1944, sau khi bị đánh bật khỏi các vị trí chiến lược ở Philippin, phát xít Nhật thấy Ôkinaoa bị uy hiếp cho nên đã rút một phần lực lượng ở Trung Quốc về đó tăng cường phòng thủ.
Toàn bộ lực lượng tiến công Ôkinaoa của Mỹ gồm 548 ngàn quân, đặt dưới sự chỉ huy của Trung tướng Bớcnơ, tư lệnh tập đoàn quân 10. Số tàu chiến Mỹ được huy động vào trận đánh có tới 1320 chiến, trong đó có 33 tàu sân bay, 22 thiết giáp hạm, 50 tuần dương hạm, 430 tàu đổ bộ, tàu vận tải và nhiều hạm tàu khác (chưa kể lực lượng hỗ trợ của quân Anh). Từ khi bùng nổ chiến tranh Thái Bình Dương, chưa bao giờ Mỹ - Anh huy động được một lực lượng lớn hạm tàu như vậy vào một chiến dịch. Về lực lượng không quân, vào lúc cao trào, Mỹ đã huy động tới 1650 chiếc máy bay, kể cả “siêu pháo đài bay” (Super Flying Fortress) B29. Nếu so sánh lực lượng hai bên thì trước chiến dịch, Anh - Mỹ hơn Nhật 6 lần về quân số, hơn từ 4 đến 8 lần về số tàu chiến và máy bay.
Tờ mờ sáng ngày 26-3-1945, giữa lúc trận đánh trên đảo Ivôgima bước vào giai đoạn cuối thì quân Mỹ bất ngờ đổ bộ lên hòn đảo nhỏ Kêrama chỉ cách Ôkinaoa 30 hải lý, do 2 tiểu đoàn quân Nhật phòng giữ. Bị đánh bất thình lình bởi một lực lượng áp đảo, quân Nhật ở đây nhanh chóng bị tiêu diệt. Quân Mỹ khẩn trương tổ chức đảo Xêrama thành bàn đạp tấn công đảo lớn Ôkinaoa. Máy bay, chiến hạm hoa Kỳ bắt đầu ném bom, bắn phá Okinawa từ ngày 24 tháng 3 và ác liệt nhất là vào ngày 31. Ngày 1-4-1945, chủ nhật và cũng là ngày lễ Phục Sinh, quân Mỹ lại một lần nữa tạo được bất ngờ khi đổ bộ lên Ôkinaoa. Trước tình thế đó, ngày 5 tháng 4, đô đốc Soemu Toyoda, tư lệnh Hạm đội Liên hợp ra lệnh cho phó đô đốc Seiichi Ito, tư lệnh Đệ nhị hạm đội tiến đánh hạm đội Đồng Minh đang thả neo tại Okinawa. Cuộc tổng tấn công này của hải quân được gọi là Cuộc hành quân Ten-Go. Đệ nhị hạm đội lúc này còn trong tay 10 chiến hạm, trong đó có thiết giáp hạm lớn nhất thế giới Yamato. Đây được xem là một nhiệm vụ tự sát nếu so sánh lực lượng hạm đội Nhật và Đồng Minh nhưng thực chất là một nhiệm vụ nhử địch giúp các máy bay Kamikaze tấn công hạm đội Hoa Kỳ. 
Chiều ngày 6 tháng 4, hạm đội bắt đầu nhổ neo đi chiến đấu. Tuy nhiên đến trưa ngày 7 tháng 4, trong khoảng thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, hạm đội Nhật đã bị các máy bay xuất phát từ các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ tấn công và kết quả là 6 chiến hạm bị đánh chìm, trong đó có Yamato. Với việc thiết giáp hạm Yamato bị đánh chìm, hải quân Hoàng gia Nhật xem như cũng chìm theo.
 Sau một tuần đổ bộ, quân Mỹ không gặp bất kì một sự kháng cự đáng kể nào. Tuy nhiên, khi tiến xuống phía nam, đến chân dãy núi Shuri, họ đã vấp phải lực lượng quân Nhật đang chờ đón họ trong những vị trí phòng thủ được chuẩn bị chu đáo. Từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5, nỗ lực đánh chiếm phòng tuyến Shuri của quân Mỹ đã thất bại. Tuy nhiên, sau cuộc phản công bất thành của quân Nhật, ngày 11 tháng 5, Tập đoàn quân số 10 bắt đầu lại cuộc đột phá phòng tuyến.
Mũi đổ bộ chủ yếu của Mỹ nhằm vào Hagusi, khoảng giữa đảo và là nơi hẹp nhất của đảo. Sau khi nhanh chóng tạo lập được đầu cầu ở đây, hai sư đoàn Mỹ lập tức tiến tới Isicava, cắt ngang Ôkinaoa ra làm đôi. Thêm hai sư đoàn nữa tiếp tục đổ bộ, một sư đoàn đánh lên phía bắc, một sư đoàn đánh xuống phía nam, mở đường cho đại quân đánh chiếm toàn bộ đảo Ôkinaoa theo chiều dọc.
Trong 3 ngày đầu của cuộc tiến công, hơn 50 ngàn quân Mỹ đã triển khai trên một bàn đạp khá rộng ở miền trung đảo. Hai sân bay Yontan và Cadêna của Nhật bị chiếm. Số thương vong của quân Mỹ sau 3 ngày này không đáng kể, chỉ có 28 người chết, 27 người mất tích và 104 người bị thương.
Bước sang ngày 4-4, tình hình vụt thay đổi. Khi tiến xa hơn về phía nam và bắc đảo Ôkinaoa, cả hai mũi tiến công của quân Mỹ bắt đầu vấp phải sự chống cự rất quyết liệt của quân Nhật với những công trình phòng ngự vững chắc được xây dựng ở những triền núi đá.
Ngày 6-4, quân Nhật bất thình lình tung ra 355 chiếc máy bay “Thần phong” (Kamikadê), mỗi chiếc mang 1 tấn thuốc nổ do các phi công cảm tử lái, tìm cách đâm bổ xuống các tàu chiến của hải quân Mỹ đang đậu nhan nhản quanh đảo Ôkinaoa. Cùng lúc, hạm đội của Nhật do phó đô đốc Itô chỉ huy từ căn cứ Tôcưyama tiến xuống, giao chiến với hạm đội 5 của Mỹ.
Ngay trong ngày đầu tiên đã có 3 tàu sân bay, 9 tàu khu trục, 4 tàu đổ bộ và 5 tàu quét mìn của Mỹ bị loại khỏi vòng chiến.
Ngày 7-4, hạm đội Nhật bị đánh bại, phải rút chạy lên phía bắc. Máy bay “Thần phong” cảm tử vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các tàu chiến Mỹ. Còn máy bay B29 của Mỹ cũng ra sức thả bom hủy diệt xuống đảo.
Trên bộ, trước sự kháng cự dữ dội của quân Nhật, quân Mỹ tiến rất khó khăn, nhích từng bước, chiếm từng ổ đề kháng với cái giá phải trả rất đắt. Cho tới ngày 26-4, quân Mỹ mới chiếm được bán đảo Môtôba do hơn 2 ngàn quân Nhật trấn giữ.

Trước những cuộc đột phá phòng tuyến của quân Mỹ cộng với quân lực ngày càng giảm sút, đến cuối tháng 5, tướng Ushijima đã phải ra lệnh cho rút dần quân ra khỏi phòng tuyến Shuri. Đêm ngày 26 tháng 5, bộ tư lệnh của tướng Ushijima cũng rời khỏi hang động dưới chân lâu đài Shuri. Phòng tuyến Shuri xem như sụp đổ và đến ngày 31 tháng 5 thì thành phố Shuri bị quân Mỹ chiếm.

Tại Okinawa, các máy bay Kamikaze đã gây ra cho người Mỹ rất nhiều khó khăn nhưng vẫn không ngăn được bước tiến, dù chậm chạp của quân Mỹ tại Okinawa. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng 6, 4 ngày trước khi trận đánh kết thúc, tướng Simon Bolivar Buckner, tư lệnh quân Mỹ tại Okinawa bị quân Nhật phục kích bằng súng cối làm ông chết trước giờ thắng lợi cuối cùng. Ngày 22 tháng 6, tướng Ushijima, tướng Cho và 7 sĩ quan khác trong ban tham mưu của quân Nhật tại Okinawa đã tự sát. Ngày 2 tháng 7, chiến sự trên đảo Okinawa chấm dứt sau 3 tháng giao tranh.

Trong trận này, Nhật Bản bị loại khỏi vòng chiến hơn 100.000 quân (gồm hơn 77.000 tử trận, gần 10.000 bị bắt làm tù binh và gần 20.000 ra hàng sau khi chiến tranh kết thúc), chưa kể hơn 150.000 dân đảo Okinawa chết vì nhiều nguyên nhân. Phía Mỹ có 20.195 lính chết (bao gồm 12.520 chết tại trận, gần 7.800 chết tại bệnh viện vì bị thương hoặc bị bệnh), 55.162 người bị thương. Trận Okinawa là một chương đẫm máu nhất của chiến tranh Thái Bình Dương.

Chịu một tổn thất nặng nề như thế nên sau chiến dịch Ôkinaoa, quân Mỹ hầu như dẫm chân tại chỗ, không tổ chức được một chiến dịch lớn nào tiếp theo.
Ngày 11-4-1945, vào khoảng thời gian đầu của chiến dịch Ôkinaoa, Liên Xô đã công bố hủy bỏ “Hiệp ước trung lập” ký với Nhật ngày 13-4-1941 vì trong chiến tranh Nhật đã vi phạm hiệp ước đó.
Từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8 năm 1945, đại biểu ba nước Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ đã họp hội nghị tại Potsdam, Đức để bàn về những vấn đề quan trọng sau chiến tranh, trong đó có vấn đề nhanh chóng đánh bại đế quốc Nhật Bản và kết thúc chiến tranh. Ngày 26 tháng 7, Anh-Mỹ-Trung Hoa dân quốc đã thông qua và gửi cho Nhật Bản tuyên cáo Potsdam mang tính tối hậu thư, đòi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện ngay lập tức. Tuyên cáo cũng đề ra một số biện pháp vận dụng cho nước Nhật sau khi đầu hàng, nhằm loại bỏ nguy cơ phục hồi chủ nghĩa quân phiệt và dân chủ hóa nước Nhật. Tuyên cáo này đã đánh dấu sự thất bại của Nhật Bản định thông qua con đường ngoại giao để chia rẽ khối Đồng Minh, trước hết là chia rẽ Liên Xô-Anh-Hoa Kỳ. Nhật Bản ngay trong ngày 26 tháng 7 đã nhận được lời tuyên cáo này và đã có những phản ứng khác nhau trong giới lãnh đạo. Trong khi chính phủ Nhật Bản không có phản ứng cụ thể thì phe quân phiệt lại cho rằng tuyên cáo láo xược và chính phủ cần bác bỏ ngay. Chiều ngày 28 tháng 7, trong buổi họp báo, thủ tướng Kantaro Suzuki xin miễn bình luận (Mokusatsu) về bản tuyên cáo và Nhật Bản vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh và khước từ với tuyên bố: “Nước Nhật sẽ tiến hành chiến tranh đến cùng theo đúng với chính sách đã đề ra”. Lúc này, dù các lực lượng vũ trang Anh - Mỹ đã gây cho quân Nhật một loạt thất bại, nhưng Nhật vẫn còn duy trì được một đội quân mạnh, gồm trên 7 triệu binh lính và sĩ quan, trên 10 ngàn máy bay, gần 500 tàu chiến, và còn các nguồn dự trữ to lớn về vật tư, nguyên liệu chiếm đoạt được ở lục địa (trước hết là ở Mãn Châu và Triều Tiên).
Giữ đúng cam kết tại Hội nghị Yanta, ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Tiếp theo, ngày 10-8, Mông Cổ cũng tuyên chiến với Nhật.
Lực lượng vũ trang của Nhật đóng ở Mãn Châu, Triều Tiên, Nam - Xakhalin, quần đảo Curin có tổng quân số (kể cả quân ngụy) là trên 1,2 triệu người. Trong đó riêng đội quân chủ lực nòng cốt của Quan Đông có gần 1 triệu người, 1155 xe tăng, 5360 khẩu pháo và 1800 máy bay. Để đánh lại lực lượng này, Hồng quân Liên Xô đã triển khai 3 phương diện quân với ưu thế so với quân Nhật về người là hơn 1,2 lần, về đại bác là 4,8 lần, về xe tăng là 4,8 lần và về máy bay là 1,9 lần.
Chính phủ Nhật quyết định sẽ chiến đấu đến người cuối cùng và tin rằng quân Mỹ sẽ phải bỏ cuộc. Nếu thương vong khi tấn công vào đất Nhật trở nên quá nặng nề, dư luận Mỹ sẽ phản đối và buộc chính phủ Mỹ phải đàm phán, trên cơ sở đó Nhật có thể đưa ra những điều kiện đình chiến có lợi cho họ. Đại tướng Suzuki khi nhậm chức Thủ tướng đầu tháng 4/1945 tuyên bố: "Nếu tôi hy sinh, xin chư vị băng qua xác tôi mà tiến lên!". Bộ trưởng Lục quân Anami ra "Thông cáo gửi tướng sĩ toàn quân" kêu gọi: "Thề quyết bảo vệ vùng đất thiêng này, chiến đấu đến cùng, dù cho núi sông cây cỏ tan tành, hãy tin là từ chỗ chết sẽ tìm được đường sống". 

Tháng 7/1945, Bộ chỉ huy Nhật ra kế hoạch:

"Chúng ta sẽ chuẩn bị 10.000 máy bay để chống lại cuộc đổ bộ của đối phương. Chúng ta sẽ huy động tất cả các máy bay có thể, tập luyện "tấn công đặc biệt" (Kamikaze). Chúng ta sẽ tiêu diệt 1/3 tiềm năng chiến tranh của đối phương với lực lượng không quân này ở trên biển. 1/3 khác cũng sẽ bị tiêu diệt trên biển bởi tàu chiến của chúng ta, các ngư lôi cảm tử và các vũ khí đặc biệt khác. Hơn nữa, khi kẻ thù thực sự đổ bộ, nếu chúng ta sẵn sàng hy sinh một triệu người, chúng ta sẽ có thể gây ra một số lượng thương vong tương đương cho địch. Nếu đối phương mất một triệu lính, dư luận ở Mỹ sẽ muốn hòa bình, và Nhật Bản sẽ có thể đạt được hòa bình với các điều kiện tương đối thuận lợi".

Ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch Mãn Châu. 
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, chiếc máy bay B-29 mang tên Enola Gay đã ném quả bom nguyên tử Little Boy xuống Hiroshima, tạo nên thảm họa vũ khí hạt nhân đầu tiên trong lịch sử loài người. Ngày 9 tháng 8, tại Nagasaki, thảm họa trên lại lặp lại với quả bom nguyên tử Fat Man. Hai quả bom nguyên tử này đã giết chết trực tiếp hơn 240.000 người. Ngoài ra, còn hàng triệu người khác bị tàn phế hoặc nhiễm phóng xạ từ 2 vụ nổ bom này. 
Sáng ngày 10-8, chính phủ Nhật gửi cho phe Đồng Minh bản đề nghị xin chấp nhận đầu hàng theo tuyên cáo Pốtxđam. Liên Xô, Mỹ, Anh, Trung Quốc buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Trong tuyên bố Nhật Bản đầu hàng vào ngày 15/8/1945, Nhật Hoàng Hirohito nói rằng sự xuất hiện của thứ vũ khí mới là một trong các nguyên nhân thúc đẩy ông ra lệnh đầu hàng: "...Hơn nữa, đối phương bây giờ đã có một loại vũ khí mới và khủng khiếp với sức mạnh để tiêu diệt nhiều sinh mạng vô tội và làm thiệt hại khôn lường. Nếu chúng ta tiếp tục chiến đấu, không chỉ nó sẽ dẫn đến kết quả là một sự sụp đổ cuối cùng và xóa bỏ quốc gia Nhật Bản mà còn có thể dẫn đến sự diệt vong hoàn toàn nền văn minh nhân loại...Đây là lý do vì sao chúng tôi đã ra lệnh chấp nhận các quy định trong Tuyên bố chung của các cường quốc (tuyên bố Postdam buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện)''.  
Tuy nhiên bộ tư lệnh đạo quân Quan Đông không chịu hạ vũ khí, vẫn tiếp tục chống cự lại Hồng quân một cách quyết liệt.
Ngày 11-8, Hồng quân mở tiếp chiến dịch tiến công Nam - Xakhalin và ngày 15-8 mở thêm chiến dịch đổ bộ quần đảo Curin.
Đến ngày 17-8, đạo quân Quan Đông bị đánh bại. Bộ tư lệnh của nó buộc phải ra lệnh ngừng chiến đấu, chấp nhận đầu hàng. Tuy vậy ở một số nơi, quân Nhật vẫn ngoan cố chống cự. Nhưng nhìn chung thì các chiến dịch của Hồng quân đều phát triển thắng lợi và đến 1-9 thì chiến trường Viễn Đông coi như được giải quyết.
Ngày 2-9-1945, chính phủ của nước Nhật phát xít đã phải ký văn bản đầu hàng vô điều kiện. Đến đây, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
 Tính cần thiết của 2 quả bom nguyên tử này trở thành một đề tài tranh luận lâu dài, trong đó những người phản đối cho rằng một cuộc phong tỏa đường biển cộng với các cuộc ném bom chiến lược là đủ để kết thúc chiến tranh bằng một cuộc đổ bộ, do đó ném bom nguyên tử là không cần thiết. Ngược lại, những người ủng hộ sử dụng bom nguyên tử cho rằng nếu một cuộc đổ bộ của Đồng Minh xảy ra, tính luôn kế hoạch đổ bộ lên Hokkaidō của Hồng quân Liên Xô, hoặc một cuộc phong tỏa lâu dài và ném bom chiến lược sẽ còn làm tăng thêm mức thương vong của dân thường Nhật Bản. Chưa kể, những chiến thuật tự sát kiểu như cuộc hành quân Ten-Go, Kamikaze và sự chống trả kiên cường của người Nhật qua trận Okinawa là nguyên nhân khiến Mỹ phải sử dụng bom nguyên tử để kết thúc nhanh cuộc chiến.
Cuộc chiến tranh này có hậu quả: thiệt hại về vật chất là 4600 tỷ đôla, số người chết là 60 triệu, số người bị thương và tàn tật là 90 triệu. Riêng quân dân Liên Xô có 27 triệu người chết (bằng 16,2% dân số năm 1939). Đó là một cuộc chiến lớn nhất, khốc liệt nhất, tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người (bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại!). Và nó cũng có nhân tính nhất (hiểu theo nghĩa độc ác nhất, vô cảm nhất và man rợ nhất!).

(Hết CHƯƠNG IX)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH