NHỚ
NHỚ
Nhớ ai như núi nhớ sông Như thuyền nhớ bến, như đồng nhớ quê Như tình yêu nhớ lời thề Ghi lòng tạc dạ trọn bề sắt son Dù cho sông cạn non mòn Thì biển vẫn nhớ ngọn nguồn suối khe Nhớ ai như hè nhớ ve Như cây nhớ nước, đêm về nhớ trăng...
Nhớ ai,ai còn nhớ chăng?
Trần Hạnh Thu
Hình ảnh nỗi nhớ trong thi ca
Hình ảnh “nỗi nhớ” trong thi ca
Nhớ có nghĩa là giữ lại trong tâm trí điều đã cảm biết, nhận biết với tình cảm tha thiết để rồi sau đó có thể tái hiện được. Trong thi ca, nỗi nhớ được nhiều lần ghi nhận và biểu hiện vô cùng đã dạng. Đầu tiên là nỗi nhớ gia đình. Gia đình chính là nguồn cội của mỗi con người. Giữa gia đình và con người có một sợi dây liên kết thiêng liêng, bền chặt, không thể nào cắt rời được:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
(Ca dao)
hay:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trong về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Nối nhớ về truyền thống cha ông ông trong lớp lớp thời gian phủ mờ cũng tạo nên vẻ đẹp của nỗi nhớ:
“Ngó lên nuột lạt mái nhà
Bao nhiêu nuột lạt, nhớ ông bà bấy nhiêu”.
Vượt lên trên truyền thống gia đình, mở rộng ra là truyền thống quê hương đất nước:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Nỗi nhớ hiện về không chỉ là người thân mà còn là cả bóng hình quê hương với bao kỷ niệm ấu thơ. Nỗi nhớ quê hương ấy đã chảy từ bao áng thi ca cổ điển như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Tràng giang của Huy Cận… cho đến thi ca hiện đại sau này:
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
(Quê hương – Đỗ Trung Quân)
Mỗi con người từng gặp, mỗi vùng đất đã đi qua đều có thể trở thành nỗi nhớ:
Nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ
Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên).
Đời sống văn hóa của người Việt còn không thể không nhắc tới hành động “nhớ ơn”. Từ trong ca dao, người xưa đã có lời khuyên răn:
Ơn ai một tấc chớ quên
Nợ ai một tấc để bên dạ này.
Giản dị hơn, mỗi chúng ta đều được giáo dục phải nhớ ơn tất cả những người đã từng giúp đỡ mình trong cuộc đời, như Chế Lan Viên từng viết:
Con nhớ mế lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.
Về nỗi nhớ trong tình yêu đôi lứa, có lẽ đây là một trong những nỗi nhớ làm tốn nhiều giấy mực nhất của mọi dân tộc, mọi thời đại. Tất cả những câu chuyện tình trên cuộc đời này, dù hạnh phúc hay xót xa, dù gần gũi hay xa xôi, dù suôn sẻ hay trái ngang trắc trở, đều để lại trong lòng những người yêu nhau cảm xúc về nỗi nhớ. Ôi nỗi nhớ muôn hình vạn trạng, có nỗi nhớ rạo rực bồi hồi, có nỗi nhớ phấp phỏng da diết, có nỗi nhớ cồn cào cháy bỏng, có nỗi nhớ lặng lẽ âm thầm. Khi người con gái nhớ người con trai, hình như cũng có những nét thật riêng biệt. Từ trong ca dao, nỗi nhớ ấy đã thổn thức nghẹn ngào:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mà mắt không khô.
Sang đến thơ hiện đại, nỗi nhớ của người con gái thẳm sâu, khắc khoải, bền bỉ thủy chung:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ cũng thức
(Sóng – Xuân Quỳnh).
Nỗi nhớ của người con gái khiến cho ta mủi lòng rưng rưng bởi sự mong manh, cần được nương tựa và che chở:
Em nhớ anh
Như nhớ linh hồn mình
Một hôm nắng vàng bỏ chơi xa
Để lại xác thân này ngơ ngác?
Em kêu anh
Như tiếng con nai tác
Vọng qua triền đồi mơ…
(Nhớ – Hàm Anh).
Ngược với nỗi nhớ của người con gái, nỗi nhớ của người con trai thường được diễn tả như một bùng cháy dữ dội, một mãnh liệt thiêu đốt: Nhớ em như một vết thương/Trong lòng như vỡ mảnh gương trong lòng/Tay cầm cốc thủy tinh trong/Trong tay bóp nát máu ròng ròng sa (Xuân Diệu), Em xa quá bóng đêm thì vây bủa. Nỗi nhớ không chép được thành lời. Rồi sẽ cũ những vần kỷ niệm. Kéo anh về vẫn chỉ em thôi…(Lúc em xa – Hồng Thanh Quang).
Nỗi nhớ trong ái tình, đôi khi được diễn tả một cách tha thiết và vô vọng hơn, bằng hai chữ tương tư:
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy
(Chàng thì ở tận đầu sông
Cô đơn mình thiếp cuối dòng chơi vơi
Nhớ thương chẳng thấy mặt người
Uống chung con nước trông vời Tương giang)
Nguyễn Bính có lần cũng đã tự giải thích:
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
(Nguyễn Bính)
Bàn về nỗi nhớ mãi mãi là không đủ, bởi như thi sĩ Nguyễn Bính đã từng thốt lên: Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ/Em thử quay xem được mấy vòng?/Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ/Em thử lào xem được mấy thương? Một nhà thơ trẻ gần đây là Huyền Thư cũng viết: “Nhớ rất nhiều là nhớ được bao nhiêu?” Có những nỗi nhớ siêu hình không bút mực nào tả nổi, như khi ta đang ở một nơi mà lại nhớ chính về nơi đó: “Chiều nay có một người du khách/Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” (Nguyễn Bính). Có nỗi nhớ như trong Kinh Thánh viết: “Tôi phải nhớ: Tôi phải chết!”. Thế nhưng đồng hành cùng nỗi nhớ, con người ta còn cần học cách để Quên. Đó là điều mà chúng tôi sẽ bàn tiếp trong một bài viết khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét