Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

YÊU NƯỚC VIỆT

(Trích "THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 25")


                                                            ĐẤT NƯỚC 
                                                                                           (Tiêu đề đặt thêm)

"Lang thang đi, lang thang ngắm và lang thang suy ngẫm, chúng ta không biết mình đã qua vùng cao nguyên Trung Phần - Việt Nam từ khi nào, băng rừng lội suối vào lúc nào mà giờ đây đã đứng trên đỉnh của “Trường Sơn đông nắng tây mưa, ai chưa đến đó như chưa hiểu mình” (Thơ Tố Hữu) - dãy núi hùng vĩ đóng vai trò như xương sống của đất nước Việt Nam nhiều những danh lam thắng cảnh có một không hai. Cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” đã đi vào lịch sử ngót nghét 40 năm, và nhờ có thiên nhiên vô tư, cần mẫn trong việc tái tạo lại màu xanh cây cỏ mà chúng ta không còn phải thấy những vạt rừng cháy xám, những cung đường lở lói hoang tàn, tanh lạnh chết chóc - chứng tích của một thời đạn bom khốc liệt…
Đứng ở đây, lưng quay về phía tây, với cặp mắt của hồi ước đã được kích hoạt lên hoang tưởng, bất cứ ai có nỗi niềm về nhân tình thế thái, đều có thể bao quát được cả một vùng trời, biển, núi, sông mênh mông chập chùng, rộng đến choáng ngợp về không gian và dằng dặc sâu xa đến ngỡ ngàng về thời gian. Ở tít tắp, nơi mà bầu trời như sà xuống hòa làm một với biển Đông, trên nền của vùng cuối trời ấy hiện lên một hình tam giác trắng bạc giữa một màu xanh lợt, phớt trắng. Tận đây mà chúng ta vẫn cảm nhận được cái long lanh pha lê của phần đỉnh tam giác đó. Không thể khác được, đó chính là ngọn núi Tu Di huyền thoại, nằm ở chính giữa Đại Lục Mẫu - Địa Đàng tưởng chừng như đã mất của nhân loại. Sự hiện hữu của nó trước mặt chúng ta lúc này đã gợi nên một niềm tin rằng: loài người trước sau gì rồi cũng tìm lại được “Thiên đường đã mất” của mình, không ở trên Trái Đất này thì cũng ở đâu đó trong… Vũ Trụ, khi mà tình yêu đồng loại ở mọi cá thể của cái tập hợp ấy đã được duy trì không phải bởi lý trí nữa mà là nhờ di truyền từ đời này sang đời khác như một bản năng.
Nhìn gần lại và nhìn qua phải qua trái, có thể thấy toàn cảnh đất nước Việt Nam, từ lịch sử hình thành đến phân bố địa hình và hình thể ngày nay của nó.
Việt Nam là phần đất rìa của bán đảo Đông Dương - phần lục địa phía Đông - Nam của Châu Á. Nó là dải đất hình chữ “S”, phía Tây dựa vào lục địa, phía Đông nhìn ra Thái Bình Dương. Chính vị trí và hình dáng của lãnh thổ Việt Nam đã làm nảy ra trong đầu chúng ta những ý tưởng ngộ nghĩnh và có vẻ kỳ lạ.
Hình dáng chữ “S” đã làm cho đất nước Việt Nam trở nên uyển chuyển, liền lạc, như uốn, như lượn sinh động khác thường với đoạn giữa hẹp dài và hai đầu phình nở, cái khối chữ “S” ấy gợi nên một hệ thống lưỡng nghi tương phản nhưng cũng là tương đồng: có lồi thì có lõm, miền bắc nở ra theo bề rộng thì miền nam nở ra theo bề dài một cách tương xứng, tạo nên cái vẻ cân bằng một cách hài hòa. Nhưng cũng có thể nhìn ra như một cái chong chóng hai cánh đang quay ngược chiều kim đồng hồ bởi gió bão thường cuốn thổi vào vùng vịnh Bắc Bộ. Nhìn “siêu” hơn nữa, có thể thấy một khu vực địa lý hình tròn được chia làm hai phần bởi chữ “S” Việt Nam, có tâm nằm đâu đó trên dải đất miền Trung. Hình tròn đó có hồn vía của Thái Cực với miền âm là biển Đông, miền dương là lục địa. Đảo Hải Nam như một dấu nhỏ, tượng trưng cho cái dương trong âm và Biển Hồ cũng như một dấu nhỏ, tượng trưng cho cái âm trong dương. Một Thái Cực ảo tưởng nằm kế một Địa Đàng huyễn hoặc, là một giấc mộng đẹp và có tính thần tiên!
Một cách “thực dụng”, chúng ta còn có thể thấy hình hài Việt Nam mô tả con số 3. Không có 1 (nhất âm, nhất dương) thì không có 2 (lưỡng nghi, lưỡng phân lưỡng hợp); lưỡng nghi không liên hệ được với nhau, chuyển hóa nhau được nếu không có yếu tố thứ 3 - thể trung gian, cơ sở, vô cực, môi trường… Chúng hợp thành hệ thống vận động. Số 3 còn “nhắc” đến quan niệm tam tài, Thiên - Địa - Nhân. Thiên, Địa được biết như “một trời một vực” là nhờ có nhân, không có nhân thì không có Thiên và Địa, nhưng không có “trời, vực” thì nhân cũng chẳng được sinh ra để mà nói là Thiên là Địa. Hệ thống (số 3) xoay vần theo tứ tượng (số 4) mà có được ngũ hành (số 5) - còn gọi là thực thể, vật, hiện tượng… Ngoài ra, đất nước Việt Nam cũng tượng hình ra con số 5 và có vẻ là cả con số 1 theo ký hiệu La Mã (I) nữa. Đối với số 2 và số 4, chúng ta đã cố “xoay sở” cho đủ bộ lệ mà đành… chịu thua. Dù sao thì cũng ly kỳ chứ nhỉ?
Chưa hết, gần gũi với đời sống người Việt, chúng ta còn tưởng tượng ra vài hình tượng nữa từ dải non sông nước Việt. Nếu coi biển Đông là nền trời xanh và đất nổi hay hải đảo là mây thì Việt Nam đích thị là một cánh diều có đuôi dài, đang bay lượn. Còn không, có thể thấy đó là một thôn nữ thắt đáy lưng ong, đội nón quai thao trong một động tác múa nào đó, hay một nàng tiên từ đâu đó vừa bay về nô đùa với sóng nước biển Đông. Giản dị hơn, cứ cho đó là một con rồng khổng lồ nằm tắm nắng dọc dài theo bờ biển mà vây của nó là dải Trường Sơn, cũng không đến nỗi khiên cưỡng lắm. Thậm chí, từ hình thể đó, có thể tưởng tượng ra một lão nông đang lúc nông nhàn hay một ngư ông vừa cặp bờ sau một chuyến ra khơi trở về, ngồi ngẩng đầu lim dim, nhả khói thuốc lào vào lục địa.
Nếu không hoang tưởng nữa mà nhìn một cách hiện thực, rõ ràng đất nước Việt Nam đã tươi tắn lên rất nhiều nhờ đổi mới và đang sôi nổi, cuồng nhiệt khai phá, dựng xây… Phải nói rằng, Đổi Mới đã tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế đất nước. Mức sống của người dân nói chung đã được nâng lên rất nhiều. Chính sách mở cửa, hội nhập ngày một toàn diện vào thế giới về kinh tế - xã hội đã tạo ra biết bao nhiêu công ăn việc làm cho người lao động cũng như tạo nhiều cơ hội, nhiều động lực kích thích sáng tạo và làm ăn vươn lên giàu có. Và thực sự đã có rất nhiều người giàu có, thường quen gọi là “đại gia”. Đó là điều đáng mừng. Vươn lên giàu có nhờ tài năng, gặp thời, may mắn… trên con đường lương thiện, đều đáng được khuyến khích và hỗ trợ…
Đứng đây, nhìn quang cảnh đất nước nhộn nhịp, xe hàng, xe khách ngược xuôi như mắc cửi trên những con đường đã được tu bổ, trên những tuyến đường làm mới “láng tưng”, thấy khoái chí biết bao! Nhưng bất chợt…
Đang vui vẻ với những ý nghĩ tinh nghịch về hình thể đất nước, đang tấm tắc trước diện mạo ngày một đẹp hơn ở khắp mọi miền đất nước,lòng chúng ta bỗng chùng xuống, khi nhớ ra rằng sự phát triển còn có mặt trái của nó nữa.
Đổi Mới như một cơn gió mạnh thổi bay hàng rào cơ chế, nhưng vẫn còn sót lại không ít móng cọc và vô tình còn tạo nhiều cơ hội cho những kẻ bất lương đục nước béo cò, làm giàu bất chính từ sự bắt chẹt, ăn chặn, tham ô, cửa quyền để ăn “bẩn” của người dân và ăn cắp của nhà nước (thực ra cũng là đóng góp của dân). Đó là những tệ nạn gây nản lòng dân, làm trì trệ sự phát triển kinh tế, làm băng hoại đạo đức xã hội. Những tệ nạn đó gây tác hại to lớn cho đất nước. Trong đó, có những hiện tượng tiêu cực, "trù úm" sinh ra từ trước "Giải Phóng" bắt nguồn từ nhận thức sai lầm về chuyên chính vô sản, về đấu tranh giai cấp (như muốn được đề bạt trưởng phòng trong cơ cấu kinh tế nhà nước thì phải là đảng viên!...). Tuy nhiên nếu “người trên” trong sáng, tỉnh táo và biết cách thì những tệ nạn đó sẽ bị khống chế nếu không hoàn toàn thì cũng giảm đến không đáng kể nữa. Những tệ nạn sau đây mới thật đáng sợ: qui hoạch, giải tỏa và bê tông hóa tràn lan, vô tội vạ. Đành rằng muốn phát triển một đất nước đói nghèo và thấp kém về kinh tế thì phải qui hoạch và dựng xây cơ sở vật chất cho nó, nhưng không phải cứ qui hoạch hóa, bê tông hóa, công nghiệp hóa càng ồ ạt, càng qui mô thì đất nước càng phát triển mà trái lại có thể còn gây nguy hại trầm trọng đến sự nghiệp làm cho dân giàu, nước mạnh!
Tác động hết sức tích cực và tức thì của Công cuộc đổi mới đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đất nước đã làm cho, có thể nói là toàn dân lúc đó hết sức phấn khởi, hăng hái làm ăn, tạo ra ngày càng dồi dào tiền của. Quan trọng hơn là chính sự đổi mới đã vạch ra một hướng đi mới đầy lạc quan cho sự phát triển: thông thương mở cửa, chấp nhận tư hữu về tư liệu sản xuất, quay về với thị trường tự do, khuyến khích đầu tư tư nhân, đầu tư từ nước ngoài, theo định hướng XHCN (?) của Nhà nước. Trên hướng đi đã tỏ ra đúng đắn rồi ấy, người ta “thẳng tiến” không cần nghĩ ngợi gì nhiều nữa, bệnh duy ý chí lại bắt đầu trở chứng. Có lẽ vì chưa nhận thức được đầy đủ Tự Nhiên, nhất là chưa nhận thức được nguyên lý biểu hiện nước đôi của mọi quá trình cả tự nhiên lẫn xã hội, chưa thấy được qui luật phân định tương phản và chuyển hóa lưỡng nghi là bản chất của mọi cuộc vận động; và cũng do “quên” mất quần chúng hoặc xem thường quần chúng; mà mới có hiện tượng qui hoạch xô bồ xô bộn, hợp lý có, “vớ vẩn” cũng có; mà mới có chồng chất hỗn độn các dự án to có, vừa có, nhỏ có, hay có, dở có, hoàn toàn vô nghĩa, phản tác dụng cũng có; mà mới xuất hiện “kiểu” công nghiệp hóa “đủ thứ”, không biết định hướng đến đâu nữa. Đó là chưa kể đến những dự án, những công trình được “đẻ” ra bởi những động cơ đục nước béo cò, móc ngoặc nhau chia chác công quĩ, xong rồi thì “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, chuyện dân chuyện nước, chuyện “tương lai” con em chúng ta, coi như… “pha”. Yêu mình là chính đáng, làm giàu là vô tội, nhưng lợi dụng lòng tin của dân chúng, dùng mưu ma chước quỉ “qua mặt” bề trên để phè phỡn bằng cách bòn rút, trộm cắp, cướp giật của cải thiên hạ, của những người nghèo khổ hơn mình, là một tội ác, bất lương…
Trên tầm cao “chiến lược” này, ngẫm nghĩ về sự biểu hiện nước đôi của Tự Nhiên Tồn Tại trước quan sát và nhận thức, dù có thể là còn mơ hồ, dù suy nghĩ của chúng ta có thể là lệch lạc, thậm chí là có mầm mống tâm thần, dù có thể là do bị ám ảnh bởi sự “thịnh - suy” như một tất yếu của mọi quá trình xảy ra trong thiên nhiên cũng như trong lịch sử xã hội loài người, thì chúng ta cũng không kìm lòng được, cũng đành phải thốt ra, “tự thú trước bình minh” rằng hình như trên dải đất xanh tươi kia đã lấp ló mặt sau của tấm huân chương. Hình như đã có một sự thất thoát, lãng phí quá nhiều do đầu tư tràn lan, đầu tư không đem lại hiệu quả, đầu tư không đồng bộ, đầu tư nửa vời bỏ đó, do nhận thức và quản lý yếu kém, lỏng lẻo… Và điều nhạy cảm nhất, có ý nghĩa bao trùm là hiện thực đang ngầm mách bảo hướng ưu tiên cũng như lâu dài về xây dựng kinh tế đất nước đã có phần lệch lạc. Thường những tác hại nhỏ là dễ thấy, thấy ngay được. Nhưng cũng có những tác hại phải 5, 10 năm hay vài chục năm sau mới thấy. Những tác hại tầm cỡ “chiến lược” thì phải qua một, hai thế hệ, thậm chí là vài thế hệ mới “phát tác” ra.
Không ai có thể hiểu được tại một nơi hẻo lánh, nghèo nàn, thay cho cái cầu khỉ bắc qua con rạch “nhảy một cái cũng qua”, người ta làm một chiếc cầu bêtông “tổ chảng”, dài ngót 5-7 trăm mét, rộng cỡ “đại lộ” để làm gì? Xe tải chẳng qua đó được vì chưa có đường, trong khi người dân phải đi vòng “mua đường”. Có thể việc xây cầu đó là rất cần nhưng là ở thời… 100 năm sau. Sao không làm nhỏ thôi, dành tiền cho dân nghèo ở đó “vay vốn” làm ăn cái đã?
Không đâu xa, ngay ở thành phố Hồ Chí Minh, nạn đào đường đã trở thành nổi tiếng. Ngót 30 năm sau đổi mới, ngay vùng trung tâm của “hòn ngọc Viễn Đông” vẫn cứ đào lên lấp xuống hoài. Người ta nói đào đường để tu bổ hệ thống cống ngầm thoát nước của thành phố, chống ngập. Đúng thôi! Hệ thống đó sau thời gian sử dụng quá dài đã rệu rã, và cũng không còn đáp ứng nổi trước sự phát triển, lớn lên của thành phố. Nhưng tại sao không qui hoạch làm xong “cái rụp” một hai lần dứt điểm luôn; mà năm nào cũng đào, đào đi đào lại, dân tình ca thán quá cũng cứ đào? Càng đào càng ngập mới lạ!
Cả ba ông điện, nước, giao thông đều đào, tranh nhau mà đào, hai ông đầu đào xong, lấp qua loa cho ông đường tha hồ có việc mà làm. Có những con đường vừa làm xong, dân tình tưởng êm, được 2,3 năm lại bị đào, đào đi đào lại, đào tái đào hồi, hết cả đời vẫn còn đào. Lạ nhất là cứ đến những tháng cuối năm, công việc quây vách đào lấy lệ rồi để đó qua năm làm tiếp, sôi nổi hẳn lên, làm dân tình thành phố ăn cái Tết bớt phần vui vẻ. Hỏi ra, có người chặc lưỡi: “Nghe đâu thường cuối năm, tiền ngân sách rót xuống còn tồn, phải tìm cách xài cho hết kẻo lại phải trả về Trung Ương vì năm sau không chừng thấy vậy, Trung Ương lại “rót” ít đi thì uổng”. Số tiền tốn vào cái công trình đào đi đắp lại dài đằng đẵng và “vĩ đại” ấy là bao nhiêu? Nếu dùng số tiền đó vào việc xóa đói giảm nghèo cho dân thì giúp được bao nhiêu hộ?
Việc xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động công quyền đã như một tàu há mồm, nuốt không ít tiền của nhân dân (trong đó chủ yếu là ngân sách Nhà nước!). Ở mức độ nào đó, việc xây dựng ấy là cần thiết, là phù hợp nhưng khi vượt quá, nó trở nên dư thừa, kệch cỡm, phơi bày ra sự phi nghĩa. Hình như con người ta, khi có tí chút chức quyền là mắc bệnh “nghiện”: muốn xây dựng bằng tiền của thiên hạ. Ông lớn đi xây dựng thêm cơ quan này, mở rộng công sở kia, có cái chính thì thêm cái phụ, cái chính không vừa mắt thì phá ra xây cho to hơn. Thế đã đành, ông nhỏ cũng bắt chước làm theo, từ ông tỉnh - thành, ông huyện - quận đến ông xã - phường đều hăm hở, nhiệt tình xin xỏ cho bằng được (mà chắc được thôi!) để xây chỗ “làm việc” của mình thêm khang trang, hoành tráng. Có ông xã, cơ ngơi hiện còn “xài” tốt, chẳng có vấn đề gì, bỗng đùng đùng “hạ quyết tâm” đi xây cơ ngơi mới với đầy đủ trụ sở thỏa mãn “cơ quan, ban ngành, đoàn thể” vốn đã cồng kềnh. Có những khu nhà “ủy ban nhân dân xã” xây mới, to “vật vã”, cờ xí rợp trời nhưng vì thế mà trông vắng teo, còn vắng hơn cả “chùa Bà Đanh”. Còn thành phố, thị xã, thị trấn thì khỏi nói, đua nhau mở rộng, đua nhau qui hoạch, di dời, đập phá, dựng xây, đua nhau bê tông hóa. Có những thành phố qui hoạch mở rộng đến hai ba lần rồi vẫn thấy chưa đủ đáp ứng, hệ thống đường phố làm đi làm lại cho rộng thêm rốt cuộc vẫn thấy chật, kẹt xe thì càng ngày càng… kẹt. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh nghiện xây của họ, đố ai biết?!
Cũng như thở và uống, ăn là đòi hỏi thiết yếu, động chạm đến vấn đề sinh tử của con người. Dưỡng khí và nước dù sao cũng được coi là những thứ có sẵn, dễ kiếm hơn nên sự thở và uống trở nên tầm thường, lặn đi và ít được chú ý. Nhưng thức ăn thì không dễ có như thế; phải tốn công sức nhiều hơn, thậm chí là rất khó khăn trong việc tìm kiếm mới có được. Do đó mà kiếm ăn trở nên một công việc nổi trội hàng đầu trong suốt quá trình sống của con người. Khi đã có ăn rồi thì mới nghĩ đến mặc, làm đẹp và tiêu khiển. Trong nền sản xuất có trao đổi mua bán hàng hóa thì những thứ được làm ra hàng loạt cho việc mặc, làm đẹp, tiêu khiển… xét cho cùng là cũng vì miếng ăn, không của người này thì cũng của người kia.
Suy rộng ra, một xã hội, một khu vực dân cư muốn tồn tại thì phải có cái ăn, do đó lẽ đương nhiên phải tự tìm được miếng ăn, phải sản xuất ra được lương thực và đó cũng là nhiệm vụ cơ bản, ưu tiên, được đặt ra trước hết, lên trên hết.
Kết quả hình ảnh cho cảnh mùa lúa chín
Thời tiền sử, khi chưa có nhà nước, thì một lực lượng dân cư quần tụ nào đó (với một hình thái xã hội giản đơn nào đó), trong quá trình tồn tại và phát triển về số lượng nhân khẩu (ngược với quá trình lan tỏa dân cư là hội tụ; sinh đẻ nhiều hơn và có điều kiện nuôi sống tốt hơn do sự làm ra thức ăn trước đó có thuận lợi làm mức sống sung túc hơn) cũng như những biến động thất thường bởi thời tiết, khí hậu… đã tự nhiên phải chú ý tới và “tìm cách” tăng năng suất sản xuất lương thực. Muốn thế, phải “lắng nghe” thiên nhiên, học hỏi thiên nhiên rồi cải tạo thiên nhiên và cải tạo chính mình bằng cách tự tổ chức lại hoạt động sản xuất cho phù hợp, sáng tạo ra những cách thức, kỹ thuật canh tác tốt hơn trên cơ sở sáng chế phát minh những công cụ sản xuất mới hiệu quả hơn… Quá trình không dừng lại ở đó mà tiếp tục, làm hình thành nên những chu trình hở (không kín) nối tiếp nhau như một tiến trình hình xoắn trôn ốc, một cuộc xoay vần mà bước sau có trình độ cao hơn bước trước.
Mặt khác, sự chuyển hóa nội tại không ngừng của cái xã hội đang nói đến đó tất yếu nảy sinh những tranh chấp, giằng xé, xung đột vì miếng ăn làm phân hóa, tạo ra hai lực lượng cơ bản, tương phản nhau là giàu - nghèo và đến lượt chúng lại tác động tích cực đến chuyển hóa xã hội.
Sự vận động nội tại xã hội mà động lực cơ bản, chính yếu của nó là vì miếng ăn, vì một cuộc sống ấm no hơn sẽ tất yếu dẫn đến sự ra đời của nhà nước mà mục đích nguyên thủy của nó là dung hòa xung đột, thống nhất ý chí toàn xã hội, tổ chức phân công lao động - sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất có thể, cũng là nhằm duy trì sự tồn tại xã hội (đồng thời cũng có nghĩa là phát triển xã hội). Một nhà nước hiện đại, khi đã gắn nhãn mác “do dân và vì dân”, phải có mục đích thiêng liêng ấy.
(...)
      (...).
Nhờ có công cuộc đổi mới, nước Việt Nam từ thiếu ăn đã vươn lên thành một trong những nước thuộc tốp đầu về số lượng gạo xuất khẩu. Điều đó chứng tỏ tiềm năng sản xuất lúa gạo, cũng như nuôi trồng các sản vật thiên nhiên khác như cây ăn trái, cá, tôm, gia súc… là rất to lớn. Nhưng hãy đừng lạc quan tếu mà quên rằng trong lịch sử, đã từng xảy ra nhiều nạn đói khủng khiếp trên mảnh đất này. Hãy coi chừng đến quá trình tăng dân số. Hãy xem lại công cuộc công nghiệp hóa, đừng rập khuôn giáo điều và bắt chước mù quáng! Hãy coi lại sự nghiệp dạy và học của đất nước cũng như việc giáo dục, định hướng nhận thức về tình yêu thương, về quyền lợi và bổn phận, về ý nghĩa của cuộc sống, về lẽ Tự Nhiên và Đức Huyền Diệu cho thanh thiếu niên - lực lượng kế thừa, chịu trọng trách trước nhân dân, trước đất nước trong tương lai.
( ...) Nhưng không dễ gì tự nhiên mà đạt đến giàu mạnh và không thể gọi là giàu mạnh được khi xã hội còn chưa đủ cái ăn. Để phát triển lên giàu mạnh và duy trì được lâu dài sự thịnh vượng thì mỗi quốc gia, tùy vào hoàn cảnh và điều kiện lịch sử - địa lý - xã hội (Thiên - Địa - Nhân) của mình, phải biết chọn con đường và phương cách thực hiện phù hợp. Nhiệm vụ đó đương nhiên là được đặt lên vai nhà nước. Còn một nhà nước có gánh vác được sứ mệnh đó hay không, có lo tròn bổn phận hay không thì lại là chuyện khác. Nhưng theo chúng ta nghĩ, chỉ có thể hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đó nếu nhà nước (tập thể con người biểu hiện thành thực thể đó!) thực sự là của dân; do dân và tận tụy vì dân. Một nhà nước kiểu như thế không phải là hiếm trong lịch sử đất nước Việt Nam, mà triều đại Tây Sơn là tiêu biểu: từ nhân dân mà ra, trở thành anh hùng áo vải là “của dân”; được đại chúng đồng tình ủng hộ và tôn vinh là “do dân”; đánh đông dẹp bắc cho giang sơn thu về một mối, thi hành những quyết sách kinh tế khuyến nông, kích công, mở rộng giao thương làm phấn chấn xã hội là “vì dân”. Tiếc rằng sự phục hưng đất nước ấy mới chớm hé lộ tương lai có thể là rất rực rỡ của nó thì bỗng vụt dang dở. Triều đại mới, một triều đại ích kỷ, nhỏ nhen, thiển cận, khinh dân, đã đưa dân tộc vào đêm trường lầm than, khốn khổ với vô kể những sinh linh chết oan, chết ức, làm thế nước yếu đi, để cuối cùng phải quỳ gối đầu hàng một cách đớn hèn, bỏ dân, bán nước cho thực dân Pháp (trả cái món nợ mà Nguyễn Ánh, tiền thân của nó, đã giao kèo một cách mờ ám, vô liêm sỉ, và trơ trẽn với triều đình Pháp!)…
(...)
(...)
Bây giờ, với vốn liếng từ mớ luận giải đó, chúng ta sẽ phải làm một bài thực hành để “kiểm tra sức khỏe” trước “câu đố”: nếu là một nhà nước, của một đất nước sau giải phóng có tình trạng giống hệt Việt Nam, anh (hay chị) sẽ xử sự như thế nào để đất nước đó có cơ may tiến lên giàu mạnh mà không gây di hại nào cho hậu thế mai sau? (lưu ý là phải trả lời thực lòng, có tâm huyết vì tự do ngôn luận đã được đảm bảo, đừng sợ!)
                                                                            ***

(...)
Giải giáp cơ cấu chính quyền cũ cùng với công cụ bạo lực của nó, lập chính quyền mới, trấn áp những kẻ ngoan cố chống đối, trên tinh thần triệt để, kiên quyết nhưng khoan dung, nhân nghĩa. Đó là việc đương nhiên phải làm ngay, khỏi bàn. Đồng thời với việc đó là nhanh chóng ổn định đời sống dân cư trên cả nước, nhất là những vùng từng là bãi chiến trường, bị tàn phá nặng nề. Muốn thế phải chú ý lập tức đến kinh tế mà việc đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm cho xã hội là trung tâm của sự chú ý ấy vì nó đặc biệt cấp bách. Yêu cầu cấp bách về cung ứng lương thực thực phẩm nói riêng và sản phẩm tiêu dùng nói chung bộc lộ ra ai cũng có thể thấy và dễ thấy, đòi hỏi phải giải quyết khẩn trương không kém, nếu không, tùy mức độ trầm trọng của tình trạng cụ thể đất nước mà đất nước đó có thể lâm vào nguy khốn hoặc thảm họa. Vậy thì cần giải quyết như thế nào, theo phương sách nào cho thỏa đáng, đạt hiệu quả tối ưu, vừa giải tỏa được tình trạnh hiện tại, vừa đặt được bước đi nền móng cho xây dựng tương lai?
Đến đây, dứt khoát buộc nhà nước phải lựa chọn một trong hai; hoặc là tiến hành cải tạo kinh tế miền Nam theo mô hình kinh tế tập trung, có kế hoạch của miền Bắc XHCN (mà thực ra chỉ là nhãn mác chứ chưa mang nội dung đích thực; tính kế hoạch không mang hơi thở sinh động của cuộc sống mà đầy ý chí “sáng lòa”; chưa được kiểm chứng trong hoạt động thời bình), thành một khối thống nhất, từng bước vững chắc “tiến lên hàng đầu”; hoặc là cứ tạm để cho nền kinh tế từng miền tiếp tục hoạt động theo phương thức riêng mà chúng vốn dĩ đã từng, để giải quyết cái trước mắt, sát sườn, để không làm đổ vỡ cơ sở vật chất của nền kinh tế có sẵn ở miền Nam, cũng như tạo thời gian kiểm chứng lại cơ sở lý luận của nền kinh tế miền Bắc?
Thực tiễn đã chọn phương án 1 và làm xuất hiện “đêm trước đổi mới”, do đó, chúng ta chọn phương án 2 - chấp nhận ngay từ đầu đa thành phần sở hữu, thị trường tự do và để cho người nông dân có quyền được suy nghĩ, lựa chọn kiểu làm ăn trên thửa ruộng của họ (không cần phải “đợi” đến thời đổi mới rồi cũng “buộc”phải chấp nhận!).
Lựa chọn phương án 2 có nghĩa không những là chấp nhận hiện trạng của nền kinh tế miền Nam mà còn bao dung, khuyến khích và hỗ trợ cho cái hiện trạng ấy hoạt động hết công suất. Sự làm giàu chính đáng phải được tôn vinh! Sự ỷ lại, làm công, vô trách nhiệm vì nạn “cha chung…” làm mất động lực trong hăng say lao động, trong hứng thú sáng tạo phải bị dẹp bỏ. Một thời “vì nước quên thân”, thắt lưng buộc bụng vì sự nghiệp cách mạng, “mỗi người làm việc bằng hai” để cống hiến thặng dư xây dựng CNXH, đã qua rồi. Trong thời khoảng cao trào, những cử chỉ, hành động bất khuất, đầy hy sinh ấy xuất hiện hàng loạt và được đời sau kính phục, biết ơn. Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là những biểu hiện của não trạng được kích thích đến phấn khích cao độ chứ không phải của não trạng con người bình thường vì trái với tâm, sinh lý thông thường, đã được tiến hóa thích nghi hun đúc hàng triệu năm. Thường tình, ai mà không muốn ấm no, hạnh phúc, giàu sang phú quý. Vậy thì trong thời bình việc hô hào dân chúng tự giác “mình vì mọi người” trước rồi sẽ được hưởng “mọi người vì mình” là tréo ngoe, phi lý. Tạo sao không khuyên làm cách đơn giản, trực tiếp đỡ “vòng vèo” hơn như: “Phần đất của anh đấy, phân, giống, nông cụ đều có bán ở chợ đấy, hãy tự nuôi sống mình và tìm cách mà sung túc giàu có để đóng góp nghĩa vụ càng nhiều càng tốt cho nhà nước, làm từ thiện cho xã hội cùng là đồng bào ruột thịt với nhau cả!...”?
Thực hiện phương án 2, chúng ta sẽ nhanh chóng giải quyết được những khó khăn chồng chất lên một đất nước vốn dĩ đã nghèo đói bởi sự bóc lột của thực dân; lại mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh có tính hủy diệt hàng nhất nhì trong thế kỷ XX. Cụ thể là:
- Nhờ có sẵn 3 vựa lúa lớn là đồng bằng Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Tuy Hòa, và nhờ sự hứng khởi của lực lượng nông dân vì được tự do làm ăn trong một đất nước độc lập, hòa bình mà nạn thiếu lương thực thực phẩm sẽ không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng rất nhanh chóng được khắc phục.
- Nhờ tiếp quản được hầu như nguyên vẹn nền công thương nghiệp miền Nam và có sẵn cơ sở công nghiệp miền Bắc, với lực lượng lao động dồi dào có được sau Giải Phóng (phần lớn lực lượng tham gia phục vụ chiến tranh của cả hai phía trở về đời thường), trong không khí hòa giải bao dung đối với các nhà tư sản vì sự phục hưng đất nước, chắc chắn hàng tiêu dùng thiết yếu như xà phòng, vải vóc… sẽ đáp ứng được cho xã hội lúc đó chứ không khan hiếm kỳ lạ như “Đêm trước…”. Và chắc chắn sẽ không xuất hiện khái niệm “hàng chậm luân chuyển” như đã xuất hiện; không xuất hiện hàng hóa tịch thu của tư sản chất như núi ở tổng kho Cô Bắc, lợi ích không biết được bao nhiêu nhưng lộ phí của nhiều kẻ vượt biên đã có được từ đó và chính chúng ta thấy có ít nhất hai “đại gia” sau này phất lên là nhờ “tích lũy tư bản” từ những ngày làm việc ở đó.
- Khi chấp nhận thị trường tự do, sự thông suốt của lưu chuyển hàng hóa không những không làm xuất hiện sự khan hiếm giả tạo, cục bộ ở các địa phương mà còn kích thích sản xuất trong khắp cả nước. Mặt khác nó sẽ không làm xuất hiện một đội ngũ kiểm soát, quản lý thị trường quá cồng kềnh, vì thiếu hiểu biết nên chẳng có tình lẫn lý, vừa tốn không ít cơm gạo để nuôi, vừa trở thành một công cụ gây mất lòng dân nhất, chẳng ích gì mà ngày càng “đổ đốn” di hại đến mãi về sau.
- Có thể rằng quá trình thực hiện phương án 2 sẽ tạo nên diện mạo đất nước là: đời sống nông thôn sẽ nhanh chóng sung túc, người nông dân có của ăn của để, ngày một giàu có nhờ xuất khẩu lúa gạo. Từ đó họ có thể mua sắm thêm công cụ, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp (ở đây, chúng ta mở rộng khái niệm “nông nghiệp” là bao gồm nông, lâm, ngư nghiệp…) để tăng năng suất hơn nữa. Nhờ thế, mức sống người dân ở khu vực nông nghiệp, nhìn chung có khả năng sẽ cao hơn người dân ở những khu vực công nghiệp, ở các vùng thành thị. Nhu cầu mua sắm để phát triển nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng kích thích công nghiệp phát triển, chuyển hóa một bộ phận của nó sang phục vụ một cách trước mắt cũng như về lâu về dài cho sản xuất nông nghiệp. Chính điều này sẽ làm xuất hiện ý tưởng để vạch đường hướng cho bước tiếp theo trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Đường hướng đó là: xây dựng và phát triển đất nước toàn diện mà trung tâm là xây dựng và phát triển nền nông nghiệp; công nghiệp hóa phải là ưu tiên công nghiệp hóa nông nghiệp, phát triển nhưng không được xâm phạm cũng như phải có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên hiện đang khai thác hoặc ở dạng tiềm năng như sông ngòi, đất đai, khí hậu… của sản xuất nông nghiệp.
Một đất nước, do hoàn cảnh địa lý, không có tiềm năng về sản xuất lương thực thực phẩm thì muốn kiếm miếng ăn, họ buộc phải dùng tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phi lương thực để trao đổi, mua bán và việc ưu tiên công nghiệp hóa, tạo dựng một nền đại công nghiệp có thể là hướng đi đúng đắn của nước đó. Nhưng một nước có điều kiện địa lý - khí hậu ưu đãi, có tiềm năng đất trồng trọt dồi dào và to lớn để phát triển nông nghiệp, trực tiếp làm ra lương thực thực phẩm và có thể giàu có lên từ lĩnh vực sản xuất ấy lại lấy công nghiệp hóa làm trung tâm của sự phát triển thì thật là… buồn cười. Trong thời đại ngày nay một vùng nông thôn giàu có có thể mua mọi thứ hàng công nghiệp, kể cả tàu du hành vũ trụ mà không cần phải xây bất cứ khu công nghiệp nào ở đó. Khủng hoảng của nền kinh tế là do sự hỗn loạn trong hoạt động công nghiệp gây ra và nó gây tác hại trước tiên và nặng nhất vào lực lượng lao động ở khu vực ấy. Do đó phải thận trọng, phải xác định được mức độ cũng như những mục đích ưu tiên, hợp lý trong tiến trình công nghiệp hóa.
Chế độ phong kiến ở châu Âu, với một tầng lớp thống trị vô cùng xa hoa, phè phỡn, phản dân, và một quần chúng nông dân bị bóc lột thậm tệ đến đói khổ cùng cực đã làm sự tương phản giàu - nghèo trở nên sâu sắc. Mối quan hệ giàu - nghèo trở nên gay gắt cao độ đã là một trong những động lực cho khoa học - kỹ thuật phát triển vượt bậc và cùng với khoa học - kỹ thuật đã tạo tiền đề ra đời cuộc cách mạng công nghiệp - công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa. Có thể nói công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa là một tất yếu lịch sử, là lẽ đương nhiên, là hợp lý ở thời đoạn ấy, và chỉ có thế. Ở thời đoạn khác và đối với một đất nước cụ thể, nhất là trong thời đại nền kinh tế có tính toàn cầu như ngày nay đồng thời với đà phát triển hàng ngày, hàng giờ của khoa học - công nghệ như ngày nay, không hẳn cứ phải lấy công nghiệp hóa làm nhiệm vụ hàng đầu cho sự phát triển mới là đúng đắn, không những chưa chắc đúng mà còn tai hại vì sự cạnh tranh ở thị trường tự do sẽ mở rộng và làm tăng nhu cầu tiêu dùng lên thái quá, gây lãng phí rất lớn và nếu không khéo, còn tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, ngành vốn không những dứt khoát phải duy trì mà còn phải luôn phát triển để đáp ứng nạn nhân mãn trong hoạt động sống của loài người một khi đất đai vẫn còn là điều kiện tiên quyết để làm ra lương thực thực phẩm đối với con người.
Nhà nước vì dân không thể có bất cứ quyền lợi nào vì nó chỉ là một công cụ, một bộ máy của toàn dân, phục vụ quyền lợi của toàn xã hội. Vì nó chẳng có lợi ích nào nên khi nói đến lợi ích của nhà nước thì cần hiểu là lợi ích của đại đa số nhân dân trong xã hội mà ta thường gọi là Đại chúng. Để cho bộ máy đó hoạt động hiệu quả đúng với khẩu hiệu “Vì nhân dân phục vụ” thì trước hết phải biết cách chắt lọc được những nhân vật ưu tú nhất trong xã hội làm nên bộ máy đó, sao cho nó tinh gọn, không cồng kềnh, ỳ ạch mà vẫn đảm đương xuất sắc nhiệm vụ khó khăn do Đại chúng giao phó (Quân cốt tinh nhuệ, không cốt đông, binh pháp mọi thời đã dạy thế!). Tiếp theo, để bộ máy đó hoạt động trơn tru, nhiệt tình và trong sáng, Đại chúng phải biết, phải có nghĩa vụ chăm lo, bảo dưỡng thường xuyên và kiên quyết, kịp thời thay thế những “chi tiết” đã “hư hỏng” trong đó (đừng có tiếc mà làm tê liệt cả bộ máy!). Nghĩa là phải tìm ra một cách thức thích hợp để trả công xứng đáng cho những người làm công trong bộ máy nhà nước vì dân, giúp họ có thu nhập mà ở địa vị nào đó và với trình độ năng lực nhất định, không thể mơ ước hơn được, để họ toàn tâm toàn ý thực thi nhiệm vụ, ứng xử có văn hóa trước dân tình…
Xây dựng kinh tế đất nước lấy phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp làm trung tâm, tích cực công nghiệp hóa theo hướng hỗ trợ, phục vụ nông nghiệp, chế biến các sản phẩm thuộc nông lâm thủy sản và có nguồn gốc nguyên liệu từ nông nghiệp, tăng cường lượng hàng xuất khẩu để nhập khẩu vật tư hàng hóa thiết yếu, còn thiếu trong đời sống kinh tế muôn mặt của xã hội, sẽ tạo ra đủ công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong nước cũng như phân bố hợp lý và đồng đều lực lượng ấy, giảm áp lực dân cư lên những trung tâm đô thị, đồng thời cũng làm cho hai lực lượng công, nông gắn kết tự nhiên với nhau thành một khối công - nông thống nhất, bền vững…
Quần chúng đi theo cách mạng chống xâm lăng cứu nước là vì yêu nước. Tinh thần yêu nước và quật khởi chống xâm lăng đã trở thành truyền thống quí báu của cả dân tộc ấy là nhờ sự hun đúc từ những bài học, kinh nghiệm có được từ lịch sử, từ thực tiễn này: bất cứ kẻ xâm lược nào cũng tàn bạo; đè đầu cưỡi cổ dân tộc, vơ vét, cướp bóc đến tận xương tủy người dân, đến kiệt cùng tài nguyên thiên nhiên đất nước, và chà đạp thô bạo lên mồ mả tổ tiên, lên quyền được sống của con người; vì vậy mà phải đứng lên kiên quyết đánh đuổi chúng đi để giành quyền sống. Xét cho cùng, truyền thống đó có căn nguyên từ nguyên lý phổ biến: ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. (Nguyên lý này, đến lượt nó, có cội nguồn sâu xa từ nguyên lý tác động - phản ứng!). Do đó, có thể nói nôm na rằng ước nguyện thiết tha của Đại Chúng khi đi theo cách mạng là mong sao có được độc lập, tự do để yên ổn làm ăn, mưu cầu ấm no, hạnh phúc. Nghĩ sao đây khi đất nước hoàn toàn độc lập rồi nhưng dân chúng vẫn chưa có tự do làm ăn? Chỉ có thể hiểu cuộc cách mạng đó hoặc là mị dân, hoặc là phản bội, nếu không thì có nghĩa là quan niệm chưa đúng về tự do nên đã phạm sai lầm trong hành động thực tiễn…Cũng qua công cuộc xây dựng này, chúng ta sẽ điều chỉnh lại toàn bộ nhận thức về CNXH, nhằm giải phóng tư tưởng, vượt thoát những suy nghĩ cực đoan, giữ lại những mầm mống tốt đẹp đã xây dựng được từ trước trong giáo dục, y tế...
 (...) 
 (...)
 (...) 
Ngắm nhìn cái cảnh sắc đã giàu đẹp hơn nhưng cũng có vài phá nét lạ lẫm, có được nhờ Đổi Mới ấy, chúng ta thực sự mừng vui cho đất nước. Tuy nhiên, trong sâu thẳm linh cảm, hình như vẫn vương vấn nỗi niềm gì đó có vẻ như là ái ngại khi nghĩ đến tương lai. Bài học về xây dựng kinh tế - xã hội đất nước thời triều đình nhà Nguyễn còn “trừng trừng” hăm dọa đến tận hôm nay.
Cũng không phải là không chú tâm đến vấn đề đất đai và sản xuất nông nghiệp, cũng như công thương nghiệp; cũng không phải không biết đến cái điều mà xa xưa ông bà ta đã dạy: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”, nhưng do cái bản chất ích kỷ, thiển cận mà triều đình nhà Nguyễn, cha truyền con nối, chỉ biết đặt quyền lợi riêng tư của mình lên trên quyền lợi đất nước, chưa thấy được mối quan hệ biện chứng giữa hai quyền lợi ấy, coi rẻ quần chúng, xa rời họ và đối xử với họ o ép, hà khắc thiên về bạo lực, bởi vì với cái bản chất ấy thì làm sao thấy được cái gốc rễ của sức mạnh vô địch lại tiềm ẩn ở ngay trong cái đám Đại chúng cần lao chứ không phải ở trong nhúm quan lại cận thần, chịu ơn “mưa móc” của nó và là công cụ tay sai của nó. Cái triều đại ấy, tất nhiên là cũng như mọi triều đại khác, đã ao ước làm sao cho nước mạnh, do đó cũng suy nghĩ tìm đủ phương cách, và trong thực tiễn cũng đã thực hiện được vài phương sách hợp lý như khẩn hoang, chiêu tập dân phiêu tán trở về, khai đào thêm sông ngòi, sửa đắp thêm đường bộ… nhưng thế nước không những không mạnh lên mà trái lại ngày một suy yếu đi, để rồi sau này bạc nhược đến độ chống cự không nổi một đội quân xâm lược của thực dân Pháp gồm có mười mấy chiến thuyền với hơn 3000 lính (và nếu không có sự “ứng nghĩa” của lực lượng gồm những đội quân hình thành từ “dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” thì đã phải “dâng nước” qui hàng giặc ngay từ thời kỳ đầu tiên đó), để rồi đất nước và dân tộc Việt Nam phải gánh chịu “một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ là rừng xương khô, gia tài của mẹ là núi đầy mồ…” (một khúc hát của Trịnh Công Sơn). Vì sao vậy? Vì Triều đình nhà Nguyễn đã không tiếp thu được cái tư tưởng sáng ngời của Vua Quang Trung, do đó mà cũng không phát huy được những thành quả bước đầu mà vua Quang Trung đã đạt được. Cái chân lý mà vua Quang Trung thấu hiểu được thì triều đình nhà Nguyễn, vì đem lòng đố kỵ đã không bao giờ hiểu được, đó là muốn nước mạnh thì phải làm cho dân giàu, muốn dân giàu thì phải vì dân, muốn vì dân thì tai phải nghe bằng tai dân, mắt phải nhìn bằng mắt dân và cuối cùng, muốn thế, chỉ có một con đường một là lấy dân làm gốc - cái gốc của nhận thức đúng đắn thời cuộc.
Đã có lần chúng ta đề cập đến sự khốn cùng của nhân dân dưới triều đại nhà Nguyễn. Ở đây, chúng ta không nhắc lại nguyên văn nữa nhưng sẽ nói thêm một chút để thấy được toàn cảnh giai đoạn lịch sử đó (và chủ yếu là theo cái nhìn khách quan của những nhà quan sát phương Tây  đương thời).
Giả nhân giả nghĩa là cái bệnh thường thấy của bề trên nói chung và của vua quan mọi thời nói riêng. Thật là đáng kính khi Gia Long xuống dụ: “… nghiêm cấm lai dịch và kẻ giữ kho không được kiếm cớ làm khó dễ yêu sách dân, nếu để tai hại cho dân thì giết không tha”. Người nhẹ dạ sẽ chảy nước mắt khi nghe Minh Mạng nói: “Trẫm từ khi lên ngôi, không ngày nào không lo cho dân cư đông đúc, được mùa”. Năm 1850, không thể làm ngơ trước oán giận của dân chúng, Tự Đức đã sai mấy quan đại thần về các địa phương để “hưng lợi trì trệ, trừng thanh quan lại, vỗ yên nhân dân”; đã từng than thở: “Quan vui thì dân khổ, ích trên thì hại dưới, thực do bọn quan lại đưa đẩy văn thư, khinh thường pháp luật, mượn việc yêu sách quá đáng, hoặc nhân khi xét việc xử án, dụng tâm tha buộc tội mà đòi tiền hối lộ, hoặc nhân bắt lính thu lương, mượn ý đốc sức mà chấm mút chia nhau ăn…, hoặc bắt đóng góp nặng nề để tiêu dùng riêng. Xưa nay những tệ hại ấy không chỉ có thế mà thôi. Ta rất lấy làm quái gở, đau xót”. Ấy thế mà đừng vội tin đó là những ông vua hiền. Có thể là họ cũng yêu thương dân, nhưng theo cách của họ, kiểu như “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”. Còn yêu thương đến mức độ nào thì chúng ta biết tỏng tong mẹ nói rồi! “Thương cái xương không còn” thì là thương đến cỡ nào?!
Dễ dàng mường tượng ra được thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước dưới triều Nguyễn qua ghi chép của các ký giả phương Tây có mặt tại Việt Nam hồi đó! Ngay từ năm 1807, Se-nhô (Chaigneau) đã viết: “Dân chúng vô cùng đói khổ, vua quan bóc lột thậm tệ, công lý là một món hàng mua bán, kẻ giàu có thể công khai sát hại người nghèo và tin chắc rằng với thế lực đồng tiền, lẽ phải sẽ về tay họ”. Trong “Một chuyến đi Đàng Trong”, Giôn Oai-tơ nhận xét: “Việc buôn bán ven biển ở xứ này có vẻ hoạt động, nhưng đó chỉ là giả tạo, vì hàng hóa chở trên các tàu thuyền bản địa không có bao nhiêu. Các thuyền đó không bao giờ có đủ hàng hóa để trao đổi, vì nhà vua bắt buộc mỗi thuyền phải chở cho triều đình một số hàng… thường là gạo và các lương thực khác cho quân lính, gỗ và các vật liệu xây dựng, quân nhu cho các đạo binh…”; “Nền thương mại của xứ Đàng Trong bây giờ chẳng có gì, so với các phương tiện và hoạt động của nó trước kia”; “Tất cả số đường sản xuất năm 1819 (không kể số tiêu thụ trong nước) từ khu vực Đồng Nai đến thành phố Nha Trang chỉ được hơn 2000 piculs (1 picul tương đương với 62,6 kg). Việc buôn bán với Ma Cao hoàn toàn cắt đứt. Thời gian chúng tôi đến Sài Gòn có hai tàu Pháp đến Tourane (Đà Nẵng) và Huế. Bỏ neo 5 tháng trời, tàu chỉ mua được nửa số đường và một ít tơ sống, đó cũng là sản phẩm chủ yếu hàng năm của các tỉnh phía Nam”. Nói về thương cảng Hội An, ông viết: “Trên đường tới Tourane, chúng tôi qua cảng và thành phố Faifo (Hội An), nơi trước đây là thị trường của các tỉnh phía Bắc… Nơi đây đã được người Bồ Đào Nhao ở Ma Cao và người Nhật Bản tìm đến. Họ đã từng tiến hành những hoạt động thương mại rất nhộn nhịp ở cảng. Bây giờ thành phố này đã trở nên nghèo nàn, hoang phế, rất ít khi hoặc chẳng bao giờ được tàu bè ghé thăm, ngoài những thuyền địa phương và vài thuyền nhỏ từ Đàng Ngoài vào”. Ông nhận xét Đà Nẵng: “là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Thuyền bè đậu trong cù lao Hàn hoặc bán đảo Sơn Trà được che chở tốt trước mọi bão tố. Trước đây, Sơn Trà là một thành phố đông đúc, bây giờ chỉ là một thành phố tồi tàn, bẩn thỉu”. Thật là chua chát và xấu hổ khi Giôn Oai-tơ cho rằng: “Tính cách tham tàn, thất tín, chuyên chế và ngăn trở thương mại của nhà cầm quyền đã biến xứ Đàng Trong thành một nơi ít được người ta ưa thích. Những lý do trên khiến người Nhật từ bỏ mua bán, người Bồ ở Ma Cao cũng không đến đây nữa mà chuyển việc buôn bán của họ sang những hướng khác… Những ai vị tha, mạnh dạn và cả thế giới văn minh nói chung chỉ có thể nhìn thấy trong tình trạng khốn khổ hiện thời của xứ sở có thiên nhiên tươi đẹp này không gì khác hơn là một mối ân hận và thương hại sâu sắc”, và: “Ta có thể kể một bản danh mục vô tận về các chức quan cấp dưới mà bất cứ ai muốn thương lượng một công việc buôn bán nào ở xứ này đều phải đút lót cho họ”.
Thủ cựu, ích kỷ, thiển cận, tàn nhẫn và đê hèn đều là những biểu hiện nổi trội của chế độ quân chủ chuyên chế cực đoan triều Nguyễn. Nó xuất hiện là nhờ ơn ngoại bang để rồi sau này phải bán thân trả nợ cái ơn ấy cho ngoại bang. Nó tồn tại nhờ vào sự sui rủi của đất nước và trong nỗi oán giận của dân tộc. Những thành quách, đền đài, lăng tẩm đồ sộ, nguy nga, tráng lệ mà hầu hết đều phi nghĩa, đều lấy xương máu của nhân dân đang đói khổ đắp thành, giờ đây còn lại gì ngoài những phế tích? Biết bao nhiêu con người được trời đất sinh ra, chưa được sống lấy một ngày an vui mà họ có quyền được hưởng, đã bị tan xương nát thịt, chết bụi chết bờ, chết bơ vơ xa xứ bởi cái triều đình ấy, đến giờ linh hồn họ đã khuây khỏa được khối căm hờn?
Xây dựng đất nước cao đẹp hơn, đàng hoàng hơn là xu thế tự nhiên là ước vọng đương thời, song phải thận trọng đắn đo mà lựa chọn cân nhắc cho có chừng có mực, có nghĩa có nhân, bởi xét đến cùng thì mục đích của sự nghiệp ấy không ngoài chữ “vì dân”, mà vì dân không những là vì cuộc sống hôm nay mà còn vì cuộc sống của mai sau hậu thế, vì sự trường tồn của đất nước, dân tộc.
(...)
Vừa rồi có người đặt câu hỏi: nước Việt Nam là lớn hay không lớn? (...) Thay cho câu hỏi đó, chúng ta đặt câu hỏi khác: Đất đai trồng trọt của Việt Nam còn nhiều hay ít, có cách nào mở rộng được nữa hay không, và còn đủ dùng đến ngày công nghệ tiên tiến đủ sức làm ra lương thực thực phẩm mà không cần nhờ tới đất đai?
Nghe tin Hà Nội mở rộng mà lòng thấy… dửng dưng. Đọc tin báo Thanh Niên: “Hằng trăm hécta đất đã được lãnh đạo tỉnh Hòa Bình vội vã cấp cho doanh nghiệp khi còn chưa đầy một tháng nữa sẽ đến thời điểm chính thức sát nhập 4 xã Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn về Hà Nội”, mà lòng thấy… ghê ghê.
 (...)
Nhưng thôi, chuyện con người không thể đem so với chuyện quốc gia đại sự vì với cách suy nghĩ rặt những huyễn hoặc lơ mơ, làm sao mà thấy được thị phi đích thực ở cõi thiên đình. Ái ngại, buồn nản mà làm gì, được gì? Có thể cảm hoài nhưng hãy cứ tin yêu vì cái tâm của nhà nước này không phải là cái tâm của triều đại nhà Nguyễn gần 200 năm trước. (...)
     (...)
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, ông Mạnh nói: “… Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề rất lớn có quan hệ gắn bó, mật thiết với nhau. Trước đây, hiện nay và cũng như sau này, Đảng ta luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là nhân tố bảo đảm thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp phải hỗ trợ mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thì nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới theo qui hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng và cả nước; khai thác thuận lợi trong hội nhập quốc tế; phát huy cao nội lực trong nông thôn; đồng thời tăng cường đầu tư của Nhà nước; ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí…”.
Chúng ta mong rằng những lời nói đó của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh là đúng đắn, mau chóng đi vào cuộc sống và phát huy được tác dụng của nó trong đời sống xã hội. Nhưng phải nhận thức sâu sắc hơn nữa mới được. Xin khấn cầu cho quốc thái dân an mãi mãi!
***
Đất nước Việt Nam tuyệt đẹp! Phong cảnh thiên nhiên của nó hết sức gợi tình với hàng loạt những danh thắng nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, động Phong Nha - Kẻ Bàng, đèo Hải Vân, đèo Cả - Vũng Rô… Hình hài, vóc dáng của Việt Nam trên bản đồ thế giới, theo sự suy tưởng của chúng ta thì cũng tuyệt mỹ không kém. Chúng ta đã kể về điều này rồi và giờ đây, chúng ta bỗng chợt nhận ra thêm rằng cái hình hài vóc dáng rất đỗi sinh động ấy sao mà hồn nhiên, hiền hòa nhưng cũng hiên ngang, khí phách quá chừng! Việt Nam, với cái hình thể gợi nên cảnh phượng múa rồng bay, như đang vui đùa với bầu bạn khắp năm châu bốn biển; gợi nên một “Ông Đùng” thần thoại, chọc trời khuấy nước theo trục Đông - Tây; gợi nên một vùng an cư đắc địa có thế đất ỷ dốc quay lưng về hướng Tây - Bắc để tránh cái lạnh giá của mùa đông tràn về từ Bắc Cực mà nhìn về hướng Đông - Nam, nơi mặt trời mọc, nơi đã từng sừng sững ngọn núi Tu Di vĩ đại trong huyền thoại, để hứng gió nồm mát lộng từ bao la trời biển thổi tới, và nếu nhìn theo trục Tây – Đông thì rõ ràng là có cái thế tuyệt cùng trong lựa chọn phong thủy: “Tọa sơn hướng thủy”!
Phóng tầm mắt về hai miền đất nước, trước hết chúng ta nhìn thấy thành phố Hồ Chí Minh - tức là Sài Gòn năm xưa, cái tên có gốc tích từ đời sống dân dã, mộc mạc và rặt cá tính người Nam Bộ, đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. (Nói vui thêm: khi Sài Gòn mới được giải phóng, nó có hai đại lộ thuộc hàng lớn nhất nội thành có tên là Công Lý và Tự Do. Không hiểu tư duy thế nào mà người ta đem đặt lại tên cho chúng thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi. Ngay lập tức trong dân gian lưu truyền câu thơ tếu táo:
“Nam Kỳ Khởi Nghĩa thay Công Lý
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do.”
“Thằng” nào mà lém lỉnh và táo tợn thế không biết? Ngày đó, nếu người ta bắt được, thì đời nó coi như… chẳng “hay ho” gì, vì đích thị nó là phản động. Bây giờ, bao nhiêu năm tháng đã đi qua, ngẫm lại, thấy hóa ra thằng đó nói, có thể là “kháy” nhưng chính xác. Công Lý và Tự Do là khát vọng thuộc hàng bậc nhất không phải của riêng dân tộc ta mà của cả nhân loại. Đó là hai chân lý sáng ngời mà bất cứ “phe” nào cũng phải nêu lên thành mục đích thuộc hàng đầu nếu muốn thu hút quần chúng theo mình. Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay Đồng Khởi cũng đẹp đẽ, nhưng dù sao chỉ là những dấu ấn gợi nhớ về những biến cố hào hùng của một thời đấu tranh cứu nước, vị trí mà chúng “thích nhất” là ở những viện bảo tàng cách mạng!... Nói chung là muốn đặt hay thay đổi nhãn mác thế nào mà không được, nhưng thiển nghĩ, đừng để cho dân chúng đàm tiếu. Một đường phố đang có cái tên tuyệt đẹp rồi, thì cho dù là ai đặt, cũng việc gì mà “rỗi hơi” thay đổi nó đi? Một tên người, một địa danh đã là nhãn mác của người nào đó, của nơi nào đó. Nếu những nhãn mác đó thực sự nổi trội thì tự nhiên sẽ được ghi chép vào sử xanh, được lưu truyền đến hậu thế như một sự ghi công, như một bài học, như một tấm gương sáng soi và có khi là như một huyền thoại. Không nhất thiết phải đem những nhãn mác đó đi gắn lung tung. Đường “Him Lam”, đường “Trường Sơn”, đường “Hà Nội” nghe cứ như mạo danh vì Him Lam, Trường Sơn, Hà Nội vẫn còn sờ sờ ra đó, nhưng ở chỗ khác, chứ đâu phải ở trong thành phố Hồ Chí Minh? Mua vé xổ số cứ mỗi lần bấm nhắn tin “XSHCM” qua điện thoại di động để dò lại thấy kỳ kỳ sao ấy! Cái vĩ đại không cần nhắc đến, vẫn cứ vĩ đại như thường; cái tầm thường, cho dù có tung hô, vung vãi khắp nơi cũng không thể vượt thoát được sự tầm thường mà thậm chí còn trở nên tầm thường hơn!). Đang trong thời kỳ phát triển “vũ bão”, Sài Gòn phình ra rất nhanh, có vẻ như đã bắt đầu hơi “quá cỡ thợ mộc” kiểu “phát phì”. Không biết nó đã ngốn bao nhiêu héc ta đất trồng trọt để làm mọc ra các khu công nghiệp rồi? Tất nhiên là phải biết hy sinh nhưng hy sinh như thế nào và đến đâu thì gọi là hợp lý, là đủ? Và nhìn xem các nước tiên tiến đi trước chúng ta khá xa, họ đã làm ra sao và có hậu quả gì; nghe xem họ nói gì?
Nhìn ra miền Bắc, đất tổ của dòng giống Lạc - Hồng, chúng ta thấy Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật của một đất nước ít ra cũng đã có 4000 năm văn hiến.
Hà Nội là nơi chúng ta đã từng sống những ngày thơ ấu. Buổi đầu tiên chúng ta cắp sách đến trường là ở đó. Đã ngót 30 năm rồi kể từ ngày tạm biệt ra đi, chúng ta chưa từng một lần quay trở lại, dù rằng đó là một ao ước khôn nguôi. Thật không thể hiểu vì sao nữa! Không phải là cách núi ngăn sông, không phải là nghèo hèn đến mức không đủ lộ phí, ấy vậy mà chúng ta không thể về thăm lại nơi mà chúng ta đã được bao bọc, vỗ về, nuôi nấng cho đến lớn khôn; đã ê a đọc bài học đầu tiên về non sông đất nước:
“Học đi em!
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ mũi Cà Mau
Đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta
Đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái…”
(Trích thơ Tố Hữu)
nơi mà chúng ta đã từng mơ thấy mình bay về một vì sao lấp lánh…, nơi mà từ đó chúng ta nhờ có sự ưu ái của Nhà Nước Cách mạng, của dân tộc đang thời kỳ gian khổ hy sinh, mà sớm được tiếp xúc với những thành tựu khoa học của nhân loại. Chúng ta suốt đời phải chịu cái ơn ấy và cả cái nợ máu xương của cha, anh, bạn bè đã đổ xuống trên chiến trường chống Mỹ, và nếu có muốn thì cũng chẳng bao giờ trả được. (Tương tự như thế, chúng ta không bao giờ tạ tội được trước quê hương, nơi chúng ta đã được chôn nhau cắt rốn, đã cất tiếng chào đời và chưa kịp cảm nhận ánh sáng thì ngoại đã vội bế xuống hầm tối để tránh bom thả từ máy bay thực dân Pháp; nơi mà mới một tuổi, mẹ đã bồng chúng ta xuống tàu đi “tập kết”, thế rồi hơn 50 năm đằng đẵng, chúng ta chưa một lần ghé về!).
Rất đỗi lạ lùng và có vẻ như một lưu đày của số phận!
Giờ đây, ở chốn này, nhìn ngắm Hà Nội bằng con mắt hồi ức, lòng chúng ta cứ nổi lên ngổn ngang thương nhớ. Chúng ta nhớ Ô Cửa Nam vì có lần lạc mẹ, chúng ta đứng ở đó khóc ơ hờ. Chúng ta nhớ mẹ cho “1 hào” đi tàu điện ra hồ Hoàn Kiếm chơi, tiền vé đi mất 5 xu, còn lại thấy con tò he thích quá mua hết, lót tót đi bộ về. Chúng ta nhớ Ngã Tư Sở hồi đó, giữa lòng Hà Nội mà cảnh vật cứ như một thị trấn nhỏ ngày nay: sau lưng dãy nhà mặt tiền đã là những sắc màu làng quê, là ruộng lúa, vườn rau, ao cá. Chúng ta nhớ ngõ Thịnh Quang dẫn vào nơi chúng ta ở. Từ chỗ chúng ta ở, đi tiếp theo con đường gạch nhỏ, ngoằn ngoèo với hai bên là đồng ruộng sẽ đến đình Thịnh Quang, nơi chúng ta đã ngồi học ở đó và luôn lấm lét ngó chừng ông Hộ Pháp. Từ căn phòng đầu dãy nhà lá, rộng chừng 10 m2 (mẹ và hai anh em chúng ta ở đó) hướng về chợ Ngã Tư Sở, có một khu vực cây cối xum xuê, đó là xóm Chùa, những gian chùa được người ta mượn làm lớp học và chúng ta cũng đã từng học ở đó (hay nghịch ngợm ở đó (?), lâu quá rồi, khó lòng mà nhớ rành mạch nữa). Chúng ta nhớ tha thiết trường Thái Thịnh, nơi chúng ta lần đầu tiên sử dụng que tính, tính toán trên bàn tính, nơi mà tiếng trống trường đã vĩnh viễn ở lại trong tâm trí chúng ta, nơi mà cảm giác chiến tranh đến gần hơn bao giờ hết khi cùng trường lớp làm hầm trú ẩn; nơi mà một đứa học trò nghịch ngợm dù có vẻ muộn mằn, cũng vô cùng hãnh diện khi được kết nạp vào Đội thiếu niên tiền phong và được quàng khăn đỏ. Lần đó chắc mẹ cũng rất tự hào vì chúng ta. Các bạn thuở ấy ơi, giờ này ở đâu, và ai còn nhớ bài ca trường Thái Thịnh: “… ta cùng nhau tiến bước lên, dưới mái trường Thái Thịnh mà ta vẫn từng chung sống…”? Vài lần Hà Nội hụ còi báo động giả, cả về ban đêm, có lẽ để nhân dân thành phố làm quen và thực tập xuống hầm trú ẩn. Nhưng có một lần, vào giữa ban ngày, Hà Nội hụ còi báo động thật. Giọng phụ nữ trên đài phát thanh: “Đồng bào chú ý!...” nghe bình tĩnh và mạch lạc làm chúng ta hết cả nỗi sợ hãi ban đầu, chui ra đứng trước cửa hầm, ngẩng mặt lên trời cố tìm máy bay Mỹ. Mẹ đi trực chiến về nghe mách lại, nọc chúng ta ra quất cho một trận tơi bời. Sau này mới hiểu mẹ đúng vì bà đã qua kháng chiến chống Pháp, biết được cái tàn bạo của quân xâm lược. Từ đó, chúng ta được đưa đi sơ tán về nông thôn và nhờ thế sau này chúng ta mới thấu tình dân dã…
Chúng ta cũng sẽ nhớ mãi trường Đống Đa, nơi chúng ta học năm cuối cùng của hệ phổ thông cơ sở, nơi chúng ta (lại cũng muộn mằn) được kết nạp vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. (Nếu chúng ta nhớ không lầm thì Đảng hồi đó cũng được gọi là Đảng Lao động Việt Nam. Và nếu đúng thế thì đó là một cái tên tuyệt đẹp mà không gây ngộ nhận. Qua đây cũng thấy Hồ Chí Minh kỳ tài và uyên thâm về chính trị.); nơi chúng ta đưa tiễn những bạn học trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lên đường vì nước. Nhiều bạn đã không trở về, chưa kịp “đỏ ngực” đã đành “xanh cỏ”. Các bạn ơi! Dù quê hương các bạn là tứ xứ, nhưng vì lớn lên trong lòng Thủ đô nên các bạn mang “màu cờ, sắc áo” Thủ đô; các bạn là con Rồng cháu Tiên nhưng đồng thời cũng là con em Thủ đô, là hậu duệ của “Trung đoàn Thủ đô”, với truyền thống “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Nhớ thì cũng là không quên. Chúng ta chẳng bao giờ quên được những tháng hè với những ngày lang thang vạ vật trong lăng Hoàng Cao Khải, bên những tượng người bằng xi măng sứt tai gãy gọng , cụt đầu… đứng thành hai hàng im phắc mà như có u hồn, quanh cái hồ sen tù đọng những rong rêu, rác rưởi bởi không người đoái hoài. Chúng ta không quên được những ngày hè cùng bạn bè chạy nhảy trên Gò Đống Đa, leo trèo ở đền Thái Thú mà chưa biết được ngọn nguồn gốc tích của sự ô nhục, những lần vào ra chùa Mộc mà vô tình không biết nó luôn được giữ gìn và che chở trong nghĩa tình của lòng dân Bắc Hà - Hà Nội đối với vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ qua suốt thời đoạn độc địa nhất của tư thù hèn hạ. Chúng ta quên làm sao được Văn miếu - Quốc Tử Giám nơi hàng bia tiến sĩ và rùa đá dầu dãi nắng sương, thứ thì mịt mờ u uẩn, thứ thì ngơ ngác bất tường trước sự vô tình đến bạc màu hoang phế, đến lạnh tanh khói hương. Niềm tin duy vật cực đoan đến khô cứng đã xúc phạm tập tục thờ cúng, chiêm bái thiêng liêng và thấm đẫm nhân văn. Không phải tất cả mọi hành vi của mọi lễ hội cổ truyền đều là hủ tục, mê tín dị đoan. Hơn nữa không phải mọi mê tín dị đoan đều phi lý. Ngược lại, chắc gì một niềm tin cực đoan đã là không mê tín, chắc gì văn hóa phương Tây đã hợp với lòng người phương Đông; và chắc gì nền triết học nặng nề thực chứng đã đủ sức đánh giá được sự chứng ngộ huyền diệu của đạo lý?! Cuối cùng: một chân lý chắc gì đã là chân lý?! Nếu là về tự nhiên thì chỉ có Tự Nhiên, nếu là về xã hội thì chỉ có Đại Chúng mới có thể trả lời rốt ráo được câu hỏi đó… Trong dân gian đã từng lưu truyền đẳng thức: Nhiệt tình + Ngu muội = Đại phá hoại. Phải cho rằng đẳng thức này là một phát kiến lớn, tài tình và rất hữu dụng, vì nó cảnh báo người ta về một trường hợp riêng dễ xuất hiện, về những biểu hiện, những tác động trái chiều trong sự phát triển của mọi quá trình, mọi công cuộc tạo dựng kinh tế - xã hội… Rất may, nhờ có Đổi Mới mà tư duy chúng ta qua được bệnh “cảm cúm” và đang ngày một lành mạnh hơn. Xin cảm ơn Ngài Đổi Mới.
Chúng ta còn không thể quên được nhiều điều nữa về thời niên thiếu sống hồn nhiên giữa lòng Hà Nội. Làm sao mà quên được những sáng mai đi tìm cỏ gà, đổ dế, những trưa lang thang tìm bắt ve sầu, những chiều thu gió lộng cánh diều, những tối “trốn tìm”, “thả đỉa ba ba”, “rồng rắn lên mây”; làm sao mà quên được tình yêu học trò, đi ăn trộm khế mang về cho “người yêu” tóc kẹp đuôi gà… Nhiều lắm, kể làm sao cho hết được!
Ngót 30 năm rồi, đứng đây nhìn vào Hà Nội, chúng ta vẫn thấy mình tung tăng trong đó, đi khắp các phố phường của nó, những phố phường mà chúng ta đã từng thấy thời niên thiếu, mà bụi thời gian không thể xóa nhòa được trong ký ức dân gian:
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Mã - vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc - Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng
Hàng Muôi, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem hàng phố, thật là cũng xinh
Phố hoa thứ nhất Long - Thành
Phố dăng mắc cửi, đàng quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.”
(Long - Thành tức thành Thăng Long, tên gọi Hà Nội được đặt vào năm 1010, đời Lý Công Uẩn.)
Đất nước Việt Nam xinh đẹp nhờ phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp! Dân tộc Việt Nam xinh đẹp nhờ tính tình khoan hòa, nhẫn nại và khí phách của họ. Hà Nội cũng toát lên những vẻ đẹp tinh hoa đó.
Từ xa xưa lắm, hơn ngàn thuở trước, hình như vùng đất trời bao dung Hà Nội đã tiềm tàng linh khí và linh khí đã được ban phát ra liên tục đến tận ngày nay. Ngay từ tiền sử, hình sông thế núi ở khu vực đó đã tạo nên một đắc địa cho sự hội tụ dân cư. Nhiều tộc người tiền sử đã hội tụ ở đó chung sống chan hòa trong khí thiêng sông núi đó và chuyển hóa thành những con người đầu tiên của dân tộc Việt, tổ tiên của chúng ta. Cũng từ đó số phận của vùng đất trời chứa chấp Hà Nội ngày nay đã gắn kết chặt chẽ với số phận chung của sông núi Việt Nam. Vừa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời được của Tổ quốc, vừa là nơi trọng yếu của quá trình hội tụ dân cư tự nhiên, nên từ rất sớm trong sơ sử đến nay, nó đóng vai trò như một trung tâm của những biến cố lớn lao trong lịch sử thăng trầm đầy bi hùng của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói cảnh sắc - con người của vùng đất Hà Nội, vì thế mà mang những nét đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của non sông nước nhà. Hơn thế nữa, có thể thấy quá trình tồn tại của vùng đất ấy như là một biên niên sử rút gọn, một tóm tắt khá đầy đủ những biến cố đã từng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, một lịch sử cô đọng của dân tộc Việt Nam.
Đối với chúng ta, nếu coi Tổ quốc Việt Nam là một báu vật thì Thủ đô Hà Nội là viên ngọc bích được nạm ngay tại điểm hội tụ, kết tinh của báu vật ấy, và ngời lên biếc trong như một con mắt bão ở Thái Bình Dương. Trong tiềm thức, chúng ta còn cảm nhận được ý niệm: Vùng địa linh nhân kiệt trong lãnh thổ địa linh nhân kiệt..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét