Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 351

(ĐC sưu tầm trên NET)

 
Những Kẻ Phản Bội Nổi Tiếng Trong Lịch Sử KGB Nga

Oleg Gordievsky - Điệp viên hai mang khét tiếng làm việc cho KGB và MI6

Hoàng Phạm |

Oleg Gordievsky - Điệp viên hai mang khét tiếng làm việc cho KGB và MI6
Oleg Gordievsky, đại tá KGB làm việc cho MI6. Ảnh: Getty

Oleg Gordievsky nằm trong sanh sách những điệp viên hai mang gây tổn thất nhiều nhất trong lịch sử KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô).

Khi nhân viên tình báo Anh Michael Bethany liên lạc với phía KGB, đề xuất về mối hợp tác và cung cấp các văn bản nhạy cảm, đại diện KGB ở London đã bác bỏ đề nghị này vì nghĩ rằng đó là cái bẫy do phía Anh đặt ra.

Trước khi Bethany một lần nữa tìm cách liên hệ lại với người Liên Xô, Đại tá KGB Oleg Gordievsky đã được thông tin về cuộc tiếp xúc. Ngay sau đó, nhân viên tình báo người Anh mong muốn làm việc cho Liên Xô đã bị bắt giữ.

Mặc dù khi đó KGB vẫn chưa biết, nhưng kẻ phản bội người Anh bị bắt là do chỉ điểm của điệp viên hai mang Gordievsky, nhân viên KGB bí mật làm việc cho MI6.

Bắt đầu trở thành điệp viên 2 mang

Oleg Gordievsky được thừa nhận rộng rãi là một trong những điệp viên hai mang gây tổn thất nhiều nhất trong lịch sử tình báo Liên Xô.

Gordievsky bắt đầu làm việc cho KGB từ năm 1962, ở thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên Xô.

Ban đầu, Gordievsky làm việc ở Đan Mạch.

“Tôi phải xử lý tài liệu về những người đã chết hoặc những người đã rời khỏi đất nước để KGB có thể sử dụng chúng. Tôi đi tới các nghĩa địa, tìm những ngôi mộ mới, gặp các linh mục để có được thông tin ngày sinh, ngày mất”, Gordievsky cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau khi đào tẩu sang Anh.

Cũng chính tại Đan Mạch, MI6 đã tiếp cận nhân viên tình báo trẻ bí mật của Liên Xô.

“Tôi muốn làm việc cho tình báo Anh và đã tìm được cơ hội để làm điều đó. Có một người Anh bản xứ - một nhân viên MI6 làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao, muốn tuyển mộ tôi. Năm 1979, chúng tôi bắt đầu gặp nhau, lần đầu tiên ở một quán bia nhỏ, sau đó ông ta mời tôi tới một ngôi nhà an toàn, nơi chúng tôi bắt đầu công việc”, Gordievsky nói.

Mặc dù không thể kết luận một cách chắc chắn điều gì đã khiến Gordievsky đổi bên, cho dù là vì không hài lòng với Liên Xô, khao khát phiêu lưu, lợi ích cá nhân hay lợi ích vật chất, có một sự thật là: từ năm 1974, nhân viên tình báo KGB được giao nhiệm vụ điều hành đặc vụ mật ở châu Âu đã bắt đầu làm việc cho MI6.

Bị nghi ngờ

Năm 1982, Oleg Gordievsky bắt đầu làm việc ở London với vỏ bọc ngoại giao. Sau cuộc gặp ngắn ngủi với nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev, người thăm London năm 1984, Gordievsky trở thành quyền lãnh đạo văn phòng KGB ở London với tương lai sán lạn.

Những thông tin hữu ích có được khi làm điệp viên hai mang đã giúp Gordievsky thăng tiến nhanh chóng trong KGB. Tuy nhiên, chỉ điểm của một điệp viên CIA làm việc cho KGB đã phủ bóng đen lên Gordievsky và khiến cho lãnh đạo ở Moscow nghi ngờ về lòng trung thành thực sự của Gordievsky.

Oleg Gordievsky - Điệp viên hai mang khét tiếng làm việc cho KGB và MI6 - Ảnh 2.

Năm 1982, Oleg Gordievsky bắt đầu làm việc ở London với vỏ bọc ngoại giao. Ảnh: Getty

Gordievsky cho biết ông có thể đã bị Aldrich Ames [điệp viên hai mang CIA] tố giác vào khoảng thời gian từ ngày 15/4 đến 1/5/1985, vì ngay sau đó ông bị gọi về nước.

Mặc dù Gordievsky nghi ngờ việc làm điệp viên 2 mang có thể bị lộ, nhưng ông vẫn tuân thủ mệnh lệnh và trở về Moscow và đối mặt với cuộc thẩm vấn từ cấp trên, Tướng Grushko.

“Sau cuộc thẩm vấn của Grushko, 2 đồng nghiệp to lớn bước vào phòng và mời tôi uống rượu với họ. Tôi từ chối một cách cứng rắn nhất có thể, nhưng họ vẫn rót cognac cho tôi. Tôi cảm thấy mình như một người khác. Điều này kéo dài trong bốn giờ trong khi cuộc thẩm vấn tiếp tục, ”Gordievsky nói.

Gordievsky tỉnh dậy trong một căn hộ của mình và nhận ra ông không bị bắt sau cuộc thẩm vấn. Ông kết kuận rằng mình đã vượt qua cuộc thẩm vấn, nhưng cũng nhận ra rằng vị trí của mình bấp bênh hơn bao giờ hết. Ông quyết định bỏ trốn khỏi Liên Xô và tìm bản hướng dẫn bỏ trốn mà phía Anh đã chuẩn bị trước cho ông.

Chiến dịch Pimlico – Cuộc bỏ trốn của điệp viên hai mang

Kế hoạch bỏ trốn khỏi Liên Xô của điệp viên hai mang có mật danh là “Chiến dịch Pimlico”.

Để thông báo cho phía Anh về việc cần phải thực hiện kế hoạch bỏ trốn, Gordievsky tìm cách thoát khỏi sự theo dõi của KGB và bí mật gặp một điệp viên Anh ở Moscow. Sau đó, Chiến dịch Pimlico bắt đầu được thực hiện.

Theo kế hoạch, Gordievsky phải rời Moscow đến Leningrad (nay là St. Petersburg), sau đó bắt xe buýt đi về phía Bắc, tới Vyborg, một thị trấn Nga gần biên giới Phần Lan. Do có dự cảm xấu, Gordievsky đã xuống xe giữa đường.

“Tôi không biết nơi chính xác tôi sẽ gặp người bên phía Anh, tôi chỉ có mô tả về nơi gặp gỡ”, Gordievsky cho biết.

Sau 3 giờ chờ trong rừng, Gordievsky nhìn thấy 2 chiếc ô tô mang biển số ngoại giao. Đây chính là nhóm giải cứu mà Anh điều tới.

“Họ tạm thoát được sự theo dõi của KGB ở một khúc cua và chỉ có khoảng 1 phút. Tôi nhanh chóng nhảy vào khoang để hành lý và chiếc xe tiếp tục di chuyển trước khi xe của KGB xuất hiện”, Gordievsky cho biết.

Các đặc vụ Anh sử dụng biển số ngoại giao để không bị kiểm tra ở cửa khẩu biên giới. Thật bất ngờ là điều này đã có tác dụng.

Oleg Gordievsky - Điệp viên hai mang khét tiếng làm việc cho KGB và MI6 - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan gặp Oleg Gordievsky ngày 21/7/1987. Ảnh: Legion Media

Cuộc bỏ trốn táo bạo đã thành công và cựu sĩ quan tình báo KGB cuối cùng đã đến Vương quốc Anh, nơi ông ta sống cho đến ngày nay.

Tại Liên Xô, Gordievsky bị kết án tử hình vắng mặt vì tội phản quốc. Các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin rằng lệnh này vẫn chưa bị hủy bỏ, ngay cả sau khi Liên Xô sụp đổ.

Sau khi bỏ trốn khỏi Liên Xô, Gordievsky đã gặp Thủ tướng Anh Magaret Thatcher và được cho là đã thuyết phục được bà vận động phía Liên Xô cho phép ông đoàn tụ với gia đình. Điều này đã không thực hiện được và vợ con của Gordievsky chỉ có thể thăm ông sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Gordievsky và vợ cũng ly hôn sau đó./.

AK-47: Vũ khí tuyệt mật của Nga bị tình báo Mỹ CIA "tóm sống" theo cách không ai ngờ tới

Tú Anh |

AK-47: Vũ khí tuyệt mật của Nga bị tình báo Mỹ CIA "tóm sống" theo cách không ai ngờ tới

Khi nhà chế tạo Mikhail Kalashnikov bắt đầu phát triển súng trường tấn công AK-47, mọi thông tin liên quan đều được Liên Xô giữ bí mật tuyệt đối.

Lục quân Mỹ hiện đang triển khai chương trình thay thế các mẫu súng trường tấn công M4 và súng máy hạng nhẹ M249 bằng những phiên bản mới hiện đại, tiên tiến hơn.

Quá trình này đã thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông và bản thân Mỹ cũng không hề đơn độc trong việc chia sẻ thông tin chi tiết về những vũ khí cỡ nhỏ mà họ sử dụng.

Nga, Trung Quốc cùng nhiều đối thủ tiềm năng khác thực tế cũng khá cởi mở với các chương trình phát triển vũ khí.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, tình hình hoàn toàn khác. Khi Mikhail Kalashnikov bắt đầu phát triển AK-47, mọi thông tin liên quan đều được Liên Xô giữ bí mật tuyệt đối. Phương Tây chỉ biết đến dòng súng trường tấn công sử dụng đạn 7,62x39mm này khi nó được đưa vào hoạt động năm 1949.

Trên thực tế, phải đến năm 1953, cộng đồng tình báo phương Tây (IC) mới nhận được các báo cáo về việc Liên Xô đã phát triển một loại súng trường hạng nhẹ mới.

AK-47: Vũ khí tuyệt mật của Nga bị tình báo Mỹ CIA tóm sống theo cách không ai ngờ tới - Ảnh 1.

Mikhail T. Kalashnikov, cha đẻ của AK-47 cùng với khẩu súng cùng tên năm 2007

Năm 2018, Kalashnikov Media công bố bản scan của một bức vẽ do một nhân viên CIA thực hiện. Đặc vụ này là người lần đầu tiên phát hiện ra khẩu AK-47 vào năm 1953 sau khi nhìn thấy nó xuất hiện gần khu vực Leningrad và Novgorod.

Khi đó, các binh sĩ của Trung đoàn Bộ binh Krasnoselsk – hiện là một đơn vị trực thuộc Sư đoàn bộ binh cơ giới Cận vệ số 2 Tamanskaya nổi tiếng của Quân đội Nga được điệp viên CIA phát hiện đang mang theo “một khẩu súng máy mới”.

Thực tế, đó không phải một khẩu súng máy, mặc dù bản vẽ còn rất thô sơ nhưng hình ảnh phác họa cho thấy rõ đó là một khẩu AK.

Trong báo cáo, điện viên của CIA mô tả đó là một khẩu súng có hộp tiếp đạn 30 viên, báng súng làm bằng "gỗ" hoặc "sắt" và một tay cầm. Đặc vụ CIA cũng miêu tả khá chi tiết về hệ thống trích khí dài của khẩu Ak-47, gọi đó là một "ống kim loại hồi khí" có tác dụng đẩy chốt và bật vỏ đạn ra ngoài.

Người Liên Xô đã làm rất tốt việc che giấu sự tồn tại của loại súng này trong nhiều năm, có lẽ một phần là do họ phải bỏ ra nhiều thời gian để sản xuất đủ trang bị cho quân đội.

Mặc dù những bức vẽ từ năm 1953 là manh mối đầu tiên về một loại vũ khí mới đã được phát triển nhưng hình ảnh đầy đủ của AK-47 lại xuất hiện rõ ràng trong bộ phim hài của Liên Xô năm 1955 có tên Maksim Perepelitsa.

Đây là bộ phim kể về quá trình tuyển dụng một thanh niên ở Ukraine vào Quân đội Liên Xô. Mặc dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong một vài cảnh nhưng AK-47 đã để lại hình ảnh rất nổi bật.

Lý do tại sao Liên Xô lại cho phép công khai một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt như vậy vẫn chưa được rõ nhưng bộ phim cũng không được trình chiếu bên ngoài Liên Xô và thậm chí không để lọt ra các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa.

Tuy vậy, chỉ một năm sau, phương Tây đã có cái nhìn cận cảnh và trực diện hơn về khẩu AK-47 khi nó được các binh sĩ Liên Xô mang theo trong cuộc Cách mạng Hungary năm 1956 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11.

AK-47 là loại súng trường tấn công đầu tiên của Nga có khả năng hoạt động trong mọi loại hình thời tiết, từ mưa gió, sương mù, ẩm ướt cho tới ánh nắng như thiêu như đốt ở sa mạc Sahara.

Ak-47 có tầm bắn lên tới 300 m và đầu đạn của nó mạnh tới mức có thể xuyên thủng lớp tường gạch và hạ gục mục tiêu kẻ thù bên trong. Nhờ ưu điểm nổi bật này cùng với các tính năng ưu việt khác, hơn 100 triệu khẩu đã được bán ra trên toàn thế giới, theo một nghiên cứu của Đại học Oxford.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét