THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 12/f
THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG
ĐẠI CHÚNG
____________________________
CHƯƠNG IX: NHÌN LẠI
(Tiếp theo TT&HĐ 12/e)***
Mệt nhoài! Không phải mệt vì cuộc hành tiến đến con tàu
vượt thời gian để trở về thế kỷ XXI, mà mệt vì trí não bị chìm đắm "ná
thở" triền miên trong... sự hoang tưởng. Mệt hơn nữa khi tác dụng kích
hoạt tâm thần từ lượng rượu hảo hạng mà chúng ta "nốc" đầy một bụng ở
nhà Trang tiên sinh đã...sạch trơn. Hết say rượu rồi thì...chỉ còn có
nước là...tỉnh rượu, đương nhiên thế! Và vì thế mà đầu óc chúng ta lúc
này hoàn toàn...ráo hoảnh. Sự "bừng tỉnh" đúng là làm chúng ta có thoáng
rùng mình trước một hiện thực "lạ hoắc" nhưng rồi cũng hoàn hồn lại
ngay, và biết rằng mình đang ở đâu trong cuộc hành trình vĩ đại "Đi tìm
cái gì đó" mà chính mình đã hoạch định cho mình. (Vì chỉ là một lũ nhà
quê ngông cuồng do mắc chứng hoang tưởng và chỉ có thể suy xét các sự
việc liên quan đến Triết-Toán-Lý một cách "vô học" như sau này mọi người
sẽ thấy rất rõ, nên cuộc hành trình của chúng ta tương tự như "đường
đời" của một con người, chẳng ai lường trước được và nhiều khả năng là
"chẳng ra thể thống gì". Như vậy, từ ngữ "vĩ đại" ở trên nên được hiểu
là..."cái đuôi to"!)...
Đêm đã khuya, chắc cũng tầm hai giờ sáng. Giữa đồng không mông quạnh, ánh trăng tuy đã tàn vẫn còn đủ soi sáng cho chúng ta thấy cái hun hút ở phía trước con đường lầy bụi đỏ mà chúng ta đang đi. Chưa thấy một chút tín hiệu dù nhỏ nhoi nào về con tàu vượt thời gian cả. Điệu này, có đi đến sáng bạch cũng chưa chắc đã thấy bóng dáng con tàu... Nhưng thôi, cứ kệ! Sốt ruột chẳng ích gì, cứ "vững bước hành quân", đừng đứng lại vì "chân chồn gối mỏi" thì trước sau gì chúng ta cũng "tao cùng bến mơ"!... Ấy chết!... Có khi nào con tàu "tiêu tùng" vì trục trặc kỹ thuật và chúng ta phải ở lại đây luôn không nhỉ!?...Ối giời ơi là giời!...Thật hết biết! Câu hỏi "mất dạy" tự dưng bật ra làm chúng ta dựng hết tóc gáy, nổi hết da gà, chân tay hoàn toàn bủn rủn, không bước được nữa, cũng không đứng được luôn, đành nằm vật ngửa ra, thở dốc. Trong tiết lạnh khuya cuối thu mà mồ hôi chúng ta túa ra dầm dề...
Rồi thì sự trôi hằng định của thời gian trong tâm thức cũng dần giúp chúng ta thoát khỏi...mất vía. Không còn hoảng loạn nhưng lòng vẫn đầy thấp thỏm, bất an. Kể cũng thật vô lý, "ôm" nỗi hồi hộp âu lo mà giải quyết được gì trong cái tình cảnh "chỉ có thể hy vọng và hy vọng mà thôi" này? Thế là ý chí ra lệnh: "Hãy thoát ra!". Nhớ đến bài khí công khá hay nhằm định thần, đã học "lõm bõm" được từ Trang tiên sinh, có tên gọi (do chúng ta tự đặt!) là "ngọa thiền", chúng ta "ngọ nguậy" cho đúng tư thế, rồi "thả lỏng", "lạc" dần vào trạng thái "mơ mơ hồ hồ". Ai mà "lạc" được vào trạng thái này sẽ "ngộ" được nhiều điều, một điều trong số đó là hình như thời gian "trôi" trong cảnh giới thiền (thời gian tâm-sinh lý bất thường?) nhanh hơn thời gian "trôi" trong hiện thực khách quan (thời gian vật lý), rất giống với hiện tượng "chênh lệch thời gian" mà nhiều người cận kề cái chết cũng như nhiều người chết đi sống lại, hoặc những người gặp nạn rơi từ trên cao xuống đất cảm nhận được. Phải chăng đây cũng là một "câu đố" thuộc lĩnh vực tâm linh đang "chờ đợi" lời giải thích "chân chính"!?...
Nhờ "ngọa thiền" mà thần thái chúng ta hồi phục rất nhanh, không những sự mỏi mệt đã tan biến hết mà tinh thần cũng bỗng trở nên an hòa, tươi tỉnh, trí não trở nên hoạt bát khác thường. Trăng thực sự đã tàn phế, mặt trời thì vẫn "ngủ vùi" theo luật định, ấy vậy mà đêm khuya vẫn sáng mờ. Chỉ có thể là nhờ sao sáng! Lúc nãy cũng nằm ngửa mà nào có thấy gì, giờ mới thấy trước mắt bừng lên chi chít hằng hà vì sao sinh động, "thoăn thoắt" khi mờ khi tỏ. Cả một bầu trời ăm ắp sáng sao khoáng đạt, nhộn nhịp đến rạo rực mà cũng thinh lặng đến lạnh lùng, cao lộng đến vời vợi nhưng vẫn có vẻ gần gũi, và bao la đến choáng ngợp nhưng vẫn cứ gợi về sự hữu hạn. Trong đời chúng ta, có lẽ lung linh nhất mà cũng nghiêm nghị nhất là bầu trời này, thật là trong sáng, thật là trung hậu, thật là huyền vĩ! Những kẻ đang "tưng tưng" ở thế kỷ XXI làm sao thấy được bầu trời khuya tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho thời cổ đại Tiên-Tần nói riêng và cả thời cổ đại của thế giới loài người nói chung này!? Sực nhớ đến những thành tựu quan sát thiên văn trong việc định hướng di chuyển cũng như trong việc định lượng thời gian, xác định lịch trình xoay vần của thời tiết, khí hậu...của những con người thời tiền sử-cổ đại còn lưu truyền đến thời hiện đại, chúng ta vô cùng khâm phục họ. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh này đây, chúng ta có linh cảm rằng, họ đạt được những thành tựu quan sát thiên văn có tính thần kỳ đó, một phần là nhờ bầu khí quyển còn trong veo, chưa bị vẩn đục "bụi trần" bởi sự khuynh đảo của nền sản xuất công nghiệp hóa, phần khác, nhiều hơn, là nhờ sự tiến hóa-thích nghi mà họ sở hữu được đôi mắt có năng lực "thấu thị" cực kỳ tinh tường (sau đó đã dần bị thoái hóa đi, "nhường chỗ" cho định hướng tiến hóa-thích nghi khác, đã trở nên được ưu tiên hơn, chẳng hạn là tăng cường trí nhớ, sức trừu tượng, khả năng liên tưởng, suy đoán...). Ôi, nếu quả thế thật thì bầu trời sao vô cùng huyền vĩ kia sẽ còn huyền vĩ đến cỡ nào nữa trước quan sát của người tiền sử-cổ đại vào thời chí ít cũng khoảng 10.000 năm trước, với đôi "thiên lý nhãn" chưa bị tiến trình văn minh hóa-xã hội hóa làm cho lu mờ đi, "thiển cận" đi!?
Chắc đối với con người sinh ra vào thời Tiên-Tần này, bầu trời sao đêm nay cũng...bình thường thôi, chẳng có gì mà...ầm ĩ. Nhưng đối với chúng ta, những kẻ sinh ra vào thời "thiển cận-loạn thị" và không trung mờ đục, thì đây là bầu trời sao tuyệt diệu có một không hai. Sao ken sao hiển hiện dày đặc khắp Vũ Trụ, đồng điệu tỏa sáng, đồng loạt nhấp nháy, gây ra hiệu ứng mạnh đến độ làm cho bộ não nhạy cảm của chúng ta tưởng như đang thưởng lãm một dàn đồng ca vô tiền khoáng hậu và tuyệt cùng vĩ đại trên một sân khấu cũng vô tiền khoáng hậu và tuyệt cùng vĩ đại (chính nghĩa là "vĩ đại" thật chứ không phải nghĩa là..."cái đuôi to"!). Và trong "dàn đồng ca" ấy, ngay hướng chính diện, bất giác chúng ta thấy một "ca sĩ" cực kỳ khêu gợi-ngôi sao sáng nhất và lấp lánh nhất của bầu trời. Chao ơi, phải chăng đó chính là ngôi sao định mệnh mà trong một cơn mê thời thơ ấu, chúng ta đã bay vun vút về phía nó với một niềm mơ ước tiếp cận khôn nguôi, từ đó mà nảy mầm và lớn dần lên trong tâm hồn chúng ta nỗi khát vọng mãnh liệt được biết căn nguyên đích thực của Tự Nhiên Tồn Tại, để rồi làm chúng ta phải "dứt áo ra đi", thực hiện cuộc hành trình kỳ diệu, quên, kỳ quặc, và vì thế mà đang...nằm ở đây...ngắm nó!?...Nghĩ đến mục đích cuối cùng còn xa tít mù tắp của cuộc hành trình, chúng ta giật nảy mình, bật dậy. Không! Không thể nằm "tự sướng" thêm nữa được! Hết thời gian rồi! Không khéo chúng ta không về lại được những năm tháng "đầu têu" thuộc thế kỷ "đầu têu" của thiên niên kỷ III SCN không phải vì con tàu vượt thời gian bị trục trặc mà vì chính sự tỉnh táo của chúng ta bị trục trặc! Xin cảm ơn sự nhắc nhở kịp thời nhé, hỡi ngôi sao thiêng liêng, lấp lánh sáng nhất giữa muôn vàn ngôi sao lấp lánh! Biết đâu chừng trong sự lấp lánh nhắc nhở tỏ vẻ hối thúc đầy thiết tha ấy có cả phần gửi gắm nhớ mong của người tình vong niên từ phương xa vời mà chúng ta vẫn giấu kín trong lòng (tất nhiên là phải giấu cả vợ rồi!)? Sự liên tưởng làm hiện ra rõ mồn một trong tâm trí chúng ta bài thơ "Nhớ" của Nguyễn Đình Thi có từ thời "Kháng chiến chống thực dân Pháp":
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người
Dưới chế độ dân chủ-cộng hòa, đã có vợ và cũng đã "già chát" rồi mà còn yêu "em trẻ" khác, sẽ bị chê bai ngay là dê cụ, già dê, "già còn chơi trống bỏi", già mất nết, thậm chí bị "những nô lệ của cảm tính đố kỵ (có nguồn gốc sâu xa từ sự ích kỷ)" chửi là đồi bại, vô luân, nghĩa là...vô đạo đức...Nhưng dưới thời phong kiến thì tùy và...chẳng sao cả vì không hề bị coi là "phạm qui". Riêng chúng ta nghĩ (vì bản thân "trót lỡ" rồi nên có ý bênh vực!), luyến ái tự nhiên nam-nữ không đồng huyết thống chỉ bị khống chế bởi sự chủ quan tự ý thức về tình cảm, bổn phận và nghĩa vụ chứ không có sự hạn định tất yếu khách quan về phạm vi trong không gian và thời gian, do đó, khi "chẳng may" bị "dắt mũi" bởi "tiếng sét ái tình", nếu khôn (láu cá dễ thương!), biết dàn xếp ổn thỏa thì "yêu thêm một tý" (chứ không phải "có trăng quên đèn"!)...cũng được, thậm chí nhiều khi lại...tốt lành cho tuổi thọ hơn ấy chứ (nhưng có lẽ chỉ "ưu tiên" cho đàn ông thôi, hơn nữa là không nên "bô bô", vì như thế là "tiếp tay" làm tăng tham-sân-si trong xã hội, mặt khác, ý thức phụ quyền và tính tư hữu ích kỷ đã "ngấm vào máu" nhân quần từ lâu như một yếu tố quan trọng hợp thành định ước tư cách con người (gọi là văn minh) mất rồi, do đó "lợi bất cập hại", dễ gây và bị gây tổn thương bởi..."con dao hai lưỡi"!). Ông bà ta còn để lại không ít câu phán "bất hủ" như: "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng", "Trai thương vợ, gái nhớ người xưa", "Bươm bướm mà đậu cành hồng/ Đã yêu con chị còn bòng con em", "Dù chàng năm thiếp bảy thê/ Cũng không tránh khỏi gái sề này đâu", "Làm trai lấy vợ bé như nhà giàu tậu nghé hoa", "Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Trai quên vợ, gái quên chồng thì lên", "Thà rằng làm lẽ thứ mười/ Còn hơn chính thất những người đần ngu", "Đã không nên nghĩa nên nghì/ Anh về với vợ, em đi lấy chồng",..., nghe vô hậu quá, chẳng văn hóa tý nào, mà cũng..."quá đã"! Ha, ha...ha...!...
Thôi!..."Nhổ neo" nào, anh em!...(Hô hoan thế cho bớt cô đơn và cũng để lấy lại khí thế vùng đứng lên!).
Ai dè, sự đứng lên đột ngột tạo ra một "nhắc nhở" đến thứ mà chúng ta quên bẵng là trong bọc hành trang bên hông có cái túi da còn chứa chừng hơn lít rượu "thuổng" được ở nhà Trang tiên sinh. Sự nhắc nhở này tuy không cao cả và nên thơ như sự nhắc nhở của ngôi sao kia mà có tính thực dụng, phàm tục, nhưng cũng kịp thời không kém! Vừa lúc "khát rượu" khô cả cổ, hơn nữa, không uống thì cũng phải đổ đi chứ không thể mang về làm quà cho bạn bè được vì từ khi có nạn khủng bố, rượu bị cấm mang lên con tàu vượt thời gian. Thế là chúng ta lôi túi da ra, ngửa cổ tu một lèo hết queo. Xong xuôi, chúng ta tiếp tục hành quân, phơi phới và hùng dũng y như lúc mới từ nhà Trang tiên sinh chệnh choạng bước ra vậy!...
Mới đi được một chặng ngắn, tinh thần phơi phới của chúng ta đã được nâng lên trạng thái...phừng phừng. Ở trạng thái mới này, đầu chúng ta lại dần lạc vào sự hoang tưởng về Ấn Độ cổ đại và vì thế mà miệng chúng ta lại tiếp tục "mấp máy" huyên thuyên...kể chuyện. "Vừa đi đường vừa kể chuyện" có cái hay là đỡ sốt ruột và quên mỏi chân...
Kỳ Na giáo có những quan niệm thật lạ lùng! Tuy nhiên, chúng ta không có "nhu cầu" tìm hiểu sâu nó lắm nên sẽ "lướt qua", bắt đầu bằng lời kể của Will Durant (cũng trong cuốn "Lịch sử văn minh Ấn Độ" của ông mà chúng ta còn "nhớ" được!):
"Triết lý cách mạng của phái Charvaka (coi như) đã chấm dứt thời đại các Vêđa và Upanishad. Nó giảm uy thế của các Bàlamôn và gây ra một khoảng trống (tinh thần) trong xã hội Ấn Độ. Cần có một tôn giáo mới để lấp khoảng trống đó. Nhưng học thuyết của phái đó (tức Charvaka) đã gây ảnh hưởng sâu sắc và thành công đến nỗi hai tôn giáo tới sau, đáng lý để thay thế đức tin trong các kinh Vêđa, thì lạ lùng thay, lại đều là tôn giáo vô thần cả. Cả hai đều thuộc vào phong trào Nastikya (hư vô, theo chủ nghĩa hư vô), cả hai đều xuất phát không phải trong tập cấp tu sĩ, mà trong tập cấp chiến sĩ (Kshatriya), để phản ứng với chủ trương thần học và với thói câu nệ của giới tu sĩ. Hai tôn giáo đó, Kỳ Na Giáo và Phật Giáo, mở màn cho một thời đại mới trong lịch sử Ấn Độ.
(...)
Vào khoảng giữa thế kỷ VI TCN, một em trai sinh trong gia đình quí phái giàu có thuộc bộ lạc Lichchavi, ở ngoại ô châu thành Vaishali, ngày nay là tỉnh Bihar (theo truyền thuyết, Mahavira sinh năm 599 TCN và mất năm 527 TCN, nhưng Jacôbi cho rằng sự thật có lẽ là vào các năm 549 và 477 TCN, nghĩa là khoảng 50 năm sau). Song thân em mặc dù có của, nhưng thuộc vào một giáo phái tin rằng sự tái sinh là một đại bất hạnh mà sự tự tử là một đại phúc trời ban. Khi con trai được 31 tuổi, hai ông bà tự ý tuyệt thực để quyên sinh. Đứt ruột về hai cái tang đó, người con không màng thế tục nữa, cởi bỏ hết y phục, bỏ nhà bỏ cửa mà lang thang trong miền Tây Bengale như một nhà tu hành khổ hạnh để tìm huệ giác và sự thanh khiết. Sau 13 năm hoàn toàn thoát ly xã hội như vậy, ông được một nhóm đồ đệ tôn lên là Jina (có nghĩa là chinh phục, chế ngự), tức là một vị đại sứ đồ, nhà tiên tri, mà theo họ, cứ cách một khoảng thời gian nhất định nào đó lại xuất hiện để đem ánh sáng đạo đức cho Ấn Độ, đồng thời họ đổi tên ông thành Mahavira, vị Đại Anh Hùng, và tự gọi là Jain theo tín ngưỡng đặc biệt của họ. Mahavira thành lập một tăng lữ tự nguyện sống độc thân. Khi ông mất, số tín đồ lên tới 14 ngàn.
Lần lần giáo phái đó dựng nên một hệ thống tín ngưỡng và thành một trong những tôn giáo kỳ cục nhất trong lịch sử nhân loại. Từ một lý luận vô cùng thực tế rằng tri thức nào cũng bị hạn chế, chỉ có tính cách tương đối và tạm thời, họ đưa ra kết luận là không có gì hoàn toàn chính xác, cái mà ta cho là đúng thì xét theo quan điểm khác sẽ thấy là sai. Họ kể chuyện sáu người mù sờ voi. Người sờ tai, bảo voi là một cái nia lớn, người sờ cái cẳng, bảo voi là một cái cột tròn lớn. Vậy phán đoán của con người rất hạn chế, tùy thuộc hoàn cảnh, chỉ những đấng cứu thế, tức Jina, cứ cách một khoảng thời gian nhất định lại xuất hiện, mới nắm được chân lý tuyệt đối. Ngay những kinh Vêđa cũng chẳng giúp con người được gì, lời trong kinh không phải là lời thiên khải, do lẽ là không có Thượng Đế. Các giáo đồ Jain bảo không cần phải tưởng tượng ra một đấng Hóa Công hoặc một tối sơ nguyên nhân nào đó. Một em bé cũng có thể đả phá giả thuyết đó được, vì tồn tại một đấng Hóa Công tự sinh, một tối sơ nguyên nhân không có nguyên nhân là điều vô lý, không thể hiểu nổi, cũng như một thế giới tự xưng không có nguyên nhân. Thà cứ bảo rằng Vũ Trụ đã có từ thuở nào đến giờ, cứ biến chuyển, thay đổi hoài hoài do những năng lực cố hữu của nó chứ chẳng phải do ý chí của vị thần nào cả, thà cứ bảo như vậy lại còn dễ nghe hơn.
Nhưng tinh thần Ấn Độ không hợp với một chủ trương tự nhiên cố chấp tới mức đó. Phái Jain sau khi mời Thượng Đế ra khỏi Thiên Đường rồi, bèn đưa hết thảy các vị thánh trong sử và trong huyền thoại của họ vào. Rồi họ cũng tổ chức các tế lễ, cũng dốc lòng thờ phụng các vị thánh đó, chỉ khác là họ coi các ngài cũng chết, cũng luân hồi, chứ không phải là các đấng sáng tạo và làm ra Vũ Trụ. Họ cũng không phải là duy vật, họ theo quan niệm nhị nguyên, thừa nhận sự tồn tại độc lập của tinh thần bên cạnh vật chất, và cho rằng vạn vật, ngay cả đá và kim thuộc cũng có ling hồn. Linh hồn nào đã sống một đời không tội lỗi thì sẽ thành một Paratmatman - tức tối cao linh hồn - và trong một thời gian khỏi phải bị đầu thai vào một kiếp khác, như vậy là để thưởng công, khi được thưởng đủ rồi thì phải đầu thai nữa. Chỉ nhưng linh hồn cao cả nhất, hoàn toàn nhất mới được giải thoát vĩnh viễn, những linh hồn đó được gọi là Arhat, thượng đẳng thần, sống vui vẻ như các thần của Epicure, trong một cõi xa xăm nào đó, không tác động được tới công việc của loài người, nhưng khỏi phải đầu thai.
Muốn được giải thoát thì theo giáo lý Jain, phải sống khổ hạnh và giữ đúng "giới luật" Ahimsa (thường được dịch là "bất bạo động", cũng có khi là "bất hại", ở đây dịch là "bất tổn sinh" với nghĩa: tuyệt nhiên tránh gây thương tích cho bất cứ một sinh vật nào. Bất bạo động chỉ là một qui kết của Ahimsa. Vì không được làm tổn thương sinh mệnh nên cả khi phản kháng, ta cũng không được bạo động). Nhà tu hành Jain nào cũng phải thuộc nằm lòng năm lời nguyện sau đây: không giết bất kỳ sinh vật nào, không nói dối, không lấy một vật gì nếu không phải là vật tặng, giữ sự thanh khiết và từ chối mọi thú vui của xã hội bên ngoài. Họ cho cái thú vui của ngũ quan là một tội lỗi, lý tưởng phải đạt được là thản nhiên với vui-khổ, hoàn toàn không bị ngoại vật chi phối. Một tu sĩ Jain không được phép cày ruộng vì như vậy phải vỡ đất, giết các côn trùng có trong đất. Cũng không được uống mật, sợ làm hại đến đời sống của con ong, không được lọc nước để uống, sợ làm chết các sinh vật nhỏ li ti trong nước, đốt đèn thì phải che chung quanh ngọn đèn cho các loài sâu (như con thiêu thân) khỏi vô ý đụng vào lửa, và đi đâu thì phải quét sạch đất ở phía trước để khỏi dẫm nhầm lên các sinh vật. (...). Chỉ có mỗi một sinh mạng mà họ có quyền được diệt là sinh mạng của chính họ. Đạo của họ chấp nhận sự tự tử, đăc biệt là cách tuyệt thực để tự tử vì cách này tỏ rõ rằng tinh thần đã hoàn toàn thắng được cái ý chí mù quáng muốn sống. Một số lớn giáo đồ Jain chết theo cách đó và người ta nói hiện nay các trưởng phái còn tuyệt thực để được chết."
Tiếp theo, để "thấy" rõ hơn chút nữa quan niệm về thế giới của Kỳ Na Giáo, chúng ta "trưng ra" thêm vài vài giảng giải của nhà triết học Chandradhar Sharma, theo nhận thức của ông:
"Theo Kỳ Na Giáo, vật chất có vô số đặc tính và là đối tượng của sự sinh, diệt cũng như sự thường tồn. Toàn bộ Vũ Trụ tuân theo hai phạm trù có tính bất diệt, tự thân, vĩnh hằng và cùng tồn tại là Jiva và Ajiva. Jiva là tinh thần ý thức và Ajiva là không tinh thần không ý thức. Ajiva không chỉ bao gồm vật chất - gọi là "Pudgala", mà còn bao gồm không gian, sự vận động, trạng thái đứng yên và thời gian. (...).
(...)
Ý thức được xem là cốt lõi của linh hồn (chetanalaksanojivah). Mọi linh hồn từ thấp nhất đến cao nhất đều có ý thức. Cấp độ ý thức có thể thay đổi tùy theo mức độ (nặng nhẹ) của nghiệp (karma). Những linh hồn thấp nhất trong nguyên tử vật chất dường như vô thức và không có sự sống, nhưng thực ra ý thức và sự sống hiện diện trong chúng ở dạng tiềm ẩn. Ý thức thuần khiết nhất được tìm thấy trong những linh hồn siêu thoát, không còn vướng vào nghiệp. Tất cả mọi linh hồn đều có bản chất như nhau, "bên trong" sở hữu Niềm Tin Vô Hạn, Tri Thức Vô Hạn, Hạnh Phúc vô Hạn và Quyền Lực Vô Hạn. Một Jiva là một hiểu biết thực sự (jnata), một tác nhân thực sự (karta) và một kinh nghiệm thực sự (bhokta). Nó nằm trong Astikaya dravyas (thực thể có quảng tính (?), nghĩa là có các thành phần vật chất cấu tạo nên có tính chất mở rộng trong không gian), nhưng lại không mở rộng trong không gian như vật chất. Nó giống như ánh sáng. Ánh sáng thắp đầy không gian nơi nó được thắp lên và nhiều nguồn sáng có thể thắp lên ở cùng một chỗ, nhưng chúng không xung đột nhau. Tương tự, linh hồn lấp đầy không gian và nhiều linh hồn có thể cùng "có mặt" với nhau không xung khắc. Do bản thân không có hình dạng, linh hồn lấy hình dạng của thể xác mà nó thể hiện. Linh hồn con kiến cũng bé như con kiến, linh hồn con voi cũng to lớn như bản thân con voi vậy. Linh hồn tồn tại cùng vời thể xác. Mặc dù chúng ta thấy, linh hồn trong thế giới này theo cách nó thể hiện và sở hữu các giác quan. Các mana (ý, ý nghĩ) giúp linh hồn nhận thức, nhưng thật ra chính thể xác, giác quan và mana là những vật cản do nghiệp tạo nên, không để cho linh hồn có thể nhận thức trực tiếp. Tri thức không phải là tính chất của linh hồn mà là phần cốt lõi thiết yếu của nó. Do đó, mọi linh hồn có thể nhận biết mọi sự vật một cách trực tiếp và tức thời, nếu không bị vật chất cản trở. Giải thoát khỏi vật chất sẽ giúp linh hồn trở nên thông tuệ và siêu thoát.
(...)
Nghiệp là sợi dây liên kết linh hồn với thể xác. Sự thiếu hiểu biết về chân lý và bốn cảm xúc mạnh mẽ - giận dữ (krodha), tham lam (lobha), kiêu ngạo (mãna) và lừa dối (maaya), gọi chung là Kasaya, nghĩa là bản chất sân si do những thành phần nhỏ của nghiệp "kết dính" lại với nhau, hút dòng sắc nghiệp về phía linh hồn. Trạng thái khi những thành phần nhỏ của nghiệp xâm nhập vào linh hồn để trói buộc nó gọi là dòng chảy (asrava). Trạng thái khi những thành phần nhỏ này chiếm lấy linh hồn và trói buộc nó, gọi là sợi dây ràng buộc, hay sự trói buộc (bandha). (...). Trong trói buộc, sắc nghiệp và linh hồn xâm nhập vào nhau một cách mật thiết, như nước hòa với sữa, lửa kết hợp với quả cầu sắt nung đỏ. Vì lý do này, chúng ta thấy sự sống và ý thức ở mọi phần của thể xác. Nếu có được và thực hành được niềm tin, tri thức và phẩm hạnh đúng đắn, thì mới có thể chấm dứt được sự xâm chiếm của nghiệp. Trạng thái này gọi là ngăn chặn (samvara-điều cấm). Sau đó, phải làm cho cạn kiệt nghiệp có sẵn. Trạng thái này gọi là trút bỏ (nirjara). Khi thành phần nhỏ cuối cùng của nghiệp thoát ra khỏi linh hồn, thì sự kết hợp giữa linh hồn và vật chất bị tan rã hoàn toàn, và linh hồn sẽ lại chiếu sáng trong niềm tin, tri thức, niềm sung sướng tột cùng và quyền năng vô hạn như bản chất vốn có. Trạng thái này gọi là giải thoát (moksa), và linh hồn lúc này đã đạt đến sự thông tuệ (kevala-jnana). Linh hồn giải thoát vượt lên sự luân hồi (samsara) và tiến thẳng đến siddha-shila (đây là sự giải thoát ở mức độ cao nhất của Vũ Trụ và linh hồn đạt được tri thức cũng như hạnh phúc vĩnh hằng). (...). Như vậy, ta có thể xem giáo lý của Kỳ Na Giáo chủ yếu là giáo huấn đạo đức nhằm mục đích hoàn thiện linh hồn. (...).
Những đam mê (si) sẽ thu hút dòng chảy sắc nghiệp vào trong linh hồn. Và những đam mê này là do vô minh mà ra. Do đó, vô minh mới thực sự là nguyên nhân của sự trói buộc. (...). Vô minh chỉ có thể bị loại bỏ bằng tri thức. Như vậy, tri thức đứng đắn là "cửa mở" cho sự giải thoát. Tri thức đúng đắn này được tạo ra bởi niềm tin vào những giáo lý của các tu sĩ đã thông tuệ (tirthankara). Vì vậy niềm tin là rất cần thiết. Chỉ có phẩm hạnh đúng đắn mới hoàn thiện được tri thức, bởi vì lý thuyết không thực hành là trống rỗng và thực hành không có lý thuyết là mù quáng. Tri thức đúng đắn xuất hiện khi tất cả nghiệp (karma) bị tiêu diệt bởi phẩm hạnh đúng. Cuối cùng, niềm tin đúng đắn, phẩm hạnh đúng đắn và tri thức đúng đắn kết hợp lại làm hình thành nên con đường giải thoát. Niềm tin (samyak darshana), tri thức (jnana) và phẩm hạnh (charitra) đúng là ba viên ngọc (tri-ratna) của Kỳ Na Giáo. Chúng gắn bó với nhau và sự hoàn thiện của mỗi yếu tố gắn liền với đòi hỏi phải hoàn thiện hai yếu tố kia.
(...). Chỉ có năm bước rèn luyện tinh thần cơ bản trong Kỳ Na Giáo. Đối với các tu sĩ, các bước này phải được tuân thủ nghiêm ngặt, cứng rắn và khắt khe. Trong khi đó, với các tín đồ, chúng có phần nào được thực hiện linh động hơn. Năm lời thề của tầng lớp tăng lữ gọi là "lời thề cao cả" (maha-vrata), còn những lời thề của tín đồ là "lời thề bình thường" (anu-vrata). Những lời thề này là:
1- Ahimsa: không gây tổn thương trong suy nghĩ, lời nói hay việc làm, bao gồm cả việc kiêng cữ thụ động, tránh gây thương tổn thực sự cho bất kỳ chúng sinh nào, đồng thời là việc giúp đỡ nhiệt thành những sinh vật đau khổ.
2- Satya: đúng đắn trong suy nghĩ, lời nói hay hành động.
3- Asteya: không ăn cắp, tức là không lấy bất kỳ cái gì bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động mà không thuộc về mình.
4- Brahmacharya: kiêng cữ, tránh đam mê lạc thú qua suy nghĩ, lời nói hay hành động.
5- Aparigraha: quên mình, hy sinh bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động.
Đối với tu sĩ, những lời thề này phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đối với tín đồ, chúng có thể linh động và được nới lỏng. Ví dụ, brahmacharya chỉ hạn chế ở sự giản dị và Aparigraha chỉ là tùy lòng.
(...). Hơn nữa, mặc dù Kỳ Na Giáo phủ nhận Thượng Đế, nhưng nó không phủ nhận bản chất thiêng liêng của thánh thần. Mỗi linh hồn giải thoát là một vị thánh. Những tirthankara là những thể chất có sống có chết như chúng ta, nhưng đã đạt được sự giải thoát bằng những nỗ lực bản thân và luôn luôn ở đó cổ vũ chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành những jina ("người chiến thắng", đã thiền đạt đến giác ngộ, đã thoát nghiệp), vì việc gì con người làm được thì ta cũng làm được. Như vậy, với việc chối bỏ Thượng Đế, không cần đến một Thượng Đế để giải thích tạo hóa vì thế giới này chưa bao giờ được tạo ra cả, vì sự sinh ra, sự hủy diệt và sự thường hằng là đặc trưng cho tất cả vật chất, vì vạn vật có sinh thì có diệt tùy theo những dạng thức của chúng, Kỳ Na Giáo chính là một tôn giáo không có chỗ cho sự sùng bái, mong đợi sự cứu rỗi từ bên ngoài, chỉ xác định sự tự lực đốt cháy tất cả cảm xúc và ham muốn bằng ngọn lửa khổ hạnh nhằm giải thoát. Tuy nhiên trong thực tế, do sự yếu đuối của một con người không thể vượt lên trên cái logic nghiêm khắc đó và phần nào vẫn chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn, giáo đồ Kỳ Na Giáo nói chung vẫn tôn sùng những Tirthankara, vẫn xây dựng những đền thờ, thần tượng để tôn thờ các vị thần của mình".
Rồi Chandradhar Sharma phê phán:
"Tinh thần được xem là sở hữu ý thức thuần túy, niềm hạnh phúc thuần túy, sức mạnh thuần túy và niềm tin thuần túy. Vật chất được xem là vô thức, không có sự sống và là một trở ngại nguy hiểm. Karma được giả định là sợi dây liên kết, gắn linh hồn với vật chất. Karma là do đam mê mà ra, đam mê là tại vô minh. Lúc này câu hỏi đặt ra là, làm thế nào linh hồn có ý thức, sức mạnh thuần túy lại có thể bị nhiễm vô minh, đam mê và karma? Các nhà Kỳ Na Giáo đã không có câu trả lời thực sự cho câu hỏi đó. Nếu vô minh và karma tách biệt khỏi linh hồn, thì không cần có sự giải thoát, vì nếu vô minh và karma nằm ngoài linh hồn, thì không thể có sự trói buộc. Mặt khác, Kỳ Na Giáo cho rằng, kinh nghiệm chỉ ra tinh thần và vật chất không bao giờ tồn tại như hai thực thể tách biệt, và với chúng ta, chúng luôn hiện diện như là chúng trộn lẫn vào nhau và tác động lẫn nhau. Vì vậy, sự kết hợp giữa tinh thần và vật chất được xem là vô thủy. Nhưng nếu tinh thần và vật chất thực sự bị cột chặt vào nhau một cách vô thủy, thì các nhà Kỳ Na Giáo sẽ phải từ bỏ mọi hy vọng giải thoát, vì cái gì là thực và vô thủy sẽ không bị tẩy trừ đi. Tại sao không thừa nhận một cách thẳng thắn rằng tất cả cả những điều này là do vô minh (avidya) vô thủy? Tại sao không xem tinh thần và vật chất là hai khía cạnh của cùng hiện thực, và cuối cùng sẽ vượt lên cả hai? Không ai phủ nhận tính tương đối và tính đa nguyên trong thế giới kinh nghiệm. Chỉ có một điều, tính tương đối và tính đa nguyên này không phải là chân lý cuối cùng. Nó có thể hiện hữu nhưng không thực. Nếu kevala-jnana (nghĩa trí-trí huệ, tạm hiểu tinh thần thông tuệ, thấu tỏ mọi sự) là một hiện thực, nếu bản chất vốn có của tinh thần là ý thức thuần túy và hạnh phúc thuần túy, nếu vô minh là nguồn gốc của sự trói buộc, nếu sự kết hợp của tinh thần và vật chất là vô thủy, nếu tính tương đối và tính đa nguyên là những điều cần thiết của cuộc sống kinh nghiệm, thì Kỳ Na Giáo cần phải chấp nhận cái tuyệt đối để tránh những mâu thuẫn".
Có phần tương tự, giáo sư Hiriyanna cũng phê phán:
"Đặc tính miễn cưỡng trong thẩm tra của giáo đồ Kỳ Na Giáo được thể hiện qua hình thức đánh giá bảy bước (syadvada, tạm hiểu như là một hệ thức luận về tính tương đối của sự cảm thức), chỉ dừng lại ở chỗ gom những quan điểm cục bộ lại với nhau, mà không cố gắng vượt qua sự đối nghịch trong chúng bằng một tổng hợp thích đáng. Lý do là vì, nếu đó không phải là thành kiến đối với thuyết tuyệt đối luận thì cũng là ý muốn bám chặt vào những niềm tin thông thường"
Súc tích hơn cả có lẽ là ý kiến phê phán của tiến sĩ triết học S. Radhakrishnan:
"Theo quan điểm của chúng tôi, logic của Kỳ Na Giáo dẫn dắt chúng ta đến chủ nghĩa duy tâm nhất nguyên, và khi giáo đồ Kỳ Na Giáo lưỡng lự với điều đó, họ biến thành những kẻ không trung thành với logic của chính mình...Lý thuyết về tính tương đối không thể được chấp nhận một cách có logic, nếu không có giả thuyết về một cái tuyệt đối. Lập luận logic của Kỳ Na Giáo không nhận ra nhu cầu giáo luật cơ bản này bởi vì nó quan niệm cục bộ cho toàn bộ chân lý. Những giáo đồ Kỳ Na Giáo không thể chứng minh một cách logic học thuyết đa nguyên luận".
Đành rằng quan niệm về thực tại (thế giới quan và nhân sinh quan) của Kỳ Na Giáo đã phạm sai lầm. Nhưng xét ở tầm rộng hơn, sự phạm sai lầm ấy không phải là riêng có của tôn giáo này mà có tính phổ biến trong suốt thời cổ đại, và thậm chí ở mức độ nào đó còn tồn tại đến ngày nay trong tất cả các niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, chỉ có điều là hình thức thể hiện ra sao, nổi trội hay ẩn dấu như thế nào mà thôi. Có thể nói, nhận thức tự nhiên nói chung ở một thời đại phản ánh trình độ tri thức của loài người ở thời đại đó, và ngược lại, trình độ tri thức nói chung của một thời đại làm xuất hiện sự bảo thủ, gây ra những khống chế, ràng buộc, kìm hãm khả năng tăng tiến quan niệm về thực tại của loài người ở thời đại đó. Và chính sự "ngăn chặn" này, trước những đòi hỏi tất nhiên nảy sinh trong quá trình tiếp tục đi tìm hiểu thực tại khách quan của con người, đã tạo ra bức xúc có tính động lực dẫn đến bước nhảy (cách mạng) về nhận thức, đưa tri thức loài người lên tầm cao rộng mới, đúng đắn hơn, hoàn chỉnh hơn.
Công lao của triết học cổ điển Đức là đã "hun đúc" nên triết học duy vật biện chứng (triết học Mác về tự nhiên) với quan niệm "vô thần hóa" triệt để của nó. Xét về mặt nhận thức "tự nhiên thuần túy" (!!!) thì có một thời hầu như không có một phản biện triết học "đáng giá" nào (trừ một vài luận điểm phần nào có giá trị của Đuy-Rinh) đối với quan niệm (có vẻ đã rất khách quan và sáng tỏ) của nó, và do đó nói chung, nó đã từng và có lẽ vẫn đang đóng vai trò là tuyệt đỉnh trí tuệ loài người về nhận thức triết học tự nhiên, nhất là đối với những triết gia mác-xít. Tuy nhiên, theo chúng ta, nếu soi xét trên cơ sở những thành tựu tri thức mà vật lý học hiện đại đã đạt được cũng như đã nghiệm chứng, đồng thời dưới nhãn quan (tạm gọi là) "cảm tính trực giác và chiêm nghiệm bình dân truyền thống", thì triết học duy vật biện chứng đang ở trạng thái khủng hoảng sâu sắc ngay từ cái khái niệm "duy vật" của nó. Với quan niệm về tự nhiên của mình, dù chỉ ở mức độ định tính, triết học Mác không bao giờ có thể trả lời khúc chiết được bản chất của không gian và thời gian là gì, cũng như không thể giải thích tường minh được sự tồn tại của lượng tử năng lượng do M. Planck khám phá ra mà không làm xuất hiện mâu thuẫn logic nội tại nào. Tương tự như thế, nó đã không thể chỉ ra một cách khách quan và thực sự thuyết phục trước đại chúng rằng linh hồn tồn tại hay không tồn tại. Đó là chuyện bình thường trong lịch sử phát triển nhận thức của loài người. Điều đáng trách ở đây là nhiều nhà khoa học "thần phục" triết học Mác, đối diện với vấn đề nan giải đó, đáng lý ra nên bình tĩnh suy xét, nỗ lực tư duy sâu rộng hơn nữa thì trái lại, vì niềm tin vào quan niệm duy vật đã hóa thành một thứ tín ngưỡng của họ, và cũng để bảo vệ cái tín ngưỡng mà họ cho rằng "không thể sai" ấy, họ đã "kiên quyết" phủ nhận một cách cực đoan hầu như "sạch trơn" tính hiện thực của tồn tại tâm linh, nhất là hiện tượng có vai trò trung tâm, cơ bản của nó mà người ta thường quen gọi là "ngoại cảm". Một nhà khoa học, nhân danh khách quan nhằm bảo vệ chân lý khoa học mà trong thực tế lại hành động thiển cận, phản khoa học và nhất là lại còn dựa vào uy lực chính trị hòng "cả vú lấp miệng em", thì thật là tệ hại! Mở rộng ra, vật lý học hiện đại và cả toán học hiện đại cũng đang lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" chẳng khác gì mấy triết học duy vật biện chứng, nghĩa là chúng đang đứng trước một thực tại (được cho là) khách quan do chúng "sao chép" một cách chủ quan từ thực tại khách quan đích thực theo cách hiểu của chúng, đã nảy sinh những vấn đề triết lý vượt tầm khả năng "chinh phục" của chúng. Chúng ta cho rằng tri thức hiện nay về thực tại khách quan của loài người (triết học- khoa học tự nhiên...) đã và đang bộc lộ ngày càng rõ ràng nhiều mâu thuẫn nội tại gay gắt mà bản thân nó, với "tầm vóc" đang có, không thể tự "vượt thoát" được và đó phải chăng là điều chỉ thị rằng, nó đã đến gần kề một cuộc cách mạng mới về nhận thức tự nhiên để có được bước nhảy đột biến? Điểm yếu cơ bản nhất mà cũng dễ thấy nhất của tri thức ngày nay là "trong tầm quan niệm" của nó, loài người không có cách nào minh định tường tận để dứt khoát khẳng định hoặc phủ định được rằng, linh hồn là một thực tại khách quan hay chỉ là ảo tượng chủ quan, là thực thể hay phi thực thể.
Một cách hình tượng, có thể hình dung trình độ nhận thức triết-khoa về tự nhiên của loài người hiện nay như là một Vũ Trụ Big Bang đã bị "biệt giam" tuyệt đối "ở bên này" "bức tường Planck", với bên kia bức tường đó là hư vô tuyệt đối, bởi vì không có cả không gian lẫn thời gian, nghĩa là không thể có bất cứ thứ gì "thò mũi" sang đó để "ngửi" được, và như thế, sự "bất khả tri" về thế giới có "nguy cơ" là một hiện thực không thể chối cãi-cái hiện thực mà suy tư triết học không bao giờ chấp nhận được nếu không thừa nhận sự tồn tại một tinh thần tối cao phi vật chất như Heghen từng quan niệm. Trong tình hình còn không ít "hoang mang" như thế và trên bình diện nhận thức triết học còn chưa dứt khoát được như thế, tất nhiên những phê phán nêu trên về sự sai lầm trong quan niệm thế giới của Kỳ Na Giáo, nếu có đúng thì cũng chỉ đúng ở mức độ qui ước nào đó chứ chưa đích đáng. Hơn nữa, trong quan niệm sai lầm về thế giới của Kỳ Na Giáo không phải không có phần đúng, phần hợp lý, nghĩa là có thể cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai lầm ấy phần lớn là do sự phiến diện, chưa đầy đủ trong nhìn nhận và suy xét bởi hạn chế của tri thức thời đại chứ không hẳn là do duy ý chí, "ngược ngạo" chủ quan (nhằm thỏa mãn ý đồ phụng sự tôn giáo riêng tư).
Như chúng ta đã nói, nếu qui ước lấy Bàlamôn Giáo làm chuẩn mốc so sánh thì có thể cho rằng hệ tư tưởng duy vật của trường phái triết học Charvaka và giáo lý Kỳ Na Giáo là hai quan niệm tương phản nhau về thế giới. Trong khi Charvaka cho rằng:
-Trực giác là cách duy nhất tiếp cận chân lý, chỉ có thực nghiệm mới xác nhận được sự thật (thực chứng!).
-Mọi thực thể đều do vật chất (gồm đất, nước, lửa, không khí) kết thành. Linh hồn (ý thức) chỉ là hình thức thể hiện vận động của thể xác. Không có linh hồn tồn tại độc lập ngoài thể xác.
-Không có thần thánh, mọi tồn tại, biến hóa trong Vũ Trụ đều là tự nhiên. Niềm vui là mục đích duy nhất của cuộc sống, chết là hết, không có chuyện luân hồi nghiệp báo.
-Bản thân cái chết là sự giải thoát, tu tập (tạm hiểu đại khái là tu nhân tích đức để dược hưởng phúc!) là vô nghĩa,
Thì Kỳ Na Giáo lại cho rằng:
-Trực giác là phiến diện, không thể tiếp cận chân lý, chỉ qua bước đường (trực tiếp?) chiêm nghiệm tâm linh mới giác ngộ được thế giới chân thực.
-Bản chất thế giới là nhị nguyên, thực thể bao gồm vật chất và ý thức. Có linh hồn tồi tại ngoài thể xác
-Không có "nguyên nhân tối hậu" (Thượng Đế) về sự tồn tại Vũ Trụ, có quá trình luân hồi nghiệp báo, sống nhằm hưởng lạc là tội lỗi.
-Chết là sự thoát xác tạm thời của linh hồn trên bước đường tự giải thoát khỏi vô minh, hướng tới "cuộc giải thoát cuối cùng", vượt ra khỏi vòng luân hồi nghiệp báo để trở thành thượng đẳng linh hồn (arhat) với tri thức tuyệt đối và hạnh phúc vĩnh hằng.
Theo chúng ta hiểu (võ đoán!) thì sự xuất hiện (trước là) Charvaka và (cũng có phần vì thế (?) mà tiếp theo là) Kỳ Na Giáo có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng hiện tượng đối xử bất công đã trở nên phổ biến, mâu thuẫn giàu-nghèo đã ở mức căng thẳng, gay gắt trong xã hội Ấn Độ cổ đại, và đều bắt đầu là những ý kiến bất mãn, phản kháng chế độ đẳng cấp được dung túng một cách thiên vị bởi những thuyết giáo phủ dụ và cả hăm dọa của giới tăng lữ Bàlamôn. Tuy nhiên, nếu như Charvaka có nguồn gốc (chủ yếu) xuất phát từ sự bị bần cùng hóa (về vật chất) trong tầng lớp bình dân thì Kỳ Na Giáo có nguồn gốc (chủ yếu) xuất phát từ sự bị bi đát hóa (về tinh thần) trong tầng lớp hiệp sĩ. Chính vì sự khác nhau về nguồn gốc xuất thân như thế mà dù hai hệ thống tư tưởng đều ẩn chứa nỗi bất mãn cái xã hội đương thời đã sinh ra chúng, song nỗi bất mãn của chúng là khác nhau, dẫn đến hai cách lý giải xã hội-nhân sinh khác nhau, có tính tương phản nhau, đại loại, một đàng duy vật-thực dụng, một đàng duy tâm-ảo tưởng. Cần thấy rằng, thành kiến lý luận về xã hội-nhân sinh của Charvaka hay của Kỳ Na Giáo không phải là kết quả của sự nghĩ ngợi viển vông vô căn cứ theo ý thích thuần túy chủ quan, mà là kết quả của suy tư, nhận định chủ quan rút ra được từ quá trình quan sát hiện thực khách quan đương thời, trên cơ sở tiếp thu có phê phán những quan niệm về tự nhiên-xã hội đã từng được thừa nhận trong quá khứ, đồng thời cũng trên tinh thần đó mà xây dựng hoàn chỉnh thành một hệ tư tưởng mới nhằm giải thích thế giới. Cho nên có thể nói, hai hệ thống tư tưởng Charvaka và Kỳ Na Giáo đều là sự phản ánh của tư duy con người về hiện thực khách quan, nhưng từ hai góc độ quan sát, hai cách nhìn nhận (lập trường) khác nhau, tương phản nhau. Cũng do đó mà trong mỗi hệ tư tưởng, dù quan niệm về thế giới còn ấu trĩ, thiển cận và lệch lạc thì không phải vì thế mà không hàm chứa ở chừng mực nhất định sự thực khách quan. Chẳng hạn, về vấn đề khả năng nhận thức chân lý (sự thực khách quan), cả Charvaka lẫn Kỳ Na Giáo đều bác bỏ con đường tiếp cận sự thực khách quan thông qua suy lý. Sự bác bỏ đó có đúng không? Trên bình diện tri thức ngày nay, hầu như ai cũng chọn câu trả lời phủ định. Nhưng nếu bình tâm và "thả" cho tâm hồn lãng mạn một chút (!) thì chúng ta sẽ thấy câu trả lời phủ định khó lòng mà "đứng vững" được. Chắc chắn rằng không có suy lý sẽ không có toán học- một trong ba ngành cơ bản (toán, lý, hóa) của khoa học tự nhiên làm nên văn minh loài người. Nhưng nếu chỉ bằng tưởng tượng và suy lý thuần túy thôi thì lại sẽ không có vật lý học và hóa học. Trong lôgic học có rất nhiều câu chuyện lý thú chỉ ra sự bất toàn của khái niệm và nhiều trường hợp về sự bất định chân lý của suy lý dù quá trình suy lý không phạm vào bất cứ sai lầm lôgic nào. Nhất là về Phương Đông nghe các "bác" thiền học giảng giải thì lại càng hoang mang hơn nữa...
Chúng ta khẳng định: không có cảm giác trực giác thì không có thế giới sinh vật, và không có tư duy trừu tượng thì không có con người để mà tìm hiểu, nhận thức thực tại khách quan, nói cách khác, sinh vật phát hiện được, phân biệt được sự hiện hữu, vận động của các sự vật-hiện tượng ở xung quanh là nhờ vào cảm giác, còn con người, trên cơ sở cảm giác, thông qua quá trình tư duy trừu tượng, nghĩa là bằng bước đi tiền đề từ cảm giác đến tư duy trừu tượng, và cũng chỉ nhờ hướng đi duy nhất ấy, không những có khả năng nhận biết được ngày một sâu rộng sự tồn tại của thế giới vạn vật-hiện tượng xung quanh và cả của bản thân mình, mà còn có khả năng nhận thức được nguyên nhân của sự tồn tại đầy biến động ấy, cũng như có khả năng nhận thức đến cùng cực bản chất tối hậu của Vũ Trụ. (Nói thêm, có thể suy đoán rằng, cơ chế vận động cốt lõi của cảm giác sinh vật là cơ chế vận động của hiện tượng cảm ứng điện từ (hoặc nếu không, cũng phải là hiện tượng có bản chất tương tự, thậm chí là hiện tượng "tiền thân" nào đó mà con người chưa xác định được của hiện tượng cảm ứng điện từ), mặt khác, dạng cội rễ sơ khai, hay cũng có thể gọi là tiền thân của mọi cảm giác sinh vật, (tạm đặt tên, tạm gọi thôi!) chính là "trực-xúc giác" mà (cũng tạm) gọi tắt là "giác" của vật vô cảm (không phải sinh vật). Chúng ta vẫn quan niệm vật không phải sinh vật là vật "vô tri vô giác". Nếu theo cách hiểu ở đây thì quan niệm như thế là sai. Không phải sinh vật thì chỉ có thể là vật vô cảm- vô tri, vì trong Vũ Trụ không thể có vật vô giác. Một lượng nước có thể không "cảm" được nóng-lạnh nhưng vẫn "giác" được sự biến đổi nhiệt độ, vì nếu không thế, lượng nước đó không thể đóng băng hay tan chảy được. Một thanh sắt chắc chắn không "cảm" được đau đớn, nhưng sẽ không bao giờ biến dạng cơ học được nếu không "giác" được lực tác động vào nó. Vậy giác và cảm giác khác nhau chỗ nào? Nói ngắn gọn nên cũng chỉ là đại khái và tương đối: giác làm xuất hiện (những) phản ứng hoàn toàn mang tính thụ động, tiêu cực, không phân biệt được lợi hại, nhằm "cố thủ" của một vật vô tri vô cảm trước nguy cơ bị "tước đoạt" sự tồn tại của nó, còn cảm giác làm xuất hiện (những) phản ứng đã ít nhiều mang tính chủ động, tích cực, phân biệt được lợi hại, nhằm "tự vệ", duy trì sống còn của một sinh vật trước (những) tác động từ môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống của nó. Từ đó cũng có thể nhận xét rằng, cảm giác trực giác có tính tự giác (tính tỉnh thức). Tính tự giác này là biểu hiện của cái gọi là "vận động thần kinh" trong nội tại sinh vật, còn giác thì tuyệt nhiên không có tính tự giác mà chỉ có tính tự phát (tính mù quáng). Quá trình đấu tranh sinh tồn thúc đẩy sự tiến hóa thích nghi sinh vật, trong đó có khâu quan trọng là làm xuất hiện những giống loài mới không những được tăng cường khả năng cảm giác nói chung, mà còn được sở hữu một vài cảm giác đạt đến trình độ siêu việt theo một hay vài định hướng "được lựa chọn" cụ thể nào đó. Bước đi song hành với quá trình tăng cường khả năng cảm giác nhưng đóng vai trò tiền đề cho quá trình đó là quá trình kiện toàn cơ cấu vận động thần kinh, làm xuất hiện hệ thống thần kinh hoạt động phối hợp nhất quán, nhịp nhàng trên cơ sở điều hành chung bởi một cơ quan trung tâm gọi là bộ não. Nhờ có bộ não mà xuất hiện dạng hoạt động thần kinh gọi là "sự hồi ức" (nhớ, nhớ lại), và đặc biệt là với bắt đầu từ sự hồi ức, cũng xuất hiện thêm một phương thức hoạt động thần kinh có tính siêu việt, đó là tư duy trừu tượng. Có thể nói, sự xuất hiện hồi ức là mốc đánh dấu bước phát triển mang tính đột biến về khả năng cảm giác, đó là ngoài cảm giác trực giác đóng vai trò nền tảng, sinh vật biết hồi ức còn có thêm loại cảm giác tạm gọi là cảm giác gián giác. Cảm giác gián giác, hình thành trên cơ sở cảm giác trực giác kết hợp với hồi ức, thăng hoa nhờ tư duy trừu tượng và thông qua tư duy trừu tượng mà tăng cường phát huy tác dụng, đã làm cho trình độ cảm giác đạt đến mức siêu phàm, thậm chí nhiều khi là huyền linh (chưa nhận thức được!), do đó cũng mang nét đặc thù, coi như chỉ ở loài người mới có. Nhưng giác từ đâu mà có? Hiện nay chắc là chẳng ai thừa nhận, nhưng trong tương lai sẽ phải thừa nhận sự thật này: Vũ Trụ có bản chất "hai mặt", hay như chúng ta đã từng nêu ra, Vũ Trụ có tính (thể hiện) "nước đôi", là thế này mà cũng là thế kia, liên tục mà cũng rời rạc, vô hạn mà cũng hữu hạn, hữu hạn trong tình thế vô hạn và vô hạn trong tình thế hữu hạn... Mặt khác, chúng ta cũng đã quan niệm, thực thể là một tồn tại, mà tồn tại, xét trên phương diện tuyệt đối thì tất yếu phải thể hiện. Toàn thể tồn tại thể hiện theo cách tồn tại (hay tập hợp tồn tại) nào cũng khẳng định sự tồn tại của nó trước những tồn tại (hay tập hợp tồn tại) xung quanh nó, và vì bị khống chế bởi tính hữu hạn của Vũ Trụ về cách thức thể hiện tồn tại cho nên tồn tại (hay tập hợp tồn tại) nào cũng đồng thời trong tình thế bị những tồn tại (hay tập hợp tồn tại) xung quanh nó (có xu hướng) phủ định nó, nghĩa là chúng vừa khẳng định vừa phủ định sự hiện diện của lẫn nhau. Đó được coi như là nguyên nhân tự nhiên và sâu xa làm xuất hiện giác ở mỗi tồn tại, hay cũng có thể nói giác là đặc tính vốn dĩ của tồn tại. Sự tất yếu thể hiện đồng thời của toàn thể tồn tại theo cách cũng tất yếu như thế, với sự có mặt của giác và thông qua giác, đã tạo ra hoạt cảnh chuyển hóa và biến đổi tồn tại một cách toàn diện, liên tục, không ngừng, vô thủy vô chung, từ cùng cực tổng thể Vũ Trụ vĩ mô đến tuyệt tận đơn thể Vũ Trụ vi mô, mà loài người hiện nay đã phần nào quan chiêm-nhận thức được, và từ đó cũng đã xây dựng nên quan niệm dưới tên gọi "vật chất và vận động vật chất" (tương đối có lý nhưng chưa đích đáng!) về thực tại khách quan. Nếu tiếp tục suy xét, còn có thể dễ dàng đi đến nhận định rằng, tính tất yếu thể hiện và tính hữu hạn về cách thức thể hiện của tồn tại, cũng như sự giác tất yếu, vốn có ở mỗi tồn tại, được coi là những yếu tố tự nhiên hợp thành giềng mối của (ít ra là) hai nguyên lý cơ bản thuộc hàng phổ quát nhất của Tự Nhiên Tồn Tại, đó là nguyên lý tương tác (định luật tác dụng tương hỗ của Niutơn chính là một biểu hiện đặc thù của nguyên lý này) và nguyên lý nhân-quả (nhờ có nguyên lý này mà loài người ngày nay mới có cơ may "làm nên lịch sử" của một quá trình tồn tại vận động (thậm chí của cả Vũ Trụ) và hơn nữa, tùy thuộc trình độ cũng như năng lực nhận thức của mình, còn dự đoán đúng được đến chừng mực nhất định tiến trình chuyển hóa-biến đổi tự nhiên trong tương lai của một sự vật-hiện tượng nào đó mà họ chú tâm nghiên cứu). Mặt khác, có thể coi hai nguyên lý đó là hai hệ quả trực tiếp đều được "rút ra" từ nguyên lý Tự Nhiên nếu thừa nhận nguyên lý này có tính tiên đề duy nhất, tối thượng, là nguyên lý cội nguồn của mọi nguyên lý, mọi qui luật-định luật có thể có của Vũ Trụ, trong Vũ Trụ.).
Tăng cường khả năng cảm giác đối với sự tác động của môi trường sinh thái là yêu cầu tự nhiên nảy sinh trong quá trình đấu tranh sinh tồn. Yêu cầu tự nhiên đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa nhất làm xuất hiện sự tư duy trừu tượng trong thế giới sinh vật. Ở giống loài đã được "trang bị" tư duy trừu tượng thì yêu cầu tự nhiên về tăng cường khả năng cảm giác dần được "nâng cấp", chuyển hóa thành đòi hỏi chủ quan tích cực tăng cường khả năng nhận thức thế giới. Bước đi tiền đề từ cảm giác trực giác đến tư duy trừu tượng cũng chính là bước đi tạo cửa mở cho tiến trình nhận thức thế giới dài lâu, đầy khúc khuỷu quanh co nên cũng nhiều gian truân cay đắng, nhưng tuyệt đỉnh tự hào của loài người, mà ở lĩnh vực cảm thụ nghệ thuật, đó chính là thiên anh hùng ca bi tráng, hào sảng và vĩ đại nhất mà loài người tạo tác nên được! Trên cơ sở cảm giác, tư duy trừu tượng làm xuất hiện ý niệm, rồi đến khái niệm và cuối cùng là hệ thống khái niệm-quan niệm. (Bàn thêm: hệ thống khái niệm thuở sơ khai, khi nhận thức của con người về hiện thực khách quan còn nông cạn, thì chưa có...tính hệ thống, mà chỉ là một tập hợp đơn giản, rời rạc các khái niệm. Tập hợp các khái niệm sẽ ngày càng được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện và đồng thời cũng thể hiện ra ngày càng rõ rệt tính hệ thống (tính quan hệ, liên kết gắn bó nội tại, tính phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các khái niệm) của nó theo cùng với tiến trình nhận thức ngày càng sâu rộng, ngày càng được nâng cao về trình độ). Về mặt hình thức, khái niệm là do chủ quan con người sáng tạo ra, còn về mặt nội dung, khái niệm là kết quả phản ánh về thế giới khách quan của tư duy trừu tượng mà nó cảm giác được. Do đó, sự hình thành nên hệ thống khái niệm-quan niệm là trực tiếp nhờ nhân tạo tự phát, nhưng lại có tính tự nhiên, coi như được khởi phát từ tính thống nhất của thế giới khách quan, và bản thân hệ thống khái niệm-quan niệm chính là "mô hình" thế giới khách quan được "xây đắp" nên bởi tư duy trừu tượng theo cách sáng tạo chủ quan, riêng có của nó. Cho đến tận ngày nay, hình như chưa có ai ý thức thực sự được sự tồn tại "tự thân" của hệ thống khái niệm-quan niệm này của loài người. Theo chúng ta, hệ thống này ngày nay đã có qui mô cực kỳ to lớn (nhưng vẫn chưa hoàn hảo, thậm chí là còn không ít những thừa, thiếu, lầm lạc!), mà cốt lõi của nó là sự hợp thành thống nhất hữu cơ của ba ngành khoa học cơ bản gồm triết học, toán học, vật lý học).
Như vậy, có cảm giác trực giác thôi chưa đủ, phải có thêm tư duy trừu tượng nữa mới đủ điều kiện tiền đề làm nảy sinh ra sự nhận thức. Giả sử có một đứa bé được sinh ra trong rừng sâu. Đây là khu rừng hoàn toàn tách biệt với xã hội loài người. Sau khi sinh con thì người mẹ chết, đứa bé may mắn được một con sói cái nhận nuôi và từ đó lớn lên thành người giữa bầy sói. Hỏi: người đó có nhận thức gì không dù được sinh ra trong thế kỷ XXI, có đủ năm giác quan và bộ não có khả năng tư duy trừu tượng? Trước hết, dễ dàng hình dung là người đó, do bị cách ly tuyệt đối khỏi con người và xã hội hiện đại, nên dù được sinh ra trong thời này, thì cũng chẳng khác gì mấy so với được sinh ra vào thời tối cổ, khi con người còn chưa biết đến ngôn ngữ. Chưa có ngôn ngữ thì chưa thể có khái niệm, mà chỉ có ý niệm trong một phạm vi hạn chế nào đó và cũng mới ở dạng "biểu tượng câm nín, vô danh" nhờ sự hồi ức. Điều đó cho thấy, dù bộ não đã có khả năng tư duy trừu tượng cao độ của con người hiện đại nhưng trong điều kiên bị cách ly tuyệt đối như trên thì khả năng ấy bị "mai một" đi và chỉ còn tương đương với trình độ tư duy trừu tượng của con người tối cổ, thậm chí của dạng người vượn-tiền thân loài người. Mới có ý niệm "câm nín" thì cũng chỉ có ý thức "câm nín". Nếu quan niệm rằng ý thức "câm nín" là ý thức dạng sơ khai và ý thức là nhận thức sơ khai thì coi như ý thức "câm nín" chưa phải là nhận thức mà mới là dạng tiền thân của nhận thức, nghĩa là người sống giữa bầy sói đó chưa biết nhận thức. Lại giả sử rằng người đó lần đầu tiên theo bầy sói lội qua một con suối và suýt chết đuối khi gặp phải một vùng nước sâu. Cảm giác suýt chết ngạt đó trở thành ý niệm "câm nín" lưu nhớ trong não người đó. Lần sau, trước khi phải lội qua đoạn suối cũ (hoặc tương tự), nhờ hồi ức mà cảnh suýt chết ngạt lần trước hiện ra trong não như một báo động, kích thích gây ra cho người đó một thứ mà chúng ta đã gọi là cảm giác gián giác (hay ý thức "câm nín") về cái gì đó đe dọa đến cuộc sống (sự nguy hiểm), và làm người đó "lưỡng lự tìm cách" lội qua (sự liên tưởng). Chúng ta gọi hoạt động của bộ não kiểu như thế là "nghĩ", và cho rằng các cá thể động vật có hệ thần kinh bậc cao (có bộ não), tùy vào mức độ tiến hóa, ít nhiều gì cũng đều biết nghĩ. Nghĩ chính là hồi ức, liên tưởng và định hướng cho hành động mới, do đó, trong nghĩ đã vốn dĩ hàm chứa hình thức vận động tinh thần gọi là "suy" (ước đoán, suy tưởng, suy đoán, suy diễn...). Dù biết nghĩ thì loài vật chỉ nghĩ được một cách manh mún, nhạt nhòa, ít suy cho nên cũng có tính trì độn, lề mề, hiệu quả thấp. Ở loài người, vì khả năng tư duy trừu tượng hoàn thiện hơn hẳn (sự suy tưởng mạnh mẽ hơn hẳn) nên sự nghĩ có hệ thống hơn hẳn, sâu sắc hơn hẳn, do đó cũng sáng suốt hơn hẳn, nhanh hơn hẳn và hiệu quả hơn hẳn ở loài vật. Nếu khẳng định chỉ con người mới biết suy nghĩ, còn con vật thì không, thì kể ra cũng đúng, nhưng tương đối thôi!
Vậy, dù đủ điều kiện tiền đề làm nảy sinh ra sự nhận thức thì sự nhận thức vẫn chưa thể triển khai được trong hiện thực, bởi vì vẫn còn thiếu một phương tiện vô cùng trọng yếu, có tính quyết định, đó là tập hợp ý niệm-khái niệm, thứ đồng thời cũng là hình thái đầu tiên của ngôn ngữ. Có thể nói rằng, khi ý niệm "câm nín" thốt nên lời thành ý niệm để từ đó khai hoa nở nhụy, đơm bông kết trái những khái niệm, thì cũng là lúc bắt đầu quá trình nhận thức dài lâu ở loài người. Rốt cuộc, con người không thể nhận thức được nếu không có hệ thống khái niệm, và hơn nữa, chỉ có cách duy nhất là thông qua hệ thống khái niệm mà nhận thức thế giới khách quan. Cũng do đó, xét cho đến cùng, loài người chỉ có khả năng xây dựng mô hình thế giới khách quan trên cơ sở khái niệm, bằng khái niệm, theo cách nhìn nhận và qui ước chủ quan của mình, trái lại, một con người, muốn tìm hiểu thế giới khách quan, trước hết phải học hỏi để nắm bắt khái niệm (kế thừa), rồi sau đó mới có thể thông qua mô hình đó mà nhận biết thực tại (tri thức), và nếu có khả năng thì góp ý nhằm hoàn chỉnh mô hình ấy (sáng tạo). Mặt khác, như đã trình bày, một hướng quan trọng có tính tất nhiên của quá trình tăng cường khả năng cảm giác sinh vật là làm xuất hiện "nghĩ"- một cách thức hoạt động thần kinh- để có thêm loại hình cảm giác nữa là cảm giác gián giác. Có thể nói, cảm giác gián giác là cảm giác trực giác đã được trừu tượng hóa và là kết quả của nghĩ (hồi tưởng, liên tưởng) và suy (suy tưởng). Nghĩ và suy là hai vận động của một hoạt động thần kinh thống nhất không thể tách rời nhau, là sự khẳng định tồn tại của nhau (mà nghĩ đóng vai trò tiền đề), chuyển hóa lẫn nhau, trong nghĩ có suy, trong suy có nghĩ, hay nói cách khác, trong nghĩ đơn thuần đã có mầm mống của suy và đặc tính vốn dĩ, mặc định của suy là nghĩ. Điều chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là, không có suy sẽ không có ý thức, mặt khác, suy được coi là dạng tiền thân của suy lý và chuyển hóa thành suy lý trong quá trình nhận thức nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức. Tóm lại, dù thế giới khách quan "sờ sờ" ra đó, dù năm giác quan của chúng ta lúc nào cũng tiếp xúc trực tiếp với nó, nghĩa là dù cả đời chúng ta luôn lặn hụp trong nó, hơn nữa, là bộ phận của nó, thì chúng ta cũng không bao giờ biết được thực chất nó là cái gì, như thế nào, nếu chỉ có trực giác. Nói khác đi, con người không thể nhận thức được bản chất của thế giới khách quan bằng cách trực tiếp nhờ cảm giác, mà chỉ có thể bằng cách gián tiếp, thông qua khái niệm và phải nhờ suy lý.
(Còn tiếp)
Đêm đã khuya, chắc cũng tầm hai giờ sáng. Giữa đồng không mông quạnh, ánh trăng tuy đã tàn vẫn còn đủ soi sáng cho chúng ta thấy cái hun hút ở phía trước con đường lầy bụi đỏ mà chúng ta đang đi. Chưa thấy một chút tín hiệu dù nhỏ nhoi nào về con tàu vượt thời gian cả. Điệu này, có đi đến sáng bạch cũng chưa chắc đã thấy bóng dáng con tàu... Nhưng thôi, cứ kệ! Sốt ruột chẳng ích gì, cứ "vững bước hành quân", đừng đứng lại vì "chân chồn gối mỏi" thì trước sau gì chúng ta cũng "tao cùng bến mơ"!... Ấy chết!... Có khi nào con tàu "tiêu tùng" vì trục trặc kỹ thuật và chúng ta phải ở lại đây luôn không nhỉ!?...Ối giời ơi là giời!...Thật hết biết! Câu hỏi "mất dạy" tự dưng bật ra làm chúng ta dựng hết tóc gáy, nổi hết da gà, chân tay hoàn toàn bủn rủn, không bước được nữa, cũng không đứng được luôn, đành nằm vật ngửa ra, thở dốc. Trong tiết lạnh khuya cuối thu mà mồ hôi chúng ta túa ra dầm dề...
Rồi thì sự trôi hằng định của thời gian trong tâm thức cũng dần giúp chúng ta thoát khỏi...mất vía. Không còn hoảng loạn nhưng lòng vẫn đầy thấp thỏm, bất an. Kể cũng thật vô lý, "ôm" nỗi hồi hộp âu lo mà giải quyết được gì trong cái tình cảnh "chỉ có thể hy vọng và hy vọng mà thôi" này? Thế là ý chí ra lệnh: "Hãy thoát ra!". Nhớ đến bài khí công khá hay nhằm định thần, đã học "lõm bõm" được từ Trang tiên sinh, có tên gọi (do chúng ta tự đặt!) là "ngọa thiền", chúng ta "ngọ nguậy" cho đúng tư thế, rồi "thả lỏng", "lạc" dần vào trạng thái "mơ mơ hồ hồ". Ai mà "lạc" được vào trạng thái này sẽ "ngộ" được nhiều điều, một điều trong số đó là hình như thời gian "trôi" trong cảnh giới thiền (thời gian tâm-sinh lý bất thường?) nhanh hơn thời gian "trôi" trong hiện thực khách quan (thời gian vật lý), rất giống với hiện tượng "chênh lệch thời gian" mà nhiều người cận kề cái chết cũng như nhiều người chết đi sống lại, hoặc những người gặp nạn rơi từ trên cao xuống đất cảm nhận được. Phải chăng đây cũng là một "câu đố" thuộc lĩnh vực tâm linh đang "chờ đợi" lời giải thích "chân chính"!?...
Nhờ "ngọa thiền" mà thần thái chúng ta hồi phục rất nhanh, không những sự mỏi mệt đã tan biến hết mà tinh thần cũng bỗng trở nên an hòa, tươi tỉnh, trí não trở nên hoạt bát khác thường. Trăng thực sự đã tàn phế, mặt trời thì vẫn "ngủ vùi" theo luật định, ấy vậy mà đêm khuya vẫn sáng mờ. Chỉ có thể là nhờ sao sáng! Lúc nãy cũng nằm ngửa mà nào có thấy gì, giờ mới thấy trước mắt bừng lên chi chít hằng hà vì sao sinh động, "thoăn thoắt" khi mờ khi tỏ. Cả một bầu trời ăm ắp sáng sao khoáng đạt, nhộn nhịp đến rạo rực mà cũng thinh lặng đến lạnh lùng, cao lộng đến vời vợi nhưng vẫn có vẻ gần gũi, và bao la đến choáng ngợp nhưng vẫn cứ gợi về sự hữu hạn. Trong đời chúng ta, có lẽ lung linh nhất mà cũng nghiêm nghị nhất là bầu trời này, thật là trong sáng, thật là trung hậu, thật là huyền vĩ! Những kẻ đang "tưng tưng" ở thế kỷ XXI làm sao thấy được bầu trời khuya tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho thời cổ đại Tiên-Tần nói riêng và cả thời cổ đại của thế giới loài người nói chung này!? Sực nhớ đến những thành tựu quan sát thiên văn trong việc định hướng di chuyển cũng như trong việc định lượng thời gian, xác định lịch trình xoay vần của thời tiết, khí hậu...của những con người thời tiền sử-cổ đại còn lưu truyền đến thời hiện đại, chúng ta vô cùng khâm phục họ. Tuy nhiên, ngay trong bối cảnh này đây, chúng ta có linh cảm rằng, họ đạt được những thành tựu quan sát thiên văn có tính thần kỳ đó, một phần là nhờ bầu khí quyển còn trong veo, chưa bị vẩn đục "bụi trần" bởi sự khuynh đảo của nền sản xuất công nghiệp hóa, phần khác, nhiều hơn, là nhờ sự tiến hóa-thích nghi mà họ sở hữu được đôi mắt có năng lực "thấu thị" cực kỳ tinh tường (sau đó đã dần bị thoái hóa đi, "nhường chỗ" cho định hướng tiến hóa-thích nghi khác, đã trở nên được ưu tiên hơn, chẳng hạn là tăng cường trí nhớ, sức trừu tượng, khả năng liên tưởng, suy đoán...). Ôi, nếu quả thế thật thì bầu trời sao vô cùng huyền vĩ kia sẽ còn huyền vĩ đến cỡ nào nữa trước quan sát của người tiền sử-cổ đại vào thời chí ít cũng khoảng 10.000 năm trước, với đôi "thiên lý nhãn" chưa bị tiến trình văn minh hóa-xã hội hóa làm cho lu mờ đi, "thiển cận" đi!?
Chắc đối với con người sinh ra vào thời Tiên-Tần này, bầu trời sao đêm nay cũng...bình thường thôi, chẳng có gì mà...ầm ĩ. Nhưng đối với chúng ta, những kẻ sinh ra vào thời "thiển cận-loạn thị" và không trung mờ đục, thì đây là bầu trời sao tuyệt diệu có một không hai. Sao ken sao hiển hiện dày đặc khắp Vũ Trụ, đồng điệu tỏa sáng, đồng loạt nhấp nháy, gây ra hiệu ứng mạnh đến độ làm cho bộ não nhạy cảm của chúng ta tưởng như đang thưởng lãm một dàn đồng ca vô tiền khoáng hậu và tuyệt cùng vĩ đại trên một sân khấu cũng vô tiền khoáng hậu và tuyệt cùng vĩ đại (chính nghĩa là "vĩ đại" thật chứ không phải nghĩa là..."cái đuôi to"!). Và trong "dàn đồng ca" ấy, ngay hướng chính diện, bất giác chúng ta thấy một "ca sĩ" cực kỳ khêu gợi-ngôi sao sáng nhất và lấp lánh nhất của bầu trời. Chao ơi, phải chăng đó chính là ngôi sao định mệnh mà trong một cơn mê thời thơ ấu, chúng ta đã bay vun vút về phía nó với một niềm mơ ước tiếp cận khôn nguôi, từ đó mà nảy mầm và lớn dần lên trong tâm hồn chúng ta nỗi khát vọng mãnh liệt được biết căn nguyên đích thực của Tự Nhiên Tồn Tại, để rồi làm chúng ta phải "dứt áo ra đi", thực hiện cuộc hành trình kỳ diệu, quên, kỳ quặc, và vì thế mà đang...nằm ở đây...ngắm nó!?...Nghĩ đến mục đích cuối cùng còn xa tít mù tắp của cuộc hành trình, chúng ta giật nảy mình, bật dậy. Không! Không thể nằm "tự sướng" thêm nữa được! Hết thời gian rồi! Không khéo chúng ta không về lại được những năm tháng "đầu têu" thuộc thế kỷ "đầu têu" của thiên niên kỷ III SCN không phải vì con tàu vượt thời gian bị trục trặc mà vì chính sự tỉnh táo của chúng ta bị trục trặc! Xin cảm ơn sự nhắc nhở kịp thời nhé, hỡi ngôi sao thiêng liêng, lấp lánh sáng nhất giữa muôn vàn ngôi sao lấp lánh! Biết đâu chừng trong sự lấp lánh nhắc nhở tỏ vẻ hối thúc đầy thiết tha ấy có cả phần gửi gắm nhớ mong của người tình vong niên từ phương xa vời mà chúng ta vẫn giấu kín trong lòng (tất nhiên là phải giấu cả vợ rồi!)? Sự liên tưởng làm hiện ra rõ mồn một trong tâm trí chúng ta bài thơ "Nhớ" của Nguyễn Đình Thi có từ thời "Kháng chiến chống thực dân Pháp":
Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây.
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn.
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người
Dưới chế độ dân chủ-cộng hòa, đã có vợ và cũng đã "già chát" rồi mà còn yêu "em trẻ" khác, sẽ bị chê bai ngay là dê cụ, già dê, "già còn chơi trống bỏi", già mất nết, thậm chí bị "những nô lệ của cảm tính đố kỵ (có nguồn gốc sâu xa từ sự ích kỷ)" chửi là đồi bại, vô luân, nghĩa là...vô đạo đức...Nhưng dưới thời phong kiến thì tùy và...chẳng sao cả vì không hề bị coi là "phạm qui". Riêng chúng ta nghĩ (vì bản thân "trót lỡ" rồi nên có ý bênh vực!), luyến ái tự nhiên nam-nữ không đồng huyết thống chỉ bị khống chế bởi sự chủ quan tự ý thức về tình cảm, bổn phận và nghĩa vụ chứ không có sự hạn định tất yếu khách quan về phạm vi trong không gian và thời gian, do đó, khi "chẳng may" bị "dắt mũi" bởi "tiếng sét ái tình", nếu khôn (láu cá dễ thương!), biết dàn xếp ổn thỏa thì "yêu thêm một tý" (chứ không phải "có trăng quên đèn"!)...cũng được, thậm chí nhiều khi lại...tốt lành cho tuổi thọ hơn ấy chứ (nhưng có lẽ chỉ "ưu tiên" cho đàn ông thôi, hơn nữa là không nên "bô bô", vì như thế là "tiếp tay" làm tăng tham-sân-si trong xã hội, mặt khác, ý thức phụ quyền và tính tư hữu ích kỷ đã "ngấm vào máu" nhân quần từ lâu như một yếu tố quan trọng hợp thành định ước tư cách con người (gọi là văn minh) mất rồi, do đó "lợi bất cập hại", dễ gây và bị gây tổn thương bởi..."con dao hai lưỡi"!). Ông bà ta còn để lại không ít câu phán "bất hủ" như: "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng", "Trai thương vợ, gái nhớ người xưa", "Bươm bướm mà đậu cành hồng/ Đã yêu con chị còn bòng con em", "Dù chàng năm thiếp bảy thê/ Cũng không tránh khỏi gái sề này đâu", "Làm trai lấy vợ bé như nhà giàu tậu nghé hoa", "Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Trai quên vợ, gái quên chồng thì lên", "Thà rằng làm lẽ thứ mười/ Còn hơn chính thất những người đần ngu", "Đã không nên nghĩa nên nghì/ Anh về với vợ, em đi lấy chồng",..., nghe vô hậu quá, chẳng văn hóa tý nào, mà cũng..."quá đã"! Ha, ha...ha...!...
Thôi!..."Nhổ neo" nào, anh em!...(Hô hoan thế cho bớt cô đơn và cũng để lấy lại khí thế vùng đứng lên!).
Ai dè, sự đứng lên đột ngột tạo ra một "nhắc nhở" đến thứ mà chúng ta quên bẵng là trong bọc hành trang bên hông có cái túi da còn chứa chừng hơn lít rượu "thuổng" được ở nhà Trang tiên sinh. Sự nhắc nhở này tuy không cao cả và nên thơ như sự nhắc nhở của ngôi sao kia mà có tính thực dụng, phàm tục, nhưng cũng kịp thời không kém! Vừa lúc "khát rượu" khô cả cổ, hơn nữa, không uống thì cũng phải đổ đi chứ không thể mang về làm quà cho bạn bè được vì từ khi có nạn khủng bố, rượu bị cấm mang lên con tàu vượt thời gian. Thế là chúng ta lôi túi da ra, ngửa cổ tu một lèo hết queo. Xong xuôi, chúng ta tiếp tục hành quân, phơi phới và hùng dũng y như lúc mới từ nhà Trang tiên sinh chệnh choạng bước ra vậy!...
Mới đi được một chặng ngắn, tinh thần phơi phới của chúng ta đã được nâng lên trạng thái...phừng phừng. Ở trạng thái mới này, đầu chúng ta lại dần lạc vào sự hoang tưởng về Ấn Độ cổ đại và vì thế mà miệng chúng ta lại tiếp tục "mấp máy" huyên thuyên...kể chuyện. "Vừa đi đường vừa kể chuyện" có cái hay là đỡ sốt ruột và quên mỏi chân...
Kỳ Na giáo có những quan niệm thật lạ lùng! Tuy nhiên, chúng ta không có "nhu cầu" tìm hiểu sâu nó lắm nên sẽ "lướt qua", bắt đầu bằng lời kể của Will Durant (cũng trong cuốn "Lịch sử văn minh Ấn Độ" của ông mà chúng ta còn "nhớ" được!):
"Triết lý cách mạng của phái Charvaka (coi như) đã chấm dứt thời đại các Vêđa và Upanishad. Nó giảm uy thế của các Bàlamôn và gây ra một khoảng trống (tinh thần) trong xã hội Ấn Độ. Cần có một tôn giáo mới để lấp khoảng trống đó. Nhưng học thuyết của phái đó (tức Charvaka) đã gây ảnh hưởng sâu sắc và thành công đến nỗi hai tôn giáo tới sau, đáng lý để thay thế đức tin trong các kinh Vêđa, thì lạ lùng thay, lại đều là tôn giáo vô thần cả. Cả hai đều thuộc vào phong trào Nastikya (hư vô, theo chủ nghĩa hư vô), cả hai đều xuất phát không phải trong tập cấp tu sĩ, mà trong tập cấp chiến sĩ (Kshatriya), để phản ứng với chủ trương thần học và với thói câu nệ của giới tu sĩ. Hai tôn giáo đó, Kỳ Na Giáo và Phật Giáo, mở màn cho một thời đại mới trong lịch sử Ấn Độ.
(...)
Vào khoảng giữa thế kỷ VI TCN, một em trai sinh trong gia đình quí phái giàu có thuộc bộ lạc Lichchavi, ở ngoại ô châu thành Vaishali, ngày nay là tỉnh Bihar (theo truyền thuyết, Mahavira sinh năm 599 TCN và mất năm 527 TCN, nhưng Jacôbi cho rằng sự thật có lẽ là vào các năm 549 và 477 TCN, nghĩa là khoảng 50 năm sau). Song thân em mặc dù có của, nhưng thuộc vào một giáo phái tin rằng sự tái sinh là một đại bất hạnh mà sự tự tử là một đại phúc trời ban. Khi con trai được 31 tuổi, hai ông bà tự ý tuyệt thực để quyên sinh. Đứt ruột về hai cái tang đó, người con không màng thế tục nữa, cởi bỏ hết y phục, bỏ nhà bỏ cửa mà lang thang trong miền Tây Bengale như một nhà tu hành khổ hạnh để tìm huệ giác và sự thanh khiết. Sau 13 năm hoàn toàn thoát ly xã hội như vậy, ông được một nhóm đồ đệ tôn lên là Jina (có nghĩa là chinh phục, chế ngự), tức là một vị đại sứ đồ, nhà tiên tri, mà theo họ, cứ cách một khoảng thời gian nhất định nào đó lại xuất hiện để đem ánh sáng đạo đức cho Ấn Độ, đồng thời họ đổi tên ông thành Mahavira, vị Đại Anh Hùng, và tự gọi là Jain theo tín ngưỡng đặc biệt của họ. Mahavira thành lập một tăng lữ tự nguyện sống độc thân. Khi ông mất, số tín đồ lên tới 14 ngàn.
Lần lần giáo phái đó dựng nên một hệ thống tín ngưỡng và thành một trong những tôn giáo kỳ cục nhất trong lịch sử nhân loại. Từ một lý luận vô cùng thực tế rằng tri thức nào cũng bị hạn chế, chỉ có tính cách tương đối và tạm thời, họ đưa ra kết luận là không có gì hoàn toàn chính xác, cái mà ta cho là đúng thì xét theo quan điểm khác sẽ thấy là sai. Họ kể chuyện sáu người mù sờ voi. Người sờ tai, bảo voi là một cái nia lớn, người sờ cái cẳng, bảo voi là một cái cột tròn lớn. Vậy phán đoán của con người rất hạn chế, tùy thuộc hoàn cảnh, chỉ những đấng cứu thế, tức Jina, cứ cách một khoảng thời gian nhất định lại xuất hiện, mới nắm được chân lý tuyệt đối. Ngay những kinh Vêđa cũng chẳng giúp con người được gì, lời trong kinh không phải là lời thiên khải, do lẽ là không có Thượng Đế. Các giáo đồ Jain bảo không cần phải tưởng tượng ra một đấng Hóa Công hoặc một tối sơ nguyên nhân nào đó. Một em bé cũng có thể đả phá giả thuyết đó được, vì tồn tại một đấng Hóa Công tự sinh, một tối sơ nguyên nhân không có nguyên nhân là điều vô lý, không thể hiểu nổi, cũng như một thế giới tự xưng không có nguyên nhân. Thà cứ bảo rằng Vũ Trụ đã có từ thuở nào đến giờ, cứ biến chuyển, thay đổi hoài hoài do những năng lực cố hữu của nó chứ chẳng phải do ý chí của vị thần nào cả, thà cứ bảo như vậy lại còn dễ nghe hơn.
Nhưng tinh thần Ấn Độ không hợp với một chủ trương tự nhiên cố chấp tới mức đó. Phái Jain sau khi mời Thượng Đế ra khỏi Thiên Đường rồi, bèn đưa hết thảy các vị thánh trong sử và trong huyền thoại của họ vào. Rồi họ cũng tổ chức các tế lễ, cũng dốc lòng thờ phụng các vị thánh đó, chỉ khác là họ coi các ngài cũng chết, cũng luân hồi, chứ không phải là các đấng sáng tạo và làm ra Vũ Trụ. Họ cũng không phải là duy vật, họ theo quan niệm nhị nguyên, thừa nhận sự tồn tại độc lập của tinh thần bên cạnh vật chất, và cho rằng vạn vật, ngay cả đá và kim thuộc cũng có ling hồn. Linh hồn nào đã sống một đời không tội lỗi thì sẽ thành một Paratmatman - tức tối cao linh hồn - và trong một thời gian khỏi phải bị đầu thai vào một kiếp khác, như vậy là để thưởng công, khi được thưởng đủ rồi thì phải đầu thai nữa. Chỉ nhưng linh hồn cao cả nhất, hoàn toàn nhất mới được giải thoát vĩnh viễn, những linh hồn đó được gọi là Arhat, thượng đẳng thần, sống vui vẻ như các thần của Epicure, trong một cõi xa xăm nào đó, không tác động được tới công việc của loài người, nhưng khỏi phải đầu thai.
Muốn được giải thoát thì theo giáo lý Jain, phải sống khổ hạnh và giữ đúng "giới luật" Ahimsa (thường được dịch là "bất bạo động", cũng có khi là "bất hại", ở đây dịch là "bất tổn sinh" với nghĩa: tuyệt nhiên tránh gây thương tích cho bất cứ một sinh vật nào. Bất bạo động chỉ là một qui kết của Ahimsa. Vì không được làm tổn thương sinh mệnh nên cả khi phản kháng, ta cũng không được bạo động). Nhà tu hành Jain nào cũng phải thuộc nằm lòng năm lời nguyện sau đây: không giết bất kỳ sinh vật nào, không nói dối, không lấy một vật gì nếu không phải là vật tặng, giữ sự thanh khiết và từ chối mọi thú vui của xã hội bên ngoài. Họ cho cái thú vui của ngũ quan là một tội lỗi, lý tưởng phải đạt được là thản nhiên với vui-khổ, hoàn toàn không bị ngoại vật chi phối. Một tu sĩ Jain không được phép cày ruộng vì như vậy phải vỡ đất, giết các côn trùng có trong đất. Cũng không được uống mật, sợ làm hại đến đời sống của con ong, không được lọc nước để uống, sợ làm chết các sinh vật nhỏ li ti trong nước, đốt đèn thì phải che chung quanh ngọn đèn cho các loài sâu (như con thiêu thân) khỏi vô ý đụng vào lửa, và đi đâu thì phải quét sạch đất ở phía trước để khỏi dẫm nhầm lên các sinh vật. (...). Chỉ có mỗi một sinh mạng mà họ có quyền được diệt là sinh mạng của chính họ. Đạo của họ chấp nhận sự tự tử, đăc biệt là cách tuyệt thực để tự tử vì cách này tỏ rõ rằng tinh thần đã hoàn toàn thắng được cái ý chí mù quáng muốn sống. Một số lớn giáo đồ Jain chết theo cách đó và người ta nói hiện nay các trưởng phái còn tuyệt thực để được chết."
Tiếp theo, để "thấy" rõ hơn chút nữa quan niệm về thế giới của Kỳ Na Giáo, chúng ta "trưng ra" thêm vài vài giảng giải của nhà triết học Chandradhar Sharma, theo nhận thức của ông:
"Theo Kỳ Na Giáo, vật chất có vô số đặc tính và là đối tượng của sự sinh, diệt cũng như sự thường tồn. Toàn bộ Vũ Trụ tuân theo hai phạm trù có tính bất diệt, tự thân, vĩnh hằng và cùng tồn tại là Jiva và Ajiva. Jiva là tinh thần ý thức và Ajiva là không tinh thần không ý thức. Ajiva không chỉ bao gồm vật chất - gọi là "Pudgala", mà còn bao gồm không gian, sự vận động, trạng thái đứng yên và thời gian. (...).
(...)
Ý thức được xem là cốt lõi của linh hồn (chetanalaksanojivah). Mọi linh hồn từ thấp nhất đến cao nhất đều có ý thức. Cấp độ ý thức có thể thay đổi tùy theo mức độ (nặng nhẹ) của nghiệp (karma). Những linh hồn thấp nhất trong nguyên tử vật chất dường như vô thức và không có sự sống, nhưng thực ra ý thức và sự sống hiện diện trong chúng ở dạng tiềm ẩn. Ý thức thuần khiết nhất được tìm thấy trong những linh hồn siêu thoát, không còn vướng vào nghiệp. Tất cả mọi linh hồn đều có bản chất như nhau, "bên trong" sở hữu Niềm Tin Vô Hạn, Tri Thức Vô Hạn, Hạnh Phúc vô Hạn và Quyền Lực Vô Hạn. Một Jiva là một hiểu biết thực sự (jnata), một tác nhân thực sự (karta) và một kinh nghiệm thực sự (bhokta). Nó nằm trong Astikaya dravyas (thực thể có quảng tính (?), nghĩa là có các thành phần vật chất cấu tạo nên có tính chất mở rộng trong không gian), nhưng lại không mở rộng trong không gian như vật chất. Nó giống như ánh sáng. Ánh sáng thắp đầy không gian nơi nó được thắp lên và nhiều nguồn sáng có thể thắp lên ở cùng một chỗ, nhưng chúng không xung đột nhau. Tương tự, linh hồn lấp đầy không gian và nhiều linh hồn có thể cùng "có mặt" với nhau không xung khắc. Do bản thân không có hình dạng, linh hồn lấy hình dạng của thể xác mà nó thể hiện. Linh hồn con kiến cũng bé như con kiến, linh hồn con voi cũng to lớn như bản thân con voi vậy. Linh hồn tồn tại cùng vời thể xác. Mặc dù chúng ta thấy, linh hồn trong thế giới này theo cách nó thể hiện và sở hữu các giác quan. Các mana (ý, ý nghĩ) giúp linh hồn nhận thức, nhưng thật ra chính thể xác, giác quan và mana là những vật cản do nghiệp tạo nên, không để cho linh hồn có thể nhận thức trực tiếp. Tri thức không phải là tính chất của linh hồn mà là phần cốt lõi thiết yếu của nó. Do đó, mọi linh hồn có thể nhận biết mọi sự vật một cách trực tiếp và tức thời, nếu không bị vật chất cản trở. Giải thoát khỏi vật chất sẽ giúp linh hồn trở nên thông tuệ và siêu thoát.
(...)
Nghiệp là sợi dây liên kết linh hồn với thể xác. Sự thiếu hiểu biết về chân lý và bốn cảm xúc mạnh mẽ - giận dữ (krodha), tham lam (lobha), kiêu ngạo (mãna) và lừa dối (maaya), gọi chung là Kasaya, nghĩa là bản chất sân si do những thành phần nhỏ của nghiệp "kết dính" lại với nhau, hút dòng sắc nghiệp về phía linh hồn. Trạng thái khi những thành phần nhỏ của nghiệp xâm nhập vào linh hồn để trói buộc nó gọi là dòng chảy (asrava). Trạng thái khi những thành phần nhỏ này chiếm lấy linh hồn và trói buộc nó, gọi là sợi dây ràng buộc, hay sự trói buộc (bandha). (...). Trong trói buộc, sắc nghiệp và linh hồn xâm nhập vào nhau một cách mật thiết, như nước hòa với sữa, lửa kết hợp với quả cầu sắt nung đỏ. Vì lý do này, chúng ta thấy sự sống và ý thức ở mọi phần của thể xác. Nếu có được và thực hành được niềm tin, tri thức và phẩm hạnh đúng đắn, thì mới có thể chấm dứt được sự xâm chiếm của nghiệp. Trạng thái này gọi là ngăn chặn (samvara-điều cấm). Sau đó, phải làm cho cạn kiệt nghiệp có sẵn. Trạng thái này gọi là trút bỏ (nirjara). Khi thành phần nhỏ cuối cùng của nghiệp thoát ra khỏi linh hồn, thì sự kết hợp giữa linh hồn và vật chất bị tan rã hoàn toàn, và linh hồn sẽ lại chiếu sáng trong niềm tin, tri thức, niềm sung sướng tột cùng và quyền năng vô hạn như bản chất vốn có. Trạng thái này gọi là giải thoát (moksa), và linh hồn lúc này đã đạt đến sự thông tuệ (kevala-jnana). Linh hồn giải thoát vượt lên sự luân hồi (samsara) và tiến thẳng đến siddha-shila (đây là sự giải thoát ở mức độ cao nhất của Vũ Trụ và linh hồn đạt được tri thức cũng như hạnh phúc vĩnh hằng). (...). Như vậy, ta có thể xem giáo lý của Kỳ Na Giáo chủ yếu là giáo huấn đạo đức nhằm mục đích hoàn thiện linh hồn. (...).
Những đam mê (si) sẽ thu hút dòng chảy sắc nghiệp vào trong linh hồn. Và những đam mê này là do vô minh mà ra. Do đó, vô minh mới thực sự là nguyên nhân của sự trói buộc. (...). Vô minh chỉ có thể bị loại bỏ bằng tri thức. Như vậy, tri thức đứng đắn là "cửa mở" cho sự giải thoát. Tri thức đúng đắn này được tạo ra bởi niềm tin vào những giáo lý của các tu sĩ đã thông tuệ (tirthankara). Vì vậy niềm tin là rất cần thiết. Chỉ có phẩm hạnh đúng đắn mới hoàn thiện được tri thức, bởi vì lý thuyết không thực hành là trống rỗng và thực hành không có lý thuyết là mù quáng. Tri thức đúng đắn xuất hiện khi tất cả nghiệp (karma) bị tiêu diệt bởi phẩm hạnh đúng. Cuối cùng, niềm tin đúng đắn, phẩm hạnh đúng đắn và tri thức đúng đắn kết hợp lại làm hình thành nên con đường giải thoát. Niềm tin (samyak darshana), tri thức (jnana) và phẩm hạnh (charitra) đúng là ba viên ngọc (tri-ratna) của Kỳ Na Giáo. Chúng gắn bó với nhau và sự hoàn thiện của mỗi yếu tố gắn liền với đòi hỏi phải hoàn thiện hai yếu tố kia.
(...). Chỉ có năm bước rèn luyện tinh thần cơ bản trong Kỳ Na Giáo. Đối với các tu sĩ, các bước này phải được tuân thủ nghiêm ngặt, cứng rắn và khắt khe. Trong khi đó, với các tín đồ, chúng có phần nào được thực hiện linh động hơn. Năm lời thề của tầng lớp tăng lữ gọi là "lời thề cao cả" (maha-vrata), còn những lời thề của tín đồ là "lời thề bình thường" (anu-vrata). Những lời thề này là:
1- Ahimsa: không gây tổn thương trong suy nghĩ, lời nói hay việc làm, bao gồm cả việc kiêng cữ thụ động, tránh gây thương tổn thực sự cho bất kỳ chúng sinh nào, đồng thời là việc giúp đỡ nhiệt thành những sinh vật đau khổ.
2- Satya: đúng đắn trong suy nghĩ, lời nói hay hành động.
3- Asteya: không ăn cắp, tức là không lấy bất kỳ cái gì bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động mà không thuộc về mình.
4- Brahmacharya: kiêng cữ, tránh đam mê lạc thú qua suy nghĩ, lời nói hay hành động.
5- Aparigraha: quên mình, hy sinh bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động.
Đối với tu sĩ, những lời thề này phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đối với tín đồ, chúng có thể linh động và được nới lỏng. Ví dụ, brahmacharya chỉ hạn chế ở sự giản dị và Aparigraha chỉ là tùy lòng.
(...). Hơn nữa, mặc dù Kỳ Na Giáo phủ nhận Thượng Đế, nhưng nó không phủ nhận bản chất thiêng liêng của thánh thần. Mỗi linh hồn giải thoát là một vị thánh. Những tirthankara là những thể chất có sống có chết như chúng ta, nhưng đã đạt được sự giải thoát bằng những nỗ lực bản thân và luôn luôn ở đó cổ vũ chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể trở thành những jina ("người chiến thắng", đã thiền đạt đến giác ngộ, đã thoát nghiệp), vì việc gì con người làm được thì ta cũng làm được. Như vậy, với việc chối bỏ Thượng Đế, không cần đến một Thượng Đế để giải thích tạo hóa vì thế giới này chưa bao giờ được tạo ra cả, vì sự sinh ra, sự hủy diệt và sự thường hằng là đặc trưng cho tất cả vật chất, vì vạn vật có sinh thì có diệt tùy theo những dạng thức của chúng, Kỳ Na Giáo chính là một tôn giáo không có chỗ cho sự sùng bái, mong đợi sự cứu rỗi từ bên ngoài, chỉ xác định sự tự lực đốt cháy tất cả cảm xúc và ham muốn bằng ngọn lửa khổ hạnh nhằm giải thoát. Tuy nhiên trong thực tế, do sự yếu đuối của một con người không thể vượt lên trên cái logic nghiêm khắc đó và phần nào vẫn chịu ảnh hưởng của đạo Bàlamôn, giáo đồ Kỳ Na Giáo nói chung vẫn tôn sùng những Tirthankara, vẫn xây dựng những đền thờ, thần tượng để tôn thờ các vị thần của mình".
Rồi Chandradhar Sharma phê phán:
"Tinh thần được xem là sở hữu ý thức thuần túy, niềm hạnh phúc thuần túy, sức mạnh thuần túy và niềm tin thuần túy. Vật chất được xem là vô thức, không có sự sống và là một trở ngại nguy hiểm. Karma được giả định là sợi dây liên kết, gắn linh hồn với vật chất. Karma là do đam mê mà ra, đam mê là tại vô minh. Lúc này câu hỏi đặt ra là, làm thế nào linh hồn có ý thức, sức mạnh thuần túy lại có thể bị nhiễm vô minh, đam mê và karma? Các nhà Kỳ Na Giáo đã không có câu trả lời thực sự cho câu hỏi đó. Nếu vô minh và karma tách biệt khỏi linh hồn, thì không cần có sự giải thoát, vì nếu vô minh và karma nằm ngoài linh hồn, thì không thể có sự trói buộc. Mặt khác, Kỳ Na Giáo cho rằng, kinh nghiệm chỉ ra tinh thần và vật chất không bao giờ tồn tại như hai thực thể tách biệt, và với chúng ta, chúng luôn hiện diện như là chúng trộn lẫn vào nhau và tác động lẫn nhau. Vì vậy, sự kết hợp giữa tinh thần và vật chất được xem là vô thủy. Nhưng nếu tinh thần và vật chất thực sự bị cột chặt vào nhau một cách vô thủy, thì các nhà Kỳ Na Giáo sẽ phải từ bỏ mọi hy vọng giải thoát, vì cái gì là thực và vô thủy sẽ không bị tẩy trừ đi. Tại sao không thừa nhận một cách thẳng thắn rằng tất cả cả những điều này là do vô minh (avidya) vô thủy? Tại sao không xem tinh thần và vật chất là hai khía cạnh của cùng hiện thực, và cuối cùng sẽ vượt lên cả hai? Không ai phủ nhận tính tương đối và tính đa nguyên trong thế giới kinh nghiệm. Chỉ có một điều, tính tương đối và tính đa nguyên này không phải là chân lý cuối cùng. Nó có thể hiện hữu nhưng không thực. Nếu kevala-jnana (nghĩa trí-trí huệ, tạm hiểu tinh thần thông tuệ, thấu tỏ mọi sự) là một hiện thực, nếu bản chất vốn có của tinh thần là ý thức thuần túy và hạnh phúc thuần túy, nếu vô minh là nguồn gốc của sự trói buộc, nếu sự kết hợp của tinh thần và vật chất là vô thủy, nếu tính tương đối và tính đa nguyên là những điều cần thiết của cuộc sống kinh nghiệm, thì Kỳ Na Giáo cần phải chấp nhận cái tuyệt đối để tránh những mâu thuẫn".
Có phần tương tự, giáo sư Hiriyanna cũng phê phán:
"Đặc tính miễn cưỡng trong thẩm tra của giáo đồ Kỳ Na Giáo được thể hiện qua hình thức đánh giá bảy bước (syadvada, tạm hiểu như là một hệ thức luận về tính tương đối của sự cảm thức), chỉ dừng lại ở chỗ gom những quan điểm cục bộ lại với nhau, mà không cố gắng vượt qua sự đối nghịch trong chúng bằng một tổng hợp thích đáng. Lý do là vì, nếu đó không phải là thành kiến đối với thuyết tuyệt đối luận thì cũng là ý muốn bám chặt vào những niềm tin thông thường"
Súc tích hơn cả có lẽ là ý kiến phê phán của tiến sĩ triết học S. Radhakrishnan:
"Theo quan điểm của chúng tôi, logic của Kỳ Na Giáo dẫn dắt chúng ta đến chủ nghĩa duy tâm nhất nguyên, và khi giáo đồ Kỳ Na Giáo lưỡng lự với điều đó, họ biến thành những kẻ không trung thành với logic của chính mình...Lý thuyết về tính tương đối không thể được chấp nhận một cách có logic, nếu không có giả thuyết về một cái tuyệt đối. Lập luận logic của Kỳ Na Giáo không nhận ra nhu cầu giáo luật cơ bản này bởi vì nó quan niệm cục bộ cho toàn bộ chân lý. Những giáo đồ Kỳ Na Giáo không thể chứng minh một cách logic học thuyết đa nguyên luận".
Đành rằng quan niệm về thực tại (thế giới quan và nhân sinh quan) của Kỳ Na Giáo đã phạm sai lầm. Nhưng xét ở tầm rộng hơn, sự phạm sai lầm ấy không phải là riêng có của tôn giáo này mà có tính phổ biến trong suốt thời cổ đại, và thậm chí ở mức độ nào đó còn tồn tại đến ngày nay trong tất cả các niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo, chỉ có điều là hình thức thể hiện ra sao, nổi trội hay ẩn dấu như thế nào mà thôi. Có thể nói, nhận thức tự nhiên nói chung ở một thời đại phản ánh trình độ tri thức của loài người ở thời đại đó, và ngược lại, trình độ tri thức nói chung của một thời đại làm xuất hiện sự bảo thủ, gây ra những khống chế, ràng buộc, kìm hãm khả năng tăng tiến quan niệm về thực tại của loài người ở thời đại đó. Và chính sự "ngăn chặn" này, trước những đòi hỏi tất nhiên nảy sinh trong quá trình tiếp tục đi tìm hiểu thực tại khách quan của con người, đã tạo ra bức xúc có tính động lực dẫn đến bước nhảy (cách mạng) về nhận thức, đưa tri thức loài người lên tầm cao rộng mới, đúng đắn hơn, hoàn chỉnh hơn.
Công lao của triết học cổ điển Đức là đã "hun đúc" nên triết học duy vật biện chứng (triết học Mác về tự nhiên) với quan niệm "vô thần hóa" triệt để của nó. Xét về mặt nhận thức "tự nhiên thuần túy" (!!!) thì có một thời hầu như không có một phản biện triết học "đáng giá" nào (trừ một vài luận điểm phần nào có giá trị của Đuy-Rinh) đối với quan niệm (có vẻ đã rất khách quan và sáng tỏ) của nó, và do đó nói chung, nó đã từng và có lẽ vẫn đang đóng vai trò là tuyệt đỉnh trí tuệ loài người về nhận thức triết học tự nhiên, nhất là đối với những triết gia mác-xít. Tuy nhiên, theo chúng ta, nếu soi xét trên cơ sở những thành tựu tri thức mà vật lý học hiện đại đã đạt được cũng như đã nghiệm chứng, đồng thời dưới nhãn quan (tạm gọi là) "cảm tính trực giác và chiêm nghiệm bình dân truyền thống", thì triết học duy vật biện chứng đang ở trạng thái khủng hoảng sâu sắc ngay từ cái khái niệm "duy vật" của nó. Với quan niệm về tự nhiên của mình, dù chỉ ở mức độ định tính, triết học Mác không bao giờ có thể trả lời khúc chiết được bản chất của không gian và thời gian là gì, cũng như không thể giải thích tường minh được sự tồn tại của lượng tử năng lượng do M. Planck khám phá ra mà không làm xuất hiện mâu thuẫn logic nội tại nào. Tương tự như thế, nó đã không thể chỉ ra một cách khách quan và thực sự thuyết phục trước đại chúng rằng linh hồn tồn tại hay không tồn tại. Đó là chuyện bình thường trong lịch sử phát triển nhận thức của loài người. Điều đáng trách ở đây là nhiều nhà khoa học "thần phục" triết học Mác, đối diện với vấn đề nan giải đó, đáng lý ra nên bình tĩnh suy xét, nỗ lực tư duy sâu rộng hơn nữa thì trái lại, vì niềm tin vào quan niệm duy vật đã hóa thành một thứ tín ngưỡng của họ, và cũng để bảo vệ cái tín ngưỡng mà họ cho rằng "không thể sai" ấy, họ đã "kiên quyết" phủ nhận một cách cực đoan hầu như "sạch trơn" tính hiện thực của tồn tại tâm linh, nhất là hiện tượng có vai trò trung tâm, cơ bản của nó mà người ta thường quen gọi là "ngoại cảm". Một nhà khoa học, nhân danh khách quan nhằm bảo vệ chân lý khoa học mà trong thực tế lại hành động thiển cận, phản khoa học và nhất là lại còn dựa vào uy lực chính trị hòng "cả vú lấp miệng em", thì thật là tệ hại! Mở rộng ra, vật lý học hiện đại và cả toán học hiện đại cũng đang lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" chẳng khác gì mấy triết học duy vật biện chứng, nghĩa là chúng đang đứng trước một thực tại (được cho là) khách quan do chúng "sao chép" một cách chủ quan từ thực tại khách quan đích thực theo cách hiểu của chúng, đã nảy sinh những vấn đề triết lý vượt tầm khả năng "chinh phục" của chúng. Chúng ta cho rằng tri thức hiện nay về thực tại khách quan của loài người (triết học- khoa học tự nhiên...) đã và đang bộc lộ ngày càng rõ ràng nhiều mâu thuẫn nội tại gay gắt mà bản thân nó, với "tầm vóc" đang có, không thể tự "vượt thoát" được và đó phải chăng là điều chỉ thị rằng, nó đã đến gần kề một cuộc cách mạng mới về nhận thức tự nhiên để có được bước nhảy đột biến? Điểm yếu cơ bản nhất mà cũng dễ thấy nhất của tri thức ngày nay là "trong tầm quan niệm" của nó, loài người không có cách nào minh định tường tận để dứt khoát khẳng định hoặc phủ định được rằng, linh hồn là một thực tại khách quan hay chỉ là ảo tượng chủ quan, là thực thể hay phi thực thể.
Một cách hình tượng, có thể hình dung trình độ nhận thức triết-khoa về tự nhiên của loài người hiện nay như là một Vũ Trụ Big Bang đã bị "biệt giam" tuyệt đối "ở bên này" "bức tường Planck", với bên kia bức tường đó là hư vô tuyệt đối, bởi vì không có cả không gian lẫn thời gian, nghĩa là không thể có bất cứ thứ gì "thò mũi" sang đó để "ngửi" được, và như thế, sự "bất khả tri" về thế giới có "nguy cơ" là một hiện thực không thể chối cãi-cái hiện thực mà suy tư triết học không bao giờ chấp nhận được nếu không thừa nhận sự tồn tại một tinh thần tối cao phi vật chất như Heghen từng quan niệm. Trong tình hình còn không ít "hoang mang" như thế và trên bình diện nhận thức triết học còn chưa dứt khoát được như thế, tất nhiên những phê phán nêu trên về sự sai lầm trong quan niệm thế giới của Kỳ Na Giáo, nếu có đúng thì cũng chỉ đúng ở mức độ qui ước nào đó chứ chưa đích đáng. Hơn nữa, trong quan niệm sai lầm về thế giới của Kỳ Na Giáo không phải không có phần đúng, phần hợp lý, nghĩa là có thể cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai lầm ấy phần lớn là do sự phiến diện, chưa đầy đủ trong nhìn nhận và suy xét bởi hạn chế của tri thức thời đại chứ không hẳn là do duy ý chí, "ngược ngạo" chủ quan (nhằm thỏa mãn ý đồ phụng sự tôn giáo riêng tư).
Như chúng ta đã nói, nếu qui ước lấy Bàlamôn Giáo làm chuẩn mốc so sánh thì có thể cho rằng hệ tư tưởng duy vật của trường phái triết học Charvaka và giáo lý Kỳ Na Giáo là hai quan niệm tương phản nhau về thế giới. Trong khi Charvaka cho rằng:
-Trực giác là cách duy nhất tiếp cận chân lý, chỉ có thực nghiệm mới xác nhận được sự thật (thực chứng!).
-Mọi thực thể đều do vật chất (gồm đất, nước, lửa, không khí) kết thành. Linh hồn (ý thức) chỉ là hình thức thể hiện vận động của thể xác. Không có linh hồn tồn tại độc lập ngoài thể xác.
-Không có thần thánh, mọi tồn tại, biến hóa trong Vũ Trụ đều là tự nhiên. Niềm vui là mục đích duy nhất của cuộc sống, chết là hết, không có chuyện luân hồi nghiệp báo.
-Bản thân cái chết là sự giải thoát, tu tập (tạm hiểu đại khái là tu nhân tích đức để dược hưởng phúc!) là vô nghĩa,
Thì Kỳ Na Giáo lại cho rằng:
-Trực giác là phiến diện, không thể tiếp cận chân lý, chỉ qua bước đường (trực tiếp?) chiêm nghiệm tâm linh mới giác ngộ được thế giới chân thực.
-Bản chất thế giới là nhị nguyên, thực thể bao gồm vật chất và ý thức. Có linh hồn tồi tại ngoài thể xác
-Không có "nguyên nhân tối hậu" (Thượng Đế) về sự tồn tại Vũ Trụ, có quá trình luân hồi nghiệp báo, sống nhằm hưởng lạc là tội lỗi.
-Chết là sự thoát xác tạm thời của linh hồn trên bước đường tự giải thoát khỏi vô minh, hướng tới "cuộc giải thoát cuối cùng", vượt ra khỏi vòng luân hồi nghiệp báo để trở thành thượng đẳng linh hồn (arhat) với tri thức tuyệt đối và hạnh phúc vĩnh hằng.
Theo chúng ta hiểu (võ đoán!) thì sự xuất hiện (trước là) Charvaka và (cũng có phần vì thế (?) mà tiếp theo là) Kỳ Na Giáo có nguyên nhân trực tiếp từ tình trạng hiện tượng đối xử bất công đã trở nên phổ biến, mâu thuẫn giàu-nghèo đã ở mức căng thẳng, gay gắt trong xã hội Ấn Độ cổ đại, và đều bắt đầu là những ý kiến bất mãn, phản kháng chế độ đẳng cấp được dung túng một cách thiên vị bởi những thuyết giáo phủ dụ và cả hăm dọa của giới tăng lữ Bàlamôn. Tuy nhiên, nếu như Charvaka có nguồn gốc (chủ yếu) xuất phát từ sự bị bần cùng hóa (về vật chất) trong tầng lớp bình dân thì Kỳ Na Giáo có nguồn gốc (chủ yếu) xuất phát từ sự bị bi đát hóa (về tinh thần) trong tầng lớp hiệp sĩ. Chính vì sự khác nhau về nguồn gốc xuất thân như thế mà dù hai hệ thống tư tưởng đều ẩn chứa nỗi bất mãn cái xã hội đương thời đã sinh ra chúng, song nỗi bất mãn của chúng là khác nhau, dẫn đến hai cách lý giải xã hội-nhân sinh khác nhau, có tính tương phản nhau, đại loại, một đàng duy vật-thực dụng, một đàng duy tâm-ảo tưởng. Cần thấy rằng, thành kiến lý luận về xã hội-nhân sinh của Charvaka hay của Kỳ Na Giáo không phải là kết quả của sự nghĩ ngợi viển vông vô căn cứ theo ý thích thuần túy chủ quan, mà là kết quả của suy tư, nhận định chủ quan rút ra được từ quá trình quan sát hiện thực khách quan đương thời, trên cơ sở tiếp thu có phê phán những quan niệm về tự nhiên-xã hội đã từng được thừa nhận trong quá khứ, đồng thời cũng trên tinh thần đó mà xây dựng hoàn chỉnh thành một hệ tư tưởng mới nhằm giải thích thế giới. Cho nên có thể nói, hai hệ thống tư tưởng Charvaka và Kỳ Na Giáo đều là sự phản ánh của tư duy con người về hiện thực khách quan, nhưng từ hai góc độ quan sát, hai cách nhìn nhận (lập trường) khác nhau, tương phản nhau. Cũng do đó mà trong mỗi hệ tư tưởng, dù quan niệm về thế giới còn ấu trĩ, thiển cận và lệch lạc thì không phải vì thế mà không hàm chứa ở chừng mực nhất định sự thực khách quan. Chẳng hạn, về vấn đề khả năng nhận thức chân lý (sự thực khách quan), cả Charvaka lẫn Kỳ Na Giáo đều bác bỏ con đường tiếp cận sự thực khách quan thông qua suy lý. Sự bác bỏ đó có đúng không? Trên bình diện tri thức ngày nay, hầu như ai cũng chọn câu trả lời phủ định. Nhưng nếu bình tâm và "thả" cho tâm hồn lãng mạn một chút (!) thì chúng ta sẽ thấy câu trả lời phủ định khó lòng mà "đứng vững" được. Chắc chắn rằng không có suy lý sẽ không có toán học- một trong ba ngành cơ bản (toán, lý, hóa) của khoa học tự nhiên làm nên văn minh loài người. Nhưng nếu chỉ bằng tưởng tượng và suy lý thuần túy thôi thì lại sẽ không có vật lý học và hóa học. Trong lôgic học có rất nhiều câu chuyện lý thú chỉ ra sự bất toàn của khái niệm và nhiều trường hợp về sự bất định chân lý của suy lý dù quá trình suy lý không phạm vào bất cứ sai lầm lôgic nào. Nhất là về Phương Đông nghe các "bác" thiền học giảng giải thì lại càng hoang mang hơn nữa...
Chúng ta khẳng định: không có cảm giác trực giác thì không có thế giới sinh vật, và không có tư duy trừu tượng thì không có con người để mà tìm hiểu, nhận thức thực tại khách quan, nói cách khác, sinh vật phát hiện được, phân biệt được sự hiện hữu, vận động của các sự vật-hiện tượng ở xung quanh là nhờ vào cảm giác, còn con người, trên cơ sở cảm giác, thông qua quá trình tư duy trừu tượng, nghĩa là bằng bước đi tiền đề từ cảm giác đến tư duy trừu tượng, và cũng chỉ nhờ hướng đi duy nhất ấy, không những có khả năng nhận biết được ngày một sâu rộng sự tồn tại của thế giới vạn vật-hiện tượng xung quanh và cả của bản thân mình, mà còn có khả năng nhận thức được nguyên nhân của sự tồn tại đầy biến động ấy, cũng như có khả năng nhận thức đến cùng cực bản chất tối hậu của Vũ Trụ. (Nói thêm, có thể suy đoán rằng, cơ chế vận động cốt lõi của cảm giác sinh vật là cơ chế vận động của hiện tượng cảm ứng điện từ (hoặc nếu không, cũng phải là hiện tượng có bản chất tương tự, thậm chí là hiện tượng "tiền thân" nào đó mà con người chưa xác định được của hiện tượng cảm ứng điện từ), mặt khác, dạng cội rễ sơ khai, hay cũng có thể gọi là tiền thân của mọi cảm giác sinh vật, (tạm đặt tên, tạm gọi thôi!) chính là "trực-xúc giác" mà (cũng tạm) gọi tắt là "giác" của vật vô cảm (không phải sinh vật). Chúng ta vẫn quan niệm vật không phải sinh vật là vật "vô tri vô giác". Nếu theo cách hiểu ở đây thì quan niệm như thế là sai. Không phải sinh vật thì chỉ có thể là vật vô cảm- vô tri, vì trong Vũ Trụ không thể có vật vô giác. Một lượng nước có thể không "cảm" được nóng-lạnh nhưng vẫn "giác" được sự biến đổi nhiệt độ, vì nếu không thế, lượng nước đó không thể đóng băng hay tan chảy được. Một thanh sắt chắc chắn không "cảm" được đau đớn, nhưng sẽ không bao giờ biến dạng cơ học được nếu không "giác" được lực tác động vào nó. Vậy giác và cảm giác khác nhau chỗ nào? Nói ngắn gọn nên cũng chỉ là đại khái và tương đối: giác làm xuất hiện (những) phản ứng hoàn toàn mang tính thụ động, tiêu cực, không phân biệt được lợi hại, nhằm "cố thủ" của một vật vô tri vô cảm trước nguy cơ bị "tước đoạt" sự tồn tại của nó, còn cảm giác làm xuất hiện (những) phản ứng đã ít nhiều mang tính chủ động, tích cực, phân biệt được lợi hại, nhằm "tự vệ", duy trì sống còn của một sinh vật trước (những) tác động từ môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống của nó. Từ đó cũng có thể nhận xét rằng, cảm giác trực giác có tính tự giác (tính tỉnh thức). Tính tự giác này là biểu hiện của cái gọi là "vận động thần kinh" trong nội tại sinh vật, còn giác thì tuyệt nhiên không có tính tự giác mà chỉ có tính tự phát (tính mù quáng). Quá trình đấu tranh sinh tồn thúc đẩy sự tiến hóa thích nghi sinh vật, trong đó có khâu quan trọng là làm xuất hiện những giống loài mới không những được tăng cường khả năng cảm giác nói chung, mà còn được sở hữu một vài cảm giác đạt đến trình độ siêu việt theo một hay vài định hướng "được lựa chọn" cụ thể nào đó. Bước đi song hành với quá trình tăng cường khả năng cảm giác nhưng đóng vai trò tiền đề cho quá trình đó là quá trình kiện toàn cơ cấu vận động thần kinh, làm xuất hiện hệ thống thần kinh hoạt động phối hợp nhất quán, nhịp nhàng trên cơ sở điều hành chung bởi một cơ quan trung tâm gọi là bộ não. Nhờ có bộ não mà xuất hiện dạng hoạt động thần kinh gọi là "sự hồi ức" (nhớ, nhớ lại), và đặc biệt là với bắt đầu từ sự hồi ức, cũng xuất hiện thêm một phương thức hoạt động thần kinh có tính siêu việt, đó là tư duy trừu tượng. Có thể nói, sự xuất hiện hồi ức là mốc đánh dấu bước phát triển mang tính đột biến về khả năng cảm giác, đó là ngoài cảm giác trực giác đóng vai trò nền tảng, sinh vật biết hồi ức còn có thêm loại cảm giác tạm gọi là cảm giác gián giác. Cảm giác gián giác, hình thành trên cơ sở cảm giác trực giác kết hợp với hồi ức, thăng hoa nhờ tư duy trừu tượng và thông qua tư duy trừu tượng mà tăng cường phát huy tác dụng, đã làm cho trình độ cảm giác đạt đến mức siêu phàm, thậm chí nhiều khi là huyền linh (chưa nhận thức được!), do đó cũng mang nét đặc thù, coi như chỉ ở loài người mới có. Nhưng giác từ đâu mà có? Hiện nay chắc là chẳng ai thừa nhận, nhưng trong tương lai sẽ phải thừa nhận sự thật này: Vũ Trụ có bản chất "hai mặt", hay như chúng ta đã từng nêu ra, Vũ Trụ có tính (thể hiện) "nước đôi", là thế này mà cũng là thế kia, liên tục mà cũng rời rạc, vô hạn mà cũng hữu hạn, hữu hạn trong tình thế vô hạn và vô hạn trong tình thế hữu hạn... Mặt khác, chúng ta cũng đã quan niệm, thực thể là một tồn tại, mà tồn tại, xét trên phương diện tuyệt đối thì tất yếu phải thể hiện. Toàn thể tồn tại thể hiện theo cách tồn tại (hay tập hợp tồn tại) nào cũng khẳng định sự tồn tại của nó trước những tồn tại (hay tập hợp tồn tại) xung quanh nó, và vì bị khống chế bởi tính hữu hạn của Vũ Trụ về cách thức thể hiện tồn tại cho nên tồn tại (hay tập hợp tồn tại) nào cũng đồng thời trong tình thế bị những tồn tại (hay tập hợp tồn tại) xung quanh nó (có xu hướng) phủ định nó, nghĩa là chúng vừa khẳng định vừa phủ định sự hiện diện của lẫn nhau. Đó được coi như là nguyên nhân tự nhiên và sâu xa làm xuất hiện giác ở mỗi tồn tại, hay cũng có thể nói giác là đặc tính vốn dĩ của tồn tại. Sự tất yếu thể hiện đồng thời của toàn thể tồn tại theo cách cũng tất yếu như thế, với sự có mặt của giác và thông qua giác, đã tạo ra hoạt cảnh chuyển hóa và biến đổi tồn tại một cách toàn diện, liên tục, không ngừng, vô thủy vô chung, từ cùng cực tổng thể Vũ Trụ vĩ mô đến tuyệt tận đơn thể Vũ Trụ vi mô, mà loài người hiện nay đã phần nào quan chiêm-nhận thức được, và từ đó cũng đã xây dựng nên quan niệm dưới tên gọi "vật chất và vận động vật chất" (tương đối có lý nhưng chưa đích đáng!) về thực tại khách quan. Nếu tiếp tục suy xét, còn có thể dễ dàng đi đến nhận định rằng, tính tất yếu thể hiện và tính hữu hạn về cách thức thể hiện của tồn tại, cũng như sự giác tất yếu, vốn có ở mỗi tồn tại, được coi là những yếu tố tự nhiên hợp thành giềng mối của (ít ra là) hai nguyên lý cơ bản thuộc hàng phổ quát nhất của Tự Nhiên Tồn Tại, đó là nguyên lý tương tác (định luật tác dụng tương hỗ của Niutơn chính là một biểu hiện đặc thù của nguyên lý này) và nguyên lý nhân-quả (nhờ có nguyên lý này mà loài người ngày nay mới có cơ may "làm nên lịch sử" của một quá trình tồn tại vận động (thậm chí của cả Vũ Trụ) và hơn nữa, tùy thuộc trình độ cũng như năng lực nhận thức của mình, còn dự đoán đúng được đến chừng mực nhất định tiến trình chuyển hóa-biến đổi tự nhiên trong tương lai của một sự vật-hiện tượng nào đó mà họ chú tâm nghiên cứu). Mặt khác, có thể coi hai nguyên lý đó là hai hệ quả trực tiếp đều được "rút ra" từ nguyên lý Tự Nhiên nếu thừa nhận nguyên lý này có tính tiên đề duy nhất, tối thượng, là nguyên lý cội nguồn của mọi nguyên lý, mọi qui luật-định luật có thể có của Vũ Trụ, trong Vũ Trụ.).
Tăng cường khả năng cảm giác đối với sự tác động của môi trường sinh thái là yêu cầu tự nhiên nảy sinh trong quá trình đấu tranh sinh tồn. Yêu cầu tự nhiên đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa nhất làm xuất hiện sự tư duy trừu tượng trong thế giới sinh vật. Ở giống loài đã được "trang bị" tư duy trừu tượng thì yêu cầu tự nhiên về tăng cường khả năng cảm giác dần được "nâng cấp", chuyển hóa thành đòi hỏi chủ quan tích cực tăng cường khả năng nhận thức thế giới. Bước đi tiền đề từ cảm giác trực giác đến tư duy trừu tượng cũng chính là bước đi tạo cửa mở cho tiến trình nhận thức thế giới dài lâu, đầy khúc khuỷu quanh co nên cũng nhiều gian truân cay đắng, nhưng tuyệt đỉnh tự hào của loài người, mà ở lĩnh vực cảm thụ nghệ thuật, đó chính là thiên anh hùng ca bi tráng, hào sảng và vĩ đại nhất mà loài người tạo tác nên được! Trên cơ sở cảm giác, tư duy trừu tượng làm xuất hiện ý niệm, rồi đến khái niệm và cuối cùng là hệ thống khái niệm-quan niệm. (Bàn thêm: hệ thống khái niệm thuở sơ khai, khi nhận thức của con người về hiện thực khách quan còn nông cạn, thì chưa có...tính hệ thống, mà chỉ là một tập hợp đơn giản, rời rạc các khái niệm. Tập hợp các khái niệm sẽ ngày càng được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện và đồng thời cũng thể hiện ra ngày càng rõ rệt tính hệ thống (tính quan hệ, liên kết gắn bó nội tại, tính phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các khái niệm) của nó theo cùng với tiến trình nhận thức ngày càng sâu rộng, ngày càng được nâng cao về trình độ). Về mặt hình thức, khái niệm là do chủ quan con người sáng tạo ra, còn về mặt nội dung, khái niệm là kết quả phản ánh về thế giới khách quan của tư duy trừu tượng mà nó cảm giác được. Do đó, sự hình thành nên hệ thống khái niệm-quan niệm là trực tiếp nhờ nhân tạo tự phát, nhưng lại có tính tự nhiên, coi như được khởi phát từ tính thống nhất của thế giới khách quan, và bản thân hệ thống khái niệm-quan niệm chính là "mô hình" thế giới khách quan được "xây đắp" nên bởi tư duy trừu tượng theo cách sáng tạo chủ quan, riêng có của nó. Cho đến tận ngày nay, hình như chưa có ai ý thức thực sự được sự tồn tại "tự thân" của hệ thống khái niệm-quan niệm này của loài người. Theo chúng ta, hệ thống này ngày nay đã có qui mô cực kỳ to lớn (nhưng vẫn chưa hoàn hảo, thậm chí là còn không ít những thừa, thiếu, lầm lạc!), mà cốt lõi của nó là sự hợp thành thống nhất hữu cơ của ba ngành khoa học cơ bản gồm triết học, toán học, vật lý học).
Như vậy, có cảm giác trực giác thôi chưa đủ, phải có thêm tư duy trừu tượng nữa mới đủ điều kiện tiền đề làm nảy sinh ra sự nhận thức. Giả sử có một đứa bé được sinh ra trong rừng sâu. Đây là khu rừng hoàn toàn tách biệt với xã hội loài người. Sau khi sinh con thì người mẹ chết, đứa bé may mắn được một con sói cái nhận nuôi và từ đó lớn lên thành người giữa bầy sói. Hỏi: người đó có nhận thức gì không dù được sinh ra trong thế kỷ XXI, có đủ năm giác quan và bộ não có khả năng tư duy trừu tượng? Trước hết, dễ dàng hình dung là người đó, do bị cách ly tuyệt đối khỏi con người và xã hội hiện đại, nên dù được sinh ra trong thời này, thì cũng chẳng khác gì mấy so với được sinh ra vào thời tối cổ, khi con người còn chưa biết đến ngôn ngữ. Chưa có ngôn ngữ thì chưa thể có khái niệm, mà chỉ có ý niệm trong một phạm vi hạn chế nào đó và cũng mới ở dạng "biểu tượng câm nín, vô danh" nhờ sự hồi ức. Điều đó cho thấy, dù bộ não đã có khả năng tư duy trừu tượng cao độ của con người hiện đại nhưng trong điều kiên bị cách ly tuyệt đối như trên thì khả năng ấy bị "mai một" đi và chỉ còn tương đương với trình độ tư duy trừu tượng của con người tối cổ, thậm chí của dạng người vượn-tiền thân loài người. Mới có ý niệm "câm nín" thì cũng chỉ có ý thức "câm nín". Nếu quan niệm rằng ý thức "câm nín" là ý thức dạng sơ khai và ý thức là nhận thức sơ khai thì coi như ý thức "câm nín" chưa phải là nhận thức mà mới là dạng tiền thân của nhận thức, nghĩa là người sống giữa bầy sói đó chưa biết nhận thức. Lại giả sử rằng người đó lần đầu tiên theo bầy sói lội qua một con suối và suýt chết đuối khi gặp phải một vùng nước sâu. Cảm giác suýt chết ngạt đó trở thành ý niệm "câm nín" lưu nhớ trong não người đó. Lần sau, trước khi phải lội qua đoạn suối cũ (hoặc tương tự), nhờ hồi ức mà cảnh suýt chết ngạt lần trước hiện ra trong não như một báo động, kích thích gây ra cho người đó một thứ mà chúng ta đã gọi là cảm giác gián giác (hay ý thức "câm nín") về cái gì đó đe dọa đến cuộc sống (sự nguy hiểm), và làm người đó "lưỡng lự tìm cách" lội qua (sự liên tưởng). Chúng ta gọi hoạt động của bộ não kiểu như thế là "nghĩ", và cho rằng các cá thể động vật có hệ thần kinh bậc cao (có bộ não), tùy vào mức độ tiến hóa, ít nhiều gì cũng đều biết nghĩ. Nghĩ chính là hồi ức, liên tưởng và định hướng cho hành động mới, do đó, trong nghĩ đã vốn dĩ hàm chứa hình thức vận động tinh thần gọi là "suy" (ước đoán, suy tưởng, suy đoán, suy diễn...). Dù biết nghĩ thì loài vật chỉ nghĩ được một cách manh mún, nhạt nhòa, ít suy cho nên cũng có tính trì độn, lề mề, hiệu quả thấp. Ở loài người, vì khả năng tư duy trừu tượng hoàn thiện hơn hẳn (sự suy tưởng mạnh mẽ hơn hẳn) nên sự nghĩ có hệ thống hơn hẳn, sâu sắc hơn hẳn, do đó cũng sáng suốt hơn hẳn, nhanh hơn hẳn và hiệu quả hơn hẳn ở loài vật. Nếu khẳng định chỉ con người mới biết suy nghĩ, còn con vật thì không, thì kể ra cũng đúng, nhưng tương đối thôi!
Vậy, dù đủ điều kiện tiền đề làm nảy sinh ra sự nhận thức thì sự nhận thức vẫn chưa thể triển khai được trong hiện thực, bởi vì vẫn còn thiếu một phương tiện vô cùng trọng yếu, có tính quyết định, đó là tập hợp ý niệm-khái niệm, thứ đồng thời cũng là hình thái đầu tiên của ngôn ngữ. Có thể nói rằng, khi ý niệm "câm nín" thốt nên lời thành ý niệm để từ đó khai hoa nở nhụy, đơm bông kết trái những khái niệm, thì cũng là lúc bắt đầu quá trình nhận thức dài lâu ở loài người. Rốt cuộc, con người không thể nhận thức được nếu không có hệ thống khái niệm, và hơn nữa, chỉ có cách duy nhất là thông qua hệ thống khái niệm mà nhận thức thế giới khách quan. Cũng do đó, xét cho đến cùng, loài người chỉ có khả năng xây dựng mô hình thế giới khách quan trên cơ sở khái niệm, bằng khái niệm, theo cách nhìn nhận và qui ước chủ quan của mình, trái lại, một con người, muốn tìm hiểu thế giới khách quan, trước hết phải học hỏi để nắm bắt khái niệm (kế thừa), rồi sau đó mới có thể thông qua mô hình đó mà nhận biết thực tại (tri thức), và nếu có khả năng thì góp ý nhằm hoàn chỉnh mô hình ấy (sáng tạo). Mặt khác, như đã trình bày, một hướng quan trọng có tính tất nhiên của quá trình tăng cường khả năng cảm giác sinh vật là làm xuất hiện "nghĩ"- một cách thức hoạt động thần kinh- để có thêm loại hình cảm giác nữa là cảm giác gián giác. Có thể nói, cảm giác gián giác là cảm giác trực giác đã được trừu tượng hóa và là kết quả của nghĩ (hồi tưởng, liên tưởng) và suy (suy tưởng). Nghĩ và suy là hai vận động của một hoạt động thần kinh thống nhất không thể tách rời nhau, là sự khẳng định tồn tại của nhau (mà nghĩ đóng vai trò tiền đề), chuyển hóa lẫn nhau, trong nghĩ có suy, trong suy có nghĩ, hay nói cách khác, trong nghĩ đơn thuần đã có mầm mống của suy và đặc tính vốn dĩ, mặc định của suy là nghĩ. Điều chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là, không có suy sẽ không có ý thức, mặt khác, suy được coi là dạng tiền thân của suy lý và chuyển hóa thành suy lý trong quá trình nhận thức nhằm tăng cường và nâng cao nhận thức. Tóm lại, dù thế giới khách quan "sờ sờ" ra đó, dù năm giác quan của chúng ta lúc nào cũng tiếp xúc trực tiếp với nó, nghĩa là dù cả đời chúng ta luôn lặn hụp trong nó, hơn nữa, là bộ phận của nó, thì chúng ta cũng không bao giờ biết được thực chất nó là cái gì, như thế nào, nếu chỉ có trực giác. Nói khác đi, con người không thể nhận thức được bản chất của thế giới khách quan bằng cách trực tiếp nhờ cảm giác, mà chỉ có thể bằng cách gián tiếp, thông qua khái niệm và phải nhờ suy lý.
(Còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét