THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 12/e
THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG
ĐẠI CHÚNG
____________________________
(Tiếp theo TT&HĐ 12/d)
Ý niệm khoái lạc chắc chắn đã xuất hiện từ rất lâu trước khi hình
thành lối sống quần cư xã hội. Còn ý niệm đạo đức chỉ có thể xuất hiện
trong quá trình phân liệt dân cư xã hội thành những bộ phận, tầng lớp
mâu thuẫn nhau về quyền lợi (ở đây, tạm hiểu mâu thuẫn là sự tương phản
có tính đối kháng "gay gắt", hàm chứa sự bất công) dẫn đến những hiện
tượng tranh chấp, "đấu đá", cưỡng đoạt, giết chóc lẫn nhau xảy ra ngày
một phổ biến, với qui mô ngày càng lớn. Nói cách khác, khái niệm và
chuẩn mực đạo đức được hình thành và xác lập như một tồn tại tinh thần
sinh động trong tiến trình xuất hiện và vận động xã hội về phương diện
làm phân liệt và phân liệt ngày một sâu sắc nội tại xã hội. Bắt đầu là
lối sống quần cư "rời rạc", lấy trồng trọt-chăn nuôi mang tính đa canh
nông nghiệp nhằm tự cung tự cấp làm phương kế mưu sinh chủ yếu, rồi sau
đó, sự tăng tiến về trình độ sống (chủ yếu là trình độ tiêu dùng, trong
đó có qui mô nhu cầu tiêu dùng cả về chất và lượng, cả về vật chất lẫn
tinh thần, cả về thực phẩm lẫn phi thực phẩm) "vấp phải" những tác động
nảy sinh một cách khách quan lẫn chủ quan, gây cản trở, ngăn chặn sự
tăng tiến ấy, đã tạo tiền đề cho lối sống quần cư xã hội - tức là sự
quần cư mà trong nội tại nó đã thể hiện ở mức độ rõ rệt nhất định sự gắn
kết, liên kết, ràng buộc, ảnh hưởng một cách tương đối phụ thuộc lẫn
nhau trong hoạt động sống giữa các cá thể, các bộ phận nhân sinh hợp
thành quần cư - ra đời (mà trong hiện thực, có thể thấy đây cũng là quá
trình làm sự trao đổi vật phẩm có được từ thành quả lao động trở nên phổ
biến, dẫn đến xuất hiện nền kinh tế hàng hóa). Sự xuất hiện những mối
quan hệ tương tác giữa các cá thể, bộ phận hợp thành theo hướng thống
nhất hóa, đồng bộ hóa vận động nội tại trong lối sống quần cư sinh vật
là có tính tự nhiên, được "hối thúc" bởi "đòi hỏi" đảm bảo cũng như tăng
cường khả năng sống còn, và nếu có thể gọi lối sống quần cư ở những
giống loài không có tư duy trừu tượng là "quần cư cộng sinh thụ động,
thuần bản năng" thì cũng có thể gọi lối sống quần cư ở loài có tư duy
trừu tượng, tức loài người, là "quần cư cộng sinh chủ động, có ý chí"
hay gọn hơn: "quần cư xã hội". Như vậy, mục đích đầu tiên và cũng hoàn
toàn tự nhiên của lối sống xã hội là tạo điều kiện cho mọi cá nhân, mọi
thực thể nhân sinh hợp thành xã hội có thể quan hệ với nhau theo định
hướng hợp tác, tương trợ, liên kết, phối hợp hành động...ở những mức độ
nhất định, tùy thuộc vào hiện thực xã hội trong quá trình vận động tiến
triển của nó, qua đó mà (coi như) ở mỗi cá nhân, mỗi thực thể nhân sinh
tự thân củng cố được năng lực mưu sinh, không những đảm bảo được sống
còn, mà còn có khả năng đạt được sống còn trong no đủ, sung túc, an vui,
cũng có nghĩa là được sống một cuộc sống làm ăn yên ổn, thỏa mãn, hưởng
lạc, và như thế, ở tầm rộng lớn nhất, đồng thời cũng làm cho xã hội
hướng tới thành một thực thể quần tụ dân cư đoàn kết nhất trí, đồng tâm
hiệp lực, chủ động chống lại những tác động bất lợi có tính "ngoại xâm"
đến từ môi trường (thiên tai, địch họa) trong vận động sinh tồn, duy trì
tồn tại của nó. Tuy nhiên, như đã trình bày, vận động xã hội một cách
tự nhiên (dù có sự "góp phần" của nhân tạo thì cũng vẫn là tự nhiên!!!)
theo tiến trình kế tiếp nhau giữa hai trạng thái thịnh và suy, nhất là
trong suốt thời kỳ mà loài người chưa nhận thức sáng tỏ được thân phận
mình, cũng đồng thời làm xuất hiện ngay "trong lòng" xã hội những tác
động trái ngược có nguyên nhân từ cả khách quan lẫn chủ quan (cũng tự
nhiên nốt!), mà trong hiện thực thì "được thấy" chính là sự xuất hiện
"thằng cha" tham-sân-si và những "thành quả" trực tiếp có từ sự kích
động, hối thúc, "xúi dục" của "thằng cha" có tính thèm muốn "ác nghiệt"
này (chân dung của "nó" giống như mặt trái của tấm huân chương "tư duy
trừu tượng", có vẻ xấu xí, thấp hèn bởi bị "vòng kim cô" mê quáng đượm
nét điên rồ chế ngự!), luôn cản trở, "phá hoại" việc thực hiện đạt tới
mục đích tự nhiên (hồn nhiên) đầu tiên ấy của sự tồn tại xã hội... Đến
đây, đã có thể tạm kết luận rằng, sự "có mặt" và "góp phần" thường trực
của tư duy trừu tượng trong suốt tiến trình trường kỳ thịnh-suy xã hội,
cùng với sự đồng thời tác dụng trở lại tư duy trừu tượng của tiến trình
ấy, đã làm cho cuộc vận động nội tại xã hội mang thêm tính thi đua, cạnh
tranh, đấu tranh nội bộ, nghĩa là "bên cạnh" những tác động gắn kết,
thống nhất xã hội nhằm đạt đến mục đích tự nhiên đầu tiên, gọi là
"thuận", cũng tồn tại những tác động chia rẽ, phân ly xã hội, tương phản
với "thuận", gọi là "nghịch". Điều "thú vị" và cũng nên nhấn mạnh ở
đây: vì duy trì sống còn bản thân là mục đích đầu tiên cũng như tối hậu
đối với hoạt động tự nhiên của mọi sinh vật, cho nên, dù những tác động
nghịch có chiều hướng "chống phá" sự đoàn kết, thống nhất của nội tại xã
hội thì đó không phải là chủ đích thực sự của những chủ thể tạo ra
những tác động nghịch, và mặt khác, sự "chống phá" gây phân rã xã hội
(một cách vô ý thức) của họ cũng không thể vượt quá mức độ hạn định nào
đó để có thể làm tiêu vong xã hội - cái thực thể mà sự tồn tại của nó
đều tối cần thiết cho việc sống còn của cả hai "phe" tác động thuận và
nghịch. Vậy, chuẩn mực đạo đức là một qui ước xã hội, có tính định tính, có mối quan hệ chặt chẽ tới lẽ sống còn, tới tồn vong xã hội. Người có đạo đức là người phụng sự sống còn, sự tồn tại xã hội. Ngược lại là người phi đạo đức. Như vậy, và lịch sử thời tiền sử-cổ đại của xã hội loài người
cũng cho thấy, vận động nội tại của một xã hội, nói chung là quá trình
tương tác cả về mặt vật chất lẫn mặt tinh thần giữa hai "lực lượng"
tương phản thuận-nghịch. Quá trình tương tác ấy là tự nhiên (nghĩa là dù
có mặt của "nhân tạo" thì xét cho cùng vẫn hàm chứa sự tất yếu, và thể
hiện rõ ràng nhất vào "thuở ban đầu" của lịch sử xã hội, khi nhận thức
của loài người về tự nhiên-xã hội-nhân sinh còn rất mù mờ với nhiều lầm
lạc), không phải nhằm "giải tán" xã hội mà vẫn nhằm gắn kết xã hội,
nhưng trong tình thế nội tại bị kích thích "lên" trạng thái phân liệt
của nó, nghĩa là làm cho nội tại xã hội hoạt động vừa gắn kết vừa phân
ly trên nền tảng ưu tiên và tích cực duy trì sự thống nhất trên bình
diện toàn xã hội. Một cách khái quát, "chính thống" hơn và cũng súc tích
hơn, có lẽ nên nói rằng, quá trình tương tác thuận-nghịch ấy cũng chính
là cuộc đấu tranh sinh tồn thể hiện ra dưới dạng đặc thù, mang tính
riêng có, (chỉ) xảy ra trong xã hội, (chỉ) trong nội bộ loài người (loài
có tư duy trừu tượng!), giữa người với người, mà chúng ta (tạm) gọi là
"cuộc cạnh tranh quyền lợi nhằm sống còn và hưởng thụ". Tùy thuộc vào
mức độ thịnh-suy xã hội, vào định hướng nhận thức thị phi trong xã hội
mà cạnh tranh quyền lợi cũng có những mức độ căng thẳng khác nhau. Lúc
đầu, nảy sinh ra chỉ là sự chênh lệch tương đối về mức sống do gặp thuận
lợi hơn hay bất lợi hơn trong lao động kiếm "miếng ăn cái mặc"(hiểu
rộng ra là tất cả những hoạt động mưu sinh mang tính tự nhiên, chính
đáng có thể có từ trực tiếp tạo ra lương thực, của cải cho đến thực hiện
những công việc trao đổi thành quả lao động-"tiền thân" của mua bán
hàng hóa). Sự tồn tại chênh lệch ấy, nhất là trong những thời kỳ xã hội
suy vi về của cải vật chất, đã kích thích nảy sinh trong tư duy trừu
tượng những đòi hỏi theo hướng dần dần làm xuất hiện cuộc tranh đua
quyền lợi, và đến lượt sự tồn tại của cuộc tranh đua này với mức độ ngày
một gay gắt đã đóng vai trò quyết định làm nội tại xã hội "thực sự"
phân hóa (trong thống nhất!), phân định tương đối lực lượng dân cư trong
đó thành những tầng lớp theo qui ước, nhưng cơ bản là thành hai tầng
lớp tương phản nhau rõ rệt mà chủ yếu về mặt hưởng thụ quyền lợi, tạm
gọi là "hạ tầng bị trị" và "thượng tầng cai trị". Về mặt tinh thần, đồng
thời và cũng gắn liền với quá trình hình thành và tồn tại trong giai
đoạn đầu của cuộc cạnh tranh quyền lợi, là quá trình hình thành khái
niệm "đạo đức" cũng như sự định ước (đầu tiên!) về đạo đức (sự tốt-xấu),
với bắt đầu là sự xuất hiện những ý niệm hợp thành cặp ý niệm tương
phản trong não người như giàu-nghèo, sướng-khổ, thừa-thiếu..., rồi đến
hiền-ác, tự do-lệ thuộc, công bằng-bất công, cưỡng bức-phục tùng, thống
trị-bị trị..., từ đó mà có thị phi và "cãi cọ" về thị phi (quan niệm
đúng-sai, tình cảm yêu-ghét) trong xã hội - tác nhân đóng vai trò "khai
hoa nở nhụy" cho sự ra đời của chuẩn mực đạo đức.
Đại khái,
chuẩn mực đạo đức trong một xã hội là "thước đo định tính", được dân cư
nói chung của xã hội đó thừa nhận, về mức độ tốt-xấu của tính cách một
con người (nhân cách), một tập thể người, một nhà nước, một chế độ...
(Trong thực tế đời sống, thường khi nghe nói ai đó có nhân cách, chúng
ta hiểu rằng kẻ đó có đạo đức. Đó chỉ là sự hiểu ngầm đã thành như một
mặc định mà thực ra xét trên phương diện nhận thức triết học là hoàn
toàn sai lầm, vì bắt nguồn từ quan niệm thiển cận đầy "tự tôn hợm hĩnh"
cho rằng con người "tính tốt" hơn con vật. Hỡi đồ thú vật, ối lộn, hỡi
đồ...vô tri, lại lộn nữa, thành thật xin lỗi giới vạn vật muông thú (!},
hỡi đồ...con-người, đừng mơ lâu quá nhé!!!). Vì được hun đúc "sau" một
quá trình tương tác thuận-nghịch cụ thể, được con người xây dựng trên cơ
sở nhận thức thực tiễn đời sống xã hội, nên chuẩn mực đạo đức, một cách
trực tiếp, là kết quả của nhân tạo, và do đó nó có tính chủ quan, nghĩa
là có tính qui ước, tính khu vực, tính thời đại, tóm lại là có tính
tương đối. Nhưng nếu xét ở tầm mức cội nguồn sâu xa, cơ bản nhất mà cũng
bao trùm nhất thì chuẩn mực đạo đức lại là kết quả mang tính tự nhiên,
khách quan, nghĩa là có tính mặc định (tất yếu), tính phổ quát xã hội về
không gian và thời gian. Sự phân liệt tầng lớp dân cư xã hội (mà cơ
bản, có thể qui thành hai lực lượng tương phản nhau, nếu xét về mặt
"lợi" là giàu (thiểu số) và nghèo (đại đa số), còn nếu xét về mặt
"quyền" là (thiểu số) tập thể lãnh đạo và (đại đa số) quần chúng phục
tùng), cũng như sự tồn tại những yếu tố mầm mống gây ra những hiện tượng
bất công trong xã hội, "kéo theo" sự xuất hiện và tồn tại cuộc tương
tác thuận-nghịch nhằm khắc phục, xóa bỏ mâu thuẫn về quyền lợi giữa hai
lực lượng tương phản (tức là nhằm đảm bảo quyền sống chính đáng một cách
công bằng đối với mọi con người trong xã hội) nhiều khi đạt đến độ
quyết liệt, phải giải quyết bằng chiến tranh, giết chóc, triệt hạ đồng
loại nhằm khuất phục lẫn nhau, dù quan sát ở góc độ nhất thời và trực
diện rõ ràng là có tác dụng ngược với nguyện vọng sống còn mang tính tự
nhiên ở mỗi con người, và hơn nữa, trên bình diện rộng lớn hơn là có tác
dụng ngược với yêu cầu tự nhiên về thống nhất xã hội nhằm bảo đảm khả
năng sinh tồn (nghĩa là có tác dụng phá vỡ sự gắn bó, bình ổn xã hội, uy
hiếp sự tồn tại xã hội), thì về toàn cục, vẫn phải trong vòng khống chế
của xu thế tự nhiên là ưu tiên lựa chọn sống còn. Nghĩa là đối với lực
lượng nào (hiền hay ác, chính nghĩa hay phi nghĩa) cũng vậy, đều luôn cố
gắng hướng tới mục đích tự nhiên đầu tiên và tối hậu là tồn sinh bản
thân, mà muốn thế, đồng thời cũng phải (tự nhiên) hướng tới duy trì, đảm
bảo sự tồn tại xã hội dù tùy thuộc vào ý chí, có thể theo hình thức này
hay hình thức khác, ở trang thái còn bất công hay không còn bất công.
(Cuồng sát như phát xít Đức cũng chỉ đến độ quyết tâm tiêu diệt triệt để
dân tộc Do Thái, chinh phục và nô dịch thế giới chứ không thể nghĩ đến
mục tiêu làm cho thế giới diệt vong. Điên rồ bậc nhất cổ kim là Khơ Me
Đỏ, trong thực tế đã thậm ngu xuẩn khi hành động giết chóc mang tính
diệt chủng chính dân tộc mình, nhưng cũng không phải nhằm mục tiêu "xóa
sổ" xã hội Cămpuchia, vì dù có mất hết tình người thì nó cũng không dám
suy tính tới điều đó, chưa cần nói rằng dứt khoát nó không thể thực hiện
được điều đó! Hai trường hợp vừa nêu còn bộc lộ một điều lớn lao hơn
cần nói thêm cho rõ, đó là trên bước đường giết chóc lẫn nhau của mình,
con người dù có thể gây ra sự thống khổ đau thương tang tóc cho đồng
loại với qui mô to lớn và mức độ khủng khiếp đến cỡ nào chăng nữa, thì
cũng chỉ phơi bày hơn nữa đến cùng cực mặt mê muội điên rồ của loài
người và tội ác ngút trời mà loài người tạo ra đối với chính nó, thế
thôi, chứ không thể làm tiêu vong xã hội loài người, hay nói khác đi,
một xã hội có thể tự thân làm nó tăng tiến lên hoặc suy vi đi nhưng
không thể tự thân hủy diệt nó, mà chỉ có môi trường "bên ngoài" (thiên
nhiên, ngoại xâm) mới có khả năng làm nó tiêu vong!).
Như
vậy, dù vào thời nào, trong trạng thái nào của xã hội thì cái định hướng
tự nhiên ưu tiên lựa chọn sống còn làm nảy sinh nỗ lực tồn sinh cũng
tồn tại vừa ở trong tinh thần từng cá thể con người, vừa bao trùm tinh
thần xã hội. Theo định hướng tự nhiên khách quan đó, cùng với quá trình
phân liệt, tương tác thuận-nghịch làm xuất hiện bất công đồng thời cũng
giải quyết bất công trong xã hội, sự nhận thức cuộc sống của tư duy trừu
tượng ở mỗi cá nhân, thế hệ nối tiếp thế hệ trong thời kỳ đầu của lịch
sử xã hội (thời kỳ tiền sử-cổ đại), dần đạt đến sự đồng thuận chung
nhất, cơ bản nhất, cốt yếu nhất, mang tính chân lý về thị phi (về
đúng-sai, tốt-xấu) trong đời sống xã hội, và đó chính là cơ sở tự nhiên
làm hình thành nên nội dung cơ bản mang tính khách quan của chuẩn mực
đạo đức xã hội. Vậy, nội dung đó là gì? Dù chưa biết cụ thể là gì thì
chúng ta vẫn biết chắc là nó phải đứng về phía ưu tiên, bênh vực cho tồn
sinh và hơn nữa là cho sự tồn sinh trong ấm no hạnh phúc đối với từng
cá nhân cũng như đối với toàn xã hội. Bây giờ, nếu hỏi bất cứ người nào
rằng trong quan hệ ứng xử xã hội, "đúng" và "tốt" là thể hiện của đạo
đức hay vô đạo đức (?), thì "chắc như bắp", ai cũng khẳng định là của
đạo đức (!). Nhưng cụ thể, như thế nào thì một suy nghĩ, một hành động
trong đời sống xã hội, trong ứng xử giữa người với người được ai cũng
cho là "đúng" và "tốt" (thực ra, về mặt quan niệm thì "đúng" và "tốt" có
mối quan hệ biện chứng mật thiết với nhau, trong cái này có cái kia và
ngược lại), nghĩa là đúng-tốt một cách khách quan? Đó là...mà thôi,
chúng ta không trả lời nữa, vì sự "lải nhải" ở trên đã là câu trả lời
quá lê thê mà cũng đến tận "chân tơ kẽ tóc" rồi còn gì! Thế còn mặt chủ
quan của chuẩn mực đạo đức thể hiện ra sao và như thế nào? Trả lời tỉ mỉ
thì khó chứ về đại thể thì...dễ ẹc! Đây này: nếu sự đồng thuận có tính
tuyệt đối (được mọi xã hội trong mọi giai đoạn lịch sử thừa nhận!) về
đúng-tốt là biểu hiện mặt khách quan của chuẩn mực đạo đức, thì sự đồng
thuận có tính tương đối (không nhất trí hoàn toàn, có khác biệt trong
nhận định, đánh giá những hiện tượng xã hội cụ thể, tùy thuộc vào tập
quán đặc thù của khu vực dân cư, vào quan niệm và lối sống thời đại, và
đặc biệt là tùy thuộc vào trình độ nhận thức cũng như lập trường tư
tưởng ở mỗi con người, ở mỗi tầng lớp xã hội, thậm chí còn phải tính đến
cả sự ảnh hưởng của tình trạng thịnh-suy xã hội đối với tinh thần con
người nữa) về đúng-tốt là biểu hiện mặt chủ quan của chuẩn mực đạo đức.
Quan niệm tổng quát của chúng ta về đạo đức và căn nguyên tồn tại chuẩn
mực đạo đức là như vậy. Đến đây, chúng ta càng "thấm thía" rằng Đạo Đức
Kinh là một kiệt tác triết học và quan niệm cách nay hơn 2500 năm trước
của Lão Tử về đạo đức cũng như về thị phi (thiện-ác, tốt-xấu...) thật
thâm hậu biết chừng nào! Ôi, nhớ Lão quá đi! Thôi thì xin nhắc lại vài
giáo huấn của Lão cho đỡ nhớ vậy:
"Sinh và dưỡng vạn vật,
sinh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự
lớn lên mà không làm chủ, như vậy gọi là huyền đức (đức cao nhất-Đức
Huyền Diệu)".
"Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa, trí xảo
xuất hiện rồi mới có trá ngụy, gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu từ,
nước nhà rối loạn rồi mới có tôi trung".
"Người có đức cao
thì (thuận theo tự nhiên) không có ý cầu đức, cho nên có đức, người có
đức thấp thì có ý cầu đức (thành ra đạo đức giả) cho nên không có đức.
(...). Cho nên, đạo mất rồi (tạm hiểu là xã hội phân liệt, rối loạn) sau
mới có đức (tạm hiểu là chuẩn mực đạo đức), đức mất rồi (tạm hiểu là
suy vi đạo đức) sau mới có nhân (tạm hiểu là kêu gọi lương tâm, lòng
nhân hậu), nhân mất rồi (tạm hiểu là đã lẫn lộn hiền-ác) sau mới có
nghĩa (tạm hiểu "thoát" là đề ra định ước về thị phi, luật lệ), nghĩa
mất rồi (không tự giác tuân thủ) sau mới có lễ (tạm hiểu là luật pháp,
hành pháp, sự thưởng-phạt). Lễ là biểu hiện suy vi của sự trung hậu
thành tín, là đầu mối của sự hỗn loạn. Dùng trí tuệ để tính toán trước
(trong mưu cầu quyền lợi), thì (mất cái chất phác) chỉ là cái lòe loẹt
(cái hình thức) của đạo và là nguồn gốc của ngu muội. Cho nên bậc đại
trượng phu (người hiểu đạo) giữ trung hậu thành tín mà không trọng lễ
nghi, giữ đạo mà không dùng trí xảo, bỏ cái này mà giữ cái kia. (Đoạn
luận này là một tuyệt bút triết học, thể hiện nhận thức quá trình vận
động xã hội-nhân sinh cao sâu và chí lý của Lão Tử, và như một sự "vạch
trần" cái quan niệm đạo đức không những đầy gượng ép, khiên cưỡng, hình
thức, mà còn "ngược ngạo", do đó cũng ẩn chứa "bất nhân" của Khổng Tử)".
"Danh tiếng với sinh mệnh cái nào quí? Sinh mệnh với của cải cái nào
trọng? Được danh lợi mà mất sinh mệnh, cái nào hại? Cho nên ham danh
quá thì phải hao tổn nhiều, chứa của cải nhiều thì mất nhiều. Biết thế
nào là đủ (tri túc) thì không nhục, biết lúc nào nên dừng thì không nguy
mà có thể sống lâu được"
"Họa không gì lớn bằng không biết
thế nào là đủ, hại không gì bằng tham muốn cho được nhiều. Biết thế nào
là đủ và thỏa mãn về cái đủ đó thì mới luôn luôn thấy đủ (cũng có nghĩa
là hạnh phúc vì không thấy buồn khổ nữa!)".
"Lấy đạo mà tu
thân thì đức sẽ đủ, lấy đạo mà lo việc nhà thì đức sẽ có dư, lấy đạo mà
lo việc làng xóm thì đức sẽ lớn ra, lấy đạo mà lo việc nước thì đức sẽ
thịnh, lấy đạo mà lo việc thiên hạ thì đức sẽ phổ cập. Lấy thân mình mà
xét thân người, nhà mình xét nhà người, làng mình xét làng khác, thiên
hạ ngày nay xét thiên hạ thời xưa và thời sau. Làm sao ta biết được
thiên hạ thế này hay thế khác? Là do lẽ đó"
"Lời nói chân
thực thì không hoa mỹ, lời nói hoa mỹ thì không chân thực. Người "thiện"
thì không cần phải biện giải (vì hành vi tốt rồi), người phải biện giải
cho mình là người "không thiện". Người sáng suốt hiểu đạo thì tri thức
không cần rộng (vì cảm nhận được chân lý (lẽ tự nhiên) là đủ rồi), người
nào tri thức rộng thì không sáng suốt, chưa hiểu đạo (vì tìm ngọn mà
quên gốc). (Đây là nhận định cực sâu sắc vì dễ thấy là trong thực tế xã
hội nói chung, số trí thức mê muội, xảo trá, thất đức "nổi lên" phong
phú đủ kiểu và mặt khác, có hiện tượng phổ biến là tấm lòng của người
"nhà quê", "thất phu", ít học, thiếu hiểu biết lại thường chân hơn, hiền
hơn, rộng lượng hơn, nhân ái hơn của "kẻ chợ", "sĩ phu" học rộng biết
nhiều (!), và không thể chối cãi được, trong xã hội Việt Nam hiện nay,
những hiện tượng phá hoại của cải vật chất xã hội, làm tăng bất công xã
hội, làm rối loạn tinh thần xã hội dẫn đến suy giảm đạo đức cũng như sự
đoàn kết xã hội, chủ yếu (nếu không muốn nói hoàn toàn) là do các "bè
phái" trong tầng lớp trí thức, nhất là bộ phận trí thức "tham quyền cố
vị" hoặc ngược lại là "uất ức trong mê muội", vừa "đầu têu" vừa trực
tiếp gây ra, cả vô tình lẫn cố ý!!! Có người "đánh đồng" trí thức với
hiền tài, chúng ta cho rằng trí thức là lực lượng "có học" của xã hội,
mưu sinh và hoạt động xã hội trực tiếp và chủ yếu bằng trí não trên cơ
sở học vấn mà bản thân đã tích lũy được, còn hiền tài là tinh hoa
tài-đức của giới trí thức nói riêng và của cả xã hội nói chung, cũng vì
thế mà đồng thời hiền tài cũng được đại chúng thượng tôn là "nguyên khí
quốc gia". Như vậy, không những "tiến sĩ giấy" không phải hiền tài mà cả
"tiến sĩ thật" nhưng thất đức cũng không phải hiền tài)".
Tiếp theo, chúng ta sẽ trích lược vài ba ý kiến mà chúng ta cho rằng đã
"hô khẩu hiệu" được quan niệm chung nhất hiện nay về đạo đức, để qua đó
"ôn cố tri tân" nhằm soi rọi lại...bản thân mình...cho vui thôi (!), vì
chỉ có thể "ừ" được đôi điều trong đó chứ phần lớn là không...nhất trí.
Theo từ điển mở Wikipedia:
"Đạo đức là một hiện tượng xã hội phản ánh các mối quan hệ hiện thực
bắt nguồn từ bản thân cuộc sống của con người. Đạo đức là tập hợp những
quan điểm của một xã hội, của một tầng lớp xã hội, của một tập hợp
người nhất định về thế giới, về cách sống. Nhờ đó con người điều chỉnh
hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội".
"Trong tâm lý học, đạo đức có thể được định nghĩa theo các khía cạnh sau:
- Nghĩa hẹp: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp các qui tắc, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội nhờ nó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích và hạnh phúc của con người, với tiến bộ xã hội trong quan hệ cá nhân - cá nhân và quan hệ cá nhân - xã hội.
- Nghĩa rộng hơn: Đạo đức là toàn bộ những qui tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người với nhau trong quan hệ xã hội và quan hệ với tự nhiên.
- Nghĩa rộng: Đạo đức là hệ thống các qui tắc, chuẩn mực biểu hiện sự tự giác trong quan hệ con người với con người, con người với cộng đồng xã hội, với tự nhiên và với cả bản thân mình"
"Một số phạm trù cơ bản của đạo đức:
Nghĩa vụ không hình thành một cách tự nhiên, nhất thời mà nó được hình thành và hoàn thiện trong cả quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân, thậm chí qua quá trình đấu tranh, thử thách của cuộc sống.
Lương tâm có thể được hiểu như tiếng nói bên trong đầy quyền uy chỉ dẫn, thôi thúc con người ta làm những điều tốt, ngăn cản, chỉ trích làm những điều xấu.
Theo quan điểm biện chứng của đạo đức học thì lương tâm là ý thức trách nhiệm và tình cảm đạo đức của cá nhân về sự tự đánh giá những hành vi, cách cư xử của mình trong đời sống xã hội. Sự hình thành lương tâm là quá trình phát triển lâu dài từ thấp đến cao trong quá trình lao động sản xuất và giao tiếp xã hội. Có thể nêu ra các mức độ phát triển của lương tâm như sau:
- Ý thức về cái cần phải làm do sự sợ hãi bị trừng phạt bởi thiết chế xã hội hoặc ý niệm tâm linh.
- Ý thức về cái cần phải làm, cần phải tránh vì xấu hổ trước người khác và trước dư luận xã hội.
- Ý thức về cái cần phải làm vì xấu hổ với bản thân. Khi cá nhân xấu hổ với bản thân, với những hành vi của mình là bước đầu của cảm giác lương tâm. Từ cảm giác đó đến sự phán xét các suy nghĩ, hành vi của mình thì đó chính là lương tâm. Vì thế lương tâm có quan hệ chặt chẽ với ý thức nghĩa vụ của con người.
Thiện và Ác là cặp phạm trù đối lập nhau trong mọi thời đại, là thước đo đời sống đạo đức của mọi cá nhân. Thiện và Ác cũng là phạm trù cơ bản làm thước đo đời sống đạo đức của con người.
Cái Thiện là cái tốt đẹp biểu hiện lòng nhân ái của con người trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là hành vi thể hiện lợi ích của cá nhân phù hợp với yêu cầu và sự tiến bộ xã hội. Cái thiện phải được thể hiện qua việc góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, đem lại lợi ích cho mọi người trong xã hội. Hồ Chí Minh đã nói: “Việc thiện thì dù nhỏ đến mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ đến mấy cũng tránh” (Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 55). Là cái thiện là phấn đấu cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên cao thượng hơn, tốt đẹp hơn và giàu tính nhân văn hơn.
Cái Ác là cái đáng ghét, ghê tởm, cái cần phải gạt bỏ trong đời sống cá nhân và xã hội. Cái ác làm mất đi cái văn minh, cao thượng của cuộc sống con người. Quan điểm về thiện và ác mang tính lịch sử và có thể hoán đổi cho nhau. Cái thiện và ác được chúng ta đánh giá tuỳ vào nó có thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của con người".
"Đạo: Đường đi, hướng đi, lối làm việc, ăn ở.
Đức: Theo Khổng Tử, sống đúng luân thường là có Đức. Theo Đạo (Lão Tử) tu thân tới mức hiệp nhất với trời đất, an hoà với mọi người là có Đức".
"Đạo đức được xem là khái niệm luân thường đạo lý của con người, nó thuộc về vấn đề tốt-xấu, hơn nữa xem như là đúng-sai, được sử dụng trong 3 phạm vi: lương tâm con người, hệ thống phép tắc đạo đức và trừng phạt đôi lúc còn được gọi giá trị đạo đức; nó gắn với nền văn hoá, tôn giáo, chủ nghĩa nhân văn, triết học và những luật lệ của một xã hội về cách đối xử từ hệ thống này.
Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, qui tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội,với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.
Đạo đức là một hiện tượng lịch sử và xét cho cùng, là sự phản ánh của các quan hệ xã hội. Có đạo đức của xã hội nguyên thuỷ, đạo đức của chế độ chủ nô, đạo đức phong kiến, đạo đức tư sản, đạo đức cộng sản. Lợi ích của giai cấp thống trị là duy trì và củng cố những quan hệ xã hội đang có; trái lại, giai cấp bị bóc lột tuỳ theo nhận thức về tính bất công của những quan hệ ấy mà đứng lên đấu tranh chống lại và đề ra quan niệm đạo đức riêng của mình. Trong xã hội có giai cấp, đạo đức có tính giai cấp. Đồng thời, đạo đức cũng có tính kế thừa nhất định. Các hình thái kinh tế - xã hội thay thế nhau, nhưng xã hội vẫn giữ lại những điều kiện sinh hoạt, những hình thức cộng đồng chung. Tính kế thừa của đạo đức phản ánh "những luật lệ đơn giản và cơ bản của bất kì cộng đồng người nào" (Lênin). Đó là những yêu cầu đạo đức liên quan đến những hình thức liên hệ đơn giản nhất giữa người với người. Mọi thời đại đều lên án cái ác, tính tàn bạo, tham lam, hèn nhát, phản bội... và biểu dương cái thiện, sự dũng cảm, chính trực, độ lượng, khiêm tốn... "không ai nghi ngờ được rằng nói chung đã có một sự tiến bộ về mặt đạo đức cũng như về tất cả các ngành tri thức khác của nhân loại" (Enghen). Quan hệ giữa người với người ngày càng mang tính nhân đạo cao hơn. Ngay trong xã hội nguyên thuỷ đã có những hình thức đơn giản của sự tương trợ và không còn tục ăn thịt người. Với sự xuất hiện của liên minh bộ lạc và nhà nước, tục báo thù của thị tộc dần dần mất đi. Xã hội chủ nô coi việc giết nô lệ là việc riêng của chủ nô, đến xã hội phong kiến, việc giết nông nô bị lên án. Đạo đức phong kiến bóp nghẹt cá nhân dưới uy quyền của tôn giáo và quý tộc; đạo đức tư sản giải phóng cá nhân, coi trọng nhân cách. "Nhưng chúng ta vẫn chưa vượt được khuôn khổ của đạo đức giai cấp. Một nền đạo đức thực sự có tính nhân đạo, đặt lên trên sự đối lập giai cấp và mọi hồi ức về sự đối lập ấy chỉ có thể có được khi nào xã hội đã tới một trình độ mà trong thực tiễn của đời sống, người ta không những thắng được mà còn quên đi sự đối lập giai cấp" (Enghen). Đó là trình độ của xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa".
"Đạo đức vừa có tính đa dạng và uyển chuyển, vừa có tính bất biến tương đối"
"Một số quan điểm về đạo đức:
-Khi đạo Bàlamôn ở Ấn Độ đang thống trị với sự phân chia đẳng cấp sâu sắc trong xã hội, nỗi bất bình của thái tử Tất Đạt Đa về sự phân chia đẳng cấp, kì thị màu da và đồng cảm với nỗi khổ của muôn dân đã dẫn đến sự hình thành một tôn giáo mới. Sau này, khi môn đệ của Phật Thích Ca thắc mắc tại sao các pháp sư Bàlamôn tự xưng là cao cấp và khinh rẻ đẳng cấp mà Đức Phật xuất thân, ngài trả lời (Trường Bộ Kinh): "Các vị Bàlamôn sinh ra từ cửa miệng Phạm Thiên chăng? Đâu có...,làm gì mà các vị ấy cao cấp được? Chỉ những ai có đủ đạo đức lương thiện là cao cấp, còn lại là ti tiện".
-Theo Trang Tử: "Cả những bậc đạo đức cao siêu không hẳn rõ tài hay bất tài, lúc lên lúc xuống, chỉ cốt lấy được hòa làm mức phiên việt cả muôn vật...Những bậc như thế thì không gì lụy đến thân được! Còn thói đời thường thì tính nào có thể? Hợp với người thì có lúc hòa tan, làm nên việc thì có người nghị luận, ngay thẳng thì bị đè nén, tôn trọng thì bị chê bai, làm thì có kẻ phá, giỏi thì có kẻ ghen, không ra gì thì thiên hạ lại khinh bỉ...Nhân tình như thế, làm thế nào được! Thương ôi! Các ngươi nên ghi lòng, chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi".
-Theo Hồ Chí Minh: "Một dân tộc, một đảng và mỗi một con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cho nên trong khi ta kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, làm cho văn minh chiến thắng bạo tàn thì đồng thời phải loại trừ những cái xấu xa do chế độ cũ để lại trong xã hội và trong mỗi con người". "Muốn hướng dẫn nhân dân mình thì cán bộ, đảng viên phải làm mực thước trước cho người khác làm theo. Nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức"".
Trên trang mạng Internet "http://bacninh.edu.vn", trong bài "Khái niệm về đạo đức" của Nguyễn Thị Cảnh Dương có viết:
"Chuẩn mực đạo đức của một thế hệ phản ánh thế giới tinh thần, trình độ văn minh của thế hệ đó. Tiêu chuẩn đạo đức chính là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất, giá trị nhất mà con người đã tích luỹ được trong quá trình phát triển nền văn hoá nhân loại.
Sau đây là chuẩn mực đạo đức của Thiên Chúa Giáo, đã được đúc kết lại thành mười điều răn:
"1-Thờ phượng Đức Chúa Trời và kính mến Ngài trên mọi sự
2-Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ
3-Giữ gìn ngày Chúa Nhật
4-Thảo kính cha mẹ
5-Chớ giết người
6-Chớ làm sự dâm dục
7-Chớ lấy của người
8-Chớ làm chứng dối
9-Chớ muốn vợ (hay chồng) người
10-Chớ tham của người".
Trên trang mạng "sangdaotrongdoi.vn" có bài viết "Giới luật là nền tảng đạo đức Phật Giáo" của Tuệ Giác, chúng ta trích đoạn:
Trong trích đoạn vừa nêu, nếu thay một số thuật ngữ chuyên dùng của Nhà Phật bằng những thuật ngữ thông dụng, thì...bất kỳ nhà rao giảng đạo đức chân chính "ngoại giáo" nào cũng nói ra được "những lời có cánh" đại loại... như thế!
(Xin nhấn mạnh, về mặt tình cảm, chúng ta tôn trọng các niềm tin tôn giáo và hơn nữa rất mến mộ những tôn giáo luôn thành tâm "giương cao ngọn cờ" yêu thương đồng loại, răn dạy những điều cao cả, thánh thiện trước đại chúng nhân quần, nhưng về mặt lý trí, chúng ta coi bất cứ tôn giáo nào, triết thuyết nào cũng là đối tượng bình đẳng trên "bàn tròn biện luận triết học", vì mục đích duy nhất của chúng ta (những kẻ nhà quê ít học nhưng tò mò "dễ sợ") là cố gắng hết trí lực để cầu may (biết đâu đấy!) tiếp cận được chân lý tối thượng-căn nguyên đích thực của Tự Nhiên Tồn Tại. Đại Chúng ơi, hãy thông cảm cho...Thầy Cãi nhé!!!).
"Chơi bời" vòng vo nãy giờ kể cũng "quá đã" rồi, chúng ta nên quay lại "kết" cho xong câu chuyện về "ông" Charvaka.
Tóm lại, dù sinh ra để rồi lại chết đi như chưa hề được sinh ra thì sự sinh ra ấy cũng vẫn là nỗ lực vì sự sống, hun đúc nên sự "cố gắng" tìm ăn, sự "ra sức" tự vệ nhằm duy trì sống còn ở mỗi sinh thể, mà đối với con người, sống và hơn nữa được sống trong ấm no vui sướng đã trở thành mục đích ưu tiên tối thượng của ý chí. Nguyện vọng trước hết và tha thiết nhất ở mỗi con người bình dân nói riêng và toàn thể tầng lớp bình dân (đóng vai trò nền tảng xã hội) nói chung là được sống trong an lành, được thừa hưởng một cách thích đáng trong công bằng thành quả lao động mà bản thân mình tạo ra. Vào thời Ấn Độ cổ đại giai đoạn Upanishad, sự phân liệt xã hội theo hướng bất công về quyền lợi ngày một sâu sắc giữa hai tầng lớp thống trị và bị trị, sự duy trì và tăng cường một cách có ý chí tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần không ra" bằng bạo lực của giới hiệp sĩ quí tộc và phủ dụ của giới tăng lữ Bàlamôn, đã tất yếu làm nảy sinh tinh thần bất mãn, phản kháng ngày một tăng trong tầng lớp bị trị (tầng lớp, chủ yếu gồm đại chúng bình dân, rõ ràng là hứng chịu hầu như mọi bất công về quyền lợi trong xã hội, mà đã gọi là bất công thì mặc nhiên phải hàm chứa trong nó sự vô luân, thất đức rồi!). Đó là nguyên nhân trực tiếp làm nảy sinh ra những nghi vấn từ đại chúng bình dân đối với định ước chân lý của giáo thuyết Bàlamôn. Nếu sự bất mãn cuộc sống đã làm xuất hiện những nhân tố hình thành tư tưởng vô thần, thì việc tìm kiếm lời giải đáp trong hiện thực về sự tồn tại bất công xã hội đã làm xuất hiện những nhân tố hình thành chủ nghĩa duy vật Charvaka. Có thể nói hệ tư tưởng Charvaka trước hết là con đẻ của đại chúng bình dân Ấn Độ thời Upanishad, được sinh ra từ tinh thần bất mãn, phản kháng cũng như nguyện vọng chính đáng của họ nên về đại ý cũng hợp đạo và đức (nghĩa là hợp lẽ tự nhiên), sau đó là sự kết tinh lý luận lại cái tinh thần (hướng tới) duy vật của tín ngưỡng phồn thực ẩn chứa tiềm tàng trong thánh kinh Vêđa theo cách nhìn nhận được định hình từ thực tiễn xã hội sinh động của thời đại mới, của con người mới. Chính vì vậy mà chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại, một mặt, nếu quan sát dưới góc độ như một chủ trương chính trị xã hội, theo quan điểm còn định kiến khinh thị giai cấp, và hơn nữa đã ít nhiều bị xuyên tạc bởi hệ thống giáo lý Bàlamôn đang thống trị tinh thần xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, thì hầu như chỉ thấy ở nó cái vẻ ngây ngô, thực dụng tầm thường kiểu "phàm phu tục tử", nhưng mặt khác, nếu quan sát trên bình diện một học thuyết triết học xã hội, một cách công tâm nhất, trên cơ sở quan niệm đạo đức bình dị nhất, do đó mà cũng khách quan nhất (và đó cũng chính là quan niệm đạo đức của đại chúng cần lao!), thì sẽ thấy được ở nó nổi bật lên một tầm vóc suy lý trác việt hàm chứa trong cái quan niệm đầy hợp lý và thấm đẫm nhân đạo về đời sống xã hội-nhân sinh của nó, hơn nữa là trong cái quan niệm xuất sắc về sự nhận thức, tiếp cận chân lý khách quan của nó (mà thậm chí đến tận hôm nay, không ít điều trong đó vẫn còn nét thâm hậu, chưa một ai thấu tỏ thực sự được!), với vai trò có ý nghĩa như bước đi tiên phong, sơ phác của nhân loại trên con đường dẫn tới chủ nghĩa thực chứng sau này trong nhận thức khoa học. Đúng là trên bàn tròn "công khai" tranh biện xã hội, sự hiển hiện như một "thực thể tư tưởng" của chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại có tính "bạo phát bạo tàn", nhưng không phải như thế có nghĩa là nó đã bị "khai tử" trong đời sống tinh thần xã hội, mà trái lại, không những nó vẫn tồn tại hồn nhiên, bền bỉ dù bàng bạc, chân thực dù vô hình trong tâm tưởng đại chúng Ấn Độ, mà còn có tác động thực sự tích cực, vừa trực tiếp, vừa như một "xúc tác" làm chuyển biến nhận thức triết học về xã hội-nhân sinh theo hướng bớt mê muội hơn, bớt cuồng tín hơn, cũng có nghĩa là xác đáng hơn, phù hợp với thực tại cuộc sống hơn. Không thể nói khác được, dù nhận thức còn không ít thiển cận dẫn đến những biểu hiện cực đoan, bế tắc, (nhất là việc thẳng thừng phủ nhận sự tồn tại vong hồn, hiện tượng tinh thần cực kỳ huyền bí đối với suy lý và niềm tin duy vật từ quan sát trực giác nhưng cũng khó bài bác nó cho ra lẽ được, trước sự tồn tại đầy hư-thực của nó mà đại chúng đã chiêm nghiệm được từ lâu trong rất nhiều trường hợp, thuộc lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực mà đến tận ngày nay vẫn không có cách nào thực sự sáng tỏ để chối bỏ hay xác nhận được và vì thế vẫn là "thử thách vàng đá" đối với triết học duy vật cũng như đối với khoa học thực nghiệm) do bị khống chế bởi trình độ hiểu biết hạn định mang tính thời đại (nhất là trong bối cảnh khoa học tự nhiên hầu như còn "trắng tay"), thì chủ nghĩa duy vật Ấn Độ cổ đại (có vẻ thực dụng và hướng tới thực chứng), dù không thể sánh được với Đạo của Lão Tử về sự cao diệu, cứ vẫn là thành quả đột khởi mang tính cách mạng về nhận thức tự nhiên-xã hội của nhân dân Ấn Độ nói riêng và của loài người nói chung.
(Nói thêm ngoài lề, chúng ta hiểu tâm linh là hiện tượng tinh thần xảy ra trong hiện thực, có thực nhưng huyền bí trước nhận thức khoa học. Thời xa xưa, tâm linh là lĩnh vực rất rộng, bao gồm ngoại cảm (hiện hồn, gọi hồn, thấu thị, thấu thính, thần giao cách cảm...), rồi thiền ngộ, tác dụng từ xa của khí công..., cho đến thôi miên, báo mộng..., thậm chí cả mộng du, giấc mơ...Ngày nay, nhờ tiến bộ khoa học-kỹ thuật đã giải tỏa được phần nào, dù chưa cơ bản, thì lĩnh vực tâm linh cũng đã bị thu hẹp lại. Chính điều này đã gợi ý cho chúng ta rằng dù có thể là lâu nhưng trước sau gì loài người cũng sẽ "nuốt trôi" được "cục xương" tâm linh (và cả "cục xương" UFO- vật thể không xác định được) trên cơ sở khoa học. Và không ngành khoa học nào khác mà chính vật lý học sẽ đi tiên phong để thực hiện sứ mạng đó, nhưng muốn như thế, tiên quyết nó phải thực hiện được bước tiến cách mạng trong nhận thức của chính bản thân nó, triệt để hơn cả thời "Tai biến tử ngoại" - thời làm hình thành nên thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử. Nếu đúng thế thì chừng nào triết học duy vật vẫn còn "khăng khăng" không thừa nhận hiện tượng tâm linh là một sự thật thì chừng đó nó vẫn cực đoan, chưa biện chứng, nghĩa là còn lầm lạc. Ngược lại, cứ cố giải thích hiện tượng tâm linh trên cơ sở niềm tin về sự tồn tại thực sự khách quan của Phật-Chúa-Thánh cùng với năng lực "dẫn dắt" siêu nhiên của "họ", thì cũng cực đoan tương tự, nghĩa là lầm lạc nốt!).
*** (còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét