LỜI CA VANG VỌNG
Khát vọng mùa xuân của Huy Du
Hãy cùng giai điệu Huy Du và lời thơ Huy Cừ đi ngược thời gian về bối cảnh nửa đầu thập niên 80 thế kỷ XX…
Một thời hậu chiến chưa phai hết dư âm chiến tranh, kể cả trong đời sống văn hóa nghệ thuật, vẫn tiếp tục chỉ chú trọng những bài hát hào hùng ngợi ca, cổ động tinh thần công dân, ấy vậy đôi khi chợt thấy lòng dịu đi ấm lại trước những giai điệu lãng mạn tâm tình.
Một thời người dân còn đang gồng mình đối mặt với những lo toan đời thường cùng bao vấn nạn cơ chế, nào là thiếu ăn thiếu mặc sổ gạo tem phiếu, nào là quan liêu cửa quyền cơ chế xin - cho, ấy vậy mà vẫn lấp lánh những bài ca đầy niềm tin và khát vọng.
Lạc quan, trữ tình vốn là nét đặc trưng trong sáng tác của nhạc sĩ Huy Du. Vào lúc cả nước sắp bước vào giai đoạn căng thẳng của cuộc chiến, ông vẫn âu yếm và thiết tha với Tình em: “Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi” (thơ: Ngọc Sơn), nữa là ở thời điểm chiến tranh đi qua đã gần cả thập kỷ. Ngay đến hành khúc thời chiến của ông cũng vẫn đậm chất hát với giai điệu truyền cảm và bay bổng, nữa là một bài hát về mùa xuân về khát vọng của thời bình.
Với cấu trúc hai đoạn - đoạn đầu chậm rãi tự sự trong nhịp 4/4, đoạn sau dồn dập sinh động trong nhịp 2/4, bài hát mở ra khoảnh khắc chuyển giao giữa hai mùa, rồi dẫn dắt từ chớm xuân tới thật xuân.
Mùa đông cùng gió heo may lạnh lẽo qua rồi. Em đã hát suốt mùa đông để nuôi khát vọng sang xuân. Và đây, mùa xuân đang buông trên khắp nẻo đường, mảnh ruộng. Xuân sống động với các danh từ: nắng, gió, cỏ, trăng, giọt mưa, vầng mây, chim sáo, hương lúa… Xuân nao lòng với những tính từ: lộng lẫy, hân hoan. Lòng người cất tiếng hát, như đất cằn khao khát đón mưa xuân, đến cả bài thơ cũng ngửa mặt đón mưa rơi.
Khi giọt mưa… Khi giọt mưa của mùa xuân rơi xuống.
Em biết rằng… Em biết rằng giông tố đã bình yên…
Lối điệp từ, điệp câu giúp cho giai điệu thêm cơ hội bay lượn, chứ không nhất nhất gò chặt vào dấu giọng từng từ từng câu thơ. Không những thế, cách lặp lại một câu hoặc một cụm từ còn tạo cảm giác bồi hồi, bồi hồi xúc động như đang lắp bắp ngỏ lời tỏ tình trước nàng Xuân.
Trừ câu thơ đầu được “chốt” vào cùng một nét nhạc, còn lại không câu nào cụm từ nào “tái xuất hiện” ở cao độ cũ. Đặc biệt, đoạn kết được mở rộng bằng cách “tua” lại ở các cung bậc khác nhau tới bốn lần chỉ một cụm từ: “Những khát vọng mùa xuân”, rồi không chấm hết bằng chủ âm mà kết lửng lơ trên bậc V.
Lặp lại lời thơ trên những giai điệu khác nhau, hướng tới lối phát triển tự do chứ không tự trói buộc vào cấu trúc vuông vắn cân đối (như thường gặp ở ca khúc phổ thông), có thể nói đây là những “chiêu” kế thừa từ ông bà cụ kỵ ta. Cũng gần với dân ca là cách nhấn lệch (syncope): cuối câu không rơi vào phách mạnh mà thường buông lơi ở phách yếu, nhịp thở như lạng đi, câu hát như mềm hơn. Và đường nét giai điệu còn mềm mại thêm nhờ được tô điểm bằng nốt thêu nốt lướt.
Bên cạnh những nét luyến láy còn một đặc điểm dễ nhận thấy là vai trò của dấu lặng. Tuyến giai điệu bị cắt vụn, tựa như trạng thái xúc động trước mùa xuân đã khiến hơi thở đứt quãng: “Chim/ gọi nắng/ hân hoan/ bên/ khung cửa”. Đây cũng là một nét đặc trưng trong ca khúc của Huy Du: làm phong phú nhạc hát bằng những yếu tố nhạc đàn, nói rõ hơn, ông luôn đưa những “ngón” diễn tấu nhạc cụ vào giọng hát, kể cả những quãng rộng quãng nghịch. Hình như chưa ca sĩ nào hát đúng đoạn kết với liên tiếp dấu ngắt và từ “khát vọng” ứng với quãng 7 trưởng. Chính nhờ “tính khí nhạc” mà tác phẩm thanh nhạc của ông có thể chỉ chơi giai điệu vẫn đẹp như một “bài ca không lời”.
Khéo lồng những rung cảm chung giữa thơ và nhạc, khéo kết hợp những yếu tố dân tộc và dấu ấn thời đại trong sáng tạo cá nhân, Khát vọng mùa xuân của năm 1984 đã vẽ nên một bức tranh xuân không chỉ cho một mùa ở một thời xa lắm.
Tác giả nhạc và tác giả thơ nay đã cùng nhau đi về miền vô cực, thì vẫn còn mãi đây vẹn nguyên cảm giác tươi mới trong lời ca tiếng hát, để cùng với đời không bao giờ thôi khát vọng một “mùa xuân vĩnh cửu”.
01-03-2021
Nhận xét
Đăng nhận xét