THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 8* (Hoàn chỉnh)
THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG
ĐẠI CHÚNG
____________________________
CHƯƠNG VI: ĐÓNG - MỞ
“Và thật vô nghĩa khi đánh giá tư duy của
một dân tộc nào đó là có tính triết lý hay không nếu chỉ dựa vào các tiêu chuẩn
được định sẵn, đặc biệt những tiêu chuẩn truyền thống riêng của một dân tộc.
Triết lý của bất cứ dân tộc nào đều là tinh hoa của nền văn hóa và là sự diễn tả
trọn vẹn các phong cách tư duy, cảm nghĩ và sinh hoạt của dân tộc đó. Do đó,
triết lý của từng dân tộc là sản phẩm của môi trường tạo ra nó và những cách thức
riêng về nhận thức, tri thức, thẩm mỹ, luân lý và tôn giáo. Như vậy đánh giá
triết lý của người khác theo những chuẩn mực và tiêu chí của một nền văn hóa nào
đó quả là một hành vi tự phụ mù quáng để có thể hiểu các dân tộc khác. Để hiểu
biết một dân tộc và nền văn hóa của dân tộc đó chính là hiểu cách thức dân tộc đó
nhìn thế giới, nhìn chính nó và nhìn các dân tộc khác. Chỉ khi các thành viên của
từng nền văn hóa tiếp cận các nguồn triết lý của các nền văn hóa khác bằng một đầu
óc phóng khoáng và nghiêm túc nghiên cứu chúng, lúc ấy người ta mới hiểu được các
dân tộc khác hoặc mới khai sáng và phong phú hóa triết học và văn hóa của chính
họ..."
(R. Puligandla)
Tại
sao lại lấy
đầu đề chương này là “Đóng - mở”? Vì đó là cặp khái niệm tương phản được
chúng
ta cho là thuộc hàng cơ bản. Trong Vũ Trụ tổng thể các sự vật - hiện
tượng, nếu
quan sát, đâu đâu chúng ta cũng thấy hiện diện sự đóng - mở. Khi triết
học đặt
một câu hỏi lớn (mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp): “Vũ Trụ là hữu
hạn hay vô
hạn?", thì đó cũng chính là câu hỏi: Vũ Trụ là đóng hay mở? Cách hỏi thứ
hai thoạt
nhìn có thể cho là chưa tổng quát, chưa đầy đủ vì trong toán học đã xuất
hiện
những khái niệm vô hạn nhưng bị chặn (số vô tỷ), nhỏ vô cùng nhưng khác
không (điểm hình học, số vi phân...), hay trong vật lý là khái niệm
hữu hạn nhưng vô biên (qui mô Vũ Trụ theo quan niệm của S. Hawking).
Ngẫm kỹ lại, đó chính là câu hỏi trực diện, dễ hiểu nhất mà cũng hàm súc
nhất
và có thể gợi ra được câu trả lời “hay nhất”. Vũ Trụ vô hạn nhưng bị
chặn hay hữu hạn
nhưng vô biên, xét cho cùng là một Vũ Trụ có tính duy nhất: tuyệt đối
kín nhưng cũng... hở(!). Nếu
đi từ vô cùng lớn đến vô cùng nhỏ, vượt qua vô cùng nhỏ sẽ trở về vô
cùng lớn và
ngược lại. Đối với chúng ta, đó là điều không thể tưởng tượng nổi vì cực
kỳ phi
lý. Đúng thật là cực kỳ phi lý, không thỏa mãn bất cứ lý lẽ nào của con
người;
nhưng chỉ với con người! Đối với nhận thức, đó thực sự là một quan niệm
phi thường theo đúng nghĩa
đen. Vì Tự Nhiên Tồn Tại “nằm ngoài" tất cả mọi khái niệm siêu hình,
ngoài tất cả mọi lý
lẽ logic nên bất cứ khái niệm “có lý cực đoan” nào gán cho Nó đều không
đúng. Tự Nhiên Tồn Tại là một
vô lý vĩ đại vì Nó chí lý tuyệt đối! Muốn hiểu đích xác Vũ Trụ thì không
thể không chấp nhận điều đó. Và người đầu tiên chấp nhận điều đó (nên
cũng là người đầu tiên, về cơ bản, biết được Vũ Trụ vốn dĩ thế), có lẽ
là...Lão Tử!
Câu hỏi Vũ Trụ đóng
hay mở cũng phi lý không kém và không chừng là “dở hơi” nữa. Nếu Vũ Trụ là kín
thì nó phải đóng. Nhưng ai đóng? Thượng Đế chăng, và nếu đó đúng là có Thượng Đế
để đóng Vũ Trụ thì đóng để làm gì? Còn nếu Vũ Trụ là mở thì mở ra trước cái gì
và cái gì đó là cái gì? Nói thêm rằng nếu Vũ Trụ là hở (vì mở) thì tất cả những
định luật bảo toàn trong khoa học tự nhiên phải bị vứt vào sọt rác vì không biết
bảo toàn bằng cách nào và bảo toàn để làm gì?
Để đạp bằng tất
cả mọi mâu thuẫn phát sinh trên con đường nhận thức Tồn Tại, cách tốt nhất là
không nên… đạp bằng mà nên tránh khỏi chúng với câu trả lời nước đôi vô tiền
khóang hậu của các thánh triết Ấn Độ. Và như vậy, trong trường hợp buộc phải trả
lời câu hỏi “dở hơi”: Vũ Trụ là đóng hay mở? Chúng ta sẽ nói: Vũ Trụ vừa đóng vừa
mở, là cả hai mà cũng không phải cả hai! Khi nói Vũ Trụ vừa đóng vừa mở thì cũng có nghĩa nói Vũ Trụ không đóng không mở. Và khi nói Vũ Trụ không đóng không mở thì cũng có nghĩa Vũ Trụ vô hạn. Vũ Trụ vô hạn không có nghĩa Vũ Trụ là vô tận, ở cả hai đầu!
Những điều nói
trên thực ra là nhắc lại những quan niệm mà chúng ta đã “kể lể”, nhấn mạnh để
thêm vững niềm tin trong cuộc hành trình đầy đam mê, mộng mị và có lẽ là rất dài
lâu của chúng ta. Đó cũng là một duyên cớ nhưng không phải là nguyên nhân chính
để đặt tên cho chương này là “Đóng - mở”.
Nguyên
nhân
quan trọng là thế này: chúng ta muốn “kiểm kê” lại tất cả những gì được
cho là
quan trọng, quí giá mà chúng ta đã lượm lặt, lựa chọn được trong cái bao
la bát
ngát, có đủ mọi thứ, “đủ mọi đồ chơi” của triết học trên chặng đường mà
chúng
ta đã đi qua để cố kết lại như một hành trang phục vụ trong bước đường
tiếp
theo, đi tìm những cái còn chưa biết là cái gì, nghĩa là chúng ta “đóng”
lại cuộc
hành trình này để “mở” màn cuộc hành trình khác, rồi "đóng" cuộc hành
trình khác để "mở" ra cuộc hành trình khác nữa, cứ như thế mãi cho đến
khi chúng ta lại "mở"... cuộc hành trình đầu tiên. Số phận của chúng ta
là thế, đã
an bài. Chúng ta đã cạn niềm vui thú trần thế; thành những kẻ lang thang
đến cuối
đời để đi tìm những nguồn vui sống ngoài… trần thế, trong cõi hoang
đường. Chẳng
còn ai chữa được chứng hoang tưởng đã trở nặng của chúng ta nữa vì bác
sĩ,
Sigmund Freud, người sáng lập Phân tâm học, đã nói: “Chỉ thi thoảng,
trong những
cái đựợc gọi là phép lạ thì các thần thánh mới can thiệp vào qui trình
thiên
nhiên, như thể cho thấy rõ rằng họ không từ bỏ những gì thuộc phạm vi
quyền lực
nguyên thủy của họ. Về việc phân chia các số phận thì vẫn có sự nghi nan
khó chịu
cho rằng tình trạng rối ren và tính bất lực của loài người là vô phương
cứu chữa.
Chính tại đây các thần thánh dễ bị thất bại nhất. Nếu chính các vị thần
đã tạo
ra Số phận, thế thì các ý định của thần thánh hẳn là khó hiểu. Những con
người
tài ba thời xưa đã nảy ra ý niệm cho rằng Số phận (Moira) đứng trên thần
thánh
và chính thần thánh cũng có số phận riêng của họ”.
Nhưng nguyên nhân
chính để đặt đề mục: “Đóng - mở” lại chỉ đơn giản là điều này: chúng ta rất khoái Quỉ Cốc
Tử !
***
Quỉ Cốc Tử là
nhân vật hết sức lạ lùng đậm màu sắc thần thoại trong lịch sử Trung Quốc. Ông được hậu thế gọi là Thiên Cổ Kỳ Nhân.
Các nhà nghiên
cứu văn hóa Trung Quốc xác định Quỉ Cốc Tử sống trong khoảng cuối đời Xuân Thu,
(770 – 476 TCN), đầu thời Chiến Quốc (475 – 221 TCN). Trong các sách sử đều đề
cập đến ông nhưng rất ngắn gọn và mơ hồ. Có thuyết cho rằng ông là một người kỳ
tài của phái Tung Hoành gia thời Chiến Quốc; họ Vương tên Hủ, tự là Danh Lợi, dân
gian gọi là Vương Thiện Lão Tổ.
Theo truyền
thuyết, mẹ của Quỉ Cốc ăn nhiều thức ăn đựng trong cái bát làm bằng xương quỉ
(quỉ cốc), thụ thai, sau ba năm sáu tháng thì sinh ra ông. Bà mẹ sinh xong thì
mất. Ông được con cọp già cho bú và nuôi nấng. Ông lớn dần lên, theo cọp rình vồ
kiếm ăn nên rất tinh khôn, linh hoạt.
Theo sách “Đông Chu liệt quốc”, ở đất Dương Thành thuộc địa phận nhà Chu
có một vùng núi cao rừng rậm, âm khí nặng nề, hoang vắng u tịch. Trong đó có một
hang núi được dân địa phương gọi là hang Quỉ Cốc. Sau này ông vào ở ẩn trong đó
và tự đặt tên mình là Quỉ Cốc.
Ban đầu ông không
biết chữ nhưng đã sáng tạo ra được “60 giáp tý” như thuật bói toán để đoán vận
mệnh gọi là “vô tự đại thư” (quyển sách lớn không chữ) và chuyên dạy cho người
cách ăn nói lưu lóat, khoa trương; cách sử dụng mưu kế. Người đời rất khâm phục
kính trọng; tôn ông là Quỉ Cốc thần sinh.
Cũng theo “Đông Chu liệt quốc” (tác giả Phùng Mộng Long) thì Quỉ Cốc tiên sinh là một ẩn sĩ thông
hiểu mọi lẽ trong trời đất, có mấy môn học vấn ít người theo kịp, là:
- Số học: nhật
nguyệt tượng vĩ đều thu ở bàn tay, xem việc trước, đoán việc sau, nói gì cũng
linh nghiệm.
- Binh học: Lục
thao tam lược biến hóa vô cùng, bày trận hành binh, quỉ thần không biết.
- Du thuyết học:
nhớ rộng biết nhiều, hiểu rõ lý thế, buông lời hùng biện, muôn miệng không đương.
- Xuất thế học:
giữ toàn chân tính, luyện thuốc nuôi mình, không ốm không chết, đắc đạo thành
tiên.
Tương truyền Quỉ
Cốc tiên sinh là bạn thân của Mặc Tử (một hiền triết chủ trương “Kiêm ái”, tức
là yêu thương con người); từng quan hệ mật thiết với Lão Tử (một hiền triết được
tôn vinh là Thái Thượng Lão Quân, ở Hàm Cốc), mặc dù học thuyết có khác nhau nhưng
đàm luận rất tương đắc và cùng nhau du sơn ngoạn thủy nhiều nơi.
Thường
người ta
còn gọi Quỉ Cốc tiên sinh là Quỉ Cốc tử. Tử có nghĩa là thầy, là bậc
thầy, chữ
này xuất hiện vào đời Tần, tỏ lòng kính trọng. Cũng tương truyền rằng
Quỉ Cốc Tử
đương thời thu nhận rất nhiều người theo học. Học trò rất đông, ai thích
đến học
thì học, ai muốn bỏ đi thì cứ đi, ông không nề hà, tùy theo tư chất từng
người để
dạy, ai muốn học thuật gì thì truyền thụ thuật ấy. Học trò của ông sau
khi xuống
núi, hành nghề, truyền đạo, viết sách đã phong ông là tổ sư của các học
phái: Âm Dương gia, Tung Hoành gia, Du Thuyết gia, Pháp gia…
Trong số học trò
của Quỉ Cốc Tử, có bốn người về sau nổi danh thiên hạ, lẫy lừng cổ kim, đã tung
hoành ngang dọc, khuynh đảo thời cuộc, góp phần làm nên cuộc tranh hùng dữ dội,
khốc liệt của bảy nước thời Chiến Quốc (Tần, Tề, Sở, Yên, Hán, Ngụy, Triệu). Bốn
người đó là: Tôn Tẫn và Bàng Quyên chuyên về binh pháp, Tô Tần và Trương Nghi
chuyên về du thuyết. Họ đều là những nhà thao lược đại tài.
Tóm lại, Quỉ Cốc
tử là một cao sĩ ẩn dật nơi thâm sơn cùng cốc nhưng hiểu biết, uyên thâm mọi sự
và có lối sống dân dã như người làng kẻ chợ. Ông được dân chúng kính phục và lưu
truyền trong lịch sử những câu chuyện huyền thọai về cuộc đời ông. Chính vì vậy
mà hình tượng Quỉ Cốc Tử hiện lên vừa chất phác dung dị vừa lung linh kỳ ảo và
có sức hấp dẫn lạ lùng.
Quỉ Cốc Tử là tên
một con người kỳ lạ đến mức được gọi là thiên cổ kỳ nhân nhưng đồng thời cũng là
tên của một cuốn sách kỳ lạ không kém, được gọi là thiên cổ kỳ thư.
Riêng việc xác định
Quỉ Cốc Tử có phải là cuốn sách do chính Quỉ Cốc Tử viết không đã là đề tài
tranh luận suốt dọc lịch sử, tốn không biết bao nhiêu giấy mực, hàng trăm cuốn
sách nghiên cứu ra đời với bao nhiêu là giả thuyết, đến tận ngày nay vẫn chưa
ngã ngũ. Có thể qui về ba giả thuyết chính:
- Cuốn Quỉ Cốc Tử do chính Quỉ Cốc Tử viết (sách: Trung hưng thư mục, Đàm thư chí…)
- Cuốn Quỉ Cốc
tử do Tô Tần viết (sách: Tân Đường thư, Nghệ văn chí…). Nhạc Đoài viết: “Tô Tần
muốn “thần kỳ hóa” thuyết của mình, cho nên mượn danh Quỉ Cốc Tử”.
- Cuốn Quỉ Cốc Tử do người đời Lục Triều viết rồi gán cho Quỉ Cốc tiên sinh (sách: Cổ ngụy kim
thư khảo).
Điều nói trên đã là “kỳ thư” rồi. Thêm một “kỳ
thư” nữa là cuốn Quỉ Cốc Tử không phải là không có người chê. Liễu Tôn Ngươn
trong bài “Biện Quỉ Cốc Tử” đã chê là: “Lời nói kỳ dị mà “đạo” lại càng tầm thường”.
Sách “Chư tử biện” của Tống Liêm thì phê phán nó “là cái tôi nhỏ nhoi của loài
rắn, chuột, nếu đem dùng trong gia đình thì gia đình tan nát, đem dùng trong nước
thì nước hư, đem dùng trong thiên hạ thì mất thiên hạ, các bậc đại phu, học sĩ
nên phỉ nhổ bỏ đi mà đừng bàn đến…”. Hồ Ứng Lân cũng viết: “Quyển sách rất quê
mùa nông cạn, nếu là bậc thầy của Trương Nghi, Tô Tần thì đạo thuật đâu có thấp
kém đến mức ấy…”.
Nghĩ mà vui,
theo ý chúng ta, chê đấy, nhưng hóa ra là khen. Nếu cuốn Quỷ Cốc Tử “không ra gì”
thì sao nó có thể làm tan cửa nát nhà, “hư nước”, “mất thiên hạ” được? Nó phải
có một nội lực nào đó rất “ghê gớm”. Với nội lực “ghê gớm” như thế mà lại được
trình bày một cách “quê mùa, nông cạn” hay có thể nói là mộc mạc, dân dã thì
cha đẻ của nó phải là bậc siêu quần chứ không thể tầm thường được. Nói về những
điều cao xa vời vợi của trời xanh, thâm sâu thăm thẳm của lòng người mà hồn nhiên
như nước chảy bèo trôi, bằng ngôn ngữ đại chúng và được đại chúng tin yêu thì
phải là tiên hiền, thánh triết. Tiện đây, xin nói về một chuyện, “hàng ngày” nhưng
rất kỳ bí. Như một “truyền thống”, chữ viết của bác sĩ thường là “đố mày đọc được”.
Một bác sĩ kê toa thuốc cho bệnh nhân mà đến bác sĩ khác đôi khi cũng phải “đoán
mò” thì đã xứng đáng được gọi là lương y chưa chứ chưa cần phải nói đến danh xưng
“cứu nhân độ thế”?
“Nông cạn” mà tồn
tại ngót nghét 25 thế kỷ thì chỉ có thể là “kỳ thư”!
Nhưng “kỳ thư”
nhất của cuốn “Quỷ Cốc Tử” chính là ở nội dung cực kỳ thâm hậu của nó.
Có thể là do đặc
tính của chữ tượng hình Trung Hoa và lối văn gọn, chắc thời Xuân Thu - Chiến Quốc
mà cũng tương tự như các trước tác thời đó, cuốn “Quỷ Cốc Tử” được viết rất cô đọng
nhưng uyên thâm, hàm chứa nhiều vấn đề rộng lớn, sâu sắc. Nó được nhiều học giả
đánh giá rất cao và được chú giải từ rất sớm. Người ta cho rằng người chú giải
“Quỷ Cốc Tử” đầu tiên là Lạc Phong (khoảng thời Ngụy - Tấn), kế đến là Hoàng Phủ
Thụy (khoảng 215-282), rồi đến Doãn Tri Chương và người thứ tư là Đào Hoàng Cảnh
(452-536).
“Quỷ Cốc Tử” được
phân chia (theo Đào Hoàng Cảnh) thành 3 quyển: thượng, trung, hạ. Quyển Thượng
có 4 thiên: Bãi hạp, Phản ứng, Nội kiện, Để hí; Quyển trung gồm 8 thiên: Phi kiềm,
Ngỗ hợp, Soái, Ma, Quyền, Mưu, Quyết, Phù ngôn; Quyển Hạ gồm: Bản kinh âm phù và
Trì khu.
Trong “47 Quỷ kế”
(Trần Sáng biên dịch, NXB thanh niên, 2002) chúng ta đọc được những ngợi ca hết
lời như thế này:
“ … cuốn Quỷ Cốc Tử dù của Quỷ Cốc hay không cũng được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao. Là
cuốn bách khoa đặc sắc về tâm lý học, ngôn ngữ học, thuật hùng biện, khoa học
quân sự…”.
“ Cái kỳ lạ nhất
của cuốn sách Quỷ Cốc Tử là chứa lắm mưu nhiều kế, quỉ cốc thần kinh, thiên biến
vạn hóa và dùng mãi không hết”.
“Trong đời sống
có bao nhiêu hiện tượng thì có bấy nhiêu mưu kế, người ta gọi trăm phương nghìn
kế không phải là không có căn cứ.
Quỷ Cốc Tử là
cuốn sách đã hệ thống những hiện tượng, những qui luật trong đời sống thực tiễn
thành những mưu kế độc đáo, thông minh và cô đọng nhất”
“Quỷ Cốc Tử được
viết rất cô đọng súc tích, uyên thâm, phải thực hành mới thấy cái huyền diệu và
sức mạnh của mưu kế.
Nếu đúng theo tương
truyền, thì thông minh như Tô Tần cũng phải đóng cửa, lấy dùi đâm vế, thức đêm để
học ròng rã mới hiểu được quyển “Âm phù”. Sau khi học xong, đi du thuyết mới thành
công”.
“Đáng quí là cái
tâm của tác giả đối với nhân dân. Tác giả khuyên các vua chúa phải dùng con mắt
của nhân dân (thiên hạ) để nhìn, dùng tai của nhân dân để nghe, lấy cái tâm của
mình để che chở cho nhân dân và lấy cái tâm của nhân dân để mưu cầu hạnh phúc
cho mọi người. Mắt như vậy được gọi là “thiên lý nhãn”. Tai được như vậy gọi là
“thuận phong nhĩ”. Tâm được như vậy gọi là “vạn linh tâm”. Trong sách nhắc nhiều
lần, thông qua các kế mưu giáo hóa nhân dân.
Chứng tỏ tác giả
khổ công và dùng cả cái tâm của mình để viết sách, gửi gắm ước mơ vào từng
trang sách. Đó là mong nhân dân được hạnh phúc, no ấm và được giáo hóa trở thành
những người văn minh.
Cái quý nữa là
luôn cầu tiến bộ. Sách Quỷ Cốc Tử cho rằng “phản” là hiểu quá khứ, “ứng” là hiểu
hiện tại. Có biết quá khứ mới hiểu hiện tại, có hiểu hiện tại mới biết tương
lai. Cái gì không còn thích hợp thì bỏ, cái gì còn thích hợp thì gìn giữ và áp
dụng.
Hiểu mình là trí,
hiểu người là sáng suốt. Có sáng suốt mới có trí, có trí mới có sáng suốt.
“Ôn cố tri tân”,
ôn cũ biết mới; “Tri kỉ tri bỉ”, biết người biết ta là chìa khóa vàng mở cánh cửa
đời sống của người thông minh.
Hai ngàn năm,
biết bao nhiêu khôn ngoan đã áp dụng thành công. Nhưng chiếc chìa khóa vàng vẫn
còn nguyên vẹn giá trị, dành cho những người sáng suốt. Đó cũng là nét độc đáo
của cuốn Quỷ Cốc Tử”.
***
Lịch sử Trung
Quốc có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, vô cùng rực rỡ về tư tưởng, văn hóa là
thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Như một sự bùng phát, nhà nhà viết văn, người người
tìm lý giải về tự nhiên, xã hội; vô cùng năng động; các môn phái, học thuyết đua
nhau ra đời. Biết bao nhiêu học giả kiệt xuất, những hiền triết bậc nhất xuất
hiện ở thời kỳ này và đã để lại cho đời sau biết bao nhiêu kiệt tác về văn hóa
cũng như tư tưởng và còn nguyên giá trị to lớn đến tận ngày nay. Có lẽ vì hiện
tượng nở rộ nhân tài xuất chúng như vậy mà người ta còn gọi đó là thời kỳ Bách Gia Chư Tử.
Ngay từ thời Tiên
Tần (221-206 trCN); (nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc lấy triều đại nhà Tần làm mốc,
gọi giai đoạn lịch sử trước đó là thời kỳ Tiêu Tần), người Trung Quốc đã tìm hiểu
và nghiên cứu quyền mưu về mặt lý luận. Theo quyển “Quyền mưu thần bí” (sách dịch,
NXB Văn hóa thông tin, 1996) thì Trung Quốc có ba phái quyền mưu lớn. Lúc bấy
giờ lấy học thuyết biện chứng mộc mạc mà tiêu biểu là “Chu Dịch”, “Lão Tử” để
triển khai rộng rãi việc nghiên cứu các loại quyền mưu. Tình hình hỗn loạn, chiến
tranh liên miên lúc bấy giờ như là một động lực khuấy động làn sóng nghiên cứu
và vận dụng quyền mưu trong phạm vi toàn xã hội, biểu hiện rõ nét trong Bách
gia chư tử. Một cách tương đối, có thể phân biệt ba phái quyền mưu là Pháp gia,
Binh gia và Tung Hoành gia. Ba phái này do lý luận và chủ trương chính trị không
giống nhau nên việc phát hiện và vận dụng quyền mưu cũng có chiều hướng sai biệt
nhau.
Nói chung, Pháp
gia quyền mưu thiên về chính trị, do Hàn Phi sáng lập, lấy sách “Hàn Phi tử” làm
tác phẩm tiêu biểu; Binh gia quyền mưu thiên về quân sự, thủy tổ là Tôn Vũ, lấy
“Tôn Tử binh pháp” làm tiêu biểu. Tung Hoành gia quyền mưu thiên về ngoại giao,
do Tô Tần, Trương Nghi đề xướng, lấy “Quỉ Cốc Tử” làm tiêu biểu.
Như vậy, có thể
thấy rằng sự khen ngợi ngất trời mà chúng ta đã dẫn ở phần trên về cuốn sách
“Quỷ Cốc Tử” không hẳn đã là quá đáng.
Nhưng quyền mưu
là gì?
Về mặt khái niệm,
“quyền” nghĩa ban đầu là quả cân, sau thành ra nhiều nghĩa. Trong quyền mưu, nó
có nghĩa như cách thức hành động phù hợp, thích nghi với hoàn cảnh. Chẳng hạn
như quyền biến là tùy cơ ứng biến. Còn “mưu” từ chữ mẫu (mẹ) mà ra. Nó có nghĩa
là suy nghĩ, hoạch định, tìm ra phương pháp, cách thức để đạt được mục đích nào
đó. Người ta thường nói bày mưu tính kế, mưu lược, kế sách là như vậy. Vậy quyền
mưu là xây dựng phương thức hành động theo như đã cân nhắc hoạch định từ trước
nhằm đạt được mục đích đề ra trong đấu tranh, tranh hùng.
Quyền mưu xét về
mặt tồn tại, chính là một hiện thực ảo, tồn tại trong trí não con người, cũng tương
đối như một tưởng tượng về tương lai. Nó cũng chỉ là một sự vật - hiện tượng
trong Vũ Trụ bao la.
Tồn Tại là không
tạo dựng, chỉ các bộ phận của Nó, các sự vật - hiện tượng là có tạo dựng. Tất cả
những hiện thực, hiện hữu đều phải nằm trong vòng nhân - quả, có khởi đầu và có
kết thúc. Tất cả mọi sự vật - hiện tượng đều là kết quả tạo dựng của những sự
vật - hiện tượng bên ngoài, xung quanh nó. Nhờ đặc tính này mà chủ thể mới có
khả năng làm biến đổi khách thể, con người mới có thể tác động vào hiện thực và
quyền mưu mới có thể được thực thi.
Quyền mưu là sản
phẩm của con người nhưng không phải là cái gì đó phi tự nhiên mà trái lại có
nguồn gốc sâu xa trong tự nhiên, từ Tự Nhiên.
Nếu không có các
sự vật - hiện tượng gọi là vô cơ cùng với mối quan hệ phổ biến giữa chúng là tác
động và phản ứng thì cũng chẳng có sự sống cùng với cảm giác và đấu tranh sinh
tồn. Đấu tranh sinh tồn là bảo vệ, duy trì sự sống của mình bằng cách tác động
vào môi trường mà đối với động vật chủ yếu là tước đoạt sự sống khác (mầm tội ác
đã mọc!). Sự sống động vật nào cũng phải hành động như vậy cả cho nên mới có bạo
lực, tấn công, phòng thủ, trốn chạy, ngụy trang, giả chết…, mới gọi là đấu
tranh. Cuộc đấu tranh sinh tồn dài lâu làm cho loài vật hoặc bị diệt vong hoặc
phấn đấu “khôn” lên để thích nghi, để sống còn. Những loài như hổ, báo, sư tử…
không phải tự dưng mà có cách thức rình mồi, biết chờ đợi thơi cơ, chạy đón đầu,
thậm chí là kết hợp nhau để săn bắt con mồi. Loài chó sói không phải ngẫu nhiên
mà biết tấn công theo lối bầy đàn. Loài cá heo không thể ngay từ lúc mới hình
thành đã biết phân công, hợp đồng khá phức tạp trong việc dồn đàn cá vào một chỗ
để “đánh chén” được. Loài thỏ từ đâu mà biết cách chạy chữ chi để thoát kẻ thù?
Ai dạy mà có loài chim biết thả quả có vỏ cứng từ trên cao xuống mặt đá cho vỡ
ra để ăn nhân bên trong? Người ta gọi những thủ thuật phục vụ sinh tồn ấy là do
bản năng. Đồng ý là như vậy nhưng bản năng từ đâu mà ra nếu không là sự đúc kết
kinh nghiệm dù là tự phát từ những thế hệ trước, thậm chí là ngay trong đời một
con vật? Phải cho rằng bản năng chính là thành quả của một dạng “trí nhớ” phôi
thai nào đó. Chính “trí nhớ” đó đã làm hình thành nên những thủ thuật trong đấu
tranh sinh tồn, hay có thể gọi là những quyền mưu phôi thai và bản năng là thực
hiện quyền mưu một cách vô thức? Thiên nhiên đã suy nghĩ hộ cho loài vật hay cần
phải định nghĩa lại sự suy nghĩ? Hay đơn giản là chúng ta điên rồ?! Nếu có một
trăm người và cả một trăm người nói chúng ta điên mà chúng ta nói mình không điên
thì một trăm phần trăm là chúng ta bị điên, nhưng chỉ vài người nói chúng ta điên
mà chúng ta cũng nhận thấy mình bị điên thì có lẽ chúng ta còn tỉnh táo. Cứ chờ
xem! Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta cứ tiếp tục câu chuyện hoang tưởng của mình!
Loài người không
thể không thoát thai từ loài vật cho nên loài người cũng phải chứa đựng những đặc
tính cơ bản của sự vật - hiện tượng nói chung và của loài vật nói riêng. Nghĩa
là con người cũng phải có mối quan hệ tác động - phản ứng với môi trường xung
quanh và cũng nằm trong xoáy lốc đấu tranh sinh tồn. Nhưng loài người là loài vật
đã được tiến hóa trang bị cho tư duy nên ngoài bản năng ra, loài người còn biết
dự đóan, dự định, xác định trước đường đi nước bước, biết phân tích lợi hại, chế
tác công cụ hỗ trợ, “bày binh bố trận” trên bước đường tìm lẽ sống. Và quyền mưu
thực sự ra đời từ đó.
Nhiều người cho
rằng trong cuộc sống hàng ngày không có quyền mưu. Đó, theo chúng ta là nhận định
không đúng. Khi chúng ta suy nghĩ thực hiện bất cứ công việc gì thì đã có dấu
hiệu của quyền mưu rồi. Chẳng hạn: đi chơi thì không thể hiện quyền mưu nhưng
suy nghĩ để thực hiện được cuộc đi chơi ấy lại có tính quyền mưu. Trong mối
quan hệ giữa người với người thường xuyên xuất hiện quyền mưu. Nếu chúng ta muốn
“theo đuổi” một cô nàng xinh đẹp nào đó, nhất thiết trong đầu chúng ta phải xuất
hiện quyền mưu. Muốn kinh doanh thắng lợi thì không thể thiếu quyền mưu.
Nhưng quyền mưu
thể hiện rõ nhất là trong tranh giành quyền lực, địa vị thống trị và xung đột vũ
trang, những nơi mà quyền mưu đối chọi với quyền mưu, một mất một còn.
Nên lưu ý rằng
bản thân quyền mưu là không tốt mà cũng chẳng xấu; chỉ là hiện tượng tự nhiên, còn
tốt hay xấu là tùy thuộc vào con người. Quyền mưu của một kẻ vô đạo bao giờ cũng được gọi
là mưu ma chước quỷ. Quyền mưu của bậc quân tử, chân nhân bao giờ cũng sáng ngời
tính nhân văn và được khen là mưu chước như thần. Trong việc thực hiện quyền mưu,
“người quân tử đôi khi phạm phải điều bất nhân, nhưng chưa từng thấy kẻ tiểu nhân
làm được điều nhân nghĩa” (Khổng Tử).
Quyền mưu của
con người được hình thành từ việc đúc kết kinh nghiệm của hoạt động thực tiễn đã
qua, từ việc rút ra được những bài học thành bại của quá khứ, từ việc nhận thức
và nhận thức lại những tri thức của tiền bối về những quy luật vận động của hiện
thực xã hội - tự nhiên đầy biến động.
Con người lập được
quyền mưu là nhờ tiếp thu được kinh nghiệm, hiểu biết của quá khứ, nhờ quan sát
phát hiện được những nguyên lý phổ biến cũng như đặc thù trong cuộc đấu tranh
sinh tồn của chính con người cũng như giới tự nhiên (cây cối, muông thú).
Chúng ta có thể
phân biệt khái niệm quyền mưu và mưu kế. Quyền mưu là khái niệm rộng, bao hàm
khái niệm mưu kế. Mưu kế đại khái có thể là suy nghĩ ra cách thức thực hiện nhằm
đạt thắng lợi trước một sự việc, một đối tượng, trong phạm vi hạn chế về qui mô
không gian và thời gian. Còn quyền mưu là sự nghiên cứu có hệ thống những sự kiện
xảy ra trong thực tiễn, tổng kết, phân loại các mưu kế, nâng lên thành lý luận
về những phương thức dành thắng lợi trong những trường hợp chung nhất; chỉ ra
những nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện mưu kế tùy theo từng điều kiện và
hoàn cảnh và diễn biến tình hình. Vì vậy một tác phẩm quyền mưu đúng nghĩa luôn
mang tính triết lý sâu sắc, bộc lộ quan niệm về thế giới khách quan và có thể
cho rằng quyền mưu là mưu kế của mưu kế.
***
Như đã đề cập,
ba trước tác tiêu biểu của ba phái quyền mưu thời Xuân thu - Chiến quốc là “Hàn Phi Tử”, “Tôn Tử binh pháp” và “Quỉ Cốc Tử”.
Nội dung chủ yếu
của “Hàn Phi Tử” là bàn về quyền mưu chính trị trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm
lịch sử, dùng thực tế lịch sử cụ thể và truyền thuyết, bao gồm hàng loạt câu
chuyện quyền mưu để chứng minh cho học thuyết chính trị kết hợp cả pháp, thuật,
thế. Học thuyết đó được Hàn Phi sáng lập ra trên cơ sở tiếp thu lý luận của Thương
Ưởng, Thân Bất Bại và Thân Báo; có thể tóm lược như sau: Pháp là chỗ dựa căn bản
của vua chúa cai trị đất nước, thống trị nhân dân; Thuật là thủ đoạn chủ yếu để
vua chúa điều khiển bề tôi, kiểm tra bách quan, Thế là quyền thế sinh sát ban
phát tước đoạt mà vua chúa độc quyền nắm giữ; Pháp, Thuật, Thế lấy Pháp làm hạt
nhân mang tính qui định về chính trị; Thuật là thủ đoạn đảm bảo cho Pháp thực
thi; Thế là tiền đề tất yếu để vận dụng Pháp, Thuật; ba cái đó dựa vào nhau mà
tồn tại. Và là cơ sở để vua chúa chuyên chế điều khiển bề tôi, thực hiện thống
trị.
“Tôn Tử binh pháp”
là trước tác lý luận quân sự sớm nhất của Trung Quốc tồn tại đến nay; trình bày
rõ ràng, súc tích về những vấn đề liên quan đến chiến tranh, những nguyên tắc
chỉ đạo và tiến hành chiến tranh, nêu lên khá tỉ mỉ về quyền mưu quân sự. Có thể
thấy rằng những khái niệm cơ bản nhất của một cuộc xung đột vũ trang đã xuất hiện
trong tác phẩm ấy. Giá trị của nó thì khỏi phải bàn, có những lý luận, những
nguyên tắc mang tính phổ biến mà đến ngày nay vẫn không hề giảm sút giá trị. Chính
người Anh cũng phiên dịch “Tôn Tử binh pháp” và liệt vào sách quân sự cổ điển mà
trường võ bị Anh dùng để giảng dạy học tập, nghiên cứu. Trong thời hiện đại, người ta còn
nghiên cứu nó để áp dụng vào cả công việc kinh doanh nữa mới thấy được cái “tuyệt”
của một tác phẩm ra đời cách nay không dưới 2500 năm.
“Quỉ Cốc Tử” được
người ta cho rằng có nội dung chủ yếu về quyền mưu ngoại giao, “dùng lý lẽ khuất
phục người”. Trong đó bàn luận khá hệ thống về các vấn đề mang tính nguyên tắc,
làm cơ sở cho du thuyết, hiến kế, nêu ra và luận giải rõ ràng “Thuật lượng nghi
phát ngôn”. Thuật lượng nghi phát ngôn, nói nôm na là ước lượng, cân nhắc, dò xét
khéo léo để biết được tâm trạng, nhân cách, tính tình của đối tượng mà tìm cách
nói cho phù hợp, thực hiện quyền mưu. Chẳng hạn “Thuyết phục vua phải nói điều
mới lạ, với bầy tôi phải nói tới tư lợi”. Đó là vì nói điều lạ với vua có thể lập
nên công trạng lớn; nói tới tư lợi với bầy tôi, có thể bảo toàn tính mạng. Hay
khuyên: “Chớ gán ghép cho người điều người ta không muốn, chớ dạy điều người ta
không hiểu”, vì hai cách này là trái với lẽ thường tình cảm con người, dễ gây
phật lòng nên khó mà đạt được mục đích dự định. Hoặc như: “Nói với bậc trí giả,
dùng lời lẽ uyên bác; nói với bậc uyên bác, dùng biện luận; nói với nhà biện luận,
dùng những điều cốt lõi; nói với kẻ quyền thế, dùng thế; nói với kẻ giàu sang dùng
sự cao thượng; nói với người nghèo, dùng lời; nói với kẻ hèn, dùng khiêm nhường;
nói với người dũng cảm, dùng can đảm; nói với người có chí tiến thủ, dùng sự sắc
bén”.
Theo ý kiến của
chúng ta, trong ba trước tác ấy, “Hàn Phi Tử” là kém giá trị nhất. Có thể là nó
đã từng có tác dụng to lớn trong việc củng cố và hoàn thiện chế độ phong kiến,
là sản phẩm tất yếu của một giai đoạn phát triển lịch sử nhưng việc áp dụng nó
vào thực tiễn đời sống là hạn chế. Sách “Sử ký” viết: “Hàn Tử đưa ra tiêu chuẩn
để xét sự việc, phân biệt điều phải, điều trái. Học thuyết ông ta hết sức thảm
khốc, ít dùng ân đức”. “Tôn Tử binh pháp” là tác phẩm hay, viết cô đọng nhưng hàm
chứa chân lý, nhiều vấn đề nêu ra như qui luật phổ biến về chiến tranh, có tác
dụng không nhỏ đối với các cuộc chiến tranh trong lịch sử Trung Quốc và trong
chừng mực nào đó còn được ứng dụng mặt này hay mặt khác ở một vài lĩnh vực của đời
sống xã hội. Được như thế phải nói rằng tác giả của “Tôn Tử binh pháp” là người
đại tài, đã nghiên cứu rất kỹ và chắc rằng đã thấu suốt được những nguyên nhân
thành bại của cuộc hành binh, giao tranh trước đó và phát hiện ra được những mối
quan hệ tác động lẫn nhau có tính qui luật giữa các sự vật - hiện tượng trong
chiến tranh ấy; từ đó mà sáng tạo ra hệ thống lý luận về những nguyên tắc, cách
thức giành thắng lợi trong đấu tranh vũ trang. “Tôn Tử binh pháp” nhờ thế mà có
sức sống vượt thời đại.
Nhưng chúng ta
vẫn “khoái” “Quỉ Cốc Tử” hơn. Dù “Tôn Tử binh pháp” nổi tiếng lẫy lừng kim cổ
nhưng vẫn không được mang danh thiên cổ kỳ thư. Ấy vậy mà “Quỉ Cốc Tử” lại được
mang danh ấy, trong khi có thể là không nổi tiếng bằng. Điều lạ thường này không
phải là không có nguyên nhân và nguyên nhân phải được tìm thấy trong sự ca ngợi
ngất trời mà chúng ta đã từng liệt kê, ở cái nội dung ẩn dấu của nó.
Tô Tần, Trương
Nghi là hai đệ tử ưu tú của Quỷ Cốc tiên sinh; trở thành hai nhân vật tiêu biểu
của Tung Hoành gia quyền mưu. “Tung hoành” là khái niệm có nguồn gốc từ thực tế
diễn biến thời cuộc. “Tung” hàm nghĩa là “hợp tung”, do Tô Tần thực hiện, là chỉ
sáu nước Sơn Đông từ Yến đến Sở, nam bắc hợp thành một tuyến, cùng nhau chống Tần
để mong tồn tại. “Hoành” tức là “liên hoành”, do Trương Nghi thực hiện, là chỉ liên
minh của nước Tần với bất kỳ nước nào, đông tây thành một tuyến, công kích nước
khác, nhằm thống nhất thiên hạ. Nói chung, Tung Hoành gia chính là những mưu thần
biện sĩ trên vũ đài ngoại giao thời Chiến Quốc, bôn ba du thuyết hoặc vào triều
can dự chính sự, trực tiếp chịu trách nhiệm với kẻ thống trị các nước. Họ coi
quyền mưu là sự hóa thân của trí và lý, cho rằng nó có thể phát huy không gì sánh
được, với bên trong có thể làm cho nước trị dân yên, với bên ngoài có thể làm
cho “chư hầu kết thân”, với bản thân thì muốn gì được nấy.
Chúng ta đều thấy
trong cuộc sống đời thường, việc thu phục lòng người đâu phải dễ, huống hồ là
“dùng lời nói khuất phục người”. Trong chính trị, thuyết giảng về sự thiệt hơn,
lợi hại, mất còn để lèo lái các quốc gia ngả theo ý chí của mình, thì còn khó tới
mức nào nữa!
Nói tới điều đó
để thấy rằng những mưu thần biện sĩ Tung Hòanh gia phải có tài cán hơn người,
am hiểu thời cuộc, kiến thức sâu rộng và lý luận sắc bén mới có khả năng “uốn
ba tấc lưỡi” để thực hiện quyền mưu đạt kết quả. Ngoài ra những vấn đề mà họ hùng
biện, thuyết giải phải có lý, hợp lẽ tự nhiên, “thuận thiên”. Thí dụ: để tránh
bị thôn tính bởi một nước Tần mạnh gấp bội thì hành động hợp lý của sáu nước yếu
là liên minh với nhau. Chính vì thấy được điều đó mà Tô Tần đã thực hiện thành
công “hợp tung”. Trước sáu nước liên minh, Tần mất đi thế mạnh của mình. Điều hợp
lẽ tự nhiên là muốn “bình thiên hạ” Tần phải tìm cách phá vỡ sự liên minh ấy.
Nhưng phá bằng cách nào? Trương Nghi đã giải đáp: chỉ cần liên kết được với bất
cứ nước nào trong khối liên minh ấy, cán cân lực lượng sẽ thay đổi có lợi cho Tần,
và Trương Nghi đã thực hiện quyền mưu thành công, đó là "liên hoành"!
Chiến Quốc là
thời ly loạn. Mối quan hệ giữa các nước, trong quá trình tan rã của chế độ chiếm
hữu nô lệ và hình thành củng cố chế độ phong kiến, là vô cùng chằng chịt những
rối rắm phức tạp. Nước nào cũng cố gắng phát triển thực lực để tránh bị thôn tính
đồng thời tranh giành quyền bá chủ các nước chư hầu. Vì thế mà xung đột vũ
trang xảy ra liên tục. Bối cảnh ấy chính là cơ hội cho “trai thời loạn” thi thố
tài năng, mưu cầu danh lợi. Tô Tần, Trương Nghi và các biện sĩ, du thuyết khác
của phái Tung Hoành gia cũng không phải là những ngoại lệ. Điều đáng nói ở đây
là tài năng xuất chúng của “trai thời loạn” Tô Tần và sau là Trương Nghi. Tài năng
xuất chúng ấy thể hiện ở chỗ trước sự phô bày hỗn độn, họ đã quan sát, thấy được
rõ ràng tình thế của thời cuộc, hiểu được, phán đoán được tâm trạng chung của
vua chúa các nước, phân tích và nhận định một cách tinh tường khả năng tạo dựng
một hiện thực thỏa mãn đòi hỏi bức thiết (dù là tạm thời) của một số người, phù
hợp với thực tiễn lúc bấy giờ, trên cơ sở đó mà thi triển quyền mưu một cách
xuất sắc, đạt kết quả mong muốn. (Chúng ta cho rằng, con người có thể tác động, và
phải tác động làm nên tiến trình lịch sử nhưng không thể ảnh hưởng được đến xu
thế tất yếu của nó. Chẳng hạn từ chế độ chiếm hữu nô lệ đến chế độ phong kiến là
tất yếu. Thời Chiến Quốc, việc xuất hiện Hợp tung và Liên hoành không phải là tất
yếu mà chỉ là khả năng, khả năng dễ xảy ra nhất. Nếu Liên hoành xảy ra trước thì
việc xuất hiện Hợp tung là nhiều khả năng hơn cả, nhưng không phải là xu thế tất
yếu. Nhà Tần thống nhất thiên hạ là một khả năng nhưng nếu phân tích tình hình
thời cuộc ở một thời điểm nào đó (ở tình thế đã ngã ngũ chẳng hạn) thì đó lại là
một xu thế tất yếu, số phận đã an bài. Một lần nữa chúng ta nhấn mạnh tính “bấp
bênh”, tính tương đối của khái niệm).
Để phần nào nói
lên cái cực khó trong việc thực hiện quyền mưu ngoại giao, ở cái thời mà sự sống
chết của bề tôi phụ thuộc vào “ý thích” của vua chúa, chúng ta nghe “người
trong cuộc” Hàn Phi nói (sách “Hàn Phi Tử", quyển bốn chương “Thuyết nan” (cái
khó của du thuyết), trích theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên):
“Cái khó trong
việc du thuyết không phải là ở chỗ biết những điều cần phải đưa ra nói. Nó cũng
không phải ở chỗ mình không biết biện luận. Cũng không phải ở chỗ không trình bày
được rõ ràng ý nghĩ của mình. Cũng không phải ở chỗ không dám nói ngang nói dọc
cho hết cái ý của mình. Phàm cái khó trong việc du thuyết chính là ở chỗ làm thế
nào biết được cái tim của con người mình muốn thuyết phục để dùng cái thuyết của
mình mà đối phó.
Nếu con người mình
muốn du thuyết chỉ nghĩ đến cái danh cho cao, mà mình lại đem cái lợi lớn ra
thuyết với họ, thì họ sẽ cho mình là bọn hèn hạ và đối xử như với bọn ti tiện.
Thế là thế nào họ cũng vất bỏ ta thật xa. Nếu con người mình muốn du thuyết chỉ
nghĩ đến cái lợi cho lớn, mà mình lại đem cái danh cao ra thuyết với họ thì họ
sẽ cho ta không chú ý gì đến thế sự, nói chuyện viễn vông, và thế nào họ cũng sẽ
không dùng. Nếu con người mình muốn du thuyết trong bụng nghĩ đến cái lợi cho lớn
nhưng bên ngoài làm ra vẻ muốn cái danh cho cao mà ta đem chuyện danh cao ra thuyết
thì bên ngoài họ làm ra vẻ dung nạp cái thân ta, nhưng thực ra thì bỏ rơi ta.
Nhưng nếu ta đem chuyện lợi lớn ra nói với họ, thì trong bụng họ dùng lời nói của
ta, nhưng bên ngoài họ sẽ vất bỏ cái thân của ta.
Đó là những điều
không biết không được.
Phàm việc làm mà
thành là do chỗ bí mật; lời nói mà thất bại là do chỗ bị tiết lộ. Bản thân mình
chưa chắc đã tiết lộ ra, nhưng chỉ cần nói đến cái mà người ta giấu thì đã nguy
đến thân rồi. Nhà vua có điều sai mà người du thuyết lại dùng những lời sáng tỏ,
dùng cái nghĩa lý hay để suy luận ra sai lầm của nhà vua thì nguy đến thân.
Nếu ta chưa được
ân huệ nhà vua tưới đến mà lại đem hết những điều ta biết ra nói thì hoặc là cái
thuyết của ta sẽ được dùng đem đến kết quả nhưng ta chẳng được ân đức; hoặc là cái
thuyết của ta đem dùng xảy ra thất bại, thế là ta bị nghi ngờ. Như thế thì nguy
đến thân.
Phàm nhà vua được
cái kế của ta, nhưng muốn xem đó là công lao của mình, mà người du thuyết lại
muốn cùng biết, thế thì nguy đến thân. Nếu nhà vua rõ ràng muốn làm một việc gì
và cho đó là công lao của mình mà kẻ du thuyết lại cùng biết điều đó thì nguy đến
thân. Nếu mình cưỡng ép nhà vua bắt làm những điều nhà vua không quyết làm, bắt
bỏ những điều nhà vua quyết không bỏ, thì nguy đến thân.
Cho nên nói: Nếu
ta đem những người tôn quý trong triều ra nói với nhà vua, thì nhà vua sẽ cho
ta là ly gián; nếu ta đem những người thấp hèn ra nói với nhà vua, thì nhà vua
sẽ cho ta muốn bám quyền. Ta bàn đến cái nhà vua thích, thì nhà vua sẽ cho ta là
nịnh nọt; ta bàn đến cái nhà vua ghét, thì nhà vua sẽ cho ta thăm dò nhà vua.
Nếu ta tóm tắt,
ít lời, thì nhà vua sẽ cho ta không có kiến thức gì và khinh ta. Nếu ta nói mênh
mông, lời lẽ phù phiếm, thì nhà vua sẽ thấy nhiều quá và chán. Nếu ta cứ trình
bày sự việc theo ý muốn nhà vua, thì nhà vua bảo ta “nhút nhát, không dám nói hết
sự lý”. Nếu ta suy nghĩ sự việc và nói rộng, thì nhà vua sẽ bảo ta “thô lỗ và
ngạo mạn”.
Tất cả những điều
khó này trong việc du thuyết không thể không biết đến.
Phàm việc thuyết
phục là cốt ở chỗ biết tô điểm cho cái mà nhà vua quí trọng, từ bỏ cái mà nhà
vua ghét. Hễ nhà vua tự cho cái kế mình là sai, thì ta chớ nêu chỗ nó sai lầm mà
bắt bẻ đến cùng. Nếu nhà vua tự cho mình dũng mãnh ở chỗ quyết đoán một việc gì,
thì ta chớ đưa ý của ta ra chống chọi để làm cho nhà vua nổi giận. Nếu nhà vua
cho sức lực của mình đủ để làm một việc gì, thì ta chớ đem chuyện khó khăn ra cản
trở. Nếu nhà vua muốn mưu việc gì cùng với một người khác, hay khen một người mà
nhà vua cùng bàn mưu với họ thì ta nên tô điểm cho họ và chớ nói gì có hại cho
họ. Nếu nhà vua và người ấy thất bại, thì hãy cố gắng tô điểm làm như họ không
sai lầm.
Kẻ đại trung không
dùng lời lẽ làm phật ý vua, lời can gián cũng không cốt đả kích bài bác gì ai.
Sau đó mới đem cái tài biện luận và cái khôn của mình ra. Như thế cho nên gần gũi
với nhà vua, không bị nhà vua ngờ vực.
Biết được cái đạo thờ vua là khó. Phải chờ đến
khi nào quen biết đã lâu, đã được ân huệ nhiều, bày mưu kế sâu mà không bị
nghi, cãi lại ý nhà vua mà không bị tội, lúc bấy giờ mới bày tỏ điều lợi hại, để
lập được công, nói thẳng điều phải điều trái để cho cái thân mình được sung sướng.
Khi nào vua và tôi đối với nhau được như vậy, lúc đó là lúc việc du thuyết thành
công.
Y Doãn làm người
nấu bếp, Bách Lý Hề làm người nô lệ đều do con đường hèn hạ mà gặp nhà vua. Cho
nên họ đều thành đạt từ chỗ được nhà vua tin dùng. Hai người này đều là những bậc
thánh nhân mà còn không thể không lấy thân mình làm tôi tớ, để bước vào đường đời
một cách nhục nhã như vậy. Như thế đủ biết đó không phải là điều làm cho những
bầy tôi tài giỏi phải xấu hổ.
Nước Tống có người
nhà giàu. Trời mưa, tường hư hỏng. Người con nói: “Nếu không xây tường thì sẽ bị
ăn trộm”. Cha của người hàng xóm cũng khuyên như vậy.
Đêm ấy, quả nhiên
trong nhà mất của. Nhà ấy khen người con là khôn mà nghi cha của người hàng xóm.
Ngày xưa Trịnh
Vũ Công muốn đánh Hồ, bèn gả con gái cho người Hồ. Nhân đấy, nhà vua hỏi quần
thần:
- Ta muốn dùng
binh, nên đánh ai?
Quan Kỳ Tư nói:
- Nên đánh Hồ.
Nhà vua bèn giết
quan Kỳ Tư, nói:
- Hồ là nước
anh em của ta, tại sao nhà ngươi lại nói nên đánh?
Vua nước Hồ
nghe tin ấy, cho nước Trịnh là chỗ thân thiết với mình nên không đề phòng. Nước
Trịnh đánh úp và lấy Hồ.
Hai điều nói trên
chứng tỏ là hai người đều biết đúng sự thực nhưng người rủi nhất thì bị giết,
người ít rủi thì cũng bị nghi. Như thế đủ biết cái khó không phải ở chỗ biết, cái
khó là ở chỗ dùng cái biết của mình. Ngày xưa, Di Tử Hà được vua nước Vệ yêu,
theo pháp luật của nước Vệ, ai tự tiện đi xe của vua là bị tội chặt chân. Được ít
lâu, mẹ Di Tử Hà mắc bệnh. Có người nghe tin, đang đêm đến báo với Di Tử Hà. Di
Tử Hà trái lệnh, đi ra bằng xe ngựa của vua.
Nhà vua nghe
tin cho là người hiền, nói:
- Thực là người
có hiếu! Vì mẹ mà phạm tội bị chặt chân.
Di Tử Hà đi chơi
với nhà vua trong vườn quả. Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngon, không ăn hết, dâng
nhà vua. Nhà vua nói:
- Anh ta thật yêu
ta! Quên cái miệng của mình mà nhớ đến ta.
Đến khi Di Tử Hà
nhan sắc kém, lòng vua bớt yêu đi, lại phạm tội. Nhà vua nói:
- Nó đã có lần
tự tiện đi xe ngựa của ta, lại có lần bắt ta ăn quả đào thừa của nó.
Cho nên việc làm
của Di Tử Hà không khác, nhưng lần trước được khen là hiền, lần sau lại phạm tội.
Đó là vì lòng yêu ghét hết sức thay đổi. Cho nên được nhà vua yêu thì cái khôn
của mình càng làm cho mình được thân, bị nhà vua ghét thì cái tội của mình càng
làm cho mình bị ruồng bỏ. Những kẻ sĩ đi du thuyết không thể không xét đến chỗ
nhà vua yêu ghét cái gì, rồi sau đó mới thuyết phục.
Rồng là một vật
có thể đùa bỡn, thậm chí có thể cưỡi. Nhưng ở dưới cái cổ của nó có cái vảy ngược
dài một thước. Ai động đến thì bị nó giết ngay. Các vị vua chúa cũng có cái vảy
ngược, kẻ du thuyết không sờ phải cái vảy ngược của vua chúa thì mới là người
giỏi”.
Thế đấy! Thuyết
phục vua chúa để mưu cầu danh lợi cho mình không phải dễ đâu nhé! Lạng quạng còn
mất mạng như chơi!
***
Tài năng của Tô
Tần, Trương Nghi là như thế. Và cùng với Tôn Tẫn, Bàng Quyên, họ đã làm mưa làm
gió một thời trong thiên hạ.
Đào
tạo được bốn
học trò thuộc hàng kiệt xuất lưu sử quả là “xưa nay hiếm” và cái "biết"
của Quỉ Cốc tiên sinh quả thật là cao siêu, thượng thừa vậy!
Một sự biết được
gọi là cao siêu, thượng thừa có nghĩa là sự biết đó đã nắm bắt được “đạo” vận hành của trời đất,
đã am tường nhân tình thế thái. Chỉ có trên cơ sở sự biết như thế, Quỉ Cốc Tử tiên sinh mới
truyền thụ được những kiến thức tuyệt đỉnh, làm nên những bậc thầy về du thuyết
như Tô Tần, về binh pháp như Tôn Tẫn. Xét ở góc độ nhận thức tự nhiên, theo chúng
ta, phải coi Quỉ Cốc tiên sinh như một hiền triết, sánh ngang hàng với những Khổng
Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Mạnh tử… Tiếc rằng thân thế và sự nghiệp của ông ít được
nhắc tới trong chính sử bởi cái mơ hồ, huyền ảo của nó. Nhưng nguyên nhân sâu
xa rất có thể bởi cách sống của một “ẩn sĩ”, thấy rõ thời cuộc mà chán ghét thời
cuộc, không trực tiếp tham gia vào cái chính trường đầy bất trắc và vô nghĩa (là
không chính nghĩa mà cũng không phi nghĩa, có thể cả hai mà có thể không phải cả
hai!); thích sống trong dân dã, lẫn vào hoa lá cỏ cây, “hiện” đấy mà cũng “ẩn” đấy.
(Nếu Khổng Minh không nhập thế, xuống núi phò Lưu Bị thì đời này làm gì có một
Khổng Minh với tài thao lược đi vào huyền thoại?!) Nói bên lề: cái thế "tam phân
thiên hạ" là một khả năng tiềm tàng (có xác suất cao). Khổng Minh hơn người ở chỗ
đã sớm thấy được khả năng ấy; đã từng nói với Lưu Bị rằng: “Tướng quân muốn thành
nghiệp bá thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi
cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy nhân hòa. Trước hãy
chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành
cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được”, và đã dấn thân trực
tiếp thực hành quyền mưu tuyệt đích của mình để biến khả năng ấy thành hiện thực.
Than ôi, thế chân vạc thì thành mà đường vào Trung Nguyên thì vô vọng! “Lượng
sinh ra thời loạn, toan chịu già ở nơi rừng rú. Nhưng đội ơn Chiêu liệt Hòang Đế
ba lần cầu đến, lại thừa việc thác cô rất trọng, nên phải ra sức khuyển mã để đánh
giặc nước. Không ngờ tướng tinh sắp đổ, số thọ hầu tàn.” (lời Khổng Minh). Đúng
là "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên" (Lập mưu là do người, thành hay bại là do trời), hay:"Người tính không bằng trời tính".
Nước
chảy đá mòn,
thời gian đã làm lu mờ nhiều điều, nhưng tư tưởng triết học siêu quần
của Quỉ Cốc Tử vẫn
tiềm ẩn trọn vẹn trong cuốn “Quỉ Cốc Tử”. Tương truyền lúc sinh thời,
Quỉ Cốc Tử kết thân
với Mặc Tử và Lão Tử. Xét về mặt thời gian theo chính sử thì không thể
có hiện tượng ấy, nghĩa là tương truyền vừa nêu không thực. Vậy thì nó
có thể hàm ý gì? Chúng ta đều biết Mặc Tử và Lão Tử được chính sử Trung
Quốc
xếp vào hàng những hiền triết đứng đầu những môn phái triết học. Thế thì
Quỉ Cốc Tử, một người không những kết thân mà còn “đàm luận rất tương
đắc” với hai hiền
triết đứng đầu hai trường phái triết học ấy, dù không được chính sử vinh
danh là hiền triết
thì học thức của ông (chí ít!) cũng phải ngang bằng với các hiền triết.
Không thể khác được!
Không thể khác được!
Vâng, không thể khác được, Quỉ Cốc tiên sinh phải là hiền triết, phải là bậc thầy
của bậc thầy về tư tưởng. Một hiền triết có bốn đệ tử ưu tú lưu danh sử sách mà
bản thân lại xuất hiện hết sức mờ nhạt trong chính sử là một điều hết sức huyền
bí, một uẩn khúc thuộc hàng lớn nhất của lịch sử Trung Hoa.
Trong chiều sâu
của sự hoang tưởng, chúng ta “hình như” đã thấy rõ được sự uẩn khúc ấy. Chân lý
là giản dị: Quỉ Cốc tiên sinh là một con người có thật, học thuật siêu phàm thật,
hiện hữu một cách đường bệ trong lịch sử triết học của Trung hoa cổ đại với một
cái tên khác. Vậy ông là ai? Chúng ta sẽ trình bày sau. Còn bây giờ, chúng ta quay lại
với cuốn sách “Quỉ Cốc Tử”.
Tác giả của “Quỉ
Cốc Tử” nếu không phải của Quỉ Cốc tiên sinh thì cũng phải là của một người nào
đó thấm nhuần tư tưởng triết học của ông, một tư tưởng triết học uyên bác, thấu
hiểu được nhiều điều về Tự Nhiên Tồn Tại; một thế giới quan vừa duy vật vừa biện
chứng như cách nói của chúng ta ngày nay.
Tác giả của cuốn
“Quỉ Cốc Tử” đã nhận biết được bản chất tương phản của thế giới hiện thực mà
trong đó có các sự vật - hiện tượng vận động và biến đổi khôn lường. Tương phản
vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của tất cả sự vận động và biến đổi ấy, đồng
thời tất cả những vận động và biến đổi ấy lại là nguyên nhân và kết quả của mọi
sự tương phản. Chính vì vậy mà tổng thể vận động và biến đổi mang tính chu kỳ,
tuần hoàn nối tiếp nhau kéo dài như bất tận. Không những thế, tác giả còn thấy được
(điều này mới thực sự quan trọng, làm nên nội dung quyền mưu thượng thừa của cuốn
sách “Quỷ Cốc Tử”) sự phân định khách quan giữa chủ thể và khách thể, giữa quan
sát và đối tượng quan sát trong hiện thực (môi trường), mối tương quan sinh động
giữa chúng mà quan sát (chủ thể) đóng vai trò trung tâm. Còn một điều cũng không
kém phần quan trọng làm nên cái “tuyệt” của cuốn sách là tác giả của nó đã nhận
thức được nguyên lý tối thượng của Tự Nhiên, cái Đạo trong trời đất: vận động và
biến đổi phải hợp lẽ tự nhiên, không thể “ngược ngạo”, tùy tiện được. Con người
trong một chừng mực nhất định, có thể làm mất đi hoặc tạo dựng sự vật - hiện tượng
nào đấy, vận động và biến đổi nào đấy, nhưng phải “thuận thiên”, hợp “Đạo”,
theo như tự nhiên vốn dĩ. Có thể biến đổi dòng chảy một con sông thành cong, thẳng,
quanh co nhưng không thể bắt nó tự nhiên chảy ngược dòng, từ chỗ thấp lên chỗ
cao được. Một ông vua, ngồi trên đầu thiên hạ, bao giờ cũng làm theo ý chí của
cá nhân mình. Nhưng nếu khéo léo, một người nào đó vẫn có thể “bắt” vua thay đổi
ý chí, làm theo ý mình, dù rằng về hình thức, vẫn là ý chí vua.
Cuốn sách “Quỉ
Cốc Tử” ra đời trên nền tảng tư tưởng ấy.
Không như “Tôn
Tử binh pháp” chuyên bàn về quân sự, không như “Hàn Phi tử” chuyên nói về chính
trị, thuật cai trị, không chỉ nói riêng về quyền mưu ngoại giao, cũng không chỉ
nói về thuật thu phục lòng người (đấu pháp tâm thuật), có lẽ nên cho rằng cuốn
“Quỉ Cốc Tử” là một chỉ dẫn “cách nhận biết đúng đắn về hiện thực để từ đó mà có
cách ứng phó phù hợp trước hiện thực ấy, tác động làm biến đổi hiện thực ấy một
cách tự nhiên. Hay có thể nói cuốn sách “Quỉ Cốc Tử” dạy cách để sống còn và thành
đạt; là bí quyết, cẩm nang của cuộc sống; là “đạo sống”. Cuốn sách ấy, giản dị
chỉ là như thế và chính vì như thế mà nó có thể ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống
đời thường cũng như ở bất cứ lĩnh vực nào trong đời sống xã hội. Xét dưới góc độ
quyền mưu, nó như một nguyên lý tổng quát trong việc xây dựng quyền mưu và thực
hiện quyền mưu chung cho quân sự, chính trị và ngoại giao.
Để chứng minh “đại
ngôn” ở trên là không đến nỗi rỗng tuyếch, chúng ta sẽ đi sâu (không sâu lắm đâu!)
vào nội dung của cuốn sách (chỉ là nội dung trích lược, thông qua biên dịch của
Trần Sáng).
Nói chung mối
quan hệ giữa sự vật - hiện tượng và môi trường (trường xung quanh nó cùng với các
sự vật - hiện tượng khác ngoài nó) là mối quan hệ giữa tác động và phản ứng.
Khi bị môi trường tác động thì sự vật sẽ phản ứng, tác động lại môi trường và
ngược lại khi sự vật tác động vào môi trường thì môi trường cũng sẽ phản ứng lại.
Phản ứng là quá trình vận động nội tại của vật đang ở trạng thái cân bằng (tương
đối được cho là đủ phù hợp, thích nghi tương đối với môi trường) bị đe dọa mất
cân bằng do tác động nào đó (của môi trường, của bản thân nội tại vật …) và cố
giữ vững cân bằng (duy trì trạng thái cân bằng cũ hoặc “tìm” trạng thái cân bằng
mới). Phản ứng ở thế giới vô cơ là nguồn gốc của cảm giác của thế giới sinh vật,
và đối với con người trên Trái Đất này là năm giác quan. Nhờ có năm giác quan và
bộ não biết tư duy mà con người có thể quan sát và nhận biết, hiểu được tương đối
thế giới hiện thực. Mỗi con người là một chủ thể quan sát. về mặt thành phần cấu
tạo, về cấu trúc hình thể nói chung là giống nhau nhưng cũng có những dị biệt
do thí dụ như không cùng ngày sinh, nơi sinh, không cùng huyết thống, phát triển
trong môi trường khác nhau… và đặc biệt là trình độ học vấn khác nhau, kinh
nghiệm khác nhau, do đó mà dù cùng một góc độ quan sát thì các chủ thể quan sát
thực tại khách quan cũng sẽ “thấy” các hiện thực, hiện hữu có những nét không
giống nhau. Một thực tại khách quan qua quan sát và nhận thức, trở thành một hiện
thực chủ quan (mang nặng tính chủ quan), méo theo quan niệm của chủ thể quan sát.
Méo ít hay nhiều là tùy thuộc vào tâm sinh lý và năng lực của quan sát và nhận
thức. Quan sát sai lầm về hiện thực sẽ đưa đến nhận định sai lầm và hành động
sai lầm.
Muốn hành động đúng
đắn trong đời sống, muốn thực hiện quyền mưu đạt hiệu quả thì phải lường được
trước sự việc (cân nhắc, lượng định, chọn phương thức tác động, lập kế hoạch…)
và tổ chức thực hiện (chuẩn bị dụng cụ đồ nghề, tập trung lực lượng, bố trí công
việc…). Nhưng để lường trước sự việc thì việc đầu tiên là phải quan sát (dòm ngó,
theo dõi, thu thập thông tin…) và nhận định (tình thế hiện tại, tương quan lực
lượng, chiều hướng phát triển có thể…) một cách đúng đắn.
Làm sao có thể
quan sát, nhận định được đúng đắn như vấn đề là thế trước một hiện thực với vô
vàn sự vật - hiện tượng quan hệ chằng chịt nhau, phụ thuộc nhau, vận động và biến
hóa không ngừng?
Quyển hạ của cuốn
sách “Quỉ Cốc Tử” trả lời câu hỏi trên.
Quyển hạ có hai
phần là “Trì khu” và “Âm phù”.
Trì khu chính là
quan sát. Quan sát không đơn thuần là chỉ nhìn bằng mắt mà là “nhìn” bằng cả năm
giác quan, là “biết” nhìn. Biết nhìn thì vừa nhìn thấy xa, rộng, vừa nhìn thấy
cái cụ thể, tỉ mỉ. Đứng xa quá thì chỉ nhìn thấy rừng, đứng gần quá thì chỉ thấy
cây, đứng đúng chỗ sẽ nhìn thấy cả rừng lẫn cây. Biết nhìn là học hỏi ở quá khứ
mà thấy được sâu sắc ở hiện tại (ôn cố tri tân), biết mình biết người (“biết được
người là khôn, biết được mình mới là sáng suốt”, Lão Tử). Biết nhìn là biết lắng
nghe, biết tìm hiểu, biết lấy cái nhìn của muôn người trong thiên hạ làm cái nhìn
của mình, và như thế sẽ được cái quan sát “thiên lý nhãn”, “thuận phong nhĩ”,
“vạn linh tâm”. Từ đó mà thấy được luật sinh thành, biến hóa của vạn vật, luật
tự nhiên vận hành của trời đất, thấy được trạng huống của hiện thực, hiện hữu và
thấy được tiến trình biến đổi của chúng cũng như khả năng tác động vào tiến trình
biến đổi ấy.
Quan sát được
như thế mới mong thấy được cái vốn dĩ thế của hiện thực, của đối tượng quan sát.
Nhưng muốn quan
sát được như thế thì phải làm sao kìm hỏa được cái mù mờ của chủ quan đi, giảm
thiểu hoặc loại bỏ sự ảnh hưởng của nó vào quá trình quan sát. “Âm phù” chỉ ra
cách thực hiện vấn đề khó khăn này.
Một con người mà
yếu đuối, bệnh tật thì ngũ quan sai lạc; không chịu học hành, để mặc cho bị ngu
dốt thì không thể biết nhìn, như thế, sẽ không thể nào quan sát thông tỏ được. Vậy
thì việc đầu tiên trên con đường hoạn lộ của một đời người, bước đầu tiên của mưu
cầu danh lợi là tu thân, luyện tâm.
Bản kinh có nghĩa
là bài văn nhưng cũng có thể hiểu như bài hướng dẫn, bí quyết. Âm phù, có lẽ nên
hiểu như là làm cho cái bên trong, cái nội tại, nội tâm đạt đến thông tuệ hòa hợp
với tự nhiên, như nhiên. Nếu đúng như thế thì “Bản kinh Âm phù” là bản hướng dẫn
cách tu luyện thân, tâm hay bí quyết (phương pháp) suy nghĩ đúng đắn.
Bản kinh Âm phù
nêu lên bảy bước thực hành rèn luyện nội tâm.
Thứ nhất là “Thịnh
thần ngũ long pháp”. Thịnh là đầy đủ, sung mãn; thần là tinh khí, sức khỏe. Ngũ
long là năm con rồng, ám chỉ ngũ hành, ngũ quan của con người; pháp là phương
pháp. Nghĩa là nuôi dưỡng tinh thần đạt được sung mãn dồi dào bằng phương pháp
ngũ long.
Quan niệm của
Trung Hoa cổ đại cho rằng Vũ Trụ hình thành bởi năm yếu tố, gọi là ngũ hành:
Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ: năm yếu tố ấy tương khắc, tương thành với nhau mà
sinh ra vạn vật vận động biến hóa không ngừng. Chúng còn được gọi là ngũ long,
năm con rồng tượng trưng cho thần thông biến hóa, hay cũng được gọi là ngũ khí.
Con người là tiểu
vũ trụ, ngũ khí vận hành trong đó thể hiện ra như ngũ tạng (tim (hỏa), gan (mộc),
tỳ (thổ), phế (kim), thận (thủy)), và phát xuất ra thành ngũ giác, gọi là thần
minh.
Muốn quan sát tốt
thì ngũ giác phải tinh nhạy, muốn ngũ giác tinh nhạy thì phải luyện tâm, rèn
luyện thân thể, văn ôn võ luyện (đạo thuật?!). Một tinh thần sáng suốt (phẩm đức)
cùng với một thân thể khỏe mạnh (tài năng) sẽ làm cho ngũ giác trở nên tinh tường,
phân biệt được đúng đắn, tinh nhạy, góp phần làm nên chí, tưởng, thần, đức (nhận
thức đúng đắn).
Thứ hai là “Dưỡng
chí linh qui pháp”. “Dưỡng chí” là nuôi dưỡng ý chí; “linh qui” là con rùa
linh, cũng hàm ý là sự kiên nhẫn. “Dưỡng chí linh qui pháp” là luôn bồi dưỡng tâm
chí theo phương pháp linh qui. Muốn tu thân, luyện tâm đến thành đạt thì phải
biết nuôi dưỡng ý chí. Nếu không kiên định được ý chí sẽ không có được sự kiên
nhẫn để vượt qua gian khổ trong quá trình tu thân, luyện tâm. Ở đây, tác giả đã
có cách nhìn biện chứng về mối quan hệ giữa dưỡng chí với tu thân, luyện tâm.
Không có ý chí mông lung; ý chí luôn có mục đích cụ thể. Nuôi dưỡng ý chí thúc đẩy
cho tu thân, luyện tâm thông đạt; tu thân, luyện tâm thông đạt để tạo tiền đề
thực hiện mục đích của ý chí. Một mục đích viển vông, hư ảo sẽ không nuôi dưỡng
được ý chí, như vậy sẽ không đủ kiên nhẫn để vươn tới thông đạt và tất cả sẽ trở
nên vô dụng, vô ích.
Nếu mục đích
cao cả là ước vọng của ý chí thì thèm khát tầm thường là dục vọng của bản năng.
Dục vọng luôn quấy phá ý chí làm cho ý chí tiêu trầm. Ý chí bị tiêu trầm bởi không
biết nuôi dưỡng ý chí, tâm thần chưa thống suốt và nghĩa là “luyện thần” chưa đạt.
Tâm và thần hợp
nhất, an định thì dưỡng được chí, nuôi chí bền. Ý chí kiên định thì oai thế không
bị phân tán, tưởng như có thần minh trấn thủ, gần gũi và phát huy được tài năng
để thi triển quyền mưu.
Thứ ba là “Thực
ý đằng xà pháp”. Hiểu nôm na là ý nghĩ phải rõ ràng, mạch lạc, không mơ hồ, rối
loạn. Tâm an tĩnh thì tinh thần sáng tỏ, tinh thần sáng tỏ thì ý nghĩ không bị
tán lọan, ý nghĩ không tán loạn thì sẽ suy nghĩ được rành mạch mà uyển chuyển nên cũng sâu, xa; suy nghĩ càng sâu
xa thì nhận định càng sắc sảo, đúng đắn.
Thứ tư là “Phân
uy phục hùng pháp”. Phân là ảnh hưởng xa, uy là tỏ cái lớn mạnh, hùng là con gấu,
phục là nằm, nấp, rình; Phân uy phục hùng pháp được hiểu như là làm cho nội lực
lớn mạnh như con gấu nằm chờ (thời cơ). Nội lực lớn mạnh ở đây chỉ việc tích lũy
trau dồi kiến thức, học vấn đầy đủ, dồi dào, toàn diện (văn võ song toàn). Nhờ
có ý chí kiên định mà chuyên cần trong tu thân, luyện tâm và thông qua tu thân,
luyện tâm mà có nội lực đầy uy phong, có sức mạnh toàn diện, khi phân thì có
uy, khi động thì có thế, gặp sự cố biết nhanh chóng tùy cơ ứng biến, lấy thực
thủ hư, lấy hư thủ không, liên miên bất tận, khi động thì tùy, khi xướng thì họa.
Thứ năm là: “Tản
thế chí đảo pháp”. “Tản thế” là phân tán, dàn trải thế lực; “chí đảo” là hành động
dũng mãnh, nhanh nhẹn bắt mồi của con chim chí. Ý nghĩa bước này là: phải biết
vận dụng học lực một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt, tinh thông, sắc sảo. Suy nghĩ,
nhận biết vừa bao quát, vừa cụ thể, nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay, tự nhiên
như bèo trôi nước chảy mà thấy được thực hư, mà thấy được thiên cơ.
Thứ sáu là:
“Chuyển viên mãnh thú pháp”. Trí tuệ toàn thiện là của bậc thánh nhân. Trí tuệ
toàn diện sẽ đạt được sự suy nghĩ an định, hồn nhiên, uyển chuyển mà cao siêu tương
tự như hình tượng vận động hợp lý nhẹ nhàng, tự nhiên mà hiệu quả đến mức viên miễn
của một con mãnh thú. Trên một nền tảng trí tuệ đã được rèn đúc vững vàng, bậc
thánh nhân có thể thấy được đạo lý trong sự hỗn độn của vạn vật, quan sát cái
biểu hiện vận động biến hóa bên ngoài mà thấu triệt được cái động lực bên trong
của sự vật - hiện tượng, từ đó mới lường định, đề ra mưu sách phù hợp làm biến
chuyển tình thế từ yếu thành mạnh, từ xấu thành tốt…
Cuối cùng là “Tổn
đoái linh thi pháp”. “Tổn” là tổn hại, “đoái” là nhìn, suy xét; thi là cỏ thi,
người xưa dùng cỏ này để bói toán gọi là bói cỏ thi, linh là linh nghiệm; linh
thi là bói toán linh nghiệm hay có thể suy ra là phán đoán tài tình. Có thể hiểu
“Tổn đoái linh thi pháp” là xem xét, cân nhắc lợi hại, thiệt hơn để phán đoán đúng
đắn, chính xác mà đi đến quyết định. Thành bại là thường tình cho nên cân nhắc
lợi hại, thành bại để quyết tâm theo đuổi hành động, “thất bại là mẹ thành công”,
chịu cái tổn nhỏ để đạt cái lợi lớn, “thua keo này bày keo khác”, không chùn bước
trước thất bại tạm thời mà bỏ mất cơ hội thành công. Sự việc dù khó dù dễ đều
phải cân nhắc kỹ càng để có được phương sách hợp với lẽ tự nhiên, hợp với đạo lý
vì chỉ có như thế mới có thể làm nên công trạng.
Thánh nhân thường
không biện luận nhiều, ít nói những điều vụn vặt vì lòng họ sáng tỏ, ý chí vững
vàng, tâm thần an định.
Qua trình bày ở
trên, chúng ta thấy rằng, tác giả của “Quỉ Cốc Tử” đã hiểu thấu đáo mối quan hệ
giữa cảm tính và lý tính của con người, thấy được tầm quan trọng của tư duy đúng
đắn trong quá trình quan sát, nhận thức chân lý. Đọc quyển hạ, chúng ta còn thấy
hiện lên bàng bạc sự hình thành cũng như qui luật của tư duy trừu tượng. Thật là
kỳ lạ!
Chúng ta tiếp tục
“nhòm ngó” đến quyển thượng và quyển trung (nhưng chỉ vài thiên mà chúng ta cho
là quan trọng thôi). Hai quyển này nói chung là bàn về thực hành quyền mưu,
linh hoạt sử dụng mưu kế phù hợp (có lẽ khi chú giải, người ta chỉ chú ý đến vấn
đề quyền mưu nên chưa thấy được hết ý nghĩa lớn lao của chúng). Tuy vậy chúng
ta vẫn thấy rõ nét cái thế giới quan duy vật biện chứng, nói chung là đúng đắn
cũng như cách nhìn kỳ tài của tác giả về đối nhân xử thế, về nhân tình thế thái.
Muốn làm nên một
cái gì đó, con người luôn phải thể hiện cả hai mặt suy nghĩ và hành động; suy
nghĩ đúng và hành động có lý trí. Một khi đã suy nghĩ kỹ, đã thiết lập được kế
sách, xây dựng được về quyền mưu rồi thì con người phải “bắt tay” hành động thực
hiện từng bước những mưu đồ đã hoạch định. Nếu cho rằng quyển hạ hướng dẫn suy
nghĩ đúng, cơ sở để có cái nhìn đúng đắn về hiện thực để lượng định ra quyết sách
thì quyển trung và hạ hướng dẫn cách thức hành động đúng trong quá trình thực
hiện quyền mưu, lựa chọn áp dụng mưu kế phù hợp để đạt kết quả, giành thắng lợi.
Mở
đầu quyển thượng là thiên mang tựa đề: “Bãi hạp chi thuật”
“Bãi là mở, hạp
là đóng. Thuật bãi hạp là thuật đóng mở, mở đóng, đóng mở… Bãi là hành động tích
cực, hạp là hành động tiêu cực.”
(trong phần này,
những đoạn trong ngoặc kép là trích trong “47 Quỉ kế” của Trần Sáng)
Bản chất tương
hỗ của thế giới thể hiện ra thành các sự vật - hiện tượng được hình thành, cấu
tạo nên từ những lực lượng tương phản. Tương phản trở thành như đặc tính phổ quát
nhất của tồn tại và vận động. Điều này đã được các hiền triết của Trung Hoa cổ đại
thấy từ rất sớm, trước thời Xuân Thu. Họ đã đưa ra hai chữ âm và dương để mô tả
tính tương phản của thế giới. Có lẽ nhân loại sẽ mãi mãi ghi công họ vì hai khái
niệm tài tình ấy.
Âm, dương là để
chỉ hai mặt, hai thuộc tính, hai lực lượng, hai yếu tố… tương phản nhau, biểu
hiện ra từ sự vận động của các sự vật - hiện tượng. Người Trung Hoa xưa cho rằng
đó là hai yếu tố, hai khí căn bản của Vũ Trụ. Chúng tác động, chuyển hóa lẫn
nhau, mà nên vạn vật.
“Hai khí này là
chủ tể của vạn vật, có khi khí âm mạnh, có lúc khí dương mạnh; có khi mềm yếu,
nhu nhược, có lúc cứng rắn, cương cường; có lúc duỗi ra, có khi thu lại; có khi
bộc lộ, khai mở, có lúc ẩn tàng, che dấu; có khi nhanh chóng, khẩn trương; có lúc
chậm chạp, ung dung.
Dương khí truy
cầu âm khí và âm khí truy cầu dương khí. Âm khí phát triển thành cực điểm thì
thành dương khí. Dương khí phát triển đến cực điểm thì thành ra âm khí”.
Thuật bãi hạp dựa
trên nguyên lý âm dương, lấy nguyên lý âm dương làm nền tảng lý luận.
Chúng ta biết rằng
âm dương, ngũ hành, bát quái là vũ trụ quan và nhân sinh quan của Kinh Dịch. Những
triết gia quan niệm theo Kinh Dịch tập hợp lại thành phái “Dịch học”. Chúng ta
còn biết rằng Quỉ Cốc tiên sinh là người cũng rất am tường thuật số (nhật nguyện
tượng vĩ đều thu ở bàn tay, xem việc trước, đoán việc sau, nói gì cũng linh
nghiệm). Vì vậy chúng ta phán đoán rằng tác giả của cuốn “Quỉ Cốc Tử” phải là
người nếu không sáng lập hoặc góp phần sáng lập thì cũng theo Dịch học phái, thuộc hàng siêu quần.
Nguyên lý âm dương
là nguyên lý tự nhiên, vốn thế của trời đất, hết mưa thì đến nắng, hết nắng rồi
lại mưa, bốn mùa xuân hạ thu đông lần lượt chuyển hóa bất tận, có thịnh thì có
suy, hết suy rồi đến thịnh, thời cuộc cứ thế mà vô vi, vô thường.
Thuật mở-đóng
chính là phương châm hành động tuân theo nguyên lý âm dương; tùy điều kiện hoàn
cảnh, tùy lúc mà cương nhu co duỗi cho phù hợp, cương đấy mà nhu đấy, nhu đấy mà
hóa ra cương, co để duỗi mà duỗi không được thì co; được thì mở, không được thì
đóng, mở nhưng lại là đóng, đóng lại hóa ra mở, mở mở úp úp; úp úp mở mở, biến
hóa khôn lường, liên tu kỳ tận.
“Người hiểu rõ đạo
lý âm dương của trời đất vạn vật, thủ đắc được thuật bãi hạp thì đạt được lợi ích
và thành tựu. Nếu sử dụng thuật này thành thạo, ảo diệu thì gọi là bậc tiên
tri, tiên giác.
Người cao minh
vận dụng ảo diệu thuật bãi hạp trong lãnh vực du thuyết không chỉ thuyết phục được
một người, một nhà mà còn thuyết phục được cả một nước, cả thiên hạ”.
Rõ ràng thuật bãi
hạp như là nguyên tắc chung nhất cho mọi hành động đối nhân xử thế, mọi hành động
tranh quyền đoạt mưu, thực hành mưu kế. Nếu không theo nguyên tắc này thì hành động
trở nên máy móc, khô cứng, không phù hợp, dễ để lộ mưu kế và dễ thất bại.
Xét theo nghĩa
hẹp thì, bãi hạp là tên chung của hàng loạt rất nhiều mưu kế. Chẳng hạn “dương đông
kích tây”, “không tiến thì lùi”, “hư thực”, “hư trương thanh thế”… đều thuộc bãi
hạp.
Thiên thứ hai
thuộc quyển thượng mang tên “Phản ứng chi sách”.
Tất cả mọi sự
vật - hiện tượng luôn phản ứng khi bị tác động. Đó là luật của tự nhiên. Tác giả
đã phát hiện được mối quan hệ phổ biến tác động - phản ứng giữa các sự vật -
hiện tượng, trên cơ sở đó mà đề ra phản ứng chi sách.
Khi bị tác động,
sự vật - hiện tượng phản ứng không dưới hình thức này thì cũng hình thức khác,
không thể không phản ứng. Quan sát sự phản ứng ấy có thể phán đoán nhận biết được
cái đằng sau, cái bên trong bị che khuất, ẩn giấu. Để được điều đó, phải quan sát
kỹ càng, nhưng yếu tố có tính chất quyết định là chủ thể quan sát phải có một
hiểu biết, kinh nghiệm nhất định, đã từng trải hoặc đúc kết được kinh nghiệm quá
khứ (ôn cố tri tân).
“Phản là biết
quá khứ, ứng là biết hiện tại.
Những gì hợp với
hiện tại thì giữ gìn và ứng dụng, cái gì không còn thích hợp với hiện tại thì loại
trừ.
Phải tìm hiểu
quá khứ mới hiểu được hiện tại, hiểu được hiện tại mới biết được tương lai”.
“Ngày xưa, người
ta săn muông thú trước là giăng bẫy, bủa lưới, sau đó người ta ném đá hay đánh
vào đá hoặc một vật gì đó, làm cho muông thú hoảng sợ, phản ứng, chạy ra khỏi
hang ổ, nơi ẩn nấp và sa vào lưới.
Do đó, có thành
ngữ “đấu thạch vấn lộ” (ném đá hỏi đường). Là đánh động sau đó quan sát sự phản
ứng; thăm dò động tĩnh của đối tượng và từ đó suy ra hành động”.
“Trong đối thoại,
khi đối tượng phát ngôn, ta nên lắng nghe và lưu ý, xét kỹ về thái độ, sự tình,
đạo lý, sách lược. Thái độ là vui, buồn, giận, ghét…
Lý luận là chỗ
nào hợp lý, chỗ nào không hợp lý. Sự tình chỗ nào là thật, chỗ nào là giả.
Đạo lý, sách lược
thì đâu là sự tương đồng, đâu là không tương đồng”.
Câu chuyện Tôn
Tẫn giả điên (kế “giả si bất điên”) lột tả được ý nghĩa của thiên này.
Chúng ta nói về
thiên thứ bốn: “Hư khích chi sách”.
“Hư khích chi sách”
là sách lược tìm hoặc tạo ra chỗ sơ hở, điểm xung yếu của đối tượng, để tìm cách
tác động vào đối tượng, làm thay đổi tình thế; đồng thời phát hiện kẽ hở, điểm
xung yếu của mình để che đậy, tìm cách khắc phục.
Giữa các sự vật
hiện tượng luôn tồn tại mối quan hệ tác động - phản ứng làm biến đổi lẫn nhau.
Xét về mặt duy trì tồn tại thì giữa chúng còn có mối quan hệ mạnh - yếu và theo
luật tự nhiên: mạnh được, yếu thua. Sự biến đổi phổ biến của các sự vật - hiện
tượng bộc lộ một điều rằng chẳng có sự vật - hiện tượng nào được gọi là toàn
thiện tuyệt đối cả và điểm bắt đầu biến đổi chính là điểm yếu, là yếu huyệt trước
một tác động nào đó. Điểm yếu đó tồn tại một cách tự nhiên, có sẵn (do tác động
của quá khứ để lại) hoặc được tạo ra (do tác động của hiện tại làm xuất hiện).
Thiên này được
viết trên cơ sở nhận thức ấy của tác giả.
Người giỏi quyền
mưu là người quan sát giỏi, phân tích nhận định hay, phát hiện kịp thời nơi
xung yếu nhất, yếu huyệt của đối tượng để tổ chức hành động phù hợp, đạt hiệu
quả cao. Nhưng trước hết phải thấy được bản thân mình để tự kiện toàn (nội kiện
chi sách).
Trong trò chơi
cờ tướng hay cờ vua, vấn đề quyền mưu nói chung và vấn đề tìm, tạo cơ sở nói riêng
thể hiện rất rõ nét:
“Phải nhìn cho
rộng, suy cho kỹ
Kiên
quyết không ngừng thế tiến công
Lạc
nước hai xe đành bỏ phí
Gặp
thời, một tốt cũng thành công”.
“Vốn trước hai bên ngang thế lực
Mà
sau thắng lợi một bên dàng
Tấn
công phòng thủ không sơ hở
Đại
tướng anh hùng mới xứng danh”.
(Hồ
Chí Minh)
Đó chính xác là
quyền mưu đối chọi với quyền mưu, hai lực lượng đối kháng nhau (tương - phản, âm
– dương) để giải quyết vấn đề thắng thua; là nghệ thuật phát hiện điểm yếu, hoặc
lập thế tạo điểm yếu của đối phương, khai thác triệt để sai lầm của đối phương,
làm hình thành nên mối tương quan “ta mạnh - địch yếu”, tiến tới giành thắng lợi
chung cuộc.
Sự phân định ra
quan sát, hiện hữu, hiện thực hay chủ thể, khách thể (một cách tương đối gồm sự
vật - hiện tượng và môi trường) là một tất yếu khách quan đối với nhận thức.
Trong quyền mưu, một cách tự nhiên, cũng phân ra như vậy. Đối với trò chơi cờ tướng
hay cờ vua cũng thế, cũng phân ra chủ thể quyền mưu (người thực hiện quyền mưu),
khách thể quyền mưu (người chịu tác động của quyền mưu) và trường quyền mưu (môi
trường để quyền mưu thi triển, thi hành mưu kế mà ở trường hợp này là bàn cờ).
Trong thực tiễn
xã hội, việc lập quyền mưu và thực hiện quyền mưu, so với chơi cờ, khó khăn hơn
gấp bội phần. Lúc này đối tượng của quyền mưu không chỉ là một mà có thể là hai
hoặc nhiều, trường quyền mưu là thiên biến vạn hóa không chỉ bởi những yếu tố
thuộc về con người, thuộc về xã hội mà còn do những yếu tố của thiên nhiên
(mang tính khách quan), như: địa hình, địa vật, thời tiết… trong không và thời
gian; tính rộng lớn của trường quyền mưu cũng như qui mô lực lượng đối tượng của
quyền mưu.
Trong thực tiễn
đấu tranh quyền mưu, chủ thể quyền mưu cũng đồng thời là khách thể quyền mưu,
do đó việc phát hiện, tạo ra điểm yếu của đối tượng hoặc che giấu, khắc phục điểm
yếu của bản thân là không phải dễ dàng, đòi hỏi rất cao về trí tuệ và thực sự
trở thành một “thứ” nghệ thuật (nghệ thuật ứng xử, nghệ thuật chiến tranh, nghệ
thuật ngoại giao…), cũng đòi hỏi rất cao về kỹ năng kỹ xảo, nghi binh, hóa
trang, đóng kịch, dàn cảnh…
Nếu lấy yếu địch
mạnh, lấy ít đánh nhiều, lấy sở đoản chống sở trường mà giành được thắng lợi, đó
là nghệ thuật quyền mưu của những nhà thao lược có tài, của những thiên tài, hiểu
rất rõ mối tương quan “ta mạnh - địch yếu”, nắm bắt kịp thời huyệt điểm của đối
phương bộc lộ từng lúc, từng nơi trong quá trình đấu tranh quyền mưu.
Phát hiện sai lầm
điểm yếu của đối tượng (có thể là do tài năng, có thể là do bị đối tượng dẫn dụ)
là con đường dẫn đến tai họa.
Thiên thứ bảy
trong quyển trung là: “Quyết sách chi thuật”. Quyết sách chi thuật được hiểu như
là thuật cai trị, hay là cơ sở xây dựng đường lối chính sách của một nước sao
cho giàu mạnh, quốc thái dân an.
Chúng ta đề cập
đến thiên này để thấy được cái tâm sáng ngời của tác giả.
“Quyết sách là
một vấn đề rất trọng yếu, quyết định đến họa phúc, thành bại, thái bình hay loạn
lạc.
Là một trong những
phương pháp tìm cái tốt, hạnh phúc và tránh cái xấu, tai họa”.
“Cái ác luôn chứa
mầm tai họa, hoạn nạn. Để ngăn chặn cái ác, tai họa, hoạn nạn; người cai trị đất
nước không chỉ biết năm phương pháp trị dân mà còn phải biết những trường hợp
phải quyết định (ra quyết sách – NV).
Năm phương pháp
trị dân là:
1-
Dùng đạo đức để cảm hóa nhân dân
2-
Dùng pháp luật để trừng phạt (những người làm điều
ác, trái với pháp luật)
3-
Dùng tín nghĩa giáo hóa nhân dân
4-
Dùng cái tâm để che chở nhân dân
5-
Dùng sự liêm khiết để nhân dân trong sạch”
Trong
cái thời
Xuân Thu - Chiến Quốc đầy ly loạn, chiến tranh triền miên, khốc liệt và
tương tàn
mà có được tư tưởng trị quốc ấy thì chỉ có thể đánh giá rằng tác giả có
tầm nhìn
sâu rộng về thời cuộc, đầy lòng nhân hậu, yêu thương con người mà cụ thể
là quần
chúng nhân dân. Hơn nữa, nhìn thấu thời cuộc và đề ra được các cách thức
làm cho quốc thái dân an vô cùng chí lý ấy, còn phải là người nhận thức
rất sâu sắc những nguyên lý thuộc hàng cơ bản nhất về vận động của tự
nhiên đã chuyển hóa thành đặc thù trong đời sống xã hội. Trong chính sử,
theo thiển ý của chúng ta, người như thế chỉ có thể là Lão Tử. Nếu đúng
vậy, giữa Quỉ Cốc Tử và Lão Tử phải có mối quan hệ nào đó rất gần gũi,
rất đặc biệt về tư tưởng!
Nước non mạnh
hay yếu đều do dân mà ra cả, dân theo thì mạnh mà dân không theo thì yếu. Muốn
dân theo thì phải làm cho dân yêu kính, mến phục. Muốn cho dân yêu kính, mến phục
thì phải có lương tâm đối với dân, hiểu được nguyện vọng tha thiết của dân, (cũng
là những con người như ta, chỉ muốn ấm no, hạnh phúc) mà thành tâm giúp dân. Dân
giàu thì nước mạnh, đó là cái lẽ tự nhiên của muôn đời.
Muốn được như
thế, vị quân chủ của một nước phải có một quyết sách cai trị hợp lòng dân (đảm
bảo quyền lợi của toàn thể, trong đó có vị quân chủ, hay là của ông vua). Để có
được một quyết sách hợp lòng dân thì vị quân chủ phải là minh chủ, vừa có “đạo”
vừa có “đức”, nghĩa là vừa có tài năng, vừa có “kiêm ái” (yêu thương con người).
Quan niệm trị
quốc của tác giả cuốn “Quỉ Cốc Tử” đến thời đại ngày nay vẫn hừng hực tính thời
sự. Nạn “tham nhũng, quan quyền” vẫn đang là nỗi nhức nhối của nhiều quốc gia.
Thiên cuối chúng
ta muốn đề cập đến là thiên thứ tám của quyển trung, có tực đề: “Phù ngôn chi
thuật”.
Ngôn là ngôn từ,
lời nói; phù nghĩa là phù hợp; phù ngôn có nghĩa là nói năng phù hợp. Phù ngôn
chi thuật là cách nói sao cho hợp lý, đúng đắn. Chỉ có những người biết “đạo”,
biết “nhân” mới có cách ăn nói hợp tình hợp lý, thuyết phục được người nghe; lời
nói mà chân thành thì làm cho người nghe yêu mến, tin theo. Bậc quân chủ, ở địa
vị trên cao lại càng phải biết cách ăn nói vì nó cũng là thuật phòng thân.
Để có được cách
ăn nói phù hợp thì:
“Thái độ của bậc
quân chủ phải: An (yên ổn), Từ (từ tốn), Chính (ngay thẳng), Tĩnh (bình tĩnh, tỉnh
táo).
Là bậc quân chủ:
mắt phải sáng suốt, tai phải minh mẫn, tâm thần phải trí huệ.
Phải lấy mắt của
thiên hạ để nhìn, lấy tai của thiên hạ để nghe, lấy tâm thần của thiên hạ để
suy nghĩ.
Lấy mắt của thiên
hạ để quan sát, lấy tai của thiên hạ để phán đoán, lấy tâm thần của thiên hạ để
lo lắng.
Nhìn thiên thời,
quan sát địa lý, làm cho nhân hòa.
Định vị hỏa
tinh, nhìn bốn phương, trên dưới, phải trái, trước sau.
Nếu mắt, tai, tâm
được như vậy thì gọi là thiên lý nhãn, thận phong nhĩ và vạn linh tâm.
Đối với quần thần
không nên cố chấp, biết lắng nghe những lời đàm luận. Nếu không lắng nghe khác
nào có mắt nhìn núi nhưng không thấy đỉnh, thấy suối khe nhưng không lường được
nông sâu.
Đối với thần dân
phải giữ chữ tín. Xử phạt phải công chính.
Nếu bậc quân chủ
không hiểu những đạo lý vừa nêu thì không khác người mù đánh xe không biết sẽ đi
về phương nào”.
***
Cuốn sách “Quỉ
Cốc Tử” trở thành bất hủ, được mang danh là thiên cổ kỳ thư là nhờ cái nội dung
sáng tỏ mà thâm trầm, dung dị mà sâu sắc, tưởng là chỉ nói về ứng xử, quyền mưu
mà hóa ra hàm chứa những nguyên lý cơ bản nhất về tự nhiên - xã hội. Có được như
thế là nhờ tác giả của nó đã có sự nhận thức nói chung là đúng đắn về những biểu
hiện có tính nguyên lý, qui luật đặc thù của Tự Nhiên Tồn Tại, có cái nhìn hợp
lý về nhân sinh. Có lẽ đối với tác giả, cái đạt trong đối nhân xử thế, trong
tranh đoạt quyền mưu chỉ xoay quanh một chữ PHÙ (phù hợp, hợp lý, hợp lẽ tự nhiên):
mục đích phù hợp, suy nghĩ phù hợp, hành động phù hợp, và đó cũng chính là con đường
của tự nhiên dẫn đến nhân nghĩa: phù hợp với ước nguyện của quần chúng, lực lượng
vô địch, có thực mà vô danh, làm nên lịch sử.
Lấy dân làm gốc
và chăm lo cho cái gốc ấy, đó là tuyệt đỉnh quyết sách mà cũng là tuyệt đích của
hành động nhân nghĩa.
Chúng ta không
biết chắc chắn tác giả “Quỉ Cốc Tử” là ai. Nhưng dù là ai đi nữa mặc lòng, cũng
vẫn là... Quỷ Cốc tiên sinh.
Thưa Quỷ Cốc tiên
sinh, ông là ai?
Và bốn bề im lặng
trước câu hỏi có phần ngô nghê, mù tịt và kỳ dị ấy!
***
Chúng ta đã nói
xong về cái nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đặt chương này có cái tên là Đóng
- mở. Và rồi, cái sự kể lể dông dài ấy, vô tình, cũng làm nên nội dung của chương.
Lịch sử loài người
là một viện bảo tàng vĩ đại về nhận thức Tự Nhiên, đầy ắp những điều kỳ thú, bạt
ngàn hoa thơm cỏ lạ, vô vàn những kỳ quan. Những kẻ nghèo hèn, không đủ tiền
"mua vé” mà lại ước mơ được du lịch đó đây, thì chỉ cần mượn đâu đó (trong thư
viện chẳng hạn) những quyển sách nói về lịch sử - văn hóa nhân loại, và “chịu
khó” thả cho tâm hồn bay bổng một chút là sẽ có ngay một cuộc tham quan thỏa thích,
tha hồ mà chiêm ngưỡng những cảnh quan tuyệt tác, tha hồ mà thưởng thức những của
ngon vật lạ ở khắp nơi, ở khắp mọi dân tộc, không những ở hiện tại mà còn ở những
thời điểm xa lắc thậm chí là tít tắp tận thượng nguồn (hay hạ nguồn?) quá khứ. Để
ngắm nghía, chiêm nghiệm cho hết được mọi thứ trong viện bảo tàng vĩ đại ấy, một
đời người là không thể xuể được. Còn nếu có đủ tiền sắm được cái máy tính thì...thôi rồi!!!
Viện
bảo tàng vĩ
đại ấy cũng chính là trường học vĩ đại của thế hệ hiện tại, bởi vì con
người học
từ đâu nếu không từ những bài học của lịch sử con người, của tổ tiên?
Thế tổ tiên
chúng ta học từ đâu? Học từ Thượng Đế! Chính xác là như vậy, chỉ có điều
Thượng Đế là một huyền thoại, là cái tên tỏ lòng tôn kính mà tổ tiên
chúng ta dùng để
ca ngợi hiện thực. Còn hiện thực là gì thì chúng ta… biết rồi, khổ lắm
nói mãi.
Trong cái viện
bảo tàng vĩ đại ấy, có một khu vực rực lên hết sức đậm nét về bản sắc con người,
đó là lịch sử Trung Quốc. Nếu cho rằng về đại thể, lịch sử nhân loại là lịch sử
quyền mưu của con người đối với thiên nhiên thì lịch sử Trung Quốc là lịch sử
quyền mưu của con người đối với con người. Ở đó phô bày tất cả những gì là đặc
sắc nhất, quí giá nhất về quyền mưu và nhờ đó mà có thể thấy hết được những đặc
tính mà con người vốn có.
Nhân dân Trung
Quốc thật đáng tự hào về những cống hiến của họ cho nền văn minh nhân loại.
Chúng ta tạm dừng
bước phiêu bồng cho bộ não hoang tưởng của chúng ta nghỉ ngơi đôi chút, vì có lẽ
nó đã thấm mệt rồi. Nhân tiện, chúng ta sẽ kể vài ba câu chuyện của người xưa,
gọi là “ôn cố tri tân”, cho nhau nghe để thư giãn.
***
Chuyện thứ nhất
Nước Việt (không phải nước của chúng ta đâu!) có nàng
Tây Thi đẹp tuyệt trần (Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa). Nàng hay đau bụng, mỗi khi đau
là ôm bụng nhăn mặt. Lúc đó trông nàng càng đẹp.
Một người đàn bà
gần đó, thấy vậy, cũng bắt chước, về nhà ôm bụng nhăn mặt. Người ta trông thấy,
tưởng là ma quỉ; nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế
vợ con mà chạy trốn.
(Trang
Tử)
Lạm bàn: Hành động
không phù hợp, thành trò cười thiên hạ. Nghệ sĩ hài thường vận dụng điều này.
Chuyện thứ hai
Vua Cảnh Công nước
Tề hay uống rượu, có bận say luôn mấy ngày đêm, xao lãng việc nước.
Huyền Chương
can:
- Nhà vua uống
rượu say sưa như thế, hạ thần xin can, nhà vua không nghe, hạ thần xin tự tận.
Ngay lúc ấy Án
Tử vào yết kiến vua. Vua bảo:
- Huyền Chương
can ta bỏ rượu, không thì y tự tận. Nếu ta nghe, thì ta hóa ra non, nếu ta không
nghe, nhỡ Huyền Chương chết, thì cũng đáng tiếc.
Án Tử nói:
- May lắm! May
cho Huyền Chương gặp được nhà vua, chứ như vua Kiệt, vua Trụ, thì chết mất rồi,
còn đâu sống được đến bây giờ nữa!
Cảnh Công nghe
thế, tỉnh ngộ, từ hôm đó chừa rượu.
(Án
Tử Xuân Thu)
Lạm bàn: Cảnh Công
là ông vua hiền. Rượu không xấu không tốt, bậc hiền thánh vẫn hay dùng, trong lễ
tiệc vẫn thường dùng. Cách uống rượu của Cảnh Công là không hợp, nên điều tiết
lại cho hợp chứ bỏ hẳn (chừa) thì kể cũng… uổng!
Huyền Chương là
bầy tôi trung, dọa chết thì được chứ đừng chết thật, uổng mạng mình.
Án Tử hay, không
dùng “chính ngôn” như Huyền Chương mà dùng “kỳ ngôn” là hợp tình thế (lúc này,
chính không bằng kỳ!)
(Án
Tử Xuân Thu)
Chuyện thứ ba
Giáp
hỏi Ất:
- Đúc đồng làm
chuông, đẽo gỗ làm dùi, lấy dùi đánh chuông kêu tiếng boong boong, thì tiếng kêu
ấy là gỗ kêu hay đồng kêu?
Ất đáp:
- Lấy dùi gõ vào
tường vách không kêu, gõ vào chuông kêu, thế thì tiếng kêu là do đồng.
Giáp hỏi:
- Lấy dùi gõ vào
đồng tiền trinh không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu là do đồng mà ra không?
Ất nói:
- Đồng tiền đặc,
cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu ở các đồ vật rỗng mà ra.
Giáp hỏi:
- Lấy gỗ, lấy bùn
làm chuông đánh không ra tiếng, thế thì có chắc tiếng kêu là ở đồ vật rỗng mà
ra không?
(Âu
Dương Tu)
Lạm bàn:
Nếu cái dùi không
đập vào đâu cả hoặc giả đập vào không khí thì không nghe được tiếng kêu. Nếu cái
dùi đập vào chuông mà tai điếc thì cũng chẳng nghe được tiếng kêu. Do đó tiếng
kêu là do va đập và tai nghe mà ra. Nói chung đã va đập là có tiếng kêu, không
“boong boong” thì cũng “bẹt bẹt”, chỉ có điều tai có nghe được hay không mà thôi.
Nếu lấy cái dùi
đánh vào mông Ất, Giáp thì sẽ nghe được ngoài tiếng kêu “bịch bịch” còn có tiếng
“ái ái”.
Cần phải bắt Ất,
Giáp học thuộc Kinh Âm phù chứ không biết ất giáp gì mà tranh luận thì chỉ gây
ra tiếng ồn ào mà thôi.
Chuyện thứ tư
Có người nước Sở
đi đò qua sông. Khi ngồi đò, đánh rơi thanh kiếm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh
dấu vào mạn thuyền, lẩm bẩm: “Gươm ta rơi ở chỗ này đây.”
Lúc thuyền đậu
vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước mò tìm thanh kiếm.
Thuyền đã đi đến
bến, kiếm rơi đâu thì vẫn còn đấy chứ có theo thuyền vào bến đâu? Tìm gươm như
thế chẳng khờ dại lắm ư?
(Lã
Thị Xuân Thu)
Lạm bàn:
Người nghĩ ra
chuyện này phải là người có tính hài hước, nếu không thì cũng là người hiểu rõ
nghĩa chữ “Thời”.
Chuyện thứ năm
Ba con rận hút
máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:
- Ba anh kiện
nhau về việc gì thế?
Ba con rận đáp:
- Chúng tôi kiện
nhau vì tranh nhau một chỗ đất màu mỡ.
Con rận kia nói:
- Tôi tưởng các
anh chẳng nên tranh nhau làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể
và ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi.
Ba con rận nghe
ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, no đói có nhau. Con
lợn ngày một gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, nhờ thế bà con rận no đủ
mãi.
(Hàn
Phi Tử)
Lạm bàn:
Ba con rận không
biết, nhưng biết lắng nghe, nên biết và tha hồ vui sống.
Con rận thứ tư
nhìn xa thấy rộng, không nói về tình yêu thương mà nói về lẽ tự nhiên, thật là
phù ngôn. Con rận này chắc là bậc minh triết!
Chuyện thứ sáu
Đất Kiềm xưa
nay không có lừa. Có người hiếu sự mang một ít lừa về nuôi.
Lừa được thả dưới
chân núi. Lúc đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng thần
vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá cong đuôi chạy. Dần dần về
sau, hổ nghe mãi, thấy tiếng lừa lúc nào cũng chỉ kêu như thế, lấy làm thường.
Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giơ chân đá đi đá lại, quanh quẩn
chỉ một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy bụng bảo dạ: “Tài nghệ con lừa thì ra chỉ
có thế!”. Rồi hổ gầm lên vồ, xé xác con lừa, đánh chén no nê, đoạn bỏ đi.
(Liễu
Tôn Nguyên)
Lạm bàn:
Lần đầu tiên
“thấy” khủng long, con người ta ai mà không ngán ngại. Tương tự, hổ lần đầu tiên
thấy lừa cũng vậy. Nhưng thấy mãi thành quen, quen thì thành thường.
Có lẽ là bị đói
mà hổ xáp đến con lừa, vì đã học được “Phản ứng chi thuật” nên giở kế “Đấu
thạch vấn lộ” (ném đá hỏi đường), thử vờn và lừa đã bộc lộ điểm yếu. Hổ ta cứ
thế mà xơi tái. Được vậy là nhờ quan sát.
Nếu sau này gặp
con lừa khác, hổ sẽ “chẳng nói chẳng rằng nữa” mà xông tới vồ ngay. Đó là nhờ kinh
nghiệm.
Con người ngày
xửa ngày xưa chắc cũng thế nên bây giờ chúng ta mới có nhiều món thơm ngon để ăn!
Chuyện thứ bảy
Có người bảo
vua nước Lương rằng:
Huệ Tử nói việc
gì cũng hay “thí dụ”. Nếu nhà vua không cho thí dụ thì Huệ Tử chắc không nói gì
được nữa.
Vua bảo:
- Ừ, để rồi
xem.
Hôm sau, vua đến
thăm Huệ Tử, bảo rằng:
- Xin tiên sinh
nói gì cứ nói thẳng, đừng thí dụ nữa.
Huệ Vương nói:
- Nay có một người
ở đây không biết nỏ là cái gì, hỏi cái nỏ là thế nào. Nếu tôi đáp: Nỏ là cái nỏ,
thì người ấy có hiểu được không?
Vua nói:
- Hiểu làm sao được?
- Thế nếu tôi bảo
người ấy: Cái nỏ giống như cái cung có cán, có lẫy, thì người ấy có biết được
không?
Vua nói:
- Biết được.
Huệ Tử nói:
- Ôi! Khi nói
với ai là đem cái người ta đã biết làm thí dụ với cái người ta chưa biết, để
khiến người ta biết. Nay người ta bảo tôi đừng thí dụ nữa thì tôi không sao nói
được.
(Huệ
Tử)
Lạm bàn:
Biết được cái
không biết từ cái đã biết là quá trình của dạy và học; là quá trình của quan sát
và nhận thức; là quá trình hình thành và phát triển của hệ thống khái niệm.
Câu chuyện thứ tám
Mạnh Thường Quân
nhà giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ.
Lúc sắp đi, Phùng
Huyên hỏi:
- Tiền nợ thu được,
có định mua gì về không?
Mạnh Thường Quân
nói:
- Ngươi xem
trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua.
Khi đến đất Tiết,
Phùng Huyên cho gọi dân lại bảo rằng:
- Các ngươi công
nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả.
Rồi đem văn tự
ra đốt sạch.
Lúc về, Phùng
Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng:
- Nhà tướng công
châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu thứ gì
nữa, chỉ còn thiếu một cái “nghĩa”, tôi trộm phép vì chúa công mua về.
Mạnh Thường Quân
nghe thấy nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa.
Sau, Mạnh Thường
Quân phải bãi quan về ở đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường.
Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng:
- Trước tiên
sinh vì tôi mua “nghĩa”, nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.
(Quốc
sách)
Lạm bàn: Đó chính là kế Tử nhi hậu sinh (chết để sau
sống)
Phùng Huyên giỏi
Mạnh Thường Quân
hiền
Dân đất Tiết có
nghĩa
Câu chuyện thứ chín
Trang Tử cùng đệ
tử đi chơi trên núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà. Có người thợ rừng đứng cạnh
nó mà không đốn. Hỏi tại sao, người đó nói:
- Không biết dùng
nó vào việc gì cả.
Trang Tử nói với
đệ tử:
- Cây này vì bất
tài mà sống lâu.
Ra khỏi núi,
Trang Tử ghé vào nhà quan. Chủ nhà mừng rỡ hối trẻ làm thịt chim mòng để đãi khách.
Thằng con hỏi:
- Có một con biết
gáy, một con không biết gáy, giết con nào?
Chủ nhà nói:
- Giết con không
biết gáy.
Hôm sau, đệ tử
hỏi Trang Tử:
- Hôm qua, cái
cây trong núi vì bất tài mà sống, còn chim mòng, vì bất tài mà chết. Giá như thầy
thì nên xử trí thế nào?
Trang Tử cười,
nói:
Tài và bất tài
cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân. Chỉ có kẻ nào
“biết” là sống thôi. Khôn, chết. Dại, chết. Biết, sống.
(Trang
Tử)
Lạm bàn:
Người ta đốn cây
về để sử dụng. Cây này chẳng có tích sự gì cả nên nó sống. Người ta nuôi chim mòng
để gáy mà chim này không biết gáy nên nó chết. Do đó hợp lẽ tự nhiên thì sống;
không hợp lẽ tự nhiên thì chết. Nhưng muốn hợp lẽ tự nhiên thì phải… biết.
Câu chuyện cuối cùng
Mạnh Tôn Dương
hỏi Dương Tử (Dương Chu)
- Có kẻ mến đời,
yêu thân, cầu cho không chết, có nên không?
Dương Tử nói:
- Có sống thì
phải có chết, lẽ nào không chết được?
- Thế cầu sống
lâu có nên không?
- Lẽ nào sống lâu
được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi
được. Vả chăng, sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thế
an nguy, xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn,
xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì
sống trong khoảng trăm năm cũng đã lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để
cho khổ làm gì?
Mạnh Tôn Dương
nói:
- Nếu như thế
thì chóng chết còn hơn sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhảy vào nước lửa để
chết ngay đi có thỏa không?
Dương Tử nói:
- Không phải thế.
Đã sinh ra đời thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm cho đến lúc chết.
Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống,
lúc chết, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm tới sống lâu
hay chóng chết làm gì?
(Dương
Tử)
Lạm bàn:
Ngôn ngữ Việt Nam đặt
tên cho giống loài có tư duy cao nhất của Trái Đất là CON NGƯỜI. Đó là điều phải
nói rằng “tuyệt cú mèo”. Con người khác con hổ, con chó, con thỏ… Khi mới sinh
ra, chúng ta đều là con chứ chưa phải người, rất giống người nhưng vẫn là con.
Mà đã con thì chưa có “ngã” (dần dần có mầm mống của ngã). Ở tuổi học trò, chúng
ta vừa con vừa người (không hẳn con cũng không hẳn người) nên chúng ta hồn nhiên,
tinh ngịch và chúng ta có ngây thơ (vừa ngã vừa phi ngã). Sự tinh quái của học
trò được ông bà “khen”: “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Người ta còn gọi cái
trạng thái chưa thành người ấy là “ngợm” (cũng có khi gọi là “nửa người nửa ngợm”).
Ngợm rất giống quỉ, ma nhưng không phải quỉ, ma: ngợm là quỉ ma chưa thành người,
còn quỉ ma là từ người mà thành.
Lớn khôn, chúng
ta vào đời, lặn lội tự mưu sinh. Không ai bảo ai, mọi người lúc đó đều tham sống,
mưu sinh trước hết vì bản thân mình, vì một bản ngã đã trĩu nặng thân xác.
Con mà có bản
ngã thì được gọi là con người. Con người vì là con nên phải tìm ăn để sống, vì
là người nên ước cầu danh lợi để sống giàu sang, khỏi lo hậu sự.
Như lẽ tự nhiên,
ở đời biết thế nào là giàu sang khi không có nghèo hèn. Vì vậy mà đời người là
cuộc chạy trốn nghèo hèn và tìm kiếm giàu sang. Bước vào đời, ai ai cũng cắm đầu
cắm cổ chạy cùng một chiều như thế nên nghèo hèn trở thành mênh mông mà giàu
sang trở nên eo hẹp, do đó mà có thi đua, tranh giành, thủ đoạn, máu chảy đầu rơi,
huynh đệ tương tàn. Thế rồi có dằn vặt, suy ngẫm về nghĩa sống - chết, sang - hèn,
sướng - khổ, vinh - nhục, thiện - ác… Kẻ nhận định thế này, thì thành vua Kiệt,
vua Trụ (tính ác); người nhận định thế kia thì thành vua Nghiêu, vua Thuấn (tính
thiện).
Có lẽ Dương Tử đã
thấy một điều, đó là: Con vật cầu miếng no, miếng đủ để an nhiên sống, còn con
người lại cầu miếng ngon, miếng lạ, đủ để phè phỡn sống. Điều đó cho thấy vì
sao mà con người đã hèn thì hèn hơn con vật, đã dũng thì dũng hơn con vật, đã
tham thì tham hơn con vật, đã nhường thì nhường hơn con vật, đã thù hằn thì thù
hằn hơn con vật, đã yêu thương thì yêu thương hơn con vật, đã ác thì ác hơn con
vật mà đã thiện thì cũng thiện hơn con vật. Cho nên ông đã đề ra học thuyết với
tôn chỉ là: “Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ
phụng sự riêng mình cũng không nhận, người nào cũng không chịu thiệt, người nào
cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình”.
Người đời sau gọi
thuyết đó là thuyết “vị ngã”, và hiểu vị ngã là “vì cái tôi” với nghĩa nhỏ hẹp,
ích kỷ, yếm thế… Hiểu như thế, theo chúng ta, là đã hiểu lầm cái tư tưởng vĩ đại
của Đạo gia.
Con là vô ngã,
người là hữu ngã, hữu ngã thì không thể quay về vô ngã được, nhưng hãy biết sống
hợp lẽ tự nhiên giống như vô ngã: mất một sợ lông mà lợi cả thiên hạ cũng không
“biết” cho; được cả thiên hạ phụng sự cũng không “biết” nhận.
Đúng hơn, nên gọi
là thuyết “vô ngã”.
Nhận xét
Đăng nhận xét