THƠ BÚT TRE
THƠ BÚT TRE
(Dựa hơi từ điển mở Wikipedia và quyển "Bút Tre, thơ và giai thoại", tác giả: Ngô Quang Nam, NXB Văn hóa-Thông tin, 2008)
PHẦN GIỚI THIỆU
-"Thơ Bút Tre", theo nghĩa hẹp, đơn giản là thơ của tác giả
Bút Tre, nghĩa rộng là Trường phái thơ bút tre (vì Bút Tre là người khởi
xướng).
-Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (1911-1987), người xã Đồng
Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Thời Pháp thuộc, ông học đến đậu tú
tài triết học, có thời gian viết báo với bút danh Lục Y Lang. Dưới thời
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa
Việt Nam), ông từng giữ chức vụ Bí thư thứ hai của Sứ quán Việt Nam tại
Rumani, sau đó làm Trưởng ty (nay gọi là "giám đốc sở") Văn hóa tỉnh Phú
Thọ và tham gia hoạt động trong Ban chấp hành Hội văn nghệ dân gian
Việt Nam. Đ. V. Đăng sống bình dị, có tâm hồn trào lộng, là một trong
rất nhiều "ông quan thanh liêm" thời nước nhà đang trong cảnh "Miền Bắc
là hậu phương lớn, Miền Nam là tiền tuyến lớn", mà ngày nay hiếm "như
sao buổi sớm" (lời Nguyễn Trãi).
-Thơ của Đ. V. Đăng đương thời (ở đây chỉ nói đến cái bộ phận
với những yếu tố, những nét đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt, tiên phong
của dòng thơ Bút Tre ngày nay) chịu không ít sự dè bỉu của nhiều bậc
"nghiêm túc và hàn lâm" về thơ. Mà đúng thật, thơ do chính ông sáng tác
không có cái đẹp của tu từ, của sự trau chuốt, hơn nữa, thoạt nhìn, về
hình thức, có vẻ dễ dãi, "gợi nhớ" đến thơ con cóc. Ấy vậy mà lạ lùng
thay, thơ của ông không những không "chết" mà còn chính thức đóng vai
trò khởi nguồn ra một dòng (gọi một cách "chính qui" là trường phái) thơ
mới, đậm chất trào phúng dân dã, được quần chúng ưa thích, "dung
dưỡng", làm thăng hoa, lưu truyền đến ngày nay, và có lẽ đến rất xa nữa
trong tương lai mai hậu.
-Ngô Quang Nam viết: "Theo tôi, thơ Bút Tre không hay, không
hay một tý nào, thậm chí còn là vụng về quê kệch nếu ta soi bằng lăng
kính thơ văn bác học. Có một nhà thơ nổi tiếng đương thời khi nghe tôi
nêu câu hỏi: "Thưa anh, tỉnh Vĩnh Phú đã minh oan cho Kim Ngọc làm khoán
hộ. Vị trí và những cống hiến của anh Kim Ngọc ngày nay đã được khẳng
định và Quốc Hội đã thông qua việc trao huân chương cho anh Kim
Ngọc...Còn cái oan của cụ Bút Tre về văn chương chưa được rửa?...". Nhà
thơ nọ bĩu môi: "Khó lắm! Bút Tre là vè". Tôi hiểu! Ông nhà thơ có lý
khi ông nhìn Bút tre bằng lăng kính của nhà thơ bác học, nhưng tôi hỏi
lại ông một câu: "Vậy sao thơ kiểu "bác học" của các anh thường chỉ mấy
ông nhà thơ các anh "nhâm nhi" với nhau là chính, chứ thật dân tình
không mấy ai thuộc và lại cũng không mấy ai có thể sáng tác được, trong
khi đó Bút Tre nổi tiếng đến mức ai cũng thích? Và ai cũng sáng tác
được?". Tôi liền lấy ngay tờ báo có in một bài của một "lão trượng" bút
sắt viết ca ngợi Bút Tre:
"Tham quan, du lịch, nghỉ hè
Thơ văn trường phái Bút Tre đứng đầu
Gieo vần gãy nửa nhịp câu
Giữa dòng bạt mạng ngắt câu ngang phè
Mà sao ai cũng thích nghè
Cứ nghe mà biết Bút Tre là cười
Bao nhiêu Bút Sắt mòn rồi
Hôm nay còn mãi với đời Bút Tre"
Ông đọc xong rồi lặng đi.(...). Cũng như các nhà sành chơi đồ
gốm khi đã quá quen với những đồ gốm bóng bẩy mỹ miều Giang Tây bỗng bắt
gặp một cái bình gốm men rạn (tưởng như nung hỏng), song cái quí và độc
đáo lại chính ở cái "rạn nứt" ấy, thậm chí gốm thô gan gà, nguyên của
màu đất sét mà biết đặt đúng chỗ thì lại là sự độc đáo. Vậy theo tôi,
nghệ thuật biến hóa không cùng. Thơ bác học cũng có cái hay, cái cao
siêu của thơ bác học, nhưng ca dao dân gian, vè dân gian nó vẫn cứ có
giá trị độc lập của nó, nó chẳng mỹ miều, nó thô ráp thì nó lại có vẻ
đẹp của sự thô ráp ấy, bởi vì bên trong nó lại ẩn chứa những triết lý
rất sâu sắc".
-Ca ngợi thơ Bút Tre còn có bài thơ sau:
Hoan hô đồng chí Bút Tre
Thơ phú ngang phè mà lại hóa hay
Phải chăng trường phái thơ ngây
Làm cho ai cũng mê say thích nghè (nghe)
Ngày nay cuộc sống bộn bề
Nụ cười thuốc bổ: ca vè dân gian
Bởi ai cũng có thể làm
Bút Tre, bút nứa, lại càng bút bi...
-Nhưng cụ thể hơn, điều gì đã làm cho Bút Tre trở thành nhà
thơ khai sinh ra một dòng thơ có tính đặc thù như một trường phái thơ
thực thụ, hơn nữa, tồn tại một cách sống động, được nhiều người ưa
thích, học thuộc, sáng tạo thêm rồi đọc cho nhau nghe những lúc vui đùa,
lúc trà dư tửu hậu, để từ đó được lưu truyền rộng rãi trong xã hội chủ
yếu theo con đường có tính truyền thống dân gian: truyền khẩu (đây là
điều rất đáng suy ngẫm!)? Trong "Bút Tre, thơ và giai thoại", N. Q. Nam
đã phân tích xoay quanh vấn đề những thủ thuật mà Đ. V. Đăng đã sử dụng
trong thơ, và cho đó là cái yếu tố quyết định đến sức sống "danh bất hư
truyền" của thơ Bút Tre.
-Theo tôi, tựu trung lại, sở dĩ Đ. V. Đăng đã khơi mào, tạo
nên được một lối thơ "không giống ai" để từ đó mà hình thành nên cả một
dòng thơ được nhiều người ưa thích và hơn nữa cũng hết sức bình dị, ai
cũng có thể góp sức sáng tạo, ngẫu hứng "thêm thắt" vào được, là vì ông
đã phát hiện ra "một chất liệu" gợi nguồn cũng như định hướng cảm hứng
có ngay trong đời sống dân dã và văn học dân gian, để từ đó hoạt động
sáng tạo trên cơ sở kế thừa cái tinh thần lạc quan, trào lộng, đơn sơ mà
tinh tế, dung dị mà sâu sắc, chất phác mà thâm thúy, nghiêm cách mà
cũng không câu nệ...của thơ ca, hò vè dân gian Việt Nam. Trong đời sống
dân dã vẫn thường xảy ra những hiện tượng vô tình như: nói hớ, nói nhịu
(chẳng hạn thấy con gà thì nói là con lợn), nói đớt, nói trại, nói tắt
(chẳng hạn nói: "Xe đạp tôi..." thì ai cũng hiểu đúng: "Xe đạp của
tôi..."), nói tréo ngoe, nói tưng tửng, ..., mà trong nhiều trường hợp
trở nên rất buồn cười, thành đàm tếu "vui là chính", và dần được phản
ánh trong văn học-nghệ thuật, trước hết là văn học nghệ thuật dân gian
trào phúng. Đặc trưng tiêu biểu nhất và cũng dễ nhận biết nhất của thơ
ca, hò vè dân gian Việt Nam là dù hàm chứa những ý tưởng sâu xa thì câu
chữ được dùng cũng vẫn rất giản dị, rất gần với cách nói dân dã, "đời
thường", hay có thể nói hơi quá một chút rằng đó là cách nói dân dã có
vần điệu. Dưới đây là vài thí dụ:
- Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ lính mới trèo hòn đèo Ngang
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng
Gánh từ xứ Bắc, xứ Đông
Đã gánh theo chồng lại gánh theo con
-Sơn Bình, chợ Lối chẳng xa
Cách một cái quán với ba quãng đồng
Chẳng tin đứng lại mà trông
Bên tây có miếu, bên đông có chùa
Ở trong lại có đình thờ
Em còn kén chọn bán mua chốn nào
- Em về cắt rạ đánh tranh
Chặt tre chẻ lạt cho anh lợp nhà
Sớm khuya hòa thuận đôi ta
Hơn ai gác tía lầu hoa một mình
Ngôn ngữ Việt Nam vốn dĩ giàu âm điệu, cho nên theo truyền
thống dân gian, tiêu chí số một để phân biệt ngôn ngữ thường và ngôn ngữ
thơ chính là vần điệu và vần điệu đã trở thành tiêu chuẩn hàng đầu phải
tuân thủ đối với thơ ca, hò vè dân gian Việt Nam. (Tôi cho rằng điều
này cũng đúng với thơ ca Việt Nam hiện đại. Thuật ngữ "hiện đại" ở đây
không bao hàm trường phái thơ "hiện đại" hay "hậu hiện đại" thực chất đã
tự cự tuyệt cội rễ truyền thống, mù quáng theo mấy "ông thơ Tây" cũng
mù quáng nốt. Đó là thứ thơ hàm chứa bệnh lý tâm thần, có tính phá
phách, thoát thai ra từ sự bế tắc sáng tạo bởi hạn chế tài năng, bị đè
nén quá độ trong sự đòi hỏi, hối thúc tiềm thức của cái tinh thần đã
"lạc vào" sự hãnh tiến, háo danh. Thơ đó chỉ có thể tồn tại trong một
nhúm nhỏ tự tâng bốc nhau là "hàn lâm, cao siêu" mà thôi chứ không thể
sống còn trong lòng dân tộc được, hơn nữa, sự ngày càng tha hóa của nó
sẽ "không chóng thì chầy" làm cho nó bị đào thải ra khỏi đời sống văn
hóa xã hội. Bởi lẽ, nghệ thuật đích thực bao giờ cũng giản dị, trong
sáng, hòa hợp với nhịp đập cuộc sống và nhờ thế mà gần gũi, thân thiết
với đại chúng, được đại chúng yêu thích,ngợi ca, gìn giữ và lưu truyền).
Tiếp tục, vì thơ ca, hò vè dân gian chủ yếu dùng từ ngữ dân dã nhưng
lại phải tuân thủ vần điệu (theo luật bằng trắc và chủ yếu theo thể thơ
lục bát) tương đối khắt khe, cho nên trông thì thấy đơn giản, thô mộc,
dễ bắt chước sáng tác, nhưng thực ra không hề dễ dàng chút nào, thường
giữ được ý thì mất vần, giữ được vần thì mất ý, hoặc để cho có vần, phải
dùng những từ sáo mòn, khiên cưỡng nhiều khi phá hỏng cả tứ thơ. Có lẽ
từ trước đến nay, đây là nguyên nhân làm xuất hiện (không phải là ít!)
trong "phong trào văn hóa quần chúng" những bài thơ lục bát "ngang phè
phè" đến "phát tức anh ách" hay ngô nghê "xuôi tuồn tuột" đến "cười lộn
ruột"...
Phải chăng Đ. V. Đăng, một người có lối sống giản dị và hòa
đồng, có tâm hồn thanh khiết mà cũng khoáng đạt, đã phát hiện được những
yếu tố trào phúng tiềm ẩn trong những hiện tượng xảy ra do "trục trặc"
vô tình, ngoài ý muốn, đại loại như đề cập sơ qua ở trên, từ đó mà chắt
lọc, kết hợp lại, tạo nên một hướng sáng tạo có tính gây cười độc đáo,
trên nền tảng thơ ca, hò vè dân gian truyền thống? Có thể nói, thơ Bút
Tre là "thứ" thơ có hình thức tương tự như của những kẻ nhà quê ít học
nhưng sính chữ, là những câu cú "nói trực" hồn nhiên bị ép vần "cho bằng
được", do đó mà làm xuất hiện những tình huống "dở khóc dở cười". Nhưng
thơ Bút Tre có giá trị thẩm mỹ và tính gây cười cao hơn hẳn vì ai đọc
cũng "biết tỏng" đó là kết quả của sự cố ý sáng tạo, đầu tư trí tuệ có
chủ đích.
-Thơ Bút Tre, trên bình diện là một dòng thơ tương đối độc
lập, có đặc trưng trào lộng, gồm những bài thơ ngắn, thậm chí chỉ hai
câu, được nhiều tác giả hữu danh cũng như khuyết danh góp phần xây dựng
và cũng vì được rất nhiều người yêu thích nên cũng được phát tán nhanh
qua con đường truyền khẩu mà các loại thơ khác không thể sánh được.
Những đặc điểm đó khiến dòng thơ Bút Tre xứng đáng là một bộ phận hợp
thành không thể thiếu được của thơ ca, hò vè dân gian Việt Nam, nếu chưa
được chính thức thừa nhận hôm nay thì chắc chắn cũng trong một tương
lai gần! Cái tuyệt hay của thơ Bút Tre chính là ở chỗ này!
-Chuyện rằng, lúc sinh thời Đ. V. Đăng không hề phản biện
trực diện và công khai những lời chê bai chỉ trích gay gắt thơ ông. Ông
đã gói gọn cái tinh thần tự tại, "bất chấp" ấy bằng hai "lời" thơ, mỗi
"lời" chỉ gồm hai câu, gửi lại cho đời:
1-Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Cây đa bến cũ vẫn ngồi nguyên
2-Mai sau kẻ đoái người hoài mặc
Hạnh phúc hôm nay mát dạ người
-Về già, Đ. V. Đăng có dặn dò gia quyến cách tiến hành
tang chế cho mình khi lâm hữu sự, bằng bài thơ...rất thương lắm:
Tôi dặn tiễn tôi tới suối vàng
Thưa kèn giảm trống, chẳng đò ngang
Dứt đường Tây Trúc kinh thôi tụng
Buông sách Thọ Mai, lễ chẳng màng
Xã hội, cơ quan ngừng phúng điếu
Họ hàng thân thuộc chút khăn tang
Hương thơm, đèn sáng, vòng hoa trắng
Trầm mặc cử hành đám lễ tang
- Quá trình hình thành và phát triển của dòng thơ Bút Tre
tự nó phân ra tương đối thành mấy loại và có thể (tạm cho là) như sau:
thơ đương thời Bút Tre (lúc Bút Tre còn sống) và thơ hậu Bút Tre. Trong
thơ đương thời Bút Tre thì gồm thơ Bút Tre thật (do chính Đ. V. Đăng
sáng tác) và thơ Bút Tre giả (do dân chúng
sáng tác). Thơ hậu Bút Tre cũng được phân thành hai gồm thơ hữu danh và thơ khuyết danh (chủ yếu).
PHẦN TRÍCH DẪN
-Thơ Bút Tre thật:
1-Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về
2-Cuối cùng xin nhắc một câu
Văn hóa cơ sở là đầu chúng ta
3-Chú làm công tác giữ cầu
Quản chi bom đạn trên đầu nó rơi
Bút Tre chẳng như mọi người
"Qua sông..." nhớ mãi nụ cười chú em
(CT: Đọc đến đây, ai không nhớ đoạn "... đấm buồi vào sóng",...chết liền!)
4-Hoan hô trung tá Phạm Tuân
Bay lên vũ trụ một tuần về ngay
5-Chú về công tác bảo tàng
Cũng là công việc cách màng (mạng) giao cho
6-Giặc Mỹ leo thang đến Phú Tho (Thọ)
Napan đốt cháy cả rừng co (cọ)
Sẵn sàng chiến đấu chị em bắn...
Rớt trước Ty mình chiếc dù đo (đỏ)
7-Ơ kìa Bác đến kia rồi
Quần nâu áo vải như người nông dân
Vẫn đôi mắt sáng trong ngần
Phơ phơ mái tóc đỏ dần màu da...
8-Hồn quê vang vọng thơ chờ đợi
Người hát tình ca chim lắng nghe
(CT: Người nghe chim hót là chuyện thường tình, chim nghe người hát mới... lạ!)
9-Liên Xô thắng lợi ào ào
Anh Ga- ga- rỉn (rin) bay vào vũ tru (trụ)!
-Thơ Bút Tre giả:
1-Hoan hô đồng chí Hà Đăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa
(CT: Hà Đăng Ấn khi đó làm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt)
2-Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng
3-Đứng trên bãi biển bồn chồn
Bao nhiêu cô gái ngứa chân chạy quanh
(CT: Ở đây, hỏi bất kỳ ông nào rằng: chân là cái gì(?), thì "chắc như bắp", đều nhận đưoc
câu trả lời: chân là cái l...!)
4-Chị em du kích tài thay
Bắn máy bay Mỹ rơi ngay cửa mình! (cửa nhà mình)
5-Liên hoan toàn lạc (đậu phộng) với chuồi (chuối)
Ra về nhớ mãi cái buồi (buổi) hôm nay
6-Con ruồi là giống hiểm nguy
Bàn chân của nó rất vi trùng nhiều
7-Sông Hồng đỏ quạch phù sa
Đỏ thì đỏ thật thua da Bác Hồ
8-Bỗng đâu tin sét đánh ngang
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần
9-Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu rồi tiến đi đâu?
Đi đâu...không biết, hàng đầu cứ tiên (tiến)
10-Ta đi bầu cử tự do
Chọn người xứng đáng mà cho vào hòm (phiếu)
11-Không đi không biết Tam Đao (Đảo)
Đi thì không biết nơi nào mà ngu (ngủ)
Một giường nhốt những hai cu (cụ)
Sướng khô (khổ) đành chịu đến chu (chủ) nhật về
12-Con đò dịch đít sang ngang
Bên kia có một cái làng thò ra
13-Trông xa một đống đen sì
Đến gần mới biết ấy thì là than
14-Hoan hô anh La Văn Cầu
Cánh tay bị đứt nhưng đầu còn nguyên
-Thơ hậu Bút Tre, hữu danh:
1-Hoan hô đồng chí Trần Hoàn
Mới lên Bộ trưởng chiếu toàn phim hay
"Tiếng chim trong bụi mận gai"
Lại thêm"Bạch tuộc" tuần hai tối liền
Phan Dương (Hà Nội)
2-Hỡi ai bị yếu sinh lỳ (lý)
Đừng lo! Đã có thuốc trì(trị) rất hay
Thầy này học tận bên Tây-
Nguyên về khoản ấy là tay cực giòi (giỏi)
Mạc Vi (Hà Nội)
3-Em là cô giáo dạy toan (toán)
Suốt ngày công thức với toàn số liêu (liệu)
Nhiều lúc như khóc như mêu (mếu)
Học sinh không hiểu vẫn kêu khó lằm (lắm)
Đã giảng đến năm bảy lần
Học sinh vẫn nói cô cần giảng lai (lại)
Hoàng Xuân Khánh (Hà Nội)
4-Máy bay hạ cánh Tân-Sơn-
Nhất tôi sung sướng mừng rơn trong bùng (bụng)
Nguyễn Quốc Văn (hải Phòng)
5-(Trong cuộc họp của lũ quan "làm khổ dân, mạt nước")
Quan "trưởng họ" khai mào:
+Kính thưa các vị đại biều (biểu)
Kính thưa các vị quan liêu (liều) chúng tà (ta)
Hôm nay sinh hoạt họ nhà...
Quan mình nghị sự xong là đánh chen (chén)
Phải họp đàng hoảng (hoàng) một phen
Đắp xây vững bến (bền) cái nên (nền) quan liều(liêu)
Tiện đây xin nhắc đôi điều
Anh em ta nhớ thương yều (yêu) lẫn nhau
Lần lần kẻ trước người sau
Họ quan ta phải giúp nhau tiến lền (lên)
Cắm sâu bắt rễ thật bền
Cho phì gia mãi cái nền nhà liêu...
Xin mời các quán (quan) phát biêu!
Một quan trẻ "nổ" luôn:
+Mua quan tốn rất tiền nhiều
Phải vơ vét hết bọt bèo chẳng chưa (chừa)
Kế hay: nếu giữ vững cưa (cửa)...
Quyền vừa giàu sụ lại vừa như liêm
Tiếp đến là tiếng "thào thào" của vị quan già bậc tiền bối:
+Thành tích báo cáo phải in...
Ấn đẹp trên mới chịu tin là đùng (đúng)
Xuống cơ sở cố "ba cùng"
Luồn sâu thị sát quần chùng (chúng) chỉ đao (đạo)
Nghe sướng, quan bà sồn sồn ngồi bên cạnh góp thêm:
+Tôi nay thì lại có kinh...
Nghiệm là vờ giữ cho mình được nghiêm...
Túc cho có cái vẻ liêm...
Chính khi cấp dưới phong tiên (tiền) kính chào (trao)
Lúc đó có thằng
trẻ trâu đi qua, tức cảnh sinh tình,quên, tức ý sinh...cáu:
+Còn giời, còn nước, còn non
Còn lũ quan ấy tao còn chăn trâu
Muốn cho nước mạnh dân giàu
Ai ơi phải đánh dập đầu chúng no (nó)
("Biến tấu" từ bài của Phạm Vương-Hải Phòng)
6-Không đi không biết Quảng Ninh
Đi rồi mới thấy cửa (biển) mình mở ra
Hàng gần cho tới hàng xa
Muốn mà xuất được phải qua cửa (biển) mình
Hàng thô cho tới hàng tinh
Cứ qua cửa (biển) mình phải xuất cho nhanh
Toàn Thi (Sài Sòn)
-Thơ hậu Bút Tre, vô danh:
1-Anh đi công tác Play (pờ-lây)-
Cu dài dằng dặc biết ngày nào vê (về)
Lại còn phải ghé Buôn-Mê-
Thuột xong mọi cái mới về với em
2-Bán háng (hàng) cô nay đã mấy tuồi (tuổi)
Nước cô còn nóng hay đã nguồi (nguội)
Thích nhỉ trên treo dăm chiếc ném (nem)
Dưới bày ngồn ngộn đủ khô tươi
Lòng dối (dồi), tiết canh chờ người xới (xơi)
Thịt lờn (lợn) thịt gạ (gà) đợi chấm muồi (muối)
Vào ngồi móc bóp (ví) tiền không đủ
Khách quen cho chịu một vài buồi (buổi)
3-Anh ngồi ngắm cảnh đảo Côn-
Lôn rộng bát ngát, bồn chồn nhớ em
4-Chưa đi chưa biết Sài Gòn
Đi rồi sạch bách chẳng còn một xu
Về nhà mới biết mình ngu
Thằng lớn xài ít thằng cu xài nhiều
5-Rộng lớn như thể nước Nga
Người ta không cấm thò ra thụt vào
Nhỏ bé như thể nước Lào
Người ta không cấm thụt vào thò ra
Chỉ riêng ở Việt nam ta
Đâu đâu cũng cấm thò ra thụt vào
6-Bây giờ ra quốc lộ Hai
Thế nào cũng thấy được vài...ôtô
7-Làm thơ nên tránh vần "ồn"
Kẻo không lại đụng đến l... chị em
8-Chợ Đồng Xuân nức tiếng đồn
Có chị bán trứng vịt ...ồn (lộn) rất to
9-Chỉ vài ba miếng thịt lờn (lợn)
Nhai xong liếm đĩa bóng ...ồn (lộn) khỏi rưa (rửa)
10-Chị em phụ nữ đánh cầu-
Lông bay vùn vụt trên đầu anh em
11-Ở trong hang đá chui ra
Vươn vai một cái rồi ta chui vào
12-Hoan hô lực sĩ Lưu-Trùng-
Dương vật nổi tiếng khắp vùng Hải-Hưng
13-Miếng ngon đâu cứ đặc sàn (sản)
Nhiều khi măm chán (chan mắm) với bùn (bún) mà ngon
14-Hội trường yên ắng ngủ say
Thuyết trình vừa dứt vỗ tay ào ào
15- Một ông người Ốt – tra - lây (Australia)
Một ông đích thị là Tây bán nhà (Tây Ban Nha)
Một ông ở xứ buôn gà (Bungari)
Cả ba ông ấy đều là con dê (con rể)
Cùng nhau có một lời thề
Làm con dê cụ không về bên Tây (con rể cụ)
PHẦN GIAI THOẠI
1-Ngày ấy, cơ quan Ty Văn hóa sơ tán ở một quả đồi đất cằn, chỉ cây
cọ mọc được. Để cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên đang rất khó khăn,
ông Đăng phát động trồng rau tăng gia sản xuất. Muốn thế phải cải tạo
đất. Một trong những biện pháp là thu hồi nước tiểu để làm chất tưới.
Thế là ông Đăng cho vác một vỏ quả bom bi mẹ về để ở ngay cạnh hội
trường và đề mấy câu thơ lên tấm biển đặt ở đó:
Bà con đi đâu về đâu
Đến đây mà đái lên đầu Ních-xơn
Căm hờn lại giục căm hờn
Đến đây mà đái còn hơn đái nhà
2-Là người luôn chăm lo đến đời sống văn hóa cho nên nhiều lần ông
Đăng đã trực tiếp đề nghị lãnh đạo tỉnh cho mua một số nhạc cụ hiện đại
nhằm phục vụ sự nghiệp lâu dài, trong đó có pi-a-nô. Song những cố gắng
ấy không được đáp ứng, hơn nữa, một lãnh đạo còn nói:
-Các anh chỉ vẽ chuyện! Đất Phú Thọ này thì chỉ có sắn. Cần tập trung vào sắn!
Bẵng một thời gian, khi câu chuyện trên đã vào quên lãng thì bỗng
một hôm có ông thư ký UBND tỉnh sang gặp ông Đăng (trưởng Ty Văn hóa)
truyền đạt yêu cầu của tỉnh là cần có một chiếc pi-a-nô để đại tướng Võ
Nguyên Giáp giải trí buổi tối ở nhà khách tỉnh, nhân chuyến đại tướng
đang công tác tại Phú Thọ. Nghe xong, ông Đăng cười bảo:
-Văn hóa chỉ có sắn thôi, làm gì có pi-a-nô!
Tưởng ông Đăng đùa, ông thư ký nhấn mạnh:
-Đây là yêu cầu của Tỉnh ủy, không phải chuyện đùa đâu!
Ông Đăng cũng tỏ ra dứt khoát:
-Vâng, tôi cũng nói nghiêm túc đấy. Anh cứ về nói với lãnh đạo tỉnh rằng: "Ông Đăng bảo là Văn hóa chỉ có sắn thôi!"
3-Có lần, một nhà thơ nổi tiếng đương thời lại đang giữ chức vụ
cao lên Phú Thọ công tác. Xong việc, ông này cho mời ông Đăng sang đọc
thơ. Ông Đăng đọc liền hàng chục bài. Nhà thơ nổi tiếng nghe xong rồi
bảo:
-Tôi sẽ nhờ anh Xuân Diệu sửa giùm những bài thơ của anh.
Ông Đăng điềm nhiên trả lời:
-Thưa anh, anh Xuân Diệu làm "thơ bác học", tôi làm "vè dân
gian". Anh Xuân Diệu là "bút máy", tôi là "Bút Tre", anh ấy chữa thế nào
được thơ tôi!
4-Ngày Bút Tre còn sống, có một anh mới vào nghề làm thơ đã cố
bắt chước kiểu thơ "trí tuệ", dùng những lời rất "đại ngôn" và khó hiểu,
tìm đến đọc thơ mình cho ông nghe với vẻ hãnh diện. Nghe xong Bút Tre
nói:
-Thơ cậu thật là "nghiêm"
Anh bạn trẻ tưởng được khen, phấn khởi quá định đọc tiếp vài bài nữa, nhưng Bút Tre xua tay cười hơ hớ:
-Cậu đọc cho tôi nghe thơ "nghỉ" của cậu xem nào!
Đại Chúng (sưu tầm, biên soạn và thêm thắt)
Nhận xét
Đăng nhận xét