BÀI VIẾT HAY 43
Đúng là "vượt lên chính mình"!
(ĐC chép từ vnexpress.net)
(ĐC chép từ vnexpress.net)
Cây bút nữ hơn 10 năm chạy thận
Cuộc sống cả
chục năm qua của Nhung quanh quẩn trong xóm chạy thận và Bệnh viện Bạch
Mai. Sức khỏe ngày càng yếu nhưng chị vẫn có nhiều bài thơ gửi đăng các
báo.
Cô gái Trần Phương Nhung có vóc người nhỏ bé, ít nói nhưng cả xóm chạy
thận Phương Mai (Hà Nội) đều biết và tự hào về chị. Chị đã nói giúp tâm
tư, tình cảm của nhiều người bệnh qua những bài báo xúc động.
Chị Nhung, 30 tuổi, quê ở Nam Định, lên chạy thận ở Hà Nội từ năm 2003.
Những lúc buồn, chị thường ngồi viết cho mình, để thời gian trôi nhanh
hơn. Một hôm, có người bạn vô tình đọc được những bài viết đó, động viên
chị gửi bài cho báo Mực Tím. Đó cũng là cái duyên đưa những bài tản văn của chị viết về xóm chạy thận đến với bạn đọc.
Bài viết đầu tiên của chị được đăng báo là Đối mặt với sợ hãi,
có câu kết: "Vậy là cuộc sống của tôi từ khi làm quen với xóm chạy thận
luôn phải đối mặt với nỗi cô đơn, lo lắng và sợ hãi, nhưng khi tôi
không kiểm soát nó nữa, thì nó cũng ít kiểm soát tôi hơn".
Chị đã làm được như vậy, không nghĩ nhiều đến bệnh tật, nỗi buồn, cô
đơn nữa. Chị tìm niềm vui trong những bài viết. "Thời gian dành cho nỗi
buồn thì sao mình không dành cho một niềm đam mê nào đó. Và mình đã tìm
được niềm vui đó, chính là công việc viết văn", chị Nhung chia sẻ.
Ngoài thời gian đi viện, chị tận dụng mọi lúc rảnh rỗi để viết. Hầu hết
ý tưởng của chị xuất hiện trong lúc chạy thận. Lúc đó, chị chỉ nằm một
chỗ, không biết làm gì, nên tập trung nghĩ để về nhà có thể viết luôn.
Nhiều lần dù bị nhiễm trùng máu, chưa hết sốt nhưng chị vẫn gắng gượng
ngồi vào bàn viết. Mọi người trong phòng lo lắng hỏi chị sao ốm lại
không nghỉ ngơi, chị cười rằng: "Viết là liều thuốc hiệu quả nhất giúp
mình mau khỏe lại. Mỗi phút giây nào đó ngừng viết, mình thấy cô đơn,
hụt hẫng rất nhiều".
Mỗi bài viết của chị Nhung đều là một câu chuyện tình người với nhiều chi tiết cảm động. Đó là Câu chuyện về những bữa cơm
trong xóm chạy thận. Khi chị bưng mâm bát đi rửa, còn thừa lại ít rau,
có người hàng xóm trông thấy, vội kêu rằng: "Ấy ấy đừng đổ đi, để đó,
tôi ăn nốt cho". Hiếm ở đâu mà người ta lại vô tư, vui vẻ ăn những đồ
thừa của nhau sau mỗi bữa cơm như ở đây. Chỉ có những người thân thiết
với nhau như ruột thịt mới như thế. Đó là những bữa cơm không trọn vẹn
nhưng trọn tình.
Từ những bài tản văn, bài báo nhỏ được đăng, chị Nhung đã quen được
nhiều bạn tốt. Có người đọc xong bài viết của chị đã dò hỏi địa chỉ, tìm
đến thăm lúc chị ốm. Có người dành hẳn một buổi chiều để đưa chị đi
thăm khắp Hà Nội, có người mang khăn, mang sợi len đến tận nhà để chị
tranh thủ làm lúc rảnh rỗi.
Đến nay, chị đã có hơn 100 bài tản văn, truyện cười đăng ở các báo.
Nhiều bài viết của chị được tuyển chọn, in sách cùng nhiều tác giả khác.
Cứ mỗi lần đọc báo, thấy tờ nào hay, chị lại quyết tâm lên ý tưởng để
viết bài cho tờ báo ấy.
Khi có nhuận bút, dù ít, dù nhiều, chị dành để giúp đỡ những người khó
khăn hơn ở trong xóm. Gặp một cô bé bán tăm trước cổng bệnh viện, một
anh chạy thận nhưng không có tiền ăn cơm, chị dùng nhuận bút của mình để
giúp đỡ họ.
Dù cũng mang bệnh nhưng chị Nhung rất hay động viên và giúp đỡ những
người cùng cảnh. "Những hôm ra bệnh viện chạy thận cùng ca, mình đến
muộn thì bạn ấy đã trải giường, chuẩn bị đồ chạy thận giúp mình", anh
Nguyễn Văn Quyền, người cùng xóm chạy thận với Nhung, kể.
Những lúc rảnh rỗi, anh Quyền cũng dành thời gian đọc bài viết của
Nhung đã in thành sách. Anh chia sẻ: "Những bài viết ấy kể rất thật về
cuộc sống của bọn mình ở xóm chạy thận. Từ khi bị bệnh, cuộc sống khó
khăn, bệnh tật, đã nhiều lần mình nản lòng nhưng đọc những bài viết của
Nhung, mình thấy tươi trẻ hơn và cố gắng sống tốt hơn".
“Người ta thường nói, hãy sống như ngày mai mình sẽ chết. Nhưng tôi lại
nghĩ khác: Hãy sống như không bao giờ mình chết, để làm việc và yêu
thương nhiều hơn", chị Nhung tâm sự.
Viết Tuân
Nhận xét
Đăng nhận xét