Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

TIẾNG THƠ 23

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                                  Tiếng thơ - nhạc hiệu - Đài tiếng nói Việt Nam

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 28/10/2013

“Thơ là sự thần thánh hóa thực tại” (Edith Sitwell), “Thơ là những gì đáng ghi nhớ trong cuộc sống” (William Hazlitt), “Thơ là ngôn ngữ chưng cất mạnh mẽ nhất của bản thân tác giả” (Rita Dove).

Ngoài những định nghĩa trên đây, nhiều cây bút thơ nổi tiếng khác cũng bày tỏ cách nhìn ấn tượng về thơ.

Percy Bysshe Shelley

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 1
Chân dung “Shelley điên rồ”

Một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ XIX, người được gọi là “Shelley điên rồ” có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng hết sức lãng mạn. Trong số 1821 bài viết của Shelley, nhiều lần, nhà thơ xuất thân quý tộc đã đề cập tới cái nhìn đối với thơ ca. Trong đó, nổi bật nhất là những nhận định sau:

“Thơ thực sự là một điều gì đó rất thiêng liêng. Nó vừa là trung tâm, đồng thời là chu vi của tri thức, là bao gồm các khoa học, nguồn gốc và thành quả của các hệ thống tư tưởng. Đó là sự hồi sinh của mùa xuân…”

“Thơ ghi lại những khoảnh khắc đỉnh cao và hạnh phúc nhất của tâm hồn”.

“Thơ ca, trong ý thức chung có thể định nghĩa là biểu hiện của trí tưởng tượng, và thơ ca cũng là khả năng thiên bẩm khi con người sinh ra”.

“Thơ ca là một tấm gương có thể khiến cái đẹp cũng có thể bị biến dạng”.

Emily Dickinson

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 2
Thơ giúp Emily Dickinson "cất cánh"

Cùng với Walt Whitman, Emily Dickinson là cây bút thơ đặc sắc nhất của Mỹ thế kỉ XIX.  Bà đã để lại cho hậu thế tới 2000 bài thơ với nhiều bài có ý tưởng hết sức độc đáo. Trong quan điểm về thơ ca, bà cũng có cách nhìn rất ấn tượng: “Nếu một cuốn sách làm cho tôi cảm thấy giá lạnh mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thơ. Nếu tôi cảm thấy mình đang cất cánh, tôi cũng biết đó là thơ. Đó là cách duy nhất để tôi biết những điều này, liệu còn cách nào khác nữa không?”

Robert Frost

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 3
Robert Frost - Nhân vật quan trọng của các diễn đàn thơ ca Mỹ

Robert Frost là một nhà thơ Mỹ từng bốn lần đoạt giải Pulitzer, cũng là cây bút thơ từng vinh dự được Tổng thống John F. Kennedy mời đọc thơ  trong ngày nhậm chức của ông. Được các nhà phê bình hiện đại nhận định là một nhà thơ dễ hiểu mà vẫn khó hiểu, giản dị mà phức tạp, cách Robert Frost nghĩ về thể loại văn học ông theo đuổi cũng có phần kỳ bí: “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời để diễn đạt chúng”; “Thơ ca là những gì đã thất lạc trong quá trình chuyển đổi”.

Salvatore Quasimodo

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 4
Salvatore Quasimodo nhấn mạnh sự đồng cảm giữa người làm thơ và độc giả

Nhà thơ người Italia, Salvatore Quasimodo nổi tiếng nhờ những vần thơ trữ tình với ngôn ngữ tinh lọc và đẹp đẽ một cách chuẩn mực. Ông nói: “Thơ là sự mặc khải rằng người làm thơ tin rằng cảm xúc của họ chính là tiếng lòng của độc giả”. 

Edgar Allan Poe

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 5
"Nhà thơ điên" Edgar Allan Poe 

Edgar Allan Poe được gọi là “nhà thơ điên” cũng là một cây bút kỳ tài trong thể loại văn chương trinh thám và hình sự. Ông là tác giả của những phát ngôn nổi tiếng như: “Nỗi buồn là giọng điệu phù hợp nhất của thơ ca” ; “Tôi định nghĩa rất ngắn về thơ ca, ngôn ngữ thơ là nhịp điệu thẫm mỹ. Trọng tài duy nhất của chúng là khẩu vị. Trí khôn và nhận thức chỉ khiến nó trở thành một tài sản. Trừ yếu tố tình cờ, thơ không quan tâm tới bất cứ điều gì, dù là nghĩa vụ hay chân lý”.

Mary Oliver

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 6
Với Mary Oliver, thơ là một cách sống

Từng là thư ký cho nhà thơ Edna St. Vincent Millay, Mary Oliver đã vươn lên trở thành một cây bút thơ ăn khách, nhất là về đề tài thiên nhiên, giành được giải thưởng sách quốc gia và giải thưởng Pulitzer. Với công việc của mình, Mary Oliver vô cùng nghiêm túc và rõ ràng. “Thơ không phải là một nghề, đó là một cách sống. Nó là một chiếc giỏ không, bạn đặt cuộc sống của mình vào đó và khiến một cái gì đó ra đời từ đó”. 

T.S. Eliot

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 7
Với T.S. Eliot, chỉ những người có cá tính và cảm xúc mạnh mẽ mới có thể làm thơ

T.S. Eliot, chủ nhân giải Nobel 1948 cũng là nhà thơ vĩ đại của nước Anh thế kỷ 20. Sinh thời, ông từng nói: “Thơ không phải là một vòng quay chậm rãi của cảm xúc mà là một lối thoát của cảm xúc, không phải là sự biểu hiện của tính cách, nhưng một lối thoát cho cá tính. Nhưng, tất nhiên là chỉ những người có cá tính và cảm xúc biết ý nghĩa của việc muốn thoát khỏi những điều này.”

William Wordsworth

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 8
William Wordsworth nhấn mạnh sự chiêm nghiệm trong thơ ca

Không chỉ cuốn hút độc giả với những vần thơ đơn giản, chất phác, William Wordsworth còn gây được cảm tình với những phát ngôn về thơ ca. Trong đó có câu nói nổi tiếng: “Thơ tràn ra tự phát khi cảm xúc dâng cao. Nó bắt nguồn từ sự hồi tưởng trong yên tĩnh, cảm xúc dự tính sẽ đến nhờ một phản ứng. Từ đó, sự yên tĩnh dần biến mất và một cảm xúc đồng điệu với sự chiêm nghiệm ra đời. Đó cũng chính là điều thực sự tồn tại trong tâm trí chúng ta”.

Philip Larkin

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 9
 Philip Larkin - Cây bút thơ số một ở Anh

Năm ngoái, trong một cuộc bình chọn của tạp chí Times, nhà nhà thơ Philip Larkin chiếm vị trí quán quân trong danh sách 50 nhà văn vĩ đại nhất nước Anh kể từ 1945. Từng là một thủ thư ở Leicester, Philip Larkin với những vần thơ “khắc khổ” cũng là một tiếng thơ được yêu thích nhất nhì ở nước Anh. Ông từng nói:  “Tôi tin rằng mỗi bài thơ là một vũ trụ duy nhất, do đó không có cái gọi là truyền thống, một huyền thoại chung trong mỗi bài thơ của các nhà thơ khác nhau…”

Matthew Arnold

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 10
Matthew Arnold đề cao vai trò thơ ca với lối thoát của cuộc sống

Nhà thơ, nhà phê bình văn hóa thời Victoria của nước Anh, Matthew Arnold ra đời trong một gia đình trí thức nổi tiếng. Ông đồng thời cũng được công chúng Anh gọi là nhà văn hiền triết vì những nhận định sắc sảo, trong đó bao gồm cả nhận định về thơ ca: “Thơ ca ở dưới đáy của chỉ trích về cuộc sống, rằng sự vĩ đại của một nhà thơ nằm trong những ý tưởng đẹp đẽ và mạnh mẽ để sống và trả lời cho câu hỏi làm thế nào để sống”.

Dylan Thomas

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 11
Dylan Thomas có một tuổi thanh xuân huy hoàng với vị trí đỉnh cao trong thơ ca Xứ Wales

Dylan Thomas là nhà thơ Xứ Wales nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20. Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng nhất của Dylan Thomas đều được ông sáng tác ở độ tuổi 20. Tên ông đã được đặt cho một giải thưởng 30.000 bảng Anh cho các tác giả dưới 30 tuổi của Xứ Wales hàng năm. Cách định nghĩa về thơ của ông cũng hết sức độc đáo và sôi nổi : “Thơ là những gì làm bạn khóc, cười, đau khổ, câm lặng, làm cho các móng chân của bạn lấp lánh, làm bạn muốn làm mọi điều hoặc chỉ ngồi yên một chỗ, khiến bạn thấy rằng mình cô độc trong thế giới, rằng hạnh phúc, khổ đau của riêng mình đã được mãi mãi sẻ chia”. 

John Cage

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 12
Theo John Cage, thơ là giá trị trường tồn mãi mãi

Không chỉ là một nhạc sĩ, triết gia tiên phong của nước Mỹ trong thế kỉ XX, John Cage còn là một cây bút thơ, truyện ngắn có tiếng tăm và sung sức bậc nhất trong thi đàn Mỹ. Ông cũng chính là tác giả của câu nói nổi tiếng: “Còn có thơ ngay khi chúng ta nhận ra rằng mình không sở hữu bất cứ điều gì”.

Kahlil Gibran

Định nghĩa về thơ của những cây bút thơ 13
Kahlil Gibran là tác giả của những vần thơ đầy tính nhân văn

Kahlil Gibran chính là tác giả của các câu thơ nổi tiếng Wake at dawn with a winged heart and give thanks for another day of loving (Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương) hay Ask not what your country can do for you, but ask what you can do for your country (Ðừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước). Với thơ, ông cũng có một định nghĩa rất ấn tượng: “Thơ là thỏa thuận giữa niềm vui, nỗi đau và băn khoăn, với một dấu gạch ngang của từ điển”. 

 

---------------------------------------------------------------------- 

 
MẸ CỦA ANH - NSƯT Kim Dung ngâm thơ Xuân Quỳnh

Mẹ của anh

Tác giả:

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
09.3.2011-20:35
                                 Vợ chồng Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh
 
Lời bình của Lê Xuân:
      
Tấm lòng thơm thảo của nàng dâu
 
 
      Từ xưa, ca dao đã có câu: Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng để ám  chỉ những mâu thuẫn không thể điều hoà nổi giữa mẹ chồng và nàng dâu trong xã hội cũ. Không ít những mối tình đẹp đã đổ vỡ chỉ vì mẹ chồng quá khắt khe, cổ hũ, hoặc tại nàng dâu đanh đá, quá trớn. Thơ văn ca ngợi tấm lòng mênh mông của người mẹ không phải là hiếm. Song rất ít những vần thơ do chính nàng dâu viết về mẹ chồng mình lại hay như bài Mẹ của anh của Xuân Quỳnh. Bài thơ đã làm rơi nước mắt và làm vui lòng bao bà mẹ chồng Việt Nam này được sáng tác trước khi Xuân Quỳnh về làm dâu bà Vũ Thị Khánh (mẹ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) năm 1973.
      Có thể nói Xuân Quỳnh đã chinh phục được hoàn toàn trái tim của mẹ chồng bằng tất cả những suy nghĩ và việc làm chân tình của mình, mặc dù ban đầu mẹ Vũ không bằng lòng cuộc hôn nhân này. Cả bài thơ là một lời thủ thỉ tâm tình như lời ru. Trong đó vút lên một giai điệu chủ đạo ngợi ca, tự hào và biết ơn mẹ:
                                         Phải đâu mẹ của riêng anh
                                   Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
                                         Mẹ tuy không đẻ không nuôi
                                   Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Người mẹ nào mà chẳng cảm thấy mát lòng hả dạ khi nghe những lời nói ngọt ngào của nàng dâu với con trai mình như thế Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi. Chúng ta có sống trong cảnh các cụ bà ngày xưa phải làm dâu trăm họ với biết bao quy định khắt khe của lễ giáo phong kiến, chịu bao đắng cay tủi nhục của chế độ cũ, mới thấu hiểu nỗi lòng các bà, các mẹ. Xuân Quỳnh- hơn một lần đã lỡ chuyến đò tình- tự đáy lòng sâu xa, chị linh cảm hơn ai hết những âu lo, ước mong của mẹ chồng. Và bằng sự nhạy cảm của trái tim nữ sĩ, chị đã tái hiện một thời tần tảo của mẹ, làm sáng lên công “dưỡng dục sinh thành” ra anh:
                                         Ngày xưa má mẹ cũng hồng
                                   Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
                                         Bây giờ tóc mẹ trắng phau
                                   Để cho mái tóc trên đầu anh đen
                                        Đâu con dốc nắng đường quen
                                 Chợ xa gánh nặng, mẹ lên mấy lần.
Chân dung người mẹ chỉ phác thảo bằng vài nét đơn sơ mà thật đẹp. Mạch trữ tình xen lẫn giọng tự sự cứ như một lời thỏ thẻ bên tai mẹ. Nào là Ngày xưa má mẹ cũng hồng/ Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau, nào là dốc nắng đường quen/ chợ xa gánh nặng… Xuân Quỳnh đã tạc được một “ngọn núi” cao bạc đầu mây phủ với mái tóc trắng phau như sương tuyết của mẹ và một ngọn núi trẻ trung là anh- người chồng lý tưởng của em, với mái tóc đen, đứng cạnh nhau bất tử cùng năm tháng: Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen. Câu thơ là một thần cú toả sáng sự hy sinh âm thầm của mẹ. Mẹ mỗi ngày thêm già vì bao vất vả lo toan, má chẳng còn hồng nữa, tóc chẳng còn xanh đen của một thời thiếu nữ. Nhưng cái màu hồng của đôi má và màu đen của mái tóc mẹ chẳng mất đi mà nó đã chuyển hoá sang hình hài người con Đểcho mái tóc trên đầu anh đen. Câu thơ có sự đối lập giữa gìa và trẻ, giữa trắng và đen, giữa quá khứ và hiện tại, giữa nguyên nhân và kết quả làm ánh lên vẻ đẹp của tình mẫu tử.
  Mẹ không những cho anh hình hài dáng vóc mà còn cho anh cả một hồn thơ dạt dào. Anh lớn lên trong vòng tay êm ái của mẹ với bao chuyện kể và lời ru ngọt ngào từ thuở trong nôi. Nó là nguồn sữa quý hiếm, là ngọn gió mát lành góp phần tạo nên sự thành công cho những sáng tác của Lưu Quang Vũ sau này:
                                           Lời ru mẹ hát thuở nào
                                    Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
                                          Nào là hoa bưởi, hoa chanh
                                    Nào câu quan họ mái đình cây đa
Phía sau những lời ru ấy, Xuân Quỳnh còn ngầm thổi vào đấy một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng tới các nhà thơ: Thơ cần phải chân thành, giản dị, phải uống nguồn nước từ quê hương ruộng vườn, từ ca dao dân ca, cổ tích đến tấm lòng của mẹ. Thơ cũng như tình yêu không chịu sự dối lừa: Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau. Chính tấm lòng bao dung độ lượng của mẹ, và tình yêu của anh, đã cho em hơn hai lần tình yêu, và em đã tự nguyện là dâu trong nhà, tuy chúng mình chưa làm lễ cưới: Mẹ không ghét bỏ em đâu/  Yêu anh em đã là dâu trong nhà. Câu thơ là lời của nhân vật trữ tình, và cũng là lời đồng ca, lời tự bạch của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ về tình yêu của chúng mình.
   Thấu hiểu, kính phục và biết ơn mẹ chồng, chị hát tiếp lời ca Ru anh sau những âu lo nhọc nhằn, làm vơi đi những khó nhọc đời thường. Chị luôn khát khao một tình yêu rộng lớn chân thành và mãnh liệt đến mức Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi (Tự hát). Bởi chị đã hơn một lần run rẫy trước tình duyên tan vỡ. Nên giờ đây cái tình yêu mà theo chị nó rất nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng này, rất cần sự giữ gìn, nâng niu. Thì đây, chính người mẹ chồng sẽ cho chị thêm một điểm tựa để tin yêu. Từ lòng biết ơn mẹ và tình yêu của anh, Xuân Quỳnh đã có một liên tưởng độc đáo: Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em. Ba nhân vật mẹ, anh, và em như ba ngọn núi tựa vào nhau vững bền. Câu thơ nhỏ nhẹ đầy nữ tính. Có mẹ mới có anh. Và có anh, em mới có được một tình yêu như thế. Chính mẹ đã cho em hai lần tình yêu.
  Mẹ của anh và cũng là mẹ của chúng mình, mẹ của tình yêu, và cao hơn nữa là mẹ của hồn thơ. Tấm lòng hiếu thảo, dịu hiền, chân tình và biết ơn của một nàng dâu như Xuân Quỳnh giành cho mẹ chồng như thế thật đẹp và quý hiếm, ít thấy trong thơ ca Việt Nam. Tiếc thay! chị đã vội ra đi quá sớm khi chưa kịp làm một người mẹ chồng thơm thảo.
Qua bài thơ 'Mẹ của anh" - Hiểu thêm về Xuân Quỳnh
Cập nhật: 10/11/2004
Trong kho tàng thơ ca Việt Nam hiện đại, thơ của cố nữ sĩ Xuân Quỳnh đã để lại niềm yêu thích đối với độc giả. Bài thơ "Mẹ của anh" là một trong những tác phẩm hay của chị về tình cảm mẹ chồng - nàng dâu.

Bài thơ có 3 nhân vật: Mẹ, Anh và Em. Nhưng tựa đề bài thơ cho người đọc biết được: Bài thơ không nói về Anh, cũng chẳng nói về Em mà nói về Mẹ. Anh là cái cớ để Em có Mẹ và thể hiện trực tiếp tình cảm của mình với Mẹ. Em -người đã khéo léo giới thiệu mình là ai trong mối quan hệ với 2 người kia:

Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh, em đã là dâu trong nhà

Chị là vợ của anh. Nhưng mở đầu bài thơ, Xuân Quỳnh chưa giới thiệu chị là "dâu trong nhà". Với cách vào đề tự nhiên, lời thơ mộc mạc như lời ăn tiếng nói hàng ngày, chị bộc bạch quan điểm của mình với chồng:

Phái đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đó thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Nhưng em ơn mẹ suốt đời
chưa xong.

Cái chân lí đơn giản ấy ai mà không biết, nàng dâu nào mà chẳng biết, nhưng chỉ có nàng dâu Xuân Quỳnh mới nói ra. Bởi nói ra là "tuyên bố", là gắn trách nhiệm của mình suốt đời với mẹ chồng, là bình đẳng cùng chồng về trách nhiệm làm con đối với mẹ.

Cả bài thơ là lời tâm sự với chồng nhưng thực ra chị đang giới thiệu với mọi người về mẹ chồng của chị. Đó là bà mẹ đã có một thời xuân sắc "Ngày xưa má mẹ cũng hồng". Đó là bà mẹ thương con nhất mực, hy sinh tất cả cho con "Bên anh, mẹ thức, lo từng cơn đau/Bây giờ tóc mẹ trắng phau/Để cho mái tóc trên đầu anh đen". Đó là bà mẹ tần tảo, lam lũ vì con "Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần". Mẹ cũng là bà mẹ nông thôn Việt Nam đã dạy con yêu quê hương làng xóm từ những lời hát ru ngọt ngào và những câu chuyện cổ tích xưa dạt dào tình nghĩa. Hơn thế nữa, mẹ có lòng nhân hậu bao dung của một bà mẹ chồng độ lượng "Mẹ không ghét bỏ em đâu".

Nàng dâu tự tin ở mình và hiểu rất sâu sắc về mẹ chồng. Vì thế, chị càng thương bà như thương chính mẹ đẻ của mình.

Vẫn bằng lời thơ mộc mạc, nàng dâu Xuân Quỳnh kết thúc bài thơ với 2 câu đằm thăm vô cùng:

Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em...

Đọc, thấy một nàng dâu rất hiểu về mẹ chồng và cũng sâu sắc biết bao: Hình như người mẹ kia sinh ra đứa con trai là để dành cho chị chứ không phải ai khác trên đời.

Bài thơ 'Mẹ của anh" là tình cảm của nàng dâu đối với mẹ chồng. Nhưng ẩn đằng sau còn là tình cảm của chị với chồng. Chị yêu mẹ chồng vì chị là người vợ rất yêu chồng:

Thương anh thương cả bước chân
... Yêu anh, em đã là dâu trong nhà

Bài thơ được nhiềungười yêu thích vì lời thơ chân tình mộc mạc, chất thơ đằm thắm đôn hậu, ý thơ ý nhị sâu xa và còn bởi nó phản ánh tình cảm tốt đẹp giữa nàng dâu - mẹ chồng, một mối quan hệ mà xưa nay vẫn bị nhiều người cho là phức tạp, xa lạ, khó dung hoà.
Nguyễn Thị Mai
  
Bầm ơi! NSND Châu Loan ngâm. Ngọc Liên 2013

Bầm ơi!

Tác giả: Tố Hữu
Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...
Bầm ơi có rét không bầm!
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!
Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.
Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con.
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.
Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra.
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.
Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cụng nghe thầm tiếng con...
1948

Bài thơ Bầm ơi và hình tượng người mẹ miền trung du

Xã Gia Điền là một miền quê nghèo của vùng trung du Hạ Hòa (Phú Thọ), là nơi mà người dân quê gọi mẹ là bầm, là bủ. Và ở chính mảnh đất nghĩa tình này, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Bầm ơi” nổi tiếng.
Vào những năm 1947, 1948, đoàn văn nghệ sỹ trong hành trình “nhận đường” đã chọn Gia Điền làm nơi dừng chân và hoạt động văn học nghệ thuật. Khi ấy, các nhà văn, nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân đã ở lại thôn Gốc Gạo xã Gia Điền. Ngôi nhà mà các nhà văn chọn để ở trọ là nhà bà cụ Nguyễn Thị Gái. Khi các văn nghệ sỹ đến ở, bủ Gái đã dọn xuống bếp để nhường giường và không gian nhà trên cho khách. Cũng từ chính ngôi mà mái cọ bình yên này, vào khoảng thời gian ấy, bài thơ Bầm ơi được “khai sinh”.

Một “lá thư” bằng thơ

Theo lời kể của những người già trong thôn Gốc Gạo, ngày ấy, bủ Gái ban ngày lên nương trồng sắn, trồng đỗ hay xuống ruộng cấy lúa. Tối về, bủ dùng lá chuối khô bện lại làm đệm nằm cho đỡ lạnh. Nhưng cứ đêm đêm, các nhà thơ lại nghe tiếng khóc nhỏ của bủ Gái từ phía bếp. Đêm nào cũng như thế. Các nhà thơ lần hỏi mãi bủ Gái mới tâm sự rằng do bủ nhớ đứa con trai đi vệ quốc quân lâu ngày không thấy thư từ tin tức gì về. Bủ thương và lo cho nó quá. Biết vậy, các nhà văn, nhà thơ mới đề nghị nhà thơ Tố Hữu sáng tác một bài thơ và giả làm bức thư của con trai bủ Gái để an ủi lòng bủ. Nhà thơ Tố Hữu nhận lời và sáng tác liền bài thơ Bầm ơi với những câu từ đầu tiên như lời bức thư của đứa con gửi cho bầm của mình từ mặt trận: “Ai về thăm mẹ quê ta/Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm/Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn…”. Khi bài thơ sáng tác xong, nhà thơ Tố Hữu đọc cho bủ Gái nghe và nói rằng đây chính là thư của con trai bủ gửi về chiến trường. Tin vậy, bủ Gái mừng lắm và cũng hết lo lắng cũng như khóc thầm vào mỗi đêm. Bủ Gái luôn mồm nói với nhà thơ Tố Hữu “anh thấy đấy, con tôi nó thương tôi thế đấy”. Ngày nào bà bủ Gái cũng nhờ nhà thơ Tố Hữu đọc lại bài thơ trên cho nghe ít nhất là một lần.
Bia lưu niệm nơi đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam trong khuôn viên khu vườn nhà cụ Gái.

Về sau, bài thơ Bầm ơi được truyền đi khắp các chiến trường và các chiến sỹ đã chép bài thơ này vào lá thư gửi cho người mẹ của mình ở quê nhà như một lời báo tin rằng ở chiến trường họ vẫn bình yên.

Sau khi rời Việt Bắc, rời mảnh đất Gia Điền về Hà Nội công tác, nhà thơ Tố Hữu và các văn nghệ sỹ luôn nhắc tới kỷ niệm sâu nặng và đáng nhớ này. Năm 1981, khi nhà thơ Tố Hữu đang ở Hà Nội thì anh đại tá quân đội con trai bà bủ Gái đến thăm. Anh đại tá tỏ lòng cảm ơn nhà thơ đã sáng tác ra bài Bầm ơi để động viên, an ủi cho mẹ anh được yên tâm khi xa anh. Dịp ấy, nhà thơ đã lấy 3 m lụa làm quà gửi anh đại tá đem về may áo cho bủ Gái. 3 m lụa này là của Bác Hồ tặng cho con gái đầu lòng của nhà thơ khi cháu mới ra đời. 4 năm sau anh đại tá con trai bà bủ Gái lại đến chơi và báo tin cho nhà thơ biết mẹ anh mới qua đời. Trước khi mất cụ dặn người nhà phải mặc cho mình tấm áo lụa quý giá để cụ yên lòng sang thế giới bên kia.

“Gia tài” người chiến sĩ

Bài thơ Bầm ơi không còn là tình cảm riêng tư của người con trai nơi chiến trường với bủ Gái ngày nào nơi Gốc Gạo mà những dòng thơ đầy ân tình ấy đã có sức lan tỏa, trở thành tình cảm chung đầy sâu nặng của những người chiến sỹ nơi mặt trận dành cho người mẹ già đang ngồi ở quê nhà ngóng trông. Trong bài thơ, hình ảnh người mẹ trung du hiện lên thật bình dị với tình yêu thương sâu nặng dành cho những đứa con đang ngày đêm cầm súng canh giữ sự bình yên của Tổ quốc.
Bầm Gái nay đã vào cõi vĩnh hằng, căn nhà xưa không còn nữa. Nhưng vẫn có đó tấm bia lưu niệm những tháng ngày đáng nhớ của lớp văn nghệ kháng chiến, vẫn còn đó những câu chuyện về bài thơ Bầm ơi được người già kể cho lớp trẻ nghe. Và vẫn còn đó âm hưởng ấm áp và sâu nặng ân tình những vần thơ của bài Bầm ơi ngày nào.

Hình ảnh bà bầm hiện lên thật xúc động: “Bầm ra ruộng cấy bầm run/Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non/Mạ non bầm cấy mấy đon/Ruột gan bầm lại thương con mấy lần/Mưa phùn ướt áo tứ thân/Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu !”. Từng chi tiết, từng hình ảnh trong mỗi dòng thơ làm sống lại bà mẹ trung du nghèo, lam lũ và khó nhọc. Trong mỗi buổi chiều sương mưa phùn nơi xóm núi, tay mẹ run rẩy cắm từng rảnh mạ xuống bùn mà lòng xót xa, quặn đau khi đứa con nơi chiến trường bặt vô âm tín. Lời thơ như lời hỏi thăm của đứa con xa về bầm: “Bầm ơi có rét không bầm”; “Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”. Người con muốn khuyên nhủ bầm xin bớt đi những lo toan, xin bớt đi những tiếng khóc thầm vào mỗi đêm khuya. Bởi một lẽ, những khó nhọc, chông gai mà con phải vượt qua nơi chiến trường ác liệt không thể đo được những nhọc nhằn của đời bầm, không thể đổi lại tình yêu thương của bầm với con: “Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều/Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe !/Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”.

Từ tình cảm yêu thương, dõi theo mỗi bước chân mà bầm dành cho con, khi đến những phương trời xa, người chiến sỹ đã nhận được tình cảm ấy từ biết bao bà mẹ “từ tâm”, họ chăm sóc, nuôi dưỡng và chở che cho người chiến sỹ như những đứa con. Bởi vậy, gia tài mà người chiến sỹ có được khi đi chiến trường là có biết bao bà mẹ tuy không đẻ nhưng luôn dành cho họ những tình cảm nồng ấm như bầm đã dành cho con: “Con đi mỗi bước gian lao/Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm !/Bao bà cụ từ tâm như mẹ/Yêu quý con như đẻ con ra/Cho con nào áo nào quà/Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi”. Tình yêu nước, tình đồng chí, tình hậu phương đã hòa làm một để tạo nên tình cảm lớn giúp người chiến sỹ vượt qua mọi thử thách chông gai để đi đến ngày thắng lợi: “Con ra tiền tuyến xa xôi/Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền/Nhớ thương con bầm yên tâm nhé/Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân/Con đi xa cũng như gần/Anh em đồng chí quây quần là con/Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí/Bầm quý con, bầm quý anh em/Bầm ơi, liền khúc ruột mềm/Có con có mẹ, còn thêm đồng bào”. Trong bài thơ, xen kẽ những lời thơ về hình ảnh bà bầm trung du là những lời thủ thỉ tâm tình và an ủi vỗ về của người con dành cho bầm: “Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe !”; “Nhớ thương con bầm yên tâm nhé”; “Nhớ con, bầm nhé đừng buồn”. Đó là những câu thơ thể hiện sự quyết tâm của những người chiến sỹ sẵn sàng vượt lên phía trước để tiêu diệt kẻ thù. Bởi một lẽ, phía sau lưng họ có bà bầm, bà bủ luôn dõi theo để động viên và dành trọn tình yêu thương.

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh bầm hết sức chân thực và gần gũi: “Mẹ già tóc bạc hoa râm/Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…”. Đó là một biểu tượng đẹp không thể nào phai mờ trong tâm hồn người chiến sỹ dù ở phương trời nào.
Bài & ảnh:Nguyễn Thế Lượng

Xã Gia Điền – vùng quê ra đời bài thơ “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu
Cập nhật lúc 17:39, Thứ Năm, 28/03/2013 (GMT+7)
Làng Gia Điền, xã Hùng Cường, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (cũ) trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) là nơi làm việc của cơ quan Văn nghệ kháng chiến của Trung ương do đồng chí Tố Hữu lãnh đạo, làm việc trong căn nhà gỗ 5 gian, lợp lá cọ của bà Gái ở xóm Gốc Gạo.
Các bài thơ: Phá đường, Cá nước, Bầm ơi, Bà Bủ, Mưa rơi, Lên Tây Bắc… cùng nhiều tác phẩm khác đã được nhà thơ Tố Hữu sáng tác, biên dịch tại nhà bà Gái trong thời gian này.

Nhà thơ Tố Hữu
Nhà thơ Tố Hữu

Theo thổ ngữ vùng trung du Phú Thọ, Vĩnh Yên thì các cụ già được gọi là “ông bủ, bà bủ”, còn mẹ dù già hay trẻ được gọi là “bầm” và xưng là “em”. Các văn nghệ sĩ cũng “nhập gia tùy tục”, gọi bà Gái chủ nhà là “bầm”,  xưng mình là “em”. Bà Gái mới gần 60 tuổi đang là mẹ của một chiến sĩ vệ quốc đoàn – anh Phùng Văn Khải đã xung phong tòng quân hơn một năm trước đó.
Nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài thơ “Bầm ơi” xuất phát từ tâm tư tình cảm của bà Gái với người con trai xa nhà.
Ban ngày, bà Gái vẫn vác cuốc lên đồi, xuống ruộng tăng gia, tối về các văn nghệ sĩ cứ thấy bà vẻ mặt đượm buồn, có khi thút thít khóc bên căn nhà ngang vì thương nhớ anh Khải đã lâu không thấy “đánh thư” về. Để giúp bà Gái nguôi ngoai nỗi nhớ, niềm thương người con trai đánh giặc xa nhà, anh em văn nghệ sĩ đã thống nhất kế hoạch viết một bài thơ mạo danh anh Khải gửi về cho bầm, đem đọc cho bà Gái nghe.
Nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Bầm ơi” thật tình cảm, thiết tha, đầy tình mẫu tử nhớ thương:
“Ai về thăm mẹ quê ta,
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm,
Bầm ơi có rét không bầm,
Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn,
Con đi trăm núi ngàn khe,
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé,
Bầm của con, mẹ Vệ Quốc Quân
Con đi mỗi bước gian lao,
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm,
Bao bà cụ từ tâm như mẹ,
Yêu quý con như đẻ con ra,
Cho con nào áo, nào quà,
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi,
Con đi con lớn lên rồi,
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con,
Nhớ con – bầm nhé đừng buồn,
Giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm,
Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con”
Bài thơ làm xong vài hôm, anh em văn nghệ sĩ nói dối là thơ của anh Khải gửi về và ra xã nhận hộ, rồi cử một người đọc chậm từng câu để bà Gái nghe cho rõ. Nghe xong, nét mặt bà Gái rạng rỡ hẳn lên và nói với mọi người:
“Thằng Khải nó thương tôi quá nhỉ, lại còn bảo tôi “Nhớ con bầm nhé đừng buồn, giặc tan con lại sớm hôm cùng bầm”. Khi chưa đi “Vệ quốc” nó ít lời lắm, đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Giá mà nó được chỉ huy (lãnh đạo đơn vị) cho về phép, tôi sẽ cưới vợ cho nó, nó sẽ đẻ thằng cu hay con cún rồi nó lại đi đến bao giờ mặc nó, “trai thời loạn, gái thời bình mà”.
Việc làm không đúng sự thật của anh em văn nghệ sĩ, người thực là nhà thơ Tố Hữu đã thắng lợi hoàn toàn. Bà Gái thì thanh thản thoải mái hơn, ít khi nghe thấy bà thút thít khóc vì nhớ con như trước.
Bài thơ “Bầm ơi” được đăng trên báo “Vệ Quốc Quân”, “Quân du kích”, có người đồng đội của anh Khải đã chép gửi về quê tặng mẹ, tặng bầm mình ở tận Vĩnh Yên, Thanh Hóa.
Ba chục năm trước đây, Đại tá Phùng Văn Khải đến thăm nhà thơ Tố Hữu ở Hà Nội để cảm ơn tác giả bài thơ “Bầm ơi” đã động viên, an ủi mẹ anh yên tâm khi tạm xa anh. Tố Hữu đã gửi tặng nhân vật trong bài thơ “Bầm ơi” 3 mét vải lụa – quà của Bác Hồ tặng con gái đầu lòng của ông khi mới ra đời.
Sau 50 năm xa cách, tháng 4-1997 nhà thơ Tố Hữu đã trở lại Gia Điền. Ông đã đến ngay xóm Gốc Gạo, thăm lại căn nhà bà Gái ngày xưa, nhưng bà đã quy tiên 10 năm trước đó và nghe lãnh đạo xã Gia Điền (nay đã được chia tách thành xã riêng) báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân trong xã.
“Uống nước nhớ nguồn”, để tri ân một vùng quê đất Tổ Hùng Vương, cái nôi của nền Văn nghệ kháng chiến năm xưa, nhà thơ Tố Hữu đã cho xây một tấm văn bia kỷ niệm ngay trên mảnh vườn – nền nhà bà Gái năm xưa, ghi rõ: Nơi đây là nơi làm việc của Hội văn nghệ kháng chiến 9 năm chống Pháp (1945-1954).
Thái Sơn

   
Mẹ Suốt Nghệ sĩ Châu Loan 
Lặng nghe mẹ kể ngày xưa
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình
Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh
Mênh mông sóng biển lênh đênh mạn thuyền
Sớm chiều nước xuống triều lên
Cực thân từ thuở mới lên chín mười
Lớn đi ở bốn kẻ người
Mười hai năm lẻ, một thời xuân qua
Lấy chồng cũng khổ con ra
Tám lần đẻ, mấy lần sa, tội tình!
Nghĩ mà thương mẹ cha sinh
Thương chồng con lại thương mình xót xa...

Bây chừ sông nước về ta
Đi khơi đi lộng, thuyền ra thuyền vào
Bây chừ biển rộng trời cao
Cá tôm cũng sướng, lòng nào chẳng xuân!
Ông nhà theo bạn “xuất quân”
Tui may cũng được vô chân “sẵn sàng”
Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng nước tàu bay
Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ...

Gan chi, gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò...
Ghé tai mẹ, tôi tò mò:
Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?
Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu
Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!
Nghe ra, ông cũng vui lòng
Tui đi, còn chạy ra sông dặn dò:
“Coi chừng sóng lớn, gió to
Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!”

Vui sao câu chuyện ơn tình
Nắng trưa cồn cát Quảng Bình cũng say...

4-11-1965

Vài mẩu chuyện vui về bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu

08:52 29/06/2018

Nguyễn Thị Suốt, người mẹ Anh hùng lập công trên sông nước Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) không những đã đi vào thơ ca, nhạc họa mà còn được tạc tượng đài dựng cao bên bờ sông Nhật Lệ. Chuyện về mẹ và nhiều chi tiết trong bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu cũng khá hấp dẫn, sinh động, đọng sâu trong trí nhớ nhiều người.

Mẹ Suốt - người mẹ anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ

Thị xã Đồng Hới (nay là thành phố Đồng Hới - Quảng Bình) nhỏ bé có con sông Nhật Lệ oằn mình dưới bom đạn, đã in dấu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam trong những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nơi đây có mẹ Suốt, người chèo đò chở bộ đội qua sông trong những ngày chiến đấu ác liệt, đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.
Mẹ Suốt. Ảnh: wikipedia

Mẹ Nguyễn Thị Suốt sinh năm 1906 tại xóm Vạn chài làng, Phú Mỹ (nay thuộc thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới). Từ thuở nhỏ phải đi ở nuôi thân, cuộc đời của mẹ là những tháng ngày đi ở đợ hết nhà giàu này đến nhà giàu khác, làm thuê làm mướn suốt năm, suốt tháng mà vẫn khổ cực.

Cách mạng Tháng Tám thành công chặt đứt xiềng xích nô lệ, giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc và giải phóng chính cuộc đời mẹ. Nhưng chưa kịp vui mừng thì thực dân Pháp lại xâm lược nước ta lần nữa. Cũng như đồng bào cả nước, mẹ phải tiếp tục cuộc đời lầm than, cay đắng.

Khi giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, mẹ đã 60 tuổi. Với tình yêu quê hương tha thiết, theo tiếng gọi của cách mạng, của Bác Hồ, mẹ Suốt đã xung phong nhận một công việc tưởng như bình thường nhưng vô cùng nguy hiểm: Chở đò ngang qua sông Nhật Lệ. Đây là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của tổ 3 phòng: phòng chữa cháy; cấp cứu, chuyển tải thương binh và giao thông đi lại.

Đưa đò, phục vụ nhân dân qua lại, mẹ là người lái đò có trách nhiệm. Mặc dầu đã có tuổi, đến lượt trực đò, bất kể đêm khuya, mẹ luôn có mặt. Khi phục vụ chiến đấu mẹ càng tích cực khẩn trương. Cán bộ, bộ đội cần đi công tác bất kể giờ nào, mẹ đều vui lòng chở ngay; kể cả lúc nửa đêm, cho đến trường hợp báo động mẹ cũng không ngần ngại.

Ngày 7/2/1965 (tức là ngày mồng 6 tết ất Tỵ) không lực Hoa Kỳ ồ ạt tấn công bắn phá thị xã Đồng Hới và các vùng lân cận (chúng đã huy động 160 lần chiếc máy bay phản lực hiện đại). Đây là trận oanh tạc lớn mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ đối với nhân dân ta nói chung, Đồng Hới nói riêng. Thị xã Đồng Hới như rung chuyển trong khói lửa đạn bom của kẻ thù. Biến căm thù thành hành động cách mạng, cả thị xã Đồng Hới và làng cát nhỏ Bảo Ninh đã dũng cảm kiên cường chiến đấu với máy bay Mỹ.

Trên sông Nhật Lệ, những cột nước đen ngòm tung lên dữ dội bởi đạn bom. Bất chấp cả những lần máy bay bổ nhào, phóng róc két, bắn đạn 20 ly ngăn chặn, mẹ Suốt vẫn hiên ngang cầm chắc tay chèo chở bộ đội sang sông, vận chuyển đạn từ bờ ra tàu chiến của ta để ta đánh trả quân thù. Những chuyến đò của mẹ cũng là đường dây thông tin liên lạc giữa thị xã Đồng Hới với Bảo Ninh. Dưới làn mưa bom bảo đạn của kẻ thù, mẹ cùng chiếc đò ngang đưa đón cán bộ, bộ đội, nhân dân qua lại đôi bờ.

Không hình ảnh nào đẹp hơn một bà mẹ đã ngoài 60 tuổi mà vẫn bất chấp hiểm nguy, hiên ngang ngẩng cao đầu trước hàng loạt đạn bom của Mỹ luôn khống chế và ngăn chặn. Những người đã từng qua đò của mẹ trong những giờ phút nóng bỏng đó vô cùng khâm phục trước lòng quả cảm, gan dạ của một bà mẹ đã biến căm thù thành hành động phi thường. Cho đến nay, những người đã từng trực tiếp chiến đấu và chứng kiến sáng 7/2/1965 vẫn không thể lý giải và hiểu nổi vì sao giữa dòng Nhật Lệ nước sôi, đạn bỏng mà mẹ Suốt vẫn anh dũng xông pha và hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đến thế.

Chiến công của mẹ Suốt cùng bao chiến công thầm lặng khác của quân và dân Đồng Hới đã lập nên một kỳ tích vang dội: Chỉ trong hai ngày 7 và 8/2/1965, quân dân Đồng Hới đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Từ ngày 14/2 đến 28/4/1965, 5 tàu chiến Mỹ bị bắn chìm, bắn cháy tại biển Nhật Lệ - mở đầu cho thắng lợi rực rỡ của quân và dân ta.

Sau trận chiến đấu ác liệt ấy, con đò mẹ Suốt lại tiếp tục đưa đón cán bộ, bộ đội sang sông trong những ngày đánh Mỹ. Với những chiến công của mẹ, ngày 1/1/1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ lại tăng cường đánh phá miền Bắc và Đồng Hới lại tiếp tục hứng chịu cảnh đạn bom. Ngày 11/10/1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.

Mẹ Suốt đã trở thành đề tài xúc động và hào sảng cho biết bao tác phẩm văn học - nghệ thuật, về một người phụ nữ, một người mẹ chỉ với mái chèo và trái tim yêu nước, thương nhà mà quyết sống mái với quân thù, tiêu biểu trong đó là bài thơ "Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu, người được Giáo sư Hà Minh Đức xem là "miêu tả thành công hình ảnh người mẹ trong thơ Việt Nam hiện đại":

Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng nước tàu bay
Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua”
.

Hình ảnh mẹ Suốt sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Bình và nhân dân cả nước. Bến đò mẹ chèo năm xưa nay đã trở thành một di tích lịch sử tiêu biểu ở Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ với tên gọi thân thương, kính trọng: Bến đò mẹ Suốt.

Năm 1980, để tưởng nhớ và thể hiện sự cảm kích về một người mẹ anh hùng của quê hương, UBND thị xã Đồng Hới đã cho xây dựng bia đài mẹ Suốt nằm giữa trung tâm của bến đò.

Đến năm 2003, vào dịp cả nước ta mừng lễ Quốc khánh 2/9, tượng đài mẹ Suốt và quần thể khu tưởng niệm được cắt băng khánh thành. Tượng cao 7m (tính cả bệ), khuôn mặt hướng ra sông Nhật Lệ, cách bến đò xưa hơn 50m. Đây là địa chỉ tham quan du lịch, nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thành phố và du khách gần xa khi đến với Quảng Bình và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm kích trước một người mẹ bình thường nhưng rất đỗi anh hùng.



Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

NHỮNG BÀI THƠ HAY VỀ MẸ CỦA NHIỀU TÁC GIẢ
MẸ

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?
Con mỗi ngày một lớn lên
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay...
anh đã bao lần dừng lại trên phố quen
ngã nón đứng chào xe tang qua phố
ai mất mẹ?
sao lòng anh hoảng sợ
tiếng khóc kia bao lâu nữa
của mình?
Bài thơ này xin thắp một bình minh
trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối
bài thơ như một nụ hồng
Con cài sẵn cho tháng ngày
sẽ tới! 





 
MẸ ỐM 

Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan
Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi ! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh y sĩ đã mang thuốc vào
Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con sắm cả ba vai chèo
Vì con, mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khỏe dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con.
 
 
GỞI MẸ

Tha thứ cho con, mẹ
Con đã quên lời mẹ ân cần
Con nhầm tưởng mình đã biết dại khôn
Con nhầm tưởng mình không là đứa trẻ
Trăm năm thèm tiếng vỗ về

Mẹ đừng im lặng thế
Mẹ đừng xa xót thế
Sao mẹ không mắng con
Con đã đánh mất quyền được làm đứa trẻ
Quyền được sợ chiếc roi tre mẹ giắt ở mái nhà

Con nào có gì sau năm tháng đi xa
Chỉ đôi tay đã bầm nhiều vết cứa
Chỉ đôi mắt dửng dưng tàn tro bếp lửa
Tiếng thở dài trong mỗi bước chân qua

Con không giàu hơn sau năm tháng xa nhà
Nước mắt cũng nghèo đi
Niềm tin cũng nghèo đi
Và hạnh phúc là cánh diều ảo ảnh

Mẹ ơi, con thèm được khóc
Thèm được mẹ dỗ dành
Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi mẹ
May ra con còn nước mắt
Con chưa lớn đó chính là sự thật

Tha thứ cho con, mẹ
Con đã mang trái tim mẹ trong ***g ngực con đi
Và thương tổn
Con biết làm gì bây giờ
Khi máu chảy đã lạnh lùng sắc đỏ

Mẹ đừng im lặng thế
Mẹ đừng xa xót thế
Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi mẹ...

 
THƠ VỀ MẸ


Thuở cỏn con, con nằm bên mẹ
Đầu rúc vào lòng, con ấm lắm mẹ ơi
Con thương mẹ đêm ngày tần tảo
Thức đêm dài mẹ may áo cho con

Gió đồng nội trưa hè nắng nóng
Mẹ ngồi khom nhổ cỏ một mình
Mưa đêm lạnh mẹ ngồi lo lắng
Lo cho con yên giấc cơn đau

Con vui sướng khi được ôm lưng mẹ
Mỗi lần mẹ về với chị em con
Đem cho con muôn điều hạnh phúc
Mẹ vẫn luôn nghĩ về chúng con

Thuở thiếu thời con không nghe lời mẹ
Để mỗi lần mẹ đánh con đau
Tuổi nhỏ bồng bột chưa biết nghĩ
Giờ lớn khôn con cố học hành

Con sẽ bay cao bay xa mãi
Tìm đến ánh sáng của tương lai
Tìm ra người bạn con mong ước
Giữ mãi hình mẹ ở trong con

Đảm việc nhà lo toan việc nước
Xây gia đình giữ hạnh phúc cho con
Con muốn tìm, muốn gặp người bạn đó
Người bạn như mẹ, mẹ của con

Xa cha mẹ, chúng con lên thành phố
Nhớ tuổi thơ mẹ nhắc con học hành
Mẹ làm lụng chúng con mong giúp mẹ
Nhưng mẹ chỉ cười “học đi con”

Mẹ đã cho con nhiều hạnh phúc
Dạy cho chúng con biết điều hay
Mẹ cũng chăm con từng giấc ngủ
Mỗi lần con về bên mẹ, mẹ ơi!

Con muốn ở bên mẹ như thuở bé
Cảm nhận tình thương mẹ dành cho con
Thoải mái từng giờ trong hạnh phúc
Bên mẹ, gia đình, giấc ngủ ngon.


 
 
NGÀY XƯA CÓ MẸ

Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm con muỗng cháo
Khi con đòi ngủ
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con
Ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ
Ngày thêm sợi bạc

Mẹ có thành hiển nhiên trong trời đất
Như cuộc đời không thể thiếu trong con
Nếu có đi vòng quanh quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn
Vẫn không ai ngoài mẹ

Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên
Mẹ là người đã đặt cho con cái tên riêng
Trước cả khi con bật lên tiếng mẹ

Mẹ là tiếng từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu
Mẹ có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu và hạnh phúc

Mẹ có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát

Mẹ có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Mẹ có nghĩa là mãi mãi
Là cho đi không đòi lại bao giờ

Nhưng có một lần mẹ không ngăn con khóc
Mẹ không thể nào lau nước mắt cho con
Là khi mẹ không còn
Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng

Cổ tích thường khi bắt đầu
Xưa có một vị vua hay một nàng công chúa
Nhưng cổ tích con
Bắt đầu từ ngày xưa có mẹ 


 
 
BÀI THƠ DÂNG MẸ

Chiều nhung nhớ mây buồn giăng mắc
Vọng quê nghèo ruột thắt từng cơn
Thương về bóng mẹ cô đơn
Chiều chiều tựa cửa mong con mỏi mòn

Ngày xưa ấy con còn nhỏ bé
Chưa bao giờ xa mẹ tấc gang
Nay con cách trở quan san
Hướng về quê mẹ đôi hàng lệ rơi

Con xa mẹ một đời thương nhớ
Bóng mẹ già, mình hạc xương mai
Ngày qua tháng rộng, năm dài
Mong con mẹ, những u hoài

Quê hương đợi ngày về chưa thấy
Để mẹ buồn lau sậy xót xa
Mẹ ơi nước mắt chan hòa
Lời ru của mẹ ngân nga một đời

Con buồn nhớ mẹ, mẹ ơi! 



 
ÐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Hôm ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Con đi góp lá ngàn phương
Đốt lên cho đời tan khói sương
Con đi xin mẹ hãy chờ
Ngậm ngùi con dấu trong thơ

Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Con đi xin mẹ hãy chờ
Ngậm ngùi con dấu trong thơ

Nghe tiếng me như tiếng nghẹn ngào
Tiếng người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao với
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Nghe tiếng me ơi bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà con đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười 




Những ai còn mẹ xin đừng làm mẹ buồn nhé 

 
 
Bông Hồng Vàng

Vu lan về con cài lên ngực
Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha
Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhoà
Của những đứa con nhớ về cha mẹ

Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương
Dù bao năm dù có hoá vô thường
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất

Cả cuộc đời mẹ cha tất bật
Cho chúng con lẽ sống tình yêu
Đại dương bao la đâu đã là nhiều
Với chúng con cha mẹ là tất cả

Có đôi lúc
Mải mê quay với dòng đời ồn ã
Những đô hội thị thành
Những phương trời lạ
Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha

 
 
LÒNG MẸ



Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc, nín đi không !
Nín đi ! mặc áo ra chào họ
Rõ quí con tôi ! Các chị trông !

Ương ương dở dở quá đi thôi !
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào ! lau nước mắt
Mình cô làm bận mấy mươi người.

Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai ?

Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái
Nuôi dạy em cô tôi đảm đương
Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả
Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương !

Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi !
Con ạ ! đêm nay mình mẹ khóc
Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi.



 
MẸ

Tôi muốn dệt những vần thơ về mẹ
Ðể đọc lên cho nước mắt trào rơi
Vì có gì đẹp đẽ nhất trên đời
Thiêng liêng nhất phải chăng là tình mẹ.

Những kỷ niệm xa xưa còn lưu dấu
Chiếc nôi êm tôi ngủ mẹ ngồi đưa
Hồn ca dao phảng phất giấc ban trưa
Mẹ tôi đã ru tôi vào sông núi.

Những miếng khoai tôi ăn tranh phần mẹ
Ðói năm nào ... khổ cực quá mẹ ơi
Mẹ cho con, mẹ nhịn, mẹ vẫn vui
Giờ nghĩ đến tôi buồn khôn xiết kể.

Nay dâng mẹ mấy vần thơ sầu muộn
Mẹ đi rồi ... kỷ niệm vẫn trong con
Trên thiên đàng con biết chắc mẹ còn
Theo sát bước chân con nơi trần thế



 
 
 
NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA

Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò… sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm…
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ… mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ không

Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương… 



 
MẸ ƠI, ĐỜI MẸ

Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều
Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng
Mà lòng yêu sống lạ lùng
Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con.
"Đắng cay ngậm quả bồ hòn,
Ngậm lâu hoá ngọt!" Mẹ còn đùa vui!
Sinh con mẹ đã sinh đời
Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao?
Quanh năm có nghỉ ngày nào!
Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy.
Rét đông đi cấy đi cày
Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai.
Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài
Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa.
Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa,
Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều.
Cắn răng bỏ quá trăm điều
Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này.
Mẹ là tạo hoá tháng ngày
Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.


 
 
BÀI THƠ VỀ MẸ

Con đã viết nhiều bài thơ về Mẹ
Không lần nào kể hết nỗi lòng con.
Ơn nghĩa sinh thành như biển như non, .......
Thơ của con nhỏ chưa bằng hạt bụi.
Lạc lõng phương trời, bước đi thui thủi,
Sương tuyết phôi pha nhuốm bạc mái đầu.
Bỏ quê hương trang trải những niềm đau,
Mà năm tháng chưa phai mờ dông bão.
Nghĩ đến Mẹ suốt cuộc đời tần tảo,

Con đòi theo níu vạt áo không rời.
Tay dắt con vẫn nặng trĩu đôi vai,
Đường quan dài giữa trưa hè gắt nắng.
Con lủm đủm quẩn quanh theo gánh nặng,
Cát bỏng chân con, nước mắt mẹ trào.
Không chỗ nào có bóng mát cây cao,
Để ngồi đỡ tạm thời vài ba phút.
Câu chuyện xưa Mẹ từng lo chăm chút,
Cõi lòng con rơi lệ biết bao lần.
Đã già rồi sao cứ mãi tủi thân,
Con còn nhỏ, Mẹ đã sớm về Tiên Phật.
Cay đắng ngọt bùi, cuộc đời chơn chất,
Công danh lật đật, có trước không sau.
Con cố gắng vươn vai làm lại từ đầu,
Khi nắng sớm, mưa trưa, khi bão tố,
Vẫn vững tâm như tuồng có Mẹ độ.
Khi đặt bút cảm xúc đó lại dâng tràn,
Mắt cay cay, lòng nhớ Mẹ vô vàn !
Nên vần thơ cứ loay hoay chi lạ,
Ý lộn xộn tuôn ra khắp mọi ngả,
Như đời con trôi dạt chốn trời xa.
 
 Thơ về mẹ 

Con ơi, Mẹ chẳng cần chi
Mong con ứng xử trong khi Mẹ còn
Cho đúng bổn phận làm con
Là gương sáng để con soi con vào
Cho dù sức khỏe thế nào
Tuổi già, tất phải dựa vào con thôi
Nuôi con, trả nghĩa cho đời
Chỉ mong thấy được những lời thân thương
Cuộc đời vất vả trăm đường
Đắng cay mẹ chịu ngọt nhường phần con
Năm qua, tháng lại mỏi mòn
Ngược xuôi, vất vả nuôi con lớn dần
Ầu ơ, nước mắt trong ngần
Mẹ tràn ngập cả mọi phần hẩm hiu
Giờ đây tuổi đã xế chiều
Chỉ mong con nhớ những điều Phật răn
Còn khi đã khuất núi non
Chằng cần con khóc nỉ non làm gì
Ngày giỗ cũng chẳng cần chi
Làm mâm cỗ lớn, mang đi cúng ruồi
Chỉ cần lúc sống này thôi
Công cha, nghĩa mẹ con thời nhớ ghi
Chẳng cần quà biếu làm chi
Rất cần thăm hỏi bởi vì cô đơn
Ân cần tỏ tấm lòng son
Như miếng trầu đắng, nhưng ngón tay mời
Nhân quả phải nhớ lấy lời
Dù là cao quý, hèn đời con ơi!
Cuộc đời, thiện ác thế thôi
Nhớ có nhân quả, mẹ thời an vui...

 
 
NGÀY CỦA MẸ

Tình mẫu tử thật tuyệt vời !
Như là thiên tính của trời ban cho.
Cưu mang chín tháng mong chờ,
Đợi giờ sinh nở con thơ vuông tròn.
Lòng mẹ quặn thắt chon von!
Nhưng mừng có một đứa con ra đời.
Mắt đẫm lệ miệng mĩm cười,
Nâng niu hòn ngọc không rời đôi tay.
Dòng sữa ngọt của con đây,
Bú cho mau lớn cho tày người ta.

Cho dù gặp lúc phong ba,
Tình thương của mẹ chan hòa xiết bao !
Ngày của mẹ, đẹp làm sao !
Cho con dâng chút ngọt ngào nhớ ơn.
Công của mẹ cao như non,
Tình thương của mẹ rộng hơn biển trời.
Quà nào xứng đáng mẹ ơi !
Thơ nào mà viết trọn lời thân yêu
Rằng con yêu mẹ rất nhiều,
Món quà chỉ để dệt thêu tấm long.

Riêng mẹ tôi đã hư không,
Người về nước Phật con còn ngây thơ.
Lớn lên lưu lạc bơ vơ,
Đến khi thành đạt mẹ nhờ được đâu.
Khi bể cả, khi nương dâu,
Mỏi mòn nhớ mẹ mà đau suốt đời !


 
 
THỨC GIẤC NỬA KHUYA

Chập chờn thức giấc nửa khuya,
Tưởng hình bóng Mạ như vừa thoáng qua.
Áo dài nối vạt phất phơ !
Con theo níu lấy gió đưa mất rồi.
Đâu đây thoang thoảng giọng cười,
Thân thương biết mấy, suốt đời không quên.
Chung quanh khung cảnh lặng yên,
Mùi hương dạ lý trước hiên quyện vào.
Làm con nhớ lại năm nao !
Lời thơ Mạ kể, thuộc làu Cúc Hoa.*
Giọng trầm thổn thức, xót xa,
Cuộc đời nhân vật thật thà gian nan.
Mạ ơi ! Cuộc sống cơ hàn,
Mà tình mẫu tử đầy tràn niềm thương.
Chiến tranh rực lửa quê hương,
Mạ không còn nữa mảnh vườn tan hoang.
Lớn lên khoảnh khắc võ vàng,

Chúng con lạc lõng làm dân xứ người.
Đêm nay mất ngủ, đắng môi,
Để dòng kỷ niệm một thời diễn ra…
Những ngày thơ ấu an hòa,
Quẩn quanh theo Mạ vào ra không rời !
Bao nhiêu chuyện cũ bỏ rồi,
Chỉ còn bóng Mạ sáng hoài trong tim.



 
NHỚ MẸ XIẾT BAO !

Đêm qua nhớ Mẹ xiết bao !
Trằn qua trở lại, nghẹn ngào lòng con.
Mơ màng giấc mộng chưa tròn,
Nửa đêm ray rứt héo hon vô cùng.
Mẹ ơi ! Biển rông muôn trùng,,
Con đang run rẩy giữa dòng thời gian.
Đêm qua gió tạt mưa chan,
Mắt con đẫm lệ miên man giọt sầu.
Bây giờ Mẹ ở nơi đâu ?
Xin nghe được tiếng con cầu, hiển linh.
Bao năm lăn lóc nhục vinh,
Trong tâm con vẫn in hình Mẹ yêu.
Quê người một mảnh trăng treo,
Ánh vàng hiu hắt, gió theo biển về.
Mẹ ơi ! Nắng ấm tình quê,
Con đang lạc lõng bốn bề tuyết rơi !
Dùng dằng hai cảnh hai nơi,
Nơi con cắt rốn, nơi đời tạm dung.




MẸ VÀ ĐÔI GÁNH


Sớm mai Mẹ đi gánh nước,
Mẹ gánh hai thùng sương đầy
Mặt trời hãy còn yên giấc
Bờ lau sậy còn ngủ say.

Buổi trưa Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh đôi thùng nắng vàng
Nghiêng nghiêng con nhìn trong ấy
Thấy cả mây trời mênh mang.

Buổi chiều Mẹ đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng mưa đầy
Mưa lên nhạc mềm nón lá
Mẹ về ướt áo không hay!

Rồi đêm, lại đi gánh nước
Mẹ gánh hai thùng sao trời
Có khi con nhìn rất lạ
Trong thùng có cả trăng trôi!

Ngày ngày Mẹ đi gánh nước
Gánh theo sương nắng bao mùa
Gánh cả đời con nằng nặng
Tình thương Mẹ nói sao vừa….

 


LỜI RU CỦA MẸ

Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát

Lúc con nằm ấm áp
Lời ru là tấm chăn
Trong giấc ngủ êm đềm
Lời ru thành giấc mộng

Khi con vừa tỉnh giấc
Thì lời ru đi chơi
Lời ru xuống ruộng khoai
Ra bờ ao rau muống

Và khi con đến lớp
Lời ru ở cổng trường
Lời ru thành ngọn cỏ
Đón bước bàn chân con

Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông 



Mẹ!
Mẹ là những dịu dàng nơi trái tim con
Là những chắt chiu, tảo tần nuôi con khôn lớn
Mẹ là chốn bình yên khi con quay cuồng giữa dòng đời tất bật
Mẹ là ấm êm khi con đã mệt nhoài.

Suốt cả đời Mẹ vất vả ngược xuôi
Áo Mẹ sờn, bạc màu vì dãi dầu mưa nắng
Vai Mẹ gầy vì gánh đời trĩu nặng
Tóc con đen dài...tóc Mẹ bạc thời gian.

Chưa một lần con nghe Mẹ thở than
Những nhọc nhằn Mẹ âm thầm một mình gánh chịu
Chỉ mong sao cho con được đủ đầy bằng chúng bạn
Con lớn khôn dần...mắt Mẹ quầng sâu.

Dù con trưởng thành và đi đến nơi đâu
Trong trái tim con vẫn khát khao vòng tay Mẹ
Con muốn ngược thời gian trở về những ngày còn thơ bé
Để được sà vào lòng Mẹ...
Mẹ ơi!


 

HÁT RU CHO MẸ

Mẹ ơi ! Mẹ ngủ cho ngon
Để con ru mẹ say tròn giấc say
Đếm tay hơn bốn ngàn ngày
Mẹ ra đồng vắng nằm ngoài sương đêm

Mẹ ơi ! Mẹ ngủ cho yên
Có con bên cạnh lòng thêm ấm lòng
Mẹ ngao du cõi khôn cùng
Nhớ con xin mẹ thong dong trở về

Lá vàng mẹ đã rụng đi
Gió bay lá vẫn ôm ghì lá xanh
Ngày xưa được mẹ dỗ dành
Lá xanh giữ được màu xanh hôm nào

Lá vàng mẹ vội đi đâu
Lá xanh con khóc bạc đầu lá xanh
Đêm chừng như đã qua nhanh
Mẹ ơi say ngủ cho lành vết thương

Mẹ ru con suốt đêm trường
Giờ con ru mẹ qua hương khói mờ
Ngủ đi, mẹ ngủ... ầu ơ!.

 

Bình Yên - Mẹ! (của thành viên Mèo Tom)
Mẹ là trăng sáng êm đềm
Mẹ là gió mát những đêm mùa hè
Mẹ là nâng giấc, chở che
Mẹ là bóng mát con về tựa nương.

Mẹ là sao sáng đêm trường
Con không lạc bước trên đường chông gai
Mẹ là những buổi sớm mai
Mặt Trời là Mẹ...rạng ngời yêu thương.

Mẹ là tần tảo gió sương
Mẹ là bến đợi cuối đường con đi
Bão giông...cay đắng mọi bề
Ngả vào lòng Mẹ...con về Bình Yên!


Tình Mẹ


Cho con giấc ngủ trong nôi
Ngọt ngào lời mẹ à ơi tháng ngày
Gió về từ những bàn tay
Lời ru của mẹ đong đầy giấc con

À ơi hình bóng nước non
Có con sáo sậu, đậu mòn cành đa
Dịu dàng câu hát dân ca
Giọt mồ hôi mặn chắt ra lúa vàng

Xanh xanh là luỹ tre làng
Dòng sông biêng biếc bên hàng phi lao
Ấm lòng con khúc ca dao
Rót vào con những ngọt ngào thương yêu

Thương sao làn khói lam chiều
Từ mái rạ chốn quê nghèo bay lên
Ngủ yên, con nhé ngủ yên
À ơi... tiếng mẹ dịu hiền ru con... 





Mẹ kính yêu của con
Mẹ có biết hay không?
ngày mà con buồn nhất
là ngày không còn mẹ

Mẹ là vì sao sáng
để con học hỏi và noi theo
mẹ là ánh trăng tròn
dẫn bước con khi con lầm lỡ
mẹ là thiên thần nhỏ
mang đến bao điều tốt đẹp cho con.
 
Nếu trên đời ko còn mẹ nữa
thế giới này buồn thảm biết bao nhiêu
xung quanh vắng lặng hoang tàn
màu đen vô tận thật là thảm đau
con như chim nhỏ lạc loài
không cha chẳng mẹ giữa biển người mênh mông.

Rồi ngày ấy có đến thật hay không
nếu con không có mẹ
giàu sang phú quý chỉ là hư vô
công danh lợi lộc mà chi
chỉ cần mẹ và chỉ mẹ trên đời mà thôi!


MẸ

Người ta trẩy hội mùa xuân
Mẹ tôi dầm dãi gian truân cả đời
Nắng mưa vất vả mẹ ơi
Thương con mẹ chẳng quản đời đắng cay.

Mưa dầm trĩu nặng đôi vai
Nắng trần bạc áo không phai chỉ sờn
Mẹ như cánh hạc giữa trời
Cho con khôn lớn giữa đời bao la.
Mẹ ơi giờ đã hôm qua
Ký ức rêu phủ lệ nhoà trong con
Cỏ đầy một nấm mồ xanh
Vẳng nghe tiếng mẹ năm canh vọng về.

 


LÒNG MẸ

Con nhói lòng một tiếng gọi ”cha…”
Trưa hè nắng lao xao vàng lá rụng
Cô bé tìm cha giữa phố phường đông đúc
Vạt tóc hoe in nắng trên vai gầy.

Chạnh lòng nhớ ngày xưa bé thơ ngây
Bao buồn vui con gửi về phía mẹ
Cả cuộc đời người tảo tần lặng lẽ
Cha biền biệt nơi nao…?

Mái nhà tranh gió thổi ào ào
Mưa trút nước phập phồng bong bóng
Chở che con yêu thương bằng biển rộng
Mẹ của con không phải của ca dao.

Con lớn lên từ những ước ao
Mẹ vun đắp qua tháng ngày thầm lặng
Người là cha suốt bốn mùa mưa nắng
Viết cho con những thương nhớ hao gầy.

Bao năm rồi giờ tóc mẹ màu mây
Trang thơ con lại thêm nhiều khoảng trống
Cuộc đời mẹ như bao ngàn con sóng
Vỗ về con năm tháng đến bạc đầu. 




20 năm sống cùng mẹ
Chưa một lần nói yêu mẹ từ con
20 năm mong đợi mỏi mòn
Mong con lớn, con không còn thơ dại.

Nhớ xưa con khóc con nài
Nước mắt nước mũi đòi vài đồ chơi
Lười biếng hai chữ " tuyệt vời"
Mẹ dậy mẹ đánh thành người cho con
Cuộc sống trong ánh mắt tròn
Của thời xưa ấy lon ton cười đùa
Sao hiểu sớm nắng chiều mưa
Sao hiểu gánh nặng mẹ đưa lên mình
Mẹ thương không vì chữ vinh
Mẹ yêu mẹ quý chữ tình mà thôi.

Nay con đã lớn thế rồi
Bước ra cuộc sống một thời mở mang
Hoài bão tuổi trẻ giàu sang
Nhiều lần vấp ngã, đau mang lên người
Mẹ vỗ vai, âu yếm cười
Mang lòng an ủi của người thân thương
Giúp con bước vững trên đường
Dẫu cho trắc trở bình thường vượt qua.

Mẹ ơi! dù có bao xa
Con vẫn mong mãi mẹ là giờ thôi
Mong mãi nhìn thấy mẹ ngồi
Để nói yêu mẹ đời đời được không.

 
 
Bài Thơ Thương Gửi Mẹ


Con chỉ ước con được là thi sĩ
Đem tâm tình đan kết lại thành thơ
Dù lời thơ còn quá dại khờ
Nhưng gói trọn tấm lòng con trong đó.
Có những điều dùng lời quả thật khó,
Biết nói gì để Mẹ hiểu lòng con .....
Theo tuổi ta, Mẹ đúng sáu mươi tròn,
Nhưng con đã làm gì đền ơn Mẹ ???
Tình mẹ thương con thật nhiều vô kể:
Những buổi sớm khuya thức trắng thâu đêm,
Lo lắng cho con giấc ngủ êm đềm
Đến bữa cơm gia đình đầy ấm cúng.
Rồi những buổi sớm Đông trời lạnh cóng
Hay ban khuya trời trĩu nặng mù sương,
Mẹ thương con, ra đón tận ngoài đường
Mặc giá rét, tuyết băng ngập đầy lối.
Rồi những buổi mẹ thức giấc nửa tối
Vào từng phòng để săn sóc cho con.....
Mẹ ban cho những tiếng cười tươi, dòn,
Những mật ngọt, hương thơm, cùng ánh sáng ....
Biết làm gì để thật xứng đáng
Với tấm lòng của Mẹ quá bao la
Cứ mỗi ngày qua, Mẹ lại thêm già
Con bất hiếu chẳng làm chi đỡ Mẹ
Dù vẫn biết Mẹ thương con chẳng kể
Nhưng trong lòng, con vẫn thấy nao nao
Con chỉ ước học thật giỏi, điểm cao
Làm quà tặng để kính dâng lên Mẹ!

Bài Thơ Tháng Năm Dâng Mẹ


Thời gian thoáng trôi sao nhanh quá,
Mái tóc mẹ thương đã đổi màu
Ngày tiếp ngày, năm tháng theo nhau
Tình Mẹ mãi như dòng suối ngọt
Chảy vào đời, mát rượi thương yêu....

Mẹ ơi, con muốn nói thật nhiều,
Những lời riêng tặng mẹ thương yêu,
Những lời gói trọn lòng con đó
Suốt bấy nhiêu năm con chắt chiu .....

Mẹ ơi, con muốn viết thật dài,
Những bài thơ, văn dẫu chẳng hay
Nhưng con viết bằng con tim, khối óc,
Và cả tấm lòng của con đây ........

Mẹ ơi, con muốn gọi Mẹ hoài
Dẫu chỉ một câu nói: "Mẹ ơi"
Vẫn khiến lòng con tràn vui sướng
Vì con còn có Mẹ trong đời ..........


VẦN THƠ THÁNG BA


Vần thơ tháng Ba kính dâng Mẹ
Thay lời chúc thọ của riêng Con
Mong đáp đền tình Mẹ vuông tròn
Đã lo lắng cho con bao năm tháng .....

Vần thơ tháng Ba tuy thật ngắn
Khi đem so với tình Mẹ cho con
Nhưng chân thành viết bởi lòng con
Từng dòng chữ thành bài thơ nhỏ .....

Vần thơ tháng Ba đọc thật dở
Con vụng về ráng ghép chữ thành thơ
Khi muốn tả tình Mẹ vô bờ
Nhưng con chẳng tài nào tả nổi ......

Vần thơ tháng Ba thay lời nói
"Yêu Mẹ nhiều, Mẹ có biết không! ”
Thay những lời con dấu tận đáy lòng
Con chỉ nghĩ, nhưng lại không nói .......


LÒNG MẸ

''công cha như núi thái sơn 
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra''

mẹ đã đi rồi hỡi mẹ ơi !
mây kia che kín cả bầu trời
mẹ đã đi rồi nhưng để lại
tấm lòng son sắc , tấm lòng son.
khi chiến tranh đất nước đang còn.
chắt chiu từng bát cơm manh áo.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét