Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 49

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ngày đăng : 17:38 28/10/2012 (GMT+7)
facebook twitter google plus zing me - + print friendly

10 bê bối tình báo chấn động thế giới (kỳ1)

Phương Tây cho rằng, có 10 vụ bê bối gây tranh cãi nhưng thú vị nhất của các cơ quan tình báo trên khắp thế giới.
Các cơ quan tình báo là tổ chức chịu trách nhiệm giảm thiểu, ngăn chặn các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia. Họ làm mọi cách để thu thập thông tin; cũng như tiến hành nhiều sứ mệnh bí mật vì lợi ích quốc gia.

Thế kỷ 20 là thời điểm nhân loại có những bước tiến chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong khi đó, cùng với sự xuất hiện và cạnh tranh của các cường quốc, bối cảnh chính trị thế giới trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Tất cả những điều này tác động mạnh mẽ đến cách thức các chính phủ duy trì và đảm bảo an ninh quốc gia. Vai trò của các cơ quan tình báo vì thế cũng trở nên quan trọng hơn. Tuy nhiên, không phải bất cứ phi vụ nào của họ cũng hoàn thành.
Phương Tây cho rằng có 10 vụ bê bối gây tranh cãi nhưng thú vị nhất của các cơ quan tình báo trên khắp thế giới.

10. Ám sát hàng hoạt

Cơ quan liên quan: Bộ An ninh và Tình báo Iran (MOIS)

Trong suốt thế kỷ 20, bất chấp cuộc chuyển đổi quyền lực chính trị đặc biệt quan trọng trong nước, tình báo và cảnh sát chìm của Iran vẫn duy trì nhiều đặc trưng như ở chế độ cũ.
Cụ thể, cuộc cách mạng Iran năm 1979 đặt dấu chấm hết cho chế độ độc tài Shah và thay vào đó là chế độ Ayatollah Khomeini với sự khác biệt cơ bản về đường lối chính trị. Tuy nhiên, cơ quan tình báo hàng đầu của chính quyền mới, MOIS, không khác là bao so với tiền nhiệm của nó, SAVAK dưới chế độ Shah. Nó trở thành nỗi khiếp đảm đối với nhiều người Iran với những âm mưu ám sát, tiêu diệt hàng loạt các đối thủ chính trị. Một chuỗi các vụ ám sát kéo dài trong giai đoạn 1988 - 1998 được cho là sứ mệnh khét tiếng nhất của MOIS.
Dariushforouha.
Dariush Forouhar.
Cơ quan tình báo của chính quyền Khomeini bị cáo buộc gây ra cái chết cho khoảng 80 công dân Iran trong khoảng thời gian này. Hầu hết các nạn nhân của họ là nhà văn, giới trí thức và các nhà hoạt động chính trị. Các vụ ám sát bị phanh phui năm 1998, sau khi cơ quan này sát hại lãnh đạo đảng đối lập Dariush Forouhar và 3 nhà văn có tư tưởng chống Khomeini chỉ trong 2 ngày.
 
Lãnh tụ Iran, Khomeini sau đó tuyên bố rộng rãi rằng, chính phủ không hề dính dáng gì đến chuỗi âm mưu ám sát của MOIS. Theo đó, chính quyền Iran đẩy toàn bộ trách nhiệm sang cho Thứ trưởng Tình báo Saeed Emami. Ông Emami sau này được thông báo là tự tử trong tù nhưng nhiều người tin rằng thực ra, ông bị loại bỏ để bảo vệ các bí mật của MOIS và chính quyền Khomeini.
9. Vụ ám sát Thủ tướng Thái Lan

Cơ quan liên quan: Bộ Chỉ huy Các chiến dịch an ninh nội địa Thái Lan (ISOC)

ISOC là cơ quan tình báo của Thái Lan được thành lập năm 1966. Ban đầu, cơ quan này được tạo ra và nhận các hỗ trợ từ Mỹ trong một nỗ lực chung để ngăn chặn các hoạt động cộng sản ở Thái Lan.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ rút quân, ISOC hoạt động theo chỉ thị của quân đội Thái Lan. Kể từ đó, tổ chức này được biên chế như một đơn vị quân đội, chịu trách nhiệm duy trì và đảm bảo an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, một sự kiện chấn động liên quan đến ISOC bất ngờ xảy ra. Phó Giám đốc của cơ quan này dính líu đến âm mưu ám sát Thủ tướng
Thaksin Shinawatra.
Thaksin Shinawatra.
khi ông Thaksin còn đang tại nhiệm nhiệm kỳ 2001 – 2006. Ông Pallop Tinsulanonda, Phó Giám đốc ISOC sau đó bị buộc tội phản quốc khi ra lệnh cho một trong những phụ tá của mình lái xe hơi chứa đầy 67 kg chất nổ vào trong dinh thự Thủ tướng. Ban đầu, ông Pallop chối bỏ liên quan đến âm mưu ám sát với lập luận, nếu ông là kẻ đứng sau sự kiện này thì nó đã không thất bại.
Sau khi Thủ tướng Thaksin bị lật đổ năm 2006, ông Pallop được bổ nhiệm làm cố vấn quan hệ công chúng cho ISOC.
8. Nghe lén Bộ Thương mại và Công nghiệp Afghanistan
Cơ quan liên quan: Bundesnachrichtendiens - tình báo Đức.
Bundesnachrichtendiens (BND) là cơ quan tình báo của Đức hoạt động tại hàng chục quốc gia trên thế giới và được cài cắm tại nhiều cơ quan quyền lực hàng đầu của các chính phủ.
Logo của BND.
Logo của BND.
Các hoạt động của BND gần như đều tuyệt đối bí mật, với việc áp dụng một trong các phương pháp thu thập thông tin tình báo hiệu quả là nghe lén điện thoại.
Một trong những vụ nghe lén rùm beng dư luận của BND là tại Bộ Thương Mại và Công nghiệp Afghanistan năm 2006. BND đã cài phần mềm gián điệp vào hệ thống máy tính của bộ này để từ đó, đánh cắp các thông tin mật, chuyển thẳng lên chính phủ Đức. Thông tin mật mà họ đánh cắp được bao gồm các tài liệu nội bộ hay các thư điện tử chính phủ…
Sau khi bại lộ, vụ nghe lén của BND bị dư luận lên án gay gắt. Afghanistan phẫn nộ với cảm giác bị phản bội và lừa dối khi Đức được cho là đồng minh thân cận của họ. Trong khi đó, tại Đức, nhiều cuộc tranh luận đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của cơ quan tình báo để hoạt động bất chấp các quy định pháp luật.
Cho đến nay, lý do đằng sau việc BND giám sát, nghe lén Bộ Thương Mại và Công nghiệp Afghanistan vẫn chưa được xác thực rõ ràng nhưng Berlin đã nhanh chóng đảm bảo với Kabul rằng, tất cả mọi thông tin họ thu thập được đều đã bị hủy bỏ.
7. Vụ đánh bom khách sạn Hilton ở Sydney
Cơ quan liên quan: Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO)

ASIO là cơ quan phụ trách bảo vệ bờ biển của Australia khỏi các mối đe dọa quốc tế, hoạt động bên nghoài Canberra kể từ năm 1949. Trong suốt những năm hoạt động dưới sự chỉ đạo của chính phủ Australia, ASIO không ít lần gây sóng gió dư luận bởi các các sứ mệnh gây tranh cãi mà họ đảm nhiệm. Một trong số đó là vụ đánh bom khách sạn Hilton ở Sydney.
Khách sạn Hilton.
Khách sạn Hilton.
Cụ thể, tháng 2/1978, khách sạn Hilton ở Sydney được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Các nguyên thủ quốc gia trong khu vực thịnh vượng chung đầu tiên. Đây là một sự kiện có sự tham dự của hàng chục nhân vật chính trị quan trọng.
  
Tuy nhiên, vào một đêm khuya khoắt, khi 12 nguyên thủ quốc gia đang say giấc ở khách sạn thì một quả bom phát nổ khi nhân viên vệ sinh đổ rác từ thùng rác của khách sạn vào xe tải. Vụ nổ giết chết 2  công nhân vệ sinh, một sĩ quan cảnh sát và làm bị thương nhiều công dân khác.
Ba nghi can của vụ đánh bom bị bắt. Tuy nhiên, các cuộc điều tra của cảnh sát sau đó hé lộ nhiều nghi vấn. Chẳng hạn, một nhà khoa học làm việc trong cơ quan nhà nước, liên quan đến vụ đánh bom khai, chính ASIO ép ông phải chế tạo 2 quả bom.
  
Từ tất cả những nghi vấn đó, người ta kêu gọi một cuộc điều tra trên phạm vi liên bang để làm rõ vụ đánh bom. Tuy nhiên, chính phủ Australia chống lại yêu cầu trên và cuộc điều tra buộc phải khép lại. Nhiều người tin rằng, chính chính phủ Australia chỉ thị cho ASIO đặt bom khách sạn với hi vọng vụ khủng bố sẽ mở đường cho luật mở rộng quyền hạn của cảnh sát và an ninh được quốc hội thông qua.
6. Gián điệp Trung Quốc trong lòng CIA
Cơ quan liên quan: Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS)

Dù chủ yếu giữ trọng trách bảo vệ đất nước và chống hoạt động gián điệp nhưng MSS cũng tìm mọi cách cài cắm các điệp viên ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Một trong số đó là Larry Wu-Tai Chin.
Ông Wu-Tai Chin ban đầu là thông dịch viên cho lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải. Tuy nhiên, sau đó, ông được Cục Tình báo Trung ương Mỹ thuê dịch các tài liệu tiếng Trung. Cuộc đời làm điệp viên nhị trùng của Wu-Tai Chin cũng bắt đầu từ đây khi ông bị Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc (MSS) thuyết phục làm việc cho họ.
Wu-Tai Chin.
Wu-Tai Chin.
Trong vai trò mới, Wu đã cung cấp cho chính phủ Trung Quốc nhiều tin tình báo về các hoạt động của Mỹ ở châu Á; đồng thời thông tin về quê hương các kế hoạch cải thiện và thúc đẩy quan hệ giữa 2 siêu cường của Tổng thống Mỹ Nixon.
Sau 35 năm hoạt động gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, thân phận điệp viên nhị trùng của ông Larry Wu-Tai Chin cuối cùng cũng bị bại lộ.
Ngày đăng : 10:48 29/10/2012 (GMT+7)
facebook twitter google plus zing me - + print friendly

10 bê bối tình báo chấn động thế giới (kỳ 2)

Phương Tây cho rằng có 10 vụ bê bối gây tranh cãi nhưng thú vị nhất của các cơ quan tình báo trên khắp thế giới.
Vụ Lillehammer Affair, âm mưu của ngài Đại sứ, đánh chìm tàu Rainbow Warrior, sự kiện Vịnh con Lợn, ám sát Alexander Litvinenk... là những bê bối tình báo tiếp theo gây chấn động thế giới.
5. Vụ bê bối “Lillehammer Affair”
Cơ quan liên quan: Mossad, Tổ chức tình báo của Israel
Vị thế của Israel trên sân khấu chính trị thế giới đã buộc quốc gia này phải tìm mọi cách, kể cả việc thực thi các hoạt động nguy hiểm để bảo vệ mình. Mossad là cơ quan tình báo chịu trách nhiệm dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới của Israel. Cơ quan này đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nguy hiểm và táo bạo kể từ khi được thành lập năm 1949 với hàng chục âm mưu ám sát, trong đó bê bối “Lillehammer Affair” là rùm beng nhất. 
The "Lillehammer Affair".
The "Lillehammer Affair".
Năm 1973, Mossad cho rằng, họ đã sát hại thành công Ali Hassan Salameh, lãnh đạo của “Black September (Tháng 10 đen tối) ở Lillehammer, Na Uy. Tuy nhiên, kẻ bị giết hóa ra lại không phải là người đứng sau vụ thảm sát Munich năm 1972, mà là Ahmed Bouchiki, một bồi bàn người Ma Rốc.
Hai nhân viên Mossad thực hiện vụ ám sát bị bắt ngay hôm sau vì có nhân chứng nhận dạng. Vụ bê bối làm ảnh hưởng lớn đến một số nhiệm vụ khác của Mossad ở châu Âu.
4. “Âm mưu của ngài Đại sứ”
Cơ quan liên quan: Tổ chức tình báo bí mật Anh (SIS)
SIS nhận chỉ thị trực tiếp từ chính phủ Anh và tham gia đáng kể trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. SIS đã chiến đấu để ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô lan tràn sang Tây Âu.
Một trong những hoạt động nguy hiểm mà SIS cố gắng thực hiện (nhưng thất bại) được gọi bằng cái tên «Âm mưu của ngài Đại sứ » nhằm lật đổ chính phủ Bolshevik, từng nắm quyền lãnh đạo Liên Xô từ năm 1918.
Theo đó, điệp viên huyền thoại Sidney Reilly của SIS và nhà ngoại giao người Anh kỳ cựu Sir Robert Lockhart vạch ra kế hoạch ám sát Vladimir Lenin và các lãnh đạo Bolshevik cốt cán. Họ mua chuộc các vệ sĩ của điện Kremlin, những người bất mãn với sự lãnh đạo của chính phủ Bolshevik.
Tuy nhiên, trước khi kế hoạch ám sát được thi hành, lãnh tụ của Liên Xô - Lenin và người đứng đầu Cheka, cơ quan tình báo của Liên Xô thời đó là Moisei Uritsky - bị ám sát bởi một thành viên đảng Xã hội và một binh sĩ khác trong cùng một ngày. Cả Lenin và Moisei Uritsky đều trúng đạn nhưng lãnh tụ của Liên Xô đã may mắn thoát chết. Trong khi đó, ông Moisei Uritsky mất mạng.
Ngay sau vụ ám sát, một cuộc điều tra quy mô lớn chưa từng có nhanh chóng được chính phủ Bolshevik phát động. "Âm mưu của ngài Đại sứ" do điệp viên SIS, Sidney Reilly chủ mưu vì thế cũng bại lộ. Tuy nhiên, Reilly may mắn trốn được sang Phần Lan và cuối cùng, trở về London an toàn. Song, ngài Đại sứ Lockhart không may mắn như thế, khi bị chính phủ Bolshevik bắt giữ và sau đó, được trao trả cho Anh để đổi lấy tự do cho nhà ngoại giao Liên Xô Maxim Litvinov.

3. Sự kiện Vịnh con Lợn
Cơ quan liên quan: Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)
CIA được cho là cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới. Không ít lần, họ được giao đảm nhiệm các sứ mệnh hệ trọng liên quan đến an ninh quốc gia và cần được xử lý nhanh chóng, gọn và bí mật. Một trong những sứ mệnh xôn xao nhất của CIA là sự kiện Vịnh con Lợn vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống John Kennedy.
Sự kiện này là nỗ lực bất thành của CIA để lật độ chính phủ Fidel Castro ở Cuba. Theo đó, bằng cách huấn luyện và đào tạo lực lượng những người Cuba lưu vong, CIA đứng sau giật dây họ xâm chiếm miền Nam Cuba vào tháng 4/1961. Quân đội Mỹ hỗ trợ nhiều cho lực lượng những người Cuba lưu vong. Tuy nhiên, Quân đội Cuba nhờ thông tin tình báo đã có sự chuẩn bị trước, nên dễ dàng đánh bại đội quân lưu vong chỉ trong ba ngày. Do cuộc đổ bộ chính diễn ra tại bờ biển Playa Girón, nằm ở cửa vịnh con lợn nên sau đó, người ta lấy tên vịnh này đặt tên cho sự kiện trên.
2. Âm mưu đánh chìm tàu Rainbow Warrior

Cơ quan liên quan: Tổng cục An ninh Hải ngoại Pháp (DGSE)
DGSE chính thức thành lập vào năm 1982, là cơ quan tình báo của chính phủ Pháp đảm nhiệm các sứ mệnh bên ngoài lãnh thổ nước Pháp.
Năm 1985, DGSE được giao sứ mệnh bảo vệ quyền  thử hạt nhân của Pháp tại Thái Bình Dương trước sự phản đối dữ dội của nhiều tổ chức.
Do đó, ngày 10/5/1985, DGSE thực hiện phi vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior của tổ chức Hòa Bình Xanh tại cảng Auckland của New Zealand làm một thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Theo điều tra của cảnh sát, thủ phạm phá hoại tàu là hai vợ chồng người Pháp: Claire và Jacques Turenge. Sau đó, cả hai thủ phạm đều bị tuyên án 10 năm tù giam.
Tàu Hòa Bình Xanh.
Tuy nhiên, nghi có những khuất tất bên trong vụ việc này, tờ Le Monde của Pháp quyết định mở một cuộc điều tra và phát hiện chính DGSE đã đạo diễn toàn bộ vụ đánh chìm tàu Rainbow Warrior nhằm ngăn chặn việc tổ chức Hòa Bình Xanh đưa tàu đến quần đảo Muroara để phản đối các vụ thử hạt nhân của Pháp.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp thời đó là Charles Hemu chính là người ra lệnh cho DGSE triển khai chiến dịch “Satanic” để 5 nhân viên tình báo phá hoại chiếc Rainbow Warrior. Cặp vợ chồng cải trang Turenge chính là Thiếu tá Alain Mafart và nữ Đại uý Dominique Prieur của DGSE.
Sau đó, Pháp và New Zealand ký một thỏa thuận, theo đó, Pháp cam kết bồi thường 8,16 triệu USD cho New Zealand và đổi lại, New Zealand sẽ trao trả hai điệp viên Alain Mafart và Dominique Prieur cho Pháp.  Hai điệp viên này sau đó phải ngồi tù hai năm tại một căn cứ quân sự của Pháp ở Polynesia.
Vụ bê bối đã làm dấy lên làn sóng quốc tế phải đối hành động vi phạm luật quốc tế của chính phủ Pháp và gây căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và NewZealand trong một thời gian dài. Bộ trưởng Quốc phòng Charles Hemu cũng vì bê bối này, mà phải từ chức ngày 20/9/1985.
1. Vụ ám sát Alexander Litvinenko
Cơ quan liên quan: Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB)

FSB là cơ quan tình báo hoạt động dưới sự chỉ đạo của điện Kremlin, được khai sinh vào đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã. FSB được xem là hậu bối của cơ quan tình báo nổi tiếng của Liên Xô KGB.
Alexander Litvinenko.
Alexander Litvinenko.
Alexander Litvinenko từng là cựu mật vụ của KGB nhưng đã phản bội tổ chức và tổ quốc, chuyển sang làm việc cho Anh, sống lưu vong tại London.
Ngày 1/11/2006, Litvinenko bị ngộ độc sau khi ăn ở một khách sạn tại thành phố London. Sau các cuộc điều tra, cảnh sát Anh xác định Litvinenko bị đầu độc bởi một cựu thành viên của KGB. Đồng thời, nhiều người tin rằng, chính FSB đứng sau giật giây vụ ám sát dù không có bằng chứng rõ ràng để chứng minh điều đó.
Dù nhanh chóng được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện London nhưng do bị nhiễm chất polonium-210, một loại chất phóng xạ quá mạnh nên Litvinenko đã tử vong 22 ngày sau đó.
Các điều tra của cảnh sát Anh sau này khẳng định, một số thành viên trong chính phủ Nga có liên quan tới vụ ám sát này. Tuy nhiên, cuối cùng, vụ án vẫn không thể xác định được hung thủ.
Phương Đăng (theo Litverse)

Ý kiến phản hồi

Gửi bình luận

Các tin khác

Xem tiếp...

VIỆT NAM HIỀN HÒA 79

(ĐC sưu tầm trên NET)

Xem tiếp...

ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 86

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chuyện Nguyễn Huỳnh Đức


Nguyễn Huỳnh Đức sinh năm Mậu Thìn (1748), tại làng Tường Khánh, tổng Hưng Long, trấn Định Tường (nay là xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An) mất tại quê nhà năm Kỉ Mão (1819), thọ 71 tuổi.
Nguyễn Huỳnh Đức vốn người họ Huỳnh, sau vì theo phò họ Nguyễn lập được công lớn, được ban quốc tính, nên mới có họ tên là Nguyễn Huỳnh Đức.
Xét về lí lịch xuất thân, ông đúng là con nhà võ: Ông nội là Huỳnh Châu, cha là Huỳnh Lương đều theo phò chúa Nguyễn và đều được phong tới chức Cai đội. Bản thân Nguyễn Huỳnh Đức cũng được sử cũ mô tả là: "... dung mạo khôi ngô, khoẻ mạnh hơn người, ai cũng coi là hổ tướng".
Lúc đầu, Nguyễn Huỳnh Đức là bộ tướng của Đỗ Thành Nhơn, mà Đỗ Thành Nhơn là thủ lĩnh của quân Đông Sơn ở Gia Định. Sau, Đỗ Thành Nhơn bị Nguyễn Phúc Ánh giết chết nhưng Nguyễn Huỳnh Đức thì vẫn được tin dùng. Từ đó trở đi, cuộc đời của Nguyễn Huỳnh Đức gắn chặt với Nguyễn Phúc Ánh, gian khổ cùng chia, đắng cay cùng chịu. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 7) chép chuyện Nguyễn Huỳnh Đức như sau:
“Một đêm, (Nguyễn Huỳnh) Đức theo hầu Vua (chỉ Nguyễn Phúc Ánh lúc này đang bôn tẩu vì bị Tây Sơn đánh đuổi - NKT) đi đường sông. Người lái thuyền nói rằng thuyền giặc (chỉ Tây Sơn - NKT) ở phía trước, buồm căng lên nhiều lắm. Vua muốn lội lên bờ để tránh, nhưng (Nguyễn Huỳnh) Đức nghĩ rằng sông ấy có nhiều cá sấu rất nguy hiểm, nên cố xin Vua hãy bình tĩnh để xem hư thực thế nào. Sau nhìn kĩ mới biết, đó chẳng qua là đàn cò trắng đang đậu trên cây dọc bờ sông. Vua ở trong thuyền, mỏi quá, liền gối đầu vào đùi của (Nguyễn Huỳnh) Đức mà nằm, (Nguyễn Huỳnh) Đức cứ thế xua muỗi suốt đêm không ngủ. Vua khen (Nguyễn Huỳnh) Đức là người có lòng trung quân.
… Năm Quý Mão (tức năm 1783 - NKT), (Nguyễn Huỳnh) Đức đánh nhau với giặc ở Đông Tuyên. nhưng bị thua, bị bắt cùng với 500 tên thuộc hạ. (Nguyễn) Huệ thấy (Nguyễn Huỳnh) Đức khỏe mạnh, ý cũng muốn thu dùng, còn (Nguyễn Huỳnh) Đức thì cũng muốn trốn về (với Nguyễn Phúc Ánh) nhưng lại chưa thể, nên trong lòng thường phẫn uất. Một đêm, trong trại quân của (Nguyễn) Huệ, đang lúc mơ ngủ, (Nguyễn Huỳnh) Đức quát mắng (Nguyễn) Huệ rất to. Tướng của (Nguyễn) Huệ giận, muốn nhân đó đem giết đi, nhưng (Nguyễn) Huệ cho là lời trong giấc ngủ, không nỡ bắt tội, lại còn cho nhiều châu ngọc, ý muốn tỏ sự hậu đãi để lôi kéo nhưng (Nguyễn Huỳnh) Đức vẫn không vui.
Năm Bính Ngọ (tức năm 1786 - NKT), (Nguyễn Huỳnh) Đức theo quân của (Nguyễn) Huệ đi đánh Bắc Thành, khi về, được ở lại để giữ đất Nghệ An. Bấy giờ, tướng giữ chức Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Duệ vốn gốc là tay chân của (Nguyễn) Nhạc, không thích ở dưới quyền của (Nguyễn) Huệ. (Nguyễn Huỳnh) Đức nhân đó nói dối với (Nguyễn Văn) Duệ rằng hãy theo đường tắt trong rừng mà lẻn về Quy Nhơn, hội quân với (Nguyễn) Nhạc. (Nguyễn Văn) Duệ tin lời, lập tức đem hơn 5000 quân, theo đường rừng mà về Nam. Khi đi, hắn sai (Nguyễn Huỳnh) Đức đi trước. Được hơn một tuần (tức hơn mười ngày - NKT). (Nguyễn Huỳnh) Đức sai người đến tạ ơn (Nguyễn Văn) Duệ, nói rằng:
- Phàm là sĩ phu, ai cũng chỉ thờ một chủ. Đức này không quên chủ cũ, cũng ví như tướng quân không quên Tây Sơn mà thôi. Vả chăng, chủ cũ của Đức này là chân chúa, mệnh trời đã trao phó rành rành, cho nên, nếu tướng quân muốn bỏ chỗ tối mà đến với chỗ sáng, thì nên đi cùng tôi để lập công danh, tiếng thơm để mãi, nhược bằng không được như vậy thì Đức này xin từ giã ở đây.
Nguyễn Văn Duệ giận (Nguyễn Huỳnh) Đức về tội đã bán đứng mình, bèn muốn nhân thể giết đi. Nghĩ vậy, hắn lập tức sai người mang lệnh tiễn đến nói với (Nguyễn Huỳnh) Đức rằng:
- Lời ông quả hợp ý tôi, vậy xin chờ để cùng đi.
(Nguyễn Huỳnh) Đức biết mưu của (Nguyễn Văn) Duệ, liền nhân ban đêm, đổi hướng qua Lạc Hoàn rồi sang Vạn Tượng mà về. Đường đi quanh co, lương cạn, quân sĩ phải lấy lá cây mà ăn. Bỗng thấy một cây to, chim đậu ở đó tính có hàng vạn, bèn úp bắt để ăn, nhưng khi nhìn kĩ mới biết, đó là lá cây đang lúc hóa thành chim, hai cánh thì đã hóa xong nhưng mình và đầu chim thì còn là cây, ăn vẫn thấy ngon, ai cũng cho đó là sự báo ứng của lòng trung nghĩa. Người Man nghe tin liền cấp cho (Nguyễn Huỳnh) Đức lương khô, nhờ đó, (Nguyễn Huỳnh) Đức mới về được đến Xiêm La, nhưng khi đến Xiêm La thì Vua đã về Gia Định. Vua Xiêm La muốn giữ lại, (Nguyễn Huỳnh) Đức thề là thà chết chớ không chịu, nhân đó lại kể nỗi gian nan đi tìm chủ, khiến khí uất ngùn ngụt bốc lên mà thổ ra một hòn máu. Vua Xiêm La thấy không thể ép buộc được, cũng trọng mà cấp thuyền cho về".
Lời bàn:
Người lái thuyền hốt hoảng, Nguyễn Phúc Ánh cũng chẳng hơn gì, đêm khuya trong chuyện thứ nhất, chỉ có mình Nguyễn Huỳnh Đức là bình tĩnh vững tâm, thế cũng đáng gọi Nguyễn Huỳnh Đức là người có khí chất của con nhà võ vậy. Khen tướng quân có khí chất của con nhà võ, kể cũng có hơi lạ, nhưng điều lạ hơn chẳng qua cũng vì số tướng quân có khí chất của con nhà võ không nhiều đó thôi. Nguyễn Phúc Ánh tựa vào Nguyễn Huỳnh Đức, nào phải chỉ có một đêm trên thuyền này đâu.
Suốt cuộc trường chinh, Nguyễn Huệ vẫn luôn mở lòng tiếp đón và tìm cách thu phục hàng ngũ dối phương. Nguyễn Huỳnh Đức nào phải là người duy nhất. Không thu phục được Nguyễn Huỳnh Đức nhưng rõ ràng Nguyễn Huệ đã thu phục được hậu thế bởi đại nghĩa của mình, kính thay!
Xét việc Nguyễn Văn Duệ mà buồn thay cho sự kém tình cạn nghĩa. Phàm là người thì phải giữ đức trung trinh, ăn ở hai lòng đại để như Nguyễn Văn Duệ chẳng ai có thể tha thứ được Thật khó mà hiểu rằng, tại sao ông lại theo Tây Sơn.
Nguyễn Huỳnh Đức cùng đám thuộc hạ, vì đói là mà trông gà hóa cuốc, nhìn lá tưởng chim, ăn cả cây rừng mà vẫn cho là ngon miệng. Sử chép chuyện này, cùng chuyện thổ ra máu trước mặt vua Xiêm La, chẳng qua cũng chỉ cốt đề cao cái chí của ông đó thôi. Vả chăng, ai dám cả gan tìm lại đúng con đường băng rừng của Nguyễn Huỳnh Đức thuở xưa để kiểm tra sự chuẩn xác.
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

Xem tiếp...

GIAI THOẠI THIỀN 4

(ĐC sưu tầm trên NET)

Ai biết cô

Có Tỳ-kheo ni hỏi thiền sư Long Đàm :
- Phải tu thế nào mới chuyển thân nữ thành thân nam ?
- Cô xuất gia làm Tỳ-kheo ni đã bao lâu rồi ?
- Chuyện lâu mau có quan hệ gì ? Con chỉ muốn biết sau này con có chuyển thành thân nam không ?
- Hiện giờ cô là gì ?
- Con là người nữ, chẳng lẽ thầy nhìn không ra sao ?
- Cô là người nữ, ai nhìn ra cô là người nữ ?
Ngay đó, Tỳ-kheo ni tỉnh ngộ.
Lời bình :
Nam nữ chỉ là giả tướng, trên bản tánh bình đẳng của chúng ta đâu có giả tướng nam nữ ? Vì bị tướng nam nữ làm mê hoặc cho nên chúng ta không nhận biết bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục không thể thấy được mà phải do nội tâm tu chứng mới thể hội được.

Thời gian không có già

Đệ tử Đại Trí thuộc môn hạ của thiền sư Phật Quang, sau hai mươi năm ra ngoài tham học trở về, vào pháp đường kể lại những chuyện thấy nghe của việc ra ngoài tham học. Thiền sư Phật Quang lắng nghe rồi cười một cách miễn cưỡng. Sau cùng Đại Trí hỏi :
- Bạch thầy ! Hai mươi năm tham học, thầy có thấy con trở thành một người tốt không ?
Thiền sư Phật Quang nói :
- Tốt lắm ! Tốt lắm ! Giảng học, thuyết pháp, trước tác, viết kinh, mỗi ngày rầm rộ trong pháp đường, trên đời này không có sinh hoạt nào vui bằng, ta cũng vui lây.
Đại Trí quan tâm nói :
- Bạch thầy ! Phải có một chút thời gian nghỉ ngơi chứ !
Đêm đã khuya, thiền sư Phật Quang nói với Đại Trí :
- Ông về nghỉ ngơi đi ! Từ từ chúng ta sẽ bàn sau.
Trời gần sáng, trong giấc mộng Đại Trí chập chờn nghe tiếng mõ tụng kinh từ trong phòng của thiền sư Phật Quang vang lên. Sáng ra, thiền sư Phật Quang vui vẻ khai thị giảng pháp cho một số tín chúng đến lễ Phật, Đại Trí đến hỏi thiền sư Phật Quang :
- Bạch thầy ! Con xa cách thầy đến nay đã hai mươi năm, sinh hoạt hàng ngày của thầy vẫn bận bịu như thế, thầy không biết thầy đã già rồi sao ?
Thiền sư Phật Quang đáp :
- Ta không thấy có thời gian già !
Lời bình :
Có những người trẻ tuổi mà tâm lực bị suy thoái, khi họ biết được thì đã già rồi. Có những người tuổi già nhưng tâm lực rất mạnh mẽ, tinh thần sung mãn.
“Thời gian không có già”, thực ra chính tâm mình không có quan niệm già. Khổng Tử nói : “Người ta khi nổi giận thì quên ăn, khi vui thì quên lo mà chẳng biết cái già sắp đến”. Người tu thiền cũng thấy như thế.
Có người hỏi một ông già : “Ông bao nhiêu tuổi ?”. Ông đáp : “Bốn tuổi”. Mọi người đều giựt mình, ông nói : “Tôi sống bảy mươi năm qua là sống vì bản thân mình, không có ý nghĩa gì cả. Bốn năm này mới hiểu được, tôi phục vụ cho xã hội, cho mọi người, cho nên tôi nói rằng mình sống mới bốn tuổi.
Nếu chúng ta sống được như ông già bốn tuổi này thì có ý nghĩa làm sao.

Con chó có Phật tánh không

Triệu Châu Tùng Thẩm là một vị thiền sư vô cùng thú vị. Người ta tôn xưng sư là “Triệu Châu Cổ Phật”.
Có người hỏi sư :
- Thế nào là Triệu Châu ?
- Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc.
Đó là trả lời một câu mà hai ý, nghĩa là nếu người hỏi thành Triệu Châu, thành có bốn cửa, đó là cách trả lời hay nhất. Nếu hỏi về thiền sư Triệu Châu, sư đáp cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc nghĩa là đạo phong của sư hoạt bát và thông suốt, đã có cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc mỗi cửa đều có thể tiến vào.
Có vị học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư không cần suy nghĩ đáp :
- Không.
Học tăng nghe xong bất mãn, nói :
- Trên từ chư Phật, dưới đến loài côn trùng đều có Phật tánh, vì sao con chó không có Phật tánh ?
Sư giải thích :
- Vì nghiệp thức che đậy.
Lại có học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tánh không ?
Sư đáp :
- Có.
Học tăng không bằng lòng cách trả lời như thế, cho nên phản đối :
- Đã có Phật tánh, tại sao chui vào đãy da hôi thúi ?
Sư giải thích :
- Vì biết mà cố phạm.
Lời bình :
Đây là một công án nổi tiếng. Hai học tăng hỏi cùng một vấn đề mà thiền sư Triệu Châu trả lời hai lối khác nhau, có khi nói không, có khi nói có. Thực ra, có và không chỉ là một nghĩa, một mà là hai, hai mà là một, dù sao cũng không thể đem có, không mà tách rời ra, không thể đem có, không phân làm hai thứ mà giải thích. Bát-nhã Tâm kinh nói : “Vì không có sở đắc, nên Bồ-tát …”. Đó là nghĩa này.
Có và không, không thể dùng ý thức mà hiểu được, như người câm nằm mộng, chỉ tự mình biết chứ không thể nói với ai được. Như nuốt hòn sắt nóng, nhả ra không được, nuốt vào không trôi, sạch hết tình phàm mới chuyển thân được.
Người đời đối với hai chữ có, không đều dùng hai cách phân biệt để giải thích, cho rằng có, không là đối đãi nhau, phải quấy chẳng đồng, phân chia thiện ác, đó là không biết được con đường về nhà, chưa nhận ra cội gốc bản lai diện mục của mình.
Con chó có Phật tánh không ? Phật tánh không thể dùng có không để nói. Thiền sư Triệu Châu bất đắc dĩ nói có nói không, chẳng hay chúng ta có nhận ra nghĩa trung đạo có, không chăng ?

Dã hồ thiền

Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải là đệ tử nối pháp thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Mã Tổ sáng lập tùng lâm còn Bá Trượng dựng lập thanh quy. Đủ thấy rằng các ngài là người đầu tiên dâng hiến cho tùng lâm.
Một hôm, thiền sư Bá Trượng thuyết pháp xong, đại chúng đều trở về, chỉ có một ông già còn ở lại. Sư hỏi :
- Ông là ai ?
Ông già đáp :
- Con không phải người, thực tình mà nói, con vốn là chồn hoang. Thời Phật quá khứ, con tu hành ở núi Bá Trượng này, sau có vị tăng hỏi con : “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không ?”. Con đáp : “Không”. Do lời nói này mà con đọa làm thân chồn năm trăm đời. Nay xin thiền sư nói cho một chuyển ngữ để con được thoát khỏi thân chồn !
Thiền sư Bá Trượng nghe xong, từ bi nói :
- Mời ông cứ hỏi.
Ông già chấp tay thưa :
- Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không ?
Thiền sư Bá Trượng đáp :
- Không lầm nhân quả.
Ngay lời nói này, ông già đại ngộ, làm lễ cáo từ.
Hôm sau, thiền sư Bá Trượng dẫn đại chúng ra phía sau núi, dùng gậy khêu ra tử thi con chồn hoang. Sư bảo đại chúng làm lễ hỏa táng như một vị tăng qua đời.
Lời bình :
Công án này chỉ vì trả lời cho học tăng một câu “Không rơi vào nhân quả”, vì sao đọa làm thân chồn năm trăm đời ? Thiền sư Bá Trượng nói cho một câu chuyển ngữ “Không lầm nhân quả”, vì sao được thoát khổ năm trăm đời ? Sai chừng một chữ thì khác nhau một trời một vực. Hỏi : “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không ?”. Đáp : “Không rơi vào nhân quả”. Ý nói rằng người tu hành không thọ nhân quả báo ứng đó là chỉ cho tùy tiện nói ẩu, lầm rồi ! Sai rồi ! Vì bất cứ người nào cũng không thể thoát ra ngoài nhân quả báo ứng. Thiền sư Bá Trượng nói : “Không lầm nhân quả” thực là chí lý danh ngôn, vì bất cứ người tu hành ngộ đạo nào cũng phải “Không lầm nhân quả”. Cho nên, thiền sư Vô Môn có làm bài tụng rằng :
                        Không rơi không lầm,
                        Hai người một trả.
                        Không lầm không rơi,
                        Ngàn lầm muôn lầm !

Cháo và trà

    Thiền sư Triệu Châu rất chú trọng Phật giáo trong sinh hoạt, sư ở bất cứ nơi nào cũng thể hiện thiền phong trong cuộc sống sinh hoạt. Có vài học tăng đến hỏi thiền, học tăng thứ nhất hỏi :
    - Đệ tử mới vào tùng lâm, xin thầy khai thị.
    Thiền sư Triệu Châu không đáp mà hỏi ngược lại :
    - Ông ăn cháo xong chưa ?
    Học tăng đáp :
    - Ăn cháo xong rồi.
    Thiền sư Triệu Châu chỉ dạy :
    - Rửa bát đi.
    Học tăng này nhân đó khai ngộ.
    Học tăng thứ hai đến hỏi :
    - Đệ tử mới vào tùng lâm, xin thầy không tiếc lời khai thị.
    Thiền sư Triệu Châu không đáp mà hỏi ngược lại :
    - Đến đây bao lâu rồi ?
    - Mới đến hôm nay.
    - Uống trà chưa ?
    - Uống trà rồi.
    - Đến nhà khách trình diện đi.
    Học tăng thứ ba ở viện Quán Âm tham học với thiền sư Triệu Châu hơn mười năm, cho nên cũng đến hỏi :
    - Đệ tử từ trước đến giờ tham học với thầy hơn mười năm mà chưa được thầy khai thị chỉ đạo, hôm nay xin thầy cho phép con xuống núi đến nơi khác tham học.
    Thiền sư Triệu Châu nghe xong, cố tình làm vẻ kinh ngạc :
    - Sao ông vu oan cho ta như thế ?
    Từ khi ông đến đây, mỗi ngày ông đem trà đến, ta vì ông mà uống; ông dâng cơm, ta vì ông mà ăn; ông xá chào, ta gật đầu; ông đảnh lễ, ta cúi đầu, có lúc nào ta không chỉ dạy ông ? Sao ông vu oan ẩu tả cho ta !
    Học tăng nghe xong, dùng tâm khởi nghĩ. Thiền sư Triệu Châu nói :
    - Hiểu thì ngay đó liền hiểu, nếu dùng tâm phân biệt suy nghĩ thì cách xa đạo rồi !
    Học tăng dường như có sở ngộ, hỏi :
    - Làm sao bảo nhậm ?
    Thiền sư Triệu Châu chỉ dạy :
    - Chỉ hết tình phàm, không có thánh giải khác, nếu lìa vọng duyên, tức như như Phật.
    Lời bình :
    Nói là Phật pháp hay là tâm thiền đều không rời cuộc sống. Ăn cơm mà ăn khế hợp được vị, đó là thiền, ngủ nghỉ mà ngủ được an nhiên, đó là thiền. Lìa cuộc sống, Phật pháp còn chỗ nào để dùng ? Ngày nay, người tu đạo chỉ trọng sanh tử mà không trọng cuộc sống, quả thật cách xa đạo rồi !
    Xem tiếp...

    ĐÂU LÀ BIA MIỆNG? 12

     -Trăm năm bia đá thì mòn Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ!-Nhưng mấy ai thoát được sự cám dỗ của danh lợi - quyền lực?
    -Và khi đã mù quáng về nhận thức mà lại còn khuếch trương quyền lực thì thật là đáng sợ! 

    ---------------------------------------
    (ĐC sưu tầm trên NET)






    Nhà văn Sơn Tùng: “Tâm linh” dẫn đường viết về Bác

    P. Mai (Vietnam+) Bản in
    “Chôn cất mẹ xong, Côn lại bế em về ngôi nhà hoang vắng… Côn không muốn đưa em đến ở nhà ai vì sợ người ta khó chịu vì sự có mặt của hai đứa trẻ mồ côi… Côn bế em vào lòng, tựa lưng vào bàn thờ mẹ nhìn đau đáu trong đêm…”

    Đôi mắt ứa lệ, nhà văn Sơn Tùng không giấu được niềm xúc động khi nghe người khách trẻ đọc lại những trang văn “Búp sen xanh,” tác phẩm mà ông tâm đắc nhất viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Dành cả cuộc đời để xây dựng những tác phẩm văn học về đề tài Bác Hồ, ông được coi là nhà văn Việt Nam viết nhiều và thành công nhất về Người cho đến nay.

    40 năm… một hành trình

    Vừa trò chuyện vừa lấy khăn thấm mồ hôi trên gương mặt khô gầy, hằn in vết thời gian của nhà văn, bà Phan Hồng Mai, người bạn đời của nhà văn kể: “Vài năm gần đây, sức khỏe của ông ấy yếu đi nhiều, nói chuyện cũng rất khó. Thế nhưng, hễ có ai đến chơi, nhắc tới những câu chuyện về Bác là tâm trạng ông ấy lại phấn chấn hơn hẳn, đôi mắt sáng lên niềm vui.”

    Những năm tháng quá khứ với quá trình tìm tư liệu để cho ra đời những áng văn về Bác như thước phim quay chậm mở ra trước mắt ông. Nhà văn đã thực hiện một cuộc hành trình dài để xây dựng một khối lượng tác phẩm phong phú về cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

    Ý tưởng tìm hiểu về Người lần đầu tiên đến với ông vào khoảng năm 1948. Khi ấy, người thanh niên Bùi Sơn Tùng đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Nghệ An.

    Trong thời gian đó, nhà văn đã nhiều lần được tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Thanh [chị gái của Bác-PV] và ông Nguyễn Sinh Khiêm [anh trai của Bác] tại huyện Nam Đàn, Nghệ An. Chính những cuộc trò chuyện ấy đã cung cấp cho nhà văn nhiều tư liệu quý báu về gia phong của dòng họ Nguyễn Sinh cũng như những câu chuyện về gia cảnh, tuổi thơ… của Người.

    Nhà văn Sơn Tùng kể, điều đọng lại trong ông sâu sắc nhất là lời dạy của cụ Nguyễn Sinh Sắc với các con từ thuở thiếu thời: Phải luôn coi “liêm sỉ” và “quốc sỉ” là hai điều căn bản nhất trong mọi hành động và suy nghĩ.

    Tiếp sau đó, trên những chặng đường hành quân vào chiến trường, nhà văn tiếp tục lắng nghe, ghi chép những câu chuyện về Bác. “Ông ấy từng kể với tôi rằng, hồi đó, hễ có bất cứ ai hoặc nhóm nào nhắc đến Bác là ông ấy sà vào nghe, nếu có giấy bút là ghi chép lại ngay, như một người thư ký,” bà Mai nói, giọng đầy phấn chấn.

    Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông lại miệt mài trong hành trình đi tìm tư liệu về Bác. Bước chân ông đã in dấu ở mọi miền Tổ quốc từ Cao Bằng, Thái Nguyên đến Phan Thiết, Sài Gòn… để tập hợp tư liệu và gặp gỡ những người thân trong gia đình Người.

    Trong ký ức mờ nhòe của mình, ông không còn nhớ chính xác mình đã thực hiện tất cả bao nhiêu chuyến đi và gặp gỡ cụ thể bao nhiêu nhân chứng như vậy. Chỉ biết rằng, suốt hơn bốn thập kỷ cầm bút, nhà văn đã cho ra đời 14 đầu sách văn học về vị Cha già của dân tộc.

    “Đó là một hành trình dài, xuyên suốt. Nhà văn Sơn Tùng đã làm việc với một thái độ cần mẫn, nghiêm túc để cho ra đời những tác phẩm vô cùng xúc động về Bác,” nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.

    “Tâm linh”… dẫn đường

    Xác định gắn bó cả cuộc đời cầm bút của mình với những đề tài về Bác nhưng không phải cứ có đủ tư liệu là có thể viết. “Phải sáng tác bằng tâm linh,” nhà văn nói, giọng đầy khó nhọc do sức yếu nhưng ánh mắt lại rạng lên niềm vui.

    “Tâm linh” theo cách nói của nhà văn chính là lòng kính yêu chân thành mà nhà văn dành cho Người cùng những khoảng lặng để dừng lại suy ngẫm, cảm nhận về những câu chuyện về Bác. Đó là lý do mà phải tốn đến hàng chục năm, những tác phẩm sâu sắc về Bác của ông mới hoàn thành.

    Tư liệu có từ những năm 1948 nhưng phải đến năm 1982, “Búp sen xanh," tiểu thuyết đầu tiên về Bác của nền văn học hiện đại Việt Nam mới hoàn tất.

    “Cháu biết không, chính ‘tâm linh’ ấy cũng chính là sức mạnh, động lực giúp ông ấy vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt của cuộc đời để viết nên những tác phẩm văn chương về Bác,” người bạn đời của nhà văn chia sẻ, giọng bà nghẹn lại, đôi mắt nhòa lệ.

    Năm 1972, nhà văn Sơn Tùng trở về từ chiến trường với 14 vết thương trên người và ba mảnh đạn trong đầu mà không thể phẫu thuật để lấy ra. Bàn tay trái bị liệt và bàn tay phải rơi vào trạng thái co quắp do chỉ còn ba ngón tay. Ấy vậy mà suốt hơn 40 năm nay, ông vẫn cần mẫn “bám” vào đời viết; để những câu chuyện về Bác như “Từ làng Sen,” “Hoa râm bụt”… có thể đến được với độc giả.

    “Chính những tác phẩm văn học như vậy đã, đang và sẽ tiếp tục giúp thế hệ trẻ có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc và ghi nhớ tốt hơn những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, một lãnh tụ vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới,” Tiến sỹ Nguyễn Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

    “Gấp những trang sách của nhà văn Sơn Tùng lại, người ta vẫn không thể quên câu chuyện về thời niên thiếu của Người gắn với những biến thiên của lịch sử, những thăng trầm của gia đình nội-ngoại cùng quá trình ‘hình thành nhân cách,’ quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người,” tiến sỹ Nguyễn Nam bày tỏ./.

    Nhà văn Sơn Tùng tên đầy đủ là Bùi Sơn Tùng. Ông sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), huyện Diễn Châu, Nghệ An.

    Ông đã cho ra đời 14 tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, tiêu biểu là: "Búp sen xanh," "Bông sen vàng," "Hoa râm bụt"... “Búp sen xanh” đã được tái bản hơn 20 lần và được dịch sang tiếng Anh.

    Ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1083/QĐ- CTN phong tặng nhà văn Sơn Tùng là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

    Nhà văn Sơn Tùng xin rút khỏi giải thưởng Nhà nước

    Nhà văn Sơn Tùng xin rút khỏi giải thưởng Nhà nước

    Trong khi nhiều nhạc sĩ phản ứng gay gắt khi không có tên trong giải thưởng Nhà nước thì ở mảng văn học, người vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động - nhà văn Sơn Tùng lại gửi đơn xin rút khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước đợt này.

    Ngày 18/8, gia đình nhà văn Sơn Tùng mà đại diện là vợ của nhà văn - bà Hồng Mai đã gửi đơn xin rút khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước về văn học tới Hội Nhà văn Việt Nam, Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

    Lý do gia đình nhà văn Sơn Tùng xin rút là vì lúc đầu hồ sơ xin xét giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng lại bị “đẩy” sang giải thưởng Nhà nước. Theo bà Hồng Mai, ngày 12/7, đại diện của Hội nhà văn Việt Nam cho gia đình biết năm nay không xét giải thưởng Hồ Chí Minh và đề nghị gia đình làm lại hồ sơ ở hạng mục giải thưởng Nhà nước. Gia đình bà đã làm lại hồ sơ và không suy nghĩ gì.
    Mô tả ảnh.
    Cho đến thời điểm này, Sơn Tùng là nhà văn duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động khi còn sống
    Tuy nhiên, trên thực tế trên danh sách có tới 11 nhà văn năm nay được đề cử ở hạng mục giải thưởng Hồ Chí Minh. Khi biết thông tin này, gia đình nhà văn Sơn Tùng rất buồn và cảm giác Hội nhà văn đã không xét duyệt một cách công bằng. Chính vì lẽ đó, gia đình nhà văn Sơn Tùng xin rút ra khỏi đề cử giải thưởng Nhà nước.

    Phía gia đình nhà văn Sơn Tùng cũng cho biết, công văn xin rút khỏi đề cử giải thưởng đã gửi lên Hội nhà văn Việt Nam và Vụ thi đua khen thưởng nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa nhận được phản hồi.

    Nhà văn Sơn Tùng năm nay 82 tuổi, sức khỏe yếu nên mọi liên lạc đều thông qua vợ, bà Hồng Mai và các con. Ông sinh năm 1928 tại Diễn Châu, Nghệ An. Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao như: Búp Sen xanh, Bông Sen vàng, Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ, Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm... Đặc biệt, tác phẩm Búp sen xanh được tái bản đến hơn 20 lần đã nói lên thành công vang dội của ông đối với công chúng yêu văn học.

    Với những nỗ lực phi thường vượt lên bệnh tật để cho ra đời những tác phẩm có giá trị, nhà văn Sơn Tùng từng được ví “người anh hùng cầm bút”. Ngày 14/7 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng.
    Theo Dân trí


    Chuyện của nhà văn Sơn Tùng

    TP - Nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đi cùng chuyên cơ, cô giáo Thúy Lan kịp về gặp chồng, sĩ quan bộ đội tên lửa Ngọc Tân, có được tuần trăng mật mà trước đó họ chưa kịp hưởng, do anh và đồng đội phải mật phục B52…
    Bệt trên Chiếu Văn kha khá lần, kể cả cái đận Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đi xe ôm đến thăm nhà văn Sơn Tùng với tư cách Sơn Tùng là ông anh, là Bí thư chi bộ với nhau trong những năm tháng ở chiến trường B2, tôi vẫn chưa hết ngờ ngợ về cái duyên quý mến của nhiều yếu nhân với cá nhân nhà văn này? Trên sân đình làng Lỗ Khê, Đông Anh sáng mồng Một Tết ấy, thấy phóng viên báo Tiền Phong, Sơn Tùng đứng ngay cạnh Bác Hồ đang mải mê ghi chép. Ông Bộ trưởng Hoàng Đức Thịnh nói với nhà báo đứng xa ra...
    Bác nghe được quay lại: Ờ cái chú này phải để nhà báo đứng gần thì mới nghe được hết chứ đứng xa chữ tác đánh chữ tộ thì nguy... Rồi tấm gương người thiếu niên dũng cảm Hoa Xuân Tứ bị cụt cả hai tay trong một tai nạn vẫn học giỏi. Bài báo của Sơn Tùng đã lan nhanh vang xa khi đó và có tác dụng rất mạnh. Một phong trào học tập noi gương Hoa Xuân Tứ được phát động rộng khắp. Về sau, Bác Hồ gặp lại Sơn Tùng, thân mật hỏi vui: Này, chú viết gương Hoa Xuân Tứ tàn mà không phế chú bịa mấy chục phần trăm khai thật với Bác đi! Lần gặp Bác ấy, Sơn Tùng không ngờ lại là lần gặp cuối cùng.
    Những giọt nước mắt
    ...Tôi ngước lên hai tấm ảnh trên vách tường nhà. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang thân thiết ôm lấy nhà văn. Đó là lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng (hồi còn đương nhiệm) đọc Búp Sen Xanh biết được hoàn cảnh khó khăn của nhà văn mời đến cùng ăn cơm chuyện trò và tặng nhà cho nhà văn, nhưng Sơn Tùng đã từ chối. Thủ tướng áy náy: Thế Sơn Tùng muốn mình giúp cái gì được đây? Còn bên cạnh là ảnh nhà văn trong một vòng tay ôm siết thân ái kiêm những giọt nước mắt của một yếu nhân khác: Võ Nguyên Giáp. Sau hỏi lại mới biết tác giả tấm ảnh có hồn, bắt được thần thái của hai người trong một buổi gặp tại nhà riêng Đại tướng ấy là Trần Hồng.
    Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà văn Sơn Tùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
    Sau này có dịp ngồi lại với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, nghe ông bộc bạch, từng chuyên chụp ảnh Đại tướng nhiều năm, nhưng lần đó nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, không rõ hai người trước đó gặp nhau nhiều lần không, nhưng chưa bao giờ thấy tướng Giáp khóc như lần gặp nhà văn Sơn Tùng ấy. Khóc thực thà mùi mẫn khiến người cầm máy ghi lại cảnh đó cũng rưng rưng.
    Tôi tò mò về câu chuyện trong cuộc gặp ấy thì Trần Hồng nói không biết. Tò mò thêm với nhà văn Sơn Tùng thì ông cười nhẹ ý chừng muốn lảng sang chuyện khác... Mà chuyện ấy thế này. Nhà văn đang kể về một sĩ quan bộ đội tên lửa những năm miền Bắc tơi bời bom đạn. Người sĩ quan ấy là Nguyễn Ngọc Tân, Trung úy kỹ sư trung đoàn 238 Bộ đội tên lửa. Nhà văn Sơn Tùng biết Nguyễn Ngọc Tân cũng là tình cờ.
    Năm đó, phóng viên báo Tiền Phong Sơn Tùng tìm gặp những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học mà bây giờ quen gọi là đỗ thủ khoa... Năm ấy, Nguyễn Ngọc Tân là thủ khoa Hóa của ĐH Bách khoa xung phong vào bộ đội. Nguyễn Ngọc Tân lấy vợ, nhưng không có tuần trăng mật vì đơn vị anh phải tức tốc lên đường về phía Nam để mật phục B52. Vợ anh là Thúy Lan, giáo viên trường Nguyễn Văn Trỗi, lại sang khu sơ tán của trường tận Nam Ninh, Trung Quốc.
    Xong trận mật phục ấy, từ chiến trường, Trung úy Nguyễn Ngọc Tân được lệnh trở lại Hà Nội để làm nhiệm vụ huấn luyện tiếp cho một đơn vị khoảng hơn một tuần. Nhớ người vợ mới cưới nhưng chưa bén hơi quen tiếng, Tân đánh liều điện sang Nam Ninh em về dù chỉ gặp nhau một phút... Nhớ vợ và liều điện vậy chứ Trung úy Tân không dám hy vọng. Nhưng ba ngày sau, một chiếc xe Volga đen đỗ xịch trước cổng đơn vị Tân đang làm nhiệm vụ huấn luyện.
    Thì ra, khi nhận được điện, cô giáo Thúy Lan bối rối lên gặp Ban giám hiệu. Cô không biết về Hà Nội bằng cách nào để kịp gặp được chồng? Một ông cán bộ tốt bụng mách cho cô giáo Lan cái tin mật là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi công tác đặc biệt sang Trung Quốc ghé Nam Ninh, sắp đến thăm trường và cũng sắp về nước bằng chuyên cơ.
    Cô giáo mảnh mai Thúy Lan ấy đã đánh liều gặp Đại tướng. Thúy Lan nói cháu có chồng mới cưới là kỹ sư của bộ đội tên lửa. Hòm thư là... Chồng cháu ra Hà Nội công tác đánh điện cho cháu... Không đợi cô giáo Thúy Lan nói hết, Đại tướng xúc động quay đi: Cháu đi lấy hành lý rồi cùng về với chú...
    Gặp lại Sơn Tùng tại Hà Nội, niềm hạnh phúc vẫn tươi rói trên khuôn mặt dạn dày sương gió của chàng sĩ quan bộ đội tên lửa ấy. Anh Sơn Tùng ơi, nhờ Đại tướng mà bọn em đã có một tuần trăng mật tuyệt vời. Chỉ có vị Tổng tư lệnh của bộ đội Cụ Hồ mới có tâm hồn và tình thương đó!
    Chàng sĩ quan bộ đội tên lửa người Hà thành ấy đã hy sinh trong một trận đánh B52 ở Vĩnh Linh mùa hè năm 1968...
    Dĩ công vi thượng
    Chất giọng xứ Nghệ trầm ấm xen lẫn băn khoăn khi nhà văn kể lại những buổi làm việc của nhà văn với Đại tướng tại nhà riêng ở Hoàng Diệu từ những năm đầu chín mươi của thế kỷ trước. Băn khoăn là cả những lần làm việc từ sáng xuyên sang cả chiều. Băn khoăn cái nỗi, ông đã thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến cái mâm vẹo vọ, đúng hơn là méo mà Đại tướng mời cơm nhà văn. Đại tướng cười bữa nay có Sơn Tùng nên bà Hà ưu tiên cho đĩa thịt bò xào, còn Đại tướng đã có cái cà mèn đựng muối vừng mà phu nhân Đại tướng bao giờ cũng chuẩn bị sẵn. Ấn tượng hơn cả là cái toa lét xập xệ, vòi nước dẫn nổi nhiều đoạn đã gỉ sét...
    Nhà văn Sơn Tùng bộc bạch, có lẽ nhiều người đã ưng dùng chữ nhẫn với Đại tướng có lẽ cũng phải nghĩ lại? Vị nhân tướng này điều bất biến là dĩ công vi thượng chứ không hẳn là nhẫn? Một bài báo có kể đại tá Nguyễn Huyên - Thư ký riêng của đại tướng đã kiên quyết bác bỏ thông tin cho rằng đại tướng treo chữ "nhẫn". Và ở kỳ trước chúng tôi đã chép hầu bạn đọc câu chuyện phu nhân Đại tướng kể. Khi Hội đồng Bộ trưởng quyết định giao Đại tướng làm Chủ tịch Ủy ban Dân số và Sinh đẻ có kế hoạch, một số người trong đó có bà bức xúc, đại tướng đã bình thản cười: Việc sinh việc dưỡng là việc lớn...
    Phải gác tình riêng
    Chất giọng trầm đều, rủ rỉ quen thuộc của nhà văn cũng có đoạn khiến tôi hơi bàng hoàng. Tỷ như Đại tướng quan tâm đến thời gian Sơn Tùng năm 1950, khi đó là cán bộ tỉnh Đoàn Nghệ An, trong một chuyến công tác đã rẽ qua Nam Đàn thăm người chị của Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thanh (mà nhà văn gọi là o. Mãi sau này, qua nhà văn hóa GS Phan Ngọc, tôi mới được biết và chắc nhiều người cũng chưa biết, bà nội nhà văn Sơn Tùng là cháu họ bà nội Bác Hồ. Em trai ông nội nhà văn đỗ tú tài cùng khoa với em trai cụ Hoàng Xuân Đường - ông ngoại Bác) và người anh cả của Bác là cụ Nguyễn Sinh Khiêm.
    Câu chuyện mà tôi nghe được từ nhà văn có lẽ mới chỉ là đầu ý đầu việc thôi, nhưng nếu bắt sang mạch viết lách thì chắc chắn những tư liệu này của nhà văn Sơn Tùng sẽ sinh sắc thêm về cuộc đời của một vĩ nhân? Một phần buổi chiều rồi trắng đêm hầu chuyện người anh cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh đương ốm nặng, nhưng vẫn tỉnh táo để bắt chuyện với người cháu mà cụ rất quý... Không biết cụ đã ký thác với nhà văn Sơn Tùng những gì mà lần gặp đó là lần cuối. Chuyến đi công tác miền Tây Nghệ An ấy lúc trở về, Sơn Tùng không còn gặp được Bác Cả. Cụ từ trần ngày 25 tháng 8 năm Canh Dần, tức 6/10/1950. Đến ngày 9/11/1950, Bác Hồ mới biết tin anh Cả của mình qua đời. Bác chuyển lời đau buồn thống thiết về họ Nguyễn Sinh: Than ôi, tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước...
    Việc nước? Tôi lẩn thẩn nghĩ đến thời điểm cụ Cả mất, Bác Hồ đang sắp huề trượng đăng sơn quan trận địa trong chiến dịch Biên giới, nhằm thay đổi cục diện chiến trường? Hình như Anh Văn có bộc bạch đôi chút với nhà văn về thời điểm việc nước bộn bề phải gác tình riêng đi như thế?
    Rồi cả một buổi sáng ngồi với người chị của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên chiếc bình vôi dùng để ăn trầu (bà Thanh ưng ăn trầu). Chao ôi, những là chuyện nhà chuyện nước, chuyện chung chuyện riêng, những tư liệu này khác mà chỉ mỗi Sơn Tùng sở hữu? Cái gánh ấy bao giờ Sơn Tùng san sẻ cho bạn đọc đây?
    Những lần bệt trên Chiếu Văn ấy, trong những câu chuyện lúc đứt lúc nối về những nhân vật này nọ, tôi có cảm giác Sơn Tùng đang dần dà hé lộ một biệt nhãn của một người có khiếu về viết tiểu sử? Hình như ở xứ mình, những nhà văn có khiếu để quản, để khuynh loát được đề tài này không có bao nhiêu? Những khúc ẩn hiện bắt mắt về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một hội long vân mà Sơn Tùng thể hiện trong những Búp Sen Xanh, trong những Hoa Râm Bụt... đã bầu nên một Sơn Tùng có chỗ đứng vững chãi trong nhiều thế hệ bạn đọc hơn là một tấm gương vượt khó chiến thắng thương tật của người thương binh nặng 1/4 này? Hơn một Sơn Tùng tiết tháo ngay thẳng từ chối nhận nhà Thủ tướng tặng để nhường cho người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn mình? Và cũng cần nói cho ngay rằng, với nhà văn này, tiểu sử Võ Nguyên Giáp không phải là cái gì khó khăn lắm? Cứ như cái cách ông mỗi lúc hé lộ những chi tiết, những đoạn còn khuất khúc về Đại tướng mà hầu hết bạn đọc chưa có điều kiện để biết đủ thấy một cái chi đó tày tặn lẫn bắt mắt một khi ông bắt tay vào việc? Nhưng tôi cũng có chút giật mình... Muốn thì là vậy, nhưng thương tật nhà văn khá là nặng. Vết thương thường xuyên trở chứng lại chảy máu... Tài ấy, hứng ấy, cảm ấy liệu có đủ sức dung chứa trong một cơ thể tật bệnh lẫn tuổi tác? Nhưng có lẽ thời gian gấp ruổi, phải mau mau lên nhà văn Sơn Tùng ơi!

    Một ngày ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Sau chuyến đi Nghệ An trở về, tôi được Đại tá Nguyễn Nguyên thông báo đã thu xếp để đoàn làm phim của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội ghi hình phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phim chân dung nhà văn Sơn Tùng.
    Cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang tên “Ở với người, ở với đời" của nhà xuất bản Thời đại tập hợp 20 bài viết của các tác giả là các tướng lĩnh, nhà sử học, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… trong và ngoài nước. Xin trích đăng bài viết "Một ngày ở bên bác Văn" của Cao Ngọc Thắng trong cuốn sách này.
    Ngày 14/7/2005, chúng tôi đến nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước giờ ghi hình để làm công tác chuẩn bị. Đúng giờ hẹn, Bác Văn hiện ra trong bộ quân phục mùa hè. Mái tóc của vị Tổng Tư lệnh - Người anh Cả của các lực lượng vũ trang Việt Nam trắng như cước, vầng trán cao, rộng, đôi mắt sáng và gương mặt hiền từ, phúc hậu. Đã 94 tuổi nhưng bước đi của bác Văn vẫn khoan thai, tự tại. Bác Văn bắt tay từng thành viên trong đoàn làm phim và nói với chúng tôi, giọng bác trầm và sáng, rõ ràng:
    Truyền hình Hà Nội làm phim về nhà văn Sơn Tùng là rất tốt. Đó là một tấm gương lớn về nghị lực.
    Một ngày ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
    Nhà văn Sơn Tùng.
    Đại tướng ngắm nhìn vị trí phỏng vấn mà chúng tôi vừa chuẩn bị theo gợi ý của Đại tá Nguyễn Nguyên. Những lần phỏng vấn trước đây về đề tài cách mạng, chúng tôi biết bác Văn thường chọn vị trí ghi hình bên cạnh bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi "dịch sử Đảng". Bối cảnh ghi hình đã hoàn tất, bác Văn nói ngay vào nội dung. Sau đây là lời của bác Văn mà chúng tôi đã đưa vào phim "Vẹn tròn như nón bài thơ" - phim phát sóng vào chương trình tối ngày 19/5/2006, đúng kỷ niệm lần thứ 116 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Sơn Tùng có thể nói là từ đầu đã có một cái như là chí hướng để suốt trọn cuộc đời mình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho nên sau thời gian đó có dịp đi theo Bác (...). Bác Hồ đi đến đâu, ai gặp Bác Hồ đều muốn nghe kể chuyện lại, nhờ đó mà anh biết được rõ ràng về thân thế và sự nghiệp nói chung, về đời sống cụ thể của Bác Hồ, do đó đã viết được nhiều cuốn sách (...) về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà thường người ta nhắc đến nhiều là quyển "Búp sen xanh" và đây là quyển mới nhất "Bác ở nơi đây" (Bác Văn cầm cuốn sách để trên mặt bàn giơ lên trước ống kính máy quay phim)... Đó là con người có trí mệnh.
    Mỗi lần anh ấy gặp tôi thì tôi rất cảm động, bởi vì ngồi nói chuyện về Bác Hồ nhưng phải cố gắng vì vết thương lại đau, có khi cầm bút viết được có khi không (...).
    Chúng ta nói chuyện về anh Sơn Tùng, chúng ta chúc cho anh khỏe mạnh mãi mãi và luôn nói chuyện về Bác Hồ để các thế hệ mới, đặc biệt là thế hệ thiếu niên nhi đồng hiểu về Bác Hồ. Đấy cũng là một cống hiến, tôi cho là cống hiến quan trọng của Sơn Tùng (...)".
    Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói liền một mạch. Buổi ghi hình phỏng vấn diễn ra nhanh gọn. Sau đó bác Văn gọi mọi người vào chụp ảnh chung với bác.
    Giữa bác Văn - Đại tướng Tổng Tư lệnh Quận đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp và nhà văn Sơn Tùng có mối tình cảm đặc biệt. Tôi đã được chứng kiến tình cảm đó trong một số lần gặp gỡ giữa vị tướng gốc Văn và nhà văn - thương binh chuyên nghiên cứu và viết về đề tài Bác Hồ.
    Năm 1993, tôi có dịp theo nhà văn Sơn Tùng đến nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Văn muốn nghe Sơn Tùng kể tỉ mỉ về gia thế, gia phong, về những chặng đường buôn ba khắp thế giới, về quá trình hình thành nhân cách của Bác Hồ, để từ đó kết tinh thành tư tưởng Hồ Chí Minh mà nhà văn đã dày công nghiên cứu từ hồi còn thanh niên và cần mẫn, kiên trì viết nên hàng chục tác phẩm văn học bất chấp những vết thương hành hạ thường xuyên. Đại tướng đang chuẩn bị tư liệu để viết về về tư tưởng Hồ Chí Minh.
    Đúng giờ hẹn, Giáo sư Sử học Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng đã chờ nhà văn ở phòng khách. Bà thân mật mời nhà văn uống trà và hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông. Rồi bà vào trong mời Đại tướng ra tiếp khách và làm việc.
    Chỉ ít phút sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trong bộ thường phục. Năm đó bác Văn 83 tuổi. Bác bước ra nhanh nhẹn và cười tươi. Bác giang vòng tay, vừa nói vừa ôm vai Sơn Tùng:
    - Sơn Tùng đấy à! Có khỏe không?
    Chứng kiến hình ảnh này tôi nhớ đến hình ảnh cách đó hai năm trước, mùa thu năm 1991. Hôm đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự và nói chuyện với các nhà văn mặc áo trấn thủ tổ chức tại hội trường nhỏ Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Đại tướng vừa bước vào thì tất cả mọi người có mặt trong phòng đợi đang ngồi đều đứng dậy đón chào Đại tướng. Đại tướng thân mật bắt tay từng người chợt nhận ra Sơn Tùng trong đám đông, Đại tướng bước nhanh tới ôm hôn nhà văn và hỏi thăm tỉ mỉ sức khỏe của nhà văn. Khi ngồi xuống ghế, Đại tướng đỡ Sơn Tùng ngồi cạnh mình. Mọi người đều xúc động trước tình cảm đặc biệt của Đại tướng đối với Sơn Tùng.
    Hình ảnh xúc động từ hai năm trước, hôm nay tôi lại được chứng kiến tại nhà riêng của Bác Văn.
    - Hôm nay, chúng ta làm việc cả ngày nhé! Đại tướng nói với nhà văn.
    Trong khi Đại tướng và nhà văn trao đổi nội dung công việc, Giáo sư Đặng Bích Hà tự tay rót nước cho chủ nhà và khách, chuẩn bị cho Đại tướng những thứ cần thiết. Bà đi nhẹ nhàng. Tịnh không thấy một người cần vụ nào giúp việc.
    Nhà văn Sơn Tùng bắt đầu trình bày với bác Văn những câu chuyện đã nằm lòng trong ông suốt mấy chục năm qua. Đã có chiệc máy ghi âm hoạt động, nhưng Bác Văn vẫn ghi chép rất tỉ mỉ. Cuốn sổ trên tay bác Văn lần dở sang trang mới theo mạch kể của nhà văn Sơn Tùng. Ở tuổi trên 80, trong lúc ngồi nghe người khác nói, bác Văn vẫn luôn giữ phong thái thoải mái, thi thoảng mới thay đổi tư thế ngồi. Tôi nhớ buổi nói chuyện tại cuộc gặp mặt các nhà văn mặc áo trấn thủ hổi mùa thu năm 1991, trên mục diễn giả, sau khi nói lời chào mừng cử tọa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dừng lại ít phút để tháo giầy, chân chỉ đi tất mỏng. Ở tư thế đứng thoải mái đó, Đại tướng nói liền một mạch khoảng một tiếng đồng hồ. Sau này tôi biết Đại tướng thường xuyên thập thiền, một phương pháp hiệu quả không chỉ đối với rèn luyện để duy trì và nâng cao sức khỏe mà còn có tác dụng lớn trong tu tâm và duy trì trí nhớ. Tôi đã cảm nhận được những kết quả cụ thể từ nhà văn Sơn Tùng. Ông đã luyện tập thiền ngay sau khi trở về Hà Nội từ chiến trường Đông Nam Bộ. Do kiên trì luyện thiền suốt mấy chục năm liên tục nên Sơn Tùng có sức khỏe để hoàn thành hơn hai chục tác phẩm văn học và thực hiện tới gần năm trăm chục cuộc nói chuyện về đề tài danh nhận, cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình trạng thương tất đèo đẳng trên cơ thể.
    Một ngày ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
    Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.
    Tập thiền là một là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho Sơn Tùng bảo tồn được trí nhớ, mặc dù trong sọ não của ông vẫn còn ba mảnh đạn M79 mà không lấy ra được. Ngay cả lúc này đây, kể cho bác Văn nghe nhiều chuyện nhưng nhà văn không hề phải phụ thuộc vào một mảnh văn bản nhỏ nào.Phải công nhận, trí nhớ của Sơn Tùng thật hiếm có. Tôi lại nhớ chuyến theo ông về huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An hồi năm 1991. Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Lưu mời nhà văn nói chuyện về đề tài Bác Hồ. Anh Hồ Phi Phục, lúc đó là Bí thư Huyện ủy, đã đưa xe ô tô ra Hà Nội đón nhà văn. Dịp đó đang là mùa mưa bão. Mấy ngày ở Quỳnh Lưu là mấy ngày mưa giông bão. Nghe tin nhà văn Sơn Tùng về nói chuyện đề tài Bác Hồ, cácn bộ từ các xã đội mưa, không quản ngại đường xá xa xôi tập trung đầy đủ tại hội trường Huyện ủy. 
    Nhân dân quanh vùng cũng đến rất đông. Cuộc nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng lần ấy kéo dài suốt cả ngày, buổi trưa chỉ nghỉ ăn cơm. Hàng trăm con người ngồi im phăng phắc nghe Sơn Tùng kể chuyện. Diễn giả không cần sổ sách, không một mảnh giấy trong tay. Ông nói theo trí nhớ mà nói theo sự kiện, những nhân vật, những địa chỉ, ngày tháng, số liệu cứ thế tuôn ra, chính xác và gây xúc động lòng người. Nhiều câu chuyện ông kể làm rơi nước mặt người nghe. Gần đây, nhà văn Sơn Tùng tập hợp những câu chuyện mà ông đã nghiên cứu, đã nói chuyện, viết thành tác phẩm đăng trên báo Khoa học và Đời sống năm kỳ với tiêu đề "Chuyện kể về Bác Hồ  - trăm năm chưa thấu ngọn nguồn" , được đông đảo bạn đọc hoan nghênh và chờ đợi tác giả công bố tiếp những phần sau. Cũng như các tác phẩm khác "Chuyện kể về Bác Hồ  - trăm năm chưa thấu ngọn nguồn" được viết ra với một lượng thông tin lớn, chính xác, không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị lớn về sử liệu, đặc biệt là về truyền thống văn hóa thông qua các mối quan hệ của các danh nhân nổi tiếng của dân tộc; các nhân cách và những truyền thống quý báu này đã có tác động trực tiếp hay gián tiếp tời sự hình thành nhân cách cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ thuở thiếu thời.
    Buổi làm việc giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà văn Sơn Tùng tiếp diễn trong khung cảnh tĩnh mịch và tràn đầy tình cảm thân ái. Nghe rõ tiếng chim rúc rích ngoài vườn, tiếng lá rơi nghiêng bên thềm và thoang thoảng hương hoa nhài, hoa lan quyện trong làn gió thu dìu dịu.
    Giữa giờ làm việc buổi sáng, vẫn là bà Đặng Bích Hà bưng chiếc khay đựng dăm quả chuối trứng quốc để Đại tướng ăn đệm và mời khách văn.
    Gần mười hai giờ, bác Văn đặt cuốn sổ tay xuống mặt bàn, tắt máy ghi âm và nói:
    - Trưa rồi. Nghỉ đã Sơn Tùng. Chiều chúng ta làm việc tiếp. Hôm nay ăn bữa cơm gia đình nhé.
    Tôi thực sự bất ngờ trước lời mời của bác Văn. Và tôi xúc động.
    Tôi đưa mắt nhìn Sơn Tùng. Nhà văn cũng không dấu cảm xúc của mình. Ông nói với tôi khi Đại tướng đã vào phong trong:
    - Đã nhiều lần đến thăm anh Văn, đây là lần đầu được ở lại ăn bữa cơm với vợ chồng Đại tướng ngay tại "dinh" của vị Tổng Tư lệnh - Người anh Cả của lực lượng vũ trang Việt Nam, một vinh hạnh hiếm có đối với người cầm bút. Hôm nay, anh em mình có dịp quan sát để hiểu thấu đáo hơn cuộc sống đời thường của vị tướng gốc Văn.
    Lại thêm một bất ngờ. Và tôi hiểu... Chưa bao giờ tôi được tiếp cận bác Văn gần gũi và lâu như hôm nay. Suốt cả buổi sáng, trong khi Đại tướng và nhà văn làm việc, tôi thỏa sức chọn vị trí chụp ảnh và ghi vào trí nhớ những điều mắt thấy tai nghe, không bị cản trở như những lần tác nghiệp ở nơi đông đuc vẫn thường thấy.
    Bác Văn trở ra và dẫn nhà văn Sơn Tùng vào bên trong. Một lúc sau, tôi theo bác Văn đi qua một căn phòng để tới nơi vệ sinh. Tôi bước vào. Ánh sáng ngọn đèn điện công sức thấp chỉ đủ để nhận ra các thiết bị vệ sinh đã cũ mèm, lớp men tráng đã tróc nham nhở, dụng củ bằng sắt thì hoen rỉ, không còn nhận ra chiếc vòi hoa sen vì đã mất bộ phận "hoa sen" chỉ còn trơ cục sắt gã vào bức tường ngả màu thấm do ẩm lâu ngày. Tôi với tay nắm đoạn dây và giật, tiếng và chạm vang lên khô khốc trong lòng chiếc âu bằng gang, tịnh không có nước từ đó chảy xuống bệ xí. Hóa ra nó đã hỏng. Từ nơi vệ sinh bước ra, tôi giật mình khi nhận thấy bác Văn vẫn đứng chờ; tôi lúng túng đỡ gáo nước từ tay Bác. Bác Văn chờ tôi dội xong gáo nước lại hướng dẫn tôi tới gào nước để rửa tay. Nước từ chiếc vòi chảy ra không mạnh lắm. Tôi tiếp tục ngỡ ngàng đón nhận chiếc khăn mặt bác Văn đưa cho để lau tay. Cảm giác trong tôi lúc đó lộn xộn, vì sự bất ngờ đến với mình liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng nó ngấm sâu vào ký ức. Tôi lặng người, không thể thốt lên một lời nào cho dù là lời cảm ơn giản dị trước sự ân cần của bác Văn. Cho tới bây giờ tôi vẫn áy náy mãi vì sự thiếu sót của mình ngày ấy.
    Bác Văn dẫn nhà văn Sơn Tùng và tôi xuống phòng ăn của gia đình. Đường đi phải qua một hành lang hẹp chỉ có một chiếc bóng đèn điện công suất thấp, ánh sáng đỏ quạch. Vừa đi Bác Văn vừa nhắc nhở nhà văn thương binh cẩn thận kẻo vấp ngã.
    Phòng ăn của gia đình Đại tướng cũng rất mộc mạc, chỉ một bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ, bạc phếch, đặt gần khung cửa sổ.
    Giáo sư Đặng Bích Hà bưng mâm cơm từ trong bếp ra. Bà nhẹ nhàng đặt mâm xuống bàn. Trên chiếc mâm nhôm vành đã có chỗ quăn bày mấy món ăn đơn giản: đĩa cá kho vàng sậm thơm mùi gừng, bát cà muối ướp tỏi đập dập, đĩa đậu đũa thái vát xào thịt bò, bát nước mắm nguyên không pha, tiếp đến là một xoong canh và cuối cùng là nồi cơm nhìn thì biết đó là những chiếc nồi đun trên bếp than tổ ong.
    Bác Văn nói giản dị:
    - Thực sự là bữa cơm gia đình nhé. Bà nhà tôi tự nấu đấy. Chúng ta vừa ăn vừa nói chuyện tiếp.
    Giáo sư Đặng Bích Hà thì nói:
    - Cơm tiếp khách văn có thêm món thịt bò xào đó. Anh Văn thích ăn món cá, ít khi dùng các món thịt.
    Tôi tranh thủ nâng máy ảnh. Sao tay lại run thế này. Nhìn vào vi - dơ, hình ảnh cứ nhòa đi, chỉnh hoài cũng không nét. Tôi bấm liền mấy kiểu. Khi rửa, bức ảnh cũng bị rung. Tôi biết lúc chụp mình đã không làm chủ được tình cảm. Cũng phải thôi...
    Mải chụp ảnh tôi quên khuấy một việc. Tôi nói nhỏ với bà Bích Hà để bà lấy cho một chiếc thìa. Quay trở lại bàn ăn, bà Bích hà nói:
    - Sơ suất quá, quên là anh Sơn Tùng không dùng được đũa.
    Bác Văn tiếp lời:                                    
    - Đã có thời gian dài Sơn Tùng phải buộc cây bút vào ngón tay bằng sợi dây chun để viết. Bây giờ đỡ hơn rồi, phải không Sơn Tùng?
    Nhà văn đáp:
    - Dạ, luyện mãi rồi thành quen mà anh chị.
    Bác Văn hỏi:
    - Hàng ngày Sơn Tùng ngủ được mấy tiếng?
    - Thưa anh, mấy chục năm nay quen giấc rồi, mỗi ngày chợp mắt vài ba tiếng đồng hồ, đủ thư giãn để tiếp tục nạp năng lượng.
    Bác Văn hiểu Sơn Tùng nói "nạp năng lượng" là nói đến việc tập thiền, nên Bác đồng tinh:
    - ĐÚng, cần phải nạp năng lượng mỗi ngày. Nó đặc biệt cần thiết đối với người lao động trí óc.
    Giáo sư Bích Hà hỏi:
    - Cuốn "Búp sen xanh" xuất bản năm tám hai (năm 1982) anh Sơn Tùng nhỉ?
    - Thưa chị, đúng đấy ạ! Nhà văn đáp.
    Bác Văn nói tiếp:
    - Anh em trong Chiếu văn vẫn viết đều đấy chứ? Sách của anh em mình đọc không được hết, nhưng các tác phẩm cuuả Sơn Tùng thì mình đọc trọn vẹn.
    Nhìn Sơn Tùng, tôi thấy sự xúc động hiện rõ trong ánh mắt ông.
    Giáo sư Bích Hà là người rời khỏi bàn ăn trước tiên. Bà lui vào phòng bếp.
    Trước mắt tôi, bác Văn hiển hiện là một người cha hiền từ, gần gũi và thân thuộc quá. Mái tóc bác pha sương, nhưng ở bác tuổi tác không hề khỏa lấp sức mạnh khỏe khoắn phát ra từ nội tâm sáng trong hiện trên vầng trán và trong ảnh mắt, vẫn phảng phất nét thư sinh của người học trò thông minh nổi tiếng trường Quốc học Huế hồi đầu thế kỷ hai mươi; vẫn nguyên vẹn chất hùng biện của người thầy giáo uyên thâm trên đất Thăng Long âm ỉ ngọn lửa cách mạng; vẫn trọn lòng nhân ái của một vị tướng am tường Binh thư yếu lược (của Trần Quốc Tuấn): "Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa để thuyết phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới tường địa lý, giữa biết nhân sự, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ, không ai địch nổi".
    Thu Hà Nội, 2006
    Xem tiếp...