Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

BÀI VIẾT HAY 30

(ĐC chép từ donglasg. blog)

ĐỌC & NGẪM VỀ “BÊN THẮNG CUỘC”
                                                                                          Nguyễn Văn Thịnh

Nhà báo Huy Đức nói anh để 20 mươi năm thu thập tư liệu và 3 năm biên tập cho ra được bộ sách “Bên thắng cuộc”. Có người khen đây là “cuốn sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975”, nói về “những sự thật khốc liệt rất trung thực”, là “kho tàng dữ liệu quý báu có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua”, là “công trình khảo cứu lịch sử đặc sắc của một nhà báo có tay nghề lão luyện với lương tâm trong sáng”. Cộng với dãy dài những nhân vật tiếng tăm đủ các tầm cỡ được ghi lời cảm ơn rất là trân trọng như một sự đồng thuận hợp tác cho ra đời cuốn sách chứng tỏ người viết rất sành sỏi nghề quảng cáo, nắm bắt đúng thị hiếu của người xem tin.
Là một cựu chiến binh, chứng nhân suốt chặng đường lịch sử hơn 70 năm qua từ Bắc vào Nam, tôi có một số ý tản mạn nảy ra khi đọc nó, có thể không giống ai nhưng cũng chẳng theo ai.
Cuốn sách đầy đặc những thông tin dài dòng luẩn quẩn không có gì là đáng “ngạc nhiên”, “đặc sắc” và “khốc liệt” với những người theo dõi sát thời cuộc. Non nửa những thông tin ở đây được rút tỉa ra từ báo chí, những tin tức chuyên ngành cập nhật và những sách chính thống đã được lưu hành. Quá nửa là những tin tức “lượm lặt gần xa”, đa phần “khẩu thiệt vô bằng” trúng trật khó phân, mà loại tin này thì gom nhặt không biết thế nào cho đủ. Với một phóng viên xã hội có nhiều năm hành nghề làm việc này không khó. Có điều là nó được gom lại in ra thành sách và tung lên mạng trong bối cảnh xã hội lúc này, người hỷ hả hân hoan, người hoang mang lung lạc.
Những thiếu sót sai lầm của Đảng cầm quyền hầu như ai cũng biết trong sinh hoạt từ nội bộ ra ngoài xã hội, được tổng kết trong các nghị quyết và công khai trên các phương tiện truyền thông rộng hẹp. Suy cho cùng là từ trình độ lãnh đạo. Từ đó để mất dần niềm tin gây nên tâm trạng bất bình trong một bộ phận không nhỏ đảng viên và dân chúng. Tuy nhiên nhân dân ta rất tốt và yêu nước, đã cùng với Đảng vượt qua mọi gian khổ hy sinh giành lại Tổ quốc Việt Nam thống nhất, hòa bình, độc lập, tạo được những đổi thay xã hội đáng kể tuy chưa xứng với tiềm năng công sức, có vị thế quốc gia được tôn trọng như hôm nay. Nhưng đã đến lúc Đảng lãnh đạo nhận ra rằng uy tín của Đảng đang giảm sút nghiêm trọng và sự tồn vong của Đảng tùy thuộc vào tiến độ sửa chữa sai lầm lấy lại niềm tin, nói và làm nhất quán, xây dựng nhà nước pháp quyền công khai minh bạch, chăm lo phòng thủ quốc gia, mở rộng dân chủ, thật sự đẩy lùi tham nhũng, thu hẹp khoảng cách giữa giàu với nghèo, thiết thực chăm lo sức dân bằng cách trả lại đúng giá trị giữa đồng lương danh nghĩa và lương thực tế, bảo đảm phúc lợi xã hội như học hành, chữa bệnh, việc làm…, nâng cao dần mức sống của nhân dân, tăng cường sức chiến đấu xứng đáng với một Đảng có truyền thống cách mạng vẻ vang.
Tất cả gom lại là như thế, cần chi kể những chuyện dông dài kín hở từ cung đình tới phố phường quán chợ phân tâm lòng người giống kiểu mô tả sống thế nào để sanh con? Mỗi lời nói hay sự kiện đều có ngữ cảnh, bối cảnh riêng. Trích dẫn một lời nói hay dẫn chứng một sự kiện phải tôn trọng đặc điểm ấy để người đọc hiểu đúng tinh thần của người nói và bản chất của sự kiện. Báo Tuổi trẻ ngày thứ bảy 19/1/2013 có bài “Không hố sâu thật sự” của nhà báo Lưu Đình Triều – người đồng nghiệp lớn tuổi hơn, nói về chuyện Huy Đức dựa vào tình cảm bạn bè để khai thác và đưa tin xuyên tạc về gia đình anh. Bao nhiêu nhân chứng “cộm” được nêu ra hoặc đã thành người thiên cổ hoặc không biết nhà báo đó là ai! Giới viết lách hiểu rất rõ rằng nếu Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn viết hồi ký thì cỡ Huy Đức chưa phải là người ông nghĩ đến. Một chuyện nhỏ ấy đủ để người đọc đánh giá Huy Đức “rất trung thực” và “lương tâm trong sáng” cỡ nào!
“Bên thắng cuộc” là ai? Cần hiểu dứt khoát rõ ràng đây là nhân dân Việt Nam thắng thế lực ngoại bang xâm lược. Một ngày tháng 5/1975, TBT Lê Duẩn trong chuyến đầu công du miền Nam, buổi thăm bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất ngày nay), gặp một nữ y tá tất tả đi trên hành lang, ông dừng lại hỏi: - Đi đâu mà vội thế? - Em đi học chính trị! - Học thấy thế nào? - Dạ, thấy rằng chúng em có tội vì đã hợp tác với quân Mỹ xâm lược tổ quốc ta! Ông buồn, nói với các cán bộ tiếp quản: “ Các anh dạy tào lao! Phải làm cho mọi người hiểu rằng đây là chiến thắng chung của toàn dân tộc để ai cũng ngẩng đầu lên tự hào. Không lẫn lộn nhân dân với số người sống bám vào ngoại bang chống lại sự nghiệp thống nhất độc lập của Tổ quốc ta”. Càng không thể hiểu là cộng sản thắng quốc gia hay là miền Bắc thắng miền Nam. Đó là thắng lợi của chính nghĩa chống phi nghĩa. Trong hoàn cảnh chiến tranh quyết liệt lâu dài, ý nghĩa của cặp từ “cộng sản”, “quốc gia” đã bị xuyên tạc và ngộ nhận. Mục đích đấu tranh của những người yêu nước chân chính thời nào cũng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Nếu những người cộng sản xa rời mục tiêu ấy không thể tập hợp được quảng đại dân chúng ủng hộ mình. Những ngày đầu dựng nước cam go, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không giải phóng được dân tộc thì làm sao giải phóng được giai cấp”. Thực tế nhân dân đã quay lưng lại với những ai ngộ nhận là “quốc gia” chỉ nhằm mang lại lợi ích cá nhân hoặc một nhóm người. Nửa sau thập kỷ 1950, trong bối cảnh điên cuồng tàn sát những người yêu nước lại muốn làm sạch mặt chính quyền, trước thuộc hạ Ngô Đình Diệm nói câu nổi tiếng: “Phải giành lại chính nghĩa từ tay cộng sản!”. Chính nghĩa là nguyện vọng độc lập dân tộc thống nhất non sông trải hàng thế kỷ những người Việt Nam yêu nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn son sắt một lòng. Ngay cả nhân dân Pháp và Mỹ cũng nhận ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam do chính giới nước họ gây ra là phi nghĩa và quyết liệt đòi rút ngay con em trong đội quân viễn chinh về nước! Hồi ký của GS Trần Thanh Đạm kể rằng: Ngày đầu, trong đoàn Bộ giáo dục gặp gỡ các thầy cô dạy trường Sư phạm văn khoa Sài Gòn. Sau khi nói về việc ổn định trường sở và bước đi tiếp của nhà trường, hướng về giáo sư Nghiêm Toản – bậc trưởng thượng trong làng sư phạm cả Bắc và Nam đều biết: “Thầy có ý kiến gì không?”. Vị giáo sư Hán học uyên thâm khả kính lắc đầu từ tốn: “Tôi đã bỏ chính nghĩa mà đi thì còn gì để nói!”. GS đã trong đoàn người di tản vào Nam 1954. Sau 1975, không ít nhà trí thức tâm huyết cũng rời bỏ đất nước ra đi, mỗi người một tâm trạng nhưng lòng yêu tổ quốc Việt Nam vẫn khôn nguôi ngoai trong họ. Kẻ sỹ Việt Nam trong những thăng trầm của lịch sử dù đứng ở đâu luôn trăn trở với vận mạng của đất nước và mang nặng một lòng riêng u ẩn. Câu hỏi lớn về Tổ quốc chưa có lời giải nào trọn vẹn. Nhưng một điều chắc chắn là không bao giờ họ đối lập với dân tộc của mình!
Học giả Hoàng Xuân Hãn tổng kết: lịch sử ngàn năm dựng nước của dân tộc ta có 14 cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, trong đó chỉ có hai cuộc chiến tranh giải phóng là thời Lê Lợi chống quân xâm lược nhà Minh và thời Hồ Chí Minh chống quân xâm lược Pháp và Mỹ. Phát động người người đồng lòng đứng lên chống lại khi giặc đã vào ở nhà mình, sân trước vườn sau nó chiếm, ai chống lại thì nó giết, ai xuôi chịu thì nó tha mà phải làm theo ý nó, có người được nó ưu ái tin dùng, sinh chuyện anh em một nhà đố kỵ lẫn nhau tan đàn xảy nghé! Giặc kia lại đến từ các quốc gia lớn, giàu và văn minh, càng ở lâu càng sinh lắm chuyện. Đuổi được nó đi không là chuyện dễ, phải có lòng yêu nước nồng nàn và chấp nhận mọi gian khổ hy sinh. Nhưng khi giặc bỏ chạy rồi vẫn còn lắm chuyện rối rắm phức tạp anh em hòa hợp không dễ một sớm một chiều. Cuộc chiến tranh giải phóng vừa qua diễn ra như thế dù là do nhân dân ta đứng lên đoàn kết chiến đấu tự giải phóng cho mình. Nói “miền Bắc giải phóng miền Nam” là xúc phạm tới lòng yêu nước truyền thống Việt Nam. Dân tộc ta đã đau đớn chịu đựng cuộc nội chiến phân tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài hơn 200 năm. Sáu lần quân Trịnh và một lần quân Nguyễn vượt sông Gianh đều phải rút về. Nhân lúc ở Đàng Trong chúa Nguyễn thoái, quân Tây Sơn nổi lên, ở Đàng Ngoài chúa Trịnh suy, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phò Lê diệt Trịnh, xong rồi lại rút ngay về Phú Xuân chỉ mang theo công chúa Ngọc Hân. Đến khi quân Thanh kéo vào dày xéo lên nửa phần phía Bắc của Tổ quốc thiêng liêng thì mọi người dân Việt không phân biệt Nam-Bắc, xóa bỏ mọi xích mích tị hiềm đoàn kết nhau lại. Nguyễn Huệ chỉ một trận hành binh thần tốc “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Tướng giặc Tôn Sỹ Nghị nhảy lên ngựa không yên bỏ mặc 20 vạn quan quân tháo chạy! Sông Hồng ngập đầy xác giặc như cá chết trôi! Giang sơn nước Việt thâu về một mối.
Sâu xa mà nói, cuộc kháng chiến chống xâm lược phương tây lần này khởi đầu từ năm 1858 khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Đà Nẵng và bùng lên thành cao trào khi Phan Thanh Giản lừa vua phản dân ký hàng ước 1862 (Nhâm Tuất) bán đứng ba tỉnh miền Đông và tiếp đó năm 1867 (Đinh Mão) qua lời tuyên cáo đầu hàng nhục nhã với một dân tộc ba lần đại phá quân xâm lược Nguyên-Mông: “Người Phú-lang-sa có chiến thuyền to chở đầy quân và võ trang bằng đại bác. Không người nào có thể chống lại. Mình còn ngốc khi mình đánh lại người Phú-lang-sa bằng võ khí. Các quan văn cũng như các võ tướng hãy bẻ gãy giáo gươm và giao thành trì khỏi chống lại”, cống nạp nốt ba tỉnh miền Tây, biến lục tỉnh Nam kỳ thành thuộc địa của Pháp, mở đầu quá trình Việt Nam mất nước! Phong trào toàn dân đánh giặc giữ nước khởi từ địa đầu phía nam này lan ra cả nước và chưa bao giờ tắt. Thế chiến II nổ ra, nước Pháp phản bội Đồng minh đầu hàng phát xít Đức và Nhật. Năm 1945, nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên giành lại độc lập và thực hành quyền dân tộc tự quyết. Được người Mỹ đồng tình, Pháp đưa quân tái chiếm Việt Nam, lần thứ hai miền Nam lại nổ tiếng súng đầu kháng Pháp. Không ít trí thức Nam kỳ vứt bỏ “làng tây” như Thái Văn Lung, Nguyễn Ngọc Nhựt, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Ngọc Thuần, Phạm Ngọc Thảo... kiên quyết đứng về phía nhân dân giữ gìn tổ quốc. Ông Lưu Văn Lang (1880-1969) mà giới trí thức Nam kỳ tôn kính như người anh cả, đã từ chối lời mời đứng ra thành lập chính phủ đầu tiên tái lập Nam kỳ với lời khảng khái: “Tôi đã quá già để làm tay sai!”. Sau hiệp định Genève 1954, những người yêu nước miền Nam lại đứng lên đấu tranh tự bảo vệ mình và đòi hòa bình thống nhất nước nhà tiêu biểu như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát... Người Mỹ từ can thiệp đến dấn chân ngày càng sâu, cuối cùng nhảy vào thay thế hoàn toàn quân Pháp. Để thích nghi với hoàn cảnh thế giới mới, người Mỹ không áp dụng “Chủ nghĩa thực dân cũ” như người Pháp (dùng quân đội và bộ máy thống trị ngoại bang) mà thay thế bằng “Chủ nghĩa thực dân mới” (tổ chức quân đội và chính quyền tay sai thông qua viện trợ quân sự và kinh tế). Người Việt Nam không dễ bị mắc lừa. Người Mỹ buộc phải tiến hành cuộc “Chiến tranh cục bộ” với gần 600 ngàn lính GI (quân chính phủ liên bang) và lính Đồng minh. Nhân dân Nam-Bắc càng một lòng kề vai sát cánh bảo vệ tổ quốc chống xâm lăng. Kết cục là quân Mỹ  “rút lui trong danh dự” bằng cách “thay màu da những xác chết” để kết thúc bằng cuộc tháo chạy tán loạn chưa từng thấy trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam. Đó là chiến thắng của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, cốt lõi của truyền thống Đại Việt mới có thể tồn tại qua bao biến cố thăng trầm.                
Đã nói chuyện lịch sử phải công bằng, nghiêm túc và không thể bỏ qua điều kiện lịch sử cụ thể của nó. Chiến thắng 30/4/75 không là cuộc vui vẻ xuống đường của những người từ rừng hối hả kéo nhau về xuôi vượt bưng biền, lội kênh, băng lộ, lên ngồi nhờ vắt vẻo trên xe đò chạy thẳng vào dinh Độc Lập nhận sự đầu hàng. Bao nhiêu chuyện phát sinh sau đó ở cả hai phía, nó như hai mặt của một trang giấy mà nhà báo Huy Đức chỉ lật ngược cho mọi người xem mặt trái. Chiến tranh tất nhiên sinh ra những mối hận thù, càng lâu càng chồng chất. Một đội quân lớn tinh binh tinh nhuệ được trang bị vũ khí, kỹ thuật tối tân tự tan rã chỉ trong một ngày, hàng triệu tướng lĩnh quan quân tản vào trong dân chúng khắp chợ cùng quê. Trải ba chục năm liền đối đầu sống mái mà không có cuộc tắm máu thậm chí chỉ là những cuộc trả thù lẻ tẻ đã chứng tỏ tính chính nghĩa của người chiến thắng. Suy cho cùng cũng là “chiến thắng đặc biệt của tình cảm dân tộc Việt Nam. Có nỗi vui mừng nào hơn thế nữa? Hãy nhìn qua bên kia biên giới tây-nam với họa diệt chủng xảy ra cùng thời điểm ấy? Và hãy xem lại trang sử thế giới không xa – thời Thế chiến II (1939-1945). Chỉ sau bốn năm, quân kháng chiến lưu vong theo quân Đồng minh tiến về giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức trong không khí hằn thù bạo lực: Toàn bộ chính phủ Vichy bị lôi ra trước pháp đình. Án nặng nhất tuyên cho những kẻ cầm đầu như Thống chế Pétain, mặc dù đã từng là người hùng của nước Pháp trong thế chiến thứ nhất (tuy nhiên vì đã quá già nên bị đày ra đảo cho tới chết), viên Thủ tướng Laval, nhà văn Bonnard – Tổng trưởng Giáo dục… đều bị treo cổ trước đám đông dân chúng, mãi mãi là vết nhơ trong lịch sử dòng dõi Gaulois. Các phần tử từng cộng tác với chính quyền Đức khủng bố những người kháng chiến kể cả số gái chuyên làm trò giải trí cho quân phát xít đã bị những người du kích hành quyết ngay trên đường phố! Ai cũng biết quân giải phóng Việt Nam do Đảng Cộng sản tổ chức, chỉ huy nhưng những chiến sỹ giải phóng được nhân dân các vùng bị chiếm đóng vui mở rộng lòng như đón những đứa con xa mẹ từng chịu bao gian lao anh dũng chiến thắng trở về. Khác hẳn cảnh khi quân đội Mỹ giàu có hùng hổ từ các chiến hạm Thái Bình Dương ào ạt đổ bộ lên chiếm đảo Okinawa, đã có hàng trăm ngàn người kể cả binh sỹ và thường dân Nhật mổ bụng tự sát bởi lo sợ bị trả thù. Khi quân Đồng minh đặt chân lên kinh đô Tokyo, hàng ngàn phụ nữ tự nguyện phô thân đủ kiểu trước Hoàng thành, khuyến dụ kẻ chiến thắng không cho xúc phạm tới Nhật hoàng. Sau này người Nhật có nhiều Mỹ lai một phần là thế.
Trước đó, năm 1945, khi mới giành được chính quyền, Cụ Hồ mời cụ Huỳnh Thúc Kháng từ miền Trung ra Hà Nội. Vừa đặt chân tới thủ đô, cụ Huỳnh tuyên bố: “Cụ Chủ tịch thuộc hàng con cháu, tôi sẽ khuyên Cụ nước ta không thể đi theo con đường cộng sản!”. Chỉ sau một đêm thày trò bên nhau rủ rỉ, lấy đại sự quốc gia dân tộc làm trọng, cụ Hồ đã thuyết phục được và cụ Huỳnh là người hợp tác tích cực và tâm đắc nhất với cụ Hồ cho tới trọn đời. Cụ Huỳnh – vị đại trí thức từng vào tù ra khám vì dám cổ vũ phong trào “cự sưu kháng thuế”, từng là nhà báo cương trực tiếng tăm, là bạn tâm giao với cụ Sào Nam, cùng với các cụ Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh được mệnh danh là “nhóm tam hùng” của đất Quảng Nam… lung lạc cụ đâu có dễ! Nhân dân ta không hề ân hận vì đã tin đảng Cộng sản, một lòng với Đảng vượt qua mọi thử thách chông gai hoàn thành sự nghiệp hòa bình thống nhất đất nước và đang đồng hành với Đảng trên con đường xây dựng một quốc gia thống nhất độc lập trong một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Trái lại nếu Đảng cầm quyền không giữ trọn được niềm tin với dân với nước thì chẳng những sẽ chỉ là rất ân hận mà còn mang tội với bao lớp tiền bối tiền nhân. Cụ Hồ nói: “Một người tốt chưa hẳn sẽ tốt mãi nếu không luôn biết sửa mình. Một tổ chức mạnh chưa hẳn sẽ mạnh mãi nếu không còn được lòng dân”. Tin rằng những lớp người kế tục mãi  mãi ghi nhớ lời dạy của người sáng lập luôn biết sửa mình để giữ được lòng dân. Người xưa dạy: “Dân vi quý – Xã tắc thứ chi – Quân vi khinh”. Lịch sử quốc gia nào cũng trải nhiều triều vua nhưng chỉ một dân tộc trường tồn trong lòng Tổ quốc.
Không chỉ một Huy Đức từng đưa cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1862-1865) ra làm tấm gương soi. Trước hết đem cuộc chiến chống phân ly Nam-Bắc của nước Mỹ so với cuộc chiến trường kỳ chống xâm lăng của dân tộc ta 1945-1975 thật chẳng hợp chút nào, bởi lẽ về bản chất hai cuộc chiến ấy khác nhau hoàn toàn. Ở Mỹ là cuộc nội chiến thật sự chống sự ly khai đất nước. Chúa cứu thế Mỹ Abraham Lincoln nói: “Một gia đình bị chia rẽ thì không thể đứng vững được. Một chính phủ không thể mãi mãi một nửa là tự do và một nửa kia là nô lệ. Tôi không muốn cho Liên bang tan rã. Tôi cũng không muốn cho gia đình sụp đổ. Nhưng tôi muốn cho nó chấm dứt chia rẽ”. Thắng lợi của người  Bắc Mỹ là thắng lợi của tư tưởng tự do tiến bộ với tư tưởng bảo thủ duy trì nô lệ mà trên cơ sở đó cả Bắc và Nam Mỹ đều có cơ hội vươn lên mạnh mẽ. Khác hẳn cuộc chiến tranh giải phóng của chúng ta. Sự thật lịch sử là nếu không có đội quân viễn chinh xâm lược Pháp thì không thể có cái gọi là “quân đội quốc gia” của phế đế–quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại. Và nếu không có bàn tay của phù thủy Mỹ thì cũng không thể có cái gọi là “chính phủ” và “quân lực Việt Nam cộng hòa”. Bản chất của đội quân vong bản ấy đã được Nguyễn Văn Thiệu – viên Tổng tư lệnh tối cao của nó lộ ra trong giờ phút chót: “Người Mỹ đưa viện trợ nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn đưa ít thì chúng tôi đánh ít. Nếu Hoa kỳ không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng, một năm mà chỉ sau ba giờ chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc lập”! và được viên tướng bốn sao Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên phụ họa: “Chúng ta không có trách nhiệm về cuộc chiến tranh này. Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra. Chúng ta chỉ làm theo họ mà thôi!”. Những người tưởng rằng mình chiến đấu thật sự vì lý tưởng quốc gia không khỏi xót lòng cay đắng đã lầm lỡ nhập vào một đội quân thật đấy mà giả đấy! Cái chết ấm ức của ai chỉ là cái “gan” của kẻ võ biền chứ không thể là cái “dũng” của người tướng “tuẫn tiết” như tấm gương “vị quốc vong thân” của các đấng tiên liệt Võ Duy Ninh, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Định…
Trái lại từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lời “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam mới thì trên đất nước này chỉ có một đội quân thật sự từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu duy nhất. Đội quân khởi đầu từ những chiến sỹ tự vệ hợp thành các đội du kích, trưởng thành Đoàn Vệ quốc quân, Đoàn Giải phóng quân và Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, đi từ thắng lợi phòng vệ buổi đầu tới thắng lợi cuối cùng là “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”, non sông nước Việt một lần nữa sạch sành sanh bóng quân xâm lược! Không ít chiến sỹ của đội quân trung thành yêu nước ấy đã ngã xuống trên mọi miền của tổ quốc, xứng đáng được ghi công và tôn vinh đời đời như những anh hùng liệt sỹ.
Lịch sử Mỹ thừa nhận rằng Tổng Thống A. Lincoln lệnh cho quy tập 7.000 binh sỹ chết trận của cả hai bên thắng bại đều được đưa vào chôn xen kẽ trong cùng một khu mộ có tấm bia đề “Nơi đây là chỗ nằm xuống của tất cả những người vì nước Mỹ” tại Nghĩa trang quốc gia Arlington, là điều thế gian chưa từng thấy xưa nay. Đó là việc làm hàm chứa ý nghĩa chính trị lớn xuất phát từ nội tình nước Mỹ đang cần thiết cất bỏ đi gánh nặng của ý muốn phục thù đặng an dân, ổn định xã hội nhanh chóng hướng đến việc phát triển đất nước. Nói rằng xuất phát từ tính nhân văn – nhân bản thì tại sao sau đó những “đồng bào nổi loạn” ở miền Nam vẫn bị tước quyền bàu cử và những người Cộng hòa cấp tiến vẫn bằng mọi cách khống chế những kẻ chiến bại ngoan cố và dùng cả vũ lực khi cần? Trải một thời gian dài hai miền nước Mỹ mới chung nhịp thở và đồng bước song hành. Đặc biệt một trăm năm sau (1968), hậu duệ những người Phi nô lệ mới hoàn toàn được hưởng mọi quyền công dân bình đẳng với người da trắng đúng lúc nước Mỹ đang rất cần có lính quân dịch đưa sang Việt Nam! Và thêm 20 năm nữa (1988) với những người cầm đầu phe ly khai mới được ân xá về tội lỗi của họ.
Huy Đức khai thác cả những tiểu tiết vụn vặt trong các sự kiện như là cải tạo và những trại tập trung, vượt biên, nạn kiều… có nhằm để khuấy động lên những cảm xúc bi thương uất hận? Thật sự đó là nỗi đau khôn nguôi với từng cá nhân, gia đình và cũng là trang sử buồn của đất nước. Tuy nhiên có điều tránh được và cũng có điều khó tránh. Không thể phủ nhận rằng cuộc cách mạng nào cũng nhân danh sự công bằng bác ái nhưng bị kích động cực đoan hoặc vì tư thù hay vụ lợi đã xảy ra không ít điều bất nhẫn, làm mờ đi cái thiện căn của nó và hằn sâu những hận thù. May thay lịch sử chỉ diễn ra có một lần!
Nếu như lấy mốc 30/4/1975 để phân định lịch sử Việt Nam hiện đại thì trước đó là vô cùng “khốc liệt” và sau đó là vô cùng “phức tạp”. Không thể có sự vô tư và công bằng nếu chỉ nêu ra những lầm lỗi chủ quan một bề mà không xem xét tổng thế những sự kiện khách quan đưa tới. Rõ ràng là cả hai miền Nam-Bắc trước đó đều sống nhờ vào nguồn viện trợ “vô tư, phong phú, toàn diện” của các nước lớn bỗng bị cắt phăng tất tần tật cũng chỉ trong có một ngày! Trong khi những hành động phục thù như “chuyển lửa về quê hương” diễn ra từ mọi phía! Tiếng súng của cuộc chiến tranh bản chất là “khủng bố” của những kẻ phản bội đã bắn vào lưng chiến sỹ ta khi đang hướng vào trận chiến quyết định cuối cùng và tiếp đó lại rộ lên ở cả hai đầu đất nước! Song hành với chính sách kích động nhân tâm vượt biên và cấm vận nghiệt ngã kéo dài hàng chục năm càng làm cho dân tình khốn đốn, có lúc tưởng như là bế tắc. Tất cả đều có người Mỹ làm chỗ dựa. Trong tình cảnh ấy có ai nghĩ rằng Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội “bình thường hóa quan hệ” với Mỹ ngay từ năm 1978 chỉ là sự lừa dối nhau thôi. Đô đốc Elmo R. Zumvalt người từng là tư lệnh Hải quân Mỹ ở Việt Nam cùng hai con trai đều tham chiến ở Việt Nam. Trung tá James Zumvalt – tác giả cuốn sách nổi tiếng “Chân trần chí thép” nói thật lòng rằng: Dù cuộc chiến đã kết thúc nhưng suốt nhiều năm sau đó ông vẫn mang nặng những định kiến hận thù sâu xa với đối phương. Cho đến năm 1994, khi cùng cha qua Việt Nam, trong đầu ông vẫn “luôn có một niềm tin xác quyết rằng trong chiến tranh Việt Nam lực lượng phi nghĩa đã chiến thắng phe chính nghĩa”! Những phút đầu tiếp xúc với những người từng là thù địch, trong ông “cơn giận giữ không ngừng dâng lên và nghĩ rằng lẽ ra họ không được đứng trước mặt tôi với tư cách là người chiến thắng – bởi đó chỉ là số phận, định mệnh chống lại chúng tôi mà thôi”. Dù rằng cha ông đã nhận ra sai lầm sớm hơn khi đứa con trai cả của ông bị chết vì nhiễm chất độc dioxin trong thuốc diệt cỏ mà chính ông là người ra lệnh làm việc đó. Cuộc tìm hiểu kiên trì gần 20 năm, James qua lại Việt Nam hơn 50 lần, tiếp xúc với gần 200 nhân chứng là du kích địa phương, bộ đội chủ lực, từ sỹ quan chỉ huy chiến thuật đến các tướng lĩnh tầm cao chiến lược, thường dân là nạn nhân chiến cuộc… Cái nhìn về cuộc kháng chiến của người Việt Nam, về con người Việt Nam với ông đã hoàn toàn thay đổi: “Thật không may cho người Việt Nam, đất nước họ đã bị nước Mỹ chọn để dựng chiến tuyến chống cộng sản” và  khẳng định: “Việt Nam chưa bao giờ là mối đe dọa với nước Mỹ. Họ đơn giản chỉ muốn chúng ta trở về nhà”! Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với một nhà báo nước ngoài khi cuộc chiến ở lúc gay go nhất: “Chúng tôi không muốn là người chiến thắng. Chúng tôi không muốn là anh hùng. Chúng tôi chỉ muốn điều duy nhất là họ (quân xâm lược Mỹ) cút ngay khỏi đây thôi”! Phải mất không ít thời gian lên thác xuống gềnh mới gạt bỏ được những rào cản để có được thời điểm thích hợp thể hiện nhu cầu bình thường hóa quan hệ của cả hai bên.
Tất nhiên những sai lầm không nhỏ kéo dài trong việc quản lý kinh tế, tổ chức xã hội… càng làm cho những khó khăn thêm chồng chất nặng nề hơn mà nạn nhân của nó không phân biệt bất kỳ ai đang sống trên mảnh đất chưa nguôi khói bom và nhiễm đầy hóa chất này. Ai đó nói rằng sau 30 tháng Tư “hàng triệu người sung sướng thì cũng có hàng triệu người đau khổ” (!) là quay lưng lại với những người từng che chở cưu mang họ khi còn trứng nước. Hòa bình đến với mọi nhà. Ngoài những ông quan mới, nhân dân cả nước không trừ ai vẫn trong cảnh khốn khó trăm bề bởi đủ thứ di họa của chiến tranh đặc biệt là nhân dân vùng căn cứ kháng chiến và những người từng hết lòng khi đất nước gian lao. Nước Mỹ thời sau nội chiến từng lâm vào cảnh: “Toàn bộ cuộc sống chỉ là làm thế nào để khỏi chết”! Từ lời gợi ý của TBT Nguyễn Văn Linh: “Mỗi người hãy tự cứu lấy mình!” ta có thể suy ra bối cảnh xã hội Việt Nam lúc đó ra sao? Một Đại tá nguyên là sỹ quan an ninh quân đội Sài Gòn, sau 12 năm cải tạo được trở về kể chuyện như sau: “Ngày ra trại cùng lúc được trả quyền công dân nghĩa là hai bên bình đẳng. Chúng tôi tới chào ban quản giáo. Dù sao ở lâu thì cũng có chút tình, thay mặt anh em tôi tỏ lời cảm ơn và nói thật rằng: Đời sống của anh em chúng tôi so với trước đây thì quá khổ là lẽ tất nhiên rồi nhưng so với các anh thì chưa chắc ai khổ hơn ai! Anh trưởng trại đáp nửa chơi nửa thật rằng: Rất mong cấp trên sớm giải quyết xong chuyện này cho chúng tôi được thoát nợ! Thực ra thì các anh tù trong còn chúng tôi tù ngoài mà lại còn phải lo bao nhiêu là trách nhiệm”.
Huy Đức khéo chắp nối những sự kiện khác nhau trong những điều kiện lịch sử khác nhau cố ý làm lệch lạc cái nhìn của người đọc và làm giảm đi ý nghĩa to lớn rất đáng tự hào của toàn dân tộc. Anh ví “cuộc chiến được gọi là giải phóng đã mở mắt cho người dân miền Bắc” hoặc là: “Nói miền Bắc giải phóng miền Nam nhưng thực ra là miền Nam đã giải phóng cho miền Bắc”! Một cách chơi chữ để chuyện nọ xọ chuyện kia lẫn lộn! Trong khi tổ chức chiến tranh và xây dựng kinh tế là hai lĩnh vực trái chiều nhau dù rằng mục đích cuộc chiến tranh giải phóng là để có hòa bình ổn định đặng mà xây dựng. Đặc biệt ở Việt Nam việc xây dựng một xã hội hoàn toàn mới lạ cùng những quy luật riêng của nó phụ thuộc không ít vào biến động của thế giới, đúng sai thế nào hậu hồi phân giải! Chẳng hạn như chuyện “một đất nước hai chế độ” cũng xảy ra trong hoàn cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi và có lẽ chỉ Trung Quốc mới dám làm và hậu hồi ra sao còn phải chờ xem. Ngày 30/4/1975, khi người con gái TBT Lê Duẩn chạy về báo tin cho cha, thấy ông một mình ngồi lặng trong phòng đang ứa trào ra nước mắt! Trong nỗi vui đến bàng hoàng của toàn dân tộc, Huy Đức đế vào: Giá như không có sự kiện ngày 19/4/1974 (ngày quân Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa) thì coi như chiến thắng này là trọn vẹn kể từ khi hoàng đế Gia Long mở mang bờ cõi! Nhà báo Huy Đức có cố tình quên đi lịch sử?! Đúng là chín đời chúa Nguyễn có công mở mang bờ cõi. Nhưng đến lúc sa cơ, sau khi dẫn mấy vạn quân Xiêm về dày xéo phương nam  nơi tổ tiên mình mở mang bờ cõi, bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác, lãnh chúa Nguyễn Ánh đã giao đứa con 5 tuổi cho viên giám mục tây Bá-đa-lộc (Pigneau de Béhaine) làm đại diện cho mình qua cầu viện Pháp hoàng, ký bản giao ước năm 1787 đại lược rằng: Để đổi lấy vũ khí và viện binh, Chúa lưu vong cắt đứt Hội An và đảo Côn lôn cho Pháp kèm theo lời hứa sẽ là nguồn cung cấp binh lính và lương thực khi nước Pháp cần qua đánh ở phương đông, đồng thời để cho nước Pháp độc quyền ra vào buôn bán và hàng năm nộp cống vật là một chiếc tàu như Pháp đã cho! Nếu như không có chuyện vua Louis XVI và hoàng hậu Maria Antoinnette cùng đám bảo hoàng bị cách mạng Pháp 1789 treo cổ, thỏa ước trên được thực thi thì như một sử gia Pháp nhận định: “Có lẽ nước Pháp đã hoàn thành cuộc bảo hộ ở An Nam từ 100 năm trước, khiến cho về sau khỏi phải dùng đến sự chiến tranh mới xong công việc! Đến đời Tự Đức và các vua kế nghiệp phát triển thảo ước của tổ vương xưa bằng những hiệp ước 1862, 1874, 1884 đã dần để mất nước! Việt Nam bị xóa tên trên bản đồ thế giới! Người ta chỉ còn biết đến một vùng lãnh thổ Đông Pháp nằm giữa biển Ấn Độ–Trung Hoa mang cái tên Indochine (Đông Dương) lạ lẫm. Trải hàng thế kỷ với xương máu của bao nhiêu thế hệ con Lạc cháu Hồng mới từng bước thu hồi lại giang sơn để quốc danh Việt Nam được sáng ngời lên. Còn chuyện mấy hòn đảo giữa trùng khơi xảy ra trong điều kiện lịch sử rất là đặc biệt. Để đáp lại tuyên bố của Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa về hải phận, trong công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 nói rõ ràng: “Triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Hoa trong mọi quan hệ với nước CHND Trung Hoa trên mặt bể”, tuyệt nhiên không có từ nào công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Và ngay khi kết thúc chiến tranh, TBT Lê Duẩn qua Trung Quốc để cảm ơn sự giúp đỡ to lớn hữu hiệu của người anh em, cũng đề cập ngay tới việc thu hồi quần đảo Hoàng Sa. Rất là nhất quán! Những ai theo dõi thời cuộc đều hiểu rằng những quốc gia có biển đảo đều xảy ra sự tranh chấp do lịch sử đẻ ra và cũng chỉ lịch sử giải quyết được thôi. Chẳng lẽ đó gọi là “tay nghề lão luyện” của một nhà báo?!
Ngay trang đầu, Huy Đức mượn câu: “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh bên nào thắng thì nhân dân đều bại!” của một nhà thơ như tiêu chí của tập sách này? Thực ra đó là cách nói “nhái ý” của một nhà văn phương tây cách nay đã hai thế kỷ: “Không có cuộc chiến tranh nào gọi là chiến thắng với các bà mẹ mất con!”. Tuy nhiên trong chiều dài lịch sử nhân loại vẫn diễn ra những cuộc chiến tranh và sự xả thân cao thượng vì nghĩa lớn vẫn sáng ngời lên càng làm vững nền tảng đạo đức con người để không thành con vật!   
Huy Đức không phải là “nhà báo nổi tiếng” nhưng anh được trong giới biết tiếng giỏi dùng nghề kiếm tiền. Tuy nhiên “chơi dao sắc có ngày đứt tay”. Ai cũng biết Hà Tĩnh quê hương Huy Đức là một xứ nổi tiếng nghèo mà cũng nổi tiếng thời nào cũng có văn nhân hào kiệt và phong trào chống ngoại xâm cực kỳ oanh liệt cả nước tự hào. Hẳn nhiên trong đó cũng có sự đóng góp của bà con thân tộc dòng họ Trương của anh. Khi mượn lời thơ của người đồng nghiệp Đỗ Trung Quân, Huy Đức nhằm ý khác mà xem ra nó vận chính vào anh:      
Những đứa con tự nhận mình trong sạch
 đang nói về quê mẹ của mình
như kẻ ngoại nhân!”
Đã đăng trên Tuần báo Văn nghệ TPHCM
Số 244 thứ năm ngày 07 tháng 3 năm 2013
                                                              (Có bổ sung chỉnh sửa)
Xem tiếp...

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

"THE SOUND OF SILENCE"


Lyric: Lời Việt:
Hello Darkness my old friend,
I've come to talk with you again,
Because a vision softly creeping left its seeds while I
was sleeping and the vision
that was planted in my brain,
still remains within the
Sounds of Silence
In restless dreams I walked alone
Narrow streets of cobblestone,
'Neath the halo of a street lamp,
I turned my collar to the cold and damp
When my eyes were stabbed by the flash of a neon light
That split the night
And touched the sound of silence.

And in the naked light I saw
Ten thousand people, maybe more.
People talking without speaking,
People hearing without listening,
People writing songs that voices never share
And no one dared
Disturb the sound of silence.

"Fools" said I,"You do not know
Silence like a cancer grows.
Hear my words that I might teach you,
Take my arms that I might reach you."
But my words like silent raindrops fell,
And echoed
In the wells of silence

And the people bowed and prayed
To the neon god they made.
And the sign flashed out its warning,
In the words that it was forming.
And the signs said, The words of the prophets
are written on the subway walls
And tenement halls.
And whisper in the sounds of silence.
Xin chào Bóng tối, người bạn cũ của tôi
Tôi lại đến trò chuyện cùng anh đây
Bởi lẽ một ảo ảnh len lỏi mầm mống của nó trong khi tôi ngủ
Và ảo ảnh ấy lớn dần trong trí óc
Vẫn còn đây trong
Âm thanh của tĩnh lặng
Trong những giấc mơ liên lỉ tôi cô đơn cất bước
Con đường hẹp sỏi đá
Bên dười vầng sáng của ánh đèn đường
Tôi khiền cổ áo mình ướt lạnh
Khi đôi mắt nhói lên vì ánh đèn neon
Xuyên qua màn đêm
Và chạm đến âm thanh của tĩnh lặng

Trong ánh sáng đèn trần tôi đã thấy
Mười ngàn người có hơn
Người ta nói mà không hề ra tiếng
Họ nghe mà chẳng hiểu
Người ta viết nên những khúc ca không bao giờ được vang lên
Và không ai dám
Làm náo động âm thanh của tĩnh lặng

"Đồ ngốc" tôi nói, "Các người chẳng biết gì
Cái yên lặng cũng như sự phát triển của những ung nhọt
Nghe tôi nói này, tôi có thể dạy cho các người
Cầm tay tôi và tôi có thể với tới"
Nhưng bao lời tôi nói tựa như giọt mưa rơi lặng câm
Và tiếng vang
Trong cái giếng của tĩnh lặng

Con người cúi đầu cầu nguyện
Với vị thần neon họ dựng nên
Và biển báo lóe lên dấu hiệu cảnh báo
Nhừng từ đã định sẵn
Và nó nói, lời tiên tri được viết trên tường nơi đường hầm
Và trong hành lang của căn hộ
Thì thầm trong âm thanh của tĩnh lặng


  
Xem tiếp...

HIỆN THỰC KỲ ẢO 13

(ĐC sưu tầm trên NET)

Xem tiếp...

BÀI VIẾT HAY 29

(ĐC sưu tầm trên NET)

CỦ KHOAI LÙI BẾP TRO
Charlie Nguyễn

15-Oct-2012
Lời Giới Thiệu : 
Bài viết này có thể coi là bài viết đầu tiên trong loạt bài tôi viết về đề tài “Tôn Giáo và Dân Tộc”. Viết xong từ cuối năm 1999 khi sống lang thang ở Virginia và Maryland, nhưng tới nay bài này vẫn chưa bao giờ được đăng trên báo hay tập san nào. Sau khi tôi đã xuất bản được bốn cuốn sách với gần 80 đề mục, bản thảo “Củ Khoai Lùi Bếp Tro” vẫn nằm im trong ngăn kéo. Nay, vì mới thực hiện được webpage “Tôn Giáo và Dân Tộc” của riêng tôi:
- Địa chỉ 1: http://charlienguyen.com/
- Địa chỉ 2:  http://home.comcast.net/~charlieng/
- Địa chỉ 3 : http://home.earthlink.net/~charlienguyen/

  tôi muốn đưa bài này lên để chia xẻ với các bạn .
  Trước khi vào đọc “Củ Khoai Lùi Bếp Tro”, xin mời các bạn đọc bức thư của tôi gửi hai người bạn thân để giới thiệu bài viết này:

  - Trước hết là bạn Lư Tấn Hồng, cựu thẩm phán Quân Pháp, bút hiệu Vĩnh Như và Nguyễn Viết Hồng.
- Sau đó là bạn Nguyễn Anh Tuấn, bút hiệu Thường Nhược Thủy.

  Cả hai bạn là đồng tác giả của nhiều cuốn sách gíá trị chuyên nghiên cứu về “tinh hoa tư tưởng Việt” “Đạo Sống Việt” và nhất là về văn chương bình dân (ca dao tục ngữ) và về văn hóa cổ truyền của dân tộc.

  Nhờ đọc các sách của các bạn đó, nên tôi đã có được một số kiến thức cần thiết về văn hóa cổ truyền của dân tộc, và từ đó nảy sinh lòng yêu mến con người và tâm hồn thuần túy Việt Nam.

  Sau đây là bức thư gửi hai người bạn tôi :

  Virginia, ngày 28/2/2000

  Hai bạn Lư Tấn Hồng và Nguyễn Anh Tuấn thân mến,
  Như các bạn đã biết, tôi sinh ra và lớn lên trong môi trường đậm đặc của Công Giáo LaMã, vốn mang nặng tính chất du mục Babylon và hoàn toàn xa rời văn hóa dân tộc. Có lẽ các bạn cũng nhận thấy rất nhiều người Công giáo trí thức, họ hiểu biết nhiều nhưng tại sao họ vẫn không thoát ra khỏi cái ngục tù tư tưởng của họ? Đó là vì họ đã mắc tròng, tức bị mắc kẹt trong cái thòng lọng của đạo Công Giáo (The Catholic Loop). Cái tròng nặng nhất là cái tròng tình cảm gia đình. Không ai muốn ra mặt công khai chống lại cái tôn giáo lâu đời của gia tộc và gia đình mình, nhất là cái tôn giáo đó lại là thứ tôn giáo cuồng tín như Công giáo LaMã. Nhiều cha mẹ sẵn sàng từ con hoặc vợ bỏ chồng, chứ không bao giờ chấp nhận bỏ đạo, vì vậy mọi người Công giáo tỉnh ngộ vẫn cứ phải im lặng làm hòa cho yên cửa yên nhà. Nhiều người lại cho rằng chống lại đạo của cha mẹ ông bà mình là bất hiếu nên họ đã không dám thoát ra khỏi cái tròng của đạo. Bài viết “Củ Khoai Lùi Bếp Tro” tôi đính kèm theo đây nói lên cái hoàn cảnh ấy. Chính cái tinh thần dân tộc còn sót lại trong tôi đã giúp tôi thoát khỏi cái tròng Công giáo của văn hóa du mục Babylon để trở về với văn hóa dân tộc Việt Nam.

  Tôi ví cái văn minh Tây phương (trong đó có đạo Công giáo) cũng như món “french fries” hay “smashed potato”, bề ngoài trông có vẻ “văn minh” nhưng không thích hợp với tôi bằng ”củ khoai nướng lùi tro”. Đối với tôi, củ khoai nướng mộc mạc đơn sơ nhưng bên trong củ khoai là tất cả vị ngon nguyên chất ngọt ngào và mùi thơm của nó đượm cả tình người.

  Tôi yêu văn hóa dân tộc cũng như yêu củ khoai mà mẹ tôi nướng vùi tro thảy cho tôi ăn hồi còn nhỏ. Tôi bỏ văn hóa ngoại lai để trở về với văn hóa dân tộc đâu có phải là bất hiếu với cha mẹ ông bà đâu. Tôi không chấp nhận tôn giáo không có nghĩa là tôi trở thành kẻ vô thần và vô đạo đức. Tôi chỉ từ bỏ cái quan niệm sai lầm về Chúa (hay Thượng Đế), chứ tôi không chống lại các đấng thiêng liêng. Tôi từ bỏ tôn giáo vì tôn giáo không cần thiết cho con người, chứ không phải vì tôi muốn sống buông thả, vô đạo đức.

  Đó là nội dung tư tưởng tôi muốn diễn đạt trong bài viết này với ước mong được các bạn giúp thêm ý kiến.
Thân ái,
                                                                                                                                                  Chấn

CỦ KHOAI LÙI BẾP TRO  
Chúng ta đang sống trong thời đại của những cơ hội và những thách thức không thể tiên đoán. Nền khoa học xuất phát từ văn minh Tây phương không ngừng mở rộng những chân trời kiến thức khiến con người có thể sáng tạo nên những kỳ quan kỹ thuật không kém gì những phép lạ của Thượng đế. Con người đã thành công sáng tạo ra những con cừu hay những con chuột giống hệt như nhau từ những tế bào sinh vật. Con người cũng đã thành công trong việc làm những cơn mưa nhân tạo, hoặc trong việc nghiên cứu các “genes” để tạo ra những giống lúa, rau, quả theo ý muốn. Các nhà hóa học đang tìm cách phục chế các loại rác do loài người phế thải mỗi ngày để giảm bớt tối đa sự phung phí nguyên liệu. Giới y khoa đã thành công chế tạo vài loại thuốc chủng ngừa bằng DNA để giúp con người chỉ cần chủng ngừa một lần cũng đủ tránh được một vài thứ bệnh nào đó trong cả cuộc đời.

  Thế giới khoa học Tây phương vẫn liên tục đóng góp mỗi ngày vào kho dự trữ kiến thức của nhân loại. Chỉ trong phạm vi Anh ngữ không thôi, người ta tính ra có tới 7000 tài liệu được viết ra mỗi ngày về các đề tài khoa học. Không một ai có đủ thỉ giờ và sức lực để đọc, chứ không nói tới chuyện có hiểu hay không.

  Chúng ta tự hào đang được sống trong thời đại Tin Học (Information Age) nhưng thực sự ra chúng ta đang bị tràn ngập bởi những dữ kiện (data) mà phần lớn đã làm cho chúng ta điên đầu lo lắng và căng thẳng thần kinh. Mọi người Tây phương hầu như đang được sống trong cuộc sống vật chất đầy đủ nhất từ xưa đến nay, nhưng con số những người bị căng thẳng tinh thần, thậm chí là mắc bệnh tâm thần lại có phần gia tăng hơn trước. Rõ ràng cuộc sống vật chất sung mãn không phải là điều kiện cần và đủ cho một cuộc sống hạnh phúc của con người.

  Nói như vậy không phải chúng ta có ý làm giảm giá trị của khoa học trong nền văn minh Tây phương. Trái lại, chúng ta đánh giá cao những thành tựu của nền khoa học đó và nhân loại phải biết ơn những nhà khoa học Tây phương đã góp công vĩ đại nâng cao mức sống và tầm hiểu biết của toàn thể loài người chúng ta về mọi lãnh vực. Vấn đề cốt lõi là chúng ta không thể quên cái trọng tâm của thế giới này là chính CON NGƯỜI. Chúng ta không thể sống hạnh phúc với thân xác và với thế giới giầu có về vật chất mà không cần một cái gì khác, nhất là không cần để ý tới ai. Để có được một cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc trọn vẹn thì ngoài cuộc sống vật chất đầy đủ ra chúng ta cần có một tâm hồn ổn định hài hòa với tình thương bao la ràn trải tới mọi đồng loại.

  Phải chăng lịch sử loài người đã có hoặc sẽ có một “thời đại hoàng kim”, trong đó tập thể con người được sống trong hòa bình và yêu thương nhau ? Nói một cách khác, muốn sống có hạnh phúc, chúng ta cần có trước hết là “tình người”. Phải chăng đó là tuyệt đỉnh của văn minh nhân loại ? Phải chăng ngọn đuốc của sự hiểu biết về cái “cùng kỳ lý” đã không được truyền tay từ đời xưa đến đời nay một cách liên tục và nó đã bị thất lạc trong một chặng nào đó trong chiều dài của những thiên-niên-kỷ ?

  Nêu lên những câu hỏi này là chúng ta đang rất quan tâm đến những giá trị tinh thần đã bị thất lạc. Có thể những giá trị tinh thần qúi báu đó đã không được các sử gia, các nhà khoa học và các chính trị gia Tây phương để ý tới. Chúng ta có thể qủa quyết một điều là nền văn minh của nhân loại đã không bùng nổ đột biến như hiện tượng “Big Bang”. Nền văn minh đó đã hình thành bằng những bước đi dò dẫm chậm chạp trên đường tiến hóa dài tới cả triệu năm. Khoa học khảo cổ đã đạt những thành tựu lớn lao trong việc khám phá quá khứ của nền văn minh nhân loại, nhưng ánh sáng của ngành khoa học này mới chỉ soi rọi tới cái giới hạn của nó là thời kỳ đồ đá (Stone Age) tức khoảng thời gian từ 25000 đến 4000 năm trước công nguyên (TCN).
Người Tây phương đã tìm ra những cái nôi của nền văn minh như Summer, Babylon, Dilmun, Elam, Ai Cập,.... Những cái nôi của nền văn minh ấy đều đã xuất hiện vào cuối thời kỳ đồ đá (8000-4000 TCN) nhưng người ta vẫn chưa hiểu rõ tại sao tất cả những nền văn minh ấy đều đã bị tiêu diệt. Phải chăng sự qúa mê tín vào kiếp sau và lo cho kiếp sau (người Ai Cập lo xây kim tự tháp làm suy sụp kinh tế quốc gia) và chiến tranh tôn giáo đã là những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự hủy diệt những nền văn minh ấy ?

Người Tây phương cũng không tránh khỏi những nhận định chủ quan trong sự đánh giá những nền văn minh đó. Từ khi Napoléon kéo quân đến chiếm Ai Cập vào đầu thế kỷ 18, ông ta đã ngỡ ngàng đứng ngắm nhìn những kim tự tháp. Tiếp theo đó là những khám phá thành công của ngành khảo cổ tại vùng Cận Đông với các di vật đã hùng hồn nói lên cái quá khứ đầy huy hoàng tráng lệ của Babylon và đất thánh Jerusalem.

Thế giới phương Tây dường như có ấn tượng cho rằng vùng Cận Đông là cái nôi duy nhất của văn minh nhân loại. Những phát minh đầu tiên là những phát minh chưa từng có bao giờ trước đó (The firsts of first time ever) đều được gán cho là của giống dân Sumerians, những người đầu tiên định cư tại Babylon mà người Hy Lạp gọi là Mesopotamia. Mesos là “ở giữa” (Middle); Potamia là “những con sông” (Rivers). Đó là miền châu thổ được tạo nên bởi hai con sông Euphrate và Tigris, người Hoa dịch ra là Lưỡng-Hà-Châu. Hiện nay cả vùng này chỉ là một sa mạc mênh mông cách thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 80 dặm về phía Nam.

Ngày nay, người ta đã nhận thấy những nhận định trên đây là thiên lệch và chủ quan quá đáng. Bởi lẽ nhiều nền văn minh cổ khác đã được khám phá tại Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico (văn minh Maya).

Sự thật là thế giới cổ đã xuất hiện nhiều nền văn minh độc lập tại nhiều vùng khác nhau, trong số đó tại sao lại không thể có một nền văn minh thuần túy Việt Nam ?

Vì một lý do nào đó chưa rõ, tất cả các nền văn minh cổ đều đã tàn lụi, nhưng điều may mắn là các nền văn minh ấy đều để lại những dấu vết trong kho tàng kinh nghiệm của loài người. Không có một nền văn minh nào là kẻ sống sót duy nhất trên hành tinh này !

Trong tác phẩm “Truy Tìm Cái Nôi của nền Văn Minh” (In Search of the Craddle of Civilization) của ba tác giả George Feverstein, Subhash Kak và Davis Frawley – Quest Book 1995, nhiều nhà khoa học thuộc ngành khảo cổ đã đưa ra một nhận định mới cho rằng ngoài Babylon ra còn có nhiều cái nôi văn minh khác đã phát sinh một cách riêng biệt tại nhiều vùng khác nhau trong thế giới cổ. Điều nhận xét đặc biệt của họ là những cái nôi của văn minh nhân loại đều nằm trong cái vòng đai chạy quanh trái đất song song với đường xích đạo. Hầu hết đều ở gần Hạ Chí Tuyến (Tropic of Cancer) song song và nằm về hướng Bắc của đường Xích Đạo. Vòng đai này chạy qua Ai Cập, Babylon, Jerusalem, Bắc Ấn và miền Bắc Việt Nam (sách dẫn chiếu, p. XIX).

Để góp phần vào việc khôi phục và phát huy nền văn hóa Việt Nam, chúng ta cần phải đi vào trọng tâm của vấn đề là moi tìm những sự hiểu biết khôn ngoan của tổ tiên chúng ta về cái “cùng kỳ lý” của vũ trụ và cuộc sống. Đó là quan niệm của tổ tiên chúng ta về lẽ âm dương trong vạn vật và thái độ ứng xử khôn ngoan của tổ tiên chúng ta là chấp nhận những mặt đối lập để cùng tồn tại và phát triển theo cái lẽ “tương khắc, tương sinh”. Áp dụng sự khôn ngoan của tổ tiên vào thái độ sống của chúng ta hiện nay là: hãy mở rộng con tim và khối óc để đón nhận những dị biệt của các nền văn hóa ngoại lai du nhập với một tinh thần bao dung hài hòa. Tổ tiên chúng ta không dành độc quyền chân lý:

“Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời”
“Rằng trong lẽ phải có người có ta”

Biết ta có cái hay của ta, người có cái hay của người. Điều quan trọng là biết học hỏi cái hay của người để bổ túc cho cái thiếu xót của ta và biết dùng cái Đức của ta để cảm hóa cái xấu, cái dở của người.

“Có đi có lại mới toại lòng nhau”

Nhưng cuối cùng, tổ tiên chúng ta không tranh thắng với ai bằng cái lý, vì thắng bằng cái lý không thôi sẽ làm cho kẻ thua mất mặt và làm mất đi cái tình cảm thương yêu lẫn nhau. Tổ tiên chúng ta rất đau xót nếu có ai làm mất đi cái tình cảm đó.

“Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”

Chúng ta không kỳ vọng quá cao vào riêng cái kho tàng văn hóa của dân tộc để cho rằng sự hiểu biết khôn ngoan của tổ tiên đủ để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống hôm nay. Thật sự chúng ta cần phải học hỏi Tây phương rất nhiều về phương pháp tổ chức, óc phân tích khoa học, tinh thần trọng sự chính xác và nhất là ý chí phấn đấu liên tục trong học hỏi, tìm hiểu và phát minh để không ngừng tiến bộ mọi mặt.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng cái kho tàng hiểu biết khôn ngoan của tổ tiên chúng ta đã được chắt lọc qua biết bao gian lao thử thách trong cuộc sống của toàn dân, nó là sợi chỉ xuyên suốt của bản sắc dân tộc qua nhiều ngàn năm lịch sử dấu tranh để đất nước ta còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Hiển nhiên là cái kho tàng hiểu biết khôn ngoan của tổ tiên, tức là cái gốc của nền văn minh Việt Nam, đã được chứng nghiệm qua quá khứ 4000 năm lịch sử. Vậy nó phải có một giá trị nhất định. Ít nhất cái vốn văn hóa dân tộc cũng giúp chúng ta xác định được một thái độ sống dung hòa, lấy tình người làm trọng tâm. Thái độ sống đó hướng dẫn chúng ta cần phải tránh mọi chủ nghĩa và mọi tôn giáo cực đoan, vì những thứ cực đoan này đã tàn phá thế giới và hủy diệt tình người.

Dưới ánh sáng của văn hóa dân tộc, chúng ta hãy bình tâm đánh giá lại mọi chủ nghĩa và mọi tôn giáo mà chúng ta đang theo :

Mọi tôn giáo hay mọi chủ nghĩa chỉ có thể là chính đáng nếu nó thực sự phục vụ con người. Bất cứ một thứ chủ nghĩa nào, dù nhân danh quốc gia hay xã hội, mà chà đạp hủy hoại con người đều là những tà thuyết đáng lên án. Mọi thứ tôn giáo dù nhân danh Thượng đế hay hứa hẹn một thiên đàng vĩnh cửu nhưng đã ngăn cách con người với nhau và hủy diệt lẫn nhau vì những tranh chấp thế tục thấp hèn thì đó không phải là những tôn giáo “thật”. Những tôn giáo đó thực chất chỉ là buôn thần bán thánh của những người khoác áo thầy tu để lừa bịp con người và đi ngược lại ý Thượng đế.

Phật đã dạy mọi chúng sinh đều có Phật tính. Như vậy Phật đã có sẵn ở trong lòng mỗi người. Muốn tìm Phật thì cứ việc tìm Ngài ở trong lòng mình, không cần phải tới chùa - Phật tại tâm chứ không tại chùa. Hãy tin vào chính mình và nhớ lời ông cha ta dạy rằng: bộ áo khó làm nên thầy tu. Tổ tiên chúng ta dạy chúng ta cái tinh thần đề cao cảnh giác “miệng tụng Nam Mô, bụng bồ dao găm”

Chúa Jesus còn dạy kỹ hơn: “Kẻ giàu vào nước thiêng đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Ai cũng biết giáo hội Vatican là giáo hội giàu nhất thế giới với tài sản hàng ngàn tỷ Mỹ kim. Vậy cả cái giáo hội Vatican chắc chắn là khó mà chui lọt lỗ kim đó ! Ai muốn lên thiên đàng thì hãy nghe lời Chúa, chứ đừng nghe các vị thừa sai của giáo hội mà phải sa hỏa ngục đời đời. Bao nhiêu công sức bỏ ra để đọc kinh rã họng cả mấy chục năm cũng đều đổ xuống sông xuống biển. Trong Thánh Kinh, Chúa cũng dạy con người hãy tránh xa các nhà thờ, vì Chúa không ở trong đó: “Thánh Linh của Thiên Chúa không ngự trong các đền thờ do bàn tay con người tạo nên” (The Holy Spirit no longer dwelth in temples made by men’s hands – Acts 17:24). Thánh Kinh xác định: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa. Thánh Linh của Thiên Chúa ngự trong anh em” (Ye are the temple of God. The Spirit of God dwelth in you – ICor. 3:16).

Rõ ràng một điều là Phật cũng như Chúa đều dạy mọi người hãy quay về với chính nội tâm của mình. Nội tâm của mổi người mới là Chùa thật và đền thờ thật. Mọi thứ nhà thờ, thánh thất hay chùa chiền miếu mạo ta thấy bên ngoài đều là đồ giả. Đó chính là những trung tâm dẫn dắt con người xa rời các lời dạy chân chính của Phật và Chúa. Mái chùa hay mái nhà thờ càng rộng lớn bao nhiêu càng che khuất ánh sáng mặt trời chân lý bấy nhiêu. Bức tường của nhà thờ hay chùa do người ta xây dựng càng cao bao nhiêu thì càng ngăn cách con người với nhau bấy nhiêu. Các tu sĩ giảng giải dông dài chính là những người đầu tiên phản bội lại các giáo chủ của mình, trước khi phản bội đồng đạo nhẹ dạ của họ.

Trước khi các đạo du nhập vào đất nước ta, tổ tiên chúng ta đã sống hàng ngàn năm bình yên, hạnh phúc mà không cần tới một đạo nào cả. Tổ tiên chúng ta đã nhận thức rằng: chúng ta đã có sẵn một đạo cao hơn tất cả các tôn giáo, đó là “Đạo Làm Người”.

Tổ tiên chúng ta là con Hồng cháu Lạc, chứ không phải là con cháu của Adong-Evà, nên không hề mắc cái “tội tổ tông”. Do đó chúng ta chẳng cần một thứ chúa Cứu Thế nào cứu chuộc. Vào năm 40 sau Công-nguyên, hai Bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã cứu nước ta thoát ách đô hộ ngoại bang và dành lại độc lập cho tổ quốc. Hai Bà, sấp sỉ bằng tuổi Jesus, và hai Bà Trưng đã thực sự là Chúa Cứu Thế của dân tộc ta. Jesus lúc đó còn bận giảng đạo ở Jerusalem, chẳng biết cái xứ Giao Chỉ nằm ở nơi nào trên địa cầu làm sao tới cứu? Jesus bị quân La Mã đánh đập tơi bời rồi bị đóng đinh trần truồng trên thập giá về cái tội dám chống lại đế quốc. Jesus là nạn nhân của bọn đế quốc La Mã. Đối đầu với cả một đế quốc hung bạo, Jesus đã không thể tự cứu mình, nên đã phải chết dưới tay chúng.

Một người đã không thể cứu nổi chính mình thì làm sao có khả năng làm Chúa Cứu Thế cả thế gian, trong đó có cả những người chủ mưu giết mình ? Học giả Do Thái Leonard Yassen đã viết rất chí lý trong tác phẩm “The Jesus Connection to Triumph over Anti-Semistism” (Crossroad 1995) : “Jesus không hề biết gì về Ki Tô Giáo (Christianity), cũng không chết với danh nghĩa là người dã sáng lập ra đạo này, mà chết vì danh nghĩa một công dân Do Thái”. Ông gọi Ki Tô Giáo là một cái boomerang vĩ đại do đế quốc La Mã tạo ra để khiến cho nó quay lại tiêu diệt tổ quốc của công dân Jesus. Do Thái quả là một một dân tộc được chọn (a chosen people), nhưng người chọn không phải là Thiên Chúa mà là đế quốc La Mã. và họ đã chọn dân tộc Do Thái với mục tiêu rõ rệt là để tiêu diệt dân tộc này.

Kẻ viết bài này đã viết trong tinh thần thanh thản, không một chút ác cảm riêng tư nào đối với Công Giáo, vì đạo này là đạo của tổ tiên, gia tộc nội ngoại từ thế kỷ 16. Mọi người thân thiết của đời tôi, tất cả đều là những tín đồ Công Giáo nhiệt thành đến độ sẵn sàng “tử vì đạo” bất cứ lúc nào. Tôi đã sinh ra và lớn lên trong môi trường đậm đặc ấy của Công Giáo miền quê Nam-Định. Nhưng cũng tại nơi miền quê đó, cái bản sắc đặc biệt của dân tộc tính Việt Nam vẫn không phai nhòa trong đáy sâu cùng tận linh hồn của những người nông dân chất phác hiền hòa. Cái ánh sáng của văn hóa dân tộc còn sót lại nơi tôi đã cởi trói cho tôi và giải thoát tôi khỏi “cái tròng Công Giáo” (The Catholic Loop – theo cách nói của bà Joanne H. Meehl, tác giả cuốn Người Công Giáo Tỉnh Ngộ - The Recovering Catholic – Prometheus Books, NY 1995).

Đã sống nhiều năm ở hải ngoại, tôi đã ăn nhiều “french fries, baked potatos, smashed potatos”, nhưng tôi vẫn nhớ như in cái hương vị ngọt ngào độc đáo của củ khoai mẹ tôi lùi trong bếp tro rơm rạ. Đã hơn nửa thế kỷ qua rồi mà sao cái hương vị ngọt ngào ấy vẫn như còn tồn đọng trong đáy sâu tâm hồn tôi. Đặc tính văn hóa dân tộc Việt Nam có lẽ không khác mấy với hình ảnh củ khoai đơn sơ mộc mạc lùi tro trong căn bếp mái tranh vách đất năm xưa. Bề ngoài củ khoai nướng trông đen thui xấu xí, nhưng tất cả hương vị ngọt ngào nguyên chất của nó đã không mất đi đâu chút nào mà đều qui tụ vào trong. Văn hóa dân tộc ta không có cái vẻ kiêu sa lộng lẫy như văn hóa Tây Phương vì nó chìm sâu trong lòng người với tất cả những gì nguyên chất của giá trị CON NGƯỜI. Xét về thực chất giá trị, chưa hẳn nền văn hóa Tây phương đã cao hơn văn hóa Việt Nam. Cũng như hương vị thơm ngon của french fries hay smashed potatos chưa chắc đã bì kịp với hương vị ngọt ngào độc đáo của củ khoai lùi bếp tro.

Cái hương vị ngọt lịm nóng hổi của củ khoai nướng thô sơ mộc mạc cũng như lòng thương con chân thật của bà mẹ quê đã thấm sâu vào từng giọt máu, từng đốt xương và từng hơi thở của linh hồn. Tôi vẫn ghi lòng tạc dạ những lời mẹ dặn: “Con hãy sống theo lời Chúa. Thánh Kinh là kho tàng của sự khôn ngoan để cho con học hỏi suốt đời”. Quả thật, chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều khôn ngoan tốt lành nơi Thánh Kinh, nhưng không phải mọi điều trong đó đều khôn ngoan và tốt lành cả. Trong Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước không thiếu gì những điều nhảm nhí, ác độc và vô luân. Vấn đề quan trọng là khi đọc Thánh Kinh, cũng như khi đọc mọi cuốn sách khác, ta cần phải biết phân biệt đâu là điều đúng, đâu là điều sai. Thánh Kinh chẳng phải là cuốn sách thiêng liêng ghi chép những lời của Chúa, vì Chúa là đấng thiêng liêng chẳng nói bao giờ. Tất cả chỉ là những lời của người phàm tục được gán cho Chúa qua cái mà người Công giáo thường gọi là sự “mặc khải”. Cả ba tôn giáo độc thần (Do Thái, Ki Tô, Hồi) đều vin vào sự mặc khải này để buộc tín đồ phải tin Thánh Kinh của mình là chân lý tuyệt đối. Đó là nguyên nhân chính yếu dẫn đến thái độ tự tôn mù quáng và độc quyền chân lý. Cả ba tôn giáo thờ cùng một ông chúa đều muốn dành độc quyền chân lý, nên đã gây thánh chiến với nhau tạo nên cảnh núi xương sông máu trong hơn chục thế kỷ qua. Họ đã biến Thánh Kinh của Tình Yêu (Gospel of Love) thành Thánh Kinh của lòng hận thù (Gospel of Hatred). Vậy Thánh Kinh đã rõ ràng không phải là lời của Chúa. Qủy sứ cũng có thể viện dẫn Thánh Kinh để giải thích cho những việc làm ác độc của chúng. Thánh Kinh chỉ là tấm màn che mỹ miều để những phần tử lợi dụng tôn giáo núp đằng sau tha hồ tác yêu tác quái mà vẫn được các nạn nhân của họ kính trọng như thường!

Mỗi khi suy nghĩ về đạo Công giáo là đạo lâu đời của ông bà tổ tiên, tôi thường áy náy trong lòng và tự hỏi mình liệu có phạm tội bất hiếu hay không. Trong những hoàn cảnh ấy tôi thường nghĩ đến mẹ tôi và tâm sự với người trong tư tưởng :

Mẹ ơi ! Con cám ơn mẹ đã cho con một trí óc để suy xét, một trái tim để yêu thương và một lương tâm để đón nhận những lời nói chân thật. Con không tin những lời người ta nói trong sách, dù đó là sách Kinh Thánh, nhưng chỉ tin vào những lời nói của lương tâm trong tâm hồn chân thật của con mà thôi.

Con kính trọng mẹ là một người phụ nữ Công giáo chân thật, hết lòng mến Chúa, yêu người. Đồng thời mẹ cũng là một người nông dân Việt Nam chân thật, vì mẹ đã sống thật với lòng mình, vốn rất đơn sơ, mộc mạc, hiền hòa. Mẹ không ưa lý luận cao xa, mà chỉ biết yêu thương vô điều kiện. Mẹ đã tìm thấy thiên đàng của Chúa trong tâm hồn bình an của mẹ ngay lúc còn sống trên cõi đời này. Mỗi lần giỗ mẹ, con không cầu xin Chúa cho mẹ được rỗi linh hồn, vì mẹ đã rỗi linh hồn từ khi còn sống. Con không theo một tôn giáo nào, nhưng con tôn kính con người thật của Jesus, cũng như tôn kính con người thật của Thích Ca Mâu Ni. Con tôn kính các Ngài, nhưng chẳng bao giờ muốn mình trở thành công dân Do Thái hay Ấn Độ, và càng không muốn trở thành công dân của Vatican. Tổ Quốc muôn đời của con vẫn là Việt Nam. Cả Jesus lẫn Thích Ca đều là những chân sư của con, vì các Ngài đều là những “ngón tay chỉ trăng” hướng dẫn con trên đường giác ngộ. Các Ngài đều là những trí tuệ bậc cao để cho con từ thấp ngó lên ngưỡng mộ, chứ không phải để tôn thờ. Các Ngài đều đã được sinh ra bởi người, chẳng phải đã sinh ra từ đất bùn cũng chẳng phải đã được sinh ra bởi người mẹ “đồng trinh”. Các Ngài đều đã không thoát được cái qui luật ”sinh, lão, bệnh, tử” và cả Chúa lẫn Phật đều đã trở về với cát bụi vô tri vô giác từ lâu. Như vậy các Ngài chẳng có chút quyền năng nào để ban ơn hay trừng phạt con người. Do đó, việc cầu xin Chúa hay cầu khấn Phật để xin ơn này ơn kia đều là những hành động mê tín nhảm nhí, hoàn toàn vô ích.

Cả Chúa trong nhà thờ lẫn Phật trên chùa đều là những hình tượng do người ta dựng lên. Chẳng có Chúa, Phật nào thưong con thật tình bằng mẹ thương con.

Dù cho thời gian phôi pha và dù sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, hương vị của những củ khoai nướng lùi bếp tro vẫn cứ mãi vấn vương trong lòng con, vì đó chính là biều hiệu tình yêu thương bất diệt của mẹ trong linh hồn con.

Mẹ ơi, linh hồn Việt Nam chân thật của mẹ vẫn sống mãi trong con !


                                                                                                                    Charlie Nguyễn
                                                                                                                                     1999

Tiểu Sử Charlie Nguyễn
 
Vài nét sơ lược về thân thế của Charlie Nguyễn

Tên thật là Bùi-Văn-Chấn, sinh năm 1937 tại Ninh-Cường, thuộc Bùi-Chu, tỉnh Nam-Định.
Đậu Cử Nhân Luật Khoa tại Saigon năm 1962.
Làm việc tại Công-Quản Hỏa-Xa Việt-Nam trong 3 năm sau khi ra trường. Giữ các chức vụ:
Đại diện Giám-Đốc Hỏa-Xa tại Đà-Nẵng (1963-64)
Trưởng Ty Khai Thác Hỏa-Xa (Saigon-Phan Thiết)
Tháng 4 năm 1965 được gọi nhập ngũ, theo học khóa 20 Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Từ 1966 đến tháng 4/1975: phục vụ ngành Quân-Pháp, Bộ Quốc-Phòng, với tư cách thẩm phán quân sự:
- Thẩm phán Công Tố, Tòa Mặt Trận Vùng 4 (Cần-Thơ)
- Dự Thẩm Tòa Án Quân Sự Saigon
- Thiếu Tá Thẩm Phán Công Tố, Tòa Mặt Trận vùng 3 và Biệt Khu Thủ Đô (Saigon)
Sau 1975, đi tù cải tạo ở Yên-Bái, Vĩnh-Phú và Xuân-Lộc.
Được trả tự do tháng 8-1984.
Qua Mỹ cùng gia đình đầu năm 1991 theo diện H.O. và định cư tại Houston, Texas từ đó đến nay.

Phụ chú của tòa soạn:
Charlie Nguyễn xuất thân đạo dòng, gia đình Công Giáo chính cống từ đời các nhà truyền giáo mới đến truyền đạo ở xứ Ninh Cường, Bùi Chu (thế kỷ 16).  
Nhiều tháng trước khi qua đời, ông đã quy y theo "đạo Phật" pháp danh là Thích Quảng Chánh-Kiến do một vị Hòa thượng tại hạt Cam (Orange County) đặt cho.
Charlie Nguyễn đã qua đời ngày 1 tháng 3, năm 2005, để lại nhiều công trình bằng nước mắt và tình yêu dân tộc.
                                                                                                                 Trang Sách Hiếm

Xem tiếp...

BÀI VIẾT HAY 28

(ĐC chép từ donglasg.blogspot.com)

ĐÔNG LA
TRỊNH HỮU LONG - ẤU TRĨ VÀ NGU NGƠ
(Về việc bênh vực Đoan Trang và “nhóm 258”)
Nhóm “Phản đối Tuyên bố 258” của Nhật Lệ lại gởi email cho tôi hai bài:
1- Cuộc tranh luận về điều luật 258 của Kính Hòa (phóng viên RFA,
2013-09-18).
2- Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258 của Trịnh Hữu Long (http://blog.trinhhuulong.com/, 20/9/2013).
Với lời giới thiệu: “Có bài của cây báo gạo cội Trịnh Hữu Long phản bác bác Đông La và Hoàng Thị Nhật Lệ ạ” và nhờ “Bác nghiên cứu giúp”.
Tiếc là tôi vẫn chưa biết “cây báo gạo cội” Trịnh Hữu Long là ai?
Về bài của Kính Hòa (phóng viên RFA).
Phóng viên này kể: “Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận… Cô Hoàng Thị Nhật Lệ, một trong những người tiến hành thu thập chữ ký để phản đối kiến nghị 258”, rồi cho biết Nhật Lệ đã “nói” với “đài RFA”:
Điều luật hình sự nước CHXHCN VN năm 1999, sửa đổi năm 2009 qui định rõ áp dụng với những kẻ lợi dụng quyền tự do dân chủ, tôi nhấn mạnh lợi dụng, để xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích của cá nhân và tổ chức. Đối với những người không lợi dụng thì đâu có lý do gì mà sợ”.
Ý của Nhật Lệ như vậy là đúng một cách hiển nhiên. Việc phản đối Điều 258 đồng nghĩa với việc đề nghị nhà nước công nhận sự “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để “xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích của cá nhân và tổ chức”. Một điều mà bất cứ ai chưa mất trí khôn cũng phải thấy là phi lý.
Nhật Lệ nói tiếp: “Điều luật 258 đã được quốc hội Việt Nam, cơ quan lập pháp cao nhất của nước Việt Nam, khi muốn chỉnh sửa điều này thì phải cần sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam. Trong khi họ chỉ là một nhóm nhỏ không được sự đồng thuận của nhân dân Việt Nam, đến các đại sứ quán các nước để trao bản tuyên bố nhân danh các blogger, các facebooker, chúng tôi không đồng ý”.
Ý này cũng lại quá đúng luôn. Quốc hội VN là cơ quan quyền lực cao nhất nước ta, cá nhân, nhóm người có thể có kiến nghị gửi đến Quốc hội theo các cách thức khác nhau, như trực tiếp gặp Đại biểu Quốc hội hoặc các Đoàn Đại biểu Quốc hội ở các địa phương chẳng hạn. Quốc hội buộc phải xem xét. Nếu đúng Quốc hội phải nghe theo, nếu sai Quốc hội không nghe. Có điều đúng hay sai là do Quốc hội quyết định, đơn giản là vì Quốc hội có quyền. Nếu kiến nghị bị bác bỏ thì người kiến nghị phải chịu, còn không chịu, muốn thực hiện ý mình bằng được thì chỉ có cách là phải lật đổ chế độ hiện thời thôi, rồi lập ra một chế độ mới để thực hiện được ý mình. Nhưng làm không được bị tù thì ráng mà chịu! Nhóm “Tuyên bố 258” biết trước ý mình không bao giờ được Nhà nước chấp thuận nên đã đưa bản Tuyên bố cho nước ngoài. Cần phải hiểu hành động đó thật liều lĩnh, bởi nó có tính chất phản quốc, đi cầu ngoại bang can thiệp vào công việc nội bộ của VN.
Kính Hòa kể tiếp:
Chúng tôi hỏi chuyện cô Phương Dung, một trong những người thuộc nhóm kiến nghị 258 và cũng thuộc nhóm các bloggers đến cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc để trao kiến nghị. Cô Phương Dung nói về nhóm đang phản đối nhóm 258:
“ …Họ nói chúng tôi là mạo danh làm ô uế tinh thần dân tộc của họ, trong khi chúng tôi là những người công khai có tên tuổi đàng hoàng.
Họ nói rằng đấy là công việc của Bộ ngoại giao trong khi Nhà nước có quyền lực trong tay đàn áp người dân thì làm sao người dân có thể lên tiếng được. Họ nói chúng tôi là cầu viện ngoại bang như Trần Ích Tắc, thế thì ngày xưa bác Hồ cũng yêu cầu Mỹ can thiệp để trả độc lập cho Việt Nam, hay là nhận viện trợ từ Trung Quốc thì sao? Họ nói chúng tôi cũng giống ông Hồ Chí Minh à?...”
Cái chuyện “làm ô uế” tùy thuộc tính chất của hành động chứ không phải “công khai tên tuổi” thì không ô uế! Không lẽ công khai đi ăn cướp thì không xấu chăng? Việc phát ngôn tùy tiện: “Nhà nước có quyền lực trong tay đàn áp người dân” cũng là phạm tội vu cáo. Bởi Nhà nước VN chưa có bất kỳ một chính sách nào để “đàn áp người dân”. Nếu trong xã hội có hành động như vậy là phạm pháp. Nhưng cũng cần phải phân biệt việc bắt và trấn áp những cá nhân, nhóm người quấy rối, làm càn vì an ninh chung không phải là “đàn áp”. Trong khi thi hành trọng trách đó, những cá nhân có thể có những hành động thiếu bình tĩnh và mất kiềm chế cũng sẽ là sai trái. Nhưng cho những cái đó là “nhà nước đàn áp người dân” là phóng đại xuyên tạc.
Còn Phương Dung cho “Họ nói chúng tôi là cầu viện ngoại bang như Trần Ích Tắc, thế thì ngày xưa bác Hồ cũng yêu cầu Mỹ can thiệp để trả độc lập cho Việt Nam, hay là nhận viện trợ từ Trung Quốc thì sao? Họ nói chúng tôi cũng giống ông Hồ Chí Minh à?...”
Việc cho hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh giống hành động của Trần Ích Tắc, hành động của mình giống hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đúng là cái lý sự bậy bạ, mất dạy, dốt nát và bố láo!
Phải hiểu Trần Ích Tắc khi Nhà Trần đang đánh quân xâm lược Nguyên Mông thì đem cả gia đình đi hàng giặc, được Hốt Tất Liệt phong làm An Nam Quốc vương và chờ ngày đưa trở về nước làm vua tay sai. Khi quân Nguyên Mông đại bại, Trần Ích Tắc phải ở lại làm quan rồi chết luôn ở bên Trung Quốc. Vì sự phản bội này nhà Trần đã loại Ích Tắc ra khỏi tôn thất, cho đổi tên thành Ả Trần (hèn nhát như ả đàn bà).
Vì vậy hành động hàng giặc cầu vinh, phản bội lại đất nước sao lại cho giống như hành động của Bác Hồ “yêu cầu Mỹ can thiệp để trả độc lập cho Việt Nam”, “nhận viện trợ của Trung Quốc” để chống ngoại xâm, giải phóng đất nước? Hai hành động có mục đích trái ngược nhau sao lại cho là như nhau? Đó là cái nhìn của một cái đầu trí thấp, tâm tối, không còn phân biệt được cái gì là đúng sai, cái gì là tốt xấu nữa!
Còn bài của Trịnh Hữu Long?
Trịnh Hữu Long cũng có một “cái nhìn của một trí thấp, tâm tối không còn phân biệt được đâu là đúng sai, đâu là tốt xấu” về chuyện “cầu viện” như của Phương Dung vừa nói ở trên, không cần bàn nữa cho mất công.
Về chuyện tiếm danh của nhóm “Tuyên bố 258”?
Trịnh Hữu Long cho nhóm “Tuyên bố 258” tiếm danh cũng như : “Năm Hồ Chí Minh cùng các đồng chí đã lập ra “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa”; “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông””. Rồi Đảng lao động Việt Nam lập ra một tờ báo lấy tên là “Nhân dân” và tự nhận là “tiếng nói của nhân dân Việt Nam”, v.v…
Về logic hình thức Trịnh Hữu Long rất đúng, nhưng về bản chất thì sai hoàn toàn. Khi Bác Hồ và Đảng có những hành động như trên là khi dân ta đã mất nước, các hành động đó đã vì lợi ích của cả dân tộc, ngoại trừ những kẻ bù nhìn, tay sai. Vì tính chất của những hành động nói lên đúng nguyện vọng của nhân dân, nên mới được công nhận, và cả dân tộc đã tin và đi theo Đảng, Bác; có vậy thì cuối cùng mới giành được thắng lợi. Còn nhóm “Tuyên bố 258” ngược lại, chỉ có dúm người sao lại nhân danh “Việt Nam” chống lại Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của chính nước VN? Nếu cho hành động đó đúng thì chỉ là nhân danh một nước VN nào khác chưa ra đời mà thôi!
Còn nhóm Nhật Lệ cũng chỉ là “một dúm người”, cũng nhân danh “Việt Nam”, nhưng hoàn toàn có lý vì mục đích là để bảo vệ Quốc hội và Nhà nước VN, nghĩa là nhóm Nhật Lệ đã lên tiếng hộ mọi người. Vì đúng, có lý nên chỉ trong một thời gian rất ngắn đã được nhiều cá nhân cũng như các cơ quan ủng hộ gấp rất nhiều lần cái Tuyên bố phạm pháp của nhóm Đoan Trang. Như vậy tiếm danh hay không là do tính chất của hành động chứ không phụ thuộc vào lượng người, khi ông Nguyễn Cao Kỳ tự nhận là bù nhìn thì cả cái thể chế VNCH cũng không thể đại diện cho VN!
 Về chuyện “Nhóm nhỏ cá nhân không được phép liên hệ với sứ quán”?
Trịnh Hữu Long viết: “Blogger Hoàng Thị Nhật Lệ và tác giả Đông La cho rằng, một nhóm nhỏ cá nhân không thể tùy tiện liên hệ với đại sứ quán nước ngoài, vì đó là việc “quốc gia đại sự” và phải thông qua Bộ ngoại giao mới được tiến hành.
Bất kỳ ai cũng có thể ngay lập tức nảy ra câu hỏi: Những cá nhân muốn xin visa, học bổng du học và nguồn tài trợ từ các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam có được tự ý thực hiện không? Hay cần phải thông qua Bộ ngoại giao?”
Việc xin du học là thực hiện một việc thuộc phạm vi chính sách của nhà nước đã ban hành, sao lại có thể ví với chuyện cầu viện nước ngoài đòi xóa bỏ một điều luật vì dân, vì nước. Còn rất nhiều chuyện liên hệ với nước ngoài để làm ăn trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch, v.v…, không ai lại ngớ ngẩn cho là cầu viện nước ngoài cả!
Về chuyện “Nhóm 258 đã chống lại pháp luật Việt Nam, chống lại Quốc hội”?
Trịnh Hữu Long trích trong bài tôi viết: “...nhóm Đoan Trang đã sai và chống lại luật pháp Việt Nam, bởi Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy bị bắt vì phạm pháp chứ không phải vì họ ‘đã thực hiện quyền tự do biểu đạt bằng các đăng tải các bài viết ôn hoà lên blog của họ’”. Rồi so sánh: “Hồ Chí Minh đã từng bị bắt ít nhất hai lần vào năm 1931 ở Hồng Kông và năm 1942 ở Quảng Châu – Trung Quốc, đều với lý do “phạm pháp”. Các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt đều từng bị bắt và tống giam với lý do tương tự. Chúng ta hẳn cũng từng nghe qua câu nói của mục sư Martin Luther King: Đừng bao giờ quên rằng, tất cả những gì Hitler đã làm ở Đức đều là hợp pháp” (nguyên văn: “Never forget that everything Hitler did in Germany was legal”)”.
Đọc đoạn này tôi thật ngạc nhiên tại sao lại có một cái kiểu lý sự thật buồn cười như thế?
Trước hết, đã phạm pháp thì dù ở nước nào cũng bị xử lý, Phát Xít hay không Phát xít cũng vậy, như việc nước Mỹ truy lùng Snowden gần đây chẳng hạn. Trịnh Hữu Long đã rất sai trái và ngô nghê khi lại mang pháp luật của nước Đức thời Phát-xít Hít-le ra so sánh. Việc cho chế độ VN hiện thời bắt Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy phạm pháp là đã hành xử như chế độ phát xít là một cái nhìn bệnh hoạn, xuyên tạc, bất chấp thực tế. Bởi chủ nghĩa phát xít cho việc tiêu diệt dân Do Thái và xâm lược toàn thế giới là sứ mệnh của chúng, và thực tế chúng đã gây ra Cuộc Đại chiến thế giới thứ II kinh khủng khiếp. Có lẽ nào Nhà nước VN hiện thời cũng đang như thế? Còn việc so sánh Bác Hồ hoạt động cách mạng bị bắt cũng phạm pháp như những kẻ quấy rối làm càn thì cũng thật bậy bạ và mất dạy. Bởi Bác Hồ dấn thân vào chốn hiểm nguy vì công cuộc giải phóng đất nước, giành lại nền độc lập bị địch bắt, sao lại so với những tên viết bậy, nói bậy, quấy rối làm càn, hại dân hại nước, bị bắt theo theo pháp luật của chính Nhà nước VN? Không phân biệt được như vậy chẳng khác gì cho người chiến sĩ giết giặc trên chiến hào cũng như hành động của tên cướp giết người trên đường phố. Chỉ có một cái đầu trì độn và mất hết nhân tính mới nghĩ như thế mà thôi!
Trịnh Hữu Long bàn tiếp về chuyện “phạm pháp”:
Cần thiết phải hình dung về khái niệm “bị bắt vì phạm pháp” và khái niệm “pháp luật” một cách đầy đủ trước khi kết luận bất cứ một vấn đề pháp lý nào. Để làm được việc đó, một người nghiên cứu nghiêm túc nhất thiết không thể bỏ qua thông tin sau đây của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp):
Trong 10 năm, các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện trên 50 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Riêng Cục Kiểm tra văn bản đã tiếp nhận, kiểm tra trên 27 nghìn văn bản, phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau.” – Quyết định số 214/QĐ-KtrVB, ngày 23/8/2013.
Nếu nói rằng, hành vi ra tuyên bố yêu cầu bãi bỏ một điều luật là hành vi chống lại pháp luật Việt Nam, thì Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và các đại biểu Quốc hội là những người chống lại pháp luật Việt Nam một cách thường xuyên, lâu dài, có hệ thống và có tổ chức nhất.
Nếu nói như tác giả Đông La, rằngviệc làm của nhóm Đoan Trang thực sự là hành động chống lại việc thi hành công vụ của không chỉ một cá nhân, một cơ quan mà là Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam!thì hẳn Đông La đang tát những cú đầy cay nghiệt vào mặt các đại biểu Quốc hội, vốn thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp của cử tri về việc thi hành, sửa đổi luật, kể cả trực tiếp tại địa phương lẫn gián tiếp trên báo chí và môi trường mạng”.
Hiến pháp, các Bộ luật là lý thuyết chung, triển khai vào thực tế không thể không có sai phạm. Vì thế mới có Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Và khi kiểm tra thì việc Cục này thấy có những sai trái là lẽ đương nhiên. Cái chính là phải khắc phục. Còn các Đại biểu Quốc Hội, nhiệm vụ của họ là phải nghe ý kiến người dân để thể hiện ý kiến đó và ý kiến của chính họ trên nghị trường. Đó chính là dân chủ. Nhưng nên nhớ Đại biểu Quốc Hội khác với Quốc Hội, họ cũng có ý đúng, ý sai, dân cũng có ý đúng, ý sai. Như trường hợp 2 ông Nguyễn Minh Thuyết và Dương Trung Quốc chẳng hạn. Ông Thuyết từng đề nghị đình chỉ chức vụ Thủ tướng để điều tra vụ Vinashin, còn ông Quốc từng gợi ý Thủ tướng từ chức. Nhưng ý của họ đều sai và Quốc hội đã không quyết theo. Ông Thuyết, ông Quốc dù rất muốn ý mình được thực hiện nhưng đâu có dám như nhóm Đoan Trang ra tuyên bố kêu gọi người dân ủng hộ và  đi “cầu viện” nước ngoài. Đơn giản là vì các ông ấy già hơn thì khôn hơn.
Vì vậy, Trịnh Hữu Long đã sai hoàn toàn khi cho việc làm của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và việc các Đại biểu Quốc Hội thực thi công việc của mình cũng giống như hành động đòi bỏ hẳn một điều luật đã được Quốc Hội thông qua vì lợi ích chung.
Nhóm Đoan Trang, Phương Dung có quyền tự do ngôn luận theo lẽ phải của mình. Cái chính là phải chịu trách nhiệm về tính chất của hành động đó, bởi có thể theo mình là phải nhưng với ngưới khác là trái, và với cơ quan công quyền là phạm pháp!
Với một cái Tuyên bố mà như tôi và nhiều người đã chỉ ra sự sai trái trong nội dung của nó thì việc nhà nước bác bỏ là đương nhiên. Cô Phương Dung biện hộ cho việc “cầu viện” nước ngoài như thế này: “trong khi Nhà nước có quyền lực trong tay đàn áp người dân thì làm sao người dân có thể lên tiếng được”, nghĩa là cô đã cho lẽ phải hoàn toàn thuộc về mình, cho việc ý mình không được thực hiện là bị “Nhà nước đàn áp”, nên đã kêu gọi mọi người ủng hộ và đi “cầu viện” nước ngoài mong thực hiện kỳ được ý của mình. Vậy hành động đó không phải là kích động quần chúng và “cầu viện” ngoại bang để chống lại Quốc hội, chống lại nhà nước Việt Nam hiện thời thì là hành động gì?
Trong Lời kết, Trịnh Hữu Long viết:
Không thể phủ nhận là tôi dành nhiều thiện cảm cho blogger Nhật Lệ, bởi blogger trẻ tuổi này tỏ ra tôn trọng người khác và ít phạm lỗi ngụy biện hơn nhiều so với Đông La. Trong khi Đông La dùng phép ngụy biện tấn công cá nhân (ad hominem) đối với nhà báo Đoan Trang và nhóm 258, cũng như viện dẫn những vấn đề không liên quan đến Tuyên bố 258 như vụ Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đắc Kiên để kết luận vấn đề, thì blogger Nhật Lệ đã cố gắng tỏ ra lý lẽ, nhã nhặn và lịch sự”.
Tác giả “Tuyên bố 258” là một nhóm. Một nhóm là do những cá nhân cụ thể nhóm lại chứ không thể là những người vô hình. Với những cơ quan công quyền thì trước hành vi phạm pháp người ta phải lập hồ sơ điều tra cụ thể toàn diện về từng cá nhân, còn tôi viết một bài báo thì chỉ cần viết về người mà tôi biết rõ nhất, mà cũng tỏ ra nổi trội xông xáo nhất, đó chính là cô Đoan Trang. Vậy viết về Đoan Trang thì phải viết về toàn bộ những hành động và suy nghĩ của cô ta liên quan đến vụ việc. Nếu không chính tôi sẽ phạm tội vu cáo. Như những quan điểm của Đoan Trang về viết báo, về việc cô ủng hộ những cá nhân từng vi phạm Điều luật 258 như Hà Vũ, Đắc Kiên. Còn chuyện cô ta xấu đẹp, cao thấp, con cái nhà ai thì không liên quan, nên dành cho những ai ngồi lê đôi mách viết, chứ tôi thì không cần. Ngụy biện là biện bác bằng những chứng cớ giả, sai trái. Vậy Trịnh Hữu Long nói tôi “ngụy biện” thì ngụy biện cái gì? Với những chứng cớ xác thực tôi trích từ chính blog của Đoan Trang, liên quan trực tiếp về Điều 258, vậy Trịnh Hữu Long viết tôi “ngụy biện” thì không những viết bậy mà còn dốt nát, không hiểu nghĩa ngụy biện là gì!
Cả bài viết của Trịnh Hữu Long thể hiện một cái nhìn ấu trĩ, ngô nghệ, chỉ đọc được cái vỏ chữ mà không hiểu nghĩa là gì, giống như việc cứ thấy hai muối của Natri đều mầu trắng thì đều ăn được. Nhưng Natri clorua thì không ăn người ta sẽ chết, còn Natri Xyanua thì chỉ cần tí ti thôi, sau ít giây ăn phải người ta sẽ toi ngay! Một tư duy như vậy mà cũng đi bàn chuyện chính trị, chuyện đại sự quốc gia thì thật nguy hiểm. Cần phải biểu chuyện chính trị như nước sôi, ngu ngơ nhúng tay vào là bị bỏng đấy!
TPHCM
22-9-2013
ĐÔNG LA
Xem tiếp...